Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 17 tháng 05 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 17 tháng 05 năm 2022

 

Bắc Giang lên kế hoạch để tiêu thụ thành công 160.000 tấn vải thiều

Nguồn tin: Lao Động

Tỉnh Bắc Giang đang triển khai các giải pháp để tiêu thụ khoảng 160.000 tấn vải thiều trong mùa vải năm nay.

 

 

Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay vượt trội do thời tiết thuận lợi. Ảnh: T.L

Linh hoạt phương án tiêu thụ vải thiều

Theo ông Nguyễn Việt Oanh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, năm nay, tình hình thời tiết thuận lợi, dự báo vải thiều Bắc Giang có chất lượng tốt hơn năm trước, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 160.000 tấn, trong đó huyện Lục Ngạn hơn 95.000 tấn. Thời gian dự kiến thu hoạch bắt đầu từ ngày 25.5 đến 30.7.2022.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nổi tiếng trong và ngoài nước, được xuất khẩu đi nhiều thị trường, sang cả Châu Âu, Châu Úc… Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu có sản lượng lớn nhất là Trung Quốc.

Chia sẻ về phương án tiêu thụ vải thiều, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Sở Công Thương đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Trong đó, nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định như hiện nay, sẽ tiêu thụ 50% thị trường nội địa, 50% số lượng còn lại xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).

Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID”, lượng vải xuất khẩu sẽ rút xuống còn 30% và đẩy mạnh 70% tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tập trung chế biến (sấy khô).

Đến thời điểm hiện tại, đã có 103 thương nhân Trung Quốc đăng ký thu mua vải thiều. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa có văn bản trả lời Sở Ngoại vụ Bắc Giang về việc giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đồng ý cho 103 thương nhân (quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều tại Bắc Giang. Những người này sẽ được nhận thị thực tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn với ký hiệu VR.

Được biết, ngoài 103 thương nhân nói trên, tính đến ngày 10.5, UBND huyện Lục Ngạn còn nhận được danh sách 30 thương nhân Trung Quốc khác đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Hiện số người này đang được cơ quan chức năng hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nhập cảnh.

Mở thêm cửa khẩu để xuất khẩu quả vải sang Trung Quốc

Để xuất khẩu ổn định vải thiều sang thị trường Trung Quốc, trước đó, ngày 9.5.2022, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì buổi làm việc trực tuyến với ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Công sứ, phụ trách Kinh tế -Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội về việc chuẩn bị xuất khẩu vải thiều.

Với thị trường Trung Quốc, toàn tỉnh đã có 149 mã số vùng trồng xuất khẩu, sản lượng khoảng 95.000 tấn, 300 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đề nghị ông Hồ Tỏa Cẩm có ý kiến để phía Trung Quốc tạo điều kiện hỗ trợ mở luồng xanh ưu tiên xuất khẩu vải thiều, mỗi ngày từ 300-500 xe qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn; mở thêm 2 cửa khẩu phụ Chi Ma, Cổng Trắng (Lạng Sơn); kéo dài thời gian làm việc hằng ngày tại cửa khẩu đến 21h (giờ Trung Quốc).

UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị phía Trung Quốc xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân được xuất cảnh, đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.

VŨ LONG

 

Mùa ‘se duyên’ cho sầu riêng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Cứ vào độ cuối tháng 4 đầu tháng 5, người dân huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk), nơi là vựa sầu lớn nhất của tỉnh lại tất bật đi thụ phấn cho cây với hi vọng một vụ mùa bội thu.

Toàn huyện Krông Pắc hiện có 3.300 ha sầu riêng, chủ yếu đang trong thời kỳ kinh doanh nên năng suất khá ổn định. Vụ thu hoạch năm 2021, mặc dù gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng sản lượng của toàn huyện vẫn đạt khoảng 45.000 tấn. Để có được sản lượng cao như vậy, người dân đã trải qua những khâu chăm sóc khá phức tạp, đặc biệt là giai đoạn thụ phấn hoa.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã theo chân người nông dân trồng sầu riêng đến rẫy để quan sát quá trình làm việc của họ:

 

 

Vào khoảng 17 giờ chiều, những chùm hoa sầu mỏng manh bắt đầu nở trắng muốt, tỏa ra hương thơm dịu nhẹ. Đây là thời điểm thích hợp để người dân đi thụ phấn hoa.

 

 

Chuẩn bị chổi lông để bắt đầu công việc. Bà con phải chọn các loại chổi mềm, sợi mảnh như chổi nilon, chổi bông cỏ mới dễ dàng thực hiện thụ phấn.

 

 

Công việc thụ phấn bắt đầu khoảng từ 18 giờ tới 22 giờ đêm.

 

 

Lúc này, người dân dùng chổi lông để di chuyển hạt phấn đã chín của hoa này rơi trên đầu nhụy của hoa kia.

 

 

Dùng chổi mềm quét lăn đều xung quanh các chùm hoa để phấn hoa dính đều vào các đầu nhụy.

 

 

Công việc này đòi hỏi tỉnh tỉ mẩn, nhẹ nhàng trách làm tổn thương hay gãy vòi nhụy, hại bông.

 

 

Sau khi quét phấn khoảng 8-10 cây, cần thay chổi mới do nhụy hoa có tiết ra dịch mật, làm phấn hoa dính chặt vào chổi, không bám vào các nhụy khác được.

 

 

Để trái sầu riêng không bị méo, biến dạng, không đều hộc thì ở giai đoạn trổ bông người dân phải liên tục thụ phấn cho cây sầu riêng trong vòng 7-10 ngày. Nhờ thực hiện quá trình thụ phấn này thường xuyên giúp cho cây sầu có khả năng đậu quả cao, chất lượng tốt hơn.

Khánh Thùy

 

Xoài rớt giá, người trồng khốn đốn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Xoài rớt giá, không có thương lái đến mua trong khi giá phân bón tăng gấp đôi, khiến nhà vườn lỗ nặng. Chưa kể ruồi đục trái, thời tiết thay đổi thất thường khiến xoài giảm năng suất, nhà vườn khốn đốn, không thiết tha, nhất là với xoài Đài Loan, người thì bỏ trái không hái, người thì đốn bỏ cây,…

Đốn cây, bỏ trái vì không ai mua

Vĩnh Long hiện có gần 5.000ha trồng xoài. Vài tháng nay, giá xoài giảm mạnh, trong đó xoài Đài Loan giảm giá thấp chưa từng có khiến nhà vườn lỗ nặng.

Nhiều nhà vườn trồng xoài vừa thu hoạch xong cho hay, chưa thấy năm nào xoài có giá rẻ như năm nay. Trong đó, có thời điểm xoài Đài Loan chỉ còn 1.000- 2.000 đ/kg, xoài cát núm còn 5.000- 6.000 đ/kg nhưng không có thương lái đến mua.

Anh Nguyễn Văn Minh Phụng (xã Trung Chánh- Vũng Liêm), cho biết: “Nhà tôi có 4 công xoài Đài Loan, Mỗi năm chỉ xử lý 1 vụ, trước đây bán được 10.000 đ/kg, với năng suất từ 3- 4 tấn/công, trừ chi phí còn lời khoảng 20 triệu đồng/công. Vụ này, tính chi phí đầu tư khoảng 6 triệu đồng/công, nhưng chỉ bán được 2.000 đ/kg”.

Theo anh Phụng, những năm trước xoài Đài Loan có giá, dễ trồng, tỷ lệ đậu cao, năng suất khá nên rất được ưa chuộng. Nhưng năm nay xoài Đài Loan rớt giá, nhiều người nản, đốn bỏ trồng cây khác.

Có 7 công xoài Đài Loan trồng được 5 năm, chú Nguyễn Văn Sáu (xã Trung Chánh- Vũng Liêm), cũng cho biết: “Vụ này lỗ nặng quá, tới thời điểm thu hoạch mà tôi cũng không hái, vì không biết bán cho ai. Năng suất cũng chỉ khoảng 1 tấn/công, tính ra vụ này lỗ 3 triệu đồng/công, cả vườn lỗ trên 20 triệu đồng. Chưa kể năm nay chi phí đầu tư tăng gấp đôi so với năm trước”.

Anh Trần Văn Đằng- Giám đốc Hợp tác xã Xoài cát núm Quới An (Vũng Liêm) thì cho hay: Chưa thấy năm nào giá thấp như năm nay, nhiều nhà vườn thua lỗ. Tuy nhiên, nhà vườn vẫn phải hái, nếu không sẽ làm suy cây.

Không có thương lái đến mua, một số nhà vườn đành hái bán lẻ ở chợ. Song, một số nhà vườn chia sẻ: Xoài Đài Loan trái to, có trái 1kg, mà chủ yếu là chở ra chợ bằng xe máy, một chuyến chở đi chừng 100- 200kg, dù có bán được thì bỏ ra chi phí mỗi công lỗ khoảng 2 triệu đồng. Do đó, nhà vườn rất khó duy trì tiếp tục sản xuất vụ mới.

Theo một số thương lái, do tình hình xuất khẩu xoài gặp nhiều khó khăn nên giá xoài xuống thấp. Thời điểm này, nhiều loại trái cây và các loại xoài khác cũng vào mùa, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn nên tiêu thụ xoài cũng hạn chế. Hiện xoài Đài Loan đã vào cuối vụ nhưng giá bán cũng chỉ ở mức 1.500- 2.000 đ/kg.

Ông Lê Minh Đức- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh (Vũng Liêm), cho biết: Toàn xã có trên 20ha xoài, trong đó có khoảng 25% diện tích trồng xoài Đài Loan, còn lại là xoài cát núm.

Từ vài tháng nay, giá xoài liên tục giảm mạnh, có thời điểm xoài Đài Loan chỉ còn 1.000- 2.000 đ/kg, xoài cát núm chỉ từ 5.000 đ/kg, nhưng không có thương lái đến mua. Với mức giá này, nông dân lỗ từ 3- 4 triệu đồng/công. Nhà vườn phải tự hái mang ra chợ bán nhưng không có bao nhiêu, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân.

“Trước đây, xoài Đài Loan đẹp có giá 10.000 đ/kg, còn cát núm thì 15.000- 20.000 đ/kg, nhưng hiện nay rớt giá sâu. Nhà vườn neo trái trên cây vì bán cũng lỗ lại tốn thêm chi phí hái, vận chuyển. Một số vườn cũng có thương lái đến hái nhưng thương lượng với chủ vườn, mỗi bên chịu thiệt một chút. Một số hộ dân đã bỏ xoài để chuyển sang cây ăn trái khác như bưởi da xanh, dừa,…”- ông Lê Minh Đức cho biết thêm.

Ruồi đục trái, xoài giảm năng suất

Nhiều nhà vườn còn cho hay, so với năm trước, xoài giảm năng suất hơn 10- 20%. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay thay đổi thất thường, mưa trái mùa.

 

 

Thua lỗ, một số nhà vườn trồng xoài Đài Loan đốn bỏ cây.

Khi mưa rớt hột xuống, cộng thêm gió, khiến xoài dễ rụng, giảm năng suất. Bên cạnh đó, theo nhiều nhà vườn, năm nay, ruồi đục trái hại xoài khiến năng suất chất lượng xoài cũng giảm hơn so với năm trước. Trong đó, xoài cát núm bị ảnh hưởng nhiều hơn xoài Đài Loan vì xoài cát núm có vỏ mỏng hơn, ruồi dễ xâm nhập hơn.

Theo chú Nguyễn Văn Sáu, xoài bị ruồi đục có thể rụng trước khi chín hoặc tiếp tục neo trên cây. Nếu trái còn trên cây, giá trị thương phẩm cũng giảm do thịt trái bị thối. Ruồi không chỉ làm giảm năng suất và chất lượng, mà còn khiến xoài khó bán.

Theo ngành chức năng, để phòng trị ruồi đục trái, cần thu hoạch sớm khi trái vừa chín để tránh ruồi gây hại và lây nhiễm. Không trồng xen ổi, đu đủ, cam, quít, nhãn… trong vườn xoài. Bên cạnh sử dụng thuốc hóa học có thể áp dụng phun mồi protein thủy phân, sử dụng bẫy,…

Theo kinh nghiệm của chú Nguyễn Văn Sáu, một trong những biện pháp hiệu quả để phòng sâu đục trái là bao trái. “Khi xoài to độ quả trứng gà nên bao trái, ngoài việc ngừa ruồi đục trái, bao trái còn giúp phòng bệnh thán thư, thối đáy trái, sâu…

Tuy bao trái tốn công sức, thời gian, nhưng tiết kiệm chi phí và làm vỏ trái có màu đẹp, hấp dẫn hơn. Đồng thời, nên thu nhặt và tiêu hủy (đốt hoặc chôn) trái xoài rụng xuống đất cũng như còn sót lại trên cây sau khi thu hoạch, vì đó là nơi lưu tồn ruồi” - chú Nguyễn Văn Sáu chia sẻ.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Mô hình ghép cà phê mang lại hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Huyện Đức Trọng là địa phương có diện tích cà phê lớn đứng thứ 4 của tỉnh Lâm Đồng. Những năm trước đây, diện tích cà phê của huyện chủ yếu trồng bằng cây thực sinh từ nguồn giống địa phương nên cho sản lượng kém và không ổn định. Bên cạnh đó, có khoảng 30% diện tích trên 15 tuổi, cho năng suất kém, chất lượng cà phê không đảm bảo.

 

 

Vườn cà phê ghép chồi của gia đình ông Vũ Văn Trung ở thôn Nam Hải, xã Ninh Loan (huyện Đức Trọng) cho thu nhập cao

Trước tình hình đó, huyện Đức Trọng đã áp dụng nhiều chính sách vận động, khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi những diện tích cà phê kém hiệu quả, thâm canh tăng năng suất, cải tạo chuyển đổi giống bằng các dòng cà phê cao sản có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ dân. Trong đó, chương trình cải tạo giống cà phê bằng phương pháp ghép chồi đã đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao, trở thành một giải pháp then chốt trong mục tiêu phát triển sản xuất cà phê của huyện.

Là một trong những người tiên phong trong chương trình chuyển đổi, cải tạo giống cà phê bằng phương pháp ghép chồi trên địa bàn xã Ninh Loan. Ông Vũ Văn Trung, ở thôn Nam Hải, cho biết: Hiện gia đình ông đang canh tác 1,2 ha cà phê. Trước đây, khi chưa dùng phương pháp ghép cải tạo cà phê, năng suất tối đa chỉ đạt 2,5tấn/ha. Tuy nhiên, 3 năm đầu thực hiện ghép cải tạo bằng chồi của giống cà phê TR4, năng suất đã tăng lên 4 tấn/ha ở năm đầu hái bói, cao gấp 2 lần so với trước đó. Sau khi trừ hết chi phí chăm bón, thu nhập từ vườn cà phê mang lại cho gia đình tăng từ 30 triệu đồng/ha lên đến gần 100 triệu đồng/ha.

Ông Trung cho biết thêm: Sau năm thu bói, năng suất đạt tới 4-5 tấn nhân/ha và tới năm thứ 5, năng suất đạt 5-6 tấn nhân/ha. Sau khi ghép, ngoài việc cho thu hoạch cao hơn so với cây thực sinh, cây cà phê còn có khả năng kháng bệnh cao, không còn bị nhiễm bệnh rỉ sắt, nấm hồng nên cho năng suất cao.

Ngoài việc trồng cà phê ghép, Ông Trung còn tiến hành ghép cây con từ gốc cà phê Robusta với chồi cà phê ghép TR4 để cung cấp nguồn giống cho nhiều người dân địa phương; góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trong xã.

Qua thực tế từ các mô hình ghép cà phê, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo các nông hộ cải tạo vườn cà phê bằng hai hình thức mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là: Đối với các vườn cây đã hết chu kỳ kinh doanh nhưng không bị các bệnh về rễ, gỉ sắt chỉ cần cưa đốn phục hồi, chọn chồi để ghép tạo chu kỳ kinh doanh lần 2. Để phát triển cà phê bền vững, cải tạo, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, ngành Nông nghiệp huyện Đức Trọng đã liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên xây dựng các vườn giống cây cà phê ghép như TR4, TR5, TR6, TR9, TR10.... Đây là những giống cà phê cao sản chọn lọc có khả năng kháng bệnh cao, nhiều quả, cỡ hạt lớn, chín tập trung, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Phương pháp cưa đốn phục hồi, chọn chồi ghép bằng các dòng vô tính chọn lọc không những rút ngắn chu kỳ kiến thiết cơ bản mà còn cho năng suất khá cao. Đối với các vườn cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh nhưng bị các bệnh về rễ, tuyến trùng, thì nên nhổ bỏ, trồng mới nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cải tạo đất bằng cách trồng luân canh các loại cây họ đậu tối thiểu 1 năm.

Ông Phạm Hồng Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng cho biết: Qua các mô hình thực tế cho thấy giống cà phê ghép rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, nên Phòng Nông nghiệp đã mạnh dạn tư vấn cho bà con nông dân chuyển đổi diện tích già cỗi, năng suất thấp sang trồng các giống cà phê ghép. Đến nay, hầu hết diện tích cà phê được chuyển đổi đều phát triển theo hướng bền vững cho năng suất cao, chất lượng hạt đồng đều, ít sâu bệnh. Đơn vị cũng phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhiều mô hình trình diễn để nông dân tham quan học tập kinh nghiệm như tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, hợp lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê.

Có thể nói, từ mô hình này, một lần nữa lại khẳng định hướng đi kịp thời và đúng đắn của chương trình cải tạo giống cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện Đức Trọng tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi giống cà phê, nhằm từng bước cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng cà phê của địa phương.

BÌNH AN

 

Chi phí sản xuất tăng cao, nông dân bỏ lơi vụ lúa Hè Thu

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

Nông dân ấp Bờ Sao, xã Tân An Luông xuống giống vụ Hè Thu đầy lo âu khi chi phí sản xuất đè nặng.

(VLO) Làm lúa hơn 30 năm, nhưng chưa bao giờ chú Nguyễn Trung Phương (ấp Bờ Sao- xã Tân An Luông- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) lại “bỏ lơi” vụ lúa Hè Thu như năm nay.

Chú Phương cho hay: “Vụ lúa này lơi hơn mọi năm gần 2 tháng phần để nhử lúa cỏ, phần vì giá phân bón, vật tư nông nghiệp, lúa giống tăng, các chi phí khác cũng tăng theo. Nên tới giờ ấp tui mới sạ lúa, nhưng đầu vụ đã lo làm lúa bị lỗ”.

Theo nhiều nông dân, từ đầu năm đến nay, hàng loạt chi phí đầu vào “nhảy múa”, đặc biệt là giá phân tăng liên tục khiến người làm lúa lỗ nặng. Ngoài tiền phân thuốc như 1 bao phân NPK hiện giá từ 1- 1,5 triệu đồng, tiền thuê nhân công cày xới, thu hoạch… đã ngốn hết tiền lời.

Vì vậy, dù được cho là “vụ Hè Thu lúa luôn có giá hơn cả vụ Đông Xuân”, nhưng theo anh Nguyễn Hoàng Tâm- nông dân ở ấp Bờ Sao: “Giá vật tư tăng cao, nông dân phải lơi vụ để cải tạo đất mong giảm bớt chi phí vụ tới, vì càng làm sẽ càng lỗ nhiều. Người nông dân sống nhờ cây lúa, biết mần không có lời nhưng không bỏ đất trống được”.

Theo ghi nhận của phóng viên, do giá vật tư sản xuất nông nghiệp liên tục tăng thời gian qua khiến người trồng lúa “lời rất meo”. Cánh đồng ở xã Tân An Luông làm 3 vụ lúa trong năm, nhưng năm nay một số ấp chỉ làm 2 vụ, thêm phần bỏ lúa lên vườn.

Ông Âu Trọng Hữu- cán bộ Nông nghiệp xã Tân An Luông, cho biết: vụ Đông Xuân 2021- 2022 vừa rồi có 800ha lúa, tuy nhiên đến vụ Hè Thu chỉ có 450ha ở 6/12 ấp xuống giống theo lịch thời vụ.

Trong khi 6 ấp còn lại người dân thống nhất lơi vụ Hè Thu và xuống giống trễ hơn mọi năm, nghĩa là sẽ bỏ vụ Thu Đông sắp tới để vụ Đông Xuân xuống giống đồng loạt đúng lịch thời vụ.

Cũng theo ông Âu Trọng Hữu, nông dân lơi vụ Hè Thu do chi phí sản xuất tăng mà giá lúa không tăng, còn do ảnh hưởng của đợt hạn mặn năm trước cống Vũng Liêm phải đóng ngăn mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất.

Bên cạnh, những năm qua do lịch xuống giống 3 vụ/năm liên tục, nên theo chu kỳ sẽ có 1 năm không đủ ngày và nông dân đề xuất lơi vụ để cho đất nghỉ ngơi. Đây cũng là giải pháp tốt nhử lúa cỏ, ngâm đồng tái tạo dinh dưỡng cho đất.

Tin, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

 

Nấm rơm giá cao, người trồng thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, giá nấm rơm được nông dân ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) bán cho thương lái xuất đi Thành phố Hồ Chí Minh (loại nấm đá) có giá 50.000 đồng/kg. Riêng nấm thường có giá khoảng 40.000 đồng/kg, nếu bán lẻ tăng hơn đôi chút.

 

 

Người dân ở huyện Phụng Hiệp trồng nấm rơm ven đường.

Một chai meo trồng nấm, nông dân thu hoạch được khoảng 2,5kg nấm, thậm chí cao hơn, nếu thời tiết thuận lợi, cộng với kỹ thuật tốt. Rơm dùng để chất nấm được người dân mua ở Cà Mau và các tỉnh khác, ghe 30 tấn, khoảng 40 triệu đồng (26 triệu tiền rơm, còn lại là chi phí nhân công, vận chuyển). Theo người trồng nấm rơm cho biết, với mức giá này, sau khi trừ đi hết chi phí, người trồng nấm có lãi khá.

Tin, ảnh: NGỌC HƯỞNG

 

‘Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái’: Dễ làm nhưng hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Sau một thời gian triển khai, mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái” ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã tích cực cải tạo vườn tạp để trồng rau, cây ăn quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như tạo môi trường xanh-sạch-đẹp.

Theo bà Lê Thu Huyền-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đức Cơ, mô hình “Mỗi hội viên một vườn rau xanh và cây ăn trái” được triển khai thí điểm tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Sau đó, mô hình được nhân rộng ra toàn huyện. Từ khi thực hiện mô hình, nhiều gia đình hội viên, phụ nữ đã biết tận dụng các khoảnh đất trống trong vườn để cải tạo trồng rau và cây ăn quả. Ngoài đảm bảo nguồn rau sạch cho bữa ăn hàng ngày, nhiều gia đình còn có thêm thu nhập đáng kể.

 

 

Chị Bùi Thị Thanh (bên trái; tổ 7, thị trấn Chư Ty) dẫn mọi người tham quan mô hình vườn rau xanh và cây ăn trái của gia đình. Ảnh: Nhật Hào

Chị Phan Thị Phương Trang-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Chư Ty-cho biết: Thị trấn có 938 hội viên phụ nữ, trong đó có 74 hội viên dân tộc thiểu số. Ngoài tuyên truyền về ý nghĩa của việc trồng rau xanh và cây ăn quả, Hội còn hướng dẫn hội viên cải tạo đất, cách trồng, chăm sóc và hỗ trợ các hội viên đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về cây, hạt giống. Đến nay, gần 70% hội viên ở thị trấn đã triển khai mô hình. Bước đầu, mô hình đã giúp hội viên có thêm nguồn rau, trái cây sạch, tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, cải tạo môi trường sạch sẽ hơn, đặc biệt là có thêm bóng mát từ cây ăn quả.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau của gia đình, bà Hoàng Thị Quy (tổ 7, thị trấn Chư Ty) bộc bạch: “Trước đây, tôi chỉ trồng một ít rau trong vườn. Khi Hội LHPN thị trấn triển khai mô hình “Mỗi hội viên một vườn rau xanh và cây ăn trái” và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, tôi biết cách chăm sóc vườn rau tốt hơn. Với kinh nghiệm có được, tôi đã vận động và hướng dẫn chị em xung quanh trồng rau để tiết kiệm chi phí cũng như tạo nguồn rau sạch phục vụ cho gia đình”. Cũng tham gia mô hình, chị Bùi Thị Thanh (cùng tổ) cho hay: “Gia đình có gần 4 sào đất vườn. Khi được Hội vận động, tôi đã cải tạo đất để mở rộng diện tích rau và mua thêm cây ăn quả về trồng. Hiện tại, tôi có 2 sào rau và 1,5 sào cây ăn quả gồm: sầu riêng, mít, thanh long, quýt. Ngoài có nguồn rau sạch để ăn, mỗi tháng, tôi thu khoảng 10 triệu đồng từ bán rau; còn cây ăn quả thì tùy theo mùa, có thời điểm thu 15-17 triệu đồng/tháng. Thấy hiệu quả nên nhiều hội viên đã tìm tới vườn cây của tôi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Cùng với việc triển khai mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái”, các cấp Hội cũng đã đẩy mạnh phong trào “5 không, 3 sạch”; tổ chức nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh khu vực công cộng và tham gia trồng rừng, trồng cây xanh, con đường hoa. Đến nay, Hội đã xây dựng được 15 mô hình “5 không, 3 sạch”, 12 mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu”. Thời gian tới, Hội sẽ chú trọng nhân rộng mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái”.

NHẬT HÀO

 

Nâng cao giá trị cây nấm rơm thông qua chế biến

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Vốn có truyền thống trồng nấm rơm suốt hơn 30 năm, gia đình của anh Tống Duy Khương ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) luôn trăn trở làm thế nào để có thể bảo quản được nấm rơm lâu hơn nhưng vẫn giữ được độ ngon và dinh dưỡng trong cây nấm. Qua nhiều lần mày mò nghiên cứu, đến nay, anh Khương đã cho ra thị trường sản phẩm nấm rơm đóng gói, được người tiêu dùng lựa chọn.

 

 

Anh Tống Duy Khương (bên trái) giới thiệu sản phẩm nấm rơm đóng gói

Anh Tống Duy Khương - chủ Cơ sở sản xuất và kinh doanh nấm rơm Phước Lộc, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết: Trước đây, em từng làm thương lái thu mua nấm rơm và tiếp xúc nhiều với nấm rơm tươi nên thấy được nhược điểm của nấm rơm là không thể vận chuyển đi xa và khó bảo quản. Vì vậy, em có ý tưởng chế biến sản phẩm nấm rơm để giữ nguyên chất lượng và có thể vận chuyển đi các vùng miền khác. Đầu tiên nấm rơm được gọt rửa sạch, rồi trần hấp và thanh trùng, sau đó cho vào nước muối để bảo quản, rồi vớt ráo, cân tịnh và đóng gói kèm theo dung dịch nước muối.

Mỗi ngày, cơ sở của anh Khương tiêu thụ từ vài trăm đến 1 tấn nấm rơm tươi cho người dân địa phương. Lúc cao điểm có thể tăng công suất gấp 4, 5 lần và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Anh Khương cho biết thêm: "Sản phẩm này có thế mạnh là bảo quản nhiệt độ bình thường 30 độ C, tránh ánh nắng trực tiếp nên rất tiện cho người sử dụng. Hiện thị trường chính của cơ sở là các trang thương mại điện tử và có 2 nhà phân phối ở Bình Thuận và Vũng Tàu. Hướng tới, cơ sở sẽ hướng ra thị trường miền Trung và miền Bắc, vì đây là những thị trường tiềm năng".

Hiện tại, Xã đoàn Vĩnh Thới đang hướng dẫn anh Khương đăng ký tham gia Dự án khởi nghiệp của huyện và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Anh Nguyễn Minh Tâm - Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết, Xã đoàn sẽ hỗ trợ liên quan đến Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm; đánh giá, đóng góp ưu nhược điểm để sản phẩm ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, Xã đoàn cũng liên hệ với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội và những nguồn vốn về ý tưởng khởi nghiệp của Trung ương Đoàn để giúp Duy Khương bao tiêu sản phẩm và nâng cấp cơ sở sản xuất.

Với lợi thế thời gian bảo quản lâu và giữ được độ tươi ngon của nấm rơm, sản phẩm nấm rơm đóng gói của anh Khương hứa hẹn sẽ đưa nấm rơm quê nhà đi khắp cả nước, góp phần nâng cao giá trị cây nấm rơm, đảm bảo đầu ra và tăng lợi nhuận cho người trồng nấm rơm ở huyện Lai Vung.

Hạo Thiên

 

Anh Thượng Thái Cát làm giàu từ nuôi bò 3B

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Thay vì chăn nuôi theo hướng truyền thống, anh Thượng Thái Cát, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), chủ trang trại Cát Lý thực hiện mô hình nuôi bò 3B với quy mô trên 120 con, bước đầu đem lại hiệu quả, thu nhập cao.

 

 

Trang trại bò 3B của anh Thượng Thái Cát.

Sau một thời gian lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Cát nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi bò lai 3B, nên quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Với số vốn dành dụm được, anh xây dựng chuồng trại, đầu tư mua 17 con bò; tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên đợt đầu bò bị mắc bệnh. Không chịu thất bại, anh tích cực đến học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi trên sách báo và ti vi. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh Cát áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, nên đàn bò phát triển tốt, ít dịch bệnh. Đến nay, sau gần 2 năm chăm sóc, trang trại của gia đình anh Cát có trên 120 con, chủ yếu là bò lai 3B và bò Vàng địa phương. Thị trường chính là cung cấp cho các lò mổ tại Hà Nội. Năm 2021, anh Cát xuất bán khoảng 50 con bò, trung bình mỗi con trọng lượng 600 – 700 kg, giá bán 95.000 đồng/kg hơi, cho doanh thu gần 3 tỷ đồng.

Anh Cát chia sẻ: Bò 3B là giống cao sản, nuôi không khó bởi có sức đề kháng cao, phàm ăn nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh. Quá trình chăn nuôi tiêm đủ hai loại vắc xin phòng bệnh là Lở mồm long móng và Tụ huyết trùng; chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa Hè, ấm áp về mùa Đông... Nuôi 8 - 9 tháng tuổi bắt đầu vỗ béo, sau 1,5 năm, trọng lượng có thể lên tới 700 kg. Để phục vụ thức ăn cho đàn bò, tôi trồng thêm 5 ha cỏ, đồng thời thu mua ngô sinh khối của bà con trong xã dự trữ trong mùa Đông. Trong quá trình chăn nuôi, tôi áp dụng tiến bộ KHKT, sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học rải trên nền chuồng nuôi. Với cách làm này, vừa khử được mùi hôi của chất thải vừa hạn chế được bệnh tật, giúp bò sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, nguồn chất thải xử lý làm phân vi sinh cung cấp cho bà con trong và ngoài huyện.

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa đánh giá: Mô hình nuôi bò 3B của anh Cát đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác được lợi thế của địa phương và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của người dân, đồng thời là một trong những tấm gương sáng về phát triển kinh tế trên địa bàn xã Thuận Hòa.

Bài, ảnh: THU LIỄU - THU BIÊN (Vị Xuyên)

 

Giá con giống- thức ăn tăng chưa từng có, người nuôi gồng mình gánh lỗ, ngại tái đàn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

Chi phí sản xuất tăng trong khi giá heo hơi đứng yên khiến người chăn nuôi gánh lỗ, không dám tái đàn.

Giá thức ăn tăng vọt, giá heo giống đang ở mức cao chưa từng có, trong khi nguy cơ tái phát dịch tả heo Châu Phi vẫn còn, khiến người chăn nuôi lao đao, ngán ngại tái đầu tư.

Cô Nguyễn Thị Hai (xã Thanh Đức- Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cho hay: “Tôi nuôi heo hơn 20 năm nay, nhưng chưa năm nào lo lắng như năm nay, gần 10 con heo chưa bán đã thấy lỗ. Chưa đầy 2 năm mà giá thức ăn đã tăng 14- 15 lần. Tính ra đến thời điểm này đã tăng 150.000- 200.000 đ/bao thức ăn 25kg so với năm 2020”.

Theo cô Hai, để nuôi heo thịt đạt xuất chuồng (trên dưới 100 kg/con), người nuôi phải tốn trung bình 10 bao thức ăn, với mức giá thức ăn tăng như hiện nay đã tốn gần 4 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể tiền con giống từ 1,5- 2 triệu đồng/con, thêm tiền thuốc phòng trị bệnh, vệ sinh chuồng trại,... Trong khi giá heo hơi chỉ từ 5,2- 5,5 triệu đồng/tạ thì đã cầm chắc lỗ từ 800.000- 1 triệu đồng/con”.

Giá con giống tăng mạnh nhưng nguồn con giống đạt chất lượng ngày càng khan hiếm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và một số hộ nuôi không còn vốn để tái sản xuất do thua lỗ từ các vụ nuôi trước. Thiếu nguồn cung heo giống, nhiều hộ chăn nuôi phải tìm mua heo non, chưa tẻ bầy, chưa cấm sữa về nuôi nhưng lại không an tâm về chất lượng, dịch bệnh.

Lo lắng vì chi phí đầu tư cao lại khó mua được heo con, nhiều người chăn nuôi ngại tái đàn, không ít hộ đành phải treo chuồng, tạm ngừng nuôi.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi để dự báo tình hình dịch bệnh cho người nuôi biết để phòng chống hiệu quả; thực hiện kiểm tra, đánh giá heo đực giống và hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi. Đồng thời, khi tái đàn, người chăn nuôi phải thay đổi tập quán chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và cần tính toán kỹ chi phí đầu tư để tránh thua lỗ.

Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Giá heo hơi tăng nhưng người nuôi vẫn chưa có lời

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

So với cách nay 2 tuần, giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng thêm khoảng 1.000-3.000 đồng/kg và đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2022 nhưng vẫn chưa đảm bảo cho người chăn nuôi heo có lời.

 

 

Thương lái thu mua heo hơi của người dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Giá heo hơi tăng do lượng heo hơi tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương đang giảm so với trước, người dân giảm nuôi. Giá heo hơi đang ở mức từ 56.000-58.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 7.000-8.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 12.000-13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Theo nhiều hộ dân chăn nuôi heo, do thời gian qua giá thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi heo và nhiều chi phí đầu vào tăng lên ở mức cao nên để nuôi một con heo đạt 100kg, người chăn nuôi phải bỏ vốn từ 5,5-6 triệu đồng. Trong đó, chi phí tiền thức ăn khoảng 4,2-4,5 triệu đồng, tiền con giống khoảng 1-1,2 triệu đồng, thuốc thú y ít nhất 100.000-200.000 đồng/con… Do vậy, người chăn nuôi heo vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi gần đây giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thêm từ 10.000-15.000 đồng/bao (25kg). Hiện những doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi heo lớn tự sản xuất con giống và tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi mới có thể kiếm lời, còn đa phần hộ chăn nuôi nhỏ vẫn còn lỗ vốn hoặc chỉ “phá huề” khi xuất bán heo với giá hiện tại. Ngoài ra, người chăn nuôi heo còn có nguy cơ bị thua lỗ nặng, thậm chí “mất trắng” nếu đàn heo gặp phải các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh tả heo châu Phi.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop