Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 7 năm 2019

Đồng Tháp: Vào mùa thu hoạch thanh long ruột đỏ

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM

Nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện đang bắt tay vào thu hoạch vụ thanh long ruột đỏ. Công ty Thạch Võ, tỉnh Vĩnh Long đã liên kết tiêu thụ, đưa xe đến tận nơi thu mua thanh long ruột đỏ của nông dân với giá bao tiêu là 25.000đồng/kg và trả tiền mặt một lần sau khi mua.

Hiện nay, toàn huyện Tam Nông có gần 200 công (1 công = 1.000 m2) thanh ruột đỏ, nhiều nhất là ở xã Phú Đức, với 15 hộ trồng trên 135 công tại ô bao không số, quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim. Loại cây trồng này chỉ trồng một lần và cho thu hoạch từ 15 - 20 năm; từ khi xuống giống đến khi thu hoạch đợt đầu là 11 tháng. Thời gian thu hoạch chính vụ từ tháng 5 và tháng 6 trong năm.

Nông dân huyện Tam Nông - Đồng Tháp vào mùa thu hoạch chính vụ thanh long ruột đỏ

Chị Nguyễn Thị Kiều Trang, ngụ thị trấn Tràm Chim, trồng 20 công thanh long ruột đỏ. Đến nay, sau 15 tháng chăm sóc đã cho thu hoạch được 2 đợt. Đợt đầu, gia đình chị thu trên 1,5 tấn trái (quả) thanh long thương phẩm, giá bán trung bình khoảng 47.000 đồng/kg, gia đình chị có thu nhập trên 70 triệu đồng. Đợt này, chị Trang tiếp tục thu hoạch được 3,5 tấn trái thanh long thương phẩm, bán giá 25.000 đồng/kg, thu nhập trên 87 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, chị Trang còn lãi 35 triệu đồng.

Không chỉ có hiệu quả kinh tế từ cây thanh long ruột đỏ mà chị Nguyễn Thị Kiều Trang còn liên kết với khu du lịch Tràm Chim để thành lập điểm tham quan, trải nghiệm sinh thái... thu hút du khách khắp nơi.

Ông Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ, ngụ ấp K8, xã Phú Đức gieo trồng 20 công thanh long ruột đỏ. Đến nay, sau 18 tháng chăm sóc đã cho thu hoạch được 3 đợt. Đợt đầu, gia đình ông thu trên 2 tấn trái thanh long thương phẩm, bán giá dao động từ 37.000 - 57.000 đồng/kg tùy loại, gia đình ông Xiêm Nhỏ có thu nhập trên 110 triệu đồng. Đợt 2, ông Xiêm Nhỏ thu hoạch được 3 tấn trái thanh long thương phẩm, bán giá từ 29.000 - 49.000 đồng/kg tùy loại, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng. Và đợt 3 này, ông Xiêm Nhỏ tiếp tục thu hoạch được 3 tấn trái, bán giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ bày tỏ:“Vườn thanh long của tôi trung bình giải quyết nguồn lao động ở địa phương mỗi ngày từ 3 - 5 lao động, vừa tỉa cành, vuốt tay, bón phân, chăm sóc, làm cỏ... rồi đủ thứ chuyện của trái thanh long. Về liên kết tiêu thụ của Công ty Thạch Võ, đây là công ty đảm bảo uy tín. Bữa nay Công ty đưa xe, công nhân lên để thu trái thanh long. Địa phương cũng rất quan tâm đến Dự án trồng cây thanh long, nhất là UBND huyện và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con chúng tôi trồng thanh long từ xuống điện, làm hệ thống thủy lợi nội đồng, các đường kênh cộ để thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, chuyển vật tư đến tận vườn thanh long. Đến nay, cho thấy trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả gấp từ 5 - 10 lần trồng lúa”.

Trần Trọng Trung - Đài TT huyện Tam Nông – Đồng Tháp

Bắc Giang: Thu về hơn 6,3 nghìn tỷ đồng từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang cơ bản đã tiêu thụ gần hết 150 nghìn tấn vải thiều của cả vụ 2019.

Nông dân huyện Lục Ngạn phấn khởi thu hoạch vải thiều.

So với năm 2018, sản lượng thấp hơn khoảng 80 nghìn tấn, tuy nhiên doanh thu từ vải thiều năm nay lại tăng cao. Cụ thể, năm ngoái đạt 230 nghìn tấn, giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đi kèm gần 5.900 tỷ đồng; vụ này, cả tỉnh thu được hơn 6.300 tỷ đồng.

Giá vải thiều từ đầu vụ đến nay vẫn duy trì ổn định ở mức cao, dao động từ 30- 60 nghìn đồng/kg. Trước đó, giá vải sớm loại đẹp tại huyện Lục Ngạn có lúc bán được hơn 70 nghìn đồng/kg. Tính bình quân giá trị thu được lên đến 230 triệu đồng/ha.

Có được kết quả trên là do chất lượng vải thiều được nâng lên, diện tích vải thiều được sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP đều tăng. Hơn 50% sản lượng được xuất khẩu, mang lại giá trị lớn cho người sản xuất.

Tại thị trường trong nước, hầu hết các chuỗi siêu thị lớn như: BigC, Happro, Vinmark... giá bán vải thiều ổn định ở mức 60 nghìn đồng/kg.

Quốc Phương

Trao nhãn hiệu tập thể Mãng cầu Hậu Giang

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ngày 27-6, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố, trao chứng nhận Nhãn hiệu tập thể Mãng cầu Hậu Giang. Đến dự và trao chứng nhận có ông Trần Giang Khuê, Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (bên phải) trao giấy chứng nhận nhãn hiệu Mãng cầu Hậu Giang cho đại diễn lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh.

Trong thời gian qua, chủ nhiệm dự án “Quản lý nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” dùng cho sản phẩm mãng cầu gai trong tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Nguyễn Mạnh Tuấn, Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt, thủ đô Hà Nội làm chủ nhiệm, đã tiến hành lấy ý kiến của các hợp tác xã, người dân trồng mãng cầu về mẫu logo nhãn hiệu, tờ rơi, poster quảng cáo; xây dựng mẫu sổ ghi chú, đồng phục văn phòng, đồng phục bảo hộ, tem treo và tem truy xuất nguồn gốc, túi thiếc đựng trà mãng cầu, mẫu hộp thủy tinh, thùng carton đựng túi thiếc, túi giấy, biển hiệu, mẫu xe bán hàng lưu động, mẫu biển quảng cáo, xây dựng website mang tên mangcauhaugiang.com…

Nhãn hiệu tập thể Mãng cầu Hậu Giang có hình ảnh biểu trưng như sau: Logo được thể hiện là hình tròn, hình ảnh chính là trái mãng cầu nguyên và một phần trái mãng cầu bổ dọc với một phần trái mãng cầu bổ ngang. Nội dung thể hiện tên gọi là Mãng cầu Hậu Giang viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh chữ màu đen trên nền trắng. Màu sắc nhận biết là màu tone xanh lá cây phù hợp với màu sắc của sản phẩm. Ruột mãng cầu có màu trắng sữa thể hiện cho màu ruột trái mãng cầu khi bổ ra. Nhãn hiệu có hiệu lực sử dụng là 10 năm kể từ ngày nộp đơn là ngày 13-8-2018. Liên minh Hợp tác xã tỉnh là đơn vị tiếp nhận và chịu trách nhiệm quản lý, gìn giữ nhãn hiệu tập thể Mãng cầu Hậu Giang.

Dịp này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đã ra Quyết định công bố, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Mãng cầu Hậu Giang cho 3 tập thể là: HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, HTX Nông nghiệp và TMDV Thuận Hòa, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ; HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp.

TRÚC LINH

Nỗi buồn cây mía

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Tại ĐBSCL, nhiều nhà máy đường phá sản, đang bên bờ vực “bán sắt vụn”. Nhiều công ty đường cho công nhân nghỉ việc như sung rụng... Chưa bao giờ ngành mía đường đối diện những rủi ro bất trắc như lúc này.

Ngành mía đường cần cuộc phẫu thuật để tái cơ cấu lại

Trong khi đó, hàng ngàn nông dân ĐBSCL nằm trong thế chẳng đặng đừng, tiếp tục trồng mía với hy vọng “ba vụ thất sẽ có một vụ trúng”. Cây mía và các nhà máy đường sẽ đi về đâu? Đó sẽ là câu hỏi còn ám ảnh trong vài năm tới đây!

Ba vụ thất, một vụ trúng

Thời hoàng kim, ĐBSCL có gần 100.000ha mía, nay chỉ còn khoảng 35.000ha. Hiện tại, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được xem là nơi còn lại vùng nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL với 6.700ha (lúc cao điểm gần 15.000ha, sản lượng đạt 1 triệu tấn/năm).

Anh Trương Văn Hiền, nông dân lâu nay bám trụ với cây mía ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp bày tỏ: “Thấy nông dân ban liếp mía, chuyển sang trồng chanh không hạt, chúng tôi cũng sốt ruột. Nhưng sổ đỏ thì nằm trong ngân hàng, tiền đâu để đầu tư ban liếp trồng chanh, tiền đâu để mua phân bón, mà phải mất vài năm mới thu hoạch. Thôi thì trồng mía tiếp với hy vọng “ba vụ thất, sẽ có một vụ trúng”. Hy vọng là thế, nhưng thật sự rất lo.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của nông dân trồng mía. Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện chỉ giữ lại khoảng 5.000ha mía. Hiện huyện đã chủ động hỗ trợ 100% cây giống cho nông dân trồng mía chuyển sang trồng 100ha chanh không hạt. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích nông dân chuyển sang trồng khóm giống MD2. Tất cả đều có doanh nghiệp bao tiêu”.

Theo ông Nguyễn Thế Tự, nhiều nông dân ở Phụng Hiệp hiện nay chưa thể chuyển đổi cây mía sang trồng các loại cây khác là do không đủ nguồn lực tài chính, một bộ phận khác đã quen trồng mía nên còn ngán ngại chuyển đổi…

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp hiện nay đang tập trung các giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi và chỉ giữ lại diện tích mía trong vùng có đê bao, nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường trên địa bàn.

Cần một cuộc “giải phẫu”

Giá mía, giá đường cùng tuột dốc, kéo theo vùng mía nguyên liệu ở Cà Mau, Kiên Giang giảm mạnh liên tiếp trong nhiều năm qua. Đây cũng là lý do hai nhà máy đường trên địa bàn phải đóng cửa và bán luôn thiết bị. Vụ sản xuất mía năm 2019 đang khép lại với nỗi buồn cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Trước đây, ĐBSCL có 10 nhà máy đường nhưng hiện nay đã có 4 nhà máy đóng cửa - mới nhất là ở Bến Tre. Trong số 6 nhà máy đường còn lại, nhiều khả năng sẽ có thêm 2 nhà máy sẽ khó hoạt động trong vụ tới, do vùng nguyên liệu đang giảm mạnh. Hiện nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát cũng đang đứng trước nhiều thách thức khi được xác định “gây ra ô nhiễm nghiêm trọng trên sông ở thị xã Long Mỹ và bị đoàn thanh tra của Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT) thanh tra”.

Mới đây, Đoàn công tác Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đến làm việc tại huyện Phụng Hiệp và Công ty Casuco, khảo sát, nắm tình hình hoạt động, sản xuất cũng như những khó khăn về tiêu thụ đường thời gian qua. Đại diện Công ty Casuco cho biết: Niên vụ năm 2018-2019, sản lượng của 2 nhà máy đều giảm so với vụ trước đó, giảm 37,7% sản lượng ép mía và giảm 43,5% lượng đường sản xuất.

Nguyên nhân do giá mía thấp, người dân bỏ mía chuyển sang cây trồng khác; giá thành sản xuất cao nên khó cạnh tranh với đường nhập khẩu và đặc biệt phải đối đầu với đường lậu giá thành rất rẻ. Dự báo trong thời gian tới 2 nhà máy đường của công ty sẽ thiếu nguyên liệu ép mía vì diện tích giảm, hiện chỉ còn hơn 6.000ha, tương đương khoảng 400.000 tấn mía nguyên liệu.

Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngành mía đường phải xác định rõ mục tiêu sản xuất như thế nào để cùng địa phương quy hoạch diện tích vùng nguyên liệu, khuyến cáo người dân tiếp tục trồng mía cung cấp đủ sản lượng sản xuất. Về phía đoàn, sẽ có công văn gửi Quốc hội để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho ngành mía đường giúp nông dân tiếp tục duy trì nghề trồng mía.

Theo một lãnh đạo trong ngành mía đường, việc khai tử các nhà máy đường thiếu năng lực là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức trong quá trình hội nhập. Nhưng cần phải có những giải pháp căn cơ để 1 triệu lao động trong ngành mía đường có sinh kế ổn định.

“Trong cuộc họp hội đồng quản trị mới đây, chúng tôi đã quyết định tạm dừng hoạt động của Nhà máy đường Vị Thanh trong niên vụ 2019-2020 để tập trung vùng nguyên liệu cho Nhà máy đường Phụng Hiệp. Sau đó, chờ những giải pháp để cứu ngành mía đường, chúng tôi mới đưa ra quyết định tiếp theo”, một thành viên trong Công ty Casuco cho biết.

Cũng theo vị này, buôn lậu đường hoành hành, những tác động của quá trình hội nhập đang tăng thêm áp lực cho ngành mía đường tại khu vực ĐBSCL. Mặt khác, tồn kho từ các năm trước cộng dồn khiến DN chịu áp lực; tình trạng đường nhập lậu tràn lan số lượng lớn, giá rẻ; một số đối tác lớn của các nhà máy chuyển sang sử dụng đường lỏng thay đường kính, vì đường lỏng có giá tốt hơn do hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng.

CAO PHONG

Tây Ninh: Chủ động chuyển đổi diện tích trồng khoai mỳ sang trồng cây khoai lang

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, từ đầu ra sản phẩm, giá cả thị trường, đến tình hình sâu bệnh hại… Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh khảm lá trên cây khoai mỳ (sắn) đang diễn biến phức tạp, làm cho đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn trên, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) đã chủ động chuyển đổi mốt số diện tích đất trồng khoai mỳ luân canh sang trồng các loại cây trồng cạn ngắn ngày như bắp (ngô), khoai lang… và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Lê Hoài Thanh, trú ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu, đã tiến hành chuyển đổi trồng khoai lang tại xã Tân Hiệp với tổng diện tích lên đến 60 ha.

Hiện nay, sau thời gian 5 tháng kể từ ngày xuống giống, ông Thanh đã tiến hành thu hoạch phần diện tích trên 20 ha, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế thu được rất cao. Năng suất khoai lang bình quân 25 tấn/ha, với giá thương lái thu mua tại ruộng là 10.000 - 10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng, ông còn thu được lợi nhuận trên 180 triệu đồng.

Do đây mới là vụ đầu sản xuất cây khoai lang nên ông Thanh cũng gặp không ít khó khăn về mặt kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất, nhưng với một người dám nghĩ, dám làm, ông Thanh đã mạnh dạn chuyển đổi và lựa chọn cây trồng phù hợp, bước đầu đã thành công, cây khoai lang “trúng mùa lại được giá”.

Cây khoai lang rất dễ trồng, ít sâu bệnh, chỉ sau 5 tháng trồng đã cho thu hoạch

Ông Thanh cho biết thêm, cây khoai lang rất dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sau 5 tháng trồng đã cho thu hoạch. Đồng thời cây khoai lang có khả năng thích nghi rộng, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, do vậy, nếu phát triển trồng khoai lang trên vùng đất Tân Châu có thể xem là một hướng đi mới, rất phù hợp để người dân thực hiện. Hơn thế nữa, trước thực trạng cây khoai mỳ trên địa bàn đang bị bệnh khảm lá như hiện nay, nông dân cần nghiên cứu lựa chọn một số cây trồng luân canh, cụ thể như gia đình ông đã chọn cây khoai lang để trồng luân canh với cây khoai mỳ, nhằm hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất trồng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.

Thế Minh - Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh

Trồng cà phê xen mắc ca, tiêu, cây ăn trái lãi tiền tỷ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Với kinh nghiệm 25 năm trồng cà phê, ông Ngô Văn Phi ở thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng hiện có 7 ha cà phê trồng xen và 3 ha cà phê trồng thuần, mỗi năm thu 24 tấn cà phê nhân, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Phi chia sẻ, lúc đầu ông có 7 ha cà phê trồng thuần. Theo thời gian, cây cà phê già cỗi, năng suất giảm dần, ông đã có suy nghĩ phải làm sao để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.

Năm 2010, cây mắc ca bắt đầu bén rễ đất Lâm Đồng. Qua tìm hiểu, ông mạnh dạn phá bỏ xen kẽ khoảng 3 ha/7 ha cà phê trong vườn để trồng xen mắc ca.

Giống mắc ca được ông mua của Công ty Đức Anh ở Buôn Ma Thuột và Công ty Him Lam Mắc ca, gồm các giống: QN, 246, 800, 842, 816, 849, 741, A4.

Ông Ngô Văn Phi bên vườn cà phê trồng xen các loại cây trồng khác.

Sở dĩ ông trồng nhiều giống trên cùng 1 diện tích là để theo dõi sự sinh trưởng, phát triển và thích nghi của từng loại giống, đặc biệt cây mắc ca có đặc điểm thụ phấn chéo. Cà phê được trồng với khoảng cách 3 x 3m, mắc ca được trồng xen trong vườn cà phê với khoảng cách 6 x 9m.

Sau 1 năm trồng và chăm sóc, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, ông lại tiếp tục trồng xen mắc ca trên diện tích cà phê thuần còn lại. Với 7 ha, ông trồng xen được 1.600 cây mắc ca. Sau 9 năm trồng và chăm sóc, số cây mắc ca còn lại là 1.400 cây.

Trong năm 2018, khoảng 700 cây mắc ca cho thu hoạch được 3 tấn quả, bán với giá 85.000 đồng/kg. Năm 2019, khoảng 80% số cây mắc ca cho thu hoạch, ông dự kiến thu được 6 - 7 tấn quả, giá bán hiện nay 95.000 đồng/kg, sẽ có nguồn thu trên 60 triệu đồng/năm từ mắc ca.

Ông Phi cho biết: “Điều kiện khí hậu ở xã Ninh Gia rất thích hợp cho cây mắc ca phát triển. Thời gian cây mắc ca ra hoa kết trái và thu hoạch kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, nên bà con có thu nhập rải đều trong năm”.

Ngoài trồng xen mắc ca, ông Phi còn trồng xen tiêu, với khoảng cách 2,5 x 2,5m. Hiện vườn của ông có hơn 5.000 trụ tiêu đã cho thu hoạch năm thứ 3, thứ 4, còn lại khoảng 800 trụ đang cho thu bói. Năm 2018, vườn tiêu cho thu hơn 10 tấn tiêu khô.

Bên cạnh việc trồng xen mắc ca, hồ tiêu trong vườn cà phê, ông còn trồng xen 100 cây bơ giống Booth và giống 034, 150 cây bưởi da xanh, 500 cây sầu riêng ghép giống Monthong Thái Lan.

Tuy mới trồng thử nghiệm hơn 2 năm nhưng cây bơ và bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, có cây đã cho thu trái bói. 500 cây sầu riêng, trong đó có 20 cây trồng được 10 năm đã cho thu hoạch năm 2018 được 150 triệu đồng; các cây còn lại đang cho thu bói và có loại mới trồng được 1 năm tuổi.

Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên mặc dù giống cà phê của gia đình ông là giống cũ nhưng vẫn cho năng suất 3 - 3,5 tấn nhân/ha, mỗi năm cho thu hoạch từ 21 - 24 tấn nhân, trừ tất cả chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc khoảng 30 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.

Để có được năng suất và hiệu quả như trên, đòi hỏi người trồng phải nắm vững đặc tính sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng. Trong 1 năm, ông Phi bón đồng loạt cho cà phê và các cây trồng xen 4 - 5 đợt phân. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục được ủ từ phân chuồng (bò, dê, gà) + phân vô cơ (đạm, lân) + chế phẩm Trichoderma + vôi bột, trộn đều với vỏ cà phê, ủ trong thời gian 2 - 3 tháng, bón 5 - 7 kg/cây/năm, bón vào tháng 7, tháng 8.

Phân hóa học là các loại phân đơn hoặc phân NPK cao cấp, được bón làm 4 đợt: đầu mùa khô bón 300 - 400 kg/ha/lần bón, đầu, giữa và cuối mùa mưa, mỗi đợt bón 500 - 700 kg/ha/lần bón.

Ông Phi cho rằng, để canh tác các loại cây trồng xen trong vườn cà phê có hiệu quả, năng suất ổn định thì hàng năm nên sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp cho cây trồng phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trong đất, làm cho đất luôn tơi xốp.

Trong quá trình chăm sóc các loại cây trồng xen, cần đặc biệt chú ý đặc tính của từng loại cây. Đối với cây sầu riêng, khi làm cỏ, bón phân, phải đặc biệt chú ý đến bộ rễ, không làm đứt rễ, nếu bộ rễ bị ảnh hưởng, cây sinh trưởng, phát triển kém, có thể chết. Đối với cây mắc ca, thời điểm ra hoa dễ bị nhiễm bệnh, do hoa rất thơm, vi sinh vật gây bệnh tấn công làm thối hoa; có thể dùng thuốc có hoạt chất Benomyl.

BÙI HẰNG

Lão nông miền Tây thành tỷ phú nhờ nuôi dúi

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Ông Nguyễn Văn Hiếu ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người tiên phong đất Tây Đô nuôi dúi có lời 100 triệu đồng/tháng.

Ông Hiếu chia sẻ, trong một chuyến ra Hà Nôi năm 2006, ông thấy thịt dúi ăn ngon và có giá trị kinh tế cao nên không ngần ngại bỏ gần 15 triệu đồng mua 12 con về nuôi thử (trong đó 8 cái và 4 con đực).

Về nuôi chuồng chỉ trong 5-6 tháng sau đàn dúi của ông đẻ khoảng 20 con.

Từ đó ông nhân đàn mà không bán, đến nay đàn dúi gần 200 con gồm dúi bố mẹ và dúi con.

Trại dúi hơn 50m2 được ông Hiếu xây cất khang trang nằm cạnh bên hông nhà. Trại dúi được lợp thiếc kín đáo để hạn chế ánh sáng, phù hơp tập tính của loài dúi.

Bên trong trại là hai dãy chuồng với 15 chuồng dúi. Mỗi chuồng được xây dựng và ngăn thành từng bồn bằng xi măng kiên cố, cao 0,6 m, diện tích trung bình 0,5 - 1 m2/chuồng.

Mỗi chuồng nuôi từ 5 – 7 con. Bên cạnh đó có 5 – 10 chuồng dúi riêng biệt, có ngăn vách nơi ở và ổ đẻ dành cho những con dúi trong giai đoạn sinh sản ở và chăm sóc con.

Dúi còn được gọi là chuột tre, chuột nứa, chuột lách... bao gồm 4 loại khác nhau là dúi nâu, dúi mốc nhỏ, dúi mốc lớn, dúi má vàng. Thức ăn chủ yếu của dúi là tre cắt thành thừng thẻ nhỏ, đọt mía và hạt bắp khô.

Mỗi ngày dúi được cho ăn một lần vào đầu bữa sáng tốn khoảng 5.000 đồng/cuồng.

Trên 10 năm qua, ông Hiếu không phải tốn tiền cho việc thuốc men cho bầy dúi, vì dúi là loài vật sống hoang dã ít bệnh. Đặc biệt chuồng nuôi phải sạch và thoáng mát, hầu như dúi không uống nước và rất sợ nước.

Dúi mỗi năm sinh sản từ 3 – 4 lần, mỗi lần đẻ từ 2 – 3 con. Từ khi phối giống đến 60 ngày sau thì dúi mẹ sinh con. Dúi con được nuôi bằng sữa mẹ đến khoảng 20 ngày tuổi là có thể biết ăn, đến khoảng 30 ngày tuổi thì có thể tách bầy, từ đó đến 10 ngày sau là dúi mẹ có thể phối giống trở lại.

Trung bình mỗi con dúi từ 10 - 14 tháng tuổi, đạt trọng lượng 1,5- 2 kg là có thể xuất bán thịt. Hiện nay ông Hiếu cung cấp dúi thịt cho các tỉnh ĐBSCL, miền Đông, Tây Nguyên... với giá 800.000 đồng/kg chủ yếu các nhà hàng đến mua. Ngoài bán dúi thịt, ông Hiếu còn cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật cho người mua. Trung bình giá dúi giống từ 4 tháng tuổi là 1,2 triệu đồng/con; 6 tháng tuổi là 1,5 triệu đồng/con. Mỗi tháng ông Hiếu cho xuất chuồng từ 30 - 40 con dúi, sau khi trừ hết các chi phí, ông có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.

Ông Hiếu cho biết thêm, ngoài trại nuôi của ông tại TP. Cần Thơ ông còn hùn vốn với con rể mở trại nuôi dúi tại huyện Củ Chi (TP.HCM) rộng 1.000 m2 nuôi gần 1.200 con. Bình quân mỗi tháng cung cấp cho thị trường gần 200 con dúi lớn nhỏ, trừ chi phí mỗi tháng 2 điểm nuôi dúi của ông cho thu lời gần 100 triệu đồng.

Ngoài việc nuôi dúi bán thịt và giống, ông Hiếu còn tận dụng lấy phân dúi để trồng thêm hàng trăm chậu nha đam Mỹ mỗi tháng thu thêm gần 10 triệu đồng.

LÊ HOÀNG VŨ

Kinh doanh thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, không chỉ riêng các hộ chăn nuôi điêu đứng mà các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng lao đao…

Kho hàng cám lợn còn tồn của đại lý Tình Xuyên tại khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn

Có mặt tại cửa hàng chuyên bán thức ăn chăn nuôi Hảo Nghĩa, tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cuối tháng 6/2019, chúng tôi được bà Hoàng Thị Nghĩa, chủ cơ sở kinh doanh cho biết: Khoảng một tháng trở lại đây, cửa hàng tôi không bán nổi một bao cám lợn. Nhiều nhà có lợn nhiễm bệnh trả lại sản phẩm, tôi không biết sẽ phải xử lý những bao cám lợn còn tồn như thế nào nữa.

Tại đại lý cấp I thức ăn chăn nuôi Tình Xuyên ở khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hiện nay không còn cảnh tấp nập mua bán, bốc xếp hàng lên xe để vận chuyển đến các đại lý nhỏ, các hộ chăn nuôi như trước đây. Thay vào đó là không khí vắng vẻ, không một bóng khách. Bà Đỗ Thị Tình, chủ đại lý chia sẻ: Từ khi kinh doanh thức ăn chăn nuôi đến giờ, tôi chưa thấy đợt dịch nào khủng khiếp như bệnh dịch tả lợn châu Phi này. Thời điểm này năm ngoái, trung bình, chúng tôi bán gần 200 tấn cám lợn thì thời điểm này bán ra chưa đạt nổi 3 tấn. Đã một tháng nay, tôi không dám nhập cám mới mà vẫn dư hơn chục tấn trong kho. Đấy là chưa kể đến số cám lợn bị khách quen và các đại lý cấp II gửi trả lại mà tôi phải để riêng vì sợ lây bệnh. Giờ gần chục tỷ đồng tiền nợ trong các đại lý và các hộ chăn nuôi tôi không biết khi nào có thể thu hồi được.

Theo thống kê từ Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 160 đại lý, cửa hàng kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa số các đại lý, cửa hàng kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi lợn trên địa bàn đều bị ảnh hưởng. Mức thiệt hại nhẹ cũng từ vài triệu đồng, nặng có khi lên tới vài trăm triệu đồng…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do lâu nay, các đại lý cám và hộ chăn nuôi vẫn duy trì kiểu bán hàng cung ứng trước cám, đến khi xuất bán lợn, bà con mới thanh toán tiền. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện làm cho các hộ chăn nuôi gần như cạn kiệt vốn, dẫn đến việc không thể trả nợ đúng hạn cho các đại lý. Trong khi đó, các đại lý thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất thì phải thanh toán ngay sau khi nhận hàng nên nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần.

Theo báo cáo mới nhất từ Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 24/6/2019, đã có trên 20 nghìn hộ chăn nuôi có lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn tiêu hủy lên đến hơn 140 nghìn con với tổng số tiền hỗ trợ các hộ hơn 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, mới có hơn 300 hộ được hỗ trợ trên địa bàn các huyện: Văn Lãng, Hữu Lũng, Cao Lộc… Số hộ chưa được hỗ trợ còn rất nhiều nên gây chậm trễ trong việc trả nợ từ dân tới các cửa hàng, đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Thời gian tới, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn và chưa thể tái đàn. Vì vậy, về phía các đại lý kinh đoanh thức ăn chăn nuôi nên chia sẻ khó khăn với bà con. Cùng với đó, các đại lý cũng nên đa dạng hóa các loại sản phẩm như: cám gà, vịt, thủy sản… cho phù hợp với cơ cấu chuyển đổi chăn nuôi trên địa bàn để vượt qua khó khăn trước mắt.

Thiết nghĩ, với thực trạng hiện nay, ngoài việc các cửa hàng, đại lý phải nỗ lực vượt qua khó khăn, các cấp, ngành cần sớm có giải pháp hỗ trợ, nhất là về vốn vay hoặc khoanh nợ, giãn nợ…

LƯƠNG THẢO

Thị trường thịt heo thiếu hụt và hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam

Nguồn tin: Báo Công Thương

Dịch tả heo châu Phi (ASF) hiện đã xuất hiện tại 60 tỉnh thành và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi như thế nào để khôi phục ngành công nghiệp chăn nuôi heo và góp phần ổn định thị trường đang là vấn đề bức thiết được đặt ra.

Truy xuất nguồn gốc thịt heo là điều kiện bắt buộc để chống dịch bệnh và phục hồi chăn nuôi

Thị trường sẽ thiếu thịt heo

Ipsos Business Consulting (Công ty nghiên cứu toàn cầu Ipsos ) vừa công bố về cung cầu thị trường heo Việt Nam tháng 7 năm 2019 đến đầu năm 2020. Tính đến 24/6, ASF đã xuất hiện trên 60 tỉnh thành, hơn 2,6 triệu con heo bị tiêu hủy. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cầu thịt heo trên thị trường. Ước tính, tại thời điểm 6/2019, tổng đàn nái cả nước đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Cùng với giảm mạnh về nguồn cung và tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, người tiêu dùng lo ảnh hưởng đến sức khỏe đã giảm tiêu thụ thịt heo tạm thời. Tuy nhu cầu có giảm nhưng do nguồn cung giảm mạnh hơn, do đó Ipsos dự báo đến cuối năm 2019, nhất là dịp gần Tết nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt heo, chiếm gần 20% tổng nhu cầu.

Từ bức tranh cung – cầu về thịt heo như nêu trên, theo nhận định của Ipsos, một hướng đi mới cho thị trường là sự giảm mạnh đàn nái trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và xu hướng chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi khép kín sẽ tăng dần. Đến cuối năm 2019, dự đoán đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.

Theo Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt heo các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 23,6 triệu USD để nhập khẩu thịt heo, tăng 670,8% lần so với cùng kỳ năm 2018 . Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng thịt heo nhập khẩu qua các cảng của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2019 đã gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính các doanh nghiệp đã chi gần 7 triệu USD để nhập khoảng 4.000 tấn thịt dạng đông lạnh; trong khi 6 tháng năm 2018, chỉ có khoảng 1.000 tấn thịt được nhập khẩu, giá trị khoảng 2 triệu USD.

Hiện tại, mặc dù giá heo tại các trại chăn nuôi ở miền Đông Nam bộ giảm thấp, chỉ còn 30.000-40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền lượng heo về chợ vẫn cao, không thấp hơn nhiều so với trước. Tại các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, giá thịt heo cao, thịt đùi khoảng 100.000 đồng/kg, thịt vai 95.000 đồng/kg, ba rọi 122.000 đồng/kg, thịt nạc 112.000 đồng/kg, cao hơn ở các chợ lẻ khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. Tại các chợ lẻ ở TP. Hồ Chí Minh như Tân Phú, Tân Bình, Hòa Hưng, Thị Nghè, Hòa Bình ngày 29/6 thịt heo bán lẻ vẫn neo giá cao. Cụ thể, thịt nạc 100.000 đồng/kg, thịt đùi 80.000 đồng/kg, ba rọi từ 100.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo ở chợ bán lẻ cho biết, nhu cầu tiêu thụ thit heo của người dân thành phố vẫn cao, nhất là sau khi truyền thông thông tin rộng rãi dùng thịt heo được kiểm soát dịch bệnh và dịch ASF không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tiêu hủy heo dịch ASF

Phục hồi chăn nuôi bằng chăn nuôi theo chuỗi kép kín

Dịch ASF “quét” qua nhiều tỉnh thành gây thiệt hại cực lớn cho ngành chăn nuôi, do vậy điều mà họ quan tâm nhất hiện nay là làm cách gì để tổ chức khôi phục lại sản xuất, ổn định thị trường.

Ông Hà Thanh Tú, chủ một trang trại đã “phơi chuồng” vì dịch ASF ở Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, trước mắt gia đình ông chưa tổ chức lại sản xuất, chỉ khi dịch ASF được kiểm soát hoàn toàn thì mới tính chuyện thả nuôi. Cũng bị thiệt hại bởi dịch ASF, bà Châu Thị Hải, chủ trại heo nuôi bình quân 600 con heo thịt ở huyện Trảng Bom nói rằng, những người chăn nuôi nhỏ như gia đình bà muốn chăn nuôi tiếp chỉ còn hợp tác với các công ty lớn để thay đổi cách nuôi thì mới mong thoái được thua lỗ. “Khi kiểm soát được con giống, thú y, chuồng trại được vệ sinh đúng cách, chăm sóc đúng kỹ thuật thì mới nghĩ đến tái đàn bằng không thì dùng chuồng heo để thả gà công nghiệp”, bà Hải chia sẻ.

Giải pháp lâu dài để thanh toán bệnh ASF tại Việt Nam và người chăn nuôi tổ chức lại sản xuất an toàn, ông Kiều Minh Lực - Phó Tổng giám đốc phụ trách di truyền giống Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam – đánh giá, trước mắt các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng nhận thức dịch ASF không liên quan đến an toàn thực phẩm để ổn định sản xuất và thị trường. Cùng với đó các cơ quan hữu quan cần làm tốt khâu tiêu hủy heo chết, cho giết mổ và lưu thông sản phẩm heo tại địa phương, không cho vận chuyển vào vùng an toàn dịch bệnh nếu không có phiếu xét nghiệm âm tính về ASF. Công tác phòng chống dịch bệnh ASF như sử dụng vôi, thuốc sát trùng, nhập nguồn heo giống âm tính, xử lý thức ăn thừa, nước thải nhà bếp và các biện pháp an toàn sinh học khác; không vứt xác lợn chết xuống sông, suối, ao, hồ để virus không có chỗ cư trú cần pahir được kiểm soát chặt chẽ.

Về chăn nuôi, ông Lực cho rằng, phương pháp tốt nhất là phòng vệ ngay từ con giống , kể cả nhập khẩu những cá thể khỏe mạnh, sạch bệnh; khâu chăn nuôi cần thực hiện khép kín từ chọn giống, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát thú y, kiểm soát thức ăn, tổ chức thu mua, giết mổ, bảo quản, phân phối theo phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại.

Trần Thế

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop