Vùng đầu nguồn sông Tiền chủ động ‘chung sống với lũ’
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Tại vùng đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang), mùa lũ năm 2022 đến muộn và nước cũng dâng cao hơn cùng kỳ năm trước. Đầu tháng 11/2022, những cánh đồng phía huyện Tân Phước trong vùng Đồng Tháp Mười hay khu vực huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy giáp ranh với các huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An), huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) mênh mông nước, kéo dài xa tít đến tận chân trời.
Ông Trương Văn Xinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước) cho biết, mức nước lũ trên đồng tại đây cao hơn khoảng 0,5m so với mức nước trong mùa lũ năm trước.
Trồng sen trong mùa lũ tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước.
*Nông dân Đồng Tháp Mười chủ động "chung sống với lũ"
Xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước) là xã nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang. Hàng năm, lũ lụt tuy có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ít nhiều nhưng cũng mang lại những cơ hội làm ăn có một không hai cho bà con địa phương.
Theo ông Trương Văn Xinh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa, xã có thế mạnh về nông nghiệp, mùa lũ về mang theo nguồn phù sa bồi bổ đất đai thêm màu mỡ, thêm nguồn lợi tôm, cá đồng cải thiện cuộc sống.
Tùy theo điều kiện và khả năng, nông dân phát triển những mô hình sản xuất theo chủ trương "chung sống với lũ" vừa tạo việc làm, thu nhập, vừa giúp an cư lạc nghiệp. Thời điểm nước từ thượng nguồn tràn về, nguồn cung rau màu ít, giá tăng mạnh nên trồng rau màu thực phẩm, trồng sen trên đồng nước, nuôi thủy sản... là một trong những hướng sinh kế phù hợp và hiệu quả vào mùa nước lũ mà nông dân địa phương thường chọn áp dụng.
Chị Phan Thị Thanh Nhung, canh tác 1,5 ha sen lấy ngó tại ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa bộc bạch, nhiều năm nay, chị áp dụng mô hình lúa + sen giải quyết sinh kế gia đình. Trong vụ Đông xuân chị trồng lúa, thời điểm còn lại trong năm chị chuyển sang trồng sen lấy ngó. Là loại thực vật đặc hữu của vùng Đồng Tháp Mười, sen dễ trồng, ít chi phí và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, cứ thu hoạch lúa Đông xuân xong chị làm đất, xuống giống sen với mật độ 150 cây giống/ha. Sau hai tháng tuổi sen sẽ cho thu hoạch ngó. Ngó sen thu hoạch hàng ngày và kéo dài trong suốt 05 - 06 tháng. Khi nước rút, chị cải tạo đất để sản xuất vụ lúa Đông xuân mới. Với 1,5 ha sen, trung bình mỗi ngày, chị thu hoạch khoảng 100kg ngó, bán thu 02 - 03 triệu đồng. Còn tính chung, mỗi ha trồng sen trong mùa lũ, gia đình chị thu khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi ròng 70 - 80 triệu đồng. Nhờ mô hình trồng sen mùa nước lũ, gia đình chị Nhung có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá, an cư lạc nghiệp.
Lãnh đạo xã Thạnh Hòa cho biết, trong mùa lũ năm nay, xã trồng khoảng 150 ha rau màu gồm: Sen, dưa hấu, các loại rau màu thực phẩm có giá trị kinh tế khác. Trong đó, dưa hấu chiếm ưu thế với hàng trăm ha, tiếp đến là sen với gần 30 ha, còn lại là rau màu khác. Qua rồi giai đoạn bị động do thiên tai, lũ lụt ở những năm của thế kỷ trước, nhờ chủ động phát triển những mô hình làm ăn "chung sống với lũ", xã Thạnh Hòa đã trở thành một trong những nơi sản xuất nông sản hàng hóa lớn ở vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang). Ước tính, sản lượng rau màu trong mùa lũ cung ứng cho thị trường trong và ngoài địa phương lên đến 2.400 tấn, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn.
Thạnh Hòa cũng là xã đầu tiên trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang ra mắt xã nông thôn mới năm 2017, xã nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang thẳng tiến đến mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản nước ngọt đang là một hướng đi khả thi của nông dân vùng ngập lũ phía Tây Bắc huyện Cai Lậy. Điển hình có ông Hà Văn Lợi, ngụ xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. Gia đình ông có 2.500m2 đất canh tác trước đây trồng mỗi năm 02 vụ lúa, thu nhập không cao. Những năm gần đây, lũ lụt không về, thiếu phù sa bồi đắp, đất đai bạc màu, đầu tư sản xuất chi phí cao nhưng lợi nhuận rất thấp. Trong nỗ lực phát triển kinh tế gia đình theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, ông Lợi chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi và cung ứng cá cảnh cho thị trường. Tính bình quân, mỗi ngày ông thu nhập khoảng 01 triệu đồng tiền bán cá cảnh. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi ròng trên 350 triệu đồng/năm từ mô hình chuyển đổi hiệu quả trên vùng ngập lũ, cao gấp chục lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây.
Ông Nguyễn Văn Giang, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam đánh giá cao mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả của ông Hà Văn Lợi. Ông Giang cho biết, học tập theo cách làm của ông Hà Văn Lợi, tại Mỹ Thành Nam có hàng chục hộ nông dân đang áp dụng mô hình chuyên sản xuất cá cảnh cung ứng thị trường, nhiều nhất tại ấp 9A. Hội nông dân xã Mỹ Thành Nam đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ sản xuất cá cảnh nhằm quy tụ nông dân, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy mô hình mới, hiệu quả trên địa bàn ngập lũ tại địa phương.
*Chuyển đổi cây trồng căn cơ, giảm nhẹ thiên tai
Xã Mỹ Lợi B (huyện Cái Bè) là địa phương nằm đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, giáp với huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp). Trong những năm qua, trước tình hình nước lũ nhiều năm không về, thiếu phù sa bồi bổ đất đai trong khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, trồng lúa đối mặt nhiều thách thức, rủi ro, nông dân địa phương chú trọng chuyển đổi những địa bàn khó khăn sang lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm được thiên tai.
Ông Lê Văn Vinh, ngụ ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi B chuyển đổi 1,5 ha đất lúa sang lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản, chủ yếu là sầu riêng, nhãn, cam, quýt mang lại hiệu quả vượt trội. Trong đó, có 8.000m2 trồng xen canh cam, nhãn và mít Thái siêu sớm. Khu vườn đang cho thu hoạch với lợi nhuận bình quân hàng năm từ 80 - 100 triệu đồng. Còn 7.000m2 sầu riêng chuyên canh mới trồng khoảng 03 năm tuổi, đang phát triển. Dự kiến sẽ cho thu hoạch ổn định trong vài năm tới.
Ông Trần Nhựt Khoa, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi B chia sẻ, thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, xã đã mở rộng diện tích vườn cây ăn trái đặc sản lên trên 1.000 ha. Trong đó, chủ lực là sầu riêng 450 ha, mít 500 ha, còn lại là cây trồng khác, trở thành một trong những vùng trọng điểm về trồng cây ăn trái đặc sản ở vùng đầu nguồn tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Để ngăn lũ và triều cường, bảo vệ các vùng sản xuất chuyên canh của địa phương, ngay từ trước mùa lũ năm 2022, Mỹ Lợi B đã đầu tư kiện toàn 04 tuyến đê bao, với tổng chiều dài trên 2.200m, gia cố hàng chục cống đập lớn nhỏ. Nhờ vậy, các khu vườn vẫn đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng bởi triều cường và nước lũ trong thời gian qua.
Thời gian qua, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng "chung sống với lũ", nông dân các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh, gồm: Huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Tân Phước đã chuyển hàng chục ngàn ha đất trồng lúa địa bàn khó khăn sang lập vườn trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản hoặc xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp VAC...Tùy theo từng địa bàn, bà con chọn những mô hình mới, cách làm hay, phù hợp thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp nông dân an cư lạc nghiệp, đổi mới nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.
Cùng với nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả như: Lúa + sen, lúa + cá, nuôi thủy sản trong mùa lũ, lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản..., ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực hỗ trợ nông dân về các mặt như: Quy hoạch vùng sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, thâm canh gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác và tăng cường xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực.
Đặc biệt, nắm bắt cơ hội trái cây Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khó tính trên khắp thế giới, tỉnh đẩy mạnh việc lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho trái cây đặc sản, mã số đóng gói cho các cơ sở thu mua trái cây... nhằm tháo "điểm nghẽn" trong xuất khẩu trái cây, tạo điều kiện để nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa tham gia thị trường.
Minh Trí
Thu nhập khá từ trang trại VAC
Nguồn tin: Báo Bình Định
Trang trại rộng gần 4 ha của ông Nguyễn Cự ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), được quy hoạch, bố trí, vận hành theo mô hình VAC, mang lại mức lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Cự cho biết: Đất vườn của tôi tuy rộng nhưng khô cằn, sỏi đá, phải mất nhiều công cải tạo. Nay phần vườn có 300 cây xoài cát mốc đã cho trái và 500 cây xoài được 3 năm tuổi. Dưới tán xoài, tôi kết hợp chăn thả 10 con bò lai. Bên cạnh đó, tôi đào ao rộng trên 0,5 ha thả nuôi một số loại cá phổ biến.
Nhờ biết cách đầu tư lấy ngắn nuôi dài phù hợp với tiềm lực kinh tế còn hạn chế, đến nay trang trại của ông Nguyễn Cự đã đạt trị giá hơn 3 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Cự sẵn lòng hỗ trợ bất cứ ai quan tâm, muốn làm VAC để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ð. M.TRUNG
Tiền Giang: Nâng sức cạnh tranh cho trái sầu riêng xuất khẩu
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu lên 16.890 ha, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Tân Phước và thị xã Cai Lậy. Trong đó, có trên 11.000 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 28 tấn/ha và sản lượng trên 312.000 tấn trái cung ứng thị trường trong và ngoài nước.
*Vùng chuyên canh sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn
Sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Qua khảo sát, 70% - 80% sản lượng sầu riêng được xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Trong đó, có khoảng 20% sản phẩm được chế biến trước khi xuất khẩu. Với giá bán từ 60.000 đồng/kg trở lên, mỗi ha sầu riêng hiện cho lợi nhuận hàng tỷ đồng, cao nhất trong các loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh.
Toàn vùng hình thành được 15 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, thu hút gần 16.000 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho nông sản hàng hóa. Qua đó, tạo việc làm cho khoảng 02 vạn lao động nông nghiệp địa bàn vùng kiểm soát lũ.
Hợp tác xã chuyên canh sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đi đầu trong liên kết chuỗi giá trị. Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã, trong nước, Hợp tác xã xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng cho các siêu thị Co.opmart, các chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch. Ngoài nước thì liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có uy tín như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phạm Gia (Tiền Giang), Công ty Cổ phần AMEII Việt Nam - Hà Nội chuyên xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Nhờ vậy, hợp tác xã luôn tiêu thụ sầu riêng cho nông dân với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 10% - 15%.
Xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) nhờ tiên phong xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng hiệu quả cao được công nhận xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2015. Thị xã Cai Lậy có gần 6.500 ha vườn cây ăn trái, chủ yếu chuyên canh sầu riêng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Huyện Cai Lậy với hàng chục ngàn ha sầu riêng chuyên canh đang phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt chuẩn và ra mắt huyện nông thôn mới… là minh chứng hiệu quả kinh tế - xã hội mà vùng chuyên canh sầu riêng mang lại cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân những địa bàn khó khăn trước đây phía đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang.
*Nhiều giải pháp nâng sức cạnh tranh cho cây trồng đặc sản
Giai đoạn 2022 - 2025, địa phương giữ ổn định diện tích hiện có cùng với tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích nông dân thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP; tổ chức lại sản xuất… gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của trái sầu riêng đặc sản trên thị trường cũng như an toàn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững cho vùng chuyên canh sầu riêng.
Đến năm 2025, sản lượng khoảng 360.000 tấn trái, có 25% diện tích được công nhận an toàn (VietGAP, GlobalGAP), 50% diện tích được cấp mã số vùng trồng và tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70% - 80% sản lượng.
Tỉnh đưa ra các nhóm giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sầu riêng gắn với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, tưới phun sương tự động tiết kiệm nước,…
Hiện nay, ước tính có 96,3% diện tích sầu riêng được cơ giới hóa khâu tưới nước, tăng gần 26% so thời điểm cách đây 05 năm (2017); diện tích sử dụng phân hữu cơ đạt trên 91%, sử dụng nấm Trichoderma.sp trong quá trình chăm sóc đạt gần 66%, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học chiếm 67,5% diện tích… Hàng năm, có gần 6.800 ha sầu riêng áp dụng kỹ thuật xử lý rải vụ theo ý muốn (sản xuất vụ nghịch) cho năng suất cao hơn và bán được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vườn cây chính vụ từ 1,7 - 2,3 lần.
Toàn vùng cũng có gần 200 ha và sản lượng mỗi năm gần 6.000 tấn trái đạt tiêu chí VietGAP. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy" cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy - địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng lớn nhất tỉnh, mở ra một tương lai mới cho sự phát triển bền vững của cây ăn trái đặc sản đang giúp nông thôn vùng lũ Tiền Giang giàu đẹp hẳn lên.
Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu được đẩy mạnh, tháo gỡ điểm nghẽn về đầu ra cho vùng chuyên canh sầu riêng. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang… tích cực kết nối cung cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho trái sầu riêng thông qua các kênh phân phối lớn như: Các siêu thị, trung tâm thương mại (BigC, Co.opmart, Bách Hóa Xanh…), Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Tỉnh quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên canh sầu riêng dự, tìm kiếm cơ hội làm ăn tại các Hội chợ kết nối cung - cầu hàng hóa; phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trái sầu riêng.
Đồng thời, nắm bắt thời cơ khi trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới. Để được xuất chính ngạch, toàn vùng đã được cấp 02 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100 ha. Tỉnh đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định trong những ngày tới 21 hồ sơ với khoảng 1.100 ha, ước sản khoảng 30.000 tấn trái.
Đáng mừng là tín hiệu vui từ việc xuất khẩu chính ngạch giúp giá sầu riêng niên vụ 2022 - 2023 tăng mạnh. Hiện thương lái thu mua tận vườn sầu riêng đầu vụ từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, với giá này mỗi ha nông dân thu lãi ròng trên 01 tỷ đồng.
Tỉnh triển khai dự án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030", nhằm nâng cao giá trị trái sầu riêng thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng khoa học - công nghệ, gắn kết sản xuất và kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Mặt khác, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kỹ năng thương mại cho các hợp tác xã; hình thành phương thức sản xuất - tiêu thụ mới thông qua hợp đồng, nhân rộng mô hình Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp... Từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân vùng chuyên canh và các đối tượng tham gia chuỗi liên kết; thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp địa bàn kiểm soát lũ phía Tây theo hướng định hình nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và nông dân làm giàu.
Mộng Tuyết
Hòa Bình: Người trồng bưởi huyện Tân Lạc hồ hởi bước vào vụ thu hoạch mới
Nguồn tin: Báo Hòa Bình
Thời điểm này, người trồng bưởi tại khắp vùng Mường Bi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới. Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, chăm sóc đúng quy trình và thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng quả bưởi ngày càng nâng cao. Năm nay, các hộ trồng bưởi đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội và các phương thức bán hàng trực tuyến để chủ động tìm thị trường tiêu thụ, hy vọng một vụ bưởi được mùa, giá thành ổn định.
Nông dân xã Đông Lai (Tân Lạc) thu hoạch bưởi đỏ đầu vụ.
Tới vùng trồng bưởi xã Đông Lai (Tân Lạc, Hòa Bình), chúng tôi thăm vườn của gia đình ông Bùi Văn Tuần, xóm Bái Trang. Trong khu vườn rộng hơn 1,5 ha, những quả bưởi đỏ chín vàng óng. Có những cây lâu năm cành trĩu quả, xà xuống bờ tường bao như mời gọi người tới hái để thưởng thức những múi bưởi đỏ mọng, thơm ngọt, mát lành. Với kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm, ông Tuần cho biết: Để thu hoạch được sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi nhiều công đoạn. Người trồng phải chăm sóc từ khi đơm nụ, nở hoa, kết trái đến khi thu hoạch. Khâu bón phân cũng phải chú ý thời gian, nguyên liệu ủ. Năm nay, bưởi khá đều quả, mẫu mã đẹp, giá bán tại vườn dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/quả tùy loại. Bưởi đỏ cho thu hoạch rải rác từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 bắt đầu thu hoạch rộ. Từ một tháng trước, đã có người muốn đặt hàng theo trọng lượng quả hoặc mua nguyên cả cây, chờ đến lúc thu hoạch sẽ đến hái. Mong rằng, thời tiết từ nay đến giáp Tết Nguyên đán vẫn thuận lợi để quả bưởi giữ được chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Mùa thu hoạch bưởi đến cũng là lúc HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ Tân Đông phát huy vai trò trong kết nối, tìm kiếm thị trường, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho các thành viên. Ông Trần Hồng Năng, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi có dịch Covid-19, các thành viên HTX đã chủ động, nhạy bén hơn trong việc phối hợp, đoàn kết để cùng tìm kiếm thị trường và khai thác các kênh bán hàng trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng. Không chỉ liên kết bao tiêu sản phẩm, các thành viên tham gia vào HTX còn được trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình SX-KD và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn... Các sản phẩm bưởi của thành viên HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, đây còn là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, có tem truy xuất nguồn gốc và đựng trong hộp giấy in đầy đủ thông tin, địa chỉ nơi sản xuất nên luôn được khách hàng, tư thương và cả một số cửa hàng kinh doanh nông sản sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... tin tưởng lựa chọn mỗi khi đến vụ thu hoạch.
Huyện Tân Lạc hiện có trên 1.500 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó có khoảng trên 1.100 ha bưởi các loại, phân bố ở hầu hết ở các xã, thị trấn. Mỗi năm, bưởi đỏ là loại đầu tiên bước vào vụ thu hoạch, tiếp đến trong tháng 11 sẽ là bưởi Diễn và bưởi da xanh. Đồng chí Bùi Văn Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tùy theo kỹ thuật chăm sóc mà ở mỗi vườn trồng bưởi sẽ có năng suất, chất lượng tương xứng. Năm nay, cơ bản chất lượng và mẫu mã bưởi vẫn ổn định. Những năm qua, cây bưởi đã khẳng định được giá trị, góp phần phát triển KT-XH của huyện. Trong tổng diện tích bưởi hiện có, huyện đã có nhiều diện tích được cấp chứng nhận VietGAP. Để nâng cao giá trị và gìn giữ thương hiệu bưởi của địa phương, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thương hiệu; duy trì dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì cho các đơn vị, HTX đạt tiêu chuẩn, đưa quả bưởi xứng tầm sản phẩm đặc trưng được công nhận là sản phẩm OCOP.
Dọc các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn huyện Tân Lạc đã có những sạp hàng bày bán bưởi đỏ, không ít tư thương, khách quen sớm tìm đến hỏi mua. Chỉ ít ngày nữa, trên khắp các vườn bưởi sẽ rôm rả tiếng nói, cười của người mua, người bán, xe hàng các nơi lại nối đuôi nhau chở sản phẩm ngọt thơm, đỏ mọng của vùng Mường Bi phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Thu Hằng
Khánh Hòa: Phát triển cây xáo tam phân ở Ninh Hòa
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Trải qua hơn 10 năm với không ít công sức và tiền của, ông Trần Thanh Tâm (TP. Nha Trang) đã đưa cây xáo tam phân từ vùng núi Hòn Hèo về trồng thành công tại xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Tâm huyết của ông đã mở ra hướng phát triển đầy tiềm năng cho loại cây dược liệu quý này.
Đưa xáo tam phân từ rừng vào vườn
Hơn 10 năm trước, câu chuyện cây xáo tam phân có khả năng chữa trị bệnh đã tạo nên cơn sốt tìm kiếm tại vùng núi Hòn Hèo. Tình trạng khai thác quá mức khiến cho cây xáo tam phân ngày càng cạn kiệt. Xác định lợi thế và tiềm năng của cây dược liệu quý, ông Tâm đã rong ruổi trên những cánh rừng Hòn Hèo rộng lớn để tìm kiếm, đưa xáo tam phân về ươm trồng trên khu vực đất đồi ở xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.
Sau 7 năm miệt mài chăm sóc, thử nghiệm, đến năm 2017, cây xáo tam phân ở Diên Điền không chỉ phát triển tốt, mà còn đơm bông, kết trái. Những trái xáo tam phân được lọc lấy hạt để ươm cây mới. “Kết quả này mở ra những cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Làm sao để ươm hạt xáo tam phân nảy mầm là một quá trình mày mò, thử nghiệm bằng nhiều cách. Khi hạt nảy mầm, cần thêm 18 tháng chăm sóc cây non trở thành cây giống, lúc này mới có thể đưa xáo tam phân ra trồng” - ông Tâm chia sẻ.
Khi đã cơ bản nắm được kỹ thuật ươm cây, nhân giống, ông Tâm lại mất thời gian đi tìm nơi trồng phù hợp để mở rộng vườn xáo tam phân. Năm 2018, trên những ngọn đồi thoai thoải ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân, ông đã tìm được vị trí phù hợp. Ban đầu, ông gieo trồng 1ha, rồi đến 5ha, thấy cây bén rễ, phát triển tốt nên mở rộng thêm, đến nay đã lên 15ha. Sau 3 năm kể từ khi đưa ra trồng đại trà, cây xáo tam phân bắt đầu cho thu hoạch dưới dạng tỉa thân, lá để làm nguyên liệu sản xuất trà xáo tam phân. “Trong những năm tới, khi cây xáo tam phân đạt 7 năm tuổi trở lên, cây có thể cho thu hoạch quả và bộ rễ. Chúng tôi lên kế hoạch sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, không chỉ làm từ thân, lá, mà còn từ vỏ, quả và bộ rễ của cây. Còn các hạt sẽ tiếp tục được ươm thành cây, phát triển nhân rộng” - ông Tâm cho biết.
Hướng đi triển vọng
Khi đã chuẩn bị xong vùng nguyên liệu, ông Tâm cùng với những người chung chí hướng xây dựng lên Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ POM Group. Trên diện tích nhà xưởng hơn 5.000m2 tại thôn Bắc (xã Ninh Tân), POM Group đã lắp đặt dây chuyền sản xuất quy mô, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Những cành, lá xáo tam phân thu hái từ khu vườn ở thôn Suối Sâu được đưa thẳng vào nhà máy sơ chế, chế biến để cho ra thị trường sản phẩm trà túi lọc, trà pha ấm và nước uống đóng lon xáo tam phân.
Năm 2022, sản phẩm trà túi lọc, trà pha ấm xáo tam phân của POM Group tham gia chương trình sản phẩm tiêu biểu của xã Ninh Tân. Theo ông Võ Ngọc Phi Vũ - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, qua thực tế hơn 3 năm trồng xáo tam phân, có thể thấy loài cây này thích hợp với vùng đất Ninh Tân. Bước đầu mô hình trồng cây xáo tam phân và phát triển các sản phẩm của POM Group trên địa bàn đã thu về những kết quả kinh tế khả quan. Mô hình đã tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động địa phương với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Với những kết quả đó, UBND xã đã làm việc với doanh nghiệp, thống nhất về việc từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xáo tam phân cho người dân có nhu cầu trên địa bàn xã, đưa ra các hợp đồng hỗ trợ đầu tư cho người dân, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong giai đoạn thu hoạch. Qua ghi nhận, nhiều hộ nông dân đã sẵn sàng tham gia mô hình trồng xáo tam phân có sự liên kết hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra của POM Group.
Theo ông Tâm, định hướng của POM Group là phát triển lên tới hàng trăm héc-ta trồng cây xáo tam phân, trong đó ưu tiên ở vùng đất đồi ở xã Ninh Tân. Điều đáng mừng là trong suốt quá trình đưa cây xáo tam phân về vùng đất Ninh Tân, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ, đồng thuận từ chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng.
Năm 2019, POM Group đã phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định thành phần hóa học, hoạt chất có tác dụng bảo vệ gan của cây thuốc xáo tam phân họ Rutaceace của Việt Nam”. Các nhà khoa học đã sử dụng cây xáo tam phân ở vùng núi Hòn Hèo để tiến hành nghiên cứu. Quá trình phân lập và xác định cấu trúc hóa học chứng minh nhiều chất trong cây xáo tam phân có tác dụng chữa bệnh về gan và có tác dụng kháng một số dòng tế bào ung thư, như: ung thư phổi, ung thư vú…
Hồng Đăng
Nhiều lợi ích khi thu hoạch cà phê chín
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Hiện nay, người dân đang bước vào mùa vụ thu hoạch cà phê. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp chú trọng thu hái cà phê chín để nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị sản phẩm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Vân, tổ dân phố 6, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa, Đắk Nông) có 2 ha cà phê. Gần 1 tháng nay, những quả cà phê chín được gia đình tập trung hái trước.
Những quả còn xanh, gia đình chờ đến cuối vụ mới hái. Chị Vân cho biết, trước đây, cứ đến mùa cà phê là gia đình thuê người kéo bạt hái xô. Vườn cà phê có khoảng 50% số quả chín là đã hái tuốt cả.
Thế nhưng, mấy năm gần đây, theo khuyến cáo của địa phương, gia đình hái chọn từng cây, từng quả. Khi những cây cà phê có tỉ lệ quả chín khoảng 60% là gia đình bắt đầu hái và chỉ hái những quả chín.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, tổ dân phố 6, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) ngày càng chú trọng đến khâu thu hoạch, chế biến cà phê đúng cách
Hái cà phê lựa quả chín mất nhiều công hơn so với hái xô, nhưng bù lại chất lượng sản phẩm lại cao hơn hẳn. Cà phê chín cũng giúp tăng khoảng 20% sản lượng so với hái xanh.
"Năm vừa rồi, gia đình thu được 7 tấn cà phê nhân. Năm nay, vườn cà phê nhiều quả hơn, nên dự kiến đạt trên 8 tấn nhân. Gia đình quyết định thu hái, bảo quản sản phẩm đúng kỹ thuật để đạt chất lượng", chị Vân cho biết.
Chị Đàm Thị Tình, thành viên HTX Danofarm, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết, năm vừa qua, gia đình có 2,8 tấn cà phê nhân. Chị luôn hái cà phê chín và bán cho HTX với giá 65.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 43.000 đồng/kg.
"Hái cà phê chín vừa tăng năng suất, vừa bán được với giá cao, nên năm nay toàn bộ 3 ha cà phê, dự kiến đạt sản lượng khoảng 7 tấn nhân, sẽ được gia đình để chín đều mới tiến hành hái", chị Tình chia sẻ.
Hiện nay, ngày càng có nhiều HTX, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khuyến khích nông dân trồng cà phê theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, UTZ, 4C… và hái quả chín để nâng cao giá trị.
Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Danofarm cho biết, thu hoạch cà phê chín là một trong những khâu quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Người trồng thu hái những quả có đủ độ chín sẽ làm cho sản phẩm cà phê bột có chất lượng tốt hơn.
Vì thế, 3 năm nay, HTX đã xây dựng mô hình cà phê sạch, hái chín. Mô hình nhằm tạo điều kiện cho người dân thấy rõ về hiệu quả kinh tế, từ đó áp dụng theo.
Hiện tại, HTX Danofarm có 117 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ. Qua khảo sát, người dân trên địa bàn xã Quảng Sơn có nhu cầu sản xuất cà phê sạch và hái chín với khoảng 3.000 ha. Do đó, HTX tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng này.
Công ty cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) cũng đang liên kết với người dân trồng khoảng 300 ha cà phê chất lượng cao. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty cho biết, những năm qua, Công ty đã liên kết với nông dân, HTX xây dựng các vườn cà phê sạch và thu hái khi tỉ lệ quả chín đạt khoảng 90%.
Người tiêu dùng ngày càng chú trọng thưởng thức cà phê sạch, chất lượng cao. Đây chính là thị trường tiềm năng, là cơ hội để nông dân, các HTX, công ty, doanh nghiệp nâng cao chất lượng cà phê, hiệu quả kinh tế và xây dựng thương hiệu cho cà phê Đắk Nông.
Toàn tỉnh có trên 135.752 ha cà phê, với sản lượng 332.620 tấn/năm. Trong đó, có khoảng 21.754 ha được người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng cao.
Thanh Nga
Giữ nguồn gene sâm quý
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Giữ nguồn genne sâm Ngọc Linh thuần chủng, không bị lai tạp đang là cuộc chiến gian nan và lâu dài, nhất là khi cây sâm giả len lỏi vào các vườn sâm, được trồng như sâm Ngọc Linh.
Kể từ tháng 3/1973, khi được dược sĩ Đào Kim Long và các cộng sự phát hiện giữa đại ngàn Ngọc Linh hùng vĩ, “cuộc đời” của sâm Ngọc Linh đã trải qua nhiều thăng trầm. Nổi tiếng vì độ quý và độ hiếm, nhưng cũng bị săn lùng ráo riết, đứng bên bờ vực tuyệt diệt vì độ quý và hiếm ấy.
Theo kết quả điều tra, khảo sát các năm 1978-1979, có khoảng 108 vùng sâm mọc tự nhiên trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong đó tỉnh Kon Tum chiếm đại đa số với khoảng 92 vùng sâm mọc tập trung ở 10 xã thuộc 2 huyện Đăk Glei và Đăk Tô (nay thuộc Tu Mơ Rông).
Nhưng sau một thời gian dài khai thác tự do, mua bán, sử dụng tràn lan, không được quản lý, bảo vệ cũng như thiếu các chính sách, giải pháp quy hoạch bảo tồn, phát triển nên 108 vùng sâm gần như bị xóa sổ.
Vườn sâm giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri. Ảnh: T.H
Rất may, với tầm nhìn xa, từ những năm đầu của thập niên 90, tỉnh Kon Tum đã bắt đầu có những động thái tích cực. Trong đó, cùng lúc tiến hành khoanh vùng bảo vệ diện tích sâm ít ỏi còn lại; thúc đẩy công tác quy hoạch, đầu tư bảo tồn và mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh.
Theo số liệu mới nhất, đến nay tổng diện tích sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum đạt 1.263,3ha, với hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm củ.
Năm 1995, chỉ có dăm hộ gia đình ở thôn Lạc Bông, xã Ngọc Lây, huyện Đăk Tô (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông) trồng 0,4ha sâm, hiện đã có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất trồng sâm.
Toàn tỉnh đã có 5 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh; 2 doanh nghiệp được công nhận vườn sâm gốc, là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô.
Có thể khẳng định, nhờ những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Kon Tum, sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi hiểm họa tuyệt chủng.
Nhưng khi sâm Ngọc Linh buớc qua “cửa” hẹp một cách ngoạn mục thì lại gặp vấn nạn khác. Đó là sâm giả hoành hành và nguy cơ lai tạp gene, dẫn đến mất tính thuần chủng, đặc hữu.
Vườn sâm gốc được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ nguồn gene quý. Ảnh: TH
Bây giờ mua giống sâm Ngọc Linh dễ lắm, giá lại rẻ, không hạn chế số lượng. Cứ lên mạng tìm là có. Chúng rất giống hạt sâm của mình trồng, nên người dân dễ bị lừa- A Liêm (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho hay.
A Thim (thôn Xa Úa, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei), một người trồng sâm lâu năm, cũng không dám nói phân biệt rõ hạt giống sâm Ngọc Linh và loại hạt mua trôi nổi trên thị trường. Trong làng nhiều hộ dân đã mua hạt giống trôi nổi về trồng, dù không biết nguồn gốc lẫn người bán.
Hiện nay, khoảng 90% hạt giống, cây giống được giới thiệu là sâm Ngọc Linh bán ngoài thị trường không phải là sâm Ngọc Linh- lãnh đạo một doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông khẳng định.
Dù không phải là dân trồng sâm, hay nhà nghiên cứu, tôi cũng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Khi sâm giả được trồng ngay tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh, nguy cơ lai tạp dần và mất đi nguồn gen đặc hữu là rất lớn.
Ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nhìn nhận, khi cây sâm giả len lỏi vào các vườn sâm, được trồng như sâm Ngọc Linh, thì bảo vệ nguồn genne thuần chủng, không bị lai tạp cho sâm Ngọc Linh là cuộc chiến gian nan và lâu dài.
Tất nhiên đây là một hành trình dài đằng đẵng, không tính bằng tháng, bằng năm, mà tính bằng quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, về phía chính quyền và ngành chức năng, cần tăng cường đấu tranh, ngăn chặn nạn mua bán giống sâm Ngọc Linh giả; thường xuyên kiểm tra địa bàn trồng sâm để kiểm định, kịp thời ngăn ngừa và loại trừ các loại giống giả sâm Ngọc Linh.
Phát huy vai trò của cộng đồng, tạo nên rào chắn vững chắc ngăn chặn giống sâm “ngoại lai” có cơ hội trà trộn vào thủ phủ sâm Ngọc Linh. Vận động người dân trong vùng sâm tham gia tố giác các hành vi buôn bán giống sâm Ngọc Linh giả.
Về phía người dân, cần nâng cao ý thức ngăn chặn giống sâm giả xâm nhập vào vùng sâm, không mua giống sâm từ bên ngoài; chỉ sử dụng giống sâm tự ươm, hoặc được cung cấp bởi doanh nghiệp có vườn sâm gốc được công nhận.
Như A Liêm ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri. Anh có mấy trăm gốc sâm đã được 7 năm tuổi, toàn bộ hạt thu được đều dành để ươm giống tự trồng, chứ không bán, cũng không mua thêm giống bên ngoài.
Những hạt sâm giống sẽ được thu hái, gieo ươm, không bán ra ngoài. Ảnh: TH
Về phía doanh nghiệp, kinh nghiệm từ Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho thấy, sự kiên trì giữ gìn nguồn gene thuần chủng cho sâm Ngọc Linh là nền tảng của thành công.
Đi tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ nguồn gene và trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, đến nay, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum có hơn 600ha sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng nguyên sinh, trong đó có những vườn sâm gốc hàng chục năm tuổi.
Là 1 trong 2 doanh nghiệp, tới thời điểm này, được UBND tỉnh chứng nhận vườn sâm gốc, mỗi năm Công ty cấp miễn phí hàng chục ngàn cây sâm giống cho đồng bào DTTS, nhưng không bán ra thị trường.
“Chúng tôi chỉ dùng để mở rộng diện tích và hỗ trợ giống cho đồng bào DTTS nghèo ở vùng chỉ dẫn địa lý trồng, vừa để giúp dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng vừa bảo vệ nguồn gen sâm quý, tránh sự lai tạp”- ông Trần Hoàn khẳng định.
Hạt giống sâm Ngọc Linh được chọn lọc kỹ càng từ cây mẹ khỏe mạnh, từ 4 năm tuổi trở lên, đảm bảo đủ điều kiện sinh trưởng và phát triển, đạt độ chín nhất định. Quá trình thu hái và xử lý hạt giống cũng được thực hiện rất tỉ mỉ, cẩn thận, nhằm bảo vệ nguồn gen và thương hiệu.
Doanh nghiệp cũng thành lập các tổ, đội, nhóm hộ để quản lý vườn sâm, quản lý cây giống, không cho bất cứ cá nhân nào mang cây ngoại lai, không rõ nguồn gốc vào vùng trồng.
Trong chuyến thăm, làm việc mới đây tại tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã cam kết thúc đẩy hỗ trợ tỉnh trong việc bảo vệ nguồn giống thông qua dự án nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh.
Mục tiêu cuối cùng là phải giữ được nguồn gene sâm Ngọc Linh thuần chủng cho mai sau.
Thành Hưng
Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Sáng 11/11, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức hội thảo mô hình “Sản xuất hồ tiêu hữu cơ” tại ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp. Đây là mô hình hồ tiêu đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Vườn tiêu của gia đình ông Lâm Ngọc Nhâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là mô hình đầu tiên đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Mô hình tiên phong
Mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ do Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Xuyên Mộc triển khai tại vườn tiêu 5 năm tuổi của ông Lâm Ngọc Nhâm, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp từ năm 2020, trên diện tích 0,5ha và 0,5ha diện tích đối chứng. Mô hình sử dụng giống hồ tiêu Vĩnh Linh đang được trồng phố biến và cho năng suất cao tại địa phương. Trong quá trình triển khai, Trạm đã tiến hành phân vùng hình thành khu vực sản xuất, thiết kế phân khu, đánh mã cây trồng theo ghi chép, theo dõi và lập mã truy xuất nguồn gốc. Đồng thời xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ ghi chép nhật ký, các công cụ quản lý chất lượng nội bộ...
Bà Ngô Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Xuyên Mộc, đại diện nhóm thực hiện mô hình cho biết, để bảo đảm các quy định đạt theo tiêu chuẩn hữu cơ, nhóm đã thực hiện đo chỉ số pH, NPK định kỳ mỗi tháng/lần, trồng cây vùng đệm để cách ly với khu vực xung quanh. Nhóm cũng hướng dẫn nông hộ cách ủ phân chuồng, áp dụng canh tác và vệ sinh vườn sau thu hoạch, quản lý dịch hại theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất thuốc BVTV. Theo bà Hằng, mô hình đang là giai đoạn chuyển đổi từ hình thức canh tác hóa học sang canh tác hữu cơ. Trong năm thứ nhất, dù chưa ghi nhận sự khác biệt quá rõ rệt sau mỗi lần bón phân, tuy nhiên, đến nay hồ tiêu đã có màu sắc lá xanh và dày hơn, cây khỏe hơn, gié quả dài và hạt đóng nhiều hơn, số trụ vàng trên vườn giảm đáng kế so với năm thứ nhất, dịch hại giảm theo từng năm.
Theo ông Lâm Ngọc Nhâm, ngoài thực hiện các quy định theo hướng dẫn của đơn vị thực hiện, gia đình ông cũng sử dụng các sản phẩm sản như cá, đậu phộng, thân và quả chuối, rau muống kết hợp với chế phẩm IMO (được làm từ hỗn hợp cám hao, sữa chua lên men, bia, men tiêu hóa...), được ủ để bón hoặc tưới trực tiếp lên cây. Còn về phòng chống dịch hại, ông sử dụng nấm 3 màu hoặc các loại thảo mộc có tính cay, nóng, đắng như ớt, tỏi...tạo thành dung dịch hỗ hợp bổ sung vi nấm ký sinh có hiệu quả cao trong việc phòng và ngăn chặn các loại dịch hại.
Trong năm đầu tiên vườn hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ tuy năng suất thấp hơn so với sản xuất thông thường, song đến năm thứ 3 đã ổn định. Lợi nhuận đạt hơn 152 triệu đồng/ha/năm. “Ưu điểm lớn nhất là cây và đất trồng được ghi nhận các chỉ số khỏe hơn, từ năm thứ 3 trở đi cây sẽ dần ổn định nhờ đó chi phí đầu tư cũng sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, tiêu trồng theo quy trình hữu cơ giá bán cũng tốt hơn so với loại thông thường”, ông Nhâm chia sẻ thêm.
Mở đường cho nông nghiệp hữu cơ
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 999/QĐ-UBND về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Hoài Châu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, theo mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đơn vị đã tiến hành xác định các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ trên một số cây trồng gồm: Lúa, hồ tiêu, ca cao, rau các loại, cây ăn quả. Đồng thời thực hiện 5 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 3 loại cây trồng (rau, hồ tiêu và ca cao) với diện tích 1,9ha, sản lượng khoảng 10 tấn/năm, từ đó làm cơ sở xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn tiếp theo, Chi cục sẽ phối hợp các đơn vị thực hiện 10 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 7 loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản với diện tích 52,2ha, sản lượng khoảng 150 tấn/năm.
Để mở đường cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp; tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Cùng với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu): Tổ chức hội thi 'Con đặc sản - Gà trống thiến' năm 2022
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Sáng 10/11, Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phối hợp với Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện tổ chức hội thi “Con đặc sản - Gà trống thiến” năm 2022.
Ban giám khảo chấm điểm gà trống thiến tham gia hội thi.
Tham gia hội thi có 36 con gà trống thiến của hội viên nông dân 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Nội dung thi gồm 3 tiêu chí: Con gà có trọng lượng nặng nhất; Con gà có màu lông, tỷ lệ lông đẹp nhất, da vàng, không bị thương tật chân, mỏ, mào; Con gà được chăm sóc tốt nhất được xác định thông qua nhật ký chăn nuôi, bằng một bài thuyết trình của nông hộ.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 9 giải Khuyến khích cho hội viên có gà trống thiến đẹp, đáp ứng 3 tiêu chí.
Đây là lần đầu tiên Hội Nông dân huyện tổ chức hội thi "Con đặc sản - Gà trống thiến". Hội thi nhằm quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đặc sản con gà trống thiến của địa phương.
Tin, ảnh: TRẦN MINH - THANH HỒNG
Triển vọng từ mô hình ‘Nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học’
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (TTKN&DVNN) tỉnh Hậu Giang, qua 2 tháng thực hiện, mô hình “Nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học, gắn với liên kết chuỗi giá trị về truy xuất nguồn gốc” được đánh giá là một hướng đi đầy triển vọng.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng tại huyện Vị Thủy.
Mô hình được thực hiện với quy mô 20 hộ dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ và huyện Vị Thủy, mỗi hộ nuôi 200 con thuộc giống gà siêu trứng. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí con giống và vật tư; được hướng dẫn kỹ thuật qua các buổi tập huấn, hội thảo và có liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu 100% sản lượng trứng.
Bà Lâm Thị Sang, ở ấp 6, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Với mong muốn cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên gia đình tôi tham gia mô hình này. Nuôi theo hình thức đệm lót sinh học nên đảm bảo an toàn, đặc biệt là được bao tiêu hết sản phẩm, không cần phải lo lắng nhiều về đầu ra”.
Sau hơn 2 tháng nuôi, gà đang phát triển tốt, trung bình mỗi con đạt trọng lượng khoảng 700g, dự kiến trọng lượng con mái lúc đẻ là 2,1-2,2kg; thời gian đẻ kéo dài từ 50-60 tuần; năng suất bình quân ước đạt từ 230-250 trứng/năm, trọng lượng khoảng 56g/trứng.
Anh Nguyễn Hoàng Chiến, cán bộ TTKN&DVNN, Tổ trưởng tổ triển khai mô hình cho biết, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, điển hình như cung cấp trứng gà sạch, an toàn sinh học. Mô hình được đánh giá có hiệu quả kinh tế và mang tính bền vững; môi trường được bảo vệ, không gây mùi hôi; qua đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Kết quả dự kiến đạt được các mục tiêu đề ra và đáp ứng đúng theo chủ trương, định hướng của ngành nông nghiệp.
Tin, ảnh: Y.LINH
Duy trì nuôi bò sữa tạo bước phát triển kinh tế
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Ông Phạm Tấn Tài, sinh năm 1977, ấp Phú Thạnh, xã Phú Ngãi (nay là Phước Ngãi, tỉnh Bến Tre), huyện Ba Tri chăn nuôi bò sữa được 7 năm, tạo thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Ông Tài duy trì chăn nuôi bò sữa tạo tiền đề triển khai mô hình phát triển kinh tế khác của gia đình như: Bò sinh sản, bò đực nuôi bán thịt và nuôi dê hay sử dụng thức ăn tinh cho bò để nuôi cá.
Ông Phạm Tấn Tài bên đàn bò sữa của gia đình.
Năm 2015, ông Tài tham gia Dự án bò sữa tỉnh của Tổ chức Heifer (DA) viện trợ nuôi 3 con bò sữa (2 con F2 mua ở Sóc Trăng với chi phí của gia đình và 1 con của DA). Ông xây dựng trại bò có diện tích 100m2. Trước kia, ông nuôi 26 con bò sữa (14 con cho sữa, 9 con hậu bị và 3 bò tơ). Trung bình thu hoạch sữa được 200kg/ngày, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ngày (giá 14 ngàn đồng/kg), 60 triệu đồng/tháng. Theo ông Tài, khi ấy thì mọi chi phí đầu tư chăn nuôi không ở mức cao như bây giờ nên người chăn nuôi bò sữa có được nguồn lãi cao.
Hiện tại, ông đang chăn nuôi 15 con bò sữa (6 con đang thu hoạch sữa, 4 con hậu bị hay bò tơ, 2 con bò đực thịt và 3 con sinh sản). Ông Tài ký hợp đồng với Trạm sữa Vinamilk (Ngã 5, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri), giá dao động từ 11 - 14,5 ngàn đồng/kg (tùy thuộc chất lượng sản phẩm sữa). Chất lượng sữa bò nuôi đạt chuẩn bán được 14,5 ngàn đồng/kg. Trung bình 70kg sữa/ngày, ông thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Ông Tài sử dụng 3 công đất nhà trồng cỏ sữa và thuê 20 công đất trồng cỏ tây lông nuôi bò sữa. Ngoài ra, ông Tài bổ sung thêm thức ăn ủ ướp (cỏ, bắp, cám, men tiêu hóa...) với 1kg/cữ, mua giá 185 ngàn đồng/bao (25kg/bao) để tăng sữa cho bò cũng như thúc đẩy trọng lượng bò thịt.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ngãi Trần Quang Thân cho biết: Phước Ngãi có 6 hộ nuôi bò sữa, với hơn 100 con bò, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ông Phạm Tấn Tài là một trong những hộ nuôi bò sữa đầu tiên ở địa phương, nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài ra, ông còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội; hết lòng hỗ trợ những hộ nghèo, hộ khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi bò sữa, đồng thời hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay và tham gia mô hình nuôi bò sữa để vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Lê Đệ
Hiếu Giang tổng hợp