Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 17 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 17 tháng 01 năm 2016

Đặc sản ngày Tết: Hàng "tiến vua" lên ngôi

 

Nguồn tin: Dân Việt

 

Một con sâm cầm có giá 1 – 2 triệu đồng, chim công giá trên dưới 10 triệu đồng/con hay cây sung cảnh sai trĩu quả giá từ hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/cây... là những đặc sản ngày Tết đang được nhiều đại gia ráo riết săn lùng.

 

Chim trĩ, sâm cầm bạc triệu vẫn "cháy hàng"

 

Vào những ngày này, tại trang trại chăn nuôi gia cầm đặc sản của anh Trần Nhữ Giáp ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) luôn tấp nập khách đến mua. Hiện, trang trại của anh đang nuôi hàng chục loài gia cầm thuộc dòng quý hiếm như chim sâm cầm, le le, chim công… đều đã kín đơn đặt hàng, và đang có nguy cơ “cháy hàng”.

 

 

Chim trĩ bảy màu được nuôi trong trang trại của anh Giáp. Ảnh: Trần Quang

 

“Năm nào cũng thế, cứ vào giáp Tết Nguyên đán khách tìm đến đông, gia đình tôi và công nhân tiếp ngày đêm cũng không xuể, có nhiều khách đến không tiếp kịp phải ra về là chuyện bình thường” – anh Giáp chia sẻ. Theo khảo sát của chúng tôi, các loài đặc sản “tiến vua” như chim sâm cầm, le le... - vốn là các loài được săn bắt cạn kiệt, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đang được anh Giáp nhân nuôi khá thành công, nhưng do số lượng ít nên giá bán cao khoảng từ 900.000 đến trên 2 triệu đồng/con, tùy khách và thời điểm mua. “Hiện, trang trại đã nhận đơn đặt hàng hàng chục con, phần lớn cho các nhà có điều kiện, số lượng còn lại rất ít nên tôi phải bán cầm chừng” – anh Giáp tiết lộ.

 

Lý giải về thị hiếu của khách, anh Giáp cho biết, do sâm cầm chế biến được nhiều món ăn ngon đặc sắc như quay, rán, hầm, nướng; và món ăn từ loài chim này được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, một thời là vật phẩm tiến vua. Thịt sâm cầm với đặc tính thịt mềm, đỏ tươi, giàu đạm nên được coi là đại bổ và được nhiều thực khách săn đón.

 

Cũng theo anh Giáp, các loài đặc sản khác như chim trĩ đỏ, vịt trời… một phần do giá khá mềm (chỉ trên dưới 300.000 đồng/kg chim trĩ thương phẩm và gần 200.000 đồng/kg vịt trời) nên cũng được khách đặt mua rất nhiều, với số lượng lên đến hàng trăm con. Đến trang trại nuôi chim công của ông Nguyễn Hữu Khởi ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vào dịp đầu tháng Chạp này, chúng tôi được ông Khởi cho biết, hiện có nhiều khách liên hệ qua điện thoại đặt hàng chim nhưng ông cũng không dám nhận, chỉ “hứa khéo” khách chờ đặt hàng tết năm sau.

 

Ông Khởi cho biết thêm, do năm nay thời tiết bất thuận nên việc nhân đàn chim công gặp nhiều khó khăn, số lượng có hạn, cả trang trại có khoảng trên 10 con được tuổi bán, còn lại là công giống và chim bố, mẹ. “Trung bình mỗi cặp công tôi bán cho khách trên dưới 20 triệu đồng, nhưng đến giờ cũng không có đủ để cung cấp” – ông Khởi chia sẻ.

 

Theo ông Khởi, chim công được khách săn mua nhiều do có vẻ đẹp tuyệt vời ở bộ lông dùng để trang trí nhà cửa, biệt thự; ăn thịt loài chim đẹp nhất thế giới này còn thể hiện cho sự giàu sang, quyền quý. Đặc biệt, theo Đông y, thịt chim công không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có khả năng giải độc cho cơ thể người rất tốt.

 

Phật thủ “bàn tay phật” đắt khách

 

Không chỉ các con đặc sản ăn Tết đắt hàng, mà những cây quả cảnh bonsai có hơi hướng tâm linh mới xuất hiện cũng được được mua nhiều như cây ngũ quả, phật thủ bonsai... Là một trong những chủ vườn được cho là có “máu liều” nhất đất Hoài Đức (Hà Nội) khi anh chọn hướng phát triển hàng phật thủ bonsai, đến giờ anh Nguyễn Phú Dũng ở xã Đắc Sở đã khẳng định được sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi hàng của anh luôn rất đắt khách. “Là mặt hàng mới, nhưng phật thủ bonsai của tôi được khách hàng biết đến và đặt hàng rất nhiều, gia đình cứ làm ra tới đâu là bán hết tới đó” – anh Dũng cho hay.

 

 

Chị Nguyễn Thị Vân đang kiểm tra quả phật thủ được khách đặt giá hơn 1 triệu đồng tại vườn của gia đình ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

 

Cũng theo anh Dũng, do phật thủ bonsai nhỏ, gọn, giá mềm chỉ từ 500.000 đồng đến 2 – 3 triệu đồng/chậu đẹp, mỗi chậu có từ 3 - 5 hay trên 7 quả nên được khách hàng rất chuộng và mua nhiều.

 

Cũng trong tình trạng khan hàng như phật thủ bonsai, tại các nhà vườn kinh doanh sung cảnh cũng đang trong tình cảnh “cung không đủ cầu”. Anh Nguyễn Văn Long - chủ một nhà vườn ở huyện Hoài Đức cho hay: Tính đến thời điểm này, anh đã bán trên 20 cây sung cảnh sai quả, với giá tiền trung bình từ 5 đến trên 20 triệu đồng/cây. Theo anh Long, sung sai quả được nhiều người mua do có niềm tin sẽ mang lại sự sung túc, thịnh vượng, nên cứ vào giáp tết hằng năm khách lại đổ về nhà vườn mua nhiều.

 

Đang đến trang trại của ông Nguyễn Hữu Khởi xem chim công, anh Nguyễn Tuấn ở phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Do có nhiều đối tác làm ăn bên ngành bất động sản, nên hàng năm cứ giáp Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng, dù công việc bận rộn tôi cũng cố dành thời gian để tìm, đặt mua phật thủ, chim công làm đặc sản biếu Tết”.

 

Trần Quang

 

Độc đáo cà phê linh chi

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

 

Vị đắng của cà phê hòa quyện với vị chát, chua nhẹ của linh chi đã tạo cho sản phẩm cà phê linh chi có hương vị riêng, mới lạ, khiến người nghiện cà phê thích thú...

 

“Cà phê linh chi ngon, đậm đà, vị chua nhẹ, vị đắng dịu chứ không gắt”, anh Nguyễn Tuấn, thôn 7, xã Đức Nhuận (Mộ Đức - Quảng Ngãi) nhận xét khi nhâm nhi ly cà phê linh chi, sản phẩm do Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận sản xuất. Theo anh Tuấn, dù đã nghe nhiều người nhắc đến món cà phê linh chi, nhưng chưa bao giờ anh được thưởng thức. Cũng phải, vì ở Quảng Ngãi, cà phê rất nhiều, từ loại được pha trộn đến rang xay nguyên chất. Nhưng cà phê linh chi thì chưa từng xuất hiện. Do vậy, dù chưa được bán rộng rãi trên thị trường, nhưng cà phê linh chi đã thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi thành phần, chất lượng cũng như hương vị của thức uống này so với các loại cà phê thông dụng. “Sản phẩm được pha trộn giữa cà phê nguyên chất với nấm linh chi theo tỷ lệ 80:20 nên có vị chua nhẹ, đắng dịu và thơm”, anh Lê Giang Phong - Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận giải thích.

 

 

Sự kết hợp giữa cà phê và linh chi đã tạo hương vị riêng cho thức uống cà phê linh chi.

 

Chia sẻ về sự ra đời của sản phẩm này, anh Phong cho biết: “Mình muốn tìm đầu ra ổn định cho nấm linh chi”! Quả thật, công dụng của nấm linh chi thì nhiều người biết. Nhưng để có nấm linh chi pha trà nhâm nhi hàng ngày thì không phải ai cũng có điều kiện. Bởi, nấm linh chi loại một hiện có giá gần 1 triệu đồng/kg. Giá cao, lại “kén” đối tượng khách hàng nên đầu ra của nấm linh chi khá hẹp. Giải bài toán này, anh Phong cùng những người bạn “nghiện” cà phê, đam mê trồng nấm linh chi đã nảy ra ý tưởng pha trộn hai loại này với nhau. Nghĩ là làm, từ đầu năm 2015, anh Phong đặt mua cà phê nguyên hạt tại tỉnh Gia Lai rồi về tự rang xay, pha chế với bột nấm linh chi do HTX sản xuất theo các tỷ lệ. Sau một năm “ăn, ngủ và nếm cà phê với linh chi” thì hiện giờ, sản phẩm có tỷ lệ pha trộn gồm: 80% cà phê và 20% linh chi được nhiều người đánh giá là “ngon nhất, đậm đà nhất”.

 

Theo nhìn nhận của HTX Nấm Đức Nhuận, sự ra đời của cà phê linh chi không chỉ mang lại luồng gió mới trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, mà còn tác động rất lớn đến tâm lý của người trồng nấm linh chi. Bởi, xét về khía cạnh giải trí, cà phê linh chi sẽ giúp những người ưa thích cà phê trên địa bàn tỉnh có thêm sự lựa chọn thức uống cho mình. Còn đối với khía cạnh kinh tế, sự kết hợp giữa cà phê và linh chi cũng sẽ hứa hẹn mang lại sự ổn định về đầu ra cho nấm linh chi, nông dân vì thế cũng sẽ yên tâm sản xuất.

 

Hiện nay, sản phẩm đã được nhiều khách hàng đón nhận, ủng hộ. Tín hiệu vui này đã giúp HTX Nấm Đức Nhuận mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để được các cơ quan chức năng thẩm định, công bố tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm để sớm có mặt rộng rãi trên thị trường.

 

MỸ HOA

 

Quảng Bình: Xuất hiện dày đặc các đàn voọc Hà Tĩnh gần khu dân cư

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Ngày 10-1, ông Nguyễn Thanh Tú (trú tại thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết tại khu vực núi đá vôi 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa vùng thượng nguồn sông Gianh, thời gian gần đây các đàn voọc Hà Tĩnh xuất hiện ngày càng dày đặc ngay sát khu dân cư.

 

 

Một số cá thể voọc Hà Tĩnh ở Dàn Vượn. Ảnh: MINH PHONG

 

Ông Tú cho biết các địa danh voọc Hà Tĩnh xuất hiện là: Dàn Vượn, Sẩm Mè, Hung Cùng, Hung Hòa, Làng Còi, Đá Trắng...

 

Đầu năm 2015 khi ông Tú báo cáo việc này với Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình thì các nhà khoa học vào cuộc kiểm đếm có khoảng 115 cá thể voọc Hà Tĩnh và chúng xuất hiện nhút nhát. Tuy nhiên, những ngày gần đây, các cá thể Voọc Hà Tĩnh lại xuất hiện dạn dĩ rất gần khu dân cư.

 

Ông Nguyễn Văn Hồng ở Làng Còi (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa) cho biết: "Cạnh nhà tôi có một đàn rất đông, ngày nào cũng xuống vườn nhà tìm thức ăn".

 

Điều đặc biệt, trong khu vực 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa hiện đàn nào cũng xuất hiện nhiều cá thể con nhỏ.

 

Trong 2 ngày có mặt tại Thạch Hóa và Đồng Hóa, PV báo SGGP tận mắt chứng kiến tại 5 địa điểm ngẫu nhiên cách xa nhau xuất hiện 5 đàn voọc Hà Tĩnh với đàn thấp nhất đếm được 12 cá thể, đàn nhiều cũng lên tới 30 cá thể và cách con người chưa đến 200m. Trong 5 đàn này có hơn 120 cá thể được người dân kiểm đếm.

 

Theo thông tin dân người dân cung cấp, voọc Hà Tĩnh có thể lên đến hơn 20 đàn ở một số vùng héo lánh khác.

 

Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đang đề xuất thành lập khu bảo tồn loài với diện tích hơn 110ha.

 

MINH PHONG

 

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai): Đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

 

Ngày 15-1, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới. Các đồng chí: Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Võ Văn Chánh, Ủy viên TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Đại tá Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đến dự.

 

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Huy Anh)

 

Tính đến nay, toàn huyện Thống Nhất đã có 9/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (xã còn lại đạt 18/19 tiêu chí) và huyện Thống Nhất cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015.

 

 

Lãnh đạo huyện Thống Nhất đón nhận bằng công nhận huyện Nông thôn mới (Ảnh: Huy Anh)

 

Để đạt được thành tích trên, trong 5 năm qua, huyện Thống Nhất huy động 11.414 tỷ đồng. Trong đó, đã nhựa hóa 201,96km đường giao thông nông thôn; cứng hóa 100% đường trục thôn xóm, đường trục chính nội đồng; xây dựng mới 14 công trình thủy lợi, hơn 36 km kênh mương nội đồng. Tỷ lệ các hộ dân trên toàn địa bàn huyện sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 99,6%. Các trường học, trạm y tế, chợ, công trình văn hóa-thể thao đều đạt chuẩn theo các tiêu chí nông thôn mới.

 

 

Bí thư Huyện ủy Thái Bảo và Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Trần Văn Chiến trao tiền thưởng cho các xã đạt chuẩn huyện Nông thôn mới. (Ảnh: Huy Anh)

 

Cũng trong 5 năm qua, huyện Thống Nhất đã tập trung phát triển sản xuất, vận động nhân dân đầu tư cải tiến công nghệ, giống và tưới tiêu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao như: tiêu, bưởi, rau bắp.... Nhờ vậy, đến nay giá trị thu nhập bình quân trên 1 hécta đất của huyện đã đạt 86 triệu đồng/năm, cá biệt có nhiều diện tích đạt giá trị thu nhập từ 200 - 600 triệu đồng/hécta/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 35 triệu đồng, tăng 92,3% so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,4% .

 

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích cao trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Huy Anh)

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá cao những kết quả mà huyện Thống Nhất đã đạt được trong thời gian qua. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để duy trì những thành quả đã đạt được và để phấn đấu đến năm 2020 đạt được mục tiêu 100% số xã của huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh, đòi hỏi huyện Thống Nhất phải có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, vào cuộc với tinh thần mới của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư.

 

Văn Chính – Huy Anh

 

Kiên Giang: Kinh tế tập thể phát triển khá

 

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

 

Năm 2015, tỉnh Kiên Giang thành lập mới 26 hợp tác xã nông nghiệp, giải thể 12 hợp tác xã nông nghiệp nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh hiện có là 218 với 19.327 thành viên, tổng vốn góp điều lệ gần 79,3 tỉ đồng và diện tích đất sản xuất trên 41.580ha. Năm qua, Kiên Giang thành lập mới 78 tổ hợp tác và giải thể 5 tổ hợp tác, nâng tổng số tổ hợp tác của tỉnh hiện có là 2.210 với 53.000 tổ viên tham gia, diện tích sản xuất gần 75.100ha, tổng vốn góp đạt 9,137 tỉ đồng. Ngoài ra, Kiên Giang hiện có 625 trang trại, gồm: 566 trang trại trồng trọt, 50 trang trại nuôi trồng thủy sản, 8 trang trại chăn nuôi và 1 trang trại tổng hợp. Tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ thu được từ các trang trại trên 777 tỉ đồng.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tình hình phát triển kinh tế tập thể của tỉnh năm 2015 có bước tiến mới. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại trong tỉnh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ổn định, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại có quy mô hoạt động nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều mô hình kinh tế tập thể này chưa mạnh dạn đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất, còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước…

 

T.Đạt

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop