Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 16 tháng 10 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 16 tháng 10 năm 2021

 

Người dân sản xuất trong trạng thái bình thường mới

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Sau hơn một tuần Hậu Giang áp dụng Chỉ thị 19, mọi hoạt động của người dân trong tỉnh Hậu Giang đã từng bước được lập lại. Đi lại thuận lợi, qua đó còn giúp các hoạt động sản xuất của người dân từng bước được ổn định. Hàng hóa nông sản được tiêu thụ dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất.

Nông dân tích cực sản xuất trong trạng thái bình thường mới để đạt các chỉ tiêu vào cuối năm. Ảnh: T.TRÚC

Tập trung khôi phục sản xuất

Gia đình anh Trương Minh Sang, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, trồng được hơn 300m rẫy dây gồm mướp và khổ qua, tổng sản lượng cả vụ hơn 4 tấn. Đến lứa thu hoạch hơn 1 tháng nay nhưng do ảnh hưởng bởi dịch không thể bán nên thiệt hại gần phân nửa. Khi nghe các quy định được nới lỏng, anh Sang đã tranh thủ thu hoạch số còn lại để bán, dù giá thấp nhưng hy vọng sẽ gỡ gạt lại ít chi phí đầu tư.

Thở một hơi dài trong tâm trạng buồn bã, anh anh Sang chia sẻ: “Từ khi xã được công nhận “vùng xanh” thì thương lái đi thu mua nông sản nhiều hơn so với lúc trước. Tuy nhiên, giá bán thì vẫn chưa có khởi sắc, như khổ qua hiện được thu mua chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, còn mướp chỉ được 2.000 đồng/kg, thấp gần phân nửa so với mọi năm. Vụ này vừa thiệt hại bởi dịch nên nông sản không bán được, vừa phải chịu chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá nông sản lại thấp, tính ra trồng rẫy năm nay không có lãi. Ở khu vực này ai cũng vậy chứ không riêng gì tôi”.

Hiện nay, các quy định phòng dịch được nới lỏng, việc đi lại thuận lợi hơn trước, từ đó cũng giúp cho các thương lái là người địa phương đến vườn thu mua nông sản cho bà con. Làm nghề thu mua chuối xiêm quanh năm, gần một tuần qua, ông Trần Văn Kiệt, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cũng đã chủ động liên hệ với các nhà vườn để thu mua chuối cho bà con. Hiện nay, trung bình mỗi ngày ông Kiệt thu mua khoảng 1 tấn chuối các loại đem ra điểm tập kết giao cho các thương lái lớn để lên xe chở đi cung ứng cho các chợ đầu mối. Theo ông Kiệt, những tháng qua bà con có nông sản liên hệ với mình nhưng không thể hỗ trợ được. Nên khi các quy định được nới lỏng gia đình đã tranh thủ đi thu mua, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản vừa giúp gia đình cải thiện thu nhập, chứ hơn hai tháng nghỉ dịch kinh tế gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ông Kiệt cho biết thêm: “Cũng nhờ có điểm tập kết, các thương lái nhỏ như tôi mới có điểm giao hàng thuận lợi và an toàn, từ đó mới dám đi mua nông sản cho bà con. Mặt khác, các thương lái ở thành phố xuống cũng an tâm vì có nơi để nhận hàng thuận lợi. Hiện nay, mặc dù tình hình đã được nới lỏng, nhưng bà con và đặc biệt là các thương lái khi giao nhận hàng tại các điểm tập kết đều nêu cao tinh thần cảnh giác và tuân thủ quy định 5K trong phòng chống dịch”.

Cho biết thêm về việc đảm bảo phòng dịch tại các điểm tập kết hàng hóa, ông Lê Phước Tài, chủ bãi lên xuống hàng ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Hiện nay bãi mỗi ngày tiếp nhận và luân chuyển hơn 10 tấn hàng hóa và nông sản các loại. Tại bãi cũng phân công người nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch như các bạn hàng, thương lái thường là hộ gia đình hoặc người địa phương thì bắt buộc phải đeo khẩu trang, khi xe vào bãi phải quét mã QR, riêng tài xế giao nhận hàng phải ngồi trên xe suốt thời gian lên xuống hàng. Mình thực hiện nghiêm để đảm bảo công tác phòng, chống dịch được hiệu quả”.

Vợ chồng anh Sang thu hoạch nông sản chuẩn bị giao cho thương lái. Ảnh: D.KHÁNH

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Theo thống kê, trong khoảng 20 ngày qua, từ khi các địa phương trong huyện được công nhận “vùng xanh” và các quy định phòng chống dịch được nới lỏng, huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 2.000 tấn nông sản các loại, bằng tổng sản lượng thu hoạch và tiêu thụ trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 cộng lại. Đặc biệt, nông sản được thu hoạch trong những ngày qua có đến 70% được vận chuyển đi các nơi tiêu thụ, 30% được tiêu thụ tại địa phương. Nhiều loại nông sản trước đây tiêu thụ khó như trái cây, giờ cũng tiêu thụ ổn định với sản lượng từ 70-80 tấn mỗi ngày.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Nếu trong thời điểm giãn cách, nông sản đa phần đều khó bán. Nhưng từ khi áp dụng trạng thái bình thường mới thì tình hình tiêu thụ nông sản của huyện đã có bước khởi sắc rõ rệt, tăng hơn trước rất nhiều. Đặc biệt là trong khoảng một tuần trở lại đây khi các quy định phòng chống dịch được nới lỏng, hàng hóa nông sản của bà con đã được thu mua đều ở các địa phương, không còn tình trạng tồn đọng cục bộ ở một số nơi như trước đây. Trung bình hiện nay mỗi ngày toàn huyện thu hoạch khoảng 120 tấn nông sản các loại, tăng gần đôi so với thời điểm cách đây một tuần, chủ yếu là cam, chanh, chuối, khóm và các loại rau màu, rẫy dây. Riêng trái cây hai tuần qua đã tiêu thụ hơn 1.500 tấn các loại.

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT xây dựng phương án hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thủy sản, vật nuôi; thống kê đầy đủ sản lượng nông, thủy sản trên địa bàn và thời gian thu hoạch phù hợp cho từng giai đoạn để thực hiện kết nối, tiêu thụ. Thành lập các tổ, đội hỗ trợ nông dân thu hoạch, thu gom, vận chuyển nông sản. Khuyến khích các địa phương tổ chức các điểm tập kết, thu mua tập trung; có phương án vận chuyển phù hợp để đưa nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng.

Hướng dẫn các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm hoạt động trở lại nhưng phải đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động hướng dẫn người dân điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng cho đàn vật nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên động, thực vật tại các địa phương để có hướng xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh.

Tập trung chỉ đạo thắng lợi sản xuất vụ lúa Thu đông năm 2021, đảm bảo thu hoạch 100% diện tích đã xuống giống, năng suất, sản lượng đạt và vượt kế hoạch; chuẩn bị tốt điều kiện để xuống giống cho vụ Đông xuân 2021-2022. Tăng cường phát triển sản xuất ở các vùng rau màu chuyên canh có thị trường tiêu thụ ổn định. Tiếp tục hướng dẫn thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương. Phối hợp với các địa phương trong việc theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất, cung cầu các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh; kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã,... ký kết hợp đồng đảm bảo tiêu thụ nông sản.

Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm đã đề ra. Đồng thời, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để hỗ trợ các địa phương mở rộng sản xuất vượt kế hoạch của tỉnh đã giao, trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình sản xuất chủ yếu như chăn nuôi gia cầm, sản xuất rau màu, nuôi thủy sản trên ruộng lúa.

Thực tế cho thấy, các quy định được nới lỏng đã giúp cho lĩnh vực sản xuất có bước phục hồi, hàng hóa nông sản được mua bán dễ dàng, để mỗi người dân từng bước cải thiện kinh tế gia đình. Từ đó, người dân, các địa phương có điều kiện hơn để cùng ra sức thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Mở rộng vùng trồng cây ăn quả công nghệ cao

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Những năm gần đây, nông nghiệp Thủ đô đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hàm lượng “chất xám” gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp mang lại chất lượng và giá trị kinh tế cao. Thúc đẩy xây dựng một nền nông nghiệp phù hợp với xu thế thời đại, Hà Nội đã và đang nỗ lực mở rộng các vùng trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao...

Vụ bưởi 2021, nhờ ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, vùng bưởi Thồ trồng tại huyện Phú Xuyên đạt năng suất, hiệu quả cao.

Công nghệ thay đổi chất và lượng

Với diện tích trồng hơn 22.000ha, cây ăn quả đã và đang khẳng định vai trò cây trồng chủ lực của Hà Nội, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.

Hộ gia đình bà Đặng Thị Minh ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên trồng gần 1ha bưởi Thồ, bưởi Diễn với quy trình chăm sóc, dự báo sâu bệnh… đều được tích hợp trên điện thoại thông minh. Năm 2021, vườn bưởi của gia đình bà thu hoạch hơn 8 tấn quả, chất lượng bưởi loại 1 chiếm 80%. “Gia đình tôi áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất, vừa giảm thời gian chăm sóc, vừa giảm số lượng lao động”, bà Đặng Thị Minh nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, nhận thức về tiềm năng, lợi thế, giá trị sản xuất cây ăn quả của chính quyền địa phương và người nông dân đã có nhiều thay đổi. Vì thế, những năm gần đây, Phú Xuyên đã có nhiều giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất cây ăn quả, từ việc chọn giống đến quy trình canh tác đều đồng bộ nên đã cho ra sản phẩm tốt nhất.

Tương tự, hiện tại, nhãn chín muộn ở các huyện; Hoài Đức, Quốc Oai; chuối tiêu hồng ở các huyện: Ba Vì, Gia Lâm… đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng để xuất khẩu và đã khẳng định được vai trò sản phẩm mũi nhọn của địa phương.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích cây ăn quả của thành phố đã tăng từ hơn 16.000ha năm 2017 lên hơn 22.000ha năm 2021. Trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản và đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu; quả loại 1 đạt tiêu chuẩn chất lượng cao chiếm tới hơn 60%; nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ đủ điều kiện xuất khẩu tới các thị trường Mỹ, Nhật Bản…

Tăng hàm lượng công nghệ cao

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là dù sản lượng các loại trái cây của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô (hiện mới chỉ đáp ứng được 40%-60%) thì vẫn có một số loại quả rơi vào tình trạng dư thừa cục bộ, khó tiêu thụ, rớt giá... Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN& PTNT Hà Nội) Nguyễn Mạnh Phương, nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều nông dân vẫn trồng cây ăn quả theo “phong trào”; sản xuất chưa gắn với chế biến, tiêu thụ; hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến còn ít. Hiện nay diện tích cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mới chỉ đạt hơn 1.000ha, chiếm 6,2% diện tích cây ăn quả toàn thành phố.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết thêm, chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao vào cây ăn quả bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, nhất là việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, gắn với bao tiêu sản phẩm.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) Nguyễn Xuân Huy, do khó khăn về tích tụ đất đai, nguồn vốn đầu tư, khả năng liên kết..., nên việc phát triển công nghệ cao đối với cây ăn quả của Hà Nội chủ yếu ở quy mô nông hộ, trang trại, hợp tác xã; hầu hết các mô hình đều chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích cây trồng nên chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ… Đây cũng là rào cản đối với việc tiếp cận chính sách hỗ trợ công nghệ cao.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, thời gian tới, Thường Tín sẽ ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao đồng bộ từ giống đến quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến theo hướng mở, không quy định "cứng" về chủng loại cây ăn quả, cũng như nới lỏng về quy mô diện tích...

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, từ nay đến năm 2025, thông qua nhiều chương trình, đề án khác nhau, Hà Nội sẽ dành nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ các vùng trồng cây ăn quả áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Mặt khác, Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả nhằm tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng lực kỹ thuật của người nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Xác định phát triển các vùng trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao, công nghệ thông minh là tất yếu, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp từ chọn giống, canh tác, chế biến sản phẩm đến thu hút đầu tư... Đây sẽ là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cho người nông dân.

BẠCH THANH

Dưa hấu bán tại ruộng với giá 7.500 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tại huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), hiện dưa hấu bán tại ruộng với giá 7.000-7.500 đồng/kg tùy chất lượng trái, tăng 4.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Với giá bán như hiện nay, cùng với năng suất vụ này 2,5 tấn/công, trừ hết chi phí người trồng lãi trên 10 triệu đồng/công.

Theo nhiều thương lái thu mua dưa hấu ở huyện Long Mỹ cho biết, dưa hấu chủ yếu tiêu thụ tại các chợ. Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, hiện cuộc sống đã trở lại bình thường mới, nên người dân đến các chợ mua dưa hấu nhiều khiến giá tăng.

MINH TIẾN

Nông dân Lý Sơn thu hoạch sớm vụ hành Thu Đông

Nguồn tin: VOV

Do ứng phó với mưa bão liên tục, bà con huyện đảo Lý Sơn buộc phải thu hoạch hành sớm nên năng suất hành giảm sâu, mất trắng tiền tỷ.

Nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hoạch diện tích hành vụ Thu Đông. Do ứng phó với mưa bão liên tục, bà con phải thu hoạch sớm hơn dự kiến nên năng suất hành giảm sâu.

Nông dân Lý Sơn khẩn trương cắt bỏ phần lá, thân để tránh thối hành khi thời tiết liên tục thiếu nắng.

Lẽ ra 10 ngày nữa mới đến kỳ thu hoạch diện tích hành vụ Thu Đông nhưng chị Bùi Thị Tùng ở thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn chấp nhận nhổ sớm khi hành còn non củ. Vụ hành này này chị Tùng cầm chắc mất mùa nhưng thu hoạch sớm vẫn tốt hơn phải mất trắng 4 sào hành đã đầu tư gần 60 triệu đồng chăm bón. Chị Bùi Thị Tùng cho biết, những năm trước được mùa, thu hoạch hơn 3 tấn hành củ, lãi từ 40- 50 triệu đồng, năm nay chỉ thu được 800kg, bán hết cũng chưa được 10 triệu đồng.

“Mưa, gió nên hành nhỏ củ nhưng cũng phải nhổ. Hành đủ ngày tháng sẽ chắc củ hơn, nhưng chần chừ mưa gió kéo về hành mềm nhũn và thối hết, làm cực khổ nhưng lỗ” - chị Tùng nói.

Trải qua các đợt bão và mưa lớn, phần lớn diện tích hành Thu Đông ở Lý Sơn xơ xác, một số ruộng hành mất trắng vì ngập sâu trong nước và bị sa bồi, thủy phá. Đây là năm thứ 2 vụ hành lớn nhất trong năm ở Lý Sơn mất mùa. Đầu tư cả trăm tỷ đồng cho 300 ha hành, sau gần hai tháng chăm sóc với bao kỳ vọng thế nhưng mất mùa hành khiến nông dân huyện đảo gặp nhiều khó khăn.

Nhiều gia đình phải đưa hành lên cao vì chưa kịp cắt bỏ lá, rễ.

Trước dự báo có mưa lớn do hoàn lưu bão số 8, nông dân Lý Sơn đang khẩn trương thu hoạch hành với hi vọng vớt vát chi phí đã đầu tư. Hiện, người trồng hành đã thu hoạch hơn 100 ha, khẩn trương cắt bỏ phần lá, rễ rồi đem hong gió để ráo nước tránh thối củ. Gần 200 ha hành xuống giống muộn nên chưa thể thu hoạch.

Bà Trần Thị Độ, ở thôn Đông An Vĩnh, trồng 8 sào hành chi phí trên 120 triệu đồng, là một trong số hộ có diện tích hành lớn ở đảo Lý Sơn cho biết, cánh đồng hành của bà nằm sát chân núi, thường xuyên đón gió và dòng chảy từ núi cao, mưa bão năm nay đến sớm khiến phần lớn diện tích hành không phát triển.

“Nhổ được củ nào hay củ đó, chứ giờ ăn non với trời thôi, nhưng thu không bù được phần nào chi phí phân, giống. Thu hoạch hành bây giờ như của đem đổ rồi hốt vậy, không biết vụ tỏi tới lấy gì làm nữa.” - bà Độ nói.

Những luống hành xơ xác, tiêu điều không thể thu hoạch.

Hành được thu hoạch sớm nên củ nhỏ, nhẹ, thương lái chỉ thu mua với giá từ 15.000- 20.000 đồng/kg, giảm gần 1 nửa so với bình tường nhưng cũng khó tiêu thụ. Ông Võ Trí Thời, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng Nông thôn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năng suất hành năm nay giảm khoảng 30%.

“Mấy năm trước hành vụ này được mùa thì đạt 157 tạ/ha, nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt, bão gió, bà con thu hoạch sớm, một số diện tích hành gió mưa làm dập lá, ngập nước nên giảm đi năng suất. Năm nay, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì vụ hành này chỉ đạt 110 tạ đến 120 tạ/ha" - Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng Nông thôn huyện Lý Sơn thông tin./.

CTV Hữu Danh/VOV-Miền Trung

Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa: Đưa Drone và máy phun gầm cao vào chăm sóc cây mía

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, thuận tiện và không cần nhiều công lao động là những lợi ích của máy bay không người lái (Drone) và máy phun gầm cao để phun chế phẩm sinh học cho cây mía đường được Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) áp dụng trên vùng nguyên liệu của mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc BHS-NH cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng là yếu tố quyết định đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Sau hơn 3 năm mở cửa hội nhập, ngành mía đường Việt Nam nói chung và BHS-NH nói riêng vẫn đang không ngừng nỗ lực tìm lời giải cho bài toán tăng năng suất mía. Tại vùng mía nguyên liệu của BHS-NH, chủ yếu nằm ở cánh tây thị xã Ninh Hòa, phần lớn diện tích sản xuất mía đều chưa chủ động nước tưới, khô hạn hàng năm diễn ra khá gay gắt, nguồn dưỡng chất cho cây mía chưa được đầu tư xứng đáng.

Máy phun gầm cao và Drone đưa vào sử dụng tại vùng nguyên liệu của BHS-NH.

Để giải quyết bài toán nâng cao năng suất chất lượng mía, BHS-NH đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư - hỗ trợ đồng bộ từ khâu trồng mới đến chăm sóc, thu hoạch. Cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ cơ giới hóa vào quá trình cải tạo đất như máy cày sâu, đào hố để tích tụ tối đa lượng nước mưa ít ỏi; áp dụng máy vào việc trồng mía, đưa máy vào thu hoạch…, thời gian gần đây, BHS-NH đã áp dụng thử nghiệm và thu về những kết quả hết sức khả quan đối với hình thức phun chế phẩm sinh học cho cây mía bằng Drone và máy phun gầm cao.

Đối với việc phun xịt chế phẩm sinh học, do phương pháp canh tác của nông dân trên vùng nguyên liệu chủ yếu là trồng hàng hẹp. Chưa kể thời điểm cần phun chế phẩm sinh học khi mía đã lên cao, tạo lóng, khiến cho việc phun tay, chăm sóc bằng sức người gặp nhiều khó khăn và kém năng suất, hiệu quả. BHS-NH đã tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp phù hợp, hiệu quả và có chi phí hợp lý nhằm chăm sóc cây mía tốt hơn, trong đó có phương pháp phun bằng máy gầm cao và phương pháp phun hiện đại nhất hiện nay là bằng Drone.

“Ưu điểm của thiết bị phun bằng Drone là được lập trình tự động 100% với công nghệ vòi phun ly tâm giúp cắt nhỏ hạt dung dịch thành 95-550µm, ưu việt hơn so với vòi phun áp lực. Drone còn hoạt động dựa vào định vị bản đồ GNSS RTK chính xác đến từng centimet… Bên cạnh những lợi ích rõ ràng như: an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chế phẩm…, phương pháp phun bằng Drone còn có ưu điểm là có thể hoạt động cả ngày và đêm, máy có thể phun chế phẩm sinh học cho cây mía bất kể thời kỳ sinh trưởng hay địa hình bằng phẳng, đồi dốc nào” - lãnh đạo BHS-NH nhấn mạnh.

Còn đối với máy phun gầm cao, buồng lái được thiết kế phía trên bánh xe trước, giúp người lái có tầm nhìn rộng, dễ dàng điều khiển, với chiều cao lên đến 2m không nguy hại đến cây mía, chiều dài cần phun thuốc dài 22m và có thể điều chỉnh chiều cao cần phun phù hợp phun cho từng giai đoạn phát triển của cây mía; bánh xích cao su chống được lầy lún cùng bình chứa có dung tích lên đến 2.500 lít giúp phun phủ rộng, nhanh và với lượng nước phun 1.000 lít/ha, hạt nước phun sương giúp cây mía hấp thu mạnh, thẩm thấu nhanh.

Ngoài ra, Drone hay máy phun gầm cao còn giúp giải quyết được vấn đề thiếu công lao động chăm sóc mía hiện nay. Mỗi Drone có khả năng phun chế phẩm sinh học với công suất lên tới 10ha/ngày, còn máy phun gầm cao 15ha/ngày. Bên cạnh đó, công nghệ phun ly tâm giúp cắt nhỏ hạt dung dịch giúp cho cây trồng hấp thụ tối đa chế phẩm sinh học, làm tăng hiệu quả sử dụng, từ đó giảm chi phí cho nông dân. Phương pháp này cũng giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do công nghệ phun ly tâm giúp cây trồng hấp thụ tốt chế phẩm, ít rơi rớt ra xung quanh.

Nói thêm về chế phẩm sinh học, đại diện BHS-NH cho biết, các chế phẩm sinh học ứng dụng cho cây trồng hiện nay cơ bản được chia làm 3 nhóm gồm: Chế phẩm phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; chế phẩm phân bón hữu cơ chất kích thích tăng trưởng và các chế phẩm dùng cho cải tạo đất. Các chế phẩm sinh học chủ yếu có nguồn gốc hữu cơ, chế phẩm nhóm này không gây hại đến môi trường. Trong 2 năm trở lại đây, công ty đầu tư không hoàn lại chế phẩm sinh học để giúp người trồng mía bồi đắp dinh dưỡng cho đất bằng bã bùn và phân vi sinh giúp cải tạo đất, tăng hữu cơ cho đất, giúp cây mía phát triển hoặc phục hồi nhanh chóng sau các đợt nắng hạn. Hiện nay, BHS-NH thực hiện phun chế phẩm sinh học bằng Drone thử nghiệm cho khoảng 450ha và tiếp tục mở rộng phun loại hình này trong những năm tiếp theo. Với việc áp dụng hàng loạt kỹ thuật công nghệ hiện đại vào canh tác mía đường, trong những vụ mùa sắp tới, cây mía sẽ đạt năng suất cao, từ đó tăng thu nhập cho người trồng mía.

“Những kế hoạch và định hướng đầu tư, hỗ trợ hướng đến sự phát triển bền vững của vùng nguyên liệu mía, cùng với chính sách bảo hiểm giá thu mua mía tối thiểu 900.000 đồng/tấn trong 3 năm tới giúp nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó cùng cây mía, xây dựng vững chắc mối quan hệ gắn kết “Nông dân có lời - nhà máy có lãi” - ông Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

HỒNG ĐĂNG

Vĩnh Long: Đẩy mạnh liên kết, chăn nuôi an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Giá gia súc, gia cầm trong thời gian qua xuống thấp, đầu ra không ổn định, khiến tình hình tái đàn hạn chế.

Để phát triển sản xuất, ngành chăn nuôi tỉnh đã khuyến khích phát triển chăn nuôi gia công nhằm đảm bảo khâu liên kết sản xuất- tiêu thụ, góp phần điều tiết cung cầu, hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Người chăn nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh trên vật nuôi.

Giá giảm, người nuôi thua lỗ

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, nhìn chung tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian qua cơ bản từng bước được kiểm soát tốt.

Một số hộ nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang phương thức nuôi công nghiệp, mở rộng quy mô, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cũng như cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều tháng nay, giá một số vật nuôi không ổn định, trong khi giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua hạn chế, đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Hiện giá sản phẩm chăn nuôi như heo hơi, gà công nghiệp trắng hiện vẫn duy trì ở mức thấp, trong đó, người nuôi heo lỗ khoảng 1,8- 2 triệu đồng/tạ.

Tại Vũng Liêm, giá heo hơi cũng đã giảm nhiều so cùng kỳ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhiều hộ nuôi heo cho hay, thịt heo chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, giá thức ăn tăng cao, phát sinh nhiều chi phí, nên hạn chế tái đàn, chủ yếu tái đàn ở các trang trại, gia trại lớn.

Cô Bùi Thị Tư (xã Tân An Luông- Vũng Liêm), cho hay: “Tôi nuôi được 4 con heo, tiền heo giống tốn 2- 2,5 triệu đồng/con, thêm tiền thức ăn tăng cao quá. Heo của tôi sắp xuất chuồng mà với mức giá hơn 5 triệu đồng/tạ là tôi lỗ gần 2 triệu đồng/con”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) Lê Thanh Tùng, cho hay: Hầu hết giá sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đều giảm.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh làm tăng giá thành chăn nuôi. Hiện tại người chăn nuôi heo, gia cầm và cá tra đang trong tình trạng lỗ.

Đồng thời, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm H5N1, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng cao và đặc biệt bệnh mới xâm nhập vào tỉnh như bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và cúm gia cầm H5N8 có thể ảnh hưởng đến phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, đảm bảo người dân an tâm sản xuất, các địa phương cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi gia công để đảm bảo khâu liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm, góp phần điều tiết cung cầu thị trường và hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Để chăn nuôi bền vững cần từng bước thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi.

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc sản xuất chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ, chưa thay đổi thói quen, tập quán trong cách nuôi, chưa chú trọng đầu tư chuồng trại,…

Do đó, để tồn tại trong giai đoạn hiện nay- khi mà nhu cầu của thị trường đã ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi hộ chăn nuôi cần phải thay đổi phương thức sản xuất từng bước, quan tâm đầu tư chuồng trại hơn và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững.

Vừa nuôi bò, vừa nuôi heo, anh Nguyễn Minh Du (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho biết: “Năm nay chăn nuôi khó khăn do dịch bệnh trên heo còn tiềm ẩn, lại xuất hiện dịch bệnh mới trên bò.

Do đó, bên cạnh việc tiêm vắc xin, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi tôi cũng chú trọng thực hiện việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nền cao ráo, tiêu độc khử trùng. Ngoài rắc vôi bột tôi cũng phun thuốc khử trùng, hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào khu vực chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Văn Liêm, cho hay: Sở định hướng phát triển chăn nuôi trang trại, đặc biệt trang trại chăn nuôi quy mô lớn; quản lý và nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng hiệu quả các quy trình thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

“Bên cạnh đó, sở sẽ phối hợp tốt, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, tạo nền tảng phát triển chuỗi liên kết- tiêu thụ bền vững trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh liên kết hộ chăn nuôi theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm”- ông Liêm cho biết thêm.

Nhiều người chăn nuôi cũng bày tỏ mong muốn, ngành chức năng cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật.

9 tháng đầu năm 2021, đàn heo của tỉnh đạt trên 242.000 con; đàn bò có 86.300 con, đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng) có 9,9 triệu con. Toàn tỉnh hiện có 788 trang trại, trong đó có 12 trang trại lớn, 132 trang trại vừa và 639 trang trại nhỏ.

Năm 2022, phấn đấu phát triển đàn heo đạt 265.000 con, tăng 3,9%; đàn bò 86.500 con, tăng 0,6%; đàn gia cầm 10,8 triệu con, tăng 2,9%, so với năm 2021.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Thu nhập ổn định trong đại dịch nhờ chăn nuôi bò sữa

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Trong khi canh tác rau, hoa của nhiều người dân trong tỉnh Lâm Đồng thời gian qua lao đao vì tác động của dịch bệnh thì nghề chăn nuôi bò sữa tại Đơn Dương lại đang cho thu nhập rất ổn định, trong đó không ít các gia đình người dân tộc thiểu số ăn nên làm ra...

Bà Ka Wét đang chăm sóc đàn bò sữa của gia đình

THU NHẬP ỔN ĐỊNH

Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông K’Út, 56 tuổi, người thôn Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, đang cho bò ăn. Nhà ông K’Út là một ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi; khu vườn quanh nhà ông cũng khá rộng, nhiều chỗ được trồng cỏ và bắp dùng để cho bò ăn quanh năm. “Tất cả là nhờ nuôi bò sữa” - K’Út nói.

Là một người tiên phong chăn nuôi bò sữa trong cộng đồng người K’Ho tại thôn Ròn, K’Út cho biết trước đây, như bao gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây, ông sinh sống bằng làm ruộng, trồng lúa nước và chăn nuôi bò vàng. Khi người dân thôn Ròn được tái định cư, chuyển về chỗ ở mới, ông không còn ruộng để trồng lúa nước, chỉ còn đàn bò vàng nuôi lấy thịt. Tại nơi ở mới này, ông thấy rất nhiều người Kinh nhờ nuôi bò sữa mà giàu có, ông đã tự hỏi sao không học hỏi người Kinh chuyển bò vàng sang nuôi bò sữa.

Trong năm 2010, K’Út đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua bò sữa, làm chuồng, rồi từng bước mua dần các máy móc thiết bị cần thiết cho chăn nuôi bò sữa. Cũng có những khó khăn ban đầu nhưng dần ông cũng vượt qua. Cho đến nay, chuồng ông đã có trên 10 con bò sữa, trong đó có 8 con đang cho sữa. Bình quân mỗi ngày một con bò sữa cho 20 lít sữa, giá sữa hiện nay được thu mua trung bình 14 ngàn đồng cho mỗi lít. Như vậy, thu nhập của gia đình ông với mỗi con bò là 280 ngàn đồng/ngày, mỗi tháng khoảng 8,4 triệu đồng. Nếu tính cả 8 con, sau khi trừ chi phí chăm sóc, thức ăn mọi thứ thì gia ông thu nhập được hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.

“Bò sữa khó nuôi hơn bò vàng, cứ nuôi bò sữa như bò vàng thì không được đâu. Người nuôi cần phải biết cách chăm sóc, chuồng trại phải thông thoáng, ngày vệ sinh 2 lần sáng, chiều khi vắt sữa, thức ăn phải chất lượng thì sữa mới bán được giá cao. Trong đợt dịch này các công ty thu mua sữa vẫn thu mua đều nên thu nhập gia đình rất ổn định” - K’Út tươi cười.

Không chỉ là người làm ăn giỏi, K’Út còn là một trưởng thôn gương mẫu của xã Đạ Ròn. Bằng những kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa có được, ông K’Út luôn sẵn sàng chia sẻ, vận động, hướng dẫn bà con trong thôn cùng nhau chăn nuôi bò sữa, phát triển kinh tế, xây dựng thôn Ròn ngày một ấm no, hạnh phúc.

Nối bước theo K’Út có rất nhiều gia đình người dân tộc thiểu số trong thôn Ròn cũng theo nghề nuôi bò sữa và dần ăn nên làm ra. Như gia đình bà Ka Wét, 46 tuổi, chẳng hạn. 3 năm trước bà vẫn còn làm vườn, thấy cực quá bà thử chuyển qua nuôi bò sữa và sau đó chuyển hẳn sang nghề này. Đến nay đàn bò gia đình bà trên 10 con, trong đó có 2 con đang cho sữa. “Nuôi bò sữa chắc ăn hơn làm vườn, nhất là trong đại dịch Covid này. Làm rau như vừa rồi xe đi không được, rau hạ giá mà giá phân bón lại cao. Bò sữa thì chỉ cần 4, 5 con vắt có sữa là dư ăn rồi” - bà Ka Wét nói.

Một gia đình trong thôn mới nuôi bò gần đây nhưng cũng đầu tư rất bài bản, đó là gia đình ông Ya Nơi, 40 tuổi. Ông mới chỉ bắt đầu nuôi khoảng hơn nửa năm nay, gia đình đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 2 con bò sữa và dành hơn 1 sào đất để trồng cỏ, trồng bắp cho bò. “Người ta làm được mình cũng làm được, khó nhất là vốn nên phải có đủ vốn mới làm, vì mỗi con bò giống này khá đắt, trên 50 triệu, rồi mua máy móc, mua máy vắt sữa nên cũng tốn kém lắm” - ông Ya Nơi cho biết.

VẬN ĐỘNG DÂN NUÔI BÒ

Là huyện dẫn đầu Lâm Đồng về chăn nuôi bò sữa hiện nay, số lượng bò sữa trên địa bàn Đơn Dương đã tăng nhanh trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm tăng từ 6 - 9%.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, tính đến thời điểm này, tổng đàn bò sữa tại huyện có 16.126 con, tăng 6,3% so với cuối năm 2020, trong đó trên 7.400 con đang cho sữa với sản lượng sữa bình quân khoảng 170 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi ước đạt trên 2 tỷ đồng/ngày.

Cũng cần biết rằng trong tổng đàn trên, số bò sữa nuôi trong dân chiếm gấp đôi số bò nuôi trong doanh nghiệp. Cụ thể, có trên 600 gia đình đang nuôi 11.613 con, còn đàn bò sữa trong 2 doanh nghiệp Vinamilk và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt là 4.513 con. Hai xã Tu Tra và Đạ Ròn có người dân nuôi nhiều nhất, mỗi xã gần 5 nghìn con; các xã còn lại ít hơn như Lạc Xuân có trên 500 con, Quảng Lập có trên 400 con, thị trấn Thạnh Mỹ có trên 200 con. Trung bình mỗi gia đình trước đây nuôi từ 2 - 5 con, nay số gia đình nuôi từ 10 con trở lên chiếm đến 78%.

Riêng tại xã Đạ Ròn, trong số trên 350 hộ dân đang nuôi bò sữa hiện nay, đã có 28 hộ người dân tộc thiểu số cùng nuôi bò sữa với 359 con, là địa phương có số hộ gia đình người dân tộc thiểu số nuôi bò sữa nhiều nhất trong huyện. Rất nhiều hộ nuôi từ 2 - 5 con trở lên nhưng cũng có những hộ có đàn bò số lượng lớn không thua kém người Kinh, tiêu biểu như gia đình ông Ha Sin với 30 con. Điều đáng nói, hầu hết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nuôi bò sữa này đều ở thôn Ròn.

“Xã chúng tôi có 8 thôn, trong đó 4 thôn có cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống là thôn Ròn, thôn Suối Thông A1, thôn Suối Thông A2 và Thôn 2, nhưng chỉ người thôn Ròn là nuôi nhiều; các thôn còn lại rất ít hộ nuôi mặc dù xã đã vận động rất nhiều” - ông Đặng Phước Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn cho biết.

Theo ông Hùng, hiện trên địa bàn có các trạm thu mua sữa tươi hằng ngày của 4 công ty lớn gồm Vinamilk, TH True Milk, VP Milk và Cô gái Hà Lan - Dutch Lady nên rất đảm bảo cho việc tiêu thụ tất cả lượng sữa tươi sản xuất hằng ngày. “Do có nhiều công ty thu mua nên người dân trên địa bàn không phải lo lắng về đầu ra, miễn là đảm bảo chất lượng theo qui định là được” - ông Hùng khẳng định.

Điều đáng nói nhất, như nhiều người dân nơi đây cho biết, đó chính là việc thu nhập từ nuôi bò sữa rất ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt là trong đợt dịch hiện nay. Các công ty hiện vẫn thu mua đều, giá thu mua cũng rất ổn định từ 11 - 14,5 nghìn đồng/ lít tùy chất lượng; người dân ai có hợp đồng thì bán sữa theo hợp đồng, nhưng nếu không có hợp đồng thì các công ty vẫn thu mua bình thường.

Với cộng đồng người dân tộc thiểu số trong xã, theo ông Hùng, có điểm khó là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã dù được địa phương vận động nhưng vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào nuôi bò sữa, vì ngại khó, vì thiếu vốn, vì chưa có nguồn đất trồng cỏ cho bò. “Huyện và xã đang khuyến khích người dân trong xã tăng đàn, thường xuyên trong năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho dân về quy trình chăn nuôi, thức ăn, cách chăm sóc, thuốc chống bệnh cho bò sữa, có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn, nhất là ưu tiên tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã nuôi bò sữa và coi đây là một giải pháp hiệu quả để giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu tại địa phương đầy ưu thế về nuôi bò sữa này” - ông Hùng khẳng định.

VIẾT TRỌNG - MAI GIANG

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop