Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 18 tháng 9 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 18 tháng 9 năm 2024

 

Hoà Bình: Nông dân huyện Cao Phong tất bật vệ sinh vườn, phục hồi cây cam sau bão

 

Nguồn tin: Báo Hoà Bình

Mưa lớn kéo dài khiến người trồng cam Cao Phong vô cùng lo lắng khi cây cam bắt đầu có hiện tượng thối rụng, nứt quả và vàng lá.

 

 

Mưa lớn kéo dài, tại nhiều vườn cam ở huyện Cao Phong đã xảy ra hiện tượng nứt quả.

Những ngày này, vợ chồng chị Đặng Thị Mai, xóm Nam Sơn 2, xã Thu Phong (Cao Phong, Hoà Bình) tất bật vệ sinh vườn, chống dựng những cây cam bị nghiêng đổ, bật gốc và thu dọn những trái cam rụng để mang đổ bỏ. Với hơn 500 gốc cam đang bước vào thời kỳ chắc quả, những ngày mưa bão vừa qua, gia đình chị Mai đã liên tục phải đào rãnh, tiêu nước để chống úng cho vườn cam. Tuy nhiên, với những khu vực đất bằng, tiêu úng chậm, cây cam đã có hiện tượng rụng trái, nứt quả và vàng lá. Chị Mai cho biết: Nếu không vệ sinh vườn ngay, trong điều kiện ẩm ướt, những trái cam thối có thể gây nấm bệnh cho cây và làm chua đất. Cùng với vệ sinh vườn, gia đình tôi chuẩn bị các chế phẩm vi sinh để bón cây nhằm phục hồi sau mưa lũ.

Niên vụ 2024, toàn huyện Cao Phong trồng hơn 900 ha cây ăn quả có múi, trong đó hơn 700 ha cam, chủ yếu là cam canh, quýt Ôn Châu, cam V2, cam lòng vàng và cam Xã Đoài. Thời điểm này, ngoài quýt Ôn Châu đã cho thu hoạch, các loại cam khác hầu hết đều trong giai đoạn quả lớn và vào chắc quả. Đây là thời kỳ cây cam cần nhiều dinh dưỡng để nuôi cây và nuôi quả. Do mưa lớn kéo dài, cam rụng nhiều và bị nứt quả khiến người trồng cam Cao Phong lo lắng có thể ảnh hưởng đến sản lượng năm nay.

Chị Vũ Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3Tfarm Cao Phong cho biết: Hợp tác xã có 15 thành viên với 21 ha cam đang thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Qua kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế các hộ thành viên, dù vườn cam không bị ngập úng kéo dài nhưng mưa nhiều, nắng lên cây cam bắt đầu có hiện tượng nứt quả, thối rụng và cây bị vàng lá. Thời điểm này, được sự tư vấn của chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp, chúng tôi đang hướng dẫn các hộ thành viên ưu tiên kích thích phục hồi bộ rễ, tạo điều kiện cho cây phục hồi ổn định. Cung cấp dinh dưỡng cho cây cam qua lá để bổ sung dưỡng chất nuôi quả, tránh rụng quả do cây tự rụng vì quá sức. Xử lý các cây bị vàng lá, thối rễ, kích thích cây tăng cường chống chịu với điều kiện bất thuận.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, huyện Cao Phong có khoảng 4,2 ha cam bị ngập úng khoảng 30 - 40 cm. Thời gian ngập úng không quá dài do người dân đã chủ động phương án tiêu úng. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, mưa dứt, nắng lên mới là thời điểm đáng lo nhất, bởi đây là thời điểm cây dễ bị các loại nấm, sâu bệnh tấn công. Đặc biệt là nấm, bởi đất đang rất ẩm là điều kiện lý tưởng để các loại nấm, sâu bệnh phát triển. Vì vậy, phòng đã cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn nông dân triển khai các phương án bảo vệ, chăm sóc phục hồi cây trồng nói chung, trong đó có cây cam.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, phòng NN&PTNT huyện Cao Phong đang hướng dẫn các hộ dân khẩn trương đào rãnh tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây gây hiện tượng úng cục bộ, hạn chế đi lại trên vườn. Dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, không để cây bị lay động, làm đứt rễ. Tỉa các cành, lá, quả bị xơ tước do cọ xát gió bão; với những cành lớn cần quét vôi lên vết cắt; phun rửa sạch bùn trên tán lá cây ngay khi nước rút. Thu dọn tàn dư thực vật, quả rụng, quả thối ra khỏi vườn cây; đào hố dồn những quả thối xuống rồi lấy vôi bột rắc đều lên trên, lấp đất kín tránh nguồn nấm bệnh lây lan. Xới nhẹ lớp đất mặt để thông khí, chủ động phòng trừ bệnh thối rễ do nấm bằng các chế phẩm sinh học.

Đ.H

 

Người dân trồng dừa phấn khởi vì trái dừa khô tăng giá

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái đến thu mua dừa khô với giá từ 80.000 - 110.000 đồng/chục (12 trái), giá dừa khô tăng so với thời điểm cách đây vài tháng. Ông Bùi Văn Toàn ở xã Bình Ninh vừa thu hoạch 0,8 ha dừa được 1.400 trái, bán được giá 100.000 đồng/chục, lợi nhuận thu được hơn 11,6 triệu đồng.

Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện có gần 8.000 ha dừa, trong đó, diện tích dừa đang cho trái 7.035 ha. Theo các nhà vườn trồng dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cây dừa không đòi hỏi công chăm sóc và chi phí đầu tư (phân bón, thuốc trừ sâu) như những loại cây trồng khác nên với giá bán trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên là nông dân đã có lợi nhuận tương đối ổn định.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, một số vườn dừa ở các xã Xuân Đông, Hòa Định, An Thạnh Thủy… của huyện Chợ Gạo nhiễm dịch sâu đầu đen, gây ảnh hưởng thiệt hại đến 2.42,39 ha, trong đó có 6,58 ha với 1.209 cây bị đốn bỏ do nhiễm nặng. Để kiểm soát và tiêu trừ dịch sâu đầu đen, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo ngành chức năng điều tra diện tích nhiễm bệnh, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân triển khai quy trình tạm thời phòng, chống sâu đầu đen hại dừa.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp vận động người dân phun xịt những vườn dừa bị nhiễm nhẹ; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa có sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi. Đồng thời, cán bộ nông nghiệp khuyến khích chủ vườn dừa nuôi ong ký sinh, gia tăng mật số ong ký sinh để phóng thích trong thời gian tới, nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen trong thời gian dài trên đối tượng sâu hại này bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn, ngăn chặn sự lây lan của sâu đầu đen sang diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tập huấn, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu đầu đen hại dừa 18 cuộc với 540 người tham dự.

Nhằm phát huy tiềm năng cùng thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/01/2022 về phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 cùng những năm tiếp theo. Địa phương khuyến khích nông dân thay đổi tập quán, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thâm canh đồng thời chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng cùng giá trị sản phẩm dừa trên thị trường. Trên địa bàn huyện hiện có 78 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 30 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa.

Nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ, đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo đã khảo sát được 242 ha tại xã Bình Ninh, Xuân Đông, Hòa Định. Sau nhiều bước tiến hành, huyện đã chọn những hộ đủ điều kiện để thực hiện dự án trước. Đơn vị tư vấn đã đi khảo sát để đánh giá với diện tích 109,6 ha dừa tại xã Bình Ninh là 16,86 ha, xã Xuân Đông là 51,43 ha, xã Hòa Định là 41,32 ha.

Một trong những điều kiện thuận lợi cho phát triển tiềm năng cây dừa ở tỉnh Tiền Giang là Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã đầu tư nhà máy chế biến trái cây cùng các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo với công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.

Theo thống kê, tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay là 21.654 ha, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Để khai thác tiềm năng phát triển của cây dừa, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập các hợp tác xã để người dân trồng dừa phải tham gia hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ...

Hơn nữa, việc thúc đẩy ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới cũng như tạo ra cơ hội "ăn nên làm ra" cho các địa phương chủ lực về cây dừa, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Hoàng An

 

Thu nhập cải thiện nhờ trồng bưởi da xanh

 

Nguồn tin: Báo Long An

Nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Hưng, anh Huỳnh Đặng Nhất (SN 1988, ngụ ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh ruột hồng không hạt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

 

 

Nhờ tích cực chăm sóc, đến nay, anh Huỳnh Đặng Nhất (ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) đã hoạch 2 đợt bưởi, trung bình mỗi đợt hơn 6 tấn trái, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng

Anh Nhất cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 3ha đất sản xuất lúa nhưng có một phần diện tích nằm ở vùng trũng, thường xuyên bị dịch bệnh gây hại nên hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí còn thua lỗ.

Từ một dịp tình cờ tham quan vườn bưởi của người bạn ở tỉnh Bến Tre, nhận thấy loại cây này có tiềm năng phát triển tại quê nhà nên anh Nhất mạnh dạn vay vốn để lên liếp, chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa ở vùng trũng sang trồng 180 gốc bưởi da xanh ruột hồng không hạt.

Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu đặc tính, kỹ thuật chăm sóc cây bưởi da xanh ruột hồng không hạt từ những người bạn và trên nhiều kênh thông tin khác nhau, sau gần 4 năm chăm sóc, đợt bưởi đầu tiên đã mang về “trái ngọt” cho gia đình anh Nhất.

Từ năm 2023 đến nay, anh Nhất thu hoạch 2 đợt bưởi với năng suất và chất lượng trái khá cao. Mỗi đợt, anh thu hoạch hơn 6 tấn trái, giá bán cho thương lái dao động từ 15.000-30.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

“Mô hình trồng bưởi da xanh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình vì đầu ra, giá cả tương đối ổn định. Vì vậy, thời gian tới, tôi tiếp tục chuyển 3.000m2 lúa sang trồng 80 gốc bưởi da xanh ruột hồng không hạt để kiếm thêm thu nhập cho gia đình” - anh Nhất chia sẻ.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Nhất còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương và Hội Nông dân các cấp phát động. Đồng thời, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho người dân trên địa bàn nếu có ý định trồng bưởi da xanh ruột hồng không hạt. Qua đây, góp phần mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, từ đó cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới./.

Duy Phước

 

Khuyến cáo không phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng

 

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Tại một số địa phương của tỉnh Kon Tum đã xuất hiện tình trạng trồng sầu riêng vượt quá quy hoạch, gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, về lâu dài có thể xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, từ đó giảm giá trị ngành hàng sầu riêng và thiệt hại cho nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con không ồ ạt phát triển diện tích sầu riêng ngoài quy hoạch.

Thu nhập cao từ sầu riêng

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm gần đây, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh, từ 1.500ha năm 2022 lên hơn 2.500ha vào cuối năm 2023 và dự kiến hết năm 2024 sẽ đạt 3.500ha.

Đăk Hà là địa phương phát triển cây ăn quả chủ lực của tỉnh Kon Tum, trong đó có cây sầu riêng. Theo ông Đặng Thế Quyết- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến giữa năm 2024, diện tích sầu riêng của toàn huyện là hơn 560ha; diện tích cho thu hoạch là 159ha, năng suất 152,2 tạ/ha, sản lượng 2.420 tấn.

 

 

Có dấu hiệu cho thấy diện tích sầu riêng ''tăng nóng''. Ảnh: PL

 “Nhìn chung cây sầu riêng phát triển thích hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai thổ nhưỡng của địa phương; cây được trồng nhiều trên địa bàn từ năm 2017 đến nay. Về hiệu quả kinh tế trước mắt, so với các loại cây trồng khác, sầu riêng mang lại thu nhập cao hơn, bình quân 1 - 1,3 tỷ đồng/ha, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi khoảng 1 tỷ đồng/ha”- ông Quyết nói.

Vườn sầu riêng 7ha của gia đình ông Võ Thành Công (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) có khoảng 2ha cho thu hoạch năm thứ hai, số còn lại mới trồng khoảng 2 - 3 năm.

Trên diện tích đang thu hoạch, ông Công có lợi nhuận từ 300 – 350 triệu đồng/ha, vì sầu riêng vẫn ở giai đoạn thu bói. Nếu chính vụ, lợi nhuận từ sầu riêng có thể tăng gấp đôi, nếu giá bán duy trì ở mức như hiện nay, khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg thu tại vườn.

Thành phố Kon Tum hiện có hơn 400ha sầu riêng, trong đó có khoảng 127ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các khu vực phù hợp với loại cây trồng này, như các xã Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình.

Vườn sầu riêng gần 1ha của gia đình ông Lê Viết Cường (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) cũng đã thu hoạch xong. Ước tính gia đình ông Cường thu lợi nhuận khoảng 450 - 500 triệu đồng/ha. Với mức lợi nhuận này, sầu riêng đang mang lại giá trị cao hơn rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu hay cao su.

Khuyến cáo không ồ ạt mở rộng diện tích

Dù giá trị kinh tế của sầu riêng mang lại ở thời điểm hiện tại là rất lớn, song ông Bùi Đức Trung- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích sầu riêng, gây mất cân bằng quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, khi cung vượt quá cầu, không loại trừ khả năng sầu riêng sẽ rớt giá, gây thiệt hại cho bà con.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng phát triển vượt quá quy hoạch. Như thành phố Kon Tum được giao phát triển 60ha sầu riêng trong năm 2024, song đến nay đã đạt khoảng 65 – 67ha.

Còn tại huyện Đăk Hà, dù quy hoạch chỉ khoảng 500ha sầu riêng, nhưng đến nay đã lên tới hơn 560ha. Diện tích sầu riêng trồng mới của tỉnh cũng chiếm tỷ lệ rất lớn, khi chỉ có hơn 900ha đang cho thu hoạch, tức chỉ khoảng 30% tổng diện tích sầu riêng của tỉnh.

Ông Phan Thanh Nam- Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cũng nhận định, dù giá sầu riêng vừa qua tăng cao, giúp người trồng có được khoản lợi nhuận lớn, song chính quyền thành phố nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng cũng khuyến cáo người dân không phát triển nóng, tránh phát triển tại các vùng không thực sự thuận lợi với loại cây này.

Theo ông Phan Thanh Nam, thành phố cũng chủ trương tập trung phát triển sầu riêng tại các khu vực thuận lợi, có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt cho người nông dân.

Bên cạnh nguy cơ thừa nguồn cung, việc sầu riêng được giá cũng gây ra một số vấn đề phát sinh liên quan đến việc thu mua.

Qua theo dõi tại một số địa phương, việc tổ chức thu mua thông qua thương lái cũng đã phát sinh nhiều vấn đề như hiện tượng bỏ cọc của thương lái do giá cả thị trường, người dân không được thu mua kịp thời dẫn tới tình trạng sầu riêng tới kỳ thu hoạch nhưng chưa được thu hoạch khiến giá trị giảm sút. Cá biệt có một số trường hợp bị thương lái ép giá, buộc phải bán với giá thấp- ông Phan Thanh Nam cho hay.

Được biết, thành phố Kon Tum sẽ đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu; đồng thời khuyến cáo người dân, đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng thực hiện tốt việc quản lý mã số. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, các đơn vị, người dân cần chú ý tư cách pháp nhân của các đối tác, không nên ký kết với các thương lái không có tư cách pháp nhân rõ ràng.

Ông Bùi Đức Trung cho hay, trên cơ sở Đề án Phát triển cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị hướng dẫn, đôn đốc rà soát lại diện tích sầu riêng, phân loại diện tích trồng xen, trồng thuần. Từ đó hỗ trợ hình thành vùng chuyên canh tập trung hàng hóa, hỗ trợ sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn; thiết lập mã số vùng trồng, mã số số cơ sở đóng gói phù hợp với quy mô, đảm bảo truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh đó, tiếp tục hình thành và nâng cao hiệu quả hoạt động chuỗi liên kết sản xuất gắn sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả- ông Bùi Đức Trung nhấn mạnh.

Phù Lưu

 

Giảm chi phí nhờ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp

 

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thí điểm mô hình “Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp” trong vụ lúa Hè - Thu năm 2024 tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Theo đánh giá chung, diện tích canh tác trong mô hình này đạt được chất lượng tốt, giảm chi phí mùa vụ sản xuất 20%, giảm lượng khí phát thải gần 30%.

Mô hình thí điểm Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, với diện tích 50ha, gieo sạ ngày 20 - 24/5/2024, giống ST25 cấp xác nhận, thời gian sinh trưởng là 105 ngày. Gieo sạ bằng máy sạ hàng có kết hợp vùi phân và không vùi phân. Lượng giống sử dụng là 60kg/ha (giảm 20 - 40kg/ha so với ngoài mô hình). Giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình, giảm 44kg đạm đối với sạ hàng không vùi phân và giảm 53kg đạm đối với sạ hàng có vùi phân so với ngoài mô hình. Cùng với đó, hướng dẫn hợp tác xã quản lý nước bằng cách kiểm tra mực nước và chụp ảnh đồng ruộng trong các giai đoạn sinh trưởng của lúa từ 15 - 22 ngày sau sạ; từ 28 - 42 ngày sau sạ và từ 55 - 65 ngày sau sạ. Bên cạnh đó, tiến hành đo lượng khí phát thải trong mô hình, lượng khí phát thải là 9.505kg CO2 tương đương/ha/vụ.

 

 

Mô hình thí điểm Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại tỉnh Sóc Trăng triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo đánh giá chung, tổng chi phí sản xuất theo mô hình hơn 21,2 triệu đồng/ha, thấp hơn 5,3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình (giảm hơn 20%); giá thành sản xuất 3.268 đồng/kg, giảm 822 đồng/kg so với ngoài mô hình. Lợi nhuận của mô hình thí điểm cao hơn 5,2 triệu đồng, so với ngoài mô hình (tăng hơn 12%) do giảm các chi phí đầu vào như: giống (40%), phân bón (34,2%), thuốc bảo vệ thực vật (44,8%), tưới tiêu (13%). Hiệu quả sản xuất của mô hình tăng hơn 32% so với ngoài mô hình, do chi phí sản xuất thấp hơn 20% và lợi nhuận cao hơn 12%. Lượng khí phát thải trong mô hình thí điểm thấp 4.000kg CO2 tương đương/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Đây là bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho thấy hiệu quả của việc giảm phát thải khi điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp hơn.

Đồng chí Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, qua một vụ sản xuất thí điểm mô hình Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp về hiệu quả kinh tế đã cho thấy tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm cũng đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đầu vào với sự tham gia của các công ty sản xuất thiết bị gieo sạ, cung cấp lúa giống, phân bón, thiết bị đo mực nước đồng ruộng và liên kết tiêu thụ lúa đầu ra với công ty thu mua. Ngoài ra, hợp tác xã thí điểm mô hình còn có sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Viện Môi trường Nông nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện cũng như đo đạc tính lượng khí phát thải. Đây là động lực để khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình trong tương lai.

“Trong vụ lúa Đông - Xuân, năm 2024 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ mở rộng thực hiện thí điểm mô hình Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 8 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh, với 8 mô hình trình diễn, tổng diện tích 340ha. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai và nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp…”, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết.

THÚY LIỄU

 

Nhân rộng mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Thời gian qua, phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) tại tỉnh Bến Tre đạt được kết quả khả quan với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông dân khi thành công sẵn sàng chia sẻ cách làm, giúp đỡ những nông dân khác vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

 

 

Mô hình trồng kiểng treo của nông dân Nguyễn Thị Nga (Chợ Lách) đạt lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng/năm.

Mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao

Bến Tre là địa phương thuần nông với trên 70% dân số sinh sống bằng nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Gần đây, tỉnh đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chính sách an sinh xã hội cho nông dân. Từ đó, nông dân hăng hái tham gia thực hiện phong trào thi đua SXKDG, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình mới, có hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, tổng số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp là 335.912 lượt hộ, chiếm tỷ lệ 51,48% so với hộ đăng ký. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng lên, nhiều hộ có vốn sản xuất, kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động... So với giai đoạn 2014 - 2019, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 5 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 3 lần. Trong đó, xuất hiện nhiều nông dân có sáng kiến, giải pháp khoa học, kỹ thuật được ứng dụng đem lại hiệu quả cao như: hộ ông Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú) đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 6 (giai đoạn 2018 - 2019) với giải pháp “Bấm, bẻ càng tôm càng xanh toàn đực”; hộ ông Nguyễn Văn Hòa (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7 (giai đoạn 2019 - 2020) với giải pháp “Nâng cao năng suất sầu riêng bằng biện pháp tạo tán hình chóp” và được công nhận là nhà khoa học của nhà nông năm 2021.

Nông dân Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Sau thời gian nghiên cứu, tôi mạnh dạn ứng dụng, nâng cấp mô hình nuôi tôm càng xanh bẻ càng từ 2 lần lên 3 lần/vụ nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, bẻ càng lần đầu khi tôm 3 tháng tuổi, lần hai lúc 5 tháng và lần ba lúc 7 tháng. Đến tháng thứ 8 thu hoạch tôm càng xanh sẽ có đôi càng nhỏ, đáp ứng nhu cầu thị trường nên bán với giá cao. Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực của tôi kết hợp với trồng dừa hữu cơ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm”.

Từ mô hình thành công của gia đình mình, ông Đoàn đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nông dân khác. Đến nay, toàn xã Thới Thạnh có 42 hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực với diện tích nuôi trên 100ha.

Đoàn kết giúp nhau làm giàu

Theo thống kê cả Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh có hơn 10.780 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp tỉnh và cấp Trung ương. Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân tỷ phú” tỉnh với 20 thành viên. Qua 5 năm hoạt động, đến nay đã phát triển thêm 9 CLB ở 9 huyện, thành phố với 358 thành viên. Các CLB đã hình thành nhiều mô hình tiêu biểu như: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Đặng Văn Bảy lợi nhuận trên 40 tỷ đồng/năm, ông Lê Văn Sấm 50 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Minh Nhủ 20 tỷ đồng/năm; mô hình trồng nhãn của anh Nguyễn Văn Thanh lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm; mô hình kiểng treo của bà Nguyễn Thị Nga lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/năm...

Tại huyện Chợ Lách, thực hiện phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến. Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Lách Nguyễn Văn Thế cho biết: Phong trào thi đua SXKDG đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện có 14 hợp tác xã nông nghiệp với 1.097 thành viên là hội viên, nông dân; 178 tổ hợp tác với 4.944 thành viên; 279 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 5 chi hội nghề nghiệp. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả như: mô hình tổ hợp tác sầu riêng hữu cơ tại các xã Sơn Định, Vĩnh Bình, Hòa Nghĩa; chi hội mai vàng ở ấp Tân Trung (xã Hưng Khánh Trung B); làng nghề hoa giấy ở xã Phú Sơn; tổ hội nghề nghiệp VietGAP chôm chôm ở xã Phú Phụng...

Phong trào nông dân SXKDG tại tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa đa canh và thâm canh, đưa nền sản xuất tỉnh nhà chuyển dịch đúng hướng, phát huy thế mạnh từng vùng trong tỉnh. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững cho nông dân hàng năm giảm từ 8 - 10% hộ hội viên nông dân nghèo. Hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 5.500 hộ hội viên nông dân nghèo, chiếm 51% hộ nghèo của cả tỉnh, 4.983 hộ cận nghèo, chiếm 47% hộ cận nghèo của tỉnh.

“Trong thời gian tới, phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững sẽ tiếp tục được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh, nâng cao về chất, đa dạng các mô hình sản xuất. Trong 5 năm tới, tỉnh phấn đấu đạt danh hiệu SXKDG cấp cơ sở 50%, cấp huyện, thành phố 27%, cấp tỉnh 20%, cấp Trung ương 3%, với 1 - 2% số hộ đạt danh hiệu “Nông dân tỷ phú”. (Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn)

Bài, ảnh: Hoàng Trung

 

Triển khai Nghị định thư về xuất khẩu khỉ, cá sấu sang Trung Quốc

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp

Sáng ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Cùng chủ trì Hội nghị có ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

 

 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu khai mạc hội nghị

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi sang Trung Quốc giúp tạo sự thống nhất chỉ đạo, sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu cá sấu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Để ngành hàng cá sấu của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp, hộ nuôi cá sấu thủ tục, tổ chức xét nghiệm các loại dịch bệnh theo yêu cầu xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc theo quy định của Nghị định thư; đồng thời tổ chức xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo và hướng dẫn triển khai các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc; các giải pháp quản lý chăn nuôi khỉ, cá sấu; quy định của CITES liên quan đến điều kiện nuôi và xuất v.v..

Với những yêu cầu trên, phát biểu kết luận hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi khỉ và cá sấu, lựa chọn cá thể có nguồn giống tốt nhằm nâng cao giá trị vật nuôi. Bên cạnh đó, tập trung ban hành văn bản pháp luật sát với thực tiễn cho ngành nuôi khỉ và cá sấu; thực hiện việc chăn nuôi khỉ và cá sấu theo hướng đa dạng sinh học, truy xuất nguồn gốc nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu v.v..

Theo số liệu của các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, số lượng khỉ xuất khẩu từ năm 2022 đến hết tháng 7 năm 2024 là 18.711 cá thể, với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học.

Hiện tại trên cả nước có 278 cơ sở nuôi cá sấu với hơn 674.000 cá thể. Riêng tại Đồng Tháp có 36 cơ sở, hộ gia đình nuôi cá sấu thuộc CITES với tổng đàn khoảng 190.000 cá thể; trong đó, doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp được cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp Giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại và xuất khẩu, với tổng đàn trên 177.000 cá thể; 35 hộ còn lại chủ yếu nuôi thuần dưỡng con non.

Phước Thành

 

Bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi

 

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thành phố Kon Tum đang triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường sống cho người dân.

Theo báo cáo của thành phố Kon Tum, qua khảo sát thực tế 36 cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn 9 xã, phường cho thấy, về cơ bản các cơ sở, hộ chăn nuôi có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Đa số các cơ sở, hộ chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Các cơ sở, hộ chăn nuôi heo đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải như xây dựng hầm Biogas, đào hố chứa chất thải, nước thải, chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý thường xuyên và được người dân tận dụng để ủ thành phân bón hữu cơ, sử dụng cho trồng trọt, góp phần hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường.

 

 

Một cơ sở chăn nuôi ở xã Ia Chim thực hiện bài bản vệ sinh môi trường. Ảnh: PN

Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi chưa thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (như đăng ký cấp phép môi trường, đăng ký môi trường). Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; chưa thực hiện tốt việc xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi (như không có hầm chứa chất thải, nước thải, hoặc có hầm chứa nhưng không có nắp đậy; chất thải chưa được thu gom, xử lý kịp thời...), dẫn đến phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhất là chăn nuôi heo.

Việc chăn nuôi trong khu vực đông dân cư vẫn chưa được xử lý triệt để, các hộ dân (đặc biệt là hộ đồng bào DTTS) trên địa bàn thành phố vẫn có thói quen, tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm gần khu vực sinh sống, tiềm ẩn lớn nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, người dân khu vực xung quanh. Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi chưa được thường xuyên, có đơn vị chưa quan tâm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chủ yếu giải quyết các vụ việc phát sinh hoặc có phản ánh, có bức xúc trong dư luận nhân dân.

Xã Ia Chim là một trong những địa bàn số cơ sở, số hộ chăn nuôi nhiều nhất của thành phố Kon Tum. Toàn xã hiện có đàn gia súc khoảng 10.830 con, đàn gia cầm có khoảng 30.000 con và có 34 cơ sở, hộ gia đình đang chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Tại đây, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng khá cương quyết trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Qua báo cáo giám sát của HĐND thành phố thì hiện chỉ có xã Ia Chim ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Ông Trương Quang Hùng (thôn Tân An) là hộ có quy mô chăn nuôi vịt theo trang trại khá lớn, có thời điểm nhiều nhất lên đến hơn 12.000 con. Trước đây, hộ gia đình ông chưa thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đã bị xã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó, gia đình ông Hùng nhận thức việc thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường là rất quan trọng nên ông đã bỏ hơn 200 triệu đồng đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản với diện tích bể chứa hơn 3.000m2, được phủ bạt kín cả dưới đáy và phía trên bể nhằm hạn chế mùi hơi hôi bốc lên. Cùng với đó, ông đầu tư thêm xe bồn để khi bể chứa đầy, hoặc khi có khách đặt mua sẽ dùng xe chở phân đi bán cho các hộ gia đình trên địa bàn tưới cà phê và cao su.

Theo ông Hùng, từ khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản thì không còn tình trạng ô nhiễm môi trường và môi trường xung quanh khu chăn nuôi được đảm bảo.

Tương tự, xã Kroong cũng là địa phương có nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm và hiện xã có 3 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ông Nguyễn Đình Nhiên- Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết: Công tác quản lý trong bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, chúng tôi đã bắt quả tang một trường hợp cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xả thải ra môi trường trái phép và đã lập biên bản, hoàn tất các thủ tục đề nghị lên cấp trên xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri với tổ đại biểu HĐND 2 cấp hồi đầu tháng 8, cử tri xã Kroong tiếp tục phản ánh về tình trạng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn không làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ngay tại buổi tiếp xúc này, Bí thư Thành ủy Kon Tum Nguyễn Thanh Hà đã yêu cầu chính quyền địa phương và đơn vị chức năng thành phố phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, xử lý các cơ sở, hộ gia đình không thực hiện đảm bảo đúng quy định về môi trường trong chăn nuôi. Nếu cơ sở không thực hiện đúng quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi hoặc vi phạm xả thải thì xử phạt nghiêm, thậm chí đề nghị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động nhằm bảo đảm môi trường.

Phúc Nguyên

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop