Làng giá đỗ di canh
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi
Tháng 3 ở sông Trà, từ cầu Trà Khúc nhìn xuống lòng sông, ngay dưới chân cầu bạn sẽ thấy những người làm giá đỗ. Họ đến từ xóm Vạn, một ngôi làng có truyền thống làm nghề giá đỗ cách đó hơn 5km.
Cát xúc hết rồi
Qua mùa mưa, sông Trà bắt đầu cạn nước, bên cạnh một bãi bồi hoa màu tươi tốt là một dải cát trắng trải dài thoai thoải. Vợ chồng chị Trần Thị Văn và anh Trần Văn Hồng bắt đầu cuộc mưu sinh ở đây khi trời chiều bắt đầu dịu nắng.
Xóm Vạn nay là thôn Thọ Lộc, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi ở phía bờ bắc sông Trà. Nơi ấy, có những mùa giá đỗ trong kí ức chị Văn. Chị lớn lên nhờ những vựa giá đỗ của mẹ. Lấy chồng xứ khác, nhưng anh cũng chỉ có nghề phu hồ bấp bênh, chị lại kéo chồng theo nghề giá đỗ.
Ngôi nhà cũ của người mẹ già ở xóm Vạn trở thành trạm dừng chân cho hai vợ chồng trước khi ra bãi cát làm giá, hai đứa con vẫn ở lại quê anh, thôn Ngân Giang ở tít xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.
Anh Trần Văn Sang làm giá ở bãi cát dưới chân cầu Trà Khúc.
Nhưng nhiều năm qua, chị Văn và anh Hồng cũng như nhiều người dân làm giá đỗ xóm Vạn khác phải di canh khỏi bãi cát xóm Vạn vì “người ta xúc cát nhiều quá, không còn cát làm giá nữa”. Nghề làm giá nhọc nhằn, lại thêm phần vất vả khi phải di chuyển quãng đường xa sương gió sớm khuya.
Khi chị Văn đang rửa giá, anh Hồng bắt đầu khởi động cái mô tơ nước chạy bằng dầu. Cái mô tơ giá 3 triệu đồng, mỗi tháng chạy nước mất 300 nghìn tiền dầu, đó là giải pháp cho bài toán tưới tiêu để tránh bị phụ thuộc vào nguồn điện mượn từ những chủ quán nhậu bên bờ đê. “Mấy năm trước phải đợi đến 5 giờ chiều họ mới mở điện nên thấy không tiện”.
Những cái mô tơ chạy nước rải rác khắp bãi, là tài sản đầu tư dài hạn cho một cuộc mưu sinh của mấy chục gia đình.
Anh Trần Văn Sang, 48 tuổi, người có thâm niên làm giá đỗ hơn 10 năm tiết lộ, mỗi ngày vợ chồng anh làm được hơn 200kg giá để bán cho chợ đầu mối và các hàng quán.
“Ngày xưa cát trắng và mịn lắm, làm giá đạt hơn. Bãi cát chỗ đây bị lẫn bùn, nước không chảy qua, không trôi cái vỏ đậu cũ là dễ hư giá lắm”, anh Sang tiếc nuối bãi cát xóm Vạn xưa. Nhưng bây giờ, “cát bị xúc hết rồi”.
Chị Văn ở quê chồng tận thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, đi hàng chục km để đến nơi làm giá.
Giá về đâu?
Tôi đi qua bờ bắc sông Trà tìm về xóm Vạn, trên bãi cát làm giá đỗ chỉ còn hai cụ già ở đó. Vợ chồng cụ Năm Hoàn đã qua tuổi 70 nhưng vẫn làm giá hằng ngày để giữ sức khỏe và tìm niềm vui trong cuộc sống. Mỗi ngày hai cụ chỉ ủ giá với 3kg đỗ xanh để “kiếm mấy chục ngàn mua đồ ăn qua ngày”.
Nhìn về phía cầu Trà Khúc, cụ bà nói: “Con xuống dưới đó mới nhiều, trên này còn mấy người thôi”. Bà bảo người ta xúc cát nhưng dân quyết giữ chỗ này lại để bám nghề. Đó là một cồn cát cao gần bờ diện tích không đáng kể.
Ngoài kia, một dải cát dài bên sông, người người vẫn hì hục hăng say xúc cát lên những chiếc xe tải đem đi bán. Những người xúc cát, không ai khác chính là những người dân xóm Vạn, “có lúc họ xúc cát trong đêm, xúc lộn luôn chỗ mình làm giá”, như lời anh Sang giãi bày về cuộc di canh bất đắc dĩ.
Phương thức mưu sinh bằng việc bán cát, bán tài nguyên từ dòng sông đã đẩy những người làm giá, chọn cách chung sống an hòa cùng dòng sông phải đi xa. Những người làm giá đỗ xóm Vạn, chỉ là một số trong rất nhiều người phải thay đổi phương thức sinh kế theo sự đổi thay của dòng sông. Nhưng sông Trà vẫn còn thương họ để có nơi di canh làm giá.
Cụ bà Năm Hoàn chép miệng tiếc nuối bãi cát ngày xưa, nhưng khi hỏi có lo nghề làm giá mai một, bà nói: “Làm gì có mai một, mấy người già làm không nổi thì lớp trẻ tiếp tục làm”.
Cuộc di canh của những người làm giá xóm Vạn như chứng minh cho niềm tin của bà, rằng dẫu vất vả họ vẫn bám cái nghề truyền thống mà ông bà để lại.
Hiền Linh
Tây Nguyên: Nắng nóng trên 40 độ C
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, một số nơi tại Tây Nguyên như Ayunpa (Gia Lai), nhiệt độ có thể lên tới 40,2 độ C.
Hiện nay, ở khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt cao nhất ngày phổ biến 35 - 37 độ, một số nơi cao hơn như thị xã Ayun Pa (Gia Lai) 40,2 độ, TP. Kon Tum (Kon Tum) 38,6 độ, huyện Đồng Phú (Bình Phước): 38,5 độ.
Hôm nay (20/03), nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra trên các khu vực này với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 36 độ, có nơi trên 37 độ.
Dự báo đợt nắng nóng diện rộng này sẽ còn kéo dài trong khoảng 2 - 3 ngày tới.
T. Minh
Quảng Ninh: Một mô hình, hai lợi ích
Nguồn tin: Báo Công Thương
Với sự góp sức của nguồn vốn khuyến công, mô hình sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông nghiệp đã thực hiện thành công, đem lại lợi ích kinh tế cho đối tượng thụ hưởng và lợi ích xã hội thiết thực.
Sản xuất than sạch tại Công ty TNHH Một thành viên PT Computer
Đề án “Mô hình trình diễn sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp” nằm trong Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than sạch do Công ty TNHH Một thành viên PT Computer (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) thực hiện. Dự án có tổng kinh phí thực hiện 2,05 tỷ đồng, trong đó, Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh dùng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 250 triệu đồng đầu tư máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất.
Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, nhiên liệu dùng đun, nấu của người dân trên địa bàn huyện Tiên Yên chủ yếu có hai loại chính là gas và chất đốt. Tuy nhiên, sử dụng gas giá thành cao, không ổn định, mức độ nguy hiểm cao... và là nguồn năng lượng có hạn, không thể tái sinh. Các loại chất đốt lại tạo ra khói, bụi, ảnh hưởng đến môi trường, lượng nhiệt thất thoát lớn...
Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Một thành viên PT Computer đã tìm hiểu và áp dụng công nghệ chế biến phụ phẩm nông - lâm nghiệp thành sản phẩm than sạch. Theo đó, các phụ phẩm nông- lâm nghiệp như: Rơm rạ, lá cây, cành cây… được nghiền nhỏ. Qua quá trình ép nén ở nhiệt độ cao chế biến thành các thanh nhiên liệu có thể dùng thay củi, hay sử dụng cho bếp hóa khí thay thế gỗ, than đá, dầu nhiên liệu, khí đốt tự nhiên. Từ thanh nhiên liệu đã ép, đốt trong lò carbon, tạo thành sản phẩm than sạch có thể thay thế than hoa với giá thành rẻ hơn nhiều lần.
Cũng theo đại diện đơn vị thụ hưởng, than sạch có nhiều ưu điểm như: Kích thước nhỏ, khối lượng của sản phẩm từ 800 - 1.300kg/m3; nhiệt lượng khi đốt cháy tỏa ra cao gấp 50 - 70% so với nhiên liệu thông thường. Đáng chú ý, than sạch trong quá trình đốt cháy không có dư lượng, khói, sulfur dioxide và các khí độc hại khác nên không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cho sản xuất than sạch trên địa bàn huyện rất lớn, có thể khai thác và tái tạo dễ dàng.
Báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và triển vọng thị trường của đơn vị thụ hưởng cũng cho thấy, than sạch là nguồn năng lượng tái tạo mới, sạch và có chi phí thấp hơn nhiều so với giá than đá, than hoa, hay củi, có phạm vi ứng dụng rất rộng, vì vậy triển vọng tiêu thụ sản phẩm rất khả quan. Sau khi đạt 100% công suất, đề án sẽ giúp doanh nghiệp đạt 6% tỷ suất lợi nhuận sau thuế, thời gian thu hồi vốn là khoảng 5 năm.
Bên cạnh những hiệu quả kinh tế, Đề án “Mô hình trình diễn sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông-lâm nghiệp” còn mang lại hiệu quả xã hội thiết thực khi là đề án điển hình trong tiết kiệm năng lượng gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi nhận thức, phương thức sử dụng năng lượng trong sản xuất, cũng như tiêu dùng năng lượng trong sinh hoạt của bà con trong vùng. Hình thành được mô hình gắn kết nông - lâm - công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm với bảo vệ môi trường. Đề án cũng giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế, sau khi đi vào hoạt động, sản phẩm than sạch được tạo ra có chất lượng tốt, có ưu điểm về giá thành được người tiêu dùng chấp nhận, ngày một chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp khác vào lĩnh vực này và nhân rộng mô hình, Khuyến công Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động quảng bá cho sản phẩm than sạch.
Tiên Yên là huyện miền núi thuộc khu vực phía đông của tỉnh Quảng Ninh, đất rừng là tài nguyên lớn nhất của huyện với 29.330ha, đây cũng là một lợi thế đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất than sạch.
Hải Linh
Những cánh đồng xanh trên vùng đất khô hạn
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Tỉnh Ninh Thuận được xem là khu vực tâm hạn của cả nước, hạn hán xảy ra liên tục và trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Vậy mà những cánh đồng nho tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vẫn xanh tươi, vược qua nắng hạn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ những nông dân ở đây chủ động khoan giếng, đào ao, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Cánh đồng nho xã Vinh Hải, huyện Ninh Hải.
Những cánh đồng nho mơn mởn
Trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến vùng đất đầy nắng gió tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), dọc theo cung đường biển, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những đồi núi trơ trọc, những cánh đồng nứt nẻ do cái nắng hạn và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, càng đi sâu vào trong thôn hình ảnh của nhưng cánh đồng nho xanh mơn mởn xuất hiện trước mắt chúng tôi.
Những câu hỏi tại sao giữa vùng đất hạn như thế này, cây cối không sống nổi vậy mà những vườn nho lại xanh tươi tốt thế. Lý giải bất ngờ này, ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải chia sẻ: cây trồng ở đây vẫn xanh tốt giữa hạn hán là nhờ người dân địa phương tích cực áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm (tưới phun mưa) theo hướng ít sử dụng nước, đồng thời chủ động tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm.
Ông Cảnh cho biết, xã Vĩnh Hải nằm về phía Đông Bắc huyện Ninh Hải, những cây chủ lực của địa phương như: nho, táo, hành tỏi, ớt và một số cây hoa màu khác... Tổng diện đất trồng nho 154 ha, tập trung chủ yếu cánh đồng thôn Thái An chiếm diện tích 148 ha. Nguồn nước tưới tiêu chính từ hồ nước ngọt dẫn về tưới cánh đồng khoảng 57 ha và thẩm thấu tạo thành mạch nước ngầm trong lòng đất cánh đồng thôn Thái An, nông dân đào ao, đào giếng, khoang giếng trong lòng đất để bơm nước tưới tiêu.
Đến nay, khoảng 80% hộ nông dân đã áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây nho. Nhờ áp dụng theo công nghệ tưới nước phum mưa, nên trên địa bàn toàn xã hiện nay mới có những cánh đồng nho xanh tươi tốt như vậy mà vẫn không lo hạn hán hay thiếu nước.
Công nghệ mới, nông dân lãi lớn
Ông Phạm Văn Hùng (ngụ thôn Thái An, xã Vĩnh Hải) cho biết: Trước đây, chưa hạn hán thì tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã sử dụng phương pháp tưới tràn, những lúc đủ nước thì tưới đủ cho 9 sào nho, còn lúc nước thiều chỉ tưới khoảng 4 - 5 sào là hết nước, lúc đó chỉ biết đứng nhìn mà sót cho diện tích còn lại. Những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục và ngày càng gay gắt, nước thiếu trầm trọng nên phương pháp tưới tràn lại càng không đủ nước. Thấy trong xã nhiều hộ tưới theo phương pháp phun mưa đỡ tốn công, giảm được lượng nước và điện mà lại đảm bảo đủ nước cho cả vườn nho nên tôi đến học hỏi về áp dụng.
Để thực hiện mô hình này, tôi đã đầu tư đường ống dẫn nước và béc phun mưa, val với chi phí khoảng 4 triệu đồng/sào đất, tổng cộng 9 sào thì mất khoảng gần 40 triệu. Với phương thức tưới cách nhật, thời gian tưới hợp lý nên không cần nhiều nước nhưng cây trồng vẫn ướt đẫm và đủ độ ẩm cho gốc.
Ông Hùng chia sẻ, gia đình canh tác 9 sào nho, sử dụng hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm đến hơn 50% lượng nước, 50% cùng thời gian và 90% công lao động. “Nhờ hệ thống tự động, tôi chỉ mở val tổng rồi đi làm chuyện khác mà không lo thiếu nước”. Mỗi năm tôi trồng 3 vụ nho với phương pháp tưới phun sương thì mỗi sào tôi lãi hơn 18 triệu đồng và mỗi vụ sau khi trừ chi phí tôi cũng lãi được hơn 150 triệu đồng (hơn 450 triệu/năm).
Ông Võ Quang, một hộ nông dân trồng nho bên cạnh vườn ông Hùng phấn khởi cho biết: Gia đình tôi cũng áp dụng cách tưới phun mưa này, chi phí đầu tư không cao lắm, vật dụng cũng dễ mua ngoài thị trường. Mới hôm qua, tôi cũng mới bán cho thương lái 2,3 sào nho với giá 20.000 đồng/kg thu về 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí tôi cũng lãi được hơn 50 triệu đồng.
Ông Lê Văn Cảnh cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con sử dụng nước tiết kiệm, đẩy mạnh nhân rộng 100% bà con sử dụng phương pháp này”.
Văn Nhất
Tăng cường giám sát vật tư nông nghiệp
Nguồn tin: Báo Công Thương
Năm 2016 phải rà soát 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Nếu phát hiện các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện sẽ đình chỉ kinh doanh. Cần lựa chọn địa bàn có nghi ngờ, sai phạm để tổ chức kiểm tra, giám sát; giám sát phải có mục tiêu và định lượng.
Các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị đình chỉ hoạt động
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát, năm 2015, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát Trung ương đã tổ chức 6 đoàn giám sát tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh và Bạc Liêu. Kết quả cho thấy, nhiều hộ buôn bán vật tư nông nghiệp chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, người bán hàng không có bảo hộ lao động; bảo quản chất lượng hàng hóa không đúng quy định, không có hóa đơn bán hàng… Đơn cử như tại tỉnh Hòa Bình, qua kiểm định có 6/7 mẫu thức ăn chăn nuôi; 1/3 mẫu phân bón; 1/9 mẫu thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về chất lượng. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc bảo vệ thực vật của người dân chưa được đầy đủ. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực vật tư nông nghiệp đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Vũ Văn Tám- nhận xét: Các hành vi buôn bán chất cấm rất tinh vi nếu thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sẽ rất tốn kém, lãng phí mà kết quả không cao. Vì vậy, cần sự phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, trinh sát, lập đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin phát hiện những sai phạm, kiểm tra đột xuất mới có thể phát hiện được những vi phạm này. Thời gian qua, các hành vi sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng gây bức xúc trong dư luận. Do đó, cần đặt ra mục tiêu giám sát cụ thể và có chế tài xử phạt nặng. Các nội dung giám sát cần tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để từ đó rút kinh nghiệm, hướng dẫn các tỉnh, thành phố lựa chọn mục tiêu phù hợp để giám sát. Trong đó ưu tiên giám sát điều kiện sản xuất, kinh doanh và giám sát chất lượng của một số vật tư đầu vào nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Trước những vấn đề đặt ra về an toàn thực phẩm trong nông sản, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, trong năm 2016, sẽ triển khai đồng bộ trên các tỉnh, thành phố cả nước, rà soát 100% cơ sở kinh doanh nông nghiệp, nếu phát hiện các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện sẽ đình chỉ kinh doanh. 5 tỉnh, thành phố chưa triển khai cần ký chương trình phối hợp giám sát trước ngày 30/4; cùng với đó đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự quan tâm của dư luận xã hội với chương trình giám sát. Hội Nông dân, Bộ NN & PTNT và Bộ Công Thương chủ động phối hợp tập huấn cho người sản xuất, hộ kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật sản xuất an toàn...
Năm 2015, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 3.000 vụ, phát hiện, xử lý 878 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 10,6 tỷ đồng; thu giữ hơn 276 tấn vật tư nông nghiệp các loại, giá trị tang vật tịch thu ước tính gần 39,7 tỷ đồng.
Nguyễn Hạnh
Góp phần tiêu thụ nông sản miền núi
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Những ngày này, người dân TP. Nha Trang thường bắt gặp hình ảnh các sinh viên (SV) đẩy xe chở chuối đi bán, trên xe có treo băng rôn với dòng chữ “Nông sản Khánh Vĩnh - Khánh Sơn”. Không ít người tò mò, thích thú với hình ảnh này nên đã dừng lại mua...
Sinh viên đi bán chuối
Tại một khu vực gần chợ Vĩnh Hải, xe chuối của bạn Võ Lê Tấn Vinh - SV Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang - ĐHNT) khá đắt hàng. Vừa bán, Vinh vừa giới thiệu đây là mô hình nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi, nên mong mọi người ủng hộ. Vinh cho biết đã tham gia mô hình này được 1 tuần, công việc do Trung tâm Tư vấn hỗ trợ SV trường giới thiệu. Theo đó, chuối của người dân Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được đưa xuống giao trực tiếp cho các SV; mỗi nhóm đi bán được cấp một xe đẩy để vận chuyển. Các SV thường đi bán ở khu vực gần Trường ĐHNT, các tuyến đường như: 2 - 4, Bắc Sơn, Đặng Tất, Mai Xuân Thưởng… Buổi sáng bán từ 7 giờ đến 12 giờ, chiều từ 15 giờ đến 19 giờ. Với công việc này, SV có thể chủ động thời gian rảnh để làm, không gò bó nên ai cũng muốn tham gia.
Người dân mua nông sản miền núi
SV Trần Tiến Luân (Viện Nuôi trồng thủy sản) đã tham gia bán hàng được gần 2 tuần chia sẻ, bên cạnh hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, công việc này còn tạo thêm thu nhập, giúp các bạn trang trải một phần học phí. Mỗi giờ tham gia bán chuối, các bạn được hỗ trợ 15.000 đồng, nếu bán được từ 15kg chuối/giờ trở lên, mỗi người nhận được 20.000 đồng/giờ… “Việc bán hàng còn giúp chúng tôi năng động hơn trong giao tiếp, trang bị thêm kỹ năng xã hội trước khi ra trường”, Luân nói.
Bà Đặng Thị Phượng - Trung tâm Tư vấn hỗ trợ SV Trường ĐHNT cho biết, đây là dự án mang ý nghĩa thiết thực, sản phẩm người dân làm ra đảm bảo không dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, an toàn cho sức khỏe nên các SV rất tích cực tham gia. Tuy mới triển khai nhưng đến nay đã có hơn 30 SV tham gia bán hàng thường xuyên.
Việc những SV với màu áo xanh tình nguyện đi bán chuối hỗ trợ đồng bào DTTS khiến không ít người cảm thấy thích thú, dừng lại mua ủng hộ. Chị Trần Thị Phương Dung (phường Vĩnh Hải) cho biết: “Mua nông sản giúp đồng bào DTTS, sản phẩm không lo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây thực sự là hoạt động khá độc đáo và ý nghĩa, cần được nhân rộng”.
Dự án thiết thực
Được biết, mô hình trên là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu nông nghiệp - dinh dưỡng cho cộng đồng miền núi ở Việt Nam” do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) triển khai thực hiện. MCNV là tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp y tế, hỗ trợ cộng đồng. Tại Khánh Hòa, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Tuyết (trụ sở 48A Lê Thành Phương, TP. Nha Trang) được chọn làm đơn vị bao tiêu cho dự án.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Tuyết cho biết, dự án nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho đồng bào DTTS miền núi, vì người dân thường bị tư thương ép giá mỗi khi đến mùa thu hoạch. Theo đó, quỹ tín dụng của dự án cho người dân ứng trước vốn không lãi suất để sản xuất, doanh nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm do người dân làm ra. Hiện nay, đã có 11 xã, trong đó có 90% người đồng bào DTTS tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tham gia dự án. Với những sản phẩm như: trái cây, nông sản, các loại thịt… làm ra, nếu bán được cho thương lái với giá cao, người dân sẽ trả lại phần vốn cho dự án; với những sản phẩm không bán được, dự án sẽ chịu trách nhiệm tiêu thụ với giá mua cao hơn.
Bà Tuyết cho biết, dự án đã triển khai từ cuối năm 2014, nhưng đến cuối năm 2015 mới triển khai việc bán hàng lưu động trên các tuyến đường. Hiện nay, mô hình bán nông sản lưu động có 5 xe đang bán chuối. “Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai bán các loại nông sản khác như: trái cây, thịt… Bên cạnh đó, sẽ mở chợ bán nông sản sạch online; triển khai mở các gian hàng nông sản sạch tại các xã, phường của thành phố để người dân biết, tạo thêm việc làm cho địa phương”, bà Tuyết nói.
VĨNH THÀNH
Cần hoàn chỉnh chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản
Nguồn tin: VOV
Để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững, cần phải xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản hoàn chỉnh, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Qua 5 năm thực hiện, chương trình Hợp tác thương mại giữa Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã góp phần tích cực tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. Tuy nhiên, để chương trình này đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững thì phải xây dựng được chuỗi liên kết hoàn chỉnh, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tại tỉnh Đồng Tháp, trước đây phần lớn người dân và doanh nghiệp tự tìm đầu mối tiêu thụ các sản phẩm lương thực và thủy sản. Nhưng 5 năm gần đây, tham gia chương trình hợp tác với Thành phố Hồ CHí Minh, Đồng Tháp đã có 30 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã và hàng chục hộ sản xuất, kinh doanh đã đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh siêu thị và trung tâm thương mại.
Cái được lớn nhất là sản phẩm khi tiêu thụ qua các kênh này có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý như Siêu thị Thất Sơn ở tỉnh An Giang đã tăng số nhà cung cấp hàng hóa từ vài chục lên vài trăm đơn vị trong những năm tham gia liên kết, hợp tác. Doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng gấp đôi.
Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Thất Sơn, tỉnh An Giang nói: “Ngày mùa tựu trường tôi phục vụ 1.000 - 2.000 khách hàng. Sau khi tham gia chương trình kết nối cung cầu, mỗi ngày 4.000 – 5.000 khách. Ngày xưa, siêu thị chỉ vài chục mã hàng, bây giờ chúng tôi đã có lên 100.000 mã hàng hóa. Ngày xưa, có 6 – 8 ngành hàng, bây giờ 18 ngành hàng”.
Qua 5 năm thực hiện, chương trình Hợp tác thương mại giữa Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã có gần 1.350 hợp đồng cung cấp, tiêu thụ sản phẩm giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương đã được ký kết, giao thương 2 chiều đạt hơn 22.100 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, thì chương trình cũng còn những hạn chế. Đó là thiếu sự gắn kết trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng chưa đồng bộ, công tác kết nối, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối còn gặp khó khăn. Vì hiện nay, phần lớn các sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các địa phương là của doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sản xuất nên chưa đảm bảo các tiêu chí về mẫu mã, bao bì, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phấn phối hiện đại.
Ông Trương Trí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chuyên cung cấp trứng gia cầm, cho hay: “Qua chương trình này cũng có nhiều trang trại tìm đến chúng tôi hợp tác. Tuy nhiên, có các hạn chế là đa số các trang trại này có quy mô nhỏ nên chưa đáp ứng các tiêu chí mà công ty chúng tôi đặt ra”.
Hiện nay, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ phần lớn chỉ hợp tác ở mức như: ký hợp tác từ đầu vụ hay đặt hàng sản xuất, chứ chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến phân phối. Nếu hình thành được chuỗi liên kết này thì chương trình hợp tác sẽ kết bền vững hơn, 2 bên sẽ cùng chia sẻ lợi ích, hạn chế rủi ro và tăng được giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của việc thực hiện chuỗi liên kết này là các hộ sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tổ chức lại sản xuất để tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng đồng đều và đạt các tiêu chuẩn VietGAP.
Để khắc phục tình trạng này, ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đồng Tháp đang củng cố các hợp tác xã, tuyên truyền cho bà con nông dân thế nào là các chuỗi giá trị, có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra. Chúng tôi tuyên truyền bà con mình chấp hành tốt các quy định hợp đồng đã ký. Chúng tôi nâng chất các đối tác trong chuỗi giá trị, nếu hợp tác xã mạnh, nông dân mạnh, chuỗi giá trị mới mạnh được”.
Trong hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ thì vấn đề thương hiệu, chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng. Hiện nay, Sở Công thương thành phố đang phối hợp với các địa phương thực hiện vấn đề này.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Về các tiêu chuẩn an toàn về sinh thực phẩm. Chúng tôi đang làm việc với sở nông nghiệp, sở công thương các tỉnh xây dựng các tiêu chí rất cụ thể, khi nào xong chúng tôi sẽ thực hiện để các nông dân, người sản xuất thực hiện”.
Từ thực tế trên cho thấy, nếu khắc phục được những hạn chế nêu trên, sớm hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ sản xuất đến phân phối thì sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản của các tỉnh, thành trong vùng Đông và Tây Nam bộ./.
Lệ Hằng/VOV-TP HCM
Đồng Tháp: Lực đẩy từ các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Bài 1: Nhân rộng các mô hình kiểu mới
Hơn 2 năm qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từng bước hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Mặc dù quá trình tổ chức lại còn chậm nhưng bước đầu nhiều HTX đã thu về những kết quả khả quan.
Mô hình nhà lưới sản xuất cây giống của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp)
Mở hướng làm ăn liên kết
Hiệu quả nhất có lẻ phải kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông). Những năm đầu thành lập, HTX chỉ phát triển dịch vụ bơm tưới, với vốn điều lệ chỉ 650 triệu đồng. Dần về sau, HTX đã phát triển thêm nhiều dịch vụ mới như: cung cấp nước sinh hoạt, vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ... Từ việc phát triển đa dịch vụ này, nông dân càng yên tâm khi tham gia HTX, từ đó số xã viên cũng không ngừng tăng lên, từ vài chục xã viên ban đầu, đến nay HTX có 385 hộ tham gia.
Hiện nay, HTX DVNN Tân Cường quản lý 9 dịch vụ, phục vụ sản xuất cho khoảng 2.000ha diện tích. Trong năm 2014, HTX tổ chức Đại hội bất thường chuyển đổi hoạt động của đơn vị theo Luật HTX năm 2012. Dịp này, HTX cũng xây dựng phương án thành lập Xí nghiệp chế biến lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp, mở rộng thêm dịch vụ sấy, bảo quản và chế biến lúa gạo với diện tích mặt bằng xây dựng 11.525m2 và tăng vốn điều lệ từ 650 triệu đồng lên 42 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX DVNN Tân Cường, với mô hình này, việc mua bán sẽ diễn ra ngày càng bài bản hơn, dần hình thành điểm giao dịch lúa gạo. Từ đây, nông dân được tham gia thị trường và nắm rõ chất lượng nông sản mình làm ra, từ đó chú ý hơn đến việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến biện pháp canh tác để bán được giá cao hơn...
“Mục tiêu của HTX là nâng cao hơn nữa lợi nhuận cho người trồng lúa bằng cách rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giảm thất thoát sau thu hoạch... HTX đã và đang xây dựng mô hình cánh đồng VietGAP sản xuất lúa theo quy trình sạch, trong đó có cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ (nếu nông dân có nhu cầu). Tin rằng với hướng làm ăn mới này, HTX sẽ góp phần đảm bảo hơn lợi ích cho xã viên thông qua việc giảm giá thành sản xuất” - ông Trãi tâm sự. Đặt niềm tin vào cách thức hoạt động của HTX, ông Trần Văn Hướng - xã viên HTX cho hay: “Ngoài chuyện được cung cấp các dịch vụ bơm tưới, vay vốn, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu lúa... tham gia vào HTX nông dân còn được hỗ trợ kỹ thuật canh tác từ lúc chọn giống, gieo sạ đến thu hoạch nên chúng tôi cảm thấy yên tâm...”.
Mỗi hộ có đất đều là thành viên HTX
Cũng là một HTX nông nghiệp đa dịch vụ, nhưng HTX nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) còn được biết đến là một HTX với quy mô toàn xã, tức mỗi hộ có đất tại xã đều là thành viên của HTX và tham gia góp vốn 100%. Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Tân Bình cho biết, HTX Tân Bình thành lập năm 2003 - là HTX hợp nhất của 3 HTX quy mô nhỏ trong xã lại với nhau. Sau những năm đầu thành lập, HTX cùng với các cấp chính quyền vận động toàn thể nhân dân tham gia để được hưởng các dịch vụ tại HTX. Thấy được lợi ích của việc làm ăn tập thể nên các hộ tích cực tham gia. Tính đến nay, trong tổng số 1.700 hộ trong xã, thì 1.034 hộ có đất đều là thành viên HTX.
Cùng với việc phát triển thêm các ngành nghề phục vụ lợi ích thiết thực cho xã viên, năm 2012, HTX sáp nhập thêm 1 tổ hợp tác, nâng số diện tích canh tác tại HTX lên từ 680ha lên 723ha, với số hộ thành viên là 1.189. Năm 2014, với sự tài trợ của ACB về Dự án cạnh tranh nông nghiệp, HTX đã xây dựng kho 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy, phát triển thêm dịch vụ tạm trữ, sấy lúa cho xã viên. Tính chung đến nay, HTX có 8 dịch vụ sản xuất cung ứng đầy đủ các yêu cầu thiết thực cho xã viên toàn xã gồm: bơm tưới, làm đất, mua bán vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vốn, máy cắt, giống, nước sạch, tạm trữ và tiêu thụ lúa... Doanh thu hàng năm của HTX khoảng 10 – 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Ngoài các dịch vụ trên, để hỗ trợ xã viên khó khăn, HTX còn hỗ trợ vốn cho xã viên phát triển sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất số xã viên HTX không có vốn hoạt động. Theo ông Phạm Công Chính, hiện HTX chưa đủ năng lực để phát triển lên dịch vụ tín dụng nội bộ mà chỉ hỗ trợ vốn cho những hộ khó khăn có đủ điều kiện sản xuất nhằm giúp xã viên yên tâm hoạt động. Anh Nguyễn Thanh Phương - xã viên HTX Tân Bình cho hay: Những dịch vụ thiết thực như thế này là động lực rất lớn cho xã viên gắn bó hơn với HTX, không những hiện tại mà là nhiều năm sau nữa...”.
Có thể nói, hiệu quả từ các hoạt động dịch vụ hỗ trợ xã viên của HTX góp phần tạo đà cho HTX phát triển bền vững. Đây cũng được xem là kim chỉ nam cho các HTX thành lập mới. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác trên tinh thần tự nguyện giữa nông dân, thành viên HTX. Cụ thể như mô hình chuyển đổi đất trong dòng tộc, nông dân, thành viên HTX để cho HTX thuê đất; mô hình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào nhằm giúp người sản xuất tiết giảm chi phí; liên kết với các doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến... Đây được xem là những tín hiệu vui, tạo đà cho bước khởi đầu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Mỹ Nhân
Bài 2. Tổ chức lại hợp tác xã
Hiện nay, đa phần các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều ở dạng nhỏ lẻ, sản xuất đơn điệu; không ít HTX chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động kéo dài. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do thiếu vốn, yếu về năng lực quản lý...
Giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân là mục tiêu cuối cùng mà Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp hướng đến
Thiếu vốn sản xuất, yếu về năng lực
Đó là thực trạng chung của các HTX hiện nay. Theo nhiều HTX, hiện nay dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ về tín dụng cho các HTX, nhưng thực tế, các ngân hàng không đồng tình với phương án sử dụng “sổ đỏ” của HTX mà chỉ chấp nhận thế chấp bằng sổ đỏ cá nhân ra thế chấp. “Dù HTX có trụ sở, có 1,5ha đất nhưng lại không thể sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn vì theo giải thích của ngân hàng, đó là tài sản chung thuộc sở hữu của Nhà nước nên sẽ không thể phát mại khi có rủi ro... Do vậy, hơn 10 năm nay sổ đỏ của cá nhân tôi đều “nằm vùng” ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Bình. HTX cần vốn lại lấy nó làm hồ sơ vay...” - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình Phan Công Chính cho biết.
Đối với Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển HTX thủ tục vay cũng chặt chẽ hơn, bởi Quỹ yêu cầu HTX phải xây dựng phương án khả thi, hiệu quả mới được vay vốn. Cụ thể, HTX hoạt động 2 năm liền kề phải có hiệu quả và có tài sản thế chấp 30%. Ông Phan Công Chính cho biết thêm: “Vụ đông xuân năm 2015, HTX Tân Bình thực hiện tạm trữ 1.000 tấn lúa tại kho của HTX. Do thiếu vốn lưu động nên HTX làm đơn vay 1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển HTX. Nhưng vì thủ tục khá rườm rà, thời gian thẩm định lâu, không đảm bảo yêu cầu sản xuất tại đơn vị nên chúng tôi đành vay bên ngoài, thủ tục nhanh chóng nhưng lãi suất tương đối cao”.
Theo các HTX, những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như: Quyết định 62, Quyết định 2261, Quyết định 68... hay mới đây nhất là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều sửa đổi bổ sung đối tượng được vay vốn cũng như nâng mức cho vay không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, việc các ngân hàng có sẵn lòng mở “hầu bao” hay không lại là một chuyện khác. Ông Lê Tấn Bền, Tổ trưởng THT trồng hoa thiên lý (xã Mỹ Đông) cho biết: “Nói Nghị định 55 cho vay không cần tài sản thế chấp nhưng thực tế THT vẫn chưa tiếp cận được. Có lẽ ngân hàng không hoàn toàn tin vào dự án nông nghiệp của chúng tôi nên chưa sẵn sàng mở hầu bao”.
“Để những chính sách trên đi vào cuộc sống, điều quan trọng là cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền với tổ chức kinh tế tập thể và ngân hàng. Trong đó, vai trò của chính quyền là cầu nối như đứng ra cam kết, hỗ trợ ngân hàng giám sát; giúp nâng cao năng lực quản trị của HTX trong quá trình thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách giao đất hoặc cho thuê ưu đãi để xây dựng trụ sở, kho bãi nhằm tạo điều kiện cho HTX có cái “thế chấp” để mở rộng sản xuất kinh doanh” – ông Bền kiến nghị.
Bên cạnh việc thiếu vốn thì năng lực, trình độ cán bộ HTX cũng là vấn đề nan giải. Nhiều HTX rất ưu ái cho lao động trẻ, có trình độ chuyên môn nhưng không ai về, kể cả con em xã viên. “Nói thật hiện nay bộ máy quản lý tại HTX đa phần đều lớn tuổi, trình độ cũng chỉ ở mức phổ thông trở xuống, nên rất khó khăn cho việc phát triển HTX sắp tới. Việc thu hút nhân lực, cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX hiện nay rất khó khăn. Ngoài vấn đề lương thấp, về HTX họ ít có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ” - ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Tân Bình nói.
Băn khoăn về đội ngũ cán bộ HTX vừa thiếu lại vừa yếu, ông Võ Công Minh – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhận định, thời gian qua các ngành đã phối hợp mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ quản lý chủ chốt và người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ tại HTX. Tuy nhiên, tỷ lệ trình độ cao đẳng, đại học của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt HTX chỉ 6,6% (132/2.000 người). Với năng lực như vậy, nên kỹ năng quản trị và tổ chức hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế là đương nhiên. Thêm nữa, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thành viên vào HTX để được hưởng các chính sách ưu đãi; từ đó khi tham gia không thấy hết nghĩa vụ và trách nhiệm đối với HTX, phó mặc cho Hội đồng quản trị; quyền lợi của HTX đem lại cho thành viên chưa nhiều, nên thành viên chưa gắn bó với HTX.
Tổ chức lại HTX một cách thực chất
Thừa nhận vấn đề yếu về năng lực quản lý và thiếu vốn tại các HTX hiện nay, ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là điểm yếu chung của các HTX hiện nay chứ không riêng gì tại Đồng Tháp. Vấn đề là làm thế nào để HTX thấy được vai trò của mình là “chỗ dựa” vững chắc cho xã viên, làm cầu nối trực tiếp trong việc thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân và là đầu mối đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 cũng nhằm mục đích này, tuy nhiên không phải hễ chuyển đổi là hoạt động có hiệu quả mà các HTX cần phải nâng cao hơn nữa hoạt động tại đơn vị bằng những phương án sản xuất hợp lý.
Theo ông Công, trong tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh xác định việc tăng cường nhân lực trẻ, có chất lượng và trình độ cho các HTX là vấn đề cốt lõi để khu vực kinh tế hợp tác có bước chuyển mình. Giải pháp mà tỉnh đã và đang thực hiện là “biệt phái” 15 cán bộ nông nghiệp công tác tại các Trạm bảo vệ thực vật, Thú y, Khuyến nông trên địa bàn tỉnh về làm Phó Giám đốc HTX giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý điều hành. Về lâu dài, tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học mở Thành phố Hồ Chí Minh mở khóa đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh cho con em cán bộ HTX để đội ngũ này sẽ về giúp việc tại HTX, nâng cao hơn nữa năng lực quản lý điều hành tại các HTX.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho HTX như: giao đất không thu tiền, miễn thuế cho HTX, hỗ trợ 50% lãi suất thuê đất... Chính sách hỗ trợ tuy chưa nhiều nhưng, vấn đề là ngoài chính sách hỗ trợ, bản thân HTX phải tự thay đổi để phát triển một cách bền vững.
“Để tồn tại trong cơ chế thị trường đòi hỏi các HTX cần có sự đột phá từ bên trong. Những lối mòn trong suy nghĩ cũ cần được dẹp bỏ, thay vào đó là sự năng động, linh hoạt nhằm thích ứng một cách tốt nhất với biến chuyển của thị trường. Các HTX cần tập trung đầu tư cho những ngành dịch vụ có triển vọng, gắn với quyền lợi của mỗi thành viên trong HTX. Bởi các HTX hiện nay đều lấy thành viên làm nòng cốt, các dịch vụ đều hướng đến nhu cầu của thành viên. Một khi đã đảm bảo được cuộc sống, thu nhập cho họ thì HTX mới vững được” - ông Công khẳng định.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 200 hợp tác xã (163 HTX nông nghiệp), với khoảng 54.000 thành viên. Những năm qua, với việc xác định kinh tế tập thể (nòng cốt là HTX, tổ hợp tác) đóng vai trò then chốt trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên tỉnh đã không ngừng quan tâm, đẩy mạnh phát triển hoạt động của các hình thức này. Tuy nhiên thực tế số lượng HTX hoạt động hiệu quả rất thấp.
Mỹ Nhân
Làm trang trại VietGAP sạch từ đất, nước, giống...
Nguồn tin: Dân Việt
Mô hình trang trại tổng hợp theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Trần Thái ở thôn Phú Lâm, xã miền núi Tây Phú, huyện Tây Sơn (Bình Định) mỗi năm lãi hơn 500 triệu đồng. Đây là mô hình trang trại vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khen thưởng năm 2015.
Sạch từ đất, nước, giống đến môi trường
Điều khác biệt ở trang trại rộng 6ha này là ông Thái làm theo hướng VietGAP, sản xuất an toàn, làm ra sản phẩm an toàn. Để có được ngày hôm nay, ông đã dày công cải tạo đất, biến vùng đá, sỏi khô cằn hoang hóa ngày nào thành vườn canh tác trù phú, màu mỡ, cây cối xanh tươi bốn mùa.
Buổi đầu cải tạo, ông Thái và hàng chục người làm công đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, hì hục, cần mẫn lật từng viên đá, trốc từng gốc cây, quy hoạch, cải tạo đất để có khuôn viên trang trại đẹp. Có đất tốt rồi, ông liền khai thác nguồn nước tưới cho trang trại bằng cách dẫn nước từ núi cao, cách nhà chừng 20km về tích trữ trong bể xi măng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngày ông lấy được nước về dùng, làm bao người ngỡ ngàng và thán phục.
Ông Trần Thái giới thiệu vườn hồ tiêu VietGAP của mình. Ảnh: M.T
Ông Thái chia sẻ: “Một mặt tôi xem trọng sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân xanh trong quy trình sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho đất. Mặt khác, tôi hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác trong khâu chăm sóc cây, con. Mặc dù phải mất công quản lý, giám sát, mất chi phí cho việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, nhưng tôi xác định làm là vì lợi ích sức khỏe gia đình tôi, cho bạn hàng làm ăn và cho sức khỏe người tiêu dùng…”.
Hiệu quả vượt trội
Theo ông Thái, làm trang trại tổng hợp phù hợp với đặc điểm thị trường và giá cả nông sản “đầu ra”. Có kinh nghiệm nên năm nào ông cũng thắng lợi.
Đơn cử năm 2015, trang trại của ông Thái thu được 18 tấn măng tre Điền Trúc, trong đó có 3 tấn măng trái vụ giá bán tới 30.000 đồng/kg; 12 tấn trái mít tố nữ hạt lép giống Malaysia; 150kg hồ tiêu sạch; xuất bán 5 con bê lai, 20 con dúi; 500 con gà ta thả vườn. Ngoài ra, ông còn thu hoạch được 500 tấn cây keo lai, 6 cây sưa đỏ với giá bán 15 triệu đồng/cây. Gia đình ông còn có thu nhập khác nhờ tham gia bảo vệ 50ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Tổng thu năm 2015 của trang trại ông Thái đạt gần 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí ông bỏ túi khoảng 500 triệu đồng.
“Trang trại tổng hợp phải kết hợp lợi thế của các cây trồng, vật nuôi trên cùng 1 diện tích dựa vào đặc điểm sinh học hoặc tập tính loài và căn cứ vào tín hiệu thị trường. Ví dụ, muốn nuôi con dúi thì phải có vườn tre, vì trong tự nhiên tre và mía là các thực phẩm chính mà con dúi ưa thích. Bình Định đang là nguồn “cầu” rất lớn về nguyên liệu giấy nên cây keo hấp dẫn nông dân, nhất là nông dân miền núi...” – ông Thái thổ lộ.
Cùng với làm giàu cho gia đình, ông Thái đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Thái quả quyết: “Theo tôi, cho đến nay làm kinh tế trang trại theo hướng VietGAP là cách làm có tính khoa học, bền vững. Trang trại không chỉ có phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo hình ảnh đẹp cho nông thôn. Nhờ kinh tế trang trại, tôi đã nuôi 2 con và 4 cháu mồ côi được ăn học đại học, có công ăn việc làm…”.
Liên tiếp trong các năm 2007, 2011, 2012, 2014 ông Trần Thái được UBND huyện Tây Sơn, Hội ND tỉnh, UBND tỉnh Bình Định và T.Ư Hội Làm vườn Việt Nam tặng bằng khen, giấy khen và công nhận là Nông dân sản xuất giỏi cấp T.Ư.
Đào Minh Trung
Triệu phú vườn rừng
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Năm 1990, với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, ông Đào Văn Lưu, 80 tuổi, ở thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tìm lên vùng đồi núi hoang vu để khai hoang lập nghiệp với ước mơ đổi đời. Sau 12 năm vất vả, ông Lưu đã trở thành triệu phú của huyện Cam Lộ với mô hình vườn- ao- chuồng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Năm 1986 - 1990 ông Đào Văn Lưu là Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) 3 thôn Cam Phú (Cam Phú 1, Cam Phú 2, Cam Phú 3). Sau khi thôi làm Chủ nhiệm HTX ông Lưu quyết tâm thực hiện ước mơ lập một trang trại mà mình đã ấp ủ bấy lâu.
Ông Đào Văn Lưu chăm sóc vườn cây nhãn
Năm 1990 ông Lưu đi khảo sát và gặp mảnh đất vùng sườn đồi, sát bên mép đồi là con suối. Ông thấy đây là nơi rất thuận lợi cho việc chăn nuôi nên quyết định chọn đây làm nơi lập nghiệp. Từ đây ông bắt tay vào khai hoang, rồi dựng lán trại tạm làm nơi che mưa, che nắng. “Lúc trước ở đây thiếu thốn đủ đường, một mình đau ốm không biết kêu ai. Tôi lên đây đến 5 - 7 năm sau mới có người lên sống. Cũng may nhờ có sức khỏe nên cũng ít đau ốm. Còn thức ăn một tuần tôi đạp xe về nhà một lần (nhà cách trại 5 cây số) gói ghém rau củ rồi đem lên”, ông Lưu chia sẻ.
Năm 1992, ông Lưu thế chấp sổ đỏ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ mua 40 con dê, 30 con bò và trồng 5,6 ha cao su. Sau 8 năm, dồn hết tâm huyết cho công việc, số dê lên tới 60 con, bò 50 con. Cao su sau 6 năm đã cho mủ, giai đoạn này mủ cao su được giá, trung bình mỗi năm ông thu 170 triệu đồng từ cao su. Năm 2000 ông quyết bán gần hết số bò và dê, chỉ để lại 10 con bò để lấy phân phục vụ cho việc chăm bón, rồi ông vay ngân hàng thêm 250 triệu đồng để đầu tư trồng 300 gốc nhãn. Nhờ nguồn nước thuận lợi, ông xây dựng một hệ thống nước tự chảy dài 1.000 mét, lấy nước từ sông lên tưới cho cây.
Với kinh nghiệm mấy chục năm làm vườn cộng thêm nghị lực phấn đấu không ngừng, hai năm đầu cây cho quả bói, quả chưa to và chưa nhiều, đến năm thứ ba cây nào cũng nặng trĩu quả, đến mùa nhãn chín vàng rực cả một góc đồi. Lúc này ông mới yên tâm rằng mình đã thực sự thành công. Đến nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu được 250 triệu đồng từ nhãn. Cũng thời điểm năm 2000, ông khai hoang thêm diện tích đất trống, đầu tư trồng thêm 5 ha tràm, đến nay đã thu hoạch được 2 đợt, mỗi đợt ông thu 300 triệu đồng. Năm 2002 ông trồng thêm 200 gốc hồ tiêu, sau 3 năm cho thu hoạch mỗi mùa vườn tiêu cho từ 1,5 đến 2 tạ tiêu khô, tính theo giá hiện nay, mỗi mùa ông Lưu thu khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông trồng thêm 70 gốc thanh long ruột trắng, sau 1 năm thanh long bắt đầu cho quả, mỗi năm cho từ 3 đến 3,5 tạ quả, giá bán trung bình 20 ngàn đồng/kg. Năm 2008 ông xây hồ nuôi 4.000 con cá với 3 loại hỗn hợp là cá rô, cá trắm và cá trê. Ông dựng nhà trên mặt hồ, cách mặt hồ chừng 2 mét. Điều thú vị là ai có nhu cầu vừa mua cá vừa giải trí thì ông cho khách tự câu cá trong hồ, câu được bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Hai năm ông thu hoạch cá một lần, trung bình mỗi lần cũng thu được 30 triệu đồng.
Ngoài cây trái cho thu nhập chính, ông còn trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như bưởi, táo, dừa, chuối, xoài và một số cây hoa màu. Trong vườn cây ông thả thêm 5 con lợn rừng và nuôi một số ngan, gà. Đến nay, tổng diện tích dành cho chăn nuôi của gia đình ông lên tới 13,6 ha. Bình quân mỗi năm thu nhập của gia đình ông lên tới 500 triệu đồng.
Điều hiếm có là nay tuy tuổi đã cao nhưng ông Lưu vẫn chưa nghỉ ngơi. Qua lời chia sẻ của ông, mọi người đều cảm nhận được trong ông tình yêu đất đai, lao động và sự cần kiệm của một nông dân luôn vượt lên khó khăn để làm giàu trên quê hương mình.
HOÀNG YẾN
Nhà nông làm giàu từ Internet
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng
Nhờ kết nối thị trường qua mạng, người nông dân đã tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Nếu như nhiều năm trước đây, người nông dân còn khá xa lạ với mạng Internet, thì hiện nay, không ít người nhờ học hỏi kiến thức qua mạng mà “ăn nên làm ra”. Chuyện nhà nông “lướt web” để làm kinh tế cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm dường như không mấy xa lạ nữa.
Tìm mô hình mới
Vụ hoa Tết vừa qua rất nhiều nông dân ở huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng thua lỗ do thời tiết thất thường, nhưng ông Nguyễn Phú Phúc (thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến) lại thu lãi lớn. Vườn hoa của ông được các đầu mối tìm đến mua, chở đến đâu bán hết đến đó do hoa nở đều, đẹp và đúng ngày.
“Mùa hoa Tết năm nay, tôi thu lãi được 35 triệu đồng, đủ sắm cái Tết cho gia đình. Tôi tìm hiểu tình hình thời tiết qua mạng, học cách bón phân, phòng chống sâu bệnh nên vườn hoa không bị hư hại nhiều”, ông Phúc nói.
5 năm gắn bó với nghề trồng hoa, ngoài những buổi tập huấn do xã, huyện tổ chức, ông Phúc còn tranh thủ học hỏi thêm kiến thức qua mạng. Từ chỗ xa lạ với con chuột, bàn phím thì nay ông khá sành sỏi khi truy cập các trang mạng xã hội, công cụ tiềm kiếm như Google, Facebook... Ông Phúc đang tìm hiểu nhiều mô hình trồng hoa trên mạng để cấy giống 2 loại hoa mới (loa kèn và cẩm chướng) cũng như nhiều loại cây cảnh chưng trong nhà để bán cho các khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp (đu đủ, mận, ổi, dưa leo).
Về các xã ở huyện Hòa Vang, không khó tìm các bác nhà nông quen “chân lấm tay bùn” nay lại “lướt web” đều đặn mỗi ngày. Nhiều trang thông tin điện tử nông nghiệp như khuyến nông, bạn nhà nông, nông nghiệp Việt Nam… luôn là “người bạn đồng hành” để họ nắm bắt các tin tức thời sự, các kiến thức khoa học, khuyến ngư, khuyến nông, tình hình dịch bệnh, cơ cấu mùa vụ...
Có nông dân còn nối mạng về tận nhà để tiện lợi cho con cái học hành mà mình cũng được học kiến thức làm nông. Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến cho hay, ngoài việc tìm hiểu kiến thức qua mạng, nhiều nông dân ở xã còn tìm mô hình mới để phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế cho gia đình.
“Người nông dân bây giờ không còn thụ động nữa mà đã biết chủ động tìm tòi, học hỏi qua mạng để bổ sung kiến thức nghề nông. Nắm chắc kiến thức nông nghiệp, họ sẽ chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi cũng như nhạy bén và mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, từ khi huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình sản xuất mới nhờ học qua mạng cũng ra đời đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng nấm, nuôi chim cút, trồng rau sạch... Nhờ “lướt web”, không ít người làm quen với các bạn nhà nông trên khắp cả nước để “mách” cho nhau cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giúp nhau làm giàu cho gia đình và địa phương.
Tìm đầu ra cho sản phẩm
Ngoài việc tìm hiểu kiến thức trên mạng, hiện nay không ít nhà nông “lướt web” để tìm đầu ra cho sản phẩm. Với lượng người truy cập mạng xã hội (như Zalo, Facebook) ngày càng tăng thì rất nhiều sản phẩm của người nông dân được người tiêu dùng biết đến như rau sạch, hoa, cây cảnh… “Trăn trở lớn nhất của người làm nông chính là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thay vì ngồi chờ đợi “mối lái” của ngành nông nghiệp, nông dân sản xuất rau có thể “lướt web” để quảng bá và bán sản phẩm của mình. Điều này sẽ giúp người nông dân không bị lúng túng trong khâu tiêu thụ và bị tư thương ép giá”, anh Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Rau La Hường cho hay.
Theo anh Hoàng, hiện nay thương hiệu rau La Hường có mặt trên quầy của nhiều cửa hàng rau sạch, cửa hàng thực phẩm trong địa bàn thành phố cũng một phần do quảng bá qua mạng. Nhờ mạng Internet, rau sạch La Hường được nhiều người tiêu dùng biết đến giúp người nông dân yên tâm về đầu ra cũng như đầu tư mở rộng sản xuất.
Không ít những mô hình sản xuất trên mạng được người nông dân nhân rộng, tạo sự lan tỏa rộng rãi. Qua thư điện tử, mạng xã hội, những “nhà nông thời @” tìm hiểu thị hiếu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng để mạnh dạn quảng bá sản phẩm của mình lên Internet.
“Không ít sản phẩm của nông dân quận Cẩm Lệ được đưa lên các trang mạng xã hội và đây được coi là cách quảng bá hữu hiệu giúp kết nối thị trường ở nhiều nơi trên cả nước để tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Lê Văn Phiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ chia sẻ. Theo ông Phiếu, nhờ tìm hiểu thông tin thị trường trên mạng, người nông dân sẽ không bị động, trông chờ vào sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp hay bằng lòng với điệp khúc “được mùa - mất giá” như xưa nữa.
HOÀNG HÂN
Thay đổi tập quán canh tác để hội nhập
Nguồn tin: Báo An Giang
Tập quán canh tác lạc hậu chính là nguyên nhân làm cho hiệu quả sản xuất của nông hộ thấp, đời sống nông dân ngày càng khó khăn, kinh tế nông nghiệp kém phát triển và hội nhập rất khó thành công.
Chạy theo năng suất
Hơn 10 năm nay, gia đình ông Đinh Văn Tuấn (xã Vĩnh Trường, An Phú, An Giang) vẫn không thoát được cái nghèo, dù diện tích sản xuất lúa của gia đình đến 1,5 héc-ta. Ngồi nhìn đám ruộng vừa mới thu hoạch xong, năng suất đạt 7 tấn/héc-ta nhưng ông Tuấn không vui: “Bây giờ, tôi mới nghiệm ra được một điều, cán bộ khuyến nông nói đúng. Để có được năng suất cao, tôi phải sử dụng rất nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng, từ đó chi phí sản xuất đến 4.100 đồng/kg. Thương lái đến ruộng mua 4.900 đồng/kg (có giá) nhưng lợi nhuận cũng chỉ dừng lại 800 đồng/kg. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận trên vốn thì lãi rất kém. Hiệu quả sản xuất cũng không cao vì lấy công làm lời…”. Để có năng suất 7 tấn/héc-ta, vụ đông xuân vừa qua, trên 1 héc-ta đất, ông Tuấn gieo sạ 200kg lúa giống IR50404 và bón phân đạm đến 1,6 tấn/héc-ta. Các loại phân bón khác như lân, kali cũng không ít hơn. Như vậy, chỉ riêng tiền vận chuyển 2,9 tấn phân đạm đến chân ruộng thì chi phí sản xuất của ông cũng đã “đội lên” gấp nhiều lần so với những nông dân áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng” hoặc “ 1 phải, 5 giảm”. Chạy theo năng suất, sản lượng, nông dân gieo sạ giống, bón phân, xịt thuốc trừ sâu… nhiều là tập quán canh tác lạc hậu cần được dẹp bỏ. “Ngoài chạy theo năng suất, bà con mình còn mắc phải thói quen, đến vụ sản xuất thì cứ trồng, chứ không biết cuối vụ lúa sẽ bán cho ai? Bán ở đâu? Giá bao nhiêu? Sản xuất không có kế hoạch, không theo nhu cầu của thị trường. Điều này đã dẫn đến một hậu quả khó lường là hàng hóa làm ra năm nào trúng mùa thì rớt giá và ngược lại. Cuối cùng, người làm ra hạt lúa mà không quyết định được giá bán. Chỉ có doanh nghiệp và thương lái là người quyết định giá” – ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh thông tin.
Nhiều nông dân vẫn còn thói quen sạ tay, mỗi công sạ từ 15 – 20kg giống
Làm ăn riêng lẻ
Tại hội nghị vận động chuyển đổi mô hình hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012 tại huyện Chợ Mới cuối năm 2015 đã đề cập đến tính chất làm ăn riêng lẻ, tự phát, không kế hoạch, không theo tín hiệu của thị trường… Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thanh Phong đã lên diễn đàn dí dỏm: “Ông trồng lúa, bà trồng dưa. Ông tưới nước, bà đi thưa. Ông xịt sâu, bà cũng không ưa…”. Câu nói khiến chúng ta phải suy nghĩ về tính chất làm ăn cá thể, mang tính tự phát cao nên phát sinh mâu thuẫn trong nông thôn. Theo ông Phong, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường, có kế hoạch và đi lên quy mô lớn, mang tính tập trung. Bởi, hình thức sản xuất của kinh tế nông hộ bây giờ đã có “biểu hiện” cản trở sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp. Không thể làm giàu khi sản xuất chỉ dừng lại cho đủ ăn. Thay vào đó, phải đi lên nền sản xuất lớn và hiện đại, mà đại diện cho hình thức làm ăn này là “Cánh đồng lớn” cho cây lúa, cây bắp non, đậu nành rau… Là người có nhiều năm nghiên cứu mô hình HTX tại các nước phát triển như Nhật Bản, Cannada, Đức, TS. Trần Minh Hải, giảng viên Khoa Kinh tế (Trường đại học An Giang) tâm sự: “Tôi đi Nhật nghiên cứu, học tập mô hình HTX nông nghiệp, tôi thấy suy nghĩ của nông dân (ND) hai nước rất khác nhau. Ở Nhật, tất cả ND đều đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX. Chính vì vậy, sản xuất ra bán được giá cao, không thừa hàng. Họ áp dụng mô hình “mua chung, bán chung” nên kế hoạch sản xuất không bị “trật lề”. Còn ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều ND không vào HTX. Trong công tác khuyến nông, ND Nhật dựa vào đội ngũ kỹ thuật viên của HTX và địa phương. Phun thuốc gì, bón phân như thế nào đều theo hướng dẫn của đội ngũ này. Họ rất cân nhắc khi sử dụng thuốc BVTV, vì sợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Còn ND Việt Nam thì đa phần nghe theo những khuyến cáo của các cửa hàng thuốc BVTV. Như vậy, họ sẽ khuyến cáo những loại thuốc được trích hoa hồng cao, chẳng cần biết thuốc đó có gây hại cho sức khỏe con người hay không? Môi trường có bị hủy diệt?
Thay đổi tập quán canh tác lạc hậu bằng hệ thống canh tác mang tính hiện đại là việc cần làm của ND hiện nay. Tuy nhiên, để hội nhập thành công, ngoài việc thay đổi tập quán canh tác, Nhà nước cần thể hiện vai trò điều hành sản xuất và thị trường mang tính chất đồng bộ để mang lại hiệu quả cao cho nền nông nghiệp và bảo đảm lợi ích nông dân.
“Với một tỉnh đặc thù là nông nghiệp, muốn hội nhập thành công thì nông dân cần chuyển từ tập quán canh tác lạc hậu sang mạnh dạn áp dụng khoa học- kỹ thuật vào đồng ruộng. Bởi năng suất, nhưng giá thành cao thì lãi ít, làm sao bằng áp dụng khoa học- kỹ thuật để đạt năng suất cao, giá thành thấp, lợi nhuận nhiều, sản phẩm dễ tiêu thụ…” – ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khẳng định.
MINH HIỂN
Tìm giải pháp thích nghi với hạn, mặn
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Với tình hình hạn, mặn khốc liệt hiện nay, nhiều ý kiến đặt vấn đề có nên xây dựng những công trình để chống hạn, mặn triệt để hay là chọn giải pháp thích nghi, cùng sống chung với hạn, mặn như đã từng sống chung với lũ ở vùng ngập ĐBSCL. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, là chuyên gia nông nghiệp đã nhiều năm gắn bó với vựa lúa ĐBSCL xung quanh những giải pháp ứng phó với hạn, mặn.
TS Lê Văn Bảnh
* Phóng viên: Thưa ông, hạn hán và xâm nhập mặn đang gây ra những thiệt hại khá lớn cho nông dân trồng lúa và cả nuôi thủy sản, rau màu, cây ăn trái… ông nhận định thế nào khi tình hình càng lúc càng phức tạp hơn?
* TS LÊ VĂN BẢNH: Đúng là hạn, mặn đang gây khó khăn cho nhiều nơi trong cả nước, nhất là các tỉnh ĐBSCL - vùng sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp chủ lực. Qua theo dõi thì hạn, mặn hiện nay chưa có điểm dừng và sẽ còn tiếp tục khốc liệt hơn trong các tháng 4, 5, 6. Tuy nhiên, về cơ bản xảy ra hạn, mặn là không bất ngờ, bởi hàng chục năm trước các nhà khoa học và ngành chức năng đã dự báo về hạn, mặn sẽ gay gắt ở ĐBSCL. Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng tại Việt Nam của Bộ TN-MT thì mực nước biển ở ĐBSCL có thể dâng cao thêm 100cm vào năm 2100, khi đó khoảng 40% diện tích khu vực này sẽ bị nước mặn xâm nhập. Thực tế thời gian qua, các bộ ngành trung ương, các địa phương… đã tích cực tuyên truyền để chính quyền và người dân hiểu; đồng thời tổ chức nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Đối với đợt hạn, mặn dữ dội hiện nay có thể xem như là thiên tai “kép” khi mà nắng nóng, khô hạn kèm theo xâm nhập mặn hoành hành trên diện rộng.
* Nhiều người xem nước mặn như là một tác hại và đề xuất chống triệt để. Vậy theo ông, chúng ta cần ứng phó gì với hạn, mặn hiện nay cũng như về lâu dài.
* Chúng ta cần xác định rõ mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn đã, đang và sẽ diễn ra như thế nào, mức độ ra sao… từ đó tìm ra giải pháp phù hợp về trước mắt cũng như lâu dài. Vấn đề đặt ra là chúng ta đối phó hay thích nghi với hạn, mặn. Thời gian qua các địa phương đã thực hiện nhiều công trình đối phó với hạn, mặn nhưng tính hiệu quả chưa cao bởi làm manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết. Tôi lấy ví dụ như ở Israel có nhiều diện tích đất là sa mạc nhưng họ vẫn phát triển những dự án nông nghiệp hàng đầu thế giới; hay như Hà Lan có khoảng 27% diện tích nằm dưới mực nước biển nhưng lại là quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu châu Âu. Do đó, vấn đề nông nghiệp ĐBSCL là cần thích nghi với điều kiện hạn, mặn hiện tại cũng như trong tương lai; bởi chống lại thiên nhiên bao giờ cũng khó hơn tìm cách thích nghi với thiên nhiên. Tóm lại, chúng ta rất khó mà “bẻ nạng chống trời”.
Nông dân vùng ven sông Hậu (tỉnh Vĩnh Long) trồng rau màu ngay mùa hạn cho thu nhập cao
* Vậy theo ông, chúng ta nên thích nghi bằng cách nào?
* Cần nhìn nhận rằng, nước mặn có cái hại nhưng cũng có cái lợi. Vì vậy, để thích nghi trong điều kiện hạn, mặn hiện tại và lâu dài thì phải tổ chức lại sản xuất nền nông nghiệp ĐBSCL một cách hợp lý, khoa học. Dựa vào điều kiện sinh thái của từng địa phương, từng nơi như vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn, vùng nước lợ… để đưa ra mô hình sản xuất phù hợp cây gì, con gì. Vấn đề này Nhà nước phải tiên phong và khi tìm ra phương án sản xuất hiệu quả cho từng nơi thì khuyến cáo nông dân áp dụng.
Thực tế cho thấy ở các vùng ven biển ĐBSCL có rất nhiều nông dân nuôi tôm cho thu nhập cao gấp hàng chục lần so làm lúa; rồi những vùng trồng cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… mang lại kinh tế cũng rất cao; những vùng trồng rau màu ở An Giang, Vĩnh Long… có thể sản xuất quanh năm và làm ngay mùa khô hạn hiện nay mà vẫn cho hiệu quả hơn cây lúa. Song song với việc chuyển đổi sản xuất thì phải đẩy mạnh việc nghiên cứu giống lúa chịu mặn. Hiện ở ĐBSCL đã có những giống lúa thích ứng với độ mặn 4‰. Mặt khác, áp dụng phương thức giảm thời gian để cây lúa đứng trên đồng, bằng cách gieo mạ để cấy ở những vùng thiếu nước tưới, bị ảnh hưởng hạn, mặn… Đối với cây ăn trái cũng tăng cường nghiên cứu các giống có khả năng thích nghi, chống chịu mặn tốt.
* Hướng mở là vậy, nhưng thực tế việc chuyển đổi sản xuất ở nhiều nơi vẫn rất khó khăn?
* Đây là vấn đề nan giải. Mấy ngày qua có nhiều ý kiến cho rằng không nên ép dân trồng lúa, hoặc nếu bỏ lúa thì trồng cây gì có hiệu quả hơn… Việc này rất bức thiết và giải quyết không đơn giản. Tôi lấy ví dụ, nhiều năm rồi cả nước luôn thiếu bắp lai và đậu nành để cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn. Các địa phương cũng khuyến cáo nông dân trồng bắp, đậu nành, nhưng thực tế diện tích phát triển thấp. Nếu như cây lúa chúng ta đã cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch… rất tốt; trong khi sản xuất cây bắp vẫn phụ thuộc nhiều vào thủ công, nên chi phí giá thành cao. Các nhà máy chế biến thức ăn nói, họ nhập nguyên liệu nước ngoài rẻ hơn mua trong nước khoảng 30%, chưa kể độ đồng đều cao, chất lượng tốt… vì vậy bắp và đậu nành nội địa không cạnh tranh lại. Nói điều này để thấy rằng, khi chúng ta chuyển đổi mô hình sản xuất thì phải làm đồng bộ, có sự đầu tư bài bản, tới nơi… mới đem lại hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại trên, theo tôi việc chuyển đổi sản xuất nên gắn với nhu cầu thị trường. Ở đó, vai trò của doanh nghiệp là khá quan trọng. Chúng ta nên kéo doanh nghiệp vào cùng ngồi với nông dân, với ngành chức năng, nhà khoa học… bàn giải pháp nếu giảm lúa ở nơi này, nơi khác (tùy theo từng vùng) thì nên chuyển sang trồng cây gì, con gì, bán ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu, hiệu quả ra sao. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng và quyết định sự thành bại của việc chuyển đổi sản xuất thích nghi với hạn, mặn. Cái khó thời gian qua là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quá ít, vì thế Nhà nước có cơ chế mạnh hơn nữa để kéo nhiều doanh nghiệp nhảy vào nông nghiệp.
Tôi xin lưu ý thêm rằng, việc thích nghi với hạn, mặn và chuyển đổi cơ cấu sản xuất cần xem lại yếu tố liên kết vùng. Tránh tình trạng từng địa phương mạnh ai nấy làm sẽ rất tốn kém, rồi chồng chéo nhau và hiệu quả không cao. Câu hỏi đặt ra là chuyện liên kết vùng đã được nói rất lâu, bàn bạc nhiều lần, nhưng tới nay cứ ì ạch…
* Xin cảm ơn ông.
HUỲNH LỢI (thực hiện)
Nông dân không còn lo bị ép giá
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Trước đây, vào mùa thu hoạch, không ít nông dân bị tiểu thương ép giá. Các loại nông sản được tư thương đến thu mua tại nhà, trong vườn hoặc người dân đem đến các đại lý gần nhất để bán. Nông dân do không nắm chắc giá cả nên dễ bị tiểu thương ép giá.
Nông dân bán hạt điều cho một đại lý ở xã Bom Bo (Bù Đăng)
Ngày nay, nông dân đã được sự hỗ trợ đắc lực từ các phương tiện hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính... Ông Nguyễn Hoàng Nam ở xã Lộc Tấn (Lộc Ninh, Bình Phước) cho biết: “Tôi có chiếc iPhone 6 có thể vào mạng tra cứu giá cả hàng hóa, nông sản hằng ngày, hằng giờ. Chỉ cần điện thoại cho bạn bè là biết ngay giá tại một số nơi khác”.
Điện thoại thông minh, máy vi tính ngày nay cũng rất đa dạng và tiện lợi, chỉ cần một tin nhắn, một “cú lướt web” nhà nông có thể biết ngay giá của tất cả mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, cũng có thể đăng tin mua - bán nông sản với đối tác ở nhiều nơi. Một số nông dân cho biết, hiện nay phần mềm tra cứu giá cả được tải miễn phí. Sau khi cài đặt thành công phần mềm, chỉ cần một thao tác đơn giản có thể biết được giá các loại nông sản.
Anh Điểu Hiếu, ngụ xã Đồng Nai (Bù Đăng) cho biết: “Giá điều tuần trước ở xã Đồng Nai tư thương mua 28.000 đồng/kg nhưng tại thị trấn Đức Phong người ta mua đến 34.000 đồng/kg. Tôi nói đại lý nhưng họ không tăng giá nên tôi chở 4 bao điều ra thị trấn Đức Phong bán. Trừ chi phí đi lại còn 33.000 đồng/kg. Thời gian đi cũng chỉ mất nửa tiếng đồng hồ”.
Ngoài mạng lưới thông tin, hiện đường giao thông ở các vùng nông thôn trong tỉnh cũng được nâng cấp, thuận tiện cho nông dân tiêu thụ nông sản. Việc cập nhật giá kịp thời đối với người dân không còn khó khăn. Ông Điểu Hưng, ngụ ấp 1, xã Thống Nhất (Bù Đăng) nói: “Có tin đồn xuất khẩu điều ở Bình Phước năm nay sẽ giảm. Vì thế, nhiều đại lý đã ép giá nông sản của nông dân, chỉ thu mua 25.000 đồng/kg điều. Tôi đã chỉ rõ đó là “tin đồn” và đại lý đã sửa lại giá thu mua cho nông dân”.
Kim Tiến
Giải pháp cho sản xuất sau hạn hán và xâm mặn
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Trước ảnh hưởng trực tiếp của hạn hán, xâm nhập mặn đến cây trồng và vật nuôi, để vụ mùa năm 2016 đạt hiệu quả cao thì những giải pháp xử lý rửa mặn trên đất lúa - tôm, tuân thủ lịch thời vụ và các loại giống lúa cho sản xuất khi mùa mưa đến là những vấn đề quan trọng mà người dân trong tỉnh cần nắm để chủ động hơn trong vụ mùa.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau Nguyễn Trần Thức cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương thì hiện tượng nắng nóng sẽ kéo dài, đến tháng 6 mới có mưa trở lại. Nếu kịch bản này xảy ra sẽ ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh.
Nông dân ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đốt bỏ ruộng lúa bị thất trắng do hạn hán, xâm mặn.
Theo đó, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài dẫn đến khó cải tạo đất, kéo theo các trà lúa trễ vụ so với hằng năm; khó cho việc rửa mặn đất trên vuông tôm, giảm diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, giảm năng suất tôm nuôi và thu nhập của người dân cũng sẽ giảm đi. Nhiều diện tích rừng bị khô nước, nhất là diện tích rừng giao khoán cho người dân.
Trong lĩnh vực thuỷ sản, nắng nóng cộng với triều cường sẽ dẫn đến độ mặn tăng cao, nhất là những vùng nội địa, vượt khả năng thích nghi của các loài thuỷ sản. Chi phí cho vụ nuôi sẽ tăng cao, nhưng năng suất thấp. Trong lĩnh vực chăn nuôi, sức đề kháng của vật nuôi sẽ giảm, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm, dẫn đến chất lượng nước ngầm giảm thấp. Nhất là ở các xã ven biển thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời. Ngoài ra, triều cường, độ mặn tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các công trình thuỷ lợi ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất, gây thiệt hại sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là những hộ ven biển…
Theo ông Nguyễn Trần Thức, để chuẩn bị cho vụ mùa năm 2016, ngành chức năng cũng như người dân cần thực hiện 2 giải pháp cơ bản trước mắt. Về giải pháp phi công trình: Tiếp tục theo dõi dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai. Chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, từ đó chủ động ứng phó với thiên tai.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ảnh hưởng của El Nino. Điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi để thích ứng với mùa vụ. Bố trí lịch thời vụ phù hợp cho cây trồng và vật nuôi. Khuyến cáo người dân sản xuất giống lúa vừa có năng suất, chất lượng theo nhu cầu của thị trường, cả lúa cao sản và lúa - tôm.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các mô hình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu như IPM, mô hình nấm xanh trên cây lúa, cánh đồng lớn… các biện pháp bón phân cho cây, chống sâu bệnh…
Phải tổ chức lại sản xuất, thực hiện công tác liên kết nông dân với các công ty, doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản của nông dân. Hỗ trợ kịp thời những chính sách về vốn cho nông dân bị thiệt hại vừa qua, nhất là chính sách ưu tiên cho trồng trọt. Về hệ thống nước ngầm, cần có sự điều tra, đánh giá lại trữ lượng nước ngầm để khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Xử lý những giếng nước bỏ hoang gây ô nhiễm…
Về giải pháp công trình: Cần kiểm tra, khảo sát lại hệ thống cống để có kế hoạch duy tu, sửa chữa. Đồng thời, đẩy mạnh các dự án công trình mới để chủ động được việc điều tiết nước, ngăn mặn, giữ ngọt; bảo đảm độ sâu kinh mương, dòng chảy thông thoáng./.
Hoàng Diệu