Truyện ngắn

Trang chủ»Tin tức»Truyện ngắn

Chuyến bay cuối cùng của Yersin
 
Nhân 155 năm sinh, 75 năm mất Alexandre Yersin và kỷ niệm 125 năm (1893 - 2018) bác sĩ phát hiện Đà Lạt, dựa theo tài liệu của một số học giả, truyện ngắn “Chuyến bay cuối cùng của Yersin” ví như nén nhang thơm dâng lên tưởng nhớ một Công dân danh dự của Việt Nam. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

1. Thao thức suốt đêm trước chuyến bay về với Xóm Cồn, tâm tưởng Alexandre Yersin miên man âm hưởng sóng biển Nha Trang rì rầm xô vọng. Chập chờn, ông mường tượng ánh mắt sáng niềm vui tỏa rạng ngời trên gương mặt hốc hác, đen nhẻm của cư dân xóm chài ùa ra hò reo chào đón. Mấy chục năm trước, từ ngày đầu gặp gỡ, làng chài đã quý mến vị bác sĩ lịch duyệt, tận tình chữa bệnh cho mọi người. Ông thường mặc đồng phục trắng mang lon năm vạch mạ vàng, nên được trìu mến gọi “ông Năm” nghe dân dã, gần gũi... Giờ đây, hằng ngày, ngư dân vẫn ngóng ông mặc bộ ka ki màu vàng cưỡi xe đạp đi về Viện Pasteur.
 
Yersin chậm rãi bước tới cửa sổ căn phòng màu trắng tuyết pha vàng nhạt trên tầng 6 Khách sạn Lutetia nơi ở nhiều năm. Năm 1934, Yersin được đề cử Giám đốc Danh dự, Ủy viên Ban Quản trị Viện Pasteur Paris. Hằng năm, ông phải về Pháp họp. Tháng 3 vừa rồi sang dự gặp mặt thường niên, Viện đặt cho ông căn phòng thân thuộc này. Yersin run run hé mở tấm rèm cửa. Dưới phố dân di tản lúc nhúc đông như đàn kiến. Ông xoa đôi tay, chăm chú nhìn bàn tay trái cụt ngón cái lấm chấm đồi mồi... Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ mang thương tật trên đường sau khi tìm ra cao nguyên Lang Bian trở về Phan Rí. Tâm trí bác sĩ vẫn khắc ghi: Một tối, nhóm Yersin đến ngôi làng người thiểu số thân quen vừa bị bọn cướp - khoảng năm mươi người tù vượt ngục - đốt phá. Những túp lều tranh bốc khói nghi ngút. Đoàn thám hiểm mở cuộc truy đuổi... Yersin giơ súng ngắn lên. Mấy ngọn lửa lớn bập bùng làm chờn vờn ẩn hiện những cái bóng giữa đám lá cây đen kịt. Bất thình lình Thục - thủ lĩnh đám cướp nhảy vọt tới đẩy chệch nòng súng ca-nông. Xương chân gẫy rắc bởi nhát chùy giáng mạnh. Yersin chống cự, nhưng quỵ xuống. Con dao rựa nhoáng vung chặt đứt nửa ngón cái bàn tay trái. Lưỡi giáo đâm vào ngực, Thục chắc mẩm đối thủ khó thoát nanh vuốt Thần Chết. Đám cướp bỏ chạy. Gần đống than lụi dần, đoàn thám hiểm tìm thấy bác sĩ. Họ cáng anh về Phan Rang... “Mình cũng đã bao lần lâm nạn, cận kề cái chết, xuýt bị voi dày” - Yersin nghĩ và thầm hỏi “thế nhưng đồng nghiệp đang thuyết phục mình ở lại chèo lái Viện Pasteur có cho rằng ta chạy trốn gọng kìm chế độ độc tài và phát xít đang xiết lại?”. Không, năm mươi năm, từ 1890 quyết chọn rời châu Âu, xa Paris hoa lệ cùng Viện Pasteur danh tiếng tâm hồn mình đã “Việt Nam hóa” rồi. Có lần, Yersin viết thư bộc bạch với mẹ Fanny ở Thụy Sĩ “Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám... Bệnh nhân An Nam từ khắp nơi đổ về đây, những lúc con không đi chơi đâu đó. Nói cho đúng, họ lợi dụng hiểu biết khoa học của con, nhất là những lúc, để trả tiền con, họ lại thân ái đánh cắp ví của con. Nhưng biết làm sao bây giờ, trong óc họ ăn cắp tiền của một người Pháp là một hành động tốt. Vả lại, người Pháp đến xứ Đông Dương để làm gì đây, nếu không phải là ăn cắp của người An Nam?”. Mình chưa từng chạy trốn. Đã 77 tuổi, nếu né tránh thế chiến cận kề thì sang Thụy Sĩ định cư, sống nốt phần đời trong thanh bình. Về lại Việt Nam, cơn lốc chính trị đâu lặng yên mà đang cuộn sóng. Dưới sự lãnh đạo của Cộng sản, phong trào Dân chủ 1936-1939 dần lớn mạnh buộc bộ máy cai trị phải nhượng bộ các yêu sách về dân sinh, dân chủ... Thời cuộc xoay vần ra sao cũng phải về Xóm Cồn với bao dự tính y học, phát triển canh nông đang chờ ta! Bàn tay già nua run run buông rèm cửa. Thân hình cao gầy cúi xuống như một dấu hỏi nhấc quai vali. Yersin giật đóng mạnh cửa căn phòng khách sạn...
 
2. Chiếc thủy phi cơ tựa chú cá voi nhỏ màu trắng thân bọc đuyra đậu trên đường băng sân bay Bourget. Một nhúm người chạy trốn khỏi nước Pháp vần vũ giông bão thế chiến thứ hai uể oải ngồi vặn vẹo trong phòng chờ... Cửa ngõ Paris trùng trùng đoàn quân mang biểu tượng Swastika (hình chữ thập ngoặc, giống chữ Vạn nhà Phật) của dân tộc Aryan cổ đại được Quốc trưởng độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler tôn sùng. Kẻ châm ngòi nổ thế chiến thứ hai đang bị phỉ nhổ là hiện thân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, là dấu hiệu quỷ dữ... Hành khách yên vị trên máy bay. Giấu kín trong hành lý của họ, dưới đống váy áo là những xấp tiền và vàng thỏi. Tấm vé của Yersin ghi ngày 30/5/1940, chỗ ngồi tốt nhất trong tổng số 12 ghế.
 
Đám hành khách giàu có, đặc quyền như cố khỏa lấp sự hèn nhát, nóng lòng đến một chốn yên bình để ẩn trốn, hưởng thụ đống tiền mang theo vô tư ngửa cổ tì tì tống vào những cái bụng phì nộn hết ly whisky, cognac và sâm banh này đến ly khác. Chăm chăm ngó sổ ghi chép, Yersin cố ý tránh giao tiếp. Thế nhưng tên ông và hình dáng một người giờ gần như hói, râu bạc, mắt xanh; áo vét kiểu quý tộc nông thôn, quần màu be, sơ mi trắng mở cổ đã quen thuộc với độc giả báo chí nên sao tránh khỏi những cặp mắt sục sạo, xoi mói, những lời xì xầm mà đôi lúc Yersin thoảng nghe thấy. Mấy mệnh phụ xồn xồn rúc vào nhau cười khúc khích kháo chuyện: Nhà khoa học Yersin đấy. Ông ta cứu thế giới khỏi “cái chết đen” bệnh dịch hạch kinh hoàng làm chết vô số dân châu Âu và dân Trung Quốc. Ông từng xây dựng và làm Hiệu trưởng Trường Y - Dược Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội) năm 1902-1904, sáng lập các Viện Pasteur Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt... Thế nhưng... nghe đâu bác sĩ hâm hâm nhiều năm ở một làng chài heo hút xứ An Nam. Sống ẩn dật trong chòi, đêm đêm thỉnh thoảng bước trên bộ râu của mình như gã phù thủy...
 
Nhắm mắt như thiu thiu ngủ, Yersin lẩm bẩm “Đúng là đồ khỉ cái, trưởng giả và rửng mỡ. Những con vẹt sặc sỡ, ngu dốt. Những kẻ hợm hĩnh, đáng khinh bỉ trong La Comédie humaire (bộ truyện Tấn trò đời - của nhà văn Pháp Balzac 1799-1850). Chung chuyến bay với đám trọc phú quả là sống dưới mấy tầng địa ngục”... Yersin nhớ cuối năm 1893, sau khi tìm ra Đà Lạt, ông tiến hành cuộc thám hiểm dọc cao nguyên Trường Sơn. Từ Biên Hòa đến Đà Lạt, đi tiếp tới cao nguyên Đắk Lắk, sang tỉnh Attopeu phía nam nước Lào. Theo hướng đông ra biển đến Đà Nẵng ngày 17/5/1894. Ông ghi chép quan sát địa lý và dân tộc học khá chi tiết về những vùng đi qua. Yersin được mời về Pháp, báo cáo đăng trên tạp chí của Hội Địa lý... Các nhà báo, luôn sục sạo đánh hơi săn tìm sự việc giật gân, tò mò muốn biết người đầu tiên xác định dịch hạch do trực khuẩn ở chuột gây ra tại Hồng Công 1894 và nhà thám hiểm Viễn Đông trông ra sao? Họ thất vọng. Không dáng vẻ khùng khùng, chân dung chẳng hầm hố của kẻ phiêu lưu. Trái với tưởng tượng phù phiếm, Yersin là chàng thanh niên bình thản và kiên quyết có cái nhìn trong vắt, chòm râu đen xén tỉa gọn gàng. Báo chí giảm nhiệt thành săn đón... Chấp chi miệng lưỡi thế gian. Ngay người thân cũng đã hiểu ta đâu. Về thăm mẹ, Yersin đưa mọi người xem ảnh chụp những đàn bà sắc tộc trên dãy Trường Sơn. Mẹ Fanny lấy ngay khăn phủ lên, các cô gái thuê nhà trọ của bà thì mặt đỏ lựng vì được giáo huấn như vậy. Ôi, Alexandre Yersin giờ đi chụp ảnh những phụ nữ đen sì cởi truồng phô vú vê ngồn ngộn vậy sao... Lẽ nào mẹ yêu quý cũng lướt qua những dòng báo vẽ chuyện bao phủ đặc quánh tựa sương mù quanh mình. Rằng cô gái sơn cước da nâu bóng đã sinh cho bác sĩ Năm một đứa con trai...
 
Trong câu chuyện phiếm nhàm chán, hành khách còn xuýt xoa ca ngợi những vùng “đất hứa” xứ An Nam. Đôi gia đình khoe đến sống ở Ban Mê Thuột, Đà Lạt. Sẽ mở đồn điền, tận dụng nguồn nhân công bản xứ rẻ mạt rồi tha hồ thu lượm vàng từ cà phê, chè, cao su... Một làn không khí mát lạnh bao trùm, lan tỏa khắp thân thể. Đà Lạt, vùng cao nguyên lý tưởng, bọn tư bản thật khéo tính cơ hội “gà đẻ trứng vàng”. Ông buột miệng thì thầm: “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (Mang niềm vui cho một số người và khí hậu ôn hòa cho những người khác - những từ đầu mấy tiếng la-tinh chiết tự thành danh từ Đà Lạt). Ký ức ùa về bóc dần từng mảng thời gian đưa ông hồi tưởng thời trai trẻ lãng mạn, ăm ắp hoài bão.
 
3. Thuở niên thiếu, Yersin mê mẩn cuộc đời Livingstone (1813-1873). Thầy thuốc xứ Êcốt là nhà thám hiểm, nhà bác học, mục sư, người khám phá ra sông Zambèze ở Trung Phi. Ông thành thần tượng và Yersin ao ước ngày nào đó sẽ là một Livingston mới. Anh tâm niệm “Đời mà không đi thì còn là gì đời nữa”.
 
... Năm 1888, Yersin bảo vệ luận án tiến sĩ đề tài “Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm”, được Đại học Y khoa Paris tặng huy chương đồng. Ngày 14/11/1889, Viện Pasteur Paris khánh thành, mời Yersin làm cộng sự viên cho Roux. Roux và Yersin là những người đầu tiên soạn giáo trình, dạy môn vi sinh vật trên thế giới. 
 
Sau 5 năm làm việc ở Paris - thủ đô thế giới về y học, tương lai sáng lạn mở ra với nhà khoa học xuất thân từ hoàn cảnh sống không đến nỗi cùng quẫn nhưng vô cùng đạm bạc. Gốc người Pháp, thời vua Louis XIV tổ tiên lánh nạn sang Morges, bang Vaud (Thụy Sĩ). Cha là giáo viên cấp hai, mê thực vật và côn trùng học. Ông nghiên cứu châu chấu và dế, gửi bài tới Hội Khoa học tự nhiên bang Vaud, Hội Côn trùng học Pháp... Ở tuổi 38, ông gục chết vì kiệt sức trên bàn thí nghiệm. Cô vợ trẻ Fanny đang mang thai và ngày 22/9/1863 Yersin chào đời. 
 
Quả số phận đã an bài trước khát vọng mở tầm nhìn ra thế giới của Yersin, Louis Pasteur và Emile Roux không thể trói anh vào bàn thí nghiệm... Bất đắc dĩ chiều ý trò xuất sắc nhất, Pasteur - Giám đốc Viện, Viện sĩ, Huy chương Bắc đẩu bội tinh, miễn cưỡng giới thiệu với Hãng Đường biển Bordeaux, kèm với hồ sơ Yersin vừa nhập quốc tịch Pháp năm 1888. Hãng chấp thuận đơn xin làm bác sĩ trên tàu, anh được cử đi tuyến châu Á. Marseille năm 1890, Yersin xuống tàu Oxus - tên dòng sông tận xứ Transoxiane từng bị Thành Cát Tư Hãn nhuộm đỏ máu và lấp đầy bằng đầu người Ba Tư - sang Viễn Đông. Vượt trùng dương, Yersin cập bến Sài Gòn. Bốn hôm nữa, bác sĩ lên tàu Volga đi tuyến Sài Gòn - Manila. 
 
Sau Sài Gòn, Yersin dừng lại Nha Trang khi chuyển sang tuyến tàu thủy Sài Gòn - Hải Phòng. Lần nào đến vùng biển này, cảnh vật xinh đẹp đều khiến bác sĩ bị mê hoặc. Cách đó năm mươi cây số đường chim bay, những đỉnh núi dãy Trường Sơn sừng sững quanh năm mây mù bao phủ đầy bí ẩn... Trò chuyện, thuyền trưởng cho hay chưa từng ai vượt qua dãy núi đó, bản đồ cũng chưa người vẽ. Nhìn ánh mắt cháy bùng đam mê khám phá, thuyền trưởng gật gù nghĩ tương lai bác sĩ trẻ không phải ở trên mặt biển. 
 
Đúng như thuyền trưởng dự đoán. Tháng 7/1890, từ Hải Phòng về, Yersin xin ghé Nha Trang và tìm cách đi đường bộ qua Trường Sơn. Ông tin sẽ tìm ra con đường từ Nha Trang vào Sài Gòn. Từ Nha Trang, Yersin cưỡi ngựa tới Phan Rí. Ông thuê người thiểu số đưa đường vượt rừng, dự định lên thượng nguồn sông Đồng Nai rồi xuôi dòng về Sài Gòn. Sau hai ngày gian nan, đến cao nguyên Di Linh thấy đường vào Sài Gòn khá trở ngại và e không kịp hẹn với hãng tàu nên ông đành trở lại Phan Thiết, dùng thuyền buồm ra Quy Nhơn mới kịp đón chuyến tàu đi Hải Phòng. 
 
Hai năm sau, Yersin xin tạm nghỉ việc ở Hãng Đường biển. Yersin đến Nha Trang, dựng ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn, mở phòng khám bệnh và năng vào các làng sắc tộc học tiếng của họ nhằm thực hiện khát vọng chinh phục dãy Trường Sơn... 
 
Đánh giá cao khả năng của Yersin, ngày 29/3/1892, chính quyền Pháp tại Đông Dương yêu cầu ông làm chuyến thám hiểm sang Campuchia. Tiếp theo, Toàn quyền Jean Marie Antoine de Lanessan trao Yersin việc khảo cứu mở đường Sài Gòn lên cao nguyên Trung Phần. Yersin theo đường bộ từ Biên Hòa lên Di Linh và đi tiếp đến cao nguyên Lang Bian. Trong chuyến du thám dài 4 tháng, Yersin thêm lần nữa trải qua những bình minh lạnh giá căm căm; những cơn sốt rét vật vã dưới màn mưa ẩm; cảnh đoàn người vừa đi vừa phải khua chiêng ầm ĩ và đêm đêm dựng lều giữa vòng lửa để xua đuổi voi, hổ báo gầm hú, rắn rết rình rập. Tuy thế cũng không ít lần hò hét náo nhiệt, ngoạn mục trên yên ngựa, rượt đuổi săn hươu, nai... Nhật ký ngày 21/6/1893, Yersin ghi: có vài làng sắc tộc Lat nằm rải rác trong vùng này. “Từ trong rừng thông bước ra tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Lang Bian hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này”. Đến Lang Bian, Yersin gặp dân địa phương tìm hiểu các địa danh rồi phiên âm ra tiếng Pháp. Từ Đà Lạt được ông ám chỉ vùng suối Cam Ly, theo nghĩa cách phát âm của đồng bào địa phương: Da (Đạ) là nước (l’eau) hay suối của bộ lạc người Lat (Lạch). Về sau, người Việt đọc, viết thành Đà Lạt...
 
4. Căng-tin thủy phi cơ. Yersin ngồi nhấm nháp tách cà phê, mắt lơ đãng qua khoảng cửa kính hẹp dõi những đụn mây trắng ùn ùn bồng bềnh, chợt có tiếng nói trầm ấm rất “Parisien” (người Paris):
 
- Xin lỗi, cháu có thể ngồi cùng ngài không? Ư... hừm. Một chuyến bay tẻ ngắt...
 
Yersin ngước lên. Trước mặt là người đàn ông khoảng 35 tuổi, da ngăm ngăm tựa người Indonesia, bộ veston màu rêu ôm gọn thân mình dỏng cao, gọn gàng; mái tóc hung xoăn tít xõa chấm bờ vai, hàm ria đậm như một nét mực, ánh mắt nâu lấp lánh sự thông minh. Tay cầm cuốn tạp chí, anh chàng nghiêng mình chào, nụ cười nhã nhặn tỏa sáng thân thiện.
 
- Không sao! Xin mời!
 
Vị khách khẽ khàng ngồi xuống ghế đối diện, chìa bàn tay mềm mại bắt tay Yersin và giới thiệu: 
 
- Cháu là Jean Mark, giáo viên tiếng Pháp. Còn ngài... Alecxandre Yersin... thì cả thế giới biết!
 
Yersin nheo mắt ngắm Jean Mark và thầm nghĩ “Tuấn tú, bặt thiệp... nhưng...”, ông gật đầu, quay về khoang hành khách đầy nhóc đám quý tộc sặc mùi kiểu cách rồi hỏi:
 
- Anh đi cùng gia đình?
 
- Dạ. Cháu bay một mình, đi trả phép!
 
- Tới đâu... Sài Gòn, Hà Nội hay... Phnom Penh?
 
Bằng tiếng Việt mềm mại và nhỏ nhẹ, Jean Mark đáp: 
 
- Dạ, Đà Lạt!
 
Nét mặt Yersin tươi tỉnh thay vì đăm chiêu như thường lệ, ông mừng rỡ chuyển sang tiếng Việt: - Lạy Chúa! Cậu sang Việt Nam lâu chưa?
 
- Dạ, cháu sinh ở Đà Lạt. Sau đó về Paris học đại học rồi trở lại giảng dạy nơi này... Cháu hân hạnh gặp ngài trong lễ khánh thành trường Grand Lycée Yersin...
 
- Vậy sao? Tuyệt!- Yersin thân mật đập nhẹ bờ vai thầy giáo Pháp văn. 
 
Câu chuyện xã giao nhanh chóng xóa nhòa ranh giới cách biệt tuổi tác giữa hai thế hệ, ông và cháu. Jean Mark cho hay: Năm 1898, cha anh đến Đà Lạt làm chủ thầu xây dựng. Mê vùng đất sơn nguyên, ông cưới thiếu nữ K’Ho Lạch, lập trang trại trồng cà phê, nuôi bò sữa... trở thành chủ đồn điền nổi tiếng ở Dankia.
 
Ánh mắt Yersin bừng sáng sau cặp kính tròn, đưa tay day day thái dương, lẩm bẩm “Dankia, Dankia... Nơi mình lần đầu đặt chân...”. Ông chợt nắm tay Jean Mark đặt trên bàn, dồn dập hỏi:
 
- Má người K’Ho Lạch ư? Ở Dankia không? Tên gì?
 
- Dạ, má người Dankia ạ, con gái tộc trưởng Krajan Tim. Má tên Ha Sương! - Jean Mark phấn chấn với niềm tự hào. 
 
- Tộc trưởng Krajan Tim, Ha Sương! - Bần thần ngả người tựa vào thành ghế, Yersin chậm rãi buông lời - Khi tìm ra Đà Lạt, ta đã kết giao với ông ngoại cháu. Một người uy tín, can trường, thông minh! Krajan Tim từng tổ chức những nhóm hai ba chục người mang sản vật: gạc nai, ngà voi, dây mây, nghệ, hạt thông... xuống biển trao đổi hàng hóa và chuyên chở về những thứ thiết yếu như muối, sắt, đồ trang sức. Không ngờ giữa chốn mịt mùng núi cao, rừng thẳm mà ngày xưa ông ngoại cậu đã lặn lội sang buôn bán ở Campuchia... Chúng ta hợp nhau ở tính phiêu lưu và ta thích câu nói của Krajan Tim: “Làm đất phải cuốc hết ngày, đi buôn phải giao du khắp chốn”... 
 
5 năm trước (28/6/1935), Yersin được mời lên Đà Lạt khánh thành ngôi trường mang tên mình: Grand Lycée Yersin. Toàn quyền René Robin tổ chức bữa tiệc trọng thể dưới vòm trang trí đá hoa cương của Khách sạn Lang Bian Palace (nay là Đà Lạt Palace). Hoàng đế Bảo Đại - vua xứ thuộc địa khét tiếng vung tiền vào thú ăn chơi, trăng hoa xuyên quốc gia nhân dịp đã long trọng trao Long đẩu bội tinh (chắp ghép theo thể thức phong thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh mà mẫu quốc dành cho những người có đóng góp đặc biệt) của Nam triều cho ông. Họ mời đến những người Thượng từng gặp Yersin trong đợt thám hiểm năm 1893. Yersin ngượng nghịu trong bộ comlê đeo dải Long đẩu bội tinh đỏ và vàng. Trước mặt Bảo Đại và giới chức Pháp cùng An Nam xúm xít, rôm rả tán tụng công lao của bác sĩ đối với Đà Lạt, tâm trí ông phân tán vì không thể nói điều cảm thấy bứt rứt. Không riêng Yersin mà những người bạn Thượng vốn ưa thỏa mái khi cởi trần, vấn khố nay phải khoác bộ y phục người Kinh cũng thấy lúng túng như thừa tay thừa chân. Yersin hồ hởi bắt tay Krajan Tim và những người thân cũ. Krajan Tim kém Yersin 5 tuổi nhưng lưng còng, mắt mờ và trí nhớ lẫn lộn nên không thể hàn huyên nhiều. Ông chợt khựng người nhận thấy thiếu vắng ánh mắt Ha Sương lấp lánh như cặp lá đẫm sương mai... Sao nàng không dự tiệc? Nàng “bắt” chồng rồi, ở đâu? Giờ ngoài 60 tuổi, dung nhan ra sao? Theo tập tục vùng này, “cà răng, căng tai” nhằm tôn vinh vẻ đẹp đàn bà, vậy Ha Sương có theo tục lệ không? Chao ôi, mới ngày nào nàng mấp mé độ tuổi trăng tròn, với tín ngưỡng phồn thực và quan niệm “tốt khoe, xấu che” nên không mặc áo, trời lạnh giá lắm mới khoác thêm tấm ùi (chăn), chỉ phơi trần khoe bầu vú nhú căng, mặc chiếc váy ôm gọn vòng eo thon, tôn bờ hông nở nang, suối tóc miên man hoang dại xõa ngang lưng. Nàng rực rỡ và thơm như bông hoa rừng cứ khăng khăng đòi ngồi sau trên lưng ngựa đã ép cặp đùi rắn chắc, tấm thân mềm mại nóng hổi tràn trề sinh lực sát người mình khi phi ngựa lướt trên thảo nguyên... Một đêm trăng gần tròn, Ha Sương thì thầm những lời nhỏ nhẹ ấm áp bên tai rủ anh rời vòng xoang quanh đống lửa reo phần phật trước nhà dài. Cồng chiêng bập bùng tấu lên khúc sử thi, nơi đàn ông đàn bà líu ríu, nghiêng ngả bên chóe rượu cần tỏa hương đượm nồng. Hai người dắt tay nhau chạy ngược lên trên đồi thông bảng lảng sương mù. Trong hơi thở gấp gấp và nhịp tim thình thịch như vang dội âm cồng chiêng, Ha Sương chợt ôm ghì anh. Nàng nhón chân và rướn người vít đầu anh xuống, đôi môi chúm chím như nụ hoa hé mở cuống quýt đặt những nụ hôn nóng bỏng, cuồng nhiệt lên hàng ria, lên má, lên mắt nhà du thám... Hai người cuốn quyện, ngả mình trên bãi cỏ và ôm nhau cuộn lăn xuống chân đồi. 
 
Gặp lại già làng Krajan Tim, nhớ chuyện cũ khiến tâm trạng xao xuyến ngậm ngùi. Yersin nhận thấy lời nói năm xưa ông đã không dối lòng... Tình yêu bộc phát như lửa hồng phừng phực, Ha Sương ngỏ ý muốn theo chế độ “mẫu hệ” của người K’Ho Lạch “bắt” Yersin làm chồng. Ông phải tốn bao lời giải thích và sơn nữ nhiều lần sụt sùi, sướt mướt rơi lệ rồi nàng mới hiểu lý do cuộc đời phiêu bạt nay đây mai đó không thể trói buộc Yersin ở chốn sơn nguyên này. Hơn nữa, ông tôn thờ và chỉ có một si mê cháy bỏng là nghiên cứu khoa học... Đã từ lâu, Yersin dường như không bị chi phối bởi tình yêu. Trước đây, mẹ từng muốn có cháu bế bồng, đã chọn cháu gái bà bạn làm hôn thê cho ông. Lần quay lại Paris báo cáo kết quả chuyến du thám Lào, thăm nhà, Yersin chỉ thờ ơ, dửng dưng giữa đám phụ nữ hâm mộ vây quanh, ồn ã những câu chuyện vô vị. Ngẫm trong cuộc đời, như một nhà văn nhận xét: Yersin nhiều lần thực hành ghép đôi những con đực lên cơn động dục và những con cái hứng tình, gí mũi chuột đực vào âm hộ chuột cái để đẩy nhanh tốc độ cuộc thí nghiệm. Vậy mà, chưa bao giờ ông nhìn ra một vi khuẩn tình yêu nào trong đống vi khuẩn ấy...
 
Khuya ở Lang Bian Palace, Yersin mở toang cánh cửa sổ trên lầu. Rừng thông lay động, ầm ào rú rít và lớp lớp sương mù cuồn cuộn từ đỉnh núi Lang Bian như bầy dã thú lồng lộn xô đuổi nhau trên nền trời đen thẳm. Ông dằn vặt trách mình đã khám phá ra Lang Bian, chỉ chốn đào nguyên thơ mộng cho ông bạn Doumer “khai sáng”. Giữa thập kỷ ba mươi thế kỷ hai mươi, vùng sơn nguyên trở thành Đà Lạt - một trung tâm của quyền lực thực dân, một đỉnh cao thống trị Đông Dương... Cảnh sắc mới kiến tạo và khí hậu ôn đới đã tạo dáng dấp một “Paris thu nhỏ”. Cao nguyên lẽ ra phải để nó cho các tộc người hưởng trọn cuộc sống hồn nhiên tự ngàn xưa chứ không phải méo dạng trong manh áo phố thị Tây phương như hiện tại! 
 
Trước khi lên Đà Lạt, Yersin đọc một tài liệu cho thấy ở chốn này người thiểu số hầu như không thường trú trong nội thành. Họ đang bị đẩy lùi xa chốn từ lâu đời vốn là buôn làng, nương rẫy, mồ mả cha ông... Tâm tưởng Yersin ngổn ngang mâu thuẫn, dằn vặt. Ám ảnh bởi câu thơ Rimbaud “Il faut être absolument moderne” (Phải tuyệt đối hiện đại), ông luôn ủng hộ những gì mới mẻ và khoa học. Thực tế, Yersin là nhân vật đầu tiên ở An Nam cưỡi xe đạp, phóng môtô, lái ôtô, nhà sản xuất cao su. Ông thừa hiểu ủng hộ tiến bộ, khoa học đôi khi là đi ngược lại với tính nhân văn, nhân bản... Vậy thì, nuối tiếc làm chi khi khăng khăng giữ lại nét nguyên sơ và những tập tục mông muội của đại ngàn. Lang Bian phải hòa nhập với thế giới, các sắc tộc nơi đây phải được đón nhận ánh sáng văn minh... Đánh giá công tâm thì ta đã góp phần mở ra một trang sử mới tốt lành cho xã hội nguyên thủy trên sơn cước. Sự thật đã vậy thì không thể bắt quay ngược lại. Vấn đề đặt ra là làm gì để tác động tới chính phủ bảo hộ có những cơ chế dễ thở, tăng cường khai hóa dân trí nhằm giúp người An Nam cũng như các sắc tộc trên Lang Bian tạo dựng cuộc sống tốt hơn. Nghĩ vậy, song ông lắc đầu buồn bã bởi khó tin chủ nghĩa thực dân - “con đỉa hai vòi” đầy tham vọng vơ vét tài nguyên - một vòi hút máu chính quốc, một vòi hút máu ở xứ thuộc địa, thực hiện điều đó.
 
5. Yersin vẫy tay cho tiếp viên hàng không yêu cầu mang cho hai ly cognac. Ông nâng ly cụng với Jean Mark:
 
- Xin hỏi ba má cháu vẫn ở Đà Lạt? 
 
- Dạ, cảm ơn ngài! - Thầy giáo Pháp văn cảm động lên tiếng - Năm 1930, ba má trở về Paris! Má cháu tính không sang Pháp nhưng chiều ba nên... Ở Paris má vẫn tiếp tục dạy tiểu học, một nghề mình yêu thích.
 
“Sang Paris... Lạy Chúa! Thế là ổn... mừng cho Ha Siêng. Thảo nào 5 năm trước không gặp lại!” - Vuốt chòm râu trắng, mỉm cười trong tâm trạng thư thái, Yersin nhấp một ngụm hết ly rượu lớn. Ông thầm nghĩ lần này trở về Nha Trang sẽ không bao giờ đi xa nữa. Ông muốn tranh thủ những năm tháng cuối đời tiếp tục cống hiến cho các công trình y học, nông học trên xứ An Nam. 
 
Sân bay Sài Gòn mùa xuân năm 1940. Alexandre Yersin từ biệt chiếc thủy phi cơ và hành trình 8 ngày với mười lần cất, hạ cánh... Ông nào hay đấy là chuyến bay rời châu Âu cuối cùng của cuộc đời và rồi ba năm sau ông mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng ở Suối Dầu - Nơi mà sau này đến viếng, Patrick Deville - một trong những nhà văn Pháp hàng đầu hiện nay đã xúc cảm viết: “Giờ thì mọi thứ đều đã đi vào trật tự. Ông đã chọn địa điểm và vạch ranh giới cho nó. Ông đã chọn biến vương quốc của mình từ hàng chục nghìn héc-ta thành chỉ còn hai mét vuông”... Yersin vẫy tay quyến luyến Jean Mark với lời hẹn sớm lên Đà Lạt thăm anh - người đồng hành dễ mến chỉ đến lúc chia tay mới tiết lộ “Má Ha Sương thường kể chuyện về ông. Sống ở đâu, má cũng treo trang trọng ở phòng khách bức ảnh chân dung ông đội mũ vải rộng vành và mặc áo kiểu Trung Hoa cài khuy cao đến cổ. Má nói tấm hình chụp thời Yersin mở lối xuyên rừng tìm ra Lang Bian”... Vội vã lên xe, Yersin phải ra ga tàu hỏa ngay cho kịp chuyến đi Nha Trang, về với Xóm Cồn... 
 
Đà Lạt, 11/2018
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ÐẠM

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop