Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 13 tháng 03 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 13 tháng 03 năm 2016

Diệt bèo bằng thuốc, nguy cơ ô nhiễm đất

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Bèo lục bình xâm lấn vào nội đồng, gây khó khăn, tốn kinh phí xử lý khi nông dân sản xuất vụ đông xuân. Để diệt thực vật ngoại lai gây hại này, một số địa phương ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dùng thuốc cháy, chất khai hoang bơm thẳng vào ruộng gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước…

Bèo vẫn ken dày, chất ứ trên nhiều xứ đồng, ruộng bỏ hoang

Sản xuất khó khăn

Vụ đông xuân năm nay, huyện Quảng Điền đưa vào sản xuất gần 4.300 ha lúa. Do năm nay không có lũ nên bèo lục bình “án ngự” trên nhiều đồng ruộng, kênh hói.

Tại hai HTX NN Thống Nhất và Tam Giang (xã Quảng Thái), vụ đông xuân năm nay đưa vào gieo cấy 345 ha lúa thì có đến 50 ha bị bèo lục bình tấn công vào trong đồng ruộng, gây khó khăn cho sản xuất. Ông Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX NN Thống Nhất cho biết: “Bước vào mùa vụ, ngay khâu làm đất, bà con xã viên cũng như HTX đau đầu vì bèo lục bình có mặt khắp mọi nơi, ken dày trên ruộng. 1 sào bèo vớt lên cả 10 tấn, chở đầy xe tải”.

Bèo nhiều còn do phía đập Cửa Lác nò sáo dày đặc ngăn không cho bèo thoát đi nơi khác nên chúng sinh sôi trên ruộng đồng. Toàn HTX Thống Nhất có 35 ha ruộng ở các thôn Đông Cao, Đông Hồ, Nam Giảng bị bèo chen kín. HTX đã bỏ kinh phí 30%, còn lại các xã viên huy động ngày công, máy cắt, thuốc để diệt bèo.

Xử lý bèo lục bình bằng thuốc diệt cỏ, chất khai hoang, gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước

Theo tính toán của nông dân, các xứ đồng ở Quảng Thái đa số là ruộng ngập nước, gần đầm phá nên năng suất thấp, chỉ đạt 2 - 2,2 tạ/sào. Trong khi đó, để xử lý một sào bèo nhật bản phải mất 500 nghìn đồng (1 tạ thóc) chi phí thuê máy cắt, bơm thuốc diệt, cày lật lấp bèo.

Ông Hồ Thiệm (thôn Đông Hồ), một nông dân cho biết: “Tui làm 10 sào lúa, từ khi khâu làm đất đã tốn chi phí máy cắt 60 nghìn đồng/sào, 100 nghìn đồng tiền thuốc, 300 nghìn đồng tiền cày để diệt bèo. Vào đầu vụ chi phí đã chừng ấy, cộng thêm tiền thuốc, phân, giống thì nông dân cầm chắc… lỗ. Biết lỗ nhưng cũng phải làm, bởi không xử lý bèo không chỉ bỏ hoang ruộng vụ này mà vụ sau cũng không sản xuất được”.

Tại HTX Tam Giang, năm nay đưa vào sản xuất 230 ha thì có 15 ha ruộng bị bèo phủ kín ở hai thôn Trung Làng và Tây Hoàng. Dù đã huy động nhân lực cùng kinh phí mấy chục triệu đồng, nhưng đến nay vẫn còn 1,5 ha ở xứ đồng Trung Làng bỏ hoang do bèo chen kín.

Tương tự, tại HTX Tín Lợi (xã Quảng Lợi) cũng có 60 ha ruộng bị bèo xâm lấn, địa phương phải tốn mấy chục triệu đồng diệt bèo mới tiến hành khâu làm đất, sản xuất được.

Nguy cơ ô nhiễm

Bèo dày đặc và hầu hết các diện tích đều nằm xa cầu cống, bờ phá, không thể dùng biện pháp thủ công, lợi dụng thủy triều lên đẩy bèo ra ngoài ruộng, các hộ dân phải sử dụng thuốc cháy, chất khai hoang diệt bèo.

Ông Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX NN Thống Nhất thừa nhận: “Có 15 ha bà con xã viên HTX phải sử dụng thuốc diệt cỏ pha với nồng độ cao để bơm sau khi đã dùng máy cắt. Mỗi sào phải tiến hành bơm hai lần mới diệt hết bèo. Cá biệt, có hộ sử dụng thuốc khai hoang. HTX luôn khuyến cáo bà con không được sử dụng loại thuốc này trong sản xuất”.

Theo các hộ dân, những loại thuốc bà con mua sử dụng diệt cỏ được bán ở các đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Thông thường, hằng năm khi bước vào vụ mới, bà con bơm thuốc diệt cỏ trên các triền đê, ô dường để vệ sinh đồng ruộng, thuận lợi sản xuất. Năm nay, do bèo sinh sôi, các biện pháp diệt thủ công không hiệu quả nên buộc người dân phải bơm thuốc thẳng vào ruộng, gây nguy cơ ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước rất lớn.

“Đối với diện tích dùng thuốc diệt cỏ, chất khai hoang, phải bơm từ khâu làm đất trước 15 - 20 ngày trước khi xuống giống. Nếu không, cây lúa sẽ chết, có lên được thì cũng quăn lá”, ông Hai thận trọng cho biết.

Ông Phan Nông, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho hay: “Trước đây chúng tôi có thử nghiệm một số loại thuốc diệt bèo trên diện tích nhỏ nhưng không hiệu quả nên khuyến cáo đến bà con sau khi cắt, cày lật thì sử dụng vôi diệt bèo. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số bà con sử dụng thuốc cháy, chất khai hoang hàm lượng lớn để diệt bèo ảnh hưởng đến chất đất, nguồn nước”.

Hiện, trên địa bàn xã Quảng Thái vẫn còn khoảng 250 ha diện tích đầm phá của hai chi hội nghề cá Trung Làng và Lai Hà bị bèo phủ kín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Các HTX như Tam Giang, Tín Lợi bà con nông dân cũng sử dụng thuốc diệt cỏ, bơm với nồng độ cao. Bởi, theo nhiều hộ dân, đây là biện pháp duy nhất “tận diệt” được bèo.

Ông Phạm Minh Tư - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Điền cho biết: “Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu rõ về mặt tiêu cực của các loại thuốc Bảo vệ thực vật, trong đó có việc hạn chế việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ trên đồng ruộng. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay bèo xuất hiện nhiều nên việc bà con sử dụng các loại thuốc diệt cỏ với nồng độ lớn, lâu dài làm ô nhiễm đất, ảnh hưởng nguồn nước là khó tránh khỏi”.

Nguyễn Khánh

Loay hoay tìm đầu ra

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

Đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nông sản sạch của các doanh nghiệp, chủ cơ sở trang trại, hộ cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, để hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững, vấn đề nguồn vốn đầu tư, đầu ra cho sản phẩm cũng như công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi trồng gặp khó khăn…

Nông dân “tự bơi”

Hiện nay, trên địa bàn các huyện như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và TP. Huế đã hình thành các trang trại, cơ sở sản xuất, một số doanh nghiệp “bắt tay” sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap và đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Tuy vậy, người sản xuất còn gặp không ít khó khăn.

Giống lúa hữu cơ - Huế Số 1 tại cánh đồng xã Thủy Vân (TX Hương Thủy)

Bà Trần Thị Mỹ Lệ (thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), chủ gia trại chăn nuôi lợn sạch, cho biết: “Mấy chục năm mình chăn nuôi, từ mô mình gia trại nhỏ lẻ, đến nay, tuy không phủ định tất cả nhưng thành công chủ yếu dựa vào uy tín. Sản phẩm lợn sạch mình đưa ra, được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, cung cấp cho thương lái bán ở các chợ lớn trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, sản phẩm chưa có thương hiệu, người tiêu dùng cũng “tự nhận biết lấy”.

Gia trại bà Lệ có diện tích 4.000m2 nuôi gần 1.000 lợn nái và lợn thịt theo mô hình khép kín, làm hầm bioga tránh ô nhiễm. Mỗi năm trang trại nuôi 12 lứa, xuất 2.400 con lợn sạch. Ngoài mở trang trại, bán thức ăn gia súc, bà Lệ còn cung cấp vốn, vật tư, thức ăn giúp hơn 10 chủ gia trại tại huyện Quảng Điền chăn nuôi theo mô hình lợn sạch.

Tại HTX Quảng Thọ 2-đơn vị sản xuất rau má theo mô hình VietGap, đã có sản phẩm trà rau má đưa ra thị trường. Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX cho hay: “Trà rau má đóng gói, hộp bước đầu đã có thương hiệu, sản phẩm đã có mặt 20 điểm bán lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh”. Tuy nhiên, theo ông Trí, hiện HTX có 47 ha rau má của 244 hộ dân trồng, trong đó có 40 ha sản xuất theo quy trình VietGap, đến nay HTX chỉ mới thu mua được 20% sản lượng. Số còn lại, bà con chủ yếu bán bên ngoài, cũng giống như các sản phẩm rau bình thường khác nên giá không cao. Trong năm 2015, tổng doanh thu từ rau má của HTX gần 1 tỷ đồng, trong đó, trà rau má chỉ chiếm 30%. Cũng theo ông Trí, để mở rộng thị trường, trong năm nay, HTX đang tiến hành xây dựng mô hình sản xuất rau má hữu cơ với diện tích 3 ha.

Với cơ sở thu mua rau an toàn Hóa Châu, vướng mắc trong nguồn vốn, các loại thuế… khiến cơ sở gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Định, chủ cơ sở cho rằng: “Tuy đóng trên địa bàn có nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, nhưng tính ra rau mình sản xuất chịu nhiều các loại thuế làm giá thành cao lên, sức cạnh tranh kém. Muốn ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới vào sản xuất thì từ cơ sở chế biến đến người nông dân đều thiếu vốn”. Do vậy, theo ông Định, UBND tỉnh, các ban ngành cần hỗ trợ để đưa cây rau đến tận tay doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất, khắc phục thời tiết, sâu bệnh. Đồng thời, có các chính sách giúp các chủ cơ sở thu mua vay vốn lãi suất thấp, dài hạn.

Với các đơn vị như Công ty CP Canh nông hữu cơ Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm đã đưa ra các sản phẩm như gạo, trà hữu cơ, gạo ngọc trai… Tuy nhiên, đến nay đầu ra các sản phẩm vẫn nhỏ giọt; chủ yếu hướng đến một bộ phận người tiêu dùng cao cấp, xuất khẩu gặp khó khăn.

Liên kết, hỗ trợ sản xuất

Là một trong những đơn vị đầu tư khá sớm và nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi nông sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho hay: “Phải lựa chọn doanh nghiệp nào đó đích thực đầu tư bài bản, liên kết với nông dân. Doanh nghiệp đứng ra làm với sự hỗ trợ của Nhà nước. Cần có chính sách hỗ trợ nông dân để nông dân được liên kết, đi lên cùng doanh nghiệp”.

Ông Lam cũng kiến nghị, muốn có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ địa phương phải làm cầu nối, cán bộ nông nghiệp phải “xắn tay” lên cùng với doanh nghiệp, nông dân để làm. Nhà nước hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình, dự án là điều đáng mừng, nhưng hỗ trợ như thế nào đó cho bài bản, hiệu quả và nông dân sản xuất xây dựng được thương hiệu của mình.

Ông Lam kể, ở Đà Nẵng, ban đầu đơn vị làm 20 ha lúa hữu cơ, sau đó phát triển lên 50 ha là nhờ TP này trợ giá cho nông dân đẩy nhanh tiến trình mở rộng diện tích. Thời gian tới, công ty sẽ đưa siêu thị nông sản hữu cơ tại TP. Huế vào hoạt động. Cửa hàng sẽ thu hút và tiêu thụ nhiều nông sản sạch của nông dân.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho rằng: “Với những cơ sở, hộ nông dân sản xuất nông sản sạch trên địa bàn, chính quyền luôn tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn vay, chuyển giao kỹ thuật. Địa phương sẵn sàng làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc kết nối với những nông dân có điều kiện, quỹ đất, kinh nghiệm sản xuất những nông sản đáp ứng được nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp về địa bàn đầu tư, địa phương cũng mong muốn doanh nghiệp hướng dẫn bà con sản xuất đáp ứng từng loại hình sản phẩm và cung ứng, chuyển giao các dịch vụ như giống, phân bón, kỹ thuật canh tác”.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện nay, phải làm sao khi thông qua kênh tiêu thụ nông sản sạch, người sản xuất phải có hiệu quả kinh tế cao hơn. Xu hướng hiện nay là phải hình thành nên chuỗi cung ứng sản xuất nông sản sạch cho người nông dân với sự liên kết của các doanh nghiệp. Trước mắt, sẽ hình thành các quầy bán nông sản nhỏ, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Ông Vang đưa ra ví dụ, như ở Quảng Ngãi, UBND tỉnh này vừa phê duyệt một dự án làm 50 ha sản phẩm rau sạch do một doanh nghiệp đứng ra chủ trì và hình thành một hệ thống chuỗi sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm. Hoặc như TP. Hà Nội, khai trương cửa hàng tiêu thụ nông sản giao cho trung tâm xúc tiến thương mại của Cục QLCLNLTS chủ trì, nhưng đầu tư vào đó chủ yếu là doanh nghiệp.

“Để tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân phải thông qua sự “kết hợp” của cơ sở sản xuất, tổ chức phân phối (doanh nghiệp, HTX), đưa sản phẩm đến cửa hàng tiêu thụ. Chuỗi liên kết sẽ có nhiều thành phần tham gia, có thể do một doanh nghiệp đảm nhận hết các khâu hoặc do doanh nghiệp đầu tư hệ thống tiêu thụ, hệ thống cửa hàng và sau đó liên kết cơ sở sản xuất”, ông Vang nói.

Ông Vang cũng cho rằng, đối với trong tỉnh, Sở NN & PTNT chịu trách nhiệm về mặt tổ chức sản xuất, đảm bảo nông sản sạch. Nhưng để đảm bảo đầu ra cho nông dân thì phải có doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng trong đó có một phần hỗ trợ của Nhà nước về các chính sách như giá thuê đất, thuế và đầu tư hạ tầng. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm sạch, người tiêu dùng có điểm đến mua. Hiện nay, sở đang vận động các trang trại, gia trại tham quan, học tập các đơn vị phía Bắc chăn nuôi hữu cơ, thậm chí chăn nuôi sử dụng thức ăn sạch như dùng cây dược liệu, hướng đến thị trường tiêu thụ cao cấp.

Hình thành chuỗi cung ứng an toàn, tiêu thụ nông sản sạch

“Để đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững cho người nông dân, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần một tổ chức, đơn vị đứng ra thu mua được các sản phẩm nông sản sạch từ người nông dân và tổ chức hình thành ra chuỗi cửa hàng đảm bảo bán các nông sản sạch, người tiêu dùng biết địa chỉ tin cậy đó. Từ đây, hệ thống các khách sạn, nhà hàng, siêu thị đưa sản phẩm nông sản sạch vào gắn với thương hiệu của họ. Ai tham gia vào trong chuỗi cửa hàng này đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, duy trì công tác kiểm tra, kiểm định”. (Ông Nguyễn Mậu Chi, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nhận định)

HÀ NGUYÊN - HẢI TRIỀU

Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến khốc liệt

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Tỉnh Bình Thuận và tỉnh Vĩnh Long vừa công bố tình trạng thiên tai. Đây là diễn biến mới về tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ.

Ngày 9/3 Báo Bình Thuận đưa tin Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai vừa ban hành quyết định công bố thiên tai (nắng hạn) vụ Đông Xuân 2015 - 2016 xảy ra trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực từ ngày 3/3/2016.

Quyết định này là cơ sở để Nhà nước thực hiện hỗ trợ đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn.

Chi Cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết tính đến ngày 3/3/2016, lượng nước trữ trong các ao, hồ thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ đạt 43,35% dung tích thiết kế.

Do lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng, trong mùa khô năm 2016 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có 90.000 nhân khẩu thuộc huyện Hàm Tân thiếu nước sinh hoạt từ ngày 25/2 đến nay.

Toàn tỉnh Bình Thuận cũng phải cắt giảm không sản xuất 15.423 ha lúa và hoa màu vụ Đông Xuân 2015 - 2016.

Còn tại Vĩnh Long, ngày 8/3, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố thiên tai hạn, xâm nhập mặn cấp độ 1.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, trong những ngày đầu tháng 3/2016, độ mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL và hệ thống sông rạch trong tỉnh đã cao trở lại.

Rạng sáng 7/3, độ mặn ở các điểm đo trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm tăng mạnh, tại cống Cái Hóp đạt 11,5‰, tại cống Nàng Âm và vàm Vũng Liêm xấp xỉ trên 6‰, tại vàm Mang Thít 4,3‰, trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện, Trà Ôn) đạt 4‰, trong nội đồng huyện Vũng Liêm đạt 2,5‰.

Dự báo tỉnh sẽ có 4 huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 2 - 10‰ trở lên, với diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng gần 65.000 ha. Đồng thời sẽ có khoảng 26.000 hộ dân có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn với biên độ 4‰ gồm 7 xã ven sông và cù lao trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Vũng Liêm.

Việc Bình Thuận và Vĩnh Long công bố tình trạng thiên tai đã đưa số địa phương công bố tình trạng thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn tính đến hết ngày 9/3 lên con số 8. Đó là các tỉnh: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Bình Thuận.

Nhằm hỗ trợ các địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỉ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016.

Ngày 9/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Chính sách xã hội, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở số liệu thiệt hại vốn tín dụng đã được xác định, TCTD xem xét thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của TCTD.

Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn căn cứ vào Quyết định công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn của UBND tỉnh, thành phố khẩn trương hướng dẫn, phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp số liệu báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Trụ sở chính của TCTD để khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của NHNN.

Thanh Xuân

Ninh Hải (Ninh Thuận): Hiệu quả cao từ sản xuất muối trải bạt

Nguồn tin:  Báo Ninh Thuận

Huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hiện có trên 650 ha muối của diêm dân, trong đó diện tích sản xuất muối trải bạt trên 60 ha tập trung chủ yếu ở xã Tri Hải. Được biết, mô hình sản xuất muối trải bạt được đưa vào "thử nghiệm" năm 2010 và đã đạt kết quả "3 cao" cả về năng suất, sản lượng, giá bán so với sản xuất trên nền đất truyền thống. Từ chỉ vài sào ban đầu, đến nay toàn huyện đã phát triển trên 60 ha áp dụng mô hình nêu trên. Theo tính toán, so với sản xuất trên nền đất thì ưu điểm muối trải bạt đó là rút ngắn thời gian phơi từ 2 – 3 ngày, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích, chất lượng muối tốt hơn, giá bán tuy cao hơn 180 – 200 ngàn đồng/tấn nhưng ổn định và ít dao động. Điều này càng có ý nghĩa trong thời điểm muối tiêu thụ chậm, giá rớt như hiện nay.

Diêm dân xã Tri Hải (Ninh Hải) thu hoạch muối trải bạt đạt năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Mai Dũng

Nông dân còn thờ ơ với cơ giới hóa nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Thế nhưng, hiện nay nhiều nông dân Bạc Liêu vẫn còn sản xuất thủ công từ khâu cải tạo đất đến thu hoạch lúa. Và chuyện thất thoát sau thu hoạch, giảm lợi nhuận là điều hiển nhiên.

* Nông dân xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) làm đường thoát nước mặt ruộng bằng phương tiện thô sơ. Ảnh: P.Đ

* Ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), nông dân dùng sức kéo của trâu để san bằng mặt ruộng. Ảnh: P.Đ

Trồng lúa theo kiểu thủ công

Trồng lúa là một trong những thế mạnh của ngành Nông nghiệp tỉnh, nhưng lâu nay, không ít nông dân vẫn còn sản xuất thủ công theo tập quán truyền thống. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi. Phần lớn nông dân vẫn còn thờ ơ với các máy móc trong khâu gieo sạ. Thay vì sử dụng máy sạ hàng, máy gieo hạt trên diện rộng thì nông dân vẫn dùng phương pháp sạ tay truyền thống.

Ông Bùi Văn Quí (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) nói: “Từ trước đến nay, nông dân ở đây sạ tay và không ai dùng máy gieo sạ hàng. Họ cho rằng máy sạ hàng sạ lúa rất thưa, cho năng suất thấp. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc sẽ tăng thêm chi phí mà chưa biết hiệu quả đến đâu, đặc biệt là đối với những hộ ít đất sản xuất”. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì sạ tay vừa mất thời gian vừa làm tăng chi phí (vì tiêu tốn một lượng lớn lúa giống).

Trên thực tế, số lượng máy móc, trang thiết bị phục vụ cho 3 khâu chính của nông nghiệp là trước, trong và sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Theo thống kê mới nhất từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có 2.478 máy làm đất, 158 lò sấy lúa. Đặc biệt, trong khâu thu hoạch lúa, với 240 máy gặt đập liên hợp thì chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của nông dân. Vì thế cứ đến mùa thu hoạch, bà con phải chờ vào lượng máy gặt đập từ các tỉnh khác đến. Theo ông Dương Chí Thanh (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh): “Trong sản xuất lúa, nông dân còn hạn chế việc tiếp cận máy móc, nhất là khâu gieo hạt và chế biến. Phần lớn lúa sau thu hoạch đều được bà con bán tươi nên giá thành rất thấp. Nếu có phơi sấy thì chất lượng lúa cũng chưa cao”.

Nông sản thất thoát

Vấn đề giảm thất thoát trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản chất lượng cao được các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến (như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ…) quan tâm. Việt Nam là một trong những vựa lúa xếp loại lớn nhất, nhì thế giới, song công nghệ thu hoạch lúa vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đánh giá: “Tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch nông sản của chúng ta hiện nay dao động từ 10 - 12% (tùy theo từng vụ lúa), và tỷ lệ này vẫn nằm ở mức cao. Cứ 100kg lúa, sau khi qua các khâu gặt đập, làm khô, vận chuyển, bảo quản, xay xát sẽ bị thất thoát từ 10 - 12kg. Người Mỹ khi thu hoạch lúa mì thì sẽ chế biến thành bột mì ngay trên cánh đồng; hay máy thu hoạch ngô của họ có thể đóng gói hạt ngô sấy khô ngay trên rẫy… Họ làm được như vậy vì máy móc hiện đại, rút ngắn từ khâu thu hoạch đến chế biến chỉ trong một công đoạn. Từ đó cho thấy chúng ta cần đầu tư máy móc cho nông nghiệp nhiều hơn nữa”.

Còn ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho rằng: “Những giải pháp mà nông dân có thể áp dụng để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch gồm: tập trung cải tạo đất làm phẳng mặt ruộng; chọn giống lúa cứng cây ít đổ ngã; bón phân cân đối theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng nhiều máy móc vào sản xuất; đẩy mạnh hợp tác làm ăn tập thể và liên kết với các nhà khoa học”.

Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, trong tương lai, nông nghiệp công nghệ cao sẽ giữ vai trò quan trọng. Thiết nghĩ, ngành quản lý cần có những giải pháp kịp thời đưa nông nghiệp phát triển theo hướng từng bước hiện đại hóa. Bởi, việc làm này không chỉ phản ánh trình độ sản xuất, mà hơn hết là giúp nông dân làm ra nông sản sạch, tăng năng suất và giảm chi phí, cho lợi nhuận cao.

PHẠM ĐOÀN

Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn

Nguồn tin:  Dân Việt

Nuôi dê, nuôi tằm, trồng và chế biến cà phê bền vững hay trình diễn văn hóa dân tộc thiểu số… với những sáng kiến, sáng tạo khiến các mô hình nông nghiệp, nông thôn ở huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông) mang lại hiệu quả cao, từng bước nâng cao đời sống nông dân trong vùng.

Các mô hình này được giới thiệu, chia sẻ trong chương trình “Sáng kiến nông dân” do Hội Nông dân huyện Đăk Glong, Oxfam và Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) tổ chức sáng 10.3 tại địa phương này.

Thay đổi nhờ tổ hợp tác

Có mặt tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Trọng Thượng - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Tân Tiến (xã Đăk P’Lao, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) hào hứng chia sẻ về mô hình nuôi dê của các thành viên trong nhóm.

Cán bộ của Oxfam cùng nông dân huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông) tìm hiểu về giống sắn mới KM419. Ảnh: Oxfam

Được thành lập từ tháng 8.2014 với nền tảng kinh tế không đồng đều giữa các xã viên, anh Thượng cũng như nhiều bà con trong THT rất khó khăn trong việc tìm hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế. Sau nhiều lần họp bàn,THT Tân Tiến quyết định đổi công, đi làm rẫy cho nhau nhưng không lấy tiền công. Số tiền này dùng để xây dựng hai mô hình nuôi dê thử nghiệm.

“Chỉ từ 6 con dê ban đầu, đến nay, THT đã có 21 con dê giống, các xã viên cùng nuôi. Dê thì cứ thả nó tự kiếm ăn rồi chiều cả đàn cùng tự về chuồng. Dê sinh nở đơn giản, đẻ 2 lứa một năm. Chăm sóc dê còn dễ hơn nuôi bò”, anh Thượng vui vẻ. Với mô hình này, năm 2015, anh Thượng đoạt giải Ba cuộc thi Sáng kiến nông dân của huyện Đăk Glong.

Trong khi đó, chỉ mới 27 tuổi nhưng anh nông dân Đinh Văn Phong, Tổ trưởng THT Cà phê A-Z lại khá quyết tâm với mô hình sản xuất, chế biến cà phê bền vững. Phong chia sẻ, nhiều lần trăn trở về công việc trồng, hái rồi bán cà phê cho thương lái, quần quật quanh năm nhưng nhiều lúc thu về không đủ để đầu tư cho vụ sau.

Trên cơ sở đó, Phong cùng một số nông dân trong vùng xây dựng chuỗi cà phê từ A-Z, từ trồng, hái rồi chế biến thành thành phẩm rồi tự tìm mối bán. Phong cũng nhờ một số người quen tư vấn in bao bì, thiết kế website, quảng cáo sản phẩm…

“Nhóm chưa có nhiều kinh phí nên đang chế biến ở mức độ bán thủ công. Tụi em dùng một cái lồng tự chế bằng inox rồi rang xay cà phê, có thể chế biến 4 – 5kg/mẻ. Sắp tới, tổ sẽ đầu tư việc chế biến bài bản hơn”- Phong khẳng định.

Phải là nông dân toàn cầu

Tại buổi giao lưu “Sáng kiến nông dân”, nhiều ý kiến cho rằng việc khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh sáng tạo là rất cần thiết trong thời buổi hiện nay. Các sáng kiến của nông dân thường xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên dễ thành công.

Ông Mai Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Glong cho rằng, những sáng kiến thành công của nông dân thường được thực hiện theo nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Do đó, trước khi đầu tư một mô hình sản xuất, việc suy nghĩ, tìm câu trả lời cho câu hỏi sản phẩm làm ra bán cho ai, đáp ứng nhu cầu của những thị trường nào là việc rất quan trọng.

Còn theo ông Lê Quang Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glong, thời buổi kinh tế thị trường, bà con nông dân phải chuyển từ thế bị động sang chủ động. Dựa trên những phương pháp, kỹ thuật sản xuất hiện có, bà con nông dân cải thiện sang tạo thêm để tạo ra những cái mới, đáp ứng nhu cầu cuộc sống sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động.

“Bà con đừng ngại rằng chúng ta ở vùng sâu, vùng xa. Nông dân bây giờ cũng phải là nông dân toàn cầu, tham gia vào WTO, TPP, AEC… Dần dần, nông nghiệp phải hướng tới môi trường hội nhập, mở rộng thị trường rộng lớn hơn chứ không chỉ bó hẹp trong một thôn, một xã…”- ông Dần nói.

Trong khi đó, anh Đinh Văn Phong cho rằng, chính quyền địa phương cần công bố, cập nhật thông tin nông nghiệp của từng vùng cụ thể, các thông tin quy hoạch, mục tiêu phát triển… để tránh trường hợp nông dân đầu tư trồng cà phê ở vùng quy hoạch trồng tiêu của huyện, vừa gây tốn kém, vừa không mang lại hiệu quả lâu dài.

Ông Đặng Cảm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Glong cũng cho rằng, do đặc điểm địa lý cách trở nên trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Đăk Glong gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, địa phương khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo để mang lại hiệu quả cao.

Kết thúc chương trình, ban tổ chức trao 2 giải Sáng kiến nông dân tặng THT Tân Tiến với mô hình nuôi dê và nhóm nông dân Cùng nhau phát triển ở xã Đăk Ha với mô hình tổ chức Gala văn hóa giữa các dân tộc thiểu số trong vùng.

Thuận Hải

Bà Rịa Vũng Tàu: Hàng vạn tấn muối không bán được

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Diêm dân xã An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) thu hoạch muối.

Hiện nay, các ruộng muối trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang bước vào vụ thu hoạch đầu tiên của năm 2016. Tuy nhiên, giá muối tại thời điểm này quá thấp, chỉ 350 - 400 đồng/kg muối thô, 550 - 600 đồng/kg muối sạch (muối bạt), giảm một nửa so với thời điểm năm ngoái.

Muối rớt giá thê thảm

Những ngày này, trên các cánh đồng muối tại xã An Ngãi (huyện Long Điền) và phường 12, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), diêm dân đang tất bật với công việc thu hoạch muối. Vụ muối này đạt sản lượng và năng suất khá cao, nhưng diêm dân không vui nổi vì giá muối hiện tại quá thấp và lượng muối tồn đọng quá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Gia, một diêm dân xã An Ngãi cho biết, vụ muối năm nay, gia đình ông làm 10ha, trong đó có 7ha muối trải bạt và 2ha muối truyền thống. Với giá muối trải bạt đang bán cho các thương lái ở mức 550 - 600 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, ông không có lời, thậm chí có thể lỗ từ 3 - 4 triệu đồng. Điều đáng nói, dù giá muối rất rẻ nhưng ông Gia cùng nhiều diêm dân trong vùng vẫn không bán được hàng. Hiện gia đình ông còn khoảng 1.500 tấn nằm trong kho và ngoài đồng. “Ruộng thì không thể bỏ, muối làm ra lại không bán được, chúng tôi chưa biết xoay sở ra sao”, ông Gia vừa nói vừa lo lắng nhìn về phía những ụ muối cao ngất nằm bất động trên đồng.

Trên địa bàn TP.Vũng Tàu hiện có khoảng 300ha ruộng muối, tập trung ở phường 12 và xã Long Sơn, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 25 ngàn tấn muối. Cùng kỳ năm trước, giá muối còn được 700 - 800 đồng/kg, nhưng nay rớt xuống còn 350 - 400 đồng/kg. Ông Lê Quang Phong (thôn 5, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) chia sẻ, hơn 20 năm gắn bó với nghề, chưa khi nào ông thấy giá muối lại rớt giá thê thảm như bây giờ. Với giá muối 350 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Phong chỉ lãi gần 50 ngàn đồng/tấn muối. Tuy giá muối xuống thấp, nhưng ông Phong vẫn không bán được hàng. “Vụ muối vừa rồi gia đình tôi còn tồn gần 90 tấn, thêm đợt thu hoạch này khoảng gần 15 tấn, tôi không biết chứa chỗ nào. Mùa mưa đến, nếu không bán được hàng, chúng tôi phải vay mượn tiền để mua bạt về che đậy muối ngoài ruộng. Tình hình này kéo dài chắc chúng tôi đành bỏ nghề vì nợ nần ngày càng nhiều”- ông Phong nói.

Cung đã vượt cầu

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Long Điền cho biết, hiện nay, số muối tồn đọng trên địa bàn huyện sau vụ muối năm 2015 khoảng 12 ngàn tấn. Mùa vụ đầu năm 2016, diêm dân trong huyện đã triển khai sản xuất trên diện tích 514ha, với dự kiến thu hoạch khoảng 40 ngàn tấn. “Sản lượng muối đạt cao nhưng giá muối quá thấp, lại không có người thu mua, khiến diêm dân gặp nhiều khó khăn”, bà Xuân cho hay.

Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cho biết, nguyên nhân khiến giá muối giảm mạnh là do nguồn cung hiện đã vượt cầu. Hơn 80% sản lượng muối của tỉnh chủ yếu cung cấp cho hoạt động khai thác, chế biến hải sản trong tỉnh và xuất bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Do thời gian qua, hoạt động của ngành khai thác, chế biến thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường muối.

Sở NT-PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện còn ứ đọng hơn 50 ngàn tấn muối niên vụ 2014 - 2015 không bán được. Niên vụ năm nay, có khoảng 789ha ruộng muối sản xuất. Theo dự báo, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài rất thuận lợi để sản xuất muối. Nếu cứ để bà con diêm dân tiếp tục sản xuất theo phương thức “đến hẹn lại lên”, không bảo đảm được đầu ra ổn định thì càng được mùa càng rơi vào khó khăn do không tiêu thụ được.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh còn cho biết, trong khi đó giá muối BR-VT tuy thấp hơn nhiều so với năm 2015 nhưng vẫn cao hơn muối nhập khẩu và muối của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đã vậy, lại xảy ra tình trạng một vài cơ sở kinh doanh muối trong tỉnh thu mua muối của các tỉnh miền Tây rồi “dán” thương hiệu BR-VT khi bán ra thị trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó giải phóng muối tồn đọng hiện nay.

NGÔ THANH

Ông Mai Trung Hiếu: Khá lên từ mô hình đa cây - đa con

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Đã bước sang cái tuổi 64, nhưng ông Mai Trung Hiếu (hội viên nông dân, ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) vẫn tìm tòi nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để áp dụng. Từ đó đem lại cho ông nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Hiếu chăm sóc bồ câu. Ảnh: Y.N

Trước đây, ông Hiếu trồng lúa và rau màu trên diện tích gần 3ha đất. Mặc dù lao động cực nhọc nhưng lợi nhuận chẳng cao. Sau khi chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm, kinh tế gia đình ông Hiếu dần khởi sắc.

Không dừng lại ở đó, thấy mô hình nuôi chim bồ câu có hiệu quả, ông Hiếu liền mua giống bồ câu Pháp về nuôi. Tiếp đó, ông nuôi bồ câu sinh sản để lấy giống nuôi. Hiện nay, với giá 250.000 - 300.000 đồng/cặp bồ câu con, ông Hiếu có nguồn thu không nhỏ.

Ngoài thuận lợi trong sản xuất lúa - tôm, nuôi bồ câu, ông Hiếu còn tận dụng đất trống quanh nhà xây chuồng nuôi cá sấu, heo, gà, vịt. Không để đất nghỉ, ông sử dụng miếng đất nhỏ sau hè trồng rau diếp cá. Chỉ riêng loại rau này, mỗi năm cho ông nguồn thu gần 20 triệu đồng.

Việc thực hiện mô hình đa cây - đa con đã giúp nông dân “một nắng hai sương” như ông Hiếu đổi đời. Mô hình này cũng giúp nhiều nông dân, nhất là những hộ ít đất có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Yến Nhi

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop