Văn hóa

Trang chủ»Tin tức»Văn hóa

Nghệ thuật chữ nghĩa của người Việt xưa

Chữ Hán với nội hàm thâm sâu đã trở thành di sản văn hóa không chỉ của Trung Hoa mà còn là của cả thế giới, đặc biệt tại những nước “đồng văn” với Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các quốc gia nói trên đều có thời gian dài sử dụng và đã biến chữ Hán thành một phần văn hóa của dân tộc mình.

Mặc dù người Việt không giao tiếp bằng tiếng Hán, nhưng loại chữ này vẫn được cha ông ta tiếp thụ để bổ sung thêm vào sự giàu đẹp của tiếng Việt. Đó chính là bộ phận chữ Hán Việt và chữ Nôm – một loại chữ do chính người Việt phát minh dựa trên cách viết của các bộ Hán tự. Hơn thế nữa, ông cha ta còn dung nạp và vận dụng chữ Hán trong đời sống thường nhật, khiến nó trở thành một loại nghệ thuật ngôn ngữ, gọi là thú chơi chữ.

Đầu Xuân bàn về nghệ thuật chữ nghĩa của người Việt xưa (P1)

Không giống hoàn toàn như thú chơi chữ làm câu đối của người Trung Quốc, thú chơi chữ của nước ta gồm cả Hán lẫn Nôm với biết bao giai thoại thú vị được ghi lại trong lịch sử.

Nhân dịp đầu Xuân, người viết xin góp nhặt lại những giai thoại độc đáo nhất về cách chơi chữ của ông cha xưa để độc giả cùng thưởng thức.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền thi đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử thời vua Trần Thái Tông. Đây cũng là khoa thi Nho học đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đặt ra danh vị Tam khôi, bao gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, và Thám hoa.

Với trí thông minh tuyệt đỉnh, Nguyễn Hiền đã để lại nhiều giai thoại chơi chữ khá thú vị.

Đối đáp với quan Lang Trung

Hồi mới lên 7, Nguyễn Hiền thường hay chơi trò nặn đất với đám bạn mục đồng. Một lần cậu nặn con voi đất, rồi lấy bốn con cua để vào bốn chân, lấy đỉa làm vòi, lấy bướm làm tai, thành ra voi đất cũng cử động được, khiến bọn trẻ vui thích reo hò ầm ĩ. Chợt một ông quan đi qua đứng lại xem và hỏi chuyện cậu bé Hiền. Thấy cậu bé khéo léo lại láu lỉnh, ông quan liền đọc đùa một câu:

“Bọn trẻ năm sáu đứa, không đứa nào khéo bằng mày”
(“Ðồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo!”)

Cậu bé Hiền thấy vậy, hỏi ông quan rằng:

– Trước hết xin ông cho biết ông làm chức quan gì?

Quan nói:

– Ta là quan Lang Trung, mỗi tháng ăn lương hai ngàn hộc.

Thấy quan có ý khoe khoang, cậu bé Hiền liền đối rằng:

“Quan lang trung ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai… bằng ông.”
(“Lang trung nhị thiên thạch, mạc nhược công.”)

Quan cười bảo:

– Ðối còn thiếu một chữ!

Nguyễn Hiền nài cho tiền rồi sẽ đối nốt. Quan cho tiền xong, cậu liền bổ sung chữ “Liêm” (廉) vào vế đối.

Quan chịu là giỏi, nhưng vui miệng hỏi thêm:

– Thế nếu ta không cho tiền, thì cháu đối chữ gì?

Nguyễn Hiền trả lời:

– Khó gì? Nếu ngài không cho tiền thì cháu chỉ việc điền chữ “Tham” (貪) vào thôi!

Quan biết thằng bé láu cá, đành phải bỏ đi không dám trêu chọc gì nữa, kẻo lại mang tiếng “to đầu mà dại”!

Nguyễn Hiền là trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử nước ta. (Ảnh minh họa: Tạp chí Văn nghệ)

Đối đáp với quan khâm sai

Nguyễn Hiền quê ở làng Hà Dương (tỉnh Nam Định). Năm 13 tuổi, cậu đi thi đình và đỗ Trạng nguyên. Tại lễ triều kiến các vị tân khoa, vua Trần Thái Tông thấy Trạng quá nhỏ, bèn cho về quê, hẹn ba năm sau sẽ cho vào triều phong quan. Được ít lâu, sứ thần Mông Cổ đem một bài thơ sang thách giải nghĩa:

“Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Nhị vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian”.

Vua Trần hỏi các quần thần thì không ai giải được, phải sai hai quan văn võ đến nhà Nguyễn Hiền mời vào triều để hỏi.

Hai viên khâm sai không quản ngày đêm, phi ngựa nước đại tìm về làng Trạng. Thấy một lũ trẻ đang đùa nghịch ở gốc đa đầu làng, viên quan võ thử ra một câu đối để dò xem Trạng có mặt trong đám ấy chăng. Vế ra là:

“Tự là chữ, cất giằng đầu, chữ tử là con, con ai con nấy?”

Một đứa trẻ đối ứng khẩu ngay:

“Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này?”

Vế đối là theo lối chiết tự chữ Hán. Chữ “Tự” (字) có hai bộ phận, trên như cái giằng xay, dưới là chữ “Tử” (子). Để nguyên “Tự” có nghĩa là chữ, bỏ giằng trên còn lại chữ “Tử” nghĩa là con, và gắn luôn với vế đối nôm tiếp đó thì thành một câu hỏi nửa Hán nửa Nôm. Câu hỏi cũng có sắc thái của người trên hỏi kẻ dưới.

Trạng Hiền cũng đối lại bằng cách chiết tự chữ Hán kết hợp với một phần Nôm: chữ “Vu” (于) là chưng có hai nét ngang và một nét móc, bỏ nét ngang (一) ở giữa thành chữ “Đinh” (丁), nghĩa là đứa, đi với ‘đứa nào đứa này’ là một vế đối rất chỉnh và rất xược.

Đối xong đám trẻ giải tán ai về nhà nấy. Hai viên sứ giả biết đứa trẻ ấy là Trạng Hiền, mới hỏi thăm đến tận nhà thì thấy Trạng đang lúi cúi ở dưới bếp.

Viên quan văn bèn đọc một câu rằng:

“Tôi nghe quân tử xa chỗ bếp núc, sao phải nịnh vua bếp?”
(“Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị Táo?”)

Trạng Hiền ứng khẩu đối ngay:

“Ta vốn có chức làm được Tể tướng, nhưng còn tạm nấu nồi canh.”
(“Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh.”)

Hai vị khâm sai biết đúng là Trạng bèn mời về cung, Trạng nói:

– Trước, vua chê ta không biết lễ. Nay thì chính nhà vua cũng không biết lễ. Ta không phụng chiếu đâu. Nếu nhà vua muốn mời ta về phải có voi ngựa, bằng sắc, mũ áo rước thì ta mới đi.

Sứ phản hồi xin vua đầy đủ các nghi thức trên, bấy giờ Trạng mới chịu hồi cung. Khi đến kinh, Trạng Hiền cầm bút viết ra một chữ và giải rằng:

– Câu thứ nhất nghĩa là chữ “Nhật” (日), ngược xuôi bằng đầu nhau. Câu thứ nhì là bốn chữ “Sơn” (山), ngược xuôi cũng là chữ Sơn cả. Câu thứ ba hai chữ “Vương” (王), tranh nhau ở trong một nước, câu thứ tư là bốn chữ “Khẩu” (口), ngang dọc đều là khẩu cả. Tóm lại chỉ là một chữ “Điền” (田).

Giải xong, đưa cho sứ giả xem, sứ phải chịu là giỏi.

Vua Lê Thánh Tông

Ông tên thật là Tư Thành, hiệu Thiên Nam động chủ. Không chỉ là vị vua vĩ đại xây dựng nên vương triều hùng mạnh nhất lịch sử Việt Nam, Lê Thánh Tông còn được biết đến như một nhà thơ đầy tài năng. Kỹ thuật chơi chữ làm câu đối của ông cũng đi vào giai thoại với nhiều câu đối vịnh những việc bình thường nhưng mang khẩu khí đế vương.

Vua Lê Thánh Tông. (Ảnh: NXB Trẻ.)

Câu đối tặng nhà thợ nhuộm

Vào tối 30 Tết năm nọ, vua Lê Thánh Tông giả làm người học trò đi dạo xem các câu đối ở kinh thành. Chợt qua cửa nhà một người đàn bà làm nghề thợ nhuộm, thấy không có câu đối, nhà vua lấy làm lạ ghé vào thăm hỏi. Người đàn bà kêu là góa chồng, còn con trai thì vẫn là học trò nhỏ chưa biết làm câu đối. Nhà vua liền bảo lấy giấy hồng điều và bút mực, rồi vua hạ bút viết hộ một câu đối như sau:

“Xanh vàng thiên hạ đều tay mỗ
Đỏ tía trong triều bởi cửa ta.”

(“Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ
Triều trung chu tử tổng ngô môn.”)

Những câu trên miêu tả nghề thợ nhuộm nhưng lại hiện lên hình ảnh của một người nắm quyền thiên hạ: “Xanh vàng” cũng là hai màu tượng trưng cho dân thường và hoàng đế hay hoàng gia. “Chu tử” tức là đỏ và tía, là màu áo của các quan từ thấp cho đến cao. ‘Tất cả đều qua tay ta’, nếu không phải chúa thiên hạ thì còn ai vào đây?

Mấy hôm sau, Thượng thư đương triều là Trạng nguyên Lương Thế Vinh đi chầu qua nhà thợ nhuộm, thấy câu đối có khẩu khí như vậy thì hoảng hốt vô cùng. Vào triều, họ Lương tâu với vua rằng ngoài phố có nhà nọ có ý muốn làm vua thiên hạ, cần phải cho người đi dò xét. Lê Thánh Tông nghe xong phì cười, nhận câu đối đó là do chính tay mình viết hộ, khiến Thượng thư họ Lương bị một phen chưng hửng. Sau đó, quan Thượng thư thầm nghĩ rằng nhà thợ nhuộm mà Tết nhất lại được Thiên tử ngự giá đến, hẳn sau này con cháu phải giàu sang lắm, bèn đem ngay cô con gái út đến gả cho con trai nhà thợ nhuộm. Có thuyết khác lại nói đôi câu đối này do vua Thiệu Trị tặng hàng thợ nhuộm.

Câu đối tặng nhà người hốt phân

Vào một dịp Tết khác, vua Lê Thánh Tông lại giả làm thường dân đi chơi phố phường để xem xét dân tình. Đi tới đâu nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị nên rất hài lòng. Riêng nhà nọ chẳng treo đèn kết hoa, cũng chẳng có đối liễn gì hết.

Vua rẽ vào hỏi, chủ nhà trả lời rằng:

– Chả giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với phố phường cho thêm tủi!

Vua ngạc nhiên nói:

– Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ?

Chủ nhà cứ thật thà trả lời:

– Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi hót phân người để bán thôi ạ!

Nhà vua nghe xong, cười bảo:

– Ồ, nếu vậy nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn!

Rồi vua gọi lấy giấy bút, viết giùm cho một đôi câu đối như sau:

“Thân khoác chiến bào, có thể lo toan những việc khó khăn trên đời
Tay cầm ba thước gươm, thu hết lòng người trong thiên hạ.”

(“Thân nhất nhung y năng đương thế gian chi nan sự
Thủ tam xích kiếm tận thu thiên hạ chi nhân tâm.”)

Câu đối tài tình vẫn miêu tả đúng hình tượng người hốt phân (mặc áo tơi, tay cầm gàu hốt) đang làm công việc của mình. Nhưng người ta không thể khinh được nữa vì đó đúng là việc khó khăn trên đời – Có việc nào khó bằng thu được lòng người trong thiên hạ đâu? Đây là hình ảnh của một ông vua sáng nghiệp “thân bố y, tay trường kiếm” thường thấy trong sử sách.

Câu đối tặng bà lão hàng nước

Một lần, khi ra ngoại thành xem dân tình chuẩn bị Tết, nhà vua ghé thăm một quán bán trầu nước. Thấy gia đình neo đơn, chưa có không khí đón Tết, ông đã tự tay viết giúp bà chủ quán đôi câu đối đỏ hoàn toàn bắng tiếng mẹ đẻ treo trước cửa hàng:

“Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm
Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng.”

Câu đối trên miêu tả một quán bán trầu nước mà ta thường gặp, có đủ “giầu” (cau), “cơi” (trầu), “ấm”, “nước”, “bát”, “hàng”… nhưng lại mang khẩu khí của bậc đế vương: “Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng”.

Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến

Cuộc đời làm quan của Nguyễn Khuyến không như ý. Gặp lúc nước nhà loạn lạc, ông đã từ quan về ở ẩn nơi thôn dã. Tuy nhiên tài năng thi phú của ông lại danh truyền hậu thế, đặc biệt nhất là những câu đối cả Hán và Nôm thể hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ vô tiền khoáng hậu.

Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. (Ảnh: wikipedia.org)

Câu đối cho chị hàng thịt tốt bụng

Chị hàng thịt ở góa từ khi còn trẻ. Chị nối nghề của chồng nên làm ăn khá giả. Nhân ngày giáp Tết, chị mang biếu cụ Tam Nguyên – người hàng xóm của mình – đôi bồ dục và bát tiết canh lợn. Cụ Yên Đổ liền ứng tác tặng chị bán thịt tốt bụng câu đối về treo Tết bằng chữ Hán:

“Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.”

Tạm dịch:

“Bốn mùa, tám tiết luôn chung thủy
Dặm liễu, gò bồ muốn điểm trang.”

Mới nghe qua ai cũng tưởng đây là một câu đối chữ Hán, có nghĩa là: bốn mùa tám tiết bền chung thủy. Nhưng bờ cỏ, dặm liễu cũng vẫn còn muốn trang điểm. Hai câu miêu tả lòng chung thủy của người vợ góa, cố gắng giữ lòng chung thủy với chồng dù cho vẫn còn xuân sắc.

Nhưng hai chữ “tiết” và “canh” trong vế trên cùng với “bồ” và “dục” trong vế dưới nếu đọc liền nhau lại là tiếng Việt thuần túy, với “tiết canh” và “bồ dục” là hai món quà của chị hàng thịt tặng cụ, qua đó cũng nói lên lời cảm ơn và khen ngợi lòng chung thủy của chị.

Vì cách dùng chữ Hán Việt tuyệt diệu vậy nên có thể coi đây là một câu đối Nôm viết bằng chữ Hán vậy. Tam Nguyên Yên Đổ chính là bậc thầy của dạng câu đối này.

Câu đối cho chú tiểu ngọng và sư cụ móm

Một lần Nguyễn Khuyến đi qua chùa Đọi ở Hà Nam. Chùa này có một chú tiểu nói ngọng và một sư cụ móm nói phều phào đang tụng kinh. Thấy sự trùng hợp thú vị, cụ Tam Nguyên Yên Đổ ứng khẩu làm ngay đôi câu đối:

“Phất phất phóng phong phan, pháp phái phi phù, phù phụng phật
Căng căng canh cổ kệ, cao ca kì cứu, cứu cùng kinh.”

Tạm dịch:

Phất phơ cờ phướn bay trước gió, đạo pháp và cờ phướn bay để thờ Phật
Tất cả cùng đọc kinh cổ, đọc to lên để khảo cứu kinh Phật cho đến cùng.

Mới nghe qua thì là một câu đối ca tụng Phật Pháp. Nhưng khi đọc theo âm Hán Việt thì ta lại nghe như hai câu nói của cụ già bị móm (câu trên) và cậu bé nói ngọng (câu dưới). Quả thật rất tài tình!

Câu đối cho vợ chồng anh coi chợ

Xưa có một anh làm nghề coi chợ, còn gọi là khán thị. Nhờ vị thế coi chợ, vợ chồng anh ta còn buôn bán thêm, kiếm được khá, chẳng bao lâu xây được căn nhà to, vừa sát chợ lại gần sông. Anh muốn tổ chức một bữa liên hoan thật hoành tráng mừng nhà mới. Mặc dù chữ Nho anh chỉ biết lõm bõm, nhưng cũng muốn có một câu đối để thể hiện mình là người có học trong buổi tiệc. Nhưng chị vợ lại mù tịt chữ Nho nên muốn thửa một cặp câu đối chữ Nôm cho dễ hiểu.

Sau một hồi tranh cãi không ngã ngũ, không ai chịu ai, vợ chồng anh cùng kéo nhau đến gặp cụ Tam Nguyên. Cụ cười bảo:

– Thôi thôi, để ta chiều cả hai, viết một bên Nho, một bên Nôm, được chưa nào?

Rồi cụ viết:

“Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa khả phong giai tịch ốc
Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm.”

Vế trước bằng chữ Hán, ca ngợi vị trí đẹp của ngôi nhà. Vế sau bằng chữ Nôm, ca ngợi cái địa vị mới của anh coi chợ. Cái hay là chữ Hán và Nôm nhưng lại đối nhau chan chát, nghe qua quả thật đúng y hai vợ chồng đang cãi nhau.

“Thị” đối “làng”, ”giang” đối “nước”, “thử địa” đối “nhờ trời”, “nhất” và “nhị” tức là số một và hai đối với “giàu” và “sang”. Ba chữ cuối “giai tịch ốc” (Hán) đối với “vểnh râu tôm” (Nôm) càng độc đáo hơn. Vốn “giai tịch ốc” nghĩa là “tích lũy xây được nhà đẹp” nhưng đọc theo âm Nôm là “một con ốc đẹp” đối với “vểnh râu tôm” trong tích “rồng đến nhà tôm” cũng có nghĩa đen là con tôm. Ốc Tôm lại là hai sinh vật sống dưới sông, cũng là sản vật phổ thông mà người ta hay buôn bán ngay đó, vừa đúng ngay vị trí nhà của anh này gần chợ sát cạnh sông và chẳng phải cũng đúng với cái nghề coi chợ còn gì?

Câu đối: nghệ thuật chơi chữ của người Việt (P2)

Tiếng Việt giàu và đẹp, những giai thoại về câu đối chữ của cha ông ta đã thể hiện trí tuệ uyên bác của người xưa. Mời độc giả cùng đón đọc kỳ tiếp theo với những câu đối tuyệt đỉnh của Nguyễn Công Trứ, nữ sỹ Đoàn Thị Điểm và Bảng nhãn Vũ Duy Thanh.

Uy Viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ

Hậu thế gọi ông là Uy Viễn tướng quân. Đỗ đạt muộn, mãi đến năm 1819 lúc 42 tuổi ông mới thi đậu Giải nguyên và bắt đầu một sự nghiệp lẫy lừng. Tuy từng trải qua cảnh nghèo khổ, nhưng Nguyễn Công Trứ luôn giữ vững tinh thần lạc quan và ý chí cứng cỏi của một nhà Nho truyền thống. Hậu thế vẫn còn ghi nhớ về ông qua những giai thoại thuở hàn vi với nhiều câu đối Hán Nôm vô cùng tuyệt diệu.

Những câu đối Tết nghèo

Nguyễn Công Trứ lận đận số quan trường, mãi đến 42 tuổi mới thi đỗ làm quan. Trước đó ông phải sống trong cảnh vô cùng nghèo khó. Tuy vậy, cảnh nghèo chỉ càng làm ý chí của ông mạnh mẽ hơn. Ông đã dùng tài thơ của mình ghi lại những ngày năm mới khốn khổ một cách rất lạc quan.

Ví dụ như:

“Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái
Nhà ba gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.”

Bầu lăn chiêng là vì không có rượu. “Chiêng” đối với “trống” ở câu dưới thật chỉnh. Cái bầu rượu không đối với gian nhà cũng… trống không, quả là một cái Tết rất nghèo!

Ngày xưa, câu đối Tết dán trên cửa thường là Ngũ phúc lâm môn và Tam dương khai thái.

“Ngũ phúc lâm môn” (năm điều phúc vào cửa): Thọ (sống lâu), Phú (giàu sang), Khang ninh (bình an, khỏe mạnh), Du hiếu đức (ham làm việc phước đức), Khảo chung mệnh (sống trọn tuổi Trời cho).

“Tam dương khai thái”: Theo Kinh Dịch, ba hào dương (ba vạch liền) mở ra quẻ Thái tượng trưng cho mùa xuân tốt lành. Các điều may mắn ấy thường viết trong khung cảnh năm mới sung túc đầy đủ, nay Nguyễn Công Trứ đem viết chung với bầu rượu không và gian nhà trống thì quả là xưa nay hiếm vậy.

Ngay như ông Phúc có ngang nhà Nguyễn Công Trứ chắc cũng phải một phen phát hoảng:

“Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.”

Ba mươi sáu cái xuân xanh rồi nhưng vẫn nghèo và chưa đỗ đạt, cái Tết ấy của nam nhi đại trượng phu quả thật không phải dễ dàng gì. Nhưng ông vẫn luôn lạc quan:

“Chị em ơi! Ba mươi sáu tuổi rồi. Khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.
Trời đất nhẽ! Gắng một phen này nữa. Xếp cung, kiếm, cầm thư vào một gánh, làm sao nổi tiếng trượng phu kềnh.”

Chân dung cụ Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: baoxaydung.com)

Câu thơ đáp lời Tả quân Lê Văn Duyệt

Tương truyền, một lần có việc đi xa, trời rét, Nguyễn Công Trứ vào quán nước bên đường nghỉ chân. Gặp lúc đại binh của Tả quân Lê Văn Duyệt đi tập về, mọi người sợ hãi nép vào một góc, riêng ông vẫn đắp chiếu nằm trên ổ rơm ngủ. Quân lính đánh thức ông dậy, Lê Văn Duyệt thấy ông là học trò nho nhã, liền bảo ông thử vịnh cảnh “nằm ổ rơm đắp chiếu”, nếu hay sẽ được tha. Ông ứng khẩu đọc:

“Ba vạn anh hùng đè xuống dưới
Chín tầng thiên tử đội lên trên.”

Câu thơ vừa tả thực vừa ẩn dụ đầy khẩu khí. “Ba vạn anh hùng” là miêu tả ổ rơm (ý nói là anh hùng rơm!), “Chín lần thiên tử” vừa chỉ nhà vua, vừa chỉ chiếc chiếu (trùng âm với chữ chiếu trong chiếu chỉ của nhà vua, người hay được xưng là bậc “cửu trùng”).

Khẩu khí là tâm, là bản chất sâu kín của một người. Dù có che đậy giỏi thế nào thì đôi khi thông qua khẩu khí ta có thể biết được đó là người tốt hay xấu, sang hay hèn, còn có thể tiên tri về vận mệnh của một người.

Câu thơ ứng khẩu trên mang khẩu khí của Nguyễn Công Trứ, cũng đã tiên tri về tương lai ông sau này. Đó sẽ là một cuộc đời oanh liệt, mang quân đánh dẹp anh hùng khắp thiên hạ (ba vạn anh hùng đè xuống dưới), lập nên công lao to lớn và trở thành bậc đại thần sát bên ngai rồng của hoàng đế. Cả đời dù thăng trầm nhưng vẫn một lòng trung thành làm hết trách nhiệm của một tôi trung (thiên tử đội lên trên).  

Câu đối viết cho chùa ở làng nghề thợ rèn

Có làng nghề rèn dao vừa làm xong ngôi chùa làng. Dân đến xin Nguyễn Công Trứ câu đối để khắc vào cổng chùa. Ông đã cầm bút viết hai chữ lớn “Sắc Không” vào một tờ giấy đỏ. Trên một tờ khác, ông viết hai chữ “Không Sắc”, bảo dân làng ấy đem về khắc vào hai cái bảng như hai cái khánh, có chạm rồng phụng sơn son thếp vàng, treo lên hai đầu trụ.

Hai câu đối trên chuẩn ý nhưng lại khá hài hước về mặt chữ nghĩa. Nó cho thấy cụ Thượng Trứ là một người hay chơi chữ và rất hóm hỉnh:

“Sắc không – Không sắc” đúng là câu đối treo ở chùa, đọc bằng chữ Hán là nói về nội dung triết lý nhà Phật. Hai chữ “Sắc”, “Không“ bắt nguồn từ câu: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Nghe vừa đơn giản lại có vẻ thâm sâu.

Nhưng nếu đọc câu trên theo lối Nôm thì lại là: “Sắc không không sắc”, nghe như câu hỏi của người đi mua dao đối đáp với anh thợ rèn: “Dao có sắc không? Không sắc” thể hiện tài tình cái nghề của làng vậy.

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Nghệ thuật dùng ngôn từ có lẽ là trời ưu ái dành cho phái nữ. Các danh sĩ bên trên tuy có tiếng nhưng lại không để lại nhiều giai thoại thách thức hậu thế như nữ sĩ họ Đoàn. Bà là nữ sĩ nổi tiếng Việt Nam thời Lê trung hưng, vẹn toàn cả tài lẫn sắc, cùng các nữ sĩ khác như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Ánh. Giai thoại về bà còn là về những vế đối chơi chữ tuyệt cú mà cho đến nay bao văn nhân tài tử các đời vẫn rất khó mà đối cho chỉnh. Và lẽ đương nhiên là các nam tài tử đương thời cũng phải bó tay mà phục tài.

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. (Ảnh minh họa: tinmoi24.vn)

Câu đối trêu Trạng Quỳnh

Tuy nổi danh là người hay chữ, mưu trí nhưng Trạng Quỳnh vẫn không phải là đệ nhất về khoản chữ nghĩa. Ông cũng phải chịu thua vài lần khi đối diện với Đoàn Thị Điểm.

Có một lần, Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm nhìn thấy nhau từ hai cửa sổ đối diện, Đoàn Thị Điểm ngẫu hứng bèn ra một vế đối:

“Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.”

Vế ra rất oái oăm, “song song” là ”hai cửa sổ”. Mà chữ “song song” lại có rất nhiều nghĩa. Nó có thể dùng như từ Hán Việt mà cũng có thể dùng như từ thuần Việt. Nó có nghĩa sóng đôi, ngang bằng nhau, vừa có nghĩa được thông suốt. Mà câu đối dùng đến hai cặp chữ “song song” thì biết hiểu thế nào cho đúng?

Độc đáo hơn, nếu ngắt nhịp giữa “ngồi trong” và “cửa sổ song song” lại có thể hiểu theo một cách khác, là hai lần cửa, hoặc hai cửa sổ cùng nằm trên hướng nhìn (hai người không ngồi gần nhau). Gặp phải một vế đối quá hóc búa cỡ này, Trạng Quỳnh bí quá không đối được đành giả bộ tảng lờ, bỏ đi ra chỗ khác.

Câu đối lúc gói nem

Lại một lần khác, lúc giáp tết Nguyên Đán trời mưa rả rích, Đoàn Thị Điểm ngồi gói nem. Trông thấy Trạng Quỳnh đội mưa đi mua rượu về, bà bảo muốn nhắm nem thì ngồi xuống cùng gói với mình. Quỳnh trả lời: “Chả thích nem, chỉ thích giò”.

Đoàn Thị Điểm liền ra một vế đối:

“Trời mưa đất Thịt trơn như Mỡ, Dò đến hàng Nem, Chả muốn ăn.”

Câu đối cũng rất lắt léo dùng toàn chữ: Thịt, Mỡ, Dò (đồng âm với “Giò”), Nem, Chả là danh từ chỉ thức ăn. Câu đối tầm cỡ này khiến Trạng Quỳnh lại một lần nữa bế tắc.

Câu đối trên phố Mía

Lần khác, Đoàn Thị Điểm đi lên phố Mía ở Sơn Tây thì gặp ngay Trạng Quỳnh cũng đang ở đó. Bà lại ra vế đối:

“Lên phố Mía, gặp cô hàng Mật, cầm tay Kẹo lại hỏi thăm Đường.”

Trong câu này có bốn từ: Mía, Mật, Kẹo, Đường, đều chỉ những đồ ngọt cũng có thể dùng như danh từ chỉ địa danh khiến Trạng Quỳnh một lần nữa bó tay. Ngoài ra, vế ra còn khó ở chỗ thứ tự dùng từ là theo đúng trình tự của các sản phẩm làm ra từ cây Mía như Mật, Kẹo và Đường.

Bảng nhãn Vũ Duy Thanh

Dân gian gọi ông là “Trạng Bồng”, vì ông đỗ thủ khoa triều Nguyễn tương đương với Trạng nguyên thời Đại Việt. Ông còn được xem là người chế tạo tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, gọi là hỏa công thủy chiến.

Sinh ra trong một gia đình nho học, Vũ Duy Thanh nổi tiếng là thần đồng ngay từ nhỏ. Ông có tư chất thông minh, chỉ cần xem sách qua một lượt là nhớ, lại có tài ứng đối mẫn tiệp. Ở vùng quê Yên Khánh còn lưu truyền nhiều giai thoại về ông lúc nhỏ, điển hình là câu chuyện đối đáp giữa ông với một vị quan phủ trong vùng.

Câu đối tiên tri về khoa cử

Ngày ấy, Vũ Duy Thanh vẫn còn đi học trên con đê sông Đáy. Gặp năm nước sông lên cao, tri phủ Yên Khánh về đốc dân hộ đê, quân lính thấy Vũ Duy Thanh đi ngang qua đó bèn bắt phải xuống khiêng đất. Ông xin miễn lấy cớ là thư sinh. Quan tri phủ nói: “Nếu thực là học trò giỏi, giải được câu đối sau ta sẽ cho qua”. Câu ra là:

“Quan thị đắp đê Kim Bồng, chắn hồng thủy cho dân được cậy.”

Vế đối ra khá lắt léo với dụng ý dùng từ đồng âm chỉ địa danh cũng là bốn thứ quả: thị, hồng, bồng, cậy. Vũ Duy Thanh nghĩ một chút liền đối đáp ngay:

“Nhà Nho đỗ khoa bảng nhãn, quyết tranh khôi thì chí mới cam.”

Câu đối lại cũng dùng từ đồng âm có bốn thứ quả: nho, nhãn, chanh (tranh), cam. Tuy chỉ ngẫu nhiên ra về đối nhưng không ngờ về sau ông đỗ bảng nhãn thật. Câu đối này lập tức được coi như “sấm thi” báo trước vận mệnh của Vũ Duy Thanh.

Câu đối với quan tri phủ

Một lần khác, quan phủ đi chợ Chàng (nay thuộc xã Khánh Cư, Yên Khánh) gặp Vũ Duy Thanh, muốn thử tài cậu học trò lần nữa nên liền ra vế đối. Vế ra là:

“Đi một thôi, đến chợ Chàng, vắt chân ngóe, ăn thịt ếch, có trả tiền, thế mới ương.”

Vế đối toàn các con vật: chẫu chàng, ngóe, ếch, ễnh ương và có hàm ý giễu cợt Vũ Duy Thanh tính khí ương bướng. Ông liền đối ngay:

“Học Nam Kinh, thi trường phượng, đỗ bảng rồng, làm quận công, cuốc lấy bạc, nhanh như cắt”.

Vế đối lại cũng dùng các con vật: phượng, rồng, công, cuốc, cắt, ngoài ra còn có hàm ý rằng quan phủ ăn tiền của dân nhanh như cắt…

Câu đối: nghệ thuật chơi chữ của người Việt (P3)

Trên đây là những giai thoại về câu đối chữ của các bậc học giả, tài nhân. Phần tiếp theo, mời quý độc giả đón đọc các câu chuyện về tài nghệ ứng đối của sứ giả nước Nam khiến triều đình Bắc quốc phải nể phục.

Từ khi giành lại độc lập từ phương Bắc, nước ta đã trải qua hơn nghìn năm vừa xây dựng vừa chinh chiến. Bên cạnh những trận chiến gươm đao bi tráng thì cuộc chiến ngoại giao cũng không kém phần khốc liệt.

Các bậc đại khoa của nước Việt non trẻ đã không cô phụ lòng tin của triều đình và nhân dân. Họ đã dùng tài năng của mình và khả năng ứng đối trong ngoại giao để bảo vệ danh dự nước nhà cũng như ngăn họa binh đao. Đó không chỉ đơn giản là cách ứng đối, mà chính là nghệ thuật sử dụng chữ Hán sao cho người phương Bắc (cái nôi của Hán tự) phải nể phục mà vẫn không làm nhục quốc thể. Đôi khi một lời nói hay câu thơ cũng có sức mạnh của cả một đạo quân. Nó không những thể hiện nền tảng văn hóa thâm sâu của các bậc túc nho Đại Việt, mà còn là khí phách của cả dân tộc gửi gắm qua những bậc anh tài kiệt xuất – những nhà Nho chân chính.

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Vị Trạng nguyên họ Mạc có lẽ là người có ngoại hình khiêm tốn nhất trong các bậc đại khoa. Nhưng tài văn chương của ông thì lại xếp vào hạng nhất. Các giai thoại câu đối khi đi sứ của ông không những bảo tồn danh dự quốc thể mà còn đem đến cho ông danh hiệu “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.

Ứng đối với quan lại nhà Nguyên

Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, trong lúc chờ thiết triều Quan Thái sư ra vế đối:

“Nghìn dặm giống nhau, giống nước, giống núi, giống mặt trời và trăng.”
(“Thiên lý vi trùng, trùng thủy trùng sơn trùng nhật nguyệt.”)

Hàm ý câu này là nước Việt và Trung Quốc cách xa nghìn dặm mà núi sông đều giống nhau, cùng mặt trời, mặt trăng, nghĩa là chung một bầu trời, hàm ý là văn hóa nước Việt cũng là học từ Trung Quốc. Mà thiên tử lại là con Trời cai trị thiên hạ, như vậy vế đối ngầm khẳng định rằng nước Việt nhỏ bé cũng chỉ là một phần của Trung Quốc, phải để cho thiên tử Trung Quốc cai trị.

Nhưng sứ thần Mạc Đĩnh Chi không hổ danh là đệ nhất anh tài nước Nam, ông đã ung dung đối lại như sau:

“Một người thành lớn, vua lớn, nước lớn, trời đất lớn.”
(“Nhất nhân thành đại, đại quân đại quốc đại càn khôn.”)

Cái hay của câu “Đại quân đại quốc đại càn khôn” là: không những đối chữ mà còn đối lại về hàm ý. Vì sao nước Việt nhỏ mà lại là “đại quân đại quốc”? Có phải là quá khoa trương hay không? Không những không nói quá mà là nói rất đúng, vì thời điểm đó Đại Việt được kế thừa văn hóa Nho học chính thống. Những bậc tài danh Nho giáo, binh pháp cho đến Tam giáo cửu lưu đều chạy nạn Mông Cổ mà sang Việt Nam, lẽ dĩ nhiên đem theo cả những thứ tinh hoa nhất mà lưu giữ tại đây. Ngoài ra nhà Trần là đối thủ duy nhất chính diện ba lần đánh bại nhà Nguyên một cách oanh liệt. Nên mới nói, nước Việt tuy nhỏ mà lại là “đại quốc” (đánh bại nước lớn) chứa “đại càn khôn” (văn hóa lớn), nước Nguyên tuy lớn nhưng thực chất lại là “nhỏ” vì không kế thừa tinh hoa Hoa Hạ chính thống, gốc gác lại là dân du mục vốn hay bị người Hán coi thường do quan niệm Hoa Di từ xa xưa.

Thấy vậy, một viên quan Thái úy (quan võ) liền ra vế đối dọa nạt:

“Trong biển chứa nước, trời xanh bao bọc cả mặt trời mặt trăng và các vì sao.”
(“Hải trung hàm thủy, thanh thiên bao nhật nguyệt tinh thần.”)

Ý của viên quan này là thế nước Trung Quốc lớn rộng như biển thâu hết nước mọi nơi, cũng giống như bầu trời giữ mặt trời, mặt trăng và các vì sao. So sánh ra thì thấy nước Việt quá nhỏ bé. Mạc Đĩnh Chi đối lại như sau:

“Trên trời chia hướng, chỉ đất bao gồm cả đông tây nam bắc.”
(“Thiên thượng phân kim, chỉ địa quát đông tây nam bắc.”)

Người xưa đo đất thường dùng la bàn phong thủy có phân kim để định hướng. Trên trời nhìn xuống thì đất ở đâu cũng to như nhau bất kể đông tây nam bắc. Hay nói cách khác, Trung Quốc không thể cho mình là lớn mà cậy thế ăn hiếp nước nhỏ được.

Ảnh bìa cuốn sách về Mạc Đĩnh Chi của NXB Kim Đồng.

Ứng đối với hoàng đế nhà Nguyên

Đến khi thiết triều, vua Nguyên thấy sứ giả An Nam thấp lùn xấu xí, liền ra vế đối:

“Lị, mị, võng, lượng bốn con quỷ nhỏ.”
(“Lị mị võng lượng tứ tiểu quỷ.”)

Thiên tử nhà Nguyên có ý chê Mạc Đĩnh Chi hình dung xấu như quỷ, hơn nữa lại chơi chữ: bốn chữ “Lị” (魑), “Mị” (魅), “Võng” (魍), “Lượng” (魎) đều có chữ “Quỷ” (鬼) ở bên phải.

Mạc Đĩnh Chi đối lại:

“Cầm, sắt, tỳ bà tám vua lớn.”
(“Cầm sắt tỳ bà bát đại vương.”)

Các chữ “Cầm” (琴), “Sắt” (瑟), “Tỳ bà” (琵 琶) đều có tám chữ “Vương” (王) đặt ở trên tên các loại đàn. Ông ngầm nói mình học nhạc của Thánh hiền là Cầm, Sắt, Tỳ bà, và có phong độ vương giả, chứ không như người ngồi trên ngai thiên tử kia toàn là học theo ma quỷ bốn loài.

Lẽ dĩ nhiên là thiên tử Nguyên triều không còn lý do gì bắt bẻ Mạc Đĩnh Chi được nữa, dẫu có mất mặt cũng không thể thể hiện ra ngoài.

Sứ giả Đỗ Khắc Chung

Khi cuộc chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt nổ ra lần thứ hai (năm 1285), Trần Thánh Tông hỏi các quần thần rằng ai có thể sang trại Nguyên làm sứ giả? Đỗ Khắc Chung bèn xung phong là người sang thương thuyết với Ô Mã Nhi.

Ô Mã Nhi hỏi:

– Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm.

Khắc Chung đáp:

– Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?

Nói rồi giơ cánh tay cho xem.

Ô Mã Nhi lại nói:

– Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?

Khắc Chung nói:

– Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người.

Ô Mã Nhi nói:

– Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, quốc vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát.

Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng:

– Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”, quả là giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được.

Triều đình và nhân dân thời nhà Trần đã làm lên chiến thắng chấn động năm châu khi đánh bại quân Nguyên Mông. (Ảnh minh họa: soha)

Thám Hoa Giang Văn Minh

Giang Văn Minh là người xứ Đoài (nay thuộc Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), làm quan dưới triều đình của vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng. Năm 1637, ông vâng mệnh đi sứ Trung Quốc.

Trung Quốc thời đó là đời vua Minh Tư Tông, hiệu Sùng Trinh, là vị vua cuối cùng của nhà Minh. Lúc này quân Mãn Thanh cũng như phản quân Lý Tự Thành đang nổi dậy mạnh mẽ, trong khi quân Minh suy yếu để mất rất nhiều lãnh thổ, nên triều đình nhà Minh hay ra uy với các sứ giả để không bị mất thể diện trước các nước chư hầu.

Do đó khi sứ thần Đại Việt vào triều đình diện kiến, vua Minh đã phủ đầu bằng cách ra vế đối bắt sứ thần họa lại.

Vế xuất đối là:

“Trụ đồng đến nay rêu đã xanh.”
(“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục.”)

Câu đối này mang hàm ý đe dọa sứ giả nước Nam bằng cách nhắc lại tích xưa: Tướng nhà Hán là Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó dựng một chiếc cột đồng rồi khắc lên dòng chữ: Nếu cột đồng gãy thì đất Giao Chỉ bị diệt vong.

Bình thản trước câu đối ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã đối lại:

“Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ.”
(“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng.”)

Vế đối chỉnh và vô cùng cứng rắn. Giang Văn Minh đã nhắc lại ba lần đại bại trên sông Bạch Đằng của quân Nam Hán năm 938, quân Tống năm 981 và quân Nguyên năm 1288. Đến nay máu của quân phương Bắc vẫn còn nhuộm đỏ nước sông Đằng.

Vua Minh ra câu đối chẳng qua cũng vì Thiên triều đã quá mất mặt với quân Mãn Thanh, nên muốn vớt vát chút ít thể diện với xứ An Nam chư hầu, ngờ đâu lại nhận được kết quả muối mặt giữa triều đình. Minh Tư Tông đã làm một việc hèn hạ mà tự cổ chí kim hiếm có trong thông lệ ngoại giao: giết sứ giả trong thời bình (khi hai nước không có chiến tranh).

Minh Tư Tông ra lệnh:

– Mổ bụng sứ thần An Nam để xem chúng to gan lớn mật đến đâu.

Khi thi hài của Giang Văn Minh được đưa về kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông cùng chúa Trịnh Tráng đã đến bái kiến linh cữu và truy tặng chức cao và tước hậu cho ông, đồng thời ban tặng câu:

“Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.”
(“Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng.”)

Nay trên mộ của Giang Văn Minh còn rõ bốn chữ “Thiên Cổ Anh Hùng”. Người sau có làm đôi câu đối, nay vẫn còn khắc trong đình thờ ông:

“Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn.”

Tạm dịch là:

“Lễ nghĩa trăm năm làng Mông Phụ
Tiếng thơm nghìn thuở cửa Thám hoa.”

(Còn nữa)

Tĩnh Thủy

 Hiếu Giang st theo ĐKN

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop