Phát triển thương hiệu bưởi lông Cổ Cò
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Là một trong ba giống bưởi có diện tích và sản lượng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, bưởi lông Cổ Cò trồng từ lâu đời ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tuy vậy, để đặc sản trái cây này thực sự có thị trường ổn định trong nước lẫn xuất khẩu đòi hỏi có nhiều nỗ lực hơn nữa trong quy hoạch vùng nguyên liệu, hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Dán nhãn cho bưởi lông Cổ Cò ở HTX Mỹ Lương.
Theo thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội làm vườn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, bưởi lông Cổ Cò có nguồn gốc từ một cây bưởi hiếm được trồng sau nhà một điền chủ của ông Cai Huỳnh ở rạch Cổ Cò (thuộc địa phận 2 ấp Đông Thạnh và An Lạc - nay là xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè). Tên "bưởi lông" là do mọi người thấy bên ngoài trái bưởi có lớp lông tơ mịn bao phủ. Trái có dạng hình quả lê, nặng trung bình 0,9 - 1,4 kg/trái; khi chín, vỏ có màu xanh vàng dễ lột và khá mỏng (13 - 16mm); ruột hồng nhạt; nước khá nhiều, vị ngọt đến chua nhẹ, mùi thơm và ít hạt. Với đặc điểm cho trái quanh năm, năng suất cao, bưởi lông Cổ Cò đang được nhà vườn ở khu vực này duy trì và mở rộng diện tích… Sau đó, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lập hồ sơ xác định cây đầu dòng của giống bưởi lông Cổ Cò 47 năm tuổi có chu vi gốc 1,3 mét, bán kính tán cây 11 mét tại nhà ông Nguyễn Văn Tôn (còn gọi là Hai Tôn) ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè.
Ngày 29-12-1999, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Lương (gọi là HTX Mỹ Lương) được thành lập và đến ngày 2-4-2003, UBND huyện Cái Bè cấp phép bổ sung ngành nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Từ năm 2004, HTX Mỹ Lương đã "gắn mác", đăng ký nhãn hiệu và kinh doanh bưởi lông Cổ Cò. Bằng tâm huyết của những người dân gắn bó với cây bưởi này, lúc bấy giờ, Ban Chủ nhiệm HTX chào hàng khắp nơi. Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm bưởi lông Cổ Cò có mặt tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thị Metro đăng ký độc quyền để thu mua và cung cấp cho thị trường thành phố. Tại Hà Nội, HTX cung cấp sản phẩm bưởi lông Cổ Cò cho 13 siêu thị. Ngoài ra, HTX Mỹ Lương còn mạnh dạn đăng ký gian hàng ở 17 hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Bưởi lông Cổ Cò đã được HTX đưa đi triển lãm và nhiều lần bán ra thị trường nước ngoài. Theo ông Huỳnh Nguyên Anh, Giám đốc HTX Mỹ Lương, quy mô tiêu thụ của HTX mỗi tháng hiện đã từ 30 - 50 tấn trái cây các loại.
Thực tế cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế, trái cây nếu không tổ chức sản xuất theo quy trình đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao sẽ gặp nhiều khó khăn khi xâm nhập thị trường nước ngoài. Ông Lê Văn Tư, xã viên HTX Mỹ Lương, cho biết: "Qua theo dõi thông tin thời sự cũng như các buổi sinh hoạt của HTX, bà con xã viên đều có suy nghĩ và ý thức về sản xuất và xuất khẩu các loại trái cây đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Do đó, chúng tôi đã có ý thức về kỹ thuật canh tác trái cây theo hướng hạn chế sử dụng các chế phẩm hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để sản xuất trái cây ngon và an toàn". Ông Nguyễn Văn Giàu, ngụ xã Mỹ Đức Tây, người có kinh nghiệm trồng bưởi lông Cổ Cò, cho biết: Nhà vườn trồng bưởi thường xuyên tham khảo kỹ thuật về cây trồng có múi trên các phương tiện thông tin đại chúng để rút ra những phương pháp và kỹ thuật áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn. Việc làm này cũng nhằm đảm bảo trái cây sản xuất đáp ứng được các nhu cầu xuất khẩu của các thị trường.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, toàn huyện hiện có 1.500ha bưởi, trong đó bưởi lông Cổ Cò chiếm gần 1.000 ha, tập trung ở các xã: Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, Mỹ Lương… Thời gian qua, huyện đã tăng cường hỗ trợ cho bà con nhà vườn về vốn, cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là hỗ trợ nông dân ở các xã xây dựng nông thôn mới phát triển diện tích bưởi lông Cổ Cò. Cụ thể: Năm 2014 và 2015, huyện đã đầu tư cho nông dân giống bưởi lông Cổ Cò trên diện tích 40ha. Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, cho biết: Ngành nông nghiệp huyện tập trung nhiều giải pháp để hình thành vùng chuyên canh các loại cây ăn trái chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đối với cây bưởi lông Cổ Cò, huyện đang triển khai các hợp phần của chương trình phát triển toàn diện, như: đánh giá vùng thích nghi có chỉ dẫn địa lý làm cơ sở quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh; cải tạo trẻ hóa vườn già cỗi để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; chọn lọc cây đầu dòng và xây dựng vườn giống đầu dòng để nhân giống phục vụ mở rộng vùng chuyên canh… Kết quả đến nay đã triển khai dự án khôi phục vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò, cung cấp giống từ cây đầu dòng chất lượng tốt với số hộ được hỗ trợ thực hiện bước đầu là 173 hộ với 37,9ha tập trung tại các xã Mỹ Lương, An Thái Đông và Mỹ Đức Tây…
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung triển khai các giải pháp để phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái. Theo đó, ngành nông nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ giống trên cơ sở vườn cây đầu dòng hiện có, để đạt diện tích 3.000 ha vườn chuyên canh theo quy hoạch. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... hướng đến lợi nhuận vườn cây ăn trái đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm.
Nguyễn Phùng Long
Ồ ạt chặt cà phê để trồng chanh dây
Nguồn tin: Người Lao Động
Nhiều thương lái mua chanh dây bán sang Trung Quốc với giá cao đã khiến người dân ở Gia Lai ồ ạt chặt cà phê để trồng chanh dây
Thời gian qua, nhiều người dân ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai và một số vùng lân cận đã hối hả xuống giống trồng chanh dây để xuất bán sang Trung Quốc (TQ). Trong khi đó, chính quyền địa phương lúng túng trong việc định hướng loại cây trồng này cho người dân.
Người dân chặt bỏ cà phê để trồng chanh dây tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai
Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang, cho biết huyện này đã có hơn 180 ha chanh dây. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, diện tích chanh dây đã tăng thêm 50 ha và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Để có đất trồng chanh dây, nhiều diện tích cà phê đã bị đốn hạ. Dọc Quốc lộ 19, đoạn qua huyện Mang Yang, hàng chục hecta cà phê đã bị phá bỏ.
Vừa thu hoạch xong, ông Nguyễn Văn Thức (ngụ xã Đắk Jrăng, huyện Mang Yang) đã chặt 300 gốc trong tổng số 1.500 gốc cà phê của mình để đầu tư trồng chanh dây. “Trồng cà phê một năm mới thu hoạch một lần mà giá chỉ bằng phân nửa so với chanh dây. Trong khi đó, cây chanh chỉ mất 6 tháng là cho trái, khi đến vụ thì 2 ngày thu hoạch một lần. Tính ra, trồng chanh dây lời gấp 4 lần trồng cà phê” - ông Thức tính toán. Tuy lãi nhiều nhưng trái này chỉ được thương lái mua xuất sang TQ nên ông Thức cũng rất lo ngại, không dám chặt hết vườn cà phê chuyển sang trồng chanh dây.
Gần nhà ông Thức, thấy các con mượn đất từ Cụm Công nghiệp - Tiểu Thủ công nghiệp huyện Mang Yang để trồng chanh dây có lãi lớn, ông Hoa Văn Trung cũng quyết định chặt 400 gốc cà phê để trồng chanh dây. Hai người con của ông Trung trồng 230 gốc chanh dây, cứ 2 ngày thu hoạch một lần bán được 6 triệu đồng. Chị Hoa Thị Luyến (con ông Trung) hồ hởi khoe vườn chanh dây mới trồng 7 tháng nhưng đã thu hoạch được 2 tháng. “Làm cà phê mồ hôi chưa khô tiền đã hết nên không khá nổi. Tôi đã đặt mua 2 thùng giống chanh dây từ Đài Loan với giá 7,2 triệu đồng, đang chờ gửi về để trồng tiếp” - chị Luyến nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc người dân phát triển tự phát cây chanh dây nhưng chỉ phụ thuộc vào thị trường TQ thì rủi ro cao, giá cả sẽ không ổn định. Bà Nguyễn Thị Sen, một thương lái chanh dây ở huyện Mang Yang, kể: “Bình quân mỗi ngày mua từ 2 - 3 tấn chanh về tách lấy hạt đóng thùng xuất sang TQ. Có lúc giá chỉ 8.000 đồng/kg nhưng hiện trên 20.000 đồng/kg. Nếu thương lái TQ không mua nữa thì tôi cũng dừng. Người trồng chanh dây khi đó sẽ phải chuyển sang trồng cây khác hoặc quay lại trồng cà phê”.
Theo ông Phạm Ngọc Cơ, nguyên nhân người dân đổ xô vào trồng chanh dây vì đây là cây “siêu lợi nhuận”. Đầu tư hơn 100 triệu đồng/ha, thu hoạch bình quân cũng được hơn 1 tỉ đồng. Một nguyên nhân khác là người trồng cà phê rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay do ngân hàng đòi hỏi quy trình vay rất chặt chẽ. “Rất khó thực hiện quy hoạch loại cây trồng vì phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Ngay cả cây cao su, khoai mì cũng bán sang thị trường TQ là chủ yếu. Người dân thấy trồng cây gì có lợi thì họ trồng, không cản được” - ông Cơ chia sẻ.
Xây dựng cả nhà máy chế biến
Ông Lê Lợi, Chánh Văn phòng UBND huyện Mang Yang, cho biết đã có một doanh nghiệp đang xin xây dựng nhà máy chế biến chanh dây trên địa bàn. Chủ trương của UBND huyện là đồng ý. Về đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp tự lo cho người trồng. Việc ồ ạt chặt cà phê trồng chanh dây tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Hoàng Thanh
Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp tập kết trên 130 tấn trái cây/ngày
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Trong tháng 2/2016, chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp luân chuyển hơn 130 tấn trái cây các loại mỗi ngày, nhiều nhất là xoài, cam, quít, bưởi, ổi, chuối và nhãn. Hiện nay, chợ đầu mối đã thu hút 40 thương nhân vào đầu tư, xây dựng 53 nhà vựa kinh doanh mua bán trái cây.
Ông Huỳnh Thanh Hồng - Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp cho biết, ngoài tiêu thụ trái cây trong tỉnh, chợ đầu mối còn thu mua một số hàng nông sản ngoài tỉnh và trái cây nhập khẩu thông qua chợ rồi phân phối về các chợ, sạp bán lẻ. Riêng năm 2015, sản lượng trái cây buôn bán thông qua chợ lên tới hơn 50.000 tấn trái cây các loại.
Hiện hoạt động của chợ ổn định với lượng hàng hóa vào chợ đạt hơn 100 tấn mỗi ngày, tạo việc làm cho hơn 400 lao động tại địa phương.
Thành Ngưỡng
Mường Khương (Lào Cai): Hơn 300 ha chuối bị thiệt hại do rét đậm, rét hại
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Chịu ảnh hưởng lớn do đợt rét đậm, rét hại và băng tuyết xảy ra vào cuối tháng 1/2016, khi thời tiết chuyển ấm, 327 ha chuối trên địa bàn huyện Mường Khương (Lào Cai) bị héo vàng và chết.
Chuối tại thôn Na Lốc xã Bản Lầu bị ảnh hưởng nặng nề.
Người dân trên địa bàn, cho biết: Hiện tượng cây chuối bị héo rũ toàn bộ phần lá, hoa xảy ra vào giữa tháng 2, khi xuất hiện những đợt nắng ấm sau đợt rét kỷ lục cuối tháng 1/2016. Bên cạnh đó, do nhiệt độ thay đổi đột ngột trong ngày từ lạnh sang nóng, trong khi phần lá bị tổn thương bởi rét đậm chưa thể phục hồi khiến phần lá non bị héo rũ, những cây đang ra hoa chết toàn bộ.
Trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có gần 500 ha chuối, tập trung chủ yếu tại xã Bản Lầu và Nậm Chảy. Ngành nông nghiệp huyện đang tiến hành rà soát lại diện tích thiệt hại và đề xuất lên UBND tỉnh phương án hỗ trợ cho người dân. Người dân đã chủ động chặt bỏ những cây chuối bị chết và chăm sóc để cây lên mầm mới. Với diện tích không thể phục hồi, người dân trồng mới hoặc chuyển sang trồng cây khác để thay thế.
THÚY PHƯỢNG
Xã Quang Minh (Chơn Thành, Bình Phước): Nông dân trồng ổi làm giàu
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Thời điểm này, một số hộ nông dân ở xã Quang Minh (Chơn Thành, Bình Phước) đang tất bật với việc chăm sóc, bao trái và thu hoạch ổi (giống Đài Loan). Chỉ với 1 ha ổi, nông dân thu nhập trên 270 triệu đồng mỗi năm.
Vườn ổi của gia đình anh Phạm Văn Lai cho hiệu quả kinh tế cao
Vườn ổi của gia đình anh Phạm Văn Lai, ấp Sóc Ruộng 3, xã Quang Minh những ngày này đang thu hoạch rộ. Anh Lai cho biết: “Đầu năm 2014, tôi tham quan mô hình trồng ổi của người bạn ở tỉnh Đồng Nai. Thấy rất hiệu quả nên tôi chuyển sang trồng 1 ha giống ổi Đài Loan, gồm 470 gốc. Nhờ phương pháp ghép mắt, chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay vườn ổi của gia đình tôi cho nhiều trái”. Anh Lai cho hay, đây là giống ổi mới, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch là 7 tháng và cho thu hoạch quanh năm. Muốn ổi đạt chất lượng cao, cho quả to, phải chăm bón từ lúc mới ra hoa. Khi trái ổi to bằng ngón tay cái (2cm) dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi ni-lon bọc kín bên ngoài nhằm hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục trái. Khoảng một tháng sau khi bọc trái có thể thu hoạch. Hiện trung bình một tháng với 1 ha ổi, gia đình anh Lai cho thu hoạch 3 tấn trái, với giá 10 ngàn đồng/kg, thu nhập 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 25 triệu đồng. Bình quân gia đình anh Lai thu từ 1 ha ổi khoảng 270 triệu đồng/năm.
Tương tự, gia đình chị Đào Thị Nhàn, cùng ở ấp Sóc Ruộng 3, đầu năm 2014 trồng khoảng 1,5 ha ổi Đài Loan. Năm nay trúng mùa, được giá, gia đình chị Nhàn thu hoạch khoảng hơn 50 tấn trái, trừ chi phí cho lãi hơn 370 triệu đồng. Chị Nhàn cho biết: “Giống ổi Đài Loan có ưu điểm ăn giòn, vị ngọt đậm, hình thức đẹp nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, cây rất dễ trồng, ra trái quanh năm, trên cây lúc nào cũng vừa có hoa vừa có trái non và trái cho thu hoạch, mang lại thu nhập hằng ngày cho gia đình tôi. Đầu ra của ổi rất dễ, thương lái từ TP. Hồ Chí Minh đến tận vườn đặt mua, bao nhiêu cũng hết”.
Ông Trần Văn Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Minh cho biết: “Hiện toàn xã có 5 hộ nông dân trồng ổi Đài Loan với tổng diện tích hơn 5 ha. Qua nắm bắt thực tế tình hình sản xuất của người dân thì mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra thuận lợi. Hội Nông dân xã đã chọn đây là mô hình điểm để định hướng cho nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng giống ổi này”.
Đỗ Trình
Bình Thuận: Gia tăng bệnh vàng cành, cháy cành trên thanh long
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến thời điểm này, tổng diện tích cây thanh long bị nhiễm bệnh vàng cành, cháy cành là 3.463 ha, tăng 326 ha so với tuần trước và tăng 1.953 ha so với cùng kỳ năm 2015, phân bố trên toàn vùng. Riêng bệnh đốm nâu, diện tích nhiễm 524 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ, giảm 721 ha so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh tập trung ở huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình (Bình Thuận). Ngoài ra, bệnh thối cành, thối trái non có diện tích nhiễm 1.157 ha, giảm 271 ha so với tuần trước và tăng 688 ha so với cùng kỳ năm 2015, phân bố ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và thị xã La Gi. Các đối tượng gây hại khác phân bố rải rác trên toàn vùng trồng thanh long như thán thư, bọ trĩ, thối rễ, teo tóp cành, rệp sáp, nám cành, bồ hóng...
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trong những ngày tới, do thời tiết ngày nắng nóng, gió nhiều làm ẩm độ trong vườn thanh long thấp. Vì vậy, bệnh đốm nâu tiếp tục giảm cả về diện tích và mức độ nhiễm bệnh. Ngược lại, bệnh vàng cành, cháy cành, thối cành sẽ tiếp tục phát sinh gia tăng diện tích gây hại. Các đối tượng khác như thối rễ, teo tóp cành, rệp sáp, bọ trĩ, kiến gây hại rải rác trên toàn vùng trồng thanh long.
Về biện pháp phòng trừ, theo ông Nguyễn Hữu Quang- Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đối với những vườn đang bị vàng cành, thối cành, bà con cần phun thuốc phòng trừ bệnh và bón các loại phân giàu lân, canxi, magie, kali,… để tăng sức đề kháng cho cây, hạn chế các bệnh vàng cành, thối cành phát sinh gây hại. Riêng đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, các Trạm BVTV tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn. Tuyên truyền, phổ biến Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long (quy trình sửa đổi, bổ sung) của Cục Bảo vệ thực vật cho người dân. Vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh. Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng (vết bệnh cũ) trong vườn thanh long vì đây là các ổ nấm giúp mầm bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan gây hại.
K.H
Tân Yên (Bắc Giang): Thu gần 300 triệu đồng/ha ớt
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Vụ đông xuân năm 2015, huyện Tân Yên trồng khoảng 200 ha ớt chỉ thiên (dẫn đầu tỉnh Bắc Giang về diện tích cây trồng này).
Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Trại, xã Cao Xá thu hoạch ớt.
Các giống được đưa vào trồng gồm: Hai mũi tên, GS39, GM888 với ưu điểm: Dễ canh tác, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Sau khi trồng hơn 2 tháng, ớt cho thu hoạch kéo dài 5 tháng, năng suất bình quân đạt khoảng 14 tấn/ha.
Thương nhân TP Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg, mỗi ha ớt người dân thu gần 300 triệu đồng.
PV
Đồng Xoài (Bình Phước): Điều được mùa, được giá
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Đến nay, dù điều chưa bước vào chính vụ thu hoạch nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết nông dân đều phấn khởi vì được mùa, được giá hơn so với năm 2016.
Nông dân xã Tiến Hưng (Đồng Xoài - Bình Phước) thu hoạch điều
Anh Phùng Văn Thế (50 tuổi), ngụ khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (Đồng Xoài) có 8 ha điều đang cho thu hoạch năm thứ 6 tại ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng (Đồng Phú) phấn khởi: “Năm nay điều được giá hơn nhiều. Ngay từ đầu mùa (trước và sau tết Bính Thân), giá dao động từ 31 - 34 ngàn đồng/kg điều tươi. Đến nay, giá điều vẫn giữ nguyên, thậm chí còn tăng”. Hiện mỗi ngày gia đình anh Thế thu hơn 1 tạ điều tươi và thương lái vào tận vườn đóng bao thu mua với giá 33,5 ngàn đồng/kg. Anh Thế cho biết, giá điều năm nay cao hơn từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Anh dự đoán, vào chính vụ, giá điều có thể giảm nhưng giảm thấp nhất cũng chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, tức còn 28 - 29 ngàn đồng/kg, bằng giá đầu vụ năm trước. Năm 2015, giá điều đầu vụ 28 ngàn đồng/kg, đến chính vụ giảm còn 22 ngàn đồng.
Hiện vườn điều của gia đình anh Thế phần lớn đang trong thời kỳ trổ bông nhưng dự đoán năng suất sẽ cao hơn năm trước. Bởi vụ điều năm nay không xuất hiện sương muối nên trổ bông đẹp và đậu trái nhiều hơn năm 2015. Với 8 ha điều, năm 2015, gia đình anh Thế thu 25 tấn, năng suất bình quân đạt 3,1 tấn/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi 600 triệu đồng. Vụ điều năm 2016, dự kiến năng suất đạt 3,3 - 3,5 tấn/ha, thu nhập trên 800 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng điều, tiêu, cao su, cây ăn trái, anh Thế cho rằng, so với các loại cây trồng thì điều là cây trồng ít đầu tư, ít tốn công chăm sóc. Trồng điều mỗi năm chỉ vất vả 2 tháng thu hoạch, còn lại là “xả hơi” nên nông dân vẫn gắn bó với cây điều.
Ở Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hưng, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài), hàng trăm xã viên phấn khởi vì vụ điều năm nay được mùa, được giá. Ông Vũ Đức Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Nếu xã viên áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc và chủ động được nước tưới dưỡng bông, năng suất điều sẽ tăng 1/3”. Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hưng hiện có 240 xã viên, với tổng diện tích 1.400 ha điều ở các xã Tiến Hưng (Đồng Xoài), Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) và Đồng Nai (Bù Đăng). Qua kiểm tra, khảo sát vườn điều của các xã viên, ông Vũ Đức Bộ cho hay, hầu hết vườn điều ra bông đều và đẹp. Đó là tín hiệu vui cho nông dân và các xã viên, bởi năng suất điều năm nay dự kiến sẽ tăng từ 3 - 5 tạ/ha (năm 2015 năng suất đạt 3 - 4 tấn/ha). Đặc biệt giá điều năm nay tăng cao và từ đầu mùa đến nay vẫn giữ mức ổn định.
V. Thuyên
Lai Vung (Đồng Tháp): Giá ớt giảm mạnh
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Đầu vụ hè thu, nông dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp) trồng ớt trúng mùa, năng suất và sản lượng đạt cao khoảng 17 tấn/ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá ớt giảm mạnh.
Cụ thể, ớt sừng trâu vàng từ 19.000 đồng/kg giảm xuống còn 12.000 đồng/kg; ớt chỉ thiên từ 21.000 đồng/kg, giảm còn 14.000 đồng/kg (giảm khoảng 7.000 đồng/kg so trước Tết Nguyên đán). Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu giảm lượng tiêu thụ, trong khi đó nông dân các nơi đang vào vụ thu hoạch rộ, ớt bị ứ đọng nhiều nên giá giảm mạnh.
Nguyên Hãn
An Giang: Nghịch lý vụ đông xuân
Nguồn tin: Báo An Giang
“Nghịch lý của vụ đông xuân năm nay là lúa chất lượng thấp (IR50404), mà giá lại cao, trong khi lúa chất lượng cao thì… giá thấp. Doanh nghiệp (DN) trong nước thì “ưu tiên” mua lúa của nông dân (ND) Campuchia, trong khi lúa của ND tỉnh nhà thì mua cầm chừng” – ông Đặng Văn Tây (nông dân xã Tân Lập, Tịnh Biên, An Giang) bức xúc.
Lúa chất lượng thấp, giá cao
Ngồi nhìn ruộng lúa Jasmine của mình đã đến ngày cắt nhưng giá cả trên thị trường vẫn ở mức thấp, ông Đặng Văn Tây (người đã có nhiều năm trồng lúa Jasmine ở xã Tân Lập) không khỏi ngao ngán. Nhà nước khuyến khích ND gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, như: Jasmine, OM9676, OM4900 để xuất khẩu có giá, giúp DN xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu trong xuất khẩu lúa gạo. Riêng giống lúa có chất lượng thấp như IR50404, Nhà nước khuyến khích diện tích xuống giống không quá 20% diện tích gieo trồng của tỉnh nhưng thực tế không kiểm soát được. Cái Nhà nước khuyến khích trồng, ND làm theo thì giá rất thấp, cái không khuyến khích thì giá cao. “Nếu xét về tính hiệu quả của một chủ trương đưa ra để vận hành một nền sản xuất thì rõ ràng chính sách khuyến khích trên không hiệu quả” – ông Tây khẳng định.
Lúa chất lượng thấp được thương lái mua giá cao là một nghịch lý trong sản xuất đông xuân 2016
“Một vấn đề nữa tôi cho là nghịch lý. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, ND gieo sạ lúa thì nên sử dụng các loại giống xác nhận để lúa có độ thuần chủng cao, giúp DN xuất khẩu có giá tốt. Quá trình sản xuất, ND tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhưng khi thu mua, thương lái dùng ghe có trọng tải lớn mang đi mua lúa ở khắp các cánh đồng. Họ “đổ xá” các loại giống lúa vào nhau, rồi mang đến nhà máy xay xát. Vậy thì gạo xuất khẩu làm sao có độ thuần chủng cao? Việc khuyến cáo ND gieo trồng các giống lúa xác nhận, khử lẫn trước khi thu hoạch có còn ý nghĩa hay không” – ông Dương Văn Hồng (xã Long Điền B, Chợ Mới) giãi bày.
Chi phí tăng, lúa vẫn không trúng
“Vụ sản xuất đông xuân năm nay không thuận lợi cho nhà nông. Nguyên nhân do lũ thấp, ruộng đồng không có phù sa, chi phí gieo sạ tăng cao vì đất phải xới 2 - 3 lần. Đồng không ngập nước nên sâu bệnh nhiều hơn các năm, đặc biệt là chuột cắn phá rất nhiều. Chi phí cho vụ sản xuất tăng nhưng lúa vẫn không trúng. Những năm trước, trà lúa đầu có thất thì những trà sau lúa sẽ có năng suất nhưng năm nay, tất cả các trà lúa, năng suất không bằng những năm trước. Lúa Jasmine thất mùa lại rớt giá” – bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Tân Tuyến, Tri Tôn) lo lắng.
Tuân thủ theo những khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, gia đình bà Hạnh sản xuất 5 héc-ta lúa Jasmine. Chi phí cho vụ sản xuất năm nay tăng 20% nhưng hiệu quả sản xuất không có. “Phân bón năm nay không tăng, một bao phân urê có giá từ 330.000 – 335.000 đồng/bao nhưng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì tăng. Chai Til Super 250cc giá từ 170.000 – 180.000 đồng/chai, tăng 10.000 đồng so với những năm trước. Chi phí sản xuất tăng, nhưng lúa vẫn không trúng” – bà Hạnh nói thêm.
Khảo sát tình hình sản xuất đông xuân tại các địa phương cho thấy, diện tích áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” có địa phương đạt 70 – 75% diện tích xuống giống nhưng cửa hàng thuốc BVTV trên địa bàn xã, huyện thì “dầy đặc”. Nhiều doanh nghiệp triển khai xây dựng kho bãi tại địa phương nhưng chỉ mua lúa IR 50404 của Campuchia (CPC), lúa của ND địa phương thì mua thấp hơn giá thị trường. “Doanh nghiệp về địa phương xây dựng kho chứa lúa nhưng mấy năm nay có mua được một hột lúa nào cho dân ở đây nhờ? Đa phần cửa kho mở để nhập lúa IR 50404 của CPC, chúng tôi rất thất vọng” – ông Huỳnh Trung Thu, Chủ nhiệm HTXNN Hà Bao 1, xã Đa Phước (An Phú) bức xúc.
Sản xuất đông xuân là vụ mùa chính của ND trong tỉnh. Hiệu quả sản xuất “thấp kém” đã phản ánh phần nào những “bất cập” từ cơ chế, chính sách trong điều hành nền sản xuất nông nghiệp nước nhà nói chung, xuất khẩu gạo của VN nói riêng. Minh chứng cho điều này là việc DN trong tỉnh “ưu tiên” mua lúa IR 50404 của CPC. Lúa chất lượng thấp lại có giá cao; còn lúa chất lượng cao thì giá thấp. Nhanh chóng điều chỉnh những bất cập này chính là “mệnh lệnh” của cuộc sống để ngành Nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung hội nhập thành công vào các sân chơi quốc tế trong thời gian tới.
“ Nếu nông dân tuân thủ quy trình sản xuất lúa mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo như áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” thì giá thành sản xuất ra 1 kg lúa ở vụ đông xuân chỉ còn 2.000 – 2.500 đồng/kg, lúc đó giá lúa thương phẩm có rớt xuống 4.000 đồng/kg thì nông dân vẫn còn lời. Tuân thủ lịch thời vụ, áp dụng triệt để quy trình sản xuất, cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình “Cánh đồng lớn” là những điều kiện tiên quyết để ngành lúa gạo hội nhập vào TPP trong thời gian tới” - Thạc sĩ Nguyễn Phước Thành, Trưởng phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật, Chi cục BVTV An Giang, khuyến cáo.
MINH HIỂN
Ba Tơ (Quảng Ngãi): Phát triển vùng nguyên liệu mía trên đồi núi
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi
Nhờ giá mía ổn định mà năm nay người dân ở vùng nguyên liệu mía của huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để có thu nhập cao và giữ vững vùng nguyên liệu thì người trồng mía cần đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng và chất lượng mía.
Hiện nay, người trồng mía ở huyện Ba Tơ đang khẩn trương thu hoạch mía. Ông Phạm Văn Dít, thôn Làng Măng, xã Ba Dinh cho biết: “Trồng mía đã hơn 10 năm, thua lỗ hay lời lãi tôi đều nếm trải, nhưng năm nay nhờ giá mía ổn định nên thu nhập khá”. Còn bà Đinh Thị Hạnh, thôn Gò Năng, xã Ba Vì cũng giàu lên nhờ mía. Bởi ngay từ đầu, gia đình bà đã xác định: “Trồng mía lâu dài phải có đầu tư, chăm bón thật kỹ lưỡng để cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy giá mía mỗi năm mỗi khác, nhưng không phải vậy mà mình phá rồi chuyển sang trồng cây khác. Với những vùng đất cằn cỗi, bạc màu thì phải thay đổi cây trồng, cải tạo lại đất rồi năm sau lại trồng mía. Chính nhờ chăm sóc kỹ, đầu tư “mạnh” nên gia đình tôi có thu nhập ổn định từ việc trồng mía”, bà Hạnh chia sẻ. Cũng theo bà Hạnh, hằng năm, hơn 10ha mía của gia đình cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng. Nhờ đó mà giờ đây gia đình bà đã có một cơ ngơi vững chãi.
Giá mía năm nay ổn định nên người dân phấn khởi trong mùa thu hoạch mới.
Anh Phạm Văn Chót, cùng thôn với bà Hạnh cũng nhờ cây mía mà kinh tế gia đình ổn định hơn rất nhiều. Cứ đến mùa thu hoạch mía là vợ chồng anh có thêm trên dưới 30 triệu đồng. “Nhờ mía mà cái đói, cái khổ của gia đình tôi không còn nữa. So với những cây trồng khác, mía tuy tốn công chăm bón nhưng năm nào cũng cho thu nhập. Còn trồng keo thì ít nhất cũng 4 đến 6 năm mới có thể thu hoạch được mà giá cả cũng chừng đó thôi”, anh Chót cho hay.
Toàn huyện Ba Tơ hiện có 784ha mía. Tuy nhiên, trong quá trình trồng, chăm sóc, người dân chưa áp dụng đúng kỹ thuật, thời gian lưu gốc quá lâu nên dẫn đến tình trạng mía “già hóa”, năng suất thấp. Do đó nhiều hộ đã phá bỏ cây mía để trồng các loại cây khác.
Ông Phan Quang Đức – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ cho biết: "Theo yêu cầu kỹ thuật thì cứ hai năm, bà con phải phá gốc mía để trồng mới. Trồng mía phải chú trọng đầu tư từ khâu cày bừa, bón phân, làm cỏ đến việc thu hoạch thì mới có hiệu quả cao. Năm vừa qua, diện tích mía bị phá bỏ không đáng kể so với những năm trước, nên tổng diện tích mía của huyện vẫn đảm bảo".
Để giữ vững và phát huy thế mạnh vùng mía nguyên liệu thì cần xóa bỏ việc trồng mía theo kiểu “bỏ vãi”. Có như vậy mới mong mía cho năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Phạm Văn Ôn – Chủ tịch UBND xã Ba Dinh cho biết: "Hiện nay, toàn xã có hơn 337ha mía. Nếu bà con đẩy mạnh đầu tư, chăm sóc thì sẽ tăng năng suất. Chính quyền địa phương đã kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Nhà máy Đường Phổ Phong tập huấn, hướng dẫn cho bà con cách trồng theo đúng khoa học – kỹ thuật. Hy vọng những năm sau, chất lượng mía ở đây sẽ có nhiều thay đổi".
MẠNH KHOA
Lận đận... phận cây mì
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Thời điểm hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đang vào chính vụ thu hoạch mì. Tuy nhiên, do năm nay nắng hạn kéo dài, khiến năng suất mì giảm mạnh, kéo theo đó là giá mì tươi, mì khô giảm, nên hầu hết người trồng mì lãi rất thấp, thậm chí thua lỗ.
Người dân hối hả thu hoạch mì.
Mất mùa, mất giá
Chúng tôi đến thôn An Vinh, xã Sông Phan cuối tháng 2. Mặc dù vào thời điểm này, nông dân đang thu hoạch mì rộ. Nhưng theo quan sát, tại khu tập trung phơi mì xắt lát của xã Sông Phan vắng bóng người nông dân. Bên kia, hàng chục người dân vẫn hối hả thu hoạch cây mì dưới cái nắng vàng như mật với tâm trạng buồn rầu, không khí thu hoạch mì như nặng nề hơn. Hỏi ra mới biết, vụ mì hè thu 2015 bị mất mùa lại rớt giá, nên người trồng mì lo lắng là điều không tránh khỏi. Ông Bùi Văn Cường, Trưởng thôn An Vinh, xã Sông Phan cho biết: Tình hình sản xuất vụ mì hè thu 2015 gặp rất nhiều khó khăn. Bước vào đầu mùa vụ khi có mưa xuống bà con nông dân đồng loạt trồng mì. Nhưng khi xuống giống mì rồi thì gặp nắng hạn kéo dài nên hàng trăm ha mì bị chết khô. Số còn lại mọc không đều nên bà con nông dân phải mua lại giống mới và cày bừa trồng lại. Bên cạnh nỗi lo bị mất mùa, năm nay, người trồng mì ở xã Sông Phan còn thêm nỗi lo mất giá do nắng hạn kéo dài, cây mì phát triển kém, năng suất thấp. “Năm nay gia đình tôi thuê 10 ha đất trồng mì, do khô hạn kéo dài nên nhiều ha mì bị chết. Sau đó, tôi trồng lại nhưng năng suất rất thấp. Hiện tôi đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích nhưng sau khi bán ra bị lỗ gần 30 triệu đồng, chưa tính chi phí sản xuất như phân bón, công lao động, vận chuyển… Mì vừa mất mùa, mất giá nên vụ mì này gia đình tôi bị thua lỗ nặng” - ông Cường cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sông Phan cho biết: Toàn xã Sông Phan có trên 2 ngàn ha mì, tập trung nhiều tại thôn An Vinh. Do lượng mưa năm nay ít hơn mọi năm nên sản lượng bình quân chung trên địa bàn xã giảm hơn năm trước. Cụ thể, bình quân 1 ha mì đạt khoảng 15 tấn, thấp so với năm trước 5 tấn. Về giá cả, vụ mì năm ngoái, giá mì tươi tăng liên tục, vào chính vụ giá 1.500 đồng/kg. Còn vụ này, giá mì tươi giảm mạnh, đầu vụ giá từ 800 - 1.000 đồng/kg, còn bây giờ rớt xuống 700 đồng/kg. Giá mì khô hiện tại 3.500 ngàn đồng/kg, thấp hơn năm trước 1.000 đồng/kg. Mất mùa lại mất giá nên thu nhập của người dân thấp hơn nhiều so với năm trước.
Sớm chuyển đổi cây trồng
Theo bà Lê Thị Kim Nhung - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân: Những năm trước, cây mì cho năng suất tốt, cùng với giá cả thuận lợi nên nông dân trồng loại cây này có thu nhập khá. Nhưng năm nay tình trạng hạn hán kéo dài đã làm cho năng suất mì tại địa phương giảm mạnh. Các năm trước, thời tiết thuận lợi, năng suất mì đạt từ 20 - 25 tấn/ha; còn năm nay chỉ đạt mức 15 - 17 tấn/ha. Một khó khăn khác đối với người trồng mì là giá mì đang có chiều hướng giảm mạnh. Hiện, giá mua của các thương lái tại rẫy dao động từ 700 - 900 đồng/kg mì tươi, giảm 500 - 700 đồng/kg so với năm trước nên hầu hết người trồng mì lãi rất thấp, thậm chí còn bị thua lỗ. Hiện, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến khích bà con trồng thử nghiệm cây táo lai, mãng cầu ta và dừa xiêm xanh. Đây là những cây chịu hạn tốt lại có đầu ra tương đối ổn định. Bên cạnh đó, nếu nông dân mạnh dạn đầu tư các loại cây ăn trái như nhãn, quýt, xoài thì sẽ có hiệu quả kinh tế cao…
Thiết nghĩ, với thời tiết khô hạn như hiện nay, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp để bà con nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống.
Hàm Tân là huyện có diện tích chân đất cát khá lớn, nên mì được người dân địa phương xem là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính. Vụ mì hè thu năm 2015, toàn huyện có 9.500 ha mì, tập trung chủ yếu tại các xã: Sông Phan, Tân Phúc và thị trấn Tân Nghĩa. Hiện nông dân Hàm Tân đang vào chính vụ thu hoạch mì, nhưng giá mì tươi và mì khô giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái.
PV
Giải pháp phòng, chống hạn mặn trong sản xuất nông nghiệp
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Nông dân Ba Tri ra thăm đồng. Ảnh: CTV
Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Diện tích lúa Đông Xuân 2015 - 2016 của tỉnh gieo sạ 14.710ha, nhưng tính đến ngày 26-2-2016, toàn tỉnh đã có 10.754ha lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, trong đó mất trắng 5.323ha và con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Điều đáng quan tâm nhất, mặn đã xâm nhiễm đến vùng trồng rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, nguy cơ giảm năng suất, sản lượng trái cây là điều khó tránh khỏi, thậm chí có thể làm chết cây nếu mặn tiếp tục xâm nhiễm sâu và kéo dài. Về lâu dài, hậu quả của nhiễm mặn là làm cho đất lúa khó cải tạo.
Trước tình hình trên, để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng đã đề ra những giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc phòng, chống hiện tượng hạn mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Giải pháp trước mắt
- Đối với sản xuất lúa: theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước để có kế hoạch trữ nước ngọt tưới tiêu cho lúa, huy động mọi phương tiện, tận dụng mọi điều kiện sẵn có để trữ ngọt.
Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới cho lúa, nhất là giai đoạn lúa trổ. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước nhiễm mặn nhẹ (dưới 2%o) cung cấp vừa đủ độ ẩm cho lúa sinh trưởng, không cần thiết đưa nước mặn tích trong ruộng để tránh làm tăng độ mặn trong đất. Tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn cho lúa giai đoạn trổ vì giai đoạn này lúa rất mẫn cảm.
Tăng cường bón phân kali cho cây giúp cây lúa khỏe, tăng tính đề kháng cho cây. Có thể phun một số sản phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: CaSi (25 - 30ml/16 lít), KN03 (10g/1 lít nước), Brassinosteroid (1,6g/1 lít nước).
Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình hạn, mặn xâm nhập.
- Đối với sản xuất cây ăn trái: trong vùng trồng cây ăn trái bị nhiễm mặn thì không tiến hành rải vụ, hạn chế việc tưới nước nhiễm mặn có độ mặn > 2%o trong thời gian nhiễm mặn; tủ gốc, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô… Đối với cây mới trồng nên có biện pháp che bóng cho cây.
Tăng cường bón phân hữu cơ, lân và kali, hạn chế sử dụng các phân hóa học khác. Có thể phun phân bón lá có chứa ka, canxi, silic giúp tăng đề kháng (silic giúp cây trồng tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã). Nơi có điều kiện, tiến hành đắp bờ ngăn mặn, tích nước ngọt trong mương vườn để tưới cho cây. Áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm trong vườn cây ăn trái.
Song song với các biện pháp trên, cần tiến hành tỉa cành, tạo tán, nếu cây đang mang hoa, trái cần cắt bỏ bớt để giảm thoát hơi nước và để duy trì sử dụng ít nước trong thời gian xâm nhập mặn.
Giải pháp lâu dài
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên vùng đất lúa kém hiệu quả; đa dạng hóa và phát triển cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn.
- Điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp cho phù hợp từng vùng sinh thái. Chuyển đổi một số vùng từ sản xuất 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ ăn chắc. Đưa vào sản xuất các giống lúa cực ngắn ngày, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.
- Sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiết kiệm cho lúa và cây trồng cạn, điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.
- Tập trung cho công tác tuyên truyền sâu rộng cho người dân chủ động phòng, chống hạn mặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
- Nghiên cứu chọn tạo các giống lúa, cây ăn trái có khả năng chịu hạn mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
- Hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các công trình ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh
- Nâng cấp độ che phủ rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn.
Nguyễn Thị Nguyệt
Nông dân Lào Cai mất trắng vì thảo quả chết khô
Nguồn tin: Nhân Dân
Đồng bào các dân tộc ở xã Dền Sáng (Bát Xát- Lào Cai) thu dọn thân cây thảo quả bị chết khô.
Sau đợt băng tuyết, rét hại xảy ra hồi cuối tháng 1-2015, hơn tám nghìn ha thảo quả (chiếm 85% tổng diện tích)của nông dân Lào Cai đã bị chết khô, không còn khả năng cho thu hoạch, làm mất nguồn thu của hàng chục nghìn hộ nông dân. Tỉnh Lào Cai đang tập trung các biện pháp thâm canh tối đa nhằm “cứu” thảo quả, ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, biên giới.
Thảo quả chết khô, hàng chục nghìn hộ dân mất nguồn thu
Tỉnh Lào Cai có gần 10 nghìn ha thảo quả (một loại cây dược liệu quý), được trồng ở 7/9 huyện, thành phố, thuộc địa bàn 66 xã vùng cao, vùng sâu của tỉnh. Đây là loại cây “xóa đói giảm nghèo” và làm giàu chủ lực, hiệu quả của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Giáy, Hà Nhì… ở địa phương. Với giá bán bình quân khoảng 120 nghìn đồng/kg quả khô, với tổng sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn quả khô, hằng năm đem về khoảng hơn 300 tỷ đồng cho hàng chục nghìn hộ nông dân của tỉnh. Cây thảo quả được trồng dưới tán rừng già, do đó kết hợp bảo vệ rừng rất tốt. Tuy nhiên, đợt băng tuyết, rét hại “kỷ lục” xảy ra vào cuối tháng 1-2015 đã “hủy diệt” tới 85% diện tích, sản lượng thảo quả “đẩy” nông dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai vào khó khăn, do mất nguồn thu, kéo dài trong 3 - 4 năm tới, do quá trình hồi sinh của loại cây này rất chậm.
Trong số các địa phương có trồng thảo quả thì hai huyện Sa Pa và Bát Xát bị thiệt hại nặng nề nhất. Ngày 26-2, chúng tôi lên vùng “trọng điểm” thảo quả của huyện Bát Xát, ở khu rừng nguyên sinh, thuộc xã Dền Sáng, chứng kiến hàng trăm ha thảo quả dập nát, ngổn ngang, khô quắt sau đợt rét hại hồi cuối tháng 1-2015. Chị Lý Tả Mẩy, dân tộc Dao Đỏ thẫn thờ đi giữa nương thảo quả khô quắt nói: “ Cả nhà có sáu nhân khẩu, nguồn thu để trang trải các chi phí trong gia đình, từ sinh hoạt hằng ngày đến học hành của hai đứa con và các chi phí khác trong năm đều trông chờ vào nương thảo quả. Bây giờ, thảo quả chết khô hết rồi, ba năm sau mới có thể lên lại cây để cho quả thu hoạch, từ nay đến khi ấy không biết trông chờ vào đâu. Có lẽ, chỉ còn cách đi bán sức làm thuê, kiếm tiền chi phí sinh hoạt hằng ngày thôi”.
Với hơn một ha thảo quả, nếu không bị rét chết khô thì tháng 10 tới, gia đình chị Mẩy có thể thu hoạch được khoảng năm tạ quả khô, có trong tay từ 50- 60 triệu đồng; đối với đồng bào vùng cao thì đây là một số tiền lớn. Cũng như chị Mẩy, anh Hoàng Kin Siểu vừa thu dọn những thân cây thảo quả dập nát ngổn ngang trên nương, vừa than vãn: “Nhà mình có hơn ba ha thảo quả, đợt băng tuyết làm hỏng hết, tất cả bị chết khô, thế là mất trắng nguồn thu hơn một tấn quả, trị giá hàng trăm triệu đồng. Bây giờ có chăm tốt, củ thảo quả lên mầm, chăm sóc tốt thành cây mới, thì cũng phải 3 - 4 năm sau mới có quả trở lại. Còn trong 3 - 4 năm tới là không có nguồn thu”.
Theo Chủ tịch UBND xã Dền Sáng Hoàng Thông Liềm, rét hại làm mất trắng 326 ha thảo quả của hơn 300 hộ đồng bào người dân tộc Dao của xã. Trong 3 - 4 năm tới, người dân mất nguồn thu, chắc chắn cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ sẽ tái nghèo. Do mất nguồn thu, thiếu việc làm, nhiều người dân sẽ bỏ đi nơi khác làm thuê, gây xáo trộn về an ninh - trật tự ở địa phương.
Ở huyện Sa Pa, vùng trồng thảo quả lớn nhất của tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng kinh tế huyện cho biết: Sa Pa có khoảng 4.766 ha thảo quả, được trồng dưới tán rừng già, thuộc dãy Hoàng Liên, ở 18/18 xã, thị trấn; sản lượng hằng năm đạt khoảng 900 tấn quả khô, đem lại nguồn thu khoảng hơn 100 tỷ đồng cho khoảng 4.000 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Xa Phó… ở địa phương. Do băng tuyết phủ dày, trong thời gian kéo dài 2-3 ngày, nhiệt độ xuống thấp đến mức kỷ lục là âm bốn độ C nên đã làm cho thảo quả bị dập, gẫy đổ và khô héo. Đặc biệt, từ sau rằm tháng Giêng đến nay, thời tiết nắng ấm, hanh khô do vậy thảo quả bị chết khô hàng loạt, chỉ cần một đốm lửa nhỏ là có thể gây đại hỏa hoạn, trên diện rộng mà khó dập tắt lửa. Theo thống kê của Phòng kinh tế Sa Pa, 100% diện tích thảo quả bị dập nát, chết khô, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Điều nguy hiểm là trong 3 - 4 năm tới, hàng nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, ở các xã vùng cao, vùng sâu bị mất nguồn thu hằng năm, cho đến khi cây thảo quả hồi sinh, phát triển trở lại.
Nỗ lực”cứu” thảo quả hồi sinh
UBND tỉnh Lào Cai xác định khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong quý I. Đối với vùng cao, vùng sâu, Sở NN và PTNT phối hợp với chính quyền địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thâm canh tối đa, nhằm “cứu” thảo quả hồi sinh sau rét hại.
Ông Sí Xuân Kiên- Phó phòng NN và PTNT huyện Bát Xát cho biết: Tuy cây thảo quả bị chết khô, không còn khả năng cho quả nhưng phần gốc (củ) vẫn có khả năng hồi sinh để mọc lên cây mới. Biện pháp phù hợp lúc này là hướng dẫn, đôn đốc bà con nông dân phát dọn, thu gom thân cây thảo quả bị chết khô, dọn vệ sinh gốc, sau đó bón thúc bằng phân bón phù hợp để kích thích củ thảo quả ra mầm cây mới. Lứa cây mới này sau 3 - 4 năm sẽ tạo thành bụi cây và cho thu hoạch quả; tuy nhiên năng suất sẽ giảm so với trước. Theo ông Kiên, đây là biện pháp tối ưu nhất, vì gây giống thảo quả rất khó khăn, thời gian kéo dài, hơn nữa nếu trồng mới cũng rất tốn kém.
Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, bà con nông dân ở Lào Cai đang tập trung nhân lực phát dọn thực bì, thu gom cây thảo quả bị chết khô và bón thúc mầm để hồi sinh diện tích thảo quả bị thiệt hại sau rét. Một số địa phương áp dụng hình thức cung ứng phân bón trả chậm để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Vấn đề đặt ra là, bắt đầu vào mùa nắng ấm, thời tiết hanh khô rất dễ gây cháy rừng; vì vậy khi thu gom, xử lý thân cây thảo quả chết khô bằng cách đốt bỏ, cần thực hiện tốt các biện pháp cách ly để phòng ngừa cháy rừng.
QUỐC HỒNG