Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 6 tháng 5 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 6 tháng 5 năm 2024

 

Thị trường cây giống ăn trái: Sức mua tăng, nhiều loại cây giống tăng giá

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thời điểm này, dù chưa bước vào mùa mưa nhưng sức mua nhiều loại cây giống ăn trái đã tăng đáng kể so với những tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu tiêu thụ tăng và ảnh hưởng bởi các chi phí sản xuất và vận chuyển tăng, giá một số loại cây giống như mít, sầu riêng... cũng đã tăng so với trước.

 

 

Nông dân chọn mua cây giống sầu riêng tại một cơ sở bán cây giống ở huyện Thới Lai.

Giá cây giống tăng

So với hồi đầu năm nay và so với cùng kỳ năm 2023, hiện giá cây giống sầu riêng tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL đã tăng từ 10.000-20.000 đồng/cây. Tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận Hậu Giang, Vĩnh Long, Ðồng Tháp... cây giống sầu riêng hạt lép Ri6, sầu riêng Mỏn Thon (gốc ghép cỡ 2,5-4cm, từ 2-3 cơi lá) có giá 90.000-130.000 đồng/kg, còn loại cây có gốc ghép nhỏ hơn có giá 70.000-80.000 đồng/cây. Thời gian qua, trái sầu riêng bán được giá cao nhờ được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ đó đã kích thích người dân phát triển trồng sầu riêng nên nhu cầu mua cây giống tăng đã tạo điều kiện cho giá cây giống sầu riêng tăng. Bên cạnh đó, gần đây các chi phí vận chuyển và sản xuất cây giống cũng tăng do ảnh hưởng bởi nắng hạn, cùng giá xăng dầu, giá nhân công và nhiều loại vật tư đầu vào tăng.

Nhu cầu tiêu thụ tăng, gần đây giá cây giống mít cũng bán khá chạy và giá đã tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg so với những tháng trước. Trong đó, giá tăng mạnh nhất là cây giống mít ruột đỏ Indonesia do nhu cầu mua loại cây giống này tăng cao. Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trái mít ruột đỏ Indonesia bán được giá rất cao, có nhiều thời điểm giá bán lên đến 50.000-90.000 đồng/kg. Từ đó, nhiều nông dân đã đẩy mạnh trồng loại mít ruột đỏ Indonesia, dẫn đến giá tăng, nhất là khi nguồn cung cây giống mít này đang có phần hạn chế. Còn cây giống mít Thái do nguồn cung dồi dào nên giá bán tại nhiều nơi chỉ tăng nhẹ khoảng 5.000 đồng/cây và hiện cũng có cơ sở cây giống giữ giá bán ổn định so với trước để thu hút khách hàng. Tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn TP Cần Thơ, cây giống mít giống Thái (cây ghép lên được 1-2 cơi lá, gốc cỡ 1,2-2cm) có giá khoảng 30.000-35.000 đồng/cây. Giống mít ruột đỏ Indonesia có giá bán tại nhiều nơi ở mức 40.000-45.000 đồng/cây. Trong khi đó, cây giống mít tố nữ vị sầu riêng cũng đang có giá bán rất cao do là giống mới, nguồn cung hạn chế nên giá lên đến 70.000-80.000 đồng/cây.

Sức mua còn tăng

Theo cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ, hằng năm sức mua cây giống ăn trái thường tăng mạnh khi bắt đầu bước vào các tháng mùa mưa do nhiều nông dân chọn trồng thời điểm này để đỡ tốn công tưới nước cho cây, đồng thời cây trồng trong mùa mưa cũng ít bị hao hụt. Do vậy, dự báo tới đây sức mua nhiều loại cây giống còn tăng. Tuy nhiên, do nhiều nông dân còn lựa chọn trồng cây ăn trái chạy theo “giá cả” và theo “trào lưu” nên sức mua cây giống ăn trái chắc chắn sẽ không đều giữa các loại cây.

Chị Lý Thị Mỹ Hằng, chủ Cơ sở cây giống Sáu Quang ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện cơ sở của tôi bán hơn 40 loại cây giống ăn trái các loại. Năm nay, sức mua một số loại cây giống đã tăng khá mạnh ngay từ những tháng đầu năm, nhất là cây giống sầu riêng, mít và một số loại mãng cầu. Thời điểm này, một số loại cây giống đã có dấu hiệu khan hàng, đặc biệt là cây giống mít ruột đỏ Indonesia. Tuy nhiên, vẫn có những loại cây giống bán còn khá chậm. Tôi hy vọng tới đây sức mua tất cả các loại cây giống đều tăng mạnh và giá ít biến động để dễ bán hàng”. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ Trại cây giống Tùng Thủy ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cũng cho biết: “Năm nay, nhiều nông dân đã không chờ đến mùa mưa mà chủ động đi tìm mua cây giống sầu riêng và mít từ khá sớm có lẽ do muốn chọn mua được cây giống tốt, với mức giá phù hợp vì vào mùa mưa giá có thể cao hơn hiện nay”. Cũng theo chị Thủy, trại cây giống của chị có liên kết với các cơ sở sản xuất cây giống ở tỉnh Bến Tre nên có thể cung cấp nhiều loại cây giống phục vụ nhu cầu thị trường. Gần đây, dù giá một số loại cây giống có tăng nhưng mức tăng không quá nhiều, trong đó giá tăng chủ yếu tập trung vào một số loại cây đang được nhiều người tập trung chọn mua như sầu riêng Mỏn Thon, mít ruột đỏ Indonesia... Còn lại đa phần giá các loại cây giống vẫn bình ổn và có nguồn cung khá dồi dào.

Những năm qua, nhu cầu tiêu thụ cây giống ăn trái không ngừng tăng cao do nông dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là phát triển diện tích vườn cây ăn trái nhằm có điều kiện nâng cao thu nhập. Thời gian qua, lúa bán được giá cao nên nông dân tại nhiều địa phương đã tăng cường sản xuất lúa và có phần hạn chế việc chuyển từ lúa sang trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, sức mua cây giống tại nhiều địa phương vẫn tiếp tục tăng khi nông dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển trồng mới các diện tích vườn cây ăn trái, cũng như chuyển đổi từ những diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng chuyên canh cây ăn trái ngon, đặc sản có giá trị kinh tế cao. Ðồng thời, cũng có nông dân chặt bỏ những diện tích trồng cây ăn trái có giá bán thấp sang trồng những loại cây khác nhằm mong muốn có đầu ra sản phẩm tốt hơn.

Theo ông Trần Ngọc Hải ở ấp Thới Hữu, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, trồng cây vào mùa nắng có bất lợi là phải tốn nhiều công chăm sóc và tưới nước, nhưng do muốn trồng sớm để cây sớm cho trái bán nên vừa qua ông đã mua 350 cây mít Thái để trồng trên diện tích hơn 1ha. Diện tích đất này vốn trước được ông trồng xoài Ðài Loan nhưng vì bán không được giá, ông quyết định chặt bỏ để trồng mít. Cũng theo ông Hải, trồng cây ăn trái vào mùa nắng cũng có thuận lợi trong việc ứng dụng máy móc cơ giới để làm đất, còn việc tưới nước cho cây cũng có nhiều loại máy móc làm thay sức người, giúp nông dân không còn vất vả như xưa.

Hiện nay, người dân ở TP Cần Thơ cũng có nhiều điều kiện thuận lợi khi muốn chọn mua các loại cây giống ăn trái do trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ngày thêm nhiều điểm sản xuất kinh doanh cây giống ăn trái. Cùng với đó, điều kiện giao thông và các phương tiện công nghệ thông tin phát triển, nông dân cũng có thể dễ dàng tìm đến các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở các tỉnh lân cận để mua hàng hoặc đặt hàng mua cây giống từ xa và được chở giao hàng tận nơi.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Xuất khẩu nông sản tăng gần 24%

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Bộ NN&PTNT cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

 

 

Xuất khẩu gạo tăng hơn 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo thống kê nhóm hàng nông sản đạt 10,44 tỷ USD, lâm sản 5,18 tỷ USD, thủy sản 2,68 tỷ USD…

Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng khá như: gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà phê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%...

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường nhập khẩu lớn nhất nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.

Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi...; phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Nhận định chung về tình hình phát triển trong tháng 4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp đã có tăng trưởng rất đáng khích lệ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội.

Về tình trạng khô hạn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết cơ bản các vùng trên cả nước đều đã qua giai đoạn căng thẳng và có mưa, ngoại trừ khu vực Nam Trung bộ. Vụ đông xuân vừa qua không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vụ hè thu sắp tới, cả diện tích gieo trồng và sản lượng sẽ bị ảnh hưởng bởi khô hạn.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị 2 cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp tổ chức các tổ công tác để kiểm tra, giải quyết các nội dung đang cần thiết, ví dụ như công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Với sản xuất trồng trọt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, đang là giai đoạn cao điểm sâu cuốn lá ở Đồng bằng sông Hồng, Cục Bảo vệ thực vật cần đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương có phương án phòng trừ, cần thiết phải phun thuốc lại ở những vùng nhiễm nặng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị liên quan như Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần có phương án truyền thông để giúp người dân hiểu rõ được những lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc áp dụng quy trình canh tác này sẽ giúp người sản xuất giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận đáng kể so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, việc giảm phát thải, bán tín chỉ carbon chỉ là giá trị gia tăng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nghiên cứu xây dựng sổ tay về quy trình canh tác trong đề án này. Trong sổ tay sẽ giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất những câu hỏi của người nông dân như có dễ làm không, có tốn kém không, lợi nhuận có cao không...

Đỗ Hương

 

Hậu Giang: Trồng khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn GAP: Mô hình nông nghiệp bền vững

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên cây khóm Cầu Đúc đã tạo được cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, cũng như giữ vững vị thế cây trồng chủ lực, giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.

 

 

Người dân thường xuyên kiểm tra, chăm sóc cây khóm theo đúng quy trình GAP.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Khóm Cầu Đúc là loại cây được trồng trên vùng đất phèn ở thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) và các vùng lân cận, hơn 100 năm qua đã thành đặc sản nổi tiếng, đem về nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân trên địa bàn. Hiện nay, nhờ được chính quyền các cấp cùng Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang đầu tư thực hiện mô hình VietGAP, GlobalGAP từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến hỗ trợ phân bón đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trồng khóm. Quy trình tuy khó hơn nhiều so với tập quán canh tác truyền thống, nhưng ngược lại năng suất khóm đạt cao hơn, chất lượng trái khóm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Lâm Trường Thọ, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Gia đình tôi tham gia trồng được gần 4ha khóm, trong đó có 2ha hiện đã được cấp chứng nhận GlobalGAP. Trồng theo tiêu chuẩn này tuy cực và khó hơn so với cách trồng trước đây, nhưng bù lại năng suất đạt cao hơn, trung bình đạt khoảng 12 tấn/ha. Nhờ vậy mà lợi nhuận thu về cũng cao hơn bình thường”.

Anh Thọ cũng là thành viên đã tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Thắng, cùng với sự lớn mạnh của HTX giúp anh thấy rõ hiệu quả thiết thực của mô hình hợp tác, nhất là theo mô hình mới. “Sau khi được cán bộ kỹ thuật xuống địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tôi đã mạnh dạn nâng diện tích trồng khóm theo quy trình GlobalGAP lên 2ha, nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận được nâng cao”, anh Thọ cho biết thêm.

Ông Vu Sủi, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Các hộ thành viên rất chú trọng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, đạt chất lượng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, đảm bảo thời gian cách ly, liều lượng sử dụng phân, thuốc nhằm tạo ra trái khóm an toàn, đạt tiêu chuẩn. Qua các lần kiểm tra mẫu của cơ quan chuyên môn, chất lượng khóm của HTX đều đạt chuẩn an toàn cho người sử dụng, trái khóm không bị nứt cùi, tỷ lệ đạt loại I khoảng 90%, năng suất tăng hơn 10% so với cách trồng truyền thống. Riêng gia đình tôi cũng trồng được 5ha khóm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện cây đang phát triển tốt”.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, hiện diện tích trồng khóm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.170ha, tập trung nhiều ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Trong đó, số diện tích đạt theo tiêu chuẩn VietGAP là 60,2ha, còn đạt chuẩn GlobalGAP 49ha.

So với cách trồng truyền thống, trồng theo tiêu chuẩn GAP cho thu hoạch khoảng 16.100 trái/ha. Năng suất tương đương với cách trồng truyền thống nhưng giảm được chi phí đầu tư, điều này đã giúp nông dân tiết kiệm được gần 6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nông dân trong mô hình có được nguồn lợi nhuận hơn 98 triệu đồng/ha, trong khi lợi nhuận thu được ngoài mô hình là khoảng 90 triệu đồng/ha, chênh lệch gần 8 triệu đồng/ha. Việc triển khai mô hình đã giúp nông dân thay đổi dần thói quen canh tác, tạo ra những trái khóm an toàn, chất lượng với giá thành thấp hơn.

Ông Trương Quốc Đoàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phúc Thịnh, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Sau hơn 2 năm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi nhận thấy cách làm này mang lại hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống, cũng như đảm bảo được chất lượng trái khóm Cầu Đúc, tạo nên giá trị và nâng cao danh tiếng trái khóm quê hương trên thị trường. Với diện tích khoảng 50ha trồng theo tiêu chuẩn này, ước năng suất thu được mỗi đợt thu hoạch đạt từ 20-25 tấn/ha, ước lợi nhuận thu về sau khi trừ đi chi phí đầu tư trên 100 triệu đồng/ha”.

Theo hợp tác xã Phúc Thịnh, nhờ khóm đạt yêu cầu về chất lượng nên có rất nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến thu mua. Hiện có một vài hộ thành viên duy trì cung ứng khóm cho một số siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Đánh giá về mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: Cây khóm là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, mô hình trồng khóm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Tuy nhiên, thời gian canh tác khóm liên tục nhiều năm giúp người dân trồng khóm có nhiều kinh nghiệm hơn thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn về sinh vật gây hại phát triển nhiều, giống, đất trồng… Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cùng với các ngành và bà con nông dân trồng khóm tiếp tục đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những tiêu chuẩn phù hợp vào áp dụng để nâng cao giá trị loại cây trồng này, vừa cung cấp cho thị trường những sản phẩm ngon, chất lượng, vừa giúp đảm bảo cuộc sống người sản xuất. Ngành khuyến nông luôn đồng hành cùng người dân trồng khóm tiếp tục thực hiện mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm để tiếp tục giữ vững và phát huy cây khóm Hậu Giang.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân thực hiện trồng khóm theo tiêu chuẩn GAP để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình mình và người tiêu dùng, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững… Bà con mình khi đã trồng đạt chuẩn GAP thì cố gắng tiếp tục duy trì và phát triển, chia sẻ để những nông hộ khác cùng thực hiện, lan tỏa giá trị trong cộng đồng, cũng như nâng cao giá trị của trái khóm để đạt chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh các ngành tiếp tục tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại để tạo đầu ra, đưa nhiều sản phẩm hơn đến với người tiêu dùng, phát triển kết quả của mô hình thì bản thân hộ trồng khóm cần chủ động tiếp tục thực hiện và ghi nhận những ưu điểm, biện pháp tốt, phù hợp để ứng dụng và nhân rộng mô hình này trong tương lai.

Bài, ảnh: MAI THANH

 

Bến Tre: Nhà vườn Tân Phú vững vàng ứng phó với hạn mặn

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Xã Tân Phú (Châu Thành, Bến Tre) có 8 ấp. Mỗi ấp đều thành lập 1 tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp. Hạn mặn năm nay diễn biến gay gắt, kéo dài và sâu. Nhưng nhờ nắm vững các giải pháp kỹ thuật nên đến thời điểm này, hầu hết các vườn sầu riêng ở xã Tân Phú vẫn đủ sức vượt qua mùa hạn mặn.

 

 

Thạc sĩ, kỹ sư Lê Trí Nhân cùng với Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú hỗ trợ kỹ thuật, các giải pháp ứng phó hạn mặn cho nông dân trồng sầu riêng.

Chủ động các giải pháp

Ông Lê Hoàng Phục - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú cho biết: “Ngay khi bắt đầu vào mùa nắng, tôi và thành viên Hội đồng Quản trị HTX đã đến các THT, hướng dẫn thành viên, nông dân các biện pháp ứng phó hạn mặn như: xới gốc, tưới PH, rải phân hữu cơ. Sau đó, dùng cỏ, lá đắp mô lại và đắp từ 2/3 mô trở xuống, để khi tưới nước sẽ giữ ẩm được lâu. 1 lần tưới có thể giữ ẩm từ 15 - 20 ngày, giúp cây chống chọi với hạn mặn rất hiệu quả.

Là Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã Tân Phú, ông Lê Hoàng Phục rất quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái trên địa bàn xã. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc vườn cây, Tổ Khuyến nông cộng đồng còn vận động người dân phối hợp với các trưởng ấp nạo vét kênh và làm lại các cống công cộng để canh khi nước mặn lên thì đóng lại, khi nước giảm mặn thì đưa nước ngọt vào để đủ tưới tiêu cho cây trồng. Đến hiện tại, các vườn cây ăn trái kiểm soát mặn khá tốt. Do công tác phòng chống hạn mặn tốt nên sầu riêng của nhà vườn hầu như ít bị ảnh hưởng như những năm trước.

“Ngay từ giai đoạn này, Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã và thành viên trong HTX đi thăm các THT, vận động nhà vườn xử lý khắc phục sau hạn mặn bằng cách tưới PH, xịt những loại thuốc giải mặn cũng như bón phân hữu cơ nhiều. Hiện đã làm được 3 ấp, tiếp theo sẽ làm hết các ấp còn lại trong xã. Trong mùa hạn mặn, nước có độ mặn từ 0,3 - 0,4‰ là lấy nước vô để tưới thì ít nhiều độ mặn đã ngấm trong đất nên bây giờ hướng dẫn cho nhà vườn kỹ thuật giải mặn, giải độc cho đất và cây trồng…”, ông Phục giải thích. Không chỉ hỗ trợ 253 hộ, với 332ha trong HTX, ông Phục và Tổ Khuyến nông cộng đồng còn hỗ trợ toàn bộ nhà vườn ở xã Tân Phú.

Qua khảo sát, có 1 vườn sầu riêng bị mất sức, rụng lá, suy kiệt, thậm chí có một số cây đã trong tình trạng suy kiệt rất nặng trong khi còn đang mang trái. Trường hợp này, theo ông Lê Hoàng Phục là do người dân để trái, dẫn đến thiếu nước, thiếu dinh dưỡng và nắng nóng nên gây cháy lá, cây suy kiệt. Do đó, ông khuyến cáo nhà vườn, về lâu dài nên xử lý ra hoa nghịch vụ, cho trái nghịch vụ, giúp vườn cây né hạn mặn và né vụ với các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên. Đây cũng là một giải pháp thích ứng hạn mặn, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu đối với người trồng cây ăn trái ở tỉnh.

Cũng theo ông Phục, đến thời điểm này, nhà vườn cần tiếp tục chủ động các giải pháp kỹ thuật và kết hợp lấy nước ngọt vào vườn chứ không chủ quan. Ngoài thông báo của địa phương về tình hình hạn mặn, nhà vườn cần đo độ mặn trước khi lấy nước vào mương vườn. Từ bây giờ, nhà vườn phải tập trung chăm sóc cây sầu riêng. Riêng đối với những vườn cây đang mang trái, tập trung nước nhiều cho cây, bổ sung các loại phân bón hoa lá để giúp đủ sức nuôi trái.

Ứng dụng kỹ thuật vào canh tác

Bà Cao Thị Chiên - Tổ trưởng THT Sầu riêng ấp Hàm Luông phấn khởi: “Ở đây, chính quyền rất quan tâm đến sản xuất. Chiều là UBND xã phát thanh về tình hình hạn mặn cho dân biết, phát từ 2 - 3 lần để khuyến cáo người dân chuẩn bị lấy nước vào mương hoặc không được lấy nước tưới. Hễ còn nước mặn lại thì khuyến cáo người dân chuẩn bị đóng cống, đóng bọng lại”.

Theo bà Cao Thị Chiên, trước hạn mặn đã khuyến cáo người dân nạo vét kênh mương, dùng cỏ tủ gốc cây để hạn chế bốc hơi nước, thất thoát nước, làm lại hệ thống tưới tiêu rồi tỉa tán, cành để những cành không cần thiết không cạnh tranh dinh dưỡng với những cành còn lại… Ngoài ra, chính quyền còn nhắc nhở nhà vườn nếu trữ nước thì không được xả rác thải làm ô nhiễm nguồn nước, để nguồn nước được sử dụng lâu dài.

Theo Thạc sĩ, kỹ sư Lê Trí Nhân - Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh, cho tới thời điểm này, thiệt hại ở xã Tân Phú là rất ít. Tân Phú có 8 ấp, các ấp đều có THT. Các anh em trong Tổ Khuyến nông cộng đồng dự họp hàng tháng cùng với các tổ. Sau đó, phổ biến tình hình hạn mặn, có khuyến cáo đóng, mở cống phù hợp cùng với các mặt kỹ thuật để giúp cho cây vượt qua hạn mặn.

Thạc sĩ, kỹ sư Lê Trí Nhân khuyến cáo, trong trường hợp diễn biến hạn mặn còn phức tạp, không có nước ngọt (độ mặn dưới 0,4‰) kéo dài quá lâu thì nhà vườn cứ đưa nước vào để ém phèn, giữ độ ẩm chân liếp nhưng không được tưới lên gốc và lá. Chúng ta cũng không quá cực đoan với mặn, mà cần kiểm tra lại tầng canh tác. Đợi khi có nước độ mặn thấp, hoặc nước ngọt thì đưa nước vào, rửa mặn ra bằng cách thay nước ra - vào từ 2 - 3 lần.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

 

Mùa vải ‘đắng’

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Niên vụ 2023 - 2024, hàng trăm diện tích vải giai đoạn kinh doanh ở huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) không ra hoa, đậu quả khiến nông dân trồng vải xót xa…

Là hộ có diện tích trồng vải lớn nhất nhì của xã Cư Prao, bà Vũ Thị Mùi cho biết, gần chục năm trồng vải chưa khi nào gia đình bà mất mùa như năm nay.

Mùa vải năm 2023, với 400 gốc vải, gia đình bà Mùi thu hoạch hơn 8 tấn quả, với giá bán tại vườn bình quân từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà lãi trên 150 triệu đồng.

Năm 2024, gia đình bà Mùi kỳ vọng một mùa vải “ngọt”, bởi có thêm 200 gốc vải cho thu hoạch bói. Tuy nhiên, hiện tại đã bước vào mùa thu hoạch vải nhưng trong số hơn 600 gốc đang thời kỳ kinh doanh của gia đình bà Mùi, số cây đậu quả chỉ tính trên đầu ngón tay. Đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Mùi đã ngừng chăm sóc để chờ vụ mới.

 

 

Vườn vải của một hộ dân tại thị trấn huyện M'Drắk năm nay mất mùa.

Tương tự, nhìn vườn vải u hồng hơn 300 gốc chỉ toàn là chồi và lộc, bà Đàm Thị Choòng (xã Ea Pil) không khỏi ngậm ngùi. Nếu như những năm trước, bình quân vườn vải của gia đình bà Choòng cho thu gần 100 triệu đồng lãi ròng/năm, thì vụ này xem như mất trắng khi cây không ra hoa, lỗ công chăm sóc và hơn 30 triệu đồng tiền đầu tư phân bón. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, gia đình bà Choòng tập trung chăm sóc vài sào hoa màu và làm thêm công nhật hy vọng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Không chỉ riêng gia đình bà Mùi, bà Choòng, phần lớn diện tích vải trên địa bàn huyện M’Drắk năm nay đều không ra hoa, nếu có thì tỷ lệ phân mầm, đậu quả rất thấp.

Theo kinh nghiệm của các hộ dân trồng vải lâu năm trên địa bàn huyện M’Drắk, nguyên nhân khiến vải mất mùa chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi với sinh trưởng của cây vải.

Thời gian phân hóa mầm hoa của cây vải phụ thuộc vào giống, vùng trồng, vùng khí hậu, kỹ thuật thâm canh; quá trình phân hóa mầm hoa tuy phức tạp nhưng đều có một số quy luật chung, cây vải nghỉ sinh trưởng vào tháng 12 và phân hóa mầm hoa tập trung khoảng một tháng.

Vì vậy cây vải đòi hỏi nhiệt độ tháng 12 đến tháng 1 dưới 13°C để phân hóa mầm hoa; nhiệt độ thích hợp cho vải ra hoa, thụ phấn là 18 - 24°C. Trong khi đó, thời tiết gần đây biến động thất thường. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phân hóa mầm hoa và tỷ lệ đậu quả.

Bên cạnh đó, theo quy luật, sau khi được mùa 3 - 4 năm, sức khỏe cây trồng thường kém đi, "một năm ăn quả, một năm trả cành", mà vải trên địa bàn huyện M’Drắk đã liên tiếp được mùa từ năm 2020 đến nay.

Hiện nay, huyện M’Drắk có 162,7 ha vải; tập trung ở các xã Ea Pil 115,7 ha, Cư Prao 35 ha, Cư Króa 12 ha. Theo đánh giá, cây vải ở huyện M’Drắk phù hợp với thổ nhưỡng, thường ra trái vụ so với các tỉnh phía Bắc, chất lượng và sản lượng tương đối cao nên rất được ưa chuộng.

Mỹ Sự

 

Nông dân trồng rau màu vượt khó mùa nắng nóng

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thời tiết nắng nóng hiện nay được xem là mùa nghịch bởi nền nhiệt trong ngày khá cao khiến rau màu chậm phát triển. Để rau màu phát triển tốt đòi hỏi người trồng phải bỏ nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất cao hơn.

 

 

Nông dân xã Mỹ Phước (huyện Hòn Đất) tưới nước cho dưa hấu bằng giàn phun tự động.

Tại các vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), người dân tích cực phun tưới cây mới gieo trồng, tăng cường cung cấp nước để tạo độ ẩm, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của các loại rau màu.

Ông Danh Em, ngụ ấp Vĩnh Hòa 2, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, cho biết: "Hiện nước dưới kênh mương cạn khô nên phải chuyển qua xài nước giếng khoan và nước máy. Trồng rau mùa này cực lắm, thời tiết nắng nóng nên phải thường xuyên tưới nước. Trước đây, mỗi ngày tôi đều thu hoạch 20kg hẹ, rau thơm các loại, giờ giảm chỉ còn 5kg. Bù lại rau bán được giá cao gấp đôi, bình quân 20.000 đồng/kg nên thu nhập cũng ổn định".

Hiện các loại rau màu được nông dân trong tỉnh Kiên Giang chọn trồng trong mùa nắng nóng phổ biến là dưa leo, dưa hấu, bí đao, bầu, mướp, cải xanh, rau muống... Hầu hết giá các loại rau màu đều tăng gấp đôi so tháng 1-2024. Riêng mặt hàng dưa leo đang ở mức cao, giá bán tại ruộng từ 18.000-20.000 đồng/kg nhưng sản lượng rất ít do xuất hiện bệnh rầy phấn trắng. Ông Nguyễn Văn Cường, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, nói: "Từ sau Tết, dưa leo bị rầy phấn trắng tấn công khiến chết dây khi chỉ mới lên chừng 2 tấc. Đây là bệnh mới xuất hiện, chưa có thuốc đặc trị nên hầu hết nông dân trồng dưa leo ở đây đều thua lỗ".

Vào những ngày này, khi đi qua cánh đồng dưa hấu của ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước (huyện Hòn Đất), nhiều người không khỏi bất ngờ với cách tưới dưa hấu của ông Ngô Văn Đặng. Trên ruộng dưa là 3 chiếc máy tưới tự động đang di chuyển dọc theo các rãnh nước nhỏ được xẻ dọc theo các luống dưa hấu. "Với 3 máy tưới tự động này sẽ tưới xong 20 công dưa hấu chỉ trong 90 phút. Tưới máy nước đều khắp mặt ruộng, rút ngắn thời gian tưới và giảm được hơn chục công lao động", ông Đặng nói. Ông Đặng là một trong những nông dân trồng dưa hấu lâu năm ở xã Mỹ Phước. Trước đây, ông trồng dưa hấu chỉ vài công nhưng vợ chồng ông phải xách thùng tưới từ hai, ba giờ sáng mới kịp. Trải qua rất nhiều giai đoạn trồng dưa và thay đổi dụng cụ tưới, từ xách từng thùng tưới thủ công, ông Đặng chuyền qua dùng moteur tưới nhưng tốn nhiều lao động. So với hiện nay, với giàn phun tự động, chỉ một mình ông Đặng theo dõi từ xa và giúp máy chuyển hướng tưới. Ông Đặng nói: "Tôi thấy trên mạng internet có người làm giàn tưới tự động này nên mày mò làm thử. Ban đầu cũng thất bại, làm rút kinh nghiệm dần và hoàn chỉnh. Mỗi dàn tưới gồm 1 đầu máy cắt cỏ cải tiến lại, hai ống nhựa có khoan lỗ, xuồng nhỏ để đặt máy, chi phí mỗi giàn tưới chỉ 2 triệu đồng. Nếu làm thì chỉ mất 1 ngày là hoàn thành 1 giàn tưới".

Theo ông Đặng, cách để khoan lỗ trong ống nhựa cũng rất quan trọng, làm sao cho phun nước đều và đặc biệt nhờ lực đẩy của nước mà đầu ống bên kia tự cân bằng lên xuống theo cách tùy chỉnh ga máy của mình phù hợp. Từ chỗ làm cho nhà sử dụng, đến nay gia đình ông làm bán cho bà con chung quanh xài. Nhờ những sáng chế nhỏ mà nông dân nơi đây không lo chuyện tưới khoai, tưới dưa hấu mùa nắng hạn như trước kia nữa.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước Đồng Thị Thu, cho biết: "Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa". Trước tình hình nắng hạn như hiện nay, Hội Nông dân xã khuyến khích người dân chọn đối tượng cây trồng phù hợp đó là dưa hấu. Hiện toàn xã có hơn 40ha dưa hấu, tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái 20ha. Nhờ chủ động được phương tiện tưới nước, chăm sóc đúng kỹ thuật... giúp dưa phát triển tốt. Hy vọng hơn 20 ngày nữa khi dưa của bà con thu hoạch sẽ bán được giá cao".

Bài, ảnh: ĐẶNG LINH

 

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

 

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

 

 

Phút nghỉ ngơi uống nước của kíp lái máy gặt đập ở Hương Phong

"Cực mấy cũng được, miễn ấm no"

Xứ đồng Thanh Phước, xã Hương Phong (TP. Huế) những đêm này xóm làng rộn ràng khác thường, ấy là bởi đang vào mùa thu hoạch lúa. Tiếng máy cắt và ánh đèn chiếu từ cánh đồng khiến không gian ven hạ nguồn sông Hương sáng bừng lên. Thu hoạch lúa đêm đã trở thành một nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây. Đặc thù khung thời vụ và giống lúa Rio 2 khiến người dân thu hoạch nhanh gọn vụ Đông Xuân, giảm áp lực cho vụ Hè Thu.

Ăn uống sớm, xách theo nước nôi cùng “đội phụ giúp” trong gia đình, ông Châu Quyền xách xe máy phóng ra đồng chờ máy gặt đập tập trung thu hoạch lúa. Tối này, ông áng chừ phải cắt 3 trong tổng số 12 sào lúa nhà trồng để phơi cho kịp nắng. “Làm buổi đêm gió mát và tiện, lại ít trùng lịch cắt nhà người khác. Năm ni lúa chắc hạt, năng suất tầm 3,5 tạ/sào. Thấy giá bán ra cao nên bà con ai cũng mừng khấp khởi”, ông Quyền chia sẻ.

Tất bật, vất vả không kém là tổ máy gặt, người soi đèn rẽ lúa cho máy cắt thấy đường chạy, người làm nhiệm vụ vận hành, người lo bảo dưỡng. Tổ trưởng tổ máy cắt Phan Hữu Nghiệp vừa làm vừa xem điện thoại liên lạc, điều động máy cắt và lên lịch cho các chủ đồng khác. Hai chiếc máy cắt của HTX với kíp 6 người hoạt động liên tục. Trên tay mỗi người đều xách vài chai nước mát bởi việc bổ sung lượng nước thời điểm này rất quan trọng và giúp họ tỉnh táo làm việc. “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh em làm tăng kíp tăng ca nhằm kịp tiến độ thu hoạch lúa cho bà con. Có khi 22-24h đêm chúng tôi mới kết thúc việc. Mỗi ngày năng suất đội gặt khoảng 10 mẫu nhưng năm nay địa hình lúa chín không đều, vì vậy công di chuyển mất nhiều hơn thường lệ”, anh Nghiệp nói.

HXT Thanh Phước năm nay gieo trồng 84,4 ha lúa, hiện đã tiến hành cắt lúa hơn một nửa diện tích. Những ngày tiếp theo bà con sẽ thu hoạch diện tích lúa JO2 và những trà lúa chín muộn nhằm đảm bảo năng suất và tránh tình trạng thời tiết diễn biến cực đoan bất ngờ.

Trong khi đó, trên cánh đồng HTX Đông Phú, Quảng An, Quảng Điền tối 1/5, hàng dãy dài bao lúa sau gặt của hàng chục hộ dân được tấp vào ven đường. Bà Nguyễn Thị Chớ, 64 tuổi cùng con rể ra gom lúa chở về. Năm nay bà trồng 2,4 sào giống 4B, năng suất 3,5 tạ/sào (năng suất cao hơn năm ngoái 50kg/sào). Với giá mỗi kg lúa 4B tầm 9.500 đồng, tính ra mỗi sào bà lời tầm 1 triệu đồng. “Tiền công cắt mỗi sào 105 ngàn đồng, trừ phân tro, giá lúa cao người nông dân có lãi là mừng hung rồi. Tui làm từ chiều tới tối chưa ăn hột cơm mô. Bụng vui mà quên cả đói. Cực mấy cũng được miễn ấm no”, bà cười hân hoan.

Canh lúa, chờ nắng

20h đêm, trên tuyến đường Thủy Dương - Thuận An, gia đình ông Hoàng Ngọc, 58 tuổi ở Phú Mỹ (Phú Vang) huy động gần chục người ra ruộng phụ gom lúa, bốc lúa chở về. Hơn nửa đời người làm nông, với ông, đây là khoảng thời gian nhìn ngắm thành quả sau những ngày “một nắng hai sương”. Năm ni thời tiết khắc nghiệt song nhà nông vận dụng tất cả kinh nghiệm ruộng đồng để chăm sóc lúa. Thấu hiểu cảnh chân đất bám ruộng, các con ông cứ tới độ này đều ra đồng phụ cha. Phấn khởi vì được mùa được giá nên ai cũng hồ hởi trong lòng. Bữa ăn đêm mùa thu hoạch cũng “sang trọng” hơn vì có thịt, có bia chai.

Nhà ông Ngọc trồng 4 mẫu gồm 1 mẫu giống JO2, 1,5 mẫu Khang Dân, còn lại trồng giống Hà Phát. Chờ con bốc lúa lên xe, ông Ngọc nhẩm tính, lúa đang được giá song năng suất vùng này không bằng năm ngoái. Năm ngoái 1 sào đạt 3,5 tạ, còn năm nay khoảng 2,8-3 tạ. Bù lại giá lúa bán ra được hơn nên nông dân đều phấn khởi. Hôm qua, ông đã bán được một ít lúa Khang Dân ngay khi thu hoạch xong tầm 27-28 triệu đồng. Áng chừng lúa còn lên giá nên số lúa còn lại ông quyết mang về nhà, chưa bán vội.

Dựng chiếc xe bốc lúa sà xuống bên đường ruộng ngồi uống ly nước cùng ông Ngọc, anh Phan Thành 38 tuổi, người cùng xã cũng vui không kém vì năm nay được giá được mùa. Cha anh trước làm chủ nhiệm HTX, gia đình anh gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ. Vợ chồng anh làm 2 mẫu ruộng từ cha để lại trồng giống JO 2, Khang Dân. Tham khảo thị trường, anh cũng chỉ mới bán ra một ít lúa Khang Dân, còn lại găm lúa đợi giá tăng mới bán. Anh cho hay, mọi người ở đây cũng tính kiểu vậy nên hầu hết mới bán thăm dò là chính.

Say sưa với chuyện đồng áng, ông Ngọc kể mình phải ngủ lại bên ruộng trông lúa Rio 2 vì mới phơi được một ngày đêm, còn phải giữ lúa để sáng mai rải ra phơi sớm. Trời nắng gắt thế này, nhờ bóng cây nhạc ngựa trên vỉa hè, ông cứ trú chân xoay quanh bóng đổ rồi di chuyển qua bên kia đường khi chiều tà, tranh thủ đảo lúa cho khô khén. Da mặt ông sạm đen vì nắng gắt những ngày này song ông bảo, nghề ni thì bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên tránh nắng chi được. Hôm mô nhiệt độ lên cao thì trưa vô nhà nghỉ xí, còn lại đêm xuống thì “lúa một bên, người một bên”. Tình trạng chạy xe máy trộm lúa cũng khiến người dân đau đầu nên việc canh giữ mồ hôi nước mắt là điều hiển nhiên. Đó là lý do đi dọc tuyến đường này hướng về biển Thuận An không khó để gặp một số gia đình nông dân ngồi bên đường ăn tối, canh lúa.

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 28.000 ha. Hiện, giá lúa trên thị trường được thu mua tùy chất lượng: Khang Dân 8.700-8.900 đồng/kg, Hà Phát 8.700-8.900 đồng/kg, JO2 là 9.700-10.000 đồng/kg, Nàng Hương: 9.200 – 9.500 đồng/kg... Tại một số khu vực, chủ vựa lúa đi thu mua từ sáng sớm hoặc tranh thủ chiều tối tiếp cận các khu phơi lúa tập trung ra giá cân và gom lên xe chở về. Chủ vựa lúa Ân Hùng ở Hương Phong cho hay gia đình ông xuất xe thu mua tại địa bàn và xã Quảng Thành (Quảng Điền), hiện trong nhà đã mua khoảng 20-30 tấn lúa Khang Dân. Năm nay, giá lúa cao cộng với được mùa nên cả người bán lẫn người mua đều hào hứng, vui vẻ.

Bài, ảnh: GIANG-THẮNG

 

Nông dân phất lên nhờ trồng hành tím thương phẩm

 

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Hành tím là một trong những cây trồng chủ lực, đem về nguồn thu nhập chính cho người trồng hành ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Tính riêng vụ hành tím thương phẩm trồng phục vụ thị trường trong dịp tết Nguyên đán năm 2024 đến nay, nhiều hộ dân có lợi nhuận rất tốt, bởi hành trúng mùa, được giá nên hộ dân rất phấn khởi.

Diện tích trồng hành tím của thị xã Vĩnh Châu hằng năm hơn 7.000ha, với khung lịch mùa vụ bắt đầu vụ hành từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Cụ thể, hành sớm sẽ trồng từ tháng 11/2023 và thu hoạch vào tháng 1, 2 năm 2024 (vụ hành này thường được hộ dân trồng để bán trong dịp tết Nguyên đán) và hành mùa trồng vào tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, thu hoạch vào tháng 2 đến tháng 4/2024. Hành tím trồng tập trung tại các xã: Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Hiệp, Phường 1, Phường 2 và phường Vĩnh Phước.

Trong mùa vụ hành sớm năm 2024, nông dân thị xã Vĩnh Châu rất phấn khởi, vì mùa vụ trồng hành thuận lợi, đạt năng suất cao, thị trường tiêu thụ ổn định đem lại nguồn thu nhập cao cho hộ. Bà Sơn Thị Tonh, ấp Wáth Pích, phường Vĩnh Phước cho biết: "Tôi đã thu hoạch dứt điểm vụ hành sớm trong tháng 3 vừa qua (hành thương phẩm). So với cùng kỳ năm trước thì hành năm nay có năng suất cao hơn khoảng 100kg/1.000m2. Mặc dù giá bán có thấp hơn nhưng bù lại năng suất hành tăng nên vẫn đảm bảo lợi nhuận tốt ".

Bà Tonh trồng hành theo hướng hữu cơ trên bờ bao nuôi tôm, vì vậy sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với 3.000m2 trồng hành tím, sản lượng đạt gần 6 tấn, giá bán hành được thương lái thu mua tại ruộng 23.000 đồng/kg, trừ chi phí bà Tonh thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng/vụ.

 

 

Ông Thạch Soal, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thu hoạch hành tím. Ảnh: THÚY LIỄU

“Vụ hành sớm vừa mới thu hoạch trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, tôi thu về sản lượng hơn 6 tấn/3.000m2, giá bán 20.000 - 23.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận gần 60 triệu đồng. Để giảm chi phí sản xuất hành, trong nhiều mùa vụ qua, thực hiện theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tôi đã canh tác hành theo hướng hữu cơ, nhờ vậy hành phát triển tốt, củ to, chắc, vỏ mượt, màu sắc sáng đẹp, sản lượng cao hơn so với trồng hành truyền thống từ 25 - 30%. Hiện tại, tôi đang tiếp tục xuống giống vụ hành mùa vừa để bán hành giống và bán hành thương phẩm”, ông Thạch Soal, xã Vĩnh Hải chia sẻ.

Là một trong những hợp tác xã trồng và hỗ trợ tiêu thụ hành tím cho nông dân trong và ngoài hợp tác xã, ông Thạch Dil - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Samaki, xã Vĩnh Hải cho biết: “Trong vụ hành sớm, hợp tác xã đã xuống giống hành thương phẩm 16ha, năng suất hành 20 tấn/ha, sản lượng 320 tấn. So cùng kỳ năm trước, vụ hành này năng suất cao nên thành viên hợp tác xã đều có lợi nhuận từ 40 - 50%. Bên cạnh trồng hành thương phẩm, hợp tác xã còn trồng hành giống để cung cấp giống chất lượng cho thành viên trong hợp tác xã và hộ dân bên ngoài. Cùng với đó, để hỗ trợ thành viên tiêu thụ hành, hợp tác xã đã liên kết với một số công ty, doanh nghiệp tiêu thụ nên thành viên yên tâm canh tác hành; đồng thời, hợp tác xã còn tranh thủ từ ngành chuyên môn hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng hành cho thành viên, đặc biệt là vận động thành viên trồng hành theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho các thị trường cao cấp và phục vụ xuất khẩu”.

Để tạo đầu ra ổn định cho hành tím, thị xã Vĩnh Châu đã cơ cấu mùa vụ trồng hành phù hợp theo cách phân bố diện tích trồng hành thương phẩm theo từng vùng đất, từng địa phương trên địa bàn thị xã để đảm bảo lượng hành cung ứng trên thị trường vừa phải, không ồ ạt. Tính riêng vụ hành sớm năm 2024, thị xã đã xuống giống trên diện tích 5.400ha, ước sản lượng hơn 105.000 tấn, giá bán 18.000 - 23.000 đồng/kg, người trồng hành có lợi nhuận 9.000 - 12.000 đồng/kg.

Theo ông Mã Chí Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, Vĩnh Châu được biết đến như “thủ phủ” hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Do đó, để giữ vững diện tích trồng hành và nâng giá trị sản phẩm, đơn vị đã phối hợp ngành chuyên môn của tỉnh triển khai các mô hình trồng hành theo quy trình VietGAP và trồng hành theo hướng hữu cơ, đến nay diện tích trồng hành theo các quy trình trên chiếm hơn 30%. Đối với đầu ra của hành tím, đơn vị liên kết với một số công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ hành cho nông dân. Cùng với đó, đơn vị cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp thu mua hành thực hiện nâng cao chuỗi giá trị hành bằng cách chế biến hành phi, hành sấy khô… Tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục quy hoạch các vùng trồng hành tập trung theo hướng hữu cơ để kêu gọi doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ.

THÚY LIỄU

 

Lúa đông xuân được mùa, được giá

 

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

 

 

Giống lúa mới, chất lượng cao

Nông dân Lê Văn Thành ở xã Quảng An (Quảng Điền) rất vui trước vụ mùa không chỉ đạt năng suất cao mà sản phẩm còn bán được giá. Ông Thành bảo, thời tiết vụ này thuận lợi ngay từ khi xuống giống, giúp lúa phát triển, sinh trưởng tốt. Sâu bệnh thì hầu như vụ nào cũng xảy ra, riêng vụ này sâu bệnh không gây hại nặng so với nhiều năm trước.

Một yếu tố làm nên năng suất và chất lượng lúa vụ đông xuân khá tốt, đó là nông dân đưa các loại giống lúa chất lượng theo quy định của địa phương vào gieo cấy trên diện rộng. Nhiều hộ bắt đầu có ý thức tham gia mô hình cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm đất, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa. Người dân thu hoạch lúa đại trà, nhanh gọn tạo điều kiện cho việc gieo cấy vụ hè thu kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng mưa lũ xảy ra cuối vụ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Phú, ông Lê Văn Thứ thông tin, năng suất vụ đông xuân này tại HTX khá cao, bình quân trên 70 tạ/ha. Sản phẩm lúa còn bán được giá, như lúa Khang dân dao động từ 8.500 - 8.700 đồng/kg. Riêng các giống chất lượng như HT1, J02… có giá 9.000 - 9.500 đồng/kg.

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh có năng suất lúa khá cao trên 70 tạ/ha, điển hình như An Xuân, Phú Thanh, Kim Thành, Đông Phú, Đông Vinh (Quảng Điền), Đại Thành, Châu Thành, Nam Sơn, Bắc Sơn (Phú Lộc), Phú Lương, Phú Mỹ (Phú Vang) và Thủy Dương, Thủy Phương (TX. Hương Thủy)…

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đánh giá, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, thêm một yếu tố làm nên năng suất, thu hoạch kịp thời vụ là nhờ nông dân tuân thủ việc đưa các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày và chất lượng vào gieo cấy trong vụ đông xuân. Thống kê cho thấy, nhóm giống dài và trung ngày như 4B, X21, Xi23… đưa vào gieo cấy trong vụ đông xuân chỉ chiếm 5%, còn lại phần lớn giống ngắn ngày và cực ngắn chiếm 95%.

Các giống lúa thuộc nhóm chất lượng cao như HT1, HN6, J02, HT6, HG12... được đưa vào gieo cấy với diện tích khoảng 14 ngàn ha, chiếm khoảng 50% diện tích toàn vụ đông xuân. Tỷ lệ giống xác nhận đưa vào gieo cấy đạt khoảng 94%. Các giống lúa này đã tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế, không chỉ dễ bán mà giá còn cao hơn các sản phẩm của giống lúa thông thường.

Vụ đông xuân này, nông dân tiếp tục sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn với diện tích hơn 5.700ha. Đây là điều kiện thuận lợi cho nông dân trong quá trình làm đất, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Trong số diện tích cánh đồng lớn có khoảng một nửa được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, các công ty tham gia liên kết như Công ty Quế Lâm (116ha); Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh (1.300ha), Tập đoàn Thái Bình Seed và Công ty Nông nghiệp Huế (117ha), Công ty Giống cây trồng Quảng Nam (353ha), Công ty Thúy Đạt (20ha). Ngoài ra, tại các HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với diện tích khoảng 500ha, như các HTX: Phú Hồ, An Lỗ, Vinh Hà…

Theo ông Hồ Đính, một trong những yếu tố được xem là thành tựu đáng quan tâm trong vụ đông xuân này là việc cơ giới hóa khâu thu gom rơm, hạn chế tối đa nạn đốt rơm rạ trên đồng sau thu hoạch. Theo đó, số máy cuộn rơm trong vụ này khoảng 111 máy, tăng 3 máy so với năm trước, ngoài ra có 30 máy cuộn rơm của ngoại tỉnh tham gia cuộn rơm tại các địa phương.

Đến nay, diện tích được cơ giới trong khâu cuốn rơm khoảng 10.400ha (chiếm tỷ lệ 50,7% so với diện tích đã thu hoạch, tăng 4.100ha so với vụ đông xuân trước. Một số đơn vị điển hình trong tổ chức cuộn rơm bằng máy cơ giới và hạn chế đốt rơm rạ như huyện Phú Vang có diện tích cuộn rơm chiếm 70% trên diện tích thu hoạch; các huyện Phú Lộc, Phong Điền, TP. Huế có diện tích cuộn rơm bằng máy chiếm tỷ lệ 40 - 60% trong tổng diện tích thu hoạch.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

 

Nắng nóng, dịch hại gia tăng trên lúa Hè thu

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Với điều kiện nắng nóng gay gắt như hiện nay đã làm cho mực nước tại nhiều kênh, rạch nội đồng trong tỉnh Hậu Giang xuống thấp, từ đó không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc lấy nguồn nước tại nhiều cánh đồng lúa Hè thu đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng, mà nắng nóng còn làm gia tăng tình hình sinh vật hại tấn công đến cây lúa Hè thu.

 

 

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần tăng cường thăm đồng để phát hiện và phòng trị các đối tượng dịch hại trên lúa Hè thu được kịp thời.

Theo đó, qua kết quả thăm đồng mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh ghi nhận có 2.433ha lúa Hè thu bị nhiễm sinh vật gây hại, tăng 802ha so với thời điểm cách nay khoảng 7 ngày. Trong đó, đáng quan ngại nhất là bệnh đạo ôn lá nhiễm 717ha (tăng 346ha so với tuần trước), tỷ lệ nhiễm từ 3-10%. Bên cạnh đó là sâu cuốn lá nhiễm 403ha (tăng 206ha so với tuần trước), mật số từ 10-30 con/m2; sâu đục thân nhiễm 128ha (tăng 107ha so với tuần trước), tỷ lệ nhiễm từ 3-10%; chuột cắn phá gây hại 647ha (tăng 67ha so với tuần trước), tỷ lệ nhiễm 3-10%… Các đối tượng dịch hại trên chủ yếu xuất hiện ở các giai đoạn lúa từ mạ, đẻ nhánh đến làm đòng và phân bố rải rác ở các địa phương có xuống giống lúa Hè thu trong tỉnh.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện một số giải pháp trong canh tác để hạn chế dịch hại lây lan sang diện rộng. Cụ thể đối với chuột, bà con nên tổ chức diệt bằng nhiều biện pháp như: đào hang, xông khói, dùng các loại bẫy, biện pháp sinh học,… trong đó lưu ý là khi tổ chức diệt chuột phải đồng loạt trên diện rộng và tập trung mới mang lại hiệu quả cao. Đối với sâu cuốn lá và sâu đục thân, nông dân hạn chế phun thuốc trong vòng 40 ngày đầu sau sạ nhằm bảo tồn thiên địch. Đối với bệnh đạo ôn lá, bà con bón phân cân đối N-P-K, đồng thời tổ chức thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện bệnh xuất hiện thì ngưng bón phân (đặc biệt là phân đạm), giữ nước trong ruộng để tiến hành phun một số loại thuốc có hoạt chất đặc trị bệnh đạo ôn, trong quá trình phun thuốc không phối trộn phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng.

Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay và dự báo còn kéo dài trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần điều tiết và sử dụng nguồn nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm nhằm đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa Hè thu.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

 

Giá cà phê tăng: Chuỗi cung ứng gặp nhiều áp lực

 

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Giá cà phê ngày 2/5 tại các tỉnh Tây Nguyên đạt mức cao kỷ lục, trên 131.000 đồng/kg. Đây là niềm vui cho người trồng cà phê nhưng lại là áp lực cho các nhà rang xay, hàng quán kinh doanh thức uống cà phê.

Nhà rang xay thiếu tiền và thiếu hàng

Việc giá nguyên liệu tăng nhanh và quá cao khiến áp lực đang đè nặng lên các doanh nghiệp (DN), đơn vị rang xay. Bởi, nếu không tăng giá thì càng sản xuất càng lỗ, nhưng nếu tăng giá quá cao sẽ mất khách hàng, giảm sản lượng bán ra.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, nhiều DN đã tăng giá 3 - 4 lần nhưng vẫn không theo kịp với sự tăng giá nguyên liệu đầu vào. Đó chưa kể việc khan hiếm nguồn cung khiến việc đáp ứng các đơn hàng đúng thời hạn cũng gặp khó.

Bà Huỳnh Thị Hoài, chủ cơ sở rang xay cà phê Ngọc Trâm (xã Dang Kang, huyện Krông Bông) cho biết, cơ sở của bà cung ứng sản phẩm (hạt rang và cà phê bột) cho thị trường với khối lượng khoảng 500 kg/tháng.

Hiện nay, để mua được cà phê hạt về rang xay, mức giá thực tế mà cơ sở phải trả thường cao hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg.

Trong một năm qua, giá cà phê đã tăng gấp ba lần nên không có đủ nguồn lực để xoay vòng vốn và mua hàng dự trữ, khiến việc sản xuất của cơ sở phải hoạt động theo kiểu cầm chừng. Bên cạnh đó, việc giá đầu vào tăng cao buộc nhà sản xuất phải tăng giá thành sản phẩm chế biến.

Tuy nhiên, mức tăng cũng phải được tính toán phù hợp để giữ chân khách hàng nên cơ sở chấp nhận hạ thấp lợi nhuận để duy trì sản xuất.

 

 

Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra chất lượng cà phê rang xay trước khi đóng gói. Ảnh: Tuyết Mai

“Giá cà phê nguyên liệu đã tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, nhưng cơ sở cũng chỉ bán sản phẩm với giá 200.000 đồng/kg. Với mức giá này, cơ sở không có lãi mà còn bị lỗ. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng đơn đặt hàng cũng đã giảm đi một nửa so với trước, bởi khách hàng cắt giảm chi tiêu vào cà phê do giá cao”, bà Hoài than thở.

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,9 tỷ USD (tăng 4,9% về lượng và giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá xuất khẩu tăng cao). Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta nhiều nhất, với 515.164 tấn, kim ngạch gần 1,6 tỷ USD.

Việc giá cà phê tăng quá cao cũng đã khiến các DN, đơn vị rang xay gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất cũng như dự trữ nguồn hàng.

Ông Lê Văn Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mỗi tháng, công ty cần khoảng 10 tấn cà phê nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn nguyên liệu của công ty chủ yếu được thu mua trực tiếp từ người dân và liên kết với các hợp tác xã.

Hiện nay, dù giá cà phê tăng cao nhưng đơn vị lại gặp khó trong việc mua hàng, bởi phần lớn người dân đã bán cà phê quả tươi ngay từ đầu vụ nên số lượng cà phê nhân trong dân không còn nhiều, trong khi đó các hợp tác xã thì đang trữ hàng lại, chưa vội bán ra.

Cùng với việc nguồn hàng khan hiếm thì giá tăng cao liên tục cũng khiến công ty khó khăn về nguồn vốn.

“Nếu như vào tháng 2/2024, chỉ cần khoảng 90 triệu đồng là đã mua được một tấn nguyên liệu thì nay phải cần đến hơn 130 triệu đồng. Với khối lượng mua hàng trăm tấn thì số vốn sẽ đội lên rất nhiều. Do đó, trong giai đoạn này, dựa trên năng lực tài chính mà công ty sẽ có kế hoạch thu mua phù hợp với nhu cầu sản xuất chứ không dám "ôm" hàng để tránh rủi ro”, ông Bằng cho hay.

Quán cà phê dè dặt… tăng giá bán

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng đã khiến các chủ quán cà phê lo lắng về giá bán lẻ trong bối cảnh sức tiêu dùng còn chậm. Theo tìm hiểu, giá bán của một ly cà phê cũng đã được một số hàng quán điều chỉnh, nhưng không đáng kể nhằm giữ chân khách hàng.

Anh Đinh Hữu Đạt, chủ quán cà phê Ý Tưởng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, từ đầu năm đến nay, quán liên tục nhận được thông báo điều chỉnh giá cà phê nguyên liệu từ đơn vị cung cấp, với mức tăng giá mỗi lần dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Hiện nay, mức giá cà phê nguyên liệu mà quán lấy vào đã tăng lên 200.000 đồng/kg (tăng 60.000 đồng/kg so với đầu năm).

Theo đà tăng của giá nguyên liệu thì giá bán cũng phải tăng, nhưng thực tế việc tăng giá trên mỗi ly cà phê là không hề dễ. “Từ tháng 2/2024, quán đã tiến hành điều chỉnh tăng giá bán thêm 2.000 đồng/ly cà phê. Đến nay quán chưa dám điều chỉnh tiếp mặc dù giá nguyên liệu tăng theo từng ngày. Với giá bán này, quán gần như không có lãi, nhưng đành chấp nhận, thà giảm lợi nhuận còn hơn mất khách”, anh Đạt chia sẻ.

Cũng trong tình cảnh này, quán cà phê Rainy – một quán khá lớn ở TP. Buôn Ma Thuột cũng chỉ dám tăng thêm 2.000 đồng/ly cà phê, bởi tăng cao sẽ mất khách hàng. Bà Phùng Thị Bảo Ngọc, chủ quán cà phê Rainy cho biết, với giá nguyên liệu như hiện tại, giá bán mỗi ly cà phê phải ở mức 25.000 đồng thì các quán mới có lãi. Tuy nhiên, do áp lực cạnh tranh nên không quán nào dám tăng giá ly cà phê theo đúng giá thị trường. Để bảo đảm thu nhập, hiện quán cà phê Rainy phải cắt giảm 50% nhân viên so với trước đây. Đồng thời, huy động lực lượng trong gia đình tham gia phục vụ quán theo kiểu "lấy công làm lãi".

Nhiều quán bán cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản kinh doanh theo mô hình chuỗi “Từ trang trại đến ly cà phê” cũng không dám tăng giá bán ở phân khúc này (vì không thể bán với giá cao hơn nữa) để giữ chân khách hàng, duy trì hoạt động của quán. Tuy nhiên, với sự leo thang về giá và khan hiếm nguồn cung vẫn còn tiếp diễn thì đây sẽ là một thách thức lớn cho việc mở rộng thị trường ở phân khúc cà phê đặc sản.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, giá cà phê trong nước đang cao hơn so với giá thị trường quốc tế. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các DN trong chuỗi sản xuất, chế biến, thu mua, cung ứng và kinh doanh cà phê xuất khẩu; tiềm ẩn nhiều rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng khi nhiều DN không có đủ nguồn lực tài chính để đáp ứng các đơn hàng đã ký. Mặt khác, nếu người tiêu dùng vẫn không chấp nhận trả giá cao hơn cho một ly cà phê thì nguy cơ cà phê giả, cà phê không đảm bảo chất lượng sẽ quay lại thị trường.

Minh Thuận – Tuyết Mai

 

Chương trình khuyến nông: Tập trung mô hình nông nghiệp chất lượng cao

 

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

Năm nay, chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ưu tiên tập trung nguồn lực cho các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, đạt chuẩn an toàn, có minh chứng, truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là một trong những yêu cầu, đòi hỏi của đời sống sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trồng trọt theo chuẩn VietGAP

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm nay, chương trình khuyến nông đi sâu vào triển khai các mô hình trồng trọt đạt chuẩn VietGAP hoặc tuân thủ các yếu tố an toàn, thân thiện với môi trường. Có 6 mô hình trồng trọt được triển khai trong năm nay, bao gồm: Lúa giống, mãng cầu, bưởi da xanh, sầu riêng, rau xanh và cây tre điền trúc (để lấy măng).

Với mô hình trình diễn lúa giống chất lượng cao trên diện tích 12ha, đội ngũ khuyến nông viên đặt mục tiêu đạt năng suất lúa bình quân bằng hoặc hơn 60 tạ/ha, đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa từ 20 triệu đồng/ha/vụ trở lên, tăng 10% về hiệu quả kinh tế. Mô hình còn tập trung định hướng người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng để tạo sản phẩm an toàn trong quá trình sản xuất.

Đối với cây ăn quả, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục chăm sóc (năm thứ 3) 2,7ha trồng năm 2022 và hỗ trợ xây dựng trồng mới 3ha trong mô hình thâm canh mãng cầu Thái đạt chuẩn VietGAP, với mục tiêu hiệu quả kinh tế tăng hơn 10% so với giống mãng cầu thường. Với bưởi VietGAP, đội ngũ khuyến nông viên tập trung hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch 2ha bưởi đảm bảo năng suất tăng 20%, thu nhập tăng 25% so với thông thường. Tương tự, 7,5ha sầu riêng cũng sẽ được hỗ trợ quy trình chăm sóc, chứng nhận VietGAP nhằm cho ra sản phẩm sầu riêng có chất lượng tốt, năng suất mô hình tăng từ 10% trở lên so với thông thường. Cả mô hình bưởi và sầu riêng, ngoài các đợt tập huấn nhân rộng, sản phẩm của mô hình cũng được tổ chức liên kết sản xuất kinh doanh gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho loại trái cây này. Ngoài ra, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai mô hình rau VietGAP trên diện tích 0,6ha.

 

 

Ngư dân Cam Ranh nuôi cá trong lồng tròn HDPE công nghệ cao có khả năng nuôi ở vùng biển hở.

Chăn nuôi theo hướng an toàn

Bên cạnh trồng trọt, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 4 mô hình chăn nuôi. Trong đó, có mô hình chăn nuôi 6.000 con gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học, với giống gà lông màu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mô hình còn hướng cơ sở chăn nuôi theo VietGAP nhằm đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung tâm cũng triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản và ủ chua thức ăn xanh với quy mô 8 con. Mô hình còn kết hợp với trồng bắp sinh khối và ủ chua tạo nguồn thức ăn xanh đạt 300 - 400 tấn/ha. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực kỹ thuật cho nông dân trong công tác lai tạo, chăm sóc nuôi dưỡng, dự trữ, bảo quản thức ăn xanh để nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao.

Với chăn nuôi heo, mô hình chăn nuôi heo thương phẩm được triển khai với 20 con giống heo đen bản địa. Mô hình nuôi dê sinh sản chất lượng cao cũng hỗ trợ 55 con giống dê đực và giống dê cái cho hộ tham gia mô hình, hoàn thiện quy trình chăm sóc, nuôi dê.

Triển khai mô hình thủy sản công nghệ cao

Năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi cá biển bằng lồng HDPE có khả năng chịu lực, chống chịu tốt với gió bão để nuôi cá trên vùng biển hở. Với quy mô lồng tròn thể tích 500m3, mô hình đặt mục tiêu cho năng suất khoảng 8kg/m3, tỷ lệ cá sống đạt hơn 80%, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với lồng gỗ truyền thống. Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá dìa, cá dò được triển khai trên diện tích 33.000m2, mục tiêu đạt năng suất 1,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 25% so với nuôi đơn 1 đối tượng tôm sú. Đây là hình thức nuôi kết hợp, các đối tượng nuôi cộng sinh với nhau cùng phát triển, đồng thời còn giúp giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong ao nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, để giúp ngư dân đánh bắt xa bờ bảo quản hải sản tươi lâu hơn, việc ứng dụng hầm bảo quản hải sản trên tàu cá bằng công nghệ CPF (Composite Polyurethane foam) trên tàu khai thác hải sản xa bờ sẽ được triển khai. Việc sử dụng vật liệu PU Foam (nhựa tổng hợp dạng bọt cứng), vật liệu có đặc tính cách nhiệt, chống thấm, chịu va đập… tối ưu hơn nhiều so với các hầm bảo quản truyền thống. Mô hình đặt mục tiêu tăng hiệu suất sử dụng đá để bảo quản hải sản khai thác được đạt trên 95% so với tàu chưa được trang bị hầm bảo quản bằng công nghệ CPF

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trên cơ sở kế hoạch được duyệt, các địa phương thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia. Dựa vào danh sách đăng ký, đơn vị khuyến nông tiến hành khảo sát, lựa chọn triển khai mô hình ở những địa phương phù hợp, có khả năng nhân rộng. Toàn bộ quy trình, kỹ thuật, kết quả... đối với từng mô hình sẽ được tập huấn chuyển giao cho người dân nhằm đạt được kết quả cao nhất của mô hình.

Năm 2024, trung tâm khuyến nông triển khai 15 mô hình. Trong đó, có 6 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi và 5 mô hình nuôi, bảo quản thủy sản. Tổng kinh phí triển khai hơn 5,2 tỷ đồng, trong đó hơn 4,6 tỷ đồng dùng để đầu tư trực tiếp vào việc thực hiện mô hình. Số tiền còn lại là chi phí bồi dưỡng chuyên môn, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình.

HỒNG ĐĂNG

 

Hòa Bình: Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

 

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 

 

Ông Bùi Văn Dựng, xóm Bin Các, xã Tử Nê (Tân Lạc) chủ động chăm sóc đàn trâu khi thời tiết nắng nóng.

Đã chăn nuôi nhiều năm, gia đình ông Bùi Văn Dựng, xóm Bin Các, xã Tử Nê tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn trâu. Hiện gia đình ông nuôi 7 con trâu. Thời gian này, khi thời tiết thay đổi nhanh, nhất là có thời điểm nhiệt độ lên đến 35 - 39 độ C, vì thế ông chủ động sử dụng những tấm bạt đã cũ để che nắng, dọn dẹp tạo thông gian thoáng mát cho đàn vật nuôi. Đồng thời phun khử trùng chuồng trại một lần/tuần, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải đóng bao để bón cho diện tích cỏ voi, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất.

Ông Dựng cho biết: Để bảo vệ an toàn cho đàn trâu, vào những ngày nắng nóng kéo dài, tôi chia khẩu phần cho trâu ăn nhiều bữa, cho ăn vào sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa. Đặc biệt, tôi thường xuyên thông tin, trao đổi với cán bộ thú y của xã để có những biện pháp chống nóng, phòng dịch bệnh đúng kỹ thuật, bảo đảm cho đàn trâu sinh trưởng tốt.

Không chỉ gia đình ông Dựng, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tử Nê đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Gia đình chị Bùi Thị Bi nuôi 3 con bò, trong đó có 1 bò mẹ nên chị luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chị Bi chia sẻ: Ngoài giữ cho chuồng nuôi thoáng mát, trong những ngày nắng nóng, gia đình thường tắm 2 lần/ngày cho đàn bò; tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; định kỳ phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh 1 lần/tuần. Nhờ đó, đàn bò phát triển tốt, ít bị dịch bệnh.

Huyện Tân Lạc hiện có trên 1.088 nghìn con gia súc, gia cầm. Trong đó, tổng đàn trâu ước trên 16.820 con, đàn bò trên 10.950 con, đàn lợn trên 40.820 con, đàn gia cầm khoảng 1.014.900 con, đàn dê trên 4.880 con. Trong quý I/2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai tiêm phòng trên 5.000 liều vacxin cho trâu, bò, 8.000 liều vacxin cho lợn, 30.000 liều vacxin cho gia cầm… Để duy trì, phát triển ổn định hoạt động chăn nuôi, nhất là trong mùa nắng nóng, đồng chí Bùi Văn Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Theo dự báo tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, các đợt nắng nóng kéo dài có khả năng xuất hiện liên tục. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khuyến cáo người dân tuyệt đối không chăn thả vật nuôi khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao. Bên cạnh biện pháp làm mát chuồng trại, cần cung cấp nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết. Bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để làm mát, tránh tăng độ ẩm trong chuồng; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải. Vào những ngày nắng nóng gay gắt, người chăn nuôi nên cho vật nuôi ăn nhiều bữa trong ngày vào sáng sớm hoặc chiều mát để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, hạn chế cho ăn buổi trưa khi trời nắng nóng. Ngoài ra, trung tâm tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở hướng dẫn hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời vận động các chủ chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại và tăng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi đủ sức chống lại nắng nóng, không chăn thả trâu, bò ra đồng ở thời điểm nắng nóng vào ban trưa.

Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của các hộ chăn nuôi, huyện Tân Lạc phấn đấu duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong thời điểm nắng nóng hiện nay.

Quyên Anh (Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)

 

Bến Tre: Thành Thới A xây dựng thành công mô hình nuôi trùn quế

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, thời gian qua, Hội Nông dân xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đã vận động hơn 20 hội viên tham gia thực hiện mô hình nuôi trùn quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, nhiều hộ dân đã thành công với mô hình, bước đầu hỗ trợ sinh khối trùn quế cho các hộ dân khác để nhân rộng mô hình.

 

 

Mô hình nuôi trùn quế tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam mang lại hiệu quả cao về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Bắt đầu từ đầu năm 2023, Hội Nông dân xã Thành Thới A đã tuyên truyền hướng dẫn cho các hội viên về mô hình nuôi trùn quế. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi trùn quế vừa có lợi trong xử lý môi trường, vừa cho thu nhập ổn định, một số hội viên nông dân trên địa bàn đã đầu tư thực hiện mô hình này.

Trùn quế là loại thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, giá thành rẻ. Với đặc điểm rất giàu đạm, lượng protein thô chiếm tới 70% trọng lượng khô, trùn quế trở thành một nguồn thức ăn lý tưởng cho gà và các loại vật nuôi khác. Nuôi trùn quế không mất quá nhiều thời gian chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Với đặc tính ưa thích thức ăn là phân động vật, nên trùn quế nhanh chóng “xử lý” phân động vật sau khi ngâm ủ cùng chế phẩm vi sinh giúp khử mùi hôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Để nuôi trùn quế đạt hiệu quả cao phải đảm bảo các yếu tố chuồng trại kiên cố, có mái che chắc chắn, nguồn thức ăn cho trùn đầy đủ. Điều quan trọng là phải tạo độ ẩm tốt, kín đáo bởi trùn rất sợ ánh sáng. Mỗi chuồng trùn quế rộng 3 - 5m2, lót bạt ở trên, mái che cách mặt luống khoảng 1m. Chuồng cần được tạo độ ẩm 75 - 80%, nhiệt độ từ 20 - 28oC, mỗi ngày cần phun nước 1 - 2 lần. Quá trình nuôi nếu phát hiện có kiến phải diệt ngay bằng cách đốt lửa theo hướng kiến bò, hoặc bôi thuốc diệt kiến lên vách chuồng. Nhờ đó, trùn quế sinh trưởng nhanh, phân hủy chất thải tốt, biến phân gia súc và các phụ phẩm khác thành phân hữu cơ nhiều dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Gia đình ông Trương Văn Quắn, ngụ tại ấp Thành Long, đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trại nuôi trùn quế. Ông Quắn cho biết: “Với mô hình nuôi trùn quế, gia đình ông giải quyết được lượng phân do đàn bò thải ra mỗi ngày nên không còn ô nhiễm môi trường như trước đây. Phân bò được ủ qua chế phẩm sinh học thì không còn mùi hôi thối, sử dụng làm thức ăn hàng ngày cho trùn quế”.

Hộ của ông Nguyễn Văn Nết, ngụ tại ấp Tân Phong, cũng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào nuôi trùn quế. Ông Nết chia sẻ: “Mô hình này không những giúp gia đình ông tiêu hủy lượng phân của hoạt động chăn nuôi bò mà còn cho thu nhập tương đối cao. Trung bình mỗi tháng, ông Nết có thể kiếm từ 1 - 2 triệu đồng từ việc bán trùn quế”.

Góp phần phát triển kinh tế gia đình

Nuôi trùn quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm là mô hình bước đầu phát huy hiệu quả ở xã Thành Thới A. Qua mô hình có thể thấy rõ ràng rằng, lượng chất thải chăn nuôi được sử dụng làm thức ăn cho trùn quế đã được xử lý rất đáng kể, qua đó đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Phân trùn quế có thể tận dụng để bón các loại cây trồng, rau xanh… nhờ vậy giảm được khá nhiều chi phí trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A Nguyễn Thanh Tuấn: “Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi trùn quế còn góp phần xử lý ô nhiễm môi trường chất thải trong chăn nuôi cũng như hóa chất trong nông nghiệp. Đây là bước phát triển trong sản xuất nông nghiệp tại xã Thành Thới A. Theo kế hoạch, Hội nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình này trong toàn xã”.

Sự thành công bước đầu của mô hình nuôi trùn quế tại xã Thành Thới A đã và đang tạo cơ hội cho nông dân có một nguồn thu nhập đáng kể khi tạo thành được vòng tuần hoàn trong nông nghiệp. Việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình nuôi trùn quế đã góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn xã. Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn tăng đáng kể, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới tại địa phương.

Bài, ảnh: Bảo Duy

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop