Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 30 tháng 11 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 30 tháng 11 năm 2022

 

11 tháng qua, xuất khẩu nông lâm, thủy sản đạt hơn 49 tỷ USD

Nguồn tin:  VOV

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản trong tháng 11 đạt hơn 4,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu qua 11 tháng của năm nay đạt hơn 49 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt hơn 20 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD; lâm sản đạt hơn 15 tỷ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.Theo đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 25% thị phần; thị trường Trung Quốc là gần 19% và Nhật Bản chiếm khoảng 8%.

Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại ngành nông nghiệp đạt thặng dư gần 8 tỷ USD, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Minh Long/VOV1

 

Công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết để khởi động cho việc xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre chủ trì tổ chức "Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ" vào ngày 28/11/2022.

 

 

Bưởi da xanh là loại trái cây thứ 7 của nước ta vào thị trường Hoa Kỳ - Ảnh minh họa

Ngày 17/10/2022, Cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau ký kết Chương trình xuất khẩu bưởi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Như vậy, bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Hoa Kỳ là thị trường lớn đầy tiềm năng đối với các loại hoa qua tươi xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Hoa Kỳ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 105,4 nghìn ha trồng bưởi, sản lượng gần 905 nghìn tấn, với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32 nghìn ha, với sản lượng khoảng 369 nghìn tấn... Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Theo quy định của Hoa Kỳ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) và phải được kiểm tra giám sát định kỳ trong suốt vụ bưởi. Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại mà phía bạn quan tâm, bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae; sâu đục quả Prays endocarpa và các loại nấm Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana.

Đặc biệt, cần lưu ý áp dụng các biện pháp quản lý đối với nấm Cylindrocarpon lichenicola và Phyllosticta citriasiana như: loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói; làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả; loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ cuống ngắn hơn 2,5cm và vẫn còn gắn vào quả). Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được xử lý chiếu xạ với với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, trong đó phần khai báo bổ sung phải ghi rõ lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và được sản xuất theo phương pháp tiếp cận hệ thống.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tập trung tập huấn cho người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Tại tỉnh Bến Tre, với sản phẩm đặc sản là bưởi Da xanh có diện tích trên 9,4 ngàn ha (chiếm hơn 34% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh), ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan vận động thành lập và củng cố chuỗi bưởi Da xanh với 32 tổ hợp tác và 9 hợp tác xã có 1.467 hộ tham gia với tổng diện tích 542,65 ha.

Bước đầu, tỉnh đã hình thành 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác và hợp tác xã. Đồng thời, các địa phương khác cũng đang tích cực phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật để triển khai thiết lập mã số vùng trồng bưởi Da xanh xuất khẩu sang Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân, sẵn sàng cho việc xuất khẩu lô bưởi Da xanh của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Lô hàng bưởi tươi đầu tiên xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ thể hiện uy tín, chất lượng và tính chuyên nghiệp của người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý trong việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của một trong những thị trường khó tính nhất. Thông qua buổi Lễ công bố này, Bộ NN&PTNT mong muốn các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ nhanh chóng triển khai, tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và các yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ, cùng phối hợp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bưởi của Việt Nam nói chung và xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói riêng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho tất cả các bên tham gia chuỗi sản xuất-xuất khẩu.

Đỗ Hương

 

Tăng trưởng giá trị xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Tuy trong tháng 10 xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Hàn Quốc tăng gần 24% về giá trị so với cùng kỳ 2021, nhưng cà phê Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước sản xuất khác như Brasil, Colombia, Ethyopia,Quatemala.

 

 

Ảnh minh họa

Bộ Công thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 25,55 nghìn tấn, trị giá 59,37 triệu USD, giảm 8,6% về lượng, nhưng tăng 30,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 20,36% trong 9 tháng đầu năm 2021 xuống còn 16,78% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Bộ Công thương cũng đưa ra đánh giá, như vậy có thể thấy, tại thị trường Hàn Quốc, ngành cà phê Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước sản xuất khác như Brasil, Colombia, Ethyopia, Quatemala.

Đánh giá chung về giá cà phê giai đoạn giữa tháng 11/2022, Bộ Công thương cho biết giá cà phê giảm chậm lại nhờ một số thông tin hỗ trợ thị trường. Dự báo thời tiết về vùng trồng cà phê Tây Nguyên của Việt Nam sẽ có mưa trên diện rộng, làm cản trở việc thu hoạch và phơi sấy. Trong khi đó, thị trường cà phê Arabica vẫn chịu sức ép giảm giá do nguồn cung vụ mới từ Brasil và báo cáo tồn kho tháng 10/2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Những ngày giữa tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tiếp tục giảm. Ngày 18/11/2022, giá cà phê Robusta trong nước giảm từ 700 - 800 đồng/kg so với ngày 9/11/2022; Mức giá thấp nhất 39.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 39.700 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; tại tỉnh Gia Lai là 39.600 đồng/kg.

Đỗ Hương

 

Làm giàu trên quê hương

Nguồn tin:  Báo Lào Cai

 

Yêu nghề nông, quyết tâm làm giàu trên đất quê hương, anh Nguyễn Thế Dự, thôn Liêm, xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp bằng mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng.

 

 

Mô hình nuôi bò nhốt của anh Nguyễn Thế Dự mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Khác với đa số thanh niên lựa chọn đi làm xa, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Thế Dự trở về quê nhà. Nhận thấy xã Liêm Phú có nguồn nước quanh năm từ các sông, suối, cùng với việc kết hợp tìm hiểu đặc tính của các loài cá, anh đã tận dụng diện tích ao có sẵn của gia đình để thử nghiệm thả cá bỗng và trắm cỏ.

Sau gần 7 năm nuôi cá, đến nay anh Dự đã có hơn 3.000 m2 mặt nước nuôi chủ yếu là các loại trắm cỏ, cá bỗng và chày mắt đỏ. Anh Dự cho biết: Ngoài 500 m2 ao có sẵn thì phần lớn diện tích ao bây giờ trước đây là ruộng sình, gia đình chỉ cấy lúa nhưng hiệu quả không cao. Nhận thấy có thể chủ động nguồn nước nên tôi thuê người đào ao và đi tìm hiểu thêm về cách nuôi cá. Tôi cũng xác định nuôi cá sạch để cung cấp ra thị trường, vì nuôi bằng cám thì cá lớn nhanh nhưng thịt kém ngon.

Để có nguồn cá sạch, anh Dự dùng cỏ, bỗng rượu và lá sắn làm thức ăn cho cá. Mỗi khi thu hoạch cá, nhiều thương lái và các nhà hàng đến tận nhà mua. Đối với cá trắm cỏ, mỗi năm có thể cho thu hoạch 2 lứa, mỗi con có trọng lượng từ 1 đến 1,5 kg, bán với giá trên 120 nghìn đồng/kg. Còn cá bỗng tuy phát triển chậm hơn so với các giống cá khác nhưng sức kháng bệnh tốt, nuôi trong 2 năm sẽ đạt trọng lượng khoảng 2 - 3 kg, rất phù hợp nuôi dân dã và có giá bán khoảng 400 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh có thể thu về khoảng 40 triệu đồng từ bán cá.

Cùng với nuôi cá, năm 2016, anh thực hiện thêm mô hình nuôi bò sinh sản. Anh lựa chọn phương thức nuôi nhốt chứ không chăn thả ngoài tự nhiên, ban đầu gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, khi khắc phục được nguồn thức ăn bằng việc phát triển vùng trồng cỏ, đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố thì mô hình nuôi nhốt bò sinh sản mang lại tín hiệu khả quan. Với 6 con bò cái có sẵn của gia đình, anh mua thêm 4 con bò cái giống lai sin và 1 con bò đực giống lai để cải thiện tầm vóc, chất lượng bò địa phương. Năm 2018, anh Dự bán ra thị trường 8 con bò 2 năm tuổi, thu về gần 200 triệu đồng.

Anh Dự cho biết: Hiện tại, trong chuồng có 25 con bò và 5 con trâu, đang chăn nuôi theo hình thức sinh sản và cho ăn cỏ. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò và trâu, gia đình tôi chuyển đổi thêm 1 ha đất cấy lúa không hiệu quả sang trồng cỏ.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Dự còn là người “thổi lửa” cho phong trào đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Trong các cuộc họp, gặp gỡ với thanh niên địa phương, Đoàn Thanh niên xã cũng hướng dẫn thanh niên đến tham quan, học hỏi mô hình của anh Dự. Anh Vũ Bách Khanh, Phó Bí thư Huyện đoàn Văn Bàn cho biết: Việc lựa chọn trở về quê hương khởi nghiệp và những kết quả gặt hái được trong sản xuất của anh Dự không chỉ phát huy vai trò xung kích, dám nghĩ, dám làm, mà còn thể hiện sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ tuổi trẻ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của thanh niên nông thôn.

Trang Nhàn

 

Tiền Giang: Đảm bảo ngăn lũ, triều cường và phòng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ trên 8.200 ha vườn cây ăn trái đặc sản

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

 

Theo ông Lê Minh Hữu, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông khu vực Cai Lậy - Cái Bè (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang), đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp, tập trung vận hành hợp lý hệ thống cống, đập, nâng cao hiệu quả phục vụ của các công trình thủy lợi trong hai dự án Đông - Tây Ba Rài phù hợp tình hình diễn biến thủy văn, đảm bảo ngăn lũ, triều cường trong các tháng cuối năm 2022; phòng, chống xâm nhập mặn cũng như lấy nước tưới tiêu phòng, chống hạn hán trong mùa khô năm 2023, bảo vệ trên 8.200 ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản, chủ yếu là sầu riêng chuyên canh có giá trị xuất khẩu cao.

Trong đó, dự án Đông Ba Rài có tổng chiều dài đê bao trên 38km, 17 cống do Chi nhánh quản lý, vận hành và 17 cống do các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế cấp huyện, thị xã quản lý, bảo vệ trên 4.640 ha vườn cây ăn trái đặc sản. Dự án Tây Ba Rài có tổng chiều dài đê bao trên 39km, 33 tuyến kênh tưới tiêu tổng chiều dài gần 68km, 32 cống do Chi nhánh quản lý và 08 cống do các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế cấp huyện quản lý, vận hành.

Ông Lê Minh Hữu cho biết, Chi nhánh Thủy nông khu vực Cai Lậy - Cái Bè phối hợp chặt chẽ cùng các huyện, thị xã và địa phương hưởng lợi từ 02 dự án thủy lợi Đông - Tây Ba Rài tổ chức kiểm tra, khảo sát hiện trạng các cống đập, đê bao và hệ thống kênh, mương tưới tiêu đảm bảo năng lực phục vụ sản xuất và đời sống. Kịp thời duy tu, sửa chữa, khắc phục những chỗ hư hỏng ngay từ đầu vụ sản xuất, đặc biệt là phòng, chống sạt lở các đê bao ngăn lũ và triều cường, tôn cao kịp thời những khu vực đê bao còn thấp, không đủ cao trình phòng, chống lũ lụt và triều cường.

Đồng thời, căn cứ theo tình hình khí tượng thủy văn và sản xuất trong vùng dự án mà xây dựng lịch vận hành các cống lấy nước, tưới tiêu, ngăn lũ và ngăn mặn một cách phù hợp. Lịch vận hành được thông tin rộng rãi đến tận hộ Nhân dân để bà con cập nhật, chủ động xây dựng lịch lấy nước tưới tiêu một cách chủ động, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai nếu có.

Mặt khác, để bảo đảm hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, Chi nhánh Thủy nông khu vực Cai Lậy - Cái Bè thường xuyên kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguồn nước, mực nước ngoài sông và trong nội đồng trong mùa mưa lũ và triều cường; mực nước, chất lượng nguồn nước và nồng độ mặn ngoài sông trong mùa khô và trên các tuyến sông chính trong khu vực như: Sông Tiền, sông Ba Rài, sông Hàm Luông… để có kế hoạch vận hành lấy nước, tiêu thoát nước, ngăn mặn, ngăn lũ lụt và triều cường một cách hợp lý, bảo vệ tốt vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản xuất khẩu, không để thiên tai gây hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Trong trường hợp lũ lụt và triều cường cao trong mùa mưa lũ hoặc xâm nhập mặn gay gắt trong mùa khô hạn năm 2023, khi cần thiết, các cống sẽ tạm đóng để ngăn lũ lụt và triều cường, ngăn mặn một cách triệt để.

Để bảo đảm hiệu quả vận hành các công trình trong 02 dự án Đông - Tây Ba Rài, Chi nhánh Thủy nông khu vực Cai Lậy - Cái Bè cũng khuyến cáo các ngành, địa phương hưởng lợi thường xuyên tổ chức vận động Nhân dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét các tuyến kênh, mương bị bồi lắng, vệ sinh nội đồng, giải tỏa các chướng ngại vật lòng kênh đảm bảo dòng chảy thông thoáng, nâng cao được hiệu quả tưới tiêu và phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại.

Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về giữ vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường, phòng, chống ô nhiễm trong vùng dự án Đông - Tây Ba Rài nhằm phát triển bền vững cũng như bảo vệ tốt môi trường vùng chuyên canh.

Minh Trí

 

Khởi nghiệp thành công với nhãn ido

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Ông Phương thành công với mô hình trồng nhãn ido kết hợp làm du lịch.

Với sự quyết đoán, đổi mới tư duy trong sản xuất cùng ý chí vươn lên, ông Trương Hoàng Phương, 56 tuổi (ấp Phú Thuận, xã Nhơn Phú - Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nhãn ido cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Việc chọn phát triển kinh tế từ một mô hình mới để đem lại thu nhập cao cho gia đình là điều không dễ dàng. Song, với tinh thần vượt khó, ham học hỏi nên ông Phương không chỉ đạt hiệu quả trong việc chuyển đổi sản xuất, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn giúp người dân địa phương có thêm việc làm.

Chia sẻ về con đường khởi nghiệp ở tuổi U60, ông Phương cho hay: Khởi nghiệp ở tuổi nào không quan trọng và chưa bao giờ là muộn, miễn là có đam mê, biết phấn đấu và không bỏ cuộc giữa chừng. Ông Phương kể: Do sản xuất gạch kém hiệu quả, năm 2017, ông đã mạnh dạn trồng nhãn ido kết hợp chăn nuôi. Với diện tích 1,5ha, trồng 600 gốc nhãn ido, ông trồng xen cây tứ quý để lấy ngắn nuôi dài.

“Tôi đã có hơn 1 năm suy nghĩ, trăn trở và tìm hiểu để tìm ra loại cây thích hợp với vùng đất này để làm sao đạt hiệu quả, vừa cho năng suất cao, vừa có giá trị kinh tế. Tôi cũng đã đi tham khảo nhiều mô hình và chọn cây nhãn ido để trồng bởi loại nhãn này cho năng suất cao, sống lâu, thích hợp nhiều loại đất, dễ chăm sóc. Năm nay là vụ thứ 3 cho năng suất rất cao, trung bình 1 cây nhãn cho khoảng 100kg, giá nhãn ổn định từ 15.000 - 20.000 đ/kg. Tính ra 600 cây nhãn cho sản lượng khoảng 60 tấn, doanh thu cũng được 1 tỷ đồng/năm.

“Người trồng nhãn sợ nhất là không xử lý cho nhãn ra hoa, ra trái. Còn tôi, rất dễ dàng khi phối hợp xử lý thuốc chặn đọt và tưới thuốc xử lý gốc. Ngoài ra, tỷ lệ nhãn ido bị chổi rồng chỉ có 1% nên tôi chỉ cần chăm sóc tốt thì cây xanh tốt, vượt qua loại bệnh này” - ông Phương cho hay. Vườn nhãn ido của ông Phương đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, có đường nước, đê bao riêng. Để giảm chi phí sản xuất cũng như giúp cây nhãn ido sống lâu hơn, ông đã và đang áp dụng cách bón phân hữu cơ. Theo ông Phương, với cách làm này, trái nhãn ido sẽ ăn ngon, ngọt, an toàn, để lâu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhờ cần cù, chí thú và tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, ông Phương là một trong những gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Không chỉ vậy, hiểu được những khó khăn khi khởi nghiệp làm kinh tế, ông Phương sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con lối xóm để cùng phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương. Trong các hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội, xây dựng NTM do địa phương phát động, ông Phương cũng tích cực tham gia, đóng góp.

Được ông Phương hỗ trợ kỹ thuật trồng nhãn, ông Dương Văn Phước - xã Nhơn Phú (Mang Thít) chia sẻ: “Tôi có trồng 10 công nhãn ido, nhờ anh Phương hướng dẫn, chia sẻ tận tình cách xử lý ra hoa, đậu trái nên năm vừa rồi nhãn của tôi trúng mùa, bán được giá. Một công nhãn tôi thu hoạch hơn 2 tấn, sau khi trừ chi phí thì còn lời khoảng 15 triệu đồng/công”.

Bên cạnh nhãn ido, ông Phương còn trồng xen thêm nhiều loại nhãn khác như: nhãn long tím, nhãn xuồng,… Ngoài ra, ông còn trồng hoa thiên lý, thả nhiều loại cá dưới ao (tai tượng, cá chép, cá hường, cá chém cỏ) và nuôi thêm ốc bươu đen. Đồng thời, cải tạo lại khuôn viên để định hướng tới là gắn kết phát triển du lịch sinh thái vườn. Đây là kế hoạch mà ông Phương ấp ủ kể từ lúc mới trồng nhãn ido.

 

 

Với ông Phương, khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn.

Theo ông Phương, nhu cầu du lịch càng ngày càng nhiều. Du khách lại thường có xu hướng muốn tìm đến nơi dân dã, đời thường vì khí hậu mát lành, dòng sông ngọt quanh năm, cây trái xum xuê nên phải tranh thủ, tận dụng lợi thế tiềm năng có sẵn ở địa phương để làm. “Cuối năm 2022 này, tôi sẽ biến vườn nhãn trở thành khu du lịch sinh thái với thương hiệu “Vườn nhãn sinh thái Sáu Phương”. Khách đến đây có thể tìm hiểu qua nhiều loại nhãn, có thể thưởng thức nhãn tại chỗ và các món ăn chế biến từ cá, ốc và hoa thiên lý tôi trồng. Thời gian qua, cũng đã có một số đoàn khách du lịch tham quan vườn nhãn, đã khen và rất thích. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục phát triển trong thời gian tới” - ông Phương chia sẻ.

Nhận xét về mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp của ông Phương, ông Hồ Phước Dư - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mang Thít cho biết: Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả. Theo đó, nông dân đã mạnh dạn đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm hướng đi mới để phát triển. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp hỗ trợ mô hình này và dự kiến phát triển thành vườn cây ăn trái kiểu mẫu của huyện.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Hòa Bình: Nâng cao giá trị và phát triển bền vững vùng cam

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

 

Đến thăm vườn cam rộng 2 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Thái ở thị trấn Cao Phong (Hòa Bình), ấn tượng nhất là màu xanh mướt mắt, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Còn tại vườn nhà anh Đỗ Ngọc Hà ở xóm Lãi, xã Tây Phong, diện tích cam bị bệnh đã được xử lý kịp thời, đảm bảo phục hồi và phát triển tốt. Đây là 2 trong nhiều hộ gia đình ở huyện Cao Phong đang thực hiện tái canh cây cam theo hình thức phục hồi và cơ cấu lại sản xuất, hướng tới nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây cam - cây trồng chủ lực nhất của huyện Cao Phong.

 

 

Người dân xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) đầu tư trồng cam, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những năm qua, cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó chủ lực là cây cam đã phát triển mạnh trên địa bàn huyện, mang lại nguồn thu lớn cho người dân, góp phần đắc lực phát triển KT-XH. Tuy nhiên, do người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch nên diện tích cây cam tăng vọt, có năm tăng đến 3.000 ha. Cùng với đó, một số diện tích sử dụng cây giống không đảm bảo chất lượng nên xuất hiện sâu bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng và chất lượng loại cây đặc sản này. Thực tế đó đặt ra yêu cầu thiết yếu là phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững CAQCM nói chung, cây cam nói riêng.

Xác định hướng đi chiến lược để củng cố, nâng cao hiệu quả canh tác, hướng tới phát triển bền vững vùng CAQCM, huyện tích cực thực hiện Đề án "Tái canh CAQCM tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn. Đề án là chiến lược trọng điểm trên lộ trình nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng CAQCM. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đồng bộ, bền vững, từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn huyện thực hiện tái canh khoảng 1.500 ha. Trong đó, trồng lại cam mới trên đất đã cải tạo 800 ha, phục hồi và cải tạo lại diện tích đang thời kỳ kinh doanh 700 ha. Riêng Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình được giao tái canh khoảng 500 ha.

Để thực hiện kế hoạch, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện; đề nghị xây dựng cánh đồng mẫu để từng bước hình thành các vùng trồng lớn; cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo nguồn giống sạch bệnh phục vụ tái canh và ban hành các quy trình kỹ thuật cho từng loại giống phù hợp để thực hiện tái canh; cải thiện, nâng cấp hạ tầng phục vụ vùng sản xuất tập trung...

Theo UBND huyện, chủ trương tái canh cây cam bước đầu được triển khai thuận lợi và đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đến nay, đã có 4/5 chương trình, dự án ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó, dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung huyện Cao Phong đã hoàn thành trên 95%. UBND huyện chỉ đạo Phòng NN& PTNT phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh có kế hoạch hỗ trợ các địa phương trong công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích CAQCM đang trong chu kỳ kinh doanh. Đồng thời, rà soát diện tích cam trong các thời kỳ để xây dựng kế hoạch tái canh hàng năm, có kế hoạch chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất đối với diện tích cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng các giống cây trồng ngắn ngày như đậu đỗ, ngô sinh khối, chuối… Đến nay, trong huyện có khoảng 780 ha CAQCM được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất, thời gian luân canh từ 2 - 4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm. Đặc biệt, Viện Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan đang xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh CAQCM. Giải pháp này sẽ sớm được đánh giá, hoàn thiện và thông tin rộng rãi đến các địa phương, cơ sở, người sản xuất. Công tác tổ chức sẽ được triển khai đồng bộ, đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện tái canh CAQCM, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cây cam ở huyện Cao Phong, tạo động lực để toàn huyện phát triển KT-XH, phấn đấu đến năm 2025, Cao Phong trở thành huyện nông thôn mới.

Việt Lâm

 

Đắk Nông: Nông dân Tuy Ðức trúng mùa cà chua

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Hiện nay, nhiều diện tích cà chua của huyện Tuy Đức đang cho thu hoạch. Vụ này, bà con rất phấn khởi vì cà chua trúng mùa, được giá, mang lại nguồn thu nhập khá.

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), trồng hơn 5 sào cà chua. Theo ông Minh, vụ thu đông năm ngoái, gia đình ông xuống giống cà tím và có nguồn thu nhập khá.

Còn năm nay, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thu mua, ông chuyển sang trồng cà chua. Điều đáng mừng, lứa cà chua vụ này gặp thời tiết thuận lợi, nên đạt năng suất cao, chất lượng quả đồng đều.

Hơn nữa, ngay từ đầu vụ thu hoạch, cà chua bán được giá cao, mang về nguồn thu nhập khá. Với 5 sào đất, ông xuống giống hơn 10.000 cây cà chua.

Chi phí đầu tư cho mỗi cây cà chua từ khi trồng đến lúc thu hoạch hết khoảng từ 12.000 – 15.000 đồng. Vụ này, gia đình ông thu nhập được trên 40 tấn quả cà chua, với giá bán 18.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Minh có lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Minh cho hay: "Những ngày qua, nhu cầu tiêu thụ cà chua trên thị trường rất cao. Gia đình thuê nhân công thu hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cà chua cũng được giá hơn so với mọi năm”.

Theo ông Trần Văn Tâm, chuyên viên Phòng NN – PTNT huyện Tuy Đức, năm 2022, toàn huyện gieo trồng được 582 ha rau xanh các loại, sản lượng thu hoạch ước đạt 9.567 tấn.

Trong đó, diện tích cà chua của huyện khoảng 48 ha, chiếm 8,4% diện tích cây ngắn ngày vụ thu đông. Cây cà chua trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Quảng Tâm và Đắk Búk So.

Hiện nay, sản phẩm cà chua của huyện đang hình thành chuỗi liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nên được xuất bán rộng rãi tại một số tỉnh, thành trong nước.

Để vườn cà chua sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, các nhà vườn trên địa bàn huyện Tuy Đức đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất. Bên cạnh cây cà chua trồng trong nhà lưới, nhờ áp dụng kỹ thuật, những diện tích trồng ngoài trời cũng mang lại hiệu quả cao.

Trong đó, hầu hết diện tích cà chua ngoài trời đều được bà con lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, ngăn chặn cỏ dại, sâu bệnh.

 

 

Nhiều bà con Tuy Đức có nguồn thu nhập khá nhờ trúng mùa cà chua

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, những năm qua, huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân khai thác hiệu quả lợi thế về khí hậu, đất đai.

Trong đó, huyện giúp bà con phát triển cây rau xanh theo hướng hàng hóa, bền vững. Riêng vụ thu đông năm nay, nhiều bà con đã xuống giống cây cà chua và thắng lợi lớn.

Huyện Tuy Đức tiếp tục thực hiện chuyển đổi những vùng đất sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau xanh. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, Tuy Đức có những thế mạnh nhất định trong phát triển rau xanh theo hướng chất lượng cao.

"Để sản phẩm rau xanh của người dân có đầu ra thuận lợi, địa phương đã liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân", bà Phượng cho hay.

Kim Ngân

 

Nhà máy đường TTCS vào vụ ép và công bố giá thu mua mía vụ 2022-2023

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Thông tin từ nhà máy đường TTCS Tây Ninh cho biết, từ ngày 25.11.2022, nhà máy chính thức bước vào vụ ép mía 2022–2023. Bên cạnh đó, nhà máy cũng đã công bố giá thu mua mía vụ 2022-2023.

 

 

Thu hoạch mía bằng cơ giới ở một nông trường. Ảnh minh họa

Theo đó, vụ thu hoạch 2022-2023, giá mua mía tại bàn cân nhà máy đạt mức 1.205.400 đồng - 1.433.900 đồng/ tấn mía 10 CCS, tùy theo quy mô diện tích mía, khu vực trồng mía, cự ly vận chuyển và thời gian giao mía của từng khách hàng (bao gồm giá mía nguyên liệu sạch tươi 10 CCS tại ruộng trên phương tiện vận chuyển, các khoản trợ giá trong trường hợp thỏa mãn điều kiện áp dụng và cước vận chuyển được tính theo cự ly từ ruộng mía đến nhà máy).

Theo đánh giá của phòng Phát triển nguyên liệu TTCS, năm nay, năng suất mía vùng nguyên liệu Tây Ninh đạt bình quân trên 85 tấn/ha, tương đương với mức lợi nhuận từ 30 – 40 triệu/ha.

Theo khảo sát của nhà máy TTCS, năm nay người trồng mía phấn khởi vì “vừa được mùa vừa được giá”, mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến động thị trường, dịch bệnh, biến đổi thời tiết ...

“Vụ trồng 2022-2023, tổng diện tích mía đầu tư của Nhà máy đạt trên 18.000 ha. Với đà phục hồi về giá thu mua mía như hiện tại, hy vọng sẽ là cú hích cho việc khôi phục và mở rộng diện tích mía trong thời gian tới”, một cán bộ nông nghiệp thuộc nhà máy TTCS cho biết.

Sơn Anh

 

Hà Giang: Hoàng Su Phì gìn giữ cây chè di sản

Nguồn tin: Báo Hà Giang

 

Huyện Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây của tỉnh, có độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây hiện đang sở hữu vùng chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên đến vài trăm năm. Đến nay, toàn huyện có trên 1.200 cây chè Shan tuyết được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị chè di sản, chè cổ thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng chè.

 

 

Người dân thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên chăm sóc cây chè cổ thụ.

Nhắc đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ, không thể không kể đến thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. Nơi đây nằm dưới dải Tây Côn Lĩnh, được bao bọc bởi những dãy núi có độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ với khí hậu trong lành, mát mẻ. Những người già nhất ở bản Phìn Hồ này cũng không nhớ nổi đồi chè cổ thụ có từ bao giờ. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy những cây chè Shan tuyết cao quá đầu người, trải qua bao mùa mưa nắng vẫn hiên ngang bám rễ, đâm chồi nảy lộc, sản sinh ra những búp chè tươi mang hương vị của núi rừng.

Bà Triệu Mùi Nghính, thôn Phìn Hồ, năm nay đã trên 90 tuổi cho biết: Gia đình tôi sinh sống ở đây đã nhiều đời, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã thấy những cây chè cổ thụ này. Trước đây, người Dao ở bản Phìn Hồ chưa biết giá trị của cây chè, chủ yếu hái về rồi sao, sấy để làm thức uống trong gia đình. Vài năm trở lại đây, được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, các gia đình đã đầu tư chăm sóc, thu hái theo quy trình kỹ thuật. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè Shan tuyết.

 

 

Những cây chè đã được công nhận cây di sản ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên.

Qua số liệu điều tra, khảo sát, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm, đường kính thân cây từ 30 cm trở lên. Trong đó có 1.248 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Theo lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì, để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: Đối với các cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40 m, chu vi trên 6 m đối với cây gỗ đơn thân). Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân, còn với cây thuộc chi ficus phải cao trên 20 m, chu vi trên 10 m), có hình dáng đặc sắc. Đặc biệt, cây chè Shan tuyết cổ thụ có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử độc đáo, gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Vì vậy, việc có trên 1.200 cây chè được công nhận cây di sản có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Hoàng Su Phì trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị từ cây chè cổ thụ.

Tuy nhiên, có một thực tế đó là hiện nay các cây di sản đều là những cây cổ thụ, già cỗi, một số cây có dấu hiệu sinh trưởng kém, bị sâu bệnh hại, héo lá, chết cành. Trong khi, việc bảo vệ cây di sản còn gặp khó khăn do chưa có nguồn kinh phí riêng để phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây ở các địa phương. Một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ cây, gây nên những vết thương tạo điều kiện cho một số vi sinh vật xâm nhập, gây bệnh cho cây… Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của cây di sản trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

 

Tết sắp đến, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Do một số nguyên nhân, tỷ lệ tái đàn của người dân năm nay giảm so với những năm trước.

 

 

Một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Những tháng cuối năm là dịp cao điểm để các hộ chăn nuôi lên kế hoạch tái đàn, đón đầu thị trường tết. Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tái đàn chuẩn bị nguồn cung thực phẩm trong tết. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, tỷ lệ tái đàn của người dân năm nay giảm so với những năm trước.

Không tái đàn do lợi nhuận thấp

Từ đầu năm đến nay, giá heo trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức thấp, trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến cho các hộ chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm lợi nhuận, nhiều hộ không mặn mà tái đàn chuẩn bị nguồn cung cho dịp tết nguyên đán sắp đến.

Ông Võ Văn Hai, ngụ ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên đang nuôi 2 con heo nái và 23 con heo thịt có trọng lượng gần 50kg. Ông Hai cho biết, năm 2021, dịch tả heo châu Phi làm đàn heo gần 30 con (gồm 4 con heo nái và 26 con heo thịt) bị chết khiến gia đình ông thua lỗ gần 50 triệu đồng. Sau khi tiêu huỷ, ông vệ sinh, sát trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, đến tháng 4.2022, ông mới tái đàn.

Ông Hai hy vọng trong dịp tết nguyên đán sắp tới, đàn heo thịt của gia đình bán được giá cao để có tiền trang trải chi phí đầu tư và đón tết đầy đủ hơn. Theo ông Hai, chi phí đầu tư quá cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 50% so với trước đây, thêm các khoảng chi phí để sát khuẩn chuồng trại định kỳ hằng tuần khiến cho giá thành chăn nuôi gần bằng với giá bán heo hơi, nên lợi nhuận không cao.

Gia đình bà Cao Thị Thuỷ, ngụ ấp Suối Ông Đình, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cho biết gia đình đã bỏ trống khu chuồng từ đầu năm 2022, vì giá heo hơi có lúc xuống dưới 50.000 đồng/kg, hiện nay, giá heo xuất chuồng cũng chỉ ở mức dao động từ 54.000 đồng - 56.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi gần như không có lãi. Tổng các chi phí thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, điện nước để vệ sinh chuồng trại, người chăn nuôi phải đầu tư trên 5 triệu đồng cho một con hen đến xuất chuồng, chưa tính công chăm sóc. Nếu làm vệ sinh chuồng trại định kỳ theo đúng khuyến cáo của ngành Thú y thì số tiền bỏ ra sẽ tăng cao hơn.

Những năm trước, trong chuồng heo nhà bà Thủy luôn có 6 con heo nái và khoảng 40 con heo thịt, nhưng do dịch tả heo châu Phi “càn quét” trong năm 2021, cộng với những khó khăn kể trên nên bà quyết định tạm ngưng nuôi.

Theo các hộ chăn nuôi tại huyện Châu Thành, giá heo hơi bán tại các trại chăn nuôi dao động từ 56.000 - 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Trong khi chi phí đầu tư 1kg heo hơi trung bình khoảng 55.000 đồng.

Một số chủ trang trại chăn nuôi chia sẻ, từ đầu năm đến nay, giá heo có nhiều đợt biến động theo chiều hướng ngày càng giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có lên chứ không xuống, khiến người chăn nuôi e ngại, không dám tái đàn.

Chủ một trang trại heo tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành cho biết, lứa heo tết năm nay, trại heo của gia đình dự kiến xuất chuồng khoảng 150 con. Chăn nuôi quy mô trang trại nên ông được mua thức ăn chăn nuôi ở đại lý cấp 1, giá mỗi bao rẻ hơn thị trường đến 10.000 đồng, con số tiết kiệm không lớn, nhưng vì chăn nuôi số lượng nhiều, tính ra ông vẫn còn chút lợi nhuận. Với giá thành chăn nuôi như hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rất khó cầm cự.

Bảo đảm nguồn cung

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến đầu tháng 11.2022, ước tính tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh khoảng 9.600 con trâu, bằng 97,5% so cùng kỳ năm 2021; 103.000 con bò, bằng 106,2% so cùng kỳ; 230.000 con heo, bằng 111,9% so cùng kỳ năm 2021 và khoảng 8.995.000 con gia cầm các loại, bằng với cùng kỳ. Nguồn cung từ các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh đủ đáp ứng nguồn thịt cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 60 cơ sở chăn nuôi (22 cơ sở chăn nuôi gà, 38 cơ sở chăn nuôi heo) được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm ổn định từ sau dịp tết nguyên đán, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Tính đến đầu tháng 11.2022, giá cả một số loại thịt trên địa bàn tỉnh như sau: thịt trâu, bò hơi 80.000 đồng/kg (ổn định); thịt heo hơi 57.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg); gà công nghiệp (thịt hơi) 33.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg), thịt vịt hơi 36.000 đồng/kg (giảm 4.000 đồng/kg).

Hiện, ngành Thú y đã triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại huyện Dương Minh Châu và 3 cơ sở được chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch thuộc huyện Gò Dầu; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lở mồm long móng tại 6 xã: Long Khánh, Long Phước, Long Giang, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận của huyện Bến Cầu. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 59 cơ sở chăn nuôi gà, 12 cơ sở chăn nuôi heo và 2 cơ sở chăn nuôi bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức 2 đợt tiêm vaccine phòng một số loại bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đạt 339.147 liều. Triển khai 4 đợt vệ sinh, sát trùng. Trong đó, tiêu độc sát trùng phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 1.503.050m2; tiêu độc sát trùng cơ sở giết mổ: 65.630m2; tiêu độc sát trùng bến bãi, khu cách ly: 800m2 và tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển: 878 xe ô tô và 106 xe khác.

Ngành chăn nuôi tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, triển khai công tác tiêm phòng bổ sung đối với các đàn vật nuôi mới; giám sát tiêm phòng; giám sát công tác tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi, khu giết mổ tập trung, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.

Thiện Đức

 

Hành trình 30 năm lập nghiệp

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

 

Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tỷ phú nông dân Trần Văn Tường - người được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng trang trại 3ha ở thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) cùng hệ thống chuồng lạnh nuôi gà, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn nửa triệu con giống.

 

 

Trang trại nuôi gà công nghệ cao của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Trần Văn Tường.

Đứng lên từ những thất bại

Ông Trần Văn Tường (SN 1962) là người Bính Hạ, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn. Do ở nơi phố thị "đất chật, người đông" nên khi quyết định nuôi gà vào năm 1994, ông phải đi nhiều nơi thuê đất làm trang trại.

“Ngày ấy, bằng những kinh nghiệm thực tiễn và học hỏi được từ Viện Chăn nuôi, tôi mạnh dạn vay mượn tiền của, thuê 3 khu đất ở Đông Anh (Hà Nội), Lạng Giang (Bắc Giang) và một khu đất ở Từ Sơn xây dựng trang trại với tổng đàn gà khoảng 1 vạn con. Số lượng nhiều, khoảng cách giữa các trại xa nhau nên quản lý rất vất vả…”, ông Tường nhớ lại.

Gần 30 năm gắn bó với nghiệp chăn nuôi, trải nhiều thăng trầm qua những lần bệnh dịch hay giá cả thị trường bấp bênh, song rủi ro khiến ông Tường không ngờ tới là vào năm 1997. Thời điểm đó, ông thuê một nhà kho cũ ở Lạng Giang (Bắc Giang) nuôi 1 vạn gà trắng siêu thịt. Lứa gà sắp đến ngày xuất bán thì gặp trận mưa lớn. Khu nhà kho rộng 12.000m2 với chiều cao khoảng 7m, mái lợp bằng tôn nên trận mưa rào kéo dài 1 giờ đồng hồ đã khiến đàn gà hoảng loạn, dẫm đạp, đổ dồn thành từng đống. Khi phát hiện sự việc thì đã có 1/4 đàn bị chết. Thế rồi, đàn gà lại mắc bệnh Newcastle (gà rù) khiến ông trở tay không kịp… Lần đó ông thua lỗ hơn 200 triệu đồng.

Không nản chí, sau đó ông tiếp tục nuôi 1 vạn gà trắng siêu thịt tại trại gà ở Hà Nội. Mọi chuyện không suôn sẻ khi thời điểm gà xuất chuồng thì thị trường biến động. "Gà trắng siêu thịt nuôi 45-55 ngày phải bán, nhưng tôi nuôi kéo dài 90-100 ngày, tốn thức ăn mà không bán được, thua lỗ gần 200 triệu đồng" - ông Tường ngậm ngùi.

Nhận thấy chăn nuôi gà thịt không thuận lợi, năm 2000 ông chuyển hướng sang nuôi gà bố mẹ lấy trứng ấp nở làm con giống. Ông nhập các giống gà ta, gà lai chọi, lai Hồ, gà Mía… Vài năm thuận lợi thì khó khăn lại bủa vây. Năm 2004, dịch cúm gia cầm lây lan mạnh, toàn bộ đàn già giống hơn 7.000 con bị tiêu hủy sạch. Lúc này trong tay ông chỉ còn vỏn vẹn 67 triệu đồng tiền chính quyền hỗ trợ lô gà bị tiêu hủy...

Không chấp nhận thất bại, ông Tường quyết tâm làm lại từ đầu. Lần này, ông tập trung nuôi gà Ai Cập, lai tạo với các giống gà nhập từ Mỹ, Pháp để tạo ra các giống gà siêu đẻ mới, cung cấp cho người chăn nuôi. Năm 2010, UBND phường Trang Hạ tạo kiều kiện cho gia đình ông thuê 2.000m2 đất ở khu vực bờ kênh, xa khu dân cư để làm chuồng trại nuôi khoảng 1,5 vạn gà bố mẹ. Ở các khu chuồng trại khác, ông sử dụng làm nơi đặt máy ấp trứng và nuôi gà bố mẹ hậu bị.

Đầu tư công nghệ là đầu tư cho tương lai

Đến năm 2021, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn liếng, ông hiện thực hóa ước mơ mở rộng quy mô nuôi gà tập trung theo hướng công nghệ cao bằng việc chi hơn 20 tỷ đồng mua 3ha đất ở thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, huyện Lương Tài. Tại đây, ông đầu tư thêm 8 tỷ đồng xây dựng 4 khu chuồng lạnh hiện đại, công suất nuôi 4 vạn gà bố mẹ. Cùng với đó là hệ thống tường bao, điện, máy phát điện dự phòng, máy ấp trứng… Toàn bộ thiết bị đều được nhập khẩu, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm chuồng luôn duy trì ở mức phù hợp giúp đàn gà phát triển ổn định.

Theo ông Tường, nuôi gà trong chuồng lạnh đầu tư lớn nhưng lại giảm bớt tác động đến môi trường, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, giảm chi phí nhân công, tăng thu nhập: "Trang trại sử dụng máy cho ăn tự động và uống nước tự động nên nhân lực giảm tới 50%. Tôi đang tiến hành lắp đặt bồn cám tự động 16 tấn để cấp cám cho 4 khu chuồng, từ đó tiếp tục cắt giảm thời gian, chi phí sản xuất…”.

 

 

Bình quân mỗi tháng trang trại cung ứng ra thị trường hơn nửa triệu con giống chất lượng cao.

Hiện cứ 4 ngày trang trại của ông lại cho khoảng 100.000 trứng với tỷ lệ ấp nở thành công 80-85%, bình quân mỗi tháng cung ứng hơn nửa triệu con giống tới khắp cả nước. Khi gà nở ra 1 ngày tuổi, toàn bộ đều được tiêm vaccine Marerk để bảo đảm giống chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Trang trại của ông tạo việc làm cho hơn 15 lao động với thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/tháng, riêng những lao động kỹ thuật cao như trong khâu chọn gà giống đực - mái thì thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng.

Dù đã sở hữu cơ ngơi hàng chục tỷ đồng, nhưng “ông trùm” gà giống Trần Văn Tường vẫn rất giản dị, xởi lởi, nhiệt tình, đúng với phong cách của một lão nông gắn bó cả đời với nghiệp chăn nuôi. Ông bảo, việc áp dụng công nghệ hiện đại trong trang trại chăn nuôi nói riêng và trong ngành nông nghiệp nói chung không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, mà quan trọng hơn, đó là yếu tố sống còn để phát triển bền vững…

Việt Anh

 

Quảng Ninh: Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

 

Trong những tháng cuối năm này là thời điểm nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC, bảo vệ thành quả chăn nuôi, đồng thời tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời áp dụng nghiêm quy định về tiêm phòng chính là những giải pháp cần được ưu tiên triển khai.

Xác định rất rõ tầm quan trọng của phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC, từ đầu tháng 11 công tác tiêm phòng trên đàn GSGC đã được xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) tích cực triển khai. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã phối hợp tốt với cán bộ thú y phường tiêm phòng vắc xin đúng chủng loại, tỷ lệ theo quy định.

 

 

Đàn gà của trang trại ông Lãnh Văn Chưng, thôn Trại Thông, xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều được nuôi trong môi trường an toàn dịch bệnh.

Trang trại chăn nuôi trên 14.000 con gà của ông Lãnh Văn Chưng, thôn Trại Thông là trang trại lớn của TX Đông Triều. Trong quá trình nuôi, ông Chưng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng vắc xin trên tổng đàn vật nuôi. Ngoài các đợt tiêm chính 2 lần trong năm, ông Chưng còn phối hợp với đơn vị chuyên môn tiêm nhắc lại, tiêm phòng bao vây khi vùng lân cận xuất hiện ổ dịch, hoặc tiêm phòng vắc xin phổ rộng đối với các loại dịch bệnh lạ, có thể ảnh hưởng đến con gà. Trong quá trình nhỏ, tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn vật nuôi, ông Chưng đảm bảo thực hiện đúng ngày tuổi, đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt là không bỏ lỡ thời điểm phát triển của vật nuôi để tránh lỡ thời gian vàng vắc xin phát huy tác dụng. Ông Chưng còn cho phun khử trùng môi trường nuôi, bao gồm cả trong và ngoài chuồng trại, qua đó tạo môi trường an toàn cho đàn gia cầm khi bước vào giai đoạn chăn thả, vỗ béo, chuẩn bị xuất chuồng.

Giống như ông Lãnh Văn Chưng, nhiều hộ chăn nuôi lớn, nhỏ trên địa bàn xã Hồng Thái Đông nói riêng, TX Đông Triều nói chung có sự phối hợp tốt với đơn vị chuyên môn thực hiện tiêm chủng trong tháng 11, nhằm sớm hoàn thành đợt tiêm chủng cuối cùng trong năm. Ông Bùi Văn Hanh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật TX Đông Triều cho biết, với tiến độ tiêm phòng như hiện nay, mục tiêu tỷ lệ bao phủ vắc xin của TX Đông Triều đặt ra là trên 90%. Sau tiêm chủng 14-21 ngày, hiệu quả bảo hộ của vắc xin sẽ được phát huy, qua đó bảo vệ tổng đàn vật nuôi 900.000 con gia cầm và đàn lợn là 45.000 con trong suốt giai đoạn thu đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau).

Trên địa bàn TP Uông Bí, để phòng chống dịch bệnh trên đàn GSGC, nhiều hộ chăn nuôi lớn áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Điển hình là trang trại chăn nuôi của ông Đoàn Văn Chiến, thôn Khe Giang, xã Thượng Yên Công nuôi trên 200.000 con gà/năm theo mô hình ngắn ngày, công nghệ cao.

Theo người trong nghề, trang trại gà của ông Chiến đảm bảo an toàn sinh học là nhờ hệ thống giàn mát dùng vào mùa hè, lò hơi cấp nhiệt giữ ấm vào mùa đông, quạt đảo gió, thoáng khí vận hành liên tục, hệ thống đầu dò bệnh, máy phân phối và đưa thức ăn, nước uống đến con gà...

 

 

Việc tiêm vắc xin phòng dịch là giải pháp cần thiết bảo vệ an toàn đàn vật nuôi. Ảnh: Cán bộ thú y phường Bắc Sơn, TP Uông Bí kiểm tra đàn gà tại hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Tại trang trại này, nguyên lý trong quá trình sản xuất là gà không đổi chuồng, người không đổi việc, các mẫu gà được lấy theo tuần và gửi về phòng thí nghiệm để đánh giá sinh trưởng và phát triển. Sau mỗi lứa gà xuất xuống, trang trại đều dành 15 ngày để xúc hót phụ phẩm, hong khô trấu đã sử dụng, phun rửa nền chuồng, đẩy khí nóng làm khô nền chuồng, phun hóa chất khử khuẩn và để thời gian chuồng giãn cách theo quy định... sau rồi mới thả lứa mới.

Có thể thấy, chăn nuôi an toàn, trong đó chú trọng việc tiêm, nhỏ vắc xin phòng bệnh đúng, đủ ngày tuổi, liều lượng, chủng loại, không bỏ lỡ thời điểm phát triển của vật nuôi là hoạt động cần thiết trong quá trình chăn nuôi. Hoạt động này, nếu được làm tốt sẽ góp phần trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC, bảo vệ thành quả chăn nuôi, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Hiện nay, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên chó và viêm da nổi cục trên gia súc lớn đã hoàn thành. Các loại vắc xin phòng bệnh còn lại đạt 70-80%, mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm phòng nói chung là 90%, qua đó phát huy triệt để tác dụng của vắc xin trong phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Việt Hoa

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop