Triển vọng từ mô hình trồng nho Hạ đen
Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc
Vốn xuất thân từ kỹ sư xây dựng, nay lại là thợ cơ khí ô tô có tiếng ở đất Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), song anh Phạm Văn Quỳnh, thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, lại có niềm đam mê lớn với nông nghiệp. Sau nhiều trăn trở, 5 tháng trước, mô hình trồng thử nghiệm nho Hạ đen đã được anh triển khai trên diện tích 7000m2 với 2000 gốc nho.
Anh Phạm Văn Quỳnh bên mô hình nho Hạ đen của mình
Nói là trồng thử nghiệm, nhưng số vốn đầu tư ban đầu không hề nhỏ, lên đến gần 1,6 tỷ đồng. Đây quả là con số khổng lồ với người nông dân. Tuy nhiên, anh Quỳnh lại quan niệm rằng: Rủi ro cao luôn đi kèm với cơ hội lớn. Bởi, tại miền Bắc, rất ít địa phương trồng được nho, Vĩnh Phúc hầu như không có, người dân phải nhập nho từ nơi khác về. Nếu trồng được ngay trong tỉnh, sẽ dễ dàng chủ động được đầu ra, thuận lợi trong khâu phân phối, bảo quản, nguồn gốc chất lượng được rõ ràng, đảm bảo.
Sau khoảng thời gian đi tìm hiểu, nghiên cứu mô hình tại Đại học Nông Lâm Bắc Giang, anh Quỳnh trở về nhà, bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình.
Ngay từ đầu, anh đã đầu tư một cách bài bản, khoa học, với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Theo tính toán của anh, chi phí cho 1 cây nho từ khi trồng đến khi thu hoạch vào khoảng 800.000 đồng. Trong đó bao gồm nhà xưởng, chi phí nhân công chăm sóc, tiền cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Cũng theo anh Quỳnh, cây nho Hạ đen có chu kì sinh trưởng lên đến 20 năm, mỗi năm cây ra quả 2 vụ, thu hoạch vào tháng 3 và khoảng đầu tháng 6. Chính vì vậy, mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng hiệu quả kéo dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí, cho thu nhập ổn định.
Ngoài ra, loại cây này cho quả to, khối lượng chùm lớn, năng suất cao hơn hẳn các giống nho hiện đang có tại Việt Nam, có thể lên đến 20 tấn/ha, đặc biệt là không có hạt. Với giá bán tại vườn như hiện nay khoảng 150 nghìn đồng/kg, chắc chắn đây sẽ là hướng phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định đối với người nông dân.
Cây nho Hạ đen rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của đồng đất Yên Lạc. Ngoài ra, cách chăm sóc cây nho cũng khá đơn giản. Quan trọng nhất là nhà giàn phải có mái che bằng ni lon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ dễ dàng phát triển. Đồng thời, hàng tuần cần phun thuốc trừ sâu sinh học để phòng ngừa 2 loại sâu bọ chính là bọ trĩ hút nhựa làm lá khô, rụng và sâu ăn lá.
Để sản phẩm có uy tín, chỗ đứng trên thị trường, anh Quỳnh khẳng định: “Mình sẽ cố gắng tiếp cận hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap ngay từ đầu. Làm được điều này, không chỉ giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn giúp cho sản phẩm thuận lợi trong xây dựng thương hiệu, tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường trong tương lai không xa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trước mắt, đặc biệt là với những mô hình mới như thế này vẫn sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước”.
Bài, ảnh Khánh Linh
Ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật tại các trang trại nông nghiệp
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Sau gần 1 năm triển khai đầu tư ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật tại các trang trại nông nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan.
Kể từ khi lắp đặt mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tưới tự động trên cây rau, công việc làm nông của anh Cao Quốc Phong (xã Lạc Xuân) đã nhàn hơn hẳn! Trong ảnh: Anh Cao Quốc Phong đang điều khiển tưới tự động tại bộ điều khiển trung tâm.
Anh Cao Quốc Phong (thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân) là một trong số 19 hộ nông dân tiêu biểu được huyện Đơn Dương chọn triển khai đầu tư mô hình ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật trong sản xuất nông nghiệp từ tháng 10/2018. Anh cho biết, gia đình anh có 6 sào nhà kính, trồng luân canh các loại rau, hoa, su hào... Trước khi quyết định tham gia mô hình này, anh cùng với các hộ nông dân được chọn tham gia mô hình đã được tham gia các hội thảo đầu bờ về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tưới tự động trên cây rau”, được tham quan mô hình. “Sau khi được tham gia các hội thảo này, tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tưới cây rau là rất hữu ích, vậy là tôi quyết định tham gia chương trình của huyện” - anh Phong nói.
Anh cũng cho biết thêm, kể từ khi tham gia vào chương trình, anh được huyện đầu tư 75% chi phí lắp đặt các loại vật tư, trang thiết bị điều khiển tưới cho mô hình, gia đình anh chỉ đối ứng 25%. “Kể từ khi triển khai thực hiện mô hình này, đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi tưới, công lao động, công đi quan sát độ ẩm của đất...”. Vừa nói, anh Phong vừa diễn giải thêm, nếu như trước đây, mỗi lần xuống giống xong đi đâu một ngày là đã thấy khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô, nếu bỏ không tưới 1-2 ngày thì cây bị chết héo, còn nay, nhờ có hệ thống tưới tự động này mà đi đâu vài ngày cũng kiểm soát được độ ẩm của đất, điều khiển được hệ thống tưới trên máy điện thoại. Thêm một tiện ích nữa, anh Phong cho biết, đó là đất nhà anh là đất dốc, trước đây, mỗi lần tưới xong anh phải đi từ đầu vườn tới cuối vườn để tắt van tưới, lúc đó, vừa tốn thời gian vừa mệt, thì nay, chỉ cần điều khiển trên máy điện thoại hoặc ngay bộ điều khiển trung tâm trong vườn hoặc trong nhà cũng có thể tắt được rồi. Thêm vào đó, nếu như trước đây, anh phải cất công quan sát độ ẩm của đất, rồi dựa vào cảm tính để đoán xem khoảng bao nhiêu độ ẩm để tưới cho phù hợp, thì nay, nhờ có hệ thống này mà độ ẩm cũng được báo chính xác và nếu như cây đã ổn định thì còn có thể lập trình giờ giấc tưới nữa; đồng thời, cảnh báo tất cả các điều kiện bất lợi của môi trường và giám sát nhật ký đồng ruộng! “Nói chung là giờ tôi vừa có thể uống cà phê, vừa bấm điều khiển để tưới vườn, hay như ban ngày tranh thủ nhổ cỏ, tối lại vẫn có thể bật bép tưới bất cứ lúc nào. Tôi thật sự thấy công việc làm nông của mình nhàn hơn hẳn và cũng có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn!” - anh Phong phấn khởi chia sẻ thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Thọ - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, một trong các khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là cung cấp dinh dưỡng và nước tưới cho cây trồng. Công việc này chiếm tới 20-50% thời gian, công lao động của quá trình từ trồng chăm sóc đến thu hoạch. Vì vậy, đây là khâu có thể áp dụng các loại thiết bị, máy móc điều khiển tự động nhằm giảm công lao động, thời gian và tự động hóa trong sản xuất. Với công nghệ điều khiển tưới nước qua diện thoại, sẽ giúp bà con nông dân giảm chi phí nhờ giảm công đi lại, phân bón, nước tưới, tiết kiệm điện. Và dù có ở bất cứ đâu có sóng điện thoại là đều có thể điều khiển tưới cho cây; đồng thời kiểm soát được lượng nước tưới, đúng, đủ và kịp thời, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Với những lợi ích thiết thực mà mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều khiển tưới tự động trên cây rau”, từ tháng 10/2018, huyện Đơn Dương đã chọn 19 hộ rải rác tại các địa phương trong toàn huyện, là những hộ có đủ cơ sở hạ tầng như: Có diện tích canh tác rau tối thiểu từ 0,3 ha trở lên, nằm trong vùng sản xuất rau, có lắp đạt sẵn hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa... để tham gia chương trình. Theo đó, mỗi một hộ tham gia mô hình được đầu tư lắp đặt một hệ thống điều khiển tưới có số tiền là gần 33 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 75%, người nông dân đối ứng 25%. “Sau gần 1 năm triển khai mô hình, các hộ được chọn tham gia đều phản ánh hiệu quả thiết thực mà ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều khiển tưới nước trên cây rau mang lại. Và từ tháng 10/2019, từ nguồn vốn sự nghiệp của huyện, chúng tôi sẽ chọn 1 hộ ở Ka Đô; từ nguồn nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, chúng tôi chọn 3 hộ ở thị trấn Thạnh Mỹ, xã Lạc Xuân và Quảng Lập để triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dưỡng chất trên cây rau. Mô hình này Nhà nước hỗ trợ 50%, người dân đối ứng 50%” - bà Nguyễn Thị Thọ cho biết thêm.
THY VŨ
Bạc Liêu: Nông dân tập trung xuống giống vụ lúa trên đất tôm
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Những trận mưa lớn từ giữa tháng 8/2019 đến nay đã giúp bà con vùng chuyển đổi tôm - lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tháo chua, rửa mặn, cải tạo ruộng để xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2019. Với tiến độ này, việc xuống giống lúa sẽ theo đúng lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.
Nông dân huyện Phước Long cải tạo đất chuẩn bị xuống giống lúa trên đất tôm. Ảnh: C.L
Mô hình sản xuất tôm - lúa chủ yếu tập trung ở vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và TX. Giá Rai) gồm 70.278ha, chiếm 51,47% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Theo bà con vùng chuyển đổi, năm nay mùa mưa đến khá sớm, lượng mưa nhiều nên nước trong vuông tôm có độ mặn khá thấp so với những năm trước. Nhờ vậy, việc cải tạo đất thuận lợi, không tốn nhiều chi phí và công sức. Cụ thể, giá thuê xới đất dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/công, phí bơm tát nước 100.000 - 150.000 đồng/ha.
Theo kế hoạch, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2019, huyện Phước Long có hơn 12.000ha. Mấy ngày qua, bà con đã xuống giống hơn 7.000ha. Ông Phạm Văn Trực (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho việc xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm. Bên cạnh đó, nhờ cán bộ nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn nên lúa gieo sạ phát triển tốt, ít bị sâu hại và dịch bệnh. Hy vọng vụ lúa năm nay sẽ thành công”.
Vừa qua, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã đưa vào sản xuất 3 giống lúa mới thích ứng với mô hình luân canh tôm - lúa, đó là: BLR 103, BLR 105 và BLR 413. Các giống lúa này có những đặc tính phù hợp cho vùng sản xuất tôm - lúa, như thời gian sinh trưởng ngắn, ít nhiễm sâu bệnh; lúa cứng cây, cho năng suất khá; đặc biệt là gạo thơm, ngon, dẻo, phù hợp với thị trường nội địa và xuất khẩu. Ông Lê Văn Thiệt (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) cho biết: “Các loại lúa này chịu được độ mặn cao và phát triển tốt, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, năng suất khá cao (850 - 900kg lúa/công). Tôi đã cải tạo gần 10ha đất để trồng 3 giống lúa này”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, bà con vùng chuyển đổi cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đó là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất không đồng bộ; kênh mương thủy lợi nội đồng chưa đảm bảo yêu cầu cấp, thoát nước; một số diện tích đất canh tác tôm - lúa nhiễm phèn mặn nên rất khó cải tạo để trồng lúa. Bên cạnh đó, sâu bệnh trên đồng ruộng cũng ngày càng diễn biến phức tạp khiến năng suất lúa không cao, dẫn đến tình trạng người dân bỏ lúa nuôi tôm, làm phá vỡ quy hoạch vùng luân canh tôm - lúa.
Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã đặt ra mục tiêu (xây dựng 3 vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (gồm huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và TX. Giá Rai) sản xuất tôm sạch, lúa an toàn với diện tích khoảng 150ha, và sẽ nhân rộng khoảng 1.200ha (sau năm 2020). Đồng thời quá trình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình canh tác hữu cơ tại 3 vùng trên (sau khi được các đơn vị chức năng chứng nhận) sẽ xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hoặc các thị trường tiềm năng khác nhằm tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân vùng chuyển đổi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp giúp bà con giải quyết đầu ra sản phẩm. Qua đó giúp người dân ổn định sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống”.
Khôi Nguyên
Lâm Đồng: Nuôi vịt trên sàn lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Đến với gia đình anh Nguyễn Văn Thường tại thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước đàn vịt khoảng 800 con của gia đình anh được nuôi trên sàn lưới với diện tích khoảng 100m2, trông rất khỏe mạnh và sạch sẽ.
Anh Thường chia sẻ, hiện lứa vịt này nhà anh đã nuôi được 17 ngày, trọng lượng bình quân đạt 1 kg/con. Trước đây, anh nuôi trực tiếp trên nền đất ở vùng đất trũng, hay ngập úng vào mùa mưa, gây khó khăn cho công tác vệ sinh khu vực nuôi vì vậy chỉ nuôi với mật độ thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, đầu năm nay anh có ý tưởng mới để xây dựng sàn nuôi vịt. Đầu tháng 6/2019, sau khi mua sắt, lưới, tôn và tráng nền, anh đã xây dựng và lắp ráp thành nhà sàn nuôi vịt. Sàn nuôi vịt cách nền đáy từ 0,8 - 1,2m tùy theo độ dốc của nền đất, cuối nền đáy có ao chứa phân, sàn nuôi được phủ bằng lưới nhựa. Phân vịt được thải xuống sàn bằng nền xi măng, sau 2 - 3 ngày thì dùng nước xịt phân cho xuống ao chứa. Từ ao chứa có hệ thống máy bơm để bơm lên làm phân bón cho cà phê. Toàn bộ phân và nước thải của vịt trong quá trình nuôi được anh xử lý và tận dụng triệt để, không thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Đàn vịt nhà anh Thường khỏe mạnh, sạch sẽ nhờ được nuôi trên sàn lưới
Với hơn 2 năm kinh nghiệm nuôi vịt, nhận thấy nuôi vịt trên nền đất thì vịt hay bị nóng và dễ bị thối lông bụng do không cách ly được phân và chất thải, vì vậy ảnh hưởng tới giá cả khi vịt được xuất bán. Trong khi đó nuôi trên sàn giúp vịt sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát, vịt không bị thối lông bụng, phân được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Đồng thời có thể nuôi được mật độ cao hơn, nếu trên nền đất chỉ có thể nuôi 4 con/m2 thì trên sàn có thể nuôi được 7-8 con/m2. Hình thức nuôi sàn phù hợp cho những nơi có địa hình dốc. Sau thời gian nuôi từ 45 - 48 ngày, đàn vịt của gia đình anh có thể đạt từ 3 - 3,2 kg/con, với giá thương phẩm hiện tại 42.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi lứa anh có thu nhập từ 14 - 20 triệu đồng. Anh Thường cho biết tùy vào điều kiện thời tiết mà mỗi năm anh có thể nuôi từ 5-7 vụ.
Ông Nguyễn Vũ Lực - cán bộ xã Gia Lâm cho biết: Hiện tại, người dân nuôi vịt trong xã tập trung ở thôn 2 và thôn 3 nhưng chủ yếu là nuôi trên nền đất với hình thức nuôi thả vườn truyền thống. Đánh giá về mô hình nuôi vịt trên sàn của anh Nguyễn Văn Thường, ông Lực cho biết đây là mô hình nuôi mới với hình thức nuôi khép kín, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đem lại năng suất cao. Sắp tới xã sẽ có chính sách khuyến khích người nuôi vịt theo hình thức này để tận dụng địa hình đất dốc nhằm tăng thu nhập trên những vùng đất trũng, khó canh tác, qua đó đẩy mạnh ngành chăn nuôi trên địa bàn xã trong những năm tới.
Văn Thành - TT Khuyến nông Lâm Đồng
Hiếu Giang tổng hợp