Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 19 tháng 05 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 19 tháng 05 năm 2022

 

Đắk Lắk: Giá xoài xuống thấp, nông dân Ea Súp lo lắng tìm đầu ra

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Những ngày này, người trồng xoài ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng thương lái không vào thu mua.

Hơn 12 năm trồng xoài nhưng chưa vụ nào gia đình chị Huỳnh Thị Thương (xã Ea Lê) lại rơi vào cảnh khó khăn như năm nay. Gia đình chị có hơn 3 ha xoài đang vào vụ thu hoạch nhưng cả tháng nay không có người nào vào thu mua. Chị Thương lo lắng: “Để đầu tư vườn xoài cũng như thuê công hái mỗi năm mất khoảng 80 triệu đồng, nhưng với giá bán từ 2.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại xoài như hiện nay, gia đình tôi phải bù lỗ 30 triệu đồng mới huề vốn. Hiện vườn xoài có khoảng 20 tấn quả nhưng chỉ mới bán lẻ được vài tạ”.

Giá xoài xuống thấp cũng khiến ông Lê Thôi (ở thôn 8, xã Ea Lê) thấp thỏm khi vườn xoài là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Thôi bày tỏ: “Mấy năm trước giá xoài ổn định từ 18.000 - 19.000 đồng/kg nhưng hiện rớt xuống chỉ còn 2.500 đồng/kg mà cũng không có người mua. Bình thường, mỗi năm vườn xoài cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, vậy mà từ đầu mùa đến nay tôi chỉ bán được hơn 1,5 triệu đồng. Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cây xoài không tiêu thụ được còn năm nay thì giá xoài xuống thấp, lại không có đầu ra nên gia đình đang tính sẽ chặt bỏ và trồng loại cây khác chứ như vậy thì lỗ quá”.

 

 

Ông Lê Thôi (ở thôn 8, xã Ea Lê) lo lắng vì xoài đang vào vụ thu hoạch nhưng không thấy thương lái đến mua.

Ông Trần Doãn Sáng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp: Về lâu dài, huyện cũng mong muốn các cấp, ngành liên quan tiếp tục có những chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi, kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông sản để có thể hướng đến sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ xoài lâu dài, ổn định" 

Tương tự, anh Trần Hữu Lợi (ở thôn 6, xã Cư M’lan) có hơn 30 ha xoài cũng đang lâm vào cảnh thua lỗ khi xoài không thể tiêu thụ. Anh Lợi chia sẻ, những năm trước, vào đầu mùa, thương lái đã tới tận vườn đặt cọc mua cả vườn. Năm nay, giá xoài xuống thấp lại không có người thu mua nên anh đang cố gắng kết nối với các bạn hàng quen ở một số nơi với hy vọng có nguồn tiêu thụ nhằm vớt vát lại ít vốn đầu tư.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, diện tích cây xoài trên địa bàn huyện những năm trở lại đây phát triển nhanh. Nếu như năm 2021, toàn huyện chỉ có khoảng 250 ha thì nay đã tăng lên gần 560 ha xoài các loại với sản lượng gần 14.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở thị trấn Ea Súp và các xã Ea Bung, Cư M’lan, Ea Rốk, Ya Tờ Mốt, Ia R’vê… Các giống xoài được trồng phổ biến là: xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, xoài Thái xanh, xoài Úc…

Ông Trần Doãn Sáng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất thích hợp cho việc trồng xoài, tuy nhiên nhiều diện tích không nằm trong quy hoạch mà chủ yếu do người dân trồng tự phát. Bên cạnh việc tuyên truyền người dân trồng xoài theo khuyến cáo, huyện đang đẩy mạnh vận động các hộ trồng xoài hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, từ đó tạo tiền đề thành lập hợp tác xã, rồi chủ động kết nối với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây xoài nhằm tránh tình trạng “được giá mất mùa, được mùa mất giá”.

Gia Bảo

 

Tìm lối đi riêng với nấm hầu thủ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

“Một loại nấm dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao nhưng trên địa bàn chưa có ai trồng theo hướng kinh doanh thương phẩm. Tiềm năng phát triển rất lớn, khí hậu lại thuận lợi tại sao mình không bắt tay vào làm?”- Đó là câu hỏi giản đơn ban đầu giúp anh Nguyễn Minh Thuận (36 tuổi, ngụ Phường 8, TP Đà Lạt) từng bước tìm câu trả lời và bén duyên với nấm hầu thủ (hay còn gọi nấm đầu khỉ, lông nhím).

 

 

Anh Nguyễn Minh Thuận đã bước đầu thành công nuôi nấm hầu thủ cho thu nhập ổn định hơn các loại nấm thông dụng khác

Tiếp phóng viên tại trang trại nấm thuộc thôn Đara Hoa (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương), anh Thuận cho hay, mô hình trồng nấm hầu thủ của gia đình có tổng diện tích khoảng 4.000 m2, bao gồm cả diện tích ươm mầm phôi giống nằm rải rác tại TP Đà Lạt, Lạc Dương và tỉnh Bình Thuận. Qua thời gian thử nghiệm, hiện, với 1.000 m2 nhà kính nấm tới thời điểm thu hoạch, mỗi ngày có thể hái từ 120 - 150 kg, thu về trên dưới 20 triệu đồng.

Xuất phát điểm là cử nhân ngành Sư phạm Sinh học (Trường Đại học Đà Lạt), năm 2010, anh Thuận tiếp tục học cao học, bảo vệ thành công đề tài về nấm hương, sau đó có nhiều năm đi làm cho một số một công ty chuyên về nấm. Có chút thâm niên kha khá trong ngành như vậy, được đi khắp nơi tìm hiểu từ lĩnh vực nghiên cứu tới trồng kinh doanh nhưng anh Thuận cho biết ban đầu lại khá tò mò với loại nấm hầu thủ.

“Không chỉ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trên cả nước, khá hiếm hoi các cơ sở trồng nấm hầu thủ, trong khi tính dược liệu và giá trị ở loại nấm này có phần vượt hơn một số loại nấm người dân đang nuôi trồng phổ biến. Tìm hiểu thêm, tôi nhận thấy một số nơi chủ yếu sản xuất nấm hầu thủ dùng hàng khô hoặc đông lạnh mà thiếu đi phân khúc nấm hầu thủ tươi nên đã quyết tâm nuôi loại nấm này vì tiềm năng của chúng rất lớn" - anh Thuận phân tích.

Sau khi kiểm tra điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đối đảm bảo, tới tháng 8/2020, anh Thuận quyết định nghỉ việc tại công ty chuyên làm nấm để dành thời gian chuyên tâm đầu tư con giống, xây dựng nhà kính, tìm kiếm nơi tiêu thụ cho nấm hầu thủ.

Theo kinh nghiệm từ anh Thuận, để làm phôi nấm, gia đình anh sử dụng mùn cưa từ gỗ cao su. Tuyệt đối không sử dụng các loại phụ gia khác, sau đó phối trộn, cấy giống. Sau 45 - 60 ngày thì chuyển phôi lên khu vực cho ra nấm và đảm bảo các yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Phôi nấm sau khi cho vào nhà nấm khoảng 15 - 20 ngày thì bắt đầu lên nấm và mỗi phôi sẽ cho ra 4 - 5 lứa nấm, mỗi lứa kéo dài từ 15 - 20 ngày là thu hoạch.

“Thuận lợi là điều kiện khí hậu ở Đà Lạt hay Lạc Dương rất thích hợp trồng các loại nấm, trong đó có nấm hầu thủ. Gần như khu nhà kính không cần sử dụng tưới trực tiếp hoặc tạo ẩm nên thời gian bảo quản sản phẩm thu hoạch dài hơn so với các nơi có nhiệt độ cao hơn. Bên cạnh đó là lợi thế nhân công ít, chăm sóc đơn giản không quá phức tạp, gần giống với các loại nấm khác như: bào ngư, đông cô, nấm hương, linh chi, phục linh,... Còn nhược điểm là vào mùa mưa kéo dài, nấm dễ hút ẩm, dễ dư nước nên sẽ giảm chất lượng. Đây là cái khó về mặt kỹ thuật người nuôi phải quan tâm điều chỉnh thường xuyên khi khí hậu không thuận lợi. Trong khi đó, do tiêu thụ chủ yếu là nấm tươi với quãng đường vận chuyển xa nên phải đảm bảo bằng xe giữ lạnh chuyên dụng cũng là một khó khăn không nhỏ” - chủ trang trại nấm hầu thủ chia sẻ.

Hiện, công ty của anh Thuận sản xuất phôi giống có quy mô trang trại tại tỉnh Bình Thuận có giá tầm 9.000 đồng/1 phôi, năng suất trung bình từ 350 tới 400 gram mỗi phôi. Nếu tính giá thị trường khoảng 120.000 tới 190.000 đồng/kg thì hiệu quả kinh tế tốt hơn so với một số loại nấm truyền thống khác. Sau khi trừ hết các chi phí, người nuôi nấm có lợi nhuận đạt khoảng 50 - 60%.

Không chỉ cung cấp nấm hầu thủ tươi cho thị trường, anh Thuận còn sấy gió nấm rồi bán khô cho khách có đơn đặt hàng. Nấm sấy gió sẽ được sấy ở nhiệt độ từ 33 - 37 độ C trong vòng 48 tiếng. Trung bình, khi sấy 11 kg nấm hầu thủ tươi mới thu được 1 kg nấm khô, vì thế giá bán nấm sấy khô lên đến hơn 1 triệu đồng.

Hiện nay, cùng với việc đáp ứng sản phẩm nấm hầu thủ tươi, gia đình anh Thuận đang phát triển thêm các sản phẩm nấm cấp đông, nấm ướp gia vị và chế biến hoàn chỉnh, nấm sấy khô để làm chà bông, làm trà... Anh Thuận thổ lộ, thời gian qua, đã có doanh nghiệp đặt vấn đề bao tiêu 1 tấn nấm hầu thủ tươi/ngày nên gia đình đang lên kế hoạch liên kết với người dân tại địa bàn huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt để mở rộng khu sản xuất loại nấm độc lạ này trong thời gian tới.

CHÍNH PHONG

 

Giá tăng mạnh, trồng mía chục cho thu nhập 15 triệu đồng/công

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Khoảng nửa tháng nay, giá mía chục tăng mạnh khiến người trồng mía chục ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) phấn khởi.

 

 

Hiện mía chục được thương lái thu mua với giá cao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, năm nay toàn huyện có khoảng 600ha được nông dân trồng mía để bán làm nước ép giải khát. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được khoảng 500ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha. Những ngày qua, thương lái vào tận rẫy mía thu mua với giá 2.000-2.200 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cách đây nửa tháng. Với giá bán và năng suất như hiện tại, trừ hết chi phí, mỗi công mía nông dân lãi gần 15 triệu đồng.

Theo nhiều thương lái thu mua mía chục ở huyện Phụng Hiệp cho biết, hiện nay nhu cầu mía làm nước ép giải khát ở các tỉnh, thành phố tăng mạnh, nhưng sản lượng mía thời điểm này ít, do nhiều diện tích mía chưa đến tuổi thu hoạch, nên giá tăng mạnh.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

 

HTX nông nghiệp tiên tiến đi đầu đổi mới nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Bắc Ninh

Chiếm số lượng lớn trong hệ thống kinh tế tập thể, những năm gần đây, các HTX nông nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Những HTX tiên tiến này không chỉ phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Hiện nay, Bắc Ninh có 529 HTX nông nghiệp, trong đó có 295 HTX dịch vụ nông nghiệp; 234 HTX nông nghiệp chuyên ngành (gồm có: 70 HTX trồng trọt, 26 HTX chăn nuôi, 30 HTX thủy sản và 108 HTX tổng hợp). Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các HTX nông nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phối hợp với các ngành Nông nghiệp, Công thương thường xuyên cung cấp thông tin, giá cả vật tư, hàng hóa, hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại.

Toàn tỉnh có 39 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn theo chuỗi giá trị, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân và HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh (Yên Phong) sản xuất lúa nếp theo VietGAP; HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du) ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng để sản xuất các sản phẩm dưa lưới, dưa lê, rau an toàn; HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành) với 85 lồng cá sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; các HTX nuôi trồng thuỷ sản Phú Thọ quy mô 20ha, Tháp Dương (Lương Tài) quy mô 15ha áp dụng công nghệ chế phẩm sinh học, VietGAP trong nuôi trồng thuỷ sản; HTX kinh doanh tổng hợp Đồng Tâm (Thuận Thành) quy mô 6.000 con lợn thịt và HTX Quang Tiến (Thuận Thành) quy mô 1.000 con lợn thịt với hệ thống chuồng trại khép kín, máng ăn tự động,

 

 

HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành) được Liên minh HTX Việt Nam chọn tham gia xây dựng mô hình Hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Có 5 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP của tỉnh (trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 3 sao). Nhìn chung, các sản phẩm của HTX nông nghiệp khi áp dụng phương thức sản xuất hiện đại, tham gia Chương trình OCOP đều được nâng cao năng suất, chất lượng giúp gia tăng doanh thu, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Ông Vũ Văn Chiến, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh (Yên Phụ, Yên Phong) chia sẻ: “Hiện nay, yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm của thị trường ngày càng khắt khe hơn, cần được chứng nhận chất lượng thông qua áp dụng quy trình tiên tiến ở từng khâu đất, nước, giống... Đầu năm 2019, khi họp thống nhất Ban Quản trị và các thành viên, chúng tôi tập trung sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo quy trình VietGap trên diện tích 20 ha, áp dụng những biện pháp canh tác hiện đại: gieo mạ khay cấy lúa bằng máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái… Qua đó, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, liên kết với một số công ty giống để bao tiêu đầu ra, giá trị cây lúa cải thiện rõ rệt”.

Tuy nhiên, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ bài bản còn rất khiêm tốn, quy mô của các HTX nông nghiệp cơ bản vẫn nhỏ, vốn ít; hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của các quy trình sản xuất hiện đại. Đa phần các HTX chưa hợp tác được với doanh nghiệp để thu hút đầu tư công nghệ và huy động vốn…

Để hình thành nhiều HTX nông nghiệp tiên tiến, thật sự phát huy hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh phối hợp triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt, thích ứng với thị trường. Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ HTX nông nghiệp kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, hướng tới theo GlobalGAP và chuyển giao cho các thành viên trực tiếp sản xuất. Đẩy mạnh hỗ trợ các HTX thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP, xúc tiến thương mại...; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo mối liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX một cách hiệu quả, bền vững.

Theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng tới xuất khẩu, bản thân mỗi HTX cũng phải không ngừng cải tiến, đổi mới, mang đến những mặt hàng nông sản vừa đẹp về mẫu mã vừa an toàn về chất lượng; tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng chủng loại cả với thị trường trong và ngoài nước.

Song Giang

 

Bình Thuận: 6 tháng đầu năm 2022: Ngành chăn nuôi phát triển ổn định

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phát triển khá ổn định. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn bò của tỉnh ta hiện nay có 174.000 con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn có 323.900 con, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm có 4.897 ngàn con, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đạt 11.245.485 liều; kiểm dịch đạt 3.085.456 con động vật các loại; kiểm soát giết mổ đạt 37.165 con động vật các loại. Đồng thời, phối hợp cùng với chính quyền các địa phương triển khai có hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2022, trong đó tập trung phun thuốc sát trùng, rải vôi; làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các chợ, các điểm công cộng; cấp phát hóa chất sát trùng cho các hộ chăn nuôi, các chủ lò giết mổ gia súc, gia cầm tự tổ chức phun xịt dưới sự giám sát của chính quyền địa phương,... nhờ thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm tương đối ổn định, không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng ở gia súc, bệnh Tai xanh trên lợn và bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò.

Tuy nhiên, trên địa bàn xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh vẫn xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tính đến ngày 12/4/2022 xã Nghị Đức đã tiêu hủy 916 con lợn/50.813 kg/101 hộ chăn nuôi. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đến nay, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Nghị Đức cơ bản được kiểm soát, không phát sinh thêm lợn bệnh. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thành lập Tổ kiểm tra, thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại 07 cơ sở giết mổ trên địa bàn Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết và tiến hành giám sát điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại 50 quầy, sạp kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại chợ Phan Thiết và chợ Phú Thủy.

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh trong thời gian tới là tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn gắn với kiểm soát thú y và hoạt động giết mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Khuyến khích chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Đưa giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Phấn đấu đưa sản lượng thịt hơi các loại năm 2022 đạt 73.500 tấn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; sử dụng chất cấm, chất kích thích không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nguyễn Phương

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop