Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 23 tháng 06 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 23 tháng 06 năm 2022

 

Kiên Giang: Xoài cát Hòa Lộc xứ Hòn đạt chuẩn OCOP

Nguồn tin: Báo Kiên Giang

Năm 2021, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là cơ hội tốt giúp hợp tác xã đưa sản phẩm xoài xứ Hòn dễ dàng tiếp cận các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Không giống với nhiều nơi khác, xoài cát Hòa Lộc được người dân xã Thổ Sơn (Hòn Đất) trồng quanh chân núi. Khí hậu và thổ nhưỡng địa phương làm nên sự khác biệt về chất lượng cho trái xoài cát Hòa Lộc. Xoài nơi đây có vị ngọt thanh, ít xơ, thịt dày. Xoài cát Hòa Lộc trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân nơi đây. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, toàn xã Thổ Sơn có trên 300ha diện tích trồng xoài, chủ yếu 2 giống xoài cát Hòa Lộc và xoài thanh ca.

Xu thế tiêu dùng ngày nay người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe. Nắm bắt nhu cầu này, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất xoài theo hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm xoài sạch, đạt chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Năm 2019, hợp tác xã có 17,3ha xoài cát Hòa Lộc được công nhận đạt chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Thành Đô - Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất cho biết: “Để có xoài chất lượng cao, thành viên hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu chăm sóc, sử dụng phân bón đến khâu thu hoạch. Các nhà vườn phải bao trái để có trái đẹp, hạn chế các loại sâu bệnh trên xoài, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ban giám đốc hợp tác xã kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của các thành viên, nếu thuốc không có trong danh mục cho phép thì không phun cho cây trồng. Sau khi phun thuốc cho cây xoài phải đảm bảo đúng thời gian cách ly mới thu hoạch. Sau thu hoạch, mỗi trái xoài đều được phân loại, dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm tiêu thị ra thị trường, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR có thể biết được các thông tin chi tiết như quy trình sản xuất, nơi sản xuất, địa chỉ liên lạc…”.

 

 

Thành viên Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất thu hoạch xoài.

Năm 2021, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất mạnh dạn đăng ký xoài cát Hòa Lộc tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP). Kết quả, xoài cát Hòa Lộc của hợp tác xã đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Với quy trình và kỹ thuật canh tác theo hướng VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của hợp tác xã đang từng bước khẳng định chất lượng, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Ông Nguyễn Thành Đô chia sẻ: “Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh là niềm vui, vinh dự lớn cho hợp tác xã. Các thành viên hợp tác xã rất kỳ vọng từ thành công này sản phẩm xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận, tìm kiếm khách hàng để thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các chương trình hội nghị xúc tiến thương mại mà hợp tác xã được tham gia, giúp nông dân có đầu ra ổn định, sản phẩm bán được giá cao”. Theo ông Đô, hiện tỉnh đã công nhận và cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm xoài tại địa bàn xã Thổ Sơn với diện tích 300ha. Sắp tới, để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất xoài theo quy trình sạch, an toàn trên diện tích đã được cấp mã số vùng trồng, đồng thời tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng tới nâng hạng sản phẩm OCOP với số sao cao hơn. Ngoài ra, hợp tác xã sẽ đầu tư trang thiết bị, máy móc để triển khai chế biến các sản phẩm từ xoài như xoài sấy dẻo, nước ép xoài nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của trái xoài.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

 

Trồng sầu riêng thuận tự nhiên

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Một vườn sầu riêng với những trái lúc lỉu đang mùa thu hoạch. Chủ nhân khu vườn là một người nông dân với quan điểm trồng sầu riêng thuận tự nhiên, thuận thời tiết, không ép sầu riêng phải ra hoa, ra trái nghịch vụ. Thành quả từ sầu riêng đã giúp gia đình người nông dân ấy no ấm, khá giả.

 

 

Ông Nguyễn Hữu Trí trong vườn sầu riêng

Đưa khách đi thăm vườn nông dân, chị Lã Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đánh giá, đây là một trong những vườn sầu riêng đẹp, sản xuất hiệu quả của bà con. Đó chính là hộ ông Nguyễn Hữu Trí, Thôn 3, xã Quảng Trị, vườn sầu riêng tơ được quy hoạch rất đẹp ngay sông Đạ Tẻh.

Ông Nguyễn Hữu Trí cho biết, giống như hầu hết cư dân trong xã, trước vườn sầu riêng này cũng là vườn điều. Năng suất thấp, giá không cao, cây điều là cây xóa đói nhưng khó giảm nghèo. Vậy là học hỏi bà con xung quanh, ông Trí chặt điều, xuống giống sầu riêng vào năm 2007. Ông Trí chia sẻ: “Thực ra mình trồng sầu riêng ở khoảng thời gian 2007-2008 là đã chậm hơn nhiều bà con xung quanh. Nhưng nhờ trồng sau, mình rút được các kinh nghiệm như phải trồng giống chuẩn, kỹ thuật trồng tốt. Chính vì vậy mà vườn sầu riêng của gia đình phát triển nhanh, trái ngon, được thị trường ưa chuộng”. Từ thực tế nhìn thấy,ông Trí lấy giống sầu riêng chuẩn như Ri6, Monthon, chuẩn hóa giống ngay từ đầu chứ không để tình trạng trồng cây giống kém chất lượng.

Khi xuống giống sầu riêng, ông Trí cũng đặc biệt chú trọng kỹ thuật trồng. Tham gia các lớp về kỹ thuật, học hỏi từ nông dân xung quanh, ông Trí xác định sầu riêng phải trồng nông, không trồng “âm” xuống đất. Theo ông, sầu riêng rất dễ úng, bộ rễ cần không khí và đất thoáng, xốp. Vì vậy trồng sầu riêng nên trồng nông để tránh bộ rễ bị úng nước, sầu riêng dễ “thở”. Tuân theo quy tắc này, vườn sầu riêng nhà ông đều trồng thưa và khá nông, tán sầu riêng tròn, thấp vì được ngắt ngọn sớm, không để sầu riêng cao vút. Nước tưới được bơm từ sông Đạ Tẻh lên vì theo ông Trí, nước sông sạch và có lượng dinh dưỡng hợp lí. Ông sử dụng béc tưới vòng, tưới đều bao xung quanh gốc sầu riêng vì tránh tình trạng nước tưới lệch dẫn đến tán sầu riêng cũng bị lệch. Sau 13-14 năm canh tác, hiện, vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Hữu Trí đang ở tuổi ra trái mạnh. Tuy nhiên, tuân theo nguyên tắc để cây dưỡng sức, tùy cây mà ông Trí tỉa trái, chỉ để lại từ 1-1,5 tạ/cây.

Một điều khá đặc biệt ở vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Hữu Trí là quan điểm để sầu riêng ra trái tự nhiên của ông. Ông Trí chia sẻ, nhiều nông hộ sử dụng một số loại thuốc, một số kỹ thuật để “ép” cây ra trái theo vụ, theo thời gian yêu cầu. Quan điểm của ông Trí là cây cũng như con người, khi đến độ cần đơm bông, kết trái, cây sẽ tự động ra bông và kết trái. Ông chỉ làm nhiệm vụ tỉa bớt khi bông quá dày, trái quá nhiều, giúp trái ra đạt trọng lượng vừa phải, hình thức tròn đẹp. Không ép cây, cây ra theo thời vụ tự nhiên sẽ giúp cây mạnh hơn, sức sống bền hơn. Đồng thời, ông cũng để trái sầu riêng chín đủ độ, đến lúc rụng mới thu hoạch, cung cấp ra thị trường. Sầu riêng rụng là trái chín mùi, cho hương thơm và chất lượng tốt nhất. Vì vậy, chất lượng sầu riêng của ông Nguyễn Hữu Trí luôn được bảo đảm, thu hoạch tới đâu tiêu thụ tới đó. Ông Trí chia sẻ: “Một điều khá may mắn là vùng Quảng Trị chúng tôi sầu riêng chín sớm hơn các huyện lân cận. Vì vậy giá sầu riêng cũng khá tốt, giúp người nông dân có thu nhập cao. Tôi thì luôn giữ quan điểm mình làm ra những trái sầu riêng sạch, ngon, bà con ăn cũng vui lòng, vừa tốt cho người trồng sầu riêng, vừa đưa tới cho bà con thứ quả đặc sản chất lượng”.

Đánh giá về ông Nguyễn Hữu Trí, chị Lã Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận xét ông là một nông dân rất xuất sắc. Vừa làm kinh tế giỏi, ông còn sẵn sàng tham gia mọi sinh hoạt trong Hội, trong xóm, thôn, luôn thể hiện tinh thần nhiệt tình. Ở tuổi 64, ông Trí xứng đáng với vai trò người nông dân tiên tiến, sẵn sàng học tập kiến thức mới, đồng thời san sẻ kinh nghiệm cho bà con xung quanh.

DIỆP QUỲNH

 

Vĩnh Long: Nông dân Tam Bình sắm máy bay phun thuốc cho cam sành

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Anh Huỳnh Công Vinh (48 tuổi, tên thường gọi là anh Út, ngụ ấp An Hòa A, xã Bình Ninh- Tam Bình, Vĩnh Long) đầu tư 2 khu vườn cam sành, diện tích khu 1 là 80 công và khu 2 là 70 công, liền kề nhau.

Cùng với đó, anh Út mạnh dạn đầu tư nhiều công nghệ kỹ thuật cao để quản lý vườn cam sành một cách khoa học và hiệu quả hơn.

 

 

Hệ thống camera giúp anh Út nằm võng trong chòi vẫn có thể giám sát nhân công làm việc.

 

 

Máy sạc chuyên dụng khi không có điện, có giá 35 triệu đồng.

Hệ thống tưới tiêu tự động, kiểm soát điều tiết liều lượng nước vào từng gốc cam, hệ thống này có thể sử dụng để bón phân theo liều lượng chính xác, tiết kiệm lượng phân bón tiêu hao không hiệu quả.

Diện tích quá rộng, nhưng anh Út vẫn có thể… nằm võng trong chòi, quản lý nhân công làm vườn qua hệ thống camera bao quát cả 2 khu vườn. Qua hệ thống giám sát, nhân công làm việc cũng đạt năng suất cao.

Đặc biệt, anh Út còn “chịu chơi” sắm chiếc máy bay chuyên phun thuốc trị giá hơn 600 triệu đồng, cùng với phụ kiện 4 cục pin, mỗi cục pin là 35 triệu và một máy chuyên sạc pin khi không có điện trị giá 25 triệu đồng.

Máy bay phun thuốc có 2 chế độ điều khiển bằng tay hoặc tự động. Máy quét định vị diện tích, sau đó nó có thể tích hợp vào bộ nhớ tự bay, tự phun thuốc và quay về tự đáp xuống vị trí an toàn.

 

 

Chuẩn bị máy phun thuốc.

 

 

Anh Út điều khiển máy bay cất cánh phun thuốc.

Bình thuốc 30 lít, có công suất phun 2 công đất trong vòng 5 phút. Nói vui là “chịu chơi”, thực ra sự đầu tư của anh Út hướng đến việc sản xuất nông nghiệp một cách bài bản, khoa học, giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng của vườn cam. Vốn gắn bó với cây cam sành ở xứ này hơn 30 năm nay, anh Út hiểu rõ từng “tính nết” của cây cam sành, nắm bắt được những khiếm khuyết của nền sản xuất manh mún và tư duy bảo thủ của nông dân theo lối truyền thống, lạc hậu với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại và nhu cầu cao của những thị trường khó tính.

Ước mơ của anh Út là cùng nhau tạo ra lớp thế hệ nông dân mới, biết tăng thêm hàm lượng chất xám cho nông nghiệp, tạo thương hiệu bền vững và cùng nhau tạo nên những vùng nguyên liệu rộng lớn, có thể quản lý chặt khâu logistis tức quản lý được chất lượng trong quá trình vận chuyển, đúng cam kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Hình ảnh chiếc máy bay bay lên trên cánh đồng cam sành Tam Bình, mang theo giấc mơ bay cao của một vùng cam sành truyền thống và nền nông nghiệp sạch, bền vững đáp ứng sự phát triển của một nền kinh tế tuần hoàn của đất nước.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Nhiều diện tích lúa gieo cấy trễ vụ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Hàng ngàn ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gieo cấy chậm trễ so với lịch thời vụ, nguy cơ không thể thu hoạch kịp thời trước mùa mưa lũ.

 

 

Chăm sóc lúa ngay từ đầu vụ

Đến thời điểm này, tại HTX Nông nghiệp Đông Vinh (Quảng Điền) vẫn còn khoảng 50ha lúa chưa gieo cấy xong. Chưa kể trong số hơn 300ha toàn HTX còn có nhiều diện tích tuy đã gieo cấy xong, nhưng trễ so với khung lịch thời vụ.

Nông dân Trần Tuấn cho rằng, do đợt mưa lũ trái mùa giữa tháng 4 và giông lốc trong tháng 5 làm nhiều diện tích lúa đông xuân đổ ngã, ngập úng kéo dài nên thu hoạch muộn, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, gieo cấy vụ hè thu bị chậm so với kế hoạch, khung lịch thời vụ.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, đến ngày 16/6, toàn huyện vẫn còn khoảng 100ha lúa hè thu vẫn chưa gieo cấy. Các diện tích chưa gieo cấy tập trung ở các HTX Tam Giang, Sịa, Nam Vinh… Trên địa bàn huyện mặc dù đã gieo cấy xong hơn 3.800ha, nhưng trong số đó có hàng trăm ha gieo cấy chậm trễ so với kế hoạch thời vụ.

Trước đó, ngành nông nghiệp huyện cùng với các địa phương đốc thúc nông dân thu hoạch nhanh lúa đông xuân với phương châm thu hoạch đến đâu làm đất, gieo sạ đến đó nhằm kịp thời vụ. Huyện hỗ trợ 50 ngàn đồng/sào để vệ sinh đồng ruộng đối với 127ha lúa, hỗ trợ 252kg chế phẩm trichoderma để xử lý gốc rạ sau thu hoạch đối với 162ha bị thiệt hại nặng do mưa lũ, giông lốc, vùng bị nhiễm chua phèn.

Các địa phương đưa vào gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày, chủ yếu là TH5, Khang dân. Ngay sau gieo cấy xong, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân tiến hành chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý để rút ngắn thời gian sinh trưởng cây lúa; đặc biệt đối với các diện tích gieo cấy chậm trễ càng phải chăm sóc tốt hơn nhằm hạn chế nguy cơ thu hoạch muộn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ trái mùa và dông lốc làm nhiều diện tích lúa đông xuân thu hoạch muộn nên vụ hè thu phải cơ cấu các giống ngắn ngày và cực ngắn ngày. Nhóm giống lúa chủ lực đưa vào sản xuất vụ hè thu chủ yếu là Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100… Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 24.600ha đã gieo cấy xong, còn khoảng 500ha dự kiến sẽ gieo cấy hoàn thành trong vài ngày tới; ngoài ra còn có hàng ngàn ha tuy đã gieo cấy xong nhưng trễ so với khung lịch thời vụ khoảng 7 ngày.

Để đảm bảo lúa hè thu sinh trưởng và phát triển ổn định, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết đến sinh lý, Chi cục TT&BVTV phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp chăm sóc tích cực. Đối với những diện tích gieo sạ muộn so với khung lịch thời vụ được chăm sóc, bón phân cân đối và theo nguyên tắc “nặng đầu vụ, nhẹ cuối vụ” nhằm kích thích lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Chi cục TT&BVTV lưu ý, đối với các chân ruộng bị chua phèn cần tăng cường bón vôi, hoặc phân lân, thau chua, rửa phèn, thường xuyên giữ nước trong ruộng nhằm hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thường xuyên theo dõi hiện tượng ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ để có biện pháp xử lý kịp thời; kết hợp theo dõi, phát hiện, dự tính, dự báo sâu bệnh và phòng trừ các sinh vật gây hại kịp thời, hiệu quả.

Nông dân cần hạn chế sử dụng thuốc BVTV từ khi gieo sạ đến trong vòng 35 ngày để bảo vệ các loài sinh vật có lợi; chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết và phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách).

Chi cục TT&BVTV khuyến cáo, các địa phương, người dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chuẩn bị tốt các phương án chống hạn. Các địa phương vận động người dân tham gia duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ công trình thủy lợi đầu mối; tổ chức phát dọn, gia cố, nạo vét kênh mương nội đồng để tích nước, phòng, chống khi hạn hán diễn biến phức tạp, kéo dài.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

 

Nhiều ‘tỷ phú chân đất’ đi lên từ cây quế

Nguồn tin: VOV

Trong khi nhiều địa phương vẫn loay hoay với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chọn lựa cây trồng nào để vừa tăng độ phủ rừng, vừa mang lại giá trị kinh tế cao thì Lào Cai đã sớm bứt phá nhờ khám phá ra ưu thế của cây quế.

10 năm trước, khi tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai mới hoàn thành, hai bên đường chỉ nhìn thấy một vùng đồi núi trọc, toàn cây sắn. Giờ đây dọc tuyến cao tốc, những cánh rừng quế bạt ngàn một màu xanh mướt đã cho thu hoạch.

Với hơn 6.000 ha quế, xã Xuân Hòa và xã Vĩnh Yên được gọi là “thủ phủ” quế của huyện Bảo Yên, với nhiều "tỷ phú chân đất" đi lên từ cây quế. Giờ đây, phương pháp canh tác quế đã được người dân thực hiện theo đúng quy trình bài bản, 2 năm đầu trồng sắn xen quế để che mát cho cây quế non, khi quế được 4 đến 5 năm tuổi, bắt đầu tỉa cành bán, đến khi tận dụng hết giá trị của lá quế mới khai thác vỏ, sau 12-15 năm hết một vòng chu kỳ cây quế.

Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên chia sẻ, từ khi đưa cây quế là cây chủ lực trong phát triển rừng, bà con đã tự tìm tòi nghiên cứu các phương pháp chăm sóc cây, thay vì cán bộ kiểm lâm phải hướng dẫn như trước đây. "Việc phát triển cây quế giúp công tác phòng cháy rừng được người dân quan tâm hơn vì đó là tài sản của người dân. Vào mùa khô người dân thường xuyên đi tuần tra cũng như hạn chế đốt lửa ở gần rừng".

 

 

Diện tích trồng quế lên tới 46.000 ha đã cho Lào Cai cơ hội đặt mục tiêu trở thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cây quế đã có mặt tại Lào Cai từ những năm 70 của thế kỷ trước, qua những bước thăng trầm những năm gần đây, cây quế đã khẳng định được vị thế và đem lại hiệu quả cao cho người dân. Năm 2015, toàn tỉnh Lào Cai có gần 12.000 ha quế thì đến nay, diện tích quế trên toàn tỉnh đã là 46.000 ha. Chiến lược phát triển rừng cũng như nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cây quế được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, cho biết: "Những năm qua phong trào cây quế phát triển vì chính giá trị cây quế mang lại, vừa phát triển rừng vừa đem lại thu nhập. Chúng tôi cũng rất trăn trở khi trồng cây ở vùng cao làm sao đem lại hiệu quả kinh tế bền vũng đó là mục tiêu chúng tôi tiến tới".

Huyện Bảo Yên là địa phương có diện tích quế lớn nhất tỉnh Lào Cai, với trên 23.000 ha, chiếm 1/2 diện tích quế toàn tỉnh. Từ lúc còn thiếu đói quanh năm, đến nay nhiều gia đình ở huyện Bảo Yên đã thoát nghèo, từng bước làm giàu từ cây quế.

Bà Nguyễn Thị Hiền, ở bản Đao, xã Vĩnh Yên cho biết, mỗi năm gia đình thu được 70-80 triệu đồng/ha quế. Từ trồng cây quế, gia đình làm thêm homestay để khách du lịch đến khám phá nghề trồng quế.

"Trước đây, tôi chưa trồng quế không có tiền, vất vả lắm, khéo mới đủ ăn. Giờ nhà nhà người người trồng quế ai cũng có tiền từ quế để tiêu" - bà Hiền cho biết.

 

 

Bất cứ đâu còn đất đều được tận dụng trồng quế

Trước kia, các cấp chính quyền ở tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn việc thay đổi tư duy của người dân trong việc bỏ cây sắn sang trồng rừng bền vững. Nhưng từ khi cây quế được chọn làm cây chủ lực phát triển rừng thì giờ đã khác.

Ông Hoàng Đình Kiểu, Chủ tịch UBND xã Tân Dương, huyện Bảo Yên, cho hay: "Hiện phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo thì cây quế là số một. Hiện trồng quế không phải tuyên truyền, bà con đâu có đất là trồng hết quế".

Diện tích trồng quế lên tới 46.000 ha đã cho Lào Cai cơ hội đặt mục tiêu trở thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ mục tiêu đó, Lào Cai dự kiến tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông - lâm sản xuất khẩu chính.

Không dừng lại ở đó, tỉnh đặt mục tiêu gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại. Bên cạnh Bảo Yên, tỉnh sẽ phát triển diện tích quế tập trung tại địa bàn các huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, nêu rõ: "Trong mục tiêu đặt ra đến năm 2030 sẽ có 66.000 ha quế, 50% đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành lâm nghiệp làm sao đưa được sản phẩm ra quốc tế".

Cây quế với doanh thu gần 600 tỷ đồng/năm, trở thành cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực của địa phương đã cho thấy một điều: Nghĩ đúng thôi chưa đủ mà phải làm đúng mới mang lại sinh kế lâu dài cho người dân và mang lại phát triển rừng bền vững cho những vùng quê còn gian khó./.

Mạnh Phương/VOV1

 

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng nông sản

Nguồn tin:  Báo Long An

Thời gian gần đây, một số vùng trồng nông sản trong nước bị mạo danh, gây thiệt hại cho người sản xuất và ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Tại Long An, nhiều mã vùng trồng đã được cấp để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; tuy nhiên, nếu không quản lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.

 

 

Vườn thanh long của ông Đoàn Văn Lực (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 17.800ha thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, chanh được cấp 213 mã số vùng trồng. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Khi có mã vùng, cơ quan chức năng của tỉnh cử lực lượng chuyên trách thường xuyên cùng người dân bám vườn kiểm tra, ghi nhật ký, đợt sử dụng các vật tư chi tiết cho cây trồng. Ông Trần Văn Sang (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2,2ha thanh long nằm trong vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Tôi thường xuyên được ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn cách chăm sóc nên trái thanh long có mẫu mã đẹp, chất lượng, được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu”.

Yêu cầu về mã số vùng trồng của các nước nhập khẩu nông sản từ Việt Nam ngày càng khắt khe. Đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng bởi là cơ sở xác định trách nhiệm liên quan khi xảy ra khiếu kiện về quyền lợi. Gần đây, tại một số địa phương trong nước đã phát hiện sự gian lận về vùng trồng nhờ truy tìm mã số được cấp. Hành vi mạo danh mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ nông sản của nông dân. Tại Long An, tuy chưa ghi nhận trường hợp mạo danh mã số vùng trồng nhưng doanh nghiệp và nông dân cần hết sức cảnh giác để tránh thiệt hại về uy tín và kinh tế.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Để quản lý chặt mã số vùng trồng, tỉnh đã triển khai nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã về các quy trình xây dựng và sử dụng hiệu quả các mã số vùng trồng. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các mã số vùng trồng thanh long, vì đây là một trong những loại nông sản chủ lực của tỉnh với sản lượng khoảng 330.000 tấn/năm”.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý mã số vùng trồng chỉ dừng lại ở việc thống kê; công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số chưa được thực hiện nghiêm túc. Do đó, cần tiến hành kiểm tra, đánh giá và rà soát toàn bộ hiện trạng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số tại địa phương. Đồng thời, tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân về những quy định của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc./.

Minh Tuệ

 

Người chăn nuôi gặp khó, khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục được các doanh nghiệp sản xuất điều chỉnh từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 theo chiều hướng tăng giá. Chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất khiến nhiều hộ chăn nuôi không khỏi lo lắng.

Chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Khâm Lý, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) cho hay, từ đầu năm 2022 đến ngày 1-5, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng 4 lần, mức tăng từ 300-700 đồng/kg tùy loại. So với năm 2021 thì mỗi bao cám tăng bình quân 20.000-40.000 đồng/bao. Theo đại lý thức ăn chăn nuôi Lãng Tiết Nguyệt, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp chàm), các công ty kinh doanh các loại cám như: Cargill, Anco, De Heus, Anova Feed..., từ tháng 3 đến nay đã liên tục thông báo tăng giá thức ăn nuôi heo và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg.

Nguyên nhân là từ năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng, dầu tăng cũng đã góp phần đẩy giá thành thức ăn tăng cao như hiện nay.

Ghi nhận tại một số đại lý bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, giá thức ăn cho bò phổ biến từ 260.000-300.000 đồng/bao (25 kg); thức ăn cho heo có giá từ 300.000-350.000 đồng/bao (25 kg). Riêng túi cám đậm đặc 5 kg trước đó có giá từ 90.000-100.000 đồng thì nay tăng lên từ 120.000-140.000 đồng. Còn thức ăn cho gà có giá từ 300.000-340.000 đồng/bao (25 kg); thức ăn cho vịt, ngan... có giá bán dao động từ 280.000-300.000 đồng/bao.

Anh Trọng Hiếu ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước) cho biết: Cách đây vài ngày tôi ra đại lý mua cám cho bò ăn để vỗ béo mới biết giá tăng cao, lúc trước một bao cám chỉ khoảng 200.000 đồng, nay tăng lên gần 300.000 đồng. Mình chăn nuôi nhỏ lẻ còn đỡ, những người nuôi quy mô lớn thì phải “gồng” trước chi phí thức ăn khá lớn.

Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn là lớn nhất, nhiều hộ lo lắng vì chi phí thức ăn chăn nuôi hiện nay chiếm khoảng 80% giá thành sản xuất. Với tình hình này, giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu chững lại, trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi không tăng, việc tiêu thụ khó khăn càng đẩy người chăn nuôi vào thế khó.

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi cao, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các chủ hộ chăn nuôi cần tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ các phụ phẩm nông nghiệp để đa dạng thức ăn cho vật nuôi. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi để tránh tình trạng bỏ chuồng, không muốn tái đàn.

Anh Thi

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop