Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 9 năm 2019

Trồng táo sạch năng suất, giá cao nhờ bao lưới

Nguồn tin: VOV

Mô hình trồng táo bao phủ lưới đang được nhân rộng tại Ninh Thuận nhằm nâng cao chất lượng trái táo và tăng thu nhập cho nông dân địa phương.

Cùng với nho, táo xanh là loại trái cây đặc thù của vùng đất Ninh Thuận. Táo cho quả quanh năm hoặc có thể cắt cành cho ra trái tập trung mỗi năm 2 vụ. Thông thường sản lượng trái thu hoạch phải bỏ đi hơn một nửa do bị sâu bệnh, nhất là khi bị ruồi vàng đục quả.

Bao phủ lưới quanh vườn táo giúp phòng trừ sâu bệnh, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật.

Gần đây, nông dân tại địa phương áp dụng phương pháp bao lưới với chi phí 10 triệu đồng/sào. Lưới mắt nhỏ được phủ kín vườn cách ngọn táo khoảng 1 mét với mục đích, không cho ruồi vàng và côn trùng đột nhập. So với chi phí phun thuốc, thì giá thành để thực hiện bao lưới rẻ hơn nhiều.

Mặt khác, trái táo ít bị hỏng, giúp năng suất tăng lên. Táo bao lưới ít phun thuốc và thu hoạch đúng ngày chín, nên giá bán cũng cao hơn nhiều so với táo thường.

Nhiều vườn táo ở Ninh Thuận đạt năng suất cao nhờ bao lưới xung quanh.

Ông Đặng Tấn Thắng, ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết những năm trước đây khi chưa bao lưới, một sào (1.000m2) cho sản lượng 4 tấn nhưng chỉ hái được 1,5 tấn hoặc 2 tấn mà thôi do tỷ lệ bỏ đi nhiều. Năm nay, thực hiện bao lưới, gần như 99% sản lượng thu hoạch đều bán được. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc bao lưới là vừa tăng năng suất vừa bán được giá cao.

“Mô hình bao lưới trung bình 1 sào đạt 4 tấn. Giá thành 12.000 đồng/kg. Khi không bao lưới, giá thành khoảng 7.000 đồng/kg. Giá thấp hơn mà sản lượng lại mất. Khi bao lưới sản lượng đạt cao, già thành lại tốt hơn”, ông Thắng cho hay.

Ông Phạm Minh Đèo ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn trồng gần 2 sào táo xanh. Theo ông Đèo, làm theo phương pháp truyền thống buộc phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ ruồi và sâu bệnh đục trái, nhưng kể từ khi dùng phương pháp bao lưới, táo thu hoạch gần như là táo sạch. Các vựa rất thích mua táo của ông vì trái vừa đẹp vừa ít phun thuốc.

Ông Đèo cho biết, từ ngày bao lưới, giá thành bán ra lúc nào cũng cao hơn, đó là chưa kể giảm đáng kể chi phí mua thuốc phun xịt trong vườn. Gia đình cảm thấy hiệu quả thực sự.

Nông dân ở huyện Ninh Phước thu hoạch táo xanh trong vườn.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết: Kỹ thuật bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo giúp giảm số lần phun thuốc xuống 6 lần, giảm đáng kể chi phí đầu tư của nhà vườn. Nhất là trái táo sau khi thu hoạch ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được đón nhận rộng rãi trên thị trường.

“Mô hình táo bao lưới sẽ giúp cho việc tiêu thụ dễ dàng hơn và giúp cho người tiêu dùng yên tâm để sử dụng táo xanh của Ninh Thuận. Bởi vì khi thực hiện mô hình này hoàn toàn đáp ứng được theo tiêu chuẩn VietGAP. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả không còn nữa do bà con không còn dùng thuốc bảo vệ thực vật như trước đây”, ông Dũng cho hay.

Ninh Thuận là tỉnh trồng táo xanh nhiều nhất nước với hơn 1.100ha. Từ một mô hình ban đầu chưa tới 2 sào ứng dụng bao lưới táo, sau một năm thử nghiệm, đến nay gần 200 hộ nông dân trồng táo đã tham gia mô hình bao lưới với tổng diện tích trên 60ha. Năng suất vườn bao lưới đạt từ 40-50 tấn/ha, gấp đôi so với phương pháp canh tác bình thường.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập đề án khoa học, nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh để tăng nguồn thu nhập cho người trồng táo./.

Việt Quốc/VOV-TPHCM

Nhãn chất lượng cao hướng tới xuất khẩu

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nhãn, đặc biệt là nhãn chín muộn, Hà Nội hình thành nhiều vùng nhãn chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... Không chỉ tạo hiệu quả kinh tế cho nông dân, nhãn an toàn còn mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Vườn nhãn chất lượng cao của gia đình anh Nguyễn Huy Hạnh ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai đạt chất lượng xuất khẩu.

Ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức), chủ vườn nhãn chín muộn hơn 1ha chia sẻ, 2 năm gần đây nhãn chín muộn của gia đình đều được thu mua để xuất khẩu. Năm nay tuy sản lượng giảm, song chất lượng nhãn tốt. Với hơn 1ha, nếu bán tại thị trường trong nước, gia đình dự kiến thu gần 1 tỷ đồng…

Tại vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Huy Hạnh ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), dù chưa vào chính vụ thu hoạch nhưng đã thấy dấu hiệu chất lượng nhãn tốt. Anh Hạnh cho hay: Năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, sản lượng nhãn giảm so với mọi năm. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, theo hướng dẫn của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội từ khâu bón phân, cắt tỉa, chăm sóc quá trình ra hoa, đậu quả… nên vườn nhãn vẫn sai quả và chất lượng khá tốt.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho hay: Nhãn chín muộn Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống: HTM1 và HTM2, có thời gian thu hoạch khoảng từ 20-8 đến 30-9, không trùng với khung thời vụ các loại nhãn khác. Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 600ha nhãn chín muộn, sản lượng 8.000-10.000 tấn, bình quân đạt 300-400 triệu đồng/ha, nhiều nhà vườn đạt từ 700 đến 1 tỷ đồng/ha. So với nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, diện tích nhãn của Hà Nội không lớn, song những giống nhãn đang trồng đều cho chất lượng tốt, bán được giá cao... Tuy nhiên, ngoài diện tích nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao, Hà Nội còn hơn 2.000ha nhãn giống cũ sản xuất theo quy mô hộ và chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật. Bởi vậy, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nhà vườn thay đổi phương pháp sản xuất, giống, kỹ thuật…

Với định hướng này, tới đây, vùng trồng nhãn chất lượng cao của Hà Nội sẽ tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, từ năm 2016, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật I cấp 2 mã vùng trồng nhãn chín muộn cho 2 xã: Song Phương, An Thượng (huyện Hoài Đức); năm 2019 bổ sung mã vùng trồng cho xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Qua phân tích về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nhãn được quy hoạch, 100% mẫu quả đạt chuẩn. Nhờ đó, năm 2016, 5 tấn nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội đã xuất khẩu thành công sang Malaysia; năm 2018, 18 tấn sang Mỹ, 1 tấn sang Ba Lan…

Theo nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Nguyễn Quốc Hùng, tuy sản lượng nhãn xuất khẩu của Hà Nội chưa lớn song đã khẳng định vị thế, có thể chiếm lĩnh nhiều thị trường kỹ tính trên thế giới. Mặt khác, việc hình thành những vùng nhãn xuất khẩu đã góp phần chuyển biến nhận thức của các nhà vườn trong áp dụng các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP… đồng thời, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ những nông sản an toàn, chất lượng cao.

BẠCH THANH

Trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể ‘Sả Tân Phú Đông’

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Sáng 29-8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông tổ chức Lễ công bố và trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Sả Tân Phú Đông” cho Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông.

Trao Giấy chứng nhận NHTT “Sả Tân Phú Đông”.

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Hữu Tước cho biết, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề tài “Tạo lập quản lý và quảng bá NHTT “Sả Tân Phú Đông” cho cây sả huyện Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang”, nông dân trồng sả ở huyện đã được sở hữu quyền sở hữu trí tuệ NHTT “Sả Tân Phú Đông”. Giấy chứng nhận NHTT được xem là điều kiện, là giấy thông hành để sản phẩm sả của huyện vươn đến các thị trường các nước trong khu vực và quốc tế.

Do đó, Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông cần xây dựng các phương án tổ chức, huy động, kêu gọi hỗ trợ từ nhiều nguồn lực để quản lý, phát triển nhãn hiệu. Đặc biệt, hội viên cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm duy trì uy tín của sản phẩm sả Tân Phú Đông trên thị trường…

Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHTT "Sả Tân Phú Đông" cho các hội viên Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông.

Đối với huyện Tân Phú Đông, sả là loại cây thích hợp để trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, nên việc tạo lập và bảo hộ NHTT “Sả Tân Phú Đông” là cơ hội để cây sả của huyện cù lao được giới thiệu, quảng bá; hình thành các chuỗi giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức về công tác quản lý, khai thác và sử dụng để phát huy giá trị, hiệu quả của NHTT “Sả Tân Phú Đông” trên thị trường.

Ngoài làm cây gia vị, sả còn được dùng để làm nấm sả, chiết suất tinh dầu.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.351 ha trồng sả, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Phú Đông. Những năm gần đây, nhiều diện tích trồng lúa không hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã chuyển sang trồng sả, lợi nhuận mang lại cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và đang được nông dân xen canh 1 - 2 vụ sả, 1 vụ lúa. Ngoài mục đích là cây gia vị, cây sả nơi đây còn được dùng để làm nấm sả, giá thể trồng cây, chiết suất tinh dầu.

LÝ OANH

Duy trì, phát triển thương hiệu ‘Trâu ngố Tuyên Quang’

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Hội Nông dân tỉnh đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần vào việc duy trì và phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.

Tháng 5-2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang” cho Hội Nông dân tỉnh. Nhãn hiệu được bảo hộ cho 3 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thịt trâu đã qua chế biến; nhóm trâu giống, trâu thịt (còn sống); nhóm mua bán trâu giống, trâu thịt (còn sống và thịt trâu đã chế biến). Sự kiện trên có ý nghĩa to lớn, là điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; thúc đẩy phát triển chăn nuôi ổn định, tăng thu nhập cho người nông dân. Nhãn hiệu tập thể tạo dựng nên thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.

Hội Nông dân tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành quy chế quản lý, đề ra những quy định, tiêu chuẩn, yêu cầu chặt chẽ đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh mới chấp thuận cho HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) được sử dụng nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”. Bởi, HTX đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, điều kiện và có quy trình liên kết chăn nuôi trâu an toàn sinh học theo chuỗi giá trị rất thành công từ khâu cung ứng con giống - cung cấp thức ăn - chăn nuôi - giết mổ tập trung tại lò mổ - chế biến sản phẩm - bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm cơ sở chế biến, đóng gói bảo quản sản phẩm thịt trâu của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành.

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết: Qua 1 năm, đơn vị đã chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”. Việc sử dụng đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế của HTX. Hiện nay, HTX đang ký hợp đồng liên kết chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm với hàng trăm hộ nông dân thông qua các HTX, tổ hợp tác ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... HTX đã xây dựng xưởng chế biến, đóng gói thị trâu tươi, thịt trâu khô tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Những sản phẩm từ thịt trâu đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, được đóng gói, có bao bì, nhãn mác, mã truy xuất nguồn gốc, mã vạch đảm bảo an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Ma Văn Va, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn trâu của gia đình,góp phần duy trì, phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.

Là một trong hàng trăm hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, ông Ma Văn Va, ở thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chia sẻ: Mỗi lứa ông nuôi từ 3-12 con trâu, bò thịt, sau 2 - 4 tháng đạt trọng lượng bán lại cho HTX, trừ mọi chi phí ông có lãi từ 2 - 5 triệu đồng/con. Nhận thấy hiệu quả, đầu năm 2019, ông mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư cải tạo hệ thống chuồng, tiếp tục mở rộng quy mô liên kết nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học. Thực tế, ông đang được hưởng lợi gián tiếp từ thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang” nên ông càng có ý thức trách nhiệm chăn nuôi an toàn, tạo sản phẩm trâu thịt chất lượng, chung tay giữ gìn và phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.

Với mục tiêu giữ vững và phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”, Hội Nông dân tỉnh đã có những giải pháp tích cực hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi trâu bằng việc ưu tiên 8,12 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân (chiếm gần ½ tổng nguồn quỹ) triển khai 23 dự án chăn nuôi trâu sinh sản, trâu vỗ béo. Theo đó, toàn tỉnh đã có 262 hộ nông dân được vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, mức vay từ 20 - 40 triệu đồng/hộ để đầu tư mua trâu giống, làm chuồng trại, trồng cỏ... phát triển chăn nuôi trâu.

Vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn 2019 - 2023, trong đó có sản phẩm "Trâu ngố Tuyên Quang". Nghị quyết đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và hội viên nông dân; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế tập thể nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và xúc tiến đầu tư, thương mại...

Bài, ảnh: Lý Thịnh

EU thay đổi quy định về kiểm dịch thực vật nông sản nhập khẩu từ Việt Nam

Nguồn tin:  Nhân Dân

Từ ngày 1-9-2019, Ủy ban châu Âu (EU) sẽ bắt buộc áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam.

Trước thay đổi quan trọng về kiểm dịch thực vật của EU, ngày 30-8, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Hoàng Trung ký ban hành công văn số 2393/BVTV-KD về việc thực hiện quy định kiểm dịch thực vật nhập khẩu của EU gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng trực thuộc để chủ động, nghiêm túc thực hiện.

Theo thông báo mới đây của EU quy định sửa đổi về kiểm dịch thực vật (Commission Implementing Directive (EU) 2019/523) có hiệu lực từ ngày 1-9-2019, sẽ bắt buộc áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước ngoài EU.

Để tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thực hiện kiểm tra các ô hàng xuất khẩu theo đúng quy định về kiểm dịch thực vật của EU.

Đối với các lô quả có múi và xoài tươi xuất khẩu, phải được sản xuất từ các vườn đã được cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra và bảo đảm không nhiễm ruồi đục quả. Thông tin về vườn không nhiễm ruồi hoặc thông số về xử lý phải được ghi vào Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật để bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng cần chủ động thông báo, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân xuất khẩu biết và tuân thủ các quy định kiểm dịch thực vật nhập khẩu mới được EU điều chỉnh. Bản thân các Chi cục trưởng cần quán triệt tới toàn thể cán bộ trong đơn vị và các trạm kiểm dịch thực vật ủy quyền trong vùng phụ trách thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung nêu trên, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo ngay về Cục Bảo vệ thực vật để kịp thời giải quyết.

PHÚC HUY

Bắt bọ cánh cứng bán cho thương lái: Hiểm họa khôn lường

Nguồn tin:  Sài Gòn giải Phóng

Thời gian gần đây, tại một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện thương lái thu mua bọ cánh cứng với giá cao khiến nhiều người đổ xô đi tìm bắt, thu gom bọ cánh cứng để bán kiếm lời.

Theo tìm hiểu, loại bọ cánh cứng mà thương lái thu mua ở tỉnh Kon Tum và một số địa phương khác ở Tây Nguyên có tên gọi là sâu đậu, sâu ban miêu, loại sâu này thường phá hoại đậu, bí, lúa nhưng số lượng không nhiều. Trước việc tìm bắt sâu đậu bán được tiền, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em đã đổ xô đi săn lùng.

Tuy nhiên, lợi ích kinh tế chưa thấy mà đã có một số trường hợp bị ngộ độc, bỏng nặng do tiếp xúc với loài bọ cánh cứng này. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong sâu ban miêu có độc tố cantharidin gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu... nên những người bị nhiễm độc do tiếp xúc với loại côn trùng này thường rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

Vài năm gần đây, trung tâm đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc sâu ban miêu mức độ rất nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Hầu hết trường hợp bị ngộ độc, nhiễm độc do tiếp xúc với bọ cánh cứng, việc điều trị rất khó khăn và phức tạp. Bởi hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới chưa có phác đồ điều trị có hiệu quả cao, điều trị thực tế tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất hiện có cũng như khả năng hồi sức của cơ sở y tế.

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc sâu ban miêu, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi lao động có tiếp xúc hoặc phải bắt loại sâu này thì cần sử dụng dụng cụ bảo vệ như đeo kính, găng tay, quần áo dài tay, tránh tiếp xúc trực tiếp da, đặc biệt tiếp xúc da trên diện rộng, mắt hay các vùng da mỏng. Nếu không may mắt tiếp xúc với sâu thì cần rửa ngay bằng nhiều nước kết hợp với chớp mắt trong nhiều phút, da tiếp xúc thì rửa bằng nhiều nước sạch với xà phòng. Hơn nữa cần chú ý, sâu và bọ xít có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loài có chất độc và rất dễ nhầm lẫn giữa loài có độc và không độc.

Nhiều trường hợp người dân ăn bọ xít nhưng nhầm hoặc có lẫn sâu ban miêu nên đã bị ngộ độc. Do vậy, người dân không được ăn sâu ban miêu vì sẽ gây ngộ độc nặng và tử vong. Một số người có dùng loại sâu này làm thuốc nhưng cũng đã gây ngộ độc nặng và tử vong. Đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hoạt động thu gom, mua bán, vận chuyển loại sinh vật cực kỳ độc hại này.

MINH KHANG

Cà Mau: Vườn chôm chôm trên đất phèn U Minh Hạ

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Chôm chôm vốn là loại cây ăn trái chỉ thích hợp với vùng đất ngọt phù sa, đất thịt pha cát hoặc đất đỏ bazan, có khả năng thoát nước tốt. Vậy mà ở xứ U Minh Hạ, lão nông Trần Thanh Sử (Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã đem loại cây này về trồng hơn 15 năm qua. Mặc dù được trồng trên vùng đất phèn, cây chôm chôm vẫn bén rễ, đơm hoa, kết trái mỗi khi đến vụ mùa.

Ghé vào vườn chôm chôm đang chín đỏ, cái sịa và cây bẹo bán chôm chôm để trước nhà, vừa bán xong cho mấy người khách, ông Sử cười: “Cũng may, đợt mưa gió vừa rồi vườn chôm chôm không bị ảnh hưởng gì. Trái chưa kịp chín là đã có người đặt chừa lại cho họ đãi đám rồi. Có bữa để sịa chôm chôm trước nhà, người ta đi qua đi lại không mà bán được cả trăm kí, chưa kể đi giao nữa, có mấy mối ngoài chợ dặn lấy sỉ mà mình không có số lượng nhiều”.

Trên vùng đất phèn U Minh Hạ, vườn chôm chôm của ông Năm Sử vẫn cho trái hơn chục năm qua.

Ông Sử kể, từ năm 1993, ông về đây sinh sống. Lúc đó, cha ông đã trồng thử cây chôm chôm trên vùng đất này. Thấy cây vẫn sống và cho trái, vài năm sau, ông lên Bến Tre mua 40 gốc chôm chôm về trồng trên diện tích 2 ngàn mét vuông. Ông cũng học hỏi kỹ thuật trồng của nhà vườn để cây có thể sinh trưởng trên vùng đất nơi đây.

Ban đầu ông Sử cải tạo đất phèn, lên liếp cao khoảng 1 m để cây không bị ngập úng vào mùa mưa, khoảng cách giữa các cây từ 8-10 m. Sau 3 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho trái. Mỗi vụ chôm chôm đạt năng suất từ 700 kg đến 1 tấn (tuỳ năm). Với giá bán từ 15-20 ngàn đồng/kg, mỗi năm ông thu về gần 20 triệu đồng. Ông Sử chia sẻ: “Mùa chôm chôm ở đây trễ hơn những vùng trên khoảng 1 tháng. Vài năm trở lại đây, mặc dù có giá nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, độ phèn cao, thiếu nước ngọt để tưới nên chôm chôm cho năng suất không cao như lúc trước. Vườn chôm chôm này cũng lâu năm rồi, muốn năng suất cao mình phải tỉa lại cây, đầu tư hệ thống tưới, phải tốn chi phí hơn 100 triệu đồng”.

U Minh Hạ là vùng sản xuất nông lâm kết hợp, chủ yếu trồng tràm và lúa. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sản xuất lúa không hiệu quả do đất phèn nặng, thời tiết thất thường nên người dân chuyển dần sang trồng tràm và cây ăn trái. Vì vậy, đây được xem là vườn chôm chôm đầu tiên xuất hiện ở Cà Mau. Mặc dù khâu chăm sóc, điều kiện phát triển của cây không được thuận lợi, nhưng vườn chôm chôm của ông Sử không sử dụng phân thuốc hoá học nên chất lượng trái giòn ngọt, an toàn, được mọi người ưa chuộng, thậm chí không đủ để bán. Hiện tại, ông Sử đã san lấp đất, lên liếp để chuẩn bị mở rộng thêm diện tích trồng giống chôm chôm mới Tiến Cường cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, ông dự kiến trồng thêm sầu riêng và măng cụt, hướng tới phát triển du lịch nhà vườn.

Có thể nói, đây là tín hiệu vui mở hướng cho nông dân trên vùng đất phèn mặn này. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp giúp nông dân nâng cao hiệu quả, góp phần đa dạng mô hình kinh tế ở địa phương, nhất là khi loại hình du lịch sinh thái miệt vườn đang phát triển như hiện nay./.

Mơ Thảo - Nhật Minh

Bến Tre: Định danh thương hiệu sầu riêng Cái Mơn

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đang nhắm đến việc liên kết lớn trong sản xuất sầu riêng để có sản lượng tập trung và quy trình sản xuất thống nhất. Bên cạnh đó, một luồng ý kiến khác rẽ sang hướng “nâng cao chất lượng để trái sầu riêng Cái Mơn có giá tốt hơn và giữ vững được thương hiệu”.

Sầu riêng Bến Tre được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: K.Minh

Khác biệt nhờ chất lượng

Dân gian vẫn thường ví von hai loại trái cây tiêu biểu được nhiều người biết đến bằng câu “Nam có sầu riêng, Bắc có vải thiều”. Đến nay, danh tiếng sầu riêng ở miền Nam được người dân trong nước biết đến nhiều nhất vẫn là sầu riêng Cái Mơn. “Trải qua hơn 100 năm, sầu riêng Cái Mơn đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, có uy tín trên thị trường cả nước, được đánh giá cao về chất lượng, hơn hẳn các giống sầu riêng trồng ở các nơi khác về vị ngọt, hương thơm cũng như số lượng múi của trái”, kỹ sư Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách khẳng định.

Ông Lê Văn Đơn được nhiều nông dân trồng sầu riêng trong huyện biết đến với vai trò là nhà khoa học, nhà quản lý chuyên về cây sầu riêng. Ông còn là người đặt nền móng cho sự ra đời của Câu lạc bộ (CLB) sầu riêng Chợ Lách. CLB này quy tụ ban đầu khoảng 25 nông dân, đến nay là hàng trăm nông dân chuyên sản xuất sầu riêng ở huyện Chợ Lách. Mỗi tháng sinh hoạt một lần, CLB hội tụ nhiều thành phần như: nhà khoa học - họ là cố vấn kỹ thuật cho nông dân, nông dân - những người cung cấp kinh nghiệm giúp nhà khoa học phát triển các nghiên cứu của mình đối với cây sầu riêng.

Có ba loại sầu riêng được trồng nhiều ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là sầu riêng hạt lép Chín Hóa, sầu riêng Monthong được du nhập từ Thái Lan và sầu riêng Ri6 được bình tuyển, chọn lọc với những tính tốt, đặc trưng. Riêng với vùng đất Cái Mơn, hai giống sầu riêng Ri6 và Monthong lại một lần nữa tạo nét độc đáo riêng so với những vùng đất khác. Điều này đã được khẳng định từ các chuyên gia trong tạo lập chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn.

Kết quả phân tích cho thấy sầu riêng giống Ri 6, Monthong trồng tại Cái Mơn - Chợ Lách thể hiện sự vượt trội về tỷ lệ cơm so với giống cùng loại được trồng ở nơi khác. Các chỉ tiêu về năng lượng, độ brix, protein, chất béo, ẩm độ và vitamin C của cơm sầu riêng trồng tại vùng đất Cái Mơn đều khác biệt có ý nghĩa ở mức 5%. Các khoáng chất (Ca, K, Na) trong cơm sầu riêng cũng đều cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê ở độ tin cậy 95% (P < 0,05) so với quả được lấy mẫu tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Lý giải sự vượt trội về chất lượng trái sầu riêng trồng trên vùng đất Cái Mơn, ông Đơn nói: “Các chuyên gia cho rằng vùng trồng sầu riêng Cái Mơn thuộc vùng đất cao ven sông Hàm Luông và Cổ Chiên có nguồn phù sa sông Tiền màu mỡ đã góp phần tạo nên hương vị đặc sắc của cây trái nói chung và quả sầu riêng Cái Mơn nói riêng”.

Chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn

Sự vượt trội của sầu riêng Cái Mơn đến nay vẫn chưa giúp cho loại trái cây đặc sản tìm được chỗ đứng thực sự. Sầu riêng Cái Mơn có thể bị lẫn lộn với các loại sầu riêng khác, nó chưa được định danh chính thức và vẫn là một “vị vua không ngai”. Sầu riêng Cái Mơn đang khát khao được chính danh. Từ đó, nông dân huyện Chợ Lách có thể mở ra một hướng đi mới, thêm một đầu ra cho sầu riêng Cái Mơn.

Từ góc độ cá nhân, kỹ sư Trần Công Tín - cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách bày tỏ: “Sầu riêng Cái Mơn hay sầu riêng Chợ Lách cần phải được công nhận danh tính để phân biệt với các sản phẩm nơi khác. Từ đó, xây dựng kênh tiêu thụ riêng phù hợp với quy mô sản xuất”.

Năm 2018, Bến Tre có diện tích sầu riêng khoảng 2 ngàn ha, diện tích đang cho trái 1.500ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha, sản lượng 18 ngàn tấn. Tập trung ở các xã của huyện Chợ Lách và một số xã của huyện Châu Thành. So với cả nước, diện tích sầu riêng ở Bến Tre chiếm rất nhỏ trong khoảng 30 ngàn ha diện tích sầu riêng của cả nước (số liệu năm 2018). Diện tích sầu riêng ở tỉnh đã ít, lại thêm quy trình canh tác theo quy cũ, dẫn đến chất lượng trái không đồng đều. Sự ra đời của CLB sầu riêng Chợ Lách đã giúp nông dân Chợ Lách thay đổi tư duy sản xuất. Lão nông Nguyễn Văn Bé - Tổ trưởng Tổ sầu riêng VietGAP ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B nói: “Sản xuất sầu riêng hiện nay chủ yếu dùng phân hữu cơ và sinh học, có như vậy thì việc sản xuất mới bền vững. Chúng tôi mong muốn sầu riêng Chợ Lách được cấp chỉ dẫn địa lý, để sầu riêng của mình có giá cả ổn định khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang tập trung xác lập lại chỉ dẫn địa lý cho trái sầu riêng Cái Mơn. “Hồ sơ đã hoàn chỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đang đệ trình lên cấp thẩm quyền xem xét để cấp chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn” - ông Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách thông tin. Việc cấp chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn sẽ mở ra cho loại trái cây này một hướng đi mới thay vì chỉ bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch; nó còn làm thay đổi cả quy trình canh tác sầu riêng vốn trước nay chưa được thống nhất.

Sầu riêng là một trong 12 loại cây trồng đã được Bộ NN&PTNT đưa vào quy hoạch trồng tập trung ở Nam Bộ. Ở huyện Chợ Lách, sầu riêng là cây trồng chính với diện tích hơn 1.200ha và trong định hướng phát triển đến 2020 sẽ tăng từ 10 - 15% diện tích trồng sầu riêng. Sầu riêng phần lớn được trồng theo hình thức thâm canh, rải vụ khá triệt để.

Thạch Thảo

Sản xuất hồ tiêu đạt chuẩn quốc tế ở trang trại Duy Hùng

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Có hơn 15 ha hồ tiêu, nhiều năm nay trang trại Duy Hùng (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) được biết đến là một địa chỉ phát triển nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất nông nghiệp tốt (Global GAP). Mới đây, trang trại được chọn là một trong những điểm đến trong tuyến du lịch Công viên địa chất Đắk Nông.

Trang trại Duy Hùng cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 10 km. Trang trại có địa hình thoai thoải, nằm trên sườn núi, phía dưới có dòng suối nhỏ uốn lượn, tạo nên phong cảnh đẹp mắt. Những hàng hồ tiêu trồng bên cây trụ sống được chủ trang trại quy hoạch theo lô, thửa thẳng lối. Hệ thống tưới nước, bón phân đều được chủ trang trại đầu tư bài bản và hầu hết là tự động.

Hồ tiêu chỉ thu hoạch khi đạt tỷ lệ trái chín đỏ trên 90%

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu, anh Phạm Thuận, chủ trang trại Duy Hùng cho biết, gia đình anh bắt đầu gây dựng cơ ngơi ở đây từ năm 2015. Thời điểm đó, giá hô tiêu đang ở đỉnh cao, khoảng 200.000 đồng/kg, nhưng gia đình xác định quy hoạch bài bản để trồng cây nông nghiệp một cách ổn định, lâu dài chứ không chạy theo phong trào. Cụ thể, thay vì đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích hóa học để cây nhanh phát triển, nhanh cho thu hoạch, gia đình anh đã sản xuất tiêu thuận theo tự nhiên. Cụ thể là chuyên sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ các chế phẩm sinh vật để chăm sóc tiêu.

Một bí quyết khác là trang trại rất chú trọng khâu xử lý đất đai trước khi xuống giống. Trước khi trồng tiêu, gia đình anh Thuận đã lấy mẫu đất và nước tưới gửi đi xét nghiệm, phân tích các yếu tố, thành phần dinh dưỡng. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, phân tích, gia đình anh đã điều chỉnh, xử lý các thành phần, các chất có trong đất, nước để phù hợp với cây tiêu. Việc lựa chọn cây giống cũng là khâu được thực hiện rất kỹ càng. Trang trại mua cây giống ở các địa chỉ cung ứng giống được cơ quan chuyên môn chứng nhận đạt chuẩn.

Hệ thống tưới nhỏ nước, bón phân nhỏ giọt giúp trang trại tiết kiệm nhân công, cân đối dinh dưỡng

Điểm đáng chú ý là trang trại kết hợp chăn nuôi với trồng trọt theo hình thức “tuần hoàn”. Thức ăn của khoảng 30-40 con dê được lấy từ các loại cây trồng làm trụ sống cho tiêu leo như mít, goòng, cây trồng xen trong vườn. Phân dê được ủ hoai mục bón lại cho cây. Việc này không chỉ giúp gia đình tiết kiệm được chi phí phân bón mà con bảo đảm nguồn phân chất lượng, an toàn cho cây, giúp đất không bị xơ cứng.

Trong quy trình chăm sóc tiêu, gia đình anh Thuận hầu như ít tác động vào bộ rễ. Toàn bộ quy trình và các sản phẩm sử dụng chăm sóc tiêu đều được ghi chép cẩn thận. Đây là cơ sở để trang trại đánh giá tình hình sinh trưởng, thích nghi của cây để có sự điều chỉnh phù hợp.

Trang trại nuôi đàn dê khoảng 30-40 con chủ yếu để lấy phân bón cho hồ tiêu

Giống tốt, chăm sóc đúng quy trình theo hướng hữu cơ, sinh học nên vườn hồ tiêu ít khi bị bệnh, cây phát triển xanh tốt, đạt năng suất khoảng 3 tấn/ha. Anh Thuận cho biết, so với cách đầu tư truyền thống, năng suất vườn tiêu của gia đình không cao. Nhưng đổi lại vườn cây có sức đề kháng tốt với dịch bệnh, không xảy ra tình trạng năm được mùa năm mất. Trang trại được Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà (Bắc Ninh) chứng nhận “Đạt tiêu chuẩn hộ nông dân sinh thái”. Đặc biệt trang trại đã được công nhận đạt các tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).

Toàn bộ sản phẩm tiêu của trang trại đều được Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà thu mua với mức giá ổn định và luôn cao hơn mặt bằng thị trường. Cụ thể, nếu như các năm 2018, 2019 giá hồ tiêu ở mức 40.000- 50.000 đồng/kg thì giá bán của trang trại Duy Hùng là 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, hàng năm gia đình cũng thu về mức lãi hàng tỷ đồng. Quan trọng hơn, sản phẩm của đơn vị luôn vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn về gia vị của các hiệp hội gia vị quốc tế, xuất khẩu đến nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á…

Theo Bộ Nông nghiệp - PTNT, Global GAP (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Global Good Agricultural Practice), có nghĩa là thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu. Mục tiêu cơ bản của Global GAP là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, an toàn, sức khỏe, phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường. Global GAP có 252 tiêu chuẩn, bao gồm 36 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận và có 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện. Để đạt chứng nhận Global GAP, người sản xuất phải chứng minh các sản phẩm của mình được canh tác tuân thủ các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn như: Độ an toàn, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm; Thân thiện với môi trường (bao gồm sự đa dạng sinh học); Điều kiện làm việc, sức khỏe và an toàn lao động của người sản xuất; Cách thức nuôi dưỡng và điều kiện sinh sống của vật nuôi; Các tiêu chuẩn về “Quản lí cây trồng tổng hợp” (ICM), “Quản lí dịch hại tổng hợp” (IPC), “Hệ thống quản lí chất lượng” (QMS), và “Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” (HACCP).

Cũng theo anh Thuận, việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không khó, nhưng đòi hỏi nhà nông phải có tâm huyết, có mục tiêu đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe cộng đồng. “Sản xuất theo quy trình sinh thái, người nông dân không chỉ được lợi về kinh tế mà còn có lợi cho môi trường khi đất đai, nguồn nước được bảo vệ, không khí trong lành. Sản xuất nông nghiệp sạch giảm thiểu các tác động xấu từ biến đổi khí hậu, người lao động có sức khỏe, tinh thần tốt nên gắn bó, tâm huyết với công việc”, anh Thuận khẳng định.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Sóc Trăng: Trao chứng nhận VietGAP cho lúa Tài nguyên Thạnh Trị

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Ngày 30-8, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Sóc Trăng phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Thạnh Trị tổ chức trao Chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bào Cát, thị trấn Hưng Lợi (Thạnh Trị) về giống lúa Tài nguyên Thạnh Trị.

HTX Nông nghiệp Bào Cát vui mừng, phấn khởi khi nhận Chứng nhận VietGAP.

HTX Nông nghiệp Bào Cát với giống lúa Tài nguyên Thạnh Trị có diện tích được trao Chứng nhận VietGAP là 38,5ha. Trước khi được trao chứng nhận, HTX đã được ngành chuyên môn đánh giá thực trạng canh tác, thu hoạch và phân tích nguy cơ ô nhiễm sản phẩm tại vùng trồng. Đồng thời, khi triển khai canh tác theo quy trình VietGAP, HTX được hỗ trợ kho chứa vật tư nông nghiệp, xây dựng nhà vệ sinh, điểm pha thuốc tập trung, tủ thuốc y tế, bảo hộ lao động; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng hệ thống tài liệu và hồ sơ theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng quy trình canh tác cho mô hình VietGAP.

Bên cạnh đó, HTX còn được ngành chuyên môn đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo đúng quy trình VietGAP và qua quá trình sản xuất, hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn so sản xuất lúa thường gần 2,3 triệu đồng/ha.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Huỳnh Ngọc Hạp cho biết, việc triển khai thực hiện mô hình đạt chứng nhận VietGAP trên lúa Tài nguyên Thạnh Trị nhằm thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo hướng tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Qua đó, mở rộng dần diện tích lúa Tài nguyên Thạnh Trị đạt tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững, tăng thu nhập cho người canh tác lúa tài nguyên.

Thúy Liễu

Bến Tre xuất hiện cúm gia cầm H5N6

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 1-9, Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy đàn gà trên 1.000 con của một hộ chăn nuôi tại xã Thành Thới B (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre).

Cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh

Theo thông tin từ ngành chức năng của tỉnh, trước đó, ngày 27-8, đàn gà trên 1.000 con của hộ gia đình ông Mai Trọng Hữu (ở ấp An Trạch Tây, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam) có hiện tượng gà bị ủ rũ, bệnh cúm, sau đó chết hàng loạt. Ông Hữu đã báo với nhân viên thú y địa phương.

Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả đàn gà trên dương tính với virus H5N6 và lập tức đã tiêu hủy đàn gà bị nhiễm virus; đồng thời phun xịt hóa chất, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và theo dõi để thực hiện các giải pháp phòng chống, ngăn chặn kịp thời.

Được biết, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút…

TÍN HUY

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop