Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 25 tháng 01 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 25 tháng 01 năm 2022

 

Trái cây chờ giá Tết!

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Trái cây là một trong những mặt hàng nông sản được nông dân trồng và cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ đầu tháng Chạp đến nay, trái cây tại TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác trong khu vực ÐBSCL tiêu thụ chậm, giá bán thấp, cho lợi nhuận không cao, khó khăn cho nhà vườn tái đầu tư sản xuất.

 

 

Vú sữa, mận tại huyện Phong Điền vào mùa thu hoạch.

Vào mùa thu hoạch

Theo nông dân trồng cây ăn trái ở cồn Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, mận An Phước tại cồn Tân Lộc bắt đầu vào mùa thu hoạch, giá bán 11.000 đồng/kg, nhưng mận Hồng Ðào Ðá có giá thấp 6.000 đồng/kg. Ðây là mức giá thấp hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg so với Tết Nguyên đán năm ngoái. Trong khi đó vú sữa các loại (vú sữa tím, trắng, Lò Rèn) ở xã Giai Xuân, huyện Phong Ðiền và xã Trường Thành, huyện Thới Lai đang chín rộ, thương lái thu mua và bán tại chợ giá từ 13.000-15.000 đồng/kg, tăng nhẹ khoảng 3.000 đồng/kg so với mùa vụ năm rồi. Anh Triển, một thương lái buôn bán, cung ứng mặt hàng trái cây tại TP Cần Thơ đi các tỉnh, TP Hà Nội, TP Ðà Nẵng, cho biết: "Sau khi một số mặt hàng trái cây như thanh long, mít… xuất qua các cửa khẩu phía Bắc chưa khơi thông nên thương lái đưa trái cây "chạy" hàng về các chợ nội địa. Do nguồn cung vào mùa rộ, một vài loại trái cây dồi dào, nhất là vú sữa, mận, bưởi… ở TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long nên tiêu thụ khá chậm, giá cả không tăng lên".

Ðến thời điểm này, nông dân canh tác nhãn tại TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long… bắt đầu tới lứa thu hoạch, chín kịp bán chợ Tết. Trong mấy ngày qua, tại TP Cần Thơ, nhãn Ido, nông dân bán ra 11.000-12.000 đồng/kg, cao từ 4.000-5.000 đồng/kg so với những tháng dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Riêng mít Thái, thương lái cho biết, mặt hàng này bắt đầu xuất bán qua Trung Quốc, qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Mít đang được thu mua trở lại, nhưng mức giá vẫn còn thấp. Thương lái mua tại vườn chỉ từ 7.000-8.000 đồng/kg, giảm nhiều lần so với thời kỳ giữa năm 2021.

Nhiều nông dân trồng bưởi da xanh ở phường Thới An, quận Ô Môn, cũng rơi vào tình trạng rớt giá. Anh Tùng, chủ vườn bưởi da xanh tại phường Thới An, nói: "Qua tháng Chạp được hơn 15 ngày mà sức mua ở chợ Tết còn chậm. Nhiều nhà vườn lo sợ bưởi đụng hàng, dội chợ trong những ngày Tết nên chuyển đổi canh tác, cho trái rải vụ trong năm. Vậy mà giá bưởi da xanh cũng thấp, bưởi loại 1, ngon, trên 1,2 kg/trái giá bán tại vườn từ 25.000-28.000 đồng/kg, còn bưởi Năm Roi loại ngon, đẹp, bán thấp hơn da xanh khoảng 5.000 đồng/kg. So với chợ Tết mấy năm trước giá bưởi da xanh bán với mức 40.000-50.000 đồng/kg...".

Thương lái mua bán hàng trái cây tại huyện Phong Ðiền, cho biết: Khi trái cây chín vào mùa thu hoạch, nhà vườn cần bán và trong thế buộc phải bán. Vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dù tăng giá cũng phải mua, nhưng trái cây đến mùa thu hoạch không thể neo chờ giá. Tết năm nay sức mua yếu, vì sau thời gian dịch bệnh COVID-19 kéo dài, cung đang vượt cầu nên giá thấp. Còn thương lái chỉ thuê mặt bằng tạm đóng chốt làm vựa thu mua trái cây. Trái cây đến lứa, nông dân tự thu hoạch chở tới vựa bán. Mỗi ngày, chủ vựa chỉ cần bán qua điện thoại sang tay theo đường dây mối lái cho các chợ trong vùng ÐBSCL, lãi thu được trung bình từ 200-500 đồng/kg cho 5-6 tấn/trái cây cũng "ngon ăn" hơn nhà vườn. Nhà vườn, người trực tiếp canh tác chịu nhiều thiệt thòi khi mùa vụ thu hoạch dội hàng, rớt giá…

Chờ giá dịp Tết...

Trước một tháng chuẩn bị hàng ra chợ Tết, ông Thọ - một thương lái chạy xe tới các nhà vườn trồng bưởi Thanh Kiều ở phường Thới An, quận Ô Môn, ra vườn xem trái, ước lượng trái đẹp đặt hàng. Giống bưởi Thanh Kiều trái lớn, màu vàng đẹp dành trưng mâm trái cây trong những ngày Tết rất được ưa chuộng. Tuy nhiên loại bưởi này chất lượng không cao, không ngon hơn bưởi Năm Roi, da xanh. Ông Thọ cho biết, giá bưởi Thanh Kiều tại vườn hiện có giá thấp nhất, từ 7.000-8.000 đồng/kg nên chỉ có thể tăng giá lên chút ít khi chợ cận Tết, sức mua tăng lên.

Nhiều mặt hàng trái cây tại TP Cần Thơ, các địa phương lân cận đang được nông dân trông chờ tăng giá trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, về lâu dài, mặt hàng trái cây cần có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, sau nhãn, chôm chôm, vú sữa, xoài… lần lượt xuất khẩu qua châu Âu và Mỹ. Thế nhưng, muốn xuất khẩu được phải qua khâu kiểm soát chất lượng gắt gao; đồng thời nông dân sản xuất phải đáp ứng theo tiêu chuẩn doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Ðể tránh tình trạng trúng mùa, dội chợ, nhà vườn, nhà sản xuất phải sản xuất trái cây theo thị trường yêu cầu. Theo xu thế chung, bất kỳ hàng hóa nông sản xuất khẩu sang thị trường nước nào cũng có yêu cầu tiêu chuẩn và buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn đó. Kể cả thị trường Trung Quốc cũng đã đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn. Do đó, nông dân sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường đặt ra.

Ðể đảm bảo đầu ra cho nông sản, ngành chức năng TP Cần Thơ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ðiển hình gần đây, Sở Công Thương TP Cần Thơ tổ chức nhiều đợt tham quan, thực hiện ký kết hợp tác kinh doanh chuỗi thực phẩm sạch, an toàn giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ với các cửa hàng, siêu thị tiện ích, như Công ty CPTM Bách Hóa Xanh, siêu thị Vinmart, siêu thị MM Mega Market và Co.opmart… Ðây là hoạt động kết nối từ khâu sản xuất đến phân phối nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp của TP Cần Thơ vào tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị trên địa bàn thành phố và các địa phương trong khu vực ÐBSCL.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: "Việc ký kết hợp tác giữa nhà sản xuất và đơn vị tiêu thụ là thành công bước đầu của việc xúc tiến, kết nối đưa sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất trên địa bàn TP Cần Thơ vào chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị. Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng và địa phương duy trì, phát triển, mở rộng hợp tác giữa đơn vị sản xuất và tiêu thụ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các nông hộ thông qua các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ để đưa các sản phẩm nông sản của Cần Thơ vào các chuỗi cửa hàng tiện ích một cách bài bản và bền vững…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Trồng cam hữu cơ, hướng đi bền vững cho nhà vườn

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Nhằm phát triển bền vững cây cam, một trong những loại cây đặc sản của tỉnh, một số nhà vườn tại huyện Bắc Quang, Quang Bình (tỉnh Hà Giang) đã trồng cam Sành hữu cơ. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu “Cam Sành Hà Giang”.

 

 

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cam cho hộ anh Bùi Đức Vượng, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).

Hơn hai năm nay anh Bùi Đức Vượng, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) không sử dụng phân bón hóa học mà thay vào đó là phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học cho vườn cam của gia đình. Anh Vượng vui mừng chia sẻ: Tôi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh từ năm 2019, gia đình được hỗ trợ phân bón hữu cơ Điền Trang và được cán bộ hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Lúc đó, vườn cam của gia đình đang bị suy giảm năng suất, có sâu bệnh hại và suy thoái dần do không biết cách chăm sóc. Nhờ có cán bộ khuyến nông tỉnh hỗ trợ và áp dụng phương pháp thâm canh theo hướng hữu cơ nên sau hai năm vườn cam đã tươi tốt trở lại. Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa trồng cam truyền thống và trồng cam hữu cơ đó là mẫu mã quả đẹp, vàng bóng, chất lượng ngon, ngọt hơn, năng suất, sản lượng tăng gấp rưỡi. Đến nay, 7 ha cam Sành và 2 ha cam lòng vàng của gia đình cho thu hoạch, năng suất đạt 20-25 tấn/ha, dự kiến vụ cam năm nay sẽ cho lợi nhuận từ 450-500 triệu đồng. Anh Vượng chia sẻ thêm, ưu điểm của phương pháp hữu cơ là bảo vệ sức khỏe người trồng cam và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm được nâng lên. Sản phẩm cam của gia đình đạt chứng nhận VietGAP.

Còn hộ trồng cam Vũ Mạnh Chủng, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), cho biết: Thực hiện mô hình trồng cam hữu cơ, gia đình đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc cây cam. Trước đây toàn bộ diện tích 8.000 m2 trồng cam của gia đình bị bệnh vàng lá, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật cây xanh tốt hơn. Không chỉ riêng tôi mà các hộ thực hiện mô hình đều nhận thấy hiệu quả, quả cam có mẫu mã đẹp, mọng nước.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phan Thị Thoa, cho biết: Được sự hỗ trợ của Dự án WB7, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các huyện Bắc Quang, Quang Bình triển khai mô hình thâm canh cam theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng, thuốc BVTV có nguồn gốc, sinh học… nhằm cải tạo bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cây phát triển rễ tơ khỏe mạnh, hấp thu dinh dưỡng tốt, ít bị sâu bệnh. Đồng thời hỗ trợ các hộ thay thế cây cam già cỗi, kém hiệu quả bằng các giống cam chín sớm, chín muộn (Cam V2, CS1, Xã Đoài) để rải vụ thu hoạch, hạn chế thiệt hại cho người dân. Mô hình thực hiện với quy mô 260 ha, 195 hộ tham gia, thực hiện tại xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo (Bắc Quang); Tân Trịnh (Quang Bình). Đến nay, cây cam sinh trưởng phát triển tốt, số cây trồng mới thay thế có tỷ lệ sống trên 95%; toàn bộ diện tích được đầu tư thâm canh sử dụng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng hợp lý đã giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh; năng suất tăng ít nhất 20% trở lên so với không đầu tư, chất lượng tốt hơn, quả to, đều, màu sắc đẹp, mẫu mã bắt mắt, mọng và ngọt hơn, giá bán cao hơn từ 3 – 5 nghìn đồng/kg. Các hộ trồng cam rất phấn khởi và đã tuyên truyền cho các hộ khác trong vùng, trong tổ sản xuất cam VietGAP áp dụng đúng quy trình do cán bộ khuyến nông hướng dẫn.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

 

Thái Nguyên: Nông dân Võ Nhai và giấc mơ vùng cam, quýt đặc sản

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

Sau 4 năm trồng, vườn cam, quýt của gia đình anh Vũ Văn Dương đã cho thu hoạch trên 15 tấn, với lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.

Đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm trang trại trồng cam, quýt, bưởi kết hợp chăn nuôi tại xã Cúc Đường (Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), anh Vũ Văn Dương - một nông dân có kinh nghiệm trồng na đặc sản, kỳ vọng có thể gây dựng thành công vùng trồng cam, quýt, khôi phục danh tiếng của vùng cam Cúc Đường nức tiếng một thời.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cam, quýt trĩu quả, đẹp thuộc loại “bậc nhất” trong vùng, anh Dương chia sẻ, bản thân dù rất kỳ vọng nhưng cũng không khỏi bất ngờ khi cây cam, cây quýt rất hợp với đồi đất nơi đây. Chỉ sau 3 năm trồng, hơn 1ha cam Vinh, quýt canh của anh Dương đã cho thu hoạch.

Là nông dân thành công với việc trồng cây na trên đất La Hiên, mỗi năm, anh Dương có thể thu về từ 200-300 triệu đồng lợi nhuận từ hơn 1 mẫu na của gia đình. Không bằng lòng chỉ với thành quả này, năm 2017, anh Dương đầu tư trồng 10ha rừng trên địa bàn xã Cúc Đường. Và khi tiếp xúc với bà con địa phương ở đây, anh mới biết đây là vùng trồng cam ngon có tiếng của huyện từ hàng chục năm trước.

Nắm bắt hướng đi mới, anh Dương cất công đi khắp các vùng cam nổi tiếng từ Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Giang cho đến Hà Giang, Bắc Kạn để học hỏi. Cùng năm đó, anh trồng thí điểm 1ha cam Vinh và quýt canh liền kề với diện tích rừng của gia đình. Sau 1 năm, cây sinh trưởng tốt, anh quyết định mở rộng thêm 2ha diện tích trồng cam, quýt và trồng thêm bưởi. Điểm khác biệt ở trang trại của anh Dương là thay vì dùng phân bón tổng hợp, anh tận dụng phân chuồng của các hộ chăn nuôi trong vùng đem về ủ hoai mục để bón cho cây. Giải pháp này không chỉ giúp anh Dương tiết tiệm gần 10 triệu đồng/ha mỗi năm so với giải pháp dùng phân bón tổng hợp mà còn bảo đảm sản phẩm đầu ra của trang trại phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.

Anh Dương chia sẻ: Tôi xác định sản xuất theo hướng hữu cơ ngay từ khi bắt tay vào trồng cây ăn quả, vì đây sẽ là hướng đi bền vững. Hơn nữa, kinh nghiệm tôi học hỏi được từ các vùng trồng cam nổi tiếng thì hoa quả hữu cơ bảo quản tự nhiên được lâu hơn, thời vụ thu hái dài hơn, lại tránh được rủi ro về giá cả thị trường khi khai thác số lượng lớn trong một trời điểm. Cây cam, quýt chăm bón theo hướng hữu cơ cũng “bền” hơn và có thể khai thác tới 20 năm mới phải trồng lại.

Đến cuối năm 2020, 1ha diện tích cam, quýt trồng năm 2017 của anh Dương đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng trên 5 tấn. Và đến cuối năm 2021, trên diện tích này, anh Dương thu hoạch trên 15 tấn quả. Với giá xuất bán ra thị trường khoảng 20 nghìn đồng/kg cam Vinh và khoảng 25 nghìn đồng/kg quýt canh, anh Dương đã thu về khoảng 150 triệu đồng tiền lãi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Công Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình trồng cây ăn quả của anh Vũ Văn Dương và mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng tại địa phương. Trước mắt, xã sẽ phối hợp với anh Dương để xây dựng sản phẩm cam, quýt từ trang trại của gia đình thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Không dừng lại ở sản phẩm cây ăn quả theo hướng hữu cơ, anh Dương còn đang thí điểm nuôi giun quế để làm thức ăn chăn nuôi gà cũng theo hướng hữu cơ, an toàn. Phụ phẩm của giun quế và gà lại tiếp tục được anh sử dụng để bón cho cây ăn quả. Chia sẻ về định hướng thời gian tới, anh Dương nói: Tôi mong muốn khi mô hình của tôi thành công sẽ thu hút bà con trong vùng làm theo để tạo thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, cùng nhau phát triển vững mạnh. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng lệ thuộc vào thương lái như hiện nay, tôi sẽ vận dụng kinh nghiệm tiêu thụ na trong những năm gần đây để xây dựng kênh phân phối, bán lẻ của mình tại các đô thị lớn trong tỉnh.

Hoàng Hưng

 

Bắc Kạn: Hiệu quả của mô hình tăng vụ bí xanh thu đông trên đất lúa 1 vụ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Vụ Thu Đông năm 2021 Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Mới, UBND xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn xây dựng mô hình tăng vụ bí xanh thu đông trên đất lúa 1 vụ. với tổng diện tích 2,0 ha.

Mô hình thuộc Dự án khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất canh tác kém hiệu quả cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc".

Giống bí được chọn lựa trong mô hình là giống bí xanh số 1, thời vụ trồng tháng 8/2021, do 35 hộ dân tham gia thực hiện. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc đảm bảo, bón phân đầy đủ cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cây bí sinh trưởng và phát triển tốt, sạch sâu bệnh, sai quả. Năng suất mô hình đạt 40 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được Hợp tác xã Mai Lạp thu mua với giá 5.000 đồng/kg, doanh thu sau khi trừ chi phí đạt trên 68 triệu đồng/ha.

 

 

Mô hình bí xanh số 1 sau 80 ngày trồng

Bà Hà Thị Tuyết, nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Gia đình tôi đã tham gia mô hình trồng bí xanh với diện tích sản xuất 1.000 m2, được hỗ trợ ban đầu về giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuât, đặc biệt là quy trình nhân giống cây con nên quá trình triển khai mô hình rất thuận lợi. Giống bí này tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh hại. Đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được hai lần, sản lượng đạt trên 2,5 tấn, bán được hơn 12 triệu đồng. So với những hộ trồng ngô xung quanh, hiệu quả trồng giống bí xanh số 1 cao hơn khoảng 3 lần”.

Ông Bùi Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Mới đánh giá: Vụ Thu đông năm 2021, triển khai mô hình trồng cây bí xanh trên đồng đất một vụ lúa đã cho được những kết quả tốt. Giống bí xanh số 1 thơm ngon, đặc ruột, năng suất cao, phù hợp với đồng đất của địa phương. Mô hình đã giúp bà con địa phương tăng thêm một vụ sản xuất, mang lại thu nhập cao cho xã miền núi khó khăn. Từ kết quả đó, phòng Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền vận động và có những chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bí xanh trên chân ruộng 1 vụ lúa. Đây sẽ là hướng đi mới mang lại sinh kế và thu nhập cho nông dân huyện Chợ Mới nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Nguyễn Văn Bằng - Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông Bắc Kạn

 

Bình Định: Giá kiệu củ tăng gấp rưỡi so với đầu vụ

Nguồn tin: Báo Bình Định

Từ đầu tháng Chạp đến nay, kiệu liên tục tăng giá, từ 35.000 - 40.000 đồng lên đến hiện tại là 60.000 đồng/kg kiệu củ. Mức giá này phần nào bù đắp được phần thiệt hại do mưa dầm gây ra khiến năng suất kiệu giảm sút so với bình thường.

Do e ngại sẽ khó tiêu thụ được sản phẩm nên người trồng kiệu ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) chủ động giảm diện tích xuống còn hơn 512 ha (năm 2020 cả huyện trồng 847 ha, giá bình quân khoảng 35.000 đồng/kg kiệu củ). Thêm vào đó, những đợt mưa bất thường cuối năm khiến năng suất kiệu giảm sút, là nguyên nhân đưa giá kiệu tăng lên như hiện nay.

 

 

Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh) cắt kiệu thuê. Ảnh: GIA BẢO

Bà Nguyễn Thị Lan, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh cho biết: Bắt đầu vô mùa kiệu đến nay, nhóm 10 người cắt kiệu thuê chúng tôi có việc làm khá đều, công cắt kiệu đến nay đãtăng đến mức 3.500 đồng/kg, thu nhập bình quân mỗi ngày được khoảng 300 nghìn đồng/người.

GIA BẢO

 

Xuất hiện dịch sâu róm phá hoại cây trồng ở vùng biên giới Đắk Nông

Nguồn tin: Lao Động

Các ngành chức năng huyện biên giới Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã khẩn trương khoanh vùng, nhánh chóng triển khai các biện pháp dập tắt dịch sâu róm bùng phát, phá hoại nhiều cây trồng ở địa phương.

 

 

Đại dịch sâu róm vừa xuất hiện ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn

Những ngày qua, vườn điều rộng 2,5ha của anh Điểu Thủy xuất hiện hàng ngàn con sâu róm.

"Trên thân cây, trên lá sâu róm xuất hiện chi chít, dày đặc ở cùng một vị trí, không tài nào đếm xuể. Trên cây điều nào xuất hiện sâu róm thì cây trồng hầu như không còn một cái lá nào, xơ xác, trơ trụi. Tình trạng này làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng, ra hoa, đậu quả trong thời gian tới của cây điều" - anh Điểu Thủy buồn bã.

Theo anh Thủy, khi đại dịch sâu róm bùng phát, người dân đã tìm cách để tiêu diệt. Ngoài ra, các ngành chức năng của huyện, xã cũng nhanh chóng vào cuộc, hướng dẫn người dân sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt loại sâu bệnh nguy hiểm này.

Thống kê của UBND huyện Tuy Đức cho thấy, có khoảng 30ha điều của hàng chục hộ dân ở xã Đắk Ngo đã xuất hiện tình trạng bị hàng trăm, hàng ngàn con sâu róm tấn công, phá hoại. Nhiều vườn điều chỉ sau một vài tuần xuất hiện sâu róm đã không còn một chiếc lá nào trên cành, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của cây trồng trong tương lai.

 

 

Sâu róm xuất hiện ở đâu thì cây trồng bị phá hoại ở đó. Ảnh: Phan Tuấn

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ trực tiếp đến các vườn rẫy để hướng dẫn người dân phun thuốc diệt trừ sâu róm.

Ngoài ra, lực lượng chuyện môn của huyện cũng nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, không để loại sâu bọ này phát triển trên diện rộng.

"Nhờ sự vào cuộc kịp thời, chuẩn xác trong khâu nhận định nên việc khoanh vùng dập dịch sâu róm đã diễn ra hiệu quả. Đến thời điểm này, dịch sâu róm ở bon Phi La Te, xã Đắk Ngo đã cơ bản được khống chế, mang lại sự yên tâm cho người dân địa phương" - ông Phú cho biết.

PHAN TUẤN

 

Logistics cho ngành chế biến nông, thủy sản

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Logistics đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị chuỗi nông sản. Tuy nhiên, đầu tư rời rạc, thiếu đồng bộ và hạ tầng kém đã và đang trở thành trở ngại lớn để doanh nghiệp (DN) nông nghiệp tham gia chuỗi toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, DN cần phát triển có hiệu quả các hoạt động logistics tại DN từ khâu thu hoạch, gom hàng, vận chuyển, bảo quản, kho hàng và trong chế biến. Có như vậy mới đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

 

DN cần được hỗ trợ để đầu tư logistics nâng cao chất lượng nông sản. Trong ảnh: Chế biến thanh long xuất khẩu tại một DN ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CTV

Thách thức cho DN

Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số kỷ lục với 668,54 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 336,31 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020. Tại diễn đàn logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức giữa tháng 12-2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định, xuất nhập khẩu tăng có sự đóng góp rất lớn của ngành logistics, với vai trò là nhân tố hỗ trợ cho dòng trung chuyển hàng hóa. Hiện đóng góp của ngành logistics khoảng 4-5% GDP. Trong 2 năm qua, DN ngành logistics chịu tác động mạnh từ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; giá cước vận tải xăng dầu tăng cao, nhưng DN ngành logistics vẫn giảm giá, chi phí lưu kho, lưu bãi… để hỗ trợ các DN xuất khẩu, nhất là DN lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Thực tế 2 năm qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch thì chuỗi cung ứng ngành Nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khâu phân phối và hạ tầng logistics. Các điểm yếu trong khâu lưu trữ hàng hóa, dịch vụ đóng gói, kho bãi, thủ tục hải quan, lưu kho… đầu tư thiếu đồng bộ, phối hợp chưa nhịp nhàng đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường xuất khẩu của nông sản. Và ngành logistics dù có bước chuyển đáng kể, DN đã đầu tư logistics nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Long An, cho rằng ÐBSCL có nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào nhưng cần có cú hích đột phá. Hiện nhiều DN ngại đầu tư vào ÐBSCL, ngoài chất lượng nhân lực, hạ tầng giao thông… thì còn do trở ngại về phát triển chuỗi logistics.

Theo Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến 2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Ðồng thời, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Công nghiệp chế biến đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng và an toàn cho người sử dụng. Nhiều ngành hàng đã hình thành được nền tảng công nghiệp chế biến, như rau quả có trên 150 cơ sở với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, cùng với hàng ngàn cơ sở sơ chế/chế biến quy mô nhỏ... Ðối với lúa gạo, trừ một phần được sơ chế, chế biến nhỏ lẻ, phân tán, phục vụ tiêu dùng trong dân, thì trên 60% sản lượng được chế biến tại gần 600 cơ sở xay xát công nghiệp. Lĩnh vực thủy sản có 636 cơ sở chế biến, xử lý hầu hết sản lượng thủy sản hằng năm trên 8 triệu tấn, sản xuất trên 3 triệu tấn sản phẩm chế biến. Tuy nhiên, trên thực tế, với ngành rau quả, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8-10% sản lượng sản xuất ra hằng năm. Ðến nay, hơn 85% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; sản phẩm được tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%. Ngành thủy sản chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao…

Mặc dù nhiều DN chế biến nông sản đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và ý thức được tầm quan trọng của bảo đảm chất lượng sản phẩm để tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, nhưng nguồn nhân lực và tài chính còn nhiều hạn chế, việc đầu tư logistics chưa đạt yêu cầu phát triển trong toàn chuỗi.

Ðể DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô trung bình của các DN sản xuất kinh doanh của Việt Nam đạt 20,5 người/1 DN. Nếu các DN sản xuất kinh doanh có quy mô trung bình 100 lao động cần ít nhất 4 lao động logistics (quản lý xuất nhập khẩu, mua hàng, kho hàng, vận tải và phân phối). Trên thực tế, so với các ngành khác, DN chế biến nông sản có phần yếu thế hơn trong đầu tư logistics. DN nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hiện chỉ chiếm khoảng 1,33% tổng số DN hoạt động cả nước, nhưng lại có xu hướng giảm dần. Năm 2021, số DN giải thể, chấm dứt tồn tại trên cả nước là 16.741 DN; trong đó DN nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,1%. Ðiều này cho thấy, để DN tham gia đầu tư logistics rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước về chính sách và nguồn lực.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, nên cần có chính sách dài hơi hơn để hỗ trợ cho DN nông nghiệp tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu. Hiện tại ở khu vực ÐBSCL - vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, các địa phương đã lên kế hoạch đầu tư logistics để tạo động lực mới cho ngành Nông nghiệp. Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, hạ tầng logistics nhất là hệ thống logistics phục vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh hiện rất thiếu và yếu. Ðây là trở ngại rất lớn đối với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, thủy hải sản. Vậy nên, tỉnh đang kêu gọi các DN đầu tư logistics, kết nối được với hệ thống logistics hiện tại và tiềm năng của các tỉnh, thành trong vùng như Cần Thơ, Long An và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh… để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Ðồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết giai đoạn 2021-2025, dự kiến hơn 113.062 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn DN đầu tư phát triển công nghiệp, logistics. Hình thành 3 trung tâm logistics lớn trên địa bàn, gồm: Trung tâm logistics Mekong, Khu trung tâm logistics Hậu Giang, Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang. Tỉnh cũng mời gọi đầu tư các trung tâm logistics tiềm năng tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Cụm công nghiệp Kho tàng bến bãi Tân Tiến, Trung tâm logistics tại cụm công nghiệp Tân Thành. Ðể tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển cho các ngành công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, logistics giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa nói chung và càng trở nên quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng phụ thuộc vào sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu, các mắt xích trong chuỗi. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông sản, nhưng đa phần hàng nông sản mang tính thời vụ. Vì vậy, rất cần hỗ trợ DN trong việc đầu tư logistics tại DN từ khâu thu hoạch, gom hàng, vận chuyển, bảo quản, kho hàng và trong chế biến.

GIA BẢO

 

Nuôi gà không chất thải

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ là mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp của H.Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

 

 

Mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học tại trang trại chăn nuôi ở xã Long Đức, H.Long Thành. Ảnh: Phan Anh

Đề tài trên do Công ty TNHH Trang Trại Việt triển khai từ năm 2019. Điểm nổi bật của đề tài trên là tất cả chất thải trong chăn nuôi từ phân đến xác gà, gà loại thải đều trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vừa giúp chủ trại chăn nuôi tăng thu nhập, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Xử lý cả triệu tấn phân gà

Chăn nuôi gà trang trại hiện chiếm khoảng 91% tổng đàn với tổng số 366 trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh. Hiện các trang trại chăn nuôi đều có hệ thống xử lý chất thải; trong đó, đệm lót sinh học là giải pháp có nhiều ưu thế nên được đa số các trang trại chăn nuôi gà sử dụng.

Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Trang Trại Việt, tổng khối lượng phân gà phát sinh tại các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh là gần 1,46 triệu tấn/năm gồm phân gà lẫn trấu tại những trang trại chăn nuôi gà thịt và gà hậu bị; phân gà tươi ở những trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Tỷ lệ gà bị loại, gà chết của đàn gà thịt chiếm khoảng 5,6%/lứa gà; gà đẻ trứng khoảng 0,01%/ngày. Như vậy, với một trại gà 1 lứa nuôi khoảng 50 tấn gà, gà bị chết, loại thải khoảng 500 tấn, 1 năm 6 lứa thì có khoảng 3 ngàn tấn gà chết, gà loại. Đây là lượng chất thải rất lớn cần rất nhiều chi phí để xử lý.

Bà Nguyễn Thị Bích, chủ trại nuôi gà công nghiệp ở xã Long Đức, H. Long Thành chia sẻ về lợi ích của mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học, từ khi đầu tư đệm lót sinh học kết hợp men vi sinh làm thảm lót nền với hệ thống lọc khí và dàn nước phun sương tạo độ ẩm, chuồng trại chăn nuôi hầu như không còn mùi hôi. Chủ trang trại giảm được các chi phí xử lý môi trường, gà ít bị bệnh, nhanh lớn hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Sau lứa nuôi, doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ đến tận nơi thu gom chất thải, người nuôi không tốn chi phí xử lý mà còn bán được tiền. Đây là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. “Ngoài ra, theo quy định về môi trường, gà chết trong quá trình chăn nuôi phải được xử lý bằng hình thức chôn hoặc đốt tại trại, đây cũng là một khó khăn không nhỏ cho người nuôi. Hiện số gà này được doanh nghiệp thu gom làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ tạo thuận lợi hơn nhiều cho trang trại trong chăn nuôi” – bà Hạnh nói.

Quy trình liên kết khép kín

 

 

Sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi tại Công ty TNHH Trang Trại Việt. Ảnh: Phan Anh

Mô hình liên kết quản lý, xử lý, thu gom và sản xuất phân bón hữu cơ từ phân và xác hữu cơ trong các trang trại chăn nuôi là một mô hình khép kín mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất lẫn người chăn nuôi.

Theo cách làm truyền thống sau mỗi đợt thu hoạch, các trang trại chăn nuôi gà thường tự thu lớp phân bón rồi bán cho thương lái. Thương lái mua về một phần lượng phân bón này được bán trực tiếp cho nông dân trồng trọt mà không qua bất kỳ quá trình xử lý nào. Cách làm này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm nông sản đầu ra của nông dân do nguồn phân này có thể chứa mầm bệnh. Phần lớn nguồn phân này sẽ được bán cho các công ty sản xuất phân hữu cơ nhỏ lẻ. Với cách làm này, xác gà, phân gà tươi không được vận chuyển đi hàng ngày mà để tồn tại khu vực chuồng trại gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt, việc doanh nghiệp xây dựng quy trình khép kín từ thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh có nhiều lợi ích thiết thực. Ở đây, xác gà chết, gà loại thải được công ty sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển hàng ngày về nhà máy để xử lý theo quy trình. Phân được thu gom khi hết lứa gà; nhờ được thu gom và xử lý kịp thời nên đảm bảo được vấn đề ô nhiễm môi trường. Mọi công đoạn thu gom và xử lý toàn bộ phế phụ phẩm phát sinh từ các trang trại đều do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp cũng là đơn vị cung cấp trấu, chế phẩm, công tác vệ sinh chuồng trại, dải đệm sinh học trước khi thả gà cũng do doanh nghiệp chi trả nên chủ trại chăn nuôi giảm được chi phí và công thu gom, xử lý phế, phụ phẩm, chất thải.

Hiện nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của doanh nghiệp đạt công suất 200 tấn/ngày với thị trường tiêu thụ đã mở rộng trên cả nước. Doanh nghiệp đang tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi với mục tiêu nâng công suất lên 500 tấn/ngày, hướng đến thị trường xuất khẩu. “Mô hình này không chỉ ứng dụng với chăn nuôi gà mà có thể mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải trong chăn nuôi heo, giải quyết vấn đề rất lớn về môi trường hiện nay là xử lý chất thải trong chăn nuôi” – ông Tính khẳng định.

Phan Anh

 

Đà tăng của giá lợn hơi có dấu hiệu chậm lại

Nguồn tin: Lao Động

Sau khi “nhảy vọt” vài giá/ngày tại nhiều địa phương, đà tăng giá lợn hơi trên cả nước đang có xu hướng chậm lại, dù đã sát Tết Nguyên đán.

Thông tin từ các trang trại chăn nuôi, giá lợn hơi ngày cuối tuần đang có xu hướng giảm đà tăng, mức giá bình quân trên cả nước là 55.000 đồng/kg.

Tại các địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc đã tăng giá nhiều trước đó, giá lợn hơi không được điều chỉnh. Cụ thể, giá lợn hơi tại Hưng Yên vẫn neo ở mức 58.000 đồng/kg (Hưng Yên là tỉnh có giá lợn hơi cao nhất trên cả nước).

Tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Tuyên Quang, giá lợn hơi ổn định ở mức 57.000 đồng/kg. Trừ Vĩnh Phúc có giá 54.000 đồng/kg, các tỉnh miền Bắc còn lại bán lợn hơi với giá 56.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi bán ra ở mức từ 54.000-56.000 đồng/kg. Giá bình quân toàn khu vực tăng nhẹ khoảng 500 đồng/kg, ở mức 54.500 đồng/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi tăng nhẹ tại một vài địa phương, như: Bình Phước, An Giang, Bình Thuận tăng 2.000 đồng/kg; Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh tăng 1.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại giá ổn định.

Như vậy, ngày 22.1.2022, đà tăng của giá lợn hơi đã chậm lại. Tuy nhiên, sang tuần tới, giá lợn hơi có thể bật tăng trở lại và có thể sẽ cán mốc 65.000 đồng/kg khi nhu cầu trên thị trường tăng lên.

VŨ LONG

 

Trứng 'lạ' hút khách mùa Tết

Nguồn tin: VnExpress

Trứng gà 2 lòng đỏ, trứng vịt, trứng cút Omega 3 và DHA là những sản phẩm lần đầu có mặt ở thị trường Việt Nam dịp Tết Nguyên đán 2022.

Chị Hằng, một tiểu thương chuyên phân phối trứng ở quận 12 (TP HCM) cho biết, mùa Tết năm nay, ngoài các loại trứng gà vịt thông thường, chị có thêm trứng 2 lòng đỏ. Trứng này được bán với giá 5.000-6.000 đồng một quả (tuỳ loại), cao hơn 1.500-2.000 đồng so với trứng thường.

"Loại này giá cao nhưng cung không đủ cầu. Tôi chỉ giới thiệu trong một tuần đã được khách đặt hàng hết", chị Hằng chia sẻ.

 

 

Trứng gà 2 lòng đỏ (bên phải). Ảnh: Hồng Châu

Tương tự, trứng vịt và trứng cút Omega 3 và DHA của Vfood mới ra lò cũng được khách hàng săn lùng cho dịp Tết.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt (VFood) cho biết, công ty mất hơn 1 năm để nghiên cứu và nuôi thử nghiệm trứng cút, trứng vịt Omega 3 và DHA. Đây là sản phẩm lần đầu tiên có mặt trên thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022.

Trứng vịt này có lòng đỏ đậm màu giống trứng lòng đào. Hàm lượng Omega 3 và DHA tăng lên từ 3-5 lần so với trứng thường. Chúng có giá bán từ 36.000-38.000 đồng hộp 6 quả. Còn trứng cút Omega 3 và DHA có giá từ 34.000-39.000 đồng giỏ 20 quả.

"Mỗi ngày, chúng tôi cung ứng ra thị trường vài trăm nghìn trứng. Dù mới ra mắt, sức mua hàng tháng tăng đều 20-30%", ông Thiện nói.

 

 

Trứng cút Omega 3 & DHA tại trang trại VFood. Ảnh: Hồng Châu

Lý giải giá trứng cao hơn so với hàng thường, ông Thiện cho rằng, quá trình nuôi và sản xuất trứng dài ngày và phức tạp hơn so với trứng thường. Ngoài ra, chi phí các loại thức ăn đặc biệt về dinh dưỡng cho nhóm này thường cao hơn so với chim, vịt nuôi đẻ thông thường. Ngoài ra, sản phẩm được sử dụng bao bì hộp giấy và giỏ tre thân thiện hơn với môi trường để đóng gói nên chi phí đắt đỏ hơn.

Trong khi đó, với trứng gà 2 lòng đỏ, theo chị Hằng, giá cao vì chúng thuộc dòng quý hiếm. Trong một trăm, chỉ khoảng 10 con gà hoặc vịt đẻ loại trứng này. Để chọn được chúng, người nuôi phải dùng kỹ thuật soi đèn. "Loại này khá hiếm và kỳ công nên số lượng giới hạn. Chỉ vào dịp Tết, tôi mới đặt hàng trang trại để bán cho những khách hàng thân thiết", chị Hằng giải thích thêm.

Bên cạnh các dòng sản phẩm trên, thị trường còn có trứng gà Omega 3 và DHA cùng các loại trứng chim trĩ, trứng vỏ xanh... cũng đang được khách hàng săn lùng vào mỗi dịp Tết. Giá các sản phẩm này cao hơn loại thông thường khoảng 300%.

Thi Hà

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop