Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 03 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 03 năm 2016

Tuy An (Phú Yên): Đậu đỏ mất mùa, mất giá

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, do ảnh hưởng nhiều tác nhân gây hại nên phần lớn hộ sản xuất đậu đỏ (đỗ gạo) năm nay ở huyện Tuy An bị lỗ vốn.

Trong vụ sản xuất này, huyện Tuy An đưa vào sản xuất hơn 400ha đậu đỏ, tập trung ở những vùng gò đồi, triền núi, hoặc những diện tích trồng mía kém hiệu quả tại các xã An Thọ, An Hiệp, An Cư, An Ninh Đông và An Lĩnh. Mặc dù cây đậu đỏ sinh trưởng khá tốt, nhưng đến kỳ ra hoa thì gặp sương muối, nên tỉ lệ đậu quả chỉ từ 40 - 60%. Bên cạnh đó, tình trạng chuột cắn phá đã gây hại nhiều diện tích đậu, càng khiến năng suất đậu chỉ đạt 3 tạ/ha, giảm hơn 1/4 so với năng suất cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, giá bán đậu đỏ tại huyện Tuy An chỉ 24.000 đồng/kg, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Theo tính toán của hộ sản xuất, sau 4 tháng, bình quân mỗi héc ta đậu đỏ bị lỗ vốn từ 2,5 - 3 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc.

KHẮC NHO

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Nông dân trồng nấm thu nhập hơn 1 triệu đồng/công rơm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, nấm rơm được các thương lái thu mua tại rẫy ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) với giá bao tiêu 50.000 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ năm trước 20.000 đồng/kg).

Nhờ giá khá cao nên nhiều nông dân trồng nấm rất phấn khởi với nguồn thu nhập.

Nấm rơm có thời gian sinh trưởng ngắn, sau khoảng 15 ngày chất nấm sẽ cho thu hoạch. Nếu trồng trúng sẽ thu hoạch liên tục trong khoảng thời gian 20 ngày. Theo nhiều nông hộ trồng nấm rơm, cho biết: Với giá bán cao như hiện nay, trung bình 1.000 chai meo chất khoảng 70 công rơm, cho năng suất khoảng 2 tấn, trừ hết chi phí, người trồng nấm rơm có thể nhu nhập khoảng 70 triệu đồng (trung bình 1 công rơm sẽ cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng).

DUY KHÁNH

Trồng đậu phộng lãi gần 50 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Trà Vinh

Hiện nay, bà con nông dân ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ đậu phộng mùa năm 2016, bà con nông dân rất phấn khởi vì vụ năm nay được mùa được giá, lợi nhuận thu được trừ chi phí, nông dân còn lãi gần 50 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Nhơn Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc cho biết: Vụ mùa trồng đậu phộng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 bà con nông dân các ấp Bổn Thanh, Trà Khúp, Sóc Ruộng là những ấp có diện tích trồng đậu phộng nhiều nhất của xã. Hiện toàn xã xuống giống được 300 ha đậu phộng, vụ này được mùa được giá, ước thu hoạch khoảng 8 tấn/ha, với giá đậu phộng mà các thương lái đến trả mua của bà con nông dân hiện tại là 12.000 đồng/kg đậu thương phẩm, tính ra, bà con nông dân bán được 96 triệu đồng/ha, trừ các khoản chi phí lãi gần 50 triệu đồng/ha.

Ông Thạch Van Na, nông dân trồng đậu phộng ấp Bổn Thanh cho biết, vụ trồng đậu phộng năm nay gia đình tôi trồng được 3 công đậu phộng và đang chuẩn bị bước vào thu hoạch và được các thương lái đến hỏi mua 12.000 đồng/kg, ước thu hoạch khoảng 3,6 tấn đậu thương phẩm, với giá hiện tại gia đình tôi sẽ lợi nhuận trên 22 triệu đồng.

Được biết, Ngũ Lạc là một trong những xã của huyện Duyên Hải trong những năm gần đây thực hiện tốt việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ những cây màu, lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng, ớt chỉ thiên hay các loại cây màu khác cho năng suất cao, giá cả đầu ra ổn định, đã từng bước giúp những hộ nghèo, đặc biệt hộ Khmer nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững./.

An Trường

Sản xuất vụ xuân: Đã lỡ khung thời vụ

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Theo kế hoạch, trong tháng 2, Hà Nội phải hoàn thành cấy lúa xuân, bởi đây là khung thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, đến ngày 29-2, toàn thành phố mới chỉ cấy được khoảng 70% diện tích, cá biệt, tại một vài địa phương, diện tích đã cấy chỉ 30 - 40%.

Người dân xuống đồng cấy lúa xuân. Ảnh: Anh Tuấn

Theo các chuyên gia, việc cấy lúa xuân không đúng khung thời vụ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, cũng như năng suất lúa. Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đang chỉ đạo dồn lực sớm hoàn thành sản xuất vụ xuân.

Theo báo cáo Sở NN&PTNT, tính tới 7h ngày 29-2, toàn thành phố đã gieo cấy được 69.431ha, đạt trên 70% diện tích, trong đó gieo sạ 2.153ha; diện tích sử dụng máy cấy mạ khay đạt 891ha. Một số huyện, thị xã có diện tích gieo, cấy lúa xuân đạt cao là Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Mê Linh… khi đã gần như hoàn thành. Các huyện có tỷ lệ cấy lúa xuân thấp gồm: Thường Tín, Gia Lâm… mới chỉ hoàn thành 30 - 40% diện tích. Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: Vụ xuân 2016, huyện gieo cấy 5.600ha, trong đó ưu tiên các giống lúa cho năng suất, chất lượng, phẩm chất tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao.

Tuy nhiên, thời gian gieo mạ đúng vào đợt rét trước và sau tết Nguyên đán Bính Thân nên một số diện tích mạ bị chết, phải gieo lại. Mặc dù diện tích mạ chết không đáng kể nhưng khi bắt đầu cấy, thời tiết lại gặp rét đậm kéo dài nên nông dân không xuống đồng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Không riêng huyện Thường Tín, Thanh Oai cũng là một trong những huyện cấy muộn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, tính tới cuối ngày 29-2 (ngày cuối của khung thời vụ), toàn huyện mới cấy được hơn 50% diện tích lúa xuân. Đáng chú ý, 2 xã cấy muộn nhất là Bình Minh và Cao Viên mới chỉ hoàn thành gieo cấy được 20% diện tích.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết thêm, theo số liệu tổng hợp chính thức tính đến ngày 27-2, diện tích cấy lúa xuân của Hà Nội mới đạt gần 50% do rét đậm, nông dân không xuống đồng. Từ ngày 27-2, trời hửng nắng, nông dân mới tập trung cấy nên tiến độ đã được đẩy nhanh. Hiện nay, các địa phương đang tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương làm đất, hoàn thành cấy lúa xuân sớm nhất có thể. Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông vận hành tối đa máy móc, cung cấp đầy đủ nước tưới dưỡng, bảo đảm ngập chân mạ.

Nông dân cũng được hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm cho lúa bén rễ nhanh, sinh trưởng, phát triển tốt. Ngành nông nghiệp đã thành lập các tổ công tác kiểm tra tiến độ gieo cấy lúa tại các huyện. "Nếu thời tiết ấm như hiện nay, trung bình mỗi ngày các địa phương cấy được 15 - 20% diện tích và phấn đấu hoàn thành trong 1 đến 2 ngày tới. Rét đậm, rét hại kéo dài, mạ sinh trưởng cũng chậm nên cũng ít ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa" - Bà Nguyễn Thị Thoa khẳng định.

Mặc dù ngành nông nghiệp nhận định trong một hai ngày tới sẽ hoàn thành 100% diện tích gieo cấy lúa xuân, nhưng nếu các địa phương không quyết liệt triển khai, vận động nông dân tập trung xuống đồng, để quá chậm so với khung thời vụ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.

Đỗ Minh

Người trồng tỏi ở Khánh Hòa khốn đốn

Nguồn tin: Người Lao Động

Dù đã phát triển nhiều năm nhưng gần đây, cánh đồng tỏi Lý Sơn ở tỉnh Khánh Hòa liên tục mất mùa, nhiều nơi mất trắng do thời tiết bất thường, sâu bệnh tấn công

Ngày 29-2, bà Đỗ Thị Dù - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - cho biết tỏi từng là cây xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu nhưng bây giờ, người trồng tỏi đang lâm vào khó khăn, càng trồng càng lỗ vì sản lượng giảm mạnh.

Từ xóa đói giảm nghèo đến… gây thua lỗ

Do đất ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa pha cát và vôi, tương đồng với đất ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nên từ năm 1995, nhiều người dân Lý Sơn đến đây trồng tỏi, định cư. Ngoài thổ nhưỡng, tỏi giống được lấy từ Lý Sơn nên chất lượng tỏi ở Ninh Phước cũng trắng, thơm nồng, không gắt, nhiều tép nhỏ… được thị trường ưa chuộng như tỏi trồng ở Lý Sơn.

Từ đó, Ninh Phước được người dân trong vùng gọi là “xã tỏi” với hơn 100 hộ trồng, diện tích lúc cao nhất lên đến 200 ha. Không chỉ Ninh Phước, nhiều xã lân cận như Ninh Vân, Ninh Thủy, Ninh Hải, Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) cũng trồng tỏi. Có hộ còn chở đất từ Ninh Phước đến các xã lân cận để trồng loại cây mang lại thu nhập cao này.

Cây tỏi kiệt sức do nắng hạn, sâu bệnh

Những năm trước, cây tỏi mang lại lợi nhuận kha khá cho người dân nơi đây. Trung bình mỗi hecta, người trồng thu được khoảng 200 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên hiện nay, nghe nhắc đến tỏi, ông Phan Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước, ngao ngán: “Năm nay, toàn xã trồng chưa đến 100 ha, giảm nhiều so với năm ngoái. Vựa tỏi Lý Sơn ở Khánh Hòa đang gặp hạn bởi càng trồng càng lỗ”.

Bà Lê Thị Lý (ngụ thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước) cho biết trồng tỏi ngày càng kém hiệu quả. Năm 2015, 1 sào tỏi, gia đình bà thu được 1,2 tấn, trong khi năm nay chưa tới 500kg. Với 8 sào tỏi, vụ này gia đình bà lỗ khoảng 50 triệu đồng. Bà Lê Thị Bảy (ngụ thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước) bộc bạch: “Năm ngoái, mỗi sào tỏi thu hơn 30 triệu đồng. Năm nay, dù giá tỏi khá cao nhưng do sản lượng thấp nên thu vẫn không đủ chi”.

Không chỉ Ninh Phước, ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Vân, cho biết vụ tỏi năm nay, năng suất ở đây giảm từ 50% - 70% so với năm trước, nhiều nơi gần như mất trắng.

Tìm cách giúp dân

Theo ông Phùng, vài năm trở lại đây, dịch bệnh liên tục tấn công cây tỏi gây cháy lá, ảnh hưởng đến quá trình tạo củ. Cùng với đó, nhiều đợt hạn gay gắt khiến cây tỏi kiệt sức, ngã đổ, gốc bị xé bẹ, lép củ. Cây tỏi thích hợp với thời tiết mát mẻ nên nông dân thường xuống giống vào tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên, thời tiết 2 năm trở lại đây biến đổi theo hướng bất lợi cho cây trồng này. “Thời tiết thất thường, sâu bệnh hoành hành đẩy chi phí đầu tư lên quá cao, trong khi năng suất giảm khiến người trồng tỏi lỗ nặng” - ông Phùng đúc kết.

Theo Phòng Kinh tế- UBND thị xã Ninh Hòa, 300 ha tỏi ở địa phương gần đây liên tục sụt giảm sản lượng, người trồng khốn đốn. Ông Bùi Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết sáng 29-2, đoàn cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến khảo sát nhiều ruộng tỏi ở địa phương để triển khai phương pháp tưới nước tiết kiệm nhằm chống chọi với khô hạn kéo dài. “Phương pháp này đã thành công ở nhiều nơi, hy vọng có thể cứu được cây tỏi, giúp người trồng vượt quá khốn khó” - ông Bình nói.

KỲ NAM

Đừng làm theo kiểu “ăn xổi, ở thì”!

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Đến thời điểm này, nông dân tại quận, huyện ở TP Cần Thơ đã thu hoạch phần lớn các diện tích lúa đông xuân 2015 - 2016. Năm nay, nhiều nông dân trồng các giống lúa thường, bán lúa ngay tại ruộng cho thương lái cao hơn từ 150 - 300 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước. Trong khi nhiều nông dân trồng loại lúa chất lượng cao, nhất là lúa Jasmine 85 bán lúa với giá tương đương, hoặc thấp hơn 100 - 300 đồng/kg so vụ với đông xuân trước. Giá thương lái thu mua lúa giống Jasmine 85 chỉ cao hơn giống lúa IR 50404 từ 200 - 300 đồng/kg. Nghịch lý này khiến nông dân sản xuất lúa Jasmine 85 rất nản lòng vì trồng giống lúa thơm tốn nhiều công chăm sóc, chi phí vật tư nông nghiệp, sản lượng cũng không cao bằng gieo sạ các giống lúa thường.

Thời gian qua, giá lúa tươi IR 50404 tại TP Cần Thơ phổ biến ở mức 4.350 - 4.450 đồng/kg. Riêng những nông dân có lúa IR 50404 thu hoạch sớm vào đầu vụ bán được giá hơn 4.600 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa Jasmine 85 chỉ phổ biến từ 4.600 - 4.800 đồng/kg; rất ít nông dân bán được giá từ 5.000 đồng/kg trở lên dù có một số đơn vị, doanh nghiệp đã hứa bao tiêu lúa tươi cho nông dân với giá 5.000 - 5.300 đồng/kg. Bà Phan Thị Thắm, ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, bức xúc: "Nhiều nông dân sạ giống Jasmine 85 tham gia cánh đồng lớn, nhưng doanh nghiệp thu mua lúa với giá chỉ 4.750 - 4.800 đồng/kg, tuy cao hơn giá thu mua trên thị trường từ 150 - 200 đồng/kg, nhưng tính ra lại thấp hơn ít nhất từ 50 - 200 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước. Trong khi đó, năm nay chi phí sản xuất lúa tăng và năng suất lúa không bằng mọi năm do nước lũ về ít và thời tiết, sâu bệnh có những diễn biến phức tạp".

Thu hoạch lúa thơm Jasmine 85 tại ruộng lúa của ông Dương Văn Bé Hai ở ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ.

Theo ông Dương Văn Bé Hai ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, gia đình ông hiện có 32 công ruộng tại 2 xã Trung An và xã Đông Thắng. Vụ này, các diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn còn bán được lúa tươi Jasmine 85 với giá 4.700 - 4.800 đồng/kg, còn những diện tích lúa bên ngoài, thương lái mua lúa với giá 4.600 - 4.650 đồng/kg. Mức giá này không chênh lệch mấy so với giá lúa IR 50404, khiến nông dân trồng lúa thơm và lúa chất lượng cao rất lo cho các vụ lúa sau. "Giá lúa thơm quá rẻ nên tôi đã quyết định sau thu hoạch sẽ phơi sấy một phần diện tích lúa để trữ lại chờ giá"- ông Dương Văn Bé Hai nói.

Theo phản ảnh của nhiều nông dân, gần đây các loại lúa thơm có giá bán không nhỉnh hơn lúa thường, thương lái cũng hạn chế thu mua hoặc hạ giá thu mua xuống vì cho rằng lúa thơm chưa có nhiều thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, đầu ra các loại lúa gạo thông thường đang rất tốt vì từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 nước ta đã liên tiếp trúng thầu các hợp đồng xuất khẩu gạo thông thường sang nhiều quốc gia. Nhiều doanh nghiệp và tiểu thương đã và đang tập trung thu mua các loại lúa gạo thông thường rồi bán ngay để kiếm lời. Điều này vô hình trung đã làm người sản xuất lúa thơm gặp khó và dễ nản chí đầu tư vụ sau.

Từ thực tế trên đã cho thấy, sản xuất kinh doanh lúa gạo hiện tại vẫn còn làm theo kiểu "ăn xổi ở thì", thiếu các giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững lâu dài. Nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao rất cần Trung ương và địa phương kịp thời có các định hướng và giải pháp tốt cho việc phát triển sản xuất lúa gắn với tiêu thụ, nhất là sản xuất lúa chất lượng cao gắn với thực hiện tốt khâu bao tiêu, bảo quản, chế biến sau thu hoạch… nhằm giúp cả nông dân và doanh nghiệp bán lúa gạo được giá cao. Có như vậy, sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao mới phát triển bền vững.

Văn Công

Cà Mau công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1

Nguồn tin: CTV Cà Mau

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Quyết định về việc công bố thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Cụ thể, loại thiên tai được công bố là hạn hán, cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 1. Thiên tai đã gây thiệt hại trực tiếp đối với các trà lúa trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có hơn 18.000 ha lúa – tôm bị thiệt hại.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố Cà Mau có liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống thiệt hại do hạn hán gây ra và thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại sau thiên tai theo quy định hiện hành. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương đầu tư kinh phí phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh./.

PV: Diễm Tươi

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Huyện Châu Thành, có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh Hậu Giang, vì vậy công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được ngành chức năng, nông dân địa phương quan tâm, thường xuyên theo dõi để kịp thời ngăn chặn.

Để phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng đạt hiệu quả cao, người dân phải thực hiện việc phòng trừ bệnh đồng loạt và theo nguyên tắc 4 đúng.

Từ năm 2014, huyện Châu Thành phải công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh (Greening) trên cây cam sành. Dịch bệnh này trở thành nỗi ám ảnh cho nhà vườn toàn huyện, bởi tốc độ lây lan và mức nguy hại đến năng suất lẫn thu nhập cho nông hộ. Năm qua, ngành chức năng huyện luôn đề cao công tác phòng, chống, nhất là những lớp tập huấn, hướng dẫn người dân theo dõi sâu sát vườn để kịp thời phát hiện bệnh thường xuyên được diễn ra. Ngành nông nghiệp huyện còn trang bị bộ test nhanh cho các xã và hướng dẫn người dân cách sử dụng để phát hiện bệnh Greening trên cây trồng. Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Trần Hồng Đức cho biết: “Ngoài bệnh Greening, hiện tượng vàng lá gân xanh trên cây cam cũng có nhiều nguyên nhân là do thiếu dinh dưỡng, thối rễ. Khi thấy nghi ngờ dấu hiệu bệnh trên cây trồng, bà con dùng bộ test thử thì có thể nhanh chóng biết được nguyên nhân, từ đó có biện pháp khắc phục hoặc diệt bệnh theo những kỹ thuật mà ngành nông nghiệp hướng dẫn”.

Đối với những hộ trồng cam mới, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân hạn chế mua giống trôi nổi nhằm giảm tình trạng lây truyền bệnh qua bo ghép. Phòng NN&PTNT huyện đã tư vấn, giới thiệu nhà vườn những địa chỉ mua cây giống chất lượng. Hiện tại, phòng còn thực hiện mô hình nhà lưới với quy mô 100m2, sẽ sản xuất và cung cấp giống sạch bệnh cho bà con. Dự kiến, hàng năm sẽ cung cấp khoảng 25.000 bo ghép các loại cam, bưởi, quýt sạch bệnh ra thị trường. Đối với những vườn nhiễm nặng, ngành chuyên môn đã hướng dẫn người dân đốn bỏ, trồng cây mới khác loại để cách ly mầm bệnh.

Anh Hồ Hoài Giữ, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu, từng có 10 công cam sành bị bệnh Greening và phải đốn bỏ. Thực hiện theo hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện, anh đã trồng loại cây mới là xoài Úc và xoài Đài Loan để cắt triệt để mầm bệnh nguy hiểm. Anh Giữ cho biết: “Sau nhiều lần cứu chữa vườn cam nhưng dịch bệnh quá nặng nên tôi quyết định bỏ vườn. Nhờ các cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học từ Trường Đại học Cần Thơ tư vấn, hướng dẫn, tôi đã tìm được giống cây trồng mới an toàn, hiệu quả hơn. Đến nay, đã qua 2 mùa trái, tôi có nguồn thu khá cao, gỡ được thua lỗ hồi mấy vụ cam trước”. Không quên bài học kinh nghiệm từ vụ cam bị bệnh, anh Giữ đã tìm đến những địa chỉ cung cấp giống sạch bệnh để mua về trồng. Theo anh, đó là tiền đề để anh có vườn cây bền vững, chất lượng.

Không chỉ có cam sành, diện tích vườn nhãn ở huyện Châu Thành cũng bị đe dọa bởi dịch bệnh chổi rồng, khi diện tích bệnh chổi rồng không có dấu hiệu dừng lại, mà tăng 15ha so với năm trước. Bệnh xuất hiện nhiều do thời tiết nắng nóng, cùng lúc nông dân chuẩn bị làm đọt cho bông khiến cho mật số nhện gia tăng, nguyên nhân do việc phòng bệnh chưa mang tính cộng đồng cao. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, người có kinh nghiệm trồng nhãn hơn 7 năm chia sẻ: “Tôi cũng biết thực hiện việc xử lý vườn nhãn đồng loạt sẽ làm tăng hiệu quả diệt nhện lông nhung gây bệnh chổi rồng, nhưng ở đây, không phải hộ nào cũng làm theo. Vì vậy, tôi chỉ còn cách vận động người thân cùng làm đồng loạt. Ngoài ra, dùng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng thì mới đạt kết quả cao”. Nhờ hiểu được các kỹ thuật phòng trị bệnh mà 5 mùa nhãn qua, 6 công nhãn của ông ít nhiễm bệnh so với các vườn lân cận. Mỗi năm, vườn nhãn cho năng suất trung bình trên 1 tấn/công.

Hiện nay, dù dịch bệnh trên cam, nhãn ở huyện Châu Thành được kiềm chế ở mức thấp nhất, tuy nhiên ngành chức năng và người dân nơi đây luôn đề cao tinh thần cảnh giác. Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Trần Hồng Đức chia sẻ: Năm nay, ngành sẽ tăng cường công tác phòng dịch bệnh trên cây trồng. Theo đó, sẽ thực hiện mô hình trồng cam sành theo hướng bền vững; mô hình xử lý bệnh thối rễ trên mãng cầu; nghiên cứu các đề tài để tìm hiểu nguyên nhân bệnh chanh lá đứng và đề xuất cách phòng chống. Những nỗ lực này của toàn ngành sẽ là nền tảng góp phần hạn chế thấp nhất tác hại của các loại bệnh, giúp người dân tiếp tục làm giàu trên mảnh vườn của mình.

TRÚC LINH

Xuân Lộc (Đồng Nai): Giá thanh long giảm mạnh sau Tết

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá thanh long các loại ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã giảm hơn 50% so với trước Tết. Cụ thể, hiện nay thanh long ruột đỏ loại 1 tại vườn ở xã Xuân Hưng chỉ được các thương lái thu mua với giá 17.000 đồng/kg; giá thanh long ruột trắng loại 1 hiện nay cũng chỉ có giá 12.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với thời điểm giữa tháng 2-2016.

Giá thanh long giảm mạnh

Một thương lái thu mua trong vùng cho biết, nguyên nhân khiến giá thanh long giảm mạnh so với trước Tết là do xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc giảm. Đồng thời sau tết, nhu cầu sử dụng loại trái cây này của người dân cũng giảm, đây cũng là nguyên nhân làm giá thanh long giảm mạnh.

Lê Tùng

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop