Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 7 năm 2019

Mùa trái cây không vướng ‘điệp khúc’

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều loại trái cây đang vào mùa rộ, nhưng theo tiểu thương, trái với mọi năm, năm nay hầu hết các loại trái cây đều có giá cao, một số loại trái cây còn cao gấp đôi so với năm trước.

Nhiều loại trái cây vào mùa, giá cao.

Giá cao, tiểu thương lo hàng ít

Vào mùa nên nhiều loại trái cây được tiểu thương trưng bày rất bắt mắt, đa dạng chủng loại mà loại nào cũng tươi roi rói. Nhiều tiểu thương chợ Vĩnh Long cho hay: Tuy vào mùa nhưng giá không giảm. Nguyên nhân là do năm nay nguồn cung bị thiếu, nhiều nhà vườn giảm diện tích trồng, một số loại thì thất mùa nên giá cao hơn năm trước 10- 15%.

Hiện tại chợ Vĩnh Long, dưa hấu đang ở mức khá cao từ 20.000- 25.000 đ/kg, thanh long ruột đỏ 20.000- 30.000 đ/kg, thanh long ruột trắng 40.000- 50.000 đ/kg, nhãn xuồng 40.000- 45.000 đ/kg, mãng cầu dai 40.000- 60.000 đ/kg, măng cụt 45.000- 50.000 đ/kg, bưởi Năm Roi 40.000- 50.000 đ/kg, xoài cát Hòa Lộc 50.000- 70.000 đ/kg, quýt đường loại 1 từ 60.000- 65.000 đ/kg, mãng cầu Thái 70.000 đ/kg, bưởi da xanh loại 1 từ 70.000- 80.000 đ/kg, sầu riêng Ri 6 từ 70.000- 85.000 đ/kg,… Các loại trái cây Đà Lạt, Đăk Lăk hay trái cây ngoại giá cũng ở mức cao, khá hút hàng, như: bơ 034 từ 120.000- 140.000 đ/kg, mâm xôi 170.000- 200.000 đ/kg, dâu tây 180.000- 220.000 đ/kg, cherry 480.000- 550.000 đ/kg,…

Chị Huỳnh Thu Thủy- bán trái cây chợ Vĩnh Long gần 20 năm- cho hay: “Trái cây năm nay đẹp, ngon, có hàng nhưng không nhiều- nhất là bưởi, thanh long, chôm chôm,… Do lượng trái cây về chợ giảm nên giá cũng đang ở mức cao, không bị rớt giá như mọi năm. Tôi phải tranh thủ đặt sớm và từ nhiều nơi mới gom đủ hàng”. Cô Nguyễn Thị Tuyết bán kế bên cũng chia sẻ: “Do nhiều loại trái đang đúng vụ nên rộ, đây cũng là lúc trái cây ngon, ngọt nhất. Tuy nhiên, do vào mùa mưa nên sức mua không bằng những tháng nắng”. Lý giải về giá trái cây tăng dù vào mùa rộ, anh Lê Văn Chín- thương lái ở Vũng Liêm- cho hay: Năm nay, nhiều mặt hàng trái cây trong nước hút xuất khẩu, trong đó, chôm chôm, thanh long, măng cụt, bưởi,… được phía Trung Quốc đặt mua nhiều nhất. Bên cạnh đó, mùa vụ năm nay không được thuận lợi, sản lượng giảm đáng kể so với năm ngoái nên giá mua từ nhà vườn cũng tăng khoảng 20%.

Nông dân phấn khởi, nhưng giá có bền?

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, giá trái cây tương đối ổn định, không có biến động nhiều nên nông dân có lời khá. Cụ thể, tại Mang Thít, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, diện tích trồng thanh long là 96,64ha, diện tích ươm giống cây ăn trái là 85,7ha, gồm cây mít, sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu, xoài, tứ quý,… Những tháng đầu năm, giá một số loại trái cây như sầu riêng, bưởi da xanh, thanh long,… tăng cao, nông dân rất phấn khởi do lợi nhuận khá cao. Có 2 công măng cụt, chú Trương Văn Sang (xã An Phước- Mang Thít) cho hay: “Năm nay, măng cụt được mùa, tuy giá có giảm đôi chút so với đầu vụ nhưng vẫn cao hơn so với năm rồi 5.000- 10.000 đ/kg. Với mức giá này, tui lời khá”. Tại xứ sở sầu riêng và bưởi thuộc 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm), năm nay, nông dân cũng trúng đậm nhờ giá ổn định. Ông Huỳnh Văn Mười Anh- cán bộ địa chính- nông nghiệp xã Quới Thiện- cho biết: Toàn xã có 630ha sầu riêng.

Từ đầu năm đến nay, giá sầu riêng ở mức cao và ổn định từ 40.000- 50.000 đ/kg, đặc biệt giá sầu riêng mùa thuận “ngon” hơn sầu riêng mùa nghịch. Với mức giá hiện tại, giá sầu riêng cao hơn năm trước 10.000- 15.000 đ/kg. Trung bình 1 công sầu riêng cho năng suất khoảng 1,5 tấn, trúng hơn thì có thể đạt 2 tấn/công, trừ chi phí, nông dân lời “khẳm”.

Cũng theo cán bộ nông nghiệp xã Thanh Bình Nguyễn Hoàng Đệ, năm nay giá bưởi, sầu riêng ổn định ở mức cao và do không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên năng suất khá. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã đốn măng cụt thay vào trồng bưởi và sầu riêng do thấy “ngon ăn” hơn nên sản lượng măng cụt năm nay không bằng những năm trước. Hiện xã chỉ còn 8- 9ha măng cụt, gần 390ha sầu riêng và trên 500ha bưởi.

Theo nhiều nông dân, với giá trái cây thời điểm hiện tại là rất phấn khởi, bởi nông dân có lời và bù lỗ cho những năm trước. Tuy nhiên, năm nay dù chưa vướng điệp khúc “được mùa, mất giá” nhưng nhiều người cũng thấp thỏm: không biết giá trụ được bao lâu, khi nào thì thị trường “hết ăn”? Do đó, nhiều người nông dân cũng thận trọng trong việc trồng- chặt cây gì để đảm bảo cung cầu cho thị trường. Ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân cần thận trọng chọn cây để trồng. Lưu ý, khi chọn trồng cây gì phải nghiên cứu, am hiểu về đặc tính và kỹ thuật thì hiệu quả mang lại mới cao. Không nên ồ ạt trồng- chặt theo phong trào để tránh thiệt hại và vướng điệp khúc “được mùa- mất giá- giải cứu”.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Phát triển vùng chuối nguyên liệu

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Ngoài vải thiều, cây có múi…, Bắc Giang còn có lợi thế phát triển cây ăn quả ngắn ngày đó là các giống chuối. Hiện nay, ngành chuyên môn của tỉnh đang xây dựng đề án, đưa ra giải pháp phát triển vùng chuối nguyên liệu tại địa bàn, hướng tới xuất khẩu.

Chuối không phải là cây trồng mới nhưng một số người dân trong tỉnh đã mạnh dạn cải tạo ruộng, vườn canh tác trên diện tích lớn và có thu nhập cao. Điển hình là hộ ông Lê Tiến Lợi, thôn Bảo An, xã Hoàng An (Hiệp Hòa). Hơn 5 năm qua, ông trồng chuối tiêu hồng, tiêu xanh, tây trên diện tích hơn một ha.

Nông dân xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) trồng chuối cho thu nhập cao. Ảnh: THANH HẢI

Ông Lợi chia sẻ, mỗi sào chuối cho thu nhập từ 13-15 triệu đồng/năm, dịp Tết thì cao hơn (khoảng 20 triệu đồng/sào). Sản phẩm khi thu hoạch được khách hàng ở tỉnh Hưng Yên về thu mua. Hiện nay, toàn bộ chuối của gia đình ông đang lên xanh mướt, không bị sâu bệnh, dự kiến tiếp tục được mùa.

Theo ông Lợi, trồng chuối cần chú ý giữ độ ẩm; phun thuốc chống sương, dưỡng lá để chuối buồng đều, quả đẹp. Sau khi thu hoạch, xử lý chế phẩm phụ của cây và lá vứt xuống giữa rãnh luống để tạo độ ẩm tránh cỏ mọc và tăng chất hữu cơ cho vụ sau.

Hộ ông Đỗ Văn Thái, thôn Kiểu, xã Bích Sơn (Việt Yên) cũng đầu tư kinh phí san gạt, cải tạo ruộng trồng một ha chuối. Năm 2018, ông thu được hơn 5 nghìn buồng chuối, trừ chi phí thu về hơn 100 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng chuối, ông Thái nói cần tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học để cây tăng cường chống chịu với điều kiện bất thuận, nhất là khi thời tiết rét, hanh khô, sương muối vào cuối năm.

Dự kiến, toàn tỉnh xây dựng 20 vùng trồng chuối tiêu hồng liền khoảnh, tập trung tối thiểu 10 ha/vùng. Lựa chọn giống chuối tiêu hồng là bởi quả đồng đều, mã đẹp, dễ vận chuyển.

Trong quá trình chăm sóc phải tỉa các mầm con, hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng với cây mẹ. Chỉ đến thời điểm buồng chuối cây mẹ đã già, sắp thu hoạch mới để lại ở mỗi gốc khoảng 2 mầm mập mạp làm giống cho vụ sau. Thu hoạch xong, chặt cây mẹ và rắc vôi bột vào gốc để hạn chế mầm bệnh mà không cần cuốc gốc lên.

Không chỉ người dân, Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (Hưng Yên) thuê 10 ha đất bãi tại thôn Hương Ninh, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) trồng chuối cho hiệu quả kinh tế cao. Với cách làm bài bản, dùng giống sạch bệnh, quy trình chăm sóc được cán bộ Công ty tuân thủ nghiêm ngặt nên toàn bộ cây đều trổ buồng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh có khoảng 1,6 nghìn ha chuối, sản lượng hơn 19 nghìn tấn/năm. Nhìn chung người trồng chuối quy mô lớn có thu nhập khá. Tuy nhiên, các giống chuối được đưa vào trồng chủ yếu là giống địa phương, giống mới chỉ chiếm gần 30%. Sản phẩm tiêu thụ dưới dạng bán tươi, chưa có cơ sở chế biến.

Nghiên cứu thực tế tại địa phương có nhiều tiềm năng phát triển chuối như: Quỹ đất dồi dào, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, trồng chuối đòi hỏi nguồn vốn đầu tư không lớn, dễ chăm sóc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tham mưu xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu trồng chuối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022. Hiện các huyện, TP đang rà soát, tổng hợp để đưa ra số liệu cụ thể về diện tích.

Công tác tiêu thụ cũng được tính đến, đó là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu nông sản.

Mỗi năm đơn vị có nhu cầu liên kết sản xuất 2 nghìn ha chuối. Đã từng thu mua nông sản tại tỉnh nên đơn vị mong muốn được cùng bà con Bắc Giang trồng chuối. Công ty sẽ xây dựng nhà xưởng đóng gói, bảo quản tại vùng nguyên liệu có quy mô 200 ha. Khi sản phẩm được thu hoạch, Công ty thu mua theo giá ký trên hợp đồng cam kết, thỏa thuận.

Căn cứ vào nhu cầu trên, dự kiến toàn tỉnh sẽ xây dựng 20 vùng trồng chuối tiêu hồng liền khoảnh, tập trung tối thiểu 10 ha/vùng. Lựa chọn chuối tiêu hồng là bởi quả đồng đều, mã đẹp, dễ vận chuyển. Việc hình thành, phát triển vùng trồng chuối có liên kết trên địa bàn tỉnh mở hướng thâm canh mới, giúp người dân tăng thu nhập.

Trường Sơn

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ‘Đồng Giao’ cho dứa

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm dứa Đồng Giao. UBND thành phố Tam Điệp là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Dứa Đồng Giao là đặc sản trái cây của tỉnh Ninh Bình, có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Dứa Đồng Giao cùng với cá rô Tổng Trường, dê núi và cơm cháy Ninh Bình được coi là những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình. Dứa Đồng Giao có hai giống là dứa Cayene và dứa Queen.

Dứa Cayene Đồng Giao có hình trụ, màu vàng cam nhạt, mùi thơm, vị ngọt đậm, không xơ. Khối lượng quả từ 1,53 đến 1,78 kg. Đường kính quả từ 12,90 đến 13,90 cm. Chiều dài quả từ 19,45 đến 20,39 cm. Số lượng mắt dứa từ 111 đến 115 mắt. Tỷ lệ phần ăn được từ 72 đến 75%.

Dứa Queen Đồng Giao có hình trụ, màu vàng rơm, mùi thơm, vị ngọt, không xơ. Khối lượng quả từ 0,54 đến 0,61 kg. Đường kính quả từ 7,71 đến 8,49 cm. Chiều dài quả từ 10,46 đến 11,27 cm. Số lượng mắt dứa từ 92 đến 94 mắt. Tỷ lệ phần ăn được từ 60 đến 74%.

Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, bí quyết canh tác, kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản sản phẩm của người sản xuất tại khu vực địa lý cũng góp phần tạo nên các đặc thù của sản phẩm dứa Đồng Giao.

Khu vực địa lý của sản phẩm dứa bao gồm các xã Phú Long, Quảng Lạc thuộc huyện Nho Quan; các xã Đông Sơn, Quang Sơn và các phường Trung Sơn, Nam Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

PV

An Giang: Châu Phú vào mùa nhãn xuồng cơm vàng

Nguồn tin: Báo An Giang

Những ngày giữa mùa hè, khi bầu trời phập phồng những cơn mưa xoa dịu đợt nắng ngột ngạt, oi ả, cũng là lúc những hộ dân trồng nhãn tại xã Khánh Hòa và Mỹ Đức (Châu Phú, tỉnh An Giang) bắt tay vào vụ thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng thơm ngọt, trĩu cành.

Đặc sản nhãn xuồng cơm vàng

Những mâm nhãn xuồng cơm vàng được người dân bày bán dọc 2 bên tuyến Quốc lộ 91 thuộc xã Mỹ Đức báo hiệu mùa thu hoạch nhãn tại 2 xã Khánh Hòa, Mỹ Đức bắt đầu. Chị Phan Hồng Yến (người bán nhãn xuồng cơm vàng trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn xã Mỹ Đức) cho biết: “Nhãn xuồng bán ở đây được “lấy” từ các nhà vườn trồng nhãn tại địa phương, rồi bán lại cho khách đi đường. Từ đầu vụ đến nay, mỗi ngày tôi bán được trên 20kg nhãn xuồng cơm vàng cho khách tham quan, hành hương đi qua tuyến đường này. Mặc dù nhãn đầu mùa có giá hơi cao (khoảng 80.000-90.000 đồng/kg) nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng nên bán rất chạy”.

Rời Quốc lộ 91, tôi men theo con đường rợp bóng cây thuộc ấp Khánh An (xã Khánh Hòa) tìm đến một số vườn nhãn của người dân để được mục sở thị những gốc nhãn đang mùa thu hoạch. Là nhà vườn có gần 30 năm kinh nghiệm trồng cây nhãn, ông Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1947) nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm canh tác nhãn của gia đình: “Nhãn là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh nên không phải tốn nhiều phân, thuốc. Vào tháng 2, tháng 3 (âm lịch) hàng năm là thời điểm cây nhãn bắt đầu trổ bông, giai đoạn này chỉ cần phun vài đợt thuốc để cây đậu trái là xong. Đến tháng 5 là nhãn đủ độ lớn để thu hoạch dần, khoảng đầu tháng 8 là cuối vụ. Sau mỗi vụ, tôi sửa cây, tưới nước rồi bón phân, phun thuốc dưỡng cho cây ra lá, sau đó ngưng nước cho đến mùa nắng năm sau bắt đầu tưới lại để cây trổ bông cho vụ mùa mới”.

Ông Vinh cho biết, thông thường nhãn chỉ trồng khoảng 1 năm, khi cây “phát lên” là bắt đầu ra bông cho trái, nhưng hầu hết các nhà vườn sẽ cắt bỏ đợt bông đầu tiên để cây có sức tiếp tục phát triển. Đến năm thứ 2 hoặc thứ 3 mới “nuôi” bông ra trái và thu hoạch. Tùy điều kiện thời tiết và tuổi đời của cây mà mỗi gốc nhãn có thể cho trái từ vài chục đến trên 100kg/vụ. Chỉ tay về phía cây nhãn nằm ở góc sân nhà, ông Vinh cho biết: “Cây nhãn này trồng được 4 năm, nó là cây mới nhưng năm vừa rồi thu hoạch khoảng 50kg trái, năm nay gặp phải đợt nắng nóng đầu năm nên trái không nhiều như năm trước, nhưng cũng hái được khoảng 30kg trái. Trồng nhãn có cái lợi là vậy, khi thất mùa thì chỉ ít trái hơn, chứ không bị “trắng cây” như những loại khác”. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Vinh cân nhãn cho bạn hàng với giá từ 65.000-70.000 đồng/kg, cao hơn giá bán mùa nhãn năm trước khoảng 10.000-15.000 đồng/kg.

Vườn nhãn nhà ông Nguyễn Văn Vinh vào mùa thu hoạch

Hỗ trợ phát triển

Trên địa bàn xã Khánh Hòa hiện có trên 70ha diện tích trồng nhãn, trong đó có nhiều vườn tuổi đời trên 10 năm. Để thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng đến sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, UBND xã Khánh Hòa đã thành lập Tổ hợp tác nhãn xuồng Khánh Hòa, với 25 hộ dân canh tác nhãn trên địa bàn xã tham gia. Tổ hợp tác đã tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng nhãn, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, nhằm hướng đến việc đăng ký mã vạch cho sản phẩm. Đặc biệt, để phát triển quy mô, nâng diện tích trồng nhãn tại xã Khánh Hòa, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú từng bước triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hòa, với quy mô trên 170ha. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo hướng tập trung và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của bà con nông dân.

Với hơn 11ha diện tích trồng nhãn, xã Mỹ Đức là địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều thứ 2 tại huyện Châu Phú. Vừa qua, có 10 hộ dân trồng nhãn tại các ấp: Mỹ Hòa, Mỹ Phó, Mỹ Thạnh được giải ngân nguồn vốn từ Dự án trồng và chăm sóc nhãn xuồng Mỹ Đức, với tổng số tiền 400 triệu đồng, trích từ quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương. Hoạt động nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn để cải tạo, phát triển vườn nhãn xuồng của gia đình, góp phần thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

MỸ LINH

Tây Ninh: Trồng thử nghiệm sung Mỹ xen canh trong vườn bưởi

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Bên cạnh 2 ha bưởi 6 năm tuổi, một nông dân đã trồng thử nghiệm xen canh cây sung Mỹ trên diện tích 4.000m2, bước đầu cho kết quả khả quan.

Cuối năm 2018, ông Cao Hoàng Vũ (59 tuổi) đã đầu tư hơn 50 triệu đồng trồng thử nghiệm giống sung Mỹ xen canh trong vườn bưởi ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Hiện, ông có khoảng 200 gốc sung Mỹ đang cho trái, trung bình mỗi lần thu hoạch được gần 100 kg.

Ông Vũ bên cây sung mỹ trồng xen trong vườn bưởi.

Theo ông Vũ, giống sung Mỹ không những dễ trồng, dễ chăm sóc mà còn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, ông tận dụng phân chuồng, rơm ủ mục để bón, tưới bằng hệ thống sinh học chung với vườn bưởi. “Nhờ áp dụng chung với hệ thống bón, tưới trong vườn bưởi nên chi phí đầu tư cho sung Mỹ không nhiều”- ông Vũ nói.

Cây sung Mỹ thuộc họ dâu tằm, thân có thể cao đến 6m, lá to có 3 hoặc 5 thùy. Từ lúc trồng cho đến kỳ sinh trưởng khoảng 6 tháng, cây bắt đầu cho trái. Điểm đặc biệt ở cây sung Mỹ, cây khi ra lá non là kết hợp cho trái, trái mọc liên hoàn tại mỗi nách lá, không ra chùm như sung thường có ở Việt Nam.

Đây là loại trái cây đẹp, có mùi vị phong phú.

Ông Vũ cho biết thêm, mỗi cây từ khi ra trái đến chín tầm khoảng 3- 3,5 tháng. Cây trưởng thành có thể cho khoảng 400 – 500 kg trái một năm. Sung non có màu xanh lục, khi chín chuyển sang màu đỏ tươi, nặng, dày thịt, mọng nước, ăn có vị ngọt thanh, mềm và thơm. Đây là loại trái cây đẹp, có mùi vị phong phú hơn so với giống sung hiện đang có tại nước ta.

Hỏi lý do tại sao chọn sung Mỹ để trồng thử nghiệm trong vườn bưởi, ông Vũ cho hay, từ thông tin của bạn bè và trên mạng internet, ông biết sung Mỹ là loại có giá trị kinh tế tương đối cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Tây Ninh. “Nếu phát triển giống sung Mỹ trên vùng đất Tây Ninh sẽ hứa hẹn thêm một loại cây trồng mới cho tỉnh nhà”- ông Vũ cười nói.

Sung mỹ cho trái tại mỗi nách lá, không ra chùm như sung thường.

Hiện tại, mỗi ngày ông Vũ thu hoạch gần 15 kg sung Mỹ để cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, với giá từ 150.000- 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi kg từ 10 - 14 trái. Do đây là loại trái cây mềm nên sau khi hái xong phải nhanh chóng phân loại, đóng hộp cẩn thận, tránh trái bị giập, mềm nhão sẽ không ngon.

Ông Vũ cho biết thêm, thực tế giá mỗi kg sung Mỹ hơi cao nên chỉ bán được ở thị trường TP.HCM, còn tại Tây Ninh vẫn chưa được người tiêu dùng chấp nhận. Hiện nay, giá mỗi kg sung Mỹ tại TPHCM có thể bán với giá lên đến 400.000 đồng.

Tâm Giang

Nhân rộng mô hình ‘Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ’

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai mô hình "Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ". Địa điểm thực hiện: Ấp Giồng Lãnh I, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông trên diện tích 30 ha/vụ và 40 nông dân tham gia.

Theo bà Trần Thị Thúy, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Gò Công Đông, mục tiêu nhằm giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/ha (giảm khoảng một nửa so với sản xuất theo tập quán cũ từ 150 kg đến 170 kg/ha), đồng thời thực hiện quy trình sản xuất theo "Một phải, năm giảm". Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% lượng giống và 30% về nhu cầu vật tư.

Qua hai vụ sản xuất liên tiếp, nông dân trong mô hình đã thấy rõ hiệu quả thiết thực mang lại của việc giảm lượng giống gieo sạ cũng như áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, thay đổi tập quán và tư duy canh tác... Về chi phí, giảm khoảng 3 triệu đồng/ha, đặc biệt là không sử dụng thuốc trừ sâu rầy trong suốt vụ lúa. Ngoài ra, về so sánh, năng suất tăng trung bình 400 kg/ha và lợi nhuận bình quân của người dân trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình gần 7 triệu đồng/ha.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ dự án, Ban Tổ chức còn mở 2 lớp đào tạo do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì dành cho nông dân các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công về các nội dung có liên quan. Qua đó, tạo sự lan tỏa, cập nhật rộng rãi những tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh lúa, giúp bà con đoạn tuyệt tập quán canh tác cũ đã lỗi thời, lạc hậu..., hướng tới mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, tạo nền tảng định hình nền nông nghiệp bền vững, xanh, sạch.

Đối với huyện Gò Công Đông có diện tích gieo trồng trên 33.400 ha/năm lại nằm trong vùng ven biển, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày một gay gắt, nặng nề thì mô hình càng mang lại giá trị thiết thực cao. Nông dân nhạy bén nắm bắt kỹ thuật canh tác mới, nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng lúa, giảm thiểu nguy cơ gây thiệt hại do thiên tai cùng nhiều lợi ích khác.

Minh Trí

Tập huấn nông dân tư duy làm kinh tế nông nghiệp

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Chiều 29-6, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, chất lượng, thích ứng với nhu cầu thị trường... nhờ đó mang lại những kết quả khích lệ.

Xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang Mỹ, góp phần gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh ước đạt khoảng 22.700 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng so với cùng kỳ; nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng; lĩnh vực chăn nuôi đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018…

Một trong những điểm sáng gần đây, khi Đồng Tháp là địa phương đầu tiên của cả nước xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ mở ra hướng đi triển vọng cho trái cây của tỉnh và vùng ĐBSCL; hiện Đồng Tháp có khoảng 9.000ha xoài và giá trị sản xuất ngành hàng xoài trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018…

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, hiện nay bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tràn lan gây ảnh hưởng đến chăn nuôi của người dân; giá lúa hàng hóa sụt giảm… cũng gây ra không ít khó khăn. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với những thách thức, nhất là giá cả biến động. Để phát triển nông nghiệp bền vững, Đồng Tháp đang thực hiện chủ trương “tri thức hóa nông dân”, nhằm làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng, thích ứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, cũng là giải pháp căn cơ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Sở NN-PTNT và các ngành liên quan, nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân…

NGỌC DÂN - NHƯ Ý

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm: 1- Cây trồng: Cây lúa; 2- Vật nuôi: Trâu, bò; 3- Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Về mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, Quyết định nêu rõ:

1- Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo (bao gồm cả hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều), hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020: Hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

2- Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: Hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

3- Tổ chức sản xuất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP: Hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp khi đáp ứng đầy đủ quy định:

- Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã;

- Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

- Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ

Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa gồm:

a- Thiên tai bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần.

b- Dịch bệnh bao gồm: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn, bạc lá; dịch rầy nâu, sâu đục thân.

Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với trâu, bò: a- Thiên tai bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần; b- Dịch bệnh bao gồm: Bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán.

Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng: a- Thiên tai bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, động đất, sóng thần; b- Dịch bệnh: Không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Quyết định nêu rõ: Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Địa bàn được hỗ trợ

Đối với cây lúa, tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.

Đối với trâu, bò, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc địa bàn quy định trên tổ chức lựa chọn địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày 26/6/2019 đến hết ngày 31/12/2020.

Minh Hiển

Mái nhà ấm êm của những sinh vật đặc hữu Đồng Tháp Mười

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Được thành lập cách đây 20 năm (1999 - 2019), Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là khu bảo tồn duy nhất ở tỉnh Tiền Giang, là mái nhà ấm êm của những sinh vật đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Theo ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, qua nghiên cứu, khảo sát, thống kê, tại đây đang có 156 loài thực vật, lớp chim có 147 loài, lớp cá có 34 loài, lớp lưỡng thê có 8 loài, lớp côn trùng có 30 loài sinh sống và phát triển. Chỉ riêng số lượng các loài chim đã có hàng vạn cá thể, được bảo vệ nghiêm ngặt, đang sinh sôi phát triển không ngừng, trong đó có nhiều loài động vật quí hiếm như: Cò ốc, Cổ rắn (điên điển), Già đẩy, Quắm đen, Diệc xám, Diệc lửa, Cò ngà, Dang sen,…

Một góc Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích trên 100 ha và 1.800 ha vùng đệm được tỉnh thành lập nhằm giữ lại và bảo tồn cảnh quan, động thực vật đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Tại đây, địa phương đã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng như: Đường giao thông nội bộ, kênh mương dẫn nước, nhà quản lý, hàng rào bảo vệ,… tạo môi trường sống tự nhiên và hoàn toàn biệt lập để các loại động, thực vật sinh sôi phát triển; ngăn chặn sự đánh bắt, khai thác hủy diệt của con người làm mất đi nguồn gen động thực vật quí hiếm, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thiên nhiên đặc hữu Đồng Tháp Mười. Sắp tới, theo kế hoạch, Tiền Giang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thêm 124 ha nữa.

Chính sách bảo vệ nghiêm ngặt, môi trường sống thuận lợi, yên bình và an toàn là những yếu tố thu hút các loại chim nước về sinh sống tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ngày càng nhiều, đông đảo. Nhiều nhất là họ hàng các loại cò. Gần đây, có thêm nhiều loại chim quí hiếm có trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt có mấy cặp vợ chồng Dang sen - một loại chim nước rất to, về sống, làm tổ, đẻ con tại Khu này.

Có đến tham quan, theo sự hướng dẫn của cán bộ Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười đi xuồng len lỏi theo các con kênh rạch nội đồng dẫn vào khu trung tâm được bảo vệ nghiêm ngặt mới tận mắt chứng kiến sự phong phú của quần thể động thực vật quí đang sinh sôi phát triển tại đây: Cò, Diệc, Dang sen làm tổ trên các cây tràm, cây gừa hoặc cà na, trâm, gáo cổ thụ, tiếng kêu hót gọi đàn inh ỏi tạo nên âm thanh khó quên và khó có nơi nào có được. Dưới nước từng đàn cá lớn, cá bé: Cá lóc, cá dầy, cá rô đồng… ăn mống, đớp mồi vang động trong các khóm bèo, khóm lục bình, khóm sen, súng đang nở đầy hoa tím. Trong bụi rậm là nơi cư trú của các loài bò sát, lưỡng thê, trong đó có cả rắn hổ mang quí hiếm. Xa xa, dưới các tán cây cổ thụ người ta còn bắt gặp các tổ ong vò vẽ rất lớn làm tổ, sinh sôi một cách bình yên.

Một góc Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Nhiều lắm, nhiều lớp sinh vật, động thực vật sống đan xen, cộng sinh hoặc chia lãnh địa cát cứ. Vui nhất là mỗi sớm, mỗi chiều, lên trên chòi cao ngắm nhìn toàn cảnh Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười trải rộng một màu xanh ngút mắt với từng đàn chim, đàn cò bay đi kiếm ăn hoặc trên đường về tổ, rợp cả một khoảng trời trong xanh. Cảnh tưởng thật là hoành tráng.

Theo ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi bảo tồn nhiều sinh vật quí và đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười, với lợi thế vốn có và độc đáo của mình còn có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái sẽ được địa phương quan tâm khai thác trong thời gian tới. Tương lai, nơi đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Tiền Giang cũng như trong thế liên kết phát triển du lịch Tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh.

Minh Trí

Thay đổi vật nuôi trong thời điểm có bệnh dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Thời gian qua, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Bạc Liêu. Đến nay, toàn tỉnh có 4 địa phương xuất hiện bệnh DTHCP và đàn heo trong tỉnh Bạc Liêu đã giảm đáng kể. Song, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn trong thời điểm này và cần nuôi các loài vật khác thay thế cho con heo.

Đàn gà nòi của ông Trương Hoàng Vũ (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi).

Đàn dê của nông dân huyện Đông Hải. Ảnh: M.Đ - L.D

Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, thịt heo bị rớt giá, thậm chí một số nơi bán không được. Ở chợ phường 1 (TP. Bạc Liêu), trước đây có khoảng 15 quầy bán thịt heo thì nay chỉ còn 6 quầy. Người tiêu dùng đã hạn chế dùng thịt heo và chuyển sang dùng thịt gia cầm, cá và các loại hải sản. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi vật nuôi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Anh Trương Hoàng Vũ được mệnh danh là “vua heo” ở huyện Vĩnh Lợi. Trước tình hình bệnh DTHCP diễn biến phức tạp, giá heo hơi giảm, nên bên cạnh duy trì đàn heo nái, anh Vũ còn nuôi 2.000 con gà nòi Bến Tre. Sau 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 1,5 - 1,6kg/con, thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi đợt, anh xuất chuồng khoảng 1.000 con, lãi hơn 50 triệu đồng.

Anh Vũ cho biết: “Trước khi xuất hiện bệnh DTHCP, tôi nuôi heo và kết hợp nuôi gà. Nếu heo bệnh thì còn gà, gà bệnh thì còn heo. Khi bệnh DTHCP xuất hiện, tôi nuôi gà với số lượng lớn hơn để bù đắp khoảng thu nhập từ con heo”.

TX. Giá Rai là địa phương tiên phong trong việc thay đổi vật nuôi vào thời điểm bệnh DTHCP xuất hiện. Tại buổi họp bàn biện pháp phòng chống dịch bệnh, ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai khuyến cáo người chăn nuôi heo không tái đàn trong thời điểm có DTHCP. Để thay thế con heo, người chăn nuôi nên nuôi thêm bò, dê, nuôi gia cầm và nuôi cá…

Ngành chức năng TX. Giá Rai cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn nuôi các loài vật phù hợp với thế mạnh ở địa phương. Cụ thể, xã Phong Thạnh Tây khuyến cáo người nuôi tôm tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà để xây chuồng nuôi dê giống, dê thịt. Ở xã Phong Thạnh thì nuôi cá kèo thâm canh với diện tích lớn (cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/ha/năm). Hay phường Láng Tròn nổi tiếng về nuôi cá nước ngọt; trong đó, nuôi cá bống tượng, nuôi cá lóc mùng… mang lại hiệu quả cao.

Trong thời điểm có bệnh DTHCP, nhiều nông dân trong tỉnh đã lựa chọn vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả, cho thu nhập khá. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nhật Minh

Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là do người nuôi chưa thực hiện đầy đủ quy trình chăn nuôi và các biện pháp phòng bệnh. Vì vậy, chăn nuôi an toàn sinh học hiện là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng...

Một mô hình chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP tại Hà Nội.

Hạn chế dịch bệnh

Những ngày này, mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận, nhưng trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Quang Long, xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) vẫn phát triển tốt. Ông Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình tôi đã xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi khép kín; đàn lợn 100 con được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định nên không bị dịch bệnh, giá bán luôn ổn định từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg”.

Tương tự, trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng tới chăn nuôi lợn của các hộ dân xung quanh, song giữa “bão dịch”, 350 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm của hợp tác xã vẫn phát triển ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh cho biết, hợp tác xã đã tuân thủ triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Giữ đàn lợn trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt; chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt, tạo sức khỏe và sức đề kháng cho đàn lợn; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu như: Diệt côn trùng, chuột, bọ, sát trùng khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/ngày.

Đối với gia cầm, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình bà Đỗ Thị Thứ ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) là một điển hình. Bà Thứ kể, sau khi gặp rủi ro vì dịch bệnh, bà đã sang Nhật Bản để học tập và tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học. Trở về, bà bắt tay vào kinh doanh mô hình nuôi gà đẻ trứng với quy mô 34.000 con gà theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, mỗi năm trang trại cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người chăn nuôi chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh, hạn chế rủi ro. “Thực tế, hơn 4 tháng qua, kể từ khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, hầu hết cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.

Tháo gỡ khó khăn

Hiệu quả tích cực từ chăn nuôi an toàn sinh học đã được khẳng định và minh chứng trong thực tiễn thời gian qua, tuy nhiên, việc triển khai mô hình này đang gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Viết Nhã, ở xã Kim Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học yêu cầu người nuôi phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn kỹ thuật, từ khâu lựa chọn nguồn con giống, chăm sóc hằng ngày, đến tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh môi trường và cách ly chuồng trại hợp lý… "Riêng việc tiêm vắc xin, người nuôi phải xây dựng lịch trình theo dõi; còn việc xử lý chuồng trại được sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm... Nếu không kiên trì, quyết tâm, người chăn nuôi sẽ khó áp dụng được mô hình này", ông Nguyễn Viết Nhã chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, do chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% cơ sở, nên việc áp dụng phương thức nuôi an toàn sinh học trên địa bàn thành phố mới chỉ dừng lại ở các trang trại quy mô lớn, chưa phát triển rộng rãi tới các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học cao hơn 10% so với chăn nuôi truyền thống. Hơn nữa, nông dân vẫn giữ thói quen “nhớ đâu làm đó” hoặc dựa vào kinh nghiệm, trong khi chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học phải đầu tư bài bản từ chuồng trại, tới ghi chép sổ sách, nhật ký chăm sóc, dẫn tới nhiều hộ còn lúng túng...

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi đúng để Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường... Theo đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cho người dân về xây dựng công trình khí sinh học; kinh phí đầu tư đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức các hội chợ kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp, qua đó người sản xuất có thể bán trực tiếp sản phẩm cho các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích chăn nuôi an toàn sinh học, để nhân rộng mô hình. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... đến người chăn nuôi; đồng thời, tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ về vốn, quỹ đất, định hướng về thị trường, minh bạch các thông tin về sản phẩm để chăn nuôi an toàn sinh học phát triển rộng rãi.

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop