Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 20 tháng 05 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 20 tháng 05 năm 2022

 

Giá dưa leo tăng mạnh, người trồng trúng đậm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Giá các loại rau màu hiện đang ở mức cao, nhưng đi cùng đó là chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp tăng theo. Dẫu vậy, với mức giá nông sản bán ra tăng như hiện nay khiến nhiều hộ nông dân phấn khởi.

 

 

Vườn dưa leo của gia đình ông Nguyễn Văn Xa, ở huyện Vị Thủy, đang cho trái.

Hiện giá dưa leo trên địa bàn tỉnh được thương lái cân tại rẫy là 9.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trước, khiến người nông dân sống khỏe. Trồng 3 công dưa leo đang cho trái, mỗi ngày gia đình ông Nguyễn Văn Xa, ở huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), thu hoạch được gần 1 tấn trái, với giá này thì ông mang về 9 triệu đồng/ngày. Theo tính toán của ông Xa, vụ này ông thu hoạch được khoảng 15 tấn trái, theo giá này thì 3 công đất đang trồng dưa leo của gia đình cầm chắc lời 100 triệu đồng…

Còn giá dưa leo bán lẻ tại chợ nông thôn phường III, thành phố Vị Thanh, đang ở mức 15.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với trước.

NGUYÊN TOÀN

 

Khai mạc Tuần lễ xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực trên sàn thương mại điện tử

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 16/5, Ban Quản lý các dự án IFAD, UNIDO và GIC Đồng Tháp tổ chức khai mạc chương trình “Tuần lễ xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực trên sàn Thương mại Điện tử tỉnh Đồng Tháp chodacsandongthap.com và sàn voso.vn”. Sự kiện này được diễn ra từ ngày 16 - 22/5/2022, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hội quán và nông dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp cận với kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

 

 

Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc

Tuần lễ xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực trên sàn thương mại điện tử là một trong những chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó, chú trọng tới phụ nữ và thanh niên Việt Nam”. Dự án này do tổ chức UNIDO và IFAD hỗ trợ xây dựng tại tỉnh Đồng Tháp.

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án IFAD, UNIDO và GIC Đồng Tháp cho biết, thông qua hoạt động này, dự án mong muốn hỗ trợ cho nông dân tỉnh nhà chủ động hơn trong việc tìm kiếm và kết nối với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử. Hiện nay, bên cạnh các hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử chính là một trong những kênh phân phối hàng hóa tiềm năng giúp người sản xuất nâng cao vị thế cho sản phẩm trên thị trường. Thông qua việc ứng dụng và đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử sẽ giúp cho người nông dân, các HTX có thêm nhiều cơ hội để quảng bá hàng hóa, chủ động trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Trong khuôn khổ của dự án, nông dân, các HTX, doanh nghiệp sẽ được cập nhật những kiến thức mới trong việc phát triển kinh doanh online cũng như cách bán hàng, quảng bá sản phẩm trên những nền tảng số... Đây cũng là một trong những hướng đi mà ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay.

 

 

Tuần hàng xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực tỉnh Đồng Tháp trên nền tảng chodacsandongthap.com

Tham dự sự kiện, đại diện các HTX, hội quán và nông dân trồng xoài còn được nghe các chuyên gia chia sẻ về một số giải pháp về xây dựng thương hiệu, phát triển kỹ năng bán hàng hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử đối với các mặt hàng nông sản của Đồng Tháp, đặc biệt là sản phẩm xoài.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận tiềm năng phát triển kinh doanh hàng nông sản trên các nền tảng số là rất lớn. Tuy nhiên, để kinh doanh tốt trên các kênh thương mại điện tử, các HTX, hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần có những cách làm mới. Trong đó, cần quan tâm phát triển đội ngũ nhân sự có kiến thức bán hàng trực tuyến, xây dựng mẫu mã bao bì, thay đổi phương thức đóng gói sản phẩm...

MỸ LÝ

 

Ưu thế mô hình ‘ba giảm, ba tăng’

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Ba giảm là giảm lượng giống, giảm phân bón và thuốc trừ sâu, giảm chi phí đầu tư; ba tăng là tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

 

 

Mô hình trồng lúa “ba giảm, ba tăng” tại Quảng Điền

Nông dân Trần Văn Thắng ở Thủy An, xã Lộc Thủy (Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) lần đầu tiên tham gia ứng dụng mô hình trồng lúa BGBT nhận thấy nhiều ưu điểm, hiệu quả vượt trội so với phương thức sản xuất truyền thống. Trong khi phương sản xuất cũ gieo cấy, gieo sạ giống rất dày hơn 10kg/sào, mất nhiều công chăm sóc, lại tốn lượng phân bón lớn bình quân 150kg phân đạm/ha. Mật độ lúa dày đặc kéo theo tỷ lệ sâu bệnh cao, đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Điều này dẫn đến chi phí sản xuất cao, ảnh hưởng đến năng suất, nhất là chất lượng sản phẩm thấp.

Trong điều kiện giá cả vật tư đầu vào tăng cao, nhất là phân bón, thuốc BVTV, theo ông Thắng mô hình BGBT mang lại nhiều lợi ích. Theo tính toán của ông Thắng, áp dụng mô hình này giảm đến một nửa lượng giống gieo cấy, gieo sạ. Từ đó kéo theo giảm lượng phân bón, giảm lượng thuốc phòng trừ sâu bệnh khoảng 40-50%. Chi phí đầu tư sản xuất cũng giảm theo nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Đáng chú ý hơn là chất lượng sản phẩm an toàn hơn khi lượng phân hóa học, thuốc phòng trừ sâu bệnh giảm nhiều.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi thông tin, vụ đông xuân 2021 - 2022 mới đây, HTX nông nghiệp Thủy An được đơn vị triển khai mô hình áp dụng biện pháp canh tác BGBT trên cây lúa với diện tích 10ha. Mục tiêu của mô hình nhằm giúp nông dân dần thay đổi nhận thức trong canh tác, có cơ hội tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhất là trước xu thế giá vật tư, phân bón tăng cao. Qua kiểm tra, đánh giá mô hình, bình quân mỗi ha lúa BGBT đã giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc BVTV khoảng 50%. Trong khi đó, năng suất lúa đạt bình quân 65 tạ/ha, cao hơn so với mô hình đối chứng 2-3 tạ. HTX đang hướng đến triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa từ mô hình BGBT.

Trong quá trình thực hiện mô hình, người dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hiểu rõ quy trình và áp dụng vào sản xuất. Theo ông Châu Ngọc Phi, từ minh chứng thực tiễn hiệu quả qua vụ đông xuân, nông dân tin tưởng lợi ích và tiếp tục ứng dụng, nhân rộng mô hình trong những vụ tới. Người dân cơ bản nắm vững các biện pháp kỹ thuật gieo cấy để đạt được mật độ phù hợp như sử dụng giống xác nhận, thực hiện tốt khâu ngâm ủ giống, chuẩn bị đất kỹ càng; bón lót ngay từ đầu vụ, bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa và phòng trừ sâu bệnh theo chương trình quản lý dịch hại (IPM).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, ông Nguyễn Long An đánh giá, mô hình lúa BGBT có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện canh tác nhiều vùng đất trên địa bàn tỉnh, nhất là trong xu thế giá phân bón, vật tư tăng cao. Việc giảm thuốc BVTV còn hạn chế nguy cơ tác hại tới hệ sinh thái môi trường đồng ruộng, hệ động thực vật và hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Áp dụng mô hình lúa BGBT là một trong những sự lựa chọn phù hợp trong điều kiện thâm canh theo hướng sản xuất bền vững được ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang từng bước triển khai nhân rộng.

Bài, ảnh: Triều Châu

 

Tây Ninh: Nông dân Long Vĩnh phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh

Những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế.

 

 

Ông Phong cho dế ăn đọt mì.

Trong đó phải kể đến hai mô hình sản xuất được bà con nông dân xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành nhân rộng, phát triển trong thời gian qua. Đó là mô hình nuôi dế và mô hình trồng tre lấy măng.

Mô hình nuôi dế chủ yếu tập trung ở ấp Long Đại, xã Long Vĩnh với khoảng hơn 40 hộ nuôi. Ông Phạm Thanh Phong, ngụ ấp Long Đại, người đã gắn bó với nghề nuôi dế được 18 năm cho biết, trước kia gia đình ông chuyên làm ruộng trồng lúa. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục xuống thấp làm cho kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Từ đó, ông Phong luôn tìm kiếm, hướng đến mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, ông Phong quyết định chuyển sang nuôi dế.

Ban đầu chưa có kinh nghiệm, ông chỉ làm vài chuồng nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian, thấy dế phát triển tốt, giá bán cũng ổn định, ông đầu tư mở rộng lên 16 chuồng.

Theo ông Phong, kỹ thuật chăm sóc nuôi dế đơn giản, dễ làm, chi phí thức ăn cũng ít hơn các con vật nuôi khác, ông tận dụng vớt lục bình và đọt cây mì để làm thức ăn cho dế. Ngoài ra, thời gian nuôi cũng ngắn, khoảng 30 ngày là có thể xuất bán, giúp gia đình ông thu về hơn chục triệu đồng mỗi tháng.

Mô hình nuôi dế giúp gia đình ông Phong khấm khá hơn, con cái ăn học đầy đủ, nhà cửa khang trang. Dự định trong thời gian tới ông Phong sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô.

 

 

Trại dế của một hộ dân ở ấp Long Đại, xã Long Vĩnh.

Ông Nguyễn Thành Tài, ngụ ấp Long Phú, xã Long Vĩnh nhiều năm trồng hoa màu nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2019, khi giá rau "lao dốc không phanh", gia đình ông thua lỗ phải bán đi một phần đất để trả nợ. Trên 2 công đất còn lại, ông Tài chuyển sang trồng tre bát độ lấy măng. Năm đầu, tre cho măng với năng suất cao, bán 30.000 đồng/kg, thu lợi nhuận 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán tre giống để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện gia đình ông mở rộng diện tích trồng tre lên 5 công đất.

Ông Tài cho biết, mô hình trồng tre lấy măng ít rủi ro về thời vụ như các cây ngắn ngày khác, nhẹ công chăm sóc, lại ít sâu bệnh. Giá cả ổn định, cho dù giá măng có xuống thấp hơn, thu nhập cũng ổn định.

Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này. Hiện có hơn 30 hộ nông dân ở xã thực hiện mô hình trồng tre lấy măng.

Ông Nguyễn Văn Chí– Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh cho biết, nuôi dế và trồng tre lấy măng là hai mô hình sản xuất phát triển mạnh trong thời gian qua của địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

 

 

Nông dân cho dế ăn lục bình.

Để giúp cho bà con nông dân duy trì, phát triển các mô hình sản xuất, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho các hộ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống kinh tế, qua đó góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nhật Quang

 

Huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương): Hướng tới phát triển khu chăn nuôi tập trung

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) tình hình chăn nuôi ổn định, tổng đàn heo nhỏ lẻ và trang trại không tăng do vẫn còn ảnh hưởng nặng nề của dịch tả heo châu Phi năm 2019. Hiện huyện có 30 trang trại, công ty chăn nuôi áp dụng công nghệ cao.

Ông Thái Minh Hoàng, Trưởng Trạm chăn nuôi - thú y huyện, cho biết theo quy hoạch giai đoạn 2020-2025, địa bàn huyện Bắc Tân Uyên phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, giai đoạn 2025-2030 sẽ phát triển chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn, chủ lực là chăn nuôi heo và gà tập trung ở 2 xã Tân Định, Hiếu Liêm.

TIẾN HẠNH

 

Khởi nghiệp từ nuôi dê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Dự định chăn nuôi từ lâu nhưng vì không có vốn đầu tư nên vợ chồng chị Huỳnh Thị Mộng Quyền (ở thôn 5, xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk) mãi không khởi nghiệp được.

Tháng 5/2020, chị Quyền được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để đầu tư nuôi dê sinh sản. Chăn nuôi thuận lợi, từ 6 con dê mẹ ban đầu, đến nay gia đình chị đã gây đàn lên gần 40 con dê lớn, nhỏ thuộc giống dê bách thảo. Năm 2021, gia đình chị Quyền bán được 18 con dê thịt, với giá trung bình 105.000 đồng/kg, tổng thu nhập 60 triệu đồng.

Theo chị Quyền, nuôi dê có rất nhiều thuận lợi do nguồn thức ăn dễ kiếm như: cỏ, lá cây... Trong quá trình nuôi chỉ cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè; thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn dê. Để chủ động nguồn thức ăn cho dê, chị tận dụng diện tích đất còn trống trong vườn trồng hơn 1 sào cỏ.

 

 

Chị Quyền chăm sóc đàn dê của gia đình.

Qua hai năm nuôi dê thành công, vợ chồng chị Quyền tích lũy được vốn để đầu tư nuôi thêm bò và trồng trọt. Hiện nay, trên diện tích hơn 9 sào đất, chị trồng hơn 600 cây cà phê, 250 trụ tiêu, mỗi năm thu hơn 1 tấn cà phê và 6 tạ tiêu, với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng.

Với sự chăm chỉ, chịu khó trong lao động sản xuất, năm 2021 chị Huỳnh Thị Mộng Quyền được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng về thành tích trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Nguyễn Ngọc

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop