Nguyên tắc trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Trang chủ»Tin tức»Nguyên tắc trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Hiện nay, sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được chứng nhận bởi nhiều tiêu chuẩn khác nhau như: VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP, sản phẩm hữu cơ… sản phẩm cuối cùng đều đạt chất lượng cao, hàm lượng các chất độc hại (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật gây hại…) dưới ngưỡng cho phép. 


Để vườn cây ăn quả đạt được các tiêu chí an toàn thực phẩm, khi xây dựng vườn trồng mới hoặc chăm sóc vườn cây kinh doanh cần phải tuân thủ một số nguyên tắc chính như sau:

1. Đối với vườn cây ăn quả trồng mới 

- Lựa chọn đất trồng: Trước hết, chọn vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh trưởng phát triển của loại cây ăn quả định trồng. Đất tốt, tầng canh tác dày thì cây sẽ cho nhiều quả, chất lượng tốt nhưng cây ăn quả lại thường được trồng trên vùng đất đồi dốc, đất lẫn sỏi đá… Vì vậy, nguyên tắc cơ bản của việc chọn đất là tầng đất canh tác phải đủ dày để bảo đảm bộ rễ cây phát triển tốt, độ dốc không quá 20o, gần nguồn nước tưới… Ngoài ra, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng cần phải quan tâm ngay từ năm đầu xây dựng vườn cây ăn quả. 

 

- Chọn cây giống: Khi đã xác định được chủng loại cây ăn quả cần trồng, địa chỉ cung cấp cây giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định lâu dài đến hiệu quả sản xuất. Chọn mua cây giống tốt ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín, cơ sở được nhà nước chứng nhận có vườn cây mẹ đạt tiêu chuẩn. Cơ sở cung cấp cây giống không chỉ đảm bảo về chất lượng cây giống (đúng giống, kích cỡ cây giống đạt yêu cầu, tỷ lệ cây sống cao...) mà còn có đầy đủ các thông tin về lý lịch giống, cây giống. 

 

- Cây trồng xen canh: Cây trồng xen canh được trồng để tận dụng không gian những năm đầu khi cây trồng chính chưa khép tán. Loại cây trồng xen cần có một số đặc tính phù hợp để không cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng với cây trồng chính như: nhanh cho thu hoạch, chịu bóng, thấp cây, bộ rễ phát triển không quá mạnh. Ngoài ra, nên chọn cây trồng xen có tác dụng hỗ trợ cho cây trồng chính như hạn chế xói mòn đất, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hàm lượng mùn, đạm trong đất… sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. 

 

- Phân bón: Phân bón sử dụng cho vườn cây ăn quả trồng mới bao gồm phân hữu cơ (phân chuồng) và phân vô cơ. Yêu cầu phân hữu cơ phải được ủ hoai mục trước khi bón lót. Phân vô cơ được dùng để bón lót và bón thúc sau khi trồng. Tuy nhiên, cần lưu ý độ pH đất phù hợp với đa số cây ăn quả là khoảng 6,0-6,5. Vì vậy, đối với đất chua phải bổ sung vôi bột bón lót để cân bằng độ pH đất. 

- Chuẩn bị hố và trồng cây: Chuẩn bị hố trồng trước khi trồng cây ít nhất 1 tháng. Kích thước hố trồng tùy thuộc vào loại cây ăn quả, tính chất đất và địa hình. Mật độ hố tùy theo từng loại cây, tuy nhiên một số trường hợp có thể trồng dày hơn, thậm chí gấp 2 lần để vườn cây nhanh khép tán, cho năng suất thu hoạch cao những năm đầu. Sau đó, tỉa cây để cố định khoảng cách cây lâu dài. Sau khi trồng cây, việc tủ gốc giữ ẩm và cố định cho cây luôn đứng thẳng, không bị gió làm đổ ngã là công việc quan trọng nhất để đạt tỷ lệ cây sống cao và đồng đều. 

 

2. Đối với vườn cây ăn quả đang kinh doanh 

- Quản lý bề mặt đất của vườn cây ăn quả: Chăm sóc cây và trồng xen cây ngắn ngày sao cho bề mặt đất vườn cây ăn quả ít bị xói mòn, không bị chai cứng, giảm độ phì thấp nhất. Một trong các giải pháp tốt là trồng cây che phủ đất cho vườn cây ăn quả. Hiện nay, có một số loại cây họ đậu rất phù hợp cho che phủ đất như cây lạc dại, đậu lông, muồng hoa vàng… cũng có thể trồng cỏ ba lá, cỏ đuôi trâu vừa tạo mùn cho đất, làm xốp đất vừa tạo cảnh quan vườn quả đẹp.

 

- Quản lý dịch hại: Việc kiểm soát sâu hại cây ăn quả trước hết cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như bắt bằng tay, bẫy bả, dùng thiên địch, sử dụng giống chống chịu, hệ thống canh tác phù hợp… Biện pháp phòng trừ hóa học được áp dụng cho các trường hợp sâu hại nặng. Chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam, tốt nhất nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Đối với bệnh hại cây ăn quả, có nhiều nguyên nhân gây ra như do nấm, vi khuẩn, vi rút, tuyến trùng…. Tác động của thời tiết hay mất cân bằng dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng hay bị ngộ độc) cũng có thể làm cho cây có triệu chứng như bị nhiễm bệnh. Vì vậy, người trồng cây ăn quả cần phải biết chính xác nguyên nhân để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vệ sinh vườn cây, chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt sẽ hạn chế rất nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, một số loại bệnh do nấm hại lá hay thối rễ cây khá phổ biến trên cây ăn quả cần sử dụng các loại thuốc hoá học trong danh mục cho phép và phun phòng định kỳ sẽ khống chế được bệnh. 

 

- Phân bón và dinh dưỡng đất: Lượng phân bón hàng năm cho vườn cây ăn quả thường được tính toán trên cơ sở năng suất quả thu hoạch năm trước để tính lượng dinh dưỡng cây lấy đi từ đất, từ đó bổ sung dinh dưỡng cho đất. Trong sản xuất cây ăn quả hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần bón phân theo nguyên tắc: bón phân chuồng đã được ủ hoai mục, phân vô cơ không bón quá nhiều hoặc quá muộn khi sắp thu hoạch sẽ có nguy cơ tồn dư nitrat trong sản phẩm, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân bón qua lá…

 

- Thu hoạch và bảo quản: Một số loại quả được bao quả trên cây trong quá trình quả lớn để hạn chế sâu bệnh hại và làm cho mẫu mã quả đẹp hơn. Nguyên tắc cơ bản của công việc thu hoạch quả là: thu hái đúng độ chín của quả phù hợp với tiêu thụ; thu hoạch quả vào buổi sáng khi trời khô ráo; quả sau thu hoạch phải đựng vào thùng chứa và đưa đi sơ chế, tiêu thụ hay bảo quản trong ngày. Thông thường, sản phẩm quả của một cơ sở sản xuất được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đóng nhãn mác có lôgô của tổ chức chứng nhận cấp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm an toàn trên thị trường. 

 

- Ghi chép và quản lý sổ sách: Phải ghi sổ sách các công việc triển khai ở vườn quả trong suốt quá trình từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đây là tài liệu để các tổ chức chứng nhận quản lý, kiểm tra và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Đặc biệt, ghi chép đầy đủ các thông tin về mua, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như đã được các tổ chức chứng nhận hướng dẫn. Hồ sơ sổ sách được lưu trữ ít nhất trong 2 năm. 

TS. Trần Văn Khởi - TTKNQG

 

Phân hữu cơ rất cần thiết cho cây có múi

Phân hữu cơ giữ vai trò quan trọng trong canh tác cây có múi, bởi đây là thành phần giúp cải thiện đặc tính hóa lý của đất, giúp cho cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất và ổn định chất lượng. Những năm gần đây, phần lớn nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã chủ động đưa phân hữu cơ vào phục vụ sản xuất, không còn lệ thuộc vào phân hóa học như trước. Đây là một tín hiệu vui để tỉnh từng bước tiến đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững.<h1"><div"><div">


Phân hữu cơ giúp nâng cao tuổi thọ cho cây trồng

Thời gian trước, nhà vườn ở huyện Lai Vung gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý diện tích vườn bị già cỗi. Nhiều diện tích vườn phải đốn bỏ do năng suất kém mà nguyên nhân chủ yếu do tình trạng nghèo kiệt chất hữu cơ trong đất.

 

Tuy nhiên, sau 10 năm, kể từ khi dự án vườn quýt hồng kiểu mẫu do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh thực hiện trên 100ha ở xã Long Hậu, đến nay ý thức của người dân đối với việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất cây có múi dần được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Nhà vườn không còn lạm dụng phân hữu cơ cũng như thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.

 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung, hiện nay phần lớn nhà vườn ở huyện đều sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất cây có múi. Anh Nguyễn Hữu Hạnh, một nhà vườn trồng cam xoàn ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Đã trồng cây có múi thì bắt buộc phải sử dụng phân hữu cơ. Bên cạnh giúp tăng độ phì cho đất, làm cho đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, giúp thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển thì phân hữu cơ còn giúp tăng tuổi thọ và sức bền cho cây. Sau nhiều năm sử dụng phân hữu cơ, tôi nhận thấy kích cỡ trái rất đồng đều, màu sắc trái khi thu hoạch cũng sáng và đẹp hơn”.

 

Thông thường nhà vườn sử dụng 2 loại phân hữu cơ chính là phân hữu cơ dạng tinh chế và phân hữu cơ dạng tự hoai ủ từ phân chuồng hoặc xác thực vật. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân hữu cơ dạng tinh chế kém chất lượng, gây không ít khó khăn và hoang mang cho người sử dụng.

 

Anh Lưu Văn Tín, Giám đốc Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung cho biết: “Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại phân hữu cơ nhưng chất lượng sản phẩm không đồng đều, nhiều sản phẩm kém chất lượng, giá lại đắt. Đặc biệt, hầu hết các loại phân hữu cơ trên thị trường hiện nay đều không được niêm yết giá gốc trên bao bì nên nhà vườn gặp khó trong vấn đề lựa chọn loại phân bón phù hợp, chất lượng”.

 

Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, sử dụng phân hữu cơ trong trồng trọt là một giải pháp tối ưu để tiến đến một nền nông nghiệp sản xuất bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhà vườn cần có những hiểu biết về đặc tính cây trồng và sử dụng phân bón vào từng giai đoạn phù hợp. Khi sử dụng phân hữu cơ dạng tinh chế, nhà vườn cần chọn mua các sản phẩm có uy tín và xuất xứ rõ ràng. Đối với sử dụng phân chuồng hoặc xác thực vật bón cho cây trồng, nhà vườn cần hoai ủ và nên tưới thêm nấm Trichoderma để ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, đồng thời giúp quá trình phần hủy được diễn ra nhanh hơn.

Mỹ Lý - Báo Đồng Tháp

 

Bao trái bằng giấy, giấy màu, nilong 

Thực hiện kĩ thuật bao trái khi trồng cây ăn trái giúp trái cây cũng không bị côn trùng, sâu (sâu đục cuống, bọ xít, ruồi đục quả, bệnh thán thư, đốm nâu...) cắn, chính và làm vỏ trái cây màu sắc đậm, nhạt đẹp theo ý muốn, không có các vết rám do sâu bệnh hoặc bị sém nắng, không làm thay đổi chất lượng trái.

Bao trái cũng làm giảm quả rụng do bị sâu bệnh gây, giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng.

Nguyên tắc:

  • Nên bao trái sau 30-40 ngày sau đậu trái đối với chôm chôm, cam quýt. Sau 45 ngày sau đậu trái đối với nhãn, xoài, sầu riêng.
  • Trước khi bao trái cắt tỉa những dé hoa còn sót không đậu quả, cắt bỏ các cành tăm, lá vô hiệu và những quả nhỏ đối với các giống trái chùm và phun thuốc trừ sâu bệnh 1 lượt để diệt hết trứng, sâu non và nấm bệnh có sẵn trên mặt trái.
  • Dùng bao to bao nguyên chùm: chuối, nho, nhãn, vải, chôm chôm, cam quýt, xoài chùm…
  • Dùng bao nhỏ có kích thước phù hợp bao từng trái: xoài cát Hoà Lộc, bưởi, lê, ổi...
  • Dùng giấy có màu khác nhau để bao trái sẽ thu được những trái chín có màu đậm nhạt khác nhau.
  • Nếu bao bằng túi nilon màu trắng trong, màu sắc tự nhiên của quả không thay đổi giống như khi không bao trái.
  • Bên trong nilong có thể lót giấy báo để bao trái làm cho trái khi chín sẽ có vỏ màu sáng. (Việt Linh)

Cách bao trái:

  • Lồng bao bên ngoài trái hoặc chùm trái theo chiều từ dưới lên, buộc miệng túi phía trên bằng dây mềm. Đầu dưới túi để hở tự nhiên (túi thủng 2 đầu)hoặc đục lỗ (nếu dùng túi hở 1 đầu) để thoát nước, tản nhiệt.
  • Một số loại bao chuyên dụng được sản xuất có sẵn dây cột miệng túi.

Đối với ổi:

  • Dùng bao nylon có kích thước 15 x 20 cm, đục mỗi bao 10-15 lỗ nhỏ, trong đó có một số lỗ ở đáy bao để thoát nước đọng khi mưa hoặc tưới. Khi ổi ra trái được 15-20 ngày (trái cỡ 2 cm), phun xịt một đợt thuốc trừ sâu, chờ 3-5 ngày sau thì bao trái.

Đối với bưởi:

  • Khi thu hoạch bưởi thường có trọng lượng từ 0,7-4kg.
  • Khi quả bưởi lớn tới kích cỡ 2-3cm, dùng túi nilon có đường kính 20-40cm, dài 30-60cm để bao trái.
  • Dùng giấy sẫm màu lót bên trong nilon thì khi chín, bưởi sẽ cho trái màu vàng nhạt rất đẹp. (Việt Linh)

Đối với xoài:

  • Nếu trái thu hoạch có trọng lượng 200-300g thì dùng túi kích cỡ 10-15cm x 20-30cm
  • Nếu trái thu hoạch có trọng lượng 0,5-1,5kg thì dùng túi kích cỡ 15-20cm x 50-60cm
  • Khi quả xoài đạt kích cỡ 2cm, dùng túi nilonđể bao trái.
  • Có thể dùng giấy craft (loại giấy bao xi măng) lót thêm lớp giấy đen ở phía trong để bao loại xoài vỏ vàng.
  • Dùng giấy trắng bao các giống xoài có vỏ màu đỏ khi chín.

Bao buồng chuối:

  • Khi các hoa chuối vừa nở hết, cắt phần hoa không có khả năng đậu quả sau, để vài ngày cho khô nhựa.
  • Tùy số nải có trong buồng chuối, mỗi nải chuối cần khoảng 20cm chiều dài túi, dùng túi nilon dài 1,8-2,5m để bao trái.

 

Hướng dẫn phòng trừ ruồi đục quả 

Ruồi đục quả là đối tượng gây hại nguy hiểm đối với nhiều loại cây ăn quả như mít, xoài, mận, ổi, măng cụt… Ruồi chích vào quả đẻ trứng, nở thành sâu non làm quả thối rụng hàng loạt. Nhằm tránh thiệt hại, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên khuyến cáo bà con quan tâm phòng trừ ruồi đục quả bằng các biện pháp sau: 

1 Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn cây, thu gom tiêu hủy toàn bộ trái cây bị thối rụng. Cách làm: Đào hố, rắc vôi bột xung quanh thành hố, thu gom toàn bộ trái bị thối, rụng cho vào hố, rắc phủ một lớp vôi bột rồi lấp hố nhằm tiêu diệt trứng, sâu non và mầm bệnh không để lây lan sang các vụ sau. Phương pháp này phải được thực hiện thường xuyên. Tỉa thưa vườn cây ở mật độ hợp lý và tỉa cành tạo tán thông thoáng cho cây nhằm hạn chế nơi trú ngụ của các loài bướm và ruồi trưởng thành. Bón đầy đủ, cân đối lượng phân theo quy trình hướng dẫn giúp cho cây khỏe, sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu với sâu bệnh hại. Bao quả bằng túi chuyên dùng cho cây ăn quả (lưu ý túi bao phải thoát được hơi nước tránh làm thối trái) và thu hoạch quả chín sớm hơn bình thường, không để quả chín quá lâu trên cây sẽ hấp dẫn ruồi đến ký sinh.

 

2 Biện pháp đặt bẫy, phun bả diệt ruồi đục quả: Do đặc điểm của ruồi đục quả có khả năng bay xa, con cái dùng vòi đẻ trứng vào bên trong vỏ trái, nên việc dùng thuốc hóa học có tính lưu dẫn, tiếp xúc và xông hơi để phun xịt mang lại hiệu quả không cao. Vì thế để hạn chế tác hại của ruồi đục trái cần áp dụng đồng bộ các biện pháp, khuyến cáo nông dân chú trọng khâu bao trái, đồng thời thường xuyên kiểm tra, thăm vườn, khi phát hiện ruồi vàng gây hại thì tiến hành đặt bẫy dẫn dụ con trưởng thành đến để tiêu diệt.

 

Dùng 3 loại thuốc: Flykil 95 EC 2ml/1 bẫy, Vizubon–D (sử dụng 1-2ml thuốc/1 bẫy) và Sofri Protein 10 DD với liều lượng 1,2 lít/ha. Cách đặt bẫy: Có thể mua dụng cụ bẫy bán sẵn trên thị trường hoặc tự chế bằng cách dùng chai nhựa sẫm màu (không dùng chai màu trắng) khoét 2 lỗ nhỏ hình chữnhật đối diện nhau khoảng 2x2,5cm, dùng dây thép cột bông gòn đã thấm thuốc đưa vào đáy chai, đầu kia của dây thép đâm thủng đáy chai cột vào thân cây (treo ngược chai để tránh nước mưa làm trôi thuốc) sau đó đóng nắp chai lại để theo dõi mật độ số ruồi trưởng thành vào bẫy. Bẫy được treo trên cây, nơi đầu gió và râm mát, cách mặt đất khoảng 1,5-2m để dẫn dụ ruồi bay vào (không treo bẫy ngoài nắng, thuốc sẽ giảm hiệu lực nhanh). Khoảng cách bẫy 25-50m thì đặt 1 cái bẫy, tương ứng đặt 20 bẫy/1ha. Cách phun bẫy Sofri protein 10DD: Pha 1 lít thuốc với 10 lít nước sạch, phun một đốm thuốc từ 1-2m2/cây, khoảng cách 10m phun một điểm; liều lượng 1,2 lít/ha. Chất Pheromone trong thuốc có mùi dẫn dụ và tiêu diệt ruồi đực, còn ruồi cái không sinh sản được. Riêng chất Protein của thuốc Sofri protein 10 DD sẽ được thủy phân trong bẫy có tác dụng dẫn dụ, tiêu diệt cả ruồi đực và ruồi cái trong vùng đặt bẫy. Thời gian đặt bẫy, phun bả thực hiện liên tục trong suốt vụ trái cây khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, cho đến khi ruồi vào bẫy giảm 80-90% thì mới dừng đặt bẫy. Duy trì việc châm thuốc vào bẫy 10-15 ngày 1 lần. Việc đặt bẫy, phun bả phòng trừ ruồi đục quả chỉ cho hiệu quả cao khi nhiều hộ nông dân cùng thực hiện, khuyến cáo bà con nông dân trồng mít, bưởi, ổi, mận, xoài, măng cụt... nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực hưởng ứng, đồng loạt đặt bẫy diệt ruồi đục quả, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ ruồi đục quả.

NGỌC NHƯ (tổng hợp) - Báo Phú Yên

 

Bón vôi, không dùng hóa chất đối với cây trồng có múi

Cây có múi rất cần bón vôi, sử dụng phân hữu cơ và hạn chế hóa chất kích thích ra hoa... người trồng cây có múi cần chú ý như sau:

Bón vôi để cung cấp thêm calci cho cây và ngăn chặn sự suy thoái của đất, khử tác hại của mặn, ức chế sự phát triển nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực phân hữu cơ, vô cơ và thuốc diệt cỏ. Thiếu calci cây yếu ớt dễ đổ ngã, sâu bệnh tấn công, trái hay bị nứt, nếu thiếu trầm trọng thì đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô. Calci còn giúp cây trồng giải độc, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi nắng nóng, phèn, mặn.

 

Vùng đất mặn có phèn nên bón vôi nung (CaO), còn đất mặn không phèn nên bón vôi thạch cao (CaSO4) với liều lượng khoảng 30 - 50 kg/sào. Vôi được rải đều trên đất liếp và tưới một lượng nước đủ để rửa mặn ra khỏi liếp. Sau vài năm mới bón vôi lại một lần và bón trước khi làm đất.

 

Phân hữu cơ giữ vai trò quan trọng trong trồng cây có múi, như tăng độ phì, tăng hàm lượng hữu cơ, tăng khả năng giữ nước, giữ phân, cải thiện độ ẩm đất. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển hệ vi sinh vật đất. Giúp ổn định năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm. Chú ý phân hữu cơ bón lót trước khi trồng, hàng năm, bón sau khi thu hoạch.

 

Trồng cây có múi: Chú ý bón vôi, xử lý ra hoa không dùng hóa chất

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, bên cạnh kỹ thuật canh tác mới, cây có múi rất cần bón vôi, sử dụng phân hữu cơ và hạn chế hóa chất kích thích ra hoa... Theo tác giả Lê Thị Khỏe (Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), người trồng cây có múi cần chú ý như sau:

 

Cây rất cần vôi

Bón vôi không chỉ cung cấp dưỡng chất calci cho cây mà còn có nhiều tác dụng khác phân hóa học không có được như ngăn chặn sự suy thoái của đất, khử tác hại của mặn, ức chế sự phát triển nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực phân hữu cơ, vô cơ và thuốc diệt cỏ. Thiếu calci cây yếu ớt dễ đổ ngã, sâu bệnh tấn công, trái hay bị nứt, nếu thiếu  trầm trọng thì đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô. Calci còn giúp cây trồng giải độc, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi nắng nóng, phèn, mặn. Cần lưu ý rằng, hầu hết đất canh tác ở ĐBSCL đều thiếu calci, do đó cần phải bón vôi (bột đá vôi hay vôi tôi) mỗi năm một lần để cung cấp calci cho cây. Nên bón vào đầu mùa mưa với liều lượng 30 - 50 kg/công. Để hạn chế tác hại của mặn, những vùng đất mặn có phèn nên bón vôi nung (CaO) để rửa mặn, còn đất mặn không phèn nên bón vôi thạch cao (CaSO4) với liều lượng khoảng 30 - 50 kg/công. Bón bằng cách rải đều trên đất liếp, tưới một lượng nước ngọt dư thừa để rửa mặn ra khỏi liếp.

 

Đất trở nên chua khi bị suy thoái là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh trong đất phát triển như bệnh vàng lá, thối rễ, chảy mủ thân… ngày càng trở nên nghiêm trọng tại ĐBSCL. Một trong những biện pháp ức chế sự phát triển của các loại nấm bệnh này là bón vôi cải tạo đất. Thông thường có thể bón hàng năm vào thời điểm sửa soạn đất hoặc bón liều cao 100 - 200 kg/công nhưng vài năm mới bón lại một lần. Giúp vi khuẩn có lợi trong đất phát triển, giúp chất hữu cơ phân hủy nhanh hơn, giúp giữ chất mùn không bị rửa trôi… Ở đất phèn, phân lân bón vào đất chỉ hữu dụng khoảng 30%, vì vậy bón vôi trước khi bón phân lân, nhất là super lân sẽ làm tăng hữu dụng phân lân.

 

Chú ý phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ giữ vai trò quan trọng trong canh tác cây có múi,  bởi phân giúp cải  thiện đặc tính hóa lý đất như tăng độ phì, tăng hàm lượng hữu cơ, tăng khả năng giữ nước, giữ phân, cải thiện cấu trúc, độ ẩm đất. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển hệ vi sinh vật đất - thành phần giữ vai trò quan trọng. Giúp ổn định năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm. Các nguồn phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh, rác, vi sinh, phụ phẩm nông nghiệp, bánh dầu, phân sinh học… chú trọng sử dụng. Chú ý phân hữu cơ bón lót trước khi trồng, hàng năm, bón sau khi thu hoạch.

 

Canh tác cây có múi chú ý tạo tán cây 1 - 3 năm sau khi trồng, xén tỉa hàng năm sau thu hoạch. Áp dụng phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM), giảm sử dụng thuốc BVTV (chuyển từ sử dụng thuốc hóa học sang thuốc nguồn gốc thảo mộc), sử dụng nấm Trichoderma, thiết kế vườn phù hợp, trồng cây chắn gió

 

Xử lý ra hoa không dùng thuốc

Có thể áp dụng bằng cách lảy lá. Sau khi thu hoạch xong, vệ sinh vườn (cắt tỉa cành, làm cỏ, quét vôi gốc…), bón phân lần hai (loại đạm thấp, lân và kali cao), liều lượng tùy vào tuổi và sự sinh trưởng của cây. Khi toàn bộ lá trên cây già và không còn tược non xuất hiện thì tiến hành lảy bỏ lá trên cành (cành cho trái). Kỹ thuật này đơn giản dễ làm, không sử dụng hóa chất xử lý ra hoa (thường áp dụng vườn bưởi). Cho trái theo vị trí trên cây theo ý muốn nên thuận chăm sóc và thu hoạch. Hoặc có thể áp dụng biện pháp xiết nước (cắt nước) để kích thích ra hoa, tiến hành như sau: sau khi thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành sâu bệnh, cành vô hiệu, bón phân, quét vôi gốc, thân cây… Sau lần bón phân thứ hai (vùng ĐBSCL sau bón phân lần hai kết hợp vét bùn bồi gốc và mặt liếp), tiến hành tạo khô hạn bằng cách ngưng tưới nước hoặc/và kết hợp rút khô nước trong vườn hay mức nước trong mương ở mức thấp nhất trong năm để tạo “sốc” cho cây. Thời gian “xiết” nước khoảng 3 tuần đến khi thấy lá hơi héo thì cho nước vào mương cách mặt đất 20 - 30 cm trong 12 giờ, sau đó rút bớt nước ra còn cách mặt đất 50 - 60 cm để không làm rễ cây bị thiệt hại mất sức. Hoặc có thể áp dụng tưới nước trở lại với lượng nước tưới vừa đủ để giảm bớt hiện tượng cây ra đọt non, tưới 2 - 3 lần mỗi ngày và liên tục 3 ngày, đến ngày thứ tư tưới 1 lần/ngày. Khoảng 7 - 15 ngày sau khi tưới trở lại cây sẽ ra đọt và nụ hoa, thời gian này tưới nước cách ngày. Sau ngưng tưới nước, nếu cây ra tược non, có thể dùng các loại phân bón như MKP (0-52-34), KNO3… phun lên cây giúp lá non mau thành thục.

PHƯƠNG DUY, KHoa học phổ thông

 

Tỉa cành cho cây ăn trái 

Tỉa cành cho cây ăn trái sau vụ thu hoạch là việc làm cần thiết của các nhà vườn nhằm làm cho cây nhận đủ ánh sáng trong việc quang hợp, thúc đẩy cây ra chồi tạo tán mới cho cây chuẩn bị vụ trái kế tiếp. Việc này cũng nhằm loại bỏ các cành không có khả năng cho trái, cành bệnh để tiết kiệm dinh dưỡng cho cây đồng thời giúp cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

 

Tỉa cành cho cây dựa theo các nguyên tắc sau: chỉ thực hiện sau vụ thu hoạch để chuẩn bị mùa trái mới. Các loại cây có trái ngoài tán (xoài, nhãn, chôm chôm,…) cần loại bỏ các cành như nói ở phần trên trong tán. Các loại cây có trái trong thân (sầu riêng, mít, dâu…) chỉ loại bỏ các cành lòa xòa dưới đất, cành sâu bệnh.

 

Cây đang phát triển nên cắt bỏ cành tược (cành ngọn ở thân chính) ở độ cao 4- 6m để cây tập trung cho phát triển các cành quanh thân, bỏ các cành giao tán trong vườn nhằm giúp các cây trong vườn có tán đều. Với các loại cây mau già cỗi như: táo, ổi, cam, quýt… nên chặt bỏ các cành già cỗi để trẻ hóa cây, giúp cây sung mãn.

TRUNG TÍN - Báo Vĩnh Long

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop