Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 27 tháng 02 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 27 tháng 02 năm 2023

 

Vĩnh Long: Giá cam sành khởi sắc, mong thị trường tiêu thụ ổn định

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Các cơ sở, HTX đang nâng sản lượng thu mua cam sành trong tháng 2, để giảm áp lực thu mua trong tháng 3.

Những ngày gần đây, giá cam sành đã có nhiều khởi sắc, một số thương lái đề nghị đặt cọc thu mua vào khoảng cuối tháng 3/2023 âl với giá 12.000 đ/kg. Đây là tín hiệu vui đối với các chủ vườn. Song, “để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân nên liên kết sản xuất, tham gia vào HTX, tổ hợp tác để gắn kết đầu ra”- theo như khuyến nghị của ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long.

Giá cam tăng nhẹ, thương lái tìm mua cam chín

Trên tuyến đường liên ấp Hiếu Xuân- Hiếu Liên (xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm), chúng tôi vào vườn cam sành của anh Ngô Văn Lù (ở ấp Hiếu Xuân) nhân lúc thương lái đang thu hoạch. Anh Lù cho biết, cách nay 2 năm anh chuyển 9 công ruộng lên vườn trồng cam sành. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và không đầu tư nhiều cho cây nên trái không đạt chuẩn, “năng suất chỉ khoảng 5- 6 tấn/công, giá bán 4.500 đ/kg (ngày 21/2/2023), bỏ túi chưa tới 30 triệu đồng/công, trong khi chi phí đầu tư gần cả trăm triệu đồng/công”, anh Lù cho hay.

Gắn bó cây cam sành từ năm 2014, anh Nguyễn Văn Tài (ở ấp Ninh Thuận, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) cho hay: Từ 8 công cam sành ban đầu, anh đã mua được 21,5 công đất ở xã Hiếu Nhơn, cộng với thuê đất thêm, đã phát triển diện tích trồng cam lên 100 công. “Thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá cam sành 10.000 đ/kg, nhưng tôi chưa bán vì muốn... đợi giá lên. Sau khi neo lại một thời gian thì giá giảm còn 8.000 đ/kg. Thấy tình hình có vẻ tiếp tục giảm, nên tôi quyết định bán. Trừ chi phí, tôi vẫn lãi khoảng 1,6 tỷ đồng”, anh Tài kể.

Với 3 công đất trồng cam sành được 7 năm tuổi, trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Thuận Thới (Trà Ôn), bán khoảng 7 tấn cam, giá 4.000 đ/kg. “Đối với vườn cam lâu năm, giá bán 4.000- 5.000 đ/kg thì nông dân không lỗ”, ông Tám khẳng định và cho biết: “Đất Thuận Thới rất hợp với cây cam sành, cây cho năng suất cao vượt trội so với nhiều nơi”.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, hiện giá cam sành đã tăng nhẹ, song tâm lý một số nông dân muốn neo lại, đợi giá cam lên thêm. Hiện nhiều thương lái đang tìm mua cam chín vì có vị ngọt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Anh Nguyễn Văn Tài cho biết thêm, cam sành từ lúc trồng đến khoảng 8 năm tuổi thì chi phí đầu tư cho mỗi ký cam khoảng 4.000- 5.000đ. Tuy nhiên, đối với cam cho trái chiếng thì giá bán 10.000 đ/kg trở lên, năng suất 10 tấn/công mới đảm bảo chi phí đầu tư. Vừa qua, một số thương lái đề nghị đặt cọc thu mua cam sành vào khoảng cuối tháng 3/2023 âl với giá 12.000 đ/kg. Tuy nhiên, chủ vườn vẫn chưa quyết định bán. Bên cạnh, cũng có thương lái tìm mua cam chín quá lứa thu hoạch và mua ngang giá cam mới vào vụ, nhưng hiện không còn nhiều nguồn cung.

Cần liên kết sản xuất để tiêu thụ ổn định

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh có hơn 17.076ha trồng cam sành. Trong đó, huyện Trà Ôn có diện tích trồng cam sành nhiều nhất với 9.918ha, tiếp đến là huyện Tam Bình và Vũng Liêm với diện tích lần lượt 3.310ha và 2.683ha.

Thời gian qua, diện tích cam sành tăng nhanh do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Tại huyện Trà Ôn, năm 2018 có hơn 3.092ha trồng cam sành, đến nay đã tăng lên gấp 3,2 lần. Những năm trước đây, giá bán 15.000- 18.000 đ/kg, nông dân lời từ 1- 1,2 tỷ đồng/ha. Đối với những hộ thu hoạch vụ đầu tiên thì mức lời thấp hơn, do chi phí đầu tư trong 2 năm đầu cao.

Sau Tết Nguyên đán 2023, giá cam sành có chiều hướng đi xuống. Trong khi sản lượng cam sành đến vụ thu hoạch khá nhiều, cùng với đó là có những loại cam quá lứa do nông dân neo lại chờ tăng giá. Song, lại rất ít thương lái đến thu mua, dẫn đến tình trạng ùn ứ.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, khoảng 1 tuần nay, sản lượng thu mua và giá cam đều tăng, cam tồn đọng không còn nhiều.

Đầu tháng 2/2023, sản lượng cam cần tiêu thụ khoảng 57.140 tấn. Đến 20/2, giảm còn khoảng 12.000 tấn, trong đó cam chín cần tiêu thụ ngay là 800 tấn, còn lại là cam xanh, tập trung ở các xã: Thới Hòa, Nhơn Bình, Hòa Bình, Trà Côn, Hựu Thành, Vĩnh Xuân…

Ngành nông nghiệp huyện dự báo, giá cam sành sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 3 do sự khởi sắc của thị trường tiêu thụ. Sản lượng cam chín cũng đã giảm mạnh, làm giảm áp lực thu mua cho cả nhà vườn và thương lái. Cũng trong thời gian này, cam sành của huyện đang trong giai đoạn thu hoạch tập trung, dự kiến sản lượng khoảng 50.000- 60.000 tấn.

 

 

Ngành nông nghiệp đang tích cực vận động và hỗ trợ nhà vườn thực hiện mã số vùng trồng để kết nối cung cầu.

Qua khảo sát thực tế tình hình tiêu thụ cam sành tại huyện Trà Ôn và Vũng Liêm, ông Trần Văn Trạch khuyến nghị hội viên, nông dân không nên mở rộng diện tích sản xuất ồ ạt. Nông dân nên liên kết sản xuất, tham gia vào HTX, tổ hợp tác để gắn kết đầu ra, tiêu thụ ổn định. Đồng thời, chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị của trái cam.

Ông Lê Vinh An- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Thành: Toàn xã có khoảng 1.100ha trồng cam, trong đó khoảng 1.035ha đang cho trái. Có 30% diện tích trồng cam tạm ổn, còn lại 70% cam tơ. Đến nay, xã chỉ còn khoảng 100ha đất lúa. Dự kiến khi giá cả ổn định, nông dân sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Anh Trần Văn Thoại- ấp Tường Tín (xã Thới Hòa): Thời điểm giá cam xuống thấp, chỉ những nông dân trồng cam thu hoạch vụ đầu bị ảnh hưởng, đối với nông dân trồng cam lâu năm thì không ảnh hưởng nhiều, tôi thì đã bán cam trước đó, chỉ còn lại 5 tấn cam (thương lái hái còn sót), nên nếu bán thì có tiền xài thêm, không bán cũng chẳng sao.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn: Đến ngày 22/2, giá cam sành đã tiếp tục tăng lên. Hiện cam sành đủ chuẩn (đúng kỳ thu hoạch, trái đẹp) giá khoảng 10.000- 11.000 đ/kg; cam chưa đủ chuẩn giá khoảng 7.000 đ/kg.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 

Cảnh báo tình trạng phát triển 'nóng' cây sầu riêng

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố phía nam về việc phát triển bền vững cây sầu riêng.

 

 

Sầu riêng xuất khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn cam kết với bên nhập khẩu để giữ được thị trường bền vững - Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ NN& PTNT, tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng đang có hiện tượng phát triển "nóng". Nhiều nơi mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; có trường hợp phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng sâu riêng…

Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, khiến cung vượt quá cầu và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp, như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng Việt Nam.

Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đề nghị các sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp, HTX, các hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức về sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý; thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ NN& PTNT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó tập trung một số nội dung sau. Đó là định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, HTX, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.

Khẩn trương thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT ngày 7/2/2023 của Bộ NN&PTNT về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, lập và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi, lưu ý với cây sầu riêng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; tăng cường công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Đỗ Hương

 

Mãng cầu Tây Ninh thắng lớn

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Nguồn cung mãng cầu Tây Ninh đang không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, giá bán đang cao kỷ lục từ trước tới nay.

 

 

Anh Trần Trung Kiên- Tổ trưởng Tổ hợp tác mãng cầu Na Suối Đá.

Hai bên đường Bời Lời (thuộc phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) dẫn đến Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen có nhiều sạp bán trái cây. Các sạp đều trưng bày mãng cầu ở vị trí bắt mắt nhất để đón các du khách.

Ngay tại thủ phủ mãng cầu, vẫn hiếm hàng loại 1

Bà Bảy- chủ một sạp hàng cho biết, nhiều ngày nay bà chỉ lấy được trên dưới 20kg mãng cầu loại 1 (là loại trái lớn có chất lượng ngon nhất, đạt khoảng 4 trái/kg) vì các đầu mối đã phân phối nguồn hàng cho các khách hàng lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với giá khá cao.

Còn lại các tiểu thương phải lấy loại nhỏ hơn một chút. Bà nói: "Năm nay mãng cầu có giá nhất, giá loại một là 70 ngàn đồng/kg, tui lấy người ta đã hơn 60 ngàn đồng/kg rồi, vậy mà khách thành phố vẫn ghé lựa quá trời, có người lựa 3-4kg. Người ta nói Sài Gòn 85 ngàn đồng/kg mà trái nhỏ chứ không đẹp như ở đây".

Các sạp bán tạm bên lề đường có giá bình dân hơn, từ 25.000 đồng đến 60.000 đồng/kg tuỳ loại, chủ yếu bán trái loại 2 và loại 3. Anh Phong, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành, ra gần chân núi bán mãng cầu từ đầu tháng Giêng cho biết, những ngày cao điểm, anh bán được trên 300kg. Đây là mức tiêu thụ kỷ lục từ trước tới nay. Các năm trước, anh bán không nhiều bằng năm nay.

Bà Mười, nhà ở phường Ninh Sơn, bán hàng khá chạy, trước sạp có biển ghi “Mãng cầu siêu sạch”. Bà thu mua tại vườn về bán và phân bổ lại cho một số tiểu thương xung quanh.

Số lượng trái loại 1 bán lẻ ra ngoài không nhiều, nên sạp của bà cũng chỉ có loại 2 trở xuống. Có nhiều hôm bà chấp nhận gom cả mãng cầu trái nhỏ loại 3, loại 4 với giá bán trên dưới 25 ngàn đồng/kg.

Do bán lâu năm, bà có số lượng khách quen đáng kể. "Từ hai năm trở lại đây, trái mãng cầu Tây Ninh rất ngon, không có dòi. Trước đây mua tại vườn, trái nhìn rất ngon, nhưng chính mình cũng không an tâm, bóc ra vẫn bị dòi. Bây giờ khách hàng yên tâm là mãng cầu Tây Ninh siêu sạch và ngon, nên trái nhỏ nhỏ họ cũng chịu mua hết"- bà Mười cho biết.

Chị Kiều- một du khách chia sẻ: "Đến Tây Ninh, mình phải đi chùa Bà và mua mãng cầu Tây Ninh đem về". Chị mua ủng hộ bà Mười một túi mãng cầu loại 2 để làm quà và mua một túi mãng cầu loại 3 để ăn dọc đường. Chị nhận xét: "Mãng cầu Tây Ninh mùa này ngon nhất trong năm và mọi người trong nhà chị đều rất thích loại trái cây đặc sản này".

 

 

Sạp hàng tạm của bà Mười, ngày cao điểm tiêu thụ trên 300kg.

Phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh

Tổ hợp tác mãng cầu Na Suối Đá, huyện Dương Minh Châu có quy mô 10 ha, các đợt thu hoạch trong tháng Giêng vừa qua mang lại lợi nhuận tốt nhất so với các năm trước.

Anh Trần Trung Kiên- Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, trước đây anh tham gia một số hội chợ xúc tiến thương mại nên kết nối với nhiều khách hàng lớn. Sản phẩm của Tổ hợp tác có thị trường chủ lực là Hà Nội, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) và miền Tây. Nhiều khách hàng lớn liên hệ nhưng sản lượng không đủ cung cấp.

Anh Kiên cho biết: "Mình không bán ở thị trường trong tỉnh, vì trước đây khách hàng lớn ngoài tỉnh đã bao tiêu hết và duy trì tới nay. Họ cho biết mãng cầu Tây Ninh rất được ưa chuộng, lấy bao nhiêu hết bấy nhiêu. Đây cũng là lý do mà trong tỉnh mình nhiều sạp không có đủ để bán".

Tuy nhiên, với việc nhiều nhà vườn đang thu hoạch vét, tiểu thương chấp nhận bán mãng cầu loại 3, loại 4 giá rẻ chiều lòng du khách dễ tính khiến anh Kiên tâm tư. Anh cho rằng cách làm này sẽ góp phần làm giảm danh tiếng của mãng cầu Tây Ninh.

Vì vậy, anh kiên quyết loại bỏ các trái nhỏ, chỉ để lại một số trái vừa đủ để dưỡng. Hầu hết trái trên cây đều đạt loại 1. Theo anh Kiên, việc tập trung nâng cao giá trị thương hiệu mãng cầu Tây Ninh sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người trồng mãng cầu Tây Ninh.

Anh Kiên cũng cho rằng người trồng mãng cầu sẽ còn được hưởng lợi từ sự "ưu ái" của thị trường một vài năm nữa mà không sợ cạnh tranh gay gắt, bởi vì thương hiệu mãng cầu Tây Ninh đang rất mạnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tình nhận định của anh Kiên. Ông chia sẻ: "Xung quanh chân núi bà Đen có khoảng 5.000 ha trồng mãng cầu. Mãng cầu khá là kén đất.

Đồng thời lao động trong lĩnh vực này cũng cần chuyên nghiệp. Các vùng khác muốn trồng cũng khó đạt được như ở đây. Dự đoán mãng cầu sẽ có giá tốt trong nhiều năm nữa. Và giá này không phải do may mắn mà do nông dân đã kiên trì phát triển, khẳng định được thương hiệu và uy tín của trái mãng cầu Tây Ninh".

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật để phòng ngừa sâu bệnh và bao trái, không dùng các hoá chất độc hại. Hầu hết các nhà vườn đều áp dụng biện pháp này vì vừa đạt tiêu chuẩn sạch vừa đạt sản lượng tốt, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Anh Trần Trung Kiên cho biết, thành viên Tổ hợp tác mãng cầu Na Suối Đá có kiến nghị tỉnh nhanh chóng quy hoạch các vùng trồng, quảng bá du lịch kết hợp tham quan các địa chỉ nông nghiệp xanh để du khách thêm yên tâm về chất lượng. Từ đó, du khách sẽ góp phần quảng bá rộng rãi thương hiệu mãng cầu Tây Ninh.

Hồng Minh

 

Hậu Giang: Nắng nóng, trái chanh và tắc ở huyện Châu Thành A tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Hiện nay là mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng những loại trái cây, thực phẩm dinh dưỡng, nước uống giàu vitamin C hút hàng, trong đó có chanh và tắc.

Tại huyện Châu Thành A (Hậu Giang), nông dân trồng hơn 533ha chanh, chủ yếu là chanh không hạt và hơn 110ha tắc. Theo các nhà vườn cho biết, hiện thương lái đến tận vườn thu mua chanh với giá từ 15.000-18.000 đồng/kg, tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với tháng trước. Riêng trái tắc vẫn giữ giá ở mức cao, trên 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại, trái chanh và tắc tới lứa thu hoạch không nhiều nên giá cao, hút hàng nhưng nhà vườn không có đủ nguồn hàng để bán.

Để tránh tình trạng vào vụ thu hoạch rộ giá giảm, cuối vụ giá tăng, ngành chuyên môn huyện Châu Thành A khuyến cáo nhà vườn nên áp dụng kỹ thuật cho cây chanh và tắc ra hoa, đậu trái sớm hoặc trễ hơn thời vụ, đón đầu thị trường để bán được giá cao.

PHÚ HỮU

 

Trồng ngò gai hữu cơ, hướng đi bền vững

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

 

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên ruộng lúa để tăng thu nhập, thời gian qua, nhiều hộ dân ở khu vực khóm 6, phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ngò gai dưới chân ruộng theo hướng hữu cơ… Nhờ vậy mà bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập khá.

Chúng tôi theo chân Chủ tịch Hội Nông dân phường 7 (thành phố Sóc Trăng) Trần Quang Thái đến trực tiếp gặp các hộ dân để tìm hiểu về mô hình trồng ngò gai sử dụng toàn phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học của Tổ hội nghề nghiệp ở khóm 6. Đi dọc con đường đal vào khóm 6, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những mảnh ruộng xanh mướt, nhìn xa thấy người dân lom khom nhổ cỏ, đó là khu vực trồng ngò gai của các thành viên Tổ hội nghề nghiệp. Đang tưới nước ruộng cỏ VA06 trồng để cho bò ăn, thấy có người quen đến tìm, anh Điền Đên, ngụ khóm 6, phường 7, thành phố Sóc Trăng là thành viên của Tổ hội nghề nghiệp dừng tay dẫn chúng tôi đi xem ruộng ngò gai của gia đình.

Qua trò chuyện, anh Đên chia sẻ: “Tôi trồng ngò gai đã nhiều năm rồi, nhưng tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp để trồng ngò gai theo hướng hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học tính ra cũng được 2 năm. Ngò gai là loại cây rất dễ trồng, ít sâu bệnh, thích hợp vùng đất bùn, có nước quanh năm, trồng một lần có thể thu hoạch nhiều lứa, vốn đầu tư ban đầu ít. Ngò gai trồng 3 tháng là có thể thu hoạch. Hơn nữa, trong quá trình chăm sóc và thu hoạch không mất nhiều công sức, thời gian. Đặc biệt, khi thu hoạch không phải lo tìm đầu ra, thương lái tới tận nơi để thu mua với giá trung bình 15.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 18.000 - 20.000 đồng/kg, mỗi ngày các hộ trong tổ thu hoạch khoảng 80kg, sau khi trừ chi phí có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, sau khi thu hoạch lá xong, những cây con bắt đầu mọc lên, vào mùa khô đa số bà con còn tập trung chăm sóc những cây con để lấy hạt làm giống dự trữ cho những vụ tiếp theo, hoặc làm giống bán với giá trên thị trường từ 200.000 - 300.000 đồng/kg”.

 

 

Anh Điền Đên đang rửa ngò gai để thương lái đến cân. Ảnh: KIM NGỌC

Tổ hội nghề nghiệp trồng ngò gai theo hướng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học có 15 hộ tham gia với tổng diện tích trên 1,6ha, người trồng nhiều nhất khoảng vài ba công, ít nhất vài trăm mét vuông, hiệu quả kinh tế từ cây ngò gai góp phần giảm nghèo, trong đó có nhiều hộ vươn lên khá giả.

Chủ tịch Hội Nông dân phường 7 (thành phố Sóc Trăng) Trần Quang Thái cho biết, xuất phát từ nhu cầu rau màu theo hướng hữu cơ, Hội Nông dân phường đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố Sóc Trăng đã xây dựng mô hình trình diễn “ủ phân hữu cơ trong sản xuất rau an toàn”, giúp nông dân tham quan, học tập, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới ứng dụng vào thực tiễn, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Thông qua Tổ hội nghề nghiệp, các hộ tham gia cùng góp vốn, góp sức trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, phát huy tính sáng tạo của tập thể, giúp nhau phát triển sản xuất; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, có nhiều cơ hội tiếp cận các sản phẩm đầu vào và thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra; có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn để phát triển. Qua đó việc xây dựng tổ hội nghề nghiệp nhằm đa dạng hóa mô hình tổ chức hội nông dân ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả đã khắc phục những mặt yếu kém của hội, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại địa phương. Hiện nay, Tổ hội nghề nghiệp trồng ngò gai đang làm thủ tục để đề nghị cấp có thẩm quyền nâng lên thành Tổ hợp tác trồng ngò gai nhằm tăng thêm quy mô sản xuất.

KIM NGỌC

 

Ngát hương chè xuân

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

Trong tiết trời Xuân ấm áp, những nương chè của bà con trong tỉnh bắt đầu đâm chồi, búp mọc tua tủa, vươn lên xanh ngát. Mặc dù sản lượng không cao so với chính vụ nhưng chè xuân lại là lứa chè ngon nhất và được giá nhất trong năm bởi sau một thời gian được đốn cành, tỉa tán, cây chắt chiu dưỡng chất cho những búp lộc đầu tiên.

 

 

Thành viên Hợp tác xã Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) thu hái chè xuân.

Đốn chè từ tháng 11 Âm lịch, đến tháng Giêng, Hợp tác xã (HTX) Chè Thủy Thuật, ở xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) bắt đầu được thu hoạch lứa chè đầu tiên trong năm.

Chị Nguyễn Thị Thủy, thành viên HTX, chia sẻ: Chè xuân hay còn gọi là chè cấm mặt, là lứa chè có nhiều dưỡng chất nhất bởi sau 2 tháng “ngủ đông” cây mới nhú mầm, nảy lộc. Ngoài ra, trong vụ Xuân, thời tiết không có nắng gắt nên chè thơm ngon, ít vị chát hơn. Mặc dù sản lượng chỉ đạt 1/3 so với chính vụ nhưng chè xuân lại được giá và dễ tiêu thụ. Nếu như chè chính vụ, chúng tôi thu mua của bà con với giá 60 nghìn đồng/kg chè búp tươi thì chè xuân là 80 nghìn đồng/kg.

Dù có nhiều khách hàng đặt nhưng hiện tại sản lượng chè xuân của HTX mới được gần 1 tạ chè búp khô. Trung bình 1 năm, HTX xuất bán ra thị trường 12 tấn chè búp khô với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg tùy loại. Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP là Lộc đinh trà, Nhất tâm trà và Trà tôm nõn.

Rời TP. Thái Nguyên, đến xã Phú Xuyên (Đại Từ), chúng tôi cũng bắt gặp bà con đang nhanh tay thu hái bên những luống chè xanh mơn mởn. Bà Đào Thị Thoi, Giám đốc HTX Chè Tuất Thoi, cho biết: Chè xuân của chúng tôi được bán với giá từ 300-400 nghìn đồng/kg, cao hơn chè chính vụ 100 nghìn đồng/kg. Chè xuân khi pha nước sẽ có màu xanh và hương thơm, vị ngọt, ngậy đặc trưng hơn các mùa khác nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài đóng gói từng loại 100g, 200g, 500g, chúng tôi còn đóng từng gói nhỏ đựng trong hộp xinh xắn để phục vụ bà con thắp hương, làm lễ dịp đầu năm. Dù sản lượng ít hơn so với chính vụ, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng, bà con luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sao sấy theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích 15ha. Chúng tôi đã thay đổi tập quán canh tác để bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng cũng như từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm để không chỉ nội tiêu mà còn hướng tới xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên.

 

 

Chế biến chè tại Hợp tác xã Chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên (Đại Từ).

Để có lứa chè xuân xanh tốt, từ tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch năm trước, người trồng chè bắt đầu đốn cành tạo tán. Đồng thời, bà con tiến hành dọn dẹp cỏ dại, cuốc hố bón phân và phun vôi lên cây để hạn chế mầm bệnh, chờ ngày nảy mầm cho một vụ thu hoạch mới.

Đây là vụ chăm sóc được người trồng chè đặc biệt quan tâm bởi nếu hấp thụ được tốt chất dinh dưỡng thì cây mới phát triển và cho năng suất cao ở những lứa chè tiếp theo.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 22,5 nghìn héc-ta chè, trong đó chè giống mới chiếm 80% diện tích. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến nên năng suất, chất lượng chè Thái Nguyên không ngừng tăng lên, hiện năng suất chè toàn tỉnh đạt 124,7 tạ búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến đạt khoảng 50 nghìn tấn.

Thái Nguyên hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1 héc-ta chè. Cây chè ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con như: Hỗ trợ công nghệ tưới tiết kiệm; hỗ trợ cơ giới hóa chế biến chè; hỗ trợ chứng nhận VietGAP, sản xuất chè hữu cơ…

Ngoài ra, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng tổ chức, tạo điều kiện cho các HTX, hộ sản xuất chè tham gia các hội chợ, triển lãm để góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Chè được xác định là cây trồng thế mạnh, là sản phẩm chủ lực có giá trị thương hiệu lớn của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè; yêu cầu các địa phương không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.

Năm 2023, Thái Nguyên có kế hoạch trồng mới và trồng lại 415ha chè, phấn đấu sản lượng chè búp tươi đạt 262.000 tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so với năm 2022. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất chè hữu cơ; khuyến khích bà con tăng cường áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu Chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng các vùng sản xuất chè tập trung theo hướng tăng nhanh diện tích chè an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến; cấp chứng nhận sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, GAP khác. Năm nay, Thái Nguyên phấn đấu nâng tổng diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ được cấp chứng nhận trên địa bàn tỉnh đạt 4.500ha trở lên.

Khánh Thiện

 

Quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Bình Phước hiện có khoảng 16.000 ha cây cà phê, chủ yếu 2 giống cà phê vối và cà phê chè. Loại cây này không yêu cầu khắt khe về đất trồng, miễn là đất thoát nước tốt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng nên được nông dân trồng nhiều ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Nhiều nông hộ cũng đã có những kinh nghiệm nhất định trong kỹ thuật chăm sóc cà phê đạt năng suất cao. Một trong các biện pháp kỹ thuật đẩy mạnh năng suất cây cà phê là bón phân cân đối và hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng cho biết, gia đình ông trồng cà phê đã 13 năm. Loại giống ông trồng là cà phê vối, sau đó được ghép cải tạo nên năng suất tương đối ổn định. Trung bình 1 ha thu trên 3 tấn. “Cây cà phê thuộc loại thân gỗ nên dễ chăm sóc hơn các cây trồng khác. Tuy nhiên, nếu muốn năng suất cao thì phụ thuộc vào kỹ thuật thâm canh, phương pháp tỉa cành, tạo tán và bón phân, xịt thuốc kịp thời” - ông Tằm chia sẻ.

Còn vườn cà phê của hộ ông Lê Văn Xìn ở ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú tuy trồng xen canh trong vườn điều 8 năm nhưng do được đầu tư chăm sóc nên sản lượng luôn đạt gần 4 tấn/ha/năm.

 

 

Ông Lê Văn Xìn cho biết, bên cạnh bổ sung dinh dưỡng, người trồng cần quan tâm sâu bệnh hại trên cây cà phê

Theo kinh nghiệm của ông Xìn, đầu mùa khô, sau khi thu hoạch, cây cà phê đã tích trữ trong trái một lượng dinh dưỡng rất lớn, do vậy thu hoạch trái cũng đồng nghĩa với việc lấy đi lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng trong cây, làm cây bị suy kiệt. Cũng trong mùa khô, cây cà phê xảy ra quá trình phân hóa mầm và nở hoa. Mọi biện pháp kỹ thuật lúc này nhằm thúc đẩy cây sinh trưởng sinh thực, có điều kiện phân hóa mầm hoa sớm. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong, ngoài cung cấp đủ nước tưới thì cần bổ sung lượng dinh dưỡng lớn để cây sinh trưởng, phát triển tốt, kích thích quá trình phân hóa mầm hoa mạnh hơn, ra hoa đậu quả tập trung và nuôi trái non. Ông Xìn cho rằng, hiện sự phân bố mùa khô ở Nam Bộ và Tây Nguyên không còn theo quy luật như trước. Trong mùa khô, mưa trái mùa vẫn nhiều lần xuất hiện, đã tác động đến quá trình phân hóa mầm hoa của cây cà phê.

Theo khảo sát sơ bộ, hầu hết vườn cà phê ở Bình Phước được bà con nông dân khai thác hơn 10 năm. Việc chăm sóc cà phê đối với nông dân không quá khó, cây cũng ít bệnh. Tuy nhiên, vấn đề nông dân băn khoăn là dinh dưỡng trong đất tự nhiên phần lớn đã bạc màu, trong khi giá phân bón liên tục tăng cao, dẫn đến việc chăm sóc cây trong nhiều gia đình chưa hợp lý. Điều này thể hiện ở việc sử dụng phân khoáng với liều lượng cao mà chưa chú trọng đến việc bồi dưỡng hữu cơ và cung cấp thêm các yếu tố dinh dưỡng trung vi lượng cho vườn cà phê. Vì thế, nông dân cần nắm vững hơn nữa yêu cầu dinh dưỡng của cây để bón phân cân đối, hợp lý, từ đó tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

“Thời gian nắng nóng kéo dài nên rệp sáp phát triển nhiều, chích vào chùm quả làm khô quả, nếu phát hiện muộn sẽ bị mất trắng. Còn mùa mưa, nếu mưa nhiều, quản lý cỏ dại, cành chồi không tốt thì cây hay bị nấm bệnh. Độ ẩm cao thì thường bị nấm bệnh gây thối cuống quả. Để hạn chế tình trạng bệnh trên cây cà phê cần thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh, tỉa cành thông thoáng kết hợp phun thuốc phòng bệnh” - ông Tằm chia sẻ.

Để cà phê đạt năng suất từ 3-4 tấn/ha, vấn đề quản lý dinh dưỡng cho cây là rất quan trọng. Bởi việc phối hợp phân hữu cơ, vô cơ, bón cân đối đa lượng và trung vi lượng là điều cần thiết để có được vườn cà phê sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và ổn định, duy trì được độ phì của đất lâu dài, giúp sản xuất bền vững.

Hiền Lương

 

Thủ phủ hành tím Vĩnh Châu chia sẻ bí quyết hết cảnh được mùa mất giá

Nguồn tin: Lao Động

 

Trải qua không ít lần kêu gọi “giải cứu”, niên vụ 2022-2023, nông dân ở thủ phủ hành tím Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã có được niềm vui trọn vẹn “trúng mùa, được giá”.

Niềm vui trọn vẹn

Không còn những tiếng thở dài than lỗ, than khổ như những lần thu hoạch hành tím rớt giá thê thảm và phải nhờ cộng đồng “giải cứu”, không khí thu hoạch hành tím trên các đám rẫy ở thị xã Vĩnh Châu mùa này rôm rả tiếng nói cười của người nông dân.

Theo ghi nhận, giá hành tím bán cho thương lái dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với niên vụ hành tím năm 2021 - 2022.

Một số người đang thu hoạch hành tím ở xã Lạc Hòa và phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cho biết, hơn chục năm rồi, bà con mới có được niềm vui trọn vẹn.

“Nông dân chúng tôi quá vui mừng. Lâu lắm rồi hành tím mới được mùa, được giá như đợt này. Nhà tôi trồng hơn 4.000m2, thu hoạch khoảng 9 tấn. Với giá bán từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 150 triệu đồng. Chi phí hành giống, phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao, nếu không thì lãi còn nhiều hơn thế nữa”, ông Lâm Mỹ, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ.

Bà Thạch Thị Mỹ Phương, khóm Cà Săng, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu cũng phấn khởi cho biết: “Khi trồng mình không dám nghĩ sẽ bán được giá gần 25.000 đồng/kg mà chỉ mong giá được khoảng 15.000 đồng/kg là đã có lời rồi”.

 

 

Năng suất bình quân hành tím Vĩnh Châu vụ này đạt từ 18 đến 20 tấn/ha. Ảnh: Văn Sỹ

Hết cảnh ùn ứ, rớt giá

Ông Phan Vĩnh Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, hành tím là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Sau những lần gặp khó trong tiêu thụ và rớt giá trước đây, thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trồng hành tím theo đúng vùng quy hoạch, không tự phát trồng ồ ạt.

Đồng thời, triển khai các giải pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng hành thương phẩm, tăng cường liên kết bao tiêu đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định cho nông dân.

“Để tránh lặp lại điệp khúc “được mùa, rớt giá”, ùn ứ hành tím vào mùa thu hoạch rộ, chúng tôi đẩy mạnh việc quảng bá, liên kết sản phẩm hành tím Vĩnh Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với các đơn vị, doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh.

Cùng với đó, kêu gọi các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư kho thu mua dự trữ, hợp đồng bao tiêu hành thương phẩm của nông dân”, ông Tùng thông tin thêm.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, niên vụ 2022-2023, tổng diện tích trồng hành tím tại Vĩnh Châu trên 5.000ha. Tính đến ngày 21.2.2023, nông dân đã thu hoạch khoảng 2.000ha, năng suất bình quân đạt từ 18-20 tấn/ha, tăng từ 3-5 tấn/ha so với niên vụ 2021-2022.

“Vụ hành tím này không xảy ra tình trạng khó tiêu thụ nhờ bà con tuân thủ tốt việc trồng rải vụ để giảm áp lực cho tiêu thụ nông sản khi bước vào thu hoạch rộ. Cùng với đó, nhờ đẩy mạnh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nên đầu ra củ hành tím vụ này dễ dàng”, ông Mã Chí Thọ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu lý giải thêm.

VĂN SỸ

 

Nông nghiệp hữu cơ: Giữ dinh dưỡng bền vững cho đất

Nguồn tin:  Khoa học Phổ thông

 

Nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp hướng hữu cơ là vấn đề quan tâm của toàn thế giới, không chỉ với Việt Nam. Chúng ta có nhiều mục tiêu, nhưng cần nhắm đến các mục tiêu chủ yếu, giữ nông sản an toàn cho toàn dân, và đem lại lợi ích kinh tế hàng chục ngàn tỷ.

Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp ở quy mô nhỏ; trong tương lai, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục áp dụng ở quy mô lớn với các thiết bị cơ khí có thể được chế tạo trong nước.

Nông nghiệp hữu cơ chiếm 0,5 - 1% so với toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam

Trước hết, cần phân biệt nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp hướng hữu cơ. Nông sản trồng trọt hữu cơ không dùng phân hóa học và thuốc hóa học; đòi hỏi điều kiện nghiêm ngặt về đất, nguồn nước (không bị ô nhiễm, xa khu dân cư và khu vực sản xuất thông thường…); cần chứng chỉ do các cơ quan quốc tế có thẩm quyền cấp.

Sản xuất lúa hướng hữu cơ có giảm phân và thuốc hóa học, theo quy trình “sạch”, ví dụ ngưng phun thuốc một thời gian trước khi thu hoạch, dùng hơn 50% dưỡng chất từ phân hữu cơ... Với cùng một giống, nông sản hướng hữu cơ cũng được chấp nhận khi xuất qua các thị trường cao cấp như Nhật, Âu châu..., nhưng với giá thấp hơn so với nông sản hữu cơ.

Theo tài liệu trong Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Nông nghiệp Hữu cơ mới đây, thời gian 2017 - 2021 diện tích trồng trọt hữu cơ dao động trong khoảng 63.000-150.000 ha, liên quan đến gần 20.000 hộ, giá trị hợp đồng từ 2 đến 6 triệu USD. Xét bất cứ chỉ tiêu nào, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 0,5 - 1% so với toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam. Ví dụ sản lượng hồ tiêu hữu cơ khoảng 1.000 tấn (chủ yếu xuất khẩu) so với tổng sản lượng trồng tiêu là hơn 250.000 tấn.

Làm sao tăng được tỷ lệ nông nghiệp hữu cơ?

Gặp một vấn đề cần có cách giải quyết, chúng ta thường xem xét 3 yếu tố: thị trường, kỹ thuật, và vốn.

Thị trường

Đây là yếu tố quyết định. Bán cho ai, số lượng bao nhiêu, chất lượng yêu cầu thế nào, với giá như thế nào... là những câu hỏi cần được giải đáp, dù chi tiết hay sơ lược.

a) Thị trường trong nước với sản phẩm hữu cơ còn hạn chế, do thu nhập bình quân còn thấp. Người dân quan tâm hơn đến nông sản sạch, an toàn, nghĩa là canh tác theo hướng hữu cơ, VietGap…

b) Thị trường nước ngoài cũng có, với các mức độ khác nhau với các sản phẩm khác nhau; cần nhiều khảo sát chi tiết hơn. Thế nhưng hầu hết tỉnh/thành rất ít đề cập đến thị trường, chỉ nêu diện tích và sản lượng hữu cơ...

Kỹ thuật

Để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật khá phức tạp với nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng điểm chung là phải biết được kết quả về chất lượng sản phẩm và giá thành sản xuất, trong đó có chi phí lao động. Tuy nhiên, chưa có nhiều đánh giá về giá thành sản xuất so với cách thông thường.

Vốn

Đây là yếu tố có lẽ ít quan trọng, một khi đã biết được thị trường, và lời lỗ trong kinh doanh; các ngân hàng dễ cho vay khi nắm được các chi tiết này.

Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố xã hội và môi trường tác động đến nông nghiệp hữu cơ.

Chức năng của chất hữu cơ trong sản xuất

Như phân tích trên, nông sản hữu cơ được bán với giá cao hơn, nhất là với thị trường xuất khẩu. Nông sản hướng hữu cơ được trong nước mong chờ để có sản phẩm sạch và an toàn.

Chức năng cũng rất quan trọng của chất hữu cơ là bảo vệ đất đai. Thử hỏi tại sao Việt Nam xuất khẩu gạo đạt hàng tỷ USD, nhưng nhập khẩu bắp và đậu nành cho chăn nuôi gà, heo, cá... cũng với hàng tỷ USD? Vì giá thành sản xuất bắp/đậu nành cao hơn thế giới (trong khi giá sản xuất lúa gạo Việt Nam thấp hơn trung bình của thế giới).

Giá thành cao vì năng suất thấp - xét đại trà, không tính năng suất thí nghiệm trên các lô đất nhỏ. Năng suất thấp vì đất đai ở các vùng cây trồng cạn như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… bị rửa trôi hết các dưỡng chất với địa hình hơi dốc và mưa lớn. Ví von như thức ăn trôi khỏi miệng đứa trẻ, sao nó lớn nổi!

Vì vậy để dưỡng chất ở lại với đất, có hai giải pháp. Một là tạo các thửa ruộng ít dốc hơn, bậc thang theo đường đồng mức. Hai là dùng chất hữu cơ để giữ các nguyên tố N-P-K… của phân vô cơ bám vào. Mùn hữu cơ cũng giữ được nhiều nước cho đất và giúp cây trồng chịu hạn tốt hơn.

 

 

Nông nghiệp hướng hữu cơ và bồi dưỡng hữu cơ cho nông nghiệp, từ đó bảo vệ đất đai, giữ dinh dưỡng bền vững cho cây trồng.

Kết quả, nhờ “ăn uống đầy đủ” cây trồng đạt năng suất cao với chi phí sản xuất thấp hơn. Tầm nhìn giảm nhập khẩu hàng tỷ USD bắp - đậu không phải là viển vông; quy mô lớn hơn rất nhiều so với xuất khẩu chỉ vài trăm ngàn USD nông sản hữu cơ.

Phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ

Với nông sản hữu cơ, cần tiếp tục với các thị trường xuất khẩu đã có, và từng bước mở rộng thêm. Tiêu biểu là các sản phẩm cao giá như hồ tiêu, quế, hồi… Giải pháp này tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong nông nghiệp Việt Nam, nhưng cũng góp phần cho xuất khẩu.

Giải pháp chủ lực vẫn là nông nghiệp hướng hữu cơ và bồi dưỡng hữu cơ cho nông nghiệp. Từ đó nhắm mục tiêu bảo vệ đất đai, giữ dinh dưỡng bền vững cho cây trồng để đạt năng suất cao, đặc biệt với cây trồng cạn như bắp, đậu nành, đậu phộng… ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; chờ rừng trồng mới thay thế được cho rừng bị chặt phá, cũng mất vài chục năm để có đủ hữu cơ như xưa.

Vậy phải chủ động sản xuất phân hữu cơ với số lượng lớn, cỡ hơn chục tấn cho mỗi hecta (không phải vài kg cho chậu hoa lan, với giá bán mắc hơn giá lúa...). Nguồn phân ủ hữu cơ rất dồi dào, là từ hỗn hợp các dư thừa thực vật (rơm lúa, thân bắp, lá cây…) và chất thải chăn nuôi.

Muốn sản xuất lớn quy mô hàng trăm tấn phân hữu cơ mỗi ngày, cần vài loại thiết bị cơ khí; bao gồm: Máy thu gom và cuốn rơm lúa; máy thu gom và ép bành các dư thừa cây trồng khác (thân bắp, lá mía...); máy băm nhỏ các nguyên liệu trên; máy trộn hỗn hợp dư thừa thực vật và phân gia súc; máy nâng chuyển và bón rãi phân hữu cơ ngoài đồng.

Tất cả các máy trên đều nằm trong khả năng thiết kế và chế tạo trong nước. Thực tế đã có nhiều máy móc, thiết bị đã được thương mại hóa, từ vài chiếc đến vài ngàn chiếc.

TS Phan Hiếu Hiền, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM

 

Gia Lai: Nông dân Phú Thiện thu nhập khá nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

 

Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý nên nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã có thu nhập khá, từng bước vươn lên làm giàu.

Thu nhập của gia đình ông Đặng Văn Hà (thôn Thống Nhất, xã Ia Peng) được cải thiện đáng kể sau khi chuyển đổi từ trồng lúa kết hợp nuôi cá thương phẩm sang nuôi cá giống. Đặc biệt, ông Hà đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) Cá giống Đức Thắng (thôn Bình Trang, xã Ia Peng) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ông cho biết: “Tôi gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt gần 30 năm nay. Trước đây, khi chưa tham gia HTX, tôi nuôi cá thương phẩm nhưng đầu ra bấp bênh, lợi nhuận không cao. Sau khi tham gia HTX để sản xuất cá giống thì hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt, đầu ra đảm bảo. Với 1,5 ha mặt nước, mỗi năm, tôi cung cấp cho thị trường 7 tấn cá giống, thu nhập bình quân đạt trên 200 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Cá giống Đức Thắng, huyện Phú Thiện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, thị trường cá giống rất tiềm năng, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nuôi cá trên địa bàn mà còn cung cấp cho các tỉnh ở miền Trung-Tây Nguyên nhờ chất lượng cá giống tốt. “Với 30 thành viên hiện có, lượng cá giống của HTX sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các hộ dân trên địa bàn huyện tham gia để được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra”-ông Thắng cho hay.

 

 

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, nhờ chất lượng cá giống của HTX tốt nên được thị trường miền Trung-Tây Nguyên ưa chuộng. Ảnh: Quang Tấn

Bên cạnh tiềm năng về phát triển cây lúa nước, chăn nuôi gia súc, thủy sản, huyện Phú Thiện cũng có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả. Những năm qua, nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả đã được bà con nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả và bước đầu mang lại thu nhập cao. Gia đình ông Lại Quang Huấn (làng Ia Chă Wău) là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiêu biểu của vùng đất khó Chư A Thai.

Trang trại của gia đình ông Huấn có diện tích 11 ha kết hợp trồng cây ăn quả, lúa nước, chăn nuôi gà, bò, dê và đào ao nuôi cá. Ông cho hay, trước đây, diện tích này chủ yếu trồng mía nhưng thu nhập bấp bênh, nhất là vào năm 2016, giá mía xuống thấp, làm không đủ bù đắp chi phí. Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhận thấy cây nhãn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên ông đã chuyển dần sang trồng nhãn, xoài Úc. Đến nay, ông Huấn đã chuyển 6 ha mía sang trồng khoảng 2.000 cây nhãn và 250 cây xoài Úc; diện tích còn lại ông chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, dê và đào 3 ao thả cá.

“Bên cạnh kinh nghiệm tích lũy từ các chuyến tham quan, tôi cũng tích cực nghiên cứu, tìm hiểu trên mạng internet nên có thể áp dụng kỹ thuật ép nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Đồng thời, tôi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, chăm sóc cây theo hướng hữu cơ nên năng suất, chất lượng nhãn luôn đạt cao, được thị trường ưa chuộng. Đến vụ thu hoạch, thương lái vào tận vườn để thu mua. Với giá bán bình quân 25-30 ngàn đồng/kg nhãn, 10 ngàn đồng/kg xoài, vườn cây ăn quả đã mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 1 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, tôi rất mong chính quyền địa phương đứng ra làm đầu mối vận động người trong vùng liên kết mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả nhằm tạo nguồn cung ổn định cho thị trường và hỗ trợ tìm đầu mối xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho người dân”.

 

 

Theo ông Lại Quang Huấn, trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, nhãn của gia đình ông không đủ để cung cấp cho nhu cầu quá lớn hiện nay. Ảnh: Quang Tấn

Nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, diện mạo khu vực nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Phú Thiện ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từng bước nâng lên, nếu như năm 2016 chỉ đạt 16,34 triệu đồng thì đến cuối năm 2022 đạt khoảng 39 triệu đồng/người.

Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Thời gian tới, huyện tập trung triển khai có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, xây dựng các mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tham gia Chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương; thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, hình thành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, huyện sẽ tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các lĩnh vực thế mạnh để từng bước cải thiện thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.

QUANG TẤN

 

Bình Dương: Nhà vườn linh hoạt mùa vụ, nâng cao hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

 

Để tránh tình trạng cung vượt quá cầu cũng như nắm bắt thị trường tiêu thụ phù hợp với sản phẩm cung cấp, nhiều nhà vườn đã linh hoạt trong sản xuất mùa vụ với mục đích đem lại hiệu quả kinh tế, giá thành được tốt hơn. Đây là một minh chứng cho hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.

Linh hoạt sản xuất

Trở lại trang trại Hiếu Hằng (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) thời điểm này vườn quýt đường khoảng hơn 3 ha trái đã căng tròn mọng nước đang chờ đợi vụ thu hoạch vào tháng 4 tới. Chị Bùi Thúy Hằng, chủ trang trại chia sẻ: “Vụ tết vừa qua, 2 ha cam sành bán với giá quá thấp. Tuy nhiên, vụ mới này sẽ rơi vào mùa hè, kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ mạnh hơn, giá cả sẽ khá hơn”.

Với các vườn cây được phân bổ tại 2 xã Lạc An và Hiếu Liêm, chị Hằng đã trồng rải vụ để trong năm lúc nào cũng có trái thu hoạch. “Hiện tại, có 2 vườn sắp cho thu hoạch. Vườn quýt đường hơn 3 ha ở xã Hiếu Liêm cho thu hoạch vào tháng 4, vườn cam sành ở xã Lạc An hơn 2 ha sẽ cho thu hoạch vào tháng 7, tháng 8. Dự kiến sản lượng mỗi vườn thu hoạch khoảng hơn 100 tấn, đến thời điểm đó giá sẽ được hơn”.

 

 

Các nhà vườn linh hoạt sản xuất vụ mùa là một trong những biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán cung vượt quá cầu. Trong ảnh: Vườn quýt đường của trang trại Hiếu Hằng chuẩn bị cho thu hoạch vào tháng 4 tới

Đối với một số trang trại như Lâm Thành Tình, Lâm Thành Thanh (xã Hiếu Liêm)... nhận thấy thị trường tết giá cả xuống thấp nên không làm vụ tết mà tập trung vào vụ tháng 3, tháng 4. “Khách hàng của chúng tôi luôn ổn định, chỉ có sự dao động về giá cả. Cho nên nhà vườn phải lựa chọn mùa vụ phù hợp để sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất”, ông Lâm Thành Thanh cho biết.

Ông Nguyễn Huỳnh Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã tổng hợp Hùng Thuận (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), chuyên sản xuất cam sành, bưởi da xanh cho biết: “Vụ tết vừa qua nhiều thành viên bán không hết hàng, giá thấp. Riêng gia đình tôi sau vụ tết sẽ không tiếp tục sản xuất vụ tháng 3, tháng 4 mà sẽ tiến hành vào năm sau. Thông thường các thành viên trong hợp tác xã thường không làm tập trung vào từng tháng mà làm rải ra để bảo đảm tiêu thụ với giá cả tốt”.

Có thể nói, với các trang trại, nhà vườn ở huyện Bắc Tân Uyên, cây có múi là thế mạnh. Những năm qua, hết ảnh hưởng bởi dịch bệnh lại đến sự suy thoái của nền kinh tế thị trường khiến bà con nông dân phải “lao đao” về giá cả, hàng hóa tiêu thụ chậm nhưng không có ai bỏ vườn. Người nông dân dựa vào thực trạng, linh hoạt nắm bắt thị trường tiêu thụ để cân đối cung cầu giúp đem lại hiệu quả kinh tế. Hầu hết các nhà vườn sản xuất sản phẩm bưởi da xanh thường cho thu hoạch quanh năm và vụ chính rơi vào dịp tết. Còn cam sành thường sản xuất vụ chính vào tháng 3, tháng 4. Và tại thời điểm này, dễ dàng nhận thấy khí thế sôi nổi, lạc quan của các nhà vườn chuẩn bị vào mùa vụ mới.

Hiệu quả từ khoa học kỹ thuật

Thực tế cho thấy, việc các nhà vườn linh hoạt sản xuất vụ mùa là một trong những biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán cung vượt quá cầu. Để làm được điều đó một phần là nhờ sự năng động, những kinh nghiệm trong sản xuất của người nông dân. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất là sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn hướng dẫn người nông dân cách xử lý cho ra hoa nghịch vụ, bón phân đến phòng trừ các loại sâu bệnh. Việc ứng dụng KHKT vào trong sản xuất đã giúp người nông dân có thể cho ra trái theo ý muốn, sản phẩm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Văn Cơ, thành viên Hợp tác xã Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết: “Trước đây làm vườn mùa vụ được hay không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, may mắn. Sau này nhờ tìm tòi học hỏi, được các ban ngành có liên quan do tỉnh, huyện hỗ trợ về KHKT... nắm bắt những cái hay để áp dụng, năng suất tăng lên thấy rõ. Người nông dân giờ đây có thể xử lý cho ra trái theo ý muốn, không còn bị phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, “mùa nào thức ấy” nữa”.

Theo ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, hàng năm ngành nông nghiệp huyện luôn chú trọng tổ chức tập huấn khóa huấn luyện chuyên môn lý thuyết gắn với thực hành, công tác phòng trừ dịch hại thực vật cho nông dân; bồi dưỡng chuyên môn cộng tác viên giám sát mùa màng; chuyển giao KHKT lĩnh vực trồng trọt và lĩnh vực chăn nuôi; tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, hội thảo chuyên đề khuyến nông. Về cơ bản, các loại cây trồng trên địa bàn huyện đã xuống giống theo đúng kế hoạch, sinh trưởng và phát triển tốt, không ảnh hưởng đến năng suất.

Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên luôn chú trọng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Triển khai thực hiện tốt các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp để người nông dân có thể tiếp cận nhanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và giá trị nông sản.

TIẾN HẠNH

 

Nhân rộng ‘Làng thông minh’, thúc đẩy nông thôn phát triển

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

 

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bình Dương diễn ra mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được cải thiện, góp phần đưa phong trào xây dựng NTM trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Nhân rộng mô hình thông minh

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của giai đoạn trước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, qua 2 năm của giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu 2021-2025, Bình Dương có 29/41 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Từ những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, duy trì tốt và nâng dần mức độ hoàn thiện các tiêu chí về thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, cấp nước sạch nông thôn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; chăm lo tốt công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội.

 

 

Mô hình trồng bưởi đường lá cam theo quy trình thực hành tốt VietGAP ở Hợp tác xã Nông nghiệp Bạch Đằng

Vào năm 2010, xã Bạch Đằng được chọn thí điểm xây dựng NTM. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM và trở thành điểm sáng điển hình trong xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2021-2025, xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “Làng thông minh” theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

“Làng thông minh” theo mô hình được xây dựng tại xã Bạch Đằng là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục… Đáng chú ý, những ứng dụng trong công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng quá trình quản lý sản xuất, bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng NTM với phát triển đô thị xanh. Dự kiến đến năm 2025, có trên 80% đường giao thông do xã quản lý được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, có hệ thống cây xanh hai bên đường, 100% nút giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera an ninh.

Từ mô hình thí điểm đầu tiên ở TX.Tân Uyên, hiện nay huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng Đề án “Làng thông minh” trên địa bàn huyện. Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất, kinh doanh thông minh. Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua huyện Phú Giáo thực hiện khá tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Phú Giáo được nâng lên... Những thành tựu trên đây đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình “Làng thông minh”; trong đó, nền tảng nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã NTM thông minh.

Tập trung thực hiện

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, tỉnh đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và hoàn thành các tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm...

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả mô hình “Làng thông minh” ở xã Bạch Đằng làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát cộng đồng, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự xã hội, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững được đồng bộ, toàn diện thông qua bản đồ số và cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên kết quả tới cấp cơ sở, công trình hạ tầng, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò tự quản, giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM…

Việc xây dựng “Làng thông minh” của xã Bạch Đằng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng NTM thông minh trong tương lai của tỉnh, bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng thành quả xây dựng NTM thời gian qua giúp Bình Dương tự tin hướng đến mục tiêu mở rộng mô hình “Làng thông minh” trên toàn tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG

 

Hai cơ sở chăn nuôi bị đề nghị xử phạt 110 triệu đồng vì sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Theo thông tin từ Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Theo đó, trong đợt kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định pháp luật đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và cơ sở kinh doanh trâu, bò trên địa bàn tỉnh từ ngày 15.12 đến ngày 27.12.2022, đoàn kiểm tra Sở NN&PTNT đã kiểm tra và lấy 4 mẫu thịt, 5 mẫu thức ăn chăn nuôi kiểm tra chất lượng tại 8 cơ sở chăn nuôi, giết mổ trâu bò trên địa bàn 5 huyện, thị xã: Gò Dầu, Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành và Trảng Bàng.

Kết quả phát hiện thức ăn chăn nuôi của hai cơ sở chăn nuôi của hộ N.T.T, ngụ ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên và hộ L.P.T, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành có chứa chất Salbutamol bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sở NN&PTNT tham mưu chuyển hồ sơ đến UBND tỉnh, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở chăn nuôi trên với số tiền phạt là 55 triệu đồng/cơ sở vì hành vi sử dụng chất cấm (salbutamol) trong chăn nuôi theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1.3.2021 của Chính phủ.

 

 

Hình ảnh tại các cơ sở chăn nuôi vi phạm (ảnh do đoàn kiểm tra cung cấp)

Minh Dương

 

Nông dân Kông Chro khấm khá nhờ nuôi hươu, nai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Những năm qua, một số hộ dân ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển nghề chăn nuôi hươu, nai. Ngoài cắt nhung bán, các hộ còn cung ứng giống cho thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Cuối năm 2018, anh Việt Thái Sơn (thôn 3, xã Đak Pơ Pho) được người thân ở tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu mô hình chăn nuôi hươu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, cách thu hoạch nhung, anh Sơn bắt tay xây dựng chuồng trại và quy hoạch 1,6 ha đất trồng cỏ làm nơi chăn thả hươu. Chuẩn bị cơ sở vật chất đâu vào đó, đầu năm 2019, anh mua 13 con hươu giống từ trang trại chăn nuôi uy tín ở tỉnh Tiền Giang. Anh Sơn lý giải: “Tôi thấy khí hậu ở khu vực miền Tây ấm áp gần giống với điều kiện thời tiết ở Kông Chro. Vì thế, mua hươu ở đây về nuôi, chúng sẽ sớm thích nghi hơn con giống ở các tỉnh phía Bắc”.

 

 

Gia đình anh Việt Thái Sơn (thôn 3, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi hươu lấy nhung và bán con giống. Ảnh: Ngọc Minh

Đúng như tính toán của anh Sơn, đàn hươu mua về được chăn thả giữa đồng cỏ mênh mông, tươi tốt và được chăm sóc kỹ lưỡng nên sinh sản, phát triển khỏe mạnh, cho nhung chất lượng. Đến nay, đàn hươu của gia đình anh đã phát triển lên 26 con. Trong đó, 6 con đực trưởng thành đã cho thu hoạch nhung, 6 con cái sinh sản và 14 con từ 8 đến 12 tháng tuổi. Anh Sơn cho hay: Hươu dễ nuôi, không tốn thời gian chăm sóc, ít dịch bệnh. Thức ăn chủ yếu tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp và cỏ ngoài đồng nên không tốn chi phí. Hươu cái nuôi 2 năm thì cho phối giống. Hươu con đẻ ra nuôi 12-18 tháng thì xuất bán cho người dân có nhu cầu, giá dao động 12-15 triệu đồng/con hươu đực, 8-10 triệu đồng/con hươu cái. Hươu đực nuôi hơn 2 năm là thu hoạch nhung, chu kỳ thu hoạch kéo dài 14-16 năm. Cứ 8-9 tháng, hươu đực cho nhung 1 lần, bình quân 5-8 lạng nhung/con, giá bán 1,5 triệu đồng/lạng. Nhung có đến đâu, khách đặt mua hết tới đó.

“Nhờ bán con giống và nhung hươu, gia đình có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Có nguồn tiền ổn định, tôi tái đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng đàn hươu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhung hươu cũng như con giống bán ra thị trường”-anh Sơn phấn khởi nói.

Tương tự, cuối năm 2012, bà Lê Thị Dung (làng Sơ Kiết, xã An Trung) đi tham quan, học hỏi kỹ thuật chăm sóc và quyết định mua 1 cặp nai giống về nuôi. Bà Dung kể: “Các con đi học xa nhà nên 2 vợ chồng bàn tính nuôi nai. Hàng ngày, tôi cắt rau cỏ, lấy cây trái xung quanh vườn cho nai ăn. Tôi nuôi khoảng 1 năm thì nai cái đẻ con, nai đực cho nhung. Bình quân 1 con nai đực cho nhung 2 lần/năm, mỗi cặp nhung có trọng lượng 2-2,5 kg, giá bán 10 triệu đồng/kg. Nai con thì tôi nuôi để gầy đàn và bán giống cho bà con. Gia đình hiện có 3 con nai đực trưởng thành và 3 con nai cái sinh sản”.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi nai, bà Dung cho rằng, nghề này phù hợp với những gia đình ít nhân lực, bởi không tốn nhiều công lao động, nguồn thức ăn dễ kiếm, lại không cần nhiều vốn đầu tư. Bên cạnh đó, nai là động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao, vì thế rất dễ chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, do tập tính nhút nhát nên nai cần được nuôi nhốt ở nơi yên tĩnh, mỗi con 1 chuồng. Song song với vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, hàng ngày cần cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ cho nai. Đồng thời, cần bổ sung các thức ăn tinh bột như: cám gạo, bột bắp, bột mì để nhung nai phát triển, đạt chất lượng hơn. Hàng tuần phải phun thuốc khử trùng xung quanh nơi nuôi nhốt nai để hạn chế dịch bệnh. “Từ khi nuôi nai, gia đình có thêm thu nhập 60-80 triệu đồng/năm. Nhờ đó, chi tiêu trong gia đình cũng thoải mái hơn”-bà Dung vui vẻ chia sẻ.

 

 

Bà Lê Thị Dung (làng Sơ Kiết, xã An Trung, huyện Kông Chro) chăm sóc đàn nai của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh

Huyện Kông Chro hiện có 4 hộ nuôi nai và 1 hộ nuôi hươu với tổng số gần 50 con. Nhờ mô hình chăn nuôi hươu, nai lấy nhung và bán con giống, một số hộ có thêm thu nhập ổn định. Ông Trần Văn Đấu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-thông tin: “Thời gian tới, Phòng phối hợp với các địa phương tuyên truyền bà con mở rộng mô hình. Bên cạnh bán nhung tươi, Phòng khuyến khích các hộ chế biến nhung thành nhiều sản phẩm khác nhau để tăng giá trị, nâng cao thu nhập”.

NGỌC MINH

 

Ông Đỗ Hoàng Hôn: Tăng thu nhập từ nuôi rắn hổ hèo

Nguồn tin: Báo tỉnh Bạc Liêu

 

Thời gian qua, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế, qua đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Điển hình như mô hình nuôi rắn hổ hèo của ông Đỗ Hoàng Hôn (ảnh) - hội viên Hội CCB ấp Trần Nghĩa (xã Vĩnh Hưng).

 

 

Trước khi bắt tay vào nuôi 20 con rắn giống, ông Hôn đã tìm hiểu kỹ thuật nuôi qua các trang mạng xã hội và trực tiếp tham quan một số nơi nuôi rắn hổ hèo để nắm cách làm chuồng trại, điều kiện thích nghi, quá trình sinh trưởng, sinh sản của vật nuôi. Ông Hôn chia sẻ, rắn hổ hèo rất dễ nuôi, ít bệnh, khâu chăm sóc đơn giản so với các vật nuôi khác. Thức ăn chủ yếu của chúng là chuột, cóc, ếch, nhái - có nhiều ở địa phương nên ông Hôn đi tìm bắt các con vật này để giảm được một phần chi phí chăn nuôi.

Sau một năm nuôi, trọng lượng của mỗi con rắn hổ hèo từ 2 - 3kg và bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi con rắn cái đẻ được 15 trứng. Qua 2 tháng ấp trứng đã nở được hơn 100 rắn con. Cứ thế, tính từ năm 2017 - 2022, ông Hôn xuất bán hơn 250 con rắn hổ hèo thương phẩm với giá từ 500.000 - 800.000 đồng/kg, thu lãi trên 250 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán hàng trăm con rắn giống cho người dân có nhu cầu nuôi, thu về khoảng 50 triệu đồng. Hiện tại, trong chuồng nuôi của ông Hôn có 30 con rắn hổ hèo bố mẹ và hơn 100 con rắn thương phẩm. Thành công từ mô hình nuôi rắn hổ hèo là động lực để ông Hôn tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, nhân thêm số lượng đàn rắn, tăng thu nhập cho gia đình.

“Không chỉ nỗ lực, chí thú làm ăn, ông Đỗ Hoàng Hôn còn nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào do Hội CCB phát động. Sau khi thực hiện thành công mô hình nuôi rắn hổ hèo, ông Hôn đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho hội viên Hội CCB xã. Qua đó tuyên truyền, khuyến khích hội viên Hội CCB nói riêng, người dân nói chung đẩy mạnh việc cải tạo, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”, ông Nguyễn Hoàng Nhu - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Hưng, nhận xét.

Phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương là điều rất quan trọng và mô hình nuôi rắn hổ hèo thành công của ông Đỗ Hoàng Hôn là động lực để các hộ gia đình khác làm theo.

Văn Mẫn

 

Mật ong ‘đắng’ từ núi Ngọc Linh

Nguồn tin: Báo Kon Tum

 

Ít ai biết ở dãy núi Ngọc Linh ngoài “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh còn có loài ong chuyên kiếm phấn hoa sâm Ngọc Linh. Thứ mật ong đặc biệt được cô đọng từ phấn hoa sâm Ngọc Linh trong bầu không khí mát lạnh cho vị ngọt kèm chút đăng đắng. Không phải có tiền là mua được, mà để được thưởng thức phải đặt trước cả tháng trời.

“Bạn” với rừng

Khó câu từ nào mô tả được cảnh đẹp của Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), một xã nằm gọn dưới thung lũng núi Ngọc Linh. Nơi đây địa hình cách trở, tách biệt khói bụi công nghiệp nên khí hậu trong lành, sạch sẽ. Cộng đồng người Xơ Đăng hiền hòa, thân thiện đã nhiều thế hệ ở đây còn tạo nên bức tranh tuyệt đẹp- cánh đồng lúa bậc thang vút tầm mắt.

Còn gì tuyệt hơn khi đứng ở con đường lưng chùng núi mà nhìn xuống gói gọn cả xã Măng Ri trong tầm mắt. Mọi gánh nặng cuộc sống cũng sẽ tan biến khi về nơi đây được chứng kiến thiên nhiên hùng vĩ, nói chuyện với người Xơ Đăng nồng hậu, chất phác.

 

 

Ông A Chung lấy sáp tổ ong mật. Ảnh: T.L

Vùng đất nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Và được xem như “cánh cửa” lên đỉnh núi Ngọc Linh với các loại dược liệu, đặc biệt nhất là “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh.

Vùng đất này có nguồn nước vô tận chảy ra từ núi Ngọc Linh nên xa xưa người Xơ Đăng đã cày xới, phát triển diện tích ruộng bậc thang. Tuy là “vựa lúa” lớn nhất ở huyện Tu Mơ Rông, nhưng nguồn lương thực chỉ đủ phục vụ nhu cầu gia đình, chưa giúp người dân mua sắm tivi, tủ lạnh. Nhưng từ khi sâm Ngọc Linh được biết đến, cuộc sống của người dân vùng hẻo lánh này dần ấm no hơn. Trong khi phải đợi nhiều năm mới bán được củ sâm Ngọc Linh, người dân sẽ ươm và bán giống sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu, đặc biệt là thu hoạch mật ong “đắng” thêm thu nhập cho gia đình.

Tôi được Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông A Trung dẫn đến gặp ông A Chung (1981, Bí thư Chi bộ thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri), một người lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười.

Vừa gặp khách, ông Chung vui vẻ khoe những cây thông vừa trồng thêm vào khoảnh rừng bị trống. Bởi với ông Chung rừng như mái nhà của mình, có rừng là có sâm Ngọc Linh. Niềm vui của ông đơn giản là mỗi sáng lên ngắm sâm Ngọc Linh đâm chồi, nảy lộc. Ông khoe gia đình có vài sào sâm Ngọc Linh đã gần chục năm. Ông bộc bạch: “Mình không bán sâm Ngọc Linh đâu. Cây giờ nó đang tuổi nở hoa, kết quả mà. Có hạt mình lại ươm rồi bán giống với giá khoảng 300 nghìn một cây. Mùa này mình có mật ong rừng bán cũng đủ tiền nuôi gia đình và 3 đứa con ăn học rồi”.

Ông A Chung giãi bày, khi lấy mật ong người dân nơi đây sẽ không bao giờ để ảnh hưởng đến bầy ong. Ông quả quyết, cộng đồng Xơ Đăng ý thức được sự quan trọng khi nhờ ong phấn hoa sâm Ngọc Linh được rải đi khắp nơi, kết quả nhiều hơn. Cũng bởi vậy mà người Xơ Đăng không bao giờ lấy hết hoặc phá bất kỳ tổ ong mật nào. Để không làm ong “giận” họ còn che mưa cho các tổ ong, mỗi lần lấy họ cũng chỉ cắt một đến vài sáp nhỏ.

Sau hai tiếng đồng hồ cuốc bộ men theo sườn núi, tổ ong đầu tiên của ông A Chung đã hiện ra. Vừa nhẹ nhàng gỡ miếng gỗ bịt tổ ong, ông Chung vừa nói “bọn mày cho tao xin ít mật nha”. Các miếng sáp đầy ắp mật vàng ươm lộ ra, bầy ong con nào con đấy cũng bóng mượt với cặp cánh óng ánh nhiều màu. Khẽ cạy miếng sáp, ông Chung vừa quay sang giải thích “Vì lấy phấn hoa sâm Ngọc Linh nên mật ở đây có vị hơi đăng đắng, ngọt thanh. Vị đắng nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào đầu hay cuối vụ nữa ”.

Kinh nghiệm gia truyền

Cánh rừng nguyên sinh Ngọc Linh rộng mênh mông, nằm trên địa phận hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Dưới gốc cây cổ thụ mát lạnh, ông A Chung chia sẻ, từ xưa, ông cha đi rừng đã gặp những đàn ong làm tổ trong thân hoặc gốc cây mục. Mỗi người sẽ có cách đánh dấu riêng để giữ tổ ong. “Người Xơ Đăng có quy định là người đánh dấu đầu tiên sẽ là chủ sở hữu, ai đi qua thấy dấu đó sẽ không lấy trộm mật ong. Đây là điều mà cha mẹ mình đã dạy từ nhỏ. Nếu không phải của mình mà lấy trộm thì đất trời, rừng núi sẽ thấy mà. Đàn ông Xơ Đăng không được làm như vậy”, ông A Chung nói.

Ông Chung có gần 20 tổ ong, năm nay ong cho mật hơi ít nên ông chỉ lấy được hơn chục lít. Mật lấy xuống là có người tới lấy ngay bởi đầu năm đã có người dặn trước rồi. Ông kinh nghiệm, đàn ong thường làm tổ ở cây rỗng thân, vùng có nhiều hoa sâm Ngọc Linh để tiện cho việc đi lấy phấn hoa.

 

 

Sau khi lấy mật ong xong, người Xơ Đăng sẽ dùng thanh gỗ bịt lỗ hổng lại bằng đất sét. Ảnh: TL

Cách “dụ” ong của người Xơ Đăng cũng rất đặc biệt, họ không làm như các nơi khác là bắt ong chúa rồi bỏ vào “lồng” để giữ bầy ong. Mà sẽ chọn các hốc cây có sẵn trong tự nhiên, sau đó dọn sạch từ trong ra ngoài. Để có một tổ ong hoàn thiện, người Xơ Đăng sẽ chọn một khúc gỗ khớp với lỗ hốc cây, sau đó lấy đất sét đắp lại, chỉ chừa lại vài lỗ nhỏ bằng ngón tay đủ cho ong chui qua.

Cũng nhờ có mật ong bán mà cuộc sống của gia đình anh A Dịp (31 tuổi) có đồng ra, đồng vào.

Anh Dịp có 15 tổ ong rải rác trên cánh rừng Ngọc Linh. Anh nhớ như in lời bố dạy cách làm tổ cho ong mật; bầy ong không thích những cây có nhựa, nơi quá ẩm ướt. Mà chúng thích nơi làm tổ gần bờ suối nhưng phải khô ráo và quanh đó có nhiều hoa rừng. Miệng tổ ngược theo hướng suối chảy, mà cũng không được ở trên quá cao vì gió lớn ong cũng không vào.

Nắm được đặc tính này, khi anh Dịp chọn hốc cây có sẵn, rồi làm dọn sạch làm tổ chỉ vài tuần sau là ong tới làm tổ. Anh vui vẻ nói: “Cảm giác khi đi thăm hốc cây mình dọn mà có ong tới làm tổ nó thích lắm. Mình còn phải nói bọn nó yên tâm, sẽ không làm hại chúng, mà chỉ xin một ít mật ong thôi. Vậy nó mới ở lâu cho mình mật. Năm nay mình lấy được 14 lít thôi, để 5 lít cho ông già uống tới mùa sau, còn lại bán lấy tiền”.

TIỀN LÊ

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop