Đắk Lắk: Nhãn lồng Hưng Yên trên đất Ea Kiết
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Qua tìm hiểu một số mô hình kinh tế ở các địa phương, năm 2020, anh Nguyễn Trọng Đạt (ở thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) mạnh dạn chuyển đổi diện tích 2 ha cà phê của gia đình sang trồng nhãn lồng Hưng Yên.
Thời gian đầu, gia đình anh Đạt chỉ trồng thử nghiệm vài trăm cây. Sau đó, thấy được hiệu quả từ nhãn đem lại, anh đã mạnh dạn mở rộng ra toàn bộ diện tích 2 ha, với 2.000 gốc nhãn. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật về bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh... nên vườn nhãn của gia đình anh phát triển tốt, ít sâu bệnh. Cây nhãn trồng được 16 tháng đã bắt đầu ra hoa và đậu quả; thời gian từ khi cây ra hoa đến lúc thu hoạch là 7 tháng.
Anh Nguyễn Trọng Đạt (bên phải) giới thiệu mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên đến Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kiết.
Thời điểm này, mặc dù vườn nhãn chỉ mới có 400 cây cho thu bói nhưng anh Đạt vẫn thu được sản lượng đáng kể, năng suất mỗi cây đạt 20 - 30 kg, tổng sản lượng trong vụ này của gia đình đạt được hơn 8 tấn. Nhãn to tròn, cơm dày, vị ngọt đậm và có hương vị thơm đặc trưng nên rất được thị trường ưu chuộng.
Hiện thương lái đến tận vườn mua với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình anh lãi hơn 120 triệu đồng. Dự kiến thời gian tới, khi cây nhãn bước vào giai đoạn kinh doanh chính, năng suất, sản lượng vườn cây của gia đình sẽ còn cao hơn…
Anh Đạt phấn khởi: “Vùng đất Ea Kiết rất hợp với cây nhãn, chi phí đầu tư cũng thấp, mỗi một cây đầu tư chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng. Khi cây nhãn bước vào giai đoạn thu hoạch chính, 1 ha chỉ hết khoảng 100 triệu đồng tiền đầu tư, trong khi đó người trồng có thể thu được 40 - 50 tấn quả; với giá cả thời điểm hiện nay thì thu nhập có thể cao gấp 2 - 3 lần so với trồng cà phê”.
Ông Trần Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kiết cho biết, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất. Trong đó, mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên của anh Đạt đã cho hiệu quả cao. Thành công của mô hình nhãn lồng Hưng Yên của anh Nguyễn Trọng Đạt mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao nguồn thu nhập cho nhân dân trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Trung Dũng
Trồng ‘rừng’ vú sữa Hoàng Kim
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Vú sữa Hoàng Kim, cây trồng mới tại Lâm Đồng đã cho thấy độ phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng. Một gia đình nông dân tại Thôn 5, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm đã có một vườn vú sữa Hoàng Kim trưởng thành, ra hoa, kết trái rất khả quan.
Chị Như Hoa và con gái bên “rừng” vú sữa Hoàng Kim
Gia đình chị Trần Minh Nguyệt Như Hoa - anh Nguyễn Minh Đức là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn Bảo Lâm trồng thử vú sữa Hoàng Kim. Năm 2019, sau khi cải tạo mảnh đất trồng cà phê, anh chị xuống giống 350 cây vú sữa Hoàng Kim, thứ trái cây có màu vàng tươi, vị ngọt mát, rất ít hột. Ngay từ khi xuống giống, do đã tìm hiểu về cây vú sữa Hoàng Kim, gia đình đã trồng khá thưa do anh Đức tìm hiểu thông tin cho thấy, cây vú sữa Hoàng Kim khi trưởng thành sẽ rất to. Và, sau 4 năm canh tác, cây vú sữa Hoàng Kim của gia đình anh chị đã rất lớn, với chiều cao lên tới 3- 4 m.
Vừa dùng sào thu hoạch những trái vú sữa vàng tươi, chị Như Hoa vừa nhận xét, ít loại cây trồng nào dễ chăm như cây vú sữa Hoàng Kim. Cây gần như không có sâu bệnh, không phải dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, chỉ cần tưới nước, bỏ phân đều đặn là đủ để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chị chia sẻ: “Nhiều người vào thăm nói vườn vú sữa Hoàng Kim nhà tôi như một mảnh rừng, mà đúng là trồng như trồng rừng thật. Hồi cây nhỏ thì còn phải chăm ít nhiều chứ từ năm 2022 tới nay, cây to, không cần phải chăm sóc gì, rất dễ sống”. Mảnh vườn 350 cây vú sữa Hoàng Kim cao ngợp, những tán lá to bản tạo nên một khung cảnh xanh mát.
Vú sữa Hoàng Kim bị côn trùng chích hút trái, khiến trái bị “tật”, vẹo, không đều và đẹp trái. Để phòng ngừa côn trùng chích trái, gia đình anh chị Như Hoa - Minh Đức tiến hành bọc trái sau khi thành hình. Theo chị Hoa, từ khi cây ra bông tới khi trái chín, có thể thu hoạch được là 3 tháng. Sau khi có bông được tầm 20 ngày, khi trái bằng ngón tay cái, gia đình tiến hành bọc trái bằng túi chuyên dụng. Túi sẽ giúp trái tránh được côn trùng, không bị chích hút cũng như lên màu vàng rạng rỡ. Khi thu hoạch, chỉ cần cắt luôn túi như bọc ngoài chống sốc, giúp việc bảo quản trái tốt hơn, mang đi xa không bị hỏng, dập.
Chị Như Hoa cho biết, vú sữa Hoàng Kim ra trái rải rác quanh năm nhưng vụ chính là vào giáp Tết Âm lịch. Từ năm 2021, anh chị đã được thu lứa bói. Vụ trái năm 2022, 350 cây vú sữa thu được 17 tấn trái, trung bình 50 kg/cây. Với giá bán tại vườn từ 25-35 ngàn đồng tùy size trái, gia đình có một khoản thu vừa phải. Chị Hoa nhận xét: “So với trồng các loại cây ăn trái có giá như sầu riêng, bưởi thì vú sữa Hoàng Kim thu nhập không bằng. Tuy nhiên, vú sữa ra trái rất nhanh, lại ít sâu bệnh, mức đầu tư thấp, người trồng rất khỏe. Vì vậy, gia đình vẫn giữ nguyên vườn vú sữa Hoàng Kim để có khoản thu nhập ổn định. Được thêm một điều là năng suất trái sẽ tăng từng năm, thu nhập sẽ ngày càng tốt hơn”.
Một điều chị Như Hoa nhấn mạnh là khác với nhiều loại trái, khi hái xuống khỏi cây, trái vẫn tiếp tục chín thì trái vú sữa Hoàng Kim khi rời khỏi thân cây gần như giữ nguyên chất lượng như khi còn trên cành. Trái rất khó chín thêm sau khi đã thu hoạch. Vì vậy, khi hái, chị chỉ chọn những trái đã chín thật sự. Chỉ khi hái chín, trái mới đạt độ ngọt, độ mềm cho phép, đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng ngon ngọt nhất. Chị luôn khuyến cáo những gia đình trồng vú sữa Hoàng Kim cần thu hoạch khi trái chín hẳn, không hái trái ương vì sẽ không ngon, ảnh hưởng tới giá trị trái.
Bà K’Uỳnh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc An cho biết, vườn vú sữa của gia đình anh chị Như Hoa - Minh Đức là một vườn cây ăn trái đặc sắc của xã. Vú sữa Hoàng Kim của gia đình cho trái thơm, ngọt, dễ bán trên thị trường, ít bị cạnh tranh. Trồng loại cây này tuy thu nhập không cao bằng sầu riêng, bưởi nhưng chi phí đầu tư thấp, chăm sóc nhẹ nhàng, ít công, thu nhập vẫn cao hơn trồng cà phê và nhiều loại cây trồng khác. Bởi vậy, Lộc An thường xuyên khuyến cáo nông dân đa dạng hoá cây trồng, tránh phụ thuộc vào một vài loại cây, giảm ảnh hưởng xấu nếu thị trường thay đổi.
DIỆP QUỲNH
Thanh long cuối mùa đạt giá cao gấp 3 lần
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Thanh long ở huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện được thương lái thu mua tại vựa với giá 28.000 đồng/kg (loại I), 23.000 đồng (loại II), 18.000 đồng/kg (loại III)... Giá thu mua thanh long cuối mùa chính vụ năm nay cao cấp 3 lần so với năm 2022 cùng vào thời điểm này.
Thu mua thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo nhà vườn, thanh long hiện nay có giá cao vì mùa chính vụ đã sắp hết, hầu hết các vườn đã sắp hết trái nên nguồn cung thấp hơn cầu. Thanh long chính vụ năm nay có giá cao gấp 2 - 3 lần năm 2022 nên người trồng có thu nhập cao, yên tâm đầu tư cho cây thanh long, tiếp tục chăm sóc vườn để chuẩn bị cho sản xuất nghịch vụ (xử lý ra hoa trái vụ bằng cách xông đèn).
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.700 ha thanh long, diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha.
Ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo cho biết: Nhằm đảm bảo giải pháp lâu dài, bền vững cho sự phát triển của cây thanh long trong tương lai, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang và thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Điển hình như, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đã xây dựng vùng trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP với 39 thành viên tham gia sản xuất ở 8 tổ hợp tác tại các ấp trong xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo. Tổng diện tích vườn cây của xã viên là 132 ha với các loại thanh long ruột trắng, ruột đỏ, ruột tím hồng... Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sơ chế được từ 60 - 100 tấn trái thanh long cùng hơn 60 tấn trái cây khác để xuất khẩu sang các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... và đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước. Qua đó, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho các xã viên cũng như nhà vườn trồng thanh long ở địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 9.400 ha với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 236.000 tấn trái tập trung ở các huyện như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông… Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.300 ha diện tích thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP, trong đó có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP và 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Tiền Giang đã có 33 mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc với 5.493 ha; 92 mã số vùng trồng xuất sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia với 1.271 ha.
Đây được xem là giấy thông hành quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới. Tỉnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600 ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP.
Nguyễn Hữu
Phòng trừ sâu đầu đen hại dừa: Cần sự chung tay của nhà vườn
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Sâu đầu đen là đối tượng dịch hại mới xuất hiện trên cây dừa, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các vườn dừa.
Với nhiều nhà vườn trồng dừa hiện nay, sâu đầu đen (SĐĐ) là nỗi ám ảnh vì những thiệt hại mà chúng gây ra không hề nhỏ. Hiện đối tượng gây hại này đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với đặc tính lây lan nhanh. Để phòng trừ SĐĐ hiệu quả, ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân cần sớm ngăn chặn ngay từ đầu và đồng loạt, trong đó chú trọng sử dụng các biện pháp sinh học để bảo vệ môi trường.
Phát hiện sớm để có biện pháp phòng trị kịp thời
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), SĐĐ là đối tượng dịch hại mới xuất hiện trên cây dừa, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các vườn dừa của tỉnh Bến Tre. Tại Vĩnh Long, đã xuất hiện đối tượng này ở các huyện Vũng Liêm, Long Hồ… Trung tuần tháng 10/2023, đã ghi nhận SĐĐ gây hại trên vườn dừa tại các xã Trung Thành Tây và Quới An (Vũng Liêm) với diện tích nhiễm gần 4ha (tỷ lệ nhiễm nặng 70% là 0,2ha, còn lại là nhiễm nhẹ đến dưới 20%).
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, tính đến đầu tháng 11/2023, diện tích trồng dừa trên toàn huyện là 5.134ha. Phần lớn trong số này là nhóm dừa công nghiệp (khai thác cơm dừa khô lấy dầu) và hiện cho thu nhập khoảng từ 60-70 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2020, SĐĐ gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều vườn dừa của tỉnh Bến Tre.
Do có vị trí địa lý giáp ranh tỉnh này, xã Thanh Bình (Vũng Liêm) cũng chịu thiệt hại bởi SĐĐ từ giữa năm 2022 với diện tích khoảng 1ha. Nhưng sau đó, ngành chức năng đã phát động phòng trừ và từ đó đến nay SĐĐ được khống chế trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, việc nhà vườn thiếu sự quan tâm chăm sóc vườn dừa do giá dừa khô giảm thấp kết hợp với nhiều yếu tố bất lợi khác khiến SĐĐ lây lan nhanh.
Theo đó, vào cuối tháng 10/2023, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đã ghi nhận có sự xuất hiện của SĐĐ trên vườn dừa của một số hộ dân ở ấp Tân Trung (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm). Trong số này, hộ ông Cao Văn Năm chịu thiệt hại nặng nhất với diện tích khoảng 0,2ha. Nếu không quan tâm phòng trừ SĐĐ từ đầu thì thiệt hại để lại là rất lớn (có thể lên đến 60-70%).
Có 3 công trồng dừa trên 10 năm, chú Đặng Văn Xưa (ấp Tân Trung, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Loại sâu này lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nếu không phòng trị kịp thời. Vườn dừa của tôi cũng vừa chớm bệnh, nên tôi báo ngành nông nghiệp địa phương ngay để có biện pháp phòng trừ kịp thời”.
Không lơ là, chủ quan với sâu đầu đen
Theo ngành nông nghiệp, giải pháp phòng trừ SĐĐ hại dừa đòi hỏi nhiều công sức nhưng hiệu quả chưa cao, vườn nhiễm nặng chậm phục hồi. Trong khi đó, giải pháp phòng trừ tổng hợp, ngăn chặn từ đầu được xem là tối ưu nhất hiện nay, cùng với việc kết hợp các giải pháp phòng trừ sinh học, sử dụng thiên địch, trồng đa dạng các loài cây (nhất là cây có hoa) trong vườn dừa.
Theo đó, những năm qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã triển khai thực hiện các mô hình nhân nuôi, phóng thích các loài thiên địch này ra vườn dừa tại các huyện có diện tích trồng dừa lớn của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương phát động và tổ chức phòng trừ SĐĐ hại dừa bằng nhiều giải pháp tổng hợp như: nhân thả bọ đuôi kìm, ong ký sinh, sử dụng thuốc gốc sinh học, vệ sinh vườn,...
Theo ngành nông nghiệp, hiện tại việc quản lý SĐĐ đang được thử nghiệm với rất nhiều biện pháp nhằm đảm bảo vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường, vật nuôi và người sử dụng cũng như đảm bảo mục tiêu an toàn thực phẩm và bảo vệ hệ sinh thái vườn dừa.
Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, để phòng trị SĐĐ hại dừa, cần kết hợp nhiều biện pháp như thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm đối tượng này để có biện pháp phòng trị kịp thời. Cắt bỏ, tiêu hủy những tàu dừa bị gây hại (đốt hoặc ngâm trong nước) để diệt ấu trùng, nhộng, trứng sâu.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp sinh học và bón phân đầy đủ, cân đối dinh dưỡng cho các vườn dừa đã bị SĐĐ gây hại. Đối với biện pháp hóa học, chú ý đến các loại thuốc gốc hoạt chất ít ảnh hưởng đến môi trường và chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Để quản lý tốt SĐĐ hại dừa, ngành nông nghiệp cần sự chung tay của nhà vườn. Bà con nhà vườn cần quan tâm chăm sóc vườn và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.
Khi phát hiện SĐĐ phải báo ngay đến ngành chuyên môn, chính quyền địa phương. Tuyệt đối không được lơ là chủ quan, cần luôn đề cao ý thức cảnh giác với SĐĐ và chủ động trong phòng trị đối tượng dịch hại này.
SĐĐ có tên khoa học là Opisina arenosella, thuộc họ bướm đêm (Oecophoridae), loại cây sâu thường ký chủ là dừa, dầu cọ, dừa kiểng… Trứng SĐĐ có hình cầu, màu trắng đục, sắp nở chuyển màu hồng. Trứng được đẻ rải rác ở mặt dưới lá. Giai đoạn trứng kéo dài từ 4-5 ngày. Sau khi trứng nở ấu trùng thường trải qua 8 giai đoạn phát triển trong vòng 46 ngày. Ấu trùng hóa nhộng ngay trên lá chét của tàu dừa, chúng nhả tơ kết lại từ các mảnh vụn (chất thải của ấu trùng) thành kén và hóa nhộng bên trong, nhộng có màu nâu nhạt và chuyển sang màu nâu sẫm lúc sắp nở. Giai đoạn nhộng có thể kéo dài từ 9-11 ngày ở nhiệt độ phòng. Thành trùng SĐĐ thuộc họ ngài đêm, cánh trước màu trắng xám với những chấm màu nâu rải rác trên cánh. Ban ngày, chúng thường ẩn náu ở mặt dưới lá chét và những bụi rậm bên dưới tán lá dừa. Thành trùng cái đẻ trứng thành từng nhóm trên đường đục của những lá bị ấu trùng phá hại. Một con cái trưởng thành có thể đẻ khoảng 49-490 trứng.
Bài, ảnh: PHI LONG
Mô hình trồng nấm rơm được nhân rộng
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Những năm gần đây, xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) phát triển mô hình trồng nấm rơm, với nhiều hộ nông dân hưởng ứng và mở rộng diện tích.
Để tăng năng suất, chất lượng nấm, UBND xã đã đề xuất với huyện hỗ trợ xây dựng thêm 4 nhà nấm cho bà con trong thời gian tới.
Hộ gia đình bà Lê Thị Huỳnh Hoa, sinh sống tại ấp Trường Phước A, là một trong những hộ trồng nấm rơm khá trên địa bàn xã. Gia đình bà trước đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Để kiếm thêm thu nhập, bà Hoa tranh thủ sau mỗi vụ mùa, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để trồng nấm rơm, nhưng do chưa nắm bắt được kỹ thuật, ảnh hưởng thất thường của thời tiết nên hiệu quả đạt được chưa cao.
Đến năm 2019, bà Hoa được tiếp cận Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), triển khai mô hình “Trồng nấm rơm trong nhà”, giúp các hộ dân tại xã được tiếp cận khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Nắm vững kỹ thuật và đảm bảo được trang thiết bị phục vụ sản xuất, việc trồng nấm phát huy được thế mạnh, đem đến thu nhập cao cho gia đình bà Hoa. Bà Hoa đang chất khoảng 100 cuộn rơm, mỗi cuộn khi thu hoạch đạt năng suất trung bình 3kg/cuộn. Sau khi trừ đi các chi phí, lãi thu về khoảng 7-8 triệu đồng cho một lần thu hoạch.
Bà Hoa chia sẻ: “Việc trồng nấm của nhà tôi không tốn nhiều chi phí đầu tư. Rơm rạ sau khi thu hoạch lúa thay vì đốt bỏ thì tận dụng lại. Trồng nấm rơm rất nhanh cho thu hoạch, từ lúc chất rơm cho đến ngày thu hoạch nấm chỉ khoảng nửa tháng. Thương lái mua nấm vào tận nhà và giá bán cũng khá cao, dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg”.
Từ vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã đã có 20 hộ trồng nấm rơm. Bà Bùi Thị Kim Tiền, cán bộ khuyến nông UBND xã Trường Long Tây, cho biết: “Mô hình trồng nấm rơm phát triển đã tận dụng được nguồn rơm sẵn có, tranh thủ được thời gian nhàn rỗi để tạo thêm nguồn thu cho người dân. Xã khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tiếp cận mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Mô hình này có nhiều ưu điểm như nông dân có thể chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ. Việc vệ sinh khu vực trồng nấm cũng thuận lợi, tiết kiệm được diện tích chất nấm và không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời.
Từ những kết quả khả quan đạt được, địa phương đang hướng tới việc xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương là nấm rơm sấy khô trong năm 2024. Để thực hiện được điều này, cần sự đồng lòng và nỗ lực từ cả chính quyền địa phương và những hộ dân. Việc xây dựng sản phẩm OCOP trong tương lai không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn góp phần đưa nông sản sạch của địa phương đến rộng rãi với người tiêu dùng khắp nơi.
Tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất và tiếp cận với khoa học kỹ thuật, địa phương tổ chức các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương khác có mô hình hiệu quả. UBND xã đề xuất với huyện hỗ trợ xây dựng thêm 4 nhà nấm cho bà con trong thời gian tới, còn hiện nay do hạn chế kinh phí nên chỉ mới có 3 nhà nấm được xây dựng, còn lại đa số đang trồng theo cách truyền thống - chất nấm ngoài trời dưới nền đất.
Bà Lê Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô. Phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức nhiều hơn nữa các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng để nấm rơm để có thể sớm trở thành sản phẩm OCOP của Trường Long Tây”.
Bài, ảnh: THANH NGÂN
Giá ớt sừng vàng giảm nhưng nông dân vẫn có lãi
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện nay, giá ớt sừng vàng ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) được thương lái mua với giá 55.000-60.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi. Tuy giá ớt sừng vàng giảm nhưng người trồng vẫn đạt lợi nhuận khá.
Theo nông dân, ưu điểm của giống ớt sừng vàng là cây lớn, trái to, dễ trồng, mỗi năm có thể trồng hai vụ, được thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ, giá cao và ổn định. Thời gian sinh trưởng của ớt sừng vàng ngắn, từ khi trồng, chăm sóc khoảng 2 tháng là cho thu hoạch; cách 3 ngày sẽ cho thu hoạch một lần, kéo dài khoảng 1 tháng. Trung bình 1 công ớt sẽ cho năng suất hơn 1 tấn, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lãi khoảng 40-50 triệu đồng/công.
KIM MƠ
Giá mì nguyên liệu tăng cao, nông dân có lãi
Nguồn tin: Báo Bình Định
Từ cuối tháng 10.2023, nông dân trong tỉnh Bình Định bắt đầu thu hoạch mì. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Năm nay, toàn tỉnh có 9.627 ha đất trồng mì, tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Mỹ hơn 1.800 ha, Phù Cát 2.600 ha, Tây Sơn gần 1.400 ha, TX Hoài Nhơn hơn 1.700 ha... Năng suất mì thu hoạch đạt bình quân 28,1 tấn/ha và đang được các công ty thu mua với mức giá cao, nông dân có lãi khá.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, nhà máy chế biến tinh bột mì của Công ty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm đặt tại xã Vĩnh Quang mỗi ngày nhập khoảng 400 - 500 tấn mì nguyên liệu, với giá mua dao động 3.650 - 3.800 đồng/kg, tùy theo địa phương (mì có hàm lượng tinh bột từ 30% trở lên); tăng 500 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Nông dân huyện Vân Canh chở mì đến nhà máy của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm (xã Canh Thuận) bán. Ảnh: T.LỢI
Tương tự, ở huyện Vân Canh, nhà máy tinh bột mì của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm đặt tại xã Canh Thuận đang tăng cường thu mua mì nguyên liệu ở địa phương (mì có hàm lượng tinh bột từ 30% trở lên) với giá 3.550 đồng/kg và ở Tây Sơn với giá 3.750 đồng/kg, cao hơn mức giá bình quân năm ngoái từ 700 - 900 đồng/kg.
Theo ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm, mỗi ngày nhà máy nhập từ 600 - 700 tấn mì nguyên liệu, chủ yếu là mì ở Bình Định và 3 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum). Giá thu mua mì đang ở mức cao, hầu hết người trồng có lãi. Theo tiến độ, đến giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người trồng mì trong tỉnh sẽ hoàn thành vụ thu hoạch.
AN NHIÊN
Nuôi, trồng đặc sản cho thu nhập ổn định
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Tận dụng lợi thế về đất đai, điều kiện môi trường, nông dân huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có thu nhập ổn định từ mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng “cây đặc sản - con đặc sản”.
Bà Lưu Thị Kéo, ở ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp chăm sóc đàn gà.
Nuôi con đặc sản
Trên khu vườn 2ha trồng cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, nhãn, gia đình bà Lưu Thị Kéo (ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) kết hợp nuôi thả gà trống thiến dưới tán cây. Hiện nay, bà Kéo đang nuôi hơn 120 con gà chờ bán dịp Tết.
Theo bà Kéo, từ khi trứng gà được ấp nở, sau khoảng 5 tháng nuôi thì chọn những con gà trống khỏe mạnh để thiến, nuôi vỗ béo thêm từ 5-6 tháng nữa, gà đạt trọng lượng hơn 4kg/con thì có thể bán thịt. Gà chủ yếu ăn bắp hạt nên thịt dai giòn, thơm ngon, tiêu thụ mạnh. Đặc biệt, gà trống thiến rất được ưa chuộng tại các nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, khách đặt mua với giá 250 ngàn đồng/kg.
Để nâng cao hiệu quả mô hình nuôi gà ta kết hợp với gà trống thiến thả vườn, 20 hộ nông dân nuôi gà trống thiến trên địa bàn xã đã liên kết thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi gà trống thiến, với tổng đàn khoảng 2.000 con.
Bà Tạ Thị Thanh, Chi hội trưởng nghề nghiệp nuôi gà trống thiến xã Hòa Hiệp cho biết, gà trống thiến có ngoại hình đẹp, màu sắc rực rỡ, thương lái và nhà hàng đặt mua liên tục, giá bán cao gấp đôi giá gà truyền thống, giúp người chăn nuôi thu lãi cao.
Cũng với con đặc sản, ông Nguyễn Thanh Tân (ấp 7, xã Hòa Bình) đã thành công với mô hình nuôi chim trĩ. Theo ông, thời gian nuôi từ khi chim trĩ mới nở đến khi xuất bán từ 6-7 tháng. Giá bán hiện nay hơn 200 ngàn đồng/kg chim thương phẩm. Hiện nay, gia đình ông Tân đang có hơn 200 con chim trĩ nuôi bán thịt thương phẩm và hơn 20 con giống. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng ông thu lãi từ 15-20 triệu đồng.
“Chim trĩ ít bị dịch bệnh, ăn ít. Mỗi ngày đàn chim ăn 2 lần, thức ăn gồm thóc, rau cỏ và chuối băm. Thịt chim trĩ ngon, dai nên được nhiều thực khách, nhà hàng ưa chuộng. Do tiền thức ăn ít nên nuôi bán chim trĩ có tiền lời cao”, ông Tân cho biết thêm.
Trên địa bàn huyện đã thành lập 124 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.442 thành viên. Trong đó, nhiều chi, tổ hội sản xuất theo hướng cây - con đặc sản như: Mô hình nuôi nai lấy nhung, nuôi ong dú tại xã Bình Châu; nuôi lươn kết hợp với trồng dừa xiêm lùn tại xã Hòa Hội; nuôi heo rừng lai tại xã Bưng Riềng; mô hình trồng nhãn bắp cải, nhãn xuồng cho quả trái vụ tại xã Bông Trang; trồng vú sữa hoàng kim, ổi ru bi tại xã Xuyên Mộc… tạo thành vùng nông nghiệp đa dạng sản phẩm. (Ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc)
Với vườn nhãn cho trái chín sớm, anh Trần Hữu Hoài Ân, ấp Trang Định, xã Bông Trang kiếm hơn 50 triệu đồng/vụ nhãn.
Trồng cây đặc sản
Đến huyện Xuyên Mộc, nhiều du khách thích thú tham quan vườn cây thưởng thức nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bắp cải - những loại cây đặc sản của địa phương.
Xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc là vùng nắng nóng, đa phần đất pha cát nên cây nhãn trồng ở đây cho trái ngon hơn, ngọt và có độ đường cao. Với diện tích 3.000m2, nông dân Trần Hữu Hoài Ân (ấp Trang Định, xã Bông Trang) đang canh tác hơn 100 gốc nhãn xuồng. Anh đang dùng kỹ thuật chong đèn khoảng 50 gốc để nhãn ra trái sớm, bán vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là năm thứ 3 anh áp dụng kỹ thuật này.
“Tôi không phải mang nhãn ra chợ bán. Thương lái đến tận vườn để mua. Giá mỗi kg nhãn xuồng cơm vàng từ 40-60 ngàn đồng/kg (tùy vụ); nhãn bắp cải gần trăm ngàn đồng mỗi kg. Vườn nhãn gia đình tôi năm nay cho thu hoạch khoảng 3 tấn”, anh Ân cho biết.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương chọn một số loại đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân trong huyện đã hướng dẫn, vận động hội viên nông dân tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp theo hướng “cây đặc sản - con đặc sản”.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - PHONG VŨ
Mưu sinh mùa ‘đói lũ’ ở đồng bằng
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Ðỉnh lũ năm 2023 ở ÐBSCL dưới báo động 1, đây là mức rất thấp so với nhiều năm qua. Lũ thấp đã kéo theo nguồn lợi thủy sản sụt giảm, làm cho hàng loạt hộ dân "mưu sinh mùa lũ" ở các tỉnh vùng ÐBSCL gặp khó khăn…
Khai thác thủy sản mùa lũ ở huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang).
Cá, tôm… sụt giảm
Mới mờ sáng, vợ chồng anh Lê Văn Tùng và chị Nguyễn Thị Loan (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã xuống ghe chạy sâu vào cánh đồng rộng ở xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) dỡ hàng chục cái dớn để bắt cá linh, cá chạch, cá mè vinh, tép, cua…
Anh Tùng cho biết, bình quân mỗi cái dớn dài từ 200-300m, cao khoảng 2m được đặt chạy dài giữa đồng nước mênh mông, do đó công việc dỡ dớn phải mất khoảng 5 giờ mới xong. Dỡ xong, anh chở cá về, phân loại ra; trong đó cá linh và cá chạch phải đảm bảo còn sống nhằm cung ứng cho thương lái từ Cần Thơ chạy xe tải lên thu mua chở đưa đi các nơi tiêu thụ.
"Nếu như thời điểm đầu mùa lũ cá linh bán cho thương lái được 30.000 đồng/kg thì nay giảm còn 17.000 đồng/kg; cá chạch khoảng 140.000 đồng/kg; còn các loại cá tạp bán làm cá mồi chỉ 5.000 đồng/kg… Hôm nào dỡ dớn nhiều cá, vợ chồng tôi bán được khoảng 600.000-700.000 đồng, còn bình thường chỉ 400.000 đồng/ngày, tạm đủ sống", anh Tùng nói.
Chị Nguyễn Thị Loan (vợ anh Tùng) vừa phân loại cá, vừa cho hay: "Mỗi năm khi lũ đầu nguồn bắt đầu kéo về khoảng tháng 8, tháng 9 thì vợ chồng tôi rời quê ở huyện Châu Phú, xuống ghe chạy lên khu vực biên giới thuộc huyện Tịnh Biên và TP Châu Ðốc đánh bắt thủy sản mưu sinh. Năm nay mực nước lũ thấp, nên nguồn lợi thủy sản từ thượng nguồn về không bằng mọi năm; từ đó khiến thu nhập của những người sống nhờ "nước lũ" như vợ chồng tôi bị giảm nhiều".
Ðưa chúng tôi ra thăm cánh đồng "xả lũ" ở xã Vĩnh Tế (TP Châu Ðốc), tiếp giáp với nước bạn Campuchia, anh Lê Văn Càng (quê ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), bộc bạch: "Vợ chồng tôi cũng từ huyện Châu Phú chạy ghe lên ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế để "tạm trú trong mùa lũ" nhằm đánh bắt thủy sản kiếm sống. Tôi làm cả trăm cái dớn nên phải đặt một số cánh đồng ở huyện Tịnh Biên và TP Châu Ðốc…"
"Hiện tại, cánh đồng ở xã Vĩnh Tế sâu khoảng 1,6m nước, song vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước, vì vậy cá tôm cũng ít hơn. Vợ chồng đang tranh thủ khai thác thủy sản mùa lũ, bình quân mỗi ngày thu nhập được 600.000-700.000 đồng; tuy nhiên nguồn thu nhập cao chỉ vào những con nước kém trúng cá nhiều, còn các ngày khác thì thu nhập chỉ bằng phân nửa…"- Anh Lê Văn Càng nói.
"Trúng - thất", tùy vào nước lũ…
Là người có hàng chục năm "lênh đênh" theo mùa lũ để mưu sinh, vợ chồng anh Lê Văn Kình (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) cho biết, sẽ cố gắng khai thác thủy sản đến khoảng tháng 12-2023 khi nước rút hẳn và người dân vùng biên giới TP Châu Ðốc gieo sạ lúa đông xuân thì sẽ tháo dỡ các ngư cụ để về quê.
"Do nguồn lợi thủy sản năm nay giảm, nên dự kiến cả mùa lũ này vợ chồng tôi chỉ dư được khoảng 30 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Số tiền này cũng chỉ đủ tiêu xài vài tháng, bởi khi "hết lũ, lên bờ" thì không có nghề nghiệp gì khác để mưu sinh, mà chỉ làm thuê mướn thôi…", anh Kình bộc bạch.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Loan cho hay: "Gần 60 cái dớn, cùng với ghe, máy và một số phương tiện khác phục vụ khai thác thủy sản mùa lũ, được vợ chồng tôi đầu tư mua sắm với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng. Do mùa lũ năm nay nước về ít nên cá tôm giảm, dù khai thác cả ngày lẫn đêm, nhưng thu nhập ước khoảng 50 triệu đồng, chưa thể lấy lại vốn đầu tư".
Cũng theo chị Loan, do vợ chồng không có ruộng đất canh tác và không nghề nghiệp nên nhiều năm qua sống dựa vào khai thác thủy sản. Những năm lũ lớn thì vợ chồng kéo sang tận vùng biên giới của tỉnh Long An đánh bắt cá khá nhiều. Vài năm gần đây liên tục lũ nhỏ, nên vợ chồng anh và một số hộ ở huyện Châu Phú bàn với nhau lên ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, TP Châu Ðốc "đóng chốt" để khai thác thủy sản xung quanh đây, nhằm gần nhà, đỡ tốn chi phí. Xong mùa lũ, vợ chồng chị quay về quê "neo ghe" lên bờ đi làm thuê theo thời vụ dạng "ai mướn gì làm nấy", thu nhập khá bấp bênh.
Chị Nguyễn Thị Loan nhìn nhận, kinh tế chính của gia đình dựa vào mùa lũ; hễ năm nào lũ lớn thì khai thác thủy sản thuận lợi, còn lũ nhỏ như năm nay sẽ gặp khó khăn.
"Do đó, dự kiến nguồn thu khoảng 50 triệu đồng trong mùa lũ này vừa dành một ít trả nợ, vừa để chi tiêu cho các tháng mùa khô; trường hợp thiếu thì phải đi vay mượn nợ để chi tiêu trước, rồi chờ đến mùa lũ năm sau tiếp tục khai thác thủy sản trả lại. "Ăn trước - trả sau" đã đeo đẳng những hộ sống theo mùa lũ như vợ chồng tôi nhiều năm nay rồi…", chị Loan phân trần.
Chị Lê Thị Cẩm Hồng (quê ở huyện Châu Phú) cũng "đóng chốt" khai thác thủy sản mùa lũ ở ấp Cây Trâm (xã Vĩnh Tế) cùng với chị Loan, chia sẻ: "Còn nước lũ thì dân sống nghề thủy sản như tụi tui có đồng ra đồng vô để nuôi con ăn học. Hết nước lũ thì sẽ hết nguồn thu. Chính vì lẽ đó mà mấy năm nay khi lũ nhỏ do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến những hộ làm nghề khai thác thủy sản gặp khó. Có lúc gia đình tôi cũng muốn chuyển sang làm công việc khác nhưng do thiếu vốn, thiếu tay nghề nên cứ loay hoay chưa biết tính sao…".
Không riêng gì những hộ khai thác thủy sản gặp khó khi lũ nhỏ, mà nhiều bà con sản xuất lờ lọp, đóng ghe xuồng, uốn lưỡi câu, đan lưới, trồng ấu, nuôi tôm cá tự nhiên… ở các tỉnh ÐBSCL cũng bị giảm mạnh nguồn thu do tác động của lũ nhỏ.
Anh Ðặng Văn Lòng, ngụ xã Tân Thành (huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp) bộc bạch: "Mùa lũ trước đây, vợ chồng tôi sản xuất cả chục ngàn cái lọp tép cung ứng cho thương lái chở đi các nơi tiêu thụ, với giá 18.000 đồng/cái. Trong khi năm nay mới sản xuất hơn 500 cái lọp thì phải ngưng, bởi lũ nhỏ nên người dân giảm khai thác thủy sản và giảm mua lọp tép…".
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL lưu ý, lũ nhỏ sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Theo đó, năm nào nước lũ càng cao, càng ngập thì cá sông từ thượng lưu Mekong có chỗ để sinh sản, có nhiều dinh dưỡng… Ngược lại nếu lũ nhỏ thì cá thiếu nơi sinh sản và nguồn lợi thủy sản về hạ lưu sẽ giảm đi. Lũ nhỏ đồng nghĩa với việc thiếu phù sa mang về bồi đắp đồng ruộng ở tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… thiếu sự tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất; từ đó dẫn đến mùa vụ tiếp theo sẽ kém về năng suất và chi phí sản xuất tăng lên. Lũ không về cũng kéo theo tình trạng hạn mặn đến sớm vào mùa khô năm sau và diễn biến gay gắt hơn…
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH
Lúa và tôm
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Từ đầu năm 2023 đến nay, trong khi người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn có được "nụ cười" lợi nhuận cao thì người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm luôn trong cảnh chật vật tìm đường vượt khó.
Người trồng lúa năm nay luôn hưởng được niềm vui trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận cao. Ảnh: TÍCH CHU
Dù còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc kế hoạch năm 2023, nhưng đến giờ phút này có thể khẳng định rằng, sự thành công của niên vụ lúa 2022 - 2023 cả về sản lượng lẫn tính hiệu quả. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong niên vụ lúa 2022 - 2023, diện tích gieo trồng có giảm 0,72% so với niên vụ trước và dù còn gần 1,5% diện tích chưa thu hoạch nhưng sản lượng lúa thu hoạch ước đạt gần 2,05 triệu tấn, tăng 0,55% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa tăng lại thêm thị trường xuất khẩu thuận lợi đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gạo trong 10 tháng của tỉnh ước đạt 363 triệu USD, tăng 22,64% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đó cũng mới là một nửa thành công và một nửa còn lại càng có ý nghĩa, thật sự là niềm vui đối với người trồng lúa chính là việc giá lúa luôn giữ ở mức cao, đáp ứng được sự kỳ vọng về lợi nhuận của người trồng lúa ở niên vụ sản xuất này.
Cũng đã lâu rồi, người trồng lúa ở Sóc Trăng nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung mới lại có được một niên vụ vừa trúng mùa, lại vừa bán được giá cao như năm nay. Trong suốt cả niên vụ, giá lúa các loại luôn dao động từ mức 7.000 đồng/kg đến hơn 8.000 đồng/kg (tùy thời điểm và giống lúa). Ở thời điểm hiện tại, tuy giá lúa đã giảm vài trăm đồng mỗi ký nhưng tính chung, giá lúa ở niên vụ này vẫn cao hơn so với cùng kỳ khoảng 625 - 2.100 đồng/kg. Giá lúa ở Sóc Trăng cao và dễ tiêu thụ nhờ nông dân chủ yếu sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, lúa thơm… Điều đó được thể hiện qua sản lượng lúa chất lượng cao và lúa đặc sản chiếm đến 93,86%, còn nếu tính riêng sản lượng lúa thơm và lúa đặc sản thì con số này cũng lên đến 54,52%. Đây là kết quả tất yếu từ chủ trương phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, nguồn giống, khoa học công nghệ… đặc biệt là tầm nhìn xa về nhu cầu thị trường của lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp trong suốt những nhiệm kỳ qua, thông qua việc triển khai, duy trì và mở rộng Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao hàng chục năm nay.
Người nuôi tôm phải chật vật vượt qua mùa tôm khó khi giá bán tôm giảm mạnh gần suốt cả năm. Ảnh: TÍCH CHU
Trái ngược với cây lúa, dù vẫn có được sản lượng cao, nhưng cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí dù chỉ là điểm hòa vốn. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 3/11, toàn tỉnh đã thả nuôi 51.889,2ha tôm nước lợ, đạt 101,7% so với kế hoạch và bằng 95,7% so với cùng kỳ; trong đó, tôm thẻ chân trắng 38.883,5ha và tôm sú 13.005,7ha. Diện tích thiệt hại cũng rất thấp, khi chỉ chiếm 4,3% diện tích thả nuôi. Diện tích thu hoạch đến thời điểm đầu tháng 10 gần 42.000ha, tức bằng khoảng 80,4% diện tích thả nuôi nhưng sản lượng ước gần 188.000 tấn, cao hơn 1,9% so với cùng kỳ. Đến đầu tháng 10, diện tích tôm trên đồng của tỉnh còn gần 8.000ha, phần lớn là ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Nhìn vào các con số trên có thể thấy, phần lớn diện tích nuôi có năng suất cao, nhưng thực tế cho thấy, đa phần người nuôi tôm không thể nở được nụ cười do giá bán tôm quá thấp, thậm chí có thời điểm dưới mức giá thành.
Tình cảnh của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng không khá hơn là mấy do các thị trường lớn đều rơi vào lạm phát, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và cùng với đó là sự cạnh tranh giá bán tôm đến từ các cường quốc sản xuất tôm lớn khác trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh trong 10 tháng qua chỉ đạt mức 760 triệu USD, giảm đến 16,48% so với cùng kỳ. Chính sự sút giảm của con tôm đã kéo kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh trong 10 tháng qua giảm 5,59%, dù xuất khẩu gạo tăng đến 22,64% và may mặc tăng 18,81%. Điều này cho thấy, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm có một vị trí và tầm quan trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ tháng 9 đến nay, tuy kim ngạch xuất khẩu tôm đều tăng dần qua các tháng, nhưng theo các doanh nghiệp chủ yếu là nhờ tăng về lượng, còn giá xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo các doanh nghiệp, hiện xuất khẩu tôm chỉ còn có thể tăng mạnh trong tháng 11, sau đó sẽ giảm dần từ đầu tháng 12 cho đến hết quý I/2024.
Xuất khẩu tôm gặp khó là điều đã được dự báo từ sớm là không thể tránh khỏi, nhưng việc giá tôm giảm mạnh và tiêu thụ khó khăn kéo dài khiến mọi kỳ vọng của người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu về cú “lội ngược dòng” về đích đã không thể xảy ra. Không những thế, ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) không mấy lạc quan cho rằng, khó khăn đối với ngành tôm vẫn chưa hết, dù xuất khẩu đã có phần cải thiện trong những tháng gần đây. Ông Phục cho biết thêm: “Do áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm lớn, rồi sức tiêu thụ giảm vì lạm phát, tình hình tồn kho… nên dù lượng tôm tiêu thụ có tăng lên nhưng giá tôm xuất khẩu thì chưa được cải thiện nhiều. Hơn nữa, điều mà các doanh nghiệp đang lo lắng là khó khăn của năm 2023 này liệu có tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm của năm 2024 hay không?”.
TÍCH CHU
Kon Tum: Chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc trong mùa Đông- Xuân năm 2023- 2024.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum, đến tháng 10/2023, trên toàn tỉnh, tổng đàn trâu hiện có là 24.084 con, tổng đàn bò là 84.992 con và đàn heo là 164.038 con. Hiện nay, phương thức chăn nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh ta vẫn là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, chưa áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn; nhất là ở vùng DTTS, phần lớn người dân vẫn giữ thói quen chăn nuôi theo kiểu thả rông, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, đói, rét.
Nhiều hộ chăn nuôi đã từng bước chú ý đến việc làm chuồng trại, nuôi nhốt trâu bò. Ảnh: TH
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất lợi có thể gây ra trong mùa Đông- Xuân 2023-2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các địa phương, nhất là 3 huyện có điều kiện thời tiết khắc nghiệt là Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo đó, ngành chức năng và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, nhất là hộ đồng bào DTTS thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt có quản lý; chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc và hiệu quả chăn nuôi.
Đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ thuật xây dựng, gia cố chuồng nuôi đảm bảo phòng tránh mưa, rét cho trâu, bò. Trong quá trình sản xuất, thu gom các phụ phẩm nông nghiệp, làm cây rơm, thu gom lá cây bắp, ngọn lá mía; tận dụng đất trống xung quanh vườn nhà để trồng cỏ, trồng bắp dày để làm thức ăn cho trâu, bò nhằm đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn đội ngũ cán bộ thôn, làng và các hộ chăn nuôi triển khai các phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra, như tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc trong thời điểm mưa, rét; thực hiện nuôi nhốt trâu bò tại chuồng, không chăn thả khi nhiệt đới xuống thấp dưới 12oC; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi) sưởi ấm cho trâu, bò. Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân trong việc phòng chống đói, rét cho đàn trâu bò, hạn chế thấp nhất những thiệt hại người dân trong chăn nuôi trước tác động của thời tiết.
Song song với công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách phòng chống, đói, rét cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là trong những thời điểm giao mùa, thời tiết giá rét khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút.
Theo đó, từ tháng 9/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho động vật. Trong đó, tập trung vào các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, dại đảm bảo trên 80% đàn gia súc được tiêm phòng đầy đủ; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 2.
Đội ngũ cán bộ thú y được giao phụ trách các địa phương thường xuyên bám địa bàn để theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, nhất là tại các ổ bệnh cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh; hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, xử lý xác gia súc và chất thải vật nuôi theo quy định, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi của gia đình để kịp thời phòng dịch bệnh xảy ra; tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên nắm bắt tình hình, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương chú trọng công tác quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, giết mổ động vật, nhằm không để dịch bệnh phát tán, lây lan làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Việc chủ động triển khai sớm các giải pháp phòng chống đói, rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm để người chăn nuôi ổn định sinh kế và hạn chế thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi do ảnh hưởng của tình hình thời tiết bất lợi gây ra. Bên cạnh đó, qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn của ngành chức năng cũng từng bước thay đổi nếp, cách làm người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS trong chăn nuôi. Từ đó, từng bước hạn chế chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiệu quả và bền vững hơn.
Thời điểm cuối năm, thời tiết ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh có diễn biến thất thường, mưa lạnh, khiến cho sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, trong khi đó, hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật thường tăng cao, dẫn đến nguy cơ cao phát sinh nhiều dịch bệnh. Vì vậy, việc thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ an toàn đàn vật nuôi không chỉ bảo vệ tài sản lớn của người dân mà còn góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Thiên Hương
Anh Thuần làm kinh tế giỏi
Nguồn tin: Báo Bình Định
Sau thời gian sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2022, anh Trần Quốc Thuần (SN 1985, ở thôn Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) về quê lập nghiệp với mô hình nuôi gà thả đồi, chăn nuôi heo đen. Gia trại của anh Thuần có diện tích gần 3 ha, nuôi hơn 1.000 con gà thả đồi, 50 con heo đen. Ngoài ra, anh còn đào ao thả nuôi 300 con cá trắm cỏ; trồng thêm hơn 100 gốc dừa và các loại cây khác như cam, quýt, mãng cầu… Đến nay dù tổ chức chăn nuôi chưa lâu nhưng thành công đã đến với anh, trong đó rõ ràng nhất là mảng nuôi gà thả đồi.
Anh Thuần chia sẻ: “So với hình thức nuôi nhốt, nuôi gà thả đồi đơn giản và các loại chi phí cũng thấp hơn. Đàn gà tự đi kiếm ăn trong khuôn viên trang trại, nên mình tiết kiệm được một phần chi phí thức ăn. Gà kiếm ăn trong vườn cây khiến các loại sâu bọ giảm hẳn. Hơn nữa khi nuôi thả, gà được vận động nhiều trong môi trường nhiều cây xanh, bóng mát, ăn thức ăn tự nhiên nên sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh hơn, thịt chắc và ngon hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn”.
Anh Trần Quốc Thuần đang chăm sóc đàn gà thả đồi. Ảnh: H.T.Đ
Sau thời gian nuôi từ 6 - 7 tháng, anh Thuần xuất bán mỗi đợt khoảng 500 con gà, thu về 30 - 40 triệu đồng/đợt. Anh Thuần cho biết: “Qua nhiều đợt khảo sát thực tế, tôi thấy việc nuôi gà thả đồi có hướng phát triển tốt, được nhà nước khuyến khích, người tiêu dùng đón nhận tích cực. Tôi tính tới đây sẽ phát triển đàn gà lên quy mô 2.000 - 3.000 con, tập trung vào mảng gà thịt để khai thác tối đa quỹ đất tại vườn nhà. Bên cạnh một số giống gà đang nuôi hiện tại như gà Ai Cập vằn, gà Lương Phượng, tôi nhập thêm một số giống gà mới.
Học hỏi kiến thức chăn nuôi từ nhiều nguồn, kể cả những trang hướng dẫn chăn nuôi trên mạng xã hội, anh Thuần chú trọng cập nhật kỹ thuật trong chăm sóc; quan tâm đến nguồn thức ăn, nước uống và các yếu tố phòng bệnh cho vật nuôi. Anh Thuần cho biết, nâng quy mô đàn gà xong anh sẽ nuôi thêm heo đen, mở rộng ao cá, tổ chức chủ động thức ăn xanh bổ sung cho vật nuôi trong mô hình kết hợp.
HỒ THỊ ÐIỂM
Ninh Thuận: Thuận Nam khai thác lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc
Nguồn tin: Báo Ninh Thuận
Với lợi thế địa phương có tiềm năng về nông nghiệp, thời gian qua huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã chỉ đạo phát triển chăn nuôi (CN) gia súc theo hướng hàng hóa. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Để đưa CN phát triển, huyện Thuận Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô đàn vật nuôi; chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang CN theo hướng tập trung; chủ động tìm kiếm thị trường, quy hoạch vùng trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc. Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân triển khai các mô hình CN bò, dê, cừu vỗ béo, sinh sản...
Từ những giải pháp, định hướng đúng, đã giúp các hộ có điều kiện đầu tư phát triển đàn gia súc theo hướng bền vững. Điều đáng mừng là, các hộ CN không chỉ đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, mà còn thay đổi phương thức CN theo hướng chủ động nguồn thức ăn và cách phòng dịch hiệu quả. Ông Trà Văn Xuyển, thôn Trà Nô, xã Phước Hà cho biết: Gia đình hiện có 8 con bò, trong điều kiện đồng cỏ tự nhiện ngày càng thu hẹp, không đủ thức ăn cho bò, nên ngoài việc tận thu các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây bắp, đậu, rơm rạ,... tôi còn trồng một sào cỏ để làm thức ăn xanh giúp đàn bò phát triển tốt.
Ông Sử Ngọc Dễ, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam phát triển chăn
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm... Tuy nhiên, nhờ có những biện pháp quản lý và ứng phó kịp thời của các cấp chính quyền và người dân, ngành chăn nuôi đã vượt qua những khó khăn, duy trì sự ổn định và tăng trưởng.
Nhiều giải pháp đang được ngành chăn nuôi triển khai để thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi của tỉnh được duy trì tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá heo hơi có chiều hướng tăng. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt so với cùng kỳ. Đa phần các đối tượng vật nuôi đều tăng trưởng và phát triển tốt, đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất.
Đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì tương đối ổn định, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có 367 trang trại chăn nuôi heo, 353 trang trại chăn nuôi gia cầm. Anh Trần Văn Năng, ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi nuôi khoảng 200 con, cả heo bán thịt lẫn heo giống. So với năm trước thì năm nay số lượng tái đàn cho mùa tết sẽ ít hơn, nhưng vẫn tiếp tục duy trì để đảm bảo nguồn cung cho đợt Tết Nguyên đán 2024”.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm buộc phải công bố dịch; tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm cũng được kiểm soát tốt nên không xảy ra. Tuy nhiên, để chủ động ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm soát tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, trái phép vào địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định để ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển.
Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến chăn nuôi, như dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường và chất lượng con giống… Nhờ đó, ngành chăn nuôi đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao đời sống của người dân và xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển
Vấn đề giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh là một trong những nội dung quan trọng mà Sở NN&PTNT tỉnh luôn quan tâm. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, ước tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 146.246 con, tăng 1,53% so với cùng kỳ; đàn trâu khoảng 1.189 con, giảm 11,33% so với cùng kỳ; đàn bò khoảng 4.112 con, tăng 9,04% so với cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 4,489 triệu con, tăng 2,49% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chăn nuôi trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chất lượng con giống chưa cao, chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh và bệnh cúm gia cầm H5N1. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi… Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi tại địa phương.
Để giải quyết những vấn đề trên, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững như đẩy mạnh công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh và bệnh cúm gia cầm H5N1. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo người dân triển khai áp dụng rộng rãi các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đặc biệt là khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, chăn nuôi trang trại tập trung.
Nhờ các cán bộ kỹ thuật tại địa phương nhiều lần hướng dẫn hỗ trợ chăm sóc, cùng với sự tìm tòi nghiên cứu của bản thân mà anh Nguyễn Văn Út Em, ở ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã đạt hiệu quả cao trong mô hình chăn nuôi của mình. Anh Út Em cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 40 con gà trong vườn nhà. Buổi sáng tôi sẽ thả tự do, đến chiều thì lùa vào. Hiện tại, đàn gà đang phát triển rất tốt vì cứ mỗi đợt nuôi gà, tôi đều thực hiện tiêu độc sát trùng định kỳ, tiêm phòng cúm, sử dụng đệm lót sinh học để đàn gà khỏe mạnh và đạt năng suất cao hơn”.
Trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, vấn đề quan tâm hiện nay là cơ quan chuyên môn cần xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hợp tác hóa; đẩy mạnh việc cải tiến giống và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng hệ thống thu mua và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi như tư vấn kỹ thuật, cung cấp thức ăn, thuốc thú y, vật tư; tăng cường việc huy động vốn đầu tư và triển khai các chính sách ưu đãi cho người chăn nuôi; tăng cường việc đào tạo và nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý chăn nuôi cho người dân; tăng cường việc giám sát và kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang hy vọng, với những giải pháp trên, ngành chăn nuôi tại tỉnh sẽ có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế và xã hội của địa phương phát triển.
Bài, ảnh: MAI THANH
nuôi theo hướng trang trại cho thu nhập cao.
Các chính sách khuyến khích phát triển CN luôn được huyện Thuận Nam ưu tiên triển khai đã tạo điều kiện hình thành các trang trại, gia trại với quy mô ngày càng lớn, chất lượng đàn cũng được nâng cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được 6 trang trại CN bò, dê, cừu; 12 trang trại tổng hợp CN và trồng trọt; hàng chục gia trại vừa và nhỏ. Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương, nhiều hộ CN đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại, kết hợp với trồng cỏ, kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ. Ông Sử Ngọc Dễ, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam cho biết: Để phát triển CN bền vững, tôi đã đầu tư chuồng trại nuôi cừu sinh sản theo quy trình khép kín, chủ động nguồn cỏ, nên đàn cừu phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, trang trại của gia đình có trên 250 con cừu, 6 con bò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Vơi các giải pháp trên, tổng đàn gia súc của huyện Thuận Nam trên 112.600 con; trong đó, bò trên 15.600 con, dê hơn 27.600 con, cừu hơn 38.700 con, heo 30.576 con. Giá trị CN chiếm khoảng 30% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết: Với chủ trương phát triển CN theo hướng hàng hóa, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã quy hoạch phát triển vùng trồng cỏ; tập trung cải tạo đàn gia súc theo hướng lai tạo giống tốt; tiếp tục nhân rộng các mô hình CN hiệu quả. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ nuôi áp dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến phương thức CN; kêu gọi doanh nghiệp liên kết với các hộ dân để phát triển CN theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện thuận lợi giúp hộ CN tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư mở rộng quy mô CN.
Tiến Mạnh
Hiếu Giang tổng hợp