Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 28 tháng 01 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

Triển vọng cây nho hạ đen

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Với năng suất ban đầu khá, quả ngon, vườn nho hữu cơ kết hợp giữa phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch trải nghiệm của anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vụ đầu thu hoạch cho tín hiệu lạc quan.

 

 

Anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) chăm sóc nho hạ đen.

Nhận thấy giống cây nho hạ đen đã được trồng thử nghiệm thành công ở nhiều nơi, với niềm đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Duẩn quyết tâm học hỏi kinh nghiệm và đưa giống nho hạ đen từ Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang về trồng tại vườn nhà. Với hơn 2.000m2 đất tại thôn Đồng Phúc, anh liên hệ giống và được Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang chuyển giao công nghệ. Năm 2020, anh trồng 800 gốc nho, đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, mái che, khum vòm với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Trồng nho hạ đen đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên anh luôn cần mẫn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào quá trình chăm sóc.

Theo anh Duẩn, cùng với những kỹ thuật cần tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình trồng và chăm sóc thì điều kiện tiên quyết để nho phát triển tốt là phải có hệ thống mái che kiên cố chắc chắn. Nhờ có bạt che nên 2 năm qua có mưa bão, lốc xoáy xảy ra nhưng vườn nho của tôi cũng không bị ảnh hưởng gì. Bạt cũng giúp che mưa, che sương, chống bệnh thán thư trên cây nho.

Bên cạnh đó, mô hình trồng nho của anh Duẩn sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động giúp cây được chăm sóc đúng giờ, đúng lượng phân cần bón thúc và cây có thể hấp thụ 100% lượng phân bón. Sau 1 năm trồng, tháng 11/2021 đã có 400 cây nho hạ đen trong vườn nho của anh Duẩn cho ra lứa quả đầu tiên với chùm quả to, độ đồng đều cao, không hạt, ngọt thanh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Duẩn nhận định: Lứa quả “bói” này, tôi thu hoạch được hơn 400kg nho, được Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang đánh giá cao bởi nhiều vườn không thu được như vậy. Do là loại nho mới xuất hiện tại Thái Bình, tôi muốn nhiều người dân được thưởng thức, biết đến vườn nho của mình nên bán với giá thấp hơn giá thị trường, dao động từng thời điểm khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg. Vườn không đủ nho để cung cấp cho bà con. Nhiều người mua lẻ còn đến tận vườn tham quan, trực tiếp trải nghiệm thu hoạch. Dự kiến vụ xuân hè năm 2022 sẽ có khoảng 600 gốc nho hạ đen cho thu trên 1 tấn quả.

Theo anh Duẩn: Mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng hiệu quả kéo dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí, cho thu nhập ổn định, sau vụ thứ 4, thứ 5 sẽ thu hồi vốn đầu tư. Các vụ sau, đầu ra cho sản phẩm được bao tiêu bởi Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Tôi mong các cấp, các ngành sẽ hỗ trợ người nông dân chuyển đổi cây trồng, xây dựng các chuỗi liên kết để yên tâm về đầu ra sản phẩm và đưa những sản phẩm sạch nhất tốt nhất cho người dân địa phương.

Ngoài diện tích nho hiện có, anh Duẩn có 3.000m2 ruộng trồng các loại cây màu khác với mục đích lấy ngắn nuôi dài, tích vốn đầu tư cho cây nho hạ đen. Đây là diện tích trước kia anh trồng măng tây nhưng hiệu quả không cao. Anh Duẩn sẽ chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng nho hạ đen khi có thêm nguồn vốn.

Anh Nguyễn Duy Dân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Lễ cho biết: Anh Nguyễn Bá Duẩn là đảng viên trẻ tiêu biểu, năng động trong phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương. Mô hình trồng nho hạ đen của anh Duẩn được nhiều thanh niên trong và ngoài xã đến tham quan, học hỏi, cũng là điểm sáng để thanh niên An Lễ học tập, mạnh dạn đưa những cây trồng mới, hiệu quả về làm giàu trên đất quê hương.

 

 

Nho hạ đen tại vườn của anh Nguyễn Bá Duẩn.

Xuân Phương

 

Bình Định: Ớt Đông Xuân được giá

Nguồn tin: Báo Bình Định

Do e ngại tác động từ dịch Covid-19, nông dân xã Mỹ Trinh (tỉnh Bình Định), vùng chuyên canh ớt trọng điểm của huyện Phù Mỹ chủ động giảm diện tích còn khoảng 32 ha, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích giảm trong khi thời tiết lại bất lợi nên giá ớt tăng cao. Theo nhiều người trồng ớt, vụ Đông Xuân năm ngoái ớt có giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, năm nay hiện đang vọt lên 16.000 - 17.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Trung Thành, ở thôn Trinh Vân Nam, vừa đào rãnh bón thêm phân cho 2 sào ớt vừa kể: Năm ngoái, một lần ớt chín là hái được 300 kg, còn năm nay, mỗi lần hái chỉ được gần 30 kg. Năm nay thời tiết khắc nghiệt nên trái bị nổ rất nhiều, thời gian hái ớt lành thì ít mà thời gian lặt bỏ ớt nổ thì nhiều. Bây giờ đang cố bón lót để cây khỏe hơn, vớt vát lại đợt trái sau.

 

 

Bà Nguyễn Thị Thơ đang hái ớt. Ảnh: Bảo Ngân

Còn bà Nguyễn Thị Thơ, ở thôn Trinh Vân Bắc, cho biết: Mùa này, năm ngoái tôi trồng 3 sào ớt, năm nay chỉ trồng hơn 1 sào. Bình thường, cả mùa, mỗi sào ớt thu hoạch được từ 1,2 - 1,5 tấn ớt, còn năm nay, trái nổ rất nhiều nên ước đạt tầm 500 - 600 kg/sào. Do thời tiết nên cả xã bị như thế chứ không riêng gì xóm tôi.

BẢO NGÂN

 

Lão nông 70 tuổi đưa ‘cà phê 4C’ về với người Bahnar làng Đăk Mông

Nguồn tin: VOV

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Đinh Hyưm ở làng Đăk Mông, xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa vẫn nhiệt tình hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, đưa quy trình sản xuất cà phê 4C vào địa phương, giúp nâng cao năng suất…

Là cán bộ xã đã nghỉ hưu và tuổi đời đã ngoài 70, thế nhưng ông Đinh Hyưm ở làng Đăk Mông, xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) càng được dân trong làng, người trong xã quý mến, tin yêu vì tính tình hiền lành.

Đáng quý nữa, với vai trò là Phó Giám đốc một hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất cà phê, ông đã đưa quy trình sản xuất cà phê 4C vào địa phương, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của loại cây công nghiệp này.

HTX mà ông tham gia quản trị còn liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, giúp sản xuất cà phê của địa phương càng thêm bền vững. Bước vào năm 2022, bà con làng Đăk Mông càng vui vì cà phê được mùa, được giá, nên càng phấn khởi đón Tết cổ truyền.

Dù đã là gần 11h trưa, anh Đinh Uy ở làng Đăk Mông vẫn mải mê cùng với 3 người bạn tranh thủ hái những hạt cà phê chín đỏ mọng trên cây.

 

 

Bà con người Bahna ở làng Đăk Mông thu hoạch cà phê được trồng theo tiêu chuẩn 4C

Anh Đinh Uy cho biết, gia đình anh có hơn 1.300 cây cà phê, trước đây năng suất bình quân chỉ đạt 15 - 16 tấn tươi mỗi vụ. Thế nhưng từ năm 2019, vườn cây của gia đình được hỗ trợ làm thí điểm mô hình 4C nên cả năng suất và giá bán đều cao hơn. Anh Đinh Uy dự kiến, với việc được mùa được giá như năm nay, sau khi trừ chi phí, anh có lãi khoảng 80 triệu đồng.

Về quá trình tìm đến cách thức sản xuất cà phê 4C, anh Đinh Uy chia sẻ: "Ngày xưa trồng cà phê chưa có kĩ thuật nên năng suất của bà con kém, từ khi trồng cà phê 4c, cà phê sạch thì được ông Hyưn dạy thay thế phân bón hóa học bằng phân hữu cơ. Ông Hyưn được bà con rất là quý mến, vì bày cho bà con trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4c, năng suất, sản lượng thu hoạch đạt cao, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế”.

Với sự vận động khéo léo, từ tháng 9/2018 đến nay, ông Hyưm đã vận động được thêm 63 hộ đồng bào người Ba Na tham gia HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong, nâng tổng số các thành viên hợp tác xã lên 185 hộ, vùng nguyên liệu đạt 320 ha.

Năm 2020, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tiêu thụ 500 tấn cà phê nhân chất lượng cao, đồng thời áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C lên toàn bộ 320 ha của HTX.

Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong cho biết, việc ông Hyưm vận động bà con làm cà phê 4C, đã tạo nên sựu thay đổi rất lớn trong trồng-chăm sóc-thu hái và sơ chế cà phê ở làng Đăk Mông. Bà con hầu như đã từ bỏ việc canh tác cà phê lạc hậu, chuyển sang trồng cà phê sạch tiêu chuẩn quốc tế.

Với hơn 40 năm công tác và cả đời gắn bó với dân làng mình, ông Đinh Hyưm luôn cố gắng hết mình vì công việc. Giờ đây, đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm, luôn muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quê hương. Người dân làng Đăk Mông coi ông là lão nông giàu kinh nghiệm để học hỏi, còn chính quyền địa phương coi ông là đồng chí, là cầu nối tin cậy để triển khai các nhiệm vụ chính trị.

Ông Vũ Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đăk Krong cho biết: "Đồng chí Đinh Hyưm là một Đảng viên 30 năm tuổi Đảng, trước kia đồng chí đã từng tham gia công tác lãnh đạo của Ủy ban, Đảng ủy. Khi được nghỉ chế độ về với gia đình, đồng chí phát huy rất tốt là một Đảng viên mẫu mực, tham gia cùng với HTX tuyên truyền vận động nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cùng sản xuất, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm”.

Đón năm mới, ông Đinh Hyưm thêm một tuổi mới, vượt ngưỡng 70 xưa nay hiếm, nhưnng mong muốn được cống hiến, sống có ích của ông, vẫn như thời trai trẻ. Ông cho rằng, việc tiếp tục được bà con trong làng tín nhiệm, tiếp tục giúp ích được cho dân là niềm vui lớn của mình.

Ông Đinh Hyưm bày tỏ: "Tôi tiếp tục muốn lao động để phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ bà con đang có hoàn cảnh khó khăn trồng cà phê, trồng lúa Đông Xuân phát triển kinh tế. Trước đây vì nhận thức kém, không có điều kiện nên năng suất không cao. Mình đi học, được tập huấn về cũng tuyên truyền lại cho mọi người. Tôi cũng động viên bà con là phải thực hiện tốt chủ trương cua Đảng, Nhà nước để từng bước thoát khỏi nghèo đói”./.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Toàn thành phố có 277 trang trại liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Ngành Nông nghiệp Hà Nội thống kê, hiện toàn thành phố có 1.701 trang trại (theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT), trong đó: 33 trang trại trồng trọt, 1.359 trang trại chăn nuôi, 180 trang trại nuôi trồng thủy sản, 1 trang trại lâm nghiệp, 125 trang trại tổng hợp và 3 trang trại hoạt động du lịch nông nghiệp.

Thời gian qua, các trang trại quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Toàn thành phố có 243 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14-4-2019 của UBND thành phố).

Hiện, thành phố có khoảng 277 trang trại đã liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, trong đó, 200 trang trại chăn nuôi (lợn, gia cầm) liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam...

MINH HUYỀN

 

Đồng Tháp: Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp (NN&PTNT), đến cuối năm 2021, tổng đàn trâu đạt gần 4.800 con, đàn bò 74.500 con, đàn heo 460.400 con, đàn gia cầm là 11,24 triệu con. Theo đó, giá trị sản xuất chăn nuôi cả năm đạt 2.578 tỷ đồng, bằng 99,11% kế hoạch và tăng 63 tỷ đồng so năm 2020. Tính riêng ngành hàng vịt đạt 763 tỷ đồng, bằng 102,51% kế hoạch và tăng 42 tỷ đồng so với năm 2020.

Đối với ngành hàng vịt, thời gian qua, Đồng Tháp chủ động được nguồn giống, thay đổi tập quán sản xuất từ nuôi vịt chạy đồng nhiều rủi ro sang nuôi nhốt mamg lại giá trị cao, an toàn sinh học. Thí điểm thành lập được chuỗi cung ứng – sản xuất – tiêu thụ, hỗ trợ và phát triển các Tổ hợp tác nuôi vịt nhốt bước đầu mang lại kết quả tốt.

Thời gian qua, tình hình chăn nuôi động vật trên cạn khá ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm trên 90% nên khó thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tình hình tiêu thụ phụ thuộc phần lớn vào thương lái dẫn đến tình trạng ép giá vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lên giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-30% so với đầu năm làm tăng chi phí, tăng giá thành sản xuất. Riêng giá bán thịt hơi các loại có xu hướng giảm trong thời gian gần đây làm người sản xuất chịu thua lỗ.

Riêng ngành hàng vịt, dịch vụ cung cấp đầu vào chưa phát triển, việc phát triển mô hình nuôi nhốt của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung nhưng việc phát triển chưa đồng đều về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất còn hạn chế, ngành chế biến thịt và trứng vịt của tỉnh chưa được đẩy mạnh phát triển, thị trường và kênh tiêu thụ còn nhỏ và thiếu ổn định...

Theo ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở NN&PTNT, trước những thuận lợi và khó khăn trên, thời gian tới, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025. Trong đó, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu các ngành hàng thế mạnh và có tiềm năng tại địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt hình thành mối liên kết bền vững với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng vịt giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi vịt tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng con giống. Đồng thời tổ chức lại sản xuất ngành hàng vịt, đổi mới, tổ chức lại sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, giám sát dịch bệnh. Khuyến khích các Dự án khởi nghiệp, phát triển, sơ chế, chế biến thịt, trứng vịt để tăng giá trị gia tăng, bảo an toàn thực phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và định hướng thị trường...

Y DU

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop