Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 16 tháng 08 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 16 tháng 08 năm 2022

 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu nguyên liệu

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

 

Thiếu nguồn nguyên liệu khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông đang phải “ăn đong” để duy trì hoạt động sản xuất. Việc chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ đang là bài toán nan giải cho nhiều doanh nghiệp.

Chật vật tìm nguồn nguyên liệu

Mỗi tháng, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cần 450 tấn nguyên liệu chanh dây để chế biến phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện tại, nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 20% công suất của nhà máy. Còn lại, đơn vị đang phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành lân cận như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai.

Theo bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty, hầu như ở các địa phương khác hiện đều có xưởng múc chanh dây, nên khi thu mua, phải có giá cạnh tranh hơn mới có nguồn hàng.

Cộng thêm chi phí vận chuyển khi chở về, nên chắc chắn giá thành phẩm của Công ty không thể cạnh tranh so với các đơn vị sản xuất khác. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy, bắt buộc Công ty phải thu mua.

“Chanh dây có quanh năm, nhưng ở Đắk Nông cũng đang có rất nhiều nhà máy. Vùng nguyên liệu lại chưa phát triển đồng bộ, nên chưa thể đủ cung ứng cho sản xuất”, bà Vân chia sẻ thêm.

 

 

Nguyên liệu chanh dây tại chỗ chỉ đáp ứng 20% công suất chế biến của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa)

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đắk Song cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nhiều tháng nay, Nhà máy buộc phải tạm dừng sản xuất vì nguồn nguyên liệu không đáp ứng được.

Theo ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Nhà máy, nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được 30% công suất sản xuất. Nhà máy hiện đang tìm thu mua sắn tươi tại Phú Yên, Đắk Lắk và cả Campuchia.

Giá thu mua sắn ở tỉnh ngoài có thấp hơn, nhưng chi phí phát sinh lại tăng mạnh. Cùng với đó, nguyên liệu sắn tươi vận chuyển đường dài cũng hao hụt khá lớn.

“Nhà máy có hỗ trợ về giống miễn phí cho bà con phát triển diện tích sắn, nhưng người dân trên địa bàn cũng không mặn mà với cây trồng này”, ông Nghĩa cho biết thêm.

 

 

70% nguyên liệu mỳ tươi tại Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song) đang phải thu mua từ các tỉnh lân cận

Từng bước tự chủ vùng nguyên liệu

Để ổn định nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đang xoay xở tìm các giải pháp liên kết xây dựng vùng trồng tập trung.

Theo bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, Công ty đang liên kết với các HTX, hộ nông dân trong khu vực để cung cấp giống, tạo dựng vùng nguyên liệu.

Theo đó, bước đầu, doanh nghiệp hiện đang trồng thử nghiệm 3 ha chanh dây và liên kết với các hộ dân xung quanh trồng khoảng gần 100 ha.

Công ty đang tiếp tục làm việc với ngành Nông nghiệp để rà soát xem vùng nào phù hợp với cây chanh dây để có thể khuyến khích bà con liên kết trồng ở quy mô lớn.

Trong năm 2022, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) đang liên kết trồng gần 100 ha nguyên liệu tại Đắk Nông. Bắt đầu vào tháng 10/2022 tới, toàn bộ số cây trồng này sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến, sản lượng mang lại từ những diện tích liên kết này đạt khoảng 3.000 tấn.

Trong Kế hoạch Đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đắk Nông đã nhấn mạnh tới việc hình thành các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân.

Hoạt động liên kết được thực hiện theo hướng “cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân” thông qua các hợp đồng.

Tỉnh khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung. Từ đó từng bước hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Lê Dung

 

Huyện Châu Thành A (Hậu Giang): Diện tích trồng cây ăn trái tăng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) trồng mới hơn 350ha cây ăn trái, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, tổng số vườn cây ăn trái toàn huyện được 5.796ha. Sản lượng thu hoạch được 54.400 ha, tăng hơn 17% so cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nên tình hình tiêu thụ nông sản của huyện Châu Thành A ổn định, giá bán các loại trái cây đều cao, nên nhà vườn rất phấn khởi. Mặt khác, năm nay cây ăn trái đạt năng suất khá. Theo tính toán của nhà vườn, 1ha trồng cây ăn trái, nếu trừ hết chi phí có thể đạt lợi nhuận từ 100-300 triệu đồng/năm.

PHÚ HỮU

 

Hướng đi nào cho vùng trồng chuối ngự ven sông Hồng?

Nguồn tin: Báo Lào Cai

 

Do bị bọ rệp, bọ giáp và bệnh vàng lá panama gây hại trên diện rộng ở các vườn trồng chuối ngự giá quả chuối xuống thấp, nên nhiều hộ đã chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cây khác. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và khiến diện tích vùng chuối ngự ven sông Hồng thuộc các xã Sơn Hà (Bảo Thắng), Cam Cọn (Bảo Yên) tỉnh Lào Cai thu hẹp nhanh chóng.

 

 

Nhiều buồng chuối ở xã Sơn Hải đến kỳ cho thu hoạch bị sâu, bệnh hại nên nông dân phải chặt bỏ.

Cây chuối ngự bén rễ vùng đất ven sông Hồng thuộc các xã Cam Cọn (Bảo Yên), Sơn Hà (Bảo Thắng) cách đây hơn 15 năm. Đây là giống chuối ngự ngon nổi tiếng, có nguồn gốc từ làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, được một số hộ đưa về trồng. Sau nhiều năm, diện tích chuối ngự không ngừng được mở rộng, có thời điểm lên đến hơn 60 ha. Cây chuối ngự từng bước khẳng định vị thế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác. Quả chuối ngự Lào Cai dần trở thành sản phẩm hàng hóa có mặt ở các tỉnh, thành và xuất khẩu sang Trung Quốc, với sản lượng trung bình mỗi tháng hơn 50 tấn quả. Nhờ trồng chuối ngự mà nhiều hộ ở các xã Sơn Hà, Cam Cọn có thu nhập cao; có hộ nhờ trồng chuối ngự mà xây được biệt thự, nhà vườn.

Nhưng đó là cảnh của những năm 2015 đến năm 2020, bây giờ thì ngược lại. Hiện nay, người dân trồng chuối ở vùng đất ven sông Hồng đang loay hoay chưa biết làm thế nào khi dịch bệnh như bọ rệp, vàng lá panama… hoành hành ở các vườn chuối ngự. Cùng với đó, giá quả chuối xuống thấp khiến nhiều hộ phải chặt bỏ, bởi nếu có chặt về bán thì cũng không ai mua, thậm chí thu không đủ chi tiền nhân công.

Anh Phạm Văn Doanh, thôn Hồng Cam, xã Cam Cọn nhớ lại: Vào thời điểm này cách đây 2 năm, tại xã Cam Cọn lúc nào cũng tấp nập ô tô ra, vào thu mua chuối. Nhất là vào những tháng cuối năm, thôn Hồng Cam đông vui vì tiểu thương đến mua chuối về bán dịp tết. Nhưng giờ, đang vào thời kỳ chuối chắc quả đến kỳ thu hoạch vụ hè, mỗi tuần chỉ lác đác vài xe tải nhỏ về mua chuối. Năm nay chuối mắc sâu bệnh, quả xấu mã, ruột bị sượng ngay cả khi đã chín, cùng với đó bên Trung Quốc không nhập hàng nên tư thương không thu mua nữa.

Năm 2019 - 2022, chuối có giá bán từ 7.000 đến 8.000 đồng/nải chuối (tương đương khoảng 10.000 đồng/kg), thậm chí dịp tết Nguyên đán, giá chuối lên đến 20.000/kg, nhưng hiện giờ giá chuối còn 3.000 - 4.000 đồng/kg mà tư thương cũng kén chọn chuối đẹp mã, ngon mới mua.

Được biết, thời kỳ đỉnh điểm là vào năm 2020, vùng trồng chuối ngự của xã Cam Cọn phát triển lên đến hơn 70 ha. Năm 2020, HTX Chuối ngự Hồng Cam được thành lập với mục đích hỗ trợ các hộ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để tăng năng suất và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế đối với sản phẩm chuối ngự địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tiêu thụ khó khăn khiến diện tích chuối ngự giảm nhiều. Đặc biệt, riêng thôn Hồng Cam, thôn trọng điểm về phát triển cây chuối ngự, đã có hơn 2 ha chuối bị nhiễm sâu bệnh, có nguy cơ phải chặt bỏ hoàn toàn.

Sang xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) chúng tôi thấy các vườn chuối ngự cũng chung cảnh ngộ. Tại thôn An Thắng, nhiều hộ đang chặt bỏ những buồng chuối ngự đã già nhưng không bán được để cho cá hoặc bò ăn, thậm chí có hộ phá hẳn cả vườn chuối để chuyển sang trồng cây khác.

 

 

Người dân vùng trồng chuối Hồng Cam, xã Cam Cọn phải chặt bỏ cả vườn để chuyển sang trồng cây khác.

Theo ông Vũ Thành Lân, Trưởng thôn An Thắng, chưa khi nào người trồng chuối ngự ở đây gặp thiệt hại “kép” như vụ chuối năm nay, khi cây chuối vừa bị sâu, bệnh tàn phá, trong khi giá quả chuối xuống mức thấp chưa từng có, thậm chí còn không có tư thương đến thu mua. Vì thế nhiều hộ trồng chuối ngự ở An Thắng đang chặt bỏ các vườn chuối để chuyển sang trồng cây khác. Năm 2019, thôn có 5 ha chuối, nhưng đến giờ, diện tích giảm còn khoảng 1,5 ha.

Đang chặt bỏ những bụi chuối đã có buồng, chị Lê Thị Thúy, thôn An Thắng, xã Sơn Hà ngậm ngùi: Nhà tôi trồng chuối ngự từ mấy năm nay, nhưng chưa khi nào cây chuối lại cùng lúc mắc nhiều bệnh như vậy. Khi cây chuối bị sâu, bệnh tấn công sẽ không có thu hoạch, nếu có ra buồng thì cũng không bán được do quả có vết thâm trên vỏ và ruột bị sượng khi chín. Năm nay, gia đình tôi sẽ chặt bỏ một nửa diện tích chuối ngự để chuyển sang trồng cỏ voi nuôi bò.

Theo bà Đỗ Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, xã hiện có 3 thôn ven sông Hồng là An Thắng, An Trà, An Hồng trồng chuối ngự với tổng diện tích gần 10 ha, đến thời điểm này có hơn 7 ha chuối bị nhiễm sâu bệnh làm giảm năng suất, thậm chí có vườn chuối phải chặt bỏ.

Vùng trồng chuối ngự ven sông Hồng đang có khoảng 70 ha, trong đó xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên) có 60 ha và xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) có 10 ha. Định hướng đến năm 2025, vùng chuối này sẽ phát triển lên khoảng 80 đến 100 ha. Để chuối ngự thành sản phẩm OCOP của địa phương, ngoài những cơ chế khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng chuối, các địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sản phẩm được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được gắn tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cũng như chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, trước tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, trong khi phương án phòng, trừ sâu, bệnh chưa hiệu quả nên nguy cơ vùng chuối ngự hàng hóa sẽ thu hẹp và liên tục thất thu là khó tránh khỏi.

Theo một cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nếu cây chuối ngự được trồng liên tục nhiều năm trên cùng khu đất sẽ rất dễ mắc bệnh vàng lá do virus, do nấm và bị sâu bọ giáp tấn công, đây đều là những loại sâu, bệnh chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Vì vậy, việc tìm giải pháp chuyển đổi giống cây trồng phù hợp để khai thác lợi thế đất bãi ven sông Hồng hiệu quả đang là bài toán cần các cấp, các ngành chuyên môn sớm có lời giải.

Tùng Lâm

 

Trăn trở vì ‘cõng’ phí sản xuất, mong giá cả vật tư bình ổn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Nông dân cần bình ổn giá vật tư nông nghiệp để sản xuất có lời.

Nhiều nông dân trăn trở vì “cõng” chi phí sản xuất, bởi giá vật tư nông nghiệp hiện ở mức cao, chi phí thuê đất, nhân công… cũng tăng vọt, khiến cho lợi nhuận nhà nông ngày càng bị teo tóp, thậm chí là không có lời. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân bày tỏ nỗi niềm, trong đó mong muốn giá vật tư nông nghiệp nhanh chóng được bình ổn.

“Cõng” chi phí tăng

Làm 10 công lúa, vụ Hè Thu này, ông Nguyễn Văn Khoa (Tám Khoa) ở ấp Trung Hưng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Chi phí vụ này bị đội lên, tổng cộng tốn khoảng 20 triệu đồng.

Ông Tám liệt kê, tiền xới đất là 1.800.000đ, trục đất 400.000đ, tiền giống 2.100.000đ, chi phí phân thuốc khoảng 12.000.000đ, tiền thuê xịt giống, bón phân khoảng 1.000.000đ… Các chi phí đều tăng, đáng nói là mùa này một số loại phân tăng giá đến hơn 300.000 đ/bao, có loại tăng gấp đôi.

Hôm gặp chúng tôi, ông Tám Khoa cho biết đã nhận cọc chờ ngày thu hoạch lúa, giá bán là 6.000 đ/kg. “Với năng suất 25 giạ/công, tui đã ngồi nhẩm tính thì không có lời. Bởi vậy, làm xong vụ này thì tui sẽ bỏ chớ không làm thêm vụ 3”.

Theo ông Tám “nguyên nhân là do chi phí cao quá, chỉ riêng vật tư đã chiếm muốn hết. Nhiều năm nay đã vậy, gần đây chi phí càng đội lên cao hơn”.

Cũng ở xã Trung Hiệp, anh Nguyễn Hữu Thông ở ấp Rạch Nưng trồng gần 20 công cam, than vãn: “Phân thuốc bây giờ mắc quá, nông dân làm vất vả, giá nông sản bấp bênh nên lời không nhiều, thậm chí còn bị lỗ.

Đáng nói là khi giá xăng tăng thì giá phân thuốc tăng theo rất nhanh nhưng khi giá xăng giảm thì giá phân thuốc vẫn “ngự” ở mức cao”.

Mang ra bao phân vừa mua hôm trước, anh Thông nói: Giá bao phân này hồi trước 650.000 đ/bao, giờ là 1.400.000 đ/bao “mà trả tiền mặt chớ mua thiếu thì giá còn cao hơn. Tính ra bán bao nhiêu giạ lúa, bao nhiêu ký cam mới mua được một bao phân”.

Anh Thông chia sẻ: Mấy lần đi mua phân, nghĩ là chuẩn bị đủ tiền rồi nhưng khi tới cửa hàng thì được cho hay giá đã tăng lên. Bị hụt tiền nên phải mua giảm số lượng so dự kiến.

Anh Thông cho biết thêm, nếu trước đây mướn đất trồng cam tốn chi phí đầu tư 70 triệu đồng/công thì hiện đã tăng lên khoảng trăm triệu đồng/công. Năm ngoái mướn đất 5 triệu đồng/công/năm, giờ lên 6 triệu đồng. Chai thuốc cỏ lúc trước 150.000 đ/chai, giờ 200.000 đ/chai. Phân Urê trước đây 450.000 đ/bao, giờ lên 800.000- 900.000 đ/bao…

Theo anh Thông, nông dân trồng lúa đã gặp khó, nhiều người bỏ vụ. Còn nông dân trồng cam thì “hồi xưa có thể lời nhiều chớ bây giờ lời meo lắm”. Để giảm chi phí phân thuốc và nâng cao chất lượng trái cam, anh Thông đã áp dụng trồng cam theo hướng hữu cơ, xài thuốc sinh học, hạn chế thấp nhất xài phân thuốc hóa học.

Cần bình ổn giá cả vật tư

Hớp ngụm trà với ánh mắt suy tư, anh Thông đề xuất: “Ngành chức năng cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp giá cả vật tư nông nghiệp bình ổn. Bên cạnh, quan tâm đê điều, cống bộng để đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu vì canh tác thì “nhất nước, nhì phân…”. Có vậy thì nông dân sản xuất nông nghiệp mới có lời, giúp ổn định cuộc sống”.

Cập nhật giá cả phân thuốc hàng ngày, ông Nguyễn Thanh Hùng- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Rạch Nưng cho biết: Ở đây làm ruộng hầu như nông dân xài phân loại 1,4 triệu đồng/bao vì đất ở đây rất nghèo dinh dưỡng, nên khi phân tăng giá và giữ ở mức cao như hiện nay bà còn rất rầu.

Sản phẩm làm ra đã vất vả, chi phí lại tăng, trong khi bán ra cũng bị thiệt vì phải qua nhiều khâu trung gian. Tuy nhiên, từ chi phí nhân công đến giá vật tư nông nghiệp gần đây đều tăng cao sẽ gây khó cho nông dân. Do đó, cần làm sao cân đối bình ổn giá cả phân bón, thuốc trừ sâu…

Ông Nguyễn Hồng Nâu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hiệp cho biết: Thời gian qua, nhiều nông dân trồng lúa “gánh” quá nhiều chi phí tăng, nên không có lời, nhiều người đã bỏ vụ, có người chuyển sang trồng màu, cam, bưởi… để cải thiện thu nhập, điều này rất mừng, nhưng ngược lại cũng rất băn khoăn do nông dân lên vườn quá mức quy định, máy móc đi lại khó khăn, dịch bệnh, sâu bọ… sẽ ảnh hưởng đến những người trồng lúa còn lại.

Tới đây, BCH Hội Nông dân xã kiến nghị phải có quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất; quan tâm xử lý vấn đề kinh bộng sao cho đảm bảo nước tưới tiêu. Đồng thời, làm sao cân đối bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Khoa: Hiện nông dân chăn nuôi, trồng trọt đều gặp khó khăn, bởi nông sản bán không có giá. Nếu chỉ làm 5- 10 công ruộng thì khó có dư, muốn nuôi con ăn học thì phải làm thêm nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Tôi mong muốn sắp tới giá lúa sẽ tăng cao hơn, đặc biệt là chi phí phân thuốc giảm xuống để nông dân có lời khá hơn.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

 

Thái Nguyên: Phát triển bền vững cây dược liệu

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

 

HTX dịch vụ Hoa Trung, ở phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên), hiện có 10ha nguyên liệu để sản xuất, chế biến cao đinh lăng, trà đinh lăng.

Khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển các loại cây dược liệu. Qua đó, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho lĩnh vực Y học cổ truyền, góp phần bảo tồn những loại thuốc quý.

Với 10ha trồng cây đinh lăng, hiện nay, HTX dịch vụ Hoa Trung, ở phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên), đang sản xuất 2 sản phẩm chính là trà đinh lăng và cao đinh lăng. Ông Phạm Văn Hoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, chia sẻ: Theo y học cổ truyền, cây đinh lăng không chỉ là thuốc bổ, mà còn có tác dụng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh. Mỗi bộ phận của cây đều sử dụng cho từng bài thuốc riêng, nên khai thác được từ lá đến gốc, củ, rễ... Chính vì vậy, năm 2016, chúng tôi bắt đầu trồng đinh lăng, đến năm 2018, HTX có sản phẩm đầu tiên là trà đinh lăng Hoa Bàng. Đến năm 2019, cao đinh lăng Hoa Bàng cũng được sản xuất thành công. Cả 2 sản phẩm của HTX đều được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2020.

Theo hạch toán của HTX, kinh phí chi cho mỗi héc-ta đinh lăng trồng mới là 180 triệu đồng, sau 4 năm cho thu hoạch khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất, cây trồng này đem lại thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài các sản phẩm từ cây đinh lăng, hiện nay, HTX đang sản xuất thêm 4 sản phẩm mới là: Cao xạ đen; cao xương khớp; cao chữa bệnh mỡ máu, men gan cao và trà xạ đen.

Còn đối với Công ty TNHH cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, ở xã La Hiên (Võ Nhai), đơn vị có sản phẩm siro ho An Phế cho người lớn và trẻ em, đã công bố trên toàn quốc và được sự đón nhận, phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Ngoài ra, Công ty còn có các sản phẩm chế biến từ cây thuốc nam, có công dụng chữa thoát vị đĩa đệm, bệnh về đại tràng, các bệnh đường hô hấp, da liễu...

 

 

Công nhân Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK, ở xã Yên Ninh (Phú Lương) chế biến dây thìa canh.

Theo anh Dương Trung Kiên, Giám đốc Công ty: Thời gian qua, đơn vị đã nhân giống được 77 cây thuốc quý và có 50 loại thuốc cung cấp ra thị trường. Để chủ động được vùng nguyên liệu phong phú với gần 200 loại cây như hiện nay, Công ty đã liên kết sản xuất với các hộ dân trong và ngoài tỉnh, với diện tích lên đến hàng trăm ha. Trong đó, có nhiều loại cây quý như: Bạch cập, khôi nhung, hà thủ ô, cát sâm, vảy rồng…

Tìm hiểu chúng tôi được biết, do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với một số cây dược liệu nên Thái Nguyên có tới hơn 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc có giá trị kinh tế cao, như: Giảo cổ lam, ích mẫu, mã tiền, kim tiền thảo, ba kích, cát sâm, sa nhân, khôi nhung, cà gai leo, trà hoa vàng…

Các loại dược liệu phân bố rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh. Cụ thể, tại huyện Võ Nhai, diện tích trồng cây dược liệu đạt trên 60ha, gồm: Đinh lăng, hà thủ ô,sâm cát,cà gai leo, trà hoa vàng, giảo cổ lam, hương nhu, khôi tía... Tại huyện Đại Từ, diện tích trồng dược liệu khoảng trên dưới 30ha, gồm các loại cây: Ba kích, sa nhân, đinh lăng. Huyện Định Hóa chủ yếu phát triển cây quế.

Việc phát triển đa dạng các loại cây dược liệu giúp người dân Thái Nguyên phát huy thế mạnh đồi rừng, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chế biến dược liệu thành các sản phẩm, góp phần tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho người trồng cây dược liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Điển hình như: Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dược thảo Hoà Bình, ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) trồng, chế biến trà giảo cổ lam; Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK, ở xã Yên Ninh (Phú Lương) chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dây thìa canh…

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển và mở rộng các loại cây dược liệu có giá trị. Đơn cử như trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn xã Nghinh Tường (Võ Nhai) và phường Châu Sơn (TP. Sông Công) với tổng diện tích 10ha. Trung bình 1ha, bà con thu hoạch được gần 6.000kg củ tươi, với giá bán dao động từ 100-200 nghìn đồng/kg, cho thu trung bình 900 triệu đồng/ha, chưa trừ chi phí.

Còn trong năm 2020 và 2021, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cũng đã phối hợp với 16 hộ dân ở các xã: Sảng Mộc, Thần Sa, Cúc Đường và Phú Thượng (Võ Nhai) thực hiện trồng 12ha cây ba kích và cát sâm dưới tán rừng. Quá trình theo dõi cho thấy, 2 loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hứa hẹn cho thu nhập cao hơn cây ngô.

Mặc dù trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây nông nghiệp khác, song thực tế cho thấy, việc phát triển loại cây này trên địa bàn tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung; chưa có cơ sở hoặc nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm dược liệu chủ yếu mới qua sơ chế, chế biến thô nên giá trị kinh tế chưa cao...

Trước thực trạng trên, để phát triển bền vững cây dược liệu, ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống thì việc các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đẩy mạnh liên kết nhằm xây dựng vùng trồng tập trung cũng cần được chú trọng. Từ đó sẽ tạo sức hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến các sản phẩm dược liệu. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững vùng sản xuất cây dược liệu tại Thái Nguyên.

Lương Hạnh

 

Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi trùn quế

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Trong những năm qua, mô hình nuôi trùn quế cung cấp phân bón cho cây trồng ngày càng được người nông dân quan tâm vì đây là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao.

 

 

Mô hình nuôi trùn quế giúp gia đình ông Nguyễn Văn Ta thoát nghèo.

Phân trùn quế là phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng; góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Đây còn là một trong những phương pháp bảo vệ môi trường, vì thức ăn cho trùn quế chủ yếu là các loại phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ, trong đó, thức ăn tốt nhất là phân trâu, bò, heo, gà...

Tại Tây Ninh, mô hình nuôi trùn quế cũng được triển khai ở một số địa phương, nhiều nhất ở Tân Biên, Tân Châu. Tại Hoà Thành, mô hình nuôi trùn quế của ông Nguyễn Văn Ta (sinh năm 1956) ngụ ấp Trường Cửu, xã Trường Hoà được xem là mô hình tiên phong trên địa bàn. Nhờ thực hiện mô hình nuôi trùn quế, gia đình ông Ta từng bước thoát khỏi diện cận nghèo của địa phương và có nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống.

Quan tâm và nghiên cứu về mô hình nuôi trùn quế đã lâu nhưng vì gia đình khó khăn, ông Ta không có vốn để bắt tay thực hiện mô hình nuôi trùn quế tại nhà. Năm 2018, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện, ông Ta mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thực hiện cơ sở nuôi trùn quế thí điểm của xã.

Thời gian đầu, ông Ta gặp không ít khó khăn khi hiện thực hoá mô hình. Để tiết kiệm chi phí, hầu hết các công đoạn đều do ông Ta tự làm. Ban đầu, ông đầu tư một chuồng nuôi với kích thước khoảng 10m2 và mua khoảng 100kg con giống trùn quế. Tuy nhiên, ông không nuôi hết cả chuồng mà chỉ nuôi thử nghiệm với diện tích nhỏ khoảng 3m2. Vừa làm, ông Ta vừa nghiên cứu thêm kiến thức, tài liệu trên internet và tham quan thực tế tại một số cơ sở nuôi trùn quế khác trong tỉnh.

Khởi nghiệp ở tuổi ngoài 60, ông Ta vẫn rất hăng say, nhiệt huyết và luôn có niềm tin vào mô hình này. Sau khi nuôi thử nghiệm thành công, ông Ta nhân rộng hết diện tích chuồng. Năm 2021, ông Ta tiếp tục được Hội Nông dân xã xét cho vay thêm 20 triệu đồng từ nguồn vốn góp vốn xoay vòng. Có thêm chi phí, ông Ta đầu tư thêm 2 chuồng nuôi trùn nhỏ. Tổng diện tích nuôi trùn quế hiện tại hơn 30m2. Trung bình, mỗi tháng trùn quế tiêu thụ khoảng 4,5 tấn phân bò, thời gian thu hoạch phân trùn quế khoảng 1 tháng/lần.

Theo ông Ta, mô hình nuôi trùn quế khá đơn giản, người nuôi cần bảo đảm các yếu tố cơ bản gồm: con giống, chuồng trại, chất nền, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, thức ăn. Sau đó là nhân giống và thu hoạch. Mỗi yếu tố cần phải có kỹ thuật riêng.

Kinh nghiệm được đúc kết dần qua thời gian quan sát, chăm sóc trùn quế. Nhiều người nuôi trùn quế bằng các phụ phẩm sinh học khác nhưng ông Ta chỉ dùng duy nhất phân bò vì theo ông phân bò tốt và an toàn cho hệ tiêu hoá của trùn quế nhất. Bên cạnh đó, cũng ít mùi, không gây ô nhiễm môi trường nuôi.

“Nếu có kinh nghiệm nuôi trùn quế thì công việc này khá nhàn, một người làm vẫn được, chỉ phải thuê thêm công khi thu hoạch phân trùn vào bao, nén viên... Người nuôi cần bảo đảm cung cấp thức ăn, nước giữ ẩm và che chắn bảo vệ cho trùn quế không bị kiến, dế nhũi và một số động vật khác cắn chết. Ngoài ra, người nuôi phải bảo đảm chuồng trại ở nơi ít nắng, giữ ẩm thường xuyên”- ông Ta chia sẻ kinh nghiệm nuôi trùn quế.

Thời gian đầu, ông Ta chủ yếu nuôi trùn quế để rút kinh nghiệm chăm sóc, nhân giống và mở rộng diện tích nuôi. Vài tháng trở lại đây, ông bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch phân trùn quế để bán vì trùn quế lúc này đã cho phân ổn định. Mỗi tháng, ông Ta bán được khoảng 2 tấn phân trùn quế với giá 6 triệu đồng/tấn. Biết được cơ sở nuôi trùn quế của ông Ta, nhiều nhà vườn chủ động liên hệ mua, đầu ra cho sản phẩm ngày càng ổn định.

Theo ông Ta, phân bón trùn quế được nhà nông ưa chuộng vì hàm lượng đạm cao. Khi sử dụng phân trùn quế bón cây sẽ tạo thành vi sinh giúp cây phát triển, đồng thời góp phần cải tạo đất trồng. Với nhu cầu ngày càng tăng, ông Ta dự định sẽ mở rộng thêm chuồng trại để tăng diện tích nuôi trùn quế trong thời gian tới. Ngoài ra, ông cũng sẽ đầu tư thêm máy nén viên và bao bì để sản phẩm ra thị trường chỉn chu, đẹp mắt và bảo đảm vệ sinh hơn.

Đánh giá về hiệu quả mô hình nuôi trùn quế của ông Ta, ông Phạm Minh Thông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Hoà chia sẻ: “Hội Nông dân xã rất vui mừng khi mô hình nuôi trùn quế thí điểm của ông Ta thành công và mang lại lợi nhuận kinh tế, từng bước giúp gia đình ông Ta ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho hội viên 4 ấp đến cơ sở nuôi trùn quế của ông Ta học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình cho các hộ hội viên có nhu cầu. Mô hình nuôi trùn quế không cần diện tích rộng, ít công chăm sóc, phù hợp với các hộ gia đình muốn tăng thêm thu nhập”.

Lê Thuỳ - Hoà Khang

 

Những nông dân thời 4.0

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

 

Lâu nay, cứ nói đến nông dân là người ta liên tưởng đến những người luôn vất vả, nhọc nhằn với lao động tay chân, một nắng hai sương để tạo ra hạt lúa, củ khoai. Nhưng trong thời đại 4.0, đã có những nông dân nhanh nhạy, bắt kịp xu thế, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm giàu, góp phần tạo việc làm và tích cực giúp đỡ người nghèo tại địa phương.

Làm giàu theo hướng thương mại, dịch vụ

Trên cánh đồng rộng hàng chục héc ta của xã Diên Điền (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang rộn ràng thu hoạch vụ lúa hè thu, hình ảnh lão nông điềm đạm, rắn rỏi đang đôn đốc đội máy cắt, máy cuộn rơm khẩn trương làm xong việc để tránh cơn mưa dông cuối buổi chiều thu hút sự chú ý của chúng tôi. Đó là ông Lê Văn Nhân (71 tuổi, thôn Trung 2, xã Diên Điền), người đã làm giàu từ chính đồng đất quê hương. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại rộng hơn 2ha của gia đình, ông Nhân hào hứng giới thiệu từ các hồ nuôi cá nước ngọt, 300 cây dừa xiêm đang cho thu hoạch đến trại gà sạch và nhà kho rộng hàng trăm mét vuông để chứa rơm khô. Ông Nhân chia sẻ: “Gần 30 năm trước, từ bàn tay trắng, tôi khai hoang được 1-2ha gần đập Am Chúa để trồng lúa. Đến nay, tôi đã có 8ha trồng lúa cho thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm; 0,7ha hồ nuôi cá trê, rô phi, cá chép cho thu nhập 800 triệu đồng/năm; thu từ nuôi gà 400 triệu đồng”.

 

 

Ông Lê Văn Nhân đôn đốc đội máy gặt thu hoạch lúa hè thu cho người dân.

Ở vùng đất thuần nông này, nguồn thu nhập của gia đình ông Nhân là niềm mơ ước đối với các hộ nông dân. Tuy nhiên, thu nhập lớn nhất của gia đình ông Nhân lại đến từ dịch vụ nông nghiệp với số tiền thu về khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, ông có đội máy cày, máy gặt với 12 máy để nhận làm dịch vụ cho nông dân ở các vùng: Diên Thạnh, Diên Phước, Diên Sơn, Diên Điền… Hiện nay, tổng doanh thu các nguồn của gia đình ông khoảng 4,5 tỷ đồng/năm, thu lãi 1,5 tỷ đồng.

Tại huyện Vạn Ninh, bà Phạm Thị Thuận - Chủ cơ sở sản xuất Chả cá Thuận ở thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú, đã có công góp phần đưa món chả cá dân dã trở nên nức tiếng trong và ngoài tỉnh. Bà Thuận chia sẻ: “Hơn 30 năm trước, tôi buôn bán cá ở chợ Giã. Thường ngày, tôi chọn vài ký cá tươi nhất, đem về làm chả dùng trong gia đình và chia cho xóm giềng, bạn hàng. Ai ăn cũng khen ngon. Dần dà, tôi làm thêm chả cá bỏ mối cho bạn hàng trong chợ, các quán ăn ở thị trấn Vạn Giã”. Khởi nghiệp ban đầu chỉ với vài ký chả cá, được nạo, quết bằng tay; đến nay cơ sở Chả cá Thuận đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải trên diện tích 2.000m2. Mỗi ngày, cơ sở cung cấp 1 tấn chả cá cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

 

Máy quết chả tự động của cơ sở chả cá Thuận

Năm 2018, bà Thuận còn đầu tư 500 ô lồng trên diện tích 8.000m2 và 3 lồng vật liệu mới HDPE ở vùng biển Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) để nuôi cá chim, cá bớp, cá bè và cá mú. Nhờ tận dụng phụ phẩm từ làm chả cá để làm thức ăn cho cá nuôi, biết tổ chức cung ứng thức ăn nuôi cá, thu mua cá thương phẩm của các hộ nuôi trong khu vực để trở thành đầu mối lớn về nuôi trồng, buôn bán hải sản trong vùng, gia đình bà thu lãi khoảng 4 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất chả cá, nuôi trồng và thu mua hải sản.

Bắt nhịp tiến bộ khoa học công nghệ

Để gặt hái thành công, các hộ nông dân tiêu biểu đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, máy móc để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nhân, muốn làm giàu từ nông nghiệp phải đi theo hướng thương mại, dịch vụ. Với quan điểm đó, từ năm 2017, ông đã đầu tư sản xuất lúa giống năng suất cao trên diện tích 9ha có liên kết với doanh nghiệp lúa giống. Nhờ chất lượng lúa giống tốt và năng suất đạt 68 - 70 tạ/ha, không phải lo lắng đầu ra nên cho thu nhập cao. Đồng thời, ông còn mạnh dạn đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất và cung cấp dịch vụ. “Tôi được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua máy móc phục vụ sản xuất gồm: 6 máy gặt đập liên hợp, 6 máy cày đại thế hệ mới, 4 máy cuộn rơm có trị giá 500 - 600 triệu đồng/máy. Ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp nông dân giảm thời gian, chi phí, công lao động và tăng thu nhập” - ông Nhân nói. Bên cạnh đó, ông còn thu mua rơm cho các hộ dân, đưa máy cuộn rơm vào thu gom và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm rơm cuộn phục vụ cho chăn nuôi, làm vườn, làm nấm… Khi nuôi gà sạch, ông tự nghiên cứu máy sơ chế nén thức ăn hỗn hợp thành viên cám cho gà ăn có thành phần gồm cám gạo, vỏ trứng, ruồi lính đen và ủ men vi sinh.

Cơ sở Chả cá Thuận phát triển quy mô như hiện nay phần lớn là nhờ vào hệ thống máy móc phục vụ sản xuất mà chủ cơ sở đã đầu tư hàng tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ quy trình từ phân tách thịt cá, sơ chế, quết chả, định hình, đóng gói… của cơ sở đều do máy móc thực hiện. “Máy móc hỗ trợ rất nhiều cho quá trình làm ra sản phẩm chả cá thơm ngon, đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ tính riêng công đoạn tách thịt cá ra khỏi xương, nếu như 10 năm trước, cần tới 150 công nhân làm thủ công miệt mài ngày đêm mới tách được nguyên liệu để làm 200kg chả. Hiện nay, chỉ cần 5 công nhân vận hành máy tách xương mỗi ngày tách được 2 tấn nguyên liệu để làm ra 1 tấn chả. Hoặc như máy quết chả, máy móc làm rất đều, tự ngắt khi đã quết đủ độ sánh nên sản phẩm làm ra chất lượng đồng đều. Xưa quết bằng tay, vừa chậm vừa không đều, tỷ lệ chả bị hư rất lớn” - bà Thuận chia sẻ. Nhờ đó, chả cá Thuận được công nhận chất lượng thơm ngon, an toàn, được Viện Thực phẩm Việt Nam trao chứng nhận thực phẩm sạch - an toàn vì người tiêu dùng năm 2014; là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia năm 2020 và là sản phẩm 3 sao OCOP của tỉnh.

Sẻ chia với cộng đồng

Xuất thân từ gia đình nghèo nên khi đã có sự thành công nhất định trong cuộc sống, ông Nhân, bà Thuận đã tạo việc làm và giúp đỡ nhiều hộ nghèo tại địa phương. Ông Nhân sử dụng 6 lao động thường xuyên với mức lương 10 triệu đồng/tháng; vào vụ cày, gặt sử dụng hơn 30 lao động với mức lương 12-15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông còn giúp 3 hộ tại địa phương thoát nghèo nhờ cho vay vốn phát triển kinh tế; vận động 30 hộ nông dân tham gia trồng lúa giống năng suất cao trên diện tích 7ha, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Bà Thuận được nhiều người dân xã Vạn Phú đánh giá có tấm lòng thiện nguyện, luôn quan tâm, hỗ trợ phụ nữ nghèo, hộ dân khó khăn đột xuất. Trong 100 lao động đang làm việc cho gia đình bà có hơn một nửa là phụ nữ. Không chỉ tạo việc làm, bà Thuận còn hỗ trợ gạo và thực phẩm vào những lúc khó khăn. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, bà đã có nhiều đợt cung cấp gạo, cá, rau xanh cho các khu vực bị phong tỏa. Chị Nguyễn Thị Viết Thảo (thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú) chia sẻ: “Chồng bị dị tật ở mắt, một mình tôi đi làm nuôi 2 con ăn học. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, bà Thuận đã nhận tôi vào làm việc, còn giúp tiền đóng học phí cho con, thỉnh thoảng cho gạo, cá, thức ăn…”.

Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá, bà Phạm Thị Thuận và ông Lê Văn Nhân là 2 gương nông dân xuất sắc của tỉnh (bà Thuận đạt Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; ông Nhân đạt nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi cấp Trung ương). Họ là những người đi đầu trong phong trào nông dân SXKD giỏi tại địa phương. Nông dân ngày nay đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Một số hộ nông dân SXKD giỏi đã đại diện cho người sản xuất ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Từ phong trào nông dân SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi hướng đi mới để nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh Khánh Hòa có 62.363 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp (cấp Trung ương 157 hộ, cấp tỉnh 1.804 hộ, cấp huyện 9.909 hộ, cấp xã 50.493 hộ), tăng hơn 2.500 hộ so với giai đoạn 2011 - 2016. Các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, đặc biệt là nông dân SXKD giỏi giúp cho 30.000 lao động có việc làm thường xuyên; giúp hơn 4.500 hộ nghèo, cận nghèo về con, cây giống, 3.500 tấn phân bón, 35.000 ngày công lao động với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xây dựng hơn 30 căn nhà đoàn kết nông dân, trị giá mỗi căn từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng tặng hội viên nghèo; giúp 1.300 hộ thoát nghèo, góp phần giảm số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

C.Đ - H.D

 

Bảo tồn giống bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn

Nguồn tin: Báo Hà Giang

 

Giống bò Vàng vùng Cao nguyên đá Hà Giang hay còn gọi là bò Mông được nuôi dưỡng từ lâu đời, có sức chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của khí hậu và dịch bệnh. Giống bò có nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu kham khổ, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, trước đây nuôi bò gặp nhiều thách thức, việc khai thác đàn bò Vàng còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nên nảy sinh nhiều bất cập, không phát huy hết giá trị. Việc bán hoặc giết thịt một số lượng lớn bò giống tốt đã gây suy thoái chất lượng đàn bò. Ngoài ra, hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác tuyển chọn bò đực giống chưa được đầu tư theo đúng yêu cầu nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao.

 

 

Từ phương pháp thụ tinh nhân tạo, bê con của gia đình anh Vàng Mí Và, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn phát triển khỏe mạnh.

Nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển giống bò Vàng địa phương, qua khảo sát thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng điều phối nông thôn miền núi phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi (GCTVVN) Phố Bảng triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh sản phát triển giống bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn”. Bằng cách áp dụng kỹ thuật sản xuất, thụ tinh nhân tạo giống bò Vàng thay thế phương pháp phối giống truyền thống, nhằm nâng cao chất lượng giống bò, đảm bảo quyền và lợi ích kinh tế cho đồng bào Mông ở vùng cao.

Bà Mai Thị Nhung, quyền Giám đốc Trung tâm GCTVVN Phố Bảng cho biết: Dự án triển khai từ tháng 7.2019 đến tháng 6.2022, trong đó tổ chức ký kết với đơn vị chuyển giao công nghệ, chọn các nhà cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng, thiết bị máy móc chuyên dụng trong xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức mở các lớp đào tạo, tập huấn cho kỹ thuật viên là cán bộ trung tâm, cán bộ và người dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá tham gia. Trong đó, tập trung đào tạo về kỹ thuật chọn lọc bò đực giống, bò cái; sản xuất tinh bò dạng cọng rạ; bảo quản và phân phối tinh dịch; thụ tinh nhân tạo bò, phát hiện bò cái động dục; chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, phòng bệnh cho đàn bò. Cùng với đó, hoàn thiện về cơ sở vật chất chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống làm mát, khu chế biến thức ăn, khu trồng cây thức ăn thô xanh. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị sản xuất tinh cọng rạ gồm máy nạp tinh và cọng rạ, máy in cọng rạ, tủ đông lạnh tinh và giá chứa cọng rạ mi ni.

Quá trình thực hiện dự án đã sản xuất được 46.800 liều tinh, cung ứng cho 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 400 con bò cái bằng tinh nhân tạo tự sản xuất, 100% số bò có chửa và sinh được 375 con. Từ năm 2019 – 2022, các huyện nhân rộng mô hình thụ tinh được 13.327 con, số con thụ tinh thành công 8.678 con. Đặc biệt với việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ thụ thai đạt hiệu quả cao, chất lượng bê con sinh sản có trọng lượng đạt từ 25 - 30 kg/con, tăng 4 – 6 kg so với sinh sản tự nhiên. Nhận thấy hiệu quả từ dự án, nhiều gia đình trên địa bàn 4 huyện vùng cao đã thay đổi cách thức phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Anh Vàng Mí Và, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn chia sẻ: Tôi chăn nuôi bò sinh sản lâu năm tại địa phương, năm 2021 được sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ Trung tâm GCTVVN Phố Bảng, gia đình đã sử dụng tinh bò để thụ tinh nhân tạo. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao khoảng 20 - 25% so với bò địa phương.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ sinh sản phát triển giống bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn” không chỉ góp phần nâng cao thể trạng cũng như chất lượng đàn bò, khắc phục hiện tượng giao phối tự nhiên, giao phối cận huyết trên đàn gia súc dẫn đến suy thoái đàn trong quá trình phát triển chăn nuôi mà còn là tiền đề quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho người dân vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bài, ảnh: Thiện Ngay (Đồng Văn)

 

Yên Bái: Quan tâm phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Yên Bái

 

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi đã ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi. Điều này đã tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô, khô đậu tương - nguồn nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

 

Để "hạ nhiệt” giá vật tư nông nghiệp nói chung và giá thức ăn chăn nuôi, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như: hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, tăng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phần nào hạn chế đà tăng giá của nguyên vật liệu... Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời đối phó với tình huống.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn bằng khoảng 40%, còn lại là phải nhập khẩu. Đây coi là một nghịch lý khi Việt Nam là một nước nông nghiệp với không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng đầu thế giới.

Ngay tại tỉnh Yên Bái, vốn có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, thời gian qua thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý đến nay đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn như: vùng lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha…

Tính riêng vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh đưa vào gieo trồng đạt hơn 20.186 ha ngô với năng suất 33,62 tạ/ha; sản lượng ngô ước đạt 71.976 tấn. Tuy nhiên, người nông dân vẫn không tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi.

Để kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, giải pháp căn cơ là giải quyết tình trạng không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó cần phải quy hoạch lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp hơn.

Theo đó, cần rà soát, đánh giá nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; thu hút các doanh nghiệp đầu tư nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Cùng với đó ngành nông nghiệp cần tính toán chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi gia súc ăn cỏ…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giải quyết phần nào tình trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Qua đó, góp phần kiểm soát được giá thành thức ăn chăn nuôi - điều kiện quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.

Thông Nguyễn

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop