Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 27 tháng 01 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 27 tháng 01 năm 2022

 

Để cây nhãn Kông Chro phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Một thời, nhãn ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) được ưa chuộng bởi hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt thanh. Song những năm gần đây, nhiều vườn nhãn đã bị thoái hóa, cho năng suất và chất lượng thấp. Theo đó, rất cần một sự “thay máu” cho vườn nhãn nơi đây.

Xuống dần theo thời gian

Với huyện Kông Chro, nông nghiệp được xem là nguồn thu chính của người dân. Những loại cây trồng được xem là chủ lực của huyện cũng chỉ xoay quanh mía, bắp lai, dưa hấu… Theo đó, trồng cây ăn quả để thay thế dần những loại cây trồng kém hiệu quả đang là hướng đi của huyện. Trong đó, cải tạo vườn nhãn vốn có từ rất lâu đang là mong muốn không chỉ của ngành Nông nghiệp mà còn là của những chủ vườn nhãn nơi đây.

Toàn huyện có trên 700 ha cây ăn quả các loại, trong đó, xoài trên 100 ha, mít khoảng 100 ha, nhãn trên 150 ha… Ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Cây nhãn có mặt ở huyện Kông Chro từ rất lâu theo các chương trình định canh định cư, kinh tế mới hay theo chân những người dân từ huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) vào lập nghiệp cách đây trên 20 năm. Tuy nhiên, với trên 150 ha nhãn hiện có thì có đến 50 ha là giống cũ, cây đã thoái hóa, quả kém chất lượng, giá bán không cao.

 

 

Ông Huỳnh Hữu Nhân (bên phải; làng Hle Hlang, xã Yang Trung) giới thiệu vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Trần Bình Định

Cũng theo ông Hưng, cây nhãn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một số vùng trong huyện. Một thời, nhãn Kông Chro được biết đến với đặc điểm quả to, cơm dày, ngọt thanh. Tuy nhiên, gần đây, nhiều diện tích nhãn đã xuống cấp nghiêm trọng, một phần do khâu chọn giống không chuẩn, phần nữa do chăm sóc chưa thực sự hợp lý.

Mong muốn từ những chủ vườn

Xã Chơ Long (huyện Kông Chro) có 12 ha nhãn. Một thời, nhãn Chơ Long được nhiều người ưa thích bởi quả to, hạt nhỏ và cơm dày, đặc biệt có vị ngọt thanh. Ông Vũ Văn Tám quê huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Gia đình ông vào lập nghiệp ở thôn 9 (xã Chơ Long) theo diện kinh tế mới từ năm 2001. Khi đi, ông không quên mang theo một ít giống nhãn từ quê nhà vào trồng nơi vùng đất mới. Một thời gian sau, cây nhãn phát triển tốt, chất lượng quả không hề thua kém nhãn ở quê nhà. Thấy vậy, ông về quê lấy thêm giống vào trồng. Tuy nhiên, do phát triển thiếu định hướng nên vườn nhãn cứ dần xuống cấp, năng suất và chất lượng cũng xuống theo.

Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro: “Mong muốn của huyện là từ các chương trình, dự án, vườn nhãn của địa phương được ghép giống chất lượng cao hoặc phát triển các loại giống mới phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao. Theo đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của huyện. Đặc biệt từng bước hướng đến thương hiệu “Nhãn Kông Chro”.

Ông Tám cho biết, gia đình có 3,5 ha nhãn với trên 20 loại giống khác nhau. Riêng giống siêu ngọt có 1,7 ha với khoảng 350 cây, được trồng 5 năm về trước. “Giống nhãn siêu ngọt dễ trồng, quả ngọt, năng suất đạt khoảng 14 tấn/ha. Tuy nhiên, giống này da xấu, sau khi thu hái một ngày thì quả bị thâm đen và chảy nước, do vậy không để lâu được, rất khó bán để vận chuyển đi xa”-ông nói. Cũng theo ông Tám, vụ nhãn năm 2020-2021, nhãn siêu ngọt bán sỉ cho thương lái với giá 12 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhãn giống T6 từ 5 đến 10 ngàn đồng. “Tôi rất mong có một chương trình cải tạo vườn nhãn, ghép cải tạo những giống đã thoái hóa, đồng thời phát triển thêm giống mới cho năng suất, chất lượng cao”-ông Tám bày tỏ mong muốn.

Xã Yang Trung là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện Kông Chro. Toàn xã có 52 ha nhãn, tập trung chủ yếu ở 40 hộ thuộc thôn 9 và thôn 10. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Brơn cho biết: Hiện có đến 8 ha là giống cũ kém chất lượng, giá bán thấp và rất khó tiêu thụ do không bảo quản được lâu. Số còn lại là các giống như: Hương Chi, T6… Những giống này cho năng suất cao, chất lượng tốt, thương lái tìm mua tận vườn với giá cao. Tuy nhiên, để cải tạo lại vườn nhãn thì người dân không thể tự làm được bởi thiếu vốn, thiếu kiến thức.

Ông Huỳnh Hữu Nhân (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) có 2 ha nhãn trồng từ năm 2000 theo Dự án định canh định cư. Theo ông Nhân, vườn nhãn của gia đình cho năng suất tương đối cao, nhưng hạt to, cơm lại mỏng. “Hạn chế lớn nhất là nhãn sau khi thu hái không để được lâu, chỉ 1 đến 2 ngày là quả bị sạm đen ngoài vỏ và bắt đầu chảy nước. Do vậy, thương lái không thích thu mua do vận chuyển đi xa không được”-ông Nhân cho hay. Cũng theo ông Nhân, đầu vụ vừa rồi, giá chỉ được 10 ngàn đồng/kg, thậm chí cuối vụ chỉ còn 7 ngàn đồng/kg, trong khi giống nhãn T6 bán được 25-30 ngàn đồng/kg. “Mong có dự án đầu tư của Nhà nước để cải tạo vườn nhãn nhằm tăng năng suất, chất lượng để tăng thu nhập cho những người trồng nhãn”-ông Nhân nói.

Còn với Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Brơn thì: “Nhà nước và ngành Nông nghiệp cần có những chương trình, dự án hỗ trợ cho bà con cải tạo lại vườn nhãn như ghép giống mới cho năng suất, chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống người trồng nhãn trên địa bàn xã”.

TRẦN BÌNH ĐỊNH

 

Vụ dưa hấu tết trúng mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Long An

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, diện tích dưa hấu phục vụ thị trường tết giảm nhưng nông dân lại trúng mùa, được giá.

 

 

Ruộng dưa hấu của ông Huỳnh Văn Sang (bên trái) đã được thương lái đặt cọc

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - Lê Hoài Nam thông tin: “Xã Mỹ Lộc nổi tiếng với giống dưa hấu Mặt trời đỏ. Hàng năm, xã có trên 30ha dưa hấu tết. Riêng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, do lo ngại về đầu ra, giá cả và chi phí đầu vào tăng nên diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn xã giảm còn 16,3ha. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thời tiết năm nay thuận lợi, đa số diện tích trồng dưa hấu tết đều được thương lái đến đặt cọc với giá 15.000-20.000 đồng/kg (loại 4kg/trái trở lên)”.

Gắn bó với nghề trồng dưa hấu phục vụ thị trường tết hơn 30 năm, ông Cao Văn Phương (xã Mỹ Lộc) tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Vụ dưa hấu này, gia đình ông cũng lo ngại về đầu ra nên chỉ xuống giống 5.000m2 (giảm 60% so cùng kỳ). Nhờ nắm vững kỹ thuật và có thương lái quen từ TP.HCM nên ruộng dưa của ông đã được thương lái đặt cọc. Ông Phương chia sẻ: “Năm nay, giá dưa hấu tăng nhưng lợi nhuận không tăng bởi chi phí đầu tư tăng từ 30-40% so với mọi năm. Dù vậy, gia đình tôi rất phấn khởi vì dưa hấu vẫn trúng mùa, được giá, bù đắp lại phần nào vất vả của nông dân”.

Những ngày này, gia đình ông Huỳnh Văn Sang (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) tập trung chăm sóc 1ha dưa hấu giống Mặt trời đỏ để cho ra thị trường tết những quả dưa ngon, đẹp nhất phục vụ khách hàng. Cũng như ông Phương, năm nay, ông Sang giảm 50% diện tích trồng dưa hấu. Chi phí trồng 1ha dưa hấu tết khoảng 150 triệu đồng, tăng 30-40% so với năm trước. Hiện nay, 1ha dưa hấu của ông Sang cũng được thương lái đặt cọc, sản lượng ước đạt 30-40 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Ông Sang nói: “Trồng dưa hấu tết vừa nặng vốn, vừa nặng công chăm sóc. Năm nào dưa hấu trúng mùa, được giá là nông dân ăn tết lớn. Năm nay, nhờ giảm diện tích trồng nên dưa có giá. Dự kiến, ngày 25 tháng Chạp, gia đình tôi sẽ thu hoạch dưa và bán cho thương lái”.

Nếu như vào đầu tháng 10 (Âm lịch) - thời điểm xuống giống vụ dưa hấu tết, nông dân thấp thỏm lo về đầu ra thì nay, người trồng dưa phấn khởi vì trúng mùa, được giá./.

Nhã Lam

 

Đắk Nông: Xây dựng thương hiệu bơ núi lửa Nâm Kar

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhiều năm nay, người dân xã Quảng Phú (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã trồng thành công một số giống bơ đặc sản. Từ kết quả ban đầu, bà con đang nỗ lực xây dựng thương hiệu bơ gắn với địa danh núi lửa Nâm Kar và tạo giá trị đặc trưng của địa phương.

Bén duyên với cây bơ đặc sản

Gia đình anh Nguyễn Kim Phương từ Hà Nội vào xã Quảng Phú lập nghiệp từ năm 2007. Những năm tháng sinh sống trên vùng đất mới, anh phát hiện quả bơ vùng đất Đắk Nông có những đặc trưng riêng, nhất là về độ dẻo, màu sắc và hương vị.

Anh Phương và gia đình quyết định dốc hết vốn liếng, tâm lực để phát triển cây bơ. Ban đầu, gia đình anh thuê đất trồng bơ. Sau ít năm có thu nhập, anh mua được đất để tạo riêng cho mình một vườn bơ được chăm sóc khá bài bản.

Người dân trên địa bàn chủ yếu trồng các giống thông thường. Còn anh Phương lại quyết định đầu tư trồng những loại bơ đặc sản như bơ booth, 034, hass... Các giống bơ này có tính ưu việt lớn, khắc phục được những hạn chế của bơ thông thường như vỏ mỏng, dễ hư hỏng khi thu hái, thời gian chín ngắn... Điều quan trọng hơn, thị trường trong nước và thế giới đang rất ưa chuộng những loại bơ này.

Từ năm 2017, gia đình anh Phương bắt đầu ghép bơ booth vào các chồi bơ pinkerton, hass, reed. Đến nay, vườn bơ đã cho thu hoạch chính, với năng suất khá cao, khoảng 15 tấn/ha. Anh Phương cho biết, các giống bơ đặc sản khi ghép vào gốc bơ booth rất phù hợp, chỉ khoảng 1 năm sau là cho quả. Đặc biệt, do cho thu hoạch trái vụ, nên sản phẩm bơ rất dễ tiêu thụ.

 

 

Bơ Pinkerton được anh Phương trồng thành công tại vùng núi lửa Nâm Kar

Ngoài yếu tố dinh dưỡng, các giống bơ của anh trồng có hàm lượng dầu cao, nên đủ khả năng cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh dầu. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhiều loại bơ xuống thấp. Nhưng vườn bơ của anh cơ bản vẫn giữ được giá bán, ít phụ thuộc vào thị trường.

Anh Phương rất chú trọng ứng dụng các kỹ thuật nhằm tạo ra quả bơ chất lượng, mẫu mã và nhiều dinh dưỡng. "Đây là cơ sở để tôi từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu bơ núi lửa Nâm Kar, thuộc hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông”, anh Phương chia sẻ.

Hợp tác cùng phát triển

Thời gian qua, anh Phương đã truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc bơ, xây dựng thương hiệu bơ núi lửa Nâm Kar cho nhiều người dân trong vùng. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Kiến Hùng, ở cùng thôn, đã trồng thành công 1 ha bơ pinkerton, hass.

Theo ông Hùng, việc trồng các giống bơ này khó nhất là bảo đảm các yếu tố dinh dưỡng cho từng thời kỳ cây sinh trưởng, phát triển. Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng phải được sử dụng đúng thời điểm, liều lượng mới đạt tỷ lệ đậu quả mong muốn...

"Tất cả những kỹ thuật đó, anh Phương đã truyền đạt lại cho bà con trong vùng. Nhờ đó, việc chăm sóc vườn bơ của bà con đã trở nên thuần thục, bảo đảm yêu cầu để cây bơ phát triển tốt, đem lại sản phẩm chất lượng cao", ông Nguyễn Kiến Hùng cho biết.

 

 

Bơ Reed trồng ở vùng núi lửa Nâm Kar có tỷ lệ đậu quả khá cao

Năm 2020, nhờ sự vận động của anh Phương, 10 hộ sản xuất bơ chất lượng cao trên địa bàn thôn Phú Sơn đã thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô. Hiện HTX đã có diện tích bơ đặc sản lên tới 70 ha, phần lớn đều đạt chứng nhận VietGAP.

HTX đã liên kết được với một số doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm. Trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bơ Mỹ Hoàng Gia (Gia Lai) sẵn sàng thu mua hàng trăm tấn bơ mỗi năm cho HTX.

Anh Phương kỳ vọng: "Đất đai, khí hậu khu vực núi lửa Nâm Kar có những giá trị riêng. Do đó, khi canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, đặc trưng riêng. Đây là những giá trị riêng, không nơi nào có được".

Thời gian qua, HTX cũng đã phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng, quảng bá thế mạnh, thương hiệu sản phẩm bơ núi lửa Nâm Kar. HTX hy vọng, trong thời gian tới, sẽ đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.

 

 

Các giống bơ đặc sản của vùng đã được anh Phương ghép vào gốc bơ booth chỉ khoảng 1 năm sau là cho quả

Hướng tới phát triển bền vững

Đắk Nông là tỉnh có diện tích bơ tăng mạnh. Năm 2017, diện tích bơ của tỉnh chỉ ở mức gần 1.300 ha, sản lượng gần 4.300 tấn/năm. Đến nay, diện tích bơ của tỉnh vào khoảng 3.000 ha, sản lượng trên 19.000 tấn/năm.

Giá bơ của tỉnh những năm gần đây sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1/3 so với trước đây. Một trong những nguyên nhân là do cung vượt cầu, chất lượng sản phẩm chưa cao. Phần lớn diện tích bơ của tỉnh có thời gian thu hoạch, bảo quản ngắn, dễ hư hỏng. Từ thực tế này, nhiều người dân, HTX trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thay đổi cách thức, quy trình sản xuất bơ theo hướng chất lượng cao, bền vững, gắn với xây dựng thương hiệu.

Trong đó HTX Nông nghiệp Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô là một trong những đơn vị đi đầu trong xu hướng này. HTX sản xuất bơ theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng giá trị thương hiệu.

 

 

Dần hình thành vùng sản xuất bơ lớn ở khu vực núi lửa Nâm Kar

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, bơ vùng núi lửa Nâm Kar được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bởi vì cây bơ được trồng trên nền đất đỏ bazan, hòa trộn với khoáng chất được hình thành từ núi lửa phun trào. Quả bơ ở đây có giá trị riêng như kích cỡ to, đẹp, mùi vị thơm, dẻo...

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bơ là loại cây trồng thế mạnh của tỉnh. Việc phát triển cây bơ bền vững, gắn với thế mạnh đặc trưng, có nhãn hiệu, thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm.

Hiện nay, UBND tỉnh đang định hướng phát triển bơ theo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với các chuỗi giá trị; liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp bao tiêu, chế biến.

Hồng Thoan

 

Quảng Ngãi: Kiệu tết tăng giá, nông dân vui mừng

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Chỉ trong 1 tuần, kiệu tết tại Quảng Ngãi đã tăng từ 12.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, khiến nông dân vui mừng, phấn khởi.

Trên cánh đồng kiệu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nông dân xã Bình Long (huyện Bình Sơn) đang tất bật thu hoạch kiệu, mang kiệu rửa sạch bán cho thương lái.

Nếu như vào đầu tuần trước, giá kiệu vẫn ở mức 12.000 đồng/kg thì qua 24-1 (22 tháng Chạp âm lịch), giá kiệu đã tăng lên 15.000 đồng/kg, khiến nông dân trồng kiệu vui mừng.

 

 

Người trồng kiệu thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang chở kiệu về để bán cho thương lái

Ông Nguyễn Trung Quỳ (thôn Long Yên, xã Bình Long) trồng 3 sào kiệu, thu hoạch gần 3 tấn. Ông Quỳ cho biết: “Năm nay, củ kiệu to, đều lá, được ký, thương lái thu mua giá cao so với cùng thời điểm năm ngoái nên ai nấy cũng phấn khởi”.

Kiệu được trồng từ tháng 7 âm lịch đến tháng Chạp thì thu hoạch, trung bình mỗi sào kiệu, người dân xuống giống khoảng 35kg và thu hoạch lại khoảng 700kg đến 1 tấn.

Bà Trần Thị Nhung (thôn Long Yên, xã Bình Long) cũng trồng 3 sào kiệu, bà cho biết: “Giá kiệu đang bắt đầu tăng, càng về những ngày cuối tháng Chạp thì giá có thể đạt đỉnh từ 20.000-22.000 đồng/kg, có năm giá lên 30.000 đồng/kg. Đối với người trồng kiệu, đây là cái tết ấm no, nông dân cũng bán được, thương lái cũng bán hết”.

Ông Hồ Văn Chung, một người thu mua kiệu nhiều nhất ở xã Bình Long, cho biết: “Kiệu đắt giá vì khách hàng trong miền Nam tiêu thụ rất mạnh, giá năm nay cao mà kiệu được mùa. Kiệu Bình Long có vị thơm, ngon, không nồng nên rất được ưa chuộng. Mỗi ngày, tôi thu mua 3-4 tấn kiệu, sau đó vận chuyển vào miền Nam để tiêu thụ và các tỉnh lân cận”.

Toàn xã Bình Long có khoảng 22,5ha kiệu, khoảng 100 hộ dân trồng. Với giá kiệu hiện nay, mỗi 1ha thì người dân thu khoảng 200 triệu đồng.

Ông Phạm Đình Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết: “Kiệu Bình Long đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu có mã số, truy xuất nguồn gốc. Hiện địa phương đã hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh xem xét công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cho sản phẩm kiệu Bình Long”.

NGUYỄN TRANG

 

Ấm no, thoát nghèo nhờ cây mắc ca

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhờ cây mắc ca, nhiều người M’nông ở vùng biên giới xã Quảng Trực (Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã thoát cảnh chạy ăn từng bữa. Thậm chí, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ngày càng khá giả.

Từ thay đổi tập quán canh tác

Về bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực, vào những tháng cuối năm hoa mắc ca đang nở rộ. Hai bên đường vào bon, những rẫy mắc ca xanh mướt nối nhau xa tít tầm mắt… Đường vào bon nhộn nhịp xe cộ, người qua lại hối hả với công việc của mình.

Sau một ngày làm việc, già Điểu Rây, Trưởng bon Bu P'răng 1, thư thái ngồi nhâm nhi ly rượu bên những đứa con trong gia đình. Ông nhớ lại, người dân trong bon trước kia hầu hết là hộ nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu từ việc đi phát nương trồng lúa và đi làm thuê.

Thế nhưng, rẫy lúa năng suất ngày một thấp dần, không đủ ăn. Còn đi làm thuê cũng không đủ trang trải cuộc sống. Cái nghèo, cái khổ vì thế cứ đeo bám bon làng.

"Cả một quãng thời gian dài, với nhiều thế hệ người M’nông ở Bu P'răng 1 sống với nương rẫy, với lối canh tác truyền thống và với cái nghèo đói", già Điểu Rây nhớ lại.

 

 

Ông P'lao và niềm vui bên vườn mắc ca trĩu quả

Thế rồi chính quyền địa phương đã bắt tay vào cuộc giúp bon làng thay đổi cách làm ăn. Năm 2012, ngành Nông nghiệp và huyện Tuy Đức đã triển khai Dự án hỗ trợ giống mắc ca, phân bón cho người dân Bu P'răng 1.

Cán bộ kỹ thuật của dự án đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cầm tay chỉ việc và theo sát từng thời kỳ cây phát triển để giúp bà con chăm sóc cây trồng. Già Điểu Rây nhớ lại, thời điểm đó, nhiều người không nhận trồng cây mắc ca, vì phải chờ quá lâu mới có thu nhập. Bà con chỉ nghĩ đến trồng lúa để duy trì cái ăn sau mỗi vụ thu hoạch. Chuyện chạy ăn từng bữa đã trở thành phản xạ của người dân trong bon làng. Nó khiến cuộc sống của họ trở nên cơ cực.

Theo ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, thời điểm đó, để người dân triển khai trồng mắc ca, các cấp chính quyền, cùng tổ chức đoàn thể đã phải đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục và cầm tay chỉ việc.

Nhờ sự bám sát của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, từ 2012 - 2015, khoảng 300 ha mắc ca được trồng tại Bu P'răng 1. Mặc dù vậy việc thay đổi tập quán canh tác của bà con sang làm quen với cách chăm sóc loại cây trồng này cũng phải mất một thời gian mới mang lại hiệu quả.

 

 

Nguồn thu nhập chính của người M'nông ở Quảng Trực là từ cây mắc ca

Đến ấm no, thoát nghèo

Chăm chỉ và bươn chải, nhưng nguồn thu nhập của gia đình ông P’lao, Bu P'răng 1, vẫn luôn ở mức hộ nghèo nhiều năm liền. Tình cảnh chỉ thay đổi từ khi ông bắt đầu học cách chăm sóc cây mắc ca.

Cây mắc ca vốn đã dễ tính, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở Bu P'răng 1, nên khi được chăm sóc đã phát triển nhanh, khỏe mạnh. Chỉ trong vòng ít năm, 200 cây mắc ca của gia đình ông P'lao đã cho thu nhập.

Sau đó, cứ mỗi năm, ông thu được gần 2 tấn hạt mắc ca. Với giá bán từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về tầm 140-180 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập trong mơ của gia đình ông P'lao và hầu hết các hộ dân khác ở Bu P'răng 1.

Gia đình ông P’lao dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ông P’lao chia sẻ: "Cây mắc ca đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Cuộc sống của chúng tôi giờ đây không còn cơ cực như trước nữa".

Còn gia đình anh Điểu Nhoách, ở bon Bu P’răng 1, cũng vừa trồng thêm 300 cây mắc ca sau khi thấy được hiệu quả từ 200 cây đã trồng từ năm 2015. Từ ngày trồng mắc ca, anh thường xuyên lên rẫy hơn để trông nom, tìm hiểu cách chăm sóc vườn cây.

Điểu Nhoách chia sẻ: "Mắc ca cho thấy hiệu quả và dễ chăm sóc, bán được giá. Giờ trong bon nhà nào nhiều mắc ca là nhà đó giàu có. Nhờ mắc ca gia đình tôi cũng đã thoát nghèo từ năm 2019".

 

 

Cây mắc ca được người dân trồng xen canh trong rẫy cà phê

Cây mắc ca là nguồn thu nhập chính của hầu hết người dân trong các bon làng ở Quảng Trực. Toàn xã có khoảng 500 ha mắc ca, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. Hiện nay, người dân ngày càng chủ động được khâu kỹ thuật chăm sóc mắc ca. Bên cạnh đó, hằng năm chính quyền địa phương đều tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phát triển mắc ca cho bà con.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, trước đây dù được cấp giống, nhưng người dân lại không mặn mà với việc trồng mắc ca. Thế nhưng hiện nay, người dân đã tự chuẩn bị quỹ đất, hằng năm tự đi mua giống mắc ca về trồng. Hiệu quả kinh tế mà cây mắc ca mang lại đã làm thay đổi nhận thức của người dân.

Xã Quảng Trực có 2.440 hộ, năm 2020 xã có gần 300 hộ thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, chủ yếu là nhờ nguồn thu nhập từ cây mắc ca. Hiện xã còn hơn 900 hộ nghèo. Phần lớn các hộ nghèo đều đã trồng mắc ca từ những năm trước và nay bắt đầu có nguồn thu nhập. Chính quyền địa phương tin tưởng rằng, khi có nguồn thu nhập, đời sống bà con sẽ ngày càng được nâng lên và họ sẽ nhanh chóng thoát nghèo.

Vùng đất Tuy Đức được thiên nhiên ưu đãi, nên khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca. Sự ưu đãi này cũng mang lại điều đặc biệt cho cây mắc ca. Bởi vì, cây mắc ca ở đây mỗi năm cho thu nhập 2 vụ, khác hẳn những nơi khác chỉ 1 vụ.

Việc phát triển cây mắc ca đã tạo nguồn thu nhập, giúp nhiều đồng bào vươn lên thoát nghèo. Người dân cũng đã thay đổi tập quán canh tác nương rẫy, biết tập trung đầu tư, chăm sóc, phát triển cây mắc ca và nhiều loại cây trồng khác.

Hưng Nguyên

 

Quảng Trị: Áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã tập trung đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để tạo ra những con vật lai có tầm vóc, thể trạng tốt. Nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 

 

Thông qua chương trình cải tạo đàn bò đã tạo ra đàn bò lai có tầm vóc vượt trội so với giống bò vàng địa phương - Ảnh: L.A

Chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh của huyện Vĩnh Linh nhưng theo đánh giá, việc phát triển đàn trâu, bò thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nguyên nhân là do đa số các hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) còn hạn chế, chăn thả tự do nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết làm giảm tầm vóc và sức sản xuất của vật nuôi, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhằm nâng cao thể trọng, tầm vóc đàn gia súc của địa phương, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Trong đó, phải kể đến chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông (KN) huyện, gia đình chị Trần Thị Diễn ở xã Trung Nam đã sử dụng tinh đông lạnh giống bò đực BBB để TTNT cho đàn bò cái lai Zebu của gia đình. Thời điểm này gia đình chị đang có 1 bê lai F1 BBB 6 tháng tuổi và 1 bò mẹ đang mang thai.

Theo chị Diễn, việc phối tinh bò BBB với bò cái nền Zebu đã giúp tỉ lệ phối giống đạt cao. Bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng lớn, cân nặng đạt trên 30 kg, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống. Đặc biệt, giống BBB này rất phàm ăn, nhanh lớn, hiền lành nên phù hợp với việc nuôi nhốt, không cần chăn thả. Sau 6 tháng chăm sóc, bê lai đã đạt trọng lượng hơn 160 kg.

“Bò lai F1 BBB hiện đang được thương lái thu mua với giá cao hơn bò địa phương do có tỉ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt thơm ngon. Tôi rất kỳ vọng thu nhập của gia đình sẽ cao hơn nhờ giống bò mới này”, chị Diễn nói.

Tại huyện Hải Lăng, bằng chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, các tiến bộ KHKT trong TTNT đã được áp dụng để tạo ra các giống bò lai có năng suất, chất lượng cao như bò lai Zebu, bò lai BBB. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Hồ Quốc Minh thông tin, bình quân mỗi năm huyện Hải Lăng thực hiện phối giống bình quân từ 2.000 - 2.500 bò cái. Với thể trọng và tỉ lệ xẻ thịt vượt trội, trung bình mỗi con bò lai có giá bán cao hơn giống bò vàng địa phương từ 6 - 8 triệu đồng, tăng hơn 40% giá trị. Qua đó, đã thu hút gần 90% số hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện tham gia. Đặc biệt, với việc áp dụng phối tinh bò BBB với bò cái nền Zebu đã giúp tỉ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 thích nghi tốt với điều kiện môi trường, giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với các giống bò khác tại cùng thời điểm.

Ông Minh cho biết, để nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục có những chính sách khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp TTNT. Góp phần chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò từ phương thức quảng canh, chăn thả sang chăn nuôi theo hướng tập trung có đầu tư thâm canh, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của Trung tâm KN, tổng đàn bò toàn tỉnh hiện có khoảng 56.000 con, trong đó đàn bò cái sinh sản khoảng 17.000 con. Tỉ lệ đàn bò lai Zebu chiếm hơn 60% tổng đàn. Với mục tiêu cải tạo tầm vóc, sức sản xuất, nâng tỉ lệ đàn bò lai trên toàn tỉnh đạt 75% vào năm 2025 để có đàn nái nền đạt tiêu chuẩn phục vụ cho các hướng lai tiếp theo, trong những năm qua, Trung tâm KN tỉnh đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT sử dụng tinh bò đực giống nhóm Zebu sản xuất tại Việt Nam lai tạo với giống bò vàng địa phương hoặc bò lai Zebu 25%, 50%.

Bê lai sinh ra đã được cải tiến cơ bản một số nhược điểm của giống bò vàng địa phương như tầm vóc nhỏ, chậm phát triển, sức sản xuất thấp. Tạo được đàn bò lai ưu thế hơn hẳn về ngoại hình, sức sản xuất, tốc độ sinh trưởng. Trên cơ sở đó, trong 2 năm 2020 - 2021, Trung tâm KN tỉnh tiếp tục sử dụng tinh các giống bò thịt ngoại nhập như BBB, Reb Bramand, Red Angus… để thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp TTNT, để phối giống cho những bò cái lai Zebu chọn lọc, có tỉ lệ lai từ 50% trở lên nhằm tạo ra con lai F1 có giá trị kinh tế cao, trọng lượng thịt lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập.

Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Trần Cẩn cho biết, thông qua chương trình cải tạo đàn bò, trung bình mỗi năm đã có hơn 10.000 bò cái được phối giống bằng phương pháp TTNT và hơn 9.000 bê lai ra đời với tầm vóc vượt trội. Đối với bê lai nhóm Zebu trọng lượng sơ sinh đạt từ 19,5 - 22,5 kg/con, cao hơn 25 - 30% so với bê địa phương. Còn trọng lượng bê lai hướng thịt đạt đến 26 - 31 kg/con. Bê lai có ngoại hình đẹp, thích nghi tốt với môi trường sống, dễ nuôi, nhanh lớn.

Tốc độ tăng trọng trung bình từ 20 - 22 kg/ con/tháng đối với bê lai nhóm Zebu và từ 26 - 31 kg/con/tháng đối với bê lai nhóm hướng thịt. Sau 12 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng từ 230 - 250 kg đối với bò lai Zebu và 270 - 300 kg đối với bò hướng thịt. Với giá bán từ 21 - 30 triệu đồng thì hiệu quả kinh tế từ các giống bò lai cao gấp 2 - 2,5 lần so với giống bò vàng địa phương. “Với 9.000 bê lai ra đời mỗi năm từ chương trình cải tạo đàn bò, ước tính đã mang về nguồn thu cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gần 200 tỉ đồng”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, chương trình cải tạo đàn bò đã thể hiện tính ưu việt và là hướng đi đúng đắn trong công tác giống, thay thế giống bò vàng địa phương bằng giống bò lai Zebu đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Bên cạnh cải tạo tầm vóc, thể trạng, sức sản xuất, một thành công nữa của chương trình đó là đã thay đổi được tập quán và phương thức chăn nuôi, từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh có quản lý, hạn chế tối đa dịch bệnh. Từng bước hình thành vùng sản xuất bò giống, vùng chăn nuôi bò thịt, vỗ béo. Tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

“Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo Trung tâm KN tiếp tục mở rộng chương trình cải tạo đàn bò với số lượng bò cái phối giống hằng năm từ 10.000 con trở lên bằng phương pháp TTNT. Dựa trên nền bò lai Zebu làm tiền đề để tiếp tục lai tạo các giống bò cao sản hướng thịt có năng suất, chất lượng tốt. Hướng tới chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung theo quy mô trang trại. Đồng thời, nhân rộng chương trình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp TTNT. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cho đàn trâu, bò. Tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi”, ông Quốc cho biết thêm.

Lê An

 

‘Chắp cánh’ thương hiệu mật ong hoa cà phê Gia Lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Từ lâu, mật ong nói chung, mật ong hoa cà phê nói riêng của Gia Lai đã nức tiếng gần xa bởi chất lượng hảo hạng. Hiện ngành chức năng của tỉnh đang triển khai các giải pháp phát triển bền vững nhằm tăng thu nhập cho người nuôi và “chắp cánh” thương hiệu mật ong hoa cà phê bay xa.

Nức tiếng về chất lượng

Khi chúng tôi đến thăm, chị Trương Thị Thúy-chủ cơ sở kinh doanh mật ong Hoàng Huynh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đang kiểm tra các đàn ong trước ngày thu hoạch mật. Lúc nắp các thùng gỗ lần lượt được mở, từng cầu mật căng mọng hiện ra đầy hấp dẫn. Chị Thúy hồ hởi: “Nhà tôi nuôi ong đến nay đã hơn 30 năm, cũng trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng cũng nhờ nó mà cuộc sống ngày càng ổn định, có năm được giá cao, gia đình lãi 500 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi còn 5 trại nuôi ở những nơi chuyên canh cà phê vì loại mật này rất thơm ngon, giá cao. Riêng năm nay, nhu cầu mua mật ong nhiều hơn bởi các công ty dược phẩm sử dụng trong sản phẩm y tế hỗ trợ điều trị Covid-19”.

 

 

Mật ong hoa cà phê là sản phẩm chính của cơ sở kinh doanh mật ong Hoàng Huynh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Ảnh: Thiên Di

Tết Nhâm Dần 2022 cận kề nhưng ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai cùng gia đình vẫn bận rộn với việc chăm sóc, thu hoạch 10.000 đàn ong và mua bán sản phẩm mật ong. Ngót nghét 30 năm theo cánh ong bay, gia đình ông Dân có cuộc sống sung túc từ việc nuôi, chế biến và mua bán các sản phẩm mật ong. “Nghề nuôi ong tiềm ẩn không ít rủi ro nhưng lại cho thu nhập khá cao. Đặc biệt có những năm, chúng tôi xuất khẩu hàng trăm tấn mật sang thị trường châu Âu, lợi nhuận trên chục tỷ đồng. Khách hàng cũng rất thích mật ong của Gia Lai, nhất là mật ong hoa cà phê”-ông Dân chia sẻ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), toàn tỉnh hiện có 96.000 đàn ong với 292 hộ nuôi và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Tổng sản lượng khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm khoảng 80% sản lượng mật ong toàn tỉnh), số còn lại tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường EU.

Hướng đến thương hiệu bền vững

Gia Lai hiện có hơn 97.000 ha cà phê. Đây là một trong những lợi thế để phát triển nghề nuôi ong. Cùng với đó, thời gian qua, mật ong Gia Lai được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Đơn cử như năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-VietKings công bố sản phẩm mật ong Gia Lai thuộc Top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng của nước ta. Đó là tiền đề thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật, phấn hoa cà phê của tỉnh phát triển.

Nghề nuôi ong lấy mật, nhất là mật hoa cà phê của tỉnh đang rộng mở nhưng còn đó nhiều khó khăn, hạn chế. Những lý do khiến mật ong Gia Lai chưa thể chiếm lĩnh thị trường là kỹ thuật, quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho từng sản phẩm và chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất nên thường bị ép giá. Theo chị Trương Thị Thúy, sản lượng mật ong của tỉnh hiện chỉ mới đáp ứng được 5% thị trường trong nước. Trong khi phải chiếm lĩnh 30-40% thị trường trong nước thì người nuôi mới sống khỏe được. “Chúng tôi cũng muốn mở rộng thị trường sang Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng khó vì không đáp ứng đủ sản lượng, dù đã kiểm định sản phẩm đạt chất lượng. Chúng tôi muốn sự trợ giúp của các cấp chính quyền và sự liên kết của các hộ nuôi khác. Mới đây, Sở KH-CN tổ chức khảo sát Dự án phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai, chúng tôi rất đồng tình”-chị Thúy nói.

Ông Lê Văn Dân cũng bày tỏ sự đồng tình với Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai” do Sở KH-CN xây dựng. “Theo tôi, người nuôi và các công ty chế biến, xuất-nhập khẩu mật ong của tỉnh sẽ hưởng lợi rất nhiều nếu xây dựng được thương hiệu gắn chỉ dẫn địa lý. Lâu nay, qua hoạt động du lịch, giới thiệu sản phẩm, khách hàng đã biết đến mật ong Gia Lai nhưng chưa rộng rãi. Vì thế, khi biết Sở KH-CN khảo sát để xây dựng dự án, tôi rất đồng tình hưởng ứng”-ông Dân cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai” sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là công cụ để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người nuôi ong và người tiêu dùng. Đồng thời, giúp tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho người dân theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, dự án triển khai sẽ góp phần bảo vệ hệ sinh thái môi trường rừng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy tiềm năng du lịch Gia Lai, củng cố lại hệ thống sản xuất, ổn định, duy trì sự phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật truyền thống của địa phương.

THIÊN DI

 

Khi nông dân thành phố làm nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch đang là hướng phát triển kinh tế mà nhiều nông dân ở thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) lựa chọn đầu tư.

Khát vọng đã thành hiện thực

Ông Lê Đình Hồ, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Đức, là một trong số những nông dân đầu tiên của thành phố Gia Nghĩa đi tiên phong trong việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Ông Hồ cho biết, 5 năm trước, Gia Nghĩa còn là thị xã nhỏ, các cơ sở vui chơi, giải trí ít ỏi. Lúc đó, ông nghĩ cần tận dụng điều kiện đất đai để vừa trồng trọt, vừa kết hợp làm du lịch miệt vườn.

 

 

Ông Lê Đình Hồ (trái) dẫn du khách đến tham quan vườn cây ăn trái

Nghĩ là làm, trong vườn ông trồng trên 7.000 cây ăn trái các loại từ ổi, cam, bưởi, mít, mận, xoài, dừa, đu đủ, nhãn, chôm chôm, dâu tây… theo quy trình hữu cơ. Ông thiết kế vườn hoa, hồ cá để thu hút khách đến ngắm cảnh, chụp hình và câu cá giải trí. Ngoài ra, ông nuôi thêm gia cầm để phục vụ các món ăn cho thực khách đến tham quan, đặt tiệc.

“Ước mơ có một khu miệt vườn phục vụ du lịch của tôi năm nào nay đã thành hiện thực. Làm nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm đã đem về cho tôi mỗi năm khoảng 3-4 tỷ đồng", ông Hồ chia sẻ.

Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu từ du lịch hầu như không có. Thế nhưng, nguồn thu từ vườn cây ăn trái của ông vẫn đều đặn. Do đó, gia đình ông vẫn "sống khỏe", không cần lo nghĩ nhiều về cách cầm cự với dịch bệnh.

Lãng mạn vườn hồng giữa phố

Vườn hoa hồng 3.700m2 của ông Đào Xuân Khiêm, tổ dân phố Tân Tiến, phường Quảng Thành, là một trong những điểm đến mới mẻ, thu hút đông đảo người dân đến tham quan.

Với khát vọng làm giàu, hơn 4 năm trước, ông Khiêm sang tận thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) để tìm hiểu kỹ thuật trồng hoa hồng. Ông dành thời gian hai năm để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trồng hoa hồng ở Lâm Đồng.

Đầu năm 2020, ông quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm nhà kính và bắt đầu trồng hoa hồng. Sau 8 tháng, những bông hoa đầu tiên vừa to, đẹp, vừa thơm được thu hoạch. Ông bán hoa vào dịp 8/3/2021, khiến cả gia đình rất vui mừng, hạnh phúc.

 

 

Vườn hoa hồng của ông Đào Xuân Khiêm mang lại lợi nhuận lớn

Ông Khiêm chia sẻ: "Hơn 20 năm sinh sống ở Gia Nghĩa tôi gắn bó với cây cà phê, hồ tiêu. Việc chuyển sang trồng hoa đối với tôi là một quyết định rất khó khăn. May mắn, tôi được học các bí quyết trồng hoa hồng nên đã thành công".

Toàn bộ hoa thu hoạch được, ông Khiêm đều tiêu thụ hết, thậm chí vào dịp lễ, tết luôn “cháy hàng”. Sau 1 năm cho thu hoạch, vườn hồng đem lại cho ông Khiêm nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng.

“Mọi người đến ngắm hoa, mua hoa vui vẻ, thoải mái và lưu lại những tấm hình đẹp làm kỉ niệm rất lãng mạn - điều đó làm mình cũng vui thêm! Thành công hôm nay là kết quả của sự kiên trì, chăm chỉ và chịu khó học hỏi của cả gia đình”, ông Khiêm vui vẻ cho biết.

Thành công bước đầu đã giúp ông Khiêm tự tin triển khai “dự án” trồng hoa gắn với phát triển du lịch. Lão nông 60 tuổi cho biết: “Nông dân thành phố khi đã có vốn sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Với 1,8 ha đất của gia đình, tôi đang trồng cây cảnh, đa dạng các loại hoa, xây dựng khu vui chơi giải trí, bể bơi, hồ câu, điểm uống cà phê và khu ẩm thực, phòng nghỉ… Khoảng vài năm nữa, tôi có thể phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng”.

Hướng đi triển vọng

Tư duy của nông dân đô thị Gia Nghĩa đang ngày càng đổi mới, nhanh nhạy với nhu cầu thực tiễn của đời sống, mở ra triển vọng phát triển kinh tế lâu dài. Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kết hợp với phát triển du lịch. Thậm chí, có nhiều nông dân còn mạnh dạn liên kết với các công ty để vừa làm nông nghiệp, vừa phát triển du lịch.

Nếu như 5 năm trước, cách làm này chỉ “đếm trên đầu ngón tay” thì nay thành phố Gia Nghĩa đã có khoảng 30 mô hình vừa sản xuất nông nghiệp, vừa kinh doanh du lịch. Các mô hình chủ yếu trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái; trồng cà phê kết hợp với du lịch trải nghiệm và ẩm thực, giải trí... Nhiều vườn hoa kết hợp với tham quan, chụp hình, kinh doanh và thưởng thức cà phê…

Anh Trần Minh Trung, quản lý điểm du lịch trải nghiệm Tà Đùng Coffee Farmhouse, ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân cho biết: Với 10.000m2 đất có vị trí "sơn thủy hữu tình", chủ khu đất đã tạo thành một điểm đến ấn tượng mang tên Tà Đùng Coffee Farmhouse.

Khi đến đây, du khách có thể lưu trú, tổ chức cắm trại, tiệc tùng và tự hái rau, củ, quả để chế biến món ăn cùng bạn bè, người thân. Du khách cũng có thể chèo thuyền trên đập Sình Ba và ngắm cảnh, chụp hình…

Điều thú vị nữa là Tà Đùng Coffee Farmhouse đã liên kết với những nông dân trồng cà phê để phục vụ du khách du lịch trải nghiệm. Du khách các nơi đến tận vườn cà phê trải nghiệm đời sống, công việc của nông dân Tây Nguyên. Họ có thể trực tiếp sản xuất, thu hoạch cà phê rồi tự tay rang, xay, pha uống, đem lại cảm giác thú vị.

Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch đã được thành phố Gia Nghĩa định hướng từ nhiều năm qua. Hướng phát triển kinh tế này vừa giúp nâng cao đời sống của nông dân, vừa góp phần thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch trên địa bàn.

Để khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, kỹ năng... cho nhiều bà con nông dân. Thành phố cũng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút du khách đến với Gia Nghĩa.

Thanh Nga

 

Anh Hoàng Văn Hưng phát triển kinh tế từ mô hình VAC

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

 

 

Anh Hoàng Văn Hưng chăm sóc đàn dê. Ảnh: VĂN THÙY

Khi cây sắn, cây mía không còn phát huy hiệu quả vì đất đã bạc màu, gia đình anh Hoàng Văn Hưng ở thôn Kinh Tế 2, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã bứt phá trong việc làm kinh tế với những sáng tạo trong mô hình VAC. Qua nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay mô hình trang trại của anh Hưng đã phát huy hiệu quả.

Đến vùng đất kinh tế mới thôn Kinh Tế 2, xã Ea Trol từ những năm 2000, Hoàng Văn Hưng làm đủ công việc nhưng cuộc sống gia đình luôn trong tình trạng thiếu thốn. Năm 2017, được bố mẹ cho ở riêng và cho khoảng 3ha đất nông nghiệp, vợ chồng anh đã trồng bắp, chuối, rau, cỏ, lúa, khoai… để phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Hưng dành 5.000m2 đất để làm chuồng trại, 2.000m2 đất đào ao vừa nuôi cá vừa chủ động nguồn nước tưới. Anh Hưng chia sẻ: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và được người thân cho mượn thêm, ban đầu chúng tôi mua vài con bò, vài con dê, heo, gà, vịt để chăn nuôi, còn dưới ao thả cá để làm thức ăn cải thiện đời sống hàng ngày.

Gắn bó nhiều năm với nông nghiệp, anh Hưng nhận thấy rằng, khó khăn lớn nhất là nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ. Để chủ động, vợ chồng anh đến các rẫy sắn vừa thu hoạch gom ngọn và lá sắn về phơi, băm nhỏ, ủ với men vi sinh để làm thức ăn dự trữ cho gia súc, gia cầm. Mùa mưa năm 2021, nhờ ủ được 3 bao lá sắn (mỗi bao khoảng 7 tạ), nên đảm bảo được nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. “Loại lá sắn ủ men này vật nuôi nào cũng thích, từ dê, bò, heo, gà và cả cá dưới ao”, anh Hưng nói.

Từ năm 2017 đến nay, trang trại của anh Hưng luôn duy trì khoảng 200 gà mái đẻ, 100 gà thương phẩm, 100 vịt đẻ, hàng chục con heo nái lai và heo đen sinh sản, hơn 50 con dê và bò cái sinh sản. Trừ chi phí, hàng năm anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Đến nay, anh Hưng đã đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố cùng máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi. Anh Hưng cho biết thêm: “Quá trình sản xuất, tôi luôn đặt tiêu chí bảo đảm môi trường, không ảnh hưởng cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư lên hàng đầu. Tôi quan tâm nhất là việc chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi kể cả mùa nắng cũng như mùa mưa”.

Ông Nay Y Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Trol, cho biết: Từ một hộ có cuộc sống, việc làm không ổn định, đến nay hộ anh Hoàng Văn Hưng đã vươn lên khá giả. Mạnh dạn trong chuyển đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, mô hình kinh tế VAC của hộ anh Hoàng Văn Hưng được người dân địa phương đánh giá cao, xứng đáng để học tập. Đây cũng là mô hình, hội viên tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2019-2021.

VĂN THÙY

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop