Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 18 tháng 08 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 18 tháng 08 năm 2022

 

Ứng dụng công nghệ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Khoa Học Phổ Thông

 

 

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Trà Vinh.

KHPTO - Nhờ vào việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, rất nhiều mô hình, dự án hay các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn ở các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước đã thu được nhiều kết quả khả quan, ghi nhận được hiệu quả về năng suất lao động, về giá trị thặng dư thương mại, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương và cải thiện đời sống người nông dân.

Trong những năm gần đây, trên cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, như các mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao ở Lào Cai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng hay các vùng trồng cây ăn quả chủ lực để xuất khẩu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng… Điểm chung nhất từ các mô hình và vùng sản xuất này là thấy rõ được hiệu quả về năng suất, về giá trị thặng dư thương mại nhờ việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh này hiện có hơn 23.700 ha đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, với 7.000 đất trồng lúa và trên 5.000 ha trồng màu, vườn cây ăn trái ứng dụng công nghệ nhà lưới, thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; hơn 11.000 ha nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao.

Ông Trần Văn Dũng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết: Các mô hình sản xuất nông nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao đều cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội.

Cụ thể, về trồng lúa ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao cho năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn 1 tấn so với phương thức trồng lúa truyền thống; về trồng rau màu được sử dụng công nghệ nhà lưới, kết hợp tưới phun cho sản phẩm đạt chuẩn VietGAP làm tăng giá trị cung ứng từ 10 – 15 %; đối với cây ăn trái như dừa sáp được ứng dụng cây phôi tạo giống mới cho tỷ lệ trái sáp đạt 70%, cao hơn từ 30 - 40% so với cây giống được nhân từ cây giống đầu dòng.

Đối với nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong ao nổi lót bạt cho sản lượng bình quân từ 40 – 50 tấn /ha/vụ, cao gấp 5 - 7 lần so với nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh bình thường.

Trong khi đó, tại Ninh Thuận, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang ngày càng được các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm. Tiêu biểu như các mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội đang mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp của địa phương.

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ các giống dưa lưới, năm 2019 anh Trương Quang Bôn, nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận), đã đầu tư xây dựng trang trại PT Farm rộng 1 ha trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Bôn cho biết, chi phí đầu tư ban đầu trồng 1 sào (1.000 m2) dưa lưới trong nhà màng từ 400 – 500 triệu đồng. Hiện tại, trang trại trồng hai giống dưa lưới TL3 và ML 238, bình quân 1 sào trồng khoảng 3.000 chậu dưa lưới, mỗi cây dưa lưới được trồng riêng trong từng chậu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý đặt trên mặt đất có bạt lót vệ sinh môi trường.

Để cây dưa lưới phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, các công nhân đưa hàng nghìn con ong ruồi vào thụ phấn, sau khi thụ phấn mỗi cây chỉ giữ lại một quả để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung chất dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh.

Song song với những hiệu quả đem lại từ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, cũng còn không ít vướng mắc khiến nhiều địa phương, các doanh nghiệp đầu tư và cả người nông dân gặp khó khăn.

Tiến sỹ Nguyễn Thế Yên - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh cho biết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà lưới là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay. Đặc biệt, đối với một tỉnh có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông, nhưng lại có lợi thế về vị trí địa lý như tỉnh Bắc Ninh thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng nhà kính nhà lưới là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, với mức độ rủi ro cao nên có rất ít doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, phát triển sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; trong đó, cần thông thoáng giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là cơ chế chính sách trong tích tụ đất đai, thuê, thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ, ưu tiên phát triển đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Là doanh nghiệp xây dựng mô hình trồng rau, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới, chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (Bắc Ninh) chia sẻ, trong điều kiện thời tiết diễn biến ngày một phức tạp thì việc đưa ra các giải pháp, hướng sản xuất mới an toàn, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong trồng trọt là một bài toán lớn đối với các đơn vị sản xuất.

Đức Minh

 

Phù Mỹ (Bình Định): Dưa hấu được mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Bình Định

 

Đến nay, nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã cơ bản thu hoạch xong dưa hấu vụ Hè Thu và hầu hết bà con đều phấn khởi vì dưa được mùa, được giá.

Vụ Hè Thu năm nay, toàn huyện trồng 238 ha dưa hấu, tập trung ở các xã: Mỹ Tài, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Hiệp. Ngay từ đầu vụ, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển sang cách trồng mới: Phủ bạt giữ ẩm chống cỏ dại, dùng giống mới, chủ động phòng trừ dịch hại, nhiều hộ tổ chức tưới tiết kiệm, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, đẩy mạnh chế biến, sử dụng phân hữu cơ… nên năng suất và chất lượng cao.

 

 

Nông dân xã Mỹ Tài thu hoạch dưa hấu. Ảnh: T. TRỌN

Ông Lê Đình Hùng, ở thôn Vạn Thái, xã Mỹ Tài, phấn khởi cho biết: “Vụ dưa này, gia đình tôi trồng 5 sào, đến nay đã cắt bán xong. Năng suất bình quân đạt khoảng 2 tấn quả/sào. Với giá bán tại ruộng là 8.000 - 8.500 đồng/kg, mỗi sào dưa tôi lãi khoảng 10 triệu đồng”. Tại thôn Vĩnh Nhơn, xã Mỹ Tài, ông Nguyễn Dưỡng vui vẻ cho hay: Với 3 sào dưa hấu, nhà tôi đã cắt được gần 6 tấn dưa, tính sơ sơ tôi đã lãi được hơn 30 triệu đồng.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài, cho biết, vụ Hè Thu năm nay, nông dân trong xã trồng hơn 79 ha dưa hấu, tập trung ở các thôn Vĩnh Nhơn, Vạn Ninh 2 và Vạn Thái. Hiện bà con đã thu hoạch cơ bản xong, năng suất ước đạt từ 1,8 - 2 tấn/sào, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, năm nay, giá dưa tăng cao và giữ ổn định suốt vụ thu hoạch nên hầu hết người trồng dưa đều có lãi khá.

Tại xã Mỹ Quang, nông dân xuống giống gần 37 ha dưa hấu, tập trung ở các thôn: Tân An, Tường An, Bình Trị và Trung Thành 1. “Năm nay, thời tiết thuận lợi, lại được nông dân đầu tư chăm sóc kỹ, nên cây dưa phát triển tốt, cho năng suất cao. Điểm đặc biệt là năm nay toàn bộ người trồng dưa đều áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nên tiết kiệm chi phí khá nhiều. Cộng với dưa được giá, ổn định ở mức 8.000 - 9.000 đồng/kg, có thời điểm đạt đỉnh 12.000 đồng/kg - mức cao nhất từ trước đến nay ở vụ Hè Thu nên nông dân lãi khá, phổ lãi ở mức 12 - 15 triệu đồng/sào”, ông Trần Đình Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quang, chia sẻ.

THANH TRỌN

 

Vui chung với sầu riêng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Nhiều loại trái cây Việt Nam, trong đó có sầu riêng đã hiện diện tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... nhưng số lượng xuất khẩu không nhiều bằng thị trường Trung Quốc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hằng năm hơn 16% - cho nên việc chính thức ký Nghị định thư với đối tác Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp sầu riêng Việt Nam có đầu ra bền vững.

Sầu riêng vào đường chính ngạch

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước có khoảng 90.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm. Trong đó Đắk Lắk là địa phương đứng thứ hai cả nước (sau Tiền Giang) về diện tích lẫn sản lượng, khoảng 15.000 ha và hơn 115.000 tấn quả mỗi vụ.

Lâu nay, hơn 70% quả sầu riêng tại Đắk Lắk chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, việc có con đường chính ngạch để xuất khẩu sẽ nâng tầm giá trị của loại trái cây này trong tương lai. Những ngày giữa tháng 7 vừa qua, chúng tôi đến huyện Krông Pắc, nơi được mệnh danh là “vựa sầu riêng” của vùng đất cao nguyên. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ vườn cho biết họ rất vui. Ông Trần Anh Dư, một chủ vườn sầu riêng ở thôn Phước Hòa, xã Ea Yông nói: “Nghe tin Việt Nam ký kết với Trung Quốc thì mừng vì giá cả ổn định, không phải lo ứ đọng, mong bà con yên tâm sản xuất loại cây trồng có giá trị này”. Ông Lê Văn Thành, một chủ vườn khác chia sẻ thêm: “Có nghe nói về việc xuất khẩu chính ngạch, trái sầu riêng chính ngạch thì quá tốt, giá cả hấp dẫn và bền vững hơn. Trước kia toàn xuất đường tiểu ngạch nên không tránh khỏi tình trạng bấp bênh cho đầu ra, khiến người sản xuất đôi khi thua thiệt”.

 

 

Vườn sầu riêng sản xuất theo hướng VietGAP của nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pắc. Ảnh: Thanh Hường

Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi khiến sầu riêng mất mùa, nhưng giá cả đầu mùa lại đang ở mức tốt: từ 40 - 50 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi năm ngoái, có thể bù lại phần sản lượng bị hao hụt. Bà Trần Thị Mỹ Loan, một chủ vựa thu mua trái cây ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc cho biết, giá thu mua sầu riêng hiện nay đã lên hơn 50 nghìn đồng/kg. Việc trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch tạo thêm bước tăng trưởng cho ngành hàng được xem là thế mạnh của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, góp phần cải thiện thu nhập của hàng nghìn nông hộ nơi đây.

Nhìn từ "vương quốc" sầu riêng

Trong quá trình Bộ NN-PTNT đàm phán với Hải quan Trung Quốc để tìm đầu ra cho quả sầu riêng thì tỉnh Đắk Lắk đã chuẩn bị 1.500 ha sầu riêng có mã vùng trồng, đảm bảo đủ điều kiện để đối tác phê chuẩn, chấp nhận. Nhưng diện tích có mã vùng trồng mới chỉ chiếm 10% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch. Vì vậy, những giải pháp phát triển bền vững cây sầu riêng đang được nỗ lực thực hiện, bắt đầu từ những vùng trồng. (Báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Lắk)

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, Nghị định thư kiểm dịch vào Trung Quốc đã nhanh chóng tác động tích cực đến thị trường thu mua sầu riêng ở địa phương này nói riêng và cả nước nói chung. Tuy chớm vào chính vụ nhưng thương lái đã đến tận vườn đặt cọc, chốt giá và nông dân thì đang nghe ngóng biến động về giá cả để chốt bán sầu riêng ngay tại vườn với tâm trạng phấn khởi hơn những năm qua. Vì từ đây, loại cây trái này đã rộng đường sang thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng như Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Sầu riêng là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong số các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam, do vậy nơi nào có “duyên” với loại cây này thì cơ hội xóa đói giảm nghèo càng rộng mở. Huyện Krông Pắc - nơi được coi là vựa sầu riêng lớn nhất của Đắk Lắk đang thực sự đứng trước cơ hội lớn.

Từ những năm 1970, cây sầu riêng đã có mặt ở Krông Pắc, nhưng phải thừa nhận rằng phong trào trồng sầu riêng bắt đầu rộ lên từ năm 2004, khi Công ty Cà phê Phước An liên kết với Công ty Dona thử nghiệm trồng xen sầu riêng vào vườn cà phê của mình. Đến năm 2007, Công ty bán lại diện tích sầu riêng (khoảng hơn 200 ha) cho các nông hộ tự chăm sóc và thu hoạch. Ông Nguyễn Long Sơn ở thôn Phước Hòa, xã Ea Yông cho hay: Bắt đầu từ năm 2010, sầu riêng ở đây cho thu hoạch và bán ra chủ yếu cho Công ty Đoàn Kết (Km5, Quốc lộ 26), sau đó thương lái ở TP. Buôn Ma Thuột về mua lại và phân phối cho nhiều vùng ở Đắk Lắk cũng như một số tỉnh thành kề cận trên địa bàn Tây Nguyên - miền Trung với số lượng ít và nhỏ lẻ. Đến năm 2013, nhiều thương lái ở miền Tây bắt đầu lên Đắk Lắk thu mua sầu riêng, nhất là ở địa bàn huyện Krông Pắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

"Cây thoát nghèo"

Theo ông Sơn, kể từ thời điểm trên, ở đây dần hình thành mạng lưới/cơ sở thu mua, xuất khẩu sầu riêng một cách chuyên nghiệp và sôi động lên. Đến vụ, các thương lái miền Tây đến vườn kiểm tra độ già của trái, sau đó thu hoạch và tập kết về kho để phân loại, đóng gói tiêu thụ. Những lô hàng chín sớm được đưa đến các tỉnh thành phía Bắc và vùng Duyên hải - miền Trung. Còn lại chủ yếu là sầu riêng Dona được vệ sinh sạch sẽ trước khi đóng gói đưa vào container để xuất sang Trung Quốc. Tất nhiên là theo đường tiểu ngạch, nhưng phải thừa nhận đây là thị trường truyền thống, đóng vai trò kích cầu mạnh mẽ giúp ngành hàng này phát triển nhanh chóng về diện tích cũng như sản lượng hằng năm.

Đến nay, huyện Krông Pắc đã nâng diện tích trồng sầu riêng lên hơn 4.000 ha, trong đó có khoảng hơn 2.600 ha đã cho thu hoạch với sản lượng trên dưới 45.000 tấn/vụ. Ông Lê Văn Thành, chủ vườn sầu riêng ở thôn Phước Hòa, xã Ea Yông cho hay, đây là loại cây trồng giúp bà con nông dân thoát nghèo hiệu quả và bền vững hơn cả, bởi đầu tư vào sầu riêng không lớn như các loại trái cây khác. Được biết, 1 ha sầu riêng chỉ đầu tư khoảng 150 triệu đồng, đến khi thu hoạch được 700 - 800 triệu đồng. Với con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang rộng mở như hiện nay, ngành hàng sầu riêng chắc chắn góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng giàu mạnh hơn.

Đình Đối - Hùng Xuân

 

Thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm bào ngư xám sạch trên kệ

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp,

 

Hơn 1 năm nay, anh Nguyễn Quốc Đạt ở ấp Hồng Kỳ, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm bào ngư xám sạch trên kệ trong nhà.

 

 

Anh Đạt chăm sóc nấm bào ngư xám

Với 7 kệ, anh Đạt trồng 3.000 bịch phôi nấm bào ngư xám để có nguồn nấm sạch thu hoạch mỗi ngày. Từ khi chất các bịch phôi lên kệ đến khi thu hoạch nấm bào ngư xám là 24 ngày và thu hoạch được 5 lần thì dứt điểm. Mỗi lần, một bịch phôi cho thu hoạch 100gram nấm bào ngư xám sạch. Với 3.000 bịch phôi, mỗi ngày, anh Đạt thu hoạch từ 7 - 10kg nấm thương phẩm, bán với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mỗi tháng, anh có được lợi nhuận ổn định trên 15 triệu đồng.

TRẦN TRỌNG TRUNG

 

Nghiên cứu phục tráng giống atiso nâng cao năng suất, chất lượng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Sau 3 năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống atiso chất lượng cao tại Lâm Đồng” do Sở Khoa học và Công nghệ giao, nhóm các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã giải quyết được vấn đề thoái hóa giống cây atiso ở Lâm Đồng. Các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá hiện trạng các giống atiso đang trồng, nghiên cứu nhân giống bằng nhiều phương pháp, phân tích hàm lượng hợp chất ở cây atiso trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của từng giống. Qua đó, đã thực hiện phục tráng 2 giống atiso (giống ăn tươi A85, giống chế biến A80) với số lượng mỗi giống 1.000 cây đạt chất lượng tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Cả 2 giống đều được thực hiện bằng quy trình nhân giống nuôi cấy mô với 2 mô hình trình diễn 200 m2, cây giống có khả năng thích nghi và phát triển tốt. Năng suất cây phục tráng cao hơn 20 - 30% so với các giống atiso đang trồng hiện nay.

Đề tài cũng đã xây dựng 2 quy trình canh tác cây atiso phục tráng đối với giống ăn tươi và giống chế biến; tiến hành nhập nội 6 giống atiso mới và trồng khảo nghiệm ở điều kiện khí hậu thổ nhưỡng Lâm Đồng; xây dựng quy trình canh tác giống atiso nhập nội phù hợp tại Lâm Đồng với mô hình trình diễn 200 m2; tiến hành di thực và trồng khảo nghiệm 2 giống atiso ăn tươi và chế biến từ các tỉnh phía Bắc…

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được quy trình nhân giống phục tráng và tuyển chọn giống atiso chất lượng cao nhằm đảm bảo cây giống đồng đều, khỏe mạnh và cho năng suất vượt trội. Việc áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nhân rộng trồng đại trà sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu về giống rất lớn của người nông dân mà còn có khả năng hỗ trợ cho các công ty dược, cơ sở nhân giống có thể mua và trồng ở quy mô lớn hoặc chuyển giao công nghệ nhân giống để chủ động tạo nguồn giống, giảm giá thành cây giống, từ đó đáp ứng nhu cầu sản xuất dược phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe cho con người.

Được biết, các giống atiso đang canh tác ở Đà Lạt - Lâm Đồng hiện có tuổi hơn 30 năm, giống bị thoái hóa, năng suất thấp, giảm chất lượng.

QUỲNH UYỂN

 

Trăn trở vì ‘cõng’ phí sản xuất, mong giá cả vật tư bình ổn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Nông dân cần bình ổn giá vật tư nông nghiệp để sản xuất có lời.

Nhiều nông dân trăn trở vì “cõng” chi phí sản xuất, bởi giá vật tư nông nghiệp hiện ở mức cao, chi phí thuê đất, nhân công… cũng tăng vọt, khiến cho lợi nhuận nhà nông ngày càng bị teo tóp, thậm chí là không có lời. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân bày tỏ nỗi niềm, trong đó mong muốn giá vật tư nông nghiệp nhanh chóng được bình ổn.

“Cõng” chi phí tăng

Làm 10 công lúa, vụ Hè Thu này, ông Nguyễn Văn Khoa (Tám Khoa) ở ấp Trung Hưng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Chi phí vụ này bị đội lên, tổng cộng tốn khoảng 20 triệu đồng.

Ông Tám liệt kê, tiền xới đất là 1.800.000đ, trục đất 400.000đ, tiền giống 2.100.000đ, chi phí phân thuốc khoảng 12.000.000đ, tiền thuê xịt giống, bón phân khoảng 1.000.000đ… Các chi phí đều tăng, đáng nói là mùa này một số loại phân tăng giá đến hơn 300.000 đ/bao, có loại tăng gấp đôi.

Hôm gặp chúng tôi, ông Tám Khoa cho biết đã nhận cọc chờ ngày thu hoạch lúa, giá bán là 6.000 đ/kg. “Với năng suất 25 giạ/công, tui đã ngồi nhẩm tính thì không có lời. Bởi vậy, làm xong vụ này thì tui sẽ bỏ chớ không làm thêm vụ 3”.

Theo ông Tám “nguyên nhân là do chi phí cao quá, chỉ riêng vật tư đã chiếm muốn hết. Nhiều năm nay đã vậy, gần đây chi phí càng đội lên cao hơn”.

Cũng ở xã Trung Hiệp, anh Nguyễn Hữu Thông ở ấp Rạch Nưng trồng gần 20 công cam, than vãn: “Phân thuốc bây giờ mắc quá, nông dân làm vất vả, giá nông sản bấp bênh nên lời không nhiều, thậm chí còn bị lỗ.

Đáng nói là khi giá xăng tăng thì giá phân thuốc tăng theo rất nhanh nhưng khi giá xăng giảm thì giá phân thuốc vẫn “ngự” ở mức cao”.

Mang ra bao phân vừa mua hôm trước, anh Thông nói: Giá bao phân này hồi trước 650.000 đ/bao, giờ là 1.400.000 đ/bao “mà trả tiền mặt chớ mua thiếu thì giá còn cao hơn. Tính ra bán bao nhiêu giạ lúa, bao nhiêu ký cam mới mua được một bao phân”.

Anh Thông chia sẻ: Mấy lần đi mua phân, nghĩ là chuẩn bị đủ tiền rồi nhưng khi tới cửa hàng thì được cho hay giá đã tăng lên. Bị hụt tiền nên phải mua giảm số lượng so dự kiến.

Anh Thông cho biết thêm, nếu trước đây mướn đất trồng cam tốn chi phí đầu tư 70 triệu đồng/công thì hiện đã tăng lên khoảng trăm triệu đồng/công. Năm ngoái mướn đất 5 triệu đồng/công/năm, giờ lên 6 triệu đồng. Chai thuốc cỏ lúc trước 150.000 đ/chai, giờ 200.000 đ/chai. Phân Urê trước đây 450.000 đ/bao, giờ lên 800.000- 900.000 đ/bao…

Theo anh Thông, nông dân trồng lúa đã gặp khó, nhiều người bỏ vụ. Còn nông dân trồng cam thì “hồi xưa có thể lời nhiều chớ bây giờ lời meo lắm”. Để giảm chi phí phân thuốc và nâng cao chất lượng trái cam, anh Thông đã áp dụng trồng cam theo hướng hữu cơ, xài thuốc sinh học, hạn chế thấp nhất xài phân thuốc hóa học.

Cần bình ổn giá cả vật tư

Hớp ngụm trà với ánh mắt suy tư, anh Thông đề xuất: “Ngành chức năng cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp giá cả vật tư nông nghiệp bình ổn. Bên cạnh, quan tâm đê điều, cống bộng để đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu vì canh tác thì “nhất nước, nhì phân…”. Có vậy thì nông dân sản xuất nông nghiệp mới có lời, giúp ổn định cuộc sống”.

Cập nhật giá cả phân thuốc hàng ngày, ông Nguyễn Thanh Hùng- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Rạch Nưng cho biết: Ở đây làm ruộng hầu như nông dân xài phân loại 1,4 triệu đồng/bao vì đất ở đây rất nghèo dinh dưỡng, nên khi phân tăng giá và giữ ở mức cao như hiện nay bà còn rất rầu.

Sản phẩm làm ra đã vất vả, chi phí lại tăng, trong khi bán ra cũng bị thiệt vì phải qua nhiều khâu trung gian. Tuy nhiên, từ chi phí nhân công đến giá vật tư nông nghiệp gần đây đều tăng cao sẽ gây khó cho nông dân. Do đó, cần làm sao cân đối bình ổn giá cả phân bón, thuốc trừ sâu…

Ông Nguyễn Hồng Nâu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hiệp cho biết: Thời gian qua, nhiều nông dân trồng lúa “gánh” quá nhiều chi phí tăng, nên không có lời, nhiều người đã bỏ vụ, có người chuyển sang trồng màu, cam, bưởi… để cải thiện thu nhập, điều này rất mừng, nhưng ngược lại cũng rất băn khoăn do nông dân lên vườn quá mức quy định, máy móc đi lại khó khăn, dịch bệnh, sâu bọ… sẽ ảnh hưởng đến những người trồng lúa còn lại.

Tới đây, BCH Hội Nông dân xã kiến nghị phải có quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất; quan tâm xử lý vấn đề kinh bộng sao cho đảm bảo nước tưới tiêu. Đồng thời, làm sao cân đối bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Khoa: Hiện nông dân chăn nuôi, trồng trọt đều gặp khó khăn, bởi nông sản bán không có giá. Nếu chỉ làm 5- 10 công ruộng thì khó có dư, muốn nuôi con ăn học thì phải làm thêm nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Tôi mong muốn sắp tới giá lúa sẽ tăng cao hơn, đặc biệt là chi phí phân thuốc giảm xuống để nông dân có lời khá hơn.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

 

Khởi nghiệp từ mô hình nuôi gà đẻ kết hợp với lò ấp trứng

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

 

Nuôi khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, với sức trẻ và tri thức, vợ chồng chị Bùi Thị Mai và anh Nguyễn Bá Sơn (thôn Trung Thành, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) quyết định khởi nghiệp từ nuôi gà đẻ kết hợp với lò ấp trứng.

Không còn cảm thấy khó chịu bởi cái nắng oi ả của những ngày cuối hè, bước vào khu chăn nuôi rộng hơn 7000m2 của gia đình chị Bùi Thị Mai, chúng tôi cảm nhận luồng khí mát từ những bức tường cách nhiệt và đặc biệt không hề thấy mùi hôi từ chất thải của gà… Tất bật giao hàng cho khách xong, chị Mai lại nhanh tay kiểm tra nhiệt độ của lò ấp trứng và chất lượng trứng trước khi đưa vào lò để ấp.

 

 

Mô hình nuôi gà đẻ kết hợp lò ấp trứng của chị Bùi Thị Mai.

Vốn là Cử nhân của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tốt nghiệp năm 2015, chị Mai được nhận về công tác tại trường THPT Gia Bình 1. Hơn một năm sau, chị lập gia đình với anh Sơn (Kỹ sư của trường Đại học Nông lâm Bắc Giang). Về làm dâu ở gia đình có truyền thống làm nghề ấp trứng và bán con giống, chị Mai học hỏi được nhiều kiến thức và quyết định đồng hành cùng chồng phát triển nghề ấp trứng, sản xuất con giống của gia đình. Ban đầu, gia đình chị thu mua trứng và và ấp thủ công, tuy nhiên nhược điểm của cách làm này là tốn thời gian, công sức, số trứng hỏng nhiều, gà giống không đảm bảo về chất lượng. Hai vợ chồng luôn suy nghĩ tìm ra phương thức sản xuất vừa giảm sức lao động, vừa nâng cao năng suất, chất lượng gà giống.

Năm 2019, biết đến công nghệ thụ tinh nhân tạo (do Viện Chăn nuôi nghiên cứu) giúp giảm số gà trống sử dụng, đồng thời tăng tỷ lệ phôi và tỷ lệ nở của trứng gà, giảm bớt chi phí trong chăn nuôi. Chị Mai cùng chồng tìm hiểu cách làm qua một số trang trại các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật này tại mô hình của gia đình. Sau một thời gian thử nghiệm thành công phương pháp mới, anh chị quyết định xây dựng hệ thống nuôi gà đẻ kết hợp lò ấp trứng với quy mô lớn và ứng dụng một số công nghệ hiện đại. Trên diện tích 7000m2, chị cùng chồng đầu tư hơn 3 tỷ đồng quy hoạch các khu chuyên biệt gồm: khu gà giống bố, khu gà giống mẹ, khu nuôi gà gối vụ, kho để thức ăn, thuốc cho gà, khu đặt máy ấp trứng và hệ thống kỹ thuật điện, nước, quạt thông gió…

Để đàn gà khỏe mạnh, lớn nhanh cho sản lượng trứng cao, chị Mai chú ý tới khâu vệ sinh phòng dịch, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Chuồng nuôi được thiết kế khép kín, đảm bảo ấm áp trong mùa đông và thoáng mát trong mùa hè. Thức ăn cho gà được chia bằng máy vừa nhanh lại đảm bảo lượng thức ăn vừa đủ. Ngoài ra, còn trang bị hệ thống theo dõi và cảnh bảo thông minh trên điện thoại di động, qua đó theo dõi được nhiệt độ, sự cố mất điện từ xa và có biện pháp khắc phục.

Theo chia sẻ của chị Mai: Nghề ấp trứng gia cầm không khó nhưng đòi hỏi người làm nghề phải chịu khó, tỉ mỉ. Mỗi khâu đều quan trọng như nhau, gà bố mẹ được cho ăn và theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm khi có bệnh. Sau khi phối giống để gà đẻ trừng cần cho gà mẹ ăn đủ, nhiệt độ, ánh sáng trong chuồng phù hợp. Quá trình cho trứng vào lò ấp, thời gian soi trứng đều được ghi lại cẩn thận, gà mới nở cần được chăm sóc và cho uống thuốc phòng bệnh… Có như vậy chất lượng gà tốt, sinh trưởng nhanh và hạn chế bệnh tật.

Luôn đặt chữ tín lên hàng đầu và chú trọng khâu giới thiệu sản phẩm, bảo đảm chất lượng giống, gia đình chị không chỉ cung cấp gà giống cho các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh, đến nay, gia đình chị đã có thị trường tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh. Hiện, tổng đàn gà đẻ của gia đình chị có khoảng 4,5 nghìn con và 2 lò ấp, nở trứng hiện đại. Mỗi tháng cho xuất chuồng khoảng 5 vạn gà giống, doanh thu một năm của trang trại đạt khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài tận dụng được nguồn lao động trong gia đình, mô hình kinh tế của anh Sơn và chị Mai còn tạo việc làm cho 4-6 lao động thường xuyên với mức lương 4- 5 triệu đồng/tháng.

Mới đây, mô hình khởi nghiệp của chị Bùi Thị Mai và anh Nguyễn Bá Sơn được hỗ trợ vay số vốn 1 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp theo đề án 938. Với số vốn này, anh chị dự định mở rộng sản xuất, nâng cao quy trình chăn nuôi theo công nghệ hiện đại đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng của khu chăn nuôi. Tin rằng sự mạnh dạn, quyết đoán và ham học hỏi sẽ giúp hai vợ chồng chị bước tiếp để thu về những “trái ngọt” trên con đường đã chọn.

Hoa - Quân

 

Trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi công nghệ cao

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

 

 

Tôm càng xanh được nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến.

Dù xuất phát điểm chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, nghèo khó, nhưng nhiều người trong số họ đã sớm trở thành tỷ phú, nhờ có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ việc mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi và sản xuất kinh tế hộ gia đình.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi đang là hướng đi mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước. Với tư duy mới, cách làm táo bạo và mạnh dạn ứng dụng các sáng kiến công nghệ, người chăn nuôi thu về kết quả tích cực.

Tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, nổi lên mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành. Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã Tuấn Chuyền cho hay, từ quy mô chăn nuôi hộ gia đình, ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô; đồng thời, liên kết với trên 100 hộ vệ tinh chăn nuôi gà trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 100 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 5 tỷ đồng. Cùng với đó, hợp tác xã giải quyết việc làm cho khoảng từ 40 - 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.

Nhìn lại hành trình, ông Tuấn chia sẻ, trước kia gia đình chỉ có vài trăm con gà, chuồng trại không được đầu tư nên gà thường xuyên bị mắc bệnh. Có những lứa gà bị thất bại, sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi các kiến thức về cách chăm sóc, chăn nuôi giống gà của quê hương, anh đã quyết tâm vay mượn vốn để xây dựng chuồng trại, đầu tư mua máy ấp trứng hiện đại theo công nghệ Nhật Bản.

Đến năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền được thành lập với 7 thành viên, chuyên cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, các hộ vệ tinh cũng phải cam kết chăn nuôi theo đúng kỹ thuật chăn nuôi của hợp tác xã đã tập huấn. Hiện nay, gà giống và gà thương phẩm của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc...

Không những thế, với 36 máy ấp trứng hiện đại ứng dụng công nghệ Nhật Bản hiện có, trung bình mỗi tuần, hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 8 - 10 vạn con gà giống. Toàn bộ quá trình ấp trứng được tự động, không phải đảo bằng tay, tỷ lệ nở đúng ngày đạt cao. Ngay sau khi ra lò, gà được tách riêng gà trống và gà mái, loại những con gà không đảm bảo tiêu chuẩn và tiêm phòng vaccine. Gà giống được bán với giá 11.000 đồng/con.

Cùng với cung ứng gà giống, hợp tác xã còn là địa chỉ cung cấp gà thương phẩm nổi tiếng cả nước. Hợp tác xã hiện có 4 cửa hàng cung cấp gà thương phẩm tại Hà Nội, 2 cửa hàng tại TP Hạ Long và 1 cửa hàng tại Lào Cai. Trung bình mỗi cửa hàng tiêu thụ khoảng 2 tấn gà/ngày. Giá bán đối với gà hơi là 130.000 đồng/kg, gà đã sơ chế sạch 165.000 đồng/kg. Ngoài ra, gà thương phẩm của hợp tác xã còn được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển ở Hà Nội.

Tại khu vực phía Nam, Tân Phú Đông là huyện cù lao ven biển của tỉnh Tiền Giang có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, hàng năm thường xuyên bị thiên tai hạn mặn đe dọa sản xuất và đời sống. Để thích ứng biến đổi khí hậu, các xã ven biển như Phú Tân, Phú Đông… đã phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi luân vụ tôm – lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc ứng dụng một số thành tựu công nghệ trong kiểm soát việc nuôi trồng, chăm sóc và khai thác.

Ông Sáu Hà, cư ngụ tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, nuôi 13 ha tôm sú theo mô hình quảng canh cài tiến. Ông cho biết, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ròng từ 300 - 350 triệu đồng từ nguồn lợi tôm và các đối tượng thủy sản khác trong ao. Nhờ mô hình này, nhiều năm nay, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hẳn lên. Đặc biệt hơn, đã có rất nhiều hộ nông dân ngay tại địa phương hoặc ở các vùng lân cận đã tìm tới để học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Ngoài việc thu được hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập và đời sống cho người chăn nuôi, những nỗ lực trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tích cực, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu xóa đòi, giảm nghèo mà địa phương đang phấn đấu.

Đức Minh

 

Khó giảm giá như thức ăn chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

 

Sau hơn 1 tuần giảm giá, đến ngày 11/8, giá heo hơi đã đồng loạt tăng trở lại với mức tăng bình quân 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên 6 - 7 triệu đồng/tạ (tùy theo vùng). Điều này cho thấy, giá heo hơi vẫn còn biến động khó lường, nhưng còn giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm 2022 đến nay chỉ có tăng chứ chưa hề giảm và theo dự đoán sẽ rất khó giảm từ nay đến cuối năm.

Nếu như giá heo hơi tăng trở lại mức 6 - 7 triệu đồng/tạ (100kg) mang đến cho người nuôi heo niềm vui và sự tự tin để chuẩn bị cho đợt tái đàn phục vụ lễ, Tết cuối năm thì những dự báo về giá thức ăn chăn nuôi khiến người nuôi heo thêm phân vân, lo lắng. Họ lo lắng là có cơ sở, bởi với mức giá con giống và thức ăn chăn nuôi hiện tại, nếu giá heo hơi đạt mức 6 triệu đồng/tạ thì người nuôi mới đạt điểm hòa vốn, còn để có mức lãi như kỳ vọng, giá heo hơi phải đạt từ 7 triệu đồng/tạ trở lên. Gặp lại người viết mới đây, một chủ trang trại nuôi heo ở Phường 8, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) than: “Nuôi heo bây giờ không biết khi nào lời, khi nào lỗ nữa. Tôi gắn bó với nghề này đã hơn 30 năm mà vẫn không sao đoán được khi nào giá lên, khi nào giá xuống dù chỉ trong ngắn hạn, chứ nói chi đến cả một chu kỳ chăn nuôi”.

Giá thức ăn chăn nuôi khó giảm khiến người chăn nuôi phân vân trước thời điểm tái đàn chuẩn bị thị trường cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Cũng theo vị chủ trang trại trên, giá heo hơi đầu năm đến nay còn có lên, có xuống, nhưng còn giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có lên chứ không hề xuống, nên chỉ cần giá heo hơi đi xuống một chút là người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ ngay. Nếu tính tới đợt tăng giá gần nhất thì giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 6 lần từ đầu năm đến nay. Còn nếu so với mức giá vào cuối năm 2021 thì giá hiện tại đã tăng gấp đôi, nhưng giá heo hơi thì tăng không tương xứng. Vừa rồi cũng có đợt giá heo hơi tăng lên được đến 7,5 triệu đồng/tạ nhưng sau đó giảm lại và hiện mới nhích lên mức 6,5 triệu đồng/tạ. Mức giá này, nếu đi từ heo nái đến heo thịt thì cũng có lời ở mức khá nhưng nếu mua con giống thì mức lời cũng không còn bao nhiêu. “Giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có tăng, còn giá heo hơi thì biến động lên xuống bất thường khiến tôi đau đầu mấy ngày nay vì chưa biết có nên tái đàn mạnh để “đón gió” dịp cuối năm hay không nữa” - vị chủ trang trại trên chia sẻ.

Theo các chủ trang trại chăn nuôi, việc giảm giá xăng dầu trong nước không tác động nhiều đến giá thức ăn chăn nuôi vì giá xăng dầu chỉ làm tăng chi phí trong khâu lưu thông, phân phối từ nhà sản xuất đến trại chăn nuôi, còn gốc rễ vấn đề là ở giá nguyên liệu ngoại nhập để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có dịp tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao phụ trách lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, người viết được biết, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước buộc phải tăng giá bán vì hầu hết giá nguyên liệu nhập khẩu đều tăng mạnh, do cước vận chuyển đường biển tăng, thời tiết không thuận lợi và cuộc chiến Nga - Ukraine… Khi chúng tôi đặt vấn đề, tại sao không sử dụng một số nguyên liệu trong nước như: đậu nành, bắp để thay thế hàng ngoại nhập nhằm giảm giá thành, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất muốn và cũng đã triển khai liên kết tại một số nơi để thu mua bắp, đậu nành nhưng cuối cùng phải nhập khẩu gần như đến 90% vì các nguồn hàng liên kết này không đạt tiêu chuẩn theo quy định chất lượng thức ăn chăn nuôi”.

Có thể thấy, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao ngoài việc cước vận chuyển tăng cao, 2 nguồn cung lớn bị gián đoạn là Nga và Ukraine thì tình trạng hạn hán ở châu Âu hay điều kiện thời tiết bất lợi khác ở các nước Nam Mỹ cũng làm cho nguồn cung bị gián đoạn, sụt giảm, đẩy giá bán nguyên liệu tăng cao. Với diễn biến trên, theo dự báo của các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi trong nước, từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi không biến động mạnh như từ đầu năm đến nay đã là tin tốt, còn việc kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi sẽ là rất khó. Điều này có thể nhận thấy, khi Tổ chức Lương nông thế giới FAO vừa công bố chỉ số giá ngũ cốc giảm 2 con số trong tháng 7 thì ngay sau đó, bước sang phiên giao dịch tháng 8, giá đậu nành và bắp đã ngay lập tức tăng trở lại.

Người chăn nuôi cũng rất muốn giảm chi phí sản xuất để giảm giá heo hơi về mức chấp nhận được, nhằm kích thích tiêu dùng mạnh hơn, nhưng xem ra điều này là rất khó vì chỉ riêng chi phí thức ăn đã chiếm khoảng 75% tổng giá thành chăn nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc 80 - 90% vào giá nguyên liệu nhập khẩu và như đã phân tích ở trên, giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ khó lòng giảm mạnh từ nay đến cuối năm, nếu không muốn nói là sẽ còn không ít yếu tố bất ngờ, khó đoán.

TÍCH CHU

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop