Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 01 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 01 năm 2022

 

200 tấn mít đông lạnh xuất khẩu sang Australia

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu mít vào thị trường nước này. Theo đó, 200 tấn mít đông lạnh được các nhà nhập khẩu, chủ lực là Công ty VINREC Australia đăng ký tham gia.

 

 

Người tiêu dùng tại Sydney, khi được mời dùng thử sản phẩm mít Việt Nam đã đánh giá mít đông lạnh Việt vẫn giữ được độ giòn, thơm như mít tươi, và rất tiện bảo quản. Ảnh minh họa

Australia là quốc gia trồng mít, nhưng mít Việt Nam (đông lạnh và chế biến) vẫn được Thương vụ Việt Nam đưa vào danh sách trọng điểm đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng thương hiệu trong 2 năm vừa qua. Kết quả, năm 2021, mít Việt Nam xuất khẩu sang đất nước này tăng trưởng lên đến 20% so với năm 2020.

Người tiêu dùng tại Sydney, khi được mời dùng thử sản phẩm mít Việt Nam đã đánh giá mít đông lạnh Việt vẫn giữ được độ giòn, thơm như mít tươi và rất tiện bảo quản.

Để tiếp tục kế hoạch xuất khẩu lớn hơn cho sản phẩm mít Việt, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa đã làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu mít. Theo đó, 200 tấn mít đông lạnh loại 1 (tương đương 1.000 tấn mít nguyên liệu) đã được các nhà nhập khẩu, chủ lực là Công ty VINREC Australia đăng ký tham gia. Doanh nghiệp này đã triển khai thu mua chế biến khép kín mít Việt Nam để đạt tới chất lượng đạt loại 1.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, 30 tấn mít thành phẩm thương hiệu VINRECT-HT sẽ được đưa ra thị trường Australia. Ngoài ra, có khoảng 10 tấn thành phẩm của các doanh nghiệp khác cũng tham gia hoạt động này. Số còn lại sẽ được doanh nghiệp tại Việt Nam thu mua, chế biến.

"Mít cũng như quả sầu riêng, quả bơ, chanh leo của Việt Nam đều được người tiêu dùng trên thế giới đánh giá rất ngon khi tiêu thụ đông lạnh. Chỉ cần mít vẫn giòn sau đông lạnh là yếu tố tiên quyết giúp giữ nguyên hương vị và chất lượng của mít. Chính vì thế, cần phải đẩy mạnh truyền thông nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng", ông Nguyễn Phú Hòa cho biết.

Được biết, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp xúc tiến cho sản phẩm mít Việt như: đưa mít vào hệ thống siêu thị, quảng bá trên mạng xã hội và các kênh của Thương vụ, triển lãm trực tuyến, tổ chức sự kiện dùng thử, khuyến mãi tặng thưởng có giá trị và phát hành sách điện tử quảng bá,...

Phan Trang

 

Bắc Kạn: Người tiên phong trồng quýt ngọt ở Na Rì

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Ông Ngọc Văn Thòn, thôn Pò Cậu, xã Văn Vũ là người tiên phong trồng cây quýt ngọt ở Na Rì (tỉnh Bắc Kạn). Loại quả vỏ mỏng, vị ngọt thơm, tiêu thụ thuận lợi đã giúp gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

 

Vườn quýt ngọt của gia đình ông Ngọc Văn Thòn.

Vượt quãng đường 5km từ trung tâm thôn Pò Cậu vào khu sản xuất của người dân, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi tận sâu trong vùng này lại có những đồi cây ăn quả xanh mướt trải dài thật đẹp mắt. Đa số vườn cam, quýt ở đây đã thu hoạch xong, chỉ còn duy nhất vườn quýt sai trĩu quả của gia đình ông Ngọc Văn Thòn đang chín rộ, khiến chúng tôi phải tìm hiểu về loại quýt này.

Theo chia sẻ của ông Thòn, ông sang Trung Quốc mua giống quýt này về trồng từ năm 2011, gọi là quýt ngọt. Thời điểm đó, đa số bà con trong huyện đều chọn cây quýt truyền thống để phát triển kinh tế vườn. Ông nhận thấy trồng ồ ạt một loại cây sẽ dẫn đến số lượng nhiều, giá thấp, khó tiêu thụ, nếu trồng giống quýt khác sẽ tạo thương hiệu riêng, lợi nhuận cao hơn. Do đó, ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quýt ngọt, trong khi địa phương chưa có nhà vườn nào trồng loại quýt này. Đến nay, sau 8 năm cho thu hoạch, vườn quýt ngọt đã "trả công" cho ông một cách xứng đáng.

Ông Thòn cho biết: “Cây quýt ngọt bắt đầu bói quả sau 3 năm trồng, từ năm thứ 4 trở đi cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Loại quýt này có vị ngọt thơm, múi mềm, vỏ mỏng, chín muộn hơn quýt truyền thống, được thị trường ưa chuộng nên tiêu thụ rất thuận lợi. Thời vụ thu hoạch quả từ giữa tháng 11 Dương lịch đến cuối tháng 2 năm sau, bình quân giá bán 35.000 đồng/kg, nhất là dịp Tết Nguyên đán hoặc ngày rằm giá sẽ tăng gấp rưỡi. Năm nay sản lượng quýt cao hơn nhiều so với năm trước, nếu giá cả ổn định như hiện nay gia đình tôi sẽ thu về khoảng 150 triệu đồng”.

Từ 300 cây quýt ban đầu, hiện nay vườn quýt của gia đình ông Thòn đã phát triển lên hơn 600 cây. Ngoài chăm sóc diện tích đang có, từ năm 2020 ông Thòn còn chiết, ghép cây để sản xuất giống cung cấp cho một số hộ dân tại xã Sơn Thành, Kim Lư.

Theo ông Thòn, quýt ngọt rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương. Cây không bị vàng lá, hay rụng quả nhiều như quýt bản địa. Trong quá trình trồng cần chú ý sâu đục thân, sâu cuốn lá để có biện pháp phòng trừ, theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây để tưới nước, bón phân hợp lý, tốt nhất là sử dụng phân hữu cơ để cây phát triển tốt, chất lượng quả thơm ngon.

Tại huyện Na Rì, hiện nay người dân chủ yếu trồng quýt bản địa, cam Đường Canh. Quýt ngọt cho thu hoạch ngay sau khi hết vụ hai loại quả này, giá bán cao hơn, tuy nhiên chưa được nhiều người dân biết đến. Nếu có thể nhân rộng mô hình trồng cây quýt ngọt này tại những nơi phù hợp, tin tưởng rằng huyện Na Rì sẽ có thể xây dựng thương hiệu loại quýt ngon tiếp nối vụ quýt truyền thống, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo./.

Đồng Lai

 

Bình Thuận: Người trồng thanh long điêu đứng vì giá bán quá thấp

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất tỉnh, với diện tích khoảng 14.785 ha thanh long; trong đó, diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là 7.640 ha (chiếm 51,8 % diện tích thanh long toàn huyện), diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 452 ha. Sản lượng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam năm 2021 đạt khoảng 360.000 tấn, năng suất bình quân 24,2 tấn/ha/năm; sản lượng thanh long trong Quý I/2022 dự kiến khoảng 105.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 140 cơ sở lớn, nhỏ thu mua, tiêu thụ thanh long, sản phẩm tiêu thụ là thanh long tươi, tổng số kho lạnh trên địa bàn huyện đáp ứng lưu trữ, bảo quản 167 kho lạnh, có sức chứa trên 25.000 tấn thanh long.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam gặp rất nhiều khó khăn như giá cả bấp bênh, chi phí vận chuyển tăng cao…. Từ ngày 01/01/2022 đến nay, một số cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kết nối thông quan trở lại, nhưng chỉ ưu tiên thông quan đối với các xe Container chở hàng nông sản đã ùn tắc trước đó, do đó đã gây ra tình trạng tồn đọng thanh long, dẫn đến giá giảm mạnh chỉ còn 1.500 - 2.500 đồng/kg thanh long ruột trắng và không thu mua thanh long ruột đỏ; hiện nay, toàn huyện có 110 cơ sở thu mua thanh long đã tạm ngừng hoạt động, 30 cơ sở thu mua hoạt động để lưu trữ hàng trong kho lạnh và một số cở sở hoạt động để đóng hàng đi xuất khẩu tại cảng biển. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Bình Thuận không đưa hàng hóa lên khu vực cửa khẩu biên giới trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022. Do vậy mà các hoạt động giao thương mặt hàng thanh long trên địa bàn huyện hiện nay vẫn tiếp tục trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Anh Lê Huỳnh Đức - Chủ cơ sở thu mua thanh long Thủy Đại, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, từ khi các cửa khẩu đường bộ bị tắc nghẽn, những ngày này, cơ sở thu mua thanh long Thủy Đại đã phải thuê xe Container vận chuyển thanh long vào cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển. Do số lượng chuyến tàu xuất bến rất hạn chế, hai ngày cơ sở mới xuất khẩu được 01 công tương đương khoảng 20 tấn, trong khi đó, lượng hàng dự trữ trong kho lạnh vẫn còn gần chục công. Không còn kho lạnh trống, nên cơ sở tạm ngừng thu mua thanh long.

Nhiều hộ nông dân có thanh long chuẩn bị thu hoạch ở thời điểm này như ngồi trên đóng lửa, giá bán đã rẻ mà thương lái chẳng có nhiều. Bà Nguyễn Thị Hằng - Thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Nam cho biết, vườn thanh long hơn bảy tấn của gia đình đang bắt đầu chín, khoảng một tuần nữa sẽ thu hoạch. Thế nhưng, giá bán thanh long lúc này đang rất thấp, ít doanh nghiệp thu mua, bà lo lắng vô cùng. Biết chắc sẽ thua lỗ, nhưng vẫn phải thuê công vuốt tai chăm chút hình thức bên ngoài trước khi xuất bán với hy vọng mời gọi được thương lái thu mua, thu hồi vốn được đồng nào hay đồng ấy.

Ông Đào Tấn Khương - Thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, vườn thanh long của gia đình ông hiện nay đã đến thời kỳ xuất bán, nhưng ông lại mang xe rùa đi từng trụ tỉa bỏ bớt những trái chín dưới 300 gram. Chấp nhận giảm sản lượng, bù lại nông sản dễ bán hơn và khi thương lái thu mua sẽ ít khấu hao. Hiện tại, giá bán thanh long ở vườn dao động từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg, tùy kích cỡ trái và mức khấu hao 70 kg đến 100 kg cho mỗi tấn. Thế nhưng, thương lái thu mua rất hạn chế, chỉ 10% đến 20% so với trước, trong khi đó, nguồn cung thanh long ở các nhà vườn còn khá dồi dào.

Từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022, huyện Hàm Thuận Nam ước còn trên 40 ngàn tấn thanh long chín trên cây cần tiêu thụ. Nông dân có thanh long thu hoạch ở khung thời điểm này như ngồi trên đóng lửa vì lo ngại không có đầu ra. Ngày 10/01/2022, tỉnh Quảng Ninh thông báo vẫn còn khoảng 1.200 Container chờ làm thủ tục thông quan xuất khẩu qua Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo đến các doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa đến khu vực cửa khẩu biên giới thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022 vì Trung Quốc sẽ sớm đóng cửa khẩu, cảng biển để doanh nghiệp và người làm việc ở đây thực hiện cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi về quê đón tết. Đây là thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp và nông dân có thanh long thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại các ngành có liên quan của tỉnh đang vận động doanh nghiệp có kho lạnh thu mua lưu trữ nông sản hỗ trợ nông dân; tăng cường xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển. Cùng với đó, làm đầu mối kêu gọi kết nối tiêu thụ thanh long thị trường nội địa. Ông Phan Văn Tấn cũng cho biết thêm, tỉnh đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm đàm phám ngoại giao với Trung Quốc nhằm kết nối lại cửa khẩu để xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có thanh long Bình Thuận; về lâu dài, hỗ trợ tỉnh mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long tươi để làm cơ sở đầu tàu dẫn dắt, định hướng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản địa phương.

Nguyễn Phương

 

Năm 2022, Đồng Tháp phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Trong năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp nhà tập trung phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị trên cùng đơn vị sản xuất. Đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất; kêu gọi phát triển nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa...

 

 

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,14% so với thực hiện năm 2020. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Trong đó, về lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa kiểng, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao; mở rộng diện tích áp dụng đồng bộ các giải pháp giảm giá thành, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, nhân rộng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao... Lĩnh vực chăn nuôi, thú y với tổng đàn vật nuôi được tăng trưởng ổn định từ 1,3-6% so với cùng kỳ. Ước giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 2.578 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng so cùng kỳ...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát triển nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể, áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa được trên 166.417ha, chiếm khoảng 49% diện tích canh tác, tăng 6% so với thực hiện năm 2020. Hoàn thiện và nhân rộng mô hình Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 quy mô 280ha tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười, mang lại lợi nhuận cao hơn 8,4 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.

Ngành nông nghiệp cũng tập trung phát triển ngành hàng cây ăn trái. Trong đó, liên kết sản xuất và tiêu thụ dài hạn với 16 doanh nghiệp với sản lượng 5.616 tấn trái cây các loại... Duy trì sản xuất cây ăn trái truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua QR Code và liên kết tiêu thụ với diện tích 10ha xoài; xây dựng vùng sản xuất chanh không hạt áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc được 24,6ha tại xã Mỹ Long, Mỹ Hiệp, Mỹ Hội, Bình Thạnh của huyện Cao Lãnh...

Trong năm 2021, ngành nông nghiệp cũng chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số. Trong đó, bước đầu sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (drone), hoạt động chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò. Cùng với đó, triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười. Chú trọng ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả; triển khai ứng dụng phần mềm PPDMS 2.0 vào việc báo cáo và tổng hợp số liệu tình hình sâu bệnh hại cây trồng... Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Thời gian qua, Đồng Tháp chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp bước đầu tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Trong đó, tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng tốt xuất khẩu. Thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất, Đồng Tháp cần tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, nâng cao giá trị nông sản; triển khai giám sát mã số vùng trồng. Đơn vị sẽ hỗ trợ Đồng Tháp hoàn chỉnh tiêu chuẩn về cơ sở vùng trồng, nhà đóng gói, xây dựng thành tiêu chuẩn Quốc gia...”.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 làm sản lượng xuất khẩu mặt hàng chủ lực giảm, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản và áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, sự đồng hành của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng của nông dân trong tổ chức kết nối đã tiêu thụ hết lượng nông sản thu hoạch thời gian qua. Đồng thời,việc tổ chức khôi phục sản xuất trong và ngay sau khi dịch bệnh được đẩy mạnh góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông - lâm - thủy sản”.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Năm 2022, ngành nông nghiệp đề ra một số mục tiêu với giá trị tăng thêm nông, lâm, thủy sản tăng 3,7% so với năm 2021. Đồng thời xây dựng và xác lập mới mã số vùng trồng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái đạt 6.500ha; tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trên xoài thêm 30ha, mở rộng diện tích truy xuất nguồn gốc trên lúa gạo thêm 50ha. Phấn đấu có thêm ít nhất 2 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới và có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên...

Cùng với đó, ngành nông nghiệp khuyến khích ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phối hợp địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển cây trồng, chăn nuôi và thủy sản năm 2022 linh hoạt, thích ứng thời tiết, phù hợp thị trường gắn với nhiệm vụ cơ cấu ngành hàng chủ lực và điều kiện thực tế của từng địa phương góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Đồng thời khuyến cáo người sản xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho giá trị cao trên cùng diện tích canh tác; phát triển nông sản an toàn gắn chứng nhận mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Quản lý vùng trồng phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng lực giám sát, dự báo và tổ chức phòng trừ hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Thời gian tới, tỉnh cần vạch ra lộ trình dài hạn cho nông sản địa phương nhằm tạo sự phát triển bền vững, thích ứng tốt với thị trường. Cùng với đó, phát triển lúa chất lượng cao; định hướng cho việc sơ chế, bảo quản, tồn trữ các giống xoài; xây dựng mô hình, định hướng phù hợp từng vùng nhằm tạo ra thương hiệu bền vững cho từng loại nông sản...”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phát triển nông nghiệp theo chuỗi đa giá trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, theo hướng tận dụng phế phẩm phụ phẩm, gắn kết phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thành sản phẩm OCOP cho các nông sản chủ lực của địa phương. Đồng thời tập trung triển khai các giải pháp trong chuyển đổi số như sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; giám sát sâu rầy thông minh, hệ thống quản lý tưới thông minh, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu... Chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ưu tiên quy hoạch phát triển năng lượng sạch, năng lượng mặt trời kết hợp mô hình chăn nuôi...

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, giúp nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, chuyển đổi tư duy sản xuất, luôn đổi mới, sáng tạo... Ngoài ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp tiếp tục, thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, sát dân, tiếp cận kinh nghiệm từ cơ sở nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân, hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã...

KHÁNH PHAN

 

Được giá hồ tiêu, người trồng vẫn kém vui

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Thời điểm này, nông dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đang bước vào chính vụ thu hoạch. Đầu vụ, giá tiêu đạt từ 80-87 ngàn đồng/kg (tùy chất lượng), tăng khoảng 40% so cùng kỳ năm trước. Giá tiêu khởi sắc, tuy nhiên niềm vui không trọn khi sản lượng tiêu giảm đáng kể so với niên vụ trước.

Tại các địa phương trồng nhiều tiêu ở huyện Đồng Phú như Đồng Tâm, Đồng Tiến, không còn cảnh nhộn nhịp thu hái hồ tiêu như những năm trước. Các nông hộ trồng tiêu đang lo lắng khi vừa thu hoạch nhưng trên cây chỉ còn lác đác vài trái, báo hiệu một vụ mùa thu không đủ bù chi, trong khi giá nhân công thu hoạch tăng (khoảng 250 ngàn đồng/ngày) khiến người trồng tiêu gặp khó.

 

 

Nông dân huyện Đồng Phú thu hoạch tiêu

Gia đình ông Nguyễn Bính ở ấp 5, xã Đồng Tiến có 2 ha tiêu đang bước vào vụ thu hoạch. Ông Bính cho biết, năm nay, tiêu nhà ông năng suất thấp, cây rất ít trái, ước chỉ đạt khoảng 9 tạ/ha. Theo ông, vụ tiêu năm nay thất thu một phần là do thời tiết diễn biến thất thường, phần là do thời gian qua, giá tiêu xuống thấp nên bà con không đủ chi phí thuốc, phân bón, lơ là việc chăm sóc dẫn đến vườn không phát triển tốt và bị dịch bệnh.

Ông Trần Văn Phê ở ấp 6, xã Đồng Tâm cho biết, tiêu của gia đình ông trồng xen trong vườn điều. Đa phần dây tiêu bám vào thân điều nên việc thuê nhân công vốn đã khó, nay lại càng khó khăn hơn bởi người làm thuê ngại leo cao cũng như ngại di chuyển thang từ cây này sang cây kia mất nhiều thời gian. Vì vậy, gia đình phải trả công cao hơn. Ông Phê cho biết: “Năm nay vườn tiêu 1 ha của gia đình chỉ thu được khoảng 1 tấn. Giá tiêu cao hơn năm trước, hiện 85 ngàn đồng/kg. Thời điểm này năm trước giá tiêu chỉ 45 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, vì khó thuê nhân công nên tôi hái xả hết để đỡ công thu hoạch và dưỡng sức cho cây phát triển”.

Vườn tiêu của gia đình chị Phan Thị Phỉ ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú cũng đang vào vụ thu hoạch. Hiện vườn tiêu gần 2 ha của gia đình chị Phỉ đã chín đến 70%. Chị Phỉ cho biết, nếu chỉ có 5 nhân công thu hái như hiện nay, dự kiến vườn tiêu gần 2ha của gia đình phải mất hơn 2 tháng mới thu xong. “Năm nay, giá tiêu tăng so với năm trước, tuy vậy vườn tiêu của gia đình năng suất thấp, ước khoảng 1 tấn/ha. Một số vườn tiêu của các hộ bên cạnh có vườn ra trái rất ít, các hộ không thuê nhân công mà trải bạt cho trái chín tự rụng” - chị Phỉ cho biết thêm.

Những năm gần đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Đồng Phú giảm nhiều do giá cả bấp bênh, cây trồng năng suất thấp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên liên tục chặt cây này trồng cây khác. Nếu muốn thay đổi cây trồng cần chọn loại phù hợp với vùng đất, khí hậu nhằm phát huy lợi thế của địa phương, vùng. Đồng thời thực hiện đa canh, xen canh nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Cẩm Nhung

 

Nhân rộng mô hình chè VietGAP Bảo Lộc

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau hơn một năm triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đạm B’ri, thành phố Bảo Lộc, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao cho nông dân áp dụng nhân rộng trên địa bàn.

 

 

Một vườn chè mô hình xanh tốt sau khi tác động các giải pháp kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

• CHỌN MÔ HÌNH CÂY CHÈ TRONG THỜI KỲ KINH DOANH

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cức thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, diện tích và sản lượng chè tại Bảo Lộc trong vòng 10 năm qua theo chiều hướng giảm thấp. Nếu như năm 2010 vùng chuyên canh chè Bảo Lộc với tổng diện tích 8.208 ha, sản lượng 72.707 tấn thì mười năm sau đó liên tục giảm xuống còn 2.743 ha, sản lượng chỉ còn 31.230 tấn. Trong đó, chiếm 63,5% tổng diện tích chè giống mới cao sản (Shan LĐ 97, TB14), chè chất lượng cao Oolong (Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Tứ Quý)... Tổng sản lượng sơ chế, chế biến bình quân một năm khoảng 31.230 tấn chè thành phẩm bao gồm: 78% chè sơ chế; 12,9% chè ướp hương, còn lại 0,1% chè đen và chè Oolong xuất khẩu. Tổng giá trị sản xuất, chế biến chè hàng năm bình quân trên địa bàn Bảo Lộc đạt hơn 345,6 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu khoảng 7- 8 triệu USD, tập trung thị trường các nước Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu, góp phần giải quyết khoảng hơn 1.000 lao động địa phương.

Tuy nhiên, cũng theo Trung tâm này, việc sản xuất, chế biến tiêu thụ các loại chè Bảo Lộc trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do đạt giá trị thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn khi phát triển vào các thị trường lớn trên thế giới. Bởi vậy, để góp phần nâng cao giá trị chè Bảo Lộc hiện nay, cần phải tiếp tục mở rộng sản xuất gắn với chế biến theo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao. “Khâu sản xuất chè nguyên liệu búp tươi (nguyên liệu đầu vào) của quá trình sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng là yêu cầu cấp thiết để phát triển ngành chè Bảo Lộc bền vững…”, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng nhận định.

Với mục tiêu nhằm ứng dụng quy trình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi tại Tây Nguyên nói chung, xây dựng mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGAP và nhân rộng mô hình ra các vùng sản xuất chè tại thành phố Bảo Lộc nói riêng, trong một năm vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng lựa chọn xây dựng 3 mô hình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi có năng suất trên 25 tấn/năm đạt tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 15 ha. Trong đó, gồm 1 mô hình cho 1 hộ dân với tổng diện tích 1 ha và 2 mô hình cho 2 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp 7 ha. Địa điểm thực hiện tại Thôn 10, Thôn 14, xã Đạm B’ri, Bảo Lộc. Đây là các vườn chè giống cao sản TB14 và các giống chè Kim Tuyên, Ngọc Thúy… đang trong thời kỳ kinh doanh 5 - 10 năm tuổi…

• ĐẠT LỢI NHUẬN CAO HƠN TỪ 26,58% - 37,65%

Đi vào triển khai mô hình, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng tác động các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là chọn thời điểm bón phân với định lượng phù hợp. Kỹ sư của Trung tâm này, chị Nguyễn Thị Nguyệt Tú cho biết, đối với phân đạm và phân kali bón lấp theo tán chè, bón 2 lần/lứa hái, lần một sau khi thu hái 10 ngày, lần hai cách lần một từ 20-25 ngày. Đối với phân lân bón một lần cùng với phân hữu cơ vào đầu mùa mưa. Căn cứ định lượng phân nguyên chất để tính toán thay thế phân Urê bằng phân SA, phân Super lân bằng phân lân nung chảy và phân Kaliclorua bằng phân Kali sunphát hoặc có thể sử dụng các loại phân tổng hợp NPK…

Bên cạnh đó, sử dụng phân chuồng hoai mục với định lượng 20 - 25 tấn/ha/năm. Cách bón cày rạch hàng sâu 30 cm, bón phối hợp phân chuồng và phân hữu cơ sinh học, bón xong lấp đất. Bón 2 lần/năm vào đầu mùa mưa (tháng 5-6) và cuối mùa mưa (tháng 10-11). Tùy theo điều kiện có thể bón thêm bánh dầu với lượng 2.000 - 2.500 kg/ha/năm. Cách bón là ngâm bánh dầu từ 20-25 ngày, bón 2 lần sau mỗi lứa hái, thời điểm bón sau mỗi lần bón phân hóa học từ 3-5 ngày… Ngoài ra, mô hình còn sử dụng các loại phân bón lá với liều lượng cân đối; tưới nước nhỏ giọt từ 1.000 - 1.200 m3/ha/lứa hái (một lứa hái trung bình từ 47 - 50 ngày); đốn chè bằng máy chuyên dùng sau mỗi lứa hái; diệt trừ cỏ dại từ 6-8 lần/năm; phòng trừ các loại sâu bệnh hại như bọ xít muỗi, rầy xanh, các loại bệnh thối búp, phồng lá chè...

“Chè mô hình thu hái bằng tay theo đợt sinh trưởng búp 47 - 50 ngày một lứa. Một năm trung bình thu hái từ 7 - 7,5 lứa. Hái toàn bộ búp chè có trên tán, hái 1 tôm 2-3 lá non, búp mù hái 2 lá non. Để búp chè không bị dập làm ảnh hưởng đến chất lượng, nên hái khi trời ráo sương với mỗi gùi đựng khoảng 3 - 4 kg (không nén chè trong gùi). Chè sau khi hái phải được bảo quản vào chỗ mát và vận chuyển ngay đến nhà máy…”, chị Nguyễn Thị Nguyệt Tú “trình bày” thêm.

Kết quả 3 mô hình với 15 ha chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại Đạm B’ri, Bảo Lộc nói trên đạt năng suất trên 28 tấn búp tươi/ha/năm, cao hơn so với ngoài mô hình là 1,75 tấn búp tươi/ha/năm. Giá bán chè thành phẩm của các mô hình cũng cao hơn 8,57% - 13,18%. Bởi vậy, so với ngoài mô hình, chi phí ở mô hình cao hơn từ 19,18% - 26,15%, nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn từ 26,58% - 37,65%...

Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất chè búp tươi VietGAP cho 30 người thuộc đối tượng doanh nghiệp, hộ nông dân, khuyến nông viên tại xã Đạm B’ri và các vùng sản xuất chè khác thuộc địa bàn thành phố Bảo Lộc.

“Bên cạnh nhân rộng mô hình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các công ty, doanh nghiệp và các nông hộ sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn, chính quyền địa phương cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại tạo thị trường ổn định cho các nông hộ, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, góp phần phát triển bền vững thương hiệu Trà B’lao của Bảo Lộc nói riêng, Lâm Đồng nói chung…”, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng nhận định.

VĂN VIỆT

 

Vợ chồng tiến sĩ bỏ việc về quê trồng rau

Nguồn tin: VnExpress

Tháng 8/2020, ở tuổi 37, hai chữ "nghỉ việc" bỗng xuất hiện trong đầu Nguyễn Thị Duyên khi thấy trang trại rau của vợ chồng lỗ tháng thứ 11 liên tiếp.

Chị Duyên quê ở Thái Bình, có bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Australia, quyết định bỏ phố về quê khi đang là chuyên viên một viện nghiên cứu nông nghiệp lớn. Tháng 6/2021, chồng Duyên, anh Nguyễn Đức Chinh, tiến sĩ sinh học tại Nhật cũng nối gót vợ nghỉ việc, toàn tâm toàn ý với nghề trồng rau hữu cơ trên mảnh ruộng đi thuê.

 

 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên và anh Nguyễn Đức Chinh bên trang trại rau tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Duyên kể, chị bỏ trốn công việc bàn giấy không phải do bốc đồng mà sau nhiều năm cân nhắc. "Tôi từng nghĩ sẽ rất thoải mái với cuộc sống ở trung tâm Hà Nội". Nhưng cả ngày chỉ đi về giữa nhà và cơ quan, hết soạn báo cáo rồi làm nghiên cứu, chị bối rối trước câu hỏi: "Liệu đây có phải cuộc sống mình mơ ước?".

Năm 2015, từ Australia về Việt Nam sau khóa học thạc sĩ, Duyên được cơ quan phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ. Chị mượn mảnh vườn bỏ hoang rộng 1.000 m2, cỏ mọc ngang lưng, làm chỗ thực hành.

Mảnh vườn hình thành sau hơn một tháng thức khuya dậy sớm. Không có tiền thuê nhân công, vợ chồng Duyên được hai đồng nghiệp cùng cơ quan giúp sức. Họ ủ phân hữu cơ từ phân bò, phân trâu rồi mua bã nấm sò, ngâm cá, ốc để thay thế đạm hóa học. Vài tháng sau, lứa rau đầu tiên được thu hoạch, ai nhìn cũng chê vì thấy toàn sâu. Nhưng khi ăn, vị ngọt khiến mọi người bất ngờ, người nọ mách người kia. Số tiền từ bán rau đủ cho Duyên duy trì khu vườn thí nghiệm trong hai năm.

Năm 2017, anh Chinh được học bổng sang Nhật làm tiến sĩ ngành sinh học, Duyên đem con sang cùng chồng. Tại Nhật, một lần anh đọc được cuốn sách về ngành nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Tâm đắc, người đàn ông 40 tuổi ngày nào cũng hí húi ghi chép lại theo những gì mình hiểu, cất đi như tài liệu quý. "Về Việt Nam, chúng ta nhất định phải làm cho bằng được", Chinh nói chắc nịch với Duyên, tin rằng hai vợ chồng sẽ lập nên cơ nghiệp.

Tháng 9/2019, họ về Việt Nam và bắt tay vào tìm đất xây trang trại trong mơ. Sau vài ngày, hai vợ chồng tìm và thuê được một bãi bỏ hoang rộng 2 ha ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ. Nơi này đồng không mông quạnh, xung quanh không có nhà dân, không cửa hàng, không trạm xăng và Internet yếu. Đối với vợ chồng Duyên, đó là nơi hoàn hảo để xây dựng ước mơ.

 

 

Trang trại rau hữu cơ của hai vợ chồng Duyên và Chinh rộng 2ha, trồng đủ loại rau củ, mùa nào thức nấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vẫn phải đi làm để duy trì kinh tế, hàng ngày Duyên và Chinh rời nhà từ 5h sáng, vượt 15 km đến trang trại, làm đến 7h30 về ăn sáng rồi đến cơ quan. Cùng hai đồng nghiệp từng gầy dựng khu vườn 1.000 m2 vài năm trước, họ đào giếng, xây bể lọc nước, kéo điện, làm nhà container... Cuối tuần, bốn người lại quần quật 12-14 tiếng mỗi ngày, làm không ngơi nghỉ. Xây dựng trang trại với hàng trăm công đoạn, họ đều phải tự mày mò, thử nghiệm.

Sau vài tháng làm nông dân, Duyên sụt 5 kg, đen nhẻm vì phơi mình ngoài nắng cuốc đất, trồng rau, tưới nước mỗi ngày. Nhiều hôm cơm đưa lên miệng chẳng nuốt nổi vì say nắng. Vì ít vốn nên ban đầu họ chỉ thuê được bốn công nhân. Ruộng làm không hết, rau mọc được bên này thì bên kia cỏ đã ngang lưng. Suốt một năm đầu lập trang trại, tháng nào họ cũng lỗ.

Không thể làm một lúc hai việc, Duyên xin nghỉ việc cơ quan, toàn tâm toàn ý trồng rau. Bố mẹ thông cảm nhưng họ hàng, bạn bè có người mỉa mai: "Học lắm vào rồi lại làm nông dân". Bị mắng, ban đầu cô trốn ra góc kín ngồi khóc. Anh Chinh phát hiện, Duyên chỉ vào những vết xước trên tay, đổ lỗi bị gai cào, nhưng thực chất là khóc bởi cảm xúc bấy lâu dồn nén về cuộc sống "bỏ phố về quê" không như mơ.

Đổi lại, những tháng đầu tiên làm nông dân toàn thời gian, lượng khách của Duyên đã tăng gấp đôi, bắt đầu hòa vốn. Họ thuê thêm được bốn người. Hai vợ chồng khấp khởi mừng, đoán định tương lai tươi sáng nên anh Chinh quyết định nghỉ việc cơ quan từ tháng 6/2021, cùng phụ vợ. Chung lưng đấu cật được một tháng thì trang trại nằm trong vùng phong tỏa bởi xã có nhiều ca F0. Tiếp đến, cả Hà Nội giãn cách theo chỉ thị 16.

Không được về nhà, gia đình ba người phải sống trong nhà container 9 m2 giữa cánh đồng, hè nắng nóng hầm hập, mưa thì xối xả, cả đêm mất ngủ bởi tiếng ồn dội mạnh từ trên nóc xuống. Không thuê được người, mỗi ngày ông chồng tiến sĩ phải đi gần 100 km đưa rau cho khách khắp Hà Nội. Từ một người đàn ông da trắng như công tử, anh Chinh cũng trở nên đen nhẻm, tóc tai bờm xờm như người rừng.

Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, chưa kịp mừng thì tháng tiếp theo, trời mưa không ngớt. Trang trại tan hoang, nước ngập trắng ruộng. Thời điểm này, ngày cũng như đêm, Duyên và Chinh cầm cuốc đi khơi thông rãnh nước cứu rau, nhưng tốc độ của người không thể đọ với tốc độ của trời.

"Mất hết rồi", Duyên bật khóc khi đứng giữa cơn mưa. Chinh đứng cạnh, nước mắt hòa với nước mưa, chẳng biết làm gì, chỉ vỗ vai vợ, động viên: "Cố gắng có ngày trời sẽ thương".

"Mất trắng rau đợt đó, tám công nhân chúng tôi thương vợ chồng ông bà chủ không có tiền trả công nên bảo nhau đi làm cách nhật, để họ đỡ tiền", cô Nguyễn Thị Hảo, 65 tuổi, người làm công tại trang trại chia sẻ. Biết chuyện, Duyên gọi mọi người đến, dứt khoát: "Cháu chưa buông tay, các cô cũng không được buông".

Sang tháng 9, gió heo may về, họ dốc toàn lực cho vụ mới. Chinh cả ngày cắt cỏ, đi cày, gieo hạt, ngâm chế phẩm để bón rau, Duyên hướng dẫn kỹ thuật cho người làm, rồi bán hàng online. Họ gieo hạt gối đầu, hết lứa này đến lứa khác, sau hai tháng thời tiết thuận lợi, cánh đồng lại xanh mướt.

Giờ, hai vợ chồng đã có kinh nghiệm, làm gì khi trời mưa, gió to hay nắng tắt, tất cả đều phải sắp xếp phù hợp. Bởi vậy, dù mất trắng đợt rau do mưa nhiều hồi tháng 8, nhưng năng suất năm nay gấp ba năm ngoái. Năm 2021, rau của trang trại cũng đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với việc đẩy mạnh bán hàng, người nọ giới thiệu người kia, từ tháng 11/2021, họ bắt đầu có lãi.

"Hai vợ chồng còn tạo việc làm cho tám lao động ở xã, có người khuyết tật, có người hoàn cảnh rất khó khăn", bà Hoàng Thị Tuyết, phó phòng kinh tế huyện Phúc Thọ chia sẻ.

Ở trang trại của vợ chồng Duyên chưa bao giờ có đồng hồ báo thức. Khi tiếng gáy của chú gà trống cất lên, họ dậy và bắt tay vào công việc như tưới nước, bón phân, hái rau.... Công nhân tới, mọi người cười đùa thoải mái, ngồi dưới đất cùng trò chuyện và thảo luận kế hoạch trong một ngày. Họ nói về lứa rau mới xanh tốt, chưa xuất đã "cháy hàng", rồi khó khăn sắp phải đối mặt khi vài ngày tới trời mưa nhiều.

"Có rất nhiều việc khó khăn. Nhưng thành công chắc chắn không dành cho người lười và thiếu kiên nhẫn", Duyên nhắc công nhân, cũng như nhắc chính mình.

Hải Hiền

 

Đắk Nông: Heo rừng lai đắt hàng dịp cuối năm

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, trong lúc nguồn cung không đủ đã khiến mặt hàng heo rừng lai trở nên đắt hàng.

Mặc dù còn gần nửa tháng mới đến Tết Nguyên đán, nhưng gia đình ông Phạm Văn Sáu, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), đã không còn heo rừng lai để bán. Gần 100 con heo trọng lượng từ 20 kg trở lên và đủ tiêu chuẩn xuất chuồng đã được khách đặt hàng hết.

Ông Sáu là một trong những người có thâm niên hơn 10 năm trong nghề nuôi heo rừng lai. Hiện trang trại của ông có 20 heo mẹ, cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 350 heo thịt và heo giống. Do có tiếng về chất lượng heo, nên nhiều khách hàng xa gần đã tin tưởng, tìm đến ông đặt hàng để mổ thịt dịp cuối năm.

Theo ông Sáu, nuôi heo rừng ngoài yếu tố giống, môi trường thì thức ăn đóng vai trò quyết định đến chất lượng thịt. Gia đình ông rào một khuôn viên lớn, tạo môi trường tự nhiên để heo phát triển. Ông sử dụng lúa, ngô, đậu tương và các loại rau, củ, quả sẵn có trong rẫy để cho heo ăn.

“Giống heo này phải tạo được không gian và thức ăn tự nhiên cho chúng. Heo càng phát triển tự nhiên thì chất lượng thịt của nó càng ngon”, ông Sáu chia sẻ.

 

 

Nhiều hộ dân ở Đắk Glong nuôi heo rừng theo kiểu thả rông trong vườn để có chất lượng thịt tốt

Cũng giống như ông Sáu, toàn bộ 20 con heo rừng lai của gia đình anh Lê Vạn Hồng, xã Đắk Ha, đã được khách đặt mua. Một số khách đã bắt heo và một số vẫn còn nhờ anh Hồng chăm giùm. Anh Hồng đang bổ sung thêm các chất xơ cho heo để khi thịt, heo đạt được chất lượng tốt nhất.

Anh Hồng cho biết: "Tôi cũng mới nuôi heo được vài năm, nhưng khách đã biết đến nhiều. Năm nay, heo rừng lai được nhiều người đặt mua từ sớm để thịt, nên khá đắt hàng. Nếu thuận lợi, sang năm tôi sẽ mở rộng quy mô đàn heo để phục vụ khách hàng".

Không chỉ tại Đắk Glong, nhiều địa bàn trong tỉnh đã xuất hiện các trang trại có quy mô để chăn nuôi heo rừng. Đây là vật nuôi có sức đề kháng tốt, ăn tạp và khá dễ nuôi.

Thức ăn của chúng chủ yếu là các phụ phẩm từ nông nghiệp. Nhiều gia đình áp dụng hình thức nuôi tự nhiên khi thả rông đàn heo trong vườn, rẫy hoặc đồi núi.

Tùy vào thời điểm và chất lượng, giá heo rừng lai dao động ở mức từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Các hộ gia đình thường đặt mua heo với trọng lượng khoảng 25 kg trở xuống. Trong khi đó, thương lái thường mua heo có trọng lượng lớn hơn để mổ thịt, bán lẻ với giá khoảng trên 200.000 đồng/kg.

 

 

Heo rừng lai khá dễ nuôi, lại đang đắt hàng trong dịp cuối năm

Theo anh Nguyễn Văn Thường, ở xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), heo rừng lai dễ nuôi, nhưng cần chú ý đến việc phòng bệnh cho heo vào thời điểm giao mùa.

Trong lúc bệnh dịch tả heo châu Phi đang còn, những người nuôi heo rừng phải chú ý khử khuẩn chuồng trại, hạn chế tối đa nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào khu vực chăn nuôi.

Thông thường, một năm heo mẹ sẽ sinh sản 2 đợt. Mỗi lứa heo cần ít nhất 6-7 tháng nuôi mới có thể xuất bán. Nhiều gia đình nuôi heo cả năm mới xuất chuồng.

Nếu không bị ảnh hưởng dịch bệnh, nuôi heo rừng lai không bao giờ lỗ, kể cả khi giá chạm đáy. Giá càng cao, người nuôi càng có lợi nhuận cao hơn.

Mặc dù heo rừng lai đắt hàng, nhưng những người nuôi như anh Thường rất khó để mở rộng nguồn cung. “Dịch bệnh xuất hiện nhiều đã khiến heo rừng khan hiếm và giá tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tăng đàn vì phụ thuộc nhiều vào con giống. Hầu hết những người nuôi heo rừng lai đều phải tự nhân giống, nên nguồn cung không đủ”, anh Thường cho hay.

Bài, ảnh: Thanh Hà

 

Bình Dương: Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Chiều 19-1, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Trong năm 2021, mặc dù ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên ngành vẫn phát triển ổn định. Việc khôi phục, sản xuất trong chăn nuôi sau dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tốt, tăng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong và ngoài tỉnh. Về tình hình dịch bệnh, trong năm dịch bệnh trên động vật có xảy ra nhưng chủ yếu ở chăn nuôi quy mô nông hộ và được kiểm soát kịp thời nên không lây lan trên diện rộng.

Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm, đàn heo, gia cầm tăng nhẹ so với cùng kỳ; trong đó đàn heo đạt gần 700.000 con, tăng 2,2%; đàn gia cầm 13.560.000 con, tăng 3,4%. Tình hình dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh hiện có 693 nhà yến, tăng 164 nhà so với cùng kỳ. Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển chủ yếu tập trung ở 4 huyện, thị phía Bắc, như: chăn nuôi gà có 146 trang trại với tổng đàn 8,5 triệu con, chăn nuôi heo có 231 trang trại với tổng đàn hơn 610.000 con, chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với 1.000 con.

Năm 2022, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tiếp tục gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi 2% so với năm 2020; tổng đàn trâu, bò, heo không tăng, gia cầm tăng 2-3%, diện tích nuôi thủy sản ổn định. Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện chương trình hỗ trợ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu vực Cần Nôm, đập Phước Hòa. Tăng cường công tác quản lý vật nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và dại trên chó mèo; tuyên truyền về tác hại của bệnh heo tai xanh, cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đã được Cục Thú y công nhận…

Thoại Phương

 

Thái Nguyên: Tết không lo thiếu thịt gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

 

Thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, ở tổ dân phố Pha, xã Lương Sơn (T.P Sông Công) chăm sóc đàn lợn, sẵn sàng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thịt gia súc, gia cầm của người tiêu dùng thường tăng cao. Nhằm sẵn sàng nguồn cung phục vụ thị trường, các hợp tác xã (HTX), hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Tín hiệu vui với bà con chăn nuôi đó là giá thịt lợn, thịt gà những ngày qua đã tăng dần.

Những ngày này, HTX Chăn nuôi xanh, ở tổ dân phố Pha, xã Lương Sơn (T.P Sông Công) luôn có khách hàng đến hỏi mua lợn thịt. Khác với nhiều trang trại, hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh thường sử dụng cám công nghiệp, các thành viên HTX Chăn nuôi xanh chủ yếu dùng ngô, cám gạo, đỗ tương, sắn… ủ men vi sinh để làm thức ăn cho lợn. Do vậy, thịt lợn của HTX rất thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX Chăn nuôi xanh chia sẻ: Trung bình mỗi năm, chúng tôi xuất bán ra thị trường trên 1.000 con lợn thịt với trọng lượng trung bình 1,1 tạ/con; trong đó, chỉ riêng dịp Tết là khoảng 400 con. Năm nay, chúng tôi cũng phải chi phí cao hơn cho công tác vệ sinh, phòng bệnh để bảo đảm chất lượng vật nuôi khi xuất bán.

Tương tự, đối với các hộ chăn nuôi gà, bà con cũng đang tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi nhằm tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết. Anh Nguyễn Minh Khang, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại An Khang, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho biết: Thời điểm cuối năm thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi. Vì vậy, chúng tôi phải bảo đảm nguồn thức ăn chăn nuôi cân đối, giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho đàn gà. Dịp Tết, HTX dự định xuất bán ra thị trường trên 60 tấn gà thịt, cao gấp 3 lần so với ngày thường.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, sau thời gian dài các sản phẩm chăn nuôi phải bán dưới giá thành sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm hiện đang ở mức người chăn nuôi có lợi nhuận. Cụ thể, từ đầu tháng 1-2022 trở lại đây, giá bán lợn hơi có chiều hướng tăng dần, đạt mức 62 nghìn đồng/kg vào ngày 18-1, tăng 15 nghìn đồng/kg so với tháng 12 năm ngoái. Còn giá gà ta lai dao động từ 55-58 nghìn đồng/kg, tăng từ 5-7 nghìn đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang dần khôi phục đã góp phần khiến cho giá các sản phẩm chăn nuôi tăng trở lại. Cùng với đó còn có nguyên nhân do người nuôi giảm đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và lo ngại dịch bệnh bùng phát.

Giá các loại gia súc, gia cầm ổn định càng tạo động lực cho các hộ tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi; bảo đảm người nuôi có lãi khá song đây cũng là mức giá không quá cao đối với người tiêu dùng. Đại đa số người chăn nuôi đều kỳ vọng thời điểm cận kề Tết, các sản phẩm chăn nuôi sẽ có giá cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản thông tin: Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, song ngành chức năng và bà con đã kịp thời bao vây, xử lý nên dịch bệnh chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ, không gây thiệt hại nhiều cho ngành chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt khoảng 43,2 nghìn con, giảm 2,7%; đàn bò khoảng 46,4 nghìn con, tăng 0,3%; đàn lợn 452,7 nghìn con, giảm 11,1% và đàn gia cầm khoảng 15,3 triệu con, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Với số lượng như vậy sẽ cơ bản đáp ứng nguồn cung cho người dân Thái Nguyên trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm cũng như phát triển sản xuất, bảo đảm lợi nhuận, cùng với chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi, ngành chức năng khuyến cáo các cơ sở sản xuất cần quan tâm tới công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh nguy hiểm, như: Cúm gia cầm; lở mồm long móng ở trâu, bò; tai xanh ở lợn; dịch tả lợn châu Phi…; đồng thời, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững. Cùng với đó, bà con nên tận dụng các loại thức ăn từ gạo, ngô, khoai, sắn… để giảm tối đa chi phí sản xuất trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Khánh Thiện

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop