Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 23 tháng 11 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 23 tháng 11 năm 2022

 

94 gian hàng tham gia phiên chợ rau, hoa Đà Lạt

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

 

Ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt 2022 cho biết, dự kiến sẽ có 94 gian hàng tham gia phiên chợ rau, hoa Đà Lạt trong khuôn khổ Festival Hoa lần thứ IX - năm 2022.

 

 

Phiên chợ rau hoa Đà Lạt trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần trước

Phiên chợ là không gian trưng bày nông sản đặc trưng Đà Lạt, các đơn vị sẽ đem đến triển lãm là những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, mang tính chất đặc trưng của Đà Lạt, đó là các loại rau, hoa, củ, quả, các loại trà, mắc ca…

Đây là hoạt động trọng tâm đã được tổ chức qua nhiều kỳ Festival Hoa Đà Lạt, là nơi các doanh nghiệp giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt, từ đó quảng bá thương hiệu, đưa hình ảnh nông sản Đà Lạt vươn xa.

Được biết, phiên chợ rau, hoa Đà Lạt sẽ được tổ chức tại công viên Trần Quốc Toản và trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, thời gian vào tháng 12/2022.

DIỄM THƯƠNG

 

Đồng bằng sông Cửu Long: Nông sản tết gặp khó vì… thời tiết

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

 

Vùng ĐBSCL là nơi có thế mạnh về sản xuất nông sản các loại phục vụ cho thị trường tết hàng năm. Những ngày này, nhiều hộ đang khẩn trương chăm sóc hoa kiểng và cây ăn trái... để thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên, ảnh hưởng mưa liên tục, cộng với triều cường dâng cao đã gây khó cho nông dân trong sản xuất, thậm chí nguy cơ mất mùa tết.

 

 

Nông dân trồng hoa ở làng hoa Bà Bộ, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, kê cao giàn hoa lên, tránh bị triều cường làm ngập. Ảnh: H.TÂN

Vất vả ứng phó

Chúng tôi tìm đến làng hoa kiểng Bà Bộ (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) vào đợt triều cường dâng cao, chứng kiến người dân tất bật kê giàn để đưa hoa lên cao, nhằm tránh bị nước ngập làm thiệt hại. Bà Phan Thị Sáu, ở khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền (quận Bình Thủy), cho biết: “Do triều cường quá cao vừa qua, không chỉ khiến nhiều tuyến đường ở nội ô thành phố Cần Thơ bị ngập sâu mà những hộ trồng hoa kiểng tết ở khu vực ngoại ô cũng bị vạ lây”.

Theo bà Sáu, vụ hoa tết 2023, gia đình trồng khoảng 3.000 chậu cúc mâm xôi, cúc Đài Loan và vạn thọ. Trong đó, cúc mâm xôi phải xuống giống sớm, bởi thời gian từ trồng đến thu hoạch mất gần 6 tháng. Hiện cúc trong giai đoạn phát triển thì triều cường ập đến, buộc cả nhà phải dồn sức di dời, nâng giàn cao lên nhằm tránh bị ngập úng làm thiệt hại. “Gia đình tôi trồng hoa quanh năm, nhưng tết là mùa làm ăn chủ lực với mức thu nhập khoảng 70-100 triệu đồng/vụ tết. Tuy nhiên, năm nay triều cường lớn quá, cộng với mưa khá nhiều khiến cho hoa bị “chựng lại”; vậy là phải tốn thêm các chi phí thuốc dưỡng, phân bón… để hoa sớm phục hồi, hy vọng thu hoạch đúng dịp tết”, bà Sáu cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Bạn, cùng ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho hay năm nay cả nhà trông vào 4.000 chậu hoa các loại để mong có tiền “ăn tết”. Song, triều cường đến phải vất vả đưa các loại cúc lên giàn cao hơn để tránh bị ngập; đồng thời thường xuyên phun thuốc để phòng các loại bệnh do ảnh hưởng mưa dầm gây ra.

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, được xem là “thủ phủ hoa kiểng” của ĐBSCL với sản lượng khoảng 10 triệu chậu các loại cung ứng cho thị trường tết hàng năm; những ngày qua người dân cũng khẩn trương ứng phó với thời tiết. Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cho biết vụ hoa tết 2023 gia đình trồng khoảng 2.000 chậu cúc mâm xôi. Hiện nay hoa đang trong giai đoạn phát triển nhưng gặp mưa và triều cường dâng cao buộc phải vất vả ứng phó. Cũng may là khu vực này có đê bao cơ bản nên mực nước tràn vào bên trong không nhiều, bởi nông dân bơm tát thường xuyên.

Trong khi đó, làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) có nhiều diện tích nằm ven sông Tiền nên dễ bị triều cường đe dọa. Ông Trần Văn Long, ở phường Tân Quy Đông, bộc bạch: “Cả nhà phải tập trung cho việc bảo vệ hoa tết tránh bị ngập và mưa dầm gây hại. Chi phí đợt này sẽ tăng lên nhưng đành chấp nhận…”.

 

 

Nhà vườn ở Hậu Giang chủ động gia cố bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái. Ảnh: H.THU

Tháo nước giữ vườn cây

Cùng với hoa kiểng thì nhiều vườn cây ăn trái bán tết ở ĐBSCL cũng đang được nông dân tập trung ứng phó với mưa lũ, triều cường. Ông Đặng Văn Lòng, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Từ lâu, quýt hồng Lai Vung là trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh với lợi thế thu hoạch đúng dịp tết hàng năm nên bán được giá cao. Ngoài ra, trái quýt hồng có màu sắc đẹp nên được nhiều người ưa chuộng mua để chưng cúng mỗi khi tết đến. Ưu thế là vậy, nhưng quýt hồng có nhược điểm là dễ bị chết cây nếu ngập nước, vì vậy nông dân phải dồn sức bơm tát ra ngoài, bảo vệ vườn quýt”.

Kỹ sư Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, thông tin: Vụ tết 2023, toàn huyện canh tác hơn 200ha quýt hồng, sản lượng khoảng 2.500 tấn trái. Qua khảo sát thì có một số vườn quýt trong huyện bị nước ngập tràn qua do đê bao thấp, trong khi lũ về mạnh và mưa nhiều. Đặc biệt, nhiều vườn quýt hồng đang giai đoạn mang trái, thế nhưng ảnh hưởng mưa liên tục làm cho một số trái quýt bị “dư nước” và nứt trái, rụng trái khá nhiều, làm giảm sản lượng của bà con.

Đối với các vườn xoài phục vụ tết 2023 ở Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp… cũng bị ảnh hưởng về thời tiết. Ông Nguyễn Văn Truyện, Chủ nhiệm Hội quán Minh Tâm (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cho hay, nhiều vườn xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc đang mang trái hoặc đơm bông, nhưng do mưa liên tục khiến xoài bị rụng, bị nám trái, bị bệnh thán thư… khiến bà con phải tưới thuốc phòng trị, tốn kém thêm chi phí và công lao động.

Còn tại vùng trồng xoài lâu năm ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, ông La Văn Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Duy Tân, rầu lo: “Hơn 30ha xoài của các thành viên trong hội quán do nằm gần sông Tiền nên khi lũ đầu nguồn về mạnh thì nước tràn vào uy hiếp các đê bao, cộng với mưa nhiều làm mực nước trong các vườn xoài tăng lên. Vụ xoài này khá vất vả bởi chi phí tăng, tỷ lệ đậu trái có giảm; nhất là chất lượng xoài tết có khả năng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều…

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện tại diện tích lúa, cây ăn trái, rau màu, khóm, mía bị ảnh hưởng do triều cường đang được các địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục theo dõi để ghi nhận thiệt hại. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cũng tăng cường chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bơm thoát nước để hạn chế ngập úng cho cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại.

H.TÂN - H.THU

 

Kỹ sư Hồ Quang Cua được trao giải ‘Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới’

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng

 

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua vinh dự được trao giải thưởng “Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT - TRT Word Rice Community - Lifetime Achievement Award” vì những đóng góp cho ngành lúa gạo Việt Nam và thế giới.

 

 

Ông Hồ Quang Cua (thứ 2 từ phải qua) nhận giải thưởng “Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới”.

Theo thông tin người viết nhận được, trong khuôn khổ cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2022 (Word’s Best Rice 2022), tổ chức tại Thái Lan từ ngày 15 - 17/11/2022, Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua vinh dự được trao giải thưởng “Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT - TRT World Rice Community - Lifetime Achievement Award” vì những đóng góp cho ngành lúa gạo Việt Nam và thế giới.

Riêng kết quả cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm nay, giải nhất đã được trao cho gạo Phka Romdoul của Campuchia. Đây là lần thứ 3 giống gạo này đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. 2 loại gạo ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua lọt vào top 4 gạo ngon nhất thế giới cùng với gạo của Thái Lan và Lào (ban tổ chức không có xếp hạng 2 và 3).

XUÂN TRƯỜNG

 

Người nông dân năng động

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Được người dân trong vùng biết đến không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà ông Trần A Sám (57 tuổi) ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) còn có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội, giúp người dân khó khăn phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo trên địa bàn. Gia đình ông cũng luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

SẢN XUẤT TRÁI CÂY SẠCH

Năm 1994, ông Sám và gia đình rời tỉnh Đồng Nai đến vùng đất Phú Riềng lập nghiệp. Tại đây, ông Sám đã dày công tìm hiểu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và các loại cây trồng thích hợp để phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ban đầu, ông chọn trồng cây cà phê. Tuy nhiên, giá cà phê biến động nên lợi nhuận thu được thấp, cuộc sống vẫn khó khăn. Sau nhiều lần suy nghĩ, năm 2000, gia đình ông chuyển sang trồng hồ tiêu và sầu riêng, xác định đây là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Thời điểm đó, hộ ông trồng được 500 nọc tiêu và 400 cây sầu riêng. Sau nhiều năm tích góp, gia đình ông mua đất và trồng thêm 2,5 ha hồ tiêu, 4 ha sầu riêng.

 

 

Ông Trần A Sám (trái) dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế

Ông Sám cho biết: Ban đầu, do chưa am hiểu kỹ thuật nên năng suất hồ tiêu và sầu riêng hằng năm chưa cao. Vì vậy, tôi tham gia Hội Nông dân để được tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm từ các hội viên về quy trình trồng và chăm sóc hồ tiêu, sầu riêng. Dần dần, tôi đã nắm vững quy trình, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Tính đến nay, lợi nhuận bình quân hằng năm khoảng 1,2 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

Hiện nay, mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng và là mục tiêu phát triển bền vững. Nắm bắt xu hướng đó, ông Sám đã chuyển đổi để nông sản đạt chất lượng cao hơn. Ông sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong chăm sóc vườn cây. Đồng thời, ông để cỏ phát triển tự nhiên giúp vườn giữ được độ ẩm, vi sinh vật có lợi phát triển. Đến thời điểm nhất định, ông dùng máy phát cỏ dọn dẹp, vừa làm phân bón lại tạo độ mùn, tơi xốp cho đất.

Theo ông Sám, từ khi chuyển sang phương pháp sản xuất sạch đã giúp cải tạo đất, cây sinh trưởng tốt, chất lượng trái thơm ngon hơn, dễ truy xuất nguồn gốc, nhất là bảo vệ được sức khỏe và môi trường. Hiện ông Sám là Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông Thành Phát, xã Phước Tân. Ông cũng là nhân tố đóng góp tích cực cho trái sầu riêng của hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng.

GIÚP NHAU CÙNG PHÁT TRIỂN

Gia đình anh Vòng Đậu Sáng ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân là một trong những hộ được ông Trần A Sám giúp đỡ để phát triển cây trồng. Với 2 ha sầu riêng, nhưng do gia đình anh Sáng trồng theo lối truyền thống và ít vốn nên năng suất thấp. Nhờ được chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc cây trồng từ ông Sám, vườn sầu riêng của gia đình anh phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao hơn và có thu nhập ổn định. Anh Sáng cho biết: Ngoài được tư vấn chuyển đổi trồng cây theo hướng hữu cơ, gia đình tôi còn được ông Sám hỗ trợ phân hữu cơ, cho vay vốn không lấy lãi trong khoảng thời gian nhất định. Từ đó giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định hơn.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Sám và gia đình luôn đi đầu trong các hoạt động do Hội Nông dân và địa phương phát động. Cùng các nhà hảo tâm, hằng năm, gia đình ông giúp đỡ trên 20 hộ khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, sầu riêng; chia sẻ kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, vật tư… giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Ông MÔNG VĂN TÀI, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân, huyện Phú Riềng: Ông Trần A Sám là hội viên năng động trong sản xuất cũng như công tác xã hội. Ông Sám và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông là tấm gương tiêu biểu để hội viên nông dân học tập và noi theo.

Ngoài tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, gia đình ông còn đóng góp làm đường giao thông, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Đồng thời, cho vay vốn không lấy lãi hơn 40 triệu đồng/năm đối với hộ nghèo, khó khăn không có điều kiện mua vật tư nông nghiệp và 5 hộ khó khăn về giống, kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ thành quả trong sản xuất, 8 năm liên tục, ông Trần A Sám đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2022, ông Sám vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh.

Vũ Nguyện

 

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Tập trung chăm sóc bưởi vụ Tết

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Hiện nay, nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tập trung chăm sóc các vườn bưởi da xanh để kịp bán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Thời tiết năm nay khá thuận lợi nên người dân kỳ vọng sẽ tăng thêm thu nhập từ trái bưởi.

6ha bưởi da xanh của ông Nguyễn Đăng Thuật (xã Khánh Phú) đang trong thời kỳ chăm trái, dự kiến xuất bán vào khoảng 10 ngày trước Tết âm lịch. Ông Thuật cho biết, so với cùng thời điểm năm trước, năm nay, vườn bưởi của ông dự kiến cho năng suất cao hơn, sản lượng từ 25 đến 30 tấn. Do thời tiết cuối năm thuận lợi, không gặp nhiều mưa bão nên ông tránh được nỗi lo rụng trái. Giá bưởi đang được thương lái ở Nha Trang và từ miền Nam ra thu mua tại vườn khoảng 20.000 đồng/kg. Hy vọng đến Tết, giá bưởi sẽ lên mức trên 25.000 đồng/kg.

 

 

Tập trung chăm sóc bưởi vụ Tết

Ông Huỳnh Hữu Phúc (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) cũng đang chăm sóc gần 400 gốc bưởi của gia đình để bán dần từ nay đến sau Tết Nguyên đán. Bưởi da xanh của gia đình ông hiện nay được thương lái ở Nha Trang thu mua với giá 25.000 đồng/kg bưởi loại 1. Với các cây bưởi đang chăm để bán Tết, do nhu cầu người dân mua để tặng, đặt thờ cúng nên ngoài trái đẹp cũng cần chăm cả cuống, lá khá kỳ công, bù lại giá sẽ cao hơn các trái thông thường. “Khoảng 10-15 ngày trước Tết, người dân sẽ mua nhiều nên các trái đẹp tôi thường để đến những ngày này mới xuất bán. Bưởi của tôi chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Nha Trang”, ông Phúc nói.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, sản lượng bưởi vụ Tết năm nay của địa phương dự kiến đạt khoảng 500 tấn. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, dịch bệnh hại không có nên việc chăm sóc cây bưởi khá thuận lợi. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng không gặp nhiều khó khăn như các năm trước nên người dân đang rất kỳ vọng một vụ bưởi Tết khấm khá hơn.

Theo các chủ vườn bưởi, thời gian qua, chi phí đầu vào để chăm sóc, như: phân bón, thuốc... tăng khá cao, ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận. Vụ Tết này, người trồng bưởi hy vọng sẽ xuất bán được nhiều để tăng thêm thu nhập. Ông Nguyễn Minh Trường, hộ trồng bưởi ở xã Khánh Trung cho biết, thị trường bưởi xuất bán đi nước ngoài chưa phục hồi, các thương lái vẫn chủ yếu bán trong nước, do đó giá bưởi chưa thể cao trở lại như trước đây. Tuy nhiên, việc giá tăng hơn so với thời điểm dịch Covid-19 đang là động lực bước đầu để người trồng bưởi tập trung chăm sóc vườn trong đợt này.

V.THÀNH

 

Trồng ổi ruby lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công/năm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) trồng ổi ruby cho năng suất và chất lượng trái ngon, người tiêu dùng ưa chuộng.

 

 

Ổi ruby hiện có giá bán cao.

Ổi ruby sau 18 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, ruột ổi có màu đỏ hồng, không hạt, chất lượng thịt giòn, ngọt. Hiện ổi ruby được nhà vườn ở huyện Phụng Hiệp thu hoạch bán cho thương lái với giá 18.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Là giống ổi cho trái quanh năm, không cần kỹ thuật kích trái, nên năng suất tương đối cao, trung bình 1.000m2 trồng ổi ruby cho năng suất 1,5 tấn/công/năm, với giá bán hiện tại, nhà vườn trồng ổi ruby đạt lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

 

Mô hình sản xuất chè hữu cơ cho thu nhập trên 474 triệu đồng

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

Ngày 18-11, tại Khách sạn CROWN (TP. Thái Nguyên), Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

 

 

Bà con xã Phú Xuyên (Đại Từ) thu hái chè hữu cơ.

Giai đoạn 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với quy mô 60ha, ở các xã: Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); La Bằng, Phú Xuyên (Đại Từ) và Tức Tranh (Phú Lương).

186 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ một phần kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lưới cắt nắng, sổ sách ghi chép, tem truy xuất nguồn gốc; được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc cây chè.

Theo đánh giá tại Hội nghị, qua theo dõi quá trình sinh trưởng của cây cho thấy, thời gian đầu, năng suất chè có bị sụt giảm nhưng đến nay đã đạt trung bình 128 tạ/ha, giá bán cao hơn so với sản xuất thông thường từ 20-50 nghìn đồng/kg chè búp tươi. Theo hạch toán sơ bộ, mô hình sản xuất chè hữu cơ cho thu nhập 474,7 triệu đồng/ha/năm, tăng 119,8 triệu đồng so với sản xuất thông thường.

Ngoài ra, mô hình cũng đem lại những hiệu quả tích cực về môi trường sinh thái, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, khuyến khích bà con áp dụng phương thức sản xuất thân thiện với môi trường và hướng tới xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội nghị, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã trao Giấy chứng nhận sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam cho đại diện 6 tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia mô hình.

Lương Hạnh

 

Nông dân Hải Yang thu nhập cao từ xen canh cây mắc ca

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Trước thực trạng giá cà phê, hồ tiêu, cao su không ổn định, một số hộ dân ở xã Hải Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã chủ động trồng xen cây mắc ca. Đến nay, mô hình này đã khẳng định được hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

 

Mỗi năm, ông Phạm Văn Vụ (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) thu nhập hơn 500 triệu đồng từ vườn mắc ca. Ảnh: Minh Phương

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với huyện Đak Đoa hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật cho một số hộ dân tại xã Hải Yang trồng thí điểm cây mắc ca. Tham gia mô hình, gia đình ông Phạm Văn Vụ (thôn 1) trồng hơn 400 cây mắc ca xen trong hơn 2,5 ha cà phê. Sau gần 5 năm tích cực chăm sóc, năm 2018, ông thu được hơn 4 tấn hạt mắc ca tươi. Với giá bán 100-120 ngàn đồng/kg, ông thu về 400 triệu đồng. Năm 2021, vườn cây mắc ca cho thu hoạch được hơn 5 tấn, cộng với hơn 30 tấn cà phê tươi, gia đình ông Vụ có thu nhập hơn 600 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, 2 năm trở lại đây, gia đình ông Vụ thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ việc bán cây giống cho các hộ dân trên địa bàn. “Cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, ít tốn công chăm sóc và phân bón như các loại cây trồng khác. Đặc biệt, việc trồng xen còn tận dụng được diện tích đất trống của vườn rẫy, nước tưới, phân bón từ cây cà phê. Bắt đầu từ năm thứ 5 là có thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Việc trồng cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi chi phí đầu tư lại thấp hơn”-ông Vụ phấn khởi nói.

Là một trong những hộ được hỗ trợ cây giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để thực hiện mô hình trồng cây mắc ca, từ năm 2012 đến 2013, ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1) đã trồng hơn 1.600 cây trên diện tích 5 ha cao su kém hiệu quả. Năm 2017, ông thu hoạch được 5 tấn hạt mắc ca tươi. Sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 400 triệu đồng. Đặc biệt, năm nay, ông thu được 11 tấn, lợi nhuận hơn 950 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, ông còn ươm hơn 5.000 cây giống bán ra thị trường, riêng năm nay là 1 vạn cây, giá 50.000 đồng/cây giống. Hiện nay, mỗi năm, ông thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng từ cây mắc ca. Ông Trường khẳng định: “Trồng cây mắc ca ít tốn công chăm sóc, phân bón nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Đến thời điểm này, cây mắc ca chưa cho thấy rủi ro gì, giá cả đầu ra ổn định, thương lái tìm mua tận rẫy. Cây trồng dễ chăm sóc, ít bệnh”.

 

 

Ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1, xã Hải Yang) thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm từ 5 ha mắc ca. Ảnh: Minh Phương

Theo ông Nguyễn Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang: Toàn xã có 32 hộ trồng mắc ca với tổng diện tích hơn 40 ha. Với giá bán ổn định 100-120 ngàn đồng/kg, cây mắc ca đang mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên địa bàn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không khuyến khích nông dân đầu tư trồng cây mắc ca theo kiểu tự phát. Bởi trước đây, người dân thường thấy lợi nhuận trước mắt, chạy theo thị trường mà bỏ cây này, trồng cây kia dẫn đến rủi ro cao. “Chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ nên trồng xen, phát triển đa canh để đảm bảo lợi ích lâu dài, ổn định thu nhập kinh tế gia đình. Không nên phát triển ồ ạt mà trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng diện tích, lấy cây nọ để nuôi cây kia nhằm tránh rủi ro về giá cả, thị trường”-ông Thắng nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Kim Anh cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 65 ha mắc ca, chủ yếu ở các xã: Hải Yang, Kdang, Ia Băng, Glar. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện định hướng đưa loại cây này vào mục tiêu trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán. Cây đa mục đích này vừa dễ chăm sóc, vừa tạo ra thu nhập cho người dân.

MINH PHƯƠNG

 

Giá dê, cừu giảm, người chăn nuôi Ninh Thuận gặp khó

Nguồn tin: VOV

 

2 tháng trở lại đây, giá dê, cừu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận liên tục giảm. Không chỉ giá giảm, việc tiêu thụ thịt dê, cừu cũng gặp khó khăn.

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Phước Minh, huyện Thuận Nam vẫn chưa bán được con dê nào. Đàn dê hàng chục con của nhiều hộ đã tới kỳ xuất chuồng nhưng khi gọi, thương lái từ chối mua.

Theo các thương lái ở Ninh Thuận, giá dê bán tại chuồng hiện dao động từ 90.000 - 105.000 đồng/kg, còn cừu thì từ 80.000 - 95.000 đồng/kg. So với thời điểm cách đây hơn 1 tháng, giá dê, cừu đã giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

 

 

Giá dê đang giảm khiến người nuôi gặp khó khăn.

Ông Lê Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH dê cừu Nguyên Phát ở tỉnh Ninh Thuận cho biết, dê nuôi có trọng lượng từ 35 – 40 kg, cừu 25 – 30 kg là phù hợp để xuất chuồng, nếu để nuôi càng lâu càng khó bán và chi phí nuôi cũng tốn kém hơn. Hiện công ty ông đang có gần 1.000 con dê, cừu, nếu tình hình giá cả còn giảm, việc tiêu thụ khó khăn như hiện nay cầm chắc.

“Giá dê, cừu giảm thấp và khó tiêu thụ. Nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế khiến thu nhập người dân hạn chế. Thịt dê, cừu chủ yếu đưa ra miền Bắc, nhưng hiện nay miền Bắc cũng tự nuôi nên nguồi cung cũng dồi dào. Trong khi đó, hàng Thái Lan về giá cũng rẻ hơn, nên các lò mổ miền Bắc lấy hàng Thái Lan khiến hàng khu vực phía Nam tồn đọng”, ông Nguyên cho biết.

Hiện nay tỉnh Ninh Thuận có tổng đàn dê và cừu hơn 250.000 con, trong đó cừu gần 120.000 con và dê trên 130.000 con. Sản phẩm thịt dê Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận”; sản phẩm thịt cừu được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu có xuất xứ từ “Ninh Thuận” nhằm khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm đặc thù của địa phương./.

Đoàn Sỹ/VOV-TP.HCM

 

Cao điểm phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Bước vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là việc gia tăng đàn vật nuôi những tháng cuối năm phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán 2023 khiến nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở mức cao.

 

 

Ngành Nông nghiệp đang tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi những tháng cuối năm 2022

Để giảm thiểu dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang tăng cường các giải pháp phòng, chống, trong đó chú trọng nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin đạt kế hoạch, kiểm soát vận chuyển, giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu…

Có thâm niên hơn 10 năm chăn nuôi lợn thịt, ông Trần Văn Sơn (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) hiểu rõ việc đảm bảo sức khoẻ đàn lợn cũng như vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Việc dập dịch tả lợn châu Phi tại xã Liên Hiệp, một trong những xã bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh này vào năm 2019 đã giúp gia đình ông có thêm nhiều kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, gia đình ông Sơn nuôi trên 300 con lợn thịt, 20 lợn nái, dự kiến đúng dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ xuất bán khoảng 250 con. Hằng ngày, xe chở thức ăn, các vật dụng liên quan khi vào khu vực chăn nuôi đều qua công tác khử khuẩn ngoài cổng, đồng thời hạn chế việc người lạ ra vào nhằm tránh lây bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh nguy hiểm khác.

Cũng như ông Sơn, người chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Tân Hà, Liên Hà, thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) cũng đang tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh. Theo đánh giá từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn, tuyên truyền để các hộ nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng vắc xin đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để bảo đảm đàn gia súc, gia cầm phát triển bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn có gần 1.400 trang trại chăn nuôi (trong đó 81 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 405 trang trại quy mô vừa, 872 trang trại quy mô nhỏ) và hơn 28 nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ. Tổng đàn vật nuôi tính đến tháng 10/2022 đạt khoảng 11 triệu con. Trong đó, riêng đàn gia súc có 13.442 con trâu, 98.143 con bò; 444.358 con lợn; 12.342 con dê.

Theo đánh giá, từ đầu năm đến đầu tháng 11/2022, dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện lẻ tẻ một số ổ dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cảnh báo trong thời gian tới nguy cơ có thể xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao. Nguyên nhân chính là do đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh có gần 11 triệu con và tiếp tục gia tăng đàn vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật vào dịp cuối năm tăng mạnh. Việc giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số và chưa được kiểm soát chặt chẽ, thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi...

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết đã có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2022 cho đàn gia súc, gia cầm. Phấn đấu hoàn thành công tác tiêm phòng trong tháng 11/2022, bảo đảm đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra. Đối với các đối tượng không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền người dân chủ động mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi dưới sự giám sát của cán bộ thú y cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, các địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục chưa đạt 80% tổng đàn, tiếp tục rà soát tiêm phòng bổ sung cho đàn trâu, bò mới phát sinh, chưa đủ điều kiện tiêm và bỏ sót… đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% theo kế hoạch. Về công tác giám sát dịch bệnh, các địa phương, đơn vị những tháng cuối năm cần giám giám sát chặt chẽ, đặc biệt tại nơi có nguy cơ cao, nơi ổ dịch cũ hoặc địa phương có tỷ lệ tiêm phòng chưa cao để giúp cơ quan quan lý, nhất là cơ quan chuyên môn đánh giá, dự báo về dịch tễ, từ đó có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.

CHÍNH PHONG

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop