Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 9 tháng 9 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 9 tháng 9 năm 2024

 

Hiệu quả mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

 

Nguồn tin: Báo Long An

Thực hiện mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân (ND) thay đổi tập quán sản xuất từ tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 59.672ha lúa ƯDCNC, đạt 94,5% kế hoạch năm 2025. Trong đó, toàn tỉnh xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu với 23 mô hình, diện tích 4.770ha. Mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC do tỉnh chủ trì thực hiện được 21 mô hình với 1.050ha; do huyện chủ trì thực hiện đến cuối năm 2023 là 289 mô hình với 17.327ha.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Lợi (ấp Cả Sách, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) được chọn làm điểm thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Diện tích thực hiện là 50ha với 15 hộ tham gia. Theo đó, mô hình được triển khai trong 3 năm liên tiếp, mỗi năm thực hiện 1 vụ, từ năm 2022 đến 2024.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Lợi - Nguyễn Bá Thanh An cho biết: “Khi tham gia mô hình, ND sẽ được hỗ trợ nhiều chính sách về giống, phân bón hữu cơ, thuê dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái,... Trong năm đầu thực hiện mô hình, ND được hỗ trợ 50% chi phí với mức tối đa 300 triệu đồng/mô hình; năm thứ hai được hỗ trợ 30% chi phí thực hiện với mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/mô hình; năm thứ ba được hỗ trợ 20% chi phí thực hiện với mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/mô hình. Qua triển khai, thành viên HTX đã thay đổi nhận thức, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ; giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nhất là áp dụng đúng quy trình sản xuất theo cam kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra”.

 

 

Năng suất lúa của các mô hình điểm cao hơn ngoài mô hình khoảng 500kg/ha

Trước hiệu quả mà mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC mang lại, ND tiếp tục duy trì mô hình sau 3 năm thực hiện, nhất là ứng dụng và mở rộng vùng lúa ƯDCNC với khoảng 32.995ha.

Thông qua các mô hình, ND sử dụng giống cấp xác nhận đạt từ 85-90% diện tích gieo sạ toàn tỉnh; diện tích lúa đạt chứng nhận GAP hơn 1.150ha với sản lượng 13.283 tấn/năm; giảm lượng giống gieo sạ từ 150kg/ha xuống còn 100kg/ha; cơ giới hóa làm đất, thu hoạch, sấy lúa đạt 100%; gieo cấy, sạ với máy 3 chức năng đạt 90%, có hơn 300 thiết bị bay không người lái,...

Bà Lê Thị Minh Thy (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Tham gia mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC do huyện thực hiện, gia đình tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong sản xuất. Khi mô hình kết thúc, gia đình tôi vẫn tiếp tục duy trì".

"Nhờ vậy, giảm lượng giống gieo sạ từ 150kg/ha xuống còn 120kg/ha; đồng thời, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên giảm chi phí sản xuất khoảng 15% so với ngoài mô hình. Còn năng suất bình quân bằng hoặc cao hơn ngoài mô hình khoảng 500kg/ha, lợi nhuận bình quân cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5-2 triệu đồng/ha” - bà Thy nói.

Với việc thay đổi tư duy, cách làm từ truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật đã giúp ND trồng lúa tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Điều này khẳng định Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa mang lại nhiều kết quả tích cực, khả quan, nhất là góp phần cho sản lượng lúa của tỉnh tăng vượt bậc, đạt bình quân hơn 2,8 triệu tấn lúa/năm, cá biệt năm 2023, sản lượng lúa vượt mức 3 triệu tấn.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Võ Thành Nghĩa thông tin: “Trung tâm phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả việc ƯDCNC trên cây lúa; tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật;... nhằm hướng đến hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra đến năm 2030. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp"./.

Minh Tuệ

 

Bến Tre: Nông dân Hòa Nghĩa chuyển đổi trồng dừa xiêm xanh

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Xã Hòa Nghĩa (Bến Tre) có 8 ấp, với 11.475 dân số, địa bàn vừa giáp sông Hàm Luông vừa giáp sông Cổ Chiên. Diện tích đất tự nhiên 1.793ha; trong đó, diện tích vườn cây ăn trái khoảng 1.015ha với 80% là trồng cây sầu riêng. Đời sống người dân phần lớn dựa vào kinh tế vườn, kinh doanh thương mại, dịch vụ.

 

 

Hội viên nông dân Tổ hợp tác trồng dừa xiêm xanh ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa trao đổi kinh nghiệm trong vườn dừa.

Mùa khô 2019 - 2020, tình hình xâm nhập mặn gay gắt, nhất là trên sông Hàm Luông khi độ mặn qua địa bàn lên đến 0,8%o, các hộ nông dân trên địa bàn ấp Định Bình nằm ven sông Hàm Luông chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 78ha vườn cây ăn trái (chủ yếu là cây sầu riêng), không thể phục hồi. Đến mùa khô 2023 - 2024, xâm nhập mặn gay gắt tiếp tục tái diễn. Lúc này, mặc dù đã được đầu tư làm đập tạm ngăn mặn nhưng địa bàn ấp Định Bình vẫn còn rất nhiều diện tích cây ăn trái cập theo sông Hàm Luông nằm ngoài đập tạm. Các vườn cây sầu riêng khu vực này bị thiếu nước tưới, cháy lá, khô đọt, rụng trái non làm ảnh hưởng đến kinh tế người dân. Hộ ông Đỗ Hữu Thành là một trong các hộ nông dân trồng sầu riêng bị thiệt hại nặng nề, với 120 gốc sầu riêng. Hay hộ ông Nguyễn Văn Sang bị thiệt hại tới 160 gốc sầu riêng 4 năm tuổi. Thiệt hại nặng nề đã ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ nông dân nhưng người dân vẫn muốn trồng lại sầu riêng do giá trị kinh tế của loại cây này cao hơn những loại khác.

Thấy tình hình đó, Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa đã nghiên cứu, triển khai vận động hội viên nông dân chuyển đổi sang trồng dừa xiêm xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa Hà Thư Hoàng cho biết: “Tình hình thực tế với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đặt ra cho chúng tôi là phải tìm cách để chuyển đổi loại cây trồng khi cây sầu riêng quá nhạy cảm với nước mặn. Chúng tôi chọn cây dừa xiêm xanh vì trước hết là khả năng chịu mặn của cây dừa cao hơn sầu riêng, lại có thời gian trồng đến khi cho trái ngắn hơn (khoảng 2 năm), chi phí đầu tư lại thấp hơn sầu riêng”.

Ông Đỗ Văn Thành cho biết: Với dừa, bên cạnh việc phù hợp điều kiện tự nhiên thì trong thời gian đầu trồng, người nông dân có thể kết hợp trồng xen hoặc làm cây giống dưới tán dừa trong vườn để cho thu hoạch, cũng là cách để nông dân lấy ngắn nuôi dài. Cây dừa xiêm xanh của Bến Tre cũng đã có chỉ dẫn địa lý, nguồn tiêu thụ rộng, mở ra nhiều cơ hội cho người nông dân cải thiện, phục hồi kinh tế. Với 5 công đất, ông Thành đã trồng lại cây dừa xiêm xanh, đến nay được khoảng 2 năm rưỡi, đã bắt đầu cho lưỡi mèo. Còn hộ ông Nguyễn Văn Sang cũng đã trồng lại 210 cây dừa xen với 150 cây sầu riêng. Ông Sang dự tính, số sầu riêng trồng xen, ông sẽ dưỡng để cắt bán bo, nếu có xâm nhập mặn nữa thì ông cũng không quá lo về thiệt hại khi có thêm cây dừa trồng xen, kết hợp với các loại cây ngắn ngày khác trong vườn.

Theo Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa, thực tế việc thuyết phục nông dân chuyển đổi sang trồng dừa trong khu vực vốn có truyền thống trồng sầu riêng chủ lực khá khó khăn khi giá trị kinh tế cây dừa có thể thấy rõ là còn chưa ổn định. Tuy nhiên, với tình hình của địa phương, chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thì nếu cứ duy trì sầu riêng hay chôm chôm sẽ không còn phù hợp nữa, đời sống kinh tế của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân ấp Định Bình chuyển đổi sang trồng dừa xiêm xanh. Đi đôi với vận động là hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng dừa, kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ vật tư, bán trả chậm cho hội viên, tìm hiểu xu hướng thị trường và kết nối tiêu thụ. Đến nay, ấp Định Bình đã thành lập được tổ hợp tác trồng dừa xiêm xanh với 8 thành viên, diện tích trồng dừa đạt 5,9ha. Tổ hợp tác được thành lập trên tinh thần tình nguyện, có liên kết nhau đầu vào, đầu ra chặt chẽ, các hội viên trong tổ gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để trồng dừa xiêm xanh hiệu quả hơn.

“Từ mô hình này, chúng tôi sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để có hướng vận động các hội viên nông dân khu vực ven sông Cổ Chiên cùng chuyển đổi sang trồng dừa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự linh hoạt và nhanh nhạy với tình hình thực tế, nông dân Chợ Lách đã chủ động tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Vườn dừa ở ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa được chăm sóc theo hướng hữu cơ đang xanh tốt từng ngày, sẽ là điểm sáng mới để người nông dân Chợ Lách mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với tình hình thực tế”. (Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa Hà Thư Hoàng)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

 

Trồng hẹ - ‘cần câu cơm’ của hộ nghèo ở Đại Tâm

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nhiều hộ dân ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) quyết tâm duy trì và phát triển nghề trồng hẹ lấy bông, góp phần tạo việc làm cho hộ nghèo kiếm được thu nhập đảm bảo cuộc sống.

 

 

Dù mưa hay nắng cây hẹ đều ra hoa giúp bà con nông dân ở xã Đại Tâm kiếm được thu nhập liên tục.

Bên cạnh củ hành tím nổi tiếng với mùi vị đặc trưng thì những năm gần đây hẹ bông cũng đang dần trở thành đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nông ở các vùng chuyên canh màu của xã Đại Tâm đã vươn lên làm giàu, ổn định kinh tế gia đình từ việc trồng hẹ lấy bông. Chúng tôi đến vùng chuyên canh màu tại xã Đại Tâm vào thời điểm cuối tháng 7, khi cơn mưa chiều vừa dứt. Dọc tuyến lộ từng nhóm người đủ độ tuổi tập trung lựa bông hẹ, bỏ sạch cỏ lá, rong rêu, rồi bó lại ngay ngắn, chờ thương lái đến cân.

Có thâm niên theo nghề trồng hẹ trên 10 năm nay, gia đình bà Danh Thị Hồng Nương (60 tuổi, xã Đại Tâm) trồng hẹ lấy bông trên diện tích 1.000m2 đất nhà. Cây hẹ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, lại cho thu hoạch quanh năm nên hầu như các hộ dân tại địa phương đều trồng chuyên canh hoặc dành một phần đất để trồng loại cây này. Cứ cách 2 ngày, bà Nương lại thu hoạch bông hẹ 1 lần được 20-25kg, với giá bán 37.000 đồng/kg, giúp bà kiếm được thu nhập từ 700.000 đến gần 1 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác thì hẹ cho thu nhập đều đặn, giá bán ổn nên đời sống cũng thoải mái hơn.

Cách đó không xa, gia đình bà Danh Thị Việt (63 tuổi) cũng “đội” mưa tất bật thu hoạch bông hẹ để kịp giao cho thương lái. Theo bà Việt, loại cây này bán giá cao vào những tháng mùa khô hạn, vào mùa mưa tuy giá có thấp hơn nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập rất khá. “Trung bình giá bông hẹ dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg nhưng những tháng nghịch mùa lên đến 40.000-50.000 đồng/kg. Tính ra cứ 2, 3 ngày thu hoạch bông hẹ bán được cả triệu đồng. Cũng nhờ trồng bông hẹ mà đời sống kinh tế gia đình khấm khá”, bà Việt chia sẻ.

Theo ông Lâm Văn Hùng (55 tuổi) một hộ trồng hẹ lấy bông hơn chục năm ở xã Đại Tâm cho biết, cây hẹ vừa lấy lá vừa có thể lấy bông, trồng khoảng 3-4 tháng hẹ bắt đầu cho thu hoạch bông. Đặc biệt cây màu này thu hoạch được cả lá và cho thu hoạch dài lâu từ 2-3 năm mới phải trồng lại. Trung bình mỗi tháng, ông Hùng cắt bông hẹ khoảng 15 lần được 400-500 kg/tháng/1.000m2, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất cao đạt từ 700-900 kg/tháng. Hẹ được mùa lá tốt thì cứ 2,5 tháng là cắt một lần, 1.000m2 thu hoạch được từ 400-600kg hẹ lá. Tuy nhiên, thu hoạch lá chỉ khi nào lượng bông đã giảm, cắt lá để cây hẹ nhanh ra lá, ra bông. Sau khi trừ chi phí nông dân có thu nhập từ 10-30 triệu đồng/năm/1.000m2.

Cũng theo ông Hùng cây hẹ chính là “cần câu cơm” của bà con ở đây và xét về hiệu quả kinh tế, chưa có cây màu khác thay thế được loại cây này. Đặc biệt, với những hộ thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất có thể xin việc ngắt bông hẹ. Trung bình, mỗi lao động có thu nhập từ 50.000-150.000 đồng/ngày/người. Bà Thạch Thị Hiền (50 tuổi, ngụ xã Đại Tâm), cho biết, công việc vừa sức, ai cũng làm được, cần nhất tính kiên trì, chịu khó. Nghề này dễ làm, phù hợp tuổi già. Mỗi ngày, bà xin làm việc ngắt bông hẹ thuê cũng kiếm được thu nhập trên dưới 100.000 đồng. Nhờ đó kiếm được thu nhập trang trải cuộc sống dù ngày nắng hay mưa.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Thu hoạch gần 1.000ha mía

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Niên vụ mía 2023-2024, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuống giống hơn 3.000ha, đạt 101% kế hoạch, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Hưng, Tân Phươc Hưng, Phụng Hiệp, Hòa Mỹ và thị trấn Búng Tàu… Trong đó, mía trồng mới 2.835ha, lưu gốc 220ha.

 

 

Người dân chủ động dùng dây buộc mía lại để hạn chế đổ ngã.

Đến nay, những diện tích mía xuống giống sớm đã được nông dân thu hoạch gần 1.000ha, năng suất mía bình quân 109 tấn/ha. Hiện mía bán chục, giống ROC 16 có giá từ 1.400 - 1.600 đồng/kg, giống mía Suphen từ 1.300 - 1.400 đồng/kg.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, những ngày qua, do ảnh hưởng bão, xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật mạnh, làm một số diện tích mía gần đến ngày thu hoạch bị đổ ngã, nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Người dân đã chủ động dùng đất vô chân gốc mía, đồng thời dùng dây buộc lại để hạn chế mía đổ ngã.

LÊ ĐĨNH

 

Canh tác hồ tiêu bền vững

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Hồ tiêu là một trong những cây trồng có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ đã và đang được người dân trong tỉnh áp dụng thực hiện. Sử dụng chế phẩm sinh học, phân vi sinh, phân chuồng… để chăm sóc hồ tiêu không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, cho năng suất cao, bảo vệ môi trường mà còn giúp sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

Hiệu quả thấy rõ

Trước đây, bà Phan Thị Như ở thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để chăm sóc và xử lý bệnh hại cho 1.000 nọc tiêu của gia đình. Bà Như cho biết, mỗi lần phun thuốc BVTV chỉ có tác dụng tức thời, còn bệnh chết nhanh, chết chậm, vàng lá vẫn trở lại sau một thời gian. Đặc biệt, trong quá trình phun thuốc BVTV còn ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường xung quanh.

Sau khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp hướng dẫn và hỗ trợ men vi sinh theo dự án “Canh tác hữu cơ bền vững trên cây hồ tiêu”, bà Như nhận thấy vườn cây phát triển ổn định hơn. Bà Như cho biết thêm: Hơn 2 năm sử dụng men vi sinh và làm theo hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp về quy trình rửa vườn đầu mùa, phòng bệnh trên cây, vườn tiêu của gia đình cho năng suất cao hơn, tỷ lệ cây chết giảm rõ rệt. Việc chăm sóc, sử dụng men vi sinh theo từng giai đoạn phát triển của cây giúp phòng bệnh tốt hơn, đặc biệt, chi phí rẻ, không độc hại, không ảnh hưởng sức khỏe.

Phân bón vi sinh cũng được coi là lựa chọn hàng đầu, dần thay thế thuốc BVTV trên vườn tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Sở hữu vườn tiêu xanh tốt, bà Liên cho biết, hơn 10 năm trồng tiêu, gia đình bà được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong chăm sóc cây trồng nên vườn tiêu của gia đình luôn đạt năng suất cao.

Từ kinh nghiệm của mình, bà Liên cho hay, sử dụng men vi sinh giúp tăng sức đề kháng với tuyến trùng và các nấm bệnh gây thối rễ, chết nhanh, chết chậm, vàng lá, rụng lá, xì mủ trên cây hồ tiêu. Bà Liên chia sẻ: Ngoài men vi sinh, gia đình luôn chú trọng bón phân chuồng, phân bò ủ mục nên tỷ lệ sâu bệnh giảm, cây tiêu phát triển bền hơn. Men vi sinh không độc hại, chi phí thấp, làm đất tơi xốp, không bạc màu. Cây tiêu thời điểm đang ra bông, hạn chế xịt men vi sinh lên bông và tưới nhiều ở gốc, còn khi đậu trái thì xịt lên thân và kết hợp thuốc BVTV để giảm rụng trái non.

Năm 2024, gia đình bà Liên tiếp tục đầu tư trồng mới 900 nọc tiêu. Sau 1 năm, bà có thể bán dây tiêu và thu hồi vốn. “Vườn tiêu của gia đình xanh tốt, cho năng suất cao nhờ sự hướng dẫn tận tình và thường xuyên thăm vườn của các kỹ sư nông nghiệp huyện. Men vi sinh không ảnh hưởng sức khỏe người nông dân, mặt khác, rất tốt cho cây tiêu. Sử dụng men vi sinh lâu dài giúp cây khỏe mạnh, giảm các loại bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh. Vườn tiêu của gia đình chỉ phát cỏ quanh gốc vào mùa mưa để phòng tránh bệnh tuyến trùng, còn mùa nắng thì không phát cỏ để giữ ẩm cho đất” - bà Liên chia sẻ.

Hướng đi tất yếu

Cũng áp dụng phòng trừ sâu bệnh bằng giải pháp sinh học, bà Nguyễn Thị Liên ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho biết, những năm đầu mới trồng tiêu, gia đình bà thu hoạch đạt năng suất 7 tấn/ha. Chăm sóc vườn tiêu bằng phân vi sinh nên năng suất vườn cây luôn ổn định. Năm 2023, dù tiêu mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết nhưng gia đình bà vẫn thu đạt bình quân 2,5 tấn/ha.

 

 

Ông Bùi Văn Thiệu (chồng bà Liên) xịt men vi sinh chăm sóc vườn hồ tiêu

Bà Liên chia sẻ: Hồ tiêu trồng năm thứ 2, thứ 3, cây bắt đầu cho thu hoạch, theo tuổi thọ năng suất sẽ giảm dần. Bên cạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp, gia đình bà còn phục hồi đất bằng phân chuồng ủ hoai nên năng suất vườn cây luôn đảm bảo. Theo bà Liên, cây tiêu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu mưa nhiều, cây không đủ thời gian phân hóa mầm hoa sẽ ảnh hưởng tới năng suất. Năm nay, nếu dịch bệnh không tàn phá, dự tính vườn tiêu của gia đình bà sẽ cho thu từ 2,5-3 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Thuyên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: Giải pháp sinh học là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Bởi nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe, sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo sạch và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học còn giúp kéo dài tuổi thọ vườn tiêu, đồng thời tiết kiệm chi phí, tăng năng suất vườn cây.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đã xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng hữu cơ bền vững và ứng dụng các giải pháp sinh học phòng trừ bệnh hại trên cây hồ tiêu để nông dân học hỏi và áp dụng. Theo thống kê của trung tâm, toàn huyện có hơn 70% diện tích hồ tiêu trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, sử dụng men vi sinh để phòng bệnh có hiệu quả, năng suất cao.

Ngọc Quế

 

 

Trồng trọt chất lượng, chăn nuôi an toàn

 

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

Trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa tập trung, theo hướng an toàn, hữu cơ là hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ cây lúa, luống rau...

Về các vùng nông thôn mùa gặt lúa hè thu này, chúng tôi được chứng kiến niềm vui nhà nông được mùa. Nhìn những cánh đồng lúa vàng ươm, không chỉ minh chứng cho năng suất cao, mà chất lượng sản phẩm còn khác xưa rất nhiều nhờ những giống lúa mới, chất lượng cao được đưa vào gieo cấy. Trong tiết trời đầu thu, những chiếc máy gặt đập liên hợp hiện đại chạy đều trên từng xứ đồng, mẫu ruộng. Máy vừa gặt vừa đóng lúa vào bao, giúp nông dân bớt mồ hôi, công sức rất nhiều.

Nông dân Lê Văn Hòa ở xã Quảng An (Quảng Điền) khẳng định, qua mỗi vụ lúa, năng suất và chất lượng sản phẩm đều tăng cho thấy tư duy, nhận thức của nhà nông trong sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung có nhiều thay đổi đáng kể, không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi. Nhiều nông dân gần như nắm bắt, chủ động trong chọn lựa các giống lúa, cây trồng phù hợp để đưa vào sản xuất, ứng dụng các yếu tố khoa học, kỹ thuật tiên tiến từ khâu làm đất, gieo cấy, thủy lợi đến khâu thu hoạch.

 

 

Rau hữu cơ Kim Long

Và có lẽ một trong những chuyển biến mới mang tính đột phá nhất trong nông nghiệp hiện nay là nông dân từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và bền vững, thân thiện với môi trường. Gắn bó với mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn theo “chuỗi giá trị”, người nông dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định, cao hơn so với thị trường.

Từ khi chuyển sang mô hình trồng lúa hữu cơ, ông Nguyễn Bình cũng như nhiều người dân ở An Lỗ (Phong Điền) cảm thấy hứng thú, tâm huyết với nghề nông hơn. Với ông Bình, cái mới nhất là thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ khâu làm đất, gieo mạ đến thu hoạch đều bằng máy móc cơ giới nên không còn mất sức lao động, mất thời gian như trước.

Từ tập quán sản xuất truyền thống, lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc phòng trừ sâu bệnh, phân hóa học, ông Bình và nhiều nông dân An Lỗ đã nắm vững yêu cầu kỹ thuật trồng lúa hiện đại, không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân hóa học. Nguồn nước tưới lúa trước khi đưa vào đồng ruộng phục vụ sản xuất cũng được kiểm định chất lượng đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Lỗ chia sẻ, trước khi bắt tay tổ chức trồng lúa hữu cơ, đơn vị đã làm việc, hợp đồng với nhiều đơn vị cung ứng đầu vào và đầu ra sản phẩm. Nông dân tham gia mô hình được tư vấn, truyền đạt các biện pháp kỹ thuật, lợi ích của nông nghiệp hữu cơ. Điều đáng mừng và thành công của nông dân An Lỗ là sản phẩm gạo hữu cơ được nhiều cửa hàng, đại lý và các trường mầm non bán trú thu mua ổn định.

Nhiều vùng miền, kể cả nông dân miền núi Nam Đông, A Lưới hiện nay cũng biết trồng rau, củ, quả an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hơn 40 nhà lưới với tổng diện tích khoảng hơn 60.000m2, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 5.100ha lúa và rau các loại, sản xuất hữu cơ hơn 500ha.

Đến chăn nuôi hữu cơ, an toàn

Từ một hộ nông dân chỉ biết canh tác theo tập quán truyền thống, lạc hậu, anh Nguyễn Hải Teo ở xã Quảng Nhâm (A Lưới) đã chuyển sang mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn, hữu cơ. Anh Teo có ngôi nhà kiên cố nằm giữa vườn chuối được trồng theo hướng hữu cơ rộng 1,5ha, được xây dựng bằng nguồn thu nhập từ loại cây này. Anh Teo bảo, với xu thế người tiêu dùng hiện nay, không còn con đường nào khác là phải thay đổi tư duy nhận thức, chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, an toàn.

Tư duy sản xuất của anh Teo bắt đầu thay đổi từ sự hướng dẫn của cán bộ Tập đoàn Quế Lâm. Bản tính cần cù, chịu khó học hỏi đã giúp người nông dân miền núi này khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới, đáng chú ý là mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học. Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm vài con lợn nái, lợn thịt hữu cơ dưới sự hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm, đến nay anh Nguyễn Hải Teo hoàn toàn chủ động chăn nuôi đến cả trăm con lợn thịt, lợn nái hữu cơ mỗi lứa.

Tận dụng nguồn phân chuồng hữu cơ từ chăn nuôi lợn, anh Teo phát triển thêm mô hình trồng chuối già lùn hữu cơ trên diện tích 1,5ha và trồng 1ha sâm Bố Chính. Mô hình chăn nuôi lợn của anh Teo cũng là mô hình sản xuất theo “chuỗi giá trị”, theo hướng tuần hoàn. Tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng chuối, anh Teo chế biến thức ăn chăn nuôi lợn và ủ làm phân bón cho các loại cây trồng, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học. Sản phẩm từ chăn nuôi được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 20% so với thị trường.

Từ mô hình của anh Teo, trên địa bàn huyện miền núi A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc… hiện nay đã có hàng trăm hộ học tập chăn nuôi lợn, bò hữu cơ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Long An khẳng định, ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng với mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, an toàn, trong đó nuôi lợn hữu cơ hiện nay khoảng 7.500 con mỗi năm.

Ông Nguyễn Long An đánh giá, sản xuất nông nghiệp tỉnh đang có bước phát triển khá toàn diện, trong đó đã hình thành và từng bước nhân rộng các mô hình hữu cơ, an toàn. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 3,5%/năm, nông nghiệp và cả kinh tế nông thôn đang chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Trên địa bàn tỉnh đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển ba nhóm sản phẩm (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP).

Bài, ảnh: Hoàng Thế

 

Canh tác rau, hoa trong nhà kính giảm được 30% lượng nước tưới và phân bón

 

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Hiện nay, việc canh tác rau, hoa trong nhà kính đã giảm được 30% lượng nước tưới và phân bón; giảm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Nhiều doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt thu nhập hàng tỷ đồng nhờ thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính để có sự tương hỗ các công nghệ khác, tạo ra doanh thu cao; tùy loại rau, hoa khi ứng dụng đồng bộ nhà kính và các công nghệ cao khác, năng suất sẽ cao hơn 2 - 3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5 - 2 lần so với cây không trồng trong nhà kính.

Thống kê sơ bộ cho thấy, giá trị sản xuất trong nhà kính đối với cây rau bình quân đạt 600 - 800 triệu đồng/ha/năm; cây hoa 1,6 - 1,8 tỷ đồng/ha/năm.

NGUYỄN NGHĨA

 

Nền tảng phát triển chăn nuôi bền vững

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thực hiện tốt các quy định trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y là vấn đề cần thiết để tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

 

 

Người dân phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi theo sự giám sát của cán bộ thú y địa phương.

Nâng cao chất lượng chăn nuôi

Ông Nguyễn Thanh Tùng, ở ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Hơn 30 năm làm nghề chăn nuôi, hơn ai hết tôi hiểu được sự quan trọng của việc nâng cao chất lượng môi trường và giống vật nuôi. Hiện nay, với số lượng hơn 50 con heo, lợi nhuận hàng năm tôi thu về gần 100 triệu đồng. Để đạt được mức thu nhập này, tôi đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, áp dụng các Luật Chăn nuôi như kê khai y tế, tiêm vắc-xin đúng quy định, vệ sinh an toàn chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học…”.

Nhờ việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định của Luật Chăn nuôi, chất lượng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Từ các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ đến cơ sở lớn đều tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và quản lý chất thải, quản lý giống từ gốc, giúp đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường xung quanh.

Không dừng lại ở đó, ông Tùng còn đầu tư hệ thống chuồng trại với hệ thống xử lý chất thải, hệ thống làm mát và thông gió, giúp cải thiện điều kiện sống cho đàn heo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ông Tùng chia sẻ: “Là một người làm nghề chăn nuôi lâu năm, tôi hiểu được việc áp dụng các quy định về chăn nuôi vào thực tiễn là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định pháp luật về chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, trong đó việc bố trí chuồng trại phải đạt yêu cầu, đáp ứng theo nhiều quy định khắt khe để đàn heo đạt chất lượng. Dù vậy, nếu áp dụng được các quy chuẩn này thì về lâu về dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Nâng cao nhận thức

Nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật cho các cơ sở, hộ chăn nuôi là vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng ngành chăn nuôi bền vững. Hiểu được điều này, ông Nguyễn Văn Tầm, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tận dụng diện tích xung quanh nhà để chăn nuôi và theo ông thì việc giữ gìn vệ sinh môi trường cần được đảm bảo ưu tiên để không gây ảnh hưởng đến vật nuôi và người dân xung quanh. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức người chăn nuôi, hiểu được chăn nuôi là cung cấp thực phẩm cho xã hội và nên lấy đạo đức người chăn nuôi làm phương châm, làm nền tảng nhận thức. Cũng vì vậy mà nhiều năm nay, gia đình của ông Tầm chăn nuôi heo đều được bà con xung quanh đồng ý. Số lượng hiện tại của gia đình đã được 25 con heo thịt, 3 con heo nái, ước lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đầu tư đạt hơn 70 triệu đồng/năm.

Chia sẻ thêm về sự khác biệt so với cách nuôi truyền thống, ông Tầm cho biết: “Tôi thấy được việc chăn nuôi truyền thống chưa thực sự đảm bảo an toàn, chứa nhiều rủi ro và tiềm ẩn khả năng nhiễm phải dịch bệnh cao. Vì vậy, tôi chọn cách áp dụng biện pháp an toàn sinh học, ủ phân hữu cơ, thường xuyên xử lý chuồng trại, giữ không gian thoáng, sạch sẽ, tiêu độc khử trùng, hạn chế người ra vào khu vực chuồng trại để đảm bảo cho đàn heo phát triển tốt, đạt chất lượng”.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: Qua các đợt tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật, người chăn nuôi được nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định pháp luật, từ đó tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Luật Thú y và các văn bản liên quan đã tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhờ đó, ngành chăn nuôi trên địa bàn thực hiện được nhiều chương trình tiêm phòng cho đàn vật nuôi, giúp giảm thiểu nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm”.

Theo thống kê, tình hình chăn nuôi trong 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh phát triển ổn định, dịch bệnh đã bùng phát nhưng vẫn đang được kiểm soát tốt. Lực lượng thú y thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng một số bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm. Ước tính đến tháng 7, tổng đàn trâu có 1.210 con, giảm 4,27% so với cùng kỳ; đàn bò ước được 4.270 con, tăng 6,54% so với cùng kỳ; đàn gia cầm ước hơn 4 triệu con, tăng 2,82% so với cùng kỳ; đàn heo ước có 146.123 con, tăng 0,77% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ đã tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại, giá bán đang ổn định.

MAI THANH

 

Thái Bình: Hiệu quả mô hình nuôi ngan Pháp theo hướng an toàn sinh học

 

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Nuôi ngan thương phẩm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) được Trung tâm Khuyến nông triển khai tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vũ Thư, Kiến Xương (Thái Bình). Qua tổng kết, đánh giá, mô hình cho kết quả khả quan, không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, đem lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là hướng đi mới mở ra nhiều triển vọng cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

 

 

Trung tâm Khuyến nông tổ chức nghiệm thu ngan tại các hộ tham gia mô hình.

Với kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm nhiều năm, ông Bùi Văn Dư, thôn 1, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) mạnh dạn nuôi thử nghiệm 1.500 con ngan Pháp thương phẩm giống R71. Đây là giống ngan có nhiều đặc tính ưu việt như: thời gian nuôi ngắn, tăng trọng nhanh, trọng lượng to, thịt ngon, ngọt, thơm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Sau gần 3 tháng nuôi, ông Dư xuất bán hơn 5.100kg, thu về hơn 300 triệu đồng.

Ông Dư cho biết: Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ATSH, sử dụng thuốc thú y, vắc-xin đầy đủ theo nguyên tắc “4 đúng” nên đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh cao. Cân đối thu - chi, sau 3 tháng nuôi gia đình tôi thu lãi khoảng 43 triệu đồng.

Ngan là vật nuôi được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế nhờ thời gian nuôi ngắn và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, các hộ chưa chú trọng lựa chọn con giống bảo đảm chất lượng, chăn nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao.

Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng đang gặp nhiều khó khăn như giá con giống, thức ăn ở mức cao; giá bán sản phẩm, đầu ra không ổn định; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững cần nhân rộng các mô hình sản xuất ATSH, trong đó người chăn nuôi kiểm soát được con giống, thức ăn, thuốc thú y, quản lý được quy trình chăn nuôi, từ đó ổn định sản xuất thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, từ tháng 4 - 8/2024, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình nuôi ngan Pháp R71 thương phẩm ATSH gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 4 hộ chăn nuôi thuộc các xã: Vũ Hòa (Kiến Xương), Vũ Tiến (Vũ Thư) với quy mô 3.400 con. Trong đó, mô hình hỗ trợ 1.700 con giống và một phần kinh phí mua thức ăn, vắc-xin phòng bệnh và một số vật tư đầu vào khác; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ngan theo hướng ATSH cho người chăn nuôi; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng quy trình chăn nuôi theo đúng hướng dẫn kỹ thuật về ATSH, sau gần 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống của đàn ngan Pháp đạt 95,3%, trọng lượng trung bình đạt 3,5kg/con. Với giá bán 62.000 đồng/kg, mô hình cho thu lãi gần 90 triệu đồng.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chất lượng, mô hình đã giúp bà con chuyển đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi. Các hộ dân tham gia mô hình đều nhận thấy muốn nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngoài việc đầu tư chuồng trại, chú trọng con giống, thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc con nuôi theo đúng kỹ thuật, từ đó tạo sức lan tỏa đối với các hộ chăn nuôi khác.

Ông Trần Quý Hưng, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường nuôi ngan nhưng nguồn giống mua qua thương lái, cơ sở ấp nở, không có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm và kỹ thuật nuôi theo kinh nghiệm nên ngan hay bị bệnh, rụng lông, hiệu quả chăn nuôi thấp, có khi còn thua lỗ nếu gặp dịch bệnh. Năm nay, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, tôi tham gia mô hình, được hướng dẫn kỹ thuật tận tình từ lựa chọn con giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, ghi chép nhật ký... nên ngan phát triển tốt, tăng trọng nhanh, hạn chế các bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng, viêm gan... cho tỷ lệ sống cao hơn hẳn so với những năm trước.

Từ hiệu quả mô hình, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình khuyến khích, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhân rộng mô hình, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 7/1/2022 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Lưu Ngân

 

‘Ai bảo chăn trâu là khổ’

 

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Đó là cách mà ông Nguyễn Liễu (thôn Dương Nổ Cồn, xã Phú Dương, TP. Huế), nông dân sản xuất giỏi giai đoạn 2019 – 2023, “mở đầu” về công việc mưu sinh cùng thành quả lao động đáng trân trọng mà vợ chồng ông “gặt hái” được, kèm nụ cười vui vẻ.

 

 

Nhờ nuôi trâu gia đình ông Liễu có nguồn thu ổn định

Nụ cười khiến gương mặt sạm đen bởi dãi nắng, dầm mưa của đôi vợ chồng nông dân nhẹ nhõm. “Quan trọng là cái nhìn, suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh, tình yêu đối với lao động, chứ chân đất “theo đuôi” con trâu thì vất vả là cái chắc” - ông Liễu bộc bạch như vậy, trong khi bước chân thoăn thoắt băng qua đồng đất đầy cây gai bụi để lùa đàn trâu về chuồng.

Nắng mỗi lúc càng nhạt. Trên những gò đất hoang, bầy trâu gần 20 con của ông Liễu đang thong dong nằm nhai lại . “Mọi người hay đùa, tôi có vài trăm triệu nhưng toàn vứt ngoài đồng” - ông Liễu không giấu được niềm vui và tự hào lấp lánh trong ánh mắt.

Mấy chục năm trước, vợ chồng ông Liễu đến với nhau chỉ có đôi bàn tay trắng. Ngôi nhà tranh tre vách lá được dựng tạm bợ trên mảnh đất cha mẹ cho. Những ngày gian khó thuở xưa vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Hồi đó vợ chồng ông Liễu làm ruộng, chằm nón, làm thuê, làm mướn, nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá. Suy nghĩ về một hướng làm ăn mới, trong đầu ông Liễu nghĩ đến truyền thống nuôi trâu kéo cày từ đời cha, đời ông.

Tuy nhiên, hình dung đến mô hình phát triển có hiệu quả bền vững, ông Liễu quyết định “khởi nghiệp” bằng một con trâu cái, nhưng không phải để kéo cày mà phát triển đàn. Mỗi lần trâu đẻ, con đực ông Liễu bán; con cái giữ lại sinh sản. Năm này nối năm khác, bền bỉ như thế, đến lúc đàn trâu đã đông đúc, năm nào ông Liễu cũng xuất chuồng 5 – 10 con. Những năm được giá, trâu 1 tuổi bán được 13 – 15 triệu đồng. Hiện nay, đàn trâu của gia đình ông Liễu đã lên tới 20 con.

Bên hông nhà là ụ rơm được xây cao. Đó là thức ăn dự trữ cho đàn trâu khi mùa đông lạnh và mưa lũ kéo về. Ông Liễu chia sẻ, không tốn chi phí mua thức ăn, nhưng ông bỏ rất nhiều công sức chăn trâu, cắt cỏ, để chăm đàn trâu béo tốt, khỏe mạnh. Mùa mưa rét, ngoài rơm rạ dự trữ, ông Liễu không quản đội mưa rét, đi cắt cỏ tươi.

Ngoài chăm sóc đàn trâu, vợ chồng ông Liễu còn làm 5 sào ruộng và 3 sào dưa gang, dưa hấu. Mỗi ngày của vợ chồng ông Liễu bắt đầu từ mờ sáng đến tối mịt, không ngơi chân ngơi tay, vất vả nhọc nhằn nhưng hạnh phúc lại đến theo những mùa lúa trĩu hạt, mùa dưa ngọt ngào. Bà Phan Thị Hồng Vân (vợ ông Liễu) “khoe”, dưa gang, dưa hấu gia đình bà được bón bằng nguồn phân trâu ủ hoai mục nên cây phát triển tốt, cho nhiều trái, chất lượng an toàn hơn nên tiểu thương rất thích. Dưa gang, dưa hấu của vợ chồng ông Liễu bao giờ cũng bán nhanh và được giá.

Dẫn khách đến những bao phân trâu khô chất thành hàng góc vườn, vợ chồng ông Liễu cho biết, đây là nguồn phân vẫn còn dư để bán cho nông dân địa phương, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Cần cù, chịu thương chịu khó, lại thêm kiến thức tích lũy được trong quá trình dài chăn nuôi, trồng trọt; học hỏi thêm kiến thức từ những đợt tập huấn tại địa phương, đàn trâu cũng như ruộng lúa, ruộng dưa của vợ chồng ông Liễu luôn cho chất lượng đảm bảo, thu nhập ổn định. Mỗi năm sau khi trừ chi phí và trang trải cho sinh hoạt, vợ chồng ông Liễu tích lũy tầm 100 triệu đồng.

Vợ chồng ông Liễu tiễn chân khách ra tận đầu ngõ. Hình ảnh đôi vợ chồng nông dân “chân lấm tay bùn” mộc mạc, nhưng rất đáng trân trọng bởi những thành quả từ những giọt mồ hôi của họ. Đó là nuôi dạy con cái trưởng thành nên người; có nhà cửa khang trang và một sự vượt khó, vươn lên trong lao động sản xuất, cuộc sống.

Bài, ảnh: DUY TRÍ

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop