Xuất khẩu nông sản: Thay đổi tư duy cũ
Nguồn tin: Báo Công Thương
Đã đến lúc xuất khẩu nông sản phải quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra giá trị và lợi nhuận bằng các giải pháp mang tính chiến lược và tư duy hội nhập toàn cầu.
Kinh nghiệm khó khăn, thua lỗ từ 2 năm 2017 – 2018 khiến năm 2019 này doanh nghiệp ngành điều đã phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Ông Nguyễn Minh Họa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) - chia sẻ, những năm trước VINACAS đưa ra doanh số từng năm nhưng gần đây do quy luật cung - cầu nên ngành điều đã đi theo thị trường. Cụ thể, thị trường như thế nào, cân đối được đầu vào, đầu ra để đảm bảo không thua lỗ thì mới đưa ra mục tiêu chứ không theo mục tiêu doanh số.
Không riêng ngành điều, những doanh nghiệp ở các ngành khác cũng tập trung vào tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng và giá bán. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex - cho biết, việc đầu tư vào các nhà máy cà phê hòa tan giúp doanh nghiệp có nguồn thu tăng lên 5-10 lần so với giá trị của hàng thô. Thêm vào đó khi các hiệp định thương mại song phương và đa phương khi thực hiện, cà phê qua khâu chế biến thuế rất thấp. Vì thế trong thời gian tới ngành cà phê nếu đảm bảo 30% lượng tiêu thụ được chế biến sâu thì tình hình giá cả của Việt Nam sẽ tốt hơn.
Song song với chế biến, việc xây dựng thương hiệu và chiến lược thị trường là rất quan trọng. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - khẳng định, chỉ một sự thay đổi nhỏ về quy cách được doanh nghiệp đầu tư thì giá trị của sản phẩm đó đã thay đổi. Do đó, điều kiện cần căn bản nhất là sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn, còn sau đó là các yếu tố khác như: Mẫu mã, hệ thống phân phối có dễ mua hay không, quy cách, và nhất là giá cả có cạnh tranh hay không.
Thực tế cho thấy, đã có những doanh nghiệp nông sản Việt Nam bằng sự nhạy bén trong tư duy, đã kịp thời chuyển động cùng nền thương mại toàn cầu, để ít nhiều tạo tên tuổi cho nông sản Việt. Có thể kể tới những cái tên như Vina T&T Group, Cà phê Phúc Sinh, Lavifood… Tuy nhiên, để những bước đi tiên phong lan tỏa và tạo được hiệu ứng trong toàn ngành nông sản, thì vẫn là một quá trình gian nan đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự nỗ lực hơn.
Thùy Dương
300.000 đồng một trái xoài 'nhả chữ'
Nguồn tin: VnExpress
Thay vì trái cây khắc chữ, mùa Tết năm nay nhà vườn ở miền Tây tập trung sản xuất xoài in chữ theo phương pháp tự nhiên.
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang cho biết, năm nay nhóm của ông tung ra thị trường sản phẩm xoài nghệ thuật áp dụng kỹ thuật mới. Thay vì dùng khuôn ép và tạo hình trái xoài hoặc khắc trên trái như lâu nay, câu lạc bộ của ông chọn thủ pháp tạo màu và "nhả chữ" bằng ánh sáng mặt trời.
Xoài "nhả chữ" do câu lạc bộ trái cây tạo hình trồng thử nghiệm. Ảnh: NVCC.
Theo ông Thành, để có trái xoài "nhả chữ" đẹp, khi trái bằng ngón chân cái, ông và các nghệ nhân dùng bao bọc xoài được mua từ Đài Loan để bảo vệ và giúp màu trái xoài vàng đậm. Lúc xoài bắt đầu vào độ tuổi trưởng thành, cắt bao bọc trái ra và tạo hình chúng bằng cách ghép chữ trên quả. Nếu muốn nền màu vàng chữ xanh thì che ánh sáng lại, còn nền xanh chữ xanh thì để ánh sáng chiếu vào khung chữ. Riêng với nền màu vàng chữ đỏ, phải có phương pháp riêng và những trái loại này giá 300.000 đồng một trái.
"Mặc dù trái xoài kích cỡ mới bằng nắm tay, tôi đã nhận được đơn đặt hàng lên tới 3.000 trái. Tùy vào loại tạo hình mà giá mỗi trái xoài dao động 200.000 - 300.000 đồng", ông Thành nói và cho biết, mỗi trái xoài nhả chữ sẽ có trọng lượng từ 1-1,2 kg. Đây là giống xoài Đài Loan nên cho chất lượng trái tốt và lớn. Ngoài để chưng đẹp thì giống xoài này cũng tươi lâu và chất lượng thịt khá ngon.
Trước ông Thành, từ 2016 ở miền Tây đã có một số nhà vườn thử nghiệm phương pháp in chữ thành công lên xoài, đu đủ, dừa... Dù phương thức giống nhau, nhưng mỗi nơi áp dụng thủ pháp cải tiến riêng nên chất lượng cũng khá khác biệt, đặc biệt là về màu sắc của chữ trên trái.
Cùng với xoài nghệ thuật, ông Thành cũng cho biết, năm nay không tạo hình dưa hấu hồ lô, thỏi vàng mà chỉ tạo hình bưởi. Tuy nhiên, do thời tiết thiếu thuận lợi nên câu lạc bộ của ông chỉ sản xuất được khoảng 6.000 trái.
Bưởi thỏi vàng của câu lạc bộ tạo hình trái cây. Ảnh: NVCC.
"Năm nay bưởi ra trái thấp và hư hỏng nhiều. Đặc biệt tại Hậu Giang số lượng bưởi đạt thấp nên câu lạc bộ liên kết thêm các vùng Vĩnh Long, Sóc Trăng. Dẫu vậy, thời tiết làm hoa rụng nên hàng khan hiếm", ông Thành nói và tiết lộ giá năm nay đã tăng 25-30% so với năm ngoái và sẽ còn tăng khi kết thúc điều chỉnh vào cuối tháng 11 âm lịch. Hiện bưởi hồ lô có giá 300.000 -1,2 triệu đồng một trái (tùy kích cỡ và tạo hình).
Ông Thành cho biết thêm, số lượng đặt hàng đã chiếm tới 70%. Năm nay khách hàng đặt khá sớm. Tuy nhiên, các khách sỉ chỉ lấy với số lượng 400 - 600 trái chứ không đặt với số lượng nhiều như các năm trước.
Thi Hà
Cà Mau: Hiệu quả từ mô hình lúa sạch, tôm an toàn
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm là mô hình hết sức sáng tạo vì nó thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm mặn. Theo đó, người dân sẽ trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa hạn. Cách làm này đã và đang được nông dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông Cao Văn Đạt thông tin: “Toàn xã có 16 ấp, chủ yếu là làm ruộng và trồng rau màu, chỉ có ấp Minh Hà B là bà con luân canh lúa - tôm. Nhìn chung, đời sống người dân khởi sắc hơn so với các ấp khác và mô hình lúa - tôm theo đánh giá có triển vọng, mang lại thu nhập ổn định”.
Bí thư Chi bộ ấp Minh Hà B Kiều Thanh Sự cho hay, lúc trước đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, vì chỉ độc canh cây lúa khi mà giá lúa luôn bấp bênh, năng suất lại thấp nên hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ rất cao. Năm 2010, chuyển dịch sang trồng một vụ lúa - tôm, đời sống người dân thật sự khởi sắc.
Ông Sự áp dụng mô hình lúa - tôm trên 2 ha đất của gia đình cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Sự chia sẻ: "Đất ở đây màu mỡ, nhiều chất hữu cơ, rất thuận lợi cho mô hình lúa - tôm. Vụ tôm sú tôi không cấy lúa, còn vụ lúa kết hợp thả tôm càng xanh".
“Nước ở đây nửa mùa mặn nửa mùa ngọt, khi thu hoạch vừa xong vụ lúa đông xuân tôi cải tạo đưa nước mặn vào để thả vụ tôm. Tới khoảng tháng 4 sẽ thả thêm 1 bầy tôm rồi rửa mặn, bơm nước ra hết để chứa nước mưa tiếp tục xuống giống trồng lúa. Kết hợp thả tôm càng xanh khoảng tháng 7 trong năm”, ông Sự cho biết.
Mô hình lúa - tôm an toàn của gia đình ông Kiều Thanh Sự.
Cách làm này không ảnh hưởng đến môi trường, vụ lúa sau khi thu hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho vụ tôm, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào. Như vậy, sau nhiều năm áp dụng mô hình lúa - tôm, mỗi năm 2 ha đất nhà ông Sự cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn kết hợp thả thêm cua để tăng thu nhập hàng ngày cho gia đình, kiếm đồng ra đồng vô.
Từ mô hình lúa - tôm an toàn, một số hộ còn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nuôi tôm 2 giai đoạn. Tôm giống được dèo ở bể ươm trước khi chuyển ra vuông để thả nuôi, vừa rút ngắn thời gian nuôi, vừa kiểm soát được số lượng con giống. Kết hợp trồng lúa thơm, bán với giá cao hơn.
Anh Trịnh Văn Trước, ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, cho biết: “Ở đây nhiều người trồng lúa chịu mặn nhưng cứng cơm. Tôi trồng thử giống lúa thơm, gạo ngon hơn và giá cũng cao hơn. Mới trồng thử được 2 vụ, thấy hiệu quả tương đối”. Cũng như nhiều hộ ở đây, vụ lúa anh kết hợp thả tôm càng xanh, còn vụ tôm anh thả theo hình thức 2 giai đoạn nên cho năng suất rất cao.
Ngoài ra, để tăng thêm nguồn thu nhập gia đình, những chỗ đất trũng anh Trước trồng thêm bồn bồn, tận dụng bờ vuông nuôi dê, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng. Mô hình trồng lúa thơm của gia đình anh được đánh giá có triển vọng, vì giống lúa này vừa ngắn ngày, vừa bán có giá mà năng suất lại cao.
Ông Cao Văn Đạt thông tin: “Mô hình trồng lúa thơm trên đất mặn, kết hợp nuôi tôm 2 giai đoạn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Sắp tới sẽ được triển khai đến người dân trong ấp Minh Hà B nhân rộng cách làm này giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”./.
Võ Phương Thảo
Giá nấm rơm tăng mạnh
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Hiện nay, nông dân trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) khá phấn khởi khi giá nấm tăng mạnh so với 2 tháng trước. Điều này, giúp nông dân có thêm động lực để đầu tư sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Người dân thu hoạch nấm rơm
Theo nhiều nông dân trồng nấm rơm tại huyện Lai Vung, nấm rơm loại 1 có giá 80.000 đồng/kg; loại 2 giá 70.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 9/2019.
Nguyên nhân giá nấm rơm tăng do hiện nay lượng nấm trên các ruộng không còn nhiều, khiến nguồn cầu vượt cung. Bên cạnh đó, việc sản xuất nấm rơm chưa mang lại hiệu quả như mong đợi nên nhiều nông dân trồng nấm chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác.
Trang Huỳnh
Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Phát triển mô hình nuôi rắn ri voi
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện mô hình nuôi rắn ri voi được nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp áp dụng, vì cho thu nhập kinh tế cao.
Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có hơn 3.000 cá thể rắn ri voi được người dân đăng ký với ngành chuyên môn. Phần lớn các nông hộ ở Phụng Hiệp nuôi rắn ri voi trong mùng lưới, thùng nhựa hay bể xi măng. Rắn ri voi là loài dễ nuôi, nhẹ chăm sóc, 3-5 ngày mới cho ăn một lần, nếu rắn mang trứng thì khoảng 7 ngày mới cho ăn một lần. Thức ăn của rắn ri voi đa phần là cá tạp, ếch, nhái… Rắn con sau một năm thả nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 600 gram đến 1kg là có thể xuất bán. Hiện nay, rắn ri voi loại I từ 700 gram trở lên có giá 500.000-600.000 đồng/kg.
Theo nhiều nông hộ nuôi rắn ri voi ở huyện Phụng Hiệp, trung bình một mùng lưới có diện tích khoảng 9m2 có thể nuôi khoảng 50 con rắn ri voi. Sau một năm nuôi, trừ hết chi phí đạt lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Còn nếu để sinh sản lợi nhuận còn đạt cao hơn, bởi rắn mới nở hiện có giá từ 60.000-80.000 đồng/con.
DUY KHÁNH
Ninh Thuận: Phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi
Nguồn tin: Báo Ninh Thuận
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận về phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, thời gian qua đơn vị chức năng, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị chăn nuôi làm tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến thời điểm hiện nay, có 3 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm. Đối với chăn nuôi dê, cừu, chuỗi giá trị gắn với giết mổ tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Triệu Tín, thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận (Ninh Phước) được đánh giá là có tính bền vững nhất. Ưu điểm của chuỗi giá trị này là doanh nghiệp cung cấp dê, cừu giống, tạo điều kiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo tính toán, sau thời gian 4-6 tháng, hộ nuôi 30 con dê, cừu, thu lãi 30 triệu đồng, hiệu quả hơn so với chăn nuôi truyền thống.
Nông dân huyện Ninh Hải liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi cừu.
Chuỗi liên kết giá trị dê, cừu đang không ngừng phát triển. Hiện nay ngoài doanh nghiệp Triệu Tín, còn có Cơ sở giết mổ gia súc Bích Huyền, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Cơ sở giết mổ gia súc La Thị Kim Phượng, xã Phước Nam (Thuận Nam), Cơ sở giết mổ gia súc Lê Thị Hoa, xã Phước Vinh (Ninh Phước) liên kết với 175 hộ và thương lái để có nguồn hàng cung cấp thường xuyên, ổn định cho thị trường. Đáng nói là, hoạt động liên kết của nông dân và doanh nghiệp trong phát triển chuỗi chăn nuôi dê, cừu luôn có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong quảng bá thương hiệu sản phẩm. Nhờ được Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu dê, cừu Ninh Thuận”, nên mặt hàng thực phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 1.300 con. Cũng nhờ vào chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị, mặt hàng thực phẩm dê, cừu phong phú, tạo ra giá trị tăng thêm. Cụ thể, dê, cừu sau giết mổ được sơ chế, đóng gói cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh và một số thành phố lớn như Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh, Tp. Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Nội khoảng 550 con/ngày. Các sản phẩm chế biến sau giết mổ như thịt dê, cừu xông khói, tẩm gia vị, xúc xích, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 600 kg.
Mô hình liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi heo với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận cũng đang ngày càng phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh có 44 trang trại liên kết chăn nuôi hơn 40.000 con heo theo hình thức hộ nuôi đầu tư xây dựng hạ tầng chuồng trại, Công ty đầu tư con giống, thức ăn, thú y, kỹ thuật chăm sóc và thu mua toàn bộ sản phẩm. Ưu điểm của chuỗi giá trị là hộ nuôi hưởng công chăm sóc, nên khả năng thua lỗ thấp; doanh nghiệp mở 14 cửa hàng thực phẩm heo sạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
Tuy mới được hình thành gần đây, nhưng chuỗi liên kết heo đen, gà Suối Đá của HTX Suối Đá (Thuận Bắc) đã khai thác được tiềm năng, lợi thế khu vực miền núi để sản xuất các mặt hàng đặc thù của địa phương. Tham gia mô hình có 20 hộ đầu tư nuôi heo bản địa bán cho HTX, với số lượng khoảng 100 con heo đen, 1.500 con gà đồi/năm. Trước đây, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh, nhưng hiện nay nhờ HTX làm tốt công tác quảng bá, nên thịt heo đen đã vào được các nhà hàng, siêu thị ngoài tỉnh.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Những chuỗi giá trị liên kết chăn nuôi không ngừng phát triển đó là nhờ các HTX nông nghiệp, hộ chăn nuôi được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, các địa phương về tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Để tạo liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ trong xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, giải pháp ngành chức năng đề ra là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong việc phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể; vận động, thu hút doanh nghiệp làm đầu tàu tham gia liên kết cùng HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi là xu thế tất yếu, được nhiều hộ chăn nuôi tích cực tham gia. Với những kết quả đạt được bước đầu trong thực hiện chương trình, tin tưởng sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển lên tầm cao mới.
Anh Tùng
Ông nông dân nuôi bò sữa: ‘Bắt’ trúng nhu cầu thị trường để tăng thu nhập
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Vài năm trở lại đây, thay vì nuôi bò để lấy sữa bán như trước đây, ông Nguyễn Văn Nhiệm (tổ 1, ấp Tân Lễ A, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã xây dựng mô hình sản xuất sữa chua dẻo, tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho gia đình.
Sản phẩm sữa chua gói của gia đình ông Nguyễn Văn Nhiệm được sản xuất 100% từ bò sữa.
Năm 2003, ông Nguyễn Văn Nhiệm là 1 trong 13 hộ thuộc dự án được hỗ trợ để phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Châu Pha. Ông cũng là hộ duy nhất của xã duy trì đàn bò sữa đông nhất, với 60 con; trong đó, 30 con đang cho sữa.
Theo ông Nhiệm, thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và nguồn thức ăn chưa đảm bảo nên sản lượng sữa không cao. Do vậy, ông đã đăng ký tham gia lớp học nghề chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân tổ chức, đồng thời “khăn gói” đến tỉnh Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm.Từ đó ông Nhiệm nhận thấy, để có nguồn sữa dồi dào, đạt chất lượng tốt thì thức ăn chính là điểm mấu chốt. Một trong những tiêu chí đầu tiên là các loại thức ăn cho bò phải được kiểm soát chặt chẽ, không sử dụng cám công nghiệp, không có hormone tăng trưởng, không dùng thức ăn biến đổi gen, không chất bảo quản, hương liệu, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác. Ngoài ra, ông còn sử dụng hèm bia, lúa mạch, bột mì làm thức ăn cho bò sữa. Đây là một trong những loại thức ăn quan trọng giúp kích thích khả năng tiết sữa của bò. Nhờ nguồn thức ăn đảm bảo, đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, lượng sữa cũng vì thế mà tăng lên gấp đôi.
Năm 2016, khi kiểm soát được quy trình chăn nuôi và thu được nguồn sữa bò đạt chất lượng, ông Nhiệm cũng như nhiều gia đình nuôi bò khác lại lao đao vì bị thương lái ép giá hoặc không thu mua sữa. Đầu ra không ổn định, không có máy móc bảo quản, nhiều lúc sữa hỏng phải đổ đi. Tiếc của, để tiêu thụ số sữa thu về trong ngày, ông đã nghĩ ra cách ủ sữa lên men làm sữa chua dẻo, sau đó chào hàng và bỏ sỉ cho các cửa hàng, tạp hóa nhỏ lẻ tại địa phương. Điều đặc biệt là sản phẩm sữa chua dẻo của ông lại rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, giá cả hợp lý. Hiện nay, một ngày gia đình ông làm khoảng 2.000 bịch sữa chua dẻo, tương đương khoảng 160 lít sữa bò, với giá bán 2.000 đồng/bịch. Với cách làm trên, hiện gia đình ông đang có một lượng khách tiêu thụ ổn định cho sản phẩm này.
Khi được thị trường đón nhận, ông Nhiệm nhận thấy, hiện có hàng trăm DN đang sản xuất sữa chua, đã có thương hiệu nên nếu làm qua loa thì không thể cạnh tranh được. Đầu năm 2017, ông quyết định chuyển đổi mô hình nuôi bò truyền thống sang nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư 2 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị trong các khâu sản xuất như máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa… Từ đó, sản phẩm sữa chua dẻo đã được cấp chứng nhận VietGAP, mã vạch, và chứng nhận an toàn thực phẩm. Hiện cơ sở của ông Nhiệm thu lãi gần 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 15 nhân công địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Dương Văn Trăm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha cho biết, hiện nay toàn xã có 13 hộ đang chăn nuôi bò sữa với gần 240 con. Với mô hình của ông Nhiệm, xã cũng đang tính toán đến việc hỗ trợ, liên kết các hộ chăn nuôi bò sữa để sản xuất theo chuỗi hàng hóa, tạo đầu ra bền vững cho nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.
Bài, ảnh: KIM HỒNG
Hiếu Giang tổng hợp