5 phương diện cuộc chiến ở Syria đã làm thay đổi thế giới

Trang chủ»Tin tức»5 phương diện cuộc chiến ở Syria đã làm thay đổi thế giới

Nội chiến Syria là cuộc xung đột dữ dội và kéo dài nhất trong làn sóng Mùa xuân Ả Rập. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria cho biết tính đến nay, cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 6, khiến hơn 270.000 dân thường thiệt mạng và hơn một nửa dân số nước này trước nội chiến (23 triệu người) buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh.

 

Theo hãng thông tấn AP, cuộc nội chiến Syria không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến nội bộ quốc gia này, mà thực sự nó đã tác động rất lớn đến chính trị toàn cầu và làm thay đổi thế giới ở 5 phương diện sau:

 

Người dân Syria đứng trên đống đổ nát do bom đạn chiến tranh (Ảnh: UN relief and works agency/Getty Images)

 

Sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS

 

Cuộc nội chiến đã khiến tình hình ở Syria ngày càng bất ổn hơn và việc lực lượng chính phủ lẫn phe đối lập không ngừng giao tranh với nhau đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, giúp một nhánh khủng bố vô cùng tàn bạo của Al-Qaeda đã phát triển thành một tổ chức khủng bố đáng sợ nhất hành tinh tự xưng là nhà nước Hồi giáo (IS)

 

Vào năm 2014, IS đã chiếm đóng toàn bộ thành phố Raqqa thuộc phía đông Syria và tiếp tục chinh phạt thành phố Mosul miền bắc Iraq. Cho đến nay IS đã kiểm soát được một vùng rộng lớn trải dài từ Syria đến Iraq, với tổng diện tích bằng cả nước Anh. Tại đây IS cướp vũ khí, vàng bạc, và chiêu mộ thêm nhiều thành viên mới.

 

Khủng bố IS đã dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới bởi hành động tàn sát các dân tộc thiểu số, thiết lập chế độ nô lệ tình dục, đánh bại quân đội nhà nước, và sát hại tù binh theo một cách man rợ nhất. IS đã phá hủy nhiều di sản văn hóa thế giới, như các đền thờ ở thành phố cổ Palmyra, và buôn lậu cổ vật trên toàn cầu.

 

IS đã tiến hành các cuộc tấn công khủng bố từ Pháp, Bỉ đến Yemen và đã xây dựng được một căn cứ quân sự ở miền bắc Libya, để có thể kéo dài sự tồn tại của nó ở Syria và Iraq. Hiện IS đã chiêu mô hàng ngàn thanh niên và phụ nữ đến từ các nước châu Âu gia nhập vào tổ chức nhà nước Hồi giáo này.

 

Nước Nga tái khởi

 

Chỉ có một người đàn ông trên hành tinh này mới có thể kết thúc cuộc nội chiến ở Syria chỉ bằng một cuộc điện thoại, và đó là ông Putin“, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond gần đây đã nói như vậy.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo được chỗ đứng mới cho nước Nga ở Trung Đông nhờ can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria. Vào tháng 9 năm ngoái, sau khi cung cấp rất nhiều vũ khí, cố vấn, và viện trợ kinh tế cho Tổng thống Bashar Assad mà không mang lại hiệu quả, ông Putin đã phái lực lượng không quân Nga tấn công phe đối lập của chính phủ Syria. Và chiến dịch kéo dài hơn 5 tháng qua của Nga đã giúp chính phủ ông Assad khống chế được tình hình. “Các lực lượng Syria hiện giải phóng được 400 khu vực dân cư đông đúc cùng hơn 10.000 km2 lãnh thổ“, RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói trong cuộc họp với Tổng thống Putin tại điện Kremlin. Kế hoạch ủng hộ Syria của Nga vẫn còn chưa rõ thế nào, nhưng có thể nói bất kỳ ai lãnh đạo Syria nhiệm kỳ tới đều sẽ chịu ảnh hưởng của ông Putin.

 

Trước đó, ông Putin cũng đã từng can thiệp vũ trang vào Georgia (2008) và Ukraine (2014). Điều đó cho thấy ông Putin không ngại phô trương sức mạnh để bảo vệ lợi ích của Nga. Hiện Nga được xem là trung gian hòa giải chính ở khu vực nhiều dầu mỏ và khí đốt này.

 

Châu Âu mất ổn định

 

Trong năm 2015, châu Âu đã phải đối mặt với thách thức lớn về các vấn đề an ninh, kinh tế và xã hội khi có hơn một triệu người di cư, chủ yếu là những người tị nạn từ Syria đổ xô đến châu lục này. Hơn nữa, việc hàng ngàn người bị chết khi cố vượt biển cũng đặt ra một thách thức lớn về vấn đề nhân đạo. Dòng người di cư, tiếp tục không suy giảm mang đến cả thái độ rộng lòng tiếp nhận và bài xích đã làm rung chuyển tận gốc rễ thỏa thuận biên giới mở của châu lục này.

 

Mặc dù đã nỗ lực hết sức nhưng cho đến nay dường như châu Âu vẫn chưa tìm được một giải pháp tổng thể hiệu quả và căn bản cho vấn đề di dân. Các biện pháp được đưa ra vẫn chỉ mang tính tạm thời, đối phó và chắp vá.

 

Châu Âu hiện đang xem xét một thỏa thuận đưa tất cả những người di cư đến Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi lấy một người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ được EU tái phân bổ. Vấn đề di cư hàng loạt đã đặt ra một giới hạn về tính thống nhất của châu Âu trong việc giải quyết vấn đề này.

 

Thêm vào đó, tình hình bất ổn ở châu Âu ngày càng gia tăng khi xảy ra các cuộc tấn công của IS nhằm vào Paris (tháng 11/2015) và Brussels (22/3/2016). Điều này đã dấy lên mối quan ngại sâu sắc về vấn đề an ninh trên khắp châu Âu và thúc đẩy các chính trị gia theo đuổi chủ nghĩa dân tộc.

 

Rõ ràng, trong khi đang đau đầu mà chưa giải quyết được vấn đề người di cư và nỗi lo nước Anh rời khỏi EU, thì giờ đây châu Âu lại chồng chất thêm nguy cơ khủng bố.

 

Phá vỡ mối quan hệ láng giềng

 

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu chẳng thấm vào đâu so với làn sóng di cư vào các nước láng giềng của Syria. Chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan đã phải hứng chịu khoảng 4,4 triệu người tị nạn từ Syria; ở Liban, số người di cư chiếm hơn 1/5 dân số nước này.

 

Cuộc xung đột Syria cũng gây mất ổn định cho các nước láng giềng vốn có tình hình chính trị bất ổn như Liban và sự căng thẳng về sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà cuộc xung đột ở Syria có thể tạo ra các lo ngại về một cuộc nội chiến với người Kurd.

 

Iran mạnh lên

 

Iran đã luôn ủng hộ chính phủ Syria trong suốt 5 năm qua bởi “Syria đóng vai trò then chốt với Iran về cả chiến lược và địa chính trị. bởi số phận của Damascus chính là vấn đề an ninh quốc gia với Iran“, Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Mỹ Majid Rafziadeh, thành viên ban điều hành Tạp chí Harvard International Review (Mỹ) nhận định.

 

Theo AP, cuộc xung đột ở Syria đã cân bằng lại quyền lực trong khu vực. Phạm vi ảnh hưởng của người Hồi giáo Shia tại Iran đang được mở rộng từ Tehran đến Beirut (thủ đô Liban), cho đến các chính phủ phụ thuộc ở Baghdad và Damascus. Hiện Iran có lực lượng quân sự ở cả Syria và Liban được cho là lực lượng hoạt động bên ngoài cơ cấu chủ quyền quốc gia.

 

Hiện tại Iran có một lực lượng gọi là Hezbollah hoạt động ở Liban. Lực lượng hỗn hợp giữa chính đảng và dân quân này đã đánh bật Israel ra khỏi miền nam Liban vào năm 2000. Hezbollad đã gửi hàng ngàn chiến binh đến giúp đỡ Tổng thống Syria, Assad. Mặt khác, Syria cũng trở thành trung gian cho Iran chuyển vũ khí và hàng viện trợ cho Hezbollah ở Liban nhằm củng cố vững chắc vị trí của họ dọc theo biên giới phía bắc của nhà nước Do Thái Isarel. Hezbollah cũng đều đặn loại bỏ các đối thủ được Ả Rập Saudi hậu thuẫn trong chính phủ Liban.

 

Ả rập Saudi, cường quốc người Hồi giáo Sunni trong khu vực, đang phải vật lộn để duy trì sự hỗ trợ cho quân nổi dậy Sunni ở Syria trong khi phải chiến đấu với phiến quân Hồi giáo Shia được Iran ủng hộ ở Yemen.

 

Hiếu Giang sưu tầm

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop