Lý Sơn điêu đứng trước cây tỏi mất mùa
Nguồn tin: Nhân Dân
Chưa có năm nào cây tỏi, loại đặc sản cay nồng và là cây trồng chủ lực của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại mất mùa nặng nề như năm nay.
Gần 100% diện tích tỏi trên đảo bị hư hỏng, giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Một vụ tỏi thất bát không chỉ làm cho người dân Lý Sơn điêu đứng, lo toan mà còn gây khó cho nhiều đơn vị ký hợp đồng thu mua tỏi Lý Sơn để cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.
Thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay
Sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm nông dân Lý Sơn tập trung ra đồng để thu hoạch vụ tỏi đông-xuân. Năm nay, nông dân huyện đảo ra đồng thu hoạch thứ được gọi là “vàng trắng” này với một tâm trạng khác hẳn mọi năm. Không còn cảnh tấp nập vui tươi như những năm qua, thay vào đó là không khí buồn bã bao trùm các cánh đồng. Ai cũng nhanh tay dọn cho xong đám tỏi để lấy đất xuống giống vụ mới với mong muốn gỡ gạc lại vụ tỏi thất bát.
“Cả đám còn chẳng được mấy cây, toàn ngã rạp xuống sát đất hết vậy thì lấy đâu ra củ”, lão nông Dương Hiền (70 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải buồn rầu nói. Theo ông Hiền, chưa có năm nào ông thấy một mùa tỏi mà hầu như đám nào cũng bị thiệt hại tới hơn 50%. Chỉ tay về phía những đám tỏi khác nằm gần ruộng tỏi nhà mình, ông Hiền nói thêm: “Tôi đã sống gần hết cuộc đời ở đảo nhưng chưa bao giờ thấy tỏi bị hư hại nhiều như năm nay. Nhà tôi có bốn sào tỏi, trung bình mỗi mùa thu về gần hai tấn tỏi tươi. Vậy mà vụ này tôi chỉ thu được hơn 500kg, mà toàn tỏi bị hỏng củ rất khó bán. Không chỉ riêng mình tôi, mà hầu như cả đảo nhà ai cũng bị mất mùa nặng…”.
Nhà chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã An Vĩnh vụ này xuống giống bảy sào tỏi. Tổng số tiền mà chị Hoa bỏ ra để đầu tư cho việc cải tạo đất, giống, phân và thuốc trừ sâu… đã ngót nghét 40 triệu đồng. Thế nhưng, diện tích mà năm ngoái cho sản lượng khoảng hơn 2,5 tấn tỏi tươi thì năm nay ước tính giỏi lắm cũng chỉ được khoảng bốn tạ, coi như chị cầm chắc phần lỗ khoảng 70% chi phí. Nhìn ruộng tỏi xơ xác ngoài đồng, chị Hoa than thở: “Cả ruộng tỏi ngã rạp như bị bò dẫm thế này thì làm sao có củ được. Tới ngày thu hoạch rồi nhưng tôi cũng chẳng buồn nhổ nữa, vì tiền thu được chẳng đủ trả tiền nhân công thì thu làm gì!”.
Nhiều nông dân trồng tỏi lâu năm trên đảo cho rằng, việc tỏi mất mùa không chỉ diễn ra ở một hộ hay một cánh đồng mà xảy ra trên toàn đảo. Nơi được xác định là thiệt hại nặng nề nhất là đảo Bé (xã An Bình). Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Lý Sơn, vụ tỏi đông xuân năm nay toàn đảo Bé xuống giống 25ha tỏi, sản lượng thu hoạch chỉ bằng 1/3 niên vụ trước. Theo những nông dân có kinh nghiệm thì việc tỏi Lý Sơn năm nay mất mùa xuất phát từ việc đầu mùa xuất hiện nhiều đợt sương muối và rầy nâu hoành hành. Tỏi mất mùa còn đặt nông dân huyện đảo vào một tình cảnh thiếu giống để gieo trồng vụ sau, khi nhiều diện tích mất trắng, số còn vớt vát được thì phẩm chất rất kém không thể làm tỏi giống được.
Theo thống kê của phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn toàn huyện có 325ha diện tích trồng tỏi. Tổng năng suất vụ tỏi 2015 là 5.260 tấn, bình quân 7,9 tấn/ha. Nhưng vụ tỏi năm 2016, thống kê sơ bộ trên diện tích này toàn huyện chỉ thu về khoảng 3.000 tấn tỏi, mà phần lớn tỏi trong số này cũng không đạt được kích cỡ và phẩm chất như những vụ trước.
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Vụ tỏi năm nay, toàn huyện thiệt hại rất nặng, lên đến 70%. Nhiều người dân sống nhờ vào số tiền thu được từ cây tỏi nhưng giờ đang rất khó khăn. Năm nay thời tiết không thuận lợi, khiến dịch bệnh diễn biến rất phức tạp gây hại cho cây tỏi. Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không được.
Trước việc vụ tỏi mất mùa nặng nề chưa từng thấy này, bà Hương cho biết thêm, chính quyền huyện Lý Sơn đang tiến hành xác định rõ nguyên nhân và thống kê thiệt hại một cách cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu tìm phương án hỗ trợ để bà con sản xuất vụ sau.
Xe ôm ế ẩm, doanh nghiệp khó thu mua
Mặc dù là thời điểm chính vụ thu hoạch tỏi để xuất bán, nhưng hiện tại lượng tỏi thương phẩm ở Lý Sơn còn không nhiều do tỏi vụ trước người dân đã xuất bán từ trước Tết Nguyên đán, còn tỏi vụ này do mất mùa nên nguồn cung bị giảm nghiêm trọng. Những ngày này không khí tại chợ tỏi Lý Sơn vắng lặng hơn hẳn cùng kỳ nhiều năm. Anh Bùi Văn Hùng, xe ôm chuyên chở tỏi từ chợ tỏi ra cảng Lý Sơn để vận chuyển vào đất liền cho biết: Từ Tết tới giờ anh mới chỉ chở được vài chuyến hàng, mọi năm thời điểm này những xe ôm như anh phải hoạt động hết công suất, chưa năm nào lượng tỏi ít như năm nay.
Người trồng tỏi trắng tay, còn các đơn vị thu mua và cung ứng hành tỏi ra thị trường trong và ngoài nước cũng như đang ngồi trên lửa. Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc công ty TNHH MTV Hải Đảo Lý Sơn, đơn vị trực tiếp mua và cung ứng tỏi cho các siêu thị và thị trường ngoài nước như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho rằng, công ty đang gặp khó trong việc mua tỏi Lý Sơn đủ tiêu chuẩn để bán cho đối tác.
“Công ty chúng tôi vừa ký được một hợp đồng cung ứng tỏi với một đối tác đến từ Hoa Kỳ, nhưng giờ tỏi Lý Sơn mất mùa nặng khiến khâu thu mua của chúng tôi gặp không ít khó khăn, giờ không biết lấy đâu ra tỏi cung ứng cho người ta”, ông Định nói.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Ca - Giám đốc siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, đơn vị tham gia bao tiêu tỏi Lý Sơn với sản lượng khoảng sáu tấn mỗi tuần để cung ứng cho toàn bộ 78 siêu thị Co.op Mart trong toàn bộ hệ thống cho biết: Co.op Mart đã ký hợp đồng thu mua hành, tỏi với giá ổn định cho nông dân huyện Lý Sơn từ nhiều năm nay. Trước thông tin tỏi Lý Sơn mất mùa nặng, phía siêu thị buộc phải đưa ra phương án dự phòng để giải quyết bài toán khó khăn về nguồn cung trong thời điểm này.
“Đây là lý do bất khả kháng, chúng tôi buộc phải đưa ra phương án dự phòng là đẩy mạnh thua mua ở các địa phương khác như: Hải Dương, Ninh Thuận…để bù vào sản lượng thu mua tỏi Lý Sơn. Trước mắt chúng tôi sẽ bán tỏi của những địa phương này, đây là giải pháp tình thế vì tỏi Lý Sơn đang được khách hàng rất ưa chuộng và siêu thị đang tiêu thụ rất mạnh”- Ông Ca nói.
MINH TRÍ và LÊ DANH
OM 108 Và OM 341 được bầu chọn là 2 giống lúa triển vọng vụ đông xuân 2015-2016
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Ngày 26-2, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 nhằm giới thiệu các giống lúa mới, triển vọng do Viện nghiên cứu chọn tạo.
Các đại biểu tham gia đánh giá các giống lúa triển vọng tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long vụ đông xuân 2015 - 2016.
Theo các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL, muốn có giống lúa mới để đưa vào sản xuất phải trải qua nhiều giai đoạn như lai tạo, chọn dòng thuần, so sánh sơ khởi, đánh giá hậu kỳ và khảo nghiệm tính thích ứng để chọn ra các giống có đặc tính vượt trội so với các giống trước đó và được gọi là giống triển vọng. Dịp này, Viên Lúa giới thiệu 18 giống lúa được nhân giống trình diễn để chọn ra những giống lúa mới triển vọng ngắn ngày, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, chống chịu sâu bệnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất ở vùng ĐBSCL. Các giống lúa có những ưu điểm vượt trội, thích nghi được với các điều kiện bất lợi của thời tiết như khô hạn, phèn, mặn… vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Qua bình chọn đã có 2/18 giống cùng dẫn đầu danh sách giống lúa triển vọng là OM 108 và OM 341 chiếm 46,34% trên tổng số phiếu bình chọn. Trong đó, giống OM 108 cho năng suất 8,16 tấn/ha ở vụ đông xuân và 5,2 tấn/ha ở vụ hè thu. Giống này có phẩm chất gạo tốt, cơm mềm xốp, có mùi thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; có khả năng chống chịu tốt với rầy nâu và đạo ôn cấp 2, chịu mặn từ 4 - 5 %o. Đối với giống OM 341, năng suất lúa trong vụ đông xuân đạt từ 7,8 - 9 tấn/ha, vụ hè thu 5 - 6,8 tấn/ha. Hạt gạo trong, thon dài, ngon cơm. Giống này có kháng rầy nâu cấp 3 và kháng bệnh đạo ôn từ cấp 3 - cấp 5.
Qua đánh giá các giống lúa triển vọng trong vụ đông xuân 2015 - 2016, các đại biểu cũng kiến nghị Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo, đưa vào sản xuất những giống lúa mới có khả năng chống chịu những điều kiện bất lợi của thời tiết như nóng, hạn, mặn hoặc các giống ngắn ngày để đảm bảo phù hợp với thời vụ xuống giống của các địa phương trong vùng. Đặc biệt, bên cạnh các giống lúa này có khả năng thích ứng trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt nhằm đảm bảo an ninh lương thực của vùng, Viện cần nghiên cứu, bổ sung thêm các giống phẩm chất tốt, năng suất cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
MINH HUYỀN
Nông dân mất hàng tỷ đồng vì mía cháy
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, nông dân trồng mía tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) bị thiệt hại nặng vì hàng trăm hécta mía thiêu rụi, tập trung nhiều nhất là tại các xã: Trung Hòa, Hưng Thịnh, Hưng Lộc...
Lao động thu hoạch mía cháy tại huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên
Vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng mía gặp nhiều thuận lợi vì giá mía tăng cao lại đạt về năng suất. Nhưng không ít người trồng mía tại Trảng Bom lại đang điêu đứng vì nạn mía cháy hàng loạt. Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng mía cháy có thể do kẻ gian cố tình phá hoại.
Dồn dập cháy mía
Ông Trương Hùng Dũng, một trong những nông dân bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 100 hécta mía bị cháy, chia sẻ: “Trận cháy đầu là vào 29 tháng Chạp, tôi bị cháy trụi 20 hécta mía. Đợt này, tôi lỗ hàng trăm triệu đồng do mía cháy nên phải 10 ngày sau mới thu hoạch, mía cháy để khô trên đồng, chữ đường giảm mạnh nên giá bán chỉ bằng một nửa so với mía thường. Chỉ hơn nửa tháng, tôi tính sơ đã có khoảng 300 hécta mía ở vùng này bị cháy, thiệt hại của nông dân chúng tôi cứ tăng dần”.
Ông Trần Thái Quốc, nông dân trồng mía tại xã Hưng Thịnh có khoảng 40 hécta mía cháy, lo lắng: “Chưa năm nào tình trạng mía cháy lại xảy ra nghiêm trọng như năm nay. 29 tháng Chạp vừa có trận cháy lớn thì đêm mùng một tết, gia đình tôi đã tất tả đi cứu mía cháy. Từ đó đến nay, cứ đôi ba ngày lại xảy ra vụ cháy mới. Có những đợt cháy lớn, ngọn lửa bùng cao quá ngọn cây, chúng tôi đành bất lực nhìn cả trăm hécta mía bị thiêu rụi”. Do tình trạng mía cháy diễn ra liên tục với diện tích lớn nên nông dân càng gặp khó khăn trong việc tổ chức thu hoạch, nhiều đồng mía cháy hiện đang dần khô trên đồng. Mía cháy chậm thu hoạch, nông dân càng thiệt hại vì mía càng khô, trọng lượng và chữ đường càng giảm.
Kẻ gian phá hoại?
Theo những nông dân trồng mía, nạn mía cháy xảy ra nghiêm trọng như hiện nay có thể là do bị phá hoại. Ông Vũ Quốc Hùng, lao động đang chặt mía cháy tại ấp Hưng Long (xã Hưng Thịnh), nhận xét: “Đám mía này bị cháy là do có người cố tình đốt vì điểm phát cháy nằm sâu giữa đám mía, chúng tôi phải mở đường vào sâu bên trong chữa cháy. Nhiều vụ cháy lớn là do người đốt châm lửa ở các điểm khác nhau khiến đám cháy lan nhanh, người chữa cháy không biết dập lửa từ đâu”.
Những vụ thu hoạch mía trước đây vẫn xảy ra cháy mía. Có một số nhóm lao động chủ động đốt mía để dễ thu hoạch nhưng họ thường chỉ đốt vài ba mẫu mỗi lần chặt. Nguyên nhân cháy có thể do khô hạn, con người bất cẩn,nhưng nhiều vụ cháy mía xảy ra gần đây có rất nhiều dấu hiệu cho thấy đây là hành động của những kẻ cố tình phá hoại.
Trái với thông tin người dân phản ánh, đến nay UBND huyện Trảng Bom chỉ mới có báo cáo kết quả kiểm tra, ghi nhận thiệt hại rẫy mía cháy tại xã Trung Hòa trong ngày 25-1có 27 hécta mía bị cháy; ngày 14-1 có 0,5 hécta đất rẫy trồng thanh long, bưởi bị cháy. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã có ý kiến giao cho UBND xã Trung Hòa chỉ đạo Công an xã khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy.
Theo ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An, thời gian gần đây ngày nào nhà máy cũng ép từ 400 - 500 tấn mía cháy. Tình trạng mía cháy xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau nhưng nghiêm trọng nhất là huyện Trảng Bom với khoảng 300 hécta mía bị cháy. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của nhà máy. Phía nhà máy kiến nghị chính quyền địa phương ở những nơi xảy ra nạn cháy cần quan tâm điều tra, ngăn chặn tình trạng kẻ gian cố tình đốt mía.
Bình Nguyên
Hậu Giang: Canh tác lúa theo nhu cầu doanh nghiệp
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Không ít hộ dân canh tác trong cánh đồng lớn (CĐL) xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang phấn khởi vì vụ lúa Đông xuân 2015 - 2016 đã thực sự mang về cho gia đình họ khoản lợi nhuận xứng đáng.
Dẫn chúng tôi ra mảnh ruộng hơn 1,8ha lúa AGPPS 140 đang thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp phía sau nhà, ông Nguyễn Trung Bảy, ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, chia sẻ: “Tất cả đều được Công ty TNHH Một thành viên lương thực Vĩnh Lộc (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) bao tiêu hết. Mức giá thu mua rất hấp dẫn, từ 6.500 đồng/kg trở lên, tùy theo ẩm độ lúa cắt ngoài đồng”.
Lợi nhuận cao
Ngay từ đầu vụ Đông xuân, Công ty TNHH Một thành viên lương thực Vĩnh Lộc đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với mức giá 7.000 đồng/kg lúa khô (tương đương ẩm độ 15,5%). Còn phương thức thu gom sản phẩm cũng khá linh hoạt, tức là thu hoạch xong, vận chuyển sản phẩm đến hệ thống kênh lớn là có ghe của công ty điều đến cân. Ông Bảy cho biết: “Cách đây vài ngày, gia đình tôi đã thu hoạch hơn 3ha lúa AGPPS 140. Năng suất bình quân khoảng 850 kg/công tầm lớn (1.300m2). Sau khi máy kéo lúa ngoài đồng đến nơi tập trung trong sân trước nhà, chiều bữa đó công ty đưa ghe và người dân đến đo ẩm độ bằng máy điện tử, rồi cho giá 6.200 - 6.220 đồng/kg”.
Giống như các nhà nông khác tại địa phương, ông Bảy cũng rất e dè trước khi đưa ra quyết định canh tác lúa AGPPS 140. Đơn giản vì chẳng biết trồng loại lúa mới có thực sự thích nghi với đất đai của gia đình mình hay không. Ông Bảy thừa nhận: “So với các loại giống chất lượng cao khác thì năng suất chẳng bằng ai. Cụ thể là thấp hơn giống lúa thơm Jasmine 85 quen thuộc mà gia đình đã trực tiếp canh tác trong mấy vụ lúa Đông xuân các năm trước đây. Nhưng cái được là thời gian sinh trưởng ngắn, tầm 92 - 95 ngày, đặc biệt là giá cả vượt xa các giống lúa hạt dài khác”.
Hiện giá lúa tươi được thương lái thu mua ngay tại ruộng dao động ở mức 4.500 - 4.700 đồng/kg, tùy loại giống. Trong khi giá lúa AGPPS 140 lại chênh lệch gần 2.000 đồng/kg nên tính ra mỗi công tầm lớn, người dân có thể cầm chắc trong tay khoản lợi nhuận từ 3 triệu đồng trở lên. Ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc HTX nhân lúa giống Phước Thuận, ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, cho biết: Vụ Đông xuân 2015 - 2016, các xã viên HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Một thành viên lương thực Vĩnh Lộc, với tổng số khoảng 60ha lúa AGPPS 140 trong CĐL Trường Long Tây.
Duy trì liên kết sản xuất
Ông Chánh khẳng định: “Chẳng phải ngẫu nhiên mà HTX biết được giống AGPPS 140 mang về làm đâu, cũng nhờ công ty đưa xuống giới thiệu và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao nên mạnh dạn làm thử. Ai ngờ đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Phải chi biết trước, chúng tôi vận động xã viên trồng hết diện tích 91ha của HTX nằm trong vùng quy hoạch CĐL Trường Long Tây rồi”. Theo kế hoạch dự kiến, vụ Hè thu tới đây, các xã viên HTX nhân lúa giống Phước Thuận sẽ tiếp tục duy trì phương thức bao tiêu sản phẩm với công ty thông qua loại giống OM 5451.
Ông Tô Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho hay: Hiện người dân đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích lúa Đông xuân 2015 - 2016 trong CĐL của xã và dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trong tuần tới. Đáng kể là những hộ liên kết sản xuất với Công ty TNHH Một thành viên lương thực Vĩnh Lộc thông qua giống AGPPS 140 đều rất phấn khởi. Bởi, tất cả đều thu được khoản lợi nhuận cao và tránh được tình trạng “cò lúa” kỳ kèo, kéo dài thời gian thu hoạch để ép giá. Trong vụ Hè thu tới đây, địa phương sẽ cố gắng kêu gọi các công ty, doanh nghiệp có uy tín tham gia liên kết sản xuất, góp phần giúp người dân an tâm canh tác theo mô hình CĐL ngay từ đầu vụ.
Theo ông Tùng, trước mắt, Công ty TNHH Một thành viên lương thực Vĩnh Lộc hứa sẽ tiếp tục bao tiêu lúa Hè thu 2016 cho người dân canh tác trong CĐL Trường Long Tây, cũng với diện tích hơn 211ha như vụ Đông xuân 2015 - 2016. Tuy nhiên, phía công ty đặt hàng giống OM 5451 và thu mua theo giá thị trường vào thời điểm thu hoạch cuối vụ. Đây được xem là loại giống khá thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng và quen thuộc đối với nhiều nhà nông địa phương.
Chủ động phòng, chống hạn cho cánh đồng lớn
Thông tin từ UBND xã Trường Long Tây, trước dự báo hạn hán diễn ra gay gắt nên tới đây địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ xuống giống theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn huyện, tỉnh. Mặt khác, sẽ phối hợp với ngành chức năng triển khai nạo vét hệ thống kênh tạo nguồn trên khu vực CĐL của xã gồm kênh 6.000, Đầu Ngàn và Sáu Tưởng, nhằm chủ động nước tưới tiêu, kể cả tạo điều kiện thuận lợi cho ghe, tàu lưu thông, phục vụ tốt nhu cầu của công ty, doanh nghiệp chuyên chở lúa hàng hóa sau này.
NGUYỄN NGUYỄN
Hòa Bình: Nông dân Cao Phong treo biển bán mía
Nguồn tin: Báo Hòa Bình
Lần đầu tiên nông dân Cao Phong (Hòa Bình) treo biển mời gọi mua mía tại ruộng.
2 năm nay, việc tiêu thụ mía của nông dân gặp khó khăn. Cao Phong là vùng trọng điểm mía của tỉnh Hòa Bình. Giá mía đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/cây. Đầu vụ giá từ 4.000 - 5.000 đồng/cây, hiện giá mía đã tụt xuống còn 2.500 - 3.000 đồng/cây.
Cả huyện Cao Phong có 2.700 ha mía. Trong đó mía tím 1.270 ha, mía trắng ép nước là 1.419 ha, mía nguyên liệu 10,5 ha. Nông dân đã thu hoạch được trên 450 ha, chủ yếu là mía tím (đạt 16,6% diện tích). Mía lưu vụ tiêu thụ chậm bằng 49,7% so với năm 2015 và bằng 35,5% so với cùng kỳ năm 2014. Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Hồ Xuân Dũng cho biết: Mía là nguồn thu nhập quan trọng của nông dân. Khó khăn trong tiêu thụ, lần đầu tiên người trồng mía Cao Phong đã phải làm biển bán mía tại ruộng. Giá mía của huyện Cao Phong được xem là cao nhất tỉnh. Tiêu thụ mía khó khăn là tình trạng chung của nông dân các trong tỉnh. Cả tỉnh có 9.500 ha mía các loại, trong đó mía tím 4.095 ha, mía ép 3.736 ha, mia nguyên liệu 1.669 ha. Đến nay, mới tiêu thụ được 50% sản lượng mía tím.
Lê Chung
Cần nhân rộng mô hình canh tác tự nhiên
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Hiện nay việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hoá học rất phổ biến trong sản xuất rau của người dân cũng như trong các trang trại đã mang lại năng suất và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi còn nhiều tác hại mà người dân có thể biết hoặc không biết như tồn dư lượng hoá chất trong sản phẩm nông nghiệp cao; mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc sử dụng phân bón thì việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt chuột đôi khi người dân không hiểu rõ về các loại thuốc cũng như cách sử dụng. Do vậy việc sử dụng thuốc cấm, sử dụng quá liều lượng và thời gian cách ly không thể kiểm soát được đó là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc rau quả.
Canh tác tự nhiên là một trong những phương pháp liên quan đến vấn đề này. Canh tác tự nhiên được đề xướng và phát triển tại Hàn Quốc, do Tiến sĩ Cho Han Kyu phát kiến từ 1967. Triết lý của canh tác tự nhiên là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất trồng, nguồn nước làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay phương pháp này đã được áp dụng rất thành công ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…Sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên sẽ kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào để tạo ra các chế phẩm, quá trình làm đất, bón phân, chăm sóc (sử dụng hợp lý chất dinh dưỡng cho cây trồng) do vậy sản phẩm mang tính an toàn cao. Ở nước ta, mô hình canh tác tự nhiên đã được áp dụng tại một số tỉnh, thành trên cả nước như ở Sóc Sơn (Hà Nội) có mô hình sản xuất rau hữu cơ Thanh Xuân, ở Lâm Đồng có Organik Đà Lạt, Cà Mau có GreenFarm Viễn Phú, Lào Cai có chè Shan Bắc Hà…
Áp dụng chương trình sản xuất dựa vào tự nhiên để cho ra sản phẩm rau sạch
Nhằm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn và hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp, ở tỉnh Quảng Trị Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện Triệu Phong đã hỗ trợ cho nông dân xã Triệu Sơn xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai thí điểm trên địa bản tỉnh Quảng Trị. Được sự tài trợ của Chương trình “2 cây, 2 con” cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật canh tác các mô hình nông nghiệp từ Trạm khuyến nông huyện Triệu Phong, gia đình chị Nguyễn Thị Gái ở thôn An Trú, xã Triệu Tài đã tiến hành thử nghiệm các mô hình trồng rau theo phương pháp tự nhiên, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh được người nông dân tạo ra dựa vào các chất liệu tự nhiên từ trong chính vườn của mình như nước gừng, tỏi… Kết quả cho thấy vườn rau của chị phát triển xanh tốt, rất ít sâu gây hại. Ngoài ra, chương trình còn triển khai thí điểm trên cây lúa cho 10 hộ gia đình tại xã Triệu Sơn kết quả cây lúa cho sản phẩm hạt to, tròn.
Nguyên tắc của việc canh tác này là dùng các dưỡng chất truyền thống của các hạt, vi sinh vật bản địa (gọi tắt là IMO), để cho cây trồng phát triển tự nhiên, dựa theo đặc điểm và tính chất khí hậu của vùng và những gì con người can thiệp vào hệ sinh thái chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt sản lượng tốt nhất. Chị Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong, người trực tiếp hướng dẫn các hộ gia đình cho biết: “Phương pháp canh tác nông nghiệp tự nhiên chủ yếu dựa vào phương thức tự nhiên có sẵn trong nông dân. Về cây trồng chủ yếu là ứng dụng công nghệ vi sinh để nhân các vi sinh vật có lợi trong đất lên men và làm ra các chế phẩm vi sinh tưới cho cây trồng. Trong chăn nuôi thì không sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc thú y mà sử dụng các chế phẩm vi sinh và thức ăn cám, lúa, gạo, gia tăng các sinh vật có lợi lên men cho vật nuôi ăn, uống như tỏi, gừng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giúp vật nuôi ít bị nhiễm bệnh”.
Mặc dù phương thức canh tác này đòi hỏi tuân thủ chính xác các yêu cầu kỹ thuật, ngoài ra cần đến sự tỷ mỷ kiên trì, tuy nhiên qua hơn 1 năm triển khai chương trình, các hộ dân đã cơ bản tuân thủ đúng quy trình. Chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn cho biết: “Khi dự án về triển khai, ban đầu gia đình chúng tôi cũng cảm thấy rất khó khăn do phải qua nhiều giai đoạn. Trước đây trong chăn nuôi tôi chỉ mua thức ăn về rồi thả vào máng cho vật nuôi ăn hay trồng rau cũng thế, chỉ mua thuốc diệt sâu, diệt cỏ về phun là xong. Cho dù các loại thức ăn thì sẵn có trong nhà nhưng phải chế biến qua nhiều khâu nên mất thời gian. Tuy nhiên lâu dần thành quen, nay chúng tôi thấy việc áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến của chương trình đơn giản và thuận lợi. Đặc biệt là hiệu quả tích cực, rõ ràng mà việc áp dụng mang lại đã làm thay đổi nhận thức của nông dân chúng tôi”.
Qua đây có thể nhận thấy những lợi ích của mô hình canh tác tự nhiên mang lại là rất lớn, giảm chi phí đầu vào nguyên liệu, tận dụng nâng cao hiệu quả sử dụng các chất thải nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, tạo ra các sản phẩm sạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Theo kết quả tính toán đối với việc trồng lúa chi phí giảm 50 - 70%, sản lượng tăng 40% trên 7.000m2 ruộng lúa, tăng thu nhập sản xuất lên đến 90%. Với sự hỗ trợ tích cực từ chương trình của Tổ chức Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong, nông dân xã Triệu Sơn đã bước đầu hình thành nên mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên với rất nhiều ưu điểm so với phương pháp canh tác nông nghiệp hiện nay.
Ông Đào Văn Đức, Trưởng dự án Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong cho biết thêm: “Hiện nay ở Triệu Phong có 6 xã với 70 hộ tham gia chương trình sản xuất tự nhiên do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Từ tín hiệu khả quan của chương trình, sắp tới chúng tôi mở rộng thêm 2 xã nữa. Ngoài ra chúng tôi cũng đang soạn thảo các nội dung để đề xuất Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ dự án chuỗi giá trị để tăng giá trị sản phẩm sạch đưa ra thị trường rộng hơn nhằm khâu nối người sản xuất với người tiêu dùng”.
Hiệu quả tích cực của phương thức canh tác dựa vào tự nhiên là giảm thiểu những tác động từ hoạt động sản xuất nông nghiệp lên môi trường góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường, đồng thời là giải pháp thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Do vậy, trong thời gian tới mô hình canh tác tự nhiên cần được nhân rộng và phát triển trên địa bàn Quảng Trị.
TÂN NGUYÊN
TP Cần Thơ: Gương sen giảm giá, người trồng sen không có lời
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Từ sau Tết Nguyên đán 2016 đến nay, giá gương sen đã giảm từ 8.000 - 12.000 đồng/kg so với trước, xuống ở mức rất thấp khiến người trồng sen không còn có lời.
Thu hoạch gương sen tại một hộ dân ở xã Đông Hiệp, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Tại các địa phương có nhiều diện tích trồng sen ở TP Cần Thơ như: Cờ Đỏ, Ô Môn, Thới Lai… giá gương sen già (sen lụa) được nhiều nông dân bán cho thương lái chỉ ở mức khoảng 12.000 đồng/kg, còn trực tiếp chở sang các đầu mối thu mua ở tỉnh Đồng Tháp có giá bán 14.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá trên dưới 40.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2015. Nhiều nông dân trồng sen cho biết, giá gương sen phải ở mức từ 20.000 đồng/kg trở lên người trồng sen mới có lời, do trồng sen phải tốn khá nhiều chi phí phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch… Giá gương sen giảm mạnh được cho là do nguồn cung tăng khi có nhiều người tham gia trồng sen. Mặt khác, gần đây sức tiêu thụ hạt sen cũng có phần chậm so với trước. Nhiều nông dân cho rằng, giá gương sen giảm cũng có phần do thương lái và các cơ sở thu mua "ép giá", nhất là khi tại TP Cần Thơ chưa có doanh nghiệp thu mua gương sen, nông dân chủ yếu bán sen cho các thương lái và cơ sở thu mua ở tỉnh Đồng Tháp và một số nơi khác.
Khánh Trung
Thuận Nam (Ninh Thuận): Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng chống hạn
Nguồn tin: Báo Ninh Thuận
Để ứng phó với tình hình nắng hạn trong vụ đông-xuân 2015 - 2016, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã vận động nông dân đưa các loại cây trồng ít sử dụng nước vào sản xuất. Hiện nay, toàn bộ diện tích chuyển đổi đang phát triển tốt, hứa hẹn đem lại thu nhập ổn định cho nông dân địa phương.
Xã Phước Hà là một trong những địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây đậu xanh. Đồng chí Tạ Yên Úc, Chủ tịch UBND xã Phước Hà, cho biết: Để tránh tình trạng bà con bỏ đất hoang, trong vụ đông-xuân năm nay, địa phương đã vận động người dân thực hiện chuyển diện tích đất không chủ động nước tưới sang các loại cây trồng khác, trong đó chủ yếu là cây đậu xanh, với diện tích 180 ha.
Nông dân xã Nhị Hà chăm sóc cây đậu xanh.
Vừa đi kiểm tra từng luống đậu xanh, chị Ka-tơ Thị Yên, ở thôn Giá, phấn khởi chia sẻ: Mấy vụ trước, trồng lúa không đủ nước tưới nên năng suất đạt thấp. Vụ này, được cán bộ xã vận động, nhà mình đã chuyển 2 sào lúa sang trồng đậu xanh. Hiện nay, cây đậu xanh đã hơn một tháng tuổi và đang phát triển tốt, bà con phấn khởi lắm, mong có vụ đậu xanh bội thu.
Không riêng ở Phước Hà, các xã khác như: Phước Ninh, Nhị Hà… nhiều diện tích trồng lúa trước đây cũng được bà con chuyển đổi sang trồng đậu xanh, bắp, cỏ… Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, cho biết: Ngay từ đầu vụ, huyện đã chủ động rà soát diện tích trồng lúa không chủ động nước tưới, từ đó lên phương án chống hạn bằng việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 300 ha diện tích lúa thiếu nước tưới sang trồng các loại cây như bắp, đậu xanh, cỏ, cây màu các loại khác… Huyện cũng đã cử cán bộ khuyến nông trực tiếp theo dõi tình hình phát triển của cây trồng và có các biện pháp phù hợp, bảo đảm cho cây trồng đem lại năng suất cao cho bà con.
Có thể thấy, mấy năm gần đây, cũng trên cùng một diện tích, không ít hộ nông dân bị mất mùa khi trồng lúa không đủ nước tưới. Nhưng giờ đây, màu xanh trên cánh đồng chuyển đổi đang khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Thuận Nam là đúng đắn, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân nơi đây.
Hồng Lâm
Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng nhưng giá giảm
Nguồn tin: VOV
2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta ước đạt 1,01 triệu tấn và 445 triệu USD, tăng gấp 2 lần cả về lượng, nhưng giá giảm gần 6%.
Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo của nước ta 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh về lượng nhưng giảm về giá.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,01 triệu tấn và 445 triệu USD, tăng gấp gần 2,1 lần về khối lượng và tăng gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2016 đạt 443,5 USD/tấn, giảm 5,95% so với năm 2015.
Về thị trường nhập gạo của Việt Nam, Indonesia vươn lên là thị trường dẫn đầu trong tháng 1 với thị phần đạt 25,21%. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 137,45 nghìn tấn và 54,59 triệu USD, tăng 119,5 lần về khối lượng và 103,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc (thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với 30,65% thị phần) đứng vị trí thứ 2 về nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2016 với 12,51% thị phần. Tháng 1 năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 3,16% về khối lượng và giảm 7,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Philippines tăng hơn 16 lần về khối lượng và giá trị, đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam…./.
Xuân Thân/VOV.VN
Ngành Công thương nỗ lực xúc tiến, quảng bá sản phẩm cam Sành Hà Giang
Nguồn tin: Báo Hà Giang
Nói đến Hà Giang chắc hẳn ai cũng nghĩ đến sản phẩm cam sành, một loại quả ngọt, thơm đặc trưng và rất ít sử dụng các loại thuốc bảo quản. Tuy nhiên cam được tiêu thụ phần lớn là do người nông dân tự tìm kiếm thị trường mà chưa có thị trường ổn định. Xác định được điều đó, những năm gần đây, Sở Công thương đã tích cực xúc tiến, quảng bá cam sành Hà Giang đến với người tiêu dùng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đưa cam sành thâm nhập thị trường, từng bước tìm đầu ra ổn định.
Vườn cam sành trĩu quả của gia đình anh Sùng Diu Sì, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).
Nhớ lại thời “hoàng kim” của cam sành Hà Giang, khi đó cây cam sành phát triển mạnh mẽ về diện tích, năng suất, chất lượng và chỗ đứng trên thị trường, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, từ năm 2008, do nhiều nguyên nhân mà quả cam sành mất dần vị thế, chỗ đứng trên thị trường. Từ đó, sản lượng, năng suất, diện tích cam ngày càng sụt giảm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2012, diện tích cam giảm còn 1.500 ha, trong đó có hơn 1.000 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình tụt xuống 6 tấn/ha, sản lượng giảm còn khoảng 10.000 tấn so với năm 2005. Từ những con số báo động đó, những năm trở lại đây, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân phát triển lại vườn cam sành, khôi phục lại loại cây có giá trị kinh tế cao. Với những chính sách cụ thể, cùng với nhu cầu về cam sành Hà Giang của thị trường tăng dần nên hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 5.709,4 ha cam (tăng trên 4,1 nghìn ha so với năm 2012). Trong đó, 134,9 ha cam sành được chứng nhận VietGap, gần 1.600 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân 82,9 tạ/ha (tăng 16,2 tạ/ha so với năm 2012). Riêng năm 2015, tổng giá trị sản phẩm cam, quýt toàn tỉnh ước đạt trên 144,7 tỷ đồng; giá trị cam VietGap tại vườn đạt 15 - 40.000 đồng/kg.
Tuy giá trị, chất lượng của cam sành Hà Giang đang được cải thiện rõ nét, nhưng quả cam sành Hà Giang không còn độc tôn trên thị trường, mà có sự cạnh tranh rất lớn từ các loại cam khác như cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang), cam sành Trung Quốc, cam Vinh... Thị trường cam sành của Hà Giang vẫn còn thu hẹp, chưa ổn định đầu ra, nên thu nhập về sản phẩm cam vẫn còn bấp bênh, phụ thược nhiều vào thị trường trong nước. Để tìm kiếm thị trường ổn định cho cam sành, tỉnh ta đã giao các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong năm 2015 – 2016, ngành Công thương đã có những giải pháp cụ thể, tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, cập nhật các hình ảnh, thông tin về sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin; in ấn catalog, tờ rơi, tập gấp phục vụ cho du khách tới tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh sang thị trường Trung Quốc; trưng bày sản phẩm cam sành tại Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng”... Về hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến Công – Xúc tiến Công thương đã tham gia mở các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam sành tại các hội chợ lớn, các kỳ hội nghị quốc tế trong nước như: Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132, được tổ chức tại Hà Nội, đã giới thiệu hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt làm cam sành được nhiều đại biểu trong nước, quốc tế biết đến; tổ chức quảng bá sản phẩm cam sành Vietgap tại Hội chợ mỗi xã, phường một sản phẩm tại tỉnh Quảng Ninh... Đặc biệt, trong quý I, năm 2016, ngành Công thương sẽ liên hệ, làm việc với các Sở Công thưởng của các tỉnh phía Bắc, tìm địa điểm cụ thể để giới thiệu và bán sản phẩm cam sành Hà Giang; làm việc trực tiếp với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ở Hà Nội để đưa cam sành vào trưng bày, quảng bá; tổ chức Hội chợ cam sành quy mô cấp tỉnh...
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VXI đề ra, cây cam là một trong năm sản phẩm cây con chủ lực, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Việc thúc đẩy, phát triển lại vùng cam sành đang là hướng đi đúng đắn của tỉnh trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, kinh tế cho người nông dân. Cùng với đó việc tìm đầu ra cho sản phẩm cam sành cũng khá quan trọng, với những giải pháp cụ thể mà ngành Công thương đã làm và định hướng trong thời gian tới, tin tưởng rằng giá trị cam sành Hà Giang ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nhiều người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.
Lê Lâm
Những triệu phú trồng bưởi ở Cát Quế (Hà Nội)
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Với giá trị canh tác 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, bưởi đã trở thành loại cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vươn lên làm giàu.
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Mười, xã Cát Quế cho thu nhập 160 - 170 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi Cát Quế cho biết: 10-15 năm trước đây, người dân xã Cát Quế đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, khoai sang trồng bưởi Diễn, bưởi đường... cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Điều đặc biệt, cây bưởi Diễn rất hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, thơm, ngon nên liên tục được người dân mở rộng diện tích. Tính đến nay, toàn xã Cát Quế đã trồng được gần 80ha bưởi, với các giống chính là bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi đường...
Dẫn chúng tôi đến thăm vườn bưởi của gia đình các ông Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Duy Hiển, Nguyễn Duy Chung, Nguyễn Danh Đỉnh, ông Hảo giới thiệu: Đây là những vườn bưởi ngon có tiếng, đã trồng được 15 - 20 năm nên cứ giáp Tết là khách hàng về đặt mua cả vườn. Còn ông Nguyễn Văn Mười - chủ vườn bưởi 15 năm tuổi ở khu vực Đội 7, xã Cát Quế cho biết: Muốn bưởi ngon, điều quan trọng nhất là chọn được cây giống đầu dòng, kết hợp với áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc phù hợp.
Cụ thể, ở thời kỳ ra hoa, tiến hành phun phân bón lá, kích thích đậu quả, đến tháng 5 thì bao quả để hạn chế sâu bệnh và chống rám nắng, ruồi châm... Đối với những cây bưởi phát triển xanh tốt, khoảng tháng 11 phải khoanh vỏ để hãm cây, hạn chế ra lộc và hoa trái vụ. Khi thu quả xong phải cắt tỉa cành sâu, vệ sinh gốc bưởi, sau đó bón thúc bằng phân vi sinh tổng hợp để cây bưởi nhanh hồi phục, phát triển khỏe mạnh.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn bưởi nhà ông Mười cho thu hoạch ổn định 10 năm nay. Vụ tết Bính Thân vừa qua, với 80 gốc bưởi (khoảng 2,5 sào), gia đình ông thu hoạch được 4.500 quả, giá bán buôn tại vườn là 38.000 đồng/quả, trừ chi phí lãi 160 triệu đồng. Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Duy Chung trồng 3 sào, hằng năm lãi 130 - 170 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Danh Đỉnh trồng gần một sào lãi 60 triệu đồng...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế Trần Văn Long, từ nhiều năm nay, nghị quyết của Đảng ủy xã luôn xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là mục tiêu quan trọng để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt, bưởi Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nên giá trị hàng hóa đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, tại xã Cát Quế, ngoài gần 80ha bưởi cho thu nhập cao, nông dân còn trồng đu đủ, ổi, táo, phật thủ... cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng/sào/năm.
Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng cây ăn quả ở Cát Quế còn nhỏ, lẻ, phân tán; hộ nhiều cũng chỉ khoảng 10 sào, hộ ít 1 - 2 sào. Thời gian tới, Cát Quế tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cây ăn quả của địa phương, nhất là các giống bưởi; từng bước đưa sản phẩm vào các siêu thị, khách sạn, để bảo đảm đầu ra, tăng thu nhập cho nông dân.
Đức Duy
Nông dân lao đao vì dưa rớt giá
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Qua Tết Nguyên đán, giá dưa hấu “rơi tự do” khiến người trồng dưa hấu ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai phải chịu cảnh trắng tay hoặc lỗ vốn hàng trăm triệu đồng.
Ruộng dưa bị thiệt hại nặng của ông Nguyễn Văn Việt. Ảnh: V.N
Những ngày này, mỗi sáng thức dậy nhìn những trái dưa to lăn lóc trên ruộng ở làng Bi Ya (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), anh Nguyễn Thanh Quang (trú tại thị xã An Khê) không khỏi buồn rầu. Đã đến vụ thu hoạch nhưng ruộng dưa của anh vẫn la liệt quả. Sau hơn 3 tháng trời ròng rã chăm sóc, anh Quang đành phải bỏ ruộng dưa, bỏ trắng vốn liếng và công sức của mình. “Bây giờ mà chở đi bán thì cũng chỉ có 1 ngàn đồng/kg, tính phí vận chuyển và công hái thì càng lỗ vốn nên tôi đành tháo bạt về thôi, dưa đó cho người dân ở đây họ lấy được quả nào thì họ lấy vậy. Năm nay thuê được mảnh đất đẹp, dưa lên tốt tưởng được vụ mùa bội thu không ngờ lỗ vốn hơn 350 triệu đồng”-anh Quang buồn bã nói.
Cũng có ruộng dưa bị thiệt hại khá nặng bởi khí hậu khắc nghiệt, ông Nguyễn Văn Việt (63 tuổi, thị xã An Khê) cho biết, vụ dưa này, ông thuê gần 4 ha đất ở xã Pờ Tó với chi phí đầu tư trên 14 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, dưa bị hư hại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện ông đang phải thuê xe chở dưa của mình đi bán tại Kon Tum với giá chỉ 1 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí vận chuyển và công cán, ông ước tính 1kg dưa chỉ có giá 600 đồng. Chưa tính công của 4 người trong gia đình bỏ ra trong hơn 3 tháng, ông đã lỗ đến hơn 400 triệu đồng.
Không quá thê thảm như người trồng dưa tròn, nhưng những người chọn giống dưa “Hắc Mỹ Nhân” cũng không thể thu lời từ thửa ruộng của mình. Ông Nguyễn Văn Kim (trú tại tỉnh Phú Yên) năm nay thuê được hơn 2 ha đất để trồng dưa tại xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Dưa phát triển tốt, cho quả đẹp và đều nhưng ông cùng những hộ nông dân khác tại cánh đồng này vẫn đau đầu bởi giá cả khá thấp. Hiện tại giá dưa “Hắc Mỹ Nhân” xuất khẩu chỉ đạt 3 ngàn đồng/kg và khả năng sẽ tiếp tục rớt giá trong thời gian tới. “Mỗi sào dưa tôi phải bỏ đến 16 triệu đồng đầu tư, nhưng với giá cả thế này thì may lắm chỉ thu hồi vốn, không dám nghĩ đến chuyện lấy lãi”-ông Kim cho hay.
Lê Văn Ngọc