Sở NN& PTNT TP.HCM: Sẽ tổ chức Hội chợ - Triển lãm công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản TPHCM lần II và Hội chợ Hàng khuyến mại quận Tân Bình
Nguồn tin: Khuyến nông TPHCM
Nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực phẩm chế biến của các tổ chức, doanh nghiệp thành phố và tỉnh, thành trong cả nước. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội giới thiệu công nghệ bảo quản sau thu hoạch, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản. Đồng thời tạo cầu nối hiệu quả giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng gặp gỡ, liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng qua đó tìm đối tác, kinh doanh. Từ ngày 13 đến ngảy 17/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình sẽ tổ chức “Hội chợ - Triển lãm công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản TP.HCM lần II và Hội chợ Hàng khuyến mại quận Tân Bình” tại Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Tân Bình (Số 446 – 448 Hoàng Văn Thụ, Phường 4, Q. Tân Bình, TP.HCM).
Hội chợ - Triển lãm lần này có 250 gian hàng với 02 khu: Khu Hội chợ - Triển lãm công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản (150 gian hàng) giới thiệu các giống cây, giống con có năng suất cao và đạt hiệu quả kinh tế, sản phẩm nấm linh chi, bào ngư; Các chế phẩm hóa sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường; hệ thống nhà lưới, nhà kính tiên tiến; Giới thiệu máy móc, thiết bị phục vụ chăn nuôi – thủy sản và công nghệ sau thu hoạch; Các loại men, vaccin trong chăn nuôi, thủy sản; Giống cỏ mới, các sản phẩm thủy sản đặc sắc của Thành phố, các sản phẩm làng nghề truyền thống như đan đát, mành trúc, mây, tre, lá; Khu Hội chợ Hàng khuyến mại với 100 gian hàng trưng bày mua bán các mặt hàng thời trang, quần áo, túi xách, giày dép, đồ gia dụng, mỹ phẩm… với nhiều chương trình khuyến mại phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trong khuôn khổ hội chợ, còn diễn ra Hội thảo “Giới thiệu các công nghệ chế biến sau thu hoạch, quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn trong chế biến thực phẩm” nhằm giới thiệu các công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ chế biến thực phẩm; Trao đổi, hướng dẫn các phương thức quản lý chất lượng sau thu hoạch nhằm giảm thiểu tổn thất, gia tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ 100% phí thuê gian hàng (tối đa 02 gian hàng/đơn vị) đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành và Viện, Trường, Trang trại, Hợp tác xã, các Tổ hợp tác, doanh nghiệp cung cấp máy móc, thiết bị, công nghệ chế biến sau thu hoạch trên địa bàn Thành phố với số lượng khoảng 150 gian hàng.
Mọi chi tiết xin liên hệ Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp TP.HCM (số 186 Nguyễn Văn Thủ, P. ĐaKao, Quận 1, TP.HCM). Điện thoại: (08) 38 22 94 27 – (08) 38 22 94 31.
Vân Tâm
Tuy An (Phú Yên): Hơn 1.400ha chuối bị hư hại do khô hạn
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích chuối trên địa bàn huyện bị hư hại.
Số diện tích chuối này tập trung tại các xã An Lĩnh, An Xuân và An Thọ, với trên 1.425ha; trong đó 1.250ha hư từ 70% trở lên, không còn khả năng cho trái hoặc duy trì sinh trưởng. Nông dân phải chặt chuối, tận dụng phần thân làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hoặc lột lấy bẹ phơi khô để bán cho các tư thương thu mua làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng thủ công.
Chuối là cây trồng chủ lực ở các xã vùng núi huyện Tuy An, với diện tích ổn định từ 1.600-1.700ha, năng suất bình quân từ 27-30 tấn/ha. Nhiều hộ ở các xã An Lĩnh, An Xuân và An Thọ đã thoát nghèo nhờ trồng chuối. Do vậy, khi cây trồng này bị hư sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân nơi đây.
KHẮC NHO
Thấp thỏm trước vụ mía mới
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Nông dân ĐBSCL chuẩn bị bước vào thu hoạch mía với nhiều lo âu. Họ thấp thỏm bởi nhiều nhà máy đường (NMĐ) đã đóng cửa do thua lỗ. Các NMĐ còn lại có đưa ra giá bao tiêu, song rất thấp. Nhiều nông dân nói, trồng mía giờ kiếm lời rất khó nhọc nhưng hoàn cảnh của họ như thế chẳng đặng đừng không còn lựa chọn!
Nhiều nhà máy đường rơi vào tình thế phá sản
Cách đây gần 20 năm, các tỉnh ĐBSCL đua nhau xuất ngân sách nhập khẩu thiết bị về làm NMĐ. Đó là thời điểm ĐBSCL có gần 100.000ha trồng mía. Cây mía trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Lúc đường cát bán được giá, các NMĐ tranh nhau quyết liệt mua mía nguyên liệu. Lúc đường rớt giá, các nhà máy “làm lơ” vùng nguyên liệu, ép giá bán, khiến vùng nguyên liệu luôn rơi vào cảnh bấp bênh. Các nhà máy từng bước được cổ phần hóa, sau gần 20 năm, các địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh… đã bán hết phần vốn cổ phần của Nhà nước cho tư nhân. Và các NMĐ ngày càng rơi vào cảnh bế tắc: thiết bị sản xuất xuống cấp lạc hậu, công nghệ sau đường chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, kênh phân phối thị trường luôn phải đối diện với áp lực đường lậu từ Thái Lan tràn vào khiến các NMĐ rơi vào cảnh khốn đốn.
Đó là những nguyên nhân chính khiến các NMĐ ở ĐBSCL phá sản. Trước đây, ĐBSCL có 10 NMĐ nhưng hiện nay 6 nhà máy đã đóng cửa (nhiều nhà máy chờ bán thiết bị). Đó cũng là lý do dẫn đến diện tích trồng mía của nông dân trồng vùng ngày càng giảm sâu: từ 100.000ha đến nay chỉ còn khoảng 35.000ha. Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được xem là nơi còn lại vùng nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL. Thời cao điểm, huyện Phụng Hiệp có gần 15.000ha mía, đạt sản lượng cao nhất ĐBSCL với 1 triệu tấn mía nguyên liệu/năm. Nhưng do sản xuất bấp bênh, giá mía nguyên liệu liên tục giảm, nông dân đã ban liếp trồng các loại cây khác nay chỉ còn trên 6.000ha.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá sàn bảo hiểm mà Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) ký kết trong vụ mía năm nay là 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường tại ruộng. “Cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đường hiện nay hết sức khó khăn. Chúng tôi đang giám sát chặt việc điều phối phương tiện và thu mua mía của nông dân từ Casuco. Hy vọng phía công ty sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết với nông dân trồng mía Hậu Giang”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Hàng chục ngàn nông dân từ Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng đến Hậu Giang có điều kiện đã ban bỏ liếp mía để trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nông dân ở chính những vùng đó đang loay hoay trồng lại cây mía với nỗi lo thấp thỏm thua lỗ. “Nhiều nông dân ở đây có điều kiện đã bỏ tiền thuê ban liếp mía để trồng lại khóm, dưa hấu, chanh không hạt. Gia đình tôi cũng như nhiều bà con còn trồng mía ở đây cũng sốt ruột. Nhưng hoàn cảnh thì eo hẹp, tiền đâu để thuê người ban liếp, tiền đâu để đầu tư trồng cây khác…? Cố bám trụ trồng mía tiếp với hy vọng có lời - dù điều đó rất bấp bênh” - lời tâm sự của lão nông Điền Văn Bảnh ở Phụng Hiệp cũng là nỗi niềm của hàng chục ngàn nông dân ĐBSCL còn bám trụ trồng mía hiện nay.
CAO PHONG
Kinh nghiệm trong chăn nuôi của người Mơnông ở Bình Phước
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Mơnông ở Bình Phước trong quá trình sinh sống đã tích lũy kinh nghiệm vô cùng phong phú. Trong đó, kinh nghiệm chọn giống vật nuôi không chỉ là thành tố văn hóa tộc người mà còn có ý nghĩa tích cực trong đời sống của đồng bào hiện nay.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao thì việc lựa chọn vật nuôi đòi hỏi phải có kinh nghiệm từ khâu chọn giống đến chăm sóc. Đối với người Mơnông ở Bình Phước, một con trâu đẹp là phải tuyền sắc, cơ thể cân đối, vai nở, sừng cân xứng không vểnh, lông phải nhất màu, trâu đen thì đen đều, trắng thì trắng đều, không có khoang trắng ở cổ, đuôi dài, móng tròn đều. Khi chọn tránh những con chân đi chạm kheo (khi bước đi chân trâu không chạm vào nhau). Người Mơnông ở Bình Phước không dùng trâu làm sức kéo, tuy nhiên việc chọn giống trâu kỹ vì đối với họ trâu là con vật để làm của và hiến tế khi có đại sự. Những con trâu lựa chọn theo kinh nghiệm dân gian có sức khỏe tốt, dễ nuôi, mau lớn, tránh được dịch bệnh; trâu cái thì dày lứa, dễ đẻ và trâu đực thì nhiều thịt, phối giống tốt.
Trâu là vật nuôi quan trọng của người Mơnông ở Bình Phước
Ngoài ra, việc chọn giống chó cũng cần nhiều kinh nghiệm. Người Mơnông ở Bình Phước thường đi săn trong rừng theo nhóm nên họ nuôi chó săn theo bầy, đàn từ 3-5 con. Những con chó tốt có biệt tài trong tìm dấu vết con mồi nên thợ săn cứ theo đàn chó thì sẽ tìm được con thú. Do đó, người Mơnông ở Bình Phước nuôi chó chủ yếu là để đi săn, đi rẫy, đi rừng và giữ nhà.
Ông Điểu Rem ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết: “Khi chọn giống chó nuôi hay chó săn phải là chó đực, lông mượt, móng đeo, đốm lưỡi, tai cụp hoặc vểnh đều tốt. Đặc biệt bụng dưới phải có lông ôm kín. Chó có lông dưới bụng nhiều là chó thông minh, nhanh nhẹn và gan dạ. Mõm chó phải thon đều, nếu chó có lông màu trắng hoặc màu vàng mà mõm đen là chó hay ăn vụng, bắt gà nuôi. Chó to khỏe, bụng thon, lông mượt, nhất thể (một màu), nằm ngủ ở tư thế 2 chân sau co, hai chân trước duỗi thẳng, mõm kề lên 2 chân trước là giống chó săn tốt”.
Bên cạnh đó, người Mơnông còn chú trọng việc chọn giống gà mái đẻ và nuôi con. Với giống gà đẻ thì phải chọn những con chân to khỏe, ngắn, tướng đi chậm nhưng vững chãi, cánh to rộng mới mắn đẻ. Khi nuôi con gà mái chân khỏe bới được nhiều thức ăn. Sải cánh rộng, to là “mái nhà” trú ẩn cho đàn con khi gặp phải các loài chim, thú ăn thịt. Còn gà trống làm giống thì cẳng chân phải nhỏ, đùi to, cổ cao, lông mượt dài, mồng cục, tai gà nhỏ, mỏ to, cựa ngắn thì mới là giống gà khỏe, biết nhường gà con và có thể bảo vệ bầy đàn.
Cùng với đó, trải qua nhiều thế hệ đồng bào cũng rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc chọn heo. Đối với người Mơnông, heo là vật nuôi thả rông để cung cấp thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, đồng thời cũng là con vật dùng để hiến tế trong các nghi lễ quan trọng. Do đó việc chọn giống rất quan trọng. Người Mơnông ở Bình Phước chủ yếu nuôi heo lông và da đen. Ông Điểu Bi ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng cho biết: “Những con heo được chọn làm giống phải có mõm không ngắn quá hoặc dài quá, vai và hông nở, miệng rộng, đuôi dài, móng tròn, tướng đi đủng đỉnh, phàm ăn, lông có màu đen mới nạc nhiều và ngọt thịt...”.
Trong sản xuất nông nghiệp, người Kinh có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp” thì người Mơnông ở Bình Phước xem trâu, gà, heo, chó... cũng có vai trò quan trọng như vậy. Đây là những con vật rất gần gũi, thân thiết, gắn bó trong lao động, sản xuất và sinh hoạt văn hóa tinh thần. Những kinh nghiệm của người Mơnông ở Bình Phước được đúc kết, tích lũy từ thực tiễn, do đó việc lưu giữ và phát huy không những có giá trị trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người mà còn thiết thực trong đời sống của đồng bào nơi đây.
Tô Huê
Vĩnh Phúc: Tiếp sức người chăn nuôi vượt khó
Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc
Hỗ trợ tiền, con giống, thức ăn chăn nuôi; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay… là những động thái tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng nhằm giúp người chăn nuôi trên địa bàn bị thiệt hại, ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hộ anh Phùng Quang Cường, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) chuyển đổi từ nuôi lợn sang mô hình chăn nuôi gà theo hướng VietGAP. Ảnh: Chu Kiều
Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi cả nước. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 14/8/2019, bệnh dịch xảy ra tại hơn 5.500 hộ, ở tất cả 9/9 huyện, thành phố, với tổng số lợn bị tiêu hủy trên 94.000 con (khoảng 12% tổng đàn lợn của tỉnh). Trước những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh gây ra, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã vào cuộc,triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng chống, khống chế bệnh dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn trên địa bàn và yêu cầu không mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn ốm, chết và không rõ nguồn gốc.
Khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn ồ ạt trong thời gian này, trong chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch. Hỗ trợ kỹ thuật, giống, giúp người chăn nuôi chuyển sang các mô hình sản xuất khác để có thêm thu nhập, đảm bảo kinh tế gia đình. Giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 5.500 hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ ngày 27/3 - 14/8/2019, với tổng kinh phí dự kiến 180 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Lân, Phó Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông) cho biết: Để chủ động ngăn chặn, phòng dịch tả lợn Châu Phi, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi lợn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp, quy trình kỹ thuật về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, đơn vị triển khai thí điểm việc sử dụng chế phẩm Nano - Bạc trong chăn nuôi tại một số hộ trên địa bàn. Qua đánh giá cho thấy, việc sử dụng chế phẩm Nano - Bạc trong chăn nuôi có tác dụng hỗ trợ ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Thực tế, nhiều hộ ở vùng tâm dịch vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Lân nhấn mạnh, Nano - Bạc chỉ là chế phẩm sinh học có tác dụng hỗ trợ, còn việc ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch về cơ bản vẫn phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Ngoài việc triển khai thí điểm chế phẩm sinh học Nano- Bạc, hỗ trợ người chăn nuôi lợn phát triển, chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi mới để có thêm thu nhập, vượt qua khó khăn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ chăn nuôi gà VietGAP. Cụ thể, hỗ trợ 10.000 gà giống, 30% thuốc thú y, vacxin, thức ăn cho 13 hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Yên Lạc, Tam Dương, thành phố Phúc Yên.
Anh Phùng Quang Cường, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) cho biết: Trước gia đình nuôi cả gà và lợn nhưng do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, thời gian qua, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1.000 gà giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng VietGAP. Được hỗ trợ về kỹ thuật, 100% giống, 30% thuốc thú y, thức ăn nên việc chăn nuôi khá thuận lợi, sau 3 tháng, đàn gà phát triển tốt, trọng lượng gà đạt khoảng 1,6 kg/con, tỷ lệ sống đạt 97%. Mong rằng, thời gian tới, tỉnh, ngành nông nghiệp tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ giúp người chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.
Không chỉ có chính quyền các cấp, ngành chức năng chia sẻ, đồng hành cùng người chăn nuôi lợn mà các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng có sự hỗ trợ tích cực như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay…
Ông Bùi Xuân Hữu, Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Chi nhánh Tam Dương chia sẻ: Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thua lỗ nặng. Thực hiện chỉ đạo, định hướng của cấp trên, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương hỗ trợ các hộ vay vốn chăn nuôi lợn bị thiệt hại để người chăn nuôi biết, chủ động tiếp cận khi có nhu cầu; tiến hành rà soát, thống kê các khách hàng vay vốn vào mục đích chăn nuôi lợn, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng của khách hàng để có phương án hỗ trợ cụ thể. Khách hàng bị thiệt hại do dịch lợn tả Châu Phi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định sẽ được cơ cấu lại khoản nợ, giãn tiến độ trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay.
Qua rà soát, Ngân hàng No&PTNT Chi nhánh Tam Dương có gần 30 khách hàng có lợn bị tiêu hủy do mắc dịch tả lợn Châu Phi với dư nợ hơn 5 tỷ đồng.Đối với các khách hàng có nhu cầu tái đầu tư chăn nuôi và các trường hợp bị thiệt hại do dịch lợn tả Châu Phi nhưng chưa có quan hệ tín dụng với ngân hàng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.
Với những nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành chức năng và của chính người chăn nuôi, tin rằng các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn sẽ sớm vượt qua khó khăn, phát triển ổn định, đưa chăn nuôi lợn trở thành ngành hàng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Trần Tỉnh
Hiếu Giang tổng hợp