Bố Trạch (Quảng Bình): Phát triển cây hồ tiêu theo hướng công nghệ cao
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) có xu hướng tăng mạnh.
Hiện nay, diện tích hồ tiêu toàn huyện là 635ha, đạt 105,8 KH, tăng 70% so với năm 2015; sản lượng dự ước 368 tấn, đạt 139% KH, tăng 60% so với năm 2015. Điểm nổi bật trong thâm canh cây hồ tiêu so với các năm trước đây là ngày càng có nhiều hộ áp dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt theo công nghệ Israel vào sản xuất hồ tiêu.
Đến nay, đã có 30 ha trồng tiêu trên địa bàn huyện áp dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, nhờ đó, tiết kiệm được đến 90% nguồn nhân lực và 70% lượng nước tưới, năng suất tăng gấp 0,5 lần so với cách tưới nước truyền thống.
Thông qua nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Bố Trạch đã hỗ trợ 320 triệu đồng cho các địa phương triển khai mô hình trồng tiêu theo hướng thâm canh kết hợp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Bên cạnh đó, từ chính sách sách hỗ trợ chuyển đổi vùng gò đồi, huyện cũng đã hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi sang trồng tiêu với tổng kinh phí 675 triệu đồng.
Thành Vinh (Đài TT-TH Bố Trạch)
Lão nông làm kinh tế giỏi
Nguồn tin: Báo Lạng Sơn
Ông Vy Văn Can, thôn Bó Luông, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) được biết đến là người thành công nhất với mô hình trồng gừng núi đá từ nuôi cấy mô. Không chỉ vậy, ông còn là người tiên phong trồng cây ăn quả và làm vườn ươm của xã với thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/năm.
Ông Can sinh năm 1968 tại xã Đồng Ý. Năm 1991, sau khi lập gia đình, ông phải bươn trải nhiều nghề để kiếm sống từ làm thuê, công nhân đến phát triển ruộng vườn, chăn nuôi để có thu nhập…
Vốn là người năng động, nhạy bén, năm 2006, qua truyền thông, ông biết đến các mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Ngay sau đó, ông tìm về Hưng Yên mua hơn 100 cây giống bưởi Diễn (cây ghép) để trồng. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, ông tích cực chăm sóc và mở rộng diện tích trồng.
Sau 4 năm vun trồng, năm 2010, vườn bưởi Diễn của ông Can bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, ông quyết tâm mở rộng vườn lên 400 cây, trong đó hơn 300 cây đang cho thu hoạch. Hiện nay, trung bình mỗi cây bưởi cho thu từ 100 – 150 quả/cây, với giá bán từ 18 – 20 nghìn đồng/quả, trừ chi phí, ông thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng/năm.
Ông Vy Văn Can kiểm tra chất lượng quả bưởi
Ông Can tâm sự: Là người Bắc Sơn, qua các lần đi rừng tôi biết đến cây gừng núi đá. Tìm hiểu được biết đây là cây trồng bản địa có nhiều ưu điểm, phù hợp với khí hậu, tôi đã lấy trên rừng về trồng thử nhưng hiệu quả không cao vì khi tách cây, tỉ lệ hư hao rất lớn. Năm 2016, khi Trung tâm Ứng dụng Phát triển Khoa học Công nghệ và Đo lường Chất lượng sản phẩm triển khai đề tài “Ứng dụng khoa học công nghệ nhân giống gừng đá bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào”, tôi đã đăng ký tham gia. Thấy hiệu quả kinh tế, tôi quyết tâm đầu tư và dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu cách trồng, chăm sóc sao cho cây đạt năng suất cao nhất.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, ông Can đã nắm rõ quy trình chăm sóc. Từ đó, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm nhà xưởng; hệ thống tưới nước tự động… để duy trì trồng và mở rộng diện tích cây gừng núi đá. Hiện nay, trung bình mỗi năm, ông trồng từ 1.500 – 2.500 chậu gừng núi đá từ nuôi cấy mô. Trong đó, ông dành một nửa để bán gừng giống, với những cây cao từ 15 – 20 cm, giá bán trung bình từ 90 – 100 nghìn đồng/khóm (có từ 8 – 10 nhánh). Số còn lại, ông bán làm gừng thương phẩm với giá 500 nghìn đồng/kg, chủ yếu cho các nhà hàng, quán ăn tại Lạng Sơn, Thái Nguyên… để làm gia vị.
Kỹ sư Lâm Mai Tùng, Trưởng Phòng Ứng dụng chuyển giao, Trung tâm ứng dụng Phát triển Khoa học Công nghệ và Đo lường Chất lượng sản phẩm cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thực hiện đề tài nhân giống gừng núi đá bằng nuôi cấy mô tế bào, trung tâm đã triển khai thực hiện được 15 mô hình thuộc 3 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng. Trong đó, mô hình của ông Vy Văn Can, xã Đồng Ý được coi là mô hình trồng hiệu quả nhất. Trong suốt quá trình làm, ông Can luôn tìm tòi, sáng tạo và sẵn sàng đầu tư mở rộng quy mô ngay cả khi không được hỗ trợ. Từ đó, đã có nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình và mua cây giống về trồng. Điều này góp phần quan trọng trong việc nhân giống, bảo tồn nguồn gen của cây dược liệu quý này. Đồng thời tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa có năng suất ổn định, giúp bà con nâng cao thu nhập từ cây trồng bản địa mà tỉnh đang hướng đến bảo tồn, nhân rộng…
NGUYỄN PHƯƠNG
Lào Cai: Triển vọng mô hình sản xuất giống cây dược liệu
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Bắc Hà nằm trong quy hoạch phát triển dược liệu của tỉnh Lào Cai. Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với quy mô gần 500 ha.
Huyện Bắc Hà hiện có gần 90 ha cây dược liệu các loại như atiso, đương quy, đẳng sâm, cát cánh, đan sâm... Việc phát triển cây dược liệu đem lại hiệu quả thiết thực, người dân thu khoảng 150 đến 160 triệu đồng/ha, lãi trung bình hơn 90 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, trong phát triển diện tích trồng cây dược liệu, khó khăn của huyện Bắc Hà là không chủ động được nguồn giống, giá giống cao kéo theo chi phí sản xuất tăng.
Thu hoạch hạt giống cát cánh tại vườn sản xuất giống xã Lùng Phình.
Nhằm khắc phục khó khăn về giống cây dược liệu, tháng 9/2017, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà đã thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây dược liệu theo hướng đạt các tiêu chuẩn GACP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 3 loại giống được sản xuất gồm đương quy, đan sâm, cát cánh nhằm đáp ứng nguồn giống tốt, an toàn, sạch bệnh cung ứng cho người dân trồng dược liệu trên địa bàn huyện và một số địa phương trong tỉnh. Việc triển khai đề tài tập trung vào 2 nội dung chính là nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống cây và xây dựng kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã lựa chọn xã Tả Van Chư và xã Lùng Phình là nơi xây dựng vườn sản xuất giống cát cánh, đương quy với quy mô 2 ha/năm. Việc nghiên cứu, sản xuất giống cây đan sâm dự kiến thực hiện tại xã Na Hối bằng phương pháp vô tính (nhân giống bằng hom mầm rễ). Đến nay, sản xuất giống cát cánh, đương quy bằng phương pháp lấy hạt được trung tâm thực hiện và bước đầu thu được kết quả.
Kết quả trồng thử nghiệm năm 2017 - 2018, cây cát cánh đạt từ 18 đến 22 kg hạt giống/0,1 ha, thu khoảng 6,5 tạ củ tươi/0,1 ha, với giá bán 1 triệu đồng/kg hạt giống, 25 nghìn đồng/kg củ. Hạt giống đương quy đạt khoảng 15 kg/0,1 ha, giá bán 3 triệu đồng/kg; sản lượng củ đạt 8 tạ/0,1 ha, giá bán 20 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi hơn 90 triệu đồng/ha.
Chị Tráng Thị Ngọc Linh, thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư cho biết: Năm 2017, gia đình tôi được lựa chọn tham gia mô hình trồng cây cát cánh lấy giống của huyện. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Với 0,2 ha, gia đình tôi thu hơn 37 triệu đồng nhờ bán 8,5 tạ củ tươi với giá 25 nghìn đồng/kg và 16 kg hạt giống với giá 1 triệu đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trước đây, huyện chưa chủ động được giống, phải nhập từ các công ty hoặc các tỉnh khác nên tỷ lệ nảy mầm không cao, cây chậm sinh trưởng dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay, việc sản xuất giống cây cát cánh đáp ứng được 100% nhu cầu trồng của người dân trên địa bàn (khoảng 20 ha); giống đương quy đáp ứng được 1/3 nhu cầu trồng (khoảng 15 ha). Nhờ chủ động được hạt giống nên đã giảm được 1/3 chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các loại cây trồng này.
Bên cạnh đó, việc chủ động được nguồn giống giúp huyện chủ động mở rộng diện tích trồng và tìm hướng tiêu thụ cho nông dân. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà đã ký hợp đồng với 4 đơn vị để bao tiêu toàn bộ sản phẩm dược liệu trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng, chăm sóc, bảo quản dược liệu sau thu hoạch theo tiêu chuẩn GACP cho người dân.
Với những kết quả ban đầu mà đề tài tài khoa học nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế thu được sẽ mở hướng đi mới cho ngành sản xuất dược liệu của tỉnh trong sản xuất giống, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
KIM THOA
Lão nông không cam chịu thất bại
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Thất bại liên tiếp với cây xoài, điều, thuốc lá, mía nhưng lão nông Đào Văn Thụ (75 tuổi, tổ 10, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai) vẫn không chịu khuất phục. Kiên trì, khéo tính toán, giờ ông đã có 2 ha ổi cho thu nhập 200-300 triệu đồng mỗi năm.
Năm 1984, từ quê lúa Thái Bình, ông Thụ cùng gia đình chuyển vào huyện Krông Pa lập nghiệp theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Những năm đầu, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, đôi lúc nản chí ông đã muốn quay về quê cũ. Nhưng rồi ông vẫn ở lại và quyết tâm tìm ra loại cây trồng có hiệu quả kinh tế để nuôi sống gia đình. Ông nghĩ, nhiều nơi đất hẹp nhưng người dân vẫn sống được nhờ trồng cây ăn quả, ở đây đất rộng tại sao lại không làm được.
Lão nông Đào Văn Thụ bên vườn ổi của gia đình. Ảnh: M.N
Từ suy nghĩ này, ông quyết định đầu tư trồng xoài. Ông ra chợ chọn mua những quả xoài to, ngon ngọt nhất về cho cả nhà cùng ăn, quả nào ưng ý thì giữ lại hạt để ươm giống. Sau 3 năm chăm sóc, vườn xoài 60 cây của gia đình ông đã cho thu bói hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, được vài năm, diện tích xoài ở địa phương liên tục tăng, cung vượt cầu nên giá ngày càng rẻ. Vườn xoài không còn giá trị kinh tế, ông chặt để chuyển sang trồng điều. Thời điểm thu hoạch, giá điều lại bấp bênh, thu không đủ chi, ông đành phá để trồng cây thuốc lá vàng. Thế nhưng sau 4 vụ trồng, ông thua lỗ, phải bán hàng chục con bò để trả nợ.
Ông Thụ kể, ông là người thứ 2 trồng mía ở thị trấn Phú Túc, nhưng cũng chỉ được 2 vụ. Năm 2016, xem ti vi, thấy có giống ổi ngoại nhập cho hiệu quả kinh tế cao, ông đã lặn lội ra tận Viện Giống cây nông nghiệp ở Hà Nội để tìm hiểu và mua giống về trồng, quyết tâm tìm vận may một lần nữa. Sau hơn 3 năm, vườn ổi nhà ông đã cho thu nhập đáng kể. “Hiện nay, với 700 cây ổi trồng trên diện tích 2 ha, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Nếu so sánh với các loại cây trồng trước đây thì hơn hẳn. Để có được như ngày hôm nay, tôi đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại”.
Vườn ổi của lão nông Đào Văn Thụ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: M.N
Ngoài trồng ổi, ông Thụ còn nuôi gà, chim bồ câu, cá và đang thử nghiệm với cây măng tây. Mô hình kinh tế của gia đình ông được người dân địa phương cũng như Hội Nông dân thị trấn Phú Túc đánh giá rất cao. Ông Đàm Văn Nguyện (tổ 10, thị trấn Phú Túc) nhận xét: “Muốn phát triển kinh tế gia đình thì phải học tập ông Thụ trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế, thay thế dần cây mía, mì năng suất thấp, nhiều sâu bệnh, giá cả bấp bênh”. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Minh Tuyến-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Túc-nhận định: “Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập, phù hợp phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi sẽ tổ chức để hội viên Hội Nông dân thị trấn tiếp cận, học hỏi nhân rộng mô hình”.
MINH NGUYỄN
Gia Hòa (Gia Viễn, Ninh Bình): Nông dân thu lãi lớn từ na trái vụ
Nguồn tin: Báo Ninh Bình
Bằng kỹ thuật cắt cành để ép cho na ra quả gối vụ từ thân cây, một số nông dân ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình)đã có thu nhập cả trăm triệu đồng/1ha.
Ông Vũ Đình Phái, xã Gia Hòa chăm sóc vườn na.
Ông Trần Văn Hợi-một trong những người tiên phong áp dụng kỹ thuật này chia sẻ: Cành quả na thường mọc trên cành mẹ (cành của năm trước). Nhụy đực và nhụy cái trên cùng một chùm hoa. Nhụy cái thường chín sớm so với nhụy đực nên thời gian để tiếp nhận phấn ngắn, nếu không có côn trùng hoặc thụ phấn bổ sung thì quả đậu kém.
Do vậy, phải xử lý cắt cành để tán na thấp, vừa tầm với, thuận tiện cho việc thụ phấn bằng tay. Ngoài ra để ép na ra quả gối vụ, ngay từ lứa đầu tiên (vụ 1), lúc quả mới bằng cái chén, tôi phải cắt tỉa các cành không có quả, bỏ các cành quả còi cọc, cong vẹo. Na bị cắt cành khiến dinh dưỡng bị ứ lại, dồn về thân sẽ cho trồi lộc, đơm hoa ngay trên thân cây, cho lứa quả thứ 2 ngay sau lứa 1. “Kỹ thuật này tôi học được từ người trồng na ở Hòa Bình.
Lúc đầu làm thử nghiệm, toàn bộ vườn na đang xum xuê, xanh tốt, tôi đem cưa trụi, chỉ để lại mỗi thân chính cao tầm đầu người thế là bị vợ phản đối, giận cả tháng. May mắn là tôi đã thành công, giờ ngày ngày đi thu hoạch na, vợ chẳng thấy cằn nhằn lời nào nữa”, ông Hợi vui vẻ nói.
Được biết, hiện nay gia đình ông Hợi đang sở hữu vườn na hơn 3 ha với tổng số 2.000 gốc na. Một năm ông thu 2 lứa quả, lứa 1 vào tháng 6, tháng 7 âm lịch, sản lượng khoảng 7 tấn; lứa thứ 2 thu vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, sản lượng ít hơn, chừng 3 tấn, tuy nhiên giá lúc này cao gấp 1,5-2 lần lúc chính vụ, khoảng 40-60 nghìn đồng/1kg.
Ông Vũ Đình Phái cũng là một người trồng na trái vụ ở thôn Gọng Vó cho biết thêm: Khó nhất là việc đánh giá sức khỏe cây, nếu tham lấy quá nhiều quả thì cây na hoặc sẽ kiệt quệ, hoặc sẽ bị chết.
Do vậy, để làm thành thạo, chuẩn hóa thành quy trình, những nông dân như ông phải mất tới vài vụ thử nghiệm, vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm mới có được kết quả như ngày hôm nay. “Nhà có 2 ha đất đồi trồng na, nếu chỉ bán na chính vụ thu nhập chỉ có khoảng 100 triệu đồng, nhưng từ khi làm gối vụ, doanh thu mỗi năm không dưới 200 triệu đồng”, ông Phái khoe. Gọng Vó và Đồi Ngô được ví như là vùng kinh tế mới ở xã Gia Hòa bởi trước kia là vùng đất hoang hóa, chủ yếu trồng keo, sắn.
Từ năm 1992, sau khi triển khai dồn điền, đổi thửa, một số hộ dân đã mạnh dạn vào đây, bỏ tiền của, công sức cải tạo biến vùng đất này thành vựa hoa quả có tiếng của Gia Viễn và na là một trong những sản phẩm đặc trưng với diện tích trồng khoảng 30 ha.
Thực tế cho thấy đất Gia Hòa rất phù hợp với cây na; địa hình cao, ráo nước nhưng chất đất giàu dinh dưỡng nên na trồng ở đây có màu sắc vỏ sáng bóng, ăn ngọt, thơm và không hề có vị chua. Chất lượng tốt, tuy nhiên giá trị mà cây na mang lại thì chưa cao, nguyên nhân là cây 1 năm chỉ cho một lứa mà lúc đó thì có rất nhiều hộ cùng thu hoạch, dẫn đến giá không cao.
Kỹ thuật điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ tùy thích bằng cách... cắt cành đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Na không chín rộ trong thời gian ngắn, nghĩa là không có chuyện ứ hàng. Và tất nhiên, cánh thương lái không thể ép giá, nhờ vậy mà nhiều nông dân ở xã Gia Hòa hiện nay đang khấm khá lên nhờ trồng na.
Bài, ảnh: Hà Phương
Làm giàu trên vùng đất khó
Nguồn tin: Tỉnh Vĩnh Phúc
Với sự năng động, nhạy bén, ham học hỏi, anh Phạm Ngọc Tú, thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế (Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) có thu nhập khá từ mô hình nuôi lợn rừng, lợn mán. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả ở địa phương miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Với giá lợn như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Phạm Ngọc Tú, xã Đồng Quế (Sông Lô) có thể thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lợn rừng
Cùng cán bộ xã vượt qua một đoạn đường dài, ngoằn ngoèo và khó đi, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Tú nằm giữa một quả đồi rộng chừng 20 ha. Trên diện tích khá rộng, anh Tú xây dựng nhiều chuồng nuôi kiên cố kết hợp với sân vườn có quây lưới chắc chắn để nuôi lợn rừng, lợn mán theo hình thức bán chăn thả.
Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp cấp III, anh Tú đi làm ngay. Trải qua nhiều công việc với thu nhập bấp bênh, anh trở về quê. Đến năm 2009, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Tú quyết định chuyển vào khu đồi nằm sâu trong thôn Thanh Tú để lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Thời gian đầu, cuộc sống của vợ chồng anh khá vất vả do thiếu vốn, loay hoay mãi chưa biết làm gì. Tâm sự với chúng tôi, anh Tú chia sẻ: Khi ấy, hai vợ chồng phải “đi bổ củi đổi cơm” bởi ngoài căn nhà đơn sơ dựng tạm, thì vốn liếng của đôi vợ chồng trẻ chỉ có 1 cặp lợn rừng, điện đóm không có, điện thoại hay mạng internet lại càng không. Làm gì để phát triển kinh tế gia đình luôn là vấn đề trăn trở trong anh.
Cùng bạn bè đi khảo sát thị trường tại các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, anh nhận thấy nhu cầu nguồn hàng về dê núi, lợn rừng, lợn mán tương đối lớn, trong khi điều kiện địa hình tại nơi mình sinh sống khá phù hợp với sự phát triển của các con vật này. Nghĩ là làm, anh bàn với vợ vay tiền đầu tư xây dựng chuồng trại, tăng số lượng đàn lợn rừng và kết hợp nuôi 50 con dê. Mặc dù nuôi dê ít bệnh tật, chi phí thức ăn thấp tận dụng được các loại cây, cỏ sẵn có trên vườn đồi và có thể thu gốc sau 1 năm, song lại cần người chăn thả, nên từ năm 2013, hai vợ chồng anh Tú chỉ tập trung vào nuôi lợn rừng, lợn mán.
Tiếp đó, năm 2016, gia đình anh xây dựng thêm chuồng trại, đưa gần 50 lợn nái ngoại vào nuôi bởi thời gian nuôi ngắn, giá bán lúc đó lên cao. Thế nhưng, không may, khi đàn lợn ngoại vừa đến thời điểm xuất bán thì giá lợn xuống thấp ở mức 15 nghìn đồng/kg, lại thêm mắc phải bệnh E.coli. Gia đình anh Tú khi ấy không khỏi “điêu đứng” khi phải chịu thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Không nản chí, “cơn bão” giá lợn thấp kỷ lục đi qua, hai vợ chồng anh Tú lại vay mượn thêm vốn, tập trung nuôi lợn rừng, lợn mán bởi giá bán các loại lợn này luôn ở mức cao, đầu ra ổn định, thậm chí có thời điểm không đủ hàng để bán.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, anh Tú thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch và chăm sóc cho đàn lợn theo hướng hữu cơ, sử dụng thức ăn chủ yếu là cám gạo và cây, cỏ quanh nhà. Anh Tú bảo, lợn rừng cơ bản dễ nuôi vì là động vật ăn tạp, được nuôi theo mô hình chăn thả nên có sức đề kháng cao, nhưng khó nhất là khâu chăm sóc lợn giống. Lợn con sinh ra phải biết cách chăm sóc nếu không rất dễ chết.
Thời điểm này, khi dịch Tả lợn châu Phi vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, trang trại nuôi lợn rừng, lợn mán của anh Tú vẫn an toàn. Song, không vì thế mà vợ chồng anh Tú lơ là, chủ quan trong khâu phòng dịch bởi theo anh, chăn nuôi luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là dịch bệnh có thể khiến cả vốn cả lãi “đội nón ra đi”.
Ngoài việc bổ sung thêm lượng thức ăn, tăng chất dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, rắc vôi bột 2 lần/ngày xung quanh chuồng trại, thì khách đến chơi đều phải thực hiện cách ly tuyệt đối với khu vực chuồng trại. Thông thường, sau khoảng 9 - 10 tháng, lợn rừng có thể xuất bán với trọng lượng từ 30 - 35 kg/con.
Từ 1 cặp giống ban đầu, đến nay, trang trại của gia đình anh Tú có hơn 20 lợn nái và gần 300 con lợn thịt các loại. Với nguồn cung lớn, dồi dào, chất lượng thịt ngon, uy tín, trang trại của anh Tú được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới. Trong đó, chủ yếu là các nhà hàng với các món ăn đặc sản.
Thời điểm này, lợn rừng đang có giá bán 120 nghìn đồng/kg và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới bởi nguồn cung thịt lợn trong tỉnh đang rất khan hiếm. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Tú có thể thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm.
Bài, ảnh Hồng Nhật
Kinh nghiệm phòng dịch tả lợn châu Phi
Nguồn tin: Báo Bắc Kạn
Dịch tả lợn châu Phi lan đến đâu đàn lợn suy giảm đến đó. Dù không có thuốc chữa đặc trị nhưng các cơ sở chăn nuôi tập trung hoàn toàn có thể phòng chống loại dịch này, đó là khẳng định của hai chủ trại lợn lớn tại Bắc Kạn.
Do làm tốt khâu phòng dịch đến nay trại lợn của Công ty TNHH Nam Huế vẫn khỏe mạnh
Dịch tả lợn châu phi xuất hiện tại Bắc Kạn từ ngày 12/3, tại thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn. Đến nay dịch đã bùng phát và lây lan đến tất các các huyện trong tỉnh. Số lợn phải tiêu hủy là 26.221 con, tổng trọng lượng là hơn 11.555kg, hiện nay dịch vẫn chưa khống chế được dứt điểm.
Dù nằm trong vùng dịch nhưng hàng nghìn con lợn thịt vẫn an toàn cho đến ngày xuất bán; lợn nái vẫn sinh sản bình thường... Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nam- Giám đốc Công ty TNHH Nam Huế. Để kháng bệnh thì vật nuôi cần có sức khỏe tốt. Đàn lợn của chúng tôi đảm bảo khỏe từ bố mẹ đến con giống. Quy trình của trại lợn rất chặt chẽ, để phòng bệnh tốt nhất, chuồng trại tại đây luôn được vệ sinh sạch sẽ. Lợn được uống nước sạch, uống thuốc phòng bệnh đầy đủ, nhiệt độ của các chuồng được điều chỉnh bởi hệ thống làm mát. Sức khỏe của đàn lợn được các bác sĩ thú y theo dõi thường xuyên. Thức ăn cho lợn được dùng loại cám của hãng có uy tín.
Trại lợn luôn tuân thủ quy trình cấm trại. Các công nhân ăn ở trong trại, mọi thực phẩm mang vào trại đều được kiểm tra đủ điều kiện về chất lượng và an toàn mới được đưa vào. Công nhân vào trại phải ở khu cách ly, đủ thời gian mới được vào làm việc. Với quy trình chặt chẽ như vậy, đến nay trại lợn của Công ty TNHH Nam Huế vẫn an toàn. 9 tháng đầu năm trại xuất bán 1.200 con lợn thịt, 1.000 con lợn giống. Hiện nay trại đang duy trì nuôi 600 con nái đẻ, 10 con lợn đực, 22 con đực hậu bị, 800 con lợn thịt và khoảng 600 con lợn con.
Ông Nguyễn Văn Phong- Phó Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh và chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Bắc Kạn từ ngày 12/3/2019. Sau đó dịch lây lan nhanh đến tất cả các huyện trong tỉnh. Dù các cấp, ngành cùng người dân đã vào cuộc chống dịch, nhưng dịch vẫn lây lan nhanh. Theo ông Phong, nguyên nhân chính là do chúng ta chưa kiểm soát hết được chất lượng thực phẩm từ lợn khi bán trên thị trường; hai là quá trình vận chuyển lợn bệnh khiến gieo rắc mầm bệnh...
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng thường xuyên.
Nếu một trại lợn hay một hộ dân giấu bệnh, khi có một vài con mắc bệnh chết, họ vẫn bán lợn ra thị trường. Người tiêu dùng mua phải, với thói quen dùng đồ ăn thừa, nước rửa thực phẩm để nấu cám, vô tình chính người dân cho lợn tiếp xúc với vi rút gây bệnh. Một con lợn bệnh lọt ra thị trường thì có hàng trăm người tiếp xúc. Thịt lợn là thực phẩm chính với người dân, đây là một trong nhiều nguyên nhân mang bệnh về nhà và rất khó kiểm soát.
Mỗi ngày con người di chuyển đến nhiều môi trường làm việc khác nhau, ăn uống cũng từ nhiều nơi, vô tình mang mầm bệnh về nhà. Ông Hoàng Vũ Phong có trại lợn khoảng 4.000 con tại xã Nông Hạ (Chợ Mới) chia sẻ: Chỉ các trại lớn mới có điều kiện đầu tư nhiều cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn phòng dịch. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể làm được vì chi phí cho việc này khá lớn. Ngoài ra, việc cấm trại quản lý chặt chẽ người ra vào khu chăn nuôi là rất quan trọng, các trại lợn thường cách xa khu dân cư nên việc quản lý thuận lợi và an toàn. Công thức chung để phòng dịch là lợn sạch, chuồng sạch, nước sạch, thức ăn sạch, con giống sạch, môi trường sạch./.
Trần Tuyến
Tuyên Hóa (Quảng Bình): Phát triển mạnh đàn bò lai
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Để từng bước cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã tập trung các giải pháp để phát triển đàn bò lai.
Đa số người dân Tuyên Hóa đã chuyển đổi từ chăn nuôi bò cỏ sang nuôi bò lai.
Huyện đã có các chính sách hỗ trợ để phát triển đàn bò lai như: hỗ trợ 500 ngàn đồng/con đối với gia đình chăn nuôi từ 5 con bò cái sinh sản trở lên, hỗ trợ 300 ngàn đồng/con đối với hộ nuôi từ 5 con bò thịt trở lên và hỗ trợ đối với trang trại chăn nuôi 30 triệu đồng/trang trại.
Cùng với chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò lai, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn và nhân dân chuyển đổi hàng trăm ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò.
Nhờ vậy, đến tháng 10-2019, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 15.950 con, trong đó bò lai chiếm 65%, trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ bò lai dẫn đầu toàn tỉnh.
Văn Tư
Người đi câu cá bắt được rùa mai vàng
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Trong lúc đi câu cá trên sông Đồng Nai (đoạn qua phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) vào ngày 20-10, một người đàn ông đã bắt được con rùa có thân hình màu vàng, vân màu đen ở trên mai rất đẹp, lạ mắt đang bò bên mép sông. Nhiều người ngạc nhiên vì từ trước đến nay chưa từng thấy con rùa như thế.
Con rùa vàng được chủ nhân đem về nuôi trong nhà
Bà con trong khu vực khi nghe tin có rùa lạ đã kéo đến để xem rất đông. Một số người hỏi mua lại nhưng chủ nhân không bán, đem về nhà ở phường Uyên Hưng để nuôi.
QUANG TÁM
Sóc Trăng: Thả cá thể rùa răng về tự nhiên
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Chiều ngày 23-10, Chi cục Kiểm lâm phối hợp các đơn vị liên quan tiếp nhận và thả một cá thể rùa răng (càng đước), tên khoa học là Heosemys annandalii có trọng lượng 9,6kg do ông Nguyễn Văn Phúc, ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) bắt được trong lúc bắt cá trên sông.
Theo ông Nguyễn Tấn Nam - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm), cá thể rùa răng được ông Phúc bắt trong lúc kéo lưới cá. Khi phát hiện đây là động vật quý hiếm, ông Phúc đã báo ngay đến chính quyền địa phương và bàn giao cá thể rùa cho Chi cục Kiểm lâm xử lý.
Cá thể rùa răng được các đơn vị liên quan tiến hành thả về tự nhiên. Ảnh: Thúy Liễu
Tiếp nhận cá thể rùa răng, đơn vị chức năng đã tiến hành đem thả để rùa sống trong môi trường tự nhiên, góp phần đa dạng sinh học, bảo tồn quần thể các loài động vật hoang dã đang dần bị cạn kiệt và chung tay bảo vệ cân bằng môi trường sinh thái.
Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Trần Trọng Khiêm cho biết: “Rùa răng là loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, cấm săn bắt, mua bán với mọi hình thức. Đây là loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, do vậy với ý thức tự giác giao nộp cá thể rùa răng của ông Phúc là hành động đáng biểu dương, bởi ông đã giúp sức cùng cơ quan chức năng bảo tồn các loại động vật quý hiếm”.
Thúy Liễu
Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong bảo vệ loài thuỷ hải sản nguy cấp, quý hiếm và rùa biển
Nguồn tin: Tổng cục Thủy sản
Từ ngày 21-25/10/2019, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị lần thứ 8 các quốc gia ký kết Bản ghi nhớ về quản lý, bảo tồn rùa biển và môi trường sống của chúng ở khu vực vùng biển Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (gọi tắt là IOSEA MOS8).
Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức định kỳ để các nước thành viên cùng nhau thảo luận các vấn đề quan trọng của Bản ghi nhớ. Hội nghị lần thứ 8 có sự tham gia của đại diện 33 quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước.
Tính đến nay, IOSEA đã tổ chức được 07 Hội nghị các quốc gia thành viên vào các năm 2003 (tại Thái Lan), 2004 (tại Thái Lan), 2005 (tại Thái Lan), 2006 (tại Oman), 2008 (tại Indonesia), 2012 (tại Thái Lan) và 2014 (tại Đức). Hội nghị lần thứ 8 sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng như: Tiến độ thực hiện Bản ghi nhớ (MOU); xem xét, rà soát các vấn đề từ Hội nghị IOSEA lần thứ 7; thảo luận về những thách thức và xu hướng trong tương lai nhằm thông qua chương trình làm việc cho giai đoạn 2020-2024 của IOSEA và các nước thành viên; hướng dẫn các hoạt động của Ban thư ký, các quốc gia ký kết và các bên liên quan khác trong thực hiện Kế hoạch quản lý và bảo tồn trong giai đoạn 2020-2024; thảo luận về thể chế, hành chính và tài chính.
Rùa biển là một trong những loài sinh vật lâu năm nhất trên trái đất, đến nay, trên thế giới chỉ còn 7 loài rùa biển, gồm: Vích (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Quản đồng (Caretta caretta), Rùa Kempi (Lepidochelys kempii), Rùa mai phẳng (Natator depressus) và Rùa da (Dermochelys coriacea). Hiện nay, loài rùa biển đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu. Theo thống kê, vùng biển Việt Nam có 5 loài rùa biển sinh sống, đó là: Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng, và Rùa da. Tất cả các loài rùa biển tại Việt Nam đã được đưa vào Danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng như danh mục các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, thường được gọi là Sách Đỏ (Redlist) của thế giới (năm 2000) và Sách Đỏ Việt Nam ở các mức độ nguy cấp khác nhau.
Để tăng cường việc quản lý, bảo tồn các loài rùa biển nguy cấp, quý, hiếm và là một phần không thể thay thế của các hệ sinh thái biển, Chính phủ Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về bảo tồn rùa biển như: (1) Bản ghi nhớ về Bảo tồn và quản lý các loài rùa biển và môi trường sống của chúng tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (năm 2001); (2) Bản ghi nhớ về Bảo tồn và bảo vệ rùa biển tại Đông Nam Á (năm 2012); (3) Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (năm 1994). Căn cứ các cam kết quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học đặc biệt đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm trong đó có các loài rùa biển như Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngày 14/03/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025 tại Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS với mục tiêu chung là bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1176/QĐ-TTg ngày 12/9/2019 phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Với tư cách là quốc gia ký kết Bản ghi nhớ IOSEA, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên nhằm bảo vệ rùa biển nói riêng và các loài thuỷ sinh nguy cấp, quý hiếm nói chung.
Hội nghị lần thứ 8 sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng như: Tiến độ thực hiện Bản ghi nhớ (MOU); xem xét, rà soát các vấn đề từ Hội nghị IOSEA lần thứ 7; thảo luận về những thách thức và xu hướng trong tương lai nhằm thông qua chương trình làm việc cho giai đoạn 2020-2024 của IOSEA và các nước thành viên; hướng dẫn các hoạt động của Ban thư ký, các quốc gia ký kết và các bên liên quan khác trong thực hiện Kế hoạch quản lý và bảo tồn trong giai đoạn 2020-2024; thảo luận về thể chế, hành chính và tài chính.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Việt Nam đề xuất Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA (IOSEA Marine Turtle Site Network) và báo cáo tại phiên toàn thể để các nước thành viên xem xét thông qua. Đây là một nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, và bảo tồn rùa biển nói riêng trong thời gian qua. Khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình bảo vệ loài thuỷ hải sản nguy cấp, quý hiếm, chống khai thác IUU và hướng tới khai thác hải sản bền vững và có trách nhiệm./.
Văn Thọ
Hiếu Giang tổng hợp