Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 25 tháng 06 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 25 tháng 06 năm 2022

 

Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Nguồn tin:  Nhân Dân

 

Mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn của gia đình ông Phạm Văn Loan, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Nông nghiệp tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế, đây là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Theo đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn thật sự là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Nhận thấy mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững, tỉnh Hà Nam đã và đang triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, trong đó có nông nghiệp tuần hoàn.

Chất thải không còn là nỗi lo

Chăn nuôi bò-trồng cây ăn quả-cây dược liệu là một trong những kiểu mô hình được nhiều hộ chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở Hà Nam áp dụng thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao vì đã tận dụng tốt nguồn chất thải, phế phụ phẩm để tái sử dụng nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với diện tích gần 30ha vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, trang trại của anh Đặng Xuân Nam, ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân đang vận dụng sáng tạo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo đó, chất thải của hơn 30 con bò sữa, thân cây sau thu hoạch, bã ép tinh dầu… được đưa vào ngâm ủ làm phân bón để trồng húng quế, ngô, cỏ voi. Khi được thu hoạch những cây trồng này quay trở lại thành thức ăn chính cho đàn bò. Theo anh Nam đánh giá, từ khi áp dụng mô hình, hiệu quả kinh tế gia đình thu được nâng lên rõ rệt. Mỗi năm, gia đình tiết kiệm được khoảng 40% chi phí mua phân bón cho sản xuất và xử lý gần như triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Còn tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Văn Loan đã tận dụng các phế phụ phẩm từ cây trồng, rơm rạ sau thu hoạch, thu gom về đốt bằng lò xây tự thiết kế để lấy tro bón cho cây trồng thay phân hóa học là kali. Đặc biệt, trong bối cảnh vật tư, phân bón nông nghiệp tăng cao, ông Loan còn chủ động liên kết các hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn trong thôn xin chất thải dư thừa đang có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường về xử lý bón cho cây trồng, trong đó có hơn 200 gốc nhãn. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng chi phí phân bón. Ngoài ra, để tận dụng triệt để mô hình tuần hoàn khép kín, ông còn nuôi thả ngỗng để dọn cỏ trong vườn, mỗi năm tiết kiệm thêm 40 triệu đồng tiền thuê làm cỏ. Tính ra, mô hình của ông Loan thu về từ 500-600 triệu đồng/năm, đồng thời, góp phần giảm ô nhiễm môi trường thôn, xóm. Ông Loan đánh giá: "Trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi thường bón phân hóa học (phân đạm) cho cây trồng, cây sẽ phát triển rất nhanh ở từng thời điểm nhưng lại có nhược điểm là dễ nhiễm sâu bệnh do cây không có sức đề kháng, vì thế phải sử dụng thuốc sâu rất nhiều, độc hại cho môi trường và người lao động. Đến giờ, tôi không dùng phân đạm bón cho cây thì gần như là không phải sử dụng thuốc sâu mà năm nào vườn cây cũng sai, đẹp, chất lượng lại rất tốt".

Nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ gắn kết các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, mỗi một đối tượng là một mắt xích trong chuỗi tuần hoàn, mục tiêu là giảm nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình hoạt động, chuỗi mắt xích này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp là nguyên liệu đầu vào cho mắt xích khác. Người nông dân tùy vào điều kiện sản xuất để lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi với quy mô phù hợp chuỗi vận hành.

Giải pháp phát triển bền vững

Tỉnh Hà Nam hiện có gần 400.000 con lợn; 37.000 con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con gia cầm. Nếu người chăn nuôi chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ qua phế phụ phẩm, lượng phát thải sẽ dẫn đến ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường sống. Nhận thức được điều đó, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn mà nhiều gia trại, nông hộ trong tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, đó là các mô hình: vườn-ao-chuồng-biogas; nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao"; nuôi bò-trồng cây dược liệu, cây ăn quả; sản xuất tổng hợp nuôi bò-nuôi trùn quế-trồng cỏ/ngô/cây ăn quả; gia cầm-cá… Các mô hình này, đã giúp người chăn nuôi quản lý tốt chất thải nông nghiệp, sử dụng hợp lý phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì nhiêu cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020 định hướng đến năm 2025, đến hết năm 2021, diện tích đất lúa chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 591,98ha, đạt 27,5% kế hoạch. Hiện nay, có nhiều hộ dân áp dụng mô hình "lúa-cá" vào sản xuất và đem lại nguồn thu nhập cao, nhất là ở các vùng trũng, hay ngập úng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa nay được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Kiểu mô hình tuần hoàn này được áp dụng khi nuôi cá trong ruộng lúa, phân của cá và thức ăn còn dư sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa, cùng với đó, cá giúp người lao động bớt được công làm cỏ sục bùn cho ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Ngược lại, khi gặt lúa xong, cá được thả vào ruộng, tận dụng gốc dạ, thóc rơi vãi trở thành thức ăn cho tôm, cá. Với mô hình này, đã tạo được vòng tuần hoàn khép kín luân canh gối vụ, hầu như cây trồng, vật nuôi không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Mô hình được triển khai rộng rãi trong thực tiễn đã giúp giảm được dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao được thu nhập gấp từ 5-10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nam Nguyễn Văn Thông cho biết: Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp phù hợp cho nông dân đặc biệt là với hộ sản xuất. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp các cấp chính quyền địa phương, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện đẩy mạnh tuyên truyền cũng như hướng dẫn để nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Để kinh tế nông nghiệp tuần hoàn được nhân rộng một cách bền vững, phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp vừa được tổ chức tại Hà Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho rằng: Phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học. Cần có các giải pháp như tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, các trung tâm khuyến nông tỉnh cần tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn cho người sản xuất, các chủ trang trại.

Bài và ảnh: ĐÀO PHƯƠNG

 

Gia Lai: Ia Rtô xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Vài năm trở lại đây, người dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi một số loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả là mục tiêu mà xã Ia Rtô hướng đến trong thời gian tới.

Cách quốc lộ 25 chừng 500 m, khu vườn rộng 2 ha của bà Phan Thị Dũng (thôn Đức Lập) bao trùm một màu xanh với đủ các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, bơ, quýt, ổi, mít… Trong đó, 2 loại cây trồng chủ lực là cam với 2.000 cây và bưởi khoảng 500 cây. Cũng trên mảnh đất ấy, trước đây, bà đã trồng điều, mía, thuốc lá nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2016, bà Dũng quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây ăn quả. Nhờ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và chăm sóc đúng quy trình, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt. Mảnh đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá trước đây không thích hợp với các cây công nghiệp ngắn ngày nhưng lại khá phù hợp với cây ăn quả. Thay vì sử dụng các loại phân hóa học, bà ưu tiên bón phân chuồng ủ mục nhằm tăng độ tơi xốp và cải tạo đất.

 

 

Nhờ sản xuất theo hướng an toàn sinh học, vườn cây ăn quả của gia đình bà Phan Thị Dũng (thôn Đức Lập) được thương lái đến tận nhà thu mua. Ảnh: Vũ Chi

Bà Dũng phấn khởi cho hay: “Sau 6 năm chuyển đổi, hiện tại, vườn trái cây tổng hợp mang lại thu nhập bình quân cho gia đình tôi trên 300 triệu đồng mỗi năm”. Cũng theo bà Dũng, trồng cây ăn quả vất vả nhất là giai đoạn xuống giống bởi sâu bệnh nhiều, đặc biệt là sâu vẽ bùa, rầy… nên cần theo dõi hàng ngày. Bà ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại. Do sản xuất sạch nên thương lái tìm đến tận vườn thu mua. Mục tiêu của gia đình là sản xuất theo hướng VietGAP để tạo thương hiệu, tăng uy tín với người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cách đó không xa, vườn trái cây rộng 3 ha của gia đình ông Lê Văn Minh (cùng thôn) cũng đã triển khai được 6 năm gồm 2.000 cây cam và 400 cây quýt. Theo ông Minh, cam và quýt có đặc điểm sinh trưởng gần giống nhau nên tiện cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Toàn bộ diện tích này trước đây ông trồng điều nhưng do giá cả bấp bênh nên thu nhập không cao. Sau khi đi tham quan một số vườn cây ăn quả ở tỉnh Đak Lak, ông đã quyết định đầu tư mua giống về trồng. Cây cam, quýt ưa khí hậu nóng ẩm, thích hợp với thời tiết tại khu vực chân đèo Tô Na nên phát triển tốt, cho năng suất 15 tấn/ha/năm.

Để đảm bảo nguồn trái cây cung cấp thường xuyên cho thị trường, ông Minh áp dụng kỹ thuật cho cây ra quả 3 vụ/năm. Hiện tại vào mùa nắng, hầu như cam không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Với giá trung bình 15.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 400 triệu đồng. “Tôi sử dụng 100% phân bón hữu cơ và các loại thuốc sinh học trong quá trình canh tác, đảm bảo trái cây sạch cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, mẫu mã sản phẩm chưa được như ý vì thường bị rám quả vào mùa nắng, chưa khắc phục được. Hy vọng sau khi xã có định hướng phát triển vùng cây ăn quả, các nhà khoa học về hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm”-ông Minh bày tỏ mong muốn.

Theo ông Lê Ngọc Long-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô: Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã năm 2021 khoảng 30 ha, gồm một số cây chủ lực như: cam, na dai, chanh dây, chuối... tập trung tại các thôn Tân Lập, Đức Lập. Sau một thời gian triển khai, các loại cây trồng này khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cộng với áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nên năng suất cây trồng đạt cao. Riêng với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều triển vọng để phát triển cây chùm ruột. Đây là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều vốn đầu tư và có thể tận dụng quỹ đất ngay tại vườn hoặc quanh nhà.

“Thời gian tới, xã định hướng xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả lên 50 ha, hướng dẫn các hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước hướng tới đăng ký sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, xã có khoảng 50 ha đất bên sông thường xuyên bị chia cắt, ngập nước vào mùa mưa. Chúng tôi đang vận động bà con bán lại hoặc cho thuê để nhà đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả tại đây, tránh lãng phí quỹ đất, lại tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô thông tin.

VŨ CHI

 

Sàn thương mại điện tử - Cơ hội mới cho xoài Ðắk Gằn

Nguồn tin: Báo Ðắk Nông

Xoài Ðắk Gằn là một trong số những sản phẩm đầu tiên của Ðắk Nông được chào bán trên sàn thương mại điện tử (STMÐT). Sau 3 tháng tham gia kênh bán hàng này, xoài Ðắk Gằn ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, có cơ hội để mở rộng thị trường.

HTX Thương mại - Dịch vụ xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) là đơn vị chủ trì đưa sản phẩm xoài lên STMĐT. HTX hiện liên kết với 220 hộ thuộc Hội xoài VietGAP Đắk Gằn để sản xuất xoài. Trong đó, có 70 hộ đã được cấp mã vùng trồng xoài.

HTX đang có vùng nguyên liệu xoài rộng tới 343 ha, đều đã được chứng nhận VietGAP. Năm 2021, sản phẩm xoài Đắk Gằn đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP hạng 3 sao.

 

 

Xoài Đắk Gằn đã được chứng nhận VietGAP với diện tích trên 340 ha

Hiện HTX có 5 loại sản phẩm xoài gồm: xoài Đài Loan xanh, xoài Đài Loan đỏ, xoài Thái Lan, xoài ba mùa và xoài Úc. Trong đó, xoài Đài Loan xanh và xoài Đài Loan đỏ đã được bán trên STMĐT.

Giá xoài Đài Loan xanh loại 1 từ 19.000 – 20.000 đồng/kg, xoài Đài Loan đỏ từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Theo bà Trần Thị Hà, Phó Giám đốc HTX, xoài Đắk Gằn được chào bán trên STMĐT từ tháng 3 năm nay.

STMĐT cho thấy hiệu quả quảng bá sản phẩm tăng rõ rệt. Nhiều đối tác và người tiêu dùng cũng biết đến Đắk Nông có vùng xoài Đắk Gằn rộng lớn, được chứng nhận VietGAP. Khách hàng đánh giá hình ảnh, mẫu mã, chất lượng xoài Đắk Gằn là rất tốt.

Cũng theo bà Hà, quá trình tham gia STMĐT cho thấy còn những hạn chế như: số lượng khách hàng đặt hàng còn nhỏ lẻ, HTX chưa có kinh nghiệm bán hàng hiện đại, chưa có chuyên gia phụ trách để chào bán hàng, khó khăn trong niêm yết giá...

Từ những hạn chế đó, HTX sẽ rút kinh nghiệm để từ mùa vụ sau bán nhiều sản phẩm trên STMĐT hơn. HTX sẽ cử người phụ trách trang điện tử để cập nhật giá cả, hình ảnh, mẫu mã, tư vấn, giải đáp các ý kiến của khách hàng kịp thời.

Hiện nay, HTX đang thống kê sản lượng các loại xoài, chất lượng, mẫu mã và quảng cáo trước để khách hàng biết. Điều này giúp khách hàng có kế hoạch đặt mua hàng của HTX sớm, bà con nông dân cũng chủ động sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Theo ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Gằn, Chủ tịch Hội xoài VietGAP Đắk Gằn, trước đây thương lái mua xoài cứ chọn quả đẹp và to chứ chưa quan tâm đến việc có được chứng nhận VietGAP hay không.

Trong khi đó, khách hàng và đối tác lên STMĐT thì rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nên giá bán cao hơn nhiều so với bán cho thương lái. Do đó, khi tham gia vào STMĐT sẽ mở ra cơ hội nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng xoài Đắk Gằn.

Về hướng phát triển, ông Lâm cho biết, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã và Hội xoài VietGAP Đắk Gằn định hướng cho bà con duy trì diện tích, không mở rộng thêm vùng trồng xoài.

Vì hiện nay, trên địa bàn xã đã có gần 1.000 ha xoài. Trong khi đó, một số xã lân cận của huyện Cư Jút cũng đang mở rộng diện tích xoài. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu.

Cũng theo ông Lâm, những năm gần đây, giá xoài xuống thấp, nên một số hộ dân có ý định chặt để trồng cây khác. Thế nhưng, địa phương đang khuyến khích, vận động bà con giữ vườn.

Bởi vì tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hàng hóa thông thương trở nên thuận lợi, nên kỳ vọng giá cả thị trường sẽ khởi sắc trở lại và xoài sẽ được giá hơn.

Thanh Nga

 

Thúc đẩy sản xuất và Thương mại bền vững cho hồ tiêu Việt Nam

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Sáng 22/6, Ban Chỉ đạo Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam về Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững cho hồ tiêu Việt Nam”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng chủ trì buổi làm việc. Tham dự còn có đại diện Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH); Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” được triển khai trong giai đoạn từ 2021 - 2023 do IDH, Hiệp hội Gia vị Châu Âu và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đồng thực hiện tại 3 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) cho khoảng 10.000 nông dân.

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi làm việc.

Dự án triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng hồ tiêu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu và Hoa Kỳ; tăng cường kiểm soát và giám sát hóa chất nông nghiệp trong chuỗi cung ứng hồ tiêu; tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu bền vững vừa và nhỏ và thúc đẩy áp dụng thực hành canh tác bền vững, tăng cường nguồn cung hồ tiêu đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, dự án triển khai cho hơn 10 nghìn nông dân; tăng 15% sản lượng hồ tiêu đạt mức dư lượng; 100% đại lý thuốc bảo vệ thực vật cam kết tăng 15% thu nhập cho nông dân; giảm 15% lượng nước tưới giúp an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng ghi nhận và đánh giá cao vai trò kết nối, hỗ trợ của tổ chức IDH, nhà tài trợ Liên minh Châu Âu và các công ty đã đồng hành hỗ trợ Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới sẽ cam kết huy động lồng ghép các nguồn lực thực hiện chương trình và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công ty liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, tổ chức thu mua sản phẩm cho người dân, đóng góp thiết thực cho thành công của chương trình và giúp tỉnh nhà xây dựng “Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk lắk vào năm 2025”.

Minh Thuận – Khánh Huyền

 

Nỗi buồn vụ lạc xuân

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Không khí những ngày chính vụ thu hoạch lạc tại các địa phương như chùng xuống vì lạc nhổ lên chỉ lưa thưa củ. Lạc vụ xuân này giảm cả về năng suất, chất lượng. Nguyên nhân chính là do thời tiết diễn biến bất thường.

Ảnh hưởng của thời tiết

Vụ lạc xuân 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang trồng 3.329,9 ha, trong đó có 1.843,3 ha trồng trên đất ruộng, còn lại là diện tích lạc trồng trên soi bãi; khoảng 60% diện tích sử dụng giống lạc L14, còn lại 40% diện tích là các loại giống khác. Hiện lạc đã bước vào vụ thu hoạch rộ, ngành chuyên môn đang kiểm tra, đánh giá năng suất bình quân toàn vụ. Tuy nhiên, theo ghi nhận ở các địa phương như: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Lâm Bình… thì năm nay lạc giảm cả về năng suất và chất lượng so với cùng kỳ các năm trước.

Vụ xuân ở xã Phúc Sơn (Lâm Bình) trồng 490 ha lạc, đến ngày 15-6 xã thu hoạch được hơn 120 ha. Ông Chẩu Văn Anh, Bí thư chi bộ thôn Bản Chỏn cho biết, vụ xuân này gia đình ông trồng 2.000 m2 lạc, từ đầu vụ đến cuối vụ, cứ đến những giai đoạn quan trọng trong thời kỳ phát triển của cây lạc như: ra hoa, làm hạt đến thời kỳ lạc chín đều gặp phải những trận mưa dài ngày gây úng nước, lạc bị đỏ vỏ, thối hạt. Ông Anh nói: “Cây lạc cần đất khô ráo, gia đình cũng đã đánh luống cao tạo rãnh thoát nước nhưng mưa kéo dài gây ngập úng thối hết rễ và củ. Nếu như vụ xuân năm 2021 gia đình tôi thu 8 tạ/1.000 m2 thì năm nay gia đình chỉ thu được 5 tạ/1.000 m2”. Vụ này thôn Bản Chỏn trồng 15 ha lạc chủ yếu trên đất ruộng, mưa lớn làm đa số diện tích lạc ngập úng. Theo người dân trong thôn vụ này năng suất lạc giảm một nửa so với vụ xuân năm 2021, bình quân đạt 5 - 6 tạ/1.000 m2.

Chung nỗi buồn, gia đình chị Đặng Thị Dự, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình chia sẻ, thành quả sau 4 tháng vất vả lao động, chăm sóc, vun xới nhưng các thành viên trong gia đình đều không vui bởi thửa ruộng 2.000 m2 này ước chỉ thu được 1,4 tấn lạc (năm ngoái đạt 1,8 tấn). Ngay đến thân cây dùng để làm thức ăn khô dự trữ phục vụ chăn nuôi gia súc cũng kém hơn với các vụ trước. Chị Dự cho biết: “Lạc giảm năng suất đã đành, do thời tiết giai đoạn thu hoạch không thuận lợi để phơi khô nên chúng tôi phải bán lạc tươi với giá 9.000 đến 11.000 đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi chưa có lãi vì chi phí sản xuất đầu vào như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhân công lao động đều tăng cao”.

Theo đánh giá sơ bộ của huyện Lâm Bình, đến ngày 16-5, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 400 ha/1.418 ha lạc; ước năng suất sẽ giảm khoảng 7 - 10 tạ/ha so với năm 2021.

Tại huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương cũng ghi nhận năng suất lạc xuân giảm 20 kg/sào so với cùng kỳ năm 2021. Cây lạc phát triển chậm, thu hoạch muộn hơn 7 - 10 ngày so với vụ xuân trước, cá biệt tại những ruộng trồng lạc ở điểm trũng, thấp, thoát nước không tốt đã làm cho lạc bị thối củ, gây thất thu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất giảm là do thời tiết vụ xuân diễn biến thất thường. Khi bắt đầu xuống giống gặp phải đợt rét và mưa lụt kéo dài khiến nhiều vùng xuống giống chậm so với lịch thời vụ.

Khó tiêu thụ

Ngoài việc năng suất lạc giảm, năm nay giá lạc tươi đầu vụ cũng giảm so với năm ngoái từ 1.000 - 2.000 đồng. Nếu như vụ xuân năm ngoái các thương lái vào tận ruộng thu mua lạc tươi thì năm nay lạc khó bán. HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn (Lâm Bình) hàng năm thu mua từ 300 - 500 tấn lạc cho người dân trong vùng, vụ xuân năm nay HTX không hoạt động. Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn cho biết, năm nay HTX không thu mua lạc về sấy khô bởi sản lượng và chất lượng lạc không đảm bảo yêu cầu từ phía đối tác. Thời điểm này, HTX dừng thu mua lạc, chuyển sang ngành nghề khác chỉ có vài tư thương thu mua lạc tươi cho người dân với số lượng hạn chế.

 

 

Người dân xã Thổ Bình (Lâm Bình) thu hoạch lạc xuân.

Bà Trần Thị Học, thôn Phia Lài, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) chuyên thu mua lạc cho biết, hiện gia đình chỉ thu mua lạc tươi loại A với số lượng bình quân hơn 1 tấn mỗi ngày, lạc chủ yếu chuyển về các tỉnh vùng xuôi tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn nên số lượng không nhiều.

Với việc lạc xuân có nguy cơ khó tiêu thụ thì người dân tại một số địa phương đã không bán lạc tươi mà chuyển sang phơi khô bán lạc nhân hoặc để ép dầu. Ông Quyền Văn Hoản, thôn Nà Giàng, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết, mấy năm trở lại đây, gia đình ông cũng như các hộ trong thôn bán lạc tươi tại ruộng cho thương lái đến thu mua, năm nay từ đầu vụ lạc, gia đình ông mới chỉ bán được có vài tạ lạc tươi, hiện gia đình đang thu hoạch gần 2.000 m2 lạc mang về phơi khô bán nhân hoặc bán cho các cơ sở ép dầu.

Ông Đặng Xuân Giang, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Trường Sinh (Sơn Dương) cho biết, với dây chuyền ép dầu lạc vừa được đầu tư, vụ xuân năm nay HTX vẫn tiến hành thu mua lạc của người dân theo giá thị trường, do sản lượng lạc trong huyện giảm, HTX đang mở rộng thu mua lạc nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh.

Vụ sản xuất đông xuân là vụ chính quyết định đến năng suất, tổng sản lượng cây trồng của cả năm. Sau vụ lúa xuân năng suất giảm, những ngày này, người dân trong tỉnh lại có thêm nỗi buồn lạc mất mùa, rớt giá... Hiện các ngành chức năng khuyến khích người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch diện tích lạc, chuyển trọng tâm sang sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất để vụ mùa tới đạt kết quả cao.

Bài, ảnh: Cao Huy

 

Đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk nuôi thỏ ngoại nhập để thoát nghèo

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trong bối cảnh giá cả các loại cây trồng bấp bênh, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã chuyển hướng sang chăn nuôi thỏ ngoại nhập. Hiện nay, mô hình này đang phát huy được hiệu quả, từng bước giúp nhiều người dân nơi đây ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

 

 

Nhiều nông dân ở xã Ea Tam đã phát triển mô hình chăn nuôi thỏ ngoại nhập. Ảnh: P.T.

Nuôi thỏ ngoại nhập

Hơn 30 năm trước, gia đình anh Hoàng Văn Lẹo (SN 1978) rời quê hương Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) vào mảnh đất Ea Tam, huyện Krông Năng lập nghiệp.

Đến với quê hương thứ 2, gia đình anh Lẹo trồng cà phê, cây ăn quả và chăn nuôi gà, vịt, bò. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cả các mặt hàng nông sản này bấp bênh, diện tích đồng cỏ chăn nuôi dần bị thu hẹp. "Cái khó ló cái khôn", anh Lẹo đã tìm tòi, học hỏi mô hình nuôi thỏ.

Năm 2019, anh quyết định đầu tư chuồng trại nuôi thử nghiệm 50 con thỏ New Zealand, số vốn đầu tư ban đầu gần 50 triệu đồng. Lúc này, anh Leo tự lên mạng internet mày mò, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, anh Lẹo cũng tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân các cấp tổ chức.

Nhờ đó, anh Leo đã xây dựng được chuồng trại đúng kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường và cách phòng chữa bệnh hiệu quả cho thỏ.

Đến nay, mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Leo đã có trên 100 con. Trong đó, có 20 con thỏ giống và trên 50 thỏ thương phẩm. Trung bình thỏ cái nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh từ 6 - 7 lứa, mỗi lứa từ 6 - 7 con. Sau 3 tháng trở lên, thỏ đạt trọng lượng khoảng 2,5kg là có thể xuất bán với giá thị trường dao động khoảng 70 - 75 ngàn đồng/kg.

Trung bình mỗi tháng từ bán thỏ thương phẩm và thỏ con giống, gia đình anh Lẹo lãi hơn 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Anh Lẹo cho biết: “Nuôi thỏ New Zealand rất thuận lợi. Thức ăn thì trong tự nhiên có sẵn như các loại cỏ, rau đậu, cám… Hiện nay, bà con ở địa phương có thể tự nhân giống thỏ New Zealand để mở rộng quy mô sản xuất”.

Tương tự, trong một lần tình cờ xem trên tivi về mô hình nuôi thỏ New Zealand, anh Ngôn Văn Thoan (SN 1987), trú thôn Tam Thanh đã mua 10 con thỏ mẹ về nuôi thử nghiệm.

Sau một thời gian ngắn, anh Thoan nhận thấy giống thỏ này có nhiều ưu điểm như: Dễ nuôi, ít dịch bệnh, nếu có bệnh cũng dễ chữa trị. Trong đó, quan trọng nhất là việc nuôi thỏ New Zealand có số vốn đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế mang lại tương đối khá.

Do đó, cuối 2019, anh Thoan quyết định mua hơn 100 con giống về chăn nuôi quy mô lớn. Sau nhiều lần nhân giống, xuất bán, đến nay tổng số đầu thỏ của gia đình anh đã lên tới hơn 200 con. Trong đó, có hơn 25 con thỏ sinh sản. Trung bình mỗi tháng, anh Thoan xuất bán ra thị trường gần 5 tạ thỏ thương phẩm.

"Với ưu điểm thịt thơm ngon nên giống thỏ này được khách hàng rất ưa chuộng, tư thương đến tận nhà để thu mua. Mỗi tháng, người nông dân như anh Thoan nhẹ nhàng đút túi từ 10 - 15 triệu đồng. So với nuôi lợn, gà thì nuôi thỏ lãi hơn nhiều vì có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Điều quan trọng nhất hiện nay nhu cầu sử dụng thịt thỏ trên thị trường khá cao" - anh Thoan cho biết.

Thành lập tổ chăn nuôi thỏ

Theo bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng cây cà phê. Những năm gần đây thì trồng thêm một số cây trồng có giá trị khác như, bơ, sầu riêng, dỗi…

Về chăn nuôi, trước đây, bà con nông dân trên địa bàn xã chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò... Thế nhưng, hiện nay, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp nên người dân ít chăn nuôi hơn.

Trong bối cảnh đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường.

“Hiện nay, nghề nuôi thỏ phát triển rất khả quan vì tiết kiệm được chi phí do tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có. Trên địa bàn xã hiện có gần 100 hộ nuôi thỏ. Mới đây, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi thỏ với 14 thành viên. Việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp này nhằm tạo mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi, giúp đỡ nhau về con giống và kỹ thuật nuôi, chăm sóc thỏ…” - bà Trang cho biết.

PHAN TUẤN

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop