Cần có cơ chế nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Để đối phó với hạn hán, nhiều nông dân đã tìm đến giải pháp tưới nước tiết kiệm. Thế nhưng để làm được điều này vẫn không dễ.
Nhiều cái lợi từ tưới tiết kiệm
Mặc dù trời nắng, nhưng vào giữa trưa, anh Trần Đức Trung, khối 5, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil - Đắk Nông) vẫn thong dong vặn khóa, bật máy bơm tưới nước cho vườn rau của mình. Để làm được điều này, vườn rau 1 ha của anh Trung đã được lắp đặt hệ thống tưới béc tiên tiến. Đây là một trong số những mô hình có quy mô lớn và đi đầu trên địa bàn huyện Đắk Mil, đưa công nghệ tưới béc vào sản xuất trong điều kiện khô hạn.
Anh Trần Đức Trung đã đầu tư hệ thống tưới béc cho 1 ha rau của mình
Anh Trung cho biết: “Với công nghệ tưới Israel này, đầu tư một sào chi phí vào khoảng 4 - 5 triệu. Tưới béc vừa giảm bớt công lao động, lại có thể tưới thời gian nào cũng được, mà không sợ bị xói mòn đất. Còn rau không bị dập như tưới bằng tay...”
Anh Trung nhẩm tính, trước đây mỗi tháng chỉ thu về từ 20 - 25 triệu, nay đưa công nghệ tưới về, thu gần 30 triệu đồng.
Tương tự, anh Lê Quang Phi, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt hơn 1 năm nay, nhờ được hỗ trợ 100% kinh phí từ Dự án Triển khai mô hình thử nghiệm các công thức phân bón NPK hòa tan chuyên dùng cho cây hồ tiêu.
Nói về lợi ích từ cách làm này, theo anh Phi, chỉ cần mua phân, thuốc bảo vệ thực vật hòa tan với nước và tưới. Tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước hoàn toàn. Nước không bị bốc hơi… Theo UBND xã Nâm N’Jang, toàn xã có trên 2.200 ha hồ tiêu nhưng mới chỉ có 5 sào của gia đình anh Phi là có hệ thống tưới tiết kiệm.
Nhưng áp dụng không dễ
Nhiều nông dân đã nhìn thấy lợi ích từ tưới nước tiết kiệm. Nhưng thực tế, toàn tỉnh vẫn chưa có nhiều hộ áp dụng mô hình này. Theo ngành Nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 10 mô hình tưới nước tiết kiệm. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/ QĐ- TTg, ngày 14/11/2013 về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Trong đó việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm được ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay. Tuy vậy, thực tế người dân vẫn chưa tiếp cận được vốn này. Mặt khác, để áp dụng được mô hình tưới nước tiết kiệm hiện đại, bà con còn gặp không ít khó khăn về vật tư, kỹ thuật.
Theo anh Phi, tưới béc phải có máy. Nếu như mình nổ máy thời gian dài, tốn chi phí điện, dầu lớn... Chưa kể, trường hợp cây tiêu cần nước khá lớn, nên bắt buộc phải tưới thêm ở ngoài (tưới bằng vòi truyền thống). Mặt khác, chi phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước có giá từ khoảng 30 - 70 triệu đồng/ha. Với mặt bằng chung, số tiền đầu tư lớn như vậy thì nhiều nông dân không đủ khả năng để làm. Nếu Nhà nước hỗ trợ 50% vốn thì bà con mới có thêm cơ hội đầu tư trên diện rộng…
Có thể nói, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra ngày càng gay gắt. Việc bà con nông dân trong tỉnh chủ động lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm nước được coi là giải pháp khả thi cho vấn đề này. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư khá lớn thì nhiều nông dân vẫn còn băn khoăn.
Hồng Thoan
Đắng lòng vì mướp đắng
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Với người dân xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình những năm trở lại đây, mướp đắng trở thành cây kinh tế chủ lực, mang lại nguồn thu nhập lớn giúp người dân giảm nghèo. Tuy nhiên, năm nay điều kiện thời tiết bất lợi, bà con nông dân địa phương đang lao đao, đắng lòng vì cây mướp đắng.
Hộ gia đình chị Đinh Thị Nga ở thôn Thắng Lợi, xã Hưng Thủy 5 năm liền trồng cây mướp đắng. Với điều kiện đất cát pha tơi xốp phù hợp với giống cây này, nên năm nào cây mướp đắng cũng phát triển tốt, sai quả, cho thu nhập cao. Ngoài mấy sào đất trong vườn, chị dành toàn bộ đất màu trong vùng để thâm canh cây mướp đắng.
Vì vậy, với 8 sào đất và cây chủ lực là mướp đắng, hàng năm chị có nguồn thu nhập khá cao, ổn định để nuôi các con ăn học. Vụ đông - xuân năm 2015- 2016, trên cơ sở kinh nghiệm thâm canh sẵn có, đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định, chị mở rộng diện tích trồng cây mướp đắng lên 12 sào với kỳ vọng sẽ có nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết rét 3 đợt liên tục, đặc biệt có sương muối bao phủ khiến cây mướp đắng bị úa vàng, một số ít cây còn bị chết rộc, quả mướp đắng khi còn nhỏ đã bị quăn queo, không phát triển.
Chị Đinh Thị Nga chia sẻ: “Năm ngoái tui trồng 8 sào mướp đắng, trừ hết chi phí cũng thu được 50 đến 60 triệu đồng. Năm nay tui trồng đến 12 sào mà chỉ mới bán được khoảng 8 triệu đồng, chưa đủ trả tiền thuê nhân công, tiền phân bón và làm giàn. Nhà tui sống là nhờ nhiều vào cây mướp đắng, giờ giêng hai giáp hạt mướp đắng lại mất mùa nữa nên khó khăn vô cùng. Nhưng giờ có nắng ấm lên, tui cũng phải cố gắng làm cỏ, chăm sóc cây để tận thu một ít lứa mướp nhánh, mong khắc phục một phần thiệt hại.”
Cùng với gia đình chị Nga, hàng chục hộ nông dân khác ở xã Hưng Thủy cũng đang điêu đứng vì cây mướp đắng. Hiện tại, toàn xã này có tới 30% tổng số hộ dân trồng cây mướp đắng, hộ trồng nhiều khoảng 12, 13 sào, hộ ít cũng 1, 2 sào. Mướp đắng mấy năm trở lại đây là cây kinh tế chủ lực, mỗi sào cây mướp đắng cho thu nhập từ 18 đến 20 triệu đồng, trong đó cho lãi ròng gần một nửa.
Năm nay, toàn xã Hưng Thủy có 35ha cây mướp đắng thì hầu hết trong số đó đều bị thiệt hại khoảng 70%, ước tính toàn xã mất trắng từ 3 đến 4 tỷ đồng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Như hộ ông Nguyễn Tiến Vũ ở thôn Thắng Lợi, trên diện tích 12 sào mướp đắng bị thiệt hại quá nặng, ông đành bó tay ngậm ngùi nhìn cây ngày càng héo úa. Trước tình hình này, ông chỉ đợi thu hoạch quả mướp nhỏ quăn queo để chế biến nấu nước uống giải nhiệt, đồng thời đầu tư chăm sóc hy vọng vào cây sắn đang gối vụ trên chính mảnh đất trồng mướp đắng.
Vụ mùa cây mướp đắng bắt đầu được trồng từ tháng 11 dương lịch hàng năm. Để cây phát triển đến ngày thu hoạch, nông dân Hưng Thủy phải đầu tư công làm đất, chăm sóc, tiền phân bón, làm giàn cho cây leo; đặc biệt nhiều hộ còn thuê người làm cỏ, vun trồng chăm sóc cây.
Chỉ còn khoảng gần 1 tháng nữa là cây mướp đắng sẽ hết vụ, vì thế giải pháp tình huống hiện tại của UBND xã Hưng Thủy là vận động bà con nông dân tập trung chăm sóc cho những diện tích có thể cho thu hoạch nhằm khắc phục được một phần thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra; đồng thời chăm sóc tốt cho cây sắn, khoai và rau màu gối vụ để cải thiện thu nhập.
An Phương (Đài TT- TH Lệ Thủy)
Rễ hương... dễ ăn
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Những người dân xã miền núi Thanh Nho (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, cây rễ hương có thể cho hiệu quả kinh tế gấp 10 lần trồng keo.
Cây rễ hương giúp nông dân làm giàu
Tuy nhiên, muốn cây rễ hương phát huy được giá trị, điều quan trọng là hiểu kỹ thuật trồng, chăm bón và phải tuân thủ trồng luân canh với một số loại cây trồng khác.
Năm 2003, những mái đồi rậm rạp cây dại, đất sỏi nhựa, đất thịt, độ dốc lớn được người dân xã Thanh Nho mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây rễ hương. Nhờ rễ hương, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên những mảnh đồi mà chỉ trước đó ít năm không ai nhìn ngó tới. Giờ thì những khoảnh đất nhỏ hoang hóa bên đường, trên những triền đồi đều bát ngát màu xanh rễ hương.
Theo người dân, trồng rễ hương không khó, đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao. Rễ hương có thể trồng bằng hom cây giống lứa trước để lại, cũng có thể trồng bằng hạt. Theo tính toán, mỗi ha rễ hương cần đầu tư khoảng 3 tấn cây giống, 1 tạ phân lân, 2 tạ ure… Trồng bằng hạt tốn ít công và chi phí hơn, chủ yếu do quả của mùa trước rụng xuống, người trồng chỉ cần tỉa dặm thành hàng, luống, bổ sung phân đạm…
Tổng chi phí đầu tư ban đầu chưa đến 25 triệu đồng/ha. Trồng trên đất sỏi nhựa cây rễ hương ít công chăm sóc, sau 1 năm có thể cho 22 tấn rễ tươi/ha. Với giá bán bình quân là 6 nghìn đồng/kg rễ tươi, năm đầu tiên, nông dân có thể thu về 132 triệu đồng/ha, trừ mọi chi phí lãi ròng trên 80 triệu đồng.
Kể từ mùa vụ thứ 2, người trồng rễ hương có thể tận dụng quả rụng làm giống vì vậy, hiệu quả kinh tế còn cao hơn năm đầu. Thông thường, chu kỳ sinh trưởng của cây rễ hương từ lúc trồng (khoảng tháng 8) đến lúc thu hoạch là 9 - 10 tháng. Nhưng người dân thường để khoảng 1 năm mới thu hoạch. Lúc này, dù cây rễ hương ra hoa, tạo quả nhưng chất lượng rễ vẫn đảm bảo.
Hạt sẽ rụng xuống mọc thành cây con, sau khi thu hoạch xong, người trồng chỉ cần tỉa dặm thành hàng, bổ sung một ít phân, lân, đạm, vùn gốc là 1 năm sau sẽ có thu hoạch. Như vậy, chi phí cây giống sau năm thứ nhất không phải mất (khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha). Vì thế, lãi ròng gần 100 triệu đồng/ha/năm.
Thông thường, rễ hương được thu hoạch vào dịp nắng nóng. Để giảm công vận chuyển, nông dân thường phơi khô ngay trên những ngọn đồi cao. Tính ra, bán khô hay bán tươi đều cho nguồn thu như nhau. Thời điểm đắt hàng, mỗi kg rễ tươi có thể lên đến 15.000 đồng, rễ khô là 28.000 đồng/kg…
Trước đây, toàn bộ diện tích vườn đồi của gia đình, ông Hoàng Đình Hợp, trú tại xóm 7, xã Thanh Nho đều trồng keo nguyên liệu.
Tuy nhiên, thấy được hiệu quả của cây rễ hương, những năm gần đây ông đã chuyển sang trồng loại cây này. Nhờ trồng 2 ha rễ hương, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm được xe tải vận chuyển rễ hương đi nhập cho các đại lý lớn. Thời gian rảnh rỗi, con trai ông còn thu mua chè cành từ Thanh Chương chở vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình bán kiếm lời.
Ông Hợp nhẩm tính: “Mỗi ha keo trồng với mật độ vừa phải là 1.500 cây. Chi phí thuê trồng, phân bón, bảo hành trong vòng 1 tháng sẽ hết 1.500 x 3.000 đồng/cây, vị chi hết 4,5 triệu đồng. Chi phí phát sẻ, chăm sóc, chặt bán, vận chuyển không dưới 20 triệu đồng.
Như vậy đã “ngốn” hết gần 30 triệu đồng. Nhanh lắm thì sau 6 năm mới thu hoạch, sản lượng khoảng 80 tấn, tổng nguồn thu khoảng 70 triệu đồng, lãi ròng 40 triệu đồng/ha/6 năm. Mỗi năm, trồng keo giỏi lắm lãi được 7 triệu đồng/ha. So với trồng rễ hương thì thua xa!”.
Hiệu quả kinh tế vượt trội nhưng hàng năm, diện tích cây rễ hương tại Thanh Nho vẫn chỉ tăng khiêm tốn và mới chạm mức 70 ha.
Lý giải điều này, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thanh Nho cho biết: “Tiềm năng tăng diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, đầu ra của cây rễ hương trên đất Thanh Nho vẫn còn rất lớn và chúng tôi cũng đang khuyến khích mở rộng.
Tuy nhiên, đặc tính của cây rễ hương là có thể làm vón đất nên sau vụ mùa thứ 3 liên tiếp, nông dân phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như sắn, keo… để cải tạo đất. Từ thực tế đó, diện tích rễ hương hàng năm biến động theo hướng tăng diện tích nhưng không đáng kể”.
Theo ông Hoàng Đình Hợp, loại cây trồng phù hợp nhất để cải tạo đất trồng rễ hương là cây keo: “Mỗi lứa keo chu kỳ 6 - 7 năm sẽ tạo ra một lớp thực bì dày, cải tạo giúp đất tơi xốp. Vì vậy, sau 3 năm liên tiếp trồng rễ hương, tôi sẽ trồng 1 lứa keo. Ở đây, hầu hết các hộ trồng rễ hương đều thực hiện theo công thức này và đều cho hiệu quả kinh tế cao. Thực tế, nếu chỉ trồng keo, tiền có thể thu được 1 lần nhưng tính ra hiệu quả thấp, làm sao nông dân có thể làm giàu được? Cây rễ hương mới là cây làm giàu nhưng phải luân canh để cải tạo đất”.
VÕ VĂN DŨNG
Nghệ An: Cứu hạn bằng "máy bơm tre"
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Không cần phải vận hành, không tiêu tốn nhiên liệu, hàng trăm "máy bơm" bằng tre nứa đang ngày đêm cứu những cánh đồng lúa của bà con vùng cao Nghệ An khỏi hạn hán.
Xã Tiền Phong (Quế Phong) người dân tự làm hàng trăm guồng nước để chống hạn cho cây lúa.
Theo dự báo, trong năm 2016 địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ xảy ra tình trạng hạn hán khó lường, nhất là khu vực miền núi. Tuy còn 1 - 2 tháng nữa mới bước vào cao điểm nắng nóng, nhưng một số địa phương đã xảy ra hạn hán. Chính quyền các địa phương đang tích cực vào cuộc, tìm mọi cách hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.
Tại xã Tiền Phong (Quế Phong), ông Nguyễn Đình Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong vụ xuân năm 2016 toàn xã có gieo cấy 259 ha lúa nước. Do hồ đập cạn nên có đến 170 ha bị thiếu nước. Trước tình hình đó, chính quyền đã vận động người dân tích cực nạo vét kênh mương nhưng vì nhiều hồ đập cạn nên khó khắc phục. Chính quyền huyện cũng đã huy động máy bơm, hỗ trợ tiền mua dầu để giúp người dân chống hạn.
Ngoài những chiếc máy bơm nước chạy bằng diezen thì biện pháp truyền thống của nhiều cụm dân cư miền núi là dùng guồng đưa nước về đồng ruộng. Toàn xã Tiền Phong có 103 guồng nước do người dân tự làm, tự đầu tư. Những chiếc “máy bơm nước tre nứa” này đã thành văn hóa nông nghiệp của người vùng cao, đang phát huy hiệu quả tích cực.
Trên vùng đất cao cưỡng, việc tận dụng các guồng nước tỏ ra khá hiệu quả trong tưới cho diện tích lúa Xuân.
Tại bản Đan, nơi xảy ra hạn hán nặng nhất xã Tiền Phong trong vụ Xuân vừa qua, bà con đã lắp đặt guồng nước khắc phục, hiện chỉ còn một số diện tích bị thiếu nước cục bộ. Ông Lương Văn Chung, người dân ở bản Đan cho biết: Mỗi chiếc guồng thường do 3 - 4 nhà có ruộng liền kề chung nhau.
Nếu 4 người làm mất khoảng 2 tuần mới xong được một chiếc guồng. Sau một năm sử dụng, hoặc khi gặp mưa lũ cuốn trôi hoặc làm hư hại, bà con lại phải làm lại từ đầu nên rất tốn công sức.
Ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) có 288 chiếc guồng nước hoạt động ngày đêm nên cánh đồng lúa nơi đây luôn đảm bảo nước tưới. Ông Sầm Văn Kính, Bí thư Đảng uỷ xã Châu Tiến cho biết: Nhờ người dân chủ động sắm máy bơm nước, đặc biệt là những chiếc guồng nước đã giúp cho việc phòng hạn rất thuận lợi. Hiện toàn xã gần như không có diện tích lúa nước bị thiếu nước tưới.
Theo dự báo, trên địa bàn miền Tây Nghê An, hạn hán năm nay đến sớm, lượng mưa ít nên ảnh hưởng rất lớn đến mùa màng. Để chủ động đối phó với tính chất phức tạp của khí hậu, thời tiết nhiều địa phương cũng tập trung giải pháp chuyển đổi cây trồng.
Năm 2015 người trồng mía ở huyện Con Cuông phải chịu một mùa mía "đắng" do nắng hạn.
Hiện tại một số địa phương như Con Cuông, Quỳ Châu đang có phương án liên kết với Nhà máy sữa TH bao tiêu cây ngô cho bà con. Trên cơ sở đó chuyển đổi khoảng đất lúa khô hạn sang trồng ngô ngắn ngày. Còn tại huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Biện pháp trước mắt là hạn chế tưới để tiết kiệm nước, đồng thời điều chỉnh thời vụ để phù hợp với tình hình thời tiết.
Hữu Vi
Giảm giá thành sản xuất lúa, chuyện xưa nhưng không cũ
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Giảm giá thành, nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất lúa không phải là câu chuyện mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, đòi hỏi người nông dân có cái nhìn bao quát hơn về tình hình sản xuất từ đó có những điều tiết phù hợp.
Sử dụng máy cấy mạ, một trong những giải pháp giúp nông dân giảm đáng kể lượng lúa giống gieo sạ
Việt Nam có diện tích sản xuất lúa gạo khoảng 4 triệu ha/năm. Lúa gạo được xem như mặt hàng chiến lược liên quan đến sản xuất và đời sống của nông dân trồng lúa. Những năm qua, Việt Nam tham gia vào xuất khẩu gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, những nước sản xuất và xuất khẩu gạo như: Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Campuchia... đã có những thay đổi về chính sách như: xây dựng thương hiệu, cạnh tranh về phí vận chuyển... Trong khi đó, các nước nhập khẩu gạo lại điều chỉnh theo hướng tự túc lương thực, chỉ nhập đủ dùng, các quốc gia này quan sát thị trường để tìm cơ hội nhập khẩu gạo với giá có lợi nhất. Tình hình này đã làm gia tăng lượng gạo cung toàn cầu, tăng lượng gạo tồn kho tại các nước xuất khẩu gạo, do đó giá gạo thế giới có xu hướng sụt giảm.
Tại tỉnh Đồng Tháp, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích canh tác lúa toàn tỉnh trên 500 ngàn ha/năm, tổng sản lượng cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 3,4 triệu tấn, tăng gấp đôi so với thập niên 90. Tình hình sản xuất lúa ở Đồng Tháp có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được nông dân vận dụng vào sản xuất, nhờ vậy giúp Đồng Tháp hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa thường đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh những mặt thuận lợi, thì hiện trạng sản xuất lúa của nông dân vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo ghi nhận của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Tháp, giá thành sản xuất lúa của nông dân Đồng Tháp hiện vẫn ở mức khá cao, trung bình từ 21 - 24 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất dao động từ 3.200 - 4.400 đồng/kg lúa, trong khi đó giá lúa nhiều vụ vừa qua nông dân bán rất thấp, có thời điểm thấp gần bằng với giá thành sản xuất, khiến cho mặt hàng chủ lực này gặp nhiều rủi ro hơn trên thị trường.
Cách đây 20 năm, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông về sản xuất lúa giảm giá thành. Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất ở đồng ruộng, thói quen canh tác thiếu khoa học của nông dân, kết hợp với nhiều nguyên nhân khách quan khác như: tình hình thiên tai, dịch hại... nông dân ở nhiều địa phương đã “mạnh tay” đầu tư vào sản xuất hơn. Thay cho khuyến cáo của nhà khoa học là gieo sạ trung bình từ 80 - 100 kg/ha, thì có nhiều vùng nông dân gieo sạ gấp đôi tỷ lệ so với tỷ lệ trên. Khi mật độ gieo sạ quá dày sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận.
Theo bà Tô Thị Bích Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Đồng Tháp, để nông dân thay đổi về tư duy sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường, trong năm 2015, với sự tư vấn của GS.TS. Nguyễn Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trung tâm KNKN thực hiện thí điểm mô hình giảm giá thành sản xuất ở huyện Tháp Mười. Với mô hình này, Trung tâm hướng dẫn nông dân thực hiện theo qui trình 1 phải - 5 giảm, lượng lúa giống gieo sạ từ 180kg/ha (kỹ thuật truyền thống) giảm xuống còn 120 kg/ha (trong mô hình); kết hợp hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp bón lót, cày vùi phân vào đất nhằm hạn chế tình trạng phân bón bốc hơi gây thất thoát và lãng phí. Nhờ gieo sạ mật độ hợp lý, kết hợp bón phân cân đối nên cây lúa khỏe, hạn chế được số lần phun thuốc BVTV đáng kể, từ đó giá thành sản xuất cũng giảm. Sắp tới, Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục triển khai mô hình và hướng dẫn nông dân tiếp tục giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 120kg/ha xuống còn 100kg/ha.
Anh Trần Văn Trọn - thành viên trong mô hình sản xuất lúa giảm giá thành ở Hợp tác xã An Phong, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi không ngờ việc điều chỉnh lượng giống gieo sạ và sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý hơn có thể giúp tăng lợi nhuận gần 9 triệu đồng/ha, so với kỹ thuật trước đây chúng tôi vẫn thường làm. Nhiều nông dân rất phấn khởi. Những vụ tiếp theo, chúng tôi tiếp tục ứng dụng kỹ thuật này để nâng cao thu nhập”.
GS.TS. Võ Tòng Xuân nhận định, mô hình giảm giá thành không những giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi tức trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân nên sâu bệnh, dịch hại cũng ít hơn. Nhờ vậy, nông dân cũng hạn chế tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và BVTV, từ đó chất lượng hạt gạo được nâng lên. Ngoài ra, việc hạn chế bón đạm, sử dụng thuốc BVTV giúp cho môi trường sản xuất tốt hơn, hạn chế phát khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp thì giải pháp giảm giá thành trong sản xuất là một trong những chìa khóa giúp nông dân nâng khả năng chủ động và tăng lợi tức nhiều hơn từ cây lúa.
Mỹ Lý
An Giang: Nhân rộng kỹ thuật “1 phải, 6 giảm”
Nguồn tin: Báo An Giang
Sau nhiều vụ liên tiếp được nông dân áp dụng và nhân rộng tại vùng 1 của xã Phú Thành (Phú Tân, An Giang), kỹ thuật “1 phải, 6 giảm” (áp dụng “1 phải, 5 giảm” kết hợp giảm phát thải khí nhà kính) đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, mô hình sản xuất vừa đảm bảo kinh tế cho người dân, vừa thân thiện với môi trường như “1 phải, 6 giảm” (1P6G) được đánh giá là sự lựa chọn hợp lý.
Cuốn rơm trên đồng sau thu hoạch, bỏ tập quán đốt rơm để giảm khí thải nhà kính
Nếu như vụ đông xuân 2012-2013 chỉ có 9 nông dân tham gia thực hiện mô hình 1P6G thì đến nay, tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Phú Thượng đã có 150 hộ áp dụng kỹ thuật này, với tổng diện tích 286 héc-ta. Ông Trần Văn Tài, Phó Chủ nhiệm HTX NN Phú Thượng cho biết, trong 9 hộ tham gia thí điểm ban đầu: 3 hộ thực hiện kỹ thuật ngập – khô xen kẽ kết hợp sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma; 3 hộ thực hiện ngập – khô xen kẽ và 3 hộ canh tác kỹ thuật truyền thống. Mỗi vụ sơ kết đánh giá, cán bộ cùng nông dân đều ngồi lại phân tích rõ những ưu điểm tiết kiệm của mô hình, đồng thời thấy năng suất, lợi nhuận tăng lên nên các hộ lân cận không ngừng mở rộng diện tích áp dụng. Những ngày đầu áp dụng, có khi nông dân lúng túng vì trả bài lý thuyết kỹ thuật cho cán bộ, còn bây giờ ai cũng rành rọt: 1 phải là sử dụng giống xác nhận; 6 giảm là giảm lượng hạt giống, phân đạm bón thừa, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nước tưới, tổn thất sau thu hoạch, giảm phát khí thải nhà kính. Đặc biệt, nông dân được lưu ý giảm phát khí thải nhà kính vì thời gian qua sử dụng phân bón nhiều, đốt rơm sau thu hoạch phát sinh nhiệt nhà kính. “Vụ hè thu năm 2014, bà con tham gia rất đông, mô hình được duy trì thêm 2 vụ nữa mới kết thúc. Từ đó đến nay, bà con vẫn kiên trì áp dụng kỹ thuật 1P6G để làm nếp đạt năng suất, chất lượng. Số nông dân tham gia hiện nay chiếm 60% thành viên của HTX và dự kiến vẫn tiếp tục tăng thêm” – ông Tài cho hay.
Cánh đồng vùng 1 của xã Phú Thành đang mùa thu hoạch, nông dân ai nấy đều phấn khởi vì nếp năm nay “thắng lợi kép”, vừa được năng suất cao, vừa bán được giá. Trong đó, nhiều người khẳng định, chính kỹ thuật của 1P6G quyết định một phần thắng lợi cho các mùa vụ. Vụ đông xuân 2016, nông dân trồng nếp đạt năng suất từ 7,5 - 8 tấn/héc-ta trở lên, so với ruộng thường năng suất 7,2 – 7,3 tấn/héc-ta. Với kỹ thuật 1P6G, nông dân còn tiết kiệm được chi phí từ 2 đến 4 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn nông dân canh tác truyền thống từ 5 - 6 triệu đồng. Ông Phan Hồng Phú, một trong những nông dân áp dụng kỹ thuật 1P6G ngay từ đầu thời gian thí điểm cho biết, ưu điểm lớn nhất là cây nếp sinh trưởng cứng cáp, ít đổ ngã nên chất lượng hạt nếp tốt hơn. So màu lá lúa thấy cây nếp cần gì thì bón phân bón đó, chứ không làm theo tập quán và bón quá nhiều gây lãng phí lại không có lợi cho đất. Trên diện tích 14 công, ruộng nếp của ông Phú tiết kiệm được chi phí khoảng 200.000 đồng/công. Những hộ có diện tích lớn như ông Đinh Văn Sang, ông Nguyễn Công Khắng, ông Nguyễn Văn Tồn làm nếp từ 8 – 10 héc-ta cũng áp dụng kỹ thuật này để giảm chi phí và tăng thêm lợi nhuận.
Bỏ tập quán đốt rơm rạ trên đồng, thay vào đó nông dân đã đầu tư máy cuốn rơm để bán rơm cho những nơi khác trồng rẫy hoặc nấm. Canh tác lúa giảm phát khí thải nhà kính triển khai trên địa bàn HTX NN Phú Thượng đã mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế- xã hội và môi trường, đặc biệt là năng suất và lợi nhuận đều tăng.
MỸ HẠNH
Bạc Liêu công bố thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn cấp độ 2
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Ngày 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung ký Quyết định số 442 về việc công bố thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại trực tiếp đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trà lúa Tài nguyên của nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) bị thiệt hại do mặn xâm nhập. Ảnh: M.Đ
Theo đó, rủi ro thiên tai ở cấp độ 2; thời gian xảy ra thiên tai từ tháng 10/2015 đến cuối tháng 6/2016. Đối tượng cây trồng bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai là trà lúa sản xuất trên đất tôm - lúa năm 2015, trà lúa thu đông năm 2015 và trà lúa đông xuân năm 2015 - 2016.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê chính xác diện tích lúa bị thiệt hại, mức độ bị thiệt hại do thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn, nhu cầu kinh phí hỗ trợ lúa giống để khôi phục sản xuất.
Đồng thời các địa phương tổng hợp báo cáo gửi về Sở NN&PTNT kiểm tra, thẩm định thông qua Sở Tài chính xem xét, giải quyết kinh phí hỗ trợ; thực hiện hỗ trợ kịp thời cho nông dân theo quy định, đúng đối tượng, đúng chính sách, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng trục lợi. Ngoài ra, khuyến cáo nông dân không xuống giống lúa vụ hè thu sớm do không đảm bảo nguồn nước tưới…
MĐ
Nguy cơ xóa sổ vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) là cây ăn trái đặc sản nổi tiếng có vùng trồng chuyên canh lớn nhất nước, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Song, giờ đây vú sữa Lò Rèn đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ”.
Nhà vườn đến nay không còn mặn mà với cây vú sữa
Teo tóp
Trở lại vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thời điểm này, chúng tôi không còn thấy những vườn xanh mướt, trĩu trịt trái, mà thay vào đó là trồng xen canh, hoặc đã chuyển đổi sang cây trồng mới.
Đi đến đâu hỏi thăm chúng tôi cũng chỉ thấy bà con lắc đầu ngao ngán, thậm chí nhiều chủ vườn đã từng gắn bó với cây ăn trái đặc sản này hàng chục năm cũng không còn mặn mà.
Điển hình như ông Tư Xê, ấp Hữu Lợi, xã Hữu Đạo, người có thâm niên 15 năm trồng vú sữa Lò Rèn. Giờ đây cứ ai đề cập đến việc khôi đầu tư phục lại vườn vú sữa là ông gạt phắt. Số là vài năm gần đây, vườn vú sữa nhà ông bị bệnh khô cành, thối rễ rồi chết nên phải đốn bỏ để thay thế bằng bưởi da xanh và dừa.
Từ hơn 100 cây vú sữa Lò Rèn đã chết dần chết mòn chỉ còn vài chục cây đang sống thoi thóp. Ông Xê đang chuẩn bị đốn nốt để tiếp tục “chữa cháy” bằng bưởi và dừa.
Tương tự, dù nhiều năm gắn bó với cây vú sữa nhưng trước thực trạng vườn cây đang tàn lụi dần khiến ông Nguyễn Văn Hòa, xã Kim Sơn cũng phải đốn bỏ.
Ông Hòa than vãn: “Không hiểu sao những năm gần đây, tuổi thọ của vú sữa Lò Rèn ngày càng giảm, mặc dù đầu tư chăm sóc tốt nhưng cây vẫn bị suy kiệt nhanh. Thực tế vòng đời của cây vú sữa bây giờ chỉ còn khoảng vài năm là hỏng nên không hiệu quả bằng trồng sầu riêng hay sa pô!”.
Số lượng trái vú sữa của HTX thu mua được từ nhà vườn rất ít
Gần đó ai đi ngang qua vườn nhà ông Lê Văn Đông (Mười Đông) ở ấp Long Trị, xã Bàn Long cũng lắc đầu xót xa bởi khu vườn tan hoang như có ma làm. Ông Mười Đông thở dài tâm sự: “Chẳng hiểu thứ bệnh gì mà oái oăm thế, cứ “ăn” mục nát hết cả chùm rễ khiến cho ngọn cây vú sữa héo quắt như bị “ung thư” thì còn hy vọng gì cứu chữa nổi. Thậm chí bà con chúng tôi đã chủ động tìm mọi cách phòng trị bệnh cho cây nhưng cũng đành bó tay!”.
Theo ông Mười Đông, gia đình ông trồng vú sữa từ sau giải phóng, với diện tích khoảng 7.000m2. Trước kia vườn phát triển rất tốt nhưng mấy năm gần đây thấy rễ cây vú sữa bỗng dưng bị bong vỏ ngoài dẫn đến cành lá bị héo khô và trái cũng nhỏ dần.
Ông vội tìm mua giống vú sữa nâu về trồng xen, nhưng chẳng được bao lâu cả hai cũng đều "dính" bệnh, cả vườn cây teo tóp. Đến nay ông đã đốn gần hết, chỉ còn giữ lại gần chục gốc vú sữa già, thay vào đó là cây mít Thái.
Chờ đốn củi
Trước tình trạng vườn vú sữa có hiện tượng khác thường, chỉ cần rung nhẹ trái rụng như mưa rào, không thể ngồi yên, một nhóm nhà vườn đã bàn nhau đào những gốc cây lên để tự “chẩn bệnh”. Khi cạy từng mảng vảy xám xịt ở gốc rễ, mọi người lắc đầu vì thấy rễ cây đã thối mềm nhũn như bị bệnh “ung thư”.
Thu hoạch vú sữa trong những vườn cây già cỗi
Cùng tâm trạng chán nản như bao nhà vườn khác, ông Hai Tuất, Tổ trưởng tổ 6, ấp Long Hòa B, xã Bàn Long tâm sự: “Gia đình tôi sống và gắn bó với cây vú sữa Lò Rèn này mấy chục năm nay, ở đây phần lớn đều là vườn chuyên canh, ai trồng cây đặc sản này cũng cho thu nhập khá.
Tuy nhiên, giờ thì nhiều vườn cây già cỗi, bị bệnh rồi chết khiến nhà vườn chán nản. Vườn vú sữa nhà tôi đã chết gần hết, tôi chỉ giữ lại được vài gốc, lại có biểu hiện nhiễm bệnh, nguy cơ sắp thành… củi khô rồi”.
Trước kia 5 công vườn nhà ông Tuất trồng được gần 100 gốc vú sữa Lò Rèn, đến nay ông đã phải đốn gần hết để chuyển qua trồng ổi và sầu riêng.
Anh Trương Thành Vinh, Phó Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim khẳng định: “Chưa bao giờ cây vú sữa lại rơi vào tình trạng có nguy cơ bị “xóa sổ” như hiện nay. Bây giờ thật khó mà tìm được vườn vú sữa nào còn nguyên vẹn. Thị trường đầu ra rất bấp bênh, HTX rơi vào thế bế tắc, chỉ hoạt động cầm chừng...".
Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, trước đây nhà vườn ít bón phân vô cơ, không xử lý nhiều nên cây vú sữa sống thọ, năng suất cao. Tuy nhiên, gần đây người dân khai thác quá mức khả năng cho trái khiến cây suy kiệt, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Mặt khác các loại cây ăn trái khác phát triển rất mạnh nên nhà vườn có nhiều sự lựa chọn...
“Chúng tôi đã đi khảo sát vùng trồng vú sữa Lò Rèn. Thực tế cho thấy những vườn quá già cỗi, chuyên canh kéo dài hàng chục năm nên có thể đất đã mất cân đối dinh dưỡng... Cần bón phân hữu cơ để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất, phục hồi lại bộ rễ cây và trẻ hóa trên chính những gốc cây cũ chứ không phải chặt đi trồng mới”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam.
MINH SÁNG
Ngừng rải vụ cây ăn trái để tránh hạn, mặn
Nguồn tin: Dân Việt
Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã khuyến cáo các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long không tiến hành rải vụ, kích thích cây ăn trái ra hoa trong thời gian hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt như hiện nay.
Cùng với cây lúa và các sản phẩm thủy sản, sản xuất cây ăn trái tại vùng ĐBSCL thời gian qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, nước mặn đã xâm nhập đến những vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang…
Xoài là giống cây ăn trái có khả năng chịu độ mặn trong nước cao. Ảnh:T.H
Tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), nơi được xem là vương quốc cây giống của vùng ĐBSCL, dự báo thiệt hại do xâm nhập mặn thời gian qua tới hơn 30 tỷ đồng. Nguyên nhân là do người dân sử dụng nước nhiễm mặn để tưới cây gây ra hiện tượng cháy lá, rụng hoa, quả, cây mất sức sống, thậm chí chết cây…
Theo phân tích của TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, ĐBSCL có khoảng 280.000ha diện tích cây ăn trái các loại, trong đó, chủ yếu là cây có múi, là loại cây trồng rất mẫn cảm với nước lũ, ngập mặn. Trên thực tế, từ cuối năm 2015, đã có nhiều diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL giảm năng suất, thậm chí chịu cảnh “chết đứng” do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.
Để hạn chế những thiệt hại do hạn, mặn, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) mới đây khuyến cáo các địa phương không tiến hành rải vụ đối với các diện tích cây ăn quả bị nhiễm mặn, đồng thời kéo dài thời gian giữa hai lần tưới. Đặc biệt, nếu độ mặn lên mức > 2/1.000 thì hạn chế tưới nước cho cây.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt cũng cho rằng, nhà vườn nên tạo lớp màng phủ để giữ ẩm cho cây trồng, có thể dùng rơm, rạ, cỏ, lục bình… phủ lên gốc để giữ ẩm cho cây. Trong thời điểm nhiễm mặn cần tăng cường bón phân hữu cơ và lân, kali hạn chế bón phân hoá học khác. Song song với các biện pháp trên, nhà vườn nên tiến hành tạo tán, tỉa cành để giảm thoát hơi nước và để duy trì cây sử dụng ít nước trong thời gian xâm nhập mặn.
Trong khi đó, theo một số nhà chuyên môn, so với các giống cây có múi, cây xoài chống chịu mặn khá hơn, ngược lại, cam, quýt thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn hoặc chịu mặn kém, riêng bưởi và chanh có khả năng chống chịu được độ mặn từ 0,2 – 0,3/1.000.
Do đó, với những diện tích trồng mới, nhà vườn nên cân nhắc lựa chọn giống cây trồng phù hợp, không thực hiện việc trồng mới trong mùa khô và giai đoạn xâm nhập mặn.
Trong vụ hè thu 2016, Cục Trồng trọt cũng đặt mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên đất lúa với diện tích khoảng 15.000ha, chủ yếu sang các loại cây trồng khác như bắp (ngô), lạc (đậu), khoai lang, rau màu khác… nhằm hạn chế thiệt hại do thiếu nước tưới.
Thuận Hải
Cơ hội xuất khẩu cho trái cây Đồng Tháp
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp,
Từ ngày 28 – 31/3, Tập đoàn In Jae (Hàn Quốc) có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp để hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh đầu tư Dự án nhà máy chế biến, bảo quản trái xoài, trái chanh và các nông sản xuất khẩu.
Đại diện Tập đoàn In Jae (Hàn Quốc) khảo sát kho, xưởng tại chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp
Sau khi hoàn tất các thủ tục, phía Tập đoàn In Jae quyết định ký hợp đồng thuê đất và nhà xưởng tại Chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) với quy mô nhà xưởng 3.575m2. Dự kiến, công suất thiết kế hơn 10.000 tấn sản phẩm trái cây/năm, với tổng vốn đầu tư của dự án là 33 tỷ đồng. Thông qua dự án, chủ đầu tư mong muốn xuất khẩu các loại trái cây, nông sản đóng gói của tỉnh Đồng Tháp sang các nước trong khu vực châu Á.
Khi chính thức đi vào hoạt động tại Đồng Tháp, Tập đoàn In Jae lấy tên là Công ty TNHH In Jae Đồng Tháp. Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 12/2016.
Dịp này, Tập đoàn In Jae cũng đến thăm Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh, vùng trồng nhãn huyện Châu Thành và các công ty chế biến trên địa bàn tỉnh.
Hoài Minh
Tăng mạnh diện tích vải thiều xuất khẩu
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Sau vụ đầu tiên xuất khẩu thành công vải thiều Lục Ngạn sang Mỹ và một số thị trường mới, năm nay tỉnh Bắc Giang tiếp tục sản xuất vải theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để đưa loại quả này vươn xa hơn nữa, tăng thu nhập cho người trồng.
Nông dân xã Hồng Giang chăm tưới nước, bảo đảm đủ ẩm cho cây
Tăng diện tích
Sau chuyến đưa nông sản “thuận buồm xuôi gió” thâm nhập thị trường Mỹ, năm nay tỉnh chỉ đạo huyện Lục Ngạn tập trung chăm sóc 150ha vải thiều VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
Đến nay, Cục BVTV đã cấp cho Bắc Giang 16 mã vùng xuất khẩu sang Mỹ, Úc tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Sơn, Tân Mộc, Kiên Lao (huyện Lục Ngạn). Việc cấp mã số sẽ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của từng hộ nên người dân đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.
Những ngày này, tại nơi được cấp mã số vùng trồng không khí lao động tấp nập hơn. Thôn Kép 1, xã Hồng Giang là vụ thứ hai tham gia sản xuất vải thiều xuất khẩu nên bà con có kinh nghiệm. Ngay khi thu hoạch xong, chủ vườn đốn tỉa cành, dọn sạch cành lá thay vì để tại vườn như trước đây.
Vụ này, gia đình anh Nguyễn Văn Lưu vẫn duy trì hơn 1ha vải GlobalGAP, hàng ngày ghi đầy đủ nhật ký làm vườn. Được biết, năm ngoái, năng suất vải đạt hơn 15 tấn quả/ha, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg tại vườn, anh Lưu thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Tại thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn người dân lại không khỏi lo lắng bởi là năm đầu tiên tham gia sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, bà con đang tập trung dọn vệ sinh vườn, thu gom lá khô, làm sạch cỏ dại dưới tán cây để hạn chế nơi trú ngụ của sâu bệnh.
Theo ông Nông Văn Xuân, trưởng một mã vùng của thôn, những biện pháp chăm sóc dù đòi hỏi tốn nhiều công hơn song với thâm niên trồng vải lâu năm thì không có gì khó với người dân. Tuy nhiên, điều ông trăn trở nhất là những loại thuốc BVTV mà Mỹ cấm thì trước đây người dân vẫn thường dùng. Thế nên ngày ngày, ông bám vườn rồi cùng các thành viên trong nhóm họp, chia sẻ kinh nghiệm và vận động người dân thay đổi thói quen cũ, chỉ sử dụng loại thuốc theo khuyến cáo.
Lập đường dây nóng tư vấn kỹ thuật
Với đặc thù khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ chỉ cần kiểm tra, phát hiện một tiêu chuẩn nào đó không đạt là hàng hóa bị trả lại, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ nông sản của Việt Nam trong vòng 10 năm. Do đó, việc sản xuất vải xuất khẩu là trách nhiệm nặng nề, điều này luôn được cán bộ kỹ thuật nhắc nhở đến người dân trong các đợt tập huấn; tuyên truyền những loại thuốc nằm trong danh mục Mỹ cấm cho cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại vùng sản xuất vải xuất khẩu.
Vùng vải thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn
Đồng hành cùng với người dân, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện Lục Ngạn bám sát cơ sở, tư vấn biện pháp chăm sóc; trang bị sổ ghi nhật ký làm vườn cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Toản, cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang cho biết: “Đến nay, Chi cục đã tập huấn xong hai đợt bao gồm chăm sóc vải thời kỳ phân hóa mầm hoa và giai đoạn vải ra hoa; đồng thời lập đường dây nóng để tư vấn, giải đáp kịp thời vướng mắc thông qua số điện thoại 0986626550”.
Để chuẩn bị cho việc tiêu thụ sản phẩm, Sở Công thương Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu về vải thiều; lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực để thu mua và xuất khẩu vải thiều. Còn Sở KH-CN rốt ráo hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản vải nhằm kịp thời ứng dụng trong vụ vải này.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của rét muộn kéo dài nên thời điểm này vải mới nở hoa rộ, chậm hơn 20 ngày so với năm ngoái. Dự báo, cũng có thể xuất hiện đợt nắng nóng và bão ảnh hưởng đến giai đoạn quả xanh. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, các nhà vườn cần chăm sóc tốt cho vải ở từng giai đoạn để cây tăng sức chống chịu với điều kiện bất thuận.
Trong đó, chú trọng tỉa thưa để tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt. Khi hoa tàn, hình thành quả non thì nên rung cành để các cánh hoa còn bám lại trên cây rụng hết sau đó mới phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; đồng thời sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng lân và kali cao, hàm lượng đạm thấp để bón cho cây.
"Khu vực phía Bắc đã được đầu tư trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội nên năm 2016, doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Mỹ sẽ thuận lợi hơn, không phải vận chuyển hàng hóa vào TP.HCM như trước đây", ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH-CN Bắc Giang.
TRỊNH LAN
Mùa xoài đón Thanh Minh
Nguồn tin: Báo An Giang
Lập vườn trồng xoài đang thịnh hành ở vùng cao, nhất là các khu vực ven triền núi Cấm và núi Dài lớn (An Giang) tiếp tục phát triển mô hình này. Đồng thời, kỹ thuật canh tác cũng khác với truyền thống, nhà vườn xử lý ra hoa, kết trái và thu hoạch trái vụ vào dịp Tết, Thanh Minh (hay còn gọi là lễ Tảo mộ ông bà) hàng năm.
Xoài núi tiếng tăm một thời
Trái xoài thanh ca Bảy Núi vỏ dày, màu xanh lá cây đậm, lúc sống vị chua nhưng khi chín trở nên ngọt thanh. Nhờ vậy, quá trình vận chuyển ít bị dập, trầy xước, không xuống màu và có thể bảo quản được dài ngày. Ông Nguyễn Văn Thứ (xã An Phú, Tịnh Biên) cho hay, người ta thường nói xoài núi không ngon, nhưng thực chất vẫn được ưa chuộng, khách tham quan hay tìm mua. Bởi lẽ, xuất phát từ thổ nhưỡng, khí hậu, rồi thời tiết tác động đến chu kỳ sinh trưởng. “Xoài núi trồng hột khác với mọc hoang dã, hương vị rất đậm đà” – ông Thứ nói. Đó là nhờ thịt xoài không xơ, hột nhỏ, khi chín cũng không nhão.Thấy được lợi thế này, nhiều thương lái, bạn hàng vùng ĐBSCL đổ xô về đây, ngay cả ngoài miền Trung và miền Bắc cũng vào mua nông sản xoài thanh ca xứ núi. “Đến với Bảy Núi, họ mua xoài trái, vừa mua xoài lá (xử lý ra hoa, kết trái… theo ý muốn từng thời điểm), góp phần làm cho loài cây ăn trái bản địa này trở nên sung túc” – ông Huỳnh Linh Hải (Tổ trưởng Tổ hợp tác làm vườn xã An Phú) cho biết. Hàng năm, trước Thanh Minh chừng nửa tháng hoặc hai mươi ngày thì bạn hàng khắp nơi đến mướn chỗ, đóng bến mua xoài núi. Vào thời vụ xoài, hoạt động mua bán sống động lên hẳn.
Mùa xoài Bảy Núi đón Thanh Minh
Theo nhiều cư dân xứ núi, trái xoài thanh ca trọng lượng vừa, chín có màu vàng sậm nhưng sáng rực, đậm chất thiên nhiên nên được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là các tỉnh giáp ranh biên giới phía Bắc. Người ta đồn đãi rằng, xoài thanh ca Bảy Núi… xuất khẩu sang Trung Quốc là như vậy. “Đâu có mua bán trực tiếp mà biết. Miễn sao nông sản bán được, mình kiếm chút đỉnh đồng lời, còn bà con mần ăn cũng được là mừng rồi” – ông Trần Văn Năm (thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên) nói vui. Vậy là, cây xoài núi được dịp phất lên, tạo đà cho nhiều mô hình làm vườn hiện nay.
Điệp khúc mất mùa – được giá
Đối với vùng đất gò cao, cư dân xứ núi lập vườn và thử nghiệm nhiều loại, ai nấy kỳ vọng chọn cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và thời tiết từng khu vực. Đặc biệt, ít sử dụng nước tưới để ứng phó điều kiện khô hạn, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Qua kiểm nghiệm, có lẽ không cây nào thay thế được xoài, bởi dù thời tiết khô hạn vẫn cho trái bình thường, các loại giống mới chứng tỏ tính thích nghi tốt, như: Cát Hòa Lộc, xoài ghép bưởi, ba màu, xoài cát chu, xoài Thái… được nhà vườn quan tâm tiếp tục ứng dụng.Song, thời tiết mấy năm gần đây có nhiều biến đổi, càng xử lý ra hoa và kết trái nghịch mùa lại càng rủi ro. Chẳng hạn, gặp những trận mưa trái mùa, đợt sương muối… khiến nhà vườn khó mãn nguyện. Đó là chưa kể tình trạng ký sinh trùng gây hại trái, sâu đục thân dẫn đến cây bị chết đứng. Hồi trước Tết Bính Thân 2016, ông Huỳnh Linh Hải (Tổ trưởng Tổ hợp tác làm vườn xã An Phú) hướng dẫn chúng tôi đi xem một số miếng vườn, rồi nói: “Năm nay, ai có xoài bán coi như hốt bạc, giá tăng gấp đôi, ba lần. Vậy mà, nhiều người hổng có xoài để bán, cứ nhìn cây lá đành ngậm ngùi”.
Ông Lê Văn Tâm (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, Tịnh Biên) lý giải, biện pháp kỹ thuật xử lý xoài rất quan trọng, hơn nhau khoảng tuần lễ (trễ hoặc sớm) mà gặp thời tiết không thuận thì coi như phủi tay và mất vài triệu đồng/công. “Nếu để xoài sinh trưởng theo tự nhiên, ra hoa và kết trái theo mùa thì không được vì do ảnh hưởng thời tiết xoài không trổ bông, khi có trái cũng bị sâu bệnh, thu hoạch lỗ công chăm sóc. Do vậy, nhiều nhà vườn mạnh dạn xử lý kỹ thuật, có xoài bán còn hơn không. Dẫu sao, xoài vẫn là cây trồng thích hợp đất núi, diện tích xen cây rừng luôn phát triển”- ông Tâm giãi bày.
Hiện tại, giá bán lẻ xoài cát Hòa Lộc khoảng 40.000 đồng/kg, xoài cát chu 25.000 đồng/kg, xoài thanh ca 20.000 đồng/kg, các loại khác khoảng 15.000 đồng/kg… tăng gấp 2 – 2,5 lần so cùng kỳ năm ngoái. Trong dịp Thanh Minh này, xoài thanh ca Bảy Núi không còn “xuất khẩu” mạnh, nhưng vẫn có bạn hàng các nơi đến mua.
TRỌNG ÂN