Tây Nguyên: Đồng khô, người khát
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Mới đầu mùa khô nhưng Tây Nguyên đã bị hạn hán nghiêm trọng. Nhiều hồ thủy lợi trơ bùn, cây cối chết khô, giếng nước cạn đáy, người dân nhiều khu vực phải thức trắng đêm để “mót” nước cứu cây trồng.
Hồ thủy lợi trơ đáy
Trên cánh đồng ở buôn Bét, xã Dun (huyện Chư Sê, Gia Lai), nhiều ruộng lúa đã bị cháy khô, đất nứt nẻ. Thống kê của ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho thấy, mực nước ở các hồ đập năm nay thấp hơn các năm trước từ 1m - 6m, làm giảm năng lực tưới. Hiện diện tích cây trồng bị hạn lên tới 2.900ha, trong đó có 850ha lúa nước, tập trung nhiều ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh…
Suối Ia Châm chảy qua xã Ia Tô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cạn khô, nông dân tranh thủ vét một ít nước còn lại để cứu cà phê
Tại huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk), nhiều hộ dân phải ra rẫy mắc võng canh nước tưới cà phê. Hai chiếc máy bơm đang dí vòi xuống đáy hồ Ea Nhuôl (xã Ea Drơng) để mót những giọt nước còn lại. Sau 15 phút, nước cạn, chủ máy phải dùng cuốc xẻng đào sâu lớp bùn rồi ngồi võng chờ nước ngầm chảy ra để bơm tiếp. Họ làm thế cho đến khi không thể vét được giọt nước nào thì tháo máy chở đi.
Anh Y Tuct Ktul (buôn Kroa, xã Ea Drơng) có 5 sào cà phê, lắc đầu: “Mọi năm, mình tưới xong đợt 3 thì hồ mới khô. Nay chưa kịp tưới đợt 2 thì đã hết nước, giờ chỉ biết cầu trời đổ mưa thôi!”. Ngoài hồ Ea Nhuôl, huyện Cư Mgar còn có 2 hồ khác đang trơ đáy là hồ Buôn Jun (xã Ea Kuêh) và hồ Ea Nhuôi (xã Cư Dliê M’nông).
Trên toàn tỉnh Đắk Lắk, mực nước các sông so với cùng kỳ trung bình nhiều năm đang ở mức rất thấp, thiếu hụt phổ biến từ 50% - 70%. Mực nước ngầm cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3 - 6m. Một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước. Toàn tỉnh 770 công trình thủy lợi vừa và nhỏ (599 hồ chứa, 56 trạm bơm, 115 đập dâng) và dự báo đến cuối tháng 3-2016, khoảng 250 hồ chứa sẽ khô cạn và nhiều trạm bơm phải “thất nghiệp”, thậm chí nhiều vùng không còn nước ngầm để khai thác. Hạn hán cũng đã làm 189ha lúa và 755ha cà phê thiếu nước tưới; gần 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Tình hình khô hạn cũng đe dọa nhiều diện tích cây trồng tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Tại Kon Tum, từ cuối năm 2015 đến nay, mực nước trên các nhánh chính của sông Sê San liên tục đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 - 1,5m. Lưu lượng nước trên các sông cũng liên tục duy trì ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 35% - 65%. Tổng cộng đã có 541ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước. Trong đó lúa là 458ha, cà phê và các cây trồng khác là 77ha. Còn tại các huyện Đắk Mil, Cư Jút (Đắk Nông), hạn hán đang chầu chực đe dọa “nuốt chửng” hàng trăm hécta cây trồng nơi đây khi các hồ đập như Đắc Ken (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil), hồ Buôn Bua (xã Tâm Thắng) và hồ Chư Bu (xã Nam Dong, cùng thuộc huyện Cư Jút) trơ đáy.
Hồ Ea Nhuôl, xã Ea Drơng (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cạn trơ đáy
Quyết liệt chống hạn
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã thành lập các tiểu ban chỉ đạo chống hạn, xây dựng phương án phòng chống hạn; trong đó, khuyến cáo người dân nên gieo trồng ở những nơi có đủ nước. “Tỉnh đang dốc hết sức để chống hạn. Trước hết, ưu tiên nước sinh hoạt cho người, gia súc và gia cầm. Sau đó đến cây trồng có giá trị cao như cà phê, tiêu rồi mới đến cây lúa”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kon Tum, cho biết, đơn vị thường xuyên trao đổi, phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến hạn để triển khai các biện pháp chống hạn kịp thời. Các hộ dân phải sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước, tận dụng triệt để các nguồn nước để cứu cây trồng.
Còn tại Gia Lai, UBND tỉnh giao các địa phương tăng cường phối hợp với các đơn vị thủy nông để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi trên địa bàn, từ đó có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp.Về lâu dài, cần xây dựng mô hình với các loại cây có khả năng chịu hạn. Tỉnh cũng giao Sở TN-MT, Sở Công thương đôn đốc, giám sát việc vận hành các hồ chứa của Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak, Công ty cổ phần Điện Gia Lai thực hiện nghiêm việc xả nước về hạ du trong mùa cạn theo quy định vận hành liên hồ chứa...
Theo tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, do năm nay lượng mưa giảm 70% - 80% so với năm trước, cộng với ảnh hưởng của El - Nino nên hạn sẽ khốc liệt và kéo dài so mọi năm. Vì thế, các hộ dân cần sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm hạn chế nguồn nước thất thoát ra bên ngoài. Công nghệ này hiện được bán rất nhiều trên thị trường.
Hơn 2.800ha đất phải dừng sản xuất
Theo Bộ NN-PTNT, tại các tỉnh Tây Nguyên, diện tích cây trồng được tưới từ công trình thủy lợi chỉ đạt 30% diện tích canh tác. Hiện diện tích phải dừng sản xuất là hơn 2.800ha, trong đó Gia Lai hơn 2.650ha, Đắk Nông 215ha. Dự kiến, đến giữa tháng 3-2016, diện tích bị thiếu nước khoảng 180.000ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông. Đối với cây công nghiệp lâu năm thì cà phê bị ảnh hưởng bởi khô hạn nhiều nhất. Hiện nay có hơn 1.100ha cà phê thiếu nước tưới đợt 2 và trên 11.200ha tiếp tục thiếu nước tưới. Dự báo đến cuối vụ có trên 100.000ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán.
VÕ PHÚC
ĐBSCL sống chung với hạn, mặn
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ĐBSCL đang đối diện với những thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Do đó, bên cạnh những giải pháp về thủy lợi để ĐBSCL sống chung với hạn, mặn như đã từng sống chung với lũ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi. Việc xây dựng các giải pháp tổng thể, lâu dài đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng, thay vì cứ ứng phó hàng năm như hiện nay…
Nhiều công trình thủy lợi kém hiệu quả
Khi hạn hán kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu, người dân mới thấy hết lợi ích từ các công trình thủy lợi. Trong đó, hệ thống cống ngăn mặn Nam Măng Thít, Láng Thé ở Trà Vinh đã phát huy hiệu quả bảo vệ cho hơn 100.000ha lúa trước sự bao vây của nước mặn. Hay hệ thống đê bao vùng ngọt hóa Gò Công và hàng loạt công trình cống đập khác ở vùng bán đảo Cà Mau cũng phát huy tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt.
Ngược lại, do đầu tư thiếu đồng bộ nên có một số hệ thống thủy lợi lớn trong vùng phát huy kém hiệu quả. Tại Hậu Giang, dự án đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ có chiều dài hơn 70km, đi qua địa phận TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ, có tổng vốn đầu tư hơn 688 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án rất quan trọng vì ngoài chức năng tháo úng, rửa phèn trên 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hình thành một hành lang giao thông liên hoàn, dự án còn đảm nhận vai trò chống xâm nhập mặn và các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ở các xã nằm ven sông Cái Lớn của tỉnh. Theo kế hoạch, dự án thực hiện từ năm 2009 - 2015 nhưng đến nay vẫn còn 30km chưa hoàn thành do thiếu vốn đầu tư. Tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để địa phương hoàn thành tuyến đê bao ngăn mặn này.
Cần chọn giống lúa thích nghi với hạn. Ảnh: CAO PHONG
Tại Bến Tre, cống đập Ba Lai có mục tiêu ngăn nước mặn xâm nhập từ biển, giữ nguồn nước ngọt cho 88,500ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và TP Bến Tre. Hiện nay, sau khi hoàn thành cống đập Ba Lai, nước mặn vẫn tiếp tục xâm nhập vào đây vì các hạng mục còn lại như cống lấy nước Bến Rớ, âu thuyền An Hóa, âu thuyền Bến Tre, đê ven sông Tiền chưa được đầu tư. Khi nước mặn lên cao đã đổ ngược vào vùng ngọt hóa, gây khó cho dân. Ngoài ra, do chưa xây dựng đồng bộ, chưa hoàn chỉnh nên một số vùng còn xâm nhập mặn cục bộ, như hệ thống thủy lợi Cầu Sập, hệ thống cống dưới đê bao ven biển Bình Đại (dài 41km)...
Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp vẫn chưa làm được vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho hệ sinh thái của vùng này. Từ năm 1918, người Pháp đã nghiên cứu hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, đào một số kênh mang nước ngọt về từ sông Hậu. Mãi đến năm 1992, dự án ngăn mặn Cổ Cò mới được thực hiện, mục đích mang nước ngọt sông Hậu tới toàn vùng phía Đông sông Gành Hào gần sát biển. Tiếp theo là loạt 11 cống đập ngăn mặn khác được thiết lập trên các sông chính hay kênh, cống rộng từ 5 - 25m, cống tự động đóng mở khi thủy triều cao hay thấp. Ngoài ra, còn đào thêm kênh cấp 2 khoảng 250km. Công trình hoàn thành năm 2001 nhưng đến nay việc phân ranh mặn, ngọt vẫn cứ loay hoay vì có thời điểm người dân phá cống đưa nước mặn vào nuôi tôm.
Vùng ngọt hóa Gò Công được thực hiện từ thời Pháp và tiếp tục phát triển thêm sau năm 1990, được đánh giá là thành công nhất. Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán, mặn xâm nhập như hiện nay, vùng này cũng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Theo ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, để chống hạn, mặn căn cơ cho vùng này, trước mắt tỉnh sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT lập trạm bơm điện tại cống Xuân Hòa để bơm bổ sung cho phần nước đã sử dụng (kinh phí khoảng 100 tỷ đồng), đồng thời vận động người dân giảm bớt 1 vụ lúa (thường xuống giống 3 vụ/năm), chuyển sang cây trồng khác ít sử dụng nước.
Sản xuất thích nghi
Theo dự báo, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến tháng 5-2016, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, do vậy, nhiều địa phương trong vùng đã chỉ đạo ngưng xuống giống một số vụ lúa, giảm diện tích trồng lúa, thay thế cây trồng khác thích nghi có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt, sử dụng ít nước.
Trước mắt, ứng phó với tình hình hạn mặn, tỉnh các địa phương đã chỉ đạo đóng hàng trăm cống, nạo vét hàng ngàn kilômét kênh nội đồng, đồng thời tập trung tuyên truyền để người dân tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của ngành chức năng trong phòng chống hạn, mặn.
“Một trong những biện pháp khẩn trương, trọng tâm nhất của cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng đến hết mùa khô năm nay là ứng phó với mặn xâm nhập, để giảm bớt thiệt hại cho nông dân”, là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ông Thể yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương nhanh chóng kiểm tra, khảo sát những vùng bị thiệt hại do mặn xâm nhập để kịp thời hỗ trợ cho nông dân theo quyết định của Chính phủ. Tại Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cống Bến Rớ cần xây dựng nhanh và hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể, vì đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ nước sinh hoạt cho khu vực trọng yếu của tỉnh là TP Bến Tre và huyện Châu Thành.
Vừa qua, Chính phủ Vương quốc Hà Lan và Bộ TN-MT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội nghị tập huấn cấp cao về quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP Cần Thơ. Theo ông Tom Kombier, Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Kế hoạch ĐBSCL (MDP) đã được xây dựng trong khuôn khổ đối tác chiến lược thích ứng BĐKH và quản lý nước giữa hai chính phủ Việt Nam và Hà Lan. MDP là kết quả hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan trong hơn 3 năm, dựa trên khuôn mẫu của “Kế hoạch đồng bằng Rhine Meuse Scheld” ở Hà Lan. Hà Lan là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và đã có hơn 100 năm kinh nghiệm ứng phó với thách thức này. Do đó, những chia sẻ của Hà Lan trong MDP sẽ có ý nghĩa thiết thực với ứng phó BĐKH, phát triển sản xuất của vùng ĐBSCL. MDP hướng đến phát triển một tầm nhìn chiến lược lâu dài cho một khu vực đồng bằng an toàn, bền vững và trù phú, bao gồm các đề xuất chính sách và các giải pháp có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phát triển và xem xét lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian và quy hoạch tổng thể ngành cho vùng ĐBSCL cũng như định hướng trong việc đưa ra các quyết định, ban hành luật và đầu tư tại khu vực ĐBSCL trong tương lai.
Theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhận thức rõ những vấn đề vừa nêu, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ TN-MT, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vùng triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL theo định hướng cơ bản của MDP để xây dựng ĐBSCL ngày một an toàn trước BĐKh.
Đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng cứu hạn tại ĐBSCL
Trước tình hình khô hạn nặng và xâm mặn sâu, các tỉnh ĐBSCL vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng cộng 1.003 tỷ đồng để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó Long An 50 tỷ đồng, Tiền Giang 83 tỷ đồng, Bến Tre 157 tỷ đồng, Trà Vinh 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 219 tỷ đồng, Bạc Liêu 170 tỷ đồng, Kiên Giang 102 tỷ đồng, Hậu Giang 152 tỷ đồng. (PHÚC HẬU)
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong khoảng thời gian từ 4 đến 7-3-2016, nước mặn dần xâm nhập cao trở lại, ranh mặn 4%o dịch chuyển sâu vào nội địa. Thời gian nước ngọt xuất hiện trên các cửa sông chính giảm, các vùng cách cửa sông Cửu Long 30 - 45km trở lên vẫn lấy được nước ngọt khi triều vừa và thấp. Cũng trong thời gian nêu trên, các vùng: Bạc Liêu (gần Sóc Trăng), Hậu Giang thuộc bán đảo Cà Mau; ngay phía trên Tân An (trên sông Vàm Cỏ Tây) và trên cầu Xáng Lớn (sông Vàm Cỏ Đông) còn có thể duy trì nước ngọt lúc triều thấp và chân triều. Từ sau ngày 7-3-2016, mặn có khả năng xâm nhập rất sâu, thậm chí nghiêm trọng hơn thời kỳ đầu tháng 2-2016. Các vùng cách biển 40km có thể chỉ còn nước ngọt lúc chân triều.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
Nguồn tin: Báo Quảng Ninh
Biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là câu chuyện xa xôi mà nó đã tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân Quảng Ninh. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH và các loại hình tác động của BĐKH. Việc chủ động các giải pháp lâu dài để ứng phó với BĐKH đã và đang là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm triển khai.
Nhiều diện tích mạ xuân tại TX Quảng Yên đã bị chết rét.
Nhìn lại hậu quả do BĐKH
Thời điểm này ở những năm trước, vải chín sớm ở xã Bình Khê, TX Đông Triều đang trong giai đoạn đậu quả. Tuy nhiên, năm nay hầu hết diện tích vải chín sớm của xã gần như không có hoa, cây nào có thì hoa cũng rất ít. Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Khê, cho biết: Xã Bình Khê hiện có trên 300ha vải thiều, trong đó khoảng 60ha vải chín sớm. Hàng năm, sản lượng vải chín sớm của xã luôn đạt khoảng 200 tấn, lại bán luôn được giá, doanh thu đạt từ 4,5 - 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vải chín sớm năm nay nhiều khả năng giảm mạnh về năng suất và sản lượng do thời tiết không thuận lợi. Đúng thời điểm vải ra hoa thì gặp đợt rét đậm, rét hại, khiến hoa không đậu quả được.
Không chỉ nông dân Bình Khê, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng chịu thiệt hại nặng nề do đợt rét hại kéo dài vừa qua. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, đợt rét đậm, rét hại tháng 1-2016, không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng lớn đến thời tiết tỉnh Quảng Ninh, nhiệt độ trung bình dưới 8 độ C. Đặc biệt, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hiện tượng tuyết rơi phủ kín như trên 2 ngọn núi Cao Xiêm, xã Lục Hồn và Cao Ly, xã Húc Động (Bình Liêu); đỉnh chùa Đồng Yên Tử (TP Uông Bí). Đợt rét đậm, rét hại kỉ lục này đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Toàn tỉnh đã có 1.600 con gia súc, 4.154 con gia cầm bị chết, ảnh hưởng đến 487 hộ dân, ước tính thiệt hại 12 tỷ đồng; về thuỷ sản có 313 tấn cá bị chết, ước tính thiệt hại 27,7 tỷ đồng. Về cây trồng, đợt rét hại cũng đã làm 183ha lúa mới cấy, 2,6ha mạ, 40ha gieo sạ và hàng chục ha hoa màu bị ảnh hưởng.
Trước đó chưa lâu, đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7-2015 với lượng mưa tập trung có ngày lên tới 800mm trên địa tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó, riêng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã lên tới 310,17 tỷ đồng với trên 4.800ha lúa, hoa màu bị ngập và hư hại; gần 1.500ha đầm nuôi trồng thuỷ sản bị ngập, hư hỏng trên 2.200 lồng bè; làm chết trên 8.800 con gia súc, gia cầm...
Có thể thấy, tình hình thời tiết, thiên tai diễn ra ngày càng bất thường, khó lường hơn và nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa lớn, nắng nóng, rét hại... diễn ra nhiều hơn. Riêng số lượng các đợt nắng nóng kéo dài bất thường đã tăng trong 10 năm vừa qua. BĐKH cũng đã làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, như: Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà và Đông Triều.
Giữa năm 2015, thời tiết nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao đã khiến trên 500ha tôm nuôi trên địa bàn Móng Cái bị dịch bệnh. Trong ảnh: Người dân phường Hải Hòa, TP Móng Cái phun thuốc khử trùng ao nuôi. Ảnh: Phương Thuý
Chủ động ứng phó với BĐKH
Sau mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh, việc tổ chức hỗ trợ, khắc phục thiệt hại chỉ là giải pháp tình thế để giúp nông dân khôi phục sản xuất. Song vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp đó là cần có những giải pháp lâu dài để chủ động ứng phó với diễn biến khó lường và ngày càng không theo quy luật của thời tiết.
Những năm gần đây, cùng với việc tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề tổ chức sản xuất ứng phó với BĐKH cũng đã được ngành nông nghiệp tính đến. Đó là tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, đẩy mạnh trồng, bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất lên trên 62%... Hiện ngành Nông nghiệp và các ban, ngành liên quan của tỉnh đang tích cực triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020. Trong kế hoạch này, các yếu tố BĐKH cũng đã được lồng ghép vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), ngành nông nghiệp sẽ bổ sung thêm các giải pháp trong quy hoạch như: Bảo tồn giữ gìn các giống cây trồng bản địa, ứng dụng khoa học trong việc lai tạo giống mới năng suất cao thích ứng với điều kiện thiếu nước, xâm nhập mặn, chịu úng tại tỉnh Quảng Ninh. Nghiên cứu xây dựng chương trình chọn tạo, khảo nghiệm giống cây trồng mới thích ứng cho các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy trình kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng đất, giảm diện tích đất thoái hoá, bạc màu. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc một cách khoa học, chống rửa trôi, xói mòn để giúp giảm nguy cơ sạt lở đất. Trong chăn nuôi, tích cực nghiên cứu lựa chọn giống cho phù hợp; áp dụng linh hoạt quy trình VietGAP; nhân rộng nhanh, mạnh mô hình Biogas trong chăn nuôi…
Cùng với đó, tỉnh sẽ giao ngành nông nghiệp triển khai một số dự án gắn với ứng phó với BĐKH, như dự án hỗ trợ phát triển phương thức sinh kế nuôi trồng thuỷ sản bền vững thích ứng với BĐKH tại Tiên Yên, kiểm định an toàn đập cho các hồ chứa vừa và lớn tỉnh Quảng Ninh, tăng cường trồng rừng ngập mặn, bảo vệ đê biển khu vực đảo Hà Nam...
Một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH được tỉnh và ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đó là tăng cường trồng, bảo vệ rừng. Đặc biệt là phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển nhằm phát huy vai trò là “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Về trồng rừng, sẽ kết hợp bảo tồn thiên nhiên vào việc phát triển kinh tế cho người dân sống dựa vào rừng tại vùng cao. Trong đó tập trung vào việc tăng cường trồng rừng nâng cao độ che phủ rừng và chất lượng rừng, khuyến khích phát triển, tái sinh rừng tự nhiên, đặc biệt là tại khu vực đồi núi huyện Hoành Bồ, đông bắc Mông Dương và các lưu vực sông suối thuộc huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà.
Phương Thuý
Cà Mau công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1
Nguồn tin: CTV Cà Mau
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Quyết định về việc công bố thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, loại thiên tai được công bố là hạn hán, cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 1. Thiên tai đã gây thiệt hại trực tiếp đối với các trà lúa trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có hơn 18.000 ha lúa – tôm bị thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố Cà Mau có liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống thiệt hại do hạn hán gây ra và thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại sau thiên tai theo quy định hiện hành. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương đầu tư kinh phí phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh./.
PV: Diễm Tươi
Cấp bách ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên đang diễn ra khá nghiêm trọng. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có báo cáo tổng quan về vấn đề này và nêu nhiều giải pháp cấp bách ứng phó trong thời gian tới.
Hạn hán, xâm nhập mặn làm lúa chết hàng loạt
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tính riêng năm 2015, ở khu vực Nam Trung Bộ đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống hạn hán.
Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn và hạn hán, tại phiên họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu các giải pháp cấp bách cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, cần tiếp tục tổ chức dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, lịch xả nước từ các hồ chứa thủy điện, các chuyên đề hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Rà soát, cập nhật cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra.
Điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.
Xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn, cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho cả năm 2016.
Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến.
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống cháy rừng (PCCR), tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCR bảo đảm xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, bộ đội biên phòng trong công tác bảo vệ rừng và PCCR trên địa bàn…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương coi công tác phòng chống hạn hán hiện nay là cấp bách, cần huy động cả hệ thống chính trị tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Nguyễn Hoàng
Quy định mới về máy móc được hưởng hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp
Nguồn tin: VGP
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký ban hành Thông tư02/2016/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung Danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Theo đó, Thông tư 02 sửa đổi, bổ sung Danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp gồm: Các loại máy kéo, động cơ các loại (Diezen, xăng, điện) sử dụng trong canh tác, thu hoạch, chế biến nông sản, lâm sản; sản xuất muối; nuôi trồng, khai thác thủy sản, lâm nghiệp; dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản; Các loại máy làm đất (cày, bừa, phay, bánh lồng, rạch hàng, bạt gốc); máy san phẳng đồng ruộng bằng laser; Máy đào hố trồng cây; máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng cây; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất mạ thảm (máy nghiền, máy sàng, máy trộn, máy dải đất, nhà bao che, khay mạ); máy chăm sóc (xới, vun luống, bón phân, phun thuốc trừ sâu), máy bơm nước.
Danh mục cũng bao gồm: Hệ thống máy, thiết bị tưới nước tiết kiệm (máy bơm, bể chứa, đường ống, van áp lực, vòi phun, đầu tưới, thiết bị lọc, thiết bị kiểm soát áp lực…): tưới phun; tưới nhỏ giọt; tưới quay vòng tự hành; Hệ thống máy, thiết bị điện chiếu sáng (trạm biến áp, đường dây, đèn chiếu sáng) cho cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Các loại máy thu hoạch: lúa, ngô, mía, cà phê, sắn, khoai lang, đậu nành (đậu tương); mè (vừng); máy đốn, hái chè; máy tuốt đập lúa; máy bóc bẹ tẽ hạt ngô; máy tẽ ngô; máy đập đậu tương; máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; máy, thiết bị sơ chế cà phê thóc ướt; máy khai thác, thu gom, vận xuất rừng trồng; Máy sấy nông sản, lâm sản, thủy sản (bao gồm các phụ kiện: lò đốt, quạt, buồng (bể) sấy, nhà bao che, băng tải, vít tải, trạm biến áp) cũng thuộc diện máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ gồm: máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy nghiền, máy trộn thức ăn, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy thái rau, củ, quả; Máy vắt sữa; thiết bị bảo quản lạnh sữa; máy phân tích chất lượng sữa; Thiết bị cung cấp nước uống, thức ăn tự động cho gia súc, gia cầm; Máy, thiết bị chăn nuôi gà đẻ tự động, máy rửa khay trứng, máy khử trùng trứng, băng tải trứng, thu gom, đóng gói trứng tự động, máy soi trứng gia cầm, Máy ấp, nở trứng gia cầm…
Trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản cũng có nhiều loại máy được hỗ trợ là: Máy, thiết bị sản xuất giống thủy sản; nuôi trồng thủy sản (động cơ nổ, động cơ điện, hệ thống quạt nước, hệ thống cấp ô xy đáy); thu hoạch thủy sản: máy, thiết bị hút, chuyển cá; Các loại máy, thiết bị dò cá, thu, thả lưới, câu; máy xung điện trong khai thác cá ngừ; tời lưới; máy, thiết bị thông tin liên lạc; hầm (buồng), tủ cấp đông có gắn thiết bị lạnh; thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có hoặc không gắn thiết bị lạnh; máy, thiết bị sản xuất nước đá sệt từ nước biển, nước muối; thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng trên tàu cá đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/4/2016.
Khánh Linh
Nông sản vẫn loay hoay tìm đầu ra
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Điệp khúc “được mùa, mất giá”, “trồng - chặt” lâu nay là chuyện không mới với người nông dân và đang có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng hơn. Thế nhưng việc thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân trước ngưỡng cửa hội nhập vẫn đang là thách thức với chính họ và cả các cấp chính quyền địa phương.
Nông dân ngồi ngán ngẩm bên núi dưa ế đọng.
Thành thông lệ, cứ đến chính vụ không riêng gì những người trồng dưa tại tỉnh Gia Lai mà nhiều nông dân ở ta lại cùng chung một nỗi lo tìm đầu ra cho nông sản. Điệp khúc “được mùa, mất giá” rồi “trồng chặt” đang là căn bệnh của ngành nông nghiệp chưa có thuốc chữa thì những ngày qua, dư luận lại “nóng” việc hàng nghìn tấn dưa của nông dân tỉnh Gia Lai đến vụ thu hoạch lại lâm cảnh ứ thừa.
Ông Phạm Văn Lập (P. An Phú, thị xã An Khê than thở: “Tưởng năm nay được mùa thì 2 đợt gió làm trái bị hư hại, không đạt chất lượng. Giờ bán chỉ với giá dưới 1000/kg “dưa tuyển”, còn “dưa bi” thì coi như bỏ rồi. Vớt vát được chút gì thì vớt vát thôi”.
Vậy nên, người nông dân vẫn mãi loay hoay với miếng cơm manh áo, chứ chẳng mơ đến chuyện làm giàu. Mặc dù, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp... đã tích cực tham gia việc “giải cứu” các mặt hàng nông sản như hành tím, dưa hấu, tỏi... giúp nông dân tiêu thụ với giá bảo đảm có lời và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất. Tuy nhiên, không thể cứ trông chờ vào “lòng hảo tâm” của mọi người và đó chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết phần ngọn vấn đề.
Chưa hết “nóng” chuyện dưa hấu thì nhiều nông dân huyện Mang Yang (Gia Lai) lại đổ xô chặt bỏ cà phê để chạy theo cây chanh dây - một loại cây siêu lợi nhuận nhưng chưa có được thị trường tiêu thụ ổn định. Theo tính toán của người nông dân, với giá cà phê hiện chỉ 30.000/kg người trồng cà phê cầm chắc lỗ nặng. Trong khi, giá chanh dây hiện nay 20.000đ/kg và chỉ mất 6 tháng là cho thu hoạch, khi đến vụ chỉ hai ngày hái một lần. Tính ra trồng chanh dây lời gấp bốn lần cây cà phê đã và đang hút người dân từ bỏ cây cà phê trồng chanh dây.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận đinh, việc người dân phát triển tự phát cây chanh dây có nguy cơ rủi ro rất cao vì không có thị trường và giá cả ổn định. Để phát triển ổn định, giảm thiểu rủi ro việc phát triển cây chanh dây cần gắn liền với công nghiệp chế biến. Trước việc người dân địa phương ồ ạt phá bỏ cà phê trồng chanh dây, lãnh đạo huyện Mang Yang đang tỏ ra hết sức lo ngại và ra văn bản khuyến cáo. Chưa biết giá chanh dây trong tương lai thế nào nhưng việc ồ ạt trồng chanh dây, người nông dân lại tiếp tục đi vào cái “vòng luẩn quẩn” của nhiều loại cây trồng khác như ca cao, cao su...
Tại Hội thảo, ngành nông nghiệp trước những thách thức và cơ hội khi gia nhập TPP vừa được tổ chức tại tỉnh Gia Lai. Ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho rằng: Nếu nông dân cứ sản xuất theo hướng đại trà, thích gì trồng nấy, không theo quy trình tiêu chuẩn nào thì khó có thể gia tăng giá trị sản phẩm và khó chen chân vào các thị trường khác lớn khi hàng hóa của chúng ta đang phải cạnh tranh khốc liệt từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Để không còn chịu cảnh được mùa rớt giá, theo ông Lượng rất cần hình thành nên lối tư duy mới cho nông dân. Từ bỏ cách trồng trọt tự phát theo kiểu phong trào. Bên cạnh đó, nhà vườn nên tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, các hội nông dân sản xuất… để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Phạm Hưởng
Ứng dụng thiết bị, công nghệ thu gom và xử lý rơm rạ tại vùng ĐBSCL
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
* Máy cuốn rơm giá từ 153 - 689 triệu đồng/sản phẩm
Ngày 2-3, Viện Lúa Quốc tế IRRI, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo "Trình diễn thiết bị, công nghệ thu gom và xử lý rơm rạ vùng ĐBSCL".
Với sản lượng trên 20 triệu tấn lúa/năm, mỗi năm khu vực ĐBSCL có khoảng trên 20 triệu tấn rơm rạ. Rơm rạ chủ yếu được sử dụng trong chăn nuôi, làm nguyên liệu trồng nấm, ủ gốc cây trồng, đốt trên đồng ruộng, dùng làm vật liệu chèn lót vận chuyển củ, quả, làm phân bón... Hiện nay, việc thu hoạch lúa cơ bản bằng máy gặt đập liên hợp, rơm rạ được xả ngay trên đồng. Do đó, để tận dụng nguồn rơm này đòi hỏi phải có máy chuyên dùng để thu gom rơm. Tại vùng ĐBSCL có khoảng 10 cơ sở chế tạo, kinh doanh máy cuốn rơm trong và ngoài nước sản xuất, chủ yếu là 2 loại: máy cuốn rơm liên hợp với máy kéo và máy cuốn rơm tự hành. Với nhu cầu tiêu thụ rơm tăng mạnh như hiện nay, máy cuốn rơm đã nâng cao được giá trị của rơm và tăng thu nhập cho người đầu tư máy làm dịch vụ cuốn rơm thuê hoặc kinh doanh rơm. Theo các chuyên gia tại hội thảo, việc phát triển thiết bị, công nghệ thu gom rơm sẽ góp phần tận dụng nguồn rơm dồi dào sau thu hoạch lúa và tạo thêm giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần có giải pháp áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nhằm tận dụng triệt để các phụ phẩm trong nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và góp phần bảo vệ môi trường như chế biến thức ăn gia súc, than sinh học, phân bón. Đồng thời tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về thu hoạch và xử lý rơm rạ thông qua các mô hình khuyến công nông nghiệp gắn với tổ chức trình diễn các mẫu máy thu gom rơm, cuộn rơm phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm khuyến cáo người dân sử dụng có hiệu quả máy móc và tận dụng tốt nguồn rơm thu gom được.
* Trước đó, ngày 1-3, tại Viện Lúa ĐBSCL đã diễn ra "Hội diễn máy thu hoạch rơm các tỉnh vùng ĐBSCL". Tham gia hội diễn có 5 đơn vị: Doanh nghiệp tư nhân Tư Sang 2 (Tiền Giang), Cơ sở Cơ khí Hai Tính (An Giang), Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (Đồng Tháp), Công ty TNHH Thương mại-Sản xuất-Đầu tư Giang Lan (Nhà phân phối của IHI STAR Machinery Corporation-Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh), Công ty Yanmar (Việt Nam). Các máy thu gom rơm tham gia hội diễn bao gồm máy cuốn rơm tự hành, máy gặt đập liên hợp kết hợp với băm rơm và phun Trichoderma giúp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng. Các loại máy này có khả năng vận hành trên đồng ruộng với tốc độ từ 3 - 8km/h, cuộn rơm với khối lượng từ 12 - 18kg/cuộn, giá bán máy từ 153 - 689 triệu đồng/sản phẩm.
MINH HUYỀN
Hội thảo khơi dậy tinh thần kinh doanh cho nông dân
Nguồn tin: An Giang
Ngày 01/3/2016, Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo khơi dậy tinh thần kinh doanh cho nông dân,
Hội thảo được tổ chức tại Khách sạn Hòa Bình với sự tham dự của đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện Trung tâm hỗ trợ phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ (Socencoop), đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, Trường đại học An Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, đại diện Văn phòng UBND tỉnh An Giang, đại diện Liên minh Hợp tác xã An Giang cùng đại diện các hợp tác xã tiêu biểu của ba tỉnh An Giang, Long An và Đồng Tháp đến tham dự.
Hội nghị đã được nghe đại diện Socencoop trình bày kinh nghiệm thực hiện chương trình nâng cao năng lực của hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình Nhật Bản tại Đồng bằng Sông Cửu Long và một số bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nâng cao năng lực kinh doanh; TS. Trần Minh Hải – Trường đại học An Giang trình bày cách thức cải thiện năng lực kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp trình bày hiện trạng và giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã xây dựng cánh đồng lớn ở Đồng Tháp cùng ý kiến trình bày của các thành viên tham dự hội nghị, đặc biệt là ý kiến trình bày về kinh nghiệm hoạt động có hiệu quả của các hợp tác xã tại ba tỉnh An Giang, Long An và Đồng Tháp. Ngoài ra, các đại biểu còn được tham quan các sản phẩm nông sản được các hợp tác xã trưng bày tại Hội nghị.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm khơi dậy tinh thần kinh doanh cho nông dân, đặc biệt là nông dân là thành viên hợp tác xã, trên cơ sở đó phát huy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, chuyển biến dần nhận thức của các hợp tác xã từ sản xuất tự phát sang sản xuất dựa trên nhu cầu của thị trường và khách hàng, sản phẩm được sản xuất phải thực sự an toàn và chất lượng ngày càng đảm bảo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Để làm được điều này, đòi hỏi các hợp tác xã phải cải thiện năng lực kinh doanh của mình.
Làm thể nào để cải thiện năng lực kinh doanh của các hợp tác xã? Vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận tại hội nghị và đưa ra 5 vấn đề cần giải quyết gồm:
- Thứ nhất, cần nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ hợp tác xã của cán bộ cấp xã/phường.
- Thứ hai, cần nâng cao “chất lượng” đầu vào ban quản lý hợp tác xã.
- Thứ ba, phát triển hợp tác xã theo hướng “đa dịch vụ - đa mục tiêu”.
- Thứ tư, áp dụng phương thức “mua chung, bán chung” trong hợp tác xã theo mô hình Nhật Bản tạo nhiều cơ hội kinh doanh trong hợp tác xã.
- Thứ năm, ban quản lý hợp tác xã cần năng động chọn phương án kinh doanh hiệu quả và khả thi.
Nhìn chung, việc tăng cường năng lực của các hợp tác xã là vấn đề cần quan tâm và cần có hoạt động mạnh mẽ để tập hợp trí tuệ của tất cả người dân tham gia hợp tác xã với mục tiêu cuối cùng là nâng dần số lượng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
Bạch Kim
Độc đáo máy suốt đậu xanh
Nguồn tin: Báo An Giang
Từ cấu trúc chiếc thùng suốt lúa, ông Tống Thanh Long (ấp An Hòa, xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) thiết kế lại gọn nhẹ hơn, giảm bớt các chi tiết không cần thiết, phục vụ đắc lực cho việc suốt đậu xanh của đồng bào Khmer, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm bớt nhân công lao động và chi phí thời vụ ở vùng cao.
Từ chiếc máy giản tiện
Là người Xà Tón lên Tà Đét lập nghiệp, ông Tống Thanh Long mở xưởng cơ khí, với công việc chuyên hàn tiện. “Máy suốt lúa tui đâu biết, vả lại hồi nào tới giờ hổng có làm. Nhiều bà con Khmer đến ngõ ý, mình cũng ráng tìm hiểu” – ông Long chia sẻ. Cách nay khoảng 5 năm, ông Chau Dân (chợ Tà Đét) đến đặt hàng, rồi chiếc máy này đưa thẳng qua Campuchia để suốt đậu nành, đậu xanh. “Có thuê đất bên đó nhiều lắm, ông Dân qua lại mần ăn, cần máy thu hoạch mới kịp” – ông Long kể.
Đồng bào Khmer Xà Du suốt đậu xanh
Do không phải là sản phẩm chính của xưởng, ông Long cũng không có thời gian đi kiểm tra hoạt động, mà chỉ nghe bà con báo lại hiệu quả của máy. “Hình dạng giống chiếc máy suốt lúa, phần cấu trúc bên trong giản tiện hơn, chỉ có bông trục và tấm lưới bọc” – ông Long mô tả. Đặc biệt, sử dụng quạt lùa để vỏ đậu và bụi bay xuôi theo máy, hạt đậu sạch sẽ rớt xuống và chảy ngược về phía trước đầu máy. Như vậy, khi suốt xong hạt đậu, bà con không cần phải giê lại. Với máy giản tiện này, đồng bào Khmer suốt đậu nhanh chóng, giảm bớt nhân công thời vụ.
Từ chiếc máy đầu tiên, ông Long rút kinh nghiệm, vì là thợ cơ khí nên tinh ý mấy chuyện này. “Nghe vậy, bà con bên Phôm Pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn) sang đặt hàng, rồi tới bà con ở Sà Lôn (xã Lương Phi, Tri Tôn) cũng tìm mua. Thấy tin tưởng quá, tui cũng dành chút thời gian, mần máy sớm cho bà con” – ông Long nói. Với bộ khung và thùng suốt (ngang 4,5cm và dài 1m), có 2 bánh xe và sử dụng đầu máy Honda (5,5 ngựa), giá trị tổng cộng chỉ 5,5 triệu đồng/máy. “Về công suất hoạt động, máy có thể suốt được 3 tấn/ngày, tương đương trên 2 héc-ta (nếu năng suất đậu trung bình)” – ông Long cho biết.
Đưa cơ giới thu hoạch
Khoảng 5 năm trở lại đây, cây đậu xanh tiếp tục phát triển mạnh ở các xã: An Hảo, Châu Lăng, Lương Phi… với hàng trăm héc-ta, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi thời vụ và khai thác sản xuất trên nền đất vùng cao, phần lớn diện tích đều do đồng bào Khmer canh tác. Theo bà con cho biết, với phương pháp sản xuất tập quán thì thu hoạch đậu phải hái trái, phơi khô, đập bể trái rồi giê lấy hạt; tốn rất nhiều nhân công và thời gian chờ đợi. Từ khi có máy suốt, không còn tình trạng đập bể trái rồi giê lấy hạt, rút ngắn được thời gian ngày mùa.
Ông Long là người đầu tiên sáng chế máy suốt đậu xanh
Mấy năm đầu, xưởng cơ khí của ông Long làm được 5 – 7 máy, chủ yếu là khu vực lân cận. “Nhiều người nói quá, mình ráng mần cho bà con phục vụ sản xuất. Thật ra, hổng nghĩ chuyện sáng kiến, bản quyền gì hết” – ông cười tươi. Song, qua tìm hiểu thấy một số người có tay nghề cũng bắt chước, rồi tổ chức thành dịch vụ suốt đậu xanh mướn, với giá 10.000 đồng/thúng (khoảng 10kg). Vậy là, không khí thu hoạch nhộn nhịp, đa số đều ứng dụng máy suốt, ngày mùa đậu xanh trở nên vui hơn so với trước. “Thấy có máy suốt đậu xanh, bà con mần ăn mau lẹ hơn, mình cũng vui lây” – ông Long phấn khởi.
Vụ đông xuân năm nay, dạo quanh cánh đồng Thổ Phi, Sà Lôn, Bằng Rò, Rò Leng, Latina, Xà Du… thấy bà con hái đậu xanh, rồi phơi và suốt lấy hạt. Hỏi thăm, ai cũng nói máy suốt thì có nhiều người làm, nhưng sáng chế đầu tiên là ông Tống Thanh Long (ấp An Hòa, xã An Hảo), một người Kinh nhiệt tình giúp đồng bào Khmer sản xuất. “Mình mần bán, lấy lại chi phí thôi, cái chính là hỗ trợ bà con sản xuất thuận tiện. Mần ăn được, bà con còn nhớ tới tên mình là vui rồi” – ông Long tự hào. Chiếc máy suốt của ông Long đã góp phần cơ giới hóa vào khâu thu hoạch.
“Đối với người đồng bằng, máy suốt trở nên bình thường. Nhưng, còn ở vùng cao này, chiếc máy thật có ý nghĩa đối với đồng bào Khmer. Bởi, có máy móc sẽ là cơ giới hóa sản xuất, thay đổi tập quán canh tác truyền thống” – ông Tống Thanh Long chia sẻ.
TRỌNG ÂN
Xuất khẩu nông sản Việt năm 2016 sẽ khởi sắc
Nguồn tin: VOV
Dự báo trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản sẽ tăng lên như gạo, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau, quả.
Năm 2016, khi nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên song hành với thuận lợi sẽ là những khó khăn thách thức.
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng năm ngoái và chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng cao là nhân điều, gạo, cà phê... Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam.
Dự báo, năm 2016, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn do nhu cầu thị trường tăng, cải thiện cơ cấu sản phẩm, mở rộng áp dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Đặc biệt là có sự tác động từ các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết và chính thức có hiệu lực. Trong năm nay, một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam là Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, để mục tiêu xuất khẩu đạt được như kỳ vọng, thì bản thân người nông dân và doanh nghiệp cần nỗ lực và có chiến lược sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất.
“Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như TPP đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Về mặt cơ hội, Việt Nam sẽ có một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn. Tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam phải nâng cấp chất lượng và quy mô sản xuất lên đạt các chuẩn mực mà thị trường đòi hỏi. Các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức, quy mô sản xuất, quan trọng nhất là điều chỉnh lại, đạt được các chuẩn mực về vệ sinh an toàn thực phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường nội địa cũng như tăng khả năng xuất khẩu”, ông Hòa cho biết.
Mặc dù còn không ít khó khăn do “dư âm” của năm cũ để lại, nhưng dự báo trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng sẽ tăng lên như gạo, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau, quả. Chiến lược xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ, châu Âu, ASEAN, Nga và các nước Đông Âu, Trung Quốc, châu Phi.
Cơ hội lớn là vậy nhưng Việt Nam sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Bên cạnh đó là những rào cản về kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ đối với nông sản. Khi hội nhập, một lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài sẽ đổ vào thị trường Việt Nam, đây là một thách thức lớn cho các sản phẩm của Việt Nam khi phải trực tiếp cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN và ngay tại chính thị trường nội địa.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, mỗi nước ASEAN đều có một lợi thế so sánh riêng. Để tạo được vị thế trên thương trường, các doanh nghiệp phải đi lên bằng nội lực, khẳng định được chất lượng và thương hiệu của chính mình.
“Để nâng cao được chất lượng hàng xuất khẩu, trước hết người sản xuất phải có ý thức sản xuất hàng chất lượng. Bản thân người sản xuất, doanh nghiệp phải tập trung vào thị trường sản xuất chất lượng cao. Doanh nghiệp và người sản xuất không có ý thức sản xuất hàng chất lượng cao thì chắc chắn sẽ không làm được, từ đó mới tác động vào nhu cầu thiết kế sản phẩm...”, ông Ngọc cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng thời cơ từ quá trình hội nhập mang lại, công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cần được đặt lên hàng đầu; Tăng cường phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, trong đó có hệ thống Thương vụ tại nước ngoài; Xây dựng mạng lưới thông tin thông suốt, thúc đẩy quan hệ, kết nối xuất - nhập khẩu nông – lâm - thủy sản, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam; nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt từ 39 - 40 tỷ USD, định hướng trước mắt và lâu dài vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại đặc biệt là theo hướng bền vững, lâu dài. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu. Điều này được khẳng định trong Chiến lược xuất khẩu đến 2020, tầm nhìn 2025.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ NN&PTNT trong việc tổ chức hướng dẫn thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời cùng hỗ trợ với Bộ NN&PTNT bằng những nội dung cụ thể về xây dựng những vùng nguyên liệu có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; Tiếp tục đưa công nghệ đưa hiệu quả vào trong năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm và gắn với xây dựng thương hiệu, giúp cho doanh nghiệp của chúng ta có điều kiện, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Năm 2016 được dự báo là một năm khởi sắc của lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Ngoài nỗ lực của người sản xuất và doanh nghiệp, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó là hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa và từ đó xuất khẩu ra nước ngoài.../.
Chung Thủy/VOV-Trung tâm Tin
Làm giàu trên đất "khó"
Nguồn tin: Báo Nam Định
Những năm gần đây, nông dân xã Trực Mỹ (Trực Ninh, Nam Định) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.
Có 2,2km giáp sông Ninh Cơ nhưng không có vùng đất bồi, xã Trực Mỹ phải lấy đất ruộng để đắp đê nên cả một dải ven đê của xã là thùng đào, thùng đấu trước đây để hoang không thể canh tác được vì muốn cải tạo cần đầu tư lớn cả vốn và công sức. Khi phong trào chuyển đổi sản xuất với các mô hình, phương thức canh tác phù hợp từng loại thổ nhưỡng phát triển, khu thùng đào này được nhìn thấy những giá trị chẳng kém “bờ xôi, ruộng mật”. Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch và chuyển đổi 10ha diện tích đất thùng đào, thùng đấu để phát triển trang trại tổng hợp để cho các hộ nông dân trong xã đấu thầu. Khi đã có cơ chế pháp lý rõ ràng, người dân đã yên tâm đầu tư. Từ đây, các hộ đã tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng các loại cây có giá trị kinh tế và nuôi thủy sản. Nhiều mô hình trang trại tổng hợp hiệu quả kinh tế cao đã xuất hiện. Chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình anh Vũ Văn Thành ở xóm 10. Trên diện tích 3ha đất ruộng của gia đình và đất đấu thầu ven đê sông Ninh Cơ, anh Thành đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn kết hợp với trồng cây và thả cá. Ban đầu việc sản xuất của gia đình gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, nhưng không nản chí, anh Thành tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu kinh nghiệm từ các trang trại đã thành công. Với phương châm phát triển bền vững, anh không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh... Do vậy đàn lợn của gia đình anh luôn phát triển tốt, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tích lũy lãi qua từng năm, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt lên 2 dãy chuồng. Một dãy gồm 18 ô chuồng, nuôi lợn nái sinh sản và lợn đực giống để chủ động lợn giống cho trang trại của gia đình. Dãy chuồng thứ hai nuôi lợn thương phẩm, mỗi dãy có chục ô chuồng, nuôi mỗi lứa 120 - 150 con. Các ô chuồng được anh Thành nuôi gối nhiều lứa từ lợn giống mới tách đàn đến lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng nên tháng nào gia đình anh cũng có lợn thịt xuất chuồng, lại không lo bị ép giá do xuất ồ ạt một thời điểm. Trung bình từ 12 - 13 tấn lợn thịt/tháng; doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, lãi trên dưới 300 triệu đồng/năm. Tận dụng phân lợn ủ khô, anh còn trồng thêm 300 gốc chuối, mỗi năm cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Không để phí tấc đất nào, anh Thành còn đào 5 ao với diện tích 2ha nuôi cá trắm cỏ. Toàn bộ hệ thống ao nuôi của anh đều có cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín, xung quanh ao được bê tông hóa. Năm 2015, gia đình anh Thành xuất bán 5 tấn cá trắm cỏ, lãi trên 100 triệu đồng. Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Vũ Đình Luân, xóm 9 cũng nhận thầu 2ha đất thùng đào, thùng đấu của địa phương làm trang trại. Mặc dù diện tích đất gia đình ông đấu thầu là đất khó canh tác, mất nhiều công sức và tiền vốn để đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó nên ông Luân đã dần xây dựng thành một trang trại quy mô hoàn chỉnh, khoa học với vườn cây ăn quả, ao cá và hệ thống chuồng trại… Dẫn chúng tôi đi thăm quanh các ao cá có tổng diện tích mặt nước gần 1,1ha nuôi thả cá trắm cỏ là chủ lực, ngoài ra ông còn nuôi thêm các loại mè và trôi; ông cho biết: ông tự mua cá bột ương thành cá giống để nuôi cá thương phẩm và phục vụ nhu cầu nuôi cho bà con trong và ngoài xã. Đồng thời, trên vườn ông trồng thêm các loại cây thuốc, cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng như cam Đường Canh, bưởi Diễn, táo lai, ổi, đinh lăng… tăng thu mỗi năm thêm hàng chục triệu đồng. Để tận dụng mặt nước, bờ ao, góc vườn, gia đình ông còn duy trì nuôi 600 con vịt siêu trứng… Hằng năm, sau khi trừ chi phí các loại, thu nhập từ trang trại tổng hợp của gia đình ông Luân luôn ổn định từ 250 - 300 triệu đồng. Hiện nay, ông Luân đã hoàn thiện dãy chuồng diện tích 160m2 để trong thời gian tới ông nuôi 20 con lợn nái đẻ với mục tiêu duy trì đàn lợn thương phẩm 160 con/lứa. Không chỉ có gia đình anh Thành, ông Luân mà hiện nay, ở khu chuyển đổi ven đê xã Trực Mỹ nhiều hộ nông dân lựa chọn mô hình làm kinh tế trang trại tổng hợp để phát triển cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ các ông: Vũ Văn Tân, xóm 12 nuôi 500 - 1.000 con vịt, 5 con trâu, thả 2ha cá; Ngô Xuân Chiến, xóm 14 nuôi 500 đôi chim bồ câu Pháp, 1.000 con gà và vịt, thả trên 1ha cá truyền thống kết hợp trồng hòe; Phạm Văn Quý, xóm 11 nuôi lợn kết hợp thả cá… lãi 300 - 500 triệu đồng/năm.
Chăm sóc đàn lợn nái tại trang trại của anh Vũ Văn Thành, xóm 10, xã Trực Mỹ (Trực Ninh).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Văn Thiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Mỹ cho biết: Nhằm khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua các tổ chức, đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, HTXDVNN… xã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho các hộ nông dân có nhu cầu. Tạo điều kiện để bà con nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH đầu tư vào sản xuất. Trong chăn nuôi, Trực Mỹ hướng các hộ nông dân từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ theo các mô hình đang được khuyến cáo mở rộng trong sản xuất như: nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; mô hình gà thả vườn; mô hình chăn nuôi vịt, ngan cao sản; mô hình hầm bi-ô-ga trong xử lý chất thải chăn nuôi… Khuyến khích các hộ gia đình thực hiện việc liên kết trong chăn nuôi từ việc tìm đầu ra cho sản phẩm đến liên kết, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, các hộ đã thực hiện, tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi. Thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân, vụ thu và phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại định kỳ đúng theo sự chỉ đạo huyện, tỉnh. Trong phát triển nuôi thủy sản, ngoài các đối tượng cá truyền thống, xã còn khuyến khích các hộ nuôi thả nhiều đối tượng nuôi mới như cá chim trắng, tôm càng xanh… Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ nuôi theo hướng hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi thả, bảo đảm VSATTP, tăng khả năng cạnh tranh thị trường. Ngoài ra, các chủ trang trại còn thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản… để cùng nhau phát triển bền vững.
Có thể nói, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Trực Mỹ là hướng đi đúng đắn, biến những diện tích đất hoang hóa thành “tấc đất, tấc vàng” đưa kinh tế trang trại tổng hợp trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo bước chuyển mạnh trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ những kết quả đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 2,92%, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/năm, góp phần giúp Trực Mỹ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2015./.
Ngọc Ánh
Nghiên cứu thành công quy trình sản xuất sữa gạo
Nguồn tin: Báo An Giang
Tiến sĩ Hồ Thanh Bình và thạc sĩ Cao Thị Luyến, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học An Giang vừa nghiên cứu thành công quy trình sản xuất sữa gạo, mở ra hướng đi mới và nâng cao giá trị thương phẩm cho hạt gạo-một trong hai sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đề tài nghiên cứu góp phần đa dạng hóa, nâng cao giá trị hạt gạo
Theo thạc sĩ Luyến: Gạo là loại nông sản chính và phổ biến ở Việt Nam. Hàm lượng glucid trong gạo chiếm khoảng 80% trọng lượng hạt, chủ yếu dưới dạng tinh bột, nên gạo được xem là loại lương thực cung cấp năng lượng chính cho con người, đặc biệt đối với người dân Châu Á. Các sản phẩm chế biến từ gạo hiện nay chủ yếu dưới dạng bánh, như: Cốm gạo, các loại bánh được chế biến từ tinh bột gạo. Sản phẩm nước uống từ gạo còn rất mới và chưa được phổ biến trên thị trường. Việc nghiên cứu, chế biến sản phẩm sữa gạo là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị thương phẩm cho hạt gạo, từ đó nâng cao thu nhập quốc gia cho ngành lương thực và nông dân. Mặt khác, việc chế biến sản phẩm nước uống từ gạo góp phần đa dạng hóa sản phẩm nước uống trên thị trường, tạo ra sản phẩm dinh dưỡng, có nguồn gốc tự nhiên, có thể phục vụ nhu cầu giải khát của người tiêu dùng, đặc biệt là những người dị ứng với sữa động vật.
Để tìm ra các thông số tối ưu trên quy trình sản xuất sữa gạo, tiến sĩ Bình và thạc sĩ Luyến đã tiến hành nghiên cứu và đã thu được kết quả quan trọng. Đã khảo sát ảnh hưởng của loại nguyên liệu gạo sử dụng đến hiệu suất thủy phân và giá trị cảm quan của sản phẩm. Nội dung nghiên cứu nhằm xác định loại nguyên liệu gạo thích hợp cho việc sản xuất nước uống. Thí nghiệm được tiến hành với 4 loại nguyên liệu gạo phổ biến tại An Giang là: Tấm IR50404, gạo IR50404, tấm Jasmine và tấm OM6976. Kết quả cho thấy, tấm OM6976 là loại nguyên liệu thích hợp cho sản xuất sữa gạo, bởi có giá thành thấp và cho hiệu suất thu hồi sản phẩm cao, đồng thời sản phẩm sau khi thủy phân có màu sắc đẹp. Qua khảo sát ảnh hưởng của nồng độ enzyme á – amylase và thời gian dịch hóa đến hiệu suất thủy phân và tính chất cảm quan của sản phẩm. Quá trình dịch hóa được thực hiện với enzyme á – amylase (nồng độ từ 0,5% đến 2%) trong thời gian khảo sát từ 15 phút đến 75 phút. Kết quả cho thấy, sử dụng enzyme á – amylase với nồng độ 1% so với khối lượng dịch cháo và thời gian thủy phân thích hợp là 30 phút, sẽ cho hiệu suất thu hồi sản phẩm cao. Enzyme glucoamylase được sử dụng với các tỷ lệ 0,5%; 1%; 1,5% và 2% trong quá trình đường hóa. Xác định hàm lượng đường khử sinh ra theo thời gian thủy phân cho thấy, hàm lượng đường khử sinh ra nhiều và hiệu suất thủy phân cao khi sử dụng enzyme glucoamylase, với tỷ lệ 1,5% sau thời gian thủy phân 30 phút.
Thạc sĩ Luyến cho biết: “Dịch lọc sau quá trình thủy phân được phối chế với nước đến độ Brix từ 110Bx đến 150Bx. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản phẩm có 130Bx có vị ngọt vừa phải, hài hòa. Để cải thiện mùi của sản phẩm, hương dâu được bổ sung với tỷ lệ từ 0,25% - 1,25% và hương vani được bổ sung từ 0,75 - 1,75% so với dịch lọc. Kết quả cảm quan cho thấy, khi bổ sung hương dâu với tỷ lệ 0,75% và hương vani với tỷ lệ 1,25% sẽ cho sản phẩm có mùi thơm hài hòa, dễ chịu. Sau khi phối chế, sản phẩm được tiệt trùng ở nhiệt độ 1100C và 1210C trong thời gian 20 phút, 25 phút, 30 phút và 35 phút. Kết quả khảo sát thu được cho thấy, tiệt trùng sản phẩm ở nhiệt độ 1100C trong thời gian 20 phút sẽ cho sản phẩm vừa an toàn về mặt vi sinh, vừa có tính chất cảm quan cao. Sau thời gian tồn trữ 12 tuần, sản phẩm vẫn an toàn về mặt vi sinh, hàm lượng đường khử của sản phẩm không thay đổi”.
Đề tài đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ gạo, tăng nguồn tiêu thụ sản phẩm gạo và nâng cao giá trị kinh tế cho gạo. Đồng thời, tạo ra sản phẩm sữa từ gạo, cung cấp thêm nguồn thức uống cho đối tượng tiêu dùng dị ứng với thành phần lactose của sữa. Đặc biệt, đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất nước giải khát từ gạo có thể được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất. Kết quả nghiên cứu có thể là nguồn tài liệu tham khảo cho sinh viên, giảng viên ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học.
HẠNH CHÂU
Mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Tận dụng những điều kiện thuận lợi, chú trọng đầu tư và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Đức Dũng, ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan (Hàm Tân, Bình Thuận) mang lại nguồn thu nhập lãi hơn 500 triệu đồng.
Ông Dũng trao đổi về mô hình kinh tế tổng hợp, đã giúp ông làm giàu chính đáng.
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách làm kinh tế khá hiệu quả ngay trên vùng đất “thừa nắng thiếu mưa” này. Là người dân lập nghiệp ở vùng đất mới chẳng có gì ngoài sự cần cù và chịu khó. Trải qua bao khó khăn vất vả, ông Dũng gây dựng cho mình mô hình kinh tế tổng hợp trồng hồ tiêu, thanh long và cây điều khá vững.
Để có được thành quả như ngày hôm nay thì bản thân ông Dũng và gia đình đã trải qua nhiều cách làm kinh tế khác nhau. Trước năm 2009, từ sản xuất các loại cây hoa màu ngắn ngày, thu nhập bấp bênh, ông chuyển sang sản xuất các loại cây dài ngày, có giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt việc chuyển đổi trong sản xuất nông nghiêp, nên ông Dũng đã chọn cây tiêu, cây điều cao sản, thanh long trồng phù hợp trên vùng đất nghèo từ 6 năm qua. Trên diện tích đất hơn 5 ha, ông đầu tư trồng hơn 1.000 trụ tiêu Vĩnh Linh, trong đó 700 trụ tiêu cho thu nhập ổn định trên 2 tấn/năm, mang lại nguồn thu hơn 300 triệu đồng/năm.
“Nhờ nguồn thu từ hồ tiêu, có vốn đầu tư để phát triển cây thanh long. Đầu năm 2012, tôi tận dụng diện tích đất gần suối, có nguồn nước dồn dào để trồng 1.000 trụ thanh long. Hiện số thanh long được hơn 3 năm tuổi và chong điện nghịch vụ, mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định. Mới đợt chong điện vừa rồi thu hơn 6 tấn, bán được giá, thu hơn 100 triệu đồng. Thấy nguồn thu khá cao, hiện tập trung đầu tư và đang chong điện nghịch vụ đợt tiếp theo chuẩn bị thu hoạch”, ông Dũng nói.
Là người chịu khó lao động sản xuất, không chỉ phát triển diện tích hồ tiêu, cây thanh long mà diện tích đất đồi khô hạn ông đầu tư trồng hơn 3 ha điều cao sản cho trái chất lượng. Chính cây điều mỗi năm cũng góp phần thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Nhờ cách làm kinh tế tổng hợp này mà mỗi năm gia đình ông Dũng thu lãi hơn 500 triệu đồng.
“Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng mình, tôi còn là người chịu khó giúp đỡ các hộ dân trong thôn mạnh dạn trồng hồ tiêu để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tôi đã giúp đỡ giống tiêu Vĩnh Linh, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu cho hai gia đình tại địa phương, bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định”, ông Dũng chia sẻ.
Hiện trên địa bàn xã Sông Phan đã có những gia đình áp dụng mô hình sản xuất kinh tế tổng hợp, mang lại nguồn thu ổn định ở mức cao, như cách làm của gia đình ông Dũng là một điển hình. Với hướng phát triển này, địa phương xã miền núi Sông Phan đang khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư hơn nữa để phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng. Đối với vùng đất nghèo, khô hạn như thôn Tân Quang, những năm qua người dân chưa tìm ra hướng đi phù hợp, thì mô hình của ông Dũng là đáng được nhân rộng. Đến thời điểm này mô hình kinh tế tổng hợp của ông đã giải quyết được 3 lao động thường xuyên với nguồn thu ổn định hơn 3 triệu đồng/tháng. Với cách làm của mình, hàng năm ông Nguyễn Đức Dũng được tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.
Nguyên Chân
Bến Tre: Hàng chục ngàn tấn muối chất đống, không đầu ra
Nguồn tin: VOV
Hàng chục ngàn tấn muối chất đống ở Bến Tre do không đầu ra, khiến diêm dân thua lỗ nặng.
Tỉnh Bến Tre đang bước vào mùa cao điểm thu hoạch muối, năng suất đạt cao hơn vụ trước nhưng đầu ra không có, làm giá muối giảm mạnh khiến diêm dân tiếp tục bị lỗ.
Hiện nay giá muối tại các điểm thu mua trên địa bàn tỉnh Bến Tre chỉ còn 18.000 đồng/giạ, giảm từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/giạ so đầu vụ. Với mức giá này, sau khi trừ đi phí vận chuyển và tiền đầu tư, người làm muối chỉ hòa vốn hoặc thu lãi rất thấp.
Nông dân Bến Tre thu hoạch muối
Đầu ra không tiêu thụ được cộng với lượng muối tồn đọng từ vụ trước nên vùng sản xuất muối tại tỉnh Bến Tre còn tồn đọng khoảng 60.000 tấn muối. Do vậy đời sống diêm dân hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Bà Đoàn Thị Hòa, một hộ sản xuất muối ở xã Bảo Thuận, huyện Bình Đại, chia sẻ, chưa có năm nào ế muối như năm nay. “Có người không bán được giạ nào, có người bán được một ít. Lâu lâu có người mua vài chục giạ, trong khi tiền mua gạo ăn không có,” bà Hòa ngậm ngùi kể./.
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
Nghệ An: Diêm dân gặp khó vì muối
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Hiện nay, do ít áp dụng khoa học công nghệ nên năng suất lao động nghề muối thấp, cần nhiều lao động... Về lâu dài, cần một giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề muối bền vững.
Về “vựa muối” xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An những ngày này thấy cánh đồng muối hoang vắng. Ông Trần Minh, một diêm dân ở xóm Hồng Phong cho hay: Như mọi năm, mùng 4 Tết là bà con đã ra đồng muối để sửa sang chăm sóc ruộng muối, nhưng nay vẫn chưa đả động gì. Nếu như trước đây, một ngày bình thường ngoài đồng muối ở An Hòa có nhiều lao động trẻ tham gia, thì bây giờ chỉ còn phụ nữ, trẻ con và người già. Bà con không mặn mà nghề muối là do giá quá rẻ, trong năm 2013 - 2014 giá muối đạt từ 1.500 - 2.000 đồng/kg nay xuống còn 1.000 đồng/kg. Nghề muối đang không nuôi nổi diêm dân.
Thu hoạch muối tại Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu.
Tại cánh đồng muối xóm Bắc Lợi, xã An Hòa hiện có nhiều ruộng muối bỏ hoang cỏ mọc um tùm, các kho chứa muối không sử dụng lâu ngày xập xệ, dột nát. Anh Bùi Văn Triều ở xóm Bắc Lợi chia sẻ: Gia đình làm 250m2 ruộng muối, những năm qua cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng chạt, lọc… tuy nhiên do giá muối rẻ nên chúng tôi chỉ làm 120m2, phải chuyển đổi sang các ngành nghề khác để sinh sống. Chứ trên diện tích ấy, nếu “cày” giỏi cũng chỉ được hơn 10 tấn muối/năm, thu được 10 triệu đồng; trừ chi phí đầu vào 3 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ mua gạo.
Ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết thêm: An Hòa có 145 ha muối, từ năm 2013 đến nay xã đã được Nhà nước hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho diêm dân duy tu ruộng muối, xây dựng chạt lọc. Nhờ vậy đã góp phần giảm thiểu sức lao động trên ruộng muối. Tuy nhiên, cách làm muối ở đây vẫn là cách làm truyền thống, các công đoạn làm muối đều phải dùng sức người, năng suất thấp, bình quân các hộ dân tham gia nghề muối chỉ đạt 7 - 10 triệu đồng/năm/2 lao động. Đến thời điểm này, toàn xã có khoảng trên 15 ha muối bị bỏ hoang.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu chia sẻ: Quỳnh Lưu có 560 ha muối, tập trung ở các xã Quỳnh Thuận, An Hòa, Quỳnh Thọ… sản lượng muối hàng năm đạt khoảng 65.000 ha. Khó khăn đối với nghề muối hiện nay là các nguồn vốn tín dụng đưa về nông thôn diêm dân cũng ít được tiếp cận nhất. Các ngân hàng rất ngại cho diêm dân vay vì họ không có tài sản để thế chấp. Doanh nghiệp cũng hạn chế đầu tư vào nghề muối vì ít có lãi, địa bàn huyện chỉ có duy nhất Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc, xã Quỳnh Yên sản xuất và tự tiêu thụ được hơn 10.000 tấn muối/năm.
Người dân chăn thả dê trên cánh đồng muối bỏ hoang.
Áp dụng công nghệ làm muối sạch, hiện nay toàn huyện Quỳnh Lưu chỉ mới có trên 10 ha làm muối phủ bạt ni lông, tuy nhiên làm theo cách này chi phí đắt, trong khi giá muối rẻ nên người dân không mở rộng diện tích. Từ nay đến năm 2020, huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục rà soát đối với các diện tích muối không hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác khoảng trên 100 ha.
Tại xã Diễn Bích (Diễn Châu) nghề muối cũng không kém phần khó khăn. Ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho hay: Toàn xã có 45 ha muối, có 2 HTX làm nghề muối gồm HTX Hải Trung và HTX Hải Bắc. Sản lượng muối trong năm 2015 đạt 2.100 tấn, do khó tiêu thụ nên trong các kho muối của bà con đang tồn đọng gần 1.000 tấn muối. Những năm qua, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con đầu tư cải tiến chạt lọc, phủ bạt kết tinh muối, nhưng diện tích phủ bạt sản xuất muối sạch còn rất ít, chi phí cao nên bà con chưa dám đầu tư. Vấn đề đặt ra hiện nay là xã đang rất cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề muối như ô, chạt, đặc biệt là hệ thống kênh mương dẫn nước, hệ thống giao thông…
Theo kế hoạch của xã, sang năm 2017, xã kiện toàn xây dựng 2 HTX nghề muối theo HTX kiểu mới. HTX có nhiệm vụ cung ứng vật tư, vật liệu cho bà con sản xuất muối, HTX đứng ra phối hợp, liên kết tìm nơi bao tiêu sản phẩm. Được biết, huyện Diễn Châu có 190 ha muối, từ năm 2013 đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 40 ha muối tại xã Diễn Ngọc sang lĩnh vực đất cho thuê phát triển dịch vụ thương mại. Thời điểm này huyện còn 150 ha muối tại các xã Diễn Kỷ, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim… Do giá muối thấp nên diêm dân không sản suất theo hướng thâm canh, sản lượng giảm, như năm 2015 toàn huyện chỉ đạt 8.000 tấn muối, giảm hơn 1.000 tấn so với năm 2014.
Ông Giãn Tư Lâm - Trưởng phòng Chế biến nông, lâm sản và ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) cho biết: Diện tích sản xuất muối của Nghệ An hiện có 800 ha, trong đó muối của diêm dân là 690 ha, muối của doanh nghiệp 110 ha. Năng suất bình quân đạt 90 - 95 tấn/ha, sản lượng sản xuất của toàn tỉnh trung bình hàng năm đạt 80.000 - 90.000 tấn. Hàng năm, Nhà nước đều hỗ trợ cho bà con diêm dân từ 1,5 - 2 tỷ đồng để cải tiến chạt lọc. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là hạ tầng nghề muối xuống cấp, sản xuất công nghệ thủ công, chỉ có một số ít sản xuất được muối sạch như Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc (xã Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu) sản xuất muối công nghệ phơi nước, thay vì phơi cát như cách làm truyền thống để sản xuất muối i-ốt, mỗi năm sản xuất được trên 10.000 tấn. Một số diện tích ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu sử dụng công nghệ phủ bạt kết tinh muối nhưng chưa nhiều. Trong năm 2016, có hàng trăm hộ dân đăng ký sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt kết tinh muối với trị giá đầu tư hơn 7 tỷ đồng, nhưng năm nay Nhà nước chỉ hỗ trợ cho nghề muối 2,5 tỷ đồng.
Văn Trường
Bình Dương: Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào lĩnh vực nông nghiệp đã được các cấp và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương chú trọng. Đồng thời, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN cũng đã giúp cho người dân trong tỉnh nâng cao thu nhập, có thể chủ động sản xuất được nhiều loại cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua việc áp dụng KHCN vào sản xuất đã từng bước nâng cao giá trị nông sản của tỉnh và tăng nguồn thu cho người dân. Trong ảnh: Một vườn bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Tạo sức bật
Toàn tỉnh hiện có hơn 925 ha đất nông nghiệp ứng dụng KHCN mới, tập trung các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. Bên cạnh đó, nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp cũng được ngành chức năng triển khai thực hiện như trồng các loại cây trong nhà lưới, hệ thống tưới cải tiến (tự động, nhỏ giọt, phun sương)... Kết quả này đã tạo được một diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, hiện nay KHCN đã trở thành yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh nhà, đồng thời bảo đảm các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó cũng giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, từng bước áp dụng những tinh hoa của KHCN vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay, mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đang được triển khai rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Bắc Tân Uyên, đã có 36 ha đất trồng cây có múi (gồm 27 ha cam và 9 ha bưởi) được cấp chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, việc triển khai thử nghiệm mô hình trồng cây ăn quả có múi theo chuẩn VietGAP tại xã đã phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích thêm nhiều hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng diện tích.
Tăng nguồn thu cho người dân
Trước đây, nhiều người cho rằng làm nông nghiệp khó làm giàu. Nhưng từ khi áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đã có nhiều nông dân trong tỉnh thoát nghèo vươn lên làm giàu; có gia đình đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh Nhị Văn Xum, ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, được bà con gọi vui là tỷ phú măng lục trúc chia sẻ, sau khi tham quan mô hình trồng măng lục trúc của các hộ trong và ngoài tỉnh, gia đình anh đã mạnh dạn trồng 6 ha tre lục trúc để lấy măng. Qua việc áp dụng kỹ thuật sản xuất VietGAP do Sở KHCN hướng dẫn đã giúp cho sản phẩm măng của gia đình vừa có năng suất cao vừa đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch. Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình anh thu lời từ 900 triệu - 1 tỷ đồng/năm.
Còn ông Lê Hoàng Châu, chủ vườn cây ăn trái ở xã Trừ Văn Thố, Bàu Bàng cho biết, việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất trên vườn cây ăn trái của gia đình ông đã cho hiệu quả cao. Ngoài việc cải thiện hệ thống tưới nước tự động để điều tiết lượng nước vừa đủ cho từng loại cây, ông còn thực hiện 3 nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng lúc” vừa giúp cho các loại cây ăn trái bảo đảm chất lượng, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu ngành nông theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã triển khai được 933 điểm trình diễn mô hình khuyến nông, 129 điểm nghiên cứu đồng ruộng; thực hiện được 41 chương trình, đề tài, dự án...
KHÁNH ĐĂNG