Tin nông nghiệp CN ngày 22 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 22 tháng 9 năm 2019

Nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Ngày 19-9, tại TP Cần Thơ, Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam 2019 với chủ đề “Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo”. Tại hội thảo này, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp hay nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam...

Nhiều bất cập kéo dài

Trong hơn 3 thập kỷ qua, sản xuất lúa gạo giữ vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam. Song, sản xuất gạo ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, liên kết chưa chặt chẽ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều … nên khó bán được giá cao. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Hiệu quả chuỗi giá trị ngành gạo Việt Nam thấp do tỷ lệ thất thoát cao, lên đến 13,7%, trong khi Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ chỉ 6%. Chất lượng gạo xuất khẩu của nước ta cũng còn thấp, gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%. Phân phối lợi nhuận và chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác bất cập. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% thị trường thế giới nhưng không có thương hiệu gạo nổi bật, chỉ được gọi một tên chung là gạo trắng Việt Nam”.

Cũng theo ông Sơn, hạ tầng và công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo lạc hậu còn làm giảm chất lượng trong bảo quản. Hệ thống sấy lúa ở nước ta còn thiếu, công nghệ sấy bất cập ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu. Hệ thống kho chứa mới chủ yếu bảo quản gạo, không đủ diện tích kho để bảo quản lúa; do đó sau khi thu mua lúa, các cơ sở phải xay xát ngay và tồn trữ dưới dạng gạo lứt, chất lượng gạo bị giảm trong quá trình bảo quản. Chế biến sâu, đa dạng hóa các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo còn chưa phát triển. Các sản phẩm phụ từ gạo như: trấu, cám, rơm rạ chưa được tận dụng tốt để nâng cao giá trị gia tăng, tăng hiệu quả sản xuất.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ngành sản xuất lúa Việt Nam đang thâm dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên nhưng cho đến nay đời sống của người trồng lúa Việt Nam, đặc biệt ở ĐBSCL, vẫn rất chậm được cải thiện. Một trong những lý do chính là suốt nhiều năm liền, chúng ta chú trọng tăng năng suất và sản lượng lúa, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng của lúa gạo và giảm tổn thất sau thu hoạch. So với những nước sản xuất lúa gạo tiên tiến, tổn thất trong và sau thu hoạch lúa của nước ta còn khá cao. Điều này không chỉ làm mất mát về số lượng mà còn cả về chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về “cơ hội và thách thức của ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh mới” tại hội thảo.

Cần sự vào cuộc của các bên

Để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, đòi hỏi phải quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các giải pháp về khoa học, công nghệ và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan. Cụ thể, các ngành chức năng và địa phương quan tâm quy hoạch lại vùng sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, phù hợp. Cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Nâng cao năng lực tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đặc biệt, nông dân và doanh nghiệp phải tăng cường liên kết khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, không gắn với nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Công nghệ cao hiện là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp khi đất đai, lao động và một phần chính sách đã phát huy hết hiệu lực. Trong lĩnh vực lúa gạo, chuỗi giá trị lúa gạo thế giới đã mở rộng, phát triển và liên kết sâu với các ngành công nghiệp khác để hình thành những ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng rất cao. Các sản phẩm phụ sau thu hoạch đã và đang được khai thác tối đa. Đặc biệt, với cám gạo, sau quá trình trích ly dầu cho ra những thành phẩm làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác. Việc mở rộng chuỗi giá trị sau lúa gạo, tức là chế biến càng sâu sẽ đòi hỏi hàm lượng chất xám và công nghệ cao, nhưng bù lại giá trị sẽ cao hơn rất nhiều lần. Đơn cử, 1kg tinh chất Oryzanol (được tinh chế từ cám gạo) dùng trong ngành dược phẩm có giá trị lên đến 600USD”.

Ngoài chất lượng, còn nhiều yếu tố khác tác động đến giá trị hạt gạo trên thị trường như: thương hiệu (uy tín của doanh nghiệp), quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc…Theo Tến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để nâng cao hơn nữa giá trị của hạt gạo Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường; duy trì sự ổn định của chất lượng giống và lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, dù thị phần không lớn nhưng có giá trị kinh tế cao...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Những nông dân vươn lên từ nghèo khó

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Kết quả nổi bật từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) trong tỉnh Bình Dương là nhiều nông dân từ khó khăn đã trở thành tỷ phú.

Làm giàu từ ý chí vượt khó

Khi nói đến bà Nguyễn Ngọc Diệp, ở khu phố 5, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, bà con ở khu phố ai cũng cảm phục ý chí vươn lên và sự cần cù trong lao động của bà. Trong giai đoạn 1996-2017, bà nuôi gà công nghiệp bằng trại lạnh số lượng 15.000 con, với hình thức gia công. Mỗi năm, trang trại gà mang lại cho bà lợi nhuận 400 triệu đồng.

Bà Nguyễn Ngọc Diệp đang thu hoạch hoa lan

Bà còn lấy phân gà ủ với men sinh học để bón cây cao su. Hiện gia đình bà có 20 ha cây cao su đang cho khai thác. Nhờ bón phân hữu cơ vi sinh nên cây phát triển tốt, ít bệnh, mủ nhiều, độ cao. Mỗi năm, cây cao su mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Bà còn trồng 8.000m2 lan mokara và lan rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Diệp chia sẻ, thực hiện chủ trương sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao, gia đình bà đã ứng dụng nhiều mô hình sản xuất, như chăn nuôi gà công nghiệp (trại lạnh), trồng cao su, trồng hoa lan, kinh doanh cá khô... những mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện bà còn mở thêm dịch vụ kết hoa phục vụ lễ, tết, hội nghị, sự kiện…

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bà Diệp còn giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động và hơn 800 lượt lao động thời vụ tại địa phương. Bên cạnh đó, bà còn giúp đỡ 20 hộ có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Những năm qua, các mô hình kinh tế của bà mang lại thu nhập bình quân gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Để có được kết quả này, bà Diệp cho biết ngoài nỗ lực của bản thân, gia đình bà còn được Nhà nước hỗ trợ về chính sách, vốn, khuyến nông, chuyển giao khoa học - công nghệ. Bà còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, như đóng góp 20 triệu đồng, hơn 2.500m2 đất, 140 cây cao su để làm đường giao thông nông thôn…

Với những kết quả đó, trong những năm qua bà luôn đạt danh hiệu NDSXKDG nhiều năm liền.

Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm

Với cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Lê Văn Hòn, ở khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên đã thành công với mô hình trồng nấm bào ngư, linh chi và nuôi bò sinh sản. Mỗi tháng, các mô hình này mang lại cho ông thu nhập trên 90 triệu đồng.

Trên diện tích 4.000m2, mô hình trồng nấm bào ngư, linh chi của ông đạt năng suất 20 tấn/ năm. Để có được kết quả này, ông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, như sử dụng hệ thống tưới tự động giúp giảm chi phí nhân công, mang lại chất lượng sản phẩm cao. Bên cạnh đó, ông áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường. Ông còn được hội nông dân tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi các mô hình làm ăn hiệu quả ở các địa phương bạn; được tập huấn, tham gia hội thảo về cây con, cách phòng trừ, chăm sóc, trị bệnh trên cây nấm...

Mỗi tháng, gia đình ông Lê Văn Hòn thu về hàng chục triệu đồng từ nấm bào ngư, linh chi

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hòn còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn. Những năm qua, ông cùng gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua, từ thiện tại địa phương.

Với những kết quả đạt được và đóng góp của mình, ông Hòn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua NDSXKDG năm 2017, được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2018 cùng nhiều phần thưởng khác.

Khấm khá nhờ mạnh dạn ứng dụng sáng kiến

Chị Tăng Thị Hằng ở ấp Bàu Càm, xã An Long, huyện Phú Giáo là một trong những nông dân nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Những năm qua, chị đã mạnh dạn ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất, làm kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi chim yến của chị đến nay đạt kết quả cao. Hiện gia đình chị có 5 nhà yến. Ngoài ra, gia đình chị còn thực hiện mô hình nuôi thỏ thả vườn, trồng sầu riêng. Hiện gia đình chị có hơn 10 ha đất, trong đó có 9 ha cao su, hơn 1 ha trồng các loại cây trồng khác kết hợp nuôi thỏ thả vườn. Mỗi năm, vườn cây, các mô hình kinh tế mang lại cho gia đình chị thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Chị Tăng Thị Hằng bên đàn thỏ nuôi của gia đình

Nhờ tiên phong, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi nên đến nay gia đình chị Hằng đã vươn lên khá giả. Gia đình chị còn giúp đỡ nhiều gia đình còn khó khăn, hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. “Gia đình tôi bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con còn khó khăn với hình thức bán trả chậm, không lãi suất hoặc bán thiếu cho đến khi thu hoạch mới trả tiền gốc cho gia đình”, chị Hằng cho biết.

Hiện gia đình chị đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 17 lao động và gần 30 lao động thời vụ tại địa phương. Ngoài ra, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, thời gian qua chị thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho 25 hộ cận nghèo để họ có cơ hội vươn lên tạo dựng cuộc sống mới.

Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực nói trên, từ năm 2014 đến 2018, chị Hằng đã 3 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKDG và đạt danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh giai đoạn 2014-2016.

THOẠI PHƯƠNG - MINH DUY

Chú trọng tuân thủ quy định xuất khẩu nhãn vào Úc

Nguồn tin: Báo Công Thương

Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Úc, lô nhãn Việt Nam nhập khẩu lần đầu tiên vào Úc đã bị Cơ quan Kiểm dịch Úc tại Melbourne dừng thông quan, do lỗi doanh nghiệp đóng gói không đúng quy định.

Nhận được tin báo của doanh nghiệp nhập khẩu, Thương vụ đã khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp Úc, nhờ Bạn xem xét giúp đỡ, đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ Việt Nam. Cho đến cuối giờ chiều cùng ngày, Bạn có chỉ thị xuống Melbourne đồng ý thông quan. Đây có lẽ là ngoại lệ vì Cơ quan Kiểm dịch Úc cực kỳ nghiêm khắc.

Chú trọng các điều kiện xuất khẩu nhãn sang Úc

Từ câu chuyện này, Thương vụ Việt Nam tại Úc cảnh báo: Thương vụ đã thông báo các điều kiện nhập khẩu nhãn trên website của Bộ Công Thương và website của Thương vụ từ trước khi Bộ Nông nghiệp hai nước gặp và công bố mở cửa nhãn tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự chú ý.

Liên quan trực tiếp đến lô nhãn bị dừng thông quan, Bộ Nông nghiệp Úc đã gửi thư cho Thương vụ nhắc lại các điều kiện đóng gói bao bì như sau: Hàng hoá xuất khẩu phải đáp ứng được ít nhất một trong các phương pháp đóng gói an toàn để tránh côn trùng xâm nhập. Bao gồm thùng carton kín: Đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi; Thùng carton có lỗ thông hơi: Nếu thùng carton có lỗ thông hơi thì các lỗ này phải được che bằng lưới và kích thước không quá 1,6 mm và độ dày của lưới không nhỏ hơn 0,16 mm. Hoặc các lỗ thông hơi phải được dán lại.

Mục đích của các điều kiện này là để tránh hàng hoá bị nhiễm bẩn hoặc tái nhiễm sau khi chiếu xạ.

Để tăng cường các điều kiện nhập khẩu hiện tại, Bộ Nông nghiệp Úc sẽ gửi thông báo bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu thông tin đối với việc sử dụng thiết bị chất xếp hàng hóa đường không (ULD) và các container đường biển được dán kín. Nếu Việt Nam có thể cung cấp được các thông tin chứng minh rằng việc đảm bảo an toàn cho hàng hoá sau khi xử lý vẫn được duy trì theo các điều kiện trên, Bộ Nông nghiệp Úc có thể sẽ công bố thêm các phương pháp đóng gói an toàn.

Bảo Ngọc

Chôm chôm cho trái rải vụ giá khá cao

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Vào thời điểm này, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) có khoảng 100ha chôm chôm đang cho thu hoạch với giá bán tương đối cao, nông dân phấn khởi.

Chôm chôm thu hoạch vào thời điểm này được nông dân áp dụng kỹ thuật cho trái rải vụ. Nhiều nhà vườn cho biết đây là thời điểm cuối vụ thuận đầu vụ nghịch, lượng chôm chôm còn lại trong vườn không nhiều nên có giá bán khá cao. Chôm chôm Java giá 15.000- 16.300 đ/kg, chôm chôm Thái và chôm chôm đường 25.000- 27.000 đ/kg.

Một số nhà vườn tại xã Đồng Phú cho biết, năm nay nhờ chôm chôm rải vụ mỗi công chôm chôm nhà vườn thu lời hơn 40 triệu đồng.

PHƯỚC GIANG

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi bền vững

Nguồn tin: Báo Long An

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ giúp hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng trong quá trình sản xuất. Ðây là phương thức sản xuất giảm tác động đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, được không ít doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện.

Ông Châu Văn Xuân (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, bên ruộng khổ qua trồng theo hướng hữu cơ

Mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất

Ông Châu Văn Xuân (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, có hơn 0,2ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ông Xuân trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Thời gian gần đây, ông chuyển sang trồng hoa màu. Được sự hỗ trợ từ HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, ông áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ ngay khi vừa chuyển đổi giống cây trồng. Hiện tại, ông trồng khổ qua và mướp. Ông Xuân cho biết: “Sau khi tham gia các lớp hướng dẫn về phương thức canh tác, cách sử dụng phân bón cũng như chế phẩm sinh học cho từng loại cây trồng, tôi áp dụng và thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng. Qua mấy vụ canh tác, tôi nhận thấy trồng hoa màu theo hướng hữu cơ không khó, ít sâu, bệnh, chi phí đầu vào giảm, sản lượng tăng”.

Hơn 0,15ha khổ qua của ông Xuân, sau 30 ngày trồng thì bắt đầu thu hoạch trái. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, ông thu hoạch từ 100-120kg khổ qua. Ông Xuân so sánh: “Theo nhật ký đồng ruộng mà tôi ghi chép, chi phí đầu tư theo hướng nông nghiệp hữu cơ khoảng 8 triệu đồng/0,15ha khổ qua; còn trồng theo cách truyền thống (dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) tốn khoảng 13 triệu đồng. Ưu điểm khi trồng khổ qua theo hướng hữu cơ là thời gian thu hoạch lâu, có thể trên 30 ngày. Trong khi đó, trồng theo cách truyền thống thì dây khổ qua nhanh tàn, thu hoạch chỉ kéo dài hơn 20 ngày”.

Ông Châu Văn Xuân bên ruộng khổ qua trồng theo hướng hữu cơ

Ông Nguyễn Văn Thanh (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) cũng là thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh. Với 0,7ha đất, trước đây, ông trồng lúa và 2 năm nay chuyển sang trồng dưa leo. Ông áp dụng phương thức trồng dưa theo hướng hữu cơ được 1 năm. Ông Thanh nói: “Trước đây, tôi trồng theo cách truyền thống, ruộng dưa chỉ thu hoạch từ 17-18 ngày là dây vàng, không thể cho trái. Nhưng với cách trồng hiện nay, tôi thu hoạch từ 24-25 ngày nên lãi nhiều hơn”.

HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh được thành lập từ tháng 10/2018, tiền thân là tổ hợp tác. Các thành viên HTX có 35ha đất sản xuất lúa và 15ha đất sản xuất 15 loại rau, củ, quả. Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường thông tin: Hiện nay, tất cả thành viên HTX đều sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Đặc biệt đối với rau màu, hiện HTX độc quyền phân phối từ hạt giống đến phân bón, chế phẩm sinh học từ các doanh nghiệp có uy tín. Khi tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân được hỗ trợ cung cấp vật tư từ đầu vụ cho đến hết kỳ thu hoạch mới hoàn vốn. Hiện nay, không ít nông dân trong xã muốn gia nhập HTX do hiểu được lợi ích từ sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Mỹ Thạnh, thu hoạch dưa leo

An toàn, thân thiện môi trường

Nhận thức rõ lợi ích của sản xuất theo hướng hữu cơ, 28 thành viên HTX Nông nghiệp Kiến Bình (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) đang thực hiện theo hướng này. Giám đốc HTX Nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân chia sẻ, diện tích sản xuất của các thành viên HTX là 60ha, trong đó có 16ha lúa sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, sử dụng giống lúa RVT, nếp cẩm và lúa tím; diện tích còn lại sản xuất bán hữu cơ, theo quy trình VietGAP. Vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX sẽ vận động các thành viên sản xuất bán hữu cơ chuyển dần sang hướng hoàn toàn hữu cơ.

Để nông dân an tâm sản xuất, vụ Hè Thu 2019, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Hiện nay, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất cho vụ Đông Xuân 2019-2020 đối với diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo đó, giống lúa RVT, nông dân sẽ thu lợi nhuận 20 triệu đồng/ha. Đối với giống nếp cẩm, lúa tím, nông dân “cầm chắc” lợi nhuận 35 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thành viên phải tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác của HTX và không đặt nặng vấn đề về sản lượng. Ngược lại, HTX thu mua toàn bộ sản lượng lúa trên đồng (sản lượng nhiều hay ít, nông dân đều được trả lợi nhuận như cam kết).

Ông Dương Hoài Ân cho biết, việc không đặt nặng sản lượng nhằm giúp thành viên an tâm sản xuất theo đúng quy trình, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục của HTX đưa ra. Qua thử nghiệm sản xuất theo hướng hữu cơ trên vài vụ mùa, sản lượng thu hoạch bình quân đối với lúa tím từ 3-5 tấn/ha, nếp cẩm từ 5-6 tấn/ha và giống lúa RVT từ 5-8 tấn/ha.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân (bên trái) giới thiệu sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ

Hiện nay, thành viên rất tin tưởng hình thức sản xuất này vì chi phí đầu tư bình quân chỉ 8 triệu đồng/ha/vụ và được bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản xuất theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm như không ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, sức khỏe người trực tiếp canh tác.

Theo ông Dương Hoài Ân cũng như ông Nguyễn Quốc Cường, qua một thời gian sản xuất theo hướng hữu cơ, thành viên HTX dần thích nghi với phương cách sản xuất mới. Tuy nhiên, cả 2 HTX còn khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Hiện tại, tất cả sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp Kiến Bình chỉ bán lẻ cho người quen, tặng để quảng bá. Sản phẩm rau, củ, quả của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh bán cho thương nhân tại chợ phường 2, TP.Tân An theo giá thị trường. Tuy nhiên, cả 2 HTX đang có nhiều dự tính khá tốt trong thời gian tới.

Ông Dương Hoài Ân cho biết thêm, tất cả sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ cũng như VietGAP đang được HTX xúc tiến xây dựng thương hiệu, thực hiện các thủ tục để đạt chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch. HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh cũng đang thực hiện các thủ tục để đạt chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Quốc Cường thông tin: “HTX đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa tại TP.HCM, khi sản phẩm đủ các thủ tục để được chứng nhận VietGAP sẽ được HTX bao tiêu sản phẩm theo “giá chết” cả năm để cung cấp cho doanh nghiệp này”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phần của Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên cho các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Hưởng ứng chương trình này, nhiều doanh nghiệp, HTX áp dụng những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ thông qua đổi mới phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản theo hướng hữu cơ phải xây dựng, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng và khai thác hiệu quả các kênh phân phối. Bởi, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người dân rất lớn nhưng khách hàng thật sự của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân, người tiêu dùng chưa tiếp cận được kênh phân phối, chưa tin đó thật sự có phải là sản phẩm theo hướng hữu cơ.

Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức chia sẻ, sở tích cực thực hiện nhiều cuộc xúc tiến thương mại đối với nông sản an toàn, theo hướng hữu cơ đến nhiều kênh phân phối, các cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Việc phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị bán lẻ giúp sản phẩm tiếp cận được đối tượng khách hàng có sẵn. Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX nên tiếp tục khai thác các kênh quảng bá khác như hội chợ, triển lãm, phiên chợ nông sản an toàn do các ngành chức năng tổ chức. Đồng thời, doanh nghiệp, HTX làm ra sản phẩm, nhà kinh doanh phải kiên trì, bảo đảm chất lượng sản phẩm như cam kết ban đầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao./.

Mai Hương

Bình Định: Ế ẩm cau An Lão

Nguồn tin: Báo Bình Định

Các xã An Dũng, An Vinh, An Trung, An Hòa (Bình Định)... là những địa bàn có diện tích cau trồng nhiều nhất. Mấy năm trước đây, giá cau tươi dao động 10.000 - 15.000 đồng/kg; đặc biệt năm 2018 giá cau vọt lên 22.000 - 25.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay giá cau tươi “tụt” thê thảm chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg.

Giá cau tươi rớt thê thảm, nhiều hộ gia đình chẳng buồn thu hoạch.

Ông Đặng Bê (thôn Long Hòa, An Hòa), cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 300 cây cau, mỗi năm thu hoạch chục triệu là chuyện bình thường. Năm nay, cau rớt giá, tiền bán cau thu về không đủ trả công thuê mướn người hái, đành cứ để chín rụng”.

Thời cây cau có giá, thương lái địa phương vào tận nhà đặt tiền cọc để thu mua, rồi đua nhau mở lò sấy cau để xuất bán đi Trung Quốc. Ở xã An Hòa, An Tân, nhiều lò sấy cau có thể sơ chế vài tấn cau tươi/ngày. Nhưng giờ, nhiều lò sấy cau đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng.

“Khóc đứng, khóc ngồi mấy nay, liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi tìm mối hàng tiêu thụ cau khô mà vẫn không được. Căn nhà 2 gian rộng chừng hơn 150 m2 của gia đình tôi giờ thành kho chứa, 15 tấn cau khô chưa biết khi nào xuất được”, bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Long Hòa, An Hòa) - một trong những lò sấy cau lớn nhất huyện An Lão chia sẻ.

Một thời cây cau “lên ngôi” lôi cuốn sự tham gia không chỉ người trồng mà cả người mua, bán, chế biến xuất khẩu. Theo phòng NN&PTNT huyện An Lão, năm 2018 cả huyện xuất bán khoảng 1.000 tấn cau, thu về hơn 7 tỷ đồng. Còn năm nay, cau tươi bán chẳng ai mua, nhưng người dân vẫn phải bỏ công, tiền của thuê người thu hoạch để dọn vườn, hy vọng mùa sau...

D.T.D

Hà Nội cung cấp cho thị trường 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao mỗi năm

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội vừa rà soát thực trạng phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn thành phố.

Nông dân xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) chăn nuôi đàn bò thịt chất lượng cao. Ảnh: Thái Hiền

Theo đó, hiện nay, tổng đàn bò thịt, bò sinh sản của thành phố là 122.000 con, trong đó đàn bò cái sinh sản 83.310 con. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt của thành phố đạt 80%; tổng số bê thịt sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo hằng năm khoảng 55.000 con. Về cơ cấu giống, có 65% bò lai Zebu, 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmaster, Wagyu, BBB…), bò vàng 5%.

Theo kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2020, ngành chăn nuôi của thành phố sẽ sản xuất được 5.100 con bê thương phẩm, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao.

Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất bò giống hướng thịt chất lượng cao tại các huyện có tiềm năng, như: Ba Vì, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn…

QUỲNH DUNG

Người chăn nuôi nên tập trung ổn định đàn gia cầm

Nguồn tin: Báo Long An

Đó là khuyến cáo của ngành công thương, bởi từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trứng nói riêng và thực phẩm nói chung sẽ tăng mạnh.

Giá trứng gia cầm đang tăng trên thị trường

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, trên thị trường hiện nay, giá gà thịt, vịt thịt tăng đáng kể. Bình quân tăng khoảng 10-15% so với thời điểm cuối năm 2018. Giá thịt gà (gà đất nuôi chuồng), thịt vịt (sau giết mổ) hiện bán ra tại các chợ bình quân từ 100.000-130.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, trứng gà, trứng vịt hiện nay bán ra trên thị trường, tại các chợ cũng tăng mạnh sau thời gian dài giảm giá. Hiện trứng vịt bán lẻ với giá 2.500-3.000 đồng/trứng; trứng gà ta 2.800-3.500 đồng/trứng; trứng nuôi chuồng (gà công nghiệp) từ 2.300-3.000 đồng/trứng.

Đại diện Hợp tác xã Ao Gòn (xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chia sẻ, so với thời điểm cuối năm 2018, giá trứng gà tăng từ 5.000-7.000 đồng/chục. Nguyên nhân khiến trứng tăng giá do thời tiết không thuận lợi nên gà đẻ trứng không như mong muốn; thời gian dài giá trứng giảm, đầu ra khó tiêu thụ nên nhiều chủ trại chủ động giảm đàn hoặc để trống trại.

Theo dự báo của ngành công thương, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt gà, thịt vịt và trứng gia cầm sẽ tăng mạnh. Nguyên nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ tăng cường thu mua trứng làm nguyên liệu cho mùa bánh bán ra dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo đang tăng nên người tiêu dùng chuyển sang dùng trứng, thịt gia cầm cho bữa cơm gia đình./.

Thang Tùng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop