Qui trình tạm thời phòng trừ sâu đục trái bưởi

Trang chủ»Tư vấn»Qui trình tạm thời phòng trừ sâu đục trái bưởi


          Để hạn chế kịp thời tác hại của sâu đục trái trên cây có múi, tránh lây lan thiệt hại nặng trên diện rộng, từ các kết quả khảo sát và kết luận buổi hội thảo “Giải pháp quản lý sâu đục trái bưởi” ngày 22-3- 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre có qui trình tạm thời quản lý sâu đục trái cây có múi như sau:

1- Biện pháp hóa học diệt sâu non:

- Nhà vườn cần quan sát và xác định được thời điểm bướm xuất hiện; 7 - 10 ngày sau khi bướm ra rộ kiểm tra kỹ trên trái, nếu phát hiện có dấu hiệu sâu non mới bắt đầu đục (qua dấu hiệu chất thải ra bên ngoài) thì đó là thời điểm phun thuốc (qua khảo sát thực tế, nông dân đã áp dụng thuốc có hiệu quả) trừ sâu non tuổi 1 hiệu quả nhất. Có thể phun 1 lần vào giai đoạn trứng.

- Sử dụng riêng lẻ (không phối trộn) và luân phiên một trong các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp và dầu khoáng như Cypermethrin, Deltamethrin; có thể phối hợp thuốc nhóm cúc tổng hợp với dầu khoáng để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng ở các vườn có ao nuôi cá và chăn nuôi gia súc hay gia cầm. Hết sức lưu ý loại thuốc đặc trị đối với sâu và ít độc đối với thiên địch và môi trường.

 

2- Biện pháp

Canh tác:

- Cắt tỉa nhánh sau thu hoạch để vườn thông thoáng, kết hợp với việc bón phân, bồi sình để vừa diệt nhộng vừa kích thích cho ra chồi, ra hoa đồng loạt. Từ đó, có điều kiện để bảo vệ chồi non, hoa, trái tốt hơn, tránh sự tấn công của dịch hại nói chung, sâu đục trái nói riêng.

- Thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, sau đó đem tiêu hủy bằng cách đào hố chôn, rải vôi hoặc chặt nhỏ trái cho vào bao nhựa cột kín lại để diệt sâu. Nên tưới đẩm nước, bồi sình để tiêu diệt nhộng dưới đất.

- Bao trái: khoảng 1 tháng sau khi đậu trái, tiến hành bao trái, chọn loại bao thích hợp, rẻ tiền. Nên phun thuốc bảo vệ thực vật vào trái trước khi bao trái.

 

3- Bảo vệ thiên địch:

- Kiến vàng được xem là thiên địch của nhiều loài sâu hại trên cây có múi, loài kiến này sẽ ăn trứng, sâu và tấn công bướm. Do vậy, cần nuôi, nhử, tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển trong vườn cây có múi, có biện pháp bảo vệ kiến khi phun thuốc trừ sâu.

- Nguyên tắc trong phòng trừ côn trùng có hại nói chung, sâu đục trái nói riêng là phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp; phòng trừ mang tính đồng loạt trong từng khu vực để hạn chế sự tái nhiễm hay bộc phát các dịch hại thứ yếu, nhất là trong điều kiện sâu đang bùng phát thành dịch như hiện nay.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop