Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 28 tháng 06 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 28 tháng 06 năm 2022

 

Bức tranh mới cho kinh tế nông nghiệp ĐBSCL

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Vùng ĐBSCL có vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm và trái cây lớn của cả nước. Song, sản xuất nông nghiệp của vùng còn manh mún, chia cắt bởi không gian hành chính, giá trị gia tăng mặt hàng nông sản không cao. Vì vậy, cần tăng đầu tư cho nông nghiệp thông qua đẩy mạnh tái cấu trúc ngành dựa theo thế mạnh từng tiểu vùng sinh thái để phát triển nông nghiệp bền vững.

Đổi mới cách tiếp cận

 

 

Chế biến cá tra xuất khẩu là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tỉ đô của ĐBSCL.

ĐBSCL có hơn 2,5 triệu héc-ta đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) đảm đương sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng. Nông nghiệp vùng ĐBSCL chiếm 31,37% GDP toàn ngành Nông nghiệp cả nước, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước… Nhưng thực tế, nông nghiệp của vùng vẫn tăng trưởng theo chiều rộng, giá trị gia tăng không cao. Trong khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, hạn hán, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước… đang đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp đồng bằng. ĐBSCL đang cần chính sách và nguồn lực đủ mạnh để giải quyết các bất cập nội tại.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, nhiều ý kiến của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đều nhận định, khi quy hoạch được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, sự chung sức của doanh nghiệp, nhân dân đồng thuận sẽ tạo nên các cơ hội lớn để phát triển toàn diện ĐBSCL; trong đó có ngành Nông nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "ĐBSCL là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng. Theo đó, quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược, chứ không chỉ là "phép cộng công thức" đơn thuần. Quy hoạch có tính "mở", linh hoạt để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng. Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt".

Theo ông Lê Minh Hoan, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ đã đi vào hoạt động. Văn phòng đang thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hóa các cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền để hạn chế thất thoát, đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS Đặng Kim Sơn, Chuyên gia nông nghiệp, cũng nhận định: Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL với định hướng đa dạng cho sự phát triển nông nghiệp, vùng sẽ có sự phát triển mới. Việc phát triển nông nghiệp theo 3 vùng sinh thái, với tư duy phát triển thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời quy hoạch hình thành 8 trung tâm đầu mối nông sản tại vùng cũng sẽ tạo ra các kết nối với trung tâm chế biến nông nghiệp, mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Trong tương lai đầy bất định thì sự phát triển của vùng ĐBSCL cần phải liên kết, gắn kết các thành phần kinh tế, các đối tác đầu tư trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức của đồng bằng.

Tận dụng tốt các cơ hội

Hiện nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã có nền tảng chuyển đổi, tái cấu trúc ngành Nông nghiệp. Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng. Có thể kể đến như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh vùng duyên hải; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn của các địa phương vùng lõi cũng đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chỉ riêng mặt hàng tôm, mỗi năm doanh nghiệp tỉnh xuất khẩu đạt khoảng 1 tỉ USD. Tỉnh đang tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vùng nuôi đến thị trường tiêu thụ. Đồng thời tăng cường mời gọi nhà đầu tư tiềm lực để phát triển các mô hình kinh tế biển; tỉnh cam kết tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tỉnh đầu tư các dự án nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong quá trình phát triển, vùng ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế. Sản xuất nông nghiệp manh mún, chưa bắt kịp tín hiệu của thị trường. Đồng thời, nhiều nông sản của vùng vẫn phụ thuộc vào tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, chất lượng sản phẩm không đồng đều, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chưa gắn kết… Để phát huy giá trị nông sản, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng tập xây dựng Chương trình hành động thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững cho ĐBSCL. Chủ động cung cấp thông tin thị trường, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản; xúc tiến tiêu thụ nông sản tại nước ngoài, quảng bá sản phẩm trên môi trường số, qua các kênh phân phối truyền thống và các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để tận dụng tốt các cơ hội thị trường, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ liên quan và địa phương cần chuẩn hóa quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị của nông sản, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu nông sản. Đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm; doanh nghiệp và nông dân cần tuân thủ các quy định, quy chuẩn của các thị trường xuất khẩu nhằm đạt giá trị cao hơn khi xuất khẩu nông sản. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng (giao thông, vận tải, logistics…) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.

Bài, ảnh: GIA BẢO

 

Hà Giang: Phát triển bền vững cây cam Sành

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Niên vụ 2021 – 2022, người trồng cam “trúng lớn” khi giá cam bình quân cao gấp 1,5 - 2 lần so với những năm trước. Đây là tín hiệu tích cực từ những định hướng, chính sách phát triển bền vững cây cam Sành của tỉnh Hà Giang.

 

 

Vườn cam Sành của gia đình anh Lê Văn Hà, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).

Ngày 1.12.2020, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam Sành gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng nâng cao đời sống, thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu cam Sành. Từ nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển bền vững cây cam Sành và các kế hoạch triển khai; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58 với các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, vay vốn đầu tư, bảo tồn, nhân giống, cải tạo vườn, nâng cao chất lượng cam và chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Bắc Quang là vựa cam lớn nhất tỉnh hiện nay với tổng diện tích cam Sành 3.085 ha; diện tích cho thu hoạch 2.821,3 ha; năng suất bình quân đạt 101 tạ/ha; tổng sản lượng trên 28.368 tấn. Thực hiện Nghị quyết 04 của BTV Tỉnh ủy, huyện đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền 252 buổi, cho trên 8.600 lượt người; mở 4 lớp tập huấn cho các hộ, HTX về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cam; toàn huyện có 112 hộ được giải ngân vay vốn theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh để cải tạo, nâng cấp vườn cam, tổng diện tích gần 160 ha; tổng nguồn vốn vay gần 10 tỷ đồng; trên 2,8 nghìn tấn cam được hỗ trợ cước vận chuyển tiêu thụ ngoài tỉnh, với kinh phí hỗ trợ 289,5 triệu đồng. Thu nhập của người trồng cam cao hơn gần 30 triệu đồng, tăng bình quân 1,5 - 2 lần so với trước khi được hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, các chính sách phát triển bền vững cây cam Sành của tỉnh đã góp phần xây dựng vùng sản xuất cam chủ lực của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ trồng cam…

Anh Phạm Quang Huyên, xã Vĩnh Hảo chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 18 ha cam Sành, trong đó có 12 ha đang cho thu hoạch. Năm 2021 gia đình tôi được vay 585 triệu theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh. Tôi đã dành toàn bộ số tiền này đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua máy móc, thiết bị chăm sóc cam, làm đường bê tông lên vườn cam phục vụ chăm sóc, thu hoạch và làm bể nước, hệ thống tưới cho toàn bộ diện tích cam. Do được đầu tư chăm sóc và thời tiết thuận lợi nên năng suất bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha, chất lượng quả đẹp, đồng đều. Giá bán cam tại vườn trung bình đạt từ 10.000 đồng/kg (đầu vụ) đến 40.000 đồng/kg (cuối vụ), cao gấp 3 lần so với những năm trước đem lại thu nhập khá cho gia đình. Tôi cho rằng những chính sách của tỉnh đang thực hiện để hỗ trợ người trồng cam là rất tốt và kịp thời, giúp các hộ có nguồn lực đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây cam.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 04, tỉnh đã bố trí trên 17,5 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH, hỗ trợ 141 hộ vay vốn cải tạo, nâng cao chất lượng trên 250 ha cam ở 3 huyện Bắc Quang (159,8 ha), Quang Bình (80 ha), Vị Xuyên (11,5 ha); hỗ trợ 320 triệu đồng thực hiện bảo tồn gen, nhân giống tốt và chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ cước vận chuyển cam bán ra ngoài tỉnh trên 3.000 tấn; tổ chức thẩm định hỗ trợ xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến cam tại Bắc Quang… Đặc biệt, Nghị quyết 04 ban hành khẳng định sự quan tâm đặc biệt của tỉnh với vị thế, thương hiệu, giá trị cây cam Sành. Đó là cơ sở tạo cho các địa phương trọng điểm trồng cam như Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên quan tâm, chỉ đạo, vận động doanh nghiệp, HTX và những người trồng cam nâng cao chất lượng canh tác, sản phẩm cam Sành. Các sở, ngành tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cam Sành. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị quả cam.

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, với bình quân mỗi hộ được vay khoảng 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đã sử dụng 40 - 45 triệu đồng/ha mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công chăm sóc, cắt tỉa tạo tán, cải tạo đất, cao hơn 5-10 triệu đồng so với định xuất đầu tư trước đây; dành 15 – 20 triệu đồng/ha chỉnh trang lại vườn như làm đường giao thông nội đồng và mua sắm thiết bị, dụng cụ cắt tỉa, thu hái cam, đầu tư tem truy suất nguồn gốc và dự phòng cho vụ sau… Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy những vườn cam được vay vốn hỗ trợ nâng cao chất lượng có cây sinh trưởng phát triển tốt, khỏe, lá xanh đậm, mẫu mã quả đẹp, đồng đều, trọng lượng 4 quả/kg, cam Sành loại I chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, độ ngọt bình quân đạt trên 10,15 %; công tác vận chuyển, thu hái thuận lợi hơn, giảm tỷ lệ quả bị hỏng… Với chất lượng tốt hơn, hàng nghìn tấn cam Sành đã vào được các thị trường yêu cầu cao như siêu thị, chợ đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Qua đó, niên vụ 2021 – 2022, bình quân giá cam tại vườn dao động từ 10 – 20 nghìn đồng/kg hơn 1,5 - 2 lần so với những năm trước. Các nhà vườn cho thu nhập từ 85,5 – 110 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư lợi nhuận thu được đạt 30 – 50 triệu đồng/ha, cao hơn từ 21 – 24 triệu đồng/ha so với trước khi được hỗ trợ vay vốn, đầu tư.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Vũ Văn Hiếu cho biết: Nghị quyết 04 nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, ngành và người trồng cam. Đến nay những chính sách phát triển bền vững cây cam Sành không chỉ phát huy hiệu quả về kinh tế mà còn là động lực cho các hộ chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao thu nhập từ trồng cam; góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế trên mảnh đất của gia đình... Tuy nhiên, trong hơn 1 năm triển khai, cũng còn một số hạn chế cần khắc phục, ngành chuyên môn đã rút ra 7 kinh nghiệm thực tiễn để tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

 

Bình Phước: Bưởi da xanh Bù Đốp trúng mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Thời điểm này, nhiều vườn bưởi da xanh tại huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước) đã bước vào cao điểm thu hoạch. Dù nghịch vụ nhưng năng suất, chất lượng bưởi da xanh tại Bù Đốp không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, với giá bán trực tiếp cho thương lái tại vườn trung bình khoảng 26 ngàn đồng/kg đã mang về cho người trồng bưởi khoản thu đáng kể.

Chỉ trong vài ngày hàng chục ha bưởi của Hợp tác xã Bưởi da xanh Bù Đốp và các nông hộ tại huyện Bù Đốp đã bán hết trái cho thương lái từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Giá bán tại vườn trung bình là 26 ngàn đồng/kg, thương lái tự thu hái và vận chuyển.

 

 

Dù được xử lý ra trái nghịch vụ nhưng năng suất bưởi xa danh ở huyện Bù Đốp vẫn đảm bảo

Theo các nông hộ trồng bưởi, thời điểm này năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận tải khó khăn nên bưởi chủ yếu bán trong tỉnh dẫn đến tiêu thụ chậm, giá thấp, chỉ khoảng 13-15 ngàn đồng/kg. Năm nay thị trường đã được mở rộng, giá bán cũng cao hơn từ 10-12 ngàn/kg so cùng thời điểm năm trước.

Qua tính toán của các chủ vườn, chi phí đầu tư cho mỗi kg bưởi khoảng 14-15 ngàn đồng. Như vậy, với giá bán như hiện nay, người trồng bưởi da xanh ở huyện Bù Đốp lời khoảng 10 ngàn đồng/kg.

Để có bưởi bán quanh năm với giá tốt, gần đây, một số nông hộ đã chia vườn cây thành nhiều khu vực và can thiệp bằng các giải pháp kỹ thuật để cây cho trái nghịch vụ vào các thời điểm khác nhau trong năm thay vì tập trung vào thời điểm tết Nguyên đán. Cách làm này đang cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Quang Xuân

 

Bình Dương: Khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây ăn trái có múi theo hướng tập trung

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Hiện nay, nhiều địa phươ/n/g trên địa bàn tỉnh Bình Dương xác định cây ăn trái có múi là cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững.

Hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái có múi trong tỉnh được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Theo thống kê, toàn tỉnh có tổng diện tích cây có múi đạt trên 3.800ha, chiếm trên 53% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Nhiều diện tích trồng cây có múi cho thu nhập cao từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/ năm. Tính đến nay, số cơ sở sản xuất cây có múi đạt chứng nhận VietGAP khoảng 250ha, chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Tân Uyên với 180ha. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng như: “Bưởi Bạch Đằng”, “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, “Quýt Bắc Tân Uyên”.

 

 

Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái có múi trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện. Trong ảnh: Mô hình trồng cam VietGAP ở Hợp tác xã Nông nghiệp Nhân Đức (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) cho hiệu quả kinh tế cao

Trang trại cam VietGAP của ông Lâm Thành Thương (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) với diện tích 120ha chuyên trồng cam, quýt, cho sản lượng bình quân từ 30 - 40 tấn/ha. Doanh thu bình quân hàng năm đạt 20 tỷ đồng. Ông Thương chia sẻ: “Để chủ động ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác, ông đã mạnh dạn áp dụng biện pháp “làm trái” theo ý muốn trên cây cam. Đó là bằng phương pháp “đậy nylon bạt” phủ toàn bộ nền luống, “cắt nước tưới”, cắt một phần bộ rễ cây, kết hợp với lân và kali sẽ kích thích phát triển đỉnh sinh trưởng mới để cây tạo hoa và kết trái. Theo ông Thương, sau khi đậu trái kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ hợp lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, bảo đảm thời gian cách ly, cho chất lượng trái cam tốt nhất có thể. Trang trại đang nghiên cứu khảo nghiệm máy đo độ ngọt của trái, nếu thành công đưa vào ứng dụng, giúp cho sản phẩm có được chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm vùng miền khác”.

Ông Lâm Thành Thanh ở ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên sở hữu vườn cam rộng gần 20ha, cho biết tất cả hệ thống tưới tiêu đều ứng dụng công nghệ tự động, vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cây, vừa tiết kiệm công lao động. Trung bình, vườn cam có năng suất hơn 50 tấn/ha/năm, sau khi trừ các chi phí, thu lãi 500 triệu đồng/ha.

Giải pháp phát triển bền vững

Cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân phát triển vùng cây ăn trái có múi. Thông qua các dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững, đã góp phần giúp nông dân đầu tư, thâm canh mở rộng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, sự tăng trưởng còn manh mún, cần có chiến lược hợp lý để phát triển nguồn cây ăn trái này một cách bền vững. Nguyên nhân là do người dân chưa tập trung đầu tư, thâm canh và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nên chất lượng chưa đồng đều.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, để phát triển bền vững cây ăn trái có múi theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Theo dõi, đánh giá, lựa chọn các loại cây ăn trái có múi phù hợp, hiệu quả cho từng vùng, đặc biệt, ưu tiên phát triển các loại, giống cây có múi đặc sản, có nhãn hiệu, có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, tăng cường việc sản xuất cây có múi theo chuỗi có sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho sản phẩm trái cây có múi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Mặt khác, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn người trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, dần hình thành vùng sản xuất cây có múi hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được vùng trồng cây có múi phát triển bền vững, an toàn với môi trường.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm nâng cao giá trị, sản lượng, chất lượng cây ăn trái có múi, thời gian qua các địa phương đã khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Tưới tiết kiệm nước, tưới nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới; sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống được nhiều nhà vườn quan tâm áp dụng làm tăng năng suất, chất lượng quả và tăng lợi nhuận…

THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

 

Trồng sâm nam trong vườn hồ tiêu - lợi đơn lợi kép

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

Trồng sâm nam dưới tán tiêu ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Hai xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) được mệnh danh là thủ phủ của cây hồ tiêu ở Phú Yên với diện tích hơn 500ha. Tiêu Sơn Thành nổi tiếng khắp cả nước vì cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh nên nhiều người trồng tiêu kết hợp trồng sâm nam. Việc kết hợp này giúp nông dân có thêm thu nhập trong thời gian tiêu chưa kết trái.

Tiêu tiếp tục được giá

Hiện đang mùa thu hoạch rộ vụ tiêu 2022. So với đầu năm, giá tiêu tiếp tục tăng, người trồng tiêu phấn khởi. Ông Huỳnh Văn Thức ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Gia đình tôi trồng 1.000 nọc tiêu, ước chừng thu hoạch trên dưới 1 tấn. Giá đầu vụ là 70.000 đồng/kg, nay tăng lên 80.000 đồng/kg, có bao nhiêu thương lái họ mua hết bấy nhiêu. Tranh thủ trời nắng, tôi thu hoạch tiêu phơi khô bán.

Còn ông Bùi Văn Sơn có trang trại tiêu rộng 2ha cho hay nếu như đầu tư bài bản, vườn tiêu có thể đạt năng suất 2 tấn tiêu khô. Tuy nhiên, vì mấy năm liền giá tiêu hạ nên gia đình ông lười chăm sóc, tiêu ra ít trái, năng suất giảm. Năm rồi tiêu được giá, ông đầu tư bài bản, nhờ vậy, vụ này năng suất cao hơn. Hiện tiêu có giá 80.000 đồng/kg, bằng năm ngoái nhưng cao gấp đôi so với cách đây 2 năm.

Bà Huỳnh Thị Cúc cũng ở xã Sơn Thành Đông trồng 3ha tiêu, cho thu hoạch hơn 3 năm nay. Trung bình 1ha trồng gần 1.000 nọc tiêu, nhưng do thời gian qua, tiêu bệnh chết nhanh chết chậm nên vườn tiêu thưa thớt. Từ hơn 3.000 nọc, nay vườn tiêu gia đình bà chỉ còn khoảng 1.000 nọc. “Năm nay nhờ áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt, bón phân nên vườn tiêu xanh mướt, năng suất giữ mức trung bình 1,5kg tiêu/nọc, nếu đầu tư, chăm sóc tốt hơn nữa có thể đạt 2kg/nọc. Tôi thu hoạch phơi khô được 1,5 tấn tiêu. Năm nay, sản lượng đạt cao hơn vì ít có tiêu lép. Còn mấy năm trước, giá tiêu hạ xuống mức 25.000-30.000 đồng/kg, chỉ thu hoạch lứa đầu hạt lớn, cuối vụ tiêu đẹt, hạt nhỏ bỏ rụng, người trồng lỗ nặng”, bà Cúc nói.

Theo nhiều người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông, so với những năm trước, năm nay, sản lượng tiêu giảm mạnh do diện tích thu hẹp. Tuy nhiên, giá tăng cao nên nhiều người có hướng quay lại đầu tư chăm sóc vườn tiêu.

Trồng tiêu kết hợp sâm nam

Ông Đào Văn Roa, Phó phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh, người dân chuyển sang trồng cây ăn trái và cây ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, nhiều người kết hợp trồng sâm nam dưới tán tiêu, giăng lưới B40 cho sâm nam bò lên khắp vườn. Cách trồng sâm nam kết hợp với hồ tiêu giúp nông dân có thêm thu nhập trong thời gian tiêu chưa kết trái.

Gia đình bà Bùi Thị Liên ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) có trang trại trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông rộng 4ha, trong đó có 1ha tiêu chưa đủ thời gian ra trái, bà trồng xen sâm nam, lấy ngắn nuôi dài. Hiện lá sâm nam bán với giá 60.000 đồng/kg. Ngày nào gia đình bà cũng thu hoạch 5-7kg. Trung bình mỗi tháng xuất bán gần 2 tạ lá sâm nam nên gia đình bà Liên có nguồn thu khá tốt từ việc trồng xen sâm nam trong vườn tiêu. Theo bà Liên, sâm nam là cây ngắn ngày, dễ trồng, đầu tư thấp. Kinh nghiệm từ nhiều người cho hay trồng sâm nam phải tìm giống sâm nam núi, nếu trồng củ ăn 1 năm, còn trồng hạt ăn 3 năm. Hiện vùng này có 20 hộ trồng sâm nam trong vườn tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hùng, mới trồng sâm nam trong vườn tiêu chưa lâu, cho biết: Sâm nam cho thu hoạch quanh năm suốt tháng. Tuy nhiên có tháng lá nhiều, có tháng lá ít. Riêng tháng tư vừa rồi, sâm nam ra lá rộ, tôi thu gần 2,5 tạ, bán với giá 60.000 đồng/kg. Sâm nam trồng đơn giản, chủ yếu đầu tư hệ thống tưới nước. Tôi lắp đường ống tưới nhỏ giọt, mỗi ngày tưới 4 giờ đồng hồ, ướt đất đủ nuôi sâm nam. Dự định sang năm tôi tìm giống trồng bằng hạt để mở rộng diện tích sâm nam trong vườn tiêu. Thu nhập từ sâm nam ngoài chi tiêu cho gia đình, tôi đầu tư phân bón và trang trải các chi phí để giữ vườn tiêu, loại cây được gia đình xác định là cây dài ngày, chủ lực trong trang trại.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, năm 2016, toàn tỉnh có 975ha tiêu; trong đó, huyện Tây Hòa 600ha, huyện Sông Hinh 200ha, huyện Sơn Hòa 50ha và huyện Tuy An 5ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 577ha tiêu, tập trung tại hai huyện Tây Hòa, Sông Hinh.

Ông Đào Văn Roa, Phó phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa: Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh, người dân chuyển sang trồng cây ăn trái và cây ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, nhiều người kết hợp trồng sâm nam dưới tán tiêu, giăng lưới B40 cho sâm nam bò lên khắp vườn. Cách trồng sâm nam kết hợp với hồ tiêu giúp nông dân có thêm thu nhập trong thời gian tiêu chưa kết trái.

MẠNH LÊ TRÂM

 

Từ nhân viên ngân hàng trở thành ông chủ vườn rau lớn nhất TP.HCM

Nguồn tin: VOV

8 năm trước, đang là nhân viên một ngân hàng lớn, thu nhập ổn định, ngoài giờ làm là anh Lâm Ngọc Tuấn (TP.HCM) đã tìm mọi tư liệu nghiên cứu phương pháp, quy trình trồng rau đem lại doanh thu từ 600 - 700 triệu đồng mỗi tháng.

Từng làm trong ngành ngân hàng, nhưng anh Lâm Ngọc Tuấn 39 tuổi ở TP.HCM, lại trăn trở ước mơ mang đến cho người dân những sản phẩm nông sản sạch. 8 năm trước, anh Tuấn đã mạnh dạn nghỉ việc, khởi nghiệp lại từ việc trồng rau thủy canh hữu cơ.

Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, những năm miệt mài tự tìm tòi, nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ tiên tiến, đến nay anh Tuấn sở hữu Hợp tác xã Tuấn Ngọc với sản phẩm rau an toàn, chất lượng, thị trường ổn định và giá trị kinh tế cao.

Trồng rau thu hơn 600 triệu đồng/tháng

Tận mắt nhìn thấy vườn rau hữu cơ xanh mướt, được chăm sóc kỹ lưỡng bằng quy trình công nghệ mới tại HTX Tuấn Ngọc mới thấy những tâm huyết theo đuổi ước mơ nông sản sạch của anh Lâm Ngọc Tuấn, TP. Thủ Đức. Vườn rau thủy canh rộng hơn 1ha ở cuối con hẻm 160, đường số 1, phường Long Trường, quận 9 cũ, TP.HCM. Bên trong, những luống rau cải, xà lách, dền, muống,... sắp tới ngày thu hoạch, lá xanh mơn mởn. Ngoài trời mưa xối xả nhưng vườn rau không bị ảnh hưởng bởi có những vòm che, nhà màng.

8 năm trước, đang là nhân viên một ngân hàng lớn, thu nhập ổn định, ngoài giờ làm là anh Lâm Ngọc Tuấn tìm mọi tư liệu nghiên cứu phương pháp, quy trình trồng rau. Anh còn theo học các lớp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Israel tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông TP.HCM, tìm nguồn giống rau mới từ Đài Loan, Nhật. Anh Tuấn lại cặm cụi bên vườn rau để trồng, quan sát quá trình phát triển, đánh dấu các thông số sao cho cây rau phát triển tốt nhất.

 

 

Nông trại nhà kính trồng rau thủy canh tại HTX Tuấn Ngọc mỗi năm cung cấp trên 350 tấn rau sạch các loại, cao gấp 10 lần so với mô hình trồng rau truyền thống

Sau khi tích lũy kinh nghiệm và một ít vốn, anh Tuấn đã trồng thử nghiệm mẻ rau đầu tiên với phương pháp thủy canh và kết quả ngoài mong đợi. Dù bị bố mẹ kịch liệt phản đối, nhưng anh Tuấn vẫn quyết nghỉ việc nhà nước, về vườn trồng rau cho thỏa đam mê và tiếp tục vay vốn mở rộng thêm 5.000m2.

Anh Lâm Ngọc Tuấn chia sẻ, đến nay vườn rau rộng lớn của anh đang cung ứng nhiều loại rau củ quả hữu cơ cho người dân TP. Từ lúc ban đầu chỉ cung ứng 100 kg/ngày đến nay đã cung ứng phân phối hơn 30 tấn rau/tháng. Ngay cả thời điểm dịch, vườn vẫn duy trì chất lượng và năng suất ổn định. Vườn rau hiện đem lại doanh thu từ 600 đến 700 triệu đồng mỗi tháng.

Cũng theo anh Tuấn: "Thời điểm trước dịch thì vẫn duy trì 1 tấn rau/ngày. Đến nay, trên 1ha diện tích thì năng suất đã tăng gấp đôi, chất lượng vượt trội còn sản lượng luôn luôn ổn định... Đó là tiêu chí mà chúng tôi luôn luôn đưa ra để phát triển. Chính vì lần khởi nghiệp đó chúng tôi cũng thấy rằng mình đã đi đúng hướng để đóng góp cho nền nông nghiệp nước mình những sản phẩm sạch và chất lượng nhất".

Vườn rau Tuấn Ngọc - Nơi chắp cánh ước mơ khởi nghiệp

Với sự hỗ trợ giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, của Ủy ban nhân dân TP Thủ Đức, thời điểm này, HTX Tuấn Ngọc trở thành điểm đến cho các bạn trẻ khát khao học nghề làm nông nghiệp sạch, khởi nghiệp với cây rau thủy sinh.

Anh Lê Đức Trọng (23 tuổi), nhà ở TP Thủ Đức đến xin học việc tại đây hơn 2 năm qua. Tại vườn rau HTX Tuấn Ngọc, Trọng không chỉ có việc làm thu nhập ổn định 7 triệu đồng mỗi tháng mà còn được anh Tuấn và những kỹ sư đồng hành hướng nghiệp, truyền đạt kinh nghiệp trồng rau. Vườn được thiết kế theo phương pháp thủy canh hồi lưu (thủy canh động), các thiết bị theo tiêu chuẩn Isarel, do đó để có thể tự khởi nghiệp trong quá trình làm việc tại vườn đòi hỏi phải có sự tâm huyết, tỉ mỉ...

Anh Trọng chia sẻ: "Trước đây tôi làm việc ở những cửa hàng, nhưng được người quen giới thiệu vào đây học việc. Anh Tuấn trong công việc rất nghiêm túc. Anh ấy đòi hỏi sự chăm chú và sự tỉ mỉ... Ở khía cạnh một người anh, một người bạn thì anh rất vui tính và rất cảm thông, chia sẻ, luôn lắng nghe mọi người. Là một người từng khởi nghiệp đến nay anh Tuấn đã tạo ra được công ăn việc làm cho nhiều thanh niên".

HTX Tuấn Ngọc còn là nơi cưu mang giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cũng như một số tỉnh lân cận lên TP tìm kiếm việc làm. Hiện HTX thu nhận khoảng gần 40 lao động, tạo công ăn việc làm ổn định với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Chị Dương Kim Lợi (45 tuổi), người dân TP Thủ Đức làm việc tại đây hơn 3 năm qua bộc bạch: "Dù là công nhân nhưng làm việc với anh Tuấn và anh Ngọc rất thích bởi sự rộng rãi thoải mái hơn so với những chỗ khác. Nếu mới vào làm thì 5 triệu đồng/tháng, sau 1 tháng thì tăng lên 6 triệu đồng. Nếu làm lâu thì được nâng lương. So với những ông chủ khác thì chỗ này công nhân rất muốn gắn bó dài lâu".

Từ 1.000m2 nhà kính trồng rau thủy canh ban đầu, anh Lâm Ngọc Tuấn cùng các cộng sự đã mở rộng quy mô vườn rau lên hơn 1 ha đất ở TP Thủ Đức. Nông trại nhà kính trồng rau thủy canh nằm bên những nhà chung cư cao tầng, mỗi năm cung cấp trên 350 tấn rau sạch các loại, cao gấp 10 lần so với mô hình trồng rau truyền thống.

HTX Tuấn Ngọc không chỉ vườn rau thủy canh quy mô lớn nhất tại TP.HCM mà còn là nơi cho các bạn trẻ học tập khởi nghiệp, là mái ấm cưu mang những hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội và an ninh trật tự tại địa phương./.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

 

Gia Lai: Thu hút đầu tư chăn nuôi theo hướng tập trung

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn 9 huyện có mật độ chăn nuôi vẫn còn ngưỡng cho phép. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các địa phương xác định khu vực phù hợp phát triển các dự án chăn nuôi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư theo quy hoạch.

Sở hữu đồng cỏ rộng tới 18.000 ha, Gia Lai được nhiều nhà đầu tư thuộc lĩnh vực chăn nuôi quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Chiến lược phát triển của Gia Lai là từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 190 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao được các nhà đầu tư đăng ký với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng, trong đó có 44 dự án được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, tiêu biểu như: THAGRICO, De Heus Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai, Diên Hồng Gia Lai, Ricky Farms 79...

 

 

Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy

Thời gian qua, một số huyện trong tỉnh đã được nhiều nhà đầu tư chọn làm nơi đặt trang trại chăn nuôi công nghệ cao như: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang. Đáng chú ý là trang trại chăn nuôi bò của THAGRICO tại huyện Chư Prông với quy mô 22.000 con bò giống và gần 8.000 con bò thịt được nuôi trên diện tích hơn 1.900 ha; trang trại bò sữa Nutimilk tại huyện Mang Yang có quy mô hơn 10.000 con gắn với nhà máy chế biến có công suất 500 triệu lít sữa/năm của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NuitiFood; trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Ricky Farms 79 của Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farms đang nuôi 32.000 con heo thịt/năm tại huyện Phú Thiện. Mới đây, Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn cũng đã khởi công Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai tại huyện Chư Pưh với khu trang trại chăn nuôi 2.500 con heo giống…

Ông Koen De Heus-đồng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan-cho hay: Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai là kết quả của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng. Sở dĩ Chư Pưh được chọn đặt dự án là vì diện tích đất đai đảm bảo, thời tiết phù hợp và lực lượng lao động tại chỗ dồi dào.

Để một dự án chăn nuôi công nghệ cao được triển khai phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: vị trí xây dựng phải phù hợp với chiến lược kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng; nguồn nước phải đảm bảo chất lượng, có những biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; đáp ứng đầy đủ trang-thiết bị phù hợp với từng loại vật nuôi. Đặc biệt, phải đáp ứng điều kiện về mật độ chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Theo khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Đak Pơ, TP. Pleiku và thị xã An Khê có số lượng đơn vị vật nuôi của các dự án đầu tư đăng ký thực tế đã vượt mật độ cho phép theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa có mật độ chăn nuôi đã gần hết ngưỡng cho phép. Hiện huyện Krông Pa dự kiến còn khoảng 4.800 đơn vị nuôi, tương đương khoảng 12.000 con heo thịt, 2.000 con heo nái, 2.000 con bò thịt. Còn thị xã Ayun Pa dự kiến còn khoảng 3.200 đơn vị nuôi, tương đương khoảng 4.000 con heo thịt, 2.000 con heo nái, 2.000 con bò thịt.

 

 

Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có quy mô 14,75 ha. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: “Toàn tỉnh hiện còn 9 huyện có mật độ chăn nuôi vẫn còn ngưỡng cho phép là Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Kông Chro, Kbang, Chư Sê và Đak Đoa. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND các huyện căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện về môi trường, điều kiện chăn nuôi và tình hình thực tế của địa phương để xác định các khu vực phù hợp phát triển các dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin và đảm bảo đúng quy định tại Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND. Tránh tình trạng các dự án tập trung triển khai tại một số địa bàn, ảnh hưởng đến môi trường”.

Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh, một số địa phương có dư địa lớn về lĩnh vực chăn nuôi như: Chư Prông dự kiến mật độ chăn nuôi còn khoảng 100.000 con heo thịt, 10.000 con heo nái, 16.000 con bò thịt; Mang Yang 195.000 con heo thịt, 44.000 con heo nái, 3.000 con bò thịt; Đak Đoa 115.000 con heo thịt, 17.000 con heo nái, 2.000 con bò thịt; Chư Sê 110.000 con heo thịt, 10.000 con heo nái, 4.000 con bò thịt; Kông Chro 90.000 con heo thịt, 10.000 con heo nái, 5.000 con bò thịt.

HÀ DUY

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop