Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 10 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 10 tháng 01 năm 2016

 

 

Tát đìa đón Tết ở miền Tây

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Về quê tát đìa ăn Tết là lời rủ rê đầy thú vị. Đây là cách bắt cá truyền thống mang nét đặc trưng của người dân vùng sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, bây giờ, nguồn cá tự nhiên khan hiếm nên cũng ít có cảnh tát đìa đông vui, nhộn nhịp như mấy chục năm trước.

 

Mùa nước nổi ở Tây Nam bộ bắt đầu từ tháng 5 âm lịch- nước quay, nước chảy- kéo dài đến tháng 9 thì chựng lại, ngập lêu bêu, nhà cửa nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nước dâng cao, kết hợp những hình ảnh nhà cửa, xuồng ghe, các loài thủy sinh... nổi trên mặt nước nên gọi "nước nổi". Mùa nước nổi ở vùng Tây Nam bộ có rất nhiều loài thủy sản. Đến tháng 11, nước bắt đầu giựt, giữa tháng 12 thì nước giựt gần như đã cạn đồng. Do vậy, nhiều loài thủy sản nước ngọt rút xuống những nhánh sông lớn, kinh, rạch... để cư ngụ. Đặc thù địa hình Tây Nam bộ là dạng trũng, thấp, với nhiều đìa, lung, bàu, rạch... nên dù nước rút cạn đồng, vẫn còn đọng lại khá sâu ở các lung, đìa... giữa đồng ruộng.

 

Để có mùa "cá cạn" (tát đìa) ăn Tết, từ những ngày nước nổi rút, đứng trên đồng bằng còn "ngang lưng quần", thì người ta bắt đầu đi "nhử cá"- giữ cá ở những lung, đìa, bàu... Cách "nhử cá", "giữ cá" rất đơn giản, có sẵn, không tốn nhiều thời gian. Ở vùng Tây Nam bộ, các loại cây như: gáo vàng, gáo trắng, me nước, tre... rất nhiều. Chỉ cần "mé nhánh" gáo, me nước, chà tre... liệng xuống đìa, lung, bàu... cho cá tụ vào ở; muốn cho cá ở "ấm" hơn, không rút đi khi "có động", người ta kéo những giề lục bình, giề rau muống, đế sậy, bèo... ủ vào đìa, lung, bàu... Do có chỗ ở "ấm", cá trên đồng rút xuống đìa, lung, bàu... ngày càng nhiều.

 

 

Dỡ chà bắt cá ở Trà Sư (Tịnh Biên – An Giang). Ảnh: DUY KHÔI

 

Khi nước cạn, cá không còn chỗ ở, tụ xuống đìa, lung, bàu... để sống vì nơi đây có "chà" và các loài thủy sinh che phủ trên mặt nên "ấm áp". Khi nước rút cạn trên đồng, vào giữa tháng 12 âm lịch, người ta bắt đầu xuống giống trồng tỉa, cứ để cho "cá nằm yên trong rọ". Khi công việc trồng tỉa trên cánh đồng đã hoàn tất, cây cối xanh tươi, thì bắt đầu cận Tết. Do Tết rơi vào thời điểm trái mùa, mới xuống giống gieo xạ, vốn liếng dành dụm mua phân, thuốc, hạt giống cho vụ mùa... đã hết, nên tiền ăn Tết, mua đồ Tết của người dân đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp chỉ trông chờ vào "mùa cá cạn".

 

Chính từ tầm quan trọng của "mùa cá cạn", nên khi đồng đã xanh lúa xanh cây, người ta bắt đầu canh giữ ao, đìa, lung... của gia đình mình, sợ bị người khác tát trộm, hoặc kéo lưới trộm. Việc kéo lưới trộm dễ dàng xảy ra; tát trộm thì khó thực hiện hơn bởi nhiều tiếng động và lâu hơn so với kéo lưới trộm. Việc lung, đìa... bị kéo trộm hay tát trộm thường diễn ra ở những nơi xa nhà, "mỏng" người giữ. Kéo lưới trộm chỉ cần ít người- kéo "chà" lên, kéo lục bình lên, rồi quăng lưới xuống kéo 2 - 3 lần là đổ cá vào sọt, chất cá lên xe bò kéo về. Vì vậy, để giữ được lung, đìa... của mình cho có tiền ăn Tết, người ta phải canh giữ bằng cách cất trại ngủ giữ, hoặc mỗi đêm lội đồng canh 2 - 3 lần.

 

Còn khoảng 20 ngày, hoặc nửa tháng nữa đến Tết, là bắt đầu vào "mùa cá cạn". Gia đình khoảng chục người, gồm cha, con, vợ, chồng, ông, bà... sửa soạn tát cá ở đìa, lung… của mình. Chỉ cần đặt máy bơm xuống, bơm nước lên đồng ruộng, hoặc bơm ra sông, rạch. Không có máy bơm thì tát bằng thùng, người trong nhà thay phiên nhau tát cho cạn đìa, lung, bàu... Khi tát gần cạn, người ta kéo "chà" và lục bình, đế, sậy... lên cho trống, để dễ bắt cá.

 

Do có chỗ "ấm" để ở, cộng với nước giựt, nên cá ở đìa, lung... rất nhiều. Mỗi lần tát đìa, thu hoạch cá là khâu lâu nhất. Có rất nhiều loại cá và các loài thủy sản nước ngọt như: cá lóc, cá rô, cá linh, cá thác lác, cá trê, cá sặc...; rắn, rùa, trăn, lươn... Mỗi đìa có thể thu hoạch từ vài trăm đến cả ngàn ký cá. Lượng cá nhiều, không thể bắt từng con và một hai người bắt, nên phải kéo lưới lên bờ rồi xúm nhau lựa cá theo từng loại. Không có lưới thì tát cạn nước rồi đánh trái lăn- tức là cuộn rơm hoặc cuộn các loại cỏ lại thành cục, căng ngang đìa, 3 - 4 người đẩy từ đầu này đến đầu kia, cho cá dồn về một phía, sau đó vùng sọt, giỏ xúc cá lên bờ, đổ ra lựa. Đánh lăn tới lăn lui nhiều lần như vậy đến khi lượng cá trong đìa còn ít mới tập trung bắt cá bằng tay. Cá được chia vào sọt để gánh về hoặc chất lên xuồng, ghe, xe bò chở về nhà.

 

Thời gian tát đìa kéo dài cả ngày, nên từ sáng sớm, người ta đã nấu cơm mang theo cho gia đình và những người phụ giúp ăn. "Trên cơm dưới cá", đi tát đìa, không ai mang theo đồ ăn. Khi đói bụng, chỉ việc mò cá lên, tìm vài ba nhánh tre, nhánh gáo khô, hay dồn đống gốc rạ khô lại rồi đốt lên, nướng cá mà ăn. Cảnh tát đìa nhộn nhịp, mùi khói đồng, mùi cá nướng... hòa nhau trong tiết trời lành lạnh của những ngày cuối năm nơi mênh mông đồng xanh.

 

Tùy lượng cá nhiều hay ít mà thu nhập từ tát đìa có thể đủ trang trải cho cái Tết gần chục miệng ăn trong gia đình. Ngoài số cá bán cho thương lái, còn lại số cá chết, cá dạt- cá sặt, cá rô, thác lác, cá linh, cá trê... người ta làm khô, làm mắm, ăn nguyên cái Tết, qua tới mùa gặt lúa, nhổ mè. Cả ba, bốn tháng sau mới hết khô, hết mắm.

 

Một nhà không chỉ "nhử", "giữ cá" một cái đìa, mà hai, ba cái, có khi năm, sáu cái. Do vậy, xong mùa tát đìa cũng là lúc vừa tới ngày 28 - 29 Tết và nhà nhà lại chuẩn bị ăn Tết. Tát đìa- bắt cá xong, người ta vẫn đặt chà và lục bình, rau muống... xuống đìa trở lại, có khi bơm nước vào lại đìa, hoặc để từ từ, nước từ mạch ngầm đất ruộng rịn xuống, nuôi lại những con cá còn bắt sót, để một thời gian tự nhiên sinh trưởng và có nguồn cá trở lại. Bởi khi tát đìa, dù tát cạn, bắt kỹ cách mấy, nhiều loại cá vẫn còn sót lại dưới lớp đất bùn, hoặc trong hang, nhất là ở những đìa, lung... có bùn nhiều. Ăn Tết xong, đến mùa thu hoạch lúa, mè, người ta lại tiếp tục đi tát đìa, lung... để kiếm cá ăn cho mùa vụ khi làm đồng, hoặc dư dả thì bán.

 

Ngày nay, cá chỉ đủ ăn. Cách đánh bắt tận diệt đã làm cho nguồn cá khan hiếm. Dù mùa lũ dâng hay lũ rút, cái cảnh tát đìa, lung, bàu... bắt cá đem chợ bán vào những ngày cận Tết hay mùi khói rơm nướng cá trên những cánh đồng xanh bát ngát… đã trở nên hiếm hoi ở vùng đất vốn được mệnh danh "trên cơm dưới cá"!

 

LÝ LANG

 

Đổi thay trên vùng “cao nguyên trắng”

 

Nguồn tin: Báo Công Thương

 

Thiên nhiên ban tặng cho huyện Bắc Hà (Lào Cai) khung cảnh núi rừng thơ mộng, khí hậu mát lành... không chỉ phát triển kinh tế du lịch, mà còn phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, từ đó góp phần làm đổi thay vùng đất được mệnh danh là “cao nguyên trắng” ngày càng giàu đẹp hơn.

 

 

Thung lũng hoa Thải Giàng Phố

 

Bước đi ban đầu

 

Tại Hội nghị kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc ở Lào Cai trung tuần tháng 11/2015 vừa qua, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, định hướng mũi nhọn của Lào Cai là đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp các sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Sa Pa, Bắc Hà... Nét chấm phá ban đầu tạo nên hình hài “bức tranh” Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lào Cai trong tương lai, đó là Dự án thung lũng hoa công nghệ cao nằm trên địa bàn xã Thải Giàng Phố.

 

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Thải Giàng Phố “tận mục sở thị” dự án theo con đường đèo quanh co hơn 70 km. Trong căn nhà sàn theo kiến trúc của người Tày vùng Tây Bắc, bà Nguyễn Cẩm Tú- Giám đốc Công ty Việt Tú (Lào Cai)- chủ nhân dự án chia sẻ, trong quá trình khảo sát thị trường xuất khẩu nông sản, bà tới đất nước Israel và ấn tượng với cách làm nông nghiệp của họ. Sống trên cao nguyên khô hạn, người Israel lại sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao. Trong khi, Việt Nam có truyền thống nông nghiệp, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng giá trị gia tăng thu được từ nông nghiệp vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân chính là do phương thức sản xuất còn lạc hậu.

 

Nhận thấy tiềm năng kinh doanh trong nông nghiệp còn rất lớn, bà Tú đã tham khảo mô hình, cách thức sản xuất của người Israel, về nước, mở hướng đi mới cho riêng mình, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

Tiếp thu kỹ thuật nhân giống bằng nuôi cấy mô của Hàn Quốc, áp dụng công nghệ tưới của Israel..., Công ty Việt Tú đã tiến hành trồng thử nghiệm một số giống hoa cao cấp không sử dụng đất, ban đầu cung cấp cho thị trường nội địa. Năm 2014, khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, Công ty Việt Tú đã đầu tư 48 tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất hoa công nghệ cao trên phạm vi rộng khoảng 4 ha kết hợp với phát triển điểm thăm quan du lịch sinh thái tại chỗ.

 

Triển vọng lan tỏa

 

Việc chuyển hướng kinh doanh của Công ty Việt Tú sang sản xuất hoa công nghệ cao ở Bắc Hà bước đầu đã có tín hiệu tích cực. Với dòng hoa địa lan là chủ đạo, công ty đã nhân giống được khoảng 100.000 gốc (chưa kể các loài khác), trong đó khoảng 30.000 gốc đã có khả năng khai thác thương mại trong dịp Tết Bính Thân 2016, giá bình quân khoảng 500.000 đồng/gốc. Cách làm của Công ty Việt Tú là từng bước mở rộng đầu tư dựa trên khả năng tự sinh lời từ dự án.

 

“Nhẩm tính doanh thu riêng từ hoa địa lan, năm 2015, công ty cũng đạt khoảng 15 tỷ đồng, đủ trang trải các chi phí đầu tư, vận hành dự án, trả lương cho 30 lao động là người bản địa đang làm việc tại “thung lũng hoa” - bà Tú cho biết.

 

Mỗi tuần có hàng trăm lượt khách và đoàn khách, đủ các thành phần, từ nhà khoa học, nhà quản lý đến sinh viên... tìm về “thung lũng hoa” thăm quan, tham khảo mô hình sản xuất, mua hoa và sử dụng dịch vụ do công ty cung cấp như ẩm thực, nghỉ dưỡng... Để mở rộng mô hình, trong dài hạn Công ty Việt Tú sẽ liên kết mở rộng sản xuất hoa đến các hộ nông dân thông qua chuyển giao công nghệ, sau đó mua lại sản phẩm rồi cung ứng ra thị trường. Đồng thời, sản xuất các loại rau sạch công nghệ cao, chế biến, cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị và xuất khẩu.

 

Ông Lý Văn Dụ ở thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố - chia sẻ: “Gia đình ông hiện có 2 lao động đã được nhận vào làm việc ở “thung lũng hoa”, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu nhập quan trọng giúp cho cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”.

 

Ngoài Công ty Việt Tú, một số ít hộ nông dân ở Bắc Hà cũng mạnh dạn chuyển đổi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong năm 2015, được hậu thuẫn và hỗ trợ về giống, kỹ thuật... của ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền huyện, ông Vàng Văn Khương ở thôn Na Thá, xã Tà Chải đã vay 600 triệu đồng xây dựng 1.200 m2 nhà lưới để trồng rau sạch công nghệ cao. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ, khoa học từ khâu tạo giống, gieo trồng đến chăm sóc... mà năng suất và sản lượng rau của ông đều tăng gấp đôi so với trồng rau thông thường. “Trồng rau theo phương thức truyền thống phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dễ gặp rủi ro, tôi sẽ vận động bà con trong xã học cách trồng rau công nghệ cao để tăng thu nhập” - ông Khương cho hay.

 

Theo một cán bộ kinh tế của huyện Bắc Hà, đầu tư sản xuất rau công nghệ cao sẽ cho thu nhập ước tính khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa cao cấp cho thu nhập có thể lên đến hàng tỷ đồng/ha/năm, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Do đó, trong giai đoạn 2015-2020, Bắc Hà phấn đấu xây dựng hàng chục ha rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới.

 

“Chủ trương của huyện Bắc Hà là khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thế mạnh địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, khuyến khích và hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập, từng bước làm thay đổi đời sống và bộ mặt nông thôn trên vùng “cao nguyên trắng”- vị cán bộ kinh tế huyện Bắc Hà khẳng định.

 

Theo bà Nguyễn Cẩm Tú: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp là các thủ tục về đất đai còn nhiều vướng mắc, thiếu quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thiếu chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm... Nếu kịp thời tháo gỡ các vướng mắc này, mục tiêu vươn tới một trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lào Cai sẽ trở thành hiện thực.

 

Quỳnh Nga - Lan Ngọc

 

Ba nghìn nông dân sản xuất có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm

 

 

Sáng 7-1, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt hơn 100 Chủ nhiệm các Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đây là lực lượng nòng cốt trong triển khai các phong trào nông dân phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới của thành phố.

 

TP Hồ Chí Minh hiện có 83 Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hoạt động nề nếp, có quy chế và mục đích rõ ràng. Ba phong trào thi đua do Hội Nông dân thành phố được các Câu lạc bộ triển khai có hiệu quả trong năm 2015 là: “Nông dân tham gia xây dựng phát triển nông nghiệp đô thị”, “Nông dân nòng cốt xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và tăng hộ khá”. Năm 2015, thành phố có hơn ba nghìn nông hộ sản xuất có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

 

Tại buổi họp mặt, Chủ nhiệm các Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất và giúp nhau phát triển kinh tế. Trong đó, những mô hình sản xuất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hồ Chí Minh như nuôi bò sữa, trồng hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, trồng rau an toàn, cây ăn trái (ảnh), làm nghề thủ công truyền thống… đang được liên kết thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp dịch vụ đến khâu thu hoạch và tiêu thụ.

 

Đây cũng là dịp để Hội Nông dân thành phố cung cấp thông tin về những chủ trương, chính sách mới của T.Ư và thành phố đối với nông nghiệp, nông dân; đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của các Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm tháo gỡ những khó khăn mà bà con nông dân đang gặp phải như: đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, quy trình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

 

Theo Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, qua 5 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, có 14.480 hộ nông dân được vay trên 3.807 tỷ đồng để chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác từ 158,5 triệu/ha/năm (2010) lên hơn 325 triệu/ha/năm (hiện nay).

 

MINH ANH

 

Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Hà Nội: Nhỏ lẻ, tự phát, khó quản lý

 

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

 

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có nhiều cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhưng quy mô đều nhỏ lẻ. Nhiều cơ sở không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động nên rất khó kiểm soát... Trong khi đó, các địa phương đánh giá, xếp loại các cơ sở không đồng đều nên khi có vi phạm, cơ quan chức năng còn lúng túng trong xử lý.

 

Nhiều nhưng yếu

 

Theo Sở NN&PTNT, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội đã rà soát, thống kê, lập danh sách được 19.860 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, cấp huyện, xã, phường là 18.769 cơ sở, chiếm 94,5%, nhưng số cơ sở có giấy phép kinh doanh chỉ đạt 6.344 cơ sở. Như vậy, đối tượng quản lý của cấp huyện, xã, phường rất lớn nhưng thời gian qua việc triển khai thống kê cơ sở theo quy định của Bộ NN&PTNT chưa đồng đều, còn mang tính hình thức.

 

Việc triển khai giữa các địa phương còn không đồng nhất, kết quả chưa phản ánh thực chất, khách quan sản xuất kinh doanh ở địa phương đã ảnh hưởng đến việc đưa ra chủ trương giải pháp quản lý của cấp trên. Nhiều quận, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hoạt động nhưng vẫn còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện, tập trung chủ yếu ở tuyến xã, phường quản lý dẫn tới công tác kiểm tra, đánh giá phân loại còn chậm, kết quả thấp.

 

 

Thu hoạch thủy sản tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Ảnh: Quang Thiện

 

Thực tế hiện nay, số lượng cơ sở kinh doanh thuộc cấp huyện, xã, phường quản lý lớn nhưng số được quản lý thấp. Trong năm 2015, số huyện thống kê được số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản mới đạt 8,7%; số xã, phường thống kê mới đạt 1,5%. Đặc biệt, có nhiều xã, phường, thị trấn mới chỉ quản lý số cơ sở kinh doanh có giấy phép, trong khi cơ sở sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, không có giấy phép nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn.

 

Ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện có 457 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản do huyện quản lý, 31 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và 803 hộ sản xuất nhỏ lẻ do thị trấn, xã quản lý. Nhưng đến tháng 8-2015, Phòng Kinh tế huyện mới kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận được 12,2% số cơ sở, còn lại đều bỏ ngỏ.

 

Từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng

 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Nguyễn Mậu Hải cho biết, hiện nay việc quản lý các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố còn nhiều vướng mắc. Chính quyền địa phương còn lúng túng trong triển khai, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều khiến cơ sở chủ yếu nhỏ lẻ, không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động, dẫn tới tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất cấm trà trộn trên thị trường.

 

Để giải quyết việc này, các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo phòng chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp. Chủ động thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý. Thường xuyên báo cáo định kỳ, đột xuất theo đúng quy định của Nhà nước để kịp thời xử lý khi có việc xảy ra.

 

Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đầu tư trang thiết bị máy móc, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng từ hạng C lên hạng B và A. Nếu các ngành chức năng kiểm tra nhiều lần, nhắc nhở không sửa chữa vẫn xếp loại C như thời điểm ban đầu cần tịch thu giấy phép kinh doanh, không cho hoạt động.

 

Đối với trường hợp cố tình vi phạm khi phát hiện cần xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Các ngành chức năng của Bộ NN&PTNT cũng như thành phố nên thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý ở tuyến cơ sở. Đối với cấp quản lý xã, phường, thị trấn phải bố trí nhân viên chăn nuôi thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở kinh doanh, tổ chức ký cam kết đối với những cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ có phương án khắc phục. Chính quyền địa phương cần tăng cường giao ban báo cáo, tháo gỡ vướng mắc và bố trí kinh phí thực hiện kịp thời cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn mình quản lý nhằm đưa hoạt động của các cơ sở này đi vào nền nếp và tiến tới loại bỏ những cơ sở yếu kém, không đạt yêu cầu.

 

Nhóm phóng viên NNNT

 

Năng suất, giá trị các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Trong 10 năm qua, năng suất và giá trị của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện. Nhiều loại nông sản như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè... đã thâm nhập được những thị trường khó như Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, EU.

 

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát trao tặng bằng khen cho một số cá nhân, tập thể. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cục Trồng trọt 2005 - 2015.

 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung cho biết,trong 10 năm qua, Cục Trồng trọt đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, toàn ngành giữ được mức tăng trưởng bình quân gần 3%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt tăng liên tục, năm 2005, đạt 23,8 triệu đồng/ha, năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng/ha/năm, bình quân mỗi năm tăng gần 6 triệu đồng/ha.

 

Bên cạnh đó, năng suất và giá trị của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện. Năm 2005 đến 2015, năng suất lúa từ 48,9 tạ/ha, tăng lên 57,8 tạ/ha; ngô từ 36 tạ/ha lên 44,5 tạ/ha… Chất lượng một số loại nông sản được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè, đồng thời các mặt hàng này đã thâm nhập được những thị trường khó như Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, EU.

 

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung, với các hiệp định hội nhập thế hệ mới, ngành trồng trọt cần không ngừng vươn lên, tạo bước phát triển mới. Sản xuất trồng trọt cần đạt yêu cầu an toàn, sản xuất thân thiện môi trường và quy mô lớn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

 

Để thực hiện mục tiêu trên, rất cần đến công tác nghiên cứu sâu từng thị trường và quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam với các nước về trồng trọt để có giải pháp và lưu thông. Định hướng và điều chỉnh lại quy hoạch một số ngành hàng chủ yếu như ngành hàng lúa gạo, cây ăn quả nhiệt đới… Hoàn thiện hệ thống điều hành quản lý ngành Trồng trọt từ Trung ương đến địa phương.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao những thành tựu của ngành trồng trọt đạt được trong 10 năm qua. Trong đó, ngành đã bám sát nhiệm vụ được giao, tăng cường xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật...

 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành trồng trọt phát triển vẫn còn kém bền vững, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai. Hệ thống chỉ đạo của ngành từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa được kiện toàn, hiệu lực quản lý chuyên ngành chưa cao, công tác chỉ đạo được chú trọng về kỹ thuật nhưng tổ chức sản xuất vẫn còn yếu.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành đặt ra, Cục Trồng trọt cần phối hợp với cục Bảo vệ Thực vật rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý ngành từ Trung ương đến cơ cở. Tăng cường năng lực về cán bộ để thực thi hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tham gia đổi mới quản lý quy hoạch, tăng cường công tác pháp chế, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy tính nhanh nhạy trong công tác chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành”.

 

Đỗ Hương

 

Đắk Lắk: Toàn tỉnh có 703 trang trại

 

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

 

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, tính đến thời điểm này toàn tỉnh Đắk Lắk có 703 trang trại (tăng 10 trang trại so với cùng kỳ năm 2014) gồm 349 trang trại trồng trọt, 277 trang trại chăn nuôi, 18 trang trại thuỷ sản, 3 trang trại lâm nghiệp và 56 trang trại tổng hợp.

 

Số trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại là 290 trang trại, chiếm 41%, trong đó 51 trang trại được cấp theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, ngày 13-4-2011 của Bộ NN-PTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (chiếm 17,6%).

 

 

Trang trại nuôi gà Hmông tại xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar

 

Nhằm thúc đẩy kinh tế trang trại địa phương phát triển, năm 2015 ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ xây dựng xong 2 mô hình trang trại điểm năm 2015 tại huyện Krông Pắk và Krông Búk với kinh phí 76,3 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch.

 

Thanh Hường

 

Nông nghiệp "tính" chuyện hội nhập

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

 

Ngày 5-1, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến về phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020. Việt Nam đang bước vào hội nhập sâu, nông nghiệp được cho là ngành bị cạnh tranh gay gắt nhất. Nhiều ý kiến cho rằng để nông nghiệp đủ sức cạnh tranh phải sản xuất lớn và tuân theo những yêu cầu từ phía thị trường trong nước lẫn ngoài nước.

 

 

Nuôi heo theo hình thức tập trung trang trại tại Long Thành.

 

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (2,6 - 3%). Kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 9%/năm. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 19,5 tỷ USD thì năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD. Nông, lâm, thủy sản là ngành xuất siêu với khoảng 10 tỷ USD/năm.

 

* Nâng sức cạnh tranh

 

Vấn đề mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước quan tâm đề xuất Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Chính phủ là nâng sức cạnh tranh cho nông nghiệp trong nước. Cụ thể, sản phẩm nông nghiệp giữ được thị trường trong nước, mở rộng và tăng kim ngạch xuất khẩu.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phân tích: “Năm 2015, nhiều loại nông sản xuất khẩu sụt giảm mạnh về giá gây khó khăn rất lớn cho nông dân. Ngoài ra, nông dân còn chịu thêm nỗi lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một số vật tư đầu vào khác kém chất lượng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, Chính phủ, ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ nâng cao giá xuất khẩu tăng thu nhập cho người dân”.

 

Đồng quan điểm này, lãnh đạo nhiều tỉnh cũng nhận xét Việt Nam có 10 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, song phần lớn giá xuất khẩu các mặt hàng thấp hơn nhiều so với hàng hóa cùng loại của các nước. Vấn đề đặt ra là Chính phủ phải có những chính sách ưu đãi tốt để thu hút các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp tạo chuỗi gắn kết với nông dân, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng cao để giá xuất khẩu nâng lên ngang bằng các nước.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Ngành nông nghiệp đang tiến hành tái cơ cấu tăng sức cạnh tranh. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính là tạo các chuỗi liên kết khép kín lớn trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang hơn 50 nước mà Việt Nam đã có ký kết và đàm phán xong các hiệp định thương mại tự do để hưởng các ưu đãi”.

 

* Rà soát lại chính sách nông nghiệp

 

Các tỉnh, thành đang kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành các rào cản về kỹ thuật để bảo vệ nông nghiệp trong nước. Khi hội nhập sâu, hầu hết các nước đều đã đặt ra hàng rào kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm như một cách hạn chế hàng hóa nhập khẩu và bảo vệ hàng trong nước. Điều đáng lo là đến nay phía Việt Nam gần như chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật nên nông sản từ nước ngoài sẽ tiếp tục tràn vào trong nước với số lượng lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền nông nghiệp.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà nói: “Chính phủ cần sớm ban hành các rào cản về kỹ thuật để bảo vệ nông sản, thủy sản trong nước. Chẳng có lý do gì khi các các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các nước phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi cùng mặt hàng trên xuất vào Việt Nam không phải chịu một rào cản nào”.

 

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các bộ liên quan phải phối hợp sớm đưa ra các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Chuẩn bị tốt khi tham gia vào hội nhập sâu, Việt Nam sẽ nắm bắt được nhiều lợi thế và kịp thời tháo gỡ các khó khăn”.

 

 

Chăn nuôi gà tập trung tại trang trại ông Nguyễn Thanh Sơn xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất).

 

Cũng theo Thủ tướng, khi hội nhập, ngành nông nghiệp chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất. Vì thế các tỉnh, thành, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phải rà soát lại tất cả các chính sách từ luật đến thông tư, nghị định của từng ngành chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, xem những điểm nào đã lạc hậu, cần bổ sung để trình Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

 

Để tạo ra cơ chế thoáng, nhiều ưu đãi thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp. Các tỉnh, thành chú ý nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả, ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, kiểm tra xử lý thật nghiêm các trường hợp sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

 

“Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Chính phủ tăng mức xử phạt với những cơ sở có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, xử lý hình sự mới đủ sức răn đe và dẹp tình trạng dùng chất cấm trong chăn nuôi” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu cho biết. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nếu không diệt tận gốc sẽ giết chết ngành chăn nuôi của Đồng Nai.

 

Năm 2015, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt trên 28.400 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2014, cao hơn bình quân chung cả nước gần 1%. Đồng Nai hiện là tỉnh có chăn nuôi tập trung lớn nhất cả nước với tổng đàn heo gần 1,7 triệu con. Toàn tỉnh có 88 xã hoàn thành nông thôn mới, trong đó 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản của tỉnh hơn 1 tỷ USD, chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai.

 

Hương Giang

 

Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu giống phục vụ sản xuất

 

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

 

Theo các chuyên gia, việc sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, thiếu tập trung, sử dụng nhiều loại giống sẽ làm giảm sức cạnh tranh cho nông sản, gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu cung ứng giống cây con đến tiêu thụ hàng hóa. Trước yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản TP Cần Thơ luôn chú trọng phát triển hệ thống sản xuất, cung cấp các giống cây con chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu giống phục vụ sản xuất của thành phố.

 

* Nâng chất lượng cây con giống

 

Là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong giai đoạn 2011 - 2015, Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản thành phố tăng cường thực hiện liên kết trong sản xuất lúa giống, bước đầu xây dựng được vườn giống cây ăn trái, phát triển đàn cá bố mẹ, gầy dựng lại đàn heo giống, qua đó đã sản xuất cung cấp giống cây con chất lượng cao phục vụ chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố. Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Các hoạt động trong sản xuất giống cây con nói chung cũng như các chương trình, đề án do đơn vị triển khai được người dân và địa phương đồng tình, ủng hộ. Qua đó đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, gắn kết phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của nông dân về sử dụng giống chất lượng cao và lợi ích của việc liên kết hợp tác trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

 

 

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung (bìa trái) tham quan phòng nuôi cấy mô của Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản.

 

Về sản xuất giống lúa, Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản thành phố tập trung nhiệm vụ xây dựng củng cố hệ thống nhân giống lúa 3 cấp thông qua triển khai đề án "Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn, chất lượng tại TP Cần Thơ", đề án "Chọn tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa TP Cần Thơ"... Từ năm 2012 - 2014, đơn vị đã hợp tác, liên kết sản xuất và cung cấp 468 tấn giống lúa cấp xác nhận và nguyên chủng phục vụ sản xuất. Riêng năm 2015 cung cấp 226 tấn lúa giống các loại. Trong lĩnh vực sản xuất giống cây ăn trái, Trung tâm là một trong số rất ít đơn vị ở ĐBSCL vẫn còn duy trì vườn cây có múi bố mẹ trong nhà lưới theo quy trình sản xuất giống cây có múi sạch bệnh, là nhóm cây cho hiệu quả sản xuất cao, thị trường có nhu cầu rất lớn. Đơn vị đã tham gia cung cấp cây giống sạch bệnh và chất lượng tốt cho các chương trình cải tạo vườn tạp và phát triển cây ăn trái ở Thới Lai, Cờ Đỏ, Cái Răng… Riêng năm 2015, Trung tâm đã cung cấp hơn 17.600 cây giống ăn trái, 7.100 mắt ghép cây có múi cho các cơ sở nhân giống...

 

Trong lĩnh vực giống thủy sản, Trung tâm duy trì đàn cá bố mẹ chất lượng được tuyển chọn tốt với trên 8.000 con giống bố mẹ như cá chép, cá mè, cá rô dòng gift, cá rô đầu vuông… Nhất là có gần 1.000 con giống cá tra bố mẹ có chất lượng di truyền cao về tính trạng được tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II. Ngoài cung cấp giống cá các loại phục vụ cho mô hình sản xuất lúa cá của thành phố, Trung tâm hiện là đầu mối chính cung cấp nguồn cá bột chất lượng tốt cho nhiều cơ sở của thành phố sản xuất cá bột lên cá giống. Năm 2015, Trung tâm thực hiện sản xuất và cung cấp trên 17 triệu cá bột, cá giống các loại đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Trong 2 năm gần đây, Trung tâm tận dụng và sửa chữa lại một số cơ sở vật chất để gây dựng lại đàn gà và đàn heo với quy mô 700 - 1.000 con gà/đợt và tuyển chọn phát triển đàn heo được 126 con, trong đó đã cung cấp 117 con heo giống cho các hộ chăn nuôi.

 

* Liên kết ổn định đầu ra

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản đặt mục tiêu xây dựng và phát triển cây giống đầu dòng, giống bố mẹ, giống gốc thông qua việc tổ chức tốt liên kết sản xuất giống lúa, giống cây ăn trái, cây lâm nghiệp, tuyển chọn sản xuất một số giống thủy sản truyền thống. Tổ chức tốt liên kết sản xuất giống lúa 100 - 120 ngàn tấn/năm, duy trì sản xuất 15 - 20 ngàn cây giống ăn trái, 5 - 10 ngàn cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng cây phân tán, tuyển chọn sản xuất một số giống thủy sản truyền thống. Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Trung tâm sẽ tăng cường mối liên kết với các viện, trường, các cơ sở cung cấp giống, đáp ứng nhu cầu số lượng và chất lượng về giống lúa của địa phương, góp phần xây dựng thương hiệu sản xuất giống lúa của thành phố. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm kiến nghị thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp khu vực nhà lưới để phát triển giống cây ăn trái sạch bệnh, mở rộng quy mô phòng cấy mô và cải tạo hệ thống ao để phát triển sản xuất giống thủy sản.

 

Để phát triển nông nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo ra sản phẩm nông nghiệp cho chất lượng đồng đều, năng suất cao, khâu giống đầu vào là rất quan trọng. Theo các sở, ngành hữu quan của thành phố, Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi, tích cực tham gia vào công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở, nông dân tại các vùng sản xuất của thành phố. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản là đơn vị sự nghiệp có thu nên cần phát huy cơ chế tự chủ về tài chính, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh giống. Trung tâm cần đẩy mạnh liên kết, liên doanh với doanh nghiệp để huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ về giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Trung tâm hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cung cấp đa dạng các loại giống cây trồng, vật nuôi song khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa nhiều, chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh chưa mạnh.Về lâu dài, Trung tâm cần xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch giải quyết đầu ra hiệu quả cho sản phẩm cây con giống để gia tăng lợi nhuận.

 

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, khẳng định: "Sản xuất giống phải đi trước, nếu đi sau là thua". Do đó, Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản phẩm cây con giống, không làm tràn lan, phân tán; phải xác định giống cây con nào là chủ lực và quy hoạch lại hiện trạng sản xuất phù hợp. Trung tâm nên phát huy vai trò là đầu mối gắn kết với Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ và các trung tâm nghiên cứu khác tiếp nhận giống siêu nguyên chủng để cung ứng lại cho các HTX, Tổ hợp tác sản xuất. Phát huy thế mạnh của các giống cây ăn trái đặc sản, chất lượng trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống ao nuôi để mở rộng diện tích nhân giống cây ăn trái. Trung tâm nên chú trọng phát triển các giống hoa kiểng, dược liệu, cá cảnh, các loại nấm… đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của thành phố.

 

MINH HUYỀN

 

Hậu Giang: Doanh thu hơn 2 tỉ đồng/trang trại/năm

 

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

 

Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 30 trang trại, trong đó: 3 trang trại trồng trọt, 14 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại thủy sản và 8 trang trại tổng hợp. Tổng diện tích đất đang sử dụng là 70ha, trung bình 2,85 ha/trang trại, trang trại có diện tích cao nhất là 4ha, trang trại có diện tích thấp nhất là 0,1ha. Nhìn chung, các trang trại sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, tổng vốn đầu tư bình quân 1,5 tỉ đồng/trang trại/năm, tổng doanh thu bình quân 2,021 tỉ đồng/trang trại/năm. Về lao động, các trang trại sử dụng lao động thường xuyên từ 5 - 7 người/trang trại, trong đó: lao động gia đình từ 2 - 3 người/trang trại, lao động thuê 3 - 4 người/trang trại.

 

HỮU PHƯỚC

 

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

 

Nguồn tin:  Báo Lào Cai

 

Thời gian gần đây, Lào Cai tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đem lại lợi ích kinh tế rất lớn.

 

Đầu tư lớn, lợi nhuận cao

 

 

Trồng hoa cao cấp tại Sa Pa.

 

Ông Nguyễn Nhân Thuận, tổ 9C, thị trấn Sa Pa (Sa Pa) là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để trồng hoa ly. Toàn bộ diện tích trồng hoa của ông Thuận được che bằng nhà vòm chắn ni lông. Tổng chi phí ban đầu để đầu tư hạ tầng và mua giống nhập ngoại lên tới 11 tỷ đồng. Phần lớn số tiền đầu tư trên, ông Thuận vay của ngân hàng, số còn lại tích cóp từ bao nhiêu năm làm nông nghiệp. Ngay từ vụ hoa đầu tiên, ông Thuận thu về 15 tỷ đồng, trừ hết chi phí, còn lãi 4 tỷ đồng.

 

Với con số đầu tư lớn như vậy, không ít người nói ông Thuận là “gàn”, bởi trồng hoa ly như “đánh bạc”, nếu thua có thể sạt nghiệp. Nhưng, ông Thuận đã bỏ ngoài tai, rồi câu trả lời bằng số lãi sau một vụ hoa đã nói lên tất cả. Không dừng lại ở đó, ông Thuận đang có kế hoạch mở rộng đầu tư trồng hoa ly tại xã Sa Pả, xã Tả Phìn bằng nhà vòm với công nghệ mái che có khả năng chống mưa đá. “Tôi có niềm đam mê với nông nghiệp, chắc cả đời này sẽ gắn bó với đất và cây”- ông Thuận chia sẻ.

 

Thăm dây chuyền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Anh Nguyên, huyện Bắc Hà mới thấy đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn lực tài chính rất lớn. Trên diện tích 2.500m2 rau, doanh nghiệp này xây dựng nhà kính với hệ thống tưới nước thủy canh tự động và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Sau một thời gian có mặt trên thị trường, sản phẩm rau xanh của doanh nghiệp được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư chăn nuôi lợn rừng theo hướng tự nhiên với quy mô lớn nhất tại Lào Cai tính đến thời điểm này. Tại khu chăn nuôi, thức ăn được doanh nghiệp chế biến trước khi cho gia súc ăn, chất thải được ủ thành phân bón cho rau. Công nhân làm việc phải thực hiện vệ sinh tay chân, mặc quần áo đã sát trùng mới được bước vào khu vực chuồng nuôi gia súc. Đây là mô hình chăn nuôi an toàn được doanh nghiệp đầu tư bài bản với nhiều tỷ đồng.

 

Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao

 

Ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh tại Lào Cai trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Xác định vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp Lào Cai đưa ra nhiều giải pháp như tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ban hành một số chính sách, quy định về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có việc khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường đầu tư, đến nay có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang chuẩn bị đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Lào Cai cũng chủ động hợp tác với các tỉnh có kinh nghiệm để học tập kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và tỉnh Lâm Đồng đang là đối tác quan trọng nhất. Gần đây, hai tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác tham quan và chuyển giao kỹ thuật trong nhân giống hoa, kỹ thuật gieo giống trên khay, xây dựng nhà lưới, nhà kính…

 

Đồng chí Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Không thể phủ nhận lợi ích từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng việc thực hiện vẫn đang gặp một số khó khăn, như lực lượng lao động có trình độ cao còn thiếu, đội ngũ quản lý về khuyến nông, bảo vệ thực vật hạn chế, quỹ đất lớn và tập trung không sẵn, chính sách chưa thực sự hoàn thiện. Tuy nhiên, Lào Cai sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo phương thức ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn để khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương.

 

VÂN THẢO

 

Tân Kỳ (Nghệ An): Có hơn 500 trang trại, gia trại

 

Nguồn tin:  Báo Nghệ An

 

Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã có 47 trang trại và 474 gia trại, góp phần tăng nhanh đàn gia súc của địa phương.

 

Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại của huyện tân Kỳ phát triển mạnh, trong đó nhiều nhất là trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

 

 

Trang trại chăn nuôi lợn thịt của chị Trần Thị Nga xã Tân Phú quy mô 300 con lợn/lứa.

 

Toàn huyện hiện có 47 trang trại và 474 gia trại. Trong đó có 6 trang trại chăn nuôi lợn, 2 trang trại chăn nuôi bò, còn lại là.trang trại tổng hợp. Một số trang trại có quy mô lớn: trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình ông Lê Mạnh Hùng ở Nghĩa Dũng; trang trại chăn nuôi bò ngoại cao sản của Công ty TNHH Kiều Phương ở Nghĩa Bình.

 

 

Trạng trại chăn nuôi bò thịt (giống bò Úc) của Công ty TNHH Kiều Phương quy mô nuôi 1 nghìn con bò/lứa.

 

Trang trại chăn nuôi phát triển mạnh trong thời gian qua của Tân Kỳ đã góp phần tăng nhanh đàn gia súc của địa phương. Năm 2015, đàn bò tăng 6,9%, trâu tăng 2,1%, đàn lợn tăng 3,5%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt gần 9,7 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2014.

 

Các trang trại, gia trại của Tân Kỳ giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 1 nghìn lao động. Tổng thu nhập của trang trại, gia trại của Tân Kỳ ước đạt khoảng 170 tỷ đồng/năm. Hiện nay UBND huyện đang thẩm định 44 trang trại để cấp giấy chứng nhận trại theo tiêu chí mới.

 

Xuân Hoàng

 

Đất cằn nở hoa!

 

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình

 

Mặc dù điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Bình không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành nhất là chính quyền địa phương, nhiều nông dân ở tỉnh ta đã biến những vùng đất cằn cỗi trở nên hiệu quả...

 

Chuyển đổi để "đánh thức" đất lúa kém hiệu quả

 

Xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh có tổng diện tích đất trồng lúa rộng chừng 400ha. Thế nhưng, trong số toàn bộ diện tích nói trên thì có khoảng 70ha (nằm rải rác ở các thôn Trần Xá, Quyết Tiến, Trường Niên, Hàm Hòa...) hàng năm hầu như chỉ canh tác được 1 vụ lúa đông-xuân, vụ hè thu rất bấp bênh, thậm chí phải bỏ hoang vì không chủ động được nguồn nước tưới tiêu.

 

Kể từ khi chính quyền huyện Quảng Ninh và xã Hàm Ninh có chủ trương khuyến khích các hộ dân không bỏ đất hoang, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, năm 2008, hàng chục hộ nông dân ở xã này đã thử nghiệm gieo trồng dưa hấu ngay trên những chân ruộng lúa 1 vụ để phát huy hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, tránh việc bỏ hoang lãng phí ở vụ hè - thu...

 

Sau vài ba đợt đưa giống dưa hấu vào trồng ở chân ruộng lúa 1 vụ, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, lại tránh được việc bỏ đất hoang ở vụ hè-thu, chính quyền xã Hàm Ninh đã khuyến khích nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dưa hấu lên khoảng 30ha.

 

Anh Trần Hoàng Nhân, cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp xã Hàm Ninh cho biết, từ chỗ nhiều diện tích đất ở xã chỉ canh tác được một vụ lúa trong năm, đến nay bà con nông dân xã Hàm Ninh đã biết chuyển đổi một cách khéo léo để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

 

 

Một mô hình nuôi cá lóc trên cát ở xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ.

 

Cụ thể, bà con trong xã đã bố trí khung lịch thời vụ cho các loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích trong năm rất hợp lý như trồng lúa xuân, dưa hè; trồng dưa xuân-hè, lúa hè-thu; trồng ngô đông, dưa xuân-hè, lúa hè-thu. Các giống dưa hấu mà bà con nông dân Hàm Ninh đưa vào trồng là Hoàn Châu, Hắc Mỹ Nhân, Vinh Nông và Phù Đổng (trong đó giống Hoàn Châu và Hắc Mỹ Nhân là chủ lực).

 

Bình quân hàng năm, mỗi vụ dưa hấu đều mang lại lợi nhuận cho người nông dân cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa; đặc biệt, có những năm dưa hấu vừa được mùa, được giá, đã mang lại lợi nhuận cho người nông dân cao gấp 9 đến 11 lần so với trồng lúa. Đây quả là điều vượt sức tưởng tượng của nhiều người dân về những mảnh đất cằn ở xã được "đánh thức" nhờ chuyển đổi...

 

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng năm tỉnh ta đều có chính sách hỗ trợ công tác chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả với trị giá 4 triệu đồng/ha. Một số địa phương như Lệ Thuỷ còn đưa ra cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; Quảng Ninh là 3 triệu đồng/ha... Chính nhờ có các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, vụ hè - thu năm 2013, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 379ha trên chân ruộng cao; năm 2014 tăng lên 420ha; năm 2015 với 813ha.

 

Tương tự, đối với chân ruộng thấp trũng, diện tích chuyển đổi sang mô hình lúa-cá, năm 2015 là 1.814ha (trong đó Lệ Thuỷ 1.060ha, Quảng Ninh 550ha, TP.Đồng Hới 125ha, Bố Trạch 60ha, Quảng Trạch 19ha...). Thời gian qua, hầu hết những cây trồng được các địa phương đưa vào chuyển đổi đều đem lại hiệu quả kinh tế rất khả quan, cao hơn trồng lúa từ 1,1 đến 8,7 lần. Các giống cây trồng đưa vào chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao gồm: mướp đắng, dưa hấu, khoai lang, ngô, rau màu các loại...

 

"Buộc" cát hoang phải... trở mình

 

Vùng cát ven biển tỉnh ta có tới hàng chục, hàng trăm ngàn ha. Từ nhiều đời nay, hầu như tại các vùng cát người dân chủ yếu dùng để trồng các loại cây chắn cát như dương liễu, keo, tràm, bạch đàn... Việc sản xuất nông nghiệp trên vùng cát ven biển ở tỉnh ta trước đây hầu như không đáng kể bởi sự khắc nghiệt của thổ nhưỡng, thời tiết...

 

Thế nhưng, với sự phát triển vượt bậc của tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự quan tâm của các cấp chính quyền, những năm gần đây, nông dân ở tỉnh ta đã biết "buộc" nhiều diện tích cát hoang phải trở mình "nở hoa" để nuôi sống con người...

 

Cách đây hơn 5 năm về trước, gia đình chị Hoàng Thị Hiếu, thôn 3 Thanh Mỹ, xã Thanh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ vốn là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã Thanh Thuỷ, chị Hiếu đã được vay vốn ưu đãi và nhận 5 sào đất cát (2.500m2) hoang hoá trong xã để đầu tư phát triển sản xuất. Gia đình chị Hiếu đã tiến hành trồng cây khoai lang và một số loại cây màu vụ đông khác như nén, kiệu, hành, rau xanh... kết hợp chăn nuôi lợn, gà.

 

Để cải tạo được diện tích đất cát hoang hoá nuôi sống cây màu tốt tươi, ngoài việc tận dụng nguồn nước dồi dào trong cát, chị Hiếu mua rơm về tích trữ, bứt lá cây... rồi ủ với phân chuồng đem bón cho đất cát thường xuyên. Cây màu phát triển tốt tươi và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay, chị Hiếu đã thực sự thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khấm khá của xã, mỗi năm thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng.

 

Khác hẳn với cách thức làm ăn trên vùng đất cát của chị Hiếu là dựa vào trồng cây khoai lang và chăn nuôi lợn, anh Ngô Công Quốc (thôn Tân Hải, xã Ngư Thuỷ Bắc) lại chọn những diện tích cát hoang ở gần nhà, có nguồn nước ngầm dồi dào để đào ao nuôi cá lóc làm giàu. Nắm bắt được lợi thế đào ao ở vùng cát rất dễ dàng, đặc tính của cá lóc là loài ăn tạp, anh Quốc đã biết tận dụng nguồn thức ăn từ các “phế phẩm” của nghề biển như cá vụn, cá nhỏ...

 

Chính nhờ chi phí đầu tư cho sản xuất thấp, chủ yếu lấy công làm lãi, giá thành sản phẩm cá lóc ở ngoài thị trường cao, bình quân mỗi năm gia đình anh Quốc lãi ròng hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi cá lóc trên cát...

 

Văn Minh

 

Thương hiệu cho nông sản

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

 

Nông sản, trái cây Đồng Nai được đánh giá cao về chất lượng, hương vị. Một số sản phẩm đã xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính, như: sầu riêng Dona vào thị trường Mỹ, xoài Suối Lớn, chocolate Trọng Đức vào thị trường Nhật Bản…

 

Tỉnh đã bắt đầu hình thành được những vùng chuyên canh cho những cây chủ lực, như: tiêu, xoài, ca cao, cây ăn trái… đáp ứng yêu cầu về sản lượng. Đến nay, đã có 11 nhãn hàng nông sản được đăng ký bảo hộ, như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Khánh, tiêu Xuân Lộc...

 

* Đặc sản cũng phải có tên

 

Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.

 

 

Bưởi Tân Triều đã được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý.

 

Cuối năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm bưởi đường lá cam và bưởi ổi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu). Đây là sản phẩm đầu tiên của Đồng Nai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nhưng từ rất nhiều năm trước, chính những nông dân trồng bưởi xứ này đã góp công gầy dựng thương hiệu để tiếng thơm trái bưởi Tân Triều nức tiếng gần xa.

 

Cuối năm 2003, ông Nguyễn Thanh Sang, nông dân của làng bưởi Tân Triều đã thành lập DNTN Quê Hương Tân Triều. Ông đã đem trái bưởi Tân Triều tham gia triển lãm, dự festival nhiều nơi để quảng bá thương hiệu. Theo đó, trái bưởi Tân Triều vào được nhiều hệ thống siêu thị lớn. Ông Sang cũng được cho là người đầu tiên đưa trái bưởi Tân Triều xuất ngoại. Lão nông Huỳnh Đức Huệ, “cha đẻ” của món rượu bưởi nổi tiếng xa, gần cũng là người có công đầu trong xây dựng thương hiệu cho bưởi Tân Triều. Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều do ông đầu tư không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách Việt mà nhiều khách Tây, khách Tàu cũng biết tiếng.

 

Điển hình tiêu biểu cho hợp tác xã (HTX) làm tốt trong việc xây dựng thương hiệu để bán hàng là HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (TX.Long Khánh). Đây là đơn vị đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chôm chôm và sầu riêng Long Khánh. Đây cũng là HTX đầu tiên của Đồng Nai ký được hợp đồng cung cấp sầu riêng, chôm chôm vào hệ thống Siêu thị Aeon do Nhật Bản đầu tư. Những nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý của bưởi Tân Triều, trái cây Long Khánh… đều là tài sản chung của nông dân. Tỉnh cũng đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều đơn vị, địa phương khác tham gia đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho các mặt hàng nông sản khác, như: rau Thống Nhất; tiêu, mãng cầu xiêm Cẩm Mỹ; thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom)... Theo đó, các mô hình sản xuất VietGAP, GlobalGAP ở xứ bưởi Tân Triều, vùng chuyên canh trái cây Long Khánh hay vùng tiêu Cẩm Mỹ... đang được nhân rộng cũng vì mục tiêu xây dựng uy tín cho nông sản Đồng Nai bằng uy tín chất lượng.

 

* Cần sự kết nối

 

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức thương mại toàn cầu, phải tuân thủ những tiêu chuẩn, quy định với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. Lối thoát duy nhất là nông dân phải làm ra sản phẩm an toàn theo quy mô lớn, giá cả cạnh tranh. Với nhu cầu xuất khẩu hàng chục ngàn tấn thì việc một nông dân, một HTX, thậm chí một huyện, một tỉnh phát động phong trào sản xuất sạch theo hướng manh mún, nhỏ lẻ hoàn toàn không đáp ứng được cả về yêu cầu sản lượng và giá cả. Thực tế, trái bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh và rất nhiều loại đặc sản trái cây khác của Đồng Nai lỡ nhiều cơ hội vào những thị trường lớn vì chưa đảm bảo về yếu tố sản lượng trái cây đạt chuẩn xuất khẩu. Chính vì vậy, việc bảo hộ địa lý cho mỗi sản phẩm trái cây, nông sản của từng địa phương mới chỉ là những mảnh ghép riêng lẻ và cần sự kết nối để xây dựng được thương hiệu chung cho nông sản Đồng Nai.

 

 

Huyện Cẩm Mỹ xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch cho hồ tiêu.

 

Đại diện của Công ty TNHH một thành viên Trang Trại Xanh Quỳnh Như (TP. Biên Hòa), chia sẻ: “Đồng Nai không chỉ có thương hiệu bưởi đường lá cam Tân Triều mà sản phẩm bưởi da xanh ruột hồng cũng có chất lượng rất ngon, đã hình thành những vùng chuyên canh với quy mô lớn”. Cụ thể, tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) có những trang trại bưởi rộng cả chục hécta thu hút rất đông thương lái miền Tây về gom hàng rồi họ dán nhãn trái cây miền Tây để đưa ra thị trường hoặc cung cấp cho đơn hàng xuất khẩu. Nông dân Đồng Nai đang chịu thiệt thòi vì nông sản, trái cây Đồng Nai chưa có một thương hiệu chung được thị trường nhận diện.

 

Câu chuyện mang tính thời sự nhất hiện nay là việc hợp tác xuất khẩu trái xoài Đồng Nai vào thị trường Nhật Bản. Phía Nhật Bản đã cử chuyên gia của họ về Việt Nam, đến tận nhà vườn để chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm, quy trình trồng trọt, chăm sóc xoài theo chuẩn xuất khẩu vào thị trường này.

 

Tại hội thảo giới thiệu đề án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xoài Đồng Nai với sự tham gia của đông đảo nông dân trồng xoài Đồng Nai diễn ra ở huyện Xuân Lộc cách đây 3 tháng, TS. Nishikawa Koya, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chiến lược nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, cho biết: “Nhật Bản mở cửa cho trái xoài Đồng Nai là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu trái xoài và các loại nông sản khác của tỉnh. Trái xoài Đồng Nai nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác có những lợi thế về sản lượng lớn, giá rẻ, vị ngon hơn hẳn so với các vùng sản xuất khác nên việc triển khai mở thị trường tại các nước, trong đó có Nhật Bản là khả thi. Nhưng để trái xoài và nông sản Đồng Nai sớm có mặt tại thị trường Nhật Bản, địa phương cần có chiến lược lâu dài xây dựng thương hiệu bằng uy tín, chất lượng”.

 

Theo TS. Nishikawa Koya, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chiến lược nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, để có chỗ đứng trên thị trường thế giới với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, Đồng Nai cần quan tâm đầu tư đồng bộ, chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến. Phía Nhật Bản sẵn sàng cử chuyên gia để hướng dẫn nông dân Đồng Nai về quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch, bảo quản cũng như hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục, phương pháp vận chuyển trong và ngoài nước; nhất là trong công tác quảng bá và giới thiệu, phát triển sản phẩm mới.

 

Bình Nguyên

 

“Đại gia” đầu tư vào nông nghiệp

 

Nguồn tin:  Báo Công Thương

 

Năm 2015 đánh dấu sự đổ bộ của rất nhiều “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

 

 

Tập đoàn Vingroup đầu tư trồng rau sạch và đã đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+

 

Sức hút lớn từ nông nghiệp

 

Trong năm 2015, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn tìm cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Hòa Phát, Him Lam… Ông Hoành Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) - chia sẻ, thời gian qua, nhiều DN đã đăng ký đầu tư vào ngành chăn nuôi với số vốn cam kết lớn, có DN cam kết đầu tư 1 tỷ USD từ nay đến năm 2020. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bò thịt và bò sữa, thức ăn chăn nuôi.

 

Còn theo ông Dương Minh Ngọc- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, dư địa phát triển của ngành chăn nuôi trong nước vẫn có thể kéo dài trong 10 năm nữa. Bằng chứng là trong năm 2015, riêng các tập đoàn nước ngoài đã đầu tư trên 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Công ty Hùng Vương cũng đầu tư mạnh vào chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Tháng 10/2015, Hùng Vương đã công bố kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ đồng vào chăn nuôi heo với mục tiêu sẽ tung sản phẩm thịt heo ra thị trường vào quý 3/2016.

 

Tiến công vào thị trường thức ăn chăn nuôi, tháng 2/2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Hòa Phát hiện được xây dựng với công suất khoảng 300.000 tấn/năm, dự kiến đến quý 1/2016 sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.

 

Đó là trong lĩnh vực chăn nuôi, còn về trồng trọt, bằng việc công bố thông tin thành lập Công ty VinEco - chuyên về sản xuất nông nghiệp vào tháng 3/2015, Tập đoàn Vingroup đã chính thức bước chân vào nông nghiệp với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 2.000 tỷ đồng. Mục tiêu của tập đoàn này là sản xuất các loại rau, củ, quả, sạch phục vụ tiêu dùng trong nước.

 

Không chỉ có các dn, các ngân hàng cũng bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này. Tại Hội nghị Phát triển ngành công nghiệp bò và sữa diễn ra đầu tháng 11/2015, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho biết, trong ngắn hạn, BIDV sẽ chi tới 25.000 tỷ đồng để cho vay các dự án nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Trong dài hạn, số tiền mà BIDV dành cho lĩnh vực nông nghiệp này lên tới 80.000 tỷ đồng. Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi bò, ngân hàng đã xây dựng và ban hành gói tín dụng tài trợ các dự án bò thịt, bò sữa và áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các DN đầu tư triển khai dự án bò thịt, bò sữa ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng...

 

 

Vinamilk đã ký hợp đồng thu mua sữa tươi nguyên liệu năm 2016 cho bà con nông dân trên cả nước

 

Với việc các “đại gia” đổ tiền vào nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tin vui đối với hàng triệu nông dân Việt Nam. Bởi, khi có nguồn vốn “tiếp sức” từ các ông chủ lớn, các sản phẩm nông sản của bà con nông dân sẽ được nâng cao về giá trị, chất lượng và không còn phải đối diện với nỗi lo sản phẩm bị ép giá hay cảnh được mùa mất giá như trước đây. Bên cạnh đó, đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế cho nhiều vùng, địa phương.

 

Đầu tư vào công nghệ cao, hướng đến phát triển bền vững

 

Chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, nhiều DN xác định đầu tư theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cho biết: Làm nông nghiệp muốn đạt năng suất cao phải ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa toàn bộ. Hoàng Anh Gia Lai ứng dụng công nghệ cao từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch sản phẩm. Điều này giúp chi phí giá thành giảm xuống mức thấp nhất.

 

Đây cũng là hướng đi của Vingroup khi đầu tư vào nông nghiệp. Phương pháp sản xuất trong nhà kính tại Vĩnh Phúc với hệ thống tưới tiêu- dinh dưỡng thông minh cùng hệ thống điều khiển khí hậu hợp lý được tự động hóa giúp VinEco kiểm soát toàn bộ các yếu tố tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Hay dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Quảng Ninh, tổng giá trị đầu tư 650 tỷ đồng hướng tới mục tiêu hình thành khu sản xuất nông nghiệp rau, củ, quả sử dụng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap.

 

Nói về hướng đi này của các doanh nghiệp, GS. TS Võ Tòng Xuân khẳng định: nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp tạo ra sản phẩm năng suất hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn và rẻ hơn, tăng được năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Việc DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu dùng.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng thu hút vốn đầu tư để tái cơ cấu toàn diện. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực có nhiều lợi thế và tiềm năng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn nữa các DN đầu tàu này vào lĩnh vực được đánh giá là rất nhiều rủi ro, nhà nước cần tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về việc tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính, thuế… cho các doanh nghiệp.

 

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn- Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn- đưa ra ba giải pháp: Thứ nhất, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông. Thứ hai, cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây… Thứ ba, giảm tối đa các phí, thuế có liên quan cho DN đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.

 

Việc đổ bộ của những “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp tại Việt Nam, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các DN, người nông dân và toàn xã hội cùng hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

 

Nguyễn Hạnh

 






    
 





 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop