Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 29 tháng 01 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 29 tháng 01 năm 2022

 

Giá phân bón còn tăng cao trong năm nay

Nguồn tin:  Lao Động

 

 

Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến giá thành nông sản xuất khẩu. Ảnh: Vũ Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị nông dân không lạm dụng phân bón bởi nhiều hệ lụy về môi trường và cạnh tranh giá xuất khẩu gạo.

Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã đưa ra dự báo, giá urê toàn cầu trung bình đạt 625 USD/tấn trong năm 2022, tăng 25% so với mức 500 USD/tấn vào năm 2021. Giá phân bón tăng cao đang “đánh” trực tiếp vào lợi nhuận của nông dân Việt Nam, đặc biệt là người trồng lúa, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường thế giới.

Để khắc phục những “nút thắt” do giá phân bón liên tục “phi mã” gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa ban hành Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV về việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Theo Bộ NNPTNT, tình trạng giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân; trong khi đó, hiện tượng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NNPTNT tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương. Tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí và triển khai chương trình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, rác thải sinh hoạt.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn địa phương sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất. Chủ trì, phối hợp với các địa phương và tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả…

Bộ NNPTNT yêu cầu Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thanh tra Bộ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để giúp sản xuất giảm chi phí đầu vào, ưu tiên phê duyệt dự án về phát triển công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

VŨ LONG

 

Phú Yên: Chuối tết tiêu thụ thuận lợi

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

Nông dân xã An Lĩnh (huyện Tuy An) thu hoạch chuối bán trong dịp tết. Ảnh: LÊ TRÂM

Những ngày này, tại các vùng trồng chuối ở xã An Lĩnh, An Thọ, An Xuân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), thương lái tất bật thu mua. Năm nay, mặc dù vẫn còn ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng việc tiêu thụ chuối khá thuận lợi, giá vẫn giữ ở mức khá cao.

Đến tận rẫy đặt cọc

Khu vực trồng chuối ở các thôn Phong Thái, Quang Thuận thuộc xã An Lĩnh (huyện Tuy An) những ngày qua nhiều người đến tận rẫy hỏi mua chuối. Bà Trần Thị Điệp, nông dân trồng chuối ở xã An Lĩnh chia sẻ: Gia đình tôi trồng 0,5ha chuối, các thương lái là bạn hàng lâu năm đã đến tận rẫy đặt tiền cọc thu mua toàn bộ để bán dịp tết. Không chỉ tôi mà nhiều người trồng chuối ở đây rất mừng. Vì trước đó, dịch COVID-19 bùng phát, sức mua của thị trường giảm, chuối không bán được; còn hiện tại việc tiêu thụ đã thuận lợi hơn rất nhiều. Giá bán vụ chuối tết năm nay không biến động nhiều so với những năm trước. Thời điểm trước tháng Chạp có giá trung bình từ 80.000-100.000 đồng/buồng, chuối bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán có giá từ 120.000-150.000 đồng/buồng. Mức giá này ngang bằng năm ngoái.

Cũng theo bà Điệp, từ đầu tháng Chạp, cây chuối ra buồng, người trồng chuối bọc ni lông che chắn, bảo vệ các buồng chuối... để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Từ 20 tháng Chạp, nông dân thu hoạch rộ.

Ông Võ Văn Lý ở xã An Lĩnh cũng không giấu được niềm vui khi lứa chuối bán tết của gia đình đã được thương lái đặt cọc 10 triệu đồng. Ông Lý cho biết: Đợt rằm tháng Chạp, giá bán chuối sa cạ 10.000 đồng/nải, chuối tết tăng lên 12.000-15.000 đồng/nải (tùy trái to, nhỏ). Đất ở đây thích hợp trồng chuối, một buồng chuối từ 10-15 nải, một nải chuối thường nặng gần 2kg. Trung bình 1ha chuối cho thu nhập 30 triệu đồng/năm. Trên vùng đất này, nhiều hộ trồng chuối cấy mô, trái to thu cả trăm triệu đồng/năm.

Theo thống kê của UBND xã An Lĩnh, diện tích chuối toàn xã là 635ha. Người dân trồng bán chuối tết thì thương lái vào rẫy chọn thu mua; buồng chuối sai nải, trái to có giá đến 150.000-170.000 đồng/buồng. “Theo thông tin từ các thôn, tình hình tiêu thụ chuối của người dân diễn ra thuận lợi, hầu hết các vườn chuối đã được các thương lái đặt hàng thu mua”, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh Nguyễn Ngọc Vương cho biết.

Nhộn nhịp mua bán

Chuối là cây trồng chủ lực ở các xã vùng núi của huyện Tuy An, với diện tích hơn 1.500ha, năng suất bình quân từ 27-30 tấn/ha. Những ngày giáp tết, trên các tuyến đường của xã An Xuân, An Thọ, An Lĩnh, nhộn nhịp xe gắn máy “thồ” chuối từ rẫy xuống ngã tư Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An) bày bán. Bà Phạm Thị Hiền, thương lái địa phương chuyên thu mua chuối ở xã An Xuân, An Thọ cho biết: Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi là thời gian mua bán chuối tết. Giá bán chuối năm nay không quá biến động so với mọi năm.

Ông Bùi Văn Tiến, nông dân trồng chuối ở xã An Xuân, chia sẻ: Tôi trồng 1ha với đủ loại giống, từ chuối mốc địa phương đến chuối nu, chuối dạ hương, chuối hột. Đối với chuối hột, người trồng bán chuối non, dùng kèm với rau sống, giá bán 200.000-300.000 đồng/buồng tùy theo số nải trên buồng. Người dân ở đây thu nhập chính từ chuối, hầu hết trồng bán dịp tết. Từ thân, bắp đến buồng chuối đều được tận thu để bán. Gần tết, việc mua bán chuối diễn ra tấp nập, xóm làng vui hẳn lên.

Theo kinh nghiệm, để chuối ra buồng chín trúng dịp tết thì cứ tháng 4, người trồng bứng chuối con trồng, chăm sóc. Đến kỳ chuối trổ buồng, nông dân tiến hành bao che cho dơi không ăn, giữ mã đẹp đến tháng Chạp thì thu hoạch.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT: Toàn tỉnh có 3.273ha chuối, được trồng chủ yếu trên các bìa rừng, vườn rẫy và canh tác theo lối quảng canh. Trong đó, diện tích trồng chuối tập trung ở các xã An Lĩnh, An Thọ và An Xuân. Trung bình mỗi héc ta chuối đem lại thu nhập từ 25-30 triệu đồng, tùy theo vùng đất và chế độ chăm sóc.

MẠNH LÊ TRÂM

 

Khánh Hòa: Vùng rong nho Ninh Hải vào xuân

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Giáp Tết, phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) bước vào vụ thu hoạch rong nho mới. Làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng rôm rả chuyện Tết, chuyện rong. Thị trường rong nho dần mở rộng đã mang lại cuộc sống đủ đầy hơn cho người trồng và thợ hái rong nho nơi đây.

Bõ công lặn ngụp hái rong

6 giờ 30, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (tổ dân phố Đông Hà) đeo bao tay, tất, khẩu trang, mang theo kính lặn và tấm phao xốp xuống đìa, bắt đầu ngày làm việc mới. Nghề hái rong nho đã giúp gia đình chị có cuộc sống tốt hơn trước, Tết năm nay cũng sẽ đủ đầy hơn. Úp mình trên tấm phao xốp, chị Dung nhẹ chân đạp nước, vừa liên tục đẩy khay lưới trước mặt, vừa quan sát từng đám rong nho bên dưới, thi thoảng vục mặt xuống nước, hái từng chùm rong nho, thả vào khay lưới. Cứ thế, chị Dung ngâm nước tới trưa, tranh thủ lên bờ đìa ăn rồi lại xuống làm tiếp 1-2 giờ. Hỏi chuyện nghề, chị Dung chỉ cười tươi: “Công việc này biết bơi là làm được”.

Nhưng thực tế, để lặn ngụp cả ngày dưới đìa mà chân không chạm đáy cũng đòi hỏi sự thuần thục nhất định. Người hái rong phải lựa hái những cây rong nho dài trên 6-8cm; trái dày, đều, to, màu xanh óng. Vừa qua mùa mưa, nước biển khá lạnh, ngâm mình lâu dưới đìa cũng cần có sức khỏe. “Muốn thu rong nho, chỉ có cách duy nhất là úp mình trên xốp, bơi không chạm đáy, cúi ngập đầu lựa từng cọng. Thợ hái rong trước tiên phải học thở. Người mới làm thường bị sặc nước, hoặc chỉ vớt được vài kg rong/ngày”, anh Huỳnh Đức Hoài Nam (tổ dân phố 7 Bình Tây) chia sẻ.

Thợ hái rong nho ở Ninh Hải chủ yếu là phụ nữ và đàn ông trung niên. Để chịu được nước biển và nắng gắt, họ thường trang bị kính bơi, khẩu trang, bao tay, tất chân. Chị Dung còn sắm thêm bộ đồ nhái để giữ ấm người lúc chớm mùa mưa. Cũng vì phải ngâm nước nên công việc tuy không quá phức tạp nhưng chồng chị Dung không theo được nghề này.

 

 

Người mua sẵn sàng cân rong nho ngay bờ đìa.

Tuy khá vất vả nhưng việc hái rong nho đã giúp nhiều người có cuộc sống ổn định hơn. Trước kia, chị Dung làm muối, chồng lặn biển, chi tiêu lúc nào cũng thiếu hụt. 2 năm nay, chị đi hái rong nho thuê. Mùa cao điểm, có ngày, chị lặn ngụp ở đìa 10 giờ, thu nhập 700.000 đồng đến 1 triệu đồng; cuối mùa, thu nhập cũng được 400.000 - 500.000 đồng/ngày, đủ lo cho gia đình với 2 con đang tuổi ăn học. Thoăn thoắt lựa từng cọng rong nho, anh Nam kể, từ lúc có dịch Covid-19, anh thôi đi biển, chuyển sang hái rong nho, giờ đã thạo nghề. “Tôi hái khoảng 40-50kg/ngày, có ngày hái cả tạ, tiền công 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Bạn thuyền trước làm biển được vài trăm ngàn đồng/ngày, giờ hái rong nho, một buổi cũng được 300.000 đồng. Bây giờ, vợ chồng họ cùng hái rong nho thuê”, anh Nam cho biết. Chị Nguyễn Thị Dàng (tổ dân phố Đông Hà) cho biết, 10 năm trước, chị làm muối, chồng lặn biển, thu nhập bấp bênh. Từ khi hái rong nho, anh chị đủ tiền nuôi 3 con ăn học, giờ con lớn học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Diện tích rong nho ở Ninh Hải khá lớn nên không lo thiếu việc.

Lợi nhuận khá cao

Trên trục đường ra các đìa rong nho có một số cơ sở chế biến rong nho. Nhân viên ở đây luôn bận rộn sơ chế. Gần cuối dãy đìa, khu chế biến rong nho của Công ty Cổ phần Việt Nhật Organic Food ầm ì tiếng nước sục rong nho trong bể. Ông Nguyễn Quang Tần, quản lý sản xuất của công ty cho biết, thị trường rong nho đang rộng mở. Rong tươi về xưởng được sục nước, làm sạch tạp chất, vi sinh vật, phân loại… trong 2 - 4 ngày; sau đó nuôi trong bể một thời gian để hấp thu thêm dưỡng chất và giải phóng kim loại nặng độc hại nếu có, rồi đem muối hoặc sấy khô... Sản phẩm của công ty đang bán khắp cả nước, làm bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Công ty đã hợp đồng mua rong nho của nhiều chủ đìa trong vùng. Mùa cao điểm, công ty huy động khoảng 60 lao động, chủ yếu là người địa phương, sản lượng chế biến 3 tấn rong tươi/ngày.

Sớm thấy triển vọng của rong nho, năm 2017, ông Nguyễn Minh Mẫn (tổ dân phố 7) đã cải tạo 3 đìa làm muối, nuôi tôm, ốc hương sang trồng rong nho. Thấy thu hoạch bao nhiêu đều bán hết, ông Mẫn quyết định chuyển cả 10 đìa với diện tích 5ha sang trồng rong nho; ngoài ra còn đi thu mua thêm. Tiền đắp đìa, mua giống, cây cắm, lưới che để điều tiết ánh sáng, nhiệt độ nước… khoảng 10 triệu đồng/sào, 10 đìa hết 500 triệu đồng. Sau 20 ngày, rong nho cho thu hoạch lứa đầu. Mùa nắng (tháng 2 đến tháng 10), ông Mẫn thu khoảng 20 tấn/tháng, giá bán khoảng 30.000 đồng/kg. Do không bị ứ hàng nên ông thường xuyên sử dụng 27 lao động hái, lựa, sơ chế rong nho với thu nhập mùa nắng khoảng 500.000 - 900.000 đồng/ngày, mùa mưa khoảng 200.000 đồng/buổi. “Trồng rong nho đầu tư không cao, lợi nhuận khá, lao động có việc làm ổn định. Nếu không gặp bão, chỉ cần đầu tư 1 mùa là lấy lại vốn, những năm sau cứ thế thu tiếp. Nếu không may gặp bão thì cũng chỉ mất tiền cây chống, lưới chứ không thua lỗ nhiều như nuôi tôm, ốc hương. Trong khi đó, đầu ra đang khá tốt”, ông Mẫn chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Hưng (tổ dân phố 1), chủ 6 đìa rong nho diện tích 2ha cho biết, sau mùa mưa, mỗi hec-ta chỉ cần khoảng 5 tấn giống (1,5 triệu đồng/tấn) với vài công rải giống lại (350.000 đồng/công). Hiện nay, rong đầu vụ ít nên giá bán ở mức 50.000 đồng/kg và sẽ duy trì giá này trong khoảng 3 tháng, sau đó hạ dần, thấp nhất khoảng 30.000 đồng/kg. Kể cả với giá 30.000 đồng/kg, nếu mỗi hec-ta thu 20 tấn/năm, trừ chi phí cũng lãi 350 triệu đồng.

Cần phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ

Nghề trồng rong nho đã mang lại thu nhập khá ổn định cho một số người dân Ninh Hải. Nhưng ngay cả khi đang bán chạy, ông Hưng vẫn chưa thực an tâm. Ông tâm sự, diện tích trồng rong nho ở đây chủ yếu được chuyển đổi tự phát từ diện tích nuôi ốc hương, tôm, làm muối kém hiệu quả. Đến nay, chưa người dân địa phương nào được đào tạo bài bản về kỹ thuật. Chất lượng rong tươi một phần do các đơn vị thu mua đánh giá, một phần phụ thuộc vào lịch thu mua. Có trường hợp, rong nho đến thời điểm thu hoạch nhưng đơn vị thu mua không xếp được lịch nhập hàng, chủ đìa phải dời lịch thu hoạch, dẫn đến rong bị già, giảm chất lượng. Hoặc tuy rong chất lượng cao nhưng tại thời điểm hái, nếu người mua chỉ có nhu cầu loại vừa, rong đã thu hoạch cũng không thể giữ lại hoặc yêu cầu giá cao hơn. Vì vậy, đầu ra vẫn còn tiềm ẩn bấp bênh. “Người dân ở đây vẫn loay hoay, thấy cái gì hiệu quả thì làm, đến khi thị trường bão hòa lại lo chuyển đổi. Chúng tôi rất mong có đơn vị nào đó đứng ra liên kết người mua và người bán. Ai có rong tốt bán cho người cần loại chất lượng cao, ai có rong loại vừa đáp ứng người chỉ cần loại vừa…”, ông Hưng bày tỏ.

Ông Trần Hải - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, nghề trồng rong nho ở Ninh Hải đã có hơn 10 năm. Những năm đầu, tổng diện tích chỉ khoảng 10ha. Khoảng 5 năm trở lại đây, do có nhiều công ty thu mua, diện tích rong nho tăng lên đến 70-80ha, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương với thu nhập cao. Phường cũng luôn tạo thuận lợi cho các đơn vị đến tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản… rong nho. Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững, địa phương chỉ khuyến khích chuyển đổi diện tích làm muối không hiệu quả sang trồng rong nho.

Chia tay chúng tôi khi những chuyến xe chở rong nho đang hối hả rời đìa về nơi chế biến để kịp xuất xưởng trước Tết, ông Hải cho biết, tháng trước, kỹ sư Lê Bền, người đầu tiên đưa giống rong nho về trồng thành công tại Việt Nam, đã dẫn một nhóm chuyên gia về đây khảo sát và tư vấn phường nên thành lập một tổ chức liên kết trồng - bán rong nho bài bản để phát triển bền vững. Đây cũng là điều lãnh đạo địa phương mong mỏi và hướng tới thực hiện.

NGUYỄN VŨ - BÁ NGHĨA

 

Phú Hòa (Phú Yên): Trồng cây dược liệu thu trên 200 triệu đồng/ha/năm

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ông Võ Đăng Duy, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết, năm 2021, nông dân các xã Hòa An, Hòa Thắng liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung ký hợp đồng trồng 3,7ha diệp hạ châu và cỏ mực, tiêu thụ 300 tấn, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 100-120 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích các xã, thị trấn tiếp tục bố trí diện tích gieo trồng cây dược liệu trên các chân đất phù sa ven sông Ba. Việc trồng cây dược liệu phù hợp với thị trường tiêu thụ, phát triển theo hướng cánh đồng lớn và có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Qua đó tăng cường công tác khuyến nông cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, phổ biến rộng rãi cho nông dân tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tiếp tục đầu tư xây dựng một số mô hình thâm canh cho năng suất cao để làm điểm trình diễn nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả.

TRÂM TRÂN

 

Triển vọng từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung

Nguồn tin: Báo Long An

Với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Huỳnh Văn Dân (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) tìm tòi, nghiên cứu và thành công với mô hình nuôi hươu sao, mở ra triển vọng mới cho ngành Nông nghiệp địa phương.

 

 

Thức ăn cho hươu sao chủ yếu là cỏ, còn trong giai đoạn lấy nhung thì bổ sung thêm cám, bắp, chuối cây

Trước đây, hươu sao thường được nuôi nhiều ở miền Bắc, miền Trung và những năm gần đây phát triển mạnh ở các tỉnh miền Nam, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các vật nuôi khác như trâu, bò, dê,... Nắm bắt xu hướng này cùng với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Huỳnh Văn Dân bắt đầu tìm hiểu và tham quan, học hỏi mô hình nuôi hươu sao.

Năm 2018, anh nhập 11 con hươu sao giống tại tỉnh Hà Tĩnh với giá 25 triệu đồng/con để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, đàn hươu phát triển không như mong muốn. Không nản lòng, anh tiếp tục ra Đà Lạt tìm con giống mới. Tại đây, anh được một công ty giới thiệu về giống hươu sao và cam kết bao tiêu nhung, từ đó anh quyết định nhập thêm 10 con giống với giá 30 triệu đồng/con. Sau 2 năm chăm sóc, hiện đàn hươu sao của anh phát triển tốt và mang về giá trị kinh tế cao từ việc lấy nhung. Bình quân một con hươu sao sẽ cho khoảng 1kg nhung/năm với giá bán từ 18-22 triệu đồng/kg. Cách chăm sóc hươu sao cũng rất đơn giản, cho ăn 2 lần/ngày, thức ăn chỉ là cỏ, còn trong giai đoạn lấy nhung thì bổ sung thêm cám, bắp, chuối cây. Bình quân, chi phí chăm sóc hươu sao khoảng 3 triệu đồng/con/năm.

Diện tích chuồng được thiết kế thoáng mát, bình quân 4m2/chuồng. Khâu khó nhất trong nuôi hươu sao chính là việc lấy nhung. Theo đó, để lấy được nhung có chất lượng, bán được giá, người nuôi phải canh thời gian cho phù hợp, không được lấy quá sớm cũng không quá trễ. Cụ thể, hươu sao thường cho nhung vào khoảng tháng 8, thời gian lấy nhung từ 45-50 ngày sau khi nhung mọc.

Anh Dân trải lòng: “Nhung hươu là loại dược liệu quý hiếm dùng để chế biến dược phẩm, nhất là trong sản xuất các loại thuốc Đông y và Tây y. Ngày nay, nhung hươu được sử dụng phổ biến trong gia đình như món ăn dùng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi,... Do đó, đầu ra của nhung hươu rất ổn định. Dự kiến, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng trang trại nuôi hươu sao lên 100 con”. Nhằm chủ động về con giống và giảm chi phí đầu vào, anh Dân không chỉ nuôi hươu sao lấy nhung mà còn chú ý đến việc nuôi hươu sao sinh sản. Được biết, hiện nay, anh phát triển được 4 con hươu sao sinh sản, hơn 7 tháng hươu sao đẻ 1 lần. Thời gian nuôi hươu giống từ 18-20 tháng là có thể lấy nhung.

Ngoài mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, anh Dân còn phát triển mô hình nuôi heo rừng kết hợp nuôi vịt trời. Tất cả mô hình của anh Dân được chăn nuôi khép kín. Anh Dân cho biết: “Với mong muốn cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là không muốn đi theo lối mòn nên tôi quyết định nuôi hươu sao, heo rừng và vịt trời. Các sản phẩm đều chăn nuôi theo hướng sạch, được khách hàng ưa chuộng. Hướng tới, tôi sẽ mở rộng trang trại và đem nông sản xuất khẩu chứ không dừng lại ở việc tiêu thụ nội địa. Nông dân muốn học hỏi mô hình nuôi hươu sao, heo rừng và vịt trời, tôi sẵn sàng tạo điều kiện tham quan mô hình và hướng dẫn kỹ thuật”.

Được biết, anh Dân tốt nghiệp cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, đang làm việc cho một ngân hàng tại TP.HCM. Thế nhưng với niềm đam mê làm nông nghiệp, anh không ngại đầu tư công sức, thời gian để thực hiện các mô hình chăn nuôi sạch. Qua thời gian thực hiện, anh Dân không chỉ theo đuổi được niềm đam mê của mình mà còn mở ra triển vọng mới cho ngành Nông nghiệp địa phương./.

Kim Ngọc

 

Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn gia súc, gia cầm dịp tết

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC), đặc biệt là dịch cúm gia cầm (DCGC) có nguy cơ tái bùng phát rất cao, gây mất an toàn nguồn sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ dịp tết cổ truyền.

 

 

Tiêu độc khử trùng tại nơi có nguy cơ cao

Nhiều ngày nay, ông Trần Thiện Chương, chủ trang trại GSGC ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) yêu cầu nhân công tại trang trại thường xuyên chăm sóc đàn gà đẻ lấy trứng và gà thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết. Ông cùng với hai nhân công phun thuốc tiêu độc khử trùng (TĐKT), rải vôi quanh chuồng trại, tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng, vitaminC cho đàn gà và lợn. Hình nộm được ông xây dựng quanh chuồng trại, kết hợp xua đuổi chim chóc vào tìm kiếm thức ăn, tránh nguy cơ lây dịch.

Ông Chương chia sẻ, với các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn hàng ngàn con đều không chủ quan vì chi phí đầu tư lớn, thường triển khai tốt các quy định về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC. Điều ông Chương lo ngại hiện nay là, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới trăm con thường chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Khi dịch xảy ra tại GC nuôi nhỏ lẻ sẽ có nguy cơ lây lan sang các trang trại, gia trại quy mô lớn.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, trên địa bàn huyện có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi GSGC có quy mô lớn từ hàng trăm con đến hơn 10 ngàn con trở lên. Một số loại dịch bệnh nguy hiểm như DCGC, lở mồm long móng, tai xanh… hiện cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng với nhu cầu nhập sản phẩm, GSGC sống tại nhiều tỉnh, thành vào địa bàn tỉnh tiêu thụ trong dịp tết khiến nguy cơ lây lan dịch rất cao.

Những ngày giáp tết này, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các trang trại, gia trại trên vùng rú cát Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thái và các hộ nuôi nhỏ lẻ nhằm có biện pháp hỗ trợ biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Với các đối tượng GSGC nhỏ, mới nuôi đang tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh. Riêng GSGC thương phẩm, phục vụ tiêu thụ trong dịp tết đã được tiêm vắc-xin trước đó, hiện đang được giám sát chặt chẽ và triển khai TĐKT chuồng trại, kết hợp với chăm sóc, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ được cán bộ thú y, cán bộ thôn nhắc nhở, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức nhằm bảo vệ an toàn, không để xảy ra dịch.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, khi xảy ra DCGC và các loại bệnh trên gia súc như lở mồm long móng, lợn tai xanh… có nguy cơ lây lan rất nhanh. Dịch bệnh GSGC không chỉ lây lan trong một khu vực nhỏ hẹp mà có thể lây lan nhanh trên diện rộng, từ địa phương này sang địa phương khác, tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí nước này sang nước khác thông qua nhiều nguồn lây khác nhau.

Dịch cúm A/H5N2 và các chủng vi rút cúm GC thể độc lực cao khác tại nhiều nước có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, thông qua chim di cư. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra 120 ổ DCGC tại 32 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy khoảng 450 ngàn con GC, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân công lực lượng bám địa bàn, cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tại các vùng nuôi, hộ nuôi GSGC trên địa bàn tỉnh để vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiêm vắc-xin, TĐKT. Chi cục cũng đã cấp phát hàng chục ngàn lít hoá chất về các địa phương tổ chức TĐKT chuồng trại, các khu vực, điểm giết mổ GSGC tập trung và những nơi có nguy cơ tái bùng phát dịch.

Tại các chốt kiểm dịch phía bắc, nam và trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ luôn có 2-3 cán bộ thú y, phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn phương tiện vận chuyển GSGC để TĐKT và kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, an toàn trước khi qua chốt, đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40 ngàn con trâu, bò, khoảng 125 ngàn con lợn và 4 triệu con GC; sản lượng thịt hơi ước đạt 20 ngàn tấn. Trong điều kiện an toàn dịch bệnh, đây là nguồn thực phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết cổ truyền.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop