Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 26 tháng 01 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 26 tháng 01 năm 2022

 

Trái cây tạo hình rời vườn đón tết

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trái với dự tính ban đầu của nhiều nhà vườn, hiện nay các loại trái cây tạo hình hút hàng khi bước vào cao điểm tết. Tuy nhiên, nguồn cung lại khan hiếm.

 

 

Nông dân Bùi Văn Thức linh hoạt cho ra thị trường combo “ngũ quả” phục vụ nhu cầu chưng tết.

Trái cây tạo hình hút hàng

Nhiều năm nay, sản phẩm trái cây tạo hình của Hậu Giang đã vang danh khắp nơi. Qua bàn tay khéo léo, khả năng sáng tạo, nông dân Hậu Giang đã không ngừng cải tiến mẫu mã để cho ra thị trường những trái lạ, kiểu dáng độc đáo, bắt mắt phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán hàng năm.

Huyện Châu Thành được xem là nơi có sản lượng trái cây lớn nhất tỉnh, đồng thời cũng là nơi “khai sinh” ra trái bưởi hồ lô trứ danh hàng chục năm nay. Qua bàn tay khéo léo của những nông dân đã cho ra đời sản phẩm xoài thư pháp, đào tiên hồ lô, dưa hấu thỏi vàng... phục vụ nhu cầu chưng tết, biếu, tặng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, sản lượng trái cây tạo hình mà nông dân sản xuất giảm mạnh.

Từ loại trái thông thường, giá trị kinh tế không cao, ông Võ Hồng Quốc, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, đã tìm hiểu, học hỏi và biến quả đào tiên đơn thuần thành đào tiên hồ lô in chữ vang danh trên thị trường nhiều năm nay. Tuy nhiên, ban đầu do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng ông Quốc tạo hình giảm 50% so với năm trước.

“Năm nay, tôi chỉ làm khoảng 250 trái đào tiên hồ lô. Nhưng đến lúc này, nhu cầu thị trường lại hút hơn và có khả năng cung không đủ cầu. Tới ngày 18 tháng Chạp, tôi đã thu hoạch bán khoảng 1/2 lượng trái đào hồ lô trong vườn. Giá bán vẫn tương đương với các năm trước. Chất lượng trái tốt, mẫu mã đẹp hơn do thời vụ thuận lợi”, ông Quốc cho biết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nếu tết năm trước, toàn huyện có khoảng 5.700 trái tạo hình, thư pháp phục vụ thị trường thì năm nay số lượng giảm đáng kể. Theo thống kê của địa phương đến thời điểm đầu tháng 1, toàn huyện có khoảng 1.500 trái tạo hình các loại, trong đó có khoảng 500 trái bưởi tạo hình, 80 trái đu đủ thư pháp, 250 trái đào tiên hồ lô, 500 trái xoài thư pháp và 200 trái dừa chưng tết. Riêng bưởi hồ lô tạo hình và đu đủ thư pháp đã hết hàng từ đầu tháng 1.

Theo ông Nguyễn Văn Trương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, lượng trái cây tạo hình mà nông dân sản xuất trên địa bàn giảm gần một nửa so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà con thận trọng cân nhắc số lượng khi tạo hình trái. Tuy nhiên, theo khảo sát, tới thời điểm này trái cây tạo hình rất hút hàng, nhiều nhà vườn không đủ nguồn cung ứng cho thị trường.

Không ngừng học hỏi, đổi mới

Xoài cát hồng Vĩnh Trung, ở huyện Vị Thủy, đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hợp tác xã hiện có 11 thành viên chính thức. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, toàn hợp tác xã sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 10 tấn xoài cát hồng và xoài Đài Loan.

Để đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, ngoài trái xoài thông thường, năm nay anh Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát hồng Vĩnh Trung, ở xã Vĩnh Trung, thử tạo hình in chữ thư pháp trên trái xoài cát hồng. Để tạo ra một sản phẩm nông sản mang tính nghệ thuật, người nông dân này đã bỏ nhiều tâm huyết, tìm tòi, học hỏi với mong muốn trong tương lai sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo, kiểu dáng bắt mắt.

Anh Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã Xoài cát hồng Vĩnh Trung, cho biết: “Việc thử nghiệm xoài cát hồng thư pháp là một trong những hướng đi mới. Tôi tuyển chọn những trái to, da đẹp, kích cỡ đồng đều để bao trái. Do đây là năm đầu tiên thử nghiệm nên số lượng không nhiều. Riêng trái xoài thông thường, đợt tết này toàn hợp tác xã sẽ cung ứng khoảng 10 tấn trái phục vụ thị trường.

Anh Nhàn cho rằng đợt dịch Covid-19 vừa qua là thách thức với nông dân, cũng đồng thời tạo ra cơ hội thích ứng mới. Qua đây có thể thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và xây dựng sản phẩm theo hướng an toàn, tiêu chuẩn và liên kết sản xuất hàng hóa. Hợp tác xã sẽ tiếp tục tìm lối đi cho trái xoài theo hướng chế biến để đa dạng sản phẩm phục vụ thị trường; thích ứng linh hoạt, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào quản lý và sản xuất.

Mỗi sản phẩm tạo hình là một nghệ thuật. Người làm ra nó là những nông dân linh hoạt, sáng tạo, khéo léo với năng khiếu thẩm mỹ cao. Tiên phong khai sinh ra trái xoài thư pháp ở huyện Châu Thành, năm nay nông dân Bùi Văn Thức, ở ấp Phú Hòa, xã Đông Phú, tiếp tục cho ra đời những trái xoài in chữ thư pháp tài lộc, chào 2022, phát lộc, phát tài; xoài thư pháp in hổ, biểu tượng của năm Nhâm Dần…

Anh Thức chia sẻ: “Năm nay, do lo ngại đầu ra trong mùa dịch nên ban đầu chỉ tạo hình cho khoảng 500 trái. Nhưng cận tết, nguồn cung không đủ, thương lái đặt hàng thêm khoảng 700 trái xoài thư pháp nên tôi mới bổ sung thêm”.

Chưa dừng lại ở đó, năm nay nông dân Bùi Văn Thức còn linh hoạt cho ra thị trường combo ngũ quả “Mãng cầu vàng, dừa, đu đủ và xoài, sung… đều tạo dấu ấn thư pháp”. Toàn bộ những loại trái này đều được anh Thức tuyển chọn với chất lượng, kiểu dáng đạt tiêu chuẩn riêng. Hiện nay, combo được bán theo đơn đặt hàng với giá khoảng 600.000-700.000 đồng.

Có thể thấy, với sự đổi mới không ngừng về chất lượng, mẫu mã trái cây tạo hình, nông dân Hậu Giang còn thể hiện sự thích ứng nhanh chóng với diễn biến của thị trường; khẳng định được vị thế của nông sản nói chung và trái cây tạo hình của Hậu Giang nói riêng.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

 

Nông dân trồng ổi gặp khó vì giá giảm kéo dài

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Liên tục trong nhiều tháng qua, giá nhiều loại ổi tại vùng ÐBSCL đã bị giảm hơn 50% so với trước đây và có giá bán ở mức rất thấp, khiến nhiều người trồng ổi bị lỗ vốn nặng.

 

 

Thu hoạch ổi tại một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… ổi lê (ổi Ðài Loan) được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây với giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, còn ổi nữ hoàng có giá 3.000-4.000 đồng/kg. Riêng giá ổi Ruby ở mức 5.000-6.000 đồng/kg.

Theo hộ dân trồng ổi, khoảng 3 tháng qua, giá ổi không chỉ bị giảm thấp mà nhiều thời điểm còn khó tiêu thụ, tiểu thương không thu mua kịp thời nên ổi bị hư hao và thất thoát rất nhiều, từ đó nông dân không có lời, thậm chí bị lỗ vốn nặng. Ngoài ra, nông dân còn gặp khó khi giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào đã tăng rất cao, đồng thời giá thuê mướn nhân công để chăm sóc và thu hoạch ổi cũng tăng. Ðể có trái ổi đảm bảo chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện hầu hết nông dân trồng ổi đều áp dụng biện pháp bao trái. Tuy nhiên, giá thuê nhân công lao động để bao trái và thu hoạch trái ổi đã tăng mạnh từ mức 20.000 đồng/người/giờ hiện lên ở mức từ 25.000 đồng/người/giờ trở lên, tùy nơi. Còn giá mua túi nylon chuyên dụng để bao trái ổi hiện cũng ở mức khá cao so với trước, với từ 46.000 đồng/kg

trở lên.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Ðạ Huoai (Lâm Đồng): Chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa, đậu quả

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ðạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) là địa phương có diện tích trồng cây điều khá lớn (khoảng 7.488 ha); những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng loại cây trồng này. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp huyện đã có những biện pháp hướng dẫn, khuyến cáo để các nông hộ chủ động chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa, đậu quả.

 

 

Chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa, đậu quả luôn được huyện Đạ Huoai chú trọng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đạ Huoai, thời điểm cây điều ra hoa, đậu quả (từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau) thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa, nắng nóng thất thường, sương mù gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Ở một số nơi trên địa bàn, cây điều rụng lá, ra chồi non muộn và không đều, tỷ lệ ra chồi non mới đạt từ 10 - 20%.

Nhằm đảm bảo năng suất điều niên vụ 2022 bình quân toàn huyện đạt 12,27 tạ/ha; Phòng NN&PTNT, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã có những hướng dẫn kịp thời cho nông dân. Đó là, cần tuân thủ kỹ thuật tỉa thưa, tỉa cành tạo tán 2 lần/năm, do điều là cây ra hoa đầu cành nên năng suất hạt tỷ lệ thuận với diện tích tán lá được chiếu sáng và mật độ chồi hoa. Việc tỉa thưa, tỉa cành tạo tán và bón phân cho cây điều là giải pháp kỹ thuật quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, góp phần nâng cao năng suất cây điều. Mặt khác, nông dân phải chủ động bón phân 2 đợt/năm và tiêu diệt sâu bệnh, giúp cây sinh trưởng khỏe. Đồng thời, tăng cường kích thích cây điều ra hoa, kéo dài chùm hoa, chống rụng hoa, rụng trái non và phòng, trừ sâu bệnh. Theo Phòng Nông nghiệp huyện, khi có 70% số cây trong vườn ra hoa, 60 - 70% số bông ra hoa trên cây và khi bông điều vừa ra khoảng 5 - 10 cm, nông hộ cần chú ý phun Boroca + Hợp trí HK 7-5-44 + Cyrux 25EC + Tiltsuper 300EC (250g Boroca + 500g HK 7-5-44 + 180ml Cyrux 25EC + 120 ml Tiltsuper 300EC/200 lít nước). Từ đó, giúp tăng sức sống hạt phấn, chùm hoa lớn, hoa tươi lâu, kéo dài thời gian thụ phấn, hoa có nhiều tuyến mật ngọt, thu hút côn trùng đến thụ phấn giúp hoa đậu nhiều trái hơn, phòng một số sâu bệnh hại trên bông và trái non.

Ông Phạm Quang Chiến - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết: Chỉ khi cây điều được tỉa cành, tạo tán thông thoáng, được bón phân đầy đủ, cân đối làm cho cây khỏe mạnh, cùng với chế độ chăm sóc tốt giai đoạn ra hoa, đậu quả (theo đúng quy trình kỹ thuật 5 bước phun xịt chính và phun bổ sung khi gặp thời tiết bất lợi, áp lực sâu bệnh tăng) thì cây điều mới khỏe mạnh và có khả năng giảm thiểu tác động của thời tiết bất lợi, sâu bệnh hại, bảo vệ năng suất niên vụ điều năm 2021 - 2022.

Ngoài hướng dẫn các kỹ thuật cho người trồng điều ở địa phương, UBND huyện Đạ Huoai đã có kế hoạch chăm sóc cây điều, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn phải tích cực vào cuộc vận động Nhân dân tích cực thực hiện thâm canh chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa đậu quả, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng để Nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cây điều, bảo đảm năng suất trong năm 2022. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu, tích cực thực hiện tốt việc ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa đậu quả để làm nhân tố đột phá trong tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng thực hiện. Cơ quan chuyên môn bổ sung quy trình kỹ thuật chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa đậu quả phù hợp với điều kiện thời tiết bất lợi và áp lực sâu bệnh hại ngày càng gia tăng để hướng dẫn nông dân thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một nông dân trồng điều trên địa bàn chia sẻ, trong những năm qua, được sự hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Nông nghiệp huyện một cách kịp thời, nhất là trong giai đoạn ra hoa, đậu quả, vườn điều của gia đình ông năm nào cũng cho năng suất, chất lượng tốt. Qua đó, ổn định thu nhập hằng năm, thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển.

Xã Đoàn Kết, xã Đạ Ploa và thị trấn Đạ M’ri là nơi có diện tích trồng cây điều khá lớn của huyện với tổng diện tích trên 3.735 ha. Những tháng vừa qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa, đậu quả. Ông Nguyễn Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thông tin rằng, trong những tháng vừa qua, địa phương đã chú trọng đến việc chăm sóc cây điều, nhiều nông hộ đã được hướng dẫn kịp thời. Qua đó, đã cung cấp thêm kỹ thuật cho nhà nông, đảm bảo năng suất, chất lượng cho vụ điều năm 2022.

Là một loại cây trồng có diện tích lớn của huyện Đạ Huoai, vừa là cây trồng chủ lực của một số địa phương trong huyện; việc hướng dẫn kịp thời về kỹ thuật chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa, đậu quả đã giúp nông hộ có thêm kiến thức để cây điều đạt năng suất, chất lượng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ĐỨC TÚ

 

Tiền Giang: Tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sả

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Cây sả không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập đáng kể cho người dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để cây sả có đầu ra ổn định phải có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

 

 

Huyện tập trung tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sả.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, việc sản xuất và tiêu thụ cây sả trên địa bàn huyện hiện còn khó khăn. Trong năm 2021, tính theo lũy kế, toàn địa bàn có trên 2.800 ha đất canh tác cây sả với sản lượng thu hoạch ước đạt gần 42.150 tấn; trong năm 2022, diện tích trồng sả của địa phương dự kiến còn khoảng 2.700 ha, chủ yếu tập trung vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Mặt khác, phần lớn quy mô sản xuất của các hợp tác xã còn nhỏ, lẻ, hầu hết chỉ tập trung ở khâu sản xuất. Hệ thống phân phối cây sả còn nhiều bất cập, chủ yếu tiêu thụ theo kênh phân phối truyền thống qua nhiều tầng nấc trung gian. Các sản phẩm chế biến từ cây sả số lượng và quy mô sản xuất còn nhỏ.

Để phát triển bền vững loại cây trồng chủ lực này, ngoài việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thì một trong những vấn đề được địa phương quan tâm hàng đầu chính là ổn định đầu ra sản phẩm; do đó giải pháp quan trọng hàng đầu mà huyện Tân Phú Đông hướng đến chính là việc tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây sả. Ông Lê Thanh Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tân Phú Đông cho biết: "Để bảo đảm cây sả có đầu ra ổn định, người dân sản xuất hiệu quả, UBND huyện thống nhất Đề án Đầu tư phát triển chuỗi trồng, chế biến tinh dầu sả trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu sạch, sản xuất an toàn, hữu cơ, đồng thời, kêu gọi, gắn kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học tập huấn người dân canh tác; tiến hành ký kết bao tiêu sản phẩm. Song song đó, trong quy hoạch diện tích đất sản xuất, huyện cũng tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các giống cây trồng không hiệu quả sang cây trồng hiệu quả hơn. Huyện cũng từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng để người dân yên tâm sản xuất…".

Bên cạnh đó, huyện Tân Phú Đông cũng đang phối hợp các ngành thực hiện Dự án "Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang", nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cây sả, tận dụng tối đa nguồn phế liệu, phụ liệu nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Lê Cao

 

Bám ruộng làm giàu

Nguồn tin:  Báo Thái Nguyên

 

Vườn bưởi với 250 gốc của gia đình ông Vi Văn Khánh đã sẵn sàng để cho thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

“Trong khi nhiều nông dân bỏ ruộng, dời quê về thành phố, hoặc đến các khu công nghiệp tìm vận may đổi đời, thì ông Vi Văn Khánh, ở xóm Là Dương, xã Lâu Thượng (Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) kiên quyết “bất ly hương”. Ông đã bám ruộng làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương, trở thành một trong những tấm gương hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện...” - ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng tâm đắc chia sẻ.

Đang vào những ngày cuối Đông, nhưng khu vườn của gia đình ông Khánh sáng tươi với 2 màu chủ đạo: Vàng của bưởi và ổi chín, cùng sắc xanh của cây thuốc lá. Có mặt tại vườn, ai nấy như "lây" niềm vui được mùa với một gia đình nông dân chất phác. Bằng sự cần cù chịu khó, khu vườn của ông luôn tràn đày sức sống, 4 mùa mang lại cơm no, áo ấm cho gia đình.

Tay nâng quả bưởi mọng tròn, ông Khánh rủ rỉ: Toàn bộ 250 gốc bưởi, hơn 100 gốc ổi đang cho quả trong vườn đều được tôi mua ở Trại giống cây trồng Trung ương Khoái Châu (Hưng Yên). Để vườn cây ăn quả đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt, tôi áp dụng trồng, chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, nhờ vậy tỷ lệ sống là 100%. Toàn bộ cây trong vườn đều có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, bắt đầu cho thu hoạch quả và được bán vụ thứ 2.

Với người làm vườn như ông Khánh - đất đai là vốn liếng sinh lời. Nên việc dành đất, chọn loại cây ăn quả để trồng là cả một trăn trở lớn. Bởi mỗi cây trồng đặt xuống “tấc vàng” đều được chăm bẵm bằng cả niềm hy vọng thay đổi cuộc sống. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều hội viên nông dân trong xã Lâu Thượng mộc mạc: Ở địa phương, ông Khánh là một trong những nông dân dám nghĩ, dám làm, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do cơ quan chức năng tổ chức. Ông cũng là người chịu đầu tư, luôn đi đầu trong việc lựa chọn, đưa các loại cây ăn quả được địa phương khuyến khích, vận động mang trồng trên đất vườn bãi của gia đình. Nhiều loại cây trồng trên khu vườn của ông được coi là mô hình điểm của địa phương.

Nói về điều này, ông Khánh bộc bạch: Khó khăn nhất đối với người nông dân là đầu ra cho sản phẩm. “Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Trước khi trồng bưởi và ổi trên đất này, tôi đã mất hơn 20 năm để trồng các loại cây: Mơ lai, hồng không hạt, vải lấy quả… Mô hình vườn cây ăn quả của gia đình tôi thường xuyên được hội viên nông dân ghé thăm học tập, nhưng phải phá bỏ ngay sau đó ít năm vì ở địa phương có nhiều người cùng trồng. Các loại cây ăn quả đều cho sản lượng cao, song không có người ăn, đành chặt bỏ chuyển đổi sang trồng cây khác.

 

 

Ông Vi Văn Khánh (ngồi giữa) trao đổi cùng bà con nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây thuốc lá.

Rồi ông dừng lời, nhìn ra khu vườn trước nhà. Còn tôi biết trong ông đang có một sự xáo trộn vô hình. Bởi mỗi 1 loại cây ăn quả khi đặt bầu xuống đất là gửi gắm theo bao niềm hy vọng, nên khi phải chặt bỏ sao tránh được mất mát. Ông chia sẻ: Để chắc ăn, tôi không dành hết đất của mình trồng cây ăn quả, mà để trồng cây thuốc lá truyền thống của địa phương và cấy lúa lấy lương thực nuôi sống gia đình.

Ông xăm xắn đưa chúng tôi đi giữa hàng bưởi và ổi đầy quả chuẩn bị “lên sàn” rao bán dịp Tết Nguyên đán 2022. Đến cuối vườn, ông mau mắn mở cánh cổng gỗ tạm, rồi đưa chúng tôi ra cánh đồng liền kề. Nhìn chân rạ mục ẩm, ông Khánh nói vui: “Nhất nông, nhì sĩ”, với 20 sào ruộng cấy 2 vụ, gia đình tôi gặt được 4 tấn thóc. Nhưng thóc để xát gạo ăn và phục vụ chăn nuôi, còn tiền dư chủ yếu từ cây thuốc lá. Lá thuốc có thể bán tươi, hoặc bán sau khi đã sao sấy khô cho các nhà máy. Với gần 25 sào đất trồng cây thuốc lá vụ xuân và vụ đông, do chăm sóc đúng quy trình sản xuất an toàn, tôi thu hái được gần 4 tấn/năm. Cá biệt có năm tôi thu hoạch được gần 5 tấn lá thuốc. Thóc gạo không lo ế ẩm, còn thuốc lá làm ra được người đại diện của nhà máy về thu mua, với giá ở thời điểm đầu tháng 1-2022 là 50.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của gia đình đạt 250 triệu đồng/năm.

Không chỉ chăm lo làm giàu cho mình, ông Khánh còn tích cực giúp đỡ các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn về kỹ năng làm vườn; vốn vay mua giống cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Nhờ ông giúp đỡ, nhiều gia đình hội viên nông dân ở xã Lâu Thượng đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống kinh tế gia đình ổn định.

Ngọc Chuẩn

 

Đak Pơ: Nông dân trồng cỏ nuôi bò cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Trước đây, chị Đinh Thị H’Nghêng (làng Bung Bang Hven, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) nuôi bò theo hình thức chăn thả tự nhiên. Hiện nay, diện tích đất trống không còn nhiều nên chị chuyển sang nuôi nhốt.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, chị dành 1 sào đất để trồng cỏ. Chị chia sẻ: “Nhờ trồng cỏ nên gia đình chủ động được nguồn thức ăn cho bò. Đàn bò phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn chăn thả tự nhiên. Thấy nguồn thức ăn được đảm bảo, tôi mua thêm bò về nuôi. Mới đây, tôi bán 2 con được 40 triệu đồng. Số còn lại tôi tiếp tục nuôi để cho sinh sản”.

Tương tự, chị Đinh Thị Bler (làng Jro Dơng, xã Yang Bắc) cũng đã tận dụng 300 m2 đất vườn và các bờ lô đất rẫy để trồng cỏ nuôi bò. “Đến nay, gia đình tôi có 5 con bò. Thời gian tới, tôi sẽ chuyển đổi một số diện tích đất trồng mì sang trồng cỏ để mở rộng chăn nuôi”-chị Bler nói.

 

 

Chị H’Nghêng đã cải thiện được thu nhập nhờ trồng cỏ chăn nuôi bò. Ảnh: Nhật Hào

Ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-cho biết: “Trong những năm qua, xã vận động người dân tận dụng đất đồi, đất ven đường đi, chuyển đổi những diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò. Diện tích trồng cỏ của xã tăng lên đến 39 ha, gồm các giống cỏ VA06, cỏ voi. Đến nay, đàn bò của xã tăng lên 2.881 con, trong đó có 2.162 con bò lai”.

Phong trào trồng cỏ nuôi bò cũng được nhân rộng tại xã Tân An. Chủ tịch UBND xã Lê Kim Ngọc cho hay: “Người dân tận dụng quỹ đất sản xuất bị bạc màu hoặc cải tạo vườn tạp để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò. Tổng diện tích trồng cỏ của xã hiện nay là 69 ha. Ngoài trồng cỏ, các phụ phẩm nông nghiệp cũng được người dân tận dụng nhằm giảm chi phí chăn nuôi. Đến nay, đàn bò của xã lên đến 2.946 con, trong đó, bò lai chiếm 97,1%. Nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo”.

Trao đổi với P.V, bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-cho biết: “Đến nay, diện tích trồng cỏ toàn huyện là 562 ha, đàn bò gần 16.000 con, trong đó, bò lai chiếm 88,5%. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân tận dụng đất đồi, đất ven đường đi, chuyển đổi những diện tích trồng màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi”.

NHẬT HÀO - TUYẾT MAI

 

Lâm Đồng: Gà ‘tiến vua’ trên đất Đạ Tẻh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Gà Đông Tảo từng được biết đến là sản vật “tiến vua” của đất Hưng Yên; đến nay một số hộ dân trên địa bàn thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã thành công với loại gà nổi tiếng này. Dịp Tết Nhâm Dần 2022, hầu như các hộ nuôi gà Đông Tảo đều “cháy hàng” khi được người mua săn đón.

 

 

Gà “tiến vua” được nuôi trên đất Đạ Tẻh

Là một trong những người đầu tiên nuôi gà Đông Tảo ở Đạ Tẻh, chị Nguyễn Thị Hằng (Tổ dân phố 4A, thị trấn Đạ Tẻh) cho biết rằng hơn 200 con gà thương phẩm của gia đình đã được khách hàng đặt hết trong dịp Tết cổ truyền này. Điều đặt biệt là các thương lái ở tỉnh Bình Phước, Đồng Nai đã đến địa phương và đặt hàng số lượng lớn.

Chị Hằng tâm sự rằng chị bén duyên với nuôi gà Đông Tảo từ 3 năm trước, khi đó chị mua một ít con giống thuần chủng tại tỉnh Hưng Yên. Thời gian đầu gà sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng khó khăn nhất là quá trình ấp nở, vì đôi chân ngoại cỡ của gà mẹ thường xuyên giẫm vỡ trứng. Nếu cho gà ấp nở tự nhiên thì tỷ lệ chỉ đạt khoảng 10%. Từ đó, chị đầu tư một máy ấp trứng mini để phục vụ nhu cầu chăn nuôi cho gia đình, tỷ lệ ấp nở bằng máy cho kết quả thành công trên 90 %. Đến nay, gia đình chị Hằng đã có khoảng 30 gà giống bố mẹ Đông Tảo, trong năm chị thường xuyên cung cấp giống cho các hộ dân ở địa phương nhất là nhu cầu nuôi để phục vụ Tết của các gia đình.

Theo một số hộ chăn nuôi gà Đông Tảo tại địa phương thì việc nuôi giống gà này cũng không phải là khó khăn vì thức ăn chủ yếu là cám gạo, ngô, chuối cây thái lát; bổ sung thêm vitamin và giá đỗ để kích thích sự tăng trưởng. Ngoài ra, gà Đông Tảo rất mẫn cảm với dư tồn của thuốc bảo vệ thực vật nên cần phải nấu chín các loại thức ăn. Theo đó, thức ăn như ngô, cám gạo phải nấu chín để giúp gà dễ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn. Nước uống phải thật sự sạch và bố trí cao ráo. Còn riêng phần nền thì phải sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý triệt để mùi hôi và các loại vi khuẩn, nấm mốc.

Phần giữ giống thuần chủng cho gà Đông Tảo thì một số hộ chăn nuôi chia sẻ rằng phải trải qua một quá trình chọn lựa, sàng lọc rất kỹ càng. Thông thường nuôi theo tỷ lệ 1 gà trống, 4 gà mái và số gà giống này phải có một khu vực nuôi nhốt riêng. Tuyệt đối không nuôi chung với gà thương phẩm và các giống gà khác.

Hiện nay, giá bán của gà Đông Tảo tại Đạ Tẻh là 200 nghìn đồng/1kg. Trung bình một con gà thương phẩm nặng từ 3,5 kg đến 4,5 kg. Hầu hết sản phẩm đều được các thương lái đặt hàng với số lượng lớn từ trước đó. Theo chị Hằng, nếu nuôi 200 con gà Đông Tảo trừ hết mọi chi phí có thể thu từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Đạ Tẻh cho biết: Hiện nay trên địa bàn đã có một số hộ dân nuôi gà Đông Tảo để phục vụ cho thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán nhưng đa phần quy mô còn nhỏ lẻ. Hiện nay ngành nông nghiệp của địa phương cũng đang nghiên cứu về mô hình nuôi gà Đông Tảo để đánh giá về hiệu quả mang lại, nhất là mức độ thuần chủng của giống.

ĐỨC TÚ

 

Tập trung phát triển bò thịt, bò sữa

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Từ điều kiện địa lý, Hà Nội có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đưa giống bò mới vào sản xuất, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, để chăn nuôi bò phát triển bền vững, các địa phương, đơn vị còn nhiều việc phải làm.

 

 

Chăn nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Nga

Bà Trương Thị Kiểm ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình bà đang nuôi 6 con bò sữa, bán được sữa với giá bình quân 11.000-14.000 đồng/lít. Chăn nuôi bò sữa vất vả nhưng ổn định, không biến động như chăn nuôi lợn, gà... Còn hộ ông Đặng Đình Hậu ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) đang nuôi tổng đàn khoảng 100 con bò thịt giống BBB. Đây là giống bò cho năng suất, chất lượng cao, doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, lãi 350 triệu đồng/năm. “Nếu như trước đây, bò thịt truyền thống cho lãi 5-6 triệu đồng/năm thì các giống bò lai cho lãi 8-10 triệu đồng/con”, ông Hậu chia sẻ.

Nói về chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn thành phố thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tổng đàn bò của toàn thành phố có hơn 130.000 con, trong đó, đàn bò sữa gần 15.000 con, còn lại là bò thịt. Vài năm trở lại đây, khi mà chăn nuôi lợn, gà bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì một số địa phương như: Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ứng Hòa... nông dân chuyển sang chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt bò, sữa bò của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển, năng suất thịt và sữa các giống bò tại Hà Nội còn hạn chế. Với bò thịt 36 tháng tuổi, khối lượng trung bình tại các nước phát triển đạt 700-800kg/con, tại Hà Nội đạt 450-600kg/con. Sản lượng sữa bò bình quân tại các nước phát triển đạt 6.000kg/chu kỳ/con; tại Hà Nội, bình quân đạt 4.900kg/chu kỳ/con. Vì vậy, vấn đề đặt ra của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt, bò sữa nói riêng tại Hà Nội là cần nâng cao năng suất để tiệm cận với các nước có ngành chăn nuôi phát triển. Hiện nay, chăn nuôi bò trên địa bàn thành phố mới đáp ứng 20% nhu cầu tiêu dùng; phần lớn sản phẩm thịt và sữa phải nhập từ nước ngoài.

Để chăn nuôi bò thịt, bò sữa tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Bá Anh - một trong những hộ chăn nuôi bò thịt ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) đề nghị, ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng chuồng nuôi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về kiến thức nuôi bò giống mới, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, thời gian tới, huyện cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương có lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò về giống, kỹ thuật. Bên cạh đó, các hộ chăn nuôi cần đầu tư trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y… để chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn.

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Hiện nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, bò sữa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, xử lý môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ trong chăn nuôi nói chung và bò thịt, bò sữa nói riêng; đồng thời thúc đẩy, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hướng dẫn xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xảy ra đối với bò sữa, bò thịt (lở mồm long móng, viêm da nổi cục...) nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

NGỌC QUỲNH

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop