Kỳ vọng từ một Festival
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Festival Tôm sẽ diễn ra từ ngày 10-13/12, thời điểm này mọi công tác chuẩn bị đã gần như hoàn thiện. Các hoạt động khai mạc, triển lãm, thương mại... sẽ được tổ chức ở TP Cà Mau. Các chủ hộ nuôi tôm và các chủ thể OCOP ở TP Cà Mau đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hội.
Thông qua sự kiện Festival tôm Cà Mau nhằm giữ vững, phát huy thương hiệu tôm và hàng hoá đặc sản của tỉnh.
Ðể phục vụ cho việc tham quan trong sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, Phòng Kinh tế TP Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND xã, phường rà soát các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, quảng canh cải tiến... Ðơn cử là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, sử dụng hệ thống tuần hoàn và Biofloc của hộ ông Thái Minh Thức, xã Hoà Tân. Ðược biết mô hình này hoạt động vào năm 2015 với diện tích 3 ha, lợi nhuận hằng năm từ 1-2 tỷ đồng.
Các xã vùng ven TP Cà Mau như Hoà Tân, Hoà Thành... đang mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Thông qua Festival Tôm Cà Mau sẽ là cơ hội mở rộng thị trường, giữ vững thương hiệu ngành tôm Cà Mau trong và ngoài nước.
Theo dự kiến của Ban Tổ chức sự kiện, TP Cà Mau sẽ được cấp 9 gian hàng để trưng bày. Phòng Kinh tế đã làm việc với 11 chủ thể, có 23 sản phẩm OCOP được công nhận (có 3 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao) sẽ đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu tại sự kiện.
Cơ sở kinh doanh Quách Tệt, Phường 7, TP Cà Mau, có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao vào năm 2021: bột gạo lứt hạt sen mè đen, bột ngũ cốc và bột gạo lứt đậu đen xanh lòng, mè đen. Ðến với ngày hội Festival Tôm Cà Mau, cơ sở sẽ trưng bày 3 sản phẩm OCOP và 2 sản phẩm tiềm năng OCOP. Anh Quách Ngọc Tệt chia sẻ: “Hiện tại bao bì đối với cơ sở chúng tôi đã được thay đổi mẫu mã để đẹp mắt hơn. Tôi hy vọng đợt lễ hội này sẽ có nhiều khách thập phương đến tham quan để biết đến những sản phẩm đặc sản của Cà Mau. Hy vọng sản phẩm OCOP và sản phẩm con tôm của Cà Mau sẽ phát triển mạnh hơn và lan rộng hơn”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở Trà Thu Hà (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trà Thu Hà, TP Cà Mau, phấn khởi: “Ðược Phòng Kinh tế thành phố hỗ trợ trưng bày gian hàng, cơ sở sẽ giới thiệu trà gừng và trà Thái Nguyên để thu hút khách tham quan, mua sắm”.
Ðể đảm bảo các điều kiện tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, UBND TP Cà Mau đã lên các phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông; rà soát các nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra trong thời gian diễn ra sự kiện./.
Nhật Minh
Nhân rộng diện tích lúa hữu cơ
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Từ đó, giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác với nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ.
Với lợi thế điều kiện đất mặn, phèn ven biển, cửa sông giàu vi lượng, sản xuất lúa bằng nguồn nước trời, đa dạng các vùng sinh thái, các loại hình sản xuất, Cà Mau định hướng phát triển ngành lúa gạo theo hướng bền vững, hữu cơ. Ðến nay, đã xây 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn, lúa gạo hữu cơ với tổng diện tích trên 7.000 ha.
Theo thông tin từ ngành chức năng, cơ cấu giống lúa đã được chuyển đổi sang nhóm lúa chất lượng cao chiếm 45,1%, nhóm lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, RVT và Ðài thơm 8...) chiếm 48,3% và nhóm lúa chất lượng trung bình (OM 576, OM2517...) chiếm 6,6%. Hiện nay, lượng lúa giống gieo sạ giảm rất nhiều, phổ biến 100-120 kg/ha. Nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ chiếm khoảng 85%. Cơ giới hoá trong sản xuất lúa được áp dụng mạnh mẽ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân huyện U Minh đang dần chuyển sang giống lúa chịu mặn cao. (Trong ảnh: Chuẩn bị vụ lúa trên đất nuôi tôm ở Ấp 17, xã Nguyễn Phích).
Diện tích lúa sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiện nay của Cà Mau là 802 ha, tập trung tại huyện Thới Bình, U Minh và TP Cà Mau, giá bán lúa hữu cơ dao động từ 8.300-9.500 đồng/kg, mang lại giá trị gia tăng từ 1.000-2.500 đồng/kg, thu nhập từ 24-28 triệu đồng/ha.
Là đơn vị tiên phong trong sản xuất lúa hữu cơ, năm 2018, xã Trí Lực, huyện Thới Bình trồng lúa hữu cơ với 27 ha, đến năm 2020, tăng lên 100 ha. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, khẳng định: “Trồng lúa hữu cơ thì phải làm theo hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư, chuyên gia. Nếu ruộng lúa đăng ký sản xuất giống lúa sạch, đạt chuẩn, có giấy chứng nhận sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm, giá thành cao hơn trồng lúa thường nên bà con rất an tâm sản xuất”.
Từ hiệu quả mô hình lúa - tôm hữu cơ ở huyện Thới Bình, vụ lúa - tôm năm 2023, lúa hữu cơ bén rễ trên vùng đất U Minh với tổng diện tích 40 ha, với 30 hộ tham gia tại Ấp 17, xã Nguyễn Phích. Ðược biết, mô hình lúa hữu cơ ở Ấp 17 do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ thực hiện.
Hộ ông Lê Văn Hoà chia sẻ: “Năm nay, tôi xuống giống lúa hữu cơ trên diện tích 2 ha. Lần đầu thử nghiệm nên cũng lo lắm vì giờ chỉ bón phân hữu cơ, tôi sợ dịch bệnh, sâu rầy phá hại nên ngày nào cũng ra xem ruộng lúa, nếu phát hiện sẽ báo với cán bộ kỹ sư tìm hướng khắc phục ngay”.
Ngoài Ấp 17, Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện U Minh cũng hỗ trợ, vận động người dân trên địa bàn Ấp 18 chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ từ năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Nghị, Trưởng Ấp 18, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Vụ lúa - tôm năm 2020, ấp đã triển khai thí điểm cho 20 hộ với diện tích trên 20 ha. Vụ lúa - tôm 2023, ấp triển khai thêm 48 ha với 52 hộ dân tham gia trồng lúa sạch với giống lúa ST24. Sau 3 năm triển khai trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm sạch, nhiều hộ dân đã thấy được giống lúa thích nghi với vùng đất mặn nên xin tham gia sản xuất”.
Ngoài trồng lúa hữu cơ, những năm gần đây, nông dân xã Nguyễn Phích bắt đầu chuyển đổi từ nuôi tôm sú, thẻ sang nuôi tôm càng trái vụ. Các hộ dân nơi đây cho biết, vào vụ lúa thì lượng mưa nhiều, nước trong vuông tôm sẽ bị lợ, ngọt hoá nên tôm sú không phát triển. Thay vào đó, bà con dần chuyển sang nuôi tôm càng, đợi đến mùa nước mặn thì quay lại thả sú. Theo hướng này, những năm gần đây nông dân có thu nhập ổn định.
Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, cho biết: “Ðơn vị cũng đang hướng tới vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Ban đầu sẽ vận động từng vùng chuyển đổi trồng các giống lúa như ST24, ST25... vì đây là những giống chịu mặn tốt, năng suất cao, từng bước hướng tới phát triển bền vững mô hình “kép” là lúa sạch và tôm sạch trên địa bàn huyện”.
Các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai thực hiện tác động tích cực đến nhận thức, tập quán canh tác của nông dân trong việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh nguồn gốc sinh học. Không chỉ tạo ra lúa, gạo sạch, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn có lợi cho môi trường, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững./.
Kim Cương
Giá mít Thái giảm mạnh
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện nay, giá thu mua mít tại các vựa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang dao động ở mức 23.000 đồng/kg mít loại 1, mít kem lớn 21.000 đồng/kg, mít kem nhì 11.000 đồng/kg, mít kem ba 7.000 đồng/kg. Còn thương lái vào tận vườn mua mít loại 1 với giá 21.000 đồng/kg, mít kem lớn 19.000 đồng/kg, mít kem nhì 9.000 đồng/kg, mít kem ba 5.000 đồng/kg. Với giá này đã giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 9.
Giá thu mua mít loại 1 tại vựa hiện ở mức 23.000 đồng/kg.
Theo các nhà vườn, để có mít đạt loại 1 thì khâu tuyển trái là rất quan trọng, không nên để quá nhiều trái trên một cây, cần bón phân đầy đủ, cân đối để cho cây phát triển cung cấp đủ dưỡng chất cho trái. Vườn càng có nhiều mít loại 1 thì lợi nhuận sẽ càng cao. Tiêu chuẩn mà thương lái đặt ra đối với mít loại 1 thì trái phải tròn, da đẹp, múi to và phải nặng từ 9kg trở lên.
Tin, ảnh: T.TRÚC
Hướng đi mới cho người trồng chuối
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Tháng 9 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau triển khai Dự án cải tạo vườn chuối định hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tại Ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Dự án xây dựng với quy mô 10 ha, 20 hộ dân tham gia thực hiện.
Xã Trần Hợi có khoảng 250 ha chuối. Theo người dân, mô hình trồng chuối xiêm có ưu điểm đầu tư ít vốn, đỡ công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, có thu nhập thường xuyên và giá cả ổn định. Tuy nhiên, đã qua, người dân chỉ trồng chuối theo cách truyền thống, chất lượng và sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu.
Mục tiêu của dự án nói trên nhằm nâng cao hiệu quả cây chuối, tăng thu nhập cho nông dân từ 10-15% so với sản xuất bình thường, tăng lợi nhuận cho các HTX tham gia thực hiện từ 10-15% sau khi chế biến chuối hữu cơ; liên kết với các doanh nghiệp hoặc HTX bao tiêu sản phẩm chuối, chế biến thành các sản phẩm hữu cơ.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Dự án gắn liền với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Dự án sẽ tập huấn cho nông dân kỹ thuật thâm canh, cải tạo vườn chuối, với phương châm cầm tay chỉ việc để nông dân áp dụng vào canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng các phụ phẩm từ cây chuối cải tạo vườn, tăng thêm thu nhập”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Ấp 10B, cho biết: “Việc tiếp cận dự án sẽ tạo điều kiện để nông dân nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc cây chuối, cho ra sản phẩm đạt năng suất và chất lượng cao hơn”.
Cán bộ nông dân xã Trần Hợi đến tham quan mô hình thâm canh cải tạo vườn chuối theo hướng hữu cơ của gia đình ông Trần Văn Tửu, Ấp 10B.
Có kinh nghiệm trên 40 năm trồng chuối, ông Trần Văn Tửu, Ấp 10B, mạnh dạn tham gia thực hiện dự án. Qua hơn 1 tháng thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật, đến nay vườn chuối với diện tích 2 ha của gia đình đang trong quá trình phát triển tốt. “Qua hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật, tôi tiến hành cắt tỉa, loại bỏ các chồi chuối con, thu dọn lá và bẹ trên thân chuối để tạo điều kiện tốt nhất cho cây chuối phát triển ổn định, có sức đề kháng tốt, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo yêu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhìn chung, tuy mới thực hiện dự án, nhưng tôi tin vườn chuối sẽ cho năng suất và sản lượng tốt hơn”, ông Tửu cho biết.
Theo ông Võ Quốc Phong, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 10B, đến thời điểm này, các hộ tham gia đều hiểu rõ mục đích và yêu cầu của dự án, từ đó tích cực thực hiện để vườn chuối gia đình đạt năng suất và chất lượng sản phẩm chuối đạt yêu cầu của các đơn vị thu mua. Không những thế, các hộ dân lân cận đã đến tham quan, tìm hiểu cách canh tác mới này.
Ông Trần Duy Thanh, chủ cơ sở Chuối xiêm sấy khô Bảy Hoàng, Ấp 10B, chia sẻ: “Trước nay sản phẩm chuối trái do người dân làm ra có chất lượng khá tốt, tuy nhiên không đồng đều nên rất khó cho cơ sở thu mua. Mong rằng thời gian tới, khi dự án kết thúc và được nhân rộng, người dân trồng chuối trên địa bàn sẽ có sản phẩm chất lượng hơn, đảm bảo đủ cung cấp cho cơ sở thu mua. Cơ sở cũng sẽ đảm bảo thu mua và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng chuối tại địa phương nếu sản phẩm đạt chất lượng và sản lượng do cơ sở đề ra”.
Nhận thức lợi lích của dự án là bà con trồng chuối được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, thay đổi cách canh tác từ truyền thống sang thâm canh, đồng thời áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, UBND xã Trần Hợi đã kịp thời tạo điều kiện tốt nhất để nông dân được tiếp cận với dự án. "Mong các hộ tham gia dự án tuân thủ tốt mục tiêu dự án, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, đồng thời tạo uy tín để liên kết chuỗi giá trị. Từ đó, nhân rộng mô hình hiệu quả nhằm tăng thêm thu nhập cho người trồng chuối trên địa bàn xã, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả nhãn hiệu "Chuối xiêm sinh thái - Cà Mau"", ông Lê Chiến Luỹ, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết./.
Tiệp Khắc
Huyện Cái Bè được cấp 29 mã số vùng trồng mít
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Cái Bè là huyện có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, với hơn 25.500 ha. Thời gian qua, huyện đã đẩy nhanh tiến độ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh tại địa phương.
Tính đến thời điểm này, huyện Cái Bè được cấp 29 mã số vùng trồng mít với quy mô hơn 5.100 hecta. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Một số quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu. Do đó, các ngành chuyên môn của huyện Cái Bè đã và đang rà soát, tổng hợp hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói các sản phẩm nông nghiệp tham gia xuất khẩu, theo dõi giám sát các mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã được cấp theo kế hoạch.
Hiện tại, huyện Cái Bè đang tiếp nhận 6 hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng mít với diện tích hơn 153 hecta và 15 hồ sơ đăng ký mã số cơ sở đóng gói sản phẩm mít.
Chiêu Nam
Phú Hòa (Phú Yên): Trồng sắn hom đứng cho năng suất 49 tấn/ha
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Ban Phát triển dự án an sinh xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa, Phú Yên) vừa phối hợp với Công ty CP TTP Phú Yên tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trồng sắn hom đứng và thảo luận liên kết chuỗi giá trị sắn cho hơn 40 hộ trồng sắn tại xã Hòa Hội.
Mô hình được triển khai trên diện tích 2ha tại thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, từ tháng 1/2023; trong đó, 1ha trồng theo kỹ thuật cũ hom nằm và 1ha trồng theo kỹ thuật mới hom đứng. Mô hình được Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân hỗ trợ kỹ thuật và theo dõi giám sát trong quá trình thực hiện.
Đến nay, sau 10 tháng thực hiện, qua thu hoạch điểm, năng suất mô hình sắn hom nằm khoảng 29 tấn/ha, năng suất sắn hom đứng 49 tấn/ha. Với đơn giá thu mua trung bình hiện nay là 3,58 triệu đồng/tấn và chi phí trồng sắn hom đứng cao hơn trồng sắn hom nằm 4 triệu/ha thì chênh lệch thu nhập giữa trồng sắn hom đứng cao hơn trồng sắn hom nằm gần 68 triệu đồng/ha.
Với kết quả trên, hội thảo đã thống nhất nhân rộng mô hình trồng sắn tại xã Hòa Hội theo kỹ thuật trồng hom đứng vào vụ năm 2024. Đồng thời thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị giữa các hộ trồng sắn với các công ty cung cấp phân bón và Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân.
Được biết, mô hình nói trên thuộc dự án Đa dạng hóa sinh kế tại xã Hòa Hội do Công ty CP TTP Phú Yên tài trợ thực hiện tại xã Hòa Hội từ năm 2020. Dự án được triển khai cho các hộ bị ảnh hưởng bởi Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội với tổng kinh phí thực hiện tính đến nay hơn 1,1 tỉ đồng.
QUỲNH CHI
Niềm vui của người trồng cà phê
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Đối với nông dân không gì vui hơn khi cây trồng luôn được mùa lẫn được giá, bởi đó là thành quả xứng đáng cho cả một năm lao động vất vả. Đây là động lực cũng là điểm tựa giúp nông dân có điều kiện tái đầu tư chăm sóc vườn tốt hơn cho mùa vụ sau. Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của nông dân xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), bởi vụ cà phê năm nay đang được mùa, được giá.
ĐƯỢC MÙA, ĐƯỢC GIÁ
Diện tích vườn chỉ khoảng 1 ha, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Phương ở thôn Sơn Lợi, xã Thọ Sơn đã gắn bó với cây cà phê hơn 20 năm nay. Cách đây 4 năm, gia đình bà chuyển đổi từ giống cà phê truyền thống sang cà phê ghép xanh lùn. Hiện vườn cà phê của gia đình bà có khoảng 7 sào đang cho thu thoạch vụ thứ 2. Theo bà Phương, mùa vụ 2022 gia đình thu được 14 tấn cà phê tươi, năm nay năng suất cao hơn, dự tính khoảng hơn 20 tấn.
Chỉ với khoảng 7 sào cà phê trồng chuyên canh, nhưng mùa vụ năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Phương thu hơn 20 tấn cà phê tươi
Bà Phương phấn khởi: “Vụ cà phê năm nay năng suất cao gấp rưỡi năm ngoái. Hầu hết các vườn cà phê xung quanh khu vực nhà tôi đều đạt năng suất cao. Cho nên vào vụ cà phê năm nay, gia đình tôi cũng như người dân nơi đây rất phấn khởi”.
Vườn cà phê rộng 2 ha xen điều của hộ bà Mai Thị Miên cùng ở thôn Sơn Lợi, tuy năng suất không cao bằng các vườn chuyên canh nhưng vẫn cao hơn năm ngoái. Niên vụ trước, vườn cà phê của gia đình bà thu được khoảng 10 tấn thì năm nay dự tính thu hơn 13 tấn. Không chỉ vậy, giá cà phê năm nay cũng cao hơn so với năm 2022. “Thời điểm này năm ngoái, giá cà phê chỉ khoảng 8.000-9.000 đồng/kg thì năm nay thương lái thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Vườn cây cũng đạt năng suất cao hơn rất nhiều” - bà Miên cho biết.
ĐẨY MẠNH TÁI ĐẦU TƯ
Vườn cà phê trồng xen điều của hộ ông Điểu VRên ở thôn Sơn Hòa năm nay đạt sản lượng hơn 15 tấn, thu gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lời một khoản kha khá để chi phí sinh hoạt gia đình và tái đầu tư cho vườn cây. Ông Điểu VRên cho biết, sau mùa vụ năm ngoái do kinh tế khó khăn nên gia đình chỉ đầu tư khoảng 25 triệu đồng mua phân bón, nhưng bù lại thời tiết năm nay thuận lợi nên cà phê được mùa, được giá. Vì vậy, năm nay gia đình sẽ đầu tư nhiều hơn cho cây cà phê.
Những năm trước, nông sản mất mùa, mất giá trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiều chủ vườn chọn giải pháp đầu tư ít lại dẫn đến năng suất cây trồng càng thấp. Từ đầu năm đến nay, giá vật tư nông nghiệp có phần “hạ nhiệt”, nên nông dân có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn nhiều hơn.
Ông ĐIỂU BON, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn: “Ở xã Thọ Sơn, nông dân trồng cà phê rất nhiều, nhất là cà phê xen điều chiếm diện tích rất lớn. Mọi năm do giá cà phê thấp, người dân không có điều kiện chăm sóc dẫn đến năng suất thấp. Năm nay được mùa, được giá nên người dân đã và đang đầu tư chăm sóc vườn nhiều hơn”.
Anh Đặng Văn Dương, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Thọ Sơn cho biết: “Giá vật tư nông nghiệp năm nay giảm tương đối so với năm ngoái, nhất là các loại phân bón giảm từ 20-30%, chỉ có giá thuốc bảo vệ thực vật cao hơn nhưng không nhiều. Do đó, các hộ nông dân đầu tư nhiều hơn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn. Ngoài ra, năm nay thời tiết thuận lợi cho cây cà phê phát triển nên vụ này nông dân trúng mùa, được giá”.
Cùng với cây điều, cà phê là cây trồng chủ lực của nông dân xã Thọ Sơn. Hiện xã Thọ Sơn có gần 6.000 ha đất nông nghiệp thì diện tích cây điều hơn 4.100 ha, cà phê xen điều chiếm hơn 80% diện tích. Tuy năng suất mỗi vườn khác nhau nhưng đều cho sản lượng cao hơn niên vụ trước, đồng thời giá cũng cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg. Đây là động lực giúp nông dân có thêm điều kiện tái đầu tư cho mùa vụ tới.
Văn Đoàn
Mưu sinh mùa lũ gặp khó khăn
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Đỉnh lũ năm 2023 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới báo động 1, đây là mức rất thấp so với nhiều năm qua. Lũ thấp đã kéo theo nguồn lợi thủy sản sụt giảm, làm cho hàng loạt hộ dân “mưu sinh mùa lũ” ở các tỉnh vùng ĐBSCL gặp khó khăn...
Khai thác thủy sản mùa lũ ở huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: H.TÂN
Cá, tôm… sụt giảm
Mới mờ sáng, vợ chồng anh Lê Văn Tùng và chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đã xuống ghe chạy sâu vào cánh đồng rộng ở xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) dỡ hàng chục cái dớn để bắt cá linh, cá chạch, cá mè vinh, tép, cua… Anh Tùng cho biết, bình quân mỗi cái dớn dài từ 200-300m, cao khoảng 2m được đặt chạy dài giữa đồng nước mênh mông, do đó công việc dỡ dớn phải mất khoảng 5 giờ mới xong. Dỡ xong, anh chở cá về, phân loại ra; trong đó cá linh và cá chạch phải đảm bảo còn sống nhằm cung ứng cho thương lái từ Cần Thơ chạy xe tải lên thu mua chở đưa đi các nơi tiêu thụ.
“Nếu như thời điểm đầu mùa lũ cá linh bán cho thương lái được 30.000 đồng/kg thì nay giảm còn 17.000 đồng/kg; cá chạch khoảng 140.000 đồng/kg; còn các loại cá tạp bán làm cá mồi chỉ 5.000 đồng/kg… Hôm nào dỡ dớn nhiều cá, vợ chồng tôi bán được khoảng 600.000-700.000 đồng, còn bình thường chỉ 400.000 đồng/ngày, tạm đủ sống”, anh Tùng cho biết.
Chị Nguyễn Thị Loan (vợ anh Tùng) vừa phân loại cá, vừa cho hay: “Mỗi năm khi lũ đầu nguồn bắt đầu kéo về khoảng tháng 8, tháng 9 thì vợ chồng tôi rời quê ở huyện Châu Phú, xuống ghe chạy lên khu vực biên giới thuộc huyện Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc đánh bắt thủy sản mưu sinh. Năm nay, mực nước lũ thấp nên nguồn lợi thủy sản từ thượng nguồn về không bằng mọi năm; từ đó khiến thu nhập của những người sống nhờ “nước lũ” như vợ chồng tôi bị giảm nhiều”.
Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng “xả lũ” ở xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, anh Lê Văn Càng, quê ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, bộc bạch: “Vợ chồng tôi cũng từ huyện Châu Phú chạy ghe lên ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế để “tạm trú trong mùa lũ” nhằm đánh bắt thủy sản kiếm sống. Tôi làm cả trăm cái dớn nên phải đặt một số cánh đồng ở huyện Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc… Hiện tại, cánh đồng ở xã Vĩnh Tế sâu khoảng 1,6m nước, song vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước, vì vậy cá tôm cũng ít hơn. Vợ chồng đang tranh thủ khai thác thủy sản mùa lũ, bình quân mỗi ngày thu nhập được 600.000-700.000 đồng; tuy nhiên nguồn thu nhập cao chỉ vào những con nước kém trúng cá nhiều, còn các ngày khác thì thu nhập chỉ bằng phân nửa…”.
Anh Nguyễn Văn An, ở xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) tiết lộ, trước đây vùng đầu nguồn bên An Phú cá tôm cũng khá, nhưng năm nay do lũ nhỏ nên cá không bao nhiêu. Thế là cả tháng nay, gia đình anh phải vượt hàng chục cây số để sang cánh đồng “xả lũ” ở huyện Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc thả lưới, đặt lọp… Dù bây giờ không còn “trúng cá” như xưa, nhưng cố gắng khai thác cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, tạm ổn qua mùa nước.
“Trúng - thất”, tùy vào nước lũ…
Là người có hàng chục năm “lênh đênh” theo mùa lũ để mưu sinh, vợ chồng anh Lê Văn Kình, ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú cho biết, sẽ cố gắng khai thác thủy sản đến khoảng tháng 12-2023 khi nước rút hẳn và người dân vùng biên giới thành phố Châu Đốc gieo sạ lúa Đông xuân thì sẽ tháo dỡ các ngư cụ để về quê. “Do nguồn lợi thủy sản năm nay giảm nên dự kiến cả mùa lũ này vợ chồng tôi chỉ dư được khoảng 30 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Số tiền này cũng chỉ đủ tiêu xài vài tháng, bởi khi “hết lũ, lên bờ” thì không có nghề nghiệp gì khác để mưu sinh, mà chỉ làm thuê mướn thôi…”, anh Kình bộc bạch.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Loan cho hay: “Gần 60 cái dớn, cùng với ghe, máy và một số phương tiện khác phục vụ khai thác thủy sản mùa lũ, được vợ chồng tôi đầu tư mua sắm với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng. Do mùa lũ năm nay nước về ít nên cá tôm giảm, dù khai thác cả ngày lẫn đêm, nhưng thu nhập ước khoảng 50 triệu đồng, chưa thể lấy lại vốn đầu tư”.
Cũng theo chị Loan, do vợ chồng không có ruộng đất canh tác và không nghề nghiệp nên nhiều năm qua sống dựa vào khai thác thủy sản. Những năm lũ lớn thì vợ chồng kéo sang tận vùng biên giới của tỉnh Long An đánh bắt cá khá nhiều. Vài năm gần đây liên tục lũ nhỏ nên vợ chồng chị và một số hộ ở huyện Châu Phú bàn với nhau lên ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc “đóng chốt” để khai thác thủy sản xung quanh đây, nhằm gần nhà, đỡ tốn chi phí. Xong mùa lũ, vợ chồng chị quay về quê “neo ghe” lên bờ đi làm thuê theo thời vụ dạng “ai mướn gì làm nấy”, thu nhập khá bấp bênh.
Chị Nguyễn Thị Loan nhìn nhận, kinh tế chính của gia đình dựa vào mùa lũ; hễ năm nào lũ lớn thì khai thác thủy sản thuận lợi, còn lũ nhỏ như năm nay sẽ gặp khó khăn. “Do đó, dự kiến nguồn thu khoảng 50 triệu đồng trong mùa lũ này vừa dành một ít trả nợ, vừa để chi tiêu cho các tháng mùa khô; trường hợp thiếu thì phải đi vay mượn nợ để chi tiêu trước, rồi chờ đến mùa lũ năm sau tiếp tục khai thác thủy sản trả lại. “Ăn trước - trả sau” đã đeo đẳng những hộ sống theo mùa lũ như vợ chồng tôi nhiều năm nay rồi…”, chị Loan phân trần.
Chị Lê Thị Cẩm Hồng, quê ở huyện Châu Phú, cũng “đóng chốt” khai thác thủy sản mùa lũ ở ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, cùng với chị Loan, chia sẻ: “Còn nước lũ thì dân sống nghề thủy sản như tụi tui có đồng ra đồng vô để nuôi con ăn học. Hết nước lũ thì sẽ hết nguồn thu. Chính vì lẽ đó mà mấy năm nay khi lũ nhỏ do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến những hộ làm nghề khai thác thủy sản gặp khó. Có lúc gia đình tôi cũng muốn chuyển sang làm công việc khác nhưng do thiếu vốn, thiếu tay nghề nên cứ loay hoay chưa biết tính sao…”.
Không riêng gì những hộ khai thác thủy sản gặp khó khi lũ nhỏ, mà nhiều bà con sản xuất lờ lọp, đóng ghe xuồng, uốn lưỡi câu, đan lưới, trồng ấu, nuôi tôm cá tự nhiên… ở các tỉnh ĐBSCL cũng bị giảm mạnh nguồn thu do tác động của lũ nhỏ. Anh Đặng Văn Lòng, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Mùa lũ trước đây, vợ chồng tôi sản xuất cả chục ngàn cái lọp tép cung ứng cho thương lái chở đi các nơi tiêu thụ, với giá 18.000 đồng/cái. Trong khi năm nay mới sản xuất hơn 500 cái lọp thì phải ngưng, bởi lũ nhỏ nên người dân giảm khai thác thủy sản và giảm mua lọp tép…”.
Còn anh Nguyễn Trung Kiên, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết năm nay nước về ít nên không đặt dớn hay kéo cá như mọi năm. Năm rồi, nước khá hơn thì anh kéo mỗi đêm cũng vài chục ký cá sặc, cá rô, cá lóc... tính ra cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/đêm. Nhưng mùa lũ năm nay, anh thấy không nhiều cá nên nghỉ kéo lưới bắt cá luôn. Anh Kiên cho biết: “Muốn kéo cá thì phải có 3-4 người, nhưng cá, tép ít mà cùng nhau kéo rồi bán chia ra mỗi người không được bao nhiêu tiền nên chuyển qua làm chuyện khác và dọn đất chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân. Người dân vùng này năm nay không còn cảnh bắt ốc, kéo cá nhộn nhịp vào ban đêm như những năm trước do cá ít, giá cả cũng rẻ hơn nên người dân không mặn mà”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long lưu ý, lũ nhỏ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Theo đó, năm nào nước lũ càng cao, càng ngập thì cá sông từ thượng lưu Mekong có chỗ để sinh sản, có nhiều dinh dưỡng… Ngược lại nếu lũ nhỏ thì cá thiếu nơi sinh sản và nguồn lợi thủy sản về hạ lưu sẽ giảm đi. Lũ nhỏ đồng nghĩa với việc thiếu phù sa mang về bồi đắp đồng ruộng ở tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… thiếu sự tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất; từ đó dẫn đến mùa vụ tiếp theo sẽ kém về năng suất và chi phí sản xuất tăng lên. Lũ không về cũng kéo theo tình trạng hạn mặn đến sớm vào mùa khô năm sau và diễn biến gay gắt hơn…
H.TÂN - H.THU
Đầm Hà (Quảng Ninh): Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu thế tất yếu, là hướng đi hiệu quả đối với các địa phương, trong đó có huyện Đầm Hà (Quảng Ninh). Theo đó, địa phương định hướng lấy phát triển sản xuất là động lực, lấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng sống của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Từ đó, đề ra nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách hợp lý, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất…
Tập đoàn Việt - Úc ứng dụng công nghệ lọc nước tiên tiến trong sản xuất tôm giống.
Hiện nay trên địa bàn huyện Đầm Hà có nhiều tập đoàn, công ty lớn như Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty Cổ phần Funny Group JSC... đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có Tập đoàn Việt - Úc triển khai dự án sản xuất tôm giống chất lượng cao với công suất 8 triệu con giống/năm. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đạt sản lượng mỗi năm từ 1,5-1,7 tỷ con tôm giống cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó còn có HTX Bắc Việt chuyên nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống cá biển, cung cấp từ 750.000 đến 1 triệu con cá song giống/năm. Huyện Đầm Hà cũng khuyến khích các đơn vị tham gia vùng trồng rau, dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong môi trường lạnh sản xuất gà giống, sản xuất từ 150.000 đến 200.000 gà giống cung cấp ra thị trường/năm. Đồng thời, liên kết với gần 500 hộ dân sản xuất gà thương phẩm chất lượng cao cung cấp cho các nhà hàng ở Hạ Long và các địa phương lân cận.
Một số doanh nghiệp, HTX đã thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới, phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng được sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Hệ thống tưới tiêu và giám sát được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, người nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm để có quyết định đúng đắn hơn trong tổ chức sản xuất.
Dưa lưới của Công ty CP Thương mại và xây dựng Đầm Hà được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất và chất lượng cao.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, việc chuyển đổi số cũng được địa phương đẩy mạnh thực hiện. Huyện đã tập trung hỗ trợ cho 8 đơn vị tham gia chương trình OCOP xây dựng website quảng cáo bán hàng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đưa 11/13 sản phẩm chủ lực của huyện lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử bước đầu phát huy hiệu quả.
Theo bà Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà, trong thời gian tới, huyện đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, huyện sẽ thành lập, phát triển hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết người dân. Quy mô tổng đàn 30.000 con, trong đó chăn nuôi tập trung 10.000 con, liên kết người dân 20.000 con với diện tích 350ha. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435ha. Cùng với đó, huyện cũng triển khai các quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp như: Vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển và bãi triều; tích hợp, kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xu hướng chuyển dịch trong nội ngành cơ bản bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, đặc biệt là lợi thế về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của huyện; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch ngành; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới...
Dương Hà
Chắt chiu mật ngọt
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Tận dụng các diện tích vườn cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm, nghề nuôi ong lấy mật ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Nghề này không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về đặc tính của loài ong, nhất là những kinh nghiệm để dưỡng đàn chuẩn bị mùa lấy mật mới.
Mùa mưa là lúc đàn ong không đi lấy mật và người nuôi phải cho ăn đường để duy trì đàn. Lúc này, ong chỉ được nuôi dưỡng đơn thuần chứ không quay lấy mật. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để chăm con giống, chuẩn bị tách đàn. Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nuôi ong ngày càng khó và đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn.
Anh Đỗ Quốc Tuấn, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh chăm sóc đàn ong chuẩn bị cho mùa lấy mật tới - Ảnh: Đặng Hùng
Anh Đỗ Quốc Tuấn ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Ngày trước, cây cối nhiều nên phấn hoa phong phú, nuôi ong dễ hơn. Lúc đó, để đàn ong tự đi kiếm ăn cũng được, nhưng bây giờ người nuôi phải cho ăn uống, chăm sóc kỹ lưỡng”. Bên cạnh khu vực thùng nuôi ong của anh Tuấn là hàng chục chiếc thùng đang bỏ không. Anh Tuấn cho biết, đó là thùng của một người nuôi ong khác bỏ lại. Giờ nuôi ong khó nên không phải ai cũng duy trì được, nhiều người đã bỏ nghề.
Nói về những khó khăn gặp phải khi nuôi ong quy mô lớn, anh Tuấn cho hay, nghề này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nguồn mật hoa, phấn hoa từ thiên nhiên. Năm nào mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển thì sản lượng mật cao, ong ít bị bệnh. Dưới tay anh Tuấn là chiếc vỉ với hàng ngàn con ong thợ đang bu kín. “Thông thường một thùng sẽ có 5-6 vỉ như vậy. Giai đoạn này, mình chăm sóc tốt thì mùa mật tới sản lượng sẽ cao hơn” - anh Tuấn cho hay. Vừa cho ong ăn đường, anh vừa sử dụng bột đậu đắp lên phần trên vỉ để ong ăn bổ sung.
Một trong những yếu tố quyết định nuôi ong lấy mật cho hiệu quả cao là nguồn ong giống. Hiện người nuôi ong thường chuộng 2 loại giống chính là ong nội và ong ngoại (hay còn gọi ong Ý). Ong nội có nguồn gốc trong nước, ít dịch bệnh và dễ nuôi nhưng sản lượng mật thấp. Trong khi ong Ý là giống ngoại nhập cho sản lượng mật cao, phù hợp nuôi số lượng lớn. “Chủ yếu bây giờ người ta nuôi giống ong Ý. Giống ong này có nhiều ưu điểm so với ong nội, như tính tụ đàn cao, thế đàn đông, lượng mật vượt trội, phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn và cho giá trị kinh tế cao hơn” - anh Nguyễn Hữu Thành, người nuôi ong ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh chia sẻ.
Anh Thành cũng cho biết thêm, ong ngoại có ưu điểm vượt trội song lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu không có biện pháp chăm sóc phù hợp thì tổng đàn sẽ bị thất thoát nhiều.
Để tạo ra được mật ong phải có công sức của ong chúa và hàng trăm con ong thợ trong đàn. Thời gian thu hoạch mật cũng phụ thuộc nguồn thức ăn. “Khu vực nào có nguồn hoa tốt, nhiều mật thì 10-15 ngày mình có thể thu hoạch một lần. Nhưng nếu nguồn hoa kém thì có khi cả tháng mới thu 1 lần. Lượng mật đạt cao thì một vỉ ong có thể quay được từ 700 gam đến 1kg mật” - anh Thành cho hay.
Một vài tháng nữa là sẽ đến mùa lấy mật mới và cũng là lúc người nuôi ong đặt nhiều kỳ vọng nhất. Không chỉ hy vọng mưa thuận gió hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc mà họ còn mong muốn đầu ra của mật ong ổn định hơn để có thể tiếp tục gắn bó với nghề.
Thu Thảo
Làm giàu từ trồng cỏ và nuôi bò
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính đất quê hương mình. Mô hình kinh tế của anh Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong số đó.
Trang trại bò của anh Hoàng Công Tấn
Năm 2010, anh Tấn tham gia xuất khẩu lao động với ước mong thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Khi hết hạn lao động ở nước ngoài, anh Tấn trở về địa phương. Với suy nghĩ phải làm giàu cho mình trên chính mảnh đất quê hương, anh loay hoay tìm kiếm mô hình kinh tế thật sự mang lại hiệu quả và phù hợp với thế mạnh của địa phương cũng như kinh tế của gia đình.
Anh quyết định gắn bó với nông nghiệp nhưng không thể làm theo cách làm cũ, phải thay đổi tư duy mới, cách làm hay, muốn thành công phải làm theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong những ngày đầu làm kinh tế gặp phải không ít khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất.
Nhưng với ý chí và tinh thần dám nghĩ dám làm của một người thanh niên trẻ cùng với sự quan tâm, khích lệ của các ban ngành, đoàn thể tại địa phương, sự giúp đỡ, động viên của bà con hàng xóm, anh Tấn thành lập trang trại có quy mô lớn đầu tiên tại xã Phong Hiền.
Vào năm 2015, với số vốn ít ỏi của bản thân dành dụm được khi tham gia xuất khẩu lao động, cùng với việc vay mượn từ các nguồn vốn ưu đãi, trên mảnh đất khoảng 2.000m2 tại xứ Cồn, thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, anh Hoàng Công Tấn đã bước đầu mày mò xây dựng trang trại. Tận dụng hồ nước nhỏ từ trước, anh đào đất mở rộng lòng hồ để có hồ nước đảm bảo tưới tiêu cho canh tác, bước đầu xây dựng chuồng trại, nhà kho chứa cỏ để nuôi bò.
Bước đầu anh tập trung vào chăn nuôi, anh còn đầu tư phát triển đàn gà thương phẩm để lấy ngắn nuôi dài. Với kinh nghiệm gần như bằng không, anh gặp phải không ít khó khăn khi vật nuôi gặp bệnh, rồi đầu ra sản phẩm không ổn định, không ít lần muốn bỏ cuộc.
Không nản chí, anh liên hệ với các giảng viên Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) để nhờ sự giúp đỡ, rồi tích lũy kinh nghiệm qua quá trình chăn nuôi. Để chủ động trong chăn nuôi, anh xin mở rộng đất để phát triển đồng cỏ tươi. Anh mua sắm nhiều loại máy móc để phục vụ sản xuất, như máy cuộn rơm để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp nhằm đảm bảo thức ăn tươi cho đàn bò trong mùa mưa kéo dài.
Bên cạnh đó, tận dụng mặt nước có sẵn cho việc tưới tiêu, trang trại của anh đang có kế hoạch nuôi cá thương phẩm nhằm sử dụng tối đa nguồn thức ăn dư thừa từ quá trình chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, anh còn xúc tiến thành lập một lò mổ gia súc tập trung ngay gần trang trại của mình nhằm đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch cho trang trại cũng như của bà con nông dân trong vùng.
Đến nay, trang trại của anh có tổng diện tích lên hơn 2,5ha. Trong đó, diện tích chuồng trại và kho rộng hơn 0,5ha, 2ha trồng cỏ chăn nuôi, chưa kể diện tích mặt nước và các công trình phụ trợ. Hiện tại đàn bò của anh mỗi lứa nuôi lên đến 60 con, chủ yếu là bò thịt để cung cấp cho thị trường. Anh cũng tập trung đầu tư vào đàn gà kể cả gà giống và gà thương phẩm, mỗi lứa nuôi có số lượng gần 1.000 con. Hằng năm, tổng doanh thu từ trang trại của anh Hoàng Công Tấn ước đạt trên 450 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí mỗi năm anh lãi ròng 190 triệu đồng. Hiện tại trang trại đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Nga
Hướng làm giàu từ nuôi gà Mía lai thương phẩm
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Gà Mía là giống đặc sản, dễ nuôi, thịt thơm ngon, thích hợp với điều kiện chăn thả tự nhiên. Vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã triển khai xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà Mía lai thương phẩm theo hướng an toàn sinh học” tại 2 xã Đông Xá và Đông La nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm, tạo thu nhập cho người dân.
Tham gia mô hình, bà Lê Thị Thúy, xã Đông Xá thu lãi 100 triệu đồng sau 4 tháng nuôi 1.000 con gà Mía lai.
Đến thăm trang trại của gia đình bà Lê Thị Thúy, xã Đông Xá, ai cũng tấm tắc khen đàn gà Mía đẹp, đều con, chất lượng. Đây là 1 trong 3 hộ chăn nuôi được hỗ trợ gà giống để nuôi thí điểm. Bà Thúy chia sẻ: Gia đình tôi được hỗ trợ 1.000 con gà Mía lai giống, một phần thức ăn và thuốc phòng dịch, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. Qua một lứa, tôi thấy gà Mía dễ nuôi, tăng trọng, sức đề kháng tốt, thịt ngon, giá bán cao, dễ bán, hiệu quả kinh tế cao hơn một số giống gà khác đã nuôi. Với giá bán 90.000 đồng/kg, tổng đàn của gia đình sau khi xuất bán trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Lứa tới gia đình tôi vẫn nuôi giống gà Mía lai này dù được hay không được hỗ trợ giống.
Ông Lã Đắc Tâm, xã Đông Xá cũng được hỗ trợ 1.000 con gà Mía lai để nuôi. Ông Tâm cho biết: Tôi chăn nuôi đã 20 năm rồi nhưng giống tự mua về tỷ lệ chết cao, còn gà Mía lai tỷ lệ sống rất cao, tới 95%. Tôi cho ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đúng theo tập huấn. Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng hạt kết hợp với nguyên liệu sẵn có như thóc, ngô, đậu tương, rau... Dụng cụ chăn nuôi được sát trùng hàng ngày, dùng vôi bột, hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu chăn nuôi 1 lần/tuần và tiêm phòng đúng lịch cho đàn gà. Sau 4 tháng nuôi gà có trọng lượng bình quân 2,5 - 3kg/con. Cùng với nuôi gà Mía lai, tại trang trại tôi còn đang nuôi 300 con gà ri lai. So với gà ri và một số giống gà khác thì gà Mía lai mã đẹp, thịt ngon, giá bán cao hơn. Điều quan trọng là sự hỗ trợ của huyện tạo động lực cho gia đình tôi cũng như các hộ khác mạnh dạn nuôi gia cầm với số lượng lớn. Tôi sẽ tiếp tục tái đàn gà Mía lai vì có thị trường tiêu thụ tốt.
Với gia đình ông Bùi Phó Thùng, xã Đông La, thu nhập chính từ phát triển chăn nuôi, chủ lực là lợn, gà. Thời gian qua dịch xảy ra lợn bị chết, vì vậy ông không nuôi lợn nữa, muốn tận dụng chuồng để nuôi gà, ngan. Ông đang loay hoay chưa biết chọn giống gà gì để nuôi cho hiệu quả thì được hỗ trợ giống gà Mía lai. Ông Thùng chia sẻ: Tôi cao tuổi rồi, phát triển chăn nuôi tại gia đình là thích hợp nhất để nâng cao thu nhập. Cùng với 500 con gà Mía lai giống được hỗ trợ, tôi mua thêm 150 con ngan về nuôi. Ngoài kỹ thuật cán bộ hướng dẫn, tôi dùng kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm của mình áp dụng vào chăm sóc đàn gà Mía lai như dùng đệm lót chuồng để giữ ấm chân cho gà phòng bệnh tiêu chảy và một số bệnh khác, chế độ ăn theo từng giai đoạn. Nước uống sạch bổ sung điện giải, hàng ngày đều thả gà ra vườn cho gà vận động, gần xuất chuồng không cho ăn cám hạt sẵn mà nấu gạo lứt trộn rau cho ăn nhằm ổn định tăng trưởng, đủ chất để gà ít mổ nhau, giảm mỡ, thịt chắc và ngon hơn. Do đó khách thích mua gà nhà tôi nuôi, tôi không lo về giá cũng như việc tiêu thụ.
Đến nay, tổng đàn gia cầm của huyện Đông Hưng có khoảng 2 triệu con. Việc phát triển chăn nuôi gia cầm đã góp phần giải quyết việc làm, cung cấp nguồn thực phẩm lớn cho thị trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đa dạng hóa vật nuôi, giúp người chăn nuôi giải bài toán nuôi con gì, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã liên kết với 0nhiều đơn vị hỗ trợ, cung cấp hàng chục nghìn con gà giống chất lượng cho các hộ nuôi như gà Hồ, gà Mía lai, gà Tam Hoàng, gà lai Đông Cảo... Trước khi hỗ trợ giống, Phòng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn cho lãnh đạo một số địa phương và hộ chăn nuôi nằm trong dự án; tổ chức cho đại diện các hộ đi tham quan mô hình thành công trên địa bàn tỉnh. Với giá bán 85.000 - 90.000 đồng/kg, các hộ nuôi thu lãi 8 - 10 triệu đồng/100 con gà thịt.
Mô hình nuôi gà Mía lai thương phẩm đã khẳng định rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ, mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, huyện Đông Hưng sẽ nhân ra diện rộng để có thêm nhiều gia đình có thể làm giàu từ phát triển chăn nuôi.
Hiếu Nghĩa
Chuẩn bị thịt heo cho lễ, Tết cuối năm
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Từ đầu năm 2023 đến nay, trong khi đàn bò và đàn gia cầm giảm thì tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lại tăng thêm 3% so với cùng kỳ năm trước, với tổng đàn đến thời điểm này đạt khoảng 293.000 con và dự báo vẫn còn tiếp tục tăng vì bước vào cao điểm chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường mùa Tết năm 2024.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, mặc dù giá heo hơi giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng trước, nhất là giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y vẫn đứng ở mức cao, nhưng nhờ người chăn nuôi tích cực áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đó giảm được chi phí sản xuất, ước lợi nhuận thu được khoảng 25.000 đồng/kg. Hiện người chăn nuôi heo đang tăng đàn để phục vụ cho nhu cầu thị trường dự kiến sẽ tăng cao trong dịp lễ, Tết năm 2024 và cung cấp nguồn thịt heo nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm mùa Tết. Ông Nguyễn Thanh Tùng, người chăn nuôi heo ở xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo chia sẻ: Để có thu nhập trong dịp Tết, gia đình ông tăng đàn heo thêm 50 con với tổng cộng là 200 con. Hiện ông đang tích cực chăm sóc để đàn heo khỏe mạnh, tăng trọng nhanh và ông kỳ vọng Tết này giá heo hơi sẽ cao hơn so ngày bình thường trong năm.
Để đợt chăn nuôi cao điểm phục vụ thịt heo cho thị trường những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang khuyến cáo bà con sử dụng con giống chất lượng cao, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại, ứng dụng công nghệ tự động vào các khâu sản xuất để giảm nhân công lao động thủ công, chủ động phòng ngừa các bệnh nguy hiểm thường gặp, nhất là đến thời điểm này vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi chỉ mới sử dụng thực nghiệm trên một số trại, chứ chưa tiêm phòng đại trà.
Cùng với giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn heo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn khuyến cáo người chăn nuôi quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thịt heo thương phẩm. Theo đó, người dân cần hạn chế sử dụng kháng sinh và tuyệt đối không sử dụng các chất cấm để heo tăng trọng nhanh. Thay vào đó, có thể bổ sung chế phẩm sinh học trong khẩu phần ăn hàng ngày của vật nuôi nhằm kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Đồng thời, Chi cục cũng đang chủ động kết nối các doanh nghiệp, các mối tiêu thụ lớn ở các siêu thị, các kênh tiêu thụ trực tuyến với các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, hình thành chuỗi sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ nhằm bình ổn giá thịt heo trong mùa Tết năm 2024 sắp đến.
Kim Nữ
Hiếu Giang tổng hợp