Chào Qúy công Ty! Lời đầu tiên kính chúc các anh chị sức khỏe và thành công. Anh chị ơi em có trồng hoa cúc vàng nhưng rất hay bị sâu vẽ bùa phá hoại và bị thối rễ. Không biết cây bị vậy thì mình phun thuốc gì cho hết ạ. Em có phun nhiều loại thuốc, cũng ngâm lá thuốc để phun nhưng vẫn không hết. Anh chị biết loại thuốc nào đặc trị chỉ giúp em với và mua thuốc đó ở đâu? Chân thành cảm ơn anh chị. Nguyễn Thị Kim Anh - Huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương
Chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
A- TÌM HIỂU SÂU VẼ BÙA HẠI HOA CÚC:
I- Triệu chứng gây hại:
Sâu vẽ bùa gây hại trên các chồi và lá non. Sâu non đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa, các lằn đục của sâu không bao giờ gặp nhau. Đối với hoa cúc loại côn trùng này thường ăn lá, thân và hoa chúng làm cho cây bị hư hại. Chúng tạo ra những lỗ to không bình thường trên phiến lá và cánh hoa và khoan vào thân và nhụy hoa. Các lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm diện tích quang hợp và làm giảm khả năng sinh trưởng của các chồi non. Ngoài ra các đường đục của sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện cho bệnh loét vi khuẩn xâm nhập, làm lá bị rụng.
II- Đặc điểm hình thái:
Trưởng thành sâu vẽ bùa là một loại ngài nhỏ, cơ thể dài 2-3 mm, sải cánh rộng 4-5 mm. Toàn thân có màu vàng nhạt phớt ánh bạc. Cánh sau rất hẹp so với cánh trước, cả hai cánh đều có rìa lông dài.
Trứng có dạng hình bầu dục, nhỏ, kích thước 0,2-0,3 mm. Lúc đầu trong suốt sắp nở có màu trắng vàng.
Sâu non đẫy sức dài 4 mm, mình dẹp, không chân, đốt cuối bụng có hình ống dài.
Nhộng dài khoảng 2-3 mm, màu nâu vàng, cạnh bên mỗi đốt thân có 1 u lồi, trên có 1 sợi lông.
III- Đặc điểm sinh học và sinh thái sâu vẽ bùa:
* Vòng đời: 19-38 ngày
- Trứng: 1-6 ngày
- Sâu non: 4-10 ngày
- Nhộng: 7-12 ngày
- Trưởng thành: 7-10 ngày
Trưởng thành sâu vẽ bùa hoạt động mạnh vào chiều tối. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá, gần gân chính. Một trưởng thành sâu vẽ bùa thường đẻ được 70-80 quả trứng, thời gian đẻ trứng từ 2-10 ngày.
Sâu non mới nở thường đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần mô mềm. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu.
Sâu non có 4 tuổi, đòi hỏi ẩm độ cao, chúng sống trong đường đục trong suốt thời gian sinh trưởng, nếu đường đục bị rách sâu non rất dễ bị chết.
Khi đẫy sức, sâu non đục ra mép lá, nhả tơ dệt kén để hóa nhộng ở đó. Thường hóa nhộng gần gân lá, chỗ lá bị quăn.
* Một số yếu tố ảnh hưởng:
Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu. Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23 - 290C, ẩm độ 85-90%.
IV- Phòng trị sâu vẽ bùa:
1. Phòng ngừa:
Thường nên phòng ngừa thì tốt hơn, vì nếu lá bị sâu vẽ bùa gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát tán rất nhanh trong vườn hoa và khó điều trị. Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu. Ngay sau khi trồng hoa, xịt Thiophanate methyl (ngăn ngừa botrytis) và Alliete (ngăn ngừa pythium) và Validacin hay Iptodione (ngăn ngừa rhyzoctonia). Mục đích: Ngoài việc phòng trừ sâu vẽ bùa, chúng tôi đề nghị bạn sử dụng thuốc để ngăn ngừa các nấm bệnh, sâu ngài đêm, rệp, bọ trỉ (thrip), muỗi trắng… Theo 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: (Sau khi sang luống cho đến khi cây cao 40cm hay sau 4 tuần).
Xịt luân phiên hàng tuần hỗn hợp A và hỗn hợp B
Hỗn hợp A Malathion (ngăn ngừa sâu vẽ bùa, ấu trùng… )
Dithane (ngăn ngừa nấm mốc, gỉ sét… )
Hỗn hợp B Malathion (ngăn ngừa sâu vẽ bùa, ấu trùng… )
Daconil (ngăn ngừa nấm mốc, gỉ sét… )
Giai đoạn 2: (Khi cây cao 40cm cho đến khi ra chồi, nụ màu)
Xịt luân phiên hàng tuần hỗn hợp A và hỗn hợp B
Hỗn hợp A Malathion (ngăn ngừa sâu vẽ bùa, ấu trùng… )
Baycor (ngăn ngừa bệnh nấm)
Hỗn hợp B Malathion (ngăn ngừa sâu vẽ bùa, ấu trùng… )
Baycor (ngăn ngừa nấm bệnh)
Lannate (ngăn ngừa sâu ngài đêm, rệp, thrip, muỗi trắng… )
Giai đoạn 3: (khi cây ra nụ đến khi thu hoạch)
Xịt luân phiên hàng tuần hỗn hợp A và hỗn hợp B
Hỗn hợp A Hostathion( ngăn ngừa sâu vẽ bùa, ấu trùng… )
Baycor (ngăn ngừa bệnh nấm)
Hỗn hợp B Hostathion (ngăn ngừa sâu vẽ bùa, ấu trùng… )
Baycor (ngăn ngừa bệnh nấm)
Lannate (ngăn ngừa sâu ngài đêm, rệp, thrip, muỗi trắng… )
Khi xịt thuốc phải tự bảo vệ mình, tránh tiếp xúc trực tiếp với dung dịch thuốc bằng cách sử dụng các dụng cụ an toàn khi xịt thuốc. Đó là mặt nạ hô hấp, kính che mắt, khăn trùm đầu, áo tay dài, và ủng caosu.
2. Trừ sâu vẽ bùa:
Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.
a. Sử dụng dầu khoáng:
Sử dụng dầu khoáng tỏ ra có lợi do:
- Ít độc đối với động vật có xương sống và những sinh vật không gây hại, không độc đối với con người.
- Phân huỷ nhanh, không để lại dư lượng trong môi trường. Tác động của thuốc được thể hiện qua 3 khía cạnh: Phun trên lá, dầu khoáng sẽ hình thành một lớp dầu mỏng trên lá làm ngăn cản sự đẻ trứng của thành trùng, nếu sử dụng dầu khoáng sau khi sâu vẽ bùa đã đẻ trứng dầu sẽ làm trứng chết .
- Nếu sử dụng phối hợp với thuốc trừ sâu, tác động sẽ mạnh hơn trên ấu trùng và dầu khoáng sẽ dễ dàng xâm nhập vào biểu bì của lá để tác động đến sâu nằm phía dưới đó.
Tuy nhiên do tính lưu tồn kém, nên phải sử dụng nhiều lần, đưa đến tình trạng là phải sử dụng thuốc nhiều lần và như vậy việc xử lý sẽ có thể không có hiệu qủa kinh tế.
b. Sử dụng thuốc Abamectin: (liều lượng và hướng dẫn sử dụng tùy vào nồng độ thuốc)
Biện pháp sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch ( kiến vàng ) của sâu vẽ bùa trong tự nhiên.
B. BỆNH THỐI GỐC HOA CÚC:
Bệnh thối gốc (còn gọi là bệnh héo rũ lở cổ rễ), do nấm Rhizoctonia solani gây ra cũng là một bệnh hại quan trọng, đôi khi gây thiệt hại rất nhiều cho người trồng hoa, nhất là vào mùa mưa hoặc ở những chân đất thấp khó thoát nước, luôn ẩm ướt.
Ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ xuất hiện trên rễ, cổ rễ hoặc phần gốc sát với mặt đất, sau đó phát triển lan rộng dần ra xung quanh.
Muốn phòng trị bệnh có kết quả tốt phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp ngay từ đầu vụ. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Ruộng trồng cúc phải có hệ thống thoát nước tốt, không bị đọng nước, nhất là trên những chân ruộng trũng.
- Trước khi gieo trồng cúc, cần thu dọn hết tàn dư của cây trồng là ký chủ của bệnh ở vụ trước đem tiêu hủy để giảm bớt nguồn bệnh ban đầu cho cây cúc.
- Đất trồng phải tơi xốp, cày xới ruộng kỹ, bón thêm vôi bột để giúp tiêu hủy nhanh tàn dư cây bệnh có sẵn trong đất từ vụ trước, phơi ải đất nếu điều kiện cho phép.
- Hạn chế bón phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ để bổ xung nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho cây, nguồn vi sinh vật có ích cho đất, đồng thời cải tạo kết cấu của đất.
- Sau khi mưa nếu đất bị đóng váng nên tranh thủ xới phá váng ngay. Khi xới tránh làm bị tổn thương gốc rễ, hạn chế cửa ngõ xâm nhập của nấm bệnh vào trong cây.
- Để phòng, trị bệnh có thể phun xịt một trong các lọai thuốc như: Bavistin 50FL; Carban 50SC; Derosal 50SC/60WP; Vicarben 50BTN/50HP; Benlate 50WP; Benotigi 50WP; Fundazole 50WP; Validacin 3L/5L/5SP; Valicide 3SL/5SL/5WP; Moceren 25WP/ 250SC...
Bạn liên hệ với các cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu ở địa phương đều có bán các loại thuốc BVTV trên. Chúc bạn thành công!