Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 06 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 06 năm 2022

 

Union Trading và câu chuyện xuất khẩu chuối thành công từ đất Bình Phước

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tháng 3 vừa qua, những thùng chuối già Nam Mỹ (Cavendish banana) đầu tiên mang thương hiệu Dole đã được hoàn thiện tại cơ sở đóng gói thuộc nông trại của Union Trading ở Bình Phước. Với việc trở thành nhà cung cấp chuối già Nam Mỹ cho Dole và các danh hiệu đạt được vừa qua, Union Trading đã tiến thêm một bước vững chắc trong việc khẳng định định hướng phát triển đúng đắn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đóng góp thêm cho tỉnh Bình Phước một sản phẩm xuất khẩu tiềm năng cao.

NHÀ CUNG CẤP CHO CÔNG TY ĐA QUỐC GIA

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 540 tấn chuối già Nam Mỹ mang thương hiệu Dole được Union Trading trồng, thu hoạch, phân loại, đóng gói từ nông trại của công ty ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản để xuất đi các thị trường Hàn Quốc, Malaysia…

Để trở thành đối tác của Dole, sản phẩm chuối già Nam Mỹ trồng ứng dụng công nghệ cao tại nông trại của Union Trading (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Union Trading, văn phòng đặt tại phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) phải đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt, khắt khe về kích cỡ, màu sắc, chất lượng. Ước lượng Dole cần Union Trading cung cấp khoảng 30-50 tấn/ha/năm. Thu hoạch phải bằng ròng rọc để chuối không bị va chạm trong quá trình di chuyển. Nước sử dụng tưới tiêu cũng phải được đem đi kiểm định để không còn các dư lượng, vi khuẩn, nấm hay hóa chất bất lợi cho đất đai và cây trồng…

 

 

 

 

Công nhân làm việc tại khu phân loại, xử lý đóng gói thuộc nông trại chuối già Nam Mỹ của Union Trading ở Bình Phước

Hiện nông trại của Union Trading ở Bình Phước tất bật bước vào đợt thu hoạch tiếp theo, trong đó vẫn bao gồm các đợt đóng hàng cho đối tác Dole và hàng để công ty tự xuất đi các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, Trung Quốc... Trước đó, để chuẩn bị tốt cho các khâu từ trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch, đóng gói, Dole đã cử các chuyên gia đến nông trại tại Bình Phước của Union Trading để đào tạo kỹ lưỡng về FSS (hệ thống an toàn thực phẩm) và GMP (quy chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) cho người lao động.

Dole (Dole plc) là công ty đa quốc gia về nông nghiệp nổi tiếng của Mỹ, hiện đặt trụ sở toàn cầu tại Ireland. Dole kinh doanh các mặt hàng nông sản tươi như chuối (đặc biệt là chuối Cavendish, được công ty giới thiệu ra thị trường từ năm 2001), dứa (thơm), nho, dâu tây, xà lách, trái cây, nước trái cây tươi và các sản phẩm nông nghiệp đông lạnh khác. Kể từ ngày đầu thành lập, kim chỉ nam của Dole xoay quanh một nguyên tắc: Chất lượng, chất lượng và chất lượng. Cung cấp sản phẩm chất lượng “Chuẩn từ nông trại đến bàn ăn” cũng chính là mục tiêu phát triển chiến lược xuyên suốt của Union Trading.

 

 

Công nhân đang chăm sóc buồng quả thuộc nông trại chuối già Nam Mỹ của Union Trading ở Bình Phước

Việc trở thành đối tác của Dole cho thấy thành quả của Union Trading từ sự nỗ lực phát triển không ngừng ngay từ những ngày đầu để đạt được sự chuyên nghiệp trong tất cả khâu từ trồng trọt, chăm sóc cây chuối đến xử lý, đóng gói và bảo quản. Đặc biệt là năm 2022, Union Trading đã đạt chứng nhận GlobalGAP cho nông trại ở Bình Phước và sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.

TIỀM NĂNG MỞ RỘNG HỢP TÁC VỚI NÔNG DÂN

Hiện nông trại chuyên canh chuối già Nam Mỹ tại Bình Phước của Union Trading có diện tích 150 ha. Ngoài ra, công ty còn liên kết, hợp tác để mở rộng mạng lưới các nông trại đối tác chiến lược rộng khắp tại: Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), An Giang, Quảng Ngãi… với tổng diện tích lên đến 500 ha.

 

 

Sản phẩm chuối được thu hoạch và vận chuyển bằng ròng rọc về khu xử lý, phân loại, đóng gói

Ông Đỗ Hữu Dự, Trưởng ban quản lý nông trại của Union Trading tại Bình Phước cho biết, tại đây công ty xây dựng một quy trình chặt chẽ từ việc nhân giống, cấy mô đến quy trình sản xuất, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của Israel, hệ thống châm phân tự động… chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học, hạn chế sự tác động của thuốc bảo vệ thực vật. Đây là yêu cầu của thị trường và khách hàng đối tác nước ngoài.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản Trần Hải Hà: Chúng tôi nhận thấy khả năng bà con hợp tác với Union Trading thực hiện mô hình trồng chuối này rất khả thi, chỉ cần có từ 3-5 ha trở lên. Về kỹ thuật, công ty hỗ trợ miễn phí cho bà con nông dân. Khu vực Hớn Quản có nhiều diện tích đất đỏ bazan thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn trái ngắn ngày, đặc biệt là cây chuối.

Cùng với việc trở thành nhà cung cấp chuối già Nam Mỹ cho Dole và các danh hiệu đạt được trong năm 2022, Union Trading đã tiến thêm một bước vững chắc trong việc khẳng định định hướng phát triển đúng đắn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đóng góp thêm cho tỉnh Bình Phước một sản phẩm xuất khẩu tiềm năng cao. Đáng nói là trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, hoạt động của công ty, bao gồm mảng xuất khẩu dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn không bị đứt gãy, tạo sự yên tâm lớn cho người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia tích cực các hoạt động xã hội, như thông qua chương trình Vòng tay Việt do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Union Trading đã tặng hàng chục tấn chuối chín tươi tiếp sức các lực lượng tuyến đầu chống dịch… Ước tính có khoảng 75 lao động địa phương đang làm việc ổn định tại nông trại của công ty ở Bình Phước, trong đó nhiều lao động là người S’tiêng. Lúc cao điểm thu hoạch, đóng gói, nhân công có thể lên đến 200 người.

 

 

Nông trại chuối già Nam Mỹ của Union Trading tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản nhận định, mô hình do Union Trading đang thực hiện thành công tại địa phương có thể hợp tác mở rộng với nhà nông nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, từ quy trình kỹ thuật canh tác đến đầu ra sản phẩm sau thu hoạch. Để có được những cây chuối đẹp, đạt chuẩn, Union Trading quy hoạch riêng khu vực cây giống, làm theo phương pháp cấy mô, được lựa chọn cẩn thận, có khả năng kháng bệnh cao, sinh trưởng nhanh… Các nông trại chuối của Union Trading đều áp dụng một quy trình chăm sóc theo hướng công nghệ cao. Các kỹ sư sẽ sử dụng hệ thống tưới tiêu và bón phân ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế cỏ dại, giảm công chăm sóc.

Bùi Liêm

 

Vụ sầu riêng kém vui

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Năm nay, nhiều vườn sầu riêng trong giai đoạn ra hoa đã gặp phải thời tiết lạnh, mưa trái mùa. Ðiều này khiến sầu riêng đậu quả ít, giảm năng suất khá nhiều.

Nhiều nhà vườn mất mùa

Hiện nay, các nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bắt đầu thu hoạch chính vụ. Nhiều vườn cây xanh tốt, cành, nhánh khỏe mạnh, nhưng số lượng quả chỉ đạt khoảng 30% so với mọi năm.

Theo các nhà vườn, giai đoạn đầu năm 2022, khi sầu riêng bước vào thời kỳ ra hoa, thời tiết diễn biến bất thuận. Đặc biệt là hiện tượng thời tiết trở lạnh, mưa trái mùa, khiến sầu riêng nở hoa không đều, thụ phấn kém, rụng quả nhiều.

 

 

Nhà vườn phun dưỡng chất cho sầu riêng đang ra hoa

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhật, ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), có hơn 1,5 ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê. Theo ông Nhật, năm nay, vườn sầu riêng của gia đình chỉ đậu được 800 quả.

Lượng quả này chỉ bằng một phần ba so với mọi năm. Nguyên nhân là khi vườn sầu riêng ra hoa đợt đầu đã gặp sương muối, thời tiết lạnh, nên hoa nở không đều, tỷ lệ đậu quả rất thấp.

Ông Nhật cho biết: “Nhận thấy đợt hoa đầu tiên không đạt, nên tôi đã loại bỏ và chờ đợt hoa tiếp theo để chăm sóc, nuôi quả. Nhưng đợt thứ 2, thứ 3 hoa lại ra lác đác, nên mất mùa”.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), cũng có gần 2 ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê. Theo ông Dũng, thời điểm đầu năm sầu riêng ra hoa rất đều.

Số lượng hoa đủ để cây nuôi dưỡng và cho đậu quả. Tuy nhiên, do thời điểm hoa sầu riêng nở rộ lại gặp mưa, nên rụng khá nhiều. Điều này khiến vườn sầu riêng của ông giảm năng suất.

Ông Dũng cho hay: “Hoa sầu riêng thường thụ phấn về đêm. Do đó, mưa xuất hiện về chiều và kéo dài trong đêm đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình thụ phấn của cây sầu riêng”.

 

 

Mưa trái mùa làm ảnh hưởng đến năng suất của nhiều vườn sầu riêng

Kinh nghiệm xử lý

Theo Chi cục NN – PTNT tỉnh, mưa trái mùa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các vườn sầu riêng. Tình huống thời tiết này gần như lần đầu xuất hiện nên người dân chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý.

Khi vườn sầu riêng đang ra hoa, mang trái non, nếu có mưa trái mùa, bà con cần tưới nước sạch lên toàn bộ cây để hạn chế tác hại của a xít trong nước mưa.

Đối với vườn đang ra hoa bị ảnh hưởng từ nhẹ đến trung bình do mưa, bà con nên tăng cường chăm sóc, phun phân bón lá có chứa Bo hoặc các chất điều hòa sinh trưởng như: NAA, GA3... Các chất này có tác dụng giảm rụng quả, tăng tỷ lệ đậu quả.

Còn tại những vườn đang ra hoa mà bị mưa làm ảnh hưởng gần như toàn bộ thì nên có kế hoạch chăm sóc, dưỡng cây để chuẩn bị cho đợt xử lý ra hoa kế tiếp. Khi vườn cây đã qua giai đoạn thụ phấn, nuôi quả non, cần phải phun thêm phân bón lá có chứa Ca, Cu, B, Zn để tránh hiện tượng nứt quả non.

Ngoài ra, các nhà vườn cần thường xuyên thăm vườn cây, nhận biết các loại sâu bệnh hại nhằm phòng trừ kịp thời. Bà con cần áp dụng hiệu quả phương pháp “4 đúng” trong dùng thuốc trừ sâu và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) khi chăm sóc vườn sầu riêng.

Theo Sở NN – PTNT, năm 2022, toàn tỉnh có 4.528 ha sầu riêng, ước năng suất đạt 11 tấn/ha, sản lượng khoảng 29.014 tấn. Diện tích sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện: Cư Jút, Ðắk Mil, Ðắk Glong, Tuy Ðức…

Kim Ngân

 

Giống ngô lai F1 NK6275 cho năng suất cao

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

Người dân tham quan mô hình trồng giống ngô lai F1 NK6275 tại xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên).

Vụ xuân năm nay, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình và TP. Thái Nguyên triển khai trồng thử nghiệm giống ngô lai F1 NK6275 với tổng diện tích 3,5ha.

Qua theo dõi cho thấy, giống ngô lai F1 NK6275 có thời gian sinh trưởng trung bình từ 120 đến 125 ngày, cây cứng, chống đổ tốt và có khả năng chịu hạn, chịu rét tốt, ít sâu bệnh hại. Bắp ngô to đều, dài, lõi nhỏ, năng suất đạt khoảng 280kg/sào, cao hơn các giống ngô khác khoảng 30-40kg/sào. Đặc biệt, dù ngô ở giai đoạn thu hoạch nhưng thân, lá vẫn còn xanh, bà con có thể tận thu để làm thức ăn cho gia súc.

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, bà con nông dân tham gia mô hình mong muốn được hỗ trợ trồng thử nghiệm ở các vụ trên nhiều chân đất khác nhau để đánh giá tính ổn định của giống ngô lai F1 NK6275. Qua đó, từng bước đưa vào sản xuất đại trà để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập.

Khánh Thiện

 

Chuyện thuần hóa cây bời lời đỏ

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Bây giờ, bời lời đỏ đã trở thành cây trồng phổ biến ở Gia Lai. Tuy nhiên, để thuần hóa loại cây rừng này là cả câu chuyện dài.

Giống bời lời đỏ thường mọc thành từng quần thể lớn, phát triển tốt trên hầu hết các loại chân đất, lại rất dễ trồng. Đây là loại cây không cần chăm sóc vun xới, không cần bón phân tưới nước, có độ tái sinh cao rất phù hợp với tập quán và năng lực của người dân bản địa Tây Nguyên. Với bời lời đỏ, cứ đến chu kỳ khai thác là người ta lại hạ cây cạo vỏ, chỉ thời gian sau thì gốc phát mầm, cho thế hệ cây khác, cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo mà không phải mất công trồng mới. Vỏ bán, thân cây bán, đến cành lá cũng bán được mà thu về tiền. Nghĩa là bời lời đỏ sau khi thu hoạch không bỏ đi bất cứ thứ gì. Cây bời lời, ngoài lợi ích kinh tế còn có lợi ích môi sinh, che mát buôn làng, cải thiện sinh cảnh, giữ ẩm cho đất...

Dễ trồng là vậy, lợi ích là vậy, nhưng trở về với làng nó cũng phải trải qua một quá trình không ít gian nan bầm dập. Người đầu tiên đưa cây bời lời đỏ về trồng trong làng là một người đàn ông dân tộc Bahnar ở xã Lơ Pang (huyện Mang Yang), tên là H’Mêch. Thường ngày, ông thấy cây bời lời có 2 loại: bời lời trắng và bời lời đỏ. Cây bời lời đỏ lên cao thẳng, ít cành, mọc nhanh, tạo thành quần thể. Đó là giống bời lời đọt đỏ, lá thuôn dài. Cây bời lời trắng thì cành lá sum suê, mọc độc lập mỗi cây một vùng. Bời lời trắng đọt xanh, lá to tròn bầu, chậm lớn. Một dạo, thấy người Kinh vào rừng sâu cạo vỏ bời lời, rồi thu mua vỏ khô, nhiều người Bahnar thấy việc lột vỏ cây rừng có tiền cũng vào cuộc.

 

 

Người dân xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) trồng cây bời lời đỏ trong vườn nhà. Ảnh: C.T.V

Gặp vùng bời lời, người thu hái phải hạ cả một quần thể mang tính tàn sát, lột lấy vỏ, vứt bỏ cây giữa rừng cho mục. Bời lời rừng cũng không nhiều, phải đi quá xa rất vất vả. Rồi chặt mãi, có lúc bời lời rừng cũng hết. Ông H’Mêch thấy việc làm có tiền đấy, nhưng phá hại cây rừng quá, lại lãng phí quá. Ông nảy ra ý tưởng đưa giống cây này về làng!

Lơ Pang và 5 xã Đông sông Ayun là vùng đất bazan bằng phẳng, đất rộng người thưa. Xưa nay, người dân chỉ quen trồng lúa rẫy, mì, bắp, tất cả đều là giống cũ, đủ cái ăn, nhưng không có tiền tiêu. Nhà H’Mêch có vườn rộng, ông lẳng lặng đưa cây bời lời về trồng. Hồi ấy, chưa ai biết ươm bầu giống, muốn trồng bời lời chỉ có cách nhổ cây con từ rừng trong mùa mưa hoặc lấy hạt từ cây trong mùa chín rụng đem về gieo trực tiếp.

Khi vườn của ông H’Mêch đã mọc xanh dày kín những cây bời lời đỏ, dân làng mới ngớ ra. Làng thấy việc trồng cây lạ thì rất sợ Yàng quở phạt. Cả làng cương quyết phạt vạ H’Mêch để tạ lỗi với Yàng. Ý định trồng bời lời của H’Mêch coi như thất bại.

Người Tây Nguyên, đặc biệt là người Bahnar từ xa xưa sống theo truyền thống từ tổ tiên truyền lại. Họ rất coi trọng nếp cũ, tục cũ. Chẳng ai dám phá bỏ. Chẳng ai dám làm trái. Chẳng ai dám chống lại! Kẻ làm sai với tổ tiên sẽ bị Yàng trừng phạt. Hơn nữa xưa nay, làng Bahnar thường cư trú ven các sườn đồi, bãi trống quang đãng. Trong vườn không có bóng cây để đề phòng thú dữ và mòng muỗi ẩn nấp.

Việc trồng bời lời đỏ mãi đến khi ông Y Bliu (làng Chưp, xã Lơ Pang) lúc ấy là Chủ tịch UBND xã vào cuộc mới thành công. Ông Y Bliu trăn trở: Đây là cây cho tiền. Nó là cây rừng, cây dễ trồng, lại cho ăn lâu dài, đưa về được làng là có tiền, giàu có, phải quyết tâm làm cho bằng được, để người Bahnar thấy. Ông tin rồi dân làng sẽ hiểu, sớm muộn cũng làm theo!

Đến lượt ông Y Mik (làng Roh, xã Lơ Pang, nguyên là cán bộ kháng chiến) trồng hẳn 2 ha thì cây bời lời thực sự được khẳng định. Cây bời lời mọc lên xanh tốt như rừng.

Chỉ mấy năm sau, thấy nguồn thu từ vườn bời lời đỏ của ông Y Mik quá lớn, ai cũng thèm, ai cũng muốn. Thế là ước mơ của ông H’Mêch ngày nào có cơ hội thành hiện thực. Xã Lơ Pang trồng bời lời, Kon Thụp trồng bời lời, rồi các xã Đê Ar, Kon Chiêng, Đak Trôi cũng trồng bời lời. Cả vùng 5 xã Đông sông Ayun nghèo khó rần rần đua nhau trồng bời lời.

Cũng từ đây, cây bời lời như một phát kiến của “nền kinh tế vườn”. Nó như một cây trồng thần diệu giúp xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nó là cây của Chương trình 327, cây của Chương trình 135... Các trung tâm nghiên cứu cây lâm nghiệp, rồi các vườn ươm bắt đầu xây dựng quy trình thu hái hạt, ươm bầu cây giống bời lời đỏ. Nhiều nhà vườn ở thành phố mọc lên thu bộn tiền bởi giống cây bời lời giai đoạn đang lên ngôi.

Được Nhà nước hỗ trợ cây giống ươm bầu, hướng dẫn kỹ thuật, nông dân các làng tận dụng đất vườn bất cứ chỗ nào trống là cắm cây bời lời xuống, cho xanh làng mát nhà, quên đi mấy năm lại cho một khoản tiền kha khá! Người dân tộc thiểu số Tây Nguyên coi như một cơ hội thoát nghèo!

Cây bời lời đỏ đã gắn với vườn định cư trên toàn tỉnh, phát triển sang cả các tỉnh lân cận. Ở Gia Lai ngày nay, huyện trồng nhiều bời lời nhất là Chư Păh, nơi có diện tích bời lời vượt xa 5 xã Đông sông Ayun, mảnh đất khai nguyên ra giống cây thần kỳ ấy!

PHẠM ĐỨC LONG

 

Quảng Ninh: Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tại Móng Cái trở lại bình thường

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Từ ngày 17/6, hàng hóa thuộc chuỗi hàng đông lạnh của Việt Nam đã xuất khẩu được sang Trung Quốc qua cửa khẩu, lối mở tại Móng Cái, đánh dấu hoạt động xuất nhập khẩu tại đây trở lại bình thường với tất cả các loại hàng hóa.

 

 

Các doanh nghiệp bốc xếp hàng thủy sản đông lạnh lưu kho tại Cảng ICD Thành Đạt (phường Hải Yên, Móng Cái) để xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thời điểm trước ngày 17/6, do các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các mặt hàng thuộc chuỗi lạnh chưa thể xuất khẩu được sang Trung Quốc qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, hàng trăm container hàng hóa đông lạnh bị lưu bãi, lưu kho.

Trước tình hình này, Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP. Đông Hưng (Trung Quốc) đã gửi thư trao đổi với Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) thống nhất việc xuất khẩu hàng hóa thuộc chuỗi lạnh.

Theo đó, từ ngày 17/6/2022, khôi phục thông quan hàng chuỗi lạnh qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II và lối mở Km 3+4 Hải Yên, đồng thời vận hành thử nghiệm hoạt động thông quan tại bến biên mậu Đông Hưng.

Thời gian hoạt động hằng ngày từ 9h-17h (giờ Bắc Kinh, Trung Quốc), tức từ 8h-16h (giờ Hà Nội, Việt Nam).

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết tính từ ngày 17/6 đến hết ngày 19/6, đã có 8.639 tấn hàng chuỗi lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở cầu phao tạm Km 3+4 Hải Yên (Móng Cái).

Trong đó có 40 xe chở 962 tấn hàng hoa quả tươi; 123 xe chở 573 tấn hải sản tươi sống; 58 xe chở 1.440 tấn hàng thủy hải sản đông lạnh; 158 xe chở 5.554 tấn hàng nông sản.

Riêng trong ngày 20/6, có 35 xe xuất khẩu hàng hóa thuộc chuỗi lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở này./.

PV

 

Hoài Ân (Bình Định): Từng bước xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Bình Định

Trong định hướng phát triển, huyện Hoài Ân (Bình Định) đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khu giết mổ tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn dịch bệnh; hình thành vùng chăn nuôi an toàn của tỉnh.

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của huyện trung du Hoài Ân. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 67,4% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Trên địa bàn huyện đã có 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn áp dụng công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ đảm bảo các tiêu chí về an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Đến nay, tổng đàn heo toàn huyện đạt 235 nghìn con; đàn trâu, bò 24.900 con; đàn gia cầm 693 nghìn con; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu “Heo Hoài Ân” và “Gà ta thả vườn Hoài Ân”.

 

 

Hoài Ân có nhiều trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn nhất tỉnh. Ảnh: THU DỊU

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, xác định chăn nuôi là một thế mạnh, nhiều năm qua, các cấp chính quyền Hoài Ân từng bước đầu tư vào chăn nuôi, xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ mới, hiện đại, khép kín và an toàn với dịch bệnh; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, trước mắt là chăn nuôi gà, heo theo hướng hữu cơ; nuôi bò vỗ béo. Cùng với chuyển giao các kỹ thuật về chăn nuôi, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trong khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng cho đàn vật nuôi đúng quy định. Cùng với đó, huyện xây dựng khu mua bán - giết mổ động vật tập trung tại xã Ân Phong, vừa kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật trên địa bàn; tổ chức kiểm dịch và đảm bảo an toàn trong giết mổ, tạo thành chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm động vật an toàn từ trang trại cho tới bàn ăn.

Theo ông Trần Văn Hướng, một chủ trang trại nuôi bò thịt chất lượng cao tại thôn Thế Thạnh 2, xã Ân Thạnh (Hoài Ân), với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện, quá trình tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi, gia đình ông đã xây dựng được mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao kết hợp với ủ xử lý phân bò để tạo thêm sản phẩm cho ngành nông nghiệp. Đến nay, trang trại của ông Hướng có 200 con bò thịt vỗ béo, mỗi năm xuất bán 50 con bò thịt, thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động ở địa phương có thu nhập ổn định.

Tỉnh Bình Định đang đặt mục tiêu xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới việc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT cấp mã số vùng chăn nuôi an toàn trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm hợp chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP (Good animal husbandry practices for swine in Vietnam - VietGAHP) theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT; hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường quản lý hoạt động của đội ngũ dẫn tinh viên, thú y hành nghề tư nhân, các cơ sở chăn nuôi gắn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đánh giá, hiện Hoài Ân là một trong những địa phương đáp ứng tốt các điều kiện để từng bước xây dựng và hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Để hỗ trợ địa phương thực hiện các tiêu chí, cùng với công tác hướng dẫn, hỗ trợ, Chi cục còn trực tiếp tham gia cùng với chính quyền địa phương xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thịt heo hơi giữa Hoài Ân và Đà Nẵng; từng bước đưa đưa “Heo Hoài Ân” với các tiêu chí về an toàn chất lượng, truy xuất nguồn gốc ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP NgaGroup (Đà Nẵng), một đơn vị tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Hoài Ân, đánh giá, địa phương có tiềm năng về chăn nuôi và phát triển với quy mô hàng hóa. Với lợi thế về chăn nuôi, đặc biệt heo hơi Hoài Ân là một trong nguồn cung chính cho thị trường Đà Nẵng, được người tiêu dùng đón nhận trong thời gian qua. Đặc biệt, hiện tại địa phương xây dựng được nhãn hiệu cho heo, có truy xuất nguồn gốc tăng thêm độ tín nhiệm cho người tiêu dùng. Với nhu cầu tiêu thụ heo hơi lớn của thị trường Đà Nẵng, chúng tôi tìm kiếm cơ hội hợp tác với Hoài Ân. Với những gì mà địa phương và người chăn nuôi đang làm được, chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác này bền vững.

THU DỊU

 

Tuyên Quang: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm 2022 nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật sẽ có những diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương, hộ chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ vật nuôi một cách hiệu quả nhất.

Xã Hợp Thành (Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) có số lượng vật nuôi chết nhiều nhất trên địa bàn huyện trong đợt mưa lũ cuối tháng 5 vừa qua. Toàn xã có 440 con gia cầm bị chết. Mưa lũ đã làm nguồn nước thải chăn nuôi tràn ra môi trường, cùng với thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Chính vì vậy, ngay sau mưa lũ, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được địa phương nhanh chóng triển khai.

Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, ngay sau khi nước rút, xã đã chỉ đạo cán bộ thú y tuyên truyền, hỗ trợ người chăn nuôi vệ sinh môi trường, với phương châm nước rút đến đâu dọn và khử trùng ngay ở đó nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh có thể phát sinh. Đồng thời, xã tuyên truyền phổ biến tới người dân tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi; cung cấp đủ nước cho đàn vật nuôi, tránh không làm ẩm ướt nền chuồng, tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm lượng thức ăn tinh bột, đường trong khẩu phần. Thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định.

 

 

Gia đình bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) rắc vôi bột và thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh chuồng nuôi ngay sau những ngày mưa lũ.

Gia đình ông Hoàng Văn Sang, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành bị thiệt hại nặng khi hơn 400 con gà bị chết. Ông Sang cho biết, hiện gia đình đã rắc vôi bột, dọn dẹp vệ sinh chuồng nuôi, phối hợp với xã đào hố, chôn gia cầm theo quy định, tránh ô nhiễm môi trường, chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm tái đàn, khôi phục hoạt động chăn nuôi.

Không chỉ huyện Sơn Dương, các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động chỉ đạo phòng chuyên môn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chính quyền cơ sở nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn bà con chăn nuôi thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Gia đình bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) có hơn 100 con vịt, 100 con gà. Đợt mưa lớn vừa qua khiến toàn bộ khuôn viên và một phần chuồng trại bị ngâm trong nước. Ngay sau khi nước rút, bà đã chủ động vệ sinh, khử trùng toàn bộ chuồng trại. Bà Thơm cho biết, gia đình đã thu gom chất thải, rác thải, rửa sạch sẽ trong và xung quanh khu vực chuồng trại; rắc vôi bột và thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm diệt khuẩn trong môi trường nuôi. Khi chuồng trại khô mới đưa đàn gia cầm vào lại chuồng. Đồng thời, tăng khẩu phần thức ăn và trộn một số loại thuốc phòng bệnh cho đàn gà, vịt nhằm tăng sức đề kháng để phòng bệnh có thể phát sinh sau lũ.

Ông Hà Công Dương, nhân viên Chăn nuôi và Thú y xã Hòa An cho biết, hiện tổng đàn vật nuôi trên địa bàn xã là hơn 85.000 con. Do mưa lũ, nguồn nước, môi trường xung quanh chuồng nuôi bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND xã đã chỉ đạo các thôn hướng dẫn các hộ tu sửa chuồng trại, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi. Khi nước rút các hộ phải nhanh chóng thu gom tàn dư để hạn chế dịch bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; có phương án di chuyển và chuẩn bị các địa điểm cao ráo, không bị ngập úng làm nơi dự phòng, nuôi tạm đàn vật nuôi trong thời gian bị ngập úng hoặc tu sửa chuồng trại do thiên tai gây ra; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng…

 

 

Người dân thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Theo thống kê Ngành nông nghiệp tỉnh, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có hơn 580 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Mưa lũ gây ngập lụt nhiều ngày đã làm cho môi trường chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng lo ngại là các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát sau những ngày mưa lũ. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các huyện, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm với phương châm phát hiện nhanh, xử lý triệt để, kịp thời, tại chỗ không để lây lan rộng. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi đảm bảo 100% gia súc, gia cầm trong diện được tiêm phòng theo kế hoạch. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh hướng dẫn người chăn nuôi làm tốt công tác phòng bệnh chủ động; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xác định tác nhân gây bệnh trên đàn vật nuôi; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do điều kiện bất thường của thời tiết gây ra.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời điểm này đạt hiệu quả cao nhất, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, VietGAHP trong chăn nuôi. Các hộ cần thường xuyên giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nếu thấy có biểu hiện bệnh cần khẩn trương báo cho cán bộ thú y cơ sở biết để kịp thời xử lý.

Bài, ảnh: Lý Thu

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop