Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 10 năm 2019

Lâm Đồng: Thăng trầm cây hồng D'Ran

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Cây hồng ăn trái bén rễ trên đất D’Ran, Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) từ thuở khai thiên lập địa. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây hồng ăn trái D’Ran sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao và chất lượng đặc trưng. Thời “hoàng kim”, cây hồng D’Ran đã cho thu nhập cao và trở thành cây “Xóa đói giảm nghèo” cho người dân nơi đây. Thế nhưng, qua thời gian, cây hồng trên đất D'ran lúc thăng, lúc trầm và có nguy cơ dần mai một.

Hồng ăn trái được trồng lâu năm trên đất D'ran

Theo thống kê của cán bộ khuyến nông thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 999 ha diên tích cây hồng ăn trái. Cây hồng ở D’Ran chủ yếu được trồng từ lâu và trồng xen với các loại cây trồng khác hoặc trồng ở những địa hình đồi dốc, thung lũng. Trải qua nhiều năm, Đơn Dương có các loại giống hồng phổ biến được đặt tên theo vườn hồng của chủ vườn như Hồng vuông “Tám Hải”, Hồng vuông “Đồng”; Hồng “ Chín Nên”…; ngoài ra còn có các giống hồng như hồng trứng lóc, hồng trứng láng, hồng trứng cát, hồng trứng lửa… là tên hồng địa phương. Theo đánh giá của nông dân D’Ran thì hồng ăn trái là loại cây dài ngày, dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp năng suất cao. Trước đây, có thời điểm, hồng ăn trái là cây trồng chính của người dân nơi đây nhưng hiện nay chỉ là cây trồng xen hoặc trồng ở những địa hình khó canh tác các loại cây trồng khác.

Tuy là cây trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất cao nhưng người dân D’Ran vẫn không mặn mà với cây hồng ăn trái như trước đây do hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, vào mùa thu hoạch hồng, người dân nơi đây chủ yếu bán cho các thương lái để tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong nước với giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Chưa kể vào mùa hồng chín rộ, thương lái thường ép giá nhưng người dân vẫn phải bán vì hồng không thể để chín quá trên cây. Hiện nay, những vườn hồng ăn trái ở D’Ran chủ yếu trồng tập trung ở các tổ dân phố như Lâm Tuyền 1, 2; tổ dân phố Phú Thuận 1, 2, 3; Hòa Bình; thôn Ha Ma Sing… So với trước đây, diện tích trồng hồng ăn trái ở D’Ran đang ngày một giảm. Một số hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng hồng sang trồng rau màu hoặc một số giống cây ngắn ngày khác.

Gia đình anh Dương Văn Vũ ở tổ dân phố Lâm Tuyền 2, thị trấn D’Ran hiện đang có diện tích hơn 1 ha hồng ăn trái trồng xen giữa vườn cà phê và chuối Laba. Anh cho biết, thông thường thì chỉ chăm sóc bón phân cho cà phê, cây chuối còn cây hồng thì rất ít chăm sóc. Hàng năm, nếu bán được giá với diện tích 1 ha hồng gia đình anh thu về khoảng 50 triệu đồng. Có những năm, hồng được mùa nhưng rớt giá nên gia đình anh cũng để hồng chín rụng trên cây cho chim chóc và dơi ăn chứ không thu hoạch. Hiện tại, nhiều hộ dân ở D’Ran cũng chỉ giữ lại ít cây hồng để ăn là chính chứ không đầu tư để thu hoạch và bán ra thị trường.

Tuy hồng ăn trái D’Ran đã được trồng lâu đời và chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng hiện nay vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường. Nhiều hộ dân D’Ran hiện nay vẫn bảo vệ những vườn hồng không phải vì thu nhập mà là muốn lưu giữ cây trồng truyền thống. Những năm gần đây, có một tín hiệu vui để hồi sinh cây hồng ăn trái D’Ran đó là nhiều cơ sở chế biến hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản ở Đà Lạt. Từ đó đã “chắp cánh” cho những trái hồng Đà Lạt và vùng phụ cận, trong đó có hồng D’Ran “bay xa” hơn. Với công nghệ hồng treo gió, các cơ sở thu mua sản phẩm hồng tươi với số lượng lớn và giá cả ổn định nên người trồng hồng có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở D’Ran đang tiến hành ghép các loại giống hồng mới (hồng ủ hơi) để chất lượng trái hồng ngon hơn, năng suất hơn và đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, hồng D’Ran đang vào vụ thu hoạch, giá bán tại vườn tùy từng loại hồng giá dao động từ 6 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/kg. Theo người dân D’Ran, khi mùa hồng chín rực trên cây, những vườn hồng nơi đây cũng thu hút rất nhiều du khách tìm đến tham quan, chụp ảnh và mua về làm quà. Đây cũng là một tín hiệu tốt để có thể mở ra dịch vụ du lịch vườn hồng, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Lãnh đạo thị trấn D’Ran cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tuyên truyền, vận động để duy trì diện tích cây hồng ăn trái, một cây trồng truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang làm hồ sơ để đề nghị cấp thương hiệu cho cây hồng D’Ran.

DUY NGUYỄN - BÍCH TỚI

Khánh Hòa: Nhân rộng các sáng kiến kỹ thuật

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội thảo phổ biến một số sáng kiến kỹ thuật của hội thi Sáng tạo KH-KT cho các sở, ngành, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm được giới thiệu của các tác giả, nhóm tác giả thuộc nhiều thành phần khác nhau, nhưng lĩnh vực được nhiều đại biểu quan tâm nhất là cơ khí và nông nghiệp. Đa số các sản phẩm ở lĩnh vực này đều thể hiện được tính sáng tạo, ứng dụng thực tế trong sản xuất, chăn nuôi, đem lại hiệu quả thiết thực và có khả năng nhân rộng.

Ông Võ Văn Được chăm sóc đàn vịt.

Ông Võ Văn Được (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) - tác giả sản phẩm “Nuôi vịt đồi cát kết hợp nghe nhạc đạt hiệu quả cao” cho biết, không phải ngẫu nhiên gia đình ông đầu tư nuôi vịt với số lượng lớn trên đồi cát, trong khi vịt là loài thủy cầm nuôi dưới nước. Trước khi nuôi, ông đã nghiên cứu khá kỹ, từ khâu làm chuồng trại, thức ăn, cách chăm sóc cho đến thị trường tiêu thụ. Sau thời gian nuôi, vịt thích nghi tốt, đặc biệt người dân rất thích ăn loại vịt nuôi trên đồi cát. Thấy hiệu quả, hàng năm, gia đình ông đều nuôi tăng lên và đến nay đã có đàn vịt 6.000 con. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình ông xuất bán từ 50 - 100 con vịt thương phẩm, thu được 5 - 7 triệu đồng. Nói về việc nuôi vịt kết hợp nghe nhạc, ông Được kể, một lần tình cờ đang cho vịt ăn, ông mở nhạc bằng điện thoại, thấy đàn vịt chú ý đến tiếng nhạc phát ra. Từ đó, mỗi lần cho vịt ăn, ông đều mở nhạc và theo dõi phản ứng của vịt. Ông thấy tiếng nhạc kích thích vịt ăn nhiều hơn nên lớn nhanh hơn trước, rút ngắn thời gian xuất bán. Trước đây, nuôi một con vịt mất từ 3,5 - 4 tháng, nay chỉ từ 2,5 - 3 tháng có thể xuất bán, trọng lượng bình quân 2,5kg/con, trừ chi phí ông lãi khoảng 35.000 đồng/con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Với sản phẩm “Máy cày tay một bánh”, tác giả Nguyễn Thí (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) cho biết, gia đình ông chủ yếu làm nông nghiệp, trồng các loại cây: mì, mía, xoài… Vào mùa vụ, ông thường dùng bò để cày đất. Tuy nhiên, bò cày chậm và không cày hết cuối rãnh, phải sử dụng nhiều nhân công, tốn chi phí sản xuất. Từ thực tế đó, ông tìm hiểu thông tin và bắt tay vào nghiên cứu. Ông tận dụng những vật liệu sẵn có, dễ mua tại địa phương như: máy nổ hiệu Honda, nhông chuyền, bánh máy cày, ốc tăng, giảm, dây sên, lưỡi cày... lắp ráp thành chiếc máy cày một bánh với các chức năng cày rãnh, xốc hàng, làm cỏ… Chi phí lắp ráp một chiếc máy cày một bánh có giá khoảng 10 triệu đồng. Máy cày nhanh gấp 2,5 lần so với bò cày; đặc biệt cày xong chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, không phải mất công chăm sóc như nuôi bò cày. Ông không chỉ sử dụng máy để cày đất cho gia đình mà còn giúp các hộ dân lân cận.

Chia sẻ về sản phẩm “Cải tiến kỹ thuật nuôi kỳ tôm bằng thức ăn rau quả chín”, tác giả Đinh Văn Hiệp (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) cho biết, kỳ tôm là loài bò sát sống hoang dã trong tự nhiên nên thích ăn các loại như: trứng dế, giun đất, sâu non, cá, tôm, thằn lằn… làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, chi phí đầu tư cao. Chưa kể, môi trường nuôi bán tự nhiên nên khâu vệ sinh cho kỳ tôm hạn chế, ao nước không sạch, kỳ tôm thường bị viêm mắt, thất thoát lớn, ít hiệu quả. Từ hạn chế đó, ông chuyển từ nuôi bán tự nhiên sang đầu tư xây chuồng và cải tiến nuôi bằng thức ăn rau quả nấu chín. Ông dùng các loại rau, củ, quả như: Bầu, bí đỏ, cà, đu đủ, su hào, dưa leo, mướp phối trộn thêm phổi heo nấu chín làm thức ăn cho kỳ tôm. Ưu điểm của phương pháp này là kỳ tôm chóng lớn, hạn chế dịch bệnh, thức ăn tại chỗ, dễ kiếm, chi phí thấp, dễ vệ sinh thức ăn thừa, không gây ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của ông Hiệp, nếu nuôi bằng thức ăn nấu chín với quy mô 1.000 con, mỗi vụ thu hoạch lãi 37,5 triệu đồng, cao hơn thức ăn sống 20 triệu đồng…

Ngoài 3 mô hình trên, hội thảo còn ghi nhận thêm 3 sản phẩm, sáng kiến: “Cải tiến máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota - DC60”, tác giả Nguyễn Dăng (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh); “Cải tiến máy tuốt lúa thành máy hốt lúa vô bao bì”, tác giả Phan Quang Mai (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm); “Ứng dụng phối trộn chất thải bùn cá và bèo tây làm thức ăn nuôi giun quế”, tác giả Lê Ngọc Thạch (Trung tâm Khuyến nông tỉnh). Các sản phẩm này đều đạt giải tại hội thi Sáng tạo KH-KT tỉnh. Các đại biểu đề nghị, liên hiệp hội tiếp tục phổ biến, chuyển giao, ứng dụng công nghệ rộng rãi hơn nữa cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh, hầu hết các sản phẩm, mô hình có tính chất KH-KT cao và đang được áp dụng, giải quyết được những vấn đề bức xúc, phát sinh trong thực tế lao động sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Liên hiệp hội tiếp tục phổ biến, nhân rộng những giải pháp này để người dân có thể áp dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.

CÁT ĐAN

Cảnh báo mùa tiêu chết

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Năm 2016, toàn tỉnh Bình Phước có 16.452 ha hồ tiêu. Đây cũng là thời điểm huy hoàng hồ tiêu được mệnh danh là vàng đen. Bất chấp khuyến cáo từ các nhà khoa học, người người, nhà nhà thi nhau trồng tiêu. Chỉ trong năm 2016, diện tích hồ tiêu tăng 726 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu cả tỉnh lên 17.178 ha. Giá hồ tiêu những năm gần đây liên tiếp giảm, nhiều nhà vườn không còn vốn để đầu tư phân bón, thuốc trị bệnh dẫn đến tiêu chết hàng loạt. 523,1 ha hồ tiêu của tỉnh bị nhiễm bệnh ở mức độ trên 70% trong niên vụ 2017-2018 là lời cảnh báo cho nông dân trồng tiêu trước khi mùa mưa kết thúc.

NHỮNG MÙA TIÊU ĐI...

Niên vụ 2018-2019, 2,5 ha hồ tiêu 8 năm của gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho năng suất 13 tấn. Thế nhưng dự báo mùa vụ năm nay, năng suất vườn tiêu của gia đình bà có thể giảm hơn một nửa. Bà Liên cho biết, nguyên nhân chính khiến năng suất giảm là do giá hồ tiêu xuống thấp nên gia đình không đầu tư phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật như những năm trước. Không chỉ năng suất giảm, một số nọc tiêu trong vườn đang bị vàng lá, khô cành, tháo lóng, biểu hiện của bệnh chết nhanh, chết chậm đã xuất hiện.

Dự báo năng suất vườn tiêu 2,5 ha của hộ bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sẽ giảm hơn 50% do thiếu đầu tư phân bón và sự tác động của thời tiết

Bù Đốp hiện có 4.468 ha hồ tiêu, chiếm 26,1% tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh. Cuối mùa mưa, đầu mùa khô năm 2019, toàn huyện Bù Đốp có 110 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, trong đó 41,1 ha nhiễm bệnh ở mức độ trên 70% và 46,2 ha nhiễm bệnh từ 30-70%. Năm 2018, toàn tỉnh có 523,1 ha tiêu bị chết, chủ yếu do bệnh chết nhanh, chết chậm. Từ khi trồng đến lúc bắt đầu cho thu hoạch và rơi vào tình trạng chết nhanh, chết chậm không thể cứu chữa phải mất ít nhất 3 năm. Trong 3 năm ấy, người dân đầu tư thấp nhất cũng khoảng 200 triệu đồng/ha. 523,1 ha hồ tiêu bị chết trong năm vừa qua đồng nghĩa với người trồng tiêu trên địa bàn toàn tỉnh mất trắng 104 tỷ đồng.

Bình Phước hiện có trên 16.987 ha hồ tiêu, giảm 191 ha so với năm 2018. Mưa tắt, nắng lên là hồ tiêu dễ rơi vào tình trạng vàng lá, tháo lóng, bỏ nọc rồi chết hàng loạt mà người trồng tiêu hay gọi là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bình quân mỗi năm có ít nhất cả trăm héc ta hồ tiêu chết vì căn bệnh này. Dù biết nguyên nhân gây nên loại bệnh này do nấm phytophthora và fusarium nhưng ít ai biết được khởi nguyên bệnh do nấm phytophthora và fusarium tấn công bộ rễ của hồ tiêu ngay từ trong mùa mưa. Tấn công xong bộ rễ cũng là lúc mùa khô đến khiến cây tiêu không còn đường cung cấp chất dinh dưỡng dẫn đến chết nhanh hoặc chết chậm. Tùy theo mức đầu tư của nhà vườn, mỗi héc ta hồ tiêu từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất từ 200-300 triệu đồng, thậm chí 500 triệu đồng. Nhiều nhà vườn không nắm được nguyên nhân cơ bản của bệnh chết nhanh, chết chậm nên mua thuốc bảo vệ thực vật về phun, tưới cho vườn tiêu. Thế nhưng càng phun, tưới thuốc thì hồ tiêu càng chết nhanh hơn và người trồng lại mất thêm khoản chi phí cho tiền công, thuốc bảo vệ thực vật có khi lên cả trăm triệu đồng nhưng vẫn không thể cứu được vườn.

1 ĐỒNG PHÒNG HƠN 10 ĐỒNG CHỮA

Theo các nhà nông học, có 4 nguyên nhân cơ bản khiến hồ tiêu chết hàng loạt. Trước tiên là do cách trồng hồ tiêu thấp hơn mặt đất dẫn đến ẩm độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phytophthora và fusarium phát tán trên diện rộng. Thứ hai, nhà vườn thường chủ quan không triệt tiêu hay cách ly ngay từ đầu những nọc tiêu mắc bệnh. Thứ ba, không chủ động phòng bệnh và cuối cùng là do thiếu đầu tư phân bón hoặc bón phân không cân đối dẫn đến hồ tiêu thiếu sức đề kháng, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công. Đặc biệt, trước thực trạng hồ tiêu mất giá như hiện nay, nhiều nhà vườn thiếu đầu tư chăm sóc dẫn đến không ít vườn bị chết hàng loạt. 523,1 ha hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh bị chết trong năm vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất.

Dự báo năng suất vườn tiêu 2,5 ha của hộ bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sẽ giảm hơn 50% do thiếu đầu tư phân bón và sự tác động của thời tiết

Kỹ sư Đỗ Hữu Đức, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: Có một thực tế vừa mừng nhưng lại vừa lo hiện nay là người dân thường tập trung vào phương pháp hữu cơ, ít quan tâm đến tỷ lệ phân bón vô cơ dẫn đến vườn tiêu mất cân đối về dinh dưỡng. Đặc biệt, phân bón vô cơ còn là giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất cây trồng nếu sử dụng đúng liều lượng. Do vậy, song song với phương pháp hữu cơ, nhà vườn cần phải sử dụng phân bón vô cơ ở mức độ hợp lý, không chỉ giúp vườn cây phát triển cân đối dinh dưỡng để kháng bệnh mà còn nâng cao năng suất cây trồng. Tiếp theo là thay đổi cách trồng từ phương pháp đào hố âm dưới mặt đất sang cách trồng nổi. Phòng bệnh ngay từ mùa mưa là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp hồ tiêu cũng như các loại cây trồng khác tránh được dịch bệnh do nấm phytophthora và fusarium gây nên.

Tiến sĩ nông học Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho rằng, nhà nông đầu tư 1 đồng cho việc phòng trừ dịch bệnh sẽ tốt hơn phải bỏ ra 10 đồng để chữa bệnh.

Đông Kiểm

Châu Thành (An Giang): Trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo An Giang

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) cho biết, hiện nay, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao. Bởi, các loại nấm ăn này có đầu ra rất ổn định, được nhiều công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Trồng nấm bào ngư mang lại thu nhập ổn định cho nông dân

Toàn huyện đang triển khai thực hiện 57 nhà trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao, với trên 157.000 bịch phôi nấm và 8.608m dòng nấm rơm. Trong đó, 34 nhà trồng nấm bào ngư, 2 nhà trồng nấm linh chi, 21 nhà trồng nấm rơm và 1.248m dòng nấm rơm ngoài trời.

Tin, ảnh: L.H

Chế biến ướt: Hướng mới cho cây cà phê robusta

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Robusta - cây cà phê chủ lực của Lâm Đồng xưa nay thường chỉ xuất khẩu với phẩm cấp không cao, giá cả thấp. Thay đổi phương pháp chế biến, nâng cao chất lượng; từ đó nâng giá cà phê nhân robusta đang là mục tiêu nhiều nông dân và doanh nghiệp Lâm Đồng hướng tới.

Chuẩn bị máy tách vỏ quả tươi cho niên vụ cà phê 2019.

Niên vụ cà phê 2018 sang năm 2019, người trồng cà phê Lâm Đồng không được vui bởi giá cà phê thấp. Thời điểm tháng 9/2019, trước khi bước vào vụ thu hoạch, giá cà phê nhân robusta cũng chỉ đạt 33-33,5 ngàn đồng/kg. So với niên vụ trước, giá cà phê đạt 38-40 ngàn đồng/kg, nông dân chịu sức ép lớn từ việc giá cà phê xuống thấp. Tuy nhiên, anh Trần Văn Xuất, nông dân tổ dân phố Chi Lăng 3, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà lại bán được cà phê nhân với giá 45 ngàn đồng/kg. Với 10 tấn cà phê nhân, anh thu thêm được 100 triệu đồng so với giá thị trường. Bởi thay vì thu hoạch, phơi khô rồi bán nhân như những vụ cà phê khác, anh Xuất là một trong những nông hộ chế biến ướt hạt cà phê robusta.

Anh Xuất cho biết: “Xưa nay thường chỉ nông dân Đà Lạt mới chế biến ướt cà phê arabica. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp thu mua cà phê robusta chế biến ướt với giá cao hơn 10-12 ngàn đồng/kg so với chế biến khô. Vì vậy, gia đình tôi mạnh dạn chế biến ướt, bán được giá tốt hơn nhiều so với cà phê phơi khô như những năm trước”. Anh Xuất cho biết, phương pháp chế biến ướt cà phê robusta cũng tương tự chế biến cà arabica. Hái phải hái trái chín, về xay tách vỏ ngay sau 24h thu hoạch, ngâm ủ cho chất nhầy tự lên men rồi phân rã sau đó phơi khô. robusta chế biến ướt còn khó hơn arabica do hàm lượng chất ngọt trong phần thịt quả cao hơn, lượng nhầy nhiều hơn. Khi phơi cũng cần đảm bảo không được dính mưa. Gia đình anh Xuất niên vụ 2018 phơi ngoài trời nhưng để đảm bảo chất lượng, niên vụ 2019 anh quyết định dựng 500 m2 nhà kính để phơi cà phê theo đúng hướng dẫn. Theo tính toán của anh Xuất, với mỗi kg cà phê nhân chế biến ướt, anh phải bỏ thêm 4 ngàn đồng/kg, trừ chi phí vẫn còn cao hơn 6-7 ngàn đồng/kg so với cà phê chế biến khô.

Không chỉ anh Trần Văn Xuất, người trồng cà phê khu vực Nam Ban, Mê Linh của Lâm Hà và nhiều nông hộ tại huyện Đam Rông bắt đầu quan tâm tới chế biến ướt cà phê robusta. Bởi hiện tại, nhu cầu thị trường với hạt cà phê robusta phẩm cấp cao tăng lên nhanh và có nhiều doanh nghiệp thu mua với giá tốt. Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Công ty cà phê Hân Vinh, doanh nghiệp thu mua cà phê lớn cho biết: “Xưa nay nguồn cung chủ yếu hạt cà phê robusta chế biến ướt từ Ấn Độ. Việt Nam đa phần là robusta xay khô, phẩm cấp thấp, giá không cao. Nay do nhu cầu tăng nên nhiều nhà rang xay quốc tế cần thêm nguồn cung cà phê nhân robusta chế biến ướt từ Việt Nam. Với riêng công ty tôi, đối tác nước ngoài chấp nhận mua số lượng không hạn chế, giá rất tốt. Chỉ cần nông dân canh tác và chế biến đúng chuẩn, sản lượng bao nhiêu chúng tôi cũng ký hợp đồng thu mua”. Với giá cao hơn cà phê chế biến khô từ 10-12 ngàn đồng/kg, nông dân có thu hoạch cao hơn nhiều so với chế biến khô truyền thống.

Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý với chế biến ướt là bảo vệ môi trường. Do quá trình ngâm hạt tươi, nước ngâm có mùi hôi và gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý. Với hộ nhà anh Trần Văn Xuất, anh đào một hồ nhỏ trong vườn, nước ngâm thải xuống hồ và quay trở lại làm phân bón. Anh cho biết, sản xuất theo quy mô nông hộ sẽ dễ xử lý hơn sản xuất lớn do các vườn đều có diện tích rộng. Trữ nước ngâm cà phê trong hồ, để cạn bớt, thêm phân bón là có một loại nước tưới rất hiệu quả. Vào mùa chế biến cà phê cũng diễn ra trong mùa khô nên nước thải cũng không bị chảy ra ngoài, gây mùi hôi xung quanh. Anh Trần Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban đánh giá, chế biến ướt cà phê robusta là một hướng đi mới cho nông dân. Nếu đảm bảo đúng quy trình, nông dân sẽ tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất; đồng thời hạt cà phê Việt Nam cũng tăng giá trị trên thị trường toàn cầu. Về chuyện nước thải ra môi trường, những nông hộ chế biến cà phê robusta ướt tại khu vực Nam Ban đều đảm bảo thu gom nước thải, chưa thấy xảy ra vấn đề ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Với nhu cầu ngày càng tăng cho những hạt cà phê phẩm cấp cao, chế biến ướt cà phê Robusta sẽ là một hướng mở, giúp người nông dân có thu nhập tốt hơn từ những hạt cà phê.

DIỆP QUỲNH

Ca cao thượng hạng và câu chuyện 20 năm thăng trầm - Kỳ 1: Những người tiên phong

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bén rễ vùng đất Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ năm 2000, trải qua nhiều thăng trầm vì không có thị trường tiêu thụ, vài năm trở lại đây, ca cao BR-VT đã “hồi sinh” mạnh mẽ. Diện tích trồng ca cao được mở rộng, hạt ca cao BR-VT đủ sức chinh phục các thị trường khó tính.

Anh Trịnh Văn Thành (phải) kiểm tra chất lượng trái ca cao tươi tại vườn của bà con xã viên.

Anh Trịnh Văn Thành (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) được coi là người đầu tiên ở BR-VT trồng cây ca cao. Anh Trịnh Văn Thành cho biết, khoảng những năm 2000, khi đang công tác tại Hội Nông dân xã Xà Bang, nhìn cây chủ lực của địa phương là cà phê lúc đó bị chặt bỏ do không bán được, anh rất xót xa. Trong tâm trí luôn đau đáu phải tìm ra loại cây, hướng đi mới cho bà con. Sau khi tìm hiểu, được các chuyên gia tại Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh giới thiệu, anh Thành quyết định chọn cây ca cao, một loại cây hoàn toàn mới đối với BR-VT. Thời gian đầu, anh cùng 12 nông dân của huyện Châu Đức trồng thử nghiệm ca cao trên diện tích 12ha. Anh Trịnh Văn Thành cho biết: “Ca cao BR-VT được các đối tác từ Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ xếp vào loại thượng hạng của thế giới. Hơn nữa, cây ca cao rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của BR-VT nên năng suất cao. Nhờ đó, cây ca cao mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Vì vậy, diện tích trồng ca cao của tỉnh tăng nhanh, có thời điểm lên đến cả ngàn ha. Tuy nhiên, giai đoạn 2007-2012, ca cao bị lấn át bởi lợi nhuận “khủng” của hồ tiêu. 3 năm trở lại đây, với sự suy thoái của một số loại cây công nghiệp khác, cùng với sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền địa phương, diện tích ca cao Châu Đức đã tăng trở lại”, anh Thành nói.

Anh Hồ Sĩ Bảo kiểm tra chất lượng trái cacao tươi tại vườn. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Từ những bước đi ban đầu, anh Trịnh Văn Thành đã thành lập HTX TM-DV nông nghiệp Xà Bang (huyện Châu Đức) và hiện có 70 xã viên, trong đó có 20 hộ trồng ca cao với tổng diện tích trên 30ha. Anh Trịnh Văn Thành cho biết, nhận thấy ca cao trồng tại địa phương chất lượng tốt, HTX đã vận động bà con tham gia lớp tập huấn, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ (chương trình phát triển ca cao bền vững). Theo tiêu chuẩn UTZ, nông dân thay đổi thói quen canh tác. Các khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc, bón phân đều theo một quy trình nghiêm ngặt, nhật ký canh tác được ghi chép cẩn thận.

Cùng có chung niềm đam mê với ca cao, anh Hồ Sĩ Bảo cũng từ bỏ một công việc ổn định, thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh để về Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) mua đất làm nhà và rong ruổi tìm hiểu về cây ca cao. “Khi đưa ra quyết định táo bạo này, tôi nghĩ rằng để cho ra được một sản phẩm chất lượng thì tiêu chí đầu tiên là phải hiểu về cái gốc của sản phẩm đó, phải thật sự là người nông dân để hiểu được những điều mong muốn của họ”, anh Bảo chia sẻ. Nói là làm, ngay khi về BR-VT, ròng rã 4 tháng trời, anh đã thuyết phục được hơn 30 hộ nông dân tại Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) và huyện Châu Đức thành lập HTX ca cao hữu cơ Châu Đức. HTX ca cao hữu cơ Châu Đức hiện có 30 thành viên canh tác 70ha ca cao, sản lượng khoảng 40 tấn/năm. Anh Hồ Sĩ Bảo cho biết thêm: Để có thị trường tiêu thụ bền vững, HTX đã tập hợp những hộ nông dân trồng ca cao và hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ. HTX hỗ trợ kỹ thuật và giám sát nghiêm ngặt toàn bộ quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, bảo quản và lên men nhằm tạo sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm ATVSTP.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200ha ca cao, là 1 trong 7 địa phương có diện tích trồng ca cao lớn trong cả nước. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 520ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 300 tấn. Chất lượng ca cao canh tác theo tiêu chuẩn UTZ của BR-VT có thể chinh phục được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp… “Hiện Châu Đức đã triển khai quy hoạch vùng trồng ca cao, mục tiêu đến năm 2020, ca cao là một trong những cây chủ lực của địa phương với diện tích 650ha. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất ca cao theo hướng có chứng nhận đạt chuẩn quốc tế, đầu tư chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ”, ông Linh nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - QUANG VINH

Những sản vật nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu: Kỳ 1: Nức tiếng mãng cầu Bà Rịa - Vũng Tàu

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Mãng cầu (ta) là một trong những loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh, là sản phẩm không những quen thuộc với người dân trong tỉnh mà còn là món quà đối với du khách khi đến với BR-VT.

Anh Nguyễn Vũ Toàn (ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) trồng mãng cầu ta theo hướng VietGAP.

Theo Sở NN-PTNT, mãng cầu (ta) có nguồn gốc từ vùng Cát Lở (phường 11, TP. Vũng Tàu) từ năm 1954. Trải qua quá trình được tuyển chọn giống và phát triển, đến nay giống mãng cầu ta ở Cát Lở đã khẳng định là giống mãng cầu rất đặc thù, khác biệt và có chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày nay, mãng cầu được xem là cây ăn trái chủ lực của BR-VT, đây là loại cây không kén đất nhưng không chịu được ngập úng nên được trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Quả mãng cầu hình trái tim, vỏ sần, trước khi chín có màu xanh, khi chín màu xanh vàng. Múi quả mãng cầu trắng ngà, dai, ráo. Mãng cầu ta BR-VT có mùi thơm nhẹ, hàm lượng Vitamin C cao hơn mãng cầu trồng ở nhiều nơi khác trên cả nước.

Dẫn chúng tôi vào vườn mãng cầu lúc lỉu quả, ông Trần Văn Châu (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) vui vẻ cho biết: Mãng cầu là loại trái cây đặc sản thứ 2 của tỉnh BR-VT (sau nhãn xuồng cơm vàng) được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Nhờ đó, đầu ra của cây mãng cầu khá ổn định. Tới vụ thương lái vào tận vườn để thu mua. Những năm qua, cây mãng cầu đã trở thành cây ăn trái chủ lực của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Theo tính toán của ông Châu, mãng cầu được trồng theo giải pháp xử lý ra hoa trái vụ, cho mức lãi 80 - 120 triệu đồng/ha/năm.

Mãng cầu BR-VT Trang 7 Mãng cầu BR-VT nổi tiếng thơm ngon, trái đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: QUANG VŨ

Còn ông Huỳnh Văn Hải (ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) - người gắn bó với cây mãng cầu hơn 25 năm nay và đã chứng kiến bao thăng trầm của loại trái cây này cho biết, cây mãng cầu cao cỡ 2-5 mét, lá mọc xen ở hai hàng; hoa xanh, quả tròn, được phân thành hai loại, thường gọi là mãng cầu dai và mãng cầu bở. Hiện nay giống mãng cầu bở hầu như không còn do ít người thích nên người dân chặt bỏ và thay thế vào là giống mãng cầu dai, quả có màu xanh, vỏ mỏng mềm, dễ bóc, nhiều cơm màu trắng sữa và ít hạt, ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, múi nhằn cùi dễ tróc ra khỏi hạt.

Ông Huỳnh Văn Hải không chỉ nổi tiếng vì có vườn mãng cầu vừa ngon, vừa đẹp mà còn được mệnh danh là “phù thủy” trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ để điều khiển vườn mãng cầu ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Nhờ vậy, vườn mãng cầu của ông Hải năm nào cũng được mùa, sản lượng thu hoạch đạt hơn 10 tấn/ha. Theo ông Hải, sau khi thu hoạch vụ chính xong thì tỉa cành, tạo tán, loại bỏ các cành bị sâu bệnh và trái non. Tiếp đó bón phân chuồng hoặc bón nhiều đạm và lân cho cây phục hồi sức khoẻ. Khoảng giữa tháng 8 (âm lịch) bắt đầu tỉa trụi lá. Sau đó, ngừng tưới nước khoảng 1 tuần và phun thuốc ngừa sâu bệnh. Lượng phân bón cho một gốc cây là khoảng 10-15kg phân chuồng ủ hoai, 300-400g NPK (20-20-15), 1kg lân, 1kg phân hữu cơ và khoảng 100g urê. Sau đó, cứ khoảng 10-15 ngày thì bón lại, trung bình bón khoảng 8-10 đợt cho đến lúc thu hoạch.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhờ kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương mà mãng cầu BR-VT có mùi vị thơm ngon hơn hơn những vùng đất khác. Theo đánh giá, mãng cầu của BR-VT nổi bật như vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, cơm dày và không bị sượng. Năm 2008, tại cuộc thi “Cây mãng cầu trái ngon giống tốt vùng Đông Nam bộ” những quả mãng cầu của lão nông Huỳnh Văn Hải (ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) đã thực sự chinh phục những vị giám khảo khó tính để mang về giải nhất từ hội thi. Từ cuộc thi này, quả mãng cầu BR-VT đã nhanh chóng có tiếng trên thị trường cả nước.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: THANH NGA

Khá lên nhờ trồng dừa, nuôi bò

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Từ một hộ nghèo, vợ chồng ông Bùi Kim Sơn - Đinh Thị Thanh Thu (Nghĩa Phú, Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã trở nên khá giả nhờ áp dụng kết hợp các mô hình cây, con hiệu quả.

Đi lên từ kiệu - dưa hấu

Ông Sơn kể, năm 2001, vợ chồng ông ra ở riêng, không có tài sản gì bởi cha mẹ 2 bên đều nghèo. Vợ chồng chỉ biết động viên nhau tranh thủ làm lụng, dành dụm để làm nhà, có nơi che mưa nắng. Để thoát nghèo và vì tương lai của các con, vợ chồng ông quyết tâm vươn lên. Sau một thời gian, thấy gia đình ông có chí hướng làm ăn, chính quyền và các ban, ngành tại phường vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây cho ông căn nhà trị giá 30 triệu đồng. Từ đó, ông có sức bật đi lên.

Những năm đầu, thấy cây kiệu và dưa hấu có giá, vợ chồng ông bàn bạc thuê đất làm ăn. Trên mảnh đất ruộng thuê, từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, ông trồng kiệu, sau đó trồng dưa hấu. Thời gian này, tuy thị trường bấp bênh nhưng lúc gặp cơ hội ông vẫn có thu nhập khá. Thấy 2 loại cây này bổ sung cho nhau, dưa hấu lấy nhiều mùn từ đất, kiệu lại bù đắp chất mùn cho đất, kết quả đất không bị bạc màu, ông mạnh dạn thuê 5ha đất mở rộng diện tích trồng kiệu và dưa hấu. Nhìn chung, 2 cây này đều cho thu nhập ổn định. Có năm, gia đình ông thu nhập tiền tỷ từ mô hình kiệu - dưa hấu. Có tiền, ông gom góp, dành dụm mua được 1,2ha đất thuộc cánh đồng Nghĩa Phú để làm ăn lâu dài. Đất tốt, nước dồi dào, gia đình ông chuyển sang trồng dừa, bởi theo ông, thị trường dưa hấu hiện rất bấp bênh, nhiều người thua lỗ vì thị trường Trung Quốc không nhập hàng và hàng rào kỹ thuật yêu cầu ngày càng cao. Cây kiệu cũng không còn thích hợp, bởi giá nhân công tăng cao, thêm vào đó, dịch bệnh triền miên.

Khá giả nhờ nuôi bò, trồng dừa xiêm

Nuôi bò đem lại hiệu quả khi kết hợp trồng dừa xiêm.

Hiện nay, vợ chồng ông Sơn không còn lo lắng nhiều về thu nhập. Vườn dừa xiêm lùn 1,2ha (240 cây) của ông không đủ cung cấp cho thị trường Cam Ranh và các địa phương lân cận mặc dù phong trào trồng dừa đang nhen nhúm trở lại. Ông Sơn trồng cả 2 loại giống dừa xiêm lùn vỏ xanh và vỏ đỏ vì mỗi loại có ưu điểm riêng. Dừa vỏ đỏ cho năng suất cao, 200 trái/cây/năm, dừa vỏ xanh thấp hơn, 150 trái/cây/năm nhưng thị trường ưa thích. Giá bán lẻ tại vườn 10.000 đồng/trái, sỉ 8.000 đồng/trái. Hiện nay, vườn dừa của ông cho thu hoạch 300.000 đồng/ngày nhưng chỉ 1 - 2 năm nữa con số này sẽ là 1,2 triệu đồng/ngày. Ngoài trồng dừa, ông còn nuôi bò, giữ quy mô thường xuyên 10 con, chủ yếu là giống bò lai. Phân bò sau khi ủ hoai phối hợp với các loại rơm rạ, lá cây hoai mục sẽ được bón cho vườn dừa. Phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây dừa phát triển và cho quả ngọt. Vì vậy, thương lái rất thích mua dừa của ông và đặt hàng nhưng ông không đủ cung cấp. Ông cho biết, dừa xiêm sai quả, có thị trường, phân bò bón cho vườn dừa tốt, hệ thống tưới đến từng gốc dừa, cỏ trong vườn cắt cho bò ăn... thành vòng tròn khép kín. Ngoài mô hình kết hợp trên, ông còn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản phục vụ người dân trong vùng và khu vực huyện Cam Lâm…

Nhờ cần cù làm ăn, biết tính toán lựa chọn mô hình cây con phù hợp, vợ chồng ông Sơn đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Nghĩa: Vợ chồng ông Sơn đi lên từ hai bàn tay trắng nhờ biết áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Sơn rất tích cực tham gia các lớp tập huấn của chính quyền, thường xuyên nắm bắt thị trường, cải tiến sản xuất. Mô hình trồng kiệu mấy năm trước của ông là mô hình trình diễn của Chi cục Bảo vệ thực vật. Ông là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố, chuẩn bị xét cấp tỉnh.

V.L

Mùa sầu riêng kém vui

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Những ngày gần cuối tháng 9, vùng trọng điểm sầu riêng Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đang bước vào chính vụ thu hoạch. Khác với những năm trước, năm nay hầu hết các chủ vườn sầu riêng không có niềm vui trọn vẹn khi mà năng suất vừa không đạt, giá lại giảm rất nhiều.

Tất bật mùa thu hoạch

Thời điểm này, đi dọc tuyến đường về các xã của huyện Krông Năng dễ dàng bắt gặp hình ảnh tấp nập vận chuyển, buôn bán sầu riêng của người dân địa phương. Theo ghi nhận, mặc dù năm nay giá sầu riêng giảm so với năm 2018 nhưng lượng thương lái các nơi đổ về vẫn đông nên người dân có quyền mặc cả, lựa chọn thời điểm bán và bán cho ai.

Có mặt tại vườn sầu riêng của gia đình ông Khuất Duy Thái (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân) vào sáng 25-9 vừa qua, chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật của mùa vụ thu hoạch. Để có đủ lượng hàng hóa trong ngày, cả chục nhân công đang bận rộn hái, gom dưới sự giám sát của chủ hàng và chủ vườn. Theo đó, những quả chín được tách riêng để vận chuyển đi tiêu thụ ở những vùng lân cận trong thời gian sớm nhất. Còn lại những quả già được phân loại theo hàng loại 2, loại 3 và quả đạt chuẩn được xếp vào loại 1 để vận chuyển về điểm tập kết.

Theo lý giải của các thương lái, họ thu mua nguyên vườn và chịu trách nhiệm khâu thu hoạch nên để đạt được lợi nhuận cao nhất và hạn chế sự thất thoát, hư hỏng khi vận chuyển buộc phải thu hoạch theo đợt. Theo đó, bình quân mỗi vườn sẽ thu hái từ 2-3 đợt dựa vào sự đồng đều của vườn cây. Việc phân loại từ vườn sẽ ước lượng được số lượng hàng hóa tập kết mỗi ngày trước khi vận chuyển về nơi tiêu thụ. Điều này được thảo luận và có sự đồng thuận của các chủ vườn để bảo đảm sự sinh trưởng của vườn cây cũng như chất lượng trái sầu riêng khi thương mại trên thị trường.

Thương lái thu mua và tập kết sầu riêng của vườn gia đình anh Khuất Duy Thái (xã Ea Tân, huyện Krông Năng).

Tại vườn sầu riêng của gia đình ông Lương Xuân Hưng (thôn Ea Chiêu, xã Ea Tân) những ngày này cũng liên tục có thương lái tìm đến xem, trả giá để thu mua. Tuy nhiên, hiện tại ông vẫn chưa quyết định bán vì giá sầu riêng xuống quá thấp. Được biết, dù có đến 7 ha đất nhưng do gia đình trồng xen nhiều loại cây nên hiện tại chỉ có khoảng 200 cây sầu riêng đang thời kỳ thu bói với sản lượng ước đạt 5 tấn.

Theo số liệu của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Năng, toàn huyện hiện có khoảng 1.150 ha sầu riêng tập trung tại các xã Ea Tân, Ea Toh, Tam Giang, Phú Lộc… Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 400 ha, sản lượng năm 2018 đạt 6.760 tấn. Mặc dù cây sầu riêng được người dân địa phương trồng từ lâu nhưng diện tích không nhiều, chủ yếu là diện tích được trồng vào những năm 2014 và 2015.

Nông dân thất thu

Dù đang vào thời gian cao điểm của vụ thu hoạch nhưng với hầu hết các hộ dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh nói chung, xã Ea Tân nói riêng thì niềm vui không trọn vẹn. Theo nhiều tiểu thương, năm nay do sức mua của Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ yếu của Việt Nam có nhiều biến động nên giá thu mua tại vườn của người dân cũng giảm rất mạnh, chỉ bằng khoảng 1/2 của năm trước. Đến thời điểm hiện nay, giá thu mua cao nhất chỉ khoảng 50.000 đồng/kg đối với loại được tuyển chọn.

Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Năng Cao Xuân Sơn: "Trước bối cảnh thương mại nông sản ngày càng khó khăn như hiện nay, huyện đang khuyến khích người dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Qua đó, từng bước đồng nhất cách thức, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và giá thành trước biến động của thị trường".

Ông Khuất Duy Thái chia sẻ, hiện tại vườn cây xen canh của gia đình có 180 cây sầu riêng, trong đó có 90 cây sầu riêng Dona đang thời kỳ kinh doanh cho sản lượng khoảng 27 - 28 tấn. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng nên chất lượng, mẫu mã quả rất đẹp, bán được giá hơn so với các vườn khác trong vùng. Được biết, gia đình ông đã bán nguyên vườn cho thương lái với giá bán xô là 47 triệu đồng/tấn, ước lãi chỉ khoảng 500 – 600 triệu đồng. Ngoài ra, sau 3 đợt mưa gió vừa qua, vườn sầu riêng của gia đình ông bị sốc nhiệt, rụng non khoảng trên 2 tấn, vì thế so với năm 2018 thì năm nay gia đình thất thu khoảng 1 tỷ đồng.

Với vườn sầu riêng của gia đình ông Lương Xuân Hưng, do mới bắt đầu cho thu bói nên sản lượng đạt rất thấp. Cùng với đó, với phương pháp trồng thân thiện môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học nên hình thức quả sầu riêng không đạt theo tiêu chuẩn của bên thu mua khiến giá thành càng thấp hơn. Cụ thể, trong khi sầu riêng nhiều vườn bán ra với giá 45- 47 triệu đồng/tấn thì vườn ông Hưng thương lái trả giá cao nhất chỉ có 37 - 38 triệu đồng/tấn. Như vậy, với khoảng 200 cây sầu riêng của gia đình cho thu về không đến 200 triệu đồng chưa trừ chi phí.

Vườn sầu riêng của gia đình anh Lương Xuân Hưng.

Theo ông Cao Xuân Sơn, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, ngoài giá cả thu mua giảm thì mùa vụ năm nay năng suất sầu riêng cũng đạt thấp hơn năm trước khoảng 2 tấn/ha, một phần do ảnh hưởng thời tiết, phần khác do nhiều nông hộ vẫn chưa am hiểu lắm về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Trước thực trạng trên, để góp phần phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, từ đầu năm đến nay huyện đã tổ chức tập huấn quy trình trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu trong vườn cà phê và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sầu riêng cho gần 1.200 lượt nông dân. Tới đây địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để thúc đẩy người dân sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, Global GAP… vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao tính cạnh tranh trong hội nhập.

Thúy Hường

Nghệ An: Nuôi gà ác lông đen cho thu nhập khá

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Gà ác đen là giống gà quý được thị trường ưa chuộng. Hiện nay trên địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mô hình nuôi chăn nuôi gà ác VietGAP liên kết theo chuỗi giá trị đang được nhân rộng tại nhiều gia trại

Chị Nguyễn Thị Mến ở xóm 8, xã Nam Nghĩa đã thực hiện với 2.000 con/lứa và gia trại chị Nguyễn Thị Thu ở xóm 3 xã Hùng Tiến - Nam Đàn với quy mô 1.000con/lứa. Hiện tại, hai gia trại đã được một đơn vị cung ứng con giống từ Viện Chăn nuôi và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Chị Thu cho biết, với số lượng 1000 con gà ác chị nuôi theo phương thức nuôi nhốt, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn cám hỗn hợp hãng Con Cò, sử dụng đệm lót sinh học trong 3 tháng là có thể xuất chuồng. Mỗi lứa như vậy chị đầu tư chi phí 70 triệu đồng (gồm tiền giống và thức ăn hỗn hợp), hạch toán kinh tế lãi bình quân 40 triệu đồng. Còn với gia đình chị Mến quy mô 2000 con cho thu nhập 80 triệu đồng/3 tháng.

Gà ác đen được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Các chị chia sẻ đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, hơn nữa nhờ liên kết theo chuỗi, đầu ra ổn định nên các gia trại đều yên tâm trong quá trình chăn nuôi. Đến thăm gia trại của gia đình chị Thu, chị Mến, ai cũng tấm tắc khen ngợi sự nỗ lực, cố gắng của hai chị khi biết tìm tòi, học hỏi để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất Nhờ vậy kinh tế gia đình các chị ngày càng khá giả.

Mặc dù với quy mô nhỏ lẻ nhưng nếu bà con nông dân biết cách đầu tư đúng hướng, chăm chỉ chịu khó thì rất dễ làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương./.

Hoài Phương - Trạm Khuyến nông Nam Đàn, Nghệ An

Người dân e ngại tái đàn chăn nuôi phục vụ tết

Nguồn tin: Báo Long An

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp tết, các chủ trang trại và gia trại chăn nuôi trong tỉnh Long An đang tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tái đàn phục vụ tết Tại huyện Cần Đước, có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô khá lớn đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết. Bà Phan Thị Thanh Tuyền, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, chăn nuôi theo kiểu gia trại đã gần 10 năm. Năm nào cũng vậy, gần tết, gia đình bà đều tăng đàn. Năm nay, để phục vụ thị trường tết, gia đình bà tăng thêm 2.000 con gà thịt. Bà Tuyền cho biết: “Dịp tết là khoảng thời gian nhu cầu sử dụng gà “cao điểm” nhất trong năm nên những hộ chăn nuôi như chúng tôi đều tái đàn, tăng đàn để cung ứng cho thị trường. Hàng năm, giá gà tết tăng không nhiều, tuy nhiên, nhờ nhu cầu của thị trường lớn, gà dễ bán hơn nên những người nuôi gà thu được lợi nhuận ổn định”. Còn bà Trần Thị Bé Hai (thành viên Hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ, xã Tân Lân) chia sẻ: “Để phục vụ việc nuôi gà bán tết, gia đình tôi đầu tư sửa chữa và mở rộng thêm 30m2 chuồng nuôi để tăng đàn. Năm nay, gia đình tôi tăng thêm 3.000 con gà lấy thịt. Hy vọng những ngày gần tết, giá gà sẽ tăng để người nuôi gà được ăn tết vui vẻ, đầm ấm”.

Người chăn nuôi gà lấy trứng, lấy thịt đẩy nhanh tăng đàn Giám đốc HTX Tân Mỹ - Võ Đông Triều cho biết, toàn HTX có khoảng 20.000 con gà lấy thịt và 120.000 con gà lấy trứng. Các thành viên HTX đang tất bật cho việc tái đàn, tăng đàn phục vụ tết. Theo dự tính, dịp này, các thành viên sẽ tăng thêm khoảng 10.000 con gà lấy thịt. Cũng theo ông Triều, năm nay, giá con giống, thức ăn đều tăng không đáng kể. Tuy nhiên, điều mà người nuôi gà đang quan tâm, lo lắng là đầu ra và giá bán vì hầu như tết năm nào giá gà cũng không cao. Mặt khác, năm nay lại thêm dịch tả heo châu Phi nên nhiều người nuôi heo đã chuyển sang nuôi gà, vịt. Do đó, đến tết, nguồn cung gà sẽ nhiều và giá gà sẽ khó đoán. Trái ngược với chăn nuôi gà, người chăn nuôi heo rất e ngại trong việc tái đàn phục vụ tết.Thời gian qua, tỉnh có gần 50.000 con heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi.Theo nguyên tắc, 30 ngày sau khi hết dịch thì có thể tái đàn dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhưng vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi e ngại tái đàn vì sợ dịch bệnh tái phát. Hiện tại, một số địa phương khác, người chăn nuôi đã bắt đầu triển khai tái đàn heo thịt dựa trên các đàn giống khỏe mạnh, cùng với đó là các biện pháp an toàn sinh học theo quy trình khép kín. Theo anh Đặng Hồng Phong, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ: “Hiện dịch tả heo châu Phi còn xảy ra ở nhiều nơi, nên người chăn nuôi còn e ngại trước quyết định tiếp tục tái đàn. Mặc dù hiện nay giá heo hơi đang tăng nhưng người chăn nuôi cũng khá dè dặt, chỉ có những trang trại lớn đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học mới tái đàn. Phần lớn hộ chăn nuôi quy mô nhỏ như chúng tôi chưa có ý định tái đàn. Trong điều kiện hiện nay, địa phương cũng khuyến cáo người chăn nuôi muốn tái đàn cần tuân theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng cường các biện pháp cách ly nhằm bảo đảm an toàn, chăn nuôi hiệu quả”. Ông Phạm Văn Bảy (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) than thở: “Đợt dịch vừa qua đã làm gia đình tôi thiệt hại trên 100 triệu đồng. Hiện nay, đây là thời điểm tốt nhất để nông dân tái đàn chăn nuôi phục vụ tết. Nhưng giá nguyên liệu đầu vào như cám, thức ăn tổng hợp, thuốc thú y đều tăng khiến người chăn nuôi điêu đứng, trong khi giá heo thì không cao nên chắc chúng tôi phải bỏ trống chuồng”. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, toàn huyện hiện có trên 1,1 triệu con gia cầm và 8.000 con gia súc, người dân chủ yếu chăn nuôi theo hình thức trang trại và gia trại, tập trung nhiều nhất tại các xã Tân Lân, Mỹ Lệ. Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương hoàn thành việc tiêm phòng đợt 1 và 2 cho đàn gia súc, gia cầm. Nhìn chung, các loại gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. “Thời gian qua, người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện gặp khá nhiều khó khăn: Dịch bệnh, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định nên việc tái đàn, tăng đàn dịp tết vẫn ở mức bình thường như những năm trước, không đột biến, ồ ạt. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi dịp tết, phòng phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại và thực hiện tiêm phòng theo định kỳ để tránh những rủi ro về dịch bệnh; đồng thời, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chú trọng đến việc sản xuất an toàn, chất lượng” - bà Vân cho biết thêm. Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo, trong bối cảnh vẫn còn dịch tả heo châu Phi và nguy cơ lây bệnh cũng như dịch bùng phát trở lại vẫn hiện hữu, người chăn nuôi khi muốn tái đàn cần theo khuyến cáo và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đối với các trang trại quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học có thể vào đàn nhưng cần tăng cường cách ly để bảo đảm an toàn.

Người dân e ngại tái đàn chăn nuôi phục vụ tết do tình hình dịch bệnh

Chăn nuôi an toàn sinh học

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, nông dân các địa phương tập trung phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo ra nguồn thực phẩm cung ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi. Để xây dựng ngành chăn nuôi bền vững, giúp nông dân an tâm đầu tư sản xuất, sở triển khai nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để người dân tiếp cận phương pháp chăn nuôi an toàn và hiệu quả.

Ông Lê Văn Thảo, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, cho biết: “Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình tôi đã xây dựng khu trại riêng biệt với dãy chuồng nuôi heo thịt và heo nái, có hầm biogas xử lý chất thải. Tôi còn tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn heo theo quy định. Nhờ vậy, mấy năm nay, đàn heo của gia đình rất khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, lợi nhuận cũng tăng theo. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất chuồng được vài lứa heo.Nếu giá ổn định thì có lãi hơn 100 triệu đồng/năm, còn với giá như hiện nay thì không có lãi”.

“Hiện sở đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích chăn nuôi an toàn sinh học để nhân rộng mô hình. Sở sẽ phối hợp các địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... cho người chăn nuôi; đồng thời, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ về vốn, quỹ đất, định hướng về thị trường, minh bạch các thông tin về sản phẩm để chăn nuôi an toàn sinh học phát triển rộng rãi. Trong đó, các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, bảo đảm cự ly an toàn với các khu vực xung quanh. Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo 3 vùng: Lõi, đệm và giám sát, áp dụng chương trình phòng trị theo điều kiện dịch tễ giúp các trại heo phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. Nếu kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như trên, các trang trại có thể tự tin duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn heo trong thời gian dài và cung ứng cho thị trường các sản phẩm thịt bảo đảm chất lượng” - bà Khanh cho biết thêm./.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop