Bố Trạch (Quảng Bình): Năng suất lạc cao nhất trong vòng 4 năm qua
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Những năm gần đây, diện tích trồng lạc của một số địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) có xu hướng giảm. Tuy nhiên, năng suất lạc năm 2019 của Bố Trạch đạt 23,3 tạ/ha, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và khá đồng đều giữa các địa phương.
Các cơ sở chế biến tinh dầu lạc góp phần nâng cao giá trị cây lạc và tăng thu nhập cho người nông dân.
Trong giai đoạn 2016-2019, diện tích trồng lạc toàn huyện là 1.163 ha, giảm 6,7% so với năm 2015. Tuy giảm về diện tích, nhưng nhờ đưa các giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, như: L14, L23, SVL1, nên năng suất lạc tăng mạnh, riêng năm 2019 đạt cao nhất từ trước tới nay (23,3 tạ/ha). Sản lượng lạc trong 4 năm qua đạt trung bình 2.500 tấn, tăng 8,8% so với năm 2015.
Giai đoạn 2016-2019, thông qua các đề án, người trồng lạc ở các địa phương được hỗ trợ giá cho 240 tấn lạc giống các loại với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hỗ trợ gần 350 triệu đồng.
Một số địa phương, như: Phúc Trạch, Hưng Trạch, đã xây dựng chuỗi liên kết giá trị giữa người dân và các cơ sở chế biến tinh dầu lạc, góp phần nâng cao giá trị cây lạc và tăng thu nhập cho nông dân.
Hiện, toàn huyện đã hình thành 4 tổ hợp tác trồng lạc tại các địa bàn có diện tích trồng lạc lớn nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các hộ với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, qua đó, tạo được sự bền vững trong chuỗi sản xuất lạc.
Hồng Thắm (Đài TT-TH Bố Trạch)
Đề xuất hỗ trợ người trồng mía
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Với những khó khăn người trồng mía đang gặp phải, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) vừa đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân trong quá trình đầu tư, chăm sóc, phát triển cây mía đường.
Hàng trăm héc-ta mía đường vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Nin hHòa đã thu hoạch bằng máy.
Xác xơ vùng mía
Trong 3 niên vụ gần đây, người trồng mía trên toàn tỉnh Khánh Hòa luôn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài đang tác động ngày một xấu hơn đến cây mía, nhất là trong điều kiện hầu hết diện tích mía hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Theo lãnh đạo BHS-NH, niên vụ 2019 - 2020, từ tháng 4 đến nay, tổng lượng mưa ở vùng nguyên liệu Ninh Hòa chưa đầy 300mm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Điều này ảnh hưởng lớn đến thời vụ trồng và chăm sóc mía, tỷ lệ mía gốc tái sinh chưa đầy một nửa so với năm trước. Cũng do nắng nóng, hơn 3 tháng qua, diện tích mía bị cháy trong toàn vùng nguyên liệu là 185ha, mức độ thiệt hại 100%. Nguy cơ cháy mía hiện nay vẫn rất lớn. Ngoài ra, do ít được chăm sóc, tình hình sâu bệnh đục thân, sùng đất, bệnh trắng lá mía… phát triển mạnh và lây lan thành dịch. Chưa kể, từ tháng 6 đến nay, gió tây nam thổi mạnh, mang theo hơi nóng đang ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây mía. Ước tính có đến 95% diện tích mía của vùng nguyên liệu BHS-NH tại Ninh Hòa bị chết khô.
Cũng theo BHS-NH, ở vùng nguyên liệu Ninh Hòa, diện tích niên vụ 2019 - 2020 đến nay chưa đầy 5.500ha, giảm hơn 1.400ha so với niên vụ trước. Diện tích giảm mạnh ngoài yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài, mía tái sinh kém và chết gốc, không có nước tưới, còn do người trồng mía không chăm sóc. Vì vậy, BHS-NH dự kiến năng suất bình quân niên vụ tới chỉ đạt 39 tấn/ha, giảm 10,5 tấn/ha so với niên vụ trước. Điều này kéo theo sản lượng sẽ giảm 128.000 tấn.
Người trồng mía xã Ninh Xuân vất vả ứng phó với cháy mía vào đầu tháng 8.
Đề nghị Nhà nước cùng hỗ trợ
Với tình hình trên, BHS-NH đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định vùng nguyên liệu. Cùng với việc quy hoạch lại diện tích vùng nguyên liệu, tổ chức điều tra, xác định diện tích có khả năng trồng lại mía tơ, nhất là ở những khu vực có thể cơ giới hóa ở các khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch, công ty còn cùng với người trồng mía tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hiệu quả của cây mía. Theo BHS-NH, hiện nay, hầu hết diện tích vùng nguyên liệu của công ty ở Ninh Hòa đều khá nhỏ lẻ, bình quân mỗi thửa mía chỉ đạt khoảng 1,2ha, điều này khiến cho việc áp dụng cơ giới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc khuyến khích thực hiện chương trình cánh đồng liên kết, tạo nên những cánh đồng rộng lớn, áp dụng chung một quy trình sẽ giảm được chi phí đầu tư, tăng năng suất và hiệu quả.
Trong buổi làm việc với UBND thị xã Ninh Hòa mới đây, BHS-NH đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ người trồng mía. Cụ thể, đối với diện tích mía đã đầu tư niên vụ này, BHS-NH đang vay vốn ngân hàng đầu tư cho người trồng mía 60 tỷ đồng với mức lãi suất 9%/năm. Doanh nghiệp mong muốn UBND thị xã Ninh Hòa có ý kiến với các đơn vị liên quan giảm 60% mức lãi suất vốn vay đầu tư cho người trồng mía. Đối với diện tích mía bị cháy hoàn toàn, không có khả năng tái sinh (185ha), công ty sẽ hỗ trợ 30% chi phí giống mía, đề nghị ngân sách hỗ trợ 70% (khoảng 5.670.000 đồng/ha) để người dân có điều kiện tái sản xuất. Ở một số nội dung khác, công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí cày ngầm khoảng 1,6 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để nông dân đào hố trồng mía bằng máy khoảng 12 triệu đồng/ha, BHS-NH sẽ hỗ trợ 30%, đề xuất ngân sách hỗ trợ 30% chi phí này. Ngoài ra, BHS-NH cũng mong muốn Nhà nước cùng doanh nghiệp chung tay hỗ trợ nông dân trồng mía ở các nội dung giống mía, chăm sóc, thu hoạch mía.
Qua tính toán, tổng chi phí hỗ trợ đầu tư niên vụ mía 2019 - 2020 ở vùng nguyên liệu mía Ninh Hòa của BHS-NH hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp chiếm khoảng một nửa, 50% còn lại đề xuất ngân sách hỗ trợ. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, với những đề xuất của BHS-NH, thị xã cơ bản thống nhất; đề nghị công ty hoàn thiện văn bản, trình UBND thị xã để xem xét, đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ cho người trồng mía. Tuy nhiên, với khoảng 11.000ha mía hiện nay, theo kế hoạch đến năm 2020, Ninh Hòa sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 9.200ha. Vì vậy, hoạt động đẩy mạnh đầu tư nhằm tạo nên vùng sản xuất nguyên liệu rộng lớn, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật… phải được xem xét ở những vùng, khu vực trọng yếu về cây mía. Ở các địa phương có diện tích manh mún, nhỏ lẻ, không đủ điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch sẽ được định hướng chuyển sang các loại cây trồng khác.
HỒNG ĐĂNG
Đak Pơ (Gia Lai): Mất mùa mì
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài cộng với bệnh khảm lá vi rút, nhiều diện tích mì ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) vụ này ra rất ít củ, củ cũng nhỏ hơn so với vụ trước. Đã vậy, khi bước vào vụ thu hoạch lại bị mưa làm thối củ, giá mì tươi giảm khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ.
Năm nay, gia đình bà Lý Thị Luyện (thôn 5, xã An Thành) trồng 3 ha mì. Ngoại trừ hom giống có sẵn từ những năm trước, để trồng 3 ha mì, bà phải đầu tư 25 triệu đồng tiền phân bón, chưa kể thuê nhân công. Thế nhưng, với tình hình cây mì bị thối củ và giá giảm như hiện nay, gia đình bà xem như trắng tay. “Đám mì này năm ngoái tôi thu được 130 triệu đồng. Nhưng năm nay, đầu mùa thì nắng dữ quá, củ ít, không lớn được. Khi thu hoạch thì gặp mưa, mì bị thối củ. Sản lượng thu được từ đám mì này không bằng một nửa năm ngoái. Giá mì tươi cũng chỉ được 1.500 đồng/kg, trong khi năm ngoái là hơn 2.000 đồng/kg”-bà Luyện than thở.
Năng suất mì ở huyện Đak Pơ giảm nhiều so với năm trước. Ảnh: N.H
Chung cảnh ngộ với bà Luyện là hộ ông Nguyễn Văn Chính (thôn 3, xã Hà Tam). Năm nay, ông Chính đầu tư trồng hơn 7 ha mì. Ông Chính cho biết: Trong vụ này, đám mì nào đẹp thì năng suất đạt khoảng 1,5 tấn/sào trong khi năm ngoái năng suất trung bình đạt 2 tấn/sào. Nguyên nhân mì giảm năng suất là do nắng hạn kéo dài vào thời điểm đầu vụ. Giá mì tươi loại 30 độ bột bán tại nhà máy hiện là 2.300 đồng/kg, nhưng đa phần mì chỉ đạt khoảng 24-25 độ, thành ra giá cũng thấp hơn. Còn nếu bán tại rẫy thì giá chỉ khoảng 1.300-1.400 đồng/kg.
Ông Phan Tấn Dũng (thôn 3, xã Hà Tam) cũng cho biết, mì vụ này giảm năng suất, công lao động lại tăng nên nông dân càng thêm lỗ. “Mấy năm trước, người ta nhận khoán nhổ và bốc lên xe giá 220.000 đồng/tấn. Nhưng năm nay, họ đòi công 250.000-270.000 đồng/tấn mới làm. Nông dân đã mất mùa lại mất thêm chi phí thuê nhân công thu hoạch nên khó càng thêm khó”-ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, vụ mì năm nay, toàn huyện có khoảng 1.278 ha, tập trung nhiều ở các xã: Hà Tam (200 ha), Phú An (239 ha), Ya Hội (178 ha) và Yang Bắc (226,4 ha). Do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, năng suất cây mì giảm mạnh. Bên cạnh đó, chi phí nhân công thu hoạch tăng, giá nông sản hạ thấp khiến nhiều nông dân đang hết sức khó khăn.
Nguyễn Hiền
Casuco mua mía đầu vụ giá 700 đồng/kg
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa có thông báo chính thức gửi đến ngành chức năng tỉnh và nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh về mức giá thu mua mía đầu vụ ép 2019-2020. Theo đó, Casuco mua mía với giá 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường (CCS) đo tại Nhà máy đường Phụng Hiệp. Trường hợp tăng thêm 1 CCS sẽ được Casuco cộng thêm 7 đồng/kg, trường hợp giảm 1 CCS thì cũng bị trừ đi 7 đồng/kg. Chi phí vận chuyển từ ruộng mía về nhà máy đường do Casuco chi trả. Sẽ không hỗ trợ tạp chất cho bên bán mía mà sẽ bị trừ theo thực tế vào trọng lượng thanh toán.
Giá thu mua mía đầu vụ tới đây của Casuco là 700 đồng/kg, trong khi giá thành sản suất ở mức 675,8 đồng/kg khiến nông dân lo lắng.
Trước mức giá thu mua trên thì theo lời một lãnh đạo có nhiều năm trong ngành mía đường tại ĐBSCL thì mức giá trên nông dân cầm chắc thua lỗ sau khi bán mía, từ đó kéo theo chuyện bà con bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn là khó tránh khỏi. Còn theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, giá thành sản xuất mía của nông dân trong vụ mía 2019-2020 này khoảng 675,8 đồng/kg.
Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC
Chăn nuôi an toàn: ‘Ngăn’ dịch cúm gia cầm
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Để hạn chế dịch bệnh gia cầm phát sinh vào dịp cuối năm trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp và nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND về phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025. Theo đó, thành phố yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng những cơ sở chăn nuôi an toàn và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm...
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao
Nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi, bà Phùng Thị Thơ, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) cho biết: “Với quy mô 15.000 con gà và hơn 600 con lợn, mỗi khi nhập đàn mới về nuôi, gia đình tôi đều thông báo đến cán bộ thú y xã để tổ chức tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, thời tiết các tháng cuối năm thường tiềm ẩn những bất thường nên công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, xung quanh trang trại có rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc vệ sinh chuồng trại trước khi nuôi không được quan tâm, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm từ đây sang các trang trại là rất cao”…
Cũng về vấn đề này, ông Phạm Văn Thắng ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) phản ánh: “Gia đình tôi nhập 150 con gà về nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới. Mặc dù đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, nhưng tôi vẫn lo lắng vì sợ mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường không khí...”.
Thực tế trên cho thấy, trước tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, người chăn nuôi đã đầu tư nuôi gia cầm nhưng chưa thể yên tâm. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm luôn đứng trong nhóm đầu của cả nước, với khoảng 34-36 triệu con, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 65%).
Hằng năm, Hà Nội xuất đi các tỉnh, thành phố hơn 40 triệu con giống gia cầm. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân Thủ đô dự báo sẽ tăng 15-20% nên việc nhập các loại thực phẩm (trong đó có gia cầm) từ các tỉnh là rất lớn. Thêm nữa, trên địa bàn thành phố có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín), với số lượng vận chuyển, buôn bán giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận bình quân khoảng 20.000-22.000 con gia cầm/ngày. Nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ các địa phương khác vào Hà Nội rất cao, đáng chú ý là sự xâm nhập của các chủng vi rút mới...
Trong khi đó, việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề... Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh nêu thực trạng: Hiện nay, Luật Thú y đã bãi bỏ công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh. Điều này khiến các cơ quan quản lý gặp không ít khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, tình trạng giết mổ gia cầm sống ở các chợ dân sinh, trong các khu dân cư chưa được xử lý dứt điểm nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm vào thời điểm cuối năm rất lớn.
Xây dựng ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh
Để khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngày 19-9-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND về phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025. Theo đó, các sở, ngành hướng dẫn địa phương xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh, 20 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm loại trừ các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút cúm gia cầm...
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho hay: Ba Vì đã yêu cầu trạm chăn nuôi và thú y hướng dẫn người dân làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm trước khi nuôi. Huyện cũng khuyến khích các trang trại chăn nuôi lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Vấn đề quan trọng nhất trong phòng, chống dịch cúm gia cầm là nâng cao nhận thức của các hộ dân trong việc chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại tập trung an toàn sinh học. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở NN&PTNT đã tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín, có sự kiểm soát chặt chẽ từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến; đồng thời tổ chức hệ thống phân phối nhằm cung cấp sản phẩm gia cầm an toàn cho thị trường. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT sẽ hướng dẫn, tập huấn về bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng chống dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh...
Và để ngăn chặn các nguy cơ lây lan cúm gia cầm, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh: “Các địa phương cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường; rà soát, xử lý kiên quyết các điểm kinh doanh gia súc, gia cầm sống để bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Với những giải pháp căn cơ cũng như sự vào cuộc của các địa phương, hy vọng Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ sở chăn nuôi an toàn và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm.
NGỌC QUỲNH
Bảo toàn đàn heo giống để tái đàn sau dịch tả
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn hơn 1,5 triệu con, giảm gần 49% so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi (ASF). Tuy đa số các doanh nghiệp (DN) trong ngành chăn nuôi đều đã giảm đàn do ảnh hưởng của dịch ASF nhưng nhiều DN trong ngành vẫn nỗ lực hết mình để bảo toàn đàn heo giống và phát triển đàn heo.
Trang trại heo hậu bị tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ)
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu DN ngành chăn nuôi phải nỗ lực tham gia tái đàn heo để đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm. Trong đó, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN bảo toàn và phát triển đàn heo giống vì đây là cơ sở để tái phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
Nỗ lực giữ đàn giống gốc
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh ghi nhận, thời gian qua, các DN đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ đàn heo nên hầu hết heo bị tiêu hủy do dịch ASF trên địa bàn tỉnh là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Thực tế kiểm tra hoạt động của các trang trại lớn của DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, cho thấy các DN đều thực hiện rất tốt công tác an toàn sinh học. “Tổng đàn của Đồng Nai và của cả nước đều giảm mạnh nên thời gian tới, rất mong các DN quan tâm đến các giải pháp tái đàn, tăng đàn heo để ổn định lại ngành chăn nuôi” - ông Vinh nói.
Theo ông Trần Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), gần đây đàn heo của DN giảm rất nhiều, trong đó có đàn nái. Cụ thể từ 6 tháng nay, các trang trại heo nái của C.P không nhập heo hậu bị vào để thay thế. Hiện DN đang có nhiều trang trại nuôi heo nái tại miền Nam hoạt động ổn định. Dự định C.P sẽ thay đàn heo nái nhưng gặp khó khăn do hiện việc vận chuyển heo đều phải qua các trạm kiểm dịch nơi cả heo giống, heo thịt đều tập trung lại, gây rủi ro lớn về dịch bệnh. Ông Tiến đề xuất giải pháp riêng với con giống, địa phương nên có đường kiểm dịch khác ngay tại trại nhằm bảo vệ đàn giống trước nguy cơ nhiễm dịch ASF.
“C.P cũng đang cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại cách xa khu dân cư, kiểm soát dịch bệnh tốt. Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bác sĩ thú y đến tận trang trại hỗ trợ cho người chăn nuôi là khách hàng mua giống, thức ăn, thuốc… về quy trình phòng, chống dịch ASF, nhất là trong việc tái đàn” - ông Tiến nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty cổ phần nông súc sản Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ, DN có kế hoạch tăng lên trên 5 ngàn heo nái nhưng khi xây dựng đến 3,5 ngàn heo nái thì tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch ASF.
Từ khi xảy ra dịch ASF đến nay, hầu như không DN nào nghĩ đến chuyện tăng đàn hậu bị nên trong những tháng cuối năm khó có thể tính chuyện tăng đàn heo vì không đủ nguồn con giống. Để khôi phục lại tình hình chăn nuôi trong thời gian tới cần dựa vào các DN lớn cung cấp về nguồn giống. Ông Tường kiến nghị: “Tỉnh nên tính toán từ bây giờ về việc ưu tiên cho các DN lớn đủ điều kiện đầu tư cho ngành sản xuất giống, từ đó có nguồn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi heo thịt. DN mong tỉnh quan tâm gỡ những vướng mắc về đất đai, thủ tục để DN tiếp tục một số dự án đầu tư mới trong những năm sau”.
Cần “chuyên nghiệp hóa”
Góp ý cho giải pháp giữ và phát triển đàn heo trong và giai đoạn hậu dịch ASF, nhiều DN trong ngành chăn nuôi cho rằng ngành chăn nuôi phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (chi nhánh tại Khu công nghiệp Long Khánh, TP.Long Khánh) chia sẻ, chưa bao giờ hiệu quả đầu tư các trại heo theo hướng hiện đại, tổ chức phòng thủ như một “khu căn cứ quân sự” cấm ra, cấm vào lại phát huy tác dụng như khi xảy ra dịch ASF. DN mong tỉnh ban hành văn bản cho phép xây trại chăn nuôi heo mới ở những khu vực đủ điều kiện an toàn sinh học để tái đàn heo, bù đắp vào lượng heo giảm do chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại do dịch ASF.
Đưa ra một góc nhìn khác, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (chi nhánh Đồng Nai) đề xuất, hiện mật độ chăn nuôi của Đồng Nai rất dày nên các trại giống đều được đầu tư ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng Nai nên tập trung phát triển các trại heo thịt vì gần thị trường tiêu thụ lớn là TP.Hồ Chí Minh. Tỉnh nên khuyến khích phát triển các trại chăn nuôi quy mô lớn. Với chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ cho tái đàn ở những khu vực người chăn nuôi đã đầu tư hệ thống chuồng kín, đảm bảo an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty một thành viên Tấn Do (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, việc tái đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chỉ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu. Người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên đầu tư cho đàn heo nái vì đây là bài toán đầu tư lâu dài với sự chuyên nghiệp cao. Tỉnh nên tạo điều kiện cho DN tiếp cận về quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư ưu đãi để phát triển đàn heo nái, sản xuất giống heo con cung cấp cho người chăn nuôi.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN CHÁNH, khó khăn chủ yếu của các DN trong ngành chăn nuôi khi đầu tư dự án mới là về quỹ đất, thủ tục, hồ sơ, nguồn vốn… Các địa phương và sở, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ DN, người chăn nuôi tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên. Tuy nhiên, tỉnh chỉ cho phép những cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh tái đàn. Đồng Nai sẽ hỗ trợ hết mức cho những DN quan tâm đến việc liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư nuôi heo theo hướng bền vững vì nó không chỉ góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường mà còn giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Bình Nguyên
Thu nhập cao nhờ trồng mít Thái kết hợp chăn nuôi dê
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chuyển đổi từ trồng tiêu sang trồng mít Thái, tre lấy măng, nhãn, bơ… kết hợp chăn nuôi dê, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận) với mô hình trồng mít Thái, tận dụng lá mít làm nguồn thức ăn để phát triển đàn dê, cho thu nhập khá.
Ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) đã tận dụng lá mít Thái để chăn nuôi đàn dê của gia đình, ổn định về kinh tế.
Trong căn nhà khang trang, nằm xen giữa màu xanh của những bụi tre cao vút và những cây mít trĩu quả, nhâm nhi ly trà nóng, chỉ tay ra phía sau vườn, ông Vàng vui vẻ cho biết: “Có được cơ ngơi như hôm nay cũng nhờ đàn dê và vườn mít Thái. Dê dễ nuôi, ít tốn công, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên và lá mít có sẵn trong vườn”.
Theo ông Vàng, nhờ nguồn nước từ hồ Suối Môn, năm 2015, ông đã đầu tư trồng thử 100 cây mít Thái trên diện tích 1 sào, cho trái hơn 60kg/cây. Với giá hơn 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm từ loại cây ăn trái dễ trồng này.
“Các thương lái đến tận vườn của gia đình tôi thu mua. Nhờ cây mít Thái, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập hàng năm. Hiện nay, tôi đã mở rộng thêm diện tích 1ha, trồng 1.000 cây mít Thái. Vừa cắt tỉa được lá để nuôi dê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập của gia đình”, ông nói.
Ông Vàng cho biết, ông chọn nuôi dê bách thảo và dê boer lai (nguồn gốc Nam Phi) vì dễ nuôi, lớn nhanh, khoảng 5 tháng là sinh sản. Lứa đầu mỗi dê mẹ sinh 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi sẽ sinh từ 2-3 con. Dê con sau 4 tháng nuôi có trọng lượng khoảng 25kg là có thể bán. Giá dê giống từ 180-200 ngàn đồng/kg, dê thịt từ 130-145 ngàn đồng/kg hơi. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình ông không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã có hơn 10 dê mẹ và đàn dê thịt hơn 30 con. Bình quân mỗi tháng ông Vàng thu hơn 10 triệu đồng từ bán dê thịt. “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ nhân đàn lên 20 con dê sinh sản, liên kết với các cơ sở mua bán dê giống, dê thịt ở trong và ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định”, ông Vàng cho biết thêm.
Để thành công như hôm nay, ông Vàng không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động mà còn là người tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân các cấp tổ chức.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Hiện nay tổng đàn dê của xã có khoảng 672 con, tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Thuận. Nhiều nông dân đã biết tận dụng mô hình trồng trọt và chăn nuôi kết hợp, điển hình như ông Vàng. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào như lá mít, lá keo, cỏ để nuôi dê mà nhiều hộ dân đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên làm giàu… Thực tế, mô hình này cần được nhân rộng vì phát huy hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít và thị trường tiêu thụ khá dễ dàng.
NGUYỄN VĂN HÙNG (Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân)
Hiếu Giang tổng hợp